Không biết Kinh thương xót có từ ngày nào, nhưng từ ngày “Đức Bà đi viếng Bà Thánh Isave”, tín hữu Kitô giáo đã biết kêu cứu lòng Chuá thương xót rồi, qua lời kinh bất hủ của Trinh Nữ Thụ Thai cất lên tại Ein Karim, nơi thân mẫu Tiền Hô Tẩy Giả đứng chào đón người chị em họ của mình: “Suscepit Israel puerum suum, recordatus misericordiae, sicut locutus est ad patres nostros, Abraham et semini eius in saecula” (Chúa độ trì Israen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời).

Và sau đó, trong Tin Mừng về Người Con của Trinh Nữ Thụ Thai, nhiều lần ta được nghe những lời nài van thương xót đầy cảm kích và sự hạ cố nhiệt tình của Người Con này trước những nài van ấy. Chuyện người đàn bà Canaan còn đó nài nỉ Người chữa lành cho đứa con gái: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mt 15:22). Rồi chuyện người đàn ông, sau biến cố hiển dung trên núi Tabo, đến van xin Người chữa lành đứa con trai: “"Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi” (Mt 17:15). Và lời cầu xin thương xót tha tội mà không triều giáo hoàng nào đã phản ảnh rõ nét bằng triều giáo hoàng Phanxicô: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi!” của người thu thuế (Lc 18:13).

Và chính Người Con ấy nói nhiều đến lòng thương xót, liệt kê nó vào một trong các điều chính của Hiến Chương Nước Trời (Các Mối Phúc): “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

Các môn đệ của Người dấn bước theo Thầy không quên giáo lý nền tảng ấy, không vị nào không nói đến lòng thương xót. Không lạ gì, Giáo Hội, từ rất sớm, đã dùng Thánh Vịnh làm nòng cốt cho các giờ kinh phụng vụ trong ngày của mình. Các Thánh vịnh này liên tiếp nói đến lòng thương xót (ít nhất 28 Thánh vịnh minh nhiên nói đến nó, có Thánh vịnh nói đến nó 3 lần).

Và trong Thánh Lễ, Kinh Thương Xót được đặt ngay ở phần đầu, liền sau nghi thức thú tội. Đã đành Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót) vốn có từ Cựu Ước, nhưng được đưa vào phụng vụ từ lúc nào, thì chưa có tài liệu nào xác minh. Chỉ biết là rất sớm. Theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo ấn bản 1914, thì phái Arrian đã trưng dẫn nó vào thế kỷ thứ hai: "Khi khẩn nài Thiên Chúa, chúng ta đọc Kyrie Eleison (Diatribæ Epicteti, II, 7)”.

Nguyên lai không phải là điều quan trọng, chỉ biết trong Giáo Hội Công Giáo “Kyrie eleison” trở thành lời van vỉ khôn nguôi trên môi miệng tín hữu hết từ đời này qua đời nọ. Và tín hữu nào cũng tin vào sức mạnh hay lực đẩy của lời van vỉ này, vì quả tình không có lòng Chúa thương xót, đến hơi thở, họ cũng sẽ không có.

Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20 thì “lòng Chúa thương xót” gặp trở ngại. Chuyện này thì ai cũng đã thấy với việc nữ tu Faustina Kowalska, người Ba Lan, bị giáo quyền bác bỏ điều bà cho biết là việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.

Ai cũng biết hai chủ đề chính của lòng sùng kính trên là tín thác vào lòng nhân từ bất tận của Chúa Kitô và biểu lộ lòng thương xót đối với người khác, bằng cách hành động như máng chuyển lòng Chúa thương xót cho họ.

Không giáo quyền nào chống lại hai nguyên tắc vô cùng chính thống này. Trái lại, toàn bộ giáo hội Ba Lan hỗ trợ việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót của bà. Và việc sùng kính này không những mở rộng khắp nơi trên lãnh thổ Ba Lan mà còn được truyền bá sang Hoa Kỳ và được các vị Giáo Hoàng, kể cả Đức Piô XII, chúc lành.

