Ngày mai, theo thông báo, vụ xử kháng án của Đức Hồng Y Pell sẽ được trực tiếp truyền hình khắp thế giới, y như phiên kết án ngài. Thành công hay không, không ai biết được vì bầu khí hỗn loạn vẫn đang ngự trị trên dư luận đối với Đức Hồng Y.



Trong vụ kết án Đức Hồng Y, George Weigel (The Pell case: Developments down under) hoàn toàn đổ lỗi cho bồi thẩm đoàn, phần nào bào chữa cho chánh án Kidd, người lên án ngài hơn 6 năm tù. Weigel nói rằng trong các luận chứng kết án của ông, Chánh án Kidd chưa bao giờ nói rằng ông đồng ý với bồi thẩm đoàn, ông chỉ làm nhiệm vụ chánh án của ông thôi.

Weigel viết: “tuy thế, bồi thẩm đoàn, một bồi thẩm đoàn có thể đã làm ngơ các chỉ dẫn của quan tòa xử án về việc phải giải thích bằng chứng ra sao, đã đưa ra phán quyết đồng thanh kết tội”.

Và ông cho rằng việc lật ngược lại phán quyết của tòa dưới không dễ dàng vì các quan tòa lần này vẫn chịu cùng một sự điên loạn của công chúng và giới truyền thông như lần trước. Nhưng họ cũng biết danh tiếng của hệ thống pháp lý Úc tùy thuộc vụ kháng án này. Nên ông hy vọng họ sẽ có can đảm làm đúng trong khi tòa dưới nhát đảm làm sai.

Phần Đức Hồng Y Pell, Weigel cho hay: ngài chứng tỏ một sự trầm tĩnh đáng nể và một tinh thần lạc quan chỉ có thể có từ một lương tâm trong sáng... những ai vào tù với ý định làm người bạn của mình tươi vui lên cho hay chính họ được Đức Hồng Y làm cho tươi vui và được an ủi. Đây có thể là người theo gương Giám Mục John Fisher và Ngài Thomas More thời Henry VIII bách hại Giáo Hội tại Anh thế kỷ 16.

Weigel có nhắc đến sự tương đồng của vụ án Pell ở Úc và câu truyện được tờ Rolling Stone phổ biến về các cáo buộc lạm dụng ở Philadelphia.

Chứng từ vay mượn

Nhưng, chỉ mấy tuần sau khi Đức Hồng Y Pell bị kết án tù vì tội ấu dâm đã lâu năm, tạp chí văn học và bình luận thời sự Quadrant ở Sydney, một tạp chí có sự đóng góp của các nhân vật nổi tiếng của xã hội Úc, như Les Murray, Peter Ryan, Heinz Arndt, Sir Garfield Barwick, Frank Brennan, Ian Callinan, Hal Colebatch, Peter Coleman, Sir Zelman Cowen, Anthony Daniels, Joe Dolce, David Flint, Lord Harris of High Cross, Paul Hasluck, Dyson Heydon, Sidney Hook, A. D. Hope, Barry Humphries, Clive James, John Kerr, Michael Kirby, Frank Knopfelmacher, Peter Kocan, Christopher Koch, Sir Ninian Stephen, Tom Switzer, cũng như Bob Hawke, John Howard, Tony Abbott, Mark Latham và John Wheeldon, đã nói đến sự tương đồng ấy trong chi tiết qua một bài viết của tổng biên tập Keith Windschuttle tựa là “The Borrowed Testimony that Convicted George Pell” (chứng từ vay mượn đã kết tội George Pell).

Chứng từ vay mượn ấy trích của Sabrina Rubin Erdely, “The Catholic Church’s Secret Sex-Crime Files”, Rolling Stone, 15 September 2011, nội dung như sau:

