San Jose 28/5/2019.- Trong Thánh lễ Chúa Nhật vừa qua (26 tháng 5, 2019) tại nhà thờ Saint Maria Goretti. cha phó Lương Đạt đã báo một tin buồn khiến cả cộng đoàn giáo dân sửng sốt: Thượng viện tiểu bang California vừa thông qua một đạo luật buộc các linh mục phải thông báo với chính quyền những điều nghe được trong tòa giải tội, nếu điều đó liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em. Tờ báo địa phương San Jose Mercury News cùng ngày cũng cho đăng trên trang nhất tựa đề “Tiểu Bang California có nên buộc các linh mục phải khai báo lời xưng tội lạm dụng tình dục trẻ em” (Should California force priests to report child-molestation confessions?). Tờ SJMN cũng cho biết Thượng viện tiểu bang CA hôm thứ Sáu (24 tháng 5, 2019) đã thông qua dự luật SB 360 buộc các linh mục phải làm việc này (với đa số đáng ngại 30-4). Đây quả thực là một sự vi phạm thô bạo của tiểu bang CA vào những quyền tự do căn bản của con người, Những quyền đã được minh định trong hiến pháp Hoa Kỳ: Quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận.

Được biết thượng nghị sĩ tiểu bang - ông Jerry Hill thuộc đảng Dân chủ của San Mateo – khi đề nghị đạo luật này đã đưa ra 2 lập luận chính:

1)Ngay cả bác sĩ, thầy giáo, cán bộ xã hội, …khi biết có trẻ em bị ngược đãi sẽ phải báo cáo với chính quyền.

Nhưng đây là hai chuyện hoàn toàn khác biệt, khi một bác sĩ biết một đứa trẻ bị ngược đãi thường đứa trẻ đó không tự ý nói ra, hay có khi không biết mình đang bị ngược đãi mà khai. Còn một linh mục khi xưng tội của mình là một người lớn, tự ý nói ra. Một khác biệt quan trọng khác là văn phòng bác sĩ hay trường học, ngay cả tại gia đình là một môi trường xã hội, sinh hoạt thường ngày, những nơi đó không mang tính tôn giáo, các bác sĩ hay thầy giáo trong trường hợp này không bị ràng buộc bởi lời thềnhư trong tòa giải tội của một linh mục.

Cha giáo Pius Pietrzyk, cũng là một luật sư dân sự đang dậy tại đại chủng viện St. Patrick's Seminary & Universitycho rằng việc so sánh của ông Hill rất khập khễnh. Trong khi những bác sĩ, luật sư, cán bộ xã hội, … là những người cần được chính quyền tiểu bang cấp giấy hành nghề, họ có thể bị buộc tuân theo những đòi hỏi của chính quyền, còn các linh mụckhông là một nhân viên của tiểu bang, không cần bằng hành nghề của tiểu bang, thế tại sao lại đòi hỏi họ phải tuân theo những điều vô lý như vậy. Hơn nữa quyền bảo mật của một linh mục trong tòa giảng đối với người đến xưng tội cũng giồng quyền của một luật sư đối với thân chủ của mình (attorney – client privilege), cần phải được luật pháp tôn trọng.

Đối với tín lý Công Giáo, việc xưng tội và giải tội là một trong bảy bí tích thiêng liêng và căn bản. Việc bảo mật những lời xưng tội (the seal of confession)được coi là tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Điều này khuyến khích việc tự do thú nhận, chân thành sám hối và tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa.

Đức cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles, tuyên bố “Chúng ta đang phải đối đầu với với một sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự do tôn giáo” (We are dealing here with an egregious violation of the principle of religious liberty.)Thực vậy, nếu so sánh với trường hợp một bác sĩ, chắc chắn chính quyền không bao giờ ra luật buộc một bác sĩ phải khai ra bệnh tật của bệnh nhân, vì như vậy là bắt họ vi phạm lời thề bảo mật “Hippocrate” (to preserve a patient’s privacy) của họ.

2) Ông Jerry Hill cũng cho rằng viện dẫn Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) về quyền tự do tôn giáo để bảo vệ sự bảo mật trong tòa giải tội là sai, tiểu bang California từng ra luật cấm đoán chế độ đa thê, tuy chế độ này được một vài giáo phái áp dụng. Ông ta nói thêm: “Chẳng có quyền tự do nào của chúng ta là tuyệt đối!” (None of our freedoms is absolute).

Việc so sánh này của ông Hill cũng lại không chính xác, chế độ đa thê đã bị luật pháp liên bang Mỹ loại khỏi vòng pháp luật qua nhiều phán quyết của Tối Cao Pháp Viện (www.americanbar.org/groups), nó cũng đi ngược lại quyền bình đẳng ghi trong Tu Chính Án XIV. Chế độ này cũng bị những cơ quan quốc tế như “UN Human Rights Committee” và “The UN Committee on the Elimination of Discrimination against Women (CEDAW)” lên án, hoàn toàn khác hẳn với quyền được giữ im lặng trong tòa giải tội của Công Giáo.