Nhưng qua thời Đức Gioan XXIII, các trước tác của bà về Lòng Chúa Thương Xót chính thức bị liệt vào loại sách cấm của Tòa Thánh: ngày 6 tháng 3 năm 1959, Văn Phòng Thánh (nay là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin) ra tuyên bố cấm lưu hành “các hình ảnh và trước tác cổ vũ lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót dưới các hình thức được nữ tu Faustina đề xuất”.

Rất tiếc chúng tôi không có bản văn lệnh cấm trên, nên không biết Văn Phòng Thánh dựa vào các lý do chi để ra lệnh như vậy. Chỉ biết Lệnh cấm đó mãi đến tháng 4 năm 1978 mới được Văn Phòng Thánh chính thức hủy bỏ vì cho rằng lệnh cấm dựa trên bản dịch sai. Có người cho rằng không hẳn thế, mà còn vì các khó khăn thần học như việc nữ tu nói rằng Chúa Giêsu hứa hoàn toàn tha tội nhờ một số hành vi sùng kính mà không nói rõ ơn tha thứ phải được tiếp nhận một cách trực tiếp hay qua việc lãnh nhận các bí tích. Đàng khác, còn là vì đã quá tập chú vào bản thân nữ tu Faustina. Cũng có người nói vì mầu các tia sáng phát ra từ Hình Chúa Giêsu là mầu cờ cộng sản Ba Lan!

Công vận động để bãi bỏ lệnh cấm đó là của Tổng Giám Mục Krakow lúc đó, Hồng Y Karol Wojtyła, người không lâu sau đó được bầu làm giáo hoàng, lấy tên là Gioan Phaolô II. Chính ngài đã phong chân phúc và sau đó hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalska và lập ra Chúa Nhật Lòng Thương Sót như ước nguyện của Nữ Tu. Khỏi nói, việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa phát triển rất nhanh và cùng khắp Giáo Hội hoàn cầu. Lòng sùng kính này càng được củng cố hơn nữa khi Đức Phanxicô lấy lòng thương xót làm nét biểu tượng cho toàn bộ chính sách của ngài. Không biết người ta có nên gọi triều giáo hoàng của ngài là triều giáo hoàng của lòng thương xót hay không. Nhưng phần ngài, ngài có một câu định nghĩa hết sức sâu sắc về Thiên Chúa: Tên Thiên Chúa Là Thương Xót (bài giáo lý ngày 13 tháng 1, 2016).

Người Việt Nam cũng rầm rộ hưởng ứng việc sùng kính này. Có điều lạ là tại nhiều nơi, nó được cử hành song song với các thực hành, tự bản chất, ít có liên hệ đến Lòng Chúa Thương Xót, như đặt tay trên đầu người ta khiến một số người ngã xuống, không biết có người đỡ không, nhưng theo đứa cháu của chúng tôi, thì cái ngã này “chẳng đau chút nào”. Và thường thì thực hành này kéo dài còn hơn cả thực hành sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Và người ta đến không hẳn vì Lòng Chúa Thương Xót mà vì nghi thức này. Đây là việc đã xẩy ra tại Sydney mà bản thân chúng tôi được mục kích. Hồi ấy, Cha Nguyễn Văn Luân, Dòng Chúa Cứu Thế từ Mỹ qua Sydney giảng về Lòng Chúa Thương Xót. Nghi thức kéo dài từ hồi chiều. Vợ chồng chúng tôi tham dự từ lúc đầu. Người thưa thớt, chỉ ngồi hết mấy hàng ghế trên. Nhưng đến tối, khoảng 8 giờ trở đi, thì nhà thờ không còn một chỗ trống. Rất tiếc vợ chồng chúng tôi không đủ kiên nhẫn nên về trước. Không có dịp để chứng kiến cảnh người ngã diễn ra tới tận nửa đêm hôm đó.