“Billy” là một học sinh 10 tuổi tại trường St. Jerome năm 1998, và là một cậu bé giúp lễ giống như anh trai của mình trước đó. Một đứa trẻ ngọt ngào, dịu dàng với vẻ ngoài điển trai, Billy là người rất thân mật thoải mái và rất được ưa thích. Một buổi sáng, sau khi giúp lễ, Linh mục Charles Engelhardt bắt gặp Billy trong phòng áo nhà thờ nhấm nháp rượu vang còn sót lại. Tuy nhiên, thay vì nổi giận, vị linh mục rót thêm rượu cho Billy. Theo đại bồi thẩm đoàn, ông ta còn cho em xem một số tạp chí khiêu dâm, hỏi cậu bé xem những bức ảnh này khiến em cảm thấy như thế nào và liệu em có thích những hình ảnh của đàn ông hay đàn bà khỏa thân không. Ông ta nói với Billy rằng đã đến lúc trở thành một người đàn ông và họ sẽ sớm bắt đầu các “phiên” gặp gỡ của họ. Một tuần sau, Billy biết Engelhardt muốn nói gì. Sau thánh lễ, vị linh mục bị tố cáo là mơn trớn cậu bé, mút dương vật của cậu ta và ra lệnh cho Billy quỳ xuống và mút dương vật của ông ta - gọi cậu là “con trai” trong khi hướng dẫn cậu di chuyển đầu nhanh hơn hoặc chậm hơn - cho đến khi Engelhardt xuất tinh. Vị linh mục sau đó đã đề nghị một “phiên” khác, nhưng Billy đã từ chối và Engelhardt đành chịu vậy.

Windschuttle cho rằng giữa câu chuyện lạm dụng tình dục ở Philadelphia, Hoa Kỳ, và chứng cớ nêu ra bởi một người tố cáo duy nhất trong vụ xử ở tòa Victoria, Úc, nhằm kết tội Đức Hồng Y George Pell, không có sự khác biệt gì cho lắm.

Vụ ở Hoa Kỳ nói là diễn ra năm 1998 và người phạm tội là một linh mục Công Giáo chứ không phải một Tổng Giám Mục. Có hai cậu bé ở phòng áo lễ Melbourne sau thánh lễ, chứ không phải một như ở Philadelphia. Tuy nhiên, các chi tiết khác của lời tố cáo thì khá giống nhau.

Không bản ghi chứng từ của người vô danh tố cáo Đức Hồng Y Pell được công bố nhưng chính chứng từ thì được trình bầy tại tòa nhưng một phần diễn từ của Công Tố Viên được nhà báo của Đài ABC là Louise Milligan trích dẫn trong cuốn sách của cô tựa là Cardinal: The Rise and Fall of George Pell (2017, revised edn. 2019). Nó chứa đựng các chi tiết của việc lạm dụng tình dục mà người tự coi là nạn nhân – người mà Milligan gọi là “Cậu Bé” (the Kid) trong trích đoạn dưới đây từ cuốn sách, mô tả trước tòa.

Hồi tháng 12 năm 1996, khi ca đoàn từ Thánh lễ Chúa Nhật do Tổng Giám mục Pell chủ tế đang rời khỏi thánh đường, hai cậu bé của ca đoàn rời đoàn rước và đi về phía phòng áo lễ “để kiếm một số trò đùa tinh nghịch”. Họ tìm thấy một chút rượu lễ ở đó và bắt đầu nốc ừng ực. Milligan viết tiếp:

Nhưng không lâu sau đó các cậu bị lôi thôi vì hành động này. Cậu Bé sẽ nói với cảnh sát rằng chính Tổng Giám mục đã hỏi các cậu đang làm chi và cho rằng các cậu đang gặp rắc rối. Cậu nói Pell sau đó đến gần các cậu. Ông rút dương vật của mình ra... Ông đẩy [Cậu Ca Viên, tức cậu bé kia] sang một bên và bắt cậu cúi xuống trước mặt ông. Công tố viên Mark Gibson sau đó giải thích rằng Hồng Y Pell lúc ấy ở thế đứng... “Vì vậy, theo [Cậu Bé] Hồng Y Pell đã đặt một tay lên sau đầu [Cậu Ca Viên] còn bàn tay kia đặt ở khu vực bộ phận sinh dục của mình. [Cậu Bé] thấy đầu [Cậu Ca Viên] được hạ xuống phía bộ phận sinh dục của Hồng Y Pell. Tất cả điều này xảy ra không quá một hoặc hai phút. Hồng Y Pell sau đó chuyển sang [Cậu Bé]... Hồng Y Pell ở thế đứng và ông ta đẩy đầu [Cậu Bé] xuống một vị trí nơi [Cậu Bé] đang cúi hoặc quỳ. [Cậu Bé] sau đó được đẩy tới dương vật cương cứng của Hồng Y Pell đến nỗi Hồng Y Pell nằm trong miệng [Cậu Bé]. Hành động mút hoặc làm tình bằng miệng này kéo dài trong một thời gian ngắn được [Cậu Bé] ước tính là một vài phút. Các bạn sẽ được nghe kể rằng Hồng Y Pell sau đó dừng lại và bảo [Cậu Bé] cởi quần ra. [Cậu Bé] đứng thẳng lên. [Cậu Bé] kéo quần hoặc tụt quần xuống và cả quần lót của cậu nữa theo chỉ dẫn... Hồng Y Pell lúc đó bắt đầu rờ mó bộ phận sinh dục của [Cậu Bé]... Trong khi rờ mó bộ phận sinh dục của [Cậu Bé], Hồng Y bị tố cáo cũng rờ mó bộ phận sinh dục của chính ông”. Sau một vài phút, Tổng Giám mục đứng dậy. Các cậu bé trở về phòng mặc áo của họ.

Vụ Philadelphia đã được viết trong tạp chí Rolling Stone vào tháng 9 năm 2011, trước khi cảnh sát Victoria bắt đầu điều họ gọi là “cuộc hành quân rà lưới” (trawling operation), chống lại George Pell, hy vọng tìm được ai đó làm chứng chống lại ngài. Như thanh tra thám tử Paul Sheridan của Cảnh sát Victoria nói với phiên điều trần để xử Pell, họ bắt đầu hoạt động vào năm 2013 để xem liệu ngài có phạm tội nghiêm trọng nào mà chưa được tường trình hay không, nhưng người khiếu nại chỉ xuất hiện vào tháng 6 năm 2015. Nói cách khác, câu chuyện của Rolling Stone đã được lưu hành trong hai năm trước khi một phiên bản Úc được cung cấp cho cảnh sát.

Vì vậy, đâu là cái nhiên của sự kiện bằng chứng được đưa ra ở Úc không phải là một trình thuật chân thực về những gì đã xảy ra ở Melbourne mà là một bản sao của một câu chuyện đã được công bố trên báo chí và trực tuyến? Dưới đây là những điểm tương đồng giữa các cáo buộc ở Mỹ và ở Úc:

# Cả hai trường hợp lạm dụng tình dục xảy ra trong phòng áo lễ sau Thánh lễ Chúa Nhật.
# Trong cả hai trường hợp, các nạn nhân đã uống rượu họ tìm thấy trong phòng áo lễ.
# Cả hai cậu bé đều giúp việc cử hành Thánh lễ.
# Linh mục mơn trớn bộ phận sinh dục của cả hai cậu bé.
# Cả hai cậu bé đều buộc phải quỳ xuống trước linh mục.
# Cả hai cậu bé đã buộc thực hiện việc mút dương vật của linh mục
# Cả hai cậu bé được coi là nạn nhân là các nhân chứng duy nhất làm chứng cho công tố tại tòa án; lời lẽ của họ chống lại lời lẽ của các linh mục.

Sự khác biệt duy nhất giữa bằng chứng của Mỹ và bằng chứng của Úc là trình thuật về cuộc gặp gỡ lần thứ hai, mà các cậu bé cho biết đã diễn ra “một vài tháng sau đó” tại thành phố Philadelphia và “chừng một tháng sau đó” ở Melbourne. Trong phiên bản Mỹ, một linh mục khác can dự vào, dẫn cùng một cậu bé vào phòng áo lễ, bảo cậu cởi quần áo và sau đó mút dương vật cậu. Trong phiên bản Úc, Pell bị cáo buộc đã thấy cậu bé ở hành lang phía sau nhà thờ, buộc cậu phải dựa vào tường và mơn trớn bộ phận sinh dục của cậu.