Qua việc dự luật SB-360 được thông qua tại thương viện tiển bang California, chúng ta thấy hai điều:

1) Người Công Giáo tại tiểu bang California đông nhưng cũng quá … thờ ơ

Với hơn 10 triệu, người Công Giáo tại California chiếm gần 1/3 dân số nhưng nói chung không mấy quan tâm đến những vấn đề của giáo hội, tuy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của mình. Trước ngày dự luật SB-360 được mang ra biểu quyết tại thương viện tiểu bang CA, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez (tổng giáo phận Los Angeles) lên tiếng kêu gọi giáo dân: “Hãy tiếp tục cầu nguyện và làm cho tiếng nói của bạn được lắng nghe về vấn đề này, điều này rất quan trọng đối với đức tin và tự do tôn giáo của chúng ta” (Continue to pray and make your voices heard on this issue, which is so vital to our faith and religious freedom.) Nhưng cuối cùng chỉ vỏn vẹn có khoảng 1,300 người vào website đã thiết lập sẵn (https://cqrcengage.com/ cacatholic/app/write-a-letter?3&engagementId=498306) để lên tiếng với nghị sĩ của mình!

Đối với những đoàn thể, tổ chức hay ngành nghề khác – Thí dụ như trong lãnh vực bảo hiểm – trước khi một dự luật nào được mang ra trước quốc hội tiểu bang, dự luật đó được các hãng bảo hiểm nghiên cứu và phân tích rất kỹ, sau đó được gởi tới từng agent, broker, và nhân viên bảo hiểm yêu cầu lên tiếng với vị đại diện cử tri khu vực mình. Kết quả chúng ta thấy rất hiếm có đạo luật nào bất lợi cho các hãng bảo hiểm được thông qua. Ngay cả những ứng cử viên phụ trách về bảo hiểm tiểu bang (insurance commissioner) cũng được “rà soát” rất cẩn thận.

Còn đa số người Công Giáo chúng ta, rất hăng say trong các công tác tông đồ và từ thiện nhưng việc người ta đang muốn biến tòa giải tội thành một đồn công an, một trụ sở điều tra, thậm chí thành một cơ quan gián điệp của FBI. Họ (những người chống Công Giáo) đang muốn đánh phá nền móng đức tin, Giáo hội thân yêu, vậy mà chúng ta lại làm ngơ!

2) Chúng ta chưa biết tận dụng sức mạnh của mạng lưới xã hội.

Cách đây khoảng 7, 8 năm trong một buổi tiếp tân tại tư gia, Đức Giám Mục địa phận Patrick J. McGrath đã thông báo sẽ thiết lập một mạng lưới xã hội cho đia phận, nhờ vào đó giáo dân sẽ biết những gì giáo phận đang quan tâm, sẽ có tiếng nói chung để hỗ trợ địa phận nếu cần. Chúng tôi sau đó lên địa phận thảo luận về vấn đề này một buổi. Nhưng đến nay thực tình chúng tôi không biết mạng lưới này đã hoàn chỉnh chưa. Thưc ra những vấn đề như dự luật SB-360 (báo chí mới thêm đuôi: Confession law) nếu được phổ biến rộng rãi thì lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez sẽ có ít nhất 130,000 người hưởng ứng (thay vì chỉ có 1,300 người.)

Tuy như cha phó nói trong bài giảng, các linh mục thà chấp nhận vào tù chứ không bao giờ chấp nhận một đạo luật vô lý, phản giáo lý Công Giáo như vậy. Dù sao chúng ta cũng cần đồng loạt lên tiếng để dự luật này không thể thành luật. Bây giờ vẫn chưa muộn, dự luật SB-360 “confession law” sau khi thông qua tại Thương viện tiểu bang sẽ phải mang ra biểu quyết tại Hạ viện TB (Assembly). Đây là lúc hơn bao giờ hết, người Công Giáo chúng ta cần bày tỏ quan điểm với những vị Dân biểu đại diện khu vực mình ở. Hội nghị Công Giáo Tiểu bang California (the California Catholic Conference), đã thiết lập một website dưới đây, chúng ta chỉ cần vào điền tên tuổi, địa chỉ, email, số phôn rồi gửi đi là xong:

https://cqrcengage.com/cacatholic/app/write-a-letter?0&engagementId=498306

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo thân yêu của chúng ta luôn đứng vững trước mọi bách hại.

Trân trọng,

Phạm Mạnh Tuấn, SJ