Ở Việt Nam, nơi tổ chức việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót nổi tiếng hơn cả là Nhà Thờ Chí Hòa, do Cha Trần Đình Long hướng dẫn. Lúc đó, ngài còn thuộc Dòng Thánh Thể. Người ta kể số người tham dự rất đông, có đến hàng chục ngàn và cha thường mời một số người lên chia sẻ chứng từ phần lớn về những điều lạ lùng xẩy đến với họ nhờ tham dự việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót do Cha Long hướng dẫn. Mấy năm sau, Tổng Giám Mục Sài Gòn là Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Giám Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam, Cha Phan Ngọc Trợ, ra lệnh cho Cha Long chấm dứt mục vụ Lòng Chúa Thương Xót tại Nhà Thờ Chía Hòa và đi Hoa Kỳ nghỉ “sabatico” mà không minh nhiên trình bầy các lý do trong chi tiết. Khiến nhiều người thắc mắc và chính cha Long cũng cho rằng việc làm của ngài không có chi đáng trách cả, nên đã đem ra áp dụng tại nơi nghỉ “sabatico”.

Rồi cha vận động để ra khỏi Dòng Thánh Thể và xin gia nhập tổng giáo phận Sàigòn, nơi rất may, đã có sự thay đổi vị lãnh đạo, không còn là Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nữa mà là Đức Tân Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc. Vị sau không những cho Cha Long gia nhập giáo phận của mình, còn cho phép cha thi hành thừa tác vụ Lòng Chúa Thương Xót như lúc ở nhà thờ Chí Hòa và có lần đã tới tận Giáo Điểm Tin Mừng để cử hành Thánh Lễ.

Qua các video trên youtube, ai cũng thấy sự đông đúc ngày một gia tăng tại Giáo Điểm Tin Mừng với hình thức phụng vụ pha trộn nhiều hình thức sinh hoạt có thể nói rất linh động. Nhưng cốt yếu vẫn có phần chia sẻ chứng từ về những chuyện lạ lùng nhận được do tham dự việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót dưới sự hướng dẫn của Cha Long và việc đặt tay cầu nguyện của Cha Long. Hình thức mục vụ pha trộn này không được vị giám quản hiện nay của tổng giáo phận Sài Gòn là Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng chấp nhận. Nên ngài đã cùng 8 linh mục cố vấn chính thức và trực tiếp cảnh cáo cha Long nhất là trong hai vụ việc: cho người nào bất cứ lên làm chứng trên bục giảng và việc đặt tay cầu nguyện. Có nguồn tin cho hay: Cha Long không nghiêm chỉnh tuân theo chỉ đạo này.

Cha Long được nhiều người ủng hộ, trong đó, nổi tiếng hơn cả có thể là linh mục Đinh Bình Định, người một dạo từng ở trong ban chỉ đạo cùng với linh mục Trần Hữu Thanh chống tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu vào ngay lúc miền Nam sắp rơi vào tay Cộng Sản. Có người cho rằng Cha Đinh Bình Định không nắm vững vấn đề khi nói rằng nói về lòng thương xót không cần phải phép tắc gì cả. Đúng như thế, tôi có thể nói nhăng nói quậy về Lòng Chúa Thương xót, chẳng cần ai cho phép. Nhưng nói trong nhà thờ, nhất là trong thánh lễ và trong tư cách đại diện của Giáo Hội thì khác hẳn. Nhà thờ đâu phải của tôi. Thánh Lễ đâu phải của tôi. Cộng đoàn tín hữu đâu phải của tôi để tôi có thể múa gậy vườn hoang.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã lên tiếng về hình thức cử hành phụng vụ Lòng Chúa Thương Xót của Cha Long. Gần đây nhất có Ông Lê Hải Nam, sử dụng Facebook, viết nhiều bài không ngần ngại phê phán, không phải việc giảng giải về Lòng Chúa Thương Xót của Cha Long, mà về các hành động như làm chứng và đặt tay trong cử hành phụng vụ của ngài là sai trái về phụng vụ và tín lý và tác phong coi thường cảnh cáo của vị giám mục giám quản hiện nay của tổng giáo phận Sài Gòn là tác phong của Satan.

Dĩ nhiên, Ông Lê Hải Nam hơi quá đáng khi dùng chữ Satan ở đây. Việc ấy nên dành cho một mình Chúa. Nhưng phải dùng đến chữ ấy chứng tỏ nỗi bức xúc ghê gớm của Ông. Nỗi bức xúc này, như ông nói, có thể có cơ sở ở chỗ kẻ thù của Giáo Hội sắp sửa tung ra đòn sử dụng trường hợp Cha Long để chứng minh chúng ta dùng tôn giáo lừa đảo dân chúng.