Tuy nhiên, hai câu chuyện gần y hệt như nhau đến nỗi khả năng phiên bản Úc là bản gốc là hoàn toàn không hợp lý. Có quá nhiều điểm tương đồng trong hai câu chuyện đến nỗi chúng không thể được giải thích bằng sự trùng hợp. Kết luận không thể tránh được là:

“Cậu Bé” đã lặp lại một câu chuyện mà cậu đã tìm thấy trong một tạp chí - hoặc lặp lại một câu chuyện mà người nào khác đã tìm thấy cho cậu trên các phương tiện truyền thông - do đó, dẫn dịch câu truyện của cậu về những gì Pell đã làm từ chứng cớ đưa ra trong một phiên tòa ở Hoa Kỳ bốn năm trước đó. Nói tóm lại, lời khai đã kết án George Pell là một sự giả mạo. Điều này không có nghĩa người tố cáo đã cố tình tạo hoẹt ra nó. Cậu đã có thể tiến tới chỗ tự thuyết phục mình tin những biến cố này xảy ra thực, hoặc một nhà trị liệu nào đó có thể đã giúp cậu “phục hồi” trí nhớ. Nhưng bất kể các niềm tin của người tố cáo có chân thành đến đâu, điều đó vẫn không làm cho chúng thành sự thật, nhất là khi có quá nhiều bằng chứng khác chống lại chúng.

Có một chút nghi ngờ rằng nếu các thành viên của bồi thẩm đoàn trong vụ án Pell, đã được thông tri về các tương đồng đáng ngạc nhiên giữa hai phiên bản, một số người trong số họ hẳn đã có những câu hỏi nghiêm túc về tính chân thực của nhân chứng. Kết quả sẽ một là một bồi thẩm đoàn ngang ngửa thứ hai hoặc một phán quyết không có tội.

Vậy tại sao không có điều gì trong số này được công bố công khai tại Úc trước đây? Mặc dù tôi là một nguời duyệt tìm (browser) khá thấu đáo các phương tiện truyền thông Úc, tôi đã không được nghe chi tiết nào về câu chuyện của Mỹ cho đến khi một độc giả của Quadrant, là Richard Mullins, cảnh báo tôi về bài báo của tạp chí Rolling Stone. Tuy nhiên, bài báo đó đã không bị chôn vùi trong một văn khố nào đó bị lãng quên. Rolling Stone là một tạp chí của Mỹ dành cho văn hóa đại chúng, nhắm vào thiếu niên và những người trưởng thành trẻ tuổi. Nó đã xuất bản một phiên bản Úc từ năm 1970 cho đến khi đóng cửa vào tháng 1 năm 2018. Tại Hoa Kỳ, những lời cáo buộc được đưa ra bởi “Billy Doe” đã tạo được các hàng tít lớn khắp nước vào năm 2011. Dưới tên thật của anh ta là Daniel Gallagher, anh được nhận diện là một người tố cáo có lời khai đã dẫn hai linh mục Công Giáo và một giáo viên trường học vào nhà tù, cũng như Đức ông William Lynn, thư ký của Tổng giáo phận Philadelphia phụ trách các giáo sĩ. Việc bỏ tù nhà quản trị Công Giáo cấp cao này về tội che chở các giáo sĩ phạm tội dưới quyền được các tờ báo Mỹ xem là bằng chứng thối nát sa đọa lên đến đỉnh cao của phẩm trật Công Giáo. Cảnh sát và văn phòng chánh án quận, những người điều tra và khởi tố các vụ án xuất hiện như những anh hùng trên các phương tiện truyền thông tin tức chính thống của Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 2016, Newsweek đã dành một bài viết dài đến 5000 chữ của Ralph Cipriano cho vụ tai tiếng.

Bài báo trên một phần nhằm vạch trần chủ nghĩa dùng báo chí để tranh đấu của tác giả tạp chí Rolling Stone, Sabrina Rubin Erdely, sau câu chuyện cũng tai tiếng không kém của cô về một sinh viên Đại học Virginia, người đã tuyên bố vào năm 2014, cô bị bảy người đàn ông hãm hiếp kiểu bề hội đồng trong một bữa tiệc ở trường đại học. Câu chuyện “nam tính gây độc hại” đó đã nổi bật trên các hàng tít lớn báo chí và truyền hình trong nhiều tuần, cho đến khi trò đánh lừa của người tự cho là nạn nhân bị lộ tẩy. Sau đó, Rolling Stone bị một số thanh niên kiện về tội phỉ báng.