Không biết Ông Lê Hải Nam dựa vào đâu để đưa ra viễn ảnh trên. Nhưng hình như Hội Đồng Giám Mục Việt Nam linh cảm thấy một điều gì đó rất trầm trọng, nên đã phải ra một tuyên bố đầu tháng Sáu này nêu ra những đường hướng tổng quát về lòng sùng kính bình dân nhất là các hình thức cầu nguyện chữa lành. Song song, Ủy Ban Phụng Tự của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra một bản hướng dẫn chuyên nói đến việc làm chứng và đặt tay. Hai cơ quan này không rảnh rỗi để khơi khơi cùng một lúc ra hai tuyên bố nghiêm trọng như thế. Họ phải linh cảm thấy một điều gì trầm trọng.

Bài báo ngoại quốc

Hai bản tuyên bố trên lẽ dĩ nhiên không đề cập đến những trường hợp cụ thể như trường hợp Cha Long. Nhưng một tạp chí ngoại quốc là tờ Crux của John Allen Jr (https://cruxnow.com/church-in-asia/2019/06/17/vietnams-healing-masses-showcase-tension-between-charisma-authority) không ngại nối kết vụ Cha Long với tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam này.

Tờ báo cho rằng Việt Nam đã trở thành trận tuyến mới nhất của các căng thẳng lâu dài nhất của Đạo Công Giáo, trận tuyến giữa các chiều kích đặc sủng và định chế của Giáo Hội, khi các Giám Mục Công Giáo của xứ sở đã hành động để ngăn chặn việc sử dụng mê tín bình dân và các thực hành gần như ma thuật trong phụng vụ.

Các Giám Mục cảnh cáo rằng các thực hành tôn giáo và ma thuật bình dân có thể gây “gây hoang mang nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin” và nhấn mạnh rằng kỷ luật và qui tắc phụng vụ của Giáo Hội phải được tuân giữ.

Trong số nhièu điều khác, các Giám Mục xem ra đặc biệt lưu tâm tới sự lạm dụng việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, có liên hệ với vị nữ tu Ba Lan đầu thế kỷ 20 là Thánh Nữ Faustina Kowalska và được phổ biến dưới thời Thánh Gioan Phaolô II.

Một hình thức rất phổ biến của việc sùng kính Lòng Chúa thương xót ở Việt Nam liên quan đến “các Thánh Lễ chữa lành” thu hút hàng ngàn người sùng mộ, với nhiều người cho rằng được phục hồi kỳ lạ khỏi nhiều hình thức bệnh tật và dị dạng.

Trong văn kiện mới của mình, các giám mục nói rằng những lời cầu nguyện để được chữa lành không nên loại trừ việc dùng các phương pháp y học để chữa bệnh. Các ngài cũng nhấn mạnh rằng các buổi cầu nguyện chữa bệnh phải được lãnh đạo bởi các thừa tác viên thụ phong, không nên diễn ra trong Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác, và “Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc”.

Tờ báo cũng cho rằng mối quan tâm của các viên chức Giáo Hội về lòng đạo bình dân, đặc biệt các thái quá trong việc cho rằng đã được phép lạ và chữa lành, có một lịch sử lâu dài. Vào tháng 9 năm 2000, lịch sử này lên cao độ với một văn kiện đặc biệt của Tòa Thánh mang tên “Chỉ thị về những lời cầu nguyện xin được Thiên Chúa chữa lành”.

Nói một cách tổng quát, Chỉ Thị này quy định rằng các quy tắc thông thường cho việc cử hành Thánh lễ không được đặt qua một bên để nhường chỗ cho việc chữa lành và trừ quỉ; các buổi cầu nguyện chữa bệnh ngoài phụng vụ phải có sự chấp thuận của giám mục; và những cá nhân có đặc sủng được cho là có một “hồng ân” chữa lành không được thay thế các bí tích như cách thức căn bản để phân phát ơn thánh.

Tờ báo nhận định: trong khi xung đột giữa thẩm quyền đặc sủng và định chế có thể bùng phát ở bất cứ đâu, nó có xu hướng đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển nơi niềm tin vào siêu nhiên, bao gồm các phép lạ, mạnh mẽ hơn.

Theo dữ liệu của Diễn đàn Pew, trong khi chỉ có 29% người Hoa Kỳ báo cáo rằng họ đã chứng kiến sự chữa lành thần thiêng, thì 56% người Guatemala, 71% người Kenya, 62% người Nigeria và 44% người Ấn Độ tuyên bố đã chứng kiến như vậy. Trong khi “phong trào đặc sủng” có thể là trò trưng bày (niche) ở bắc bán cầu, thì các chuyên gia nói rằng hầu hết ở khắp nam bán cầu, nó ít nhiều là một nền chính thống trên thực tế.

Tuyên bố mới của các giám mục Việt Nam dường như là kết quả của những căng thẳng đã được hình thành từ từ trong thời gian qua.

Tờ Crux tường trình thêm: Vào tháng Tư, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, giám quản Tổng giáo phận Sài Gòn, đã khuyên răn một linh mục địa phương nổi tiếng tên là Cha Giuse Trần Đình Long không được để cho các tín hữu phát biểu các lời chứng được chữa lành và được phép lạ tại bục giảng trong Thánh lễ, một thực hành mà Cha Long vốn làm tại Giáo Điểm Tin Mừng trong thành phố hơn một thập niên nay.

Theo báo cáo của UCAN, Cha Long cử hành hàng ngày việc sùng kính Lòng Chúa thương xót, thu hút hàng ngàn người đến Giáo Điểm, bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì.

Cha Long cũng bị cấm đặt tay lên đầu bệnh nhân như một phần của lời khẩn cầu xin chữa lành bệnh tật, với lý do nó có thể tạo ra “sự hiểu lầm về chữa bệnh nơi những người sùng kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Về những điểm khác, các giám mục Việt Nam cũng cảnh cáo về những điều các ngài cho là sự gia tăng trong việc người bình dân trông cậy vào các thực hành như bói toán, nghĩa là đoán trước tương lai, và “nghệ thuật đen”, thường chỉ việc đặt những lời nguyền rủa lên kẻ thù hoặc đối thủ.

Các giám mục kêu gọi người Công Giáo ở Việt Nam chấp nhận các chỉ thị mới của các ngài “để các thực hành đạo đức của chúng ta thật sự diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa, đem lại an bình trong tâm hồn, duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và là khí cụ loan báo Tin Mừng Nước Trời”.

Nhân dịp này, tờ Crux cũng nhắc nhở: Việt Nam hầu như không phải là quốc gia duy nhất ở các nước đang phát triển nơi các giám mục địa phương đang vật lộn để kiểm soát biên giới giữa đức tin tôn giáo và ma thuật.

Vào tháng 8 năm 2006, chẳng hạn, các giám mục Công Giáo Nam Châu Phi, bao gồm Nam Phi, Swaziland và Botswana, đã đưa ra một thư mục vụ cảnh cáo các linh mục của họ không được làm việc phụ trội như các thầy thuốc phù thủy và thầy bói. Nhiều người ở Nam Châu Phi chạy đến với các sangomas, hoặc những người chữa bệnh truyền thống, để chữa bệnh, xua đuổi tà ma và thậm chí cải thiện đời sống tình dục của họ, và một số linh mục dường như đã tháp nhập vai trò đó vào các nhiệm vụ mục vụ khác của họ.

Michael Katola, một giảng viên về thần học mục vụ tại Đại học Đông Phi ở Kenya, đã lập luận rằng Giáo Hội Công Giáo nên tham gia vào bản năng tâm linh đằng sau những thực hành như vậy hơn là gạt bỏ chúng.

Katola nói: “Điều quan trọng đối với Giáo hội là hiểu được nỗi sợ hãi của người ta, và không quy kết họ là mê tín. Phép phù thủy là một thực tại; nó không phải là mê tín. Nếu chúng ta không tin vào sự hiện hữu của phép phù thủy như một thứ Satan giáo, thì chúng ta không thể đối phó với nó”.

Phải chăng Cha Long cũng nghĩ như thế?