Cipriano của Newsweek cũng rất lưu ý đến việc tiết lộ nền chính trị địa phương đằng sau các vụ đụng độ pháp lý sau đó về diễn tiến tố tụng trong các vụ lạm dụng tình dục của giáo hội giữa thẩm quyền tư pháp tiểu bang Pennsylvania và chưởng lý quận Philadelphia. Các phiên tòa xét xử các giáo sĩ vẫn là các tin tức trên trang nhất ở tiểu bang trong ba năm vì nhiều kháng cáo các vụ án đã đảo ngược các bản án ban đầu, dẫn đến việc xử lại, đảo ngược các bản án và tranh chấp liên tiếp giữa tòa án và chính phủ.

Newsweek cũng cho biết họ có thông tin đáng tin cậy cho hay Tổng giáo phận Philadelphia đã trả cho Gallagher khoản bồi thường 5 triệu đô la. Đến thời điểm này, tư cách nhân chứng đáng tin cậy của Gallagher đã bị nghi ngờ. Tạp chí tìm thấy một loạt các bất nhất giữa bằng chứng anh ta đưa cho cảnh sát và lời khai cuối cùng của anh ta trước tòa. Anh ta là một kẻ buôn bán ma túy và kẻ trộm vặt nổi tiếng với cảnh sát và đã bị bắt sáu lần với tội danh loại này. Các luật sư bào chữa Công Giáo lập luận rằng Chưởng lý quận đã dành cho Gallagher “lối đối xử trải thảm đỏ” vì anh ta là một trong số ít người được coi là nạn nhân bị lạm dụng tình dục mà cáo buộc của họ còn nằm trong thời tiêu (statute of limittions) địa phương, có nghĩa là có thể nộp đơn kiện giáo hội.

Nói cách khác, rất khó có khả năng câu chuyện về “Billy Doe” không được những người ở Úc liên quan đến vụ truy tố George Pell biết đến. Cảnh sát ở Victoria, những người từng săn đuổi Pell, và tâm trí chắc chắn đã được định chỉnh sẵn đón nhận bất cứ điều gì có thể hỗ trợ cho việc truy tố ngài, hẳn đã ý thức rõ thành công mà các đối tác của họ ở Philadelphia đã hưởng được cả từ sự hỗ trợ của chưởng lý quận Seth Williams, người sau đó bị kết án năm năm tù về tội hối lộ không liên quan, và tường thuật rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Điển hình Mỹ nói với những người ở Victoria rằng họ đang trên đường đua chiến thắng.

Còn truyền thông Úc thì sao? Họ đã đưa ra rất nhiều tường thuật về Ủy ban Hoàng gia điều tra các Đáp ứng Định chế đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em nhưng ít đề cập đến sự kiện này: các phát hiện và giải thích các biến cố ở Úc đang bước theo các vết mòn của các cuộc điều tra ở nước ngoài, như tôi đã trình bày trong chuyên mục của tôi trong số tháng Tư của Quadrant.

Vị anh thư hiện tại của các phương tiện truyền thông tin tức đang đeo đuổi câu chuyện này là Louise Milligan, người có cuốn sách bán chạy nhất là Cardinal, và các tường thuật đặc biệt của riêng cô về các chương trình truyền hình 7.30 Four Corners trên đài ABC. Ấn bản mới nhất của cuốn sách của cô liệt kê số lượng giải thưởng mà tác phẩm này đã giành được cho cô: Giải thưởng Sách Walkley, hai giải thưởng Quill từ Câu lạc bộ Báo chí Melbourne, Giải thưởng Phóng viên Luật của Sir Owen Dixon Chambers, giải thưởng Civic Choice của Giải Thưởng Văn Học Melbourne. Ấn bản mới cũng nhận được nhiều khen ngợi từ một loạt các nhà báo và tác giả cánh tả: Annabel Crabb, David Marr, David Armstrong, Peter Fitzsimons, Kate McClymont, Quentin Dempster, Michaela Bond, Derryn Hinch, Yvonne Rance, Gerard Windsor, cộng với lời tựa của tiểu thuyết gia / nhà sử học Tom Keneally, người nói rằng Pell nhận được những gì ông xứng đáng vì “ông là một người tân bảo thủ đáng chú ý”, người “đã hoài nghi sự thay đổi khí hậu”, và “chỉ nêu ra sự phản đối ngầm đối với chính sách tầm trú tàn bạo của chính phủ liên bang”.

Milligan có biết các tương đồng giữa bằng chứng của “Billy” và và “Cậu Bé” không? Không có gì trong cuốn sách của cô, hoặc bất cứ điều gì cô ấy đã viết mà tôi biết đến, cho thấy rằng cô ấy biết. Cô ấy dường như hoàn toàn tối mịt về dây nối kết Mỹ này. Vì vậy, theo như tôi thấy, cô ấy không thể bị buộc tội dẹp bỏ thông tri để làm cho vụ việc của mình trở nên hợp lý hơn.

Tuy nhiên, một nhà báo điều tra có thực chất sẽ không để ra ngoài việc xem xét chiều kích nước ngoài cho câu chuyện này. Vì vậy, điều mà Milligan có thể bị buộc tội nhiều nhất trong việc săn đuổi một tâm một trí con mồi của mình, là thiếu khả năng trong việc không điều tra các chiều kích trọn vẹn của câu chuyện trong nhiều tháng cô làm việc với nó. Điều này cuối cùng phải là nguồn bối rối cho những người đã tắm gội cô bằng các giải thưởng, và cho tất cả những người trong danh sách các nhà văn bợ đỡ các kỹ năng báo chí của cô trong những trang đầu của cuốn sách.

Tuy nhiên Cảnh sát Victoria ở một vị trí khác hẳn. Họ có mọi lý do để biết cả dây nối kết Mỹ lẫn giữ im lặng về nó, kẻo nó phá hỏng vụ án của họ. Luật sư Công Giáo Frank Brennan và Pell trong những giai đoạn đầu của bi kịch này đều cho rằng cảnh sát rò rỉ thông tin cho các phương tiện truyền thông. Nhà triết học và nhà thần học, Chris S. Friel, trong một cuộc khảo sát pháp lý đầy ấn tượng về vụ án trên trang mạng Academia của Anh, đã cho rằng cảnh sát dấn thân vào một chiến lược dài hạn để từ từ làm giảm uy tín công cộng của Pell và bện nó vào các tin tức quảng bá rầm rộ do Ủy ban Hoàng gia tạo ra. Friel rất sáng suốt trong những gì các bằng chứng có sẵn cho thấy tại thời điểm ấy, ông viết:

Có thể phản bác rằng chính ý tưởng cho rằng cảnh sát Victoria cố tình tạo ra một vụ đánh trống lảng chỉ là một lý thuyết âm mưu. Quả thật, đó chỉ là một giả thuyết, dựa trên bằng chứng hoàn cảnh và tôi sẽ không tranh biện rằng nó được chứng minh vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Nhưng nó không phù hợp với các sự kiện, và vì vậy cung cấp một lý do để nghi ngờ liệu người khiếu nại có nói sự thật vượt quá sự nghi ngờ hợp lý hay không... Còn về vấn đề “âm mưu”, chúng ta nhớ lại rằng chính Milligan gợi ý về một âm mưu: vì, theo Cậu Bé, Pell không phải là mối đe dọa duy nhất; một người đàn ông giấu tên và nguy hiểm nào đó đang tìm kiếm người cung cấp thông tin, và đó là lý do tại sao người này nài nỉ nhà báo rằng cô nên tiếp tục cuộc điều tra của cô.

Nếu Úc vẫn có bất cứ nhà báo điều tra có thực chất nào, thì đâu đó, phải có một người sẵn sàng theo dõi những tin dẫn vào tận bụng các hoạt động của cảnh sát Victoria để tìm hiểu điều gì đang thực sự xảy ra trong tất cả các thời gian này. Trong khi đó, George Pell vẫn ở trong tù cho đến khi ngài kháng cáo vào tháng 6, vì bị kết án một cách bất công và bị mất danh dự một cách bất công.