Chúa Nhật THỨ II MÙA CHAY

Bài nói chuyện với các nữ tu dòng Kín - Giáo phận Phú Cường

Thánh Kinh có rất nhiều tấm gương về đức tin cho ta noi theo. Hôm nay, ngoài Chúa Cha và Chúa Giêsu, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu đến sáu tấm gương về con người.

Đó là những con người thánh thiện, đầy lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện sống. Các ngài luôn dâng lên Thiên Chúa đức tin trọn vẹn của mình. Đó là những gương mặt xuất thân từ Cựu Ước và Tân Ước.

I. NHỮNG GƯƠNG MẶT CỰU ƯỚC.

1. Tổ phụ Abraham (bài đọc I).

Là con người của đức tin. Ngài nổi tiếng về lòng vâng phục trong đức tin, bất chấp đó là sự vâng phục mà nếu cứ lý luận theo kiểu loài người, nó vô lý nhất, kinh hoàng nhất, cũng có thể là độc ác nhất, miễn là được ném mình vào tay Thiên Chúa, để mặc Người an bài mọi sự...

Vào một ngày, đang khi cuộc sống diễn ra hết sức an bình, Tổ phụ Abraham được Chúa kêu gọi: “Hãy bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho.” (St 12, 1). Thế là Tổ phụ ra đi. Đi trong mịt mù. Đi trong tăm tối. Đi mà chẳng biết mình đi đâu…
Suốt đời Tổ phụ mơ ước có một đứa con nối dõi tông đường, vậy mà cũng chẳng có. Đến lúc cả trăm tuổi, người vợ cũng cao niên chẳng kém gì, Thiên Chúa mới hứa ban một đứa con. Một lời hứa như thế thật khó chấp nhận làm sao. Nhưng Tổ phụ Abraham vẫn tin.
Đến khi đứa con trai duy nhất, đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con ngọc, đứa con ngà đã lớn khôn, Thiên Chúa lại đòi Tổ phụ đem đứa con đó đi sát tế cho Người.

Có tội ác nào lớn cho bằng tội của một người cha giết con. Có lời dạy nào khủng khiếp cho bằng dạy một người cha giết chính đứa con là máu, là mủ, hơn nữa là cả cuộc sống của người cha già nua đã từng rút ruột mình sinh ra.

Và còn đâu là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa gần gũi con người, hay chỉ là một Thiên Chúa tàn nhẫn, say máu đến độ đòi người cha phải thủ tiêu con của ông làm của lễ tế hiến cho mình. Đúng là một Thiên Chúa độc ác, không còn gì độc ác hơn (?).

Càng suy nghĩ như thế về hình ảnh của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng thấy đức tin của Tổ phụ Abraham lớn bấy nhiêu.

Cứ bắt đầu bằng tình cảm con người, ta suy diễn, sẽ thấy, chắc tâm hồn Tổ phụ chao đảo lắm, lương tâm Tổ phụ giày vò lắm, cuộc sống của Tổ phụ chắc mất bình an lắm. Có lẽ nước mắt đã tràn ngập, đã dàn dụa tâm hồn Tổ phụ.

Và có lẽ giọt nước mắt ấy rất âm thầm, vì không thể để lộ cho con mình biết. Làm sao dám cho con biết khi chính mình sẽ giết chết con!

Mà tiếng khóc càng âm thầm, tiếng nấc càng nghẹn ứ, nước mắt càng chảy ngược vào hồn nhiều bao nhiêu, thì nỗi đau càng dằn xé, càng tê tái, càng buốt giá bấy nhiêu.

Nhất là mỗi khi Tổ phụ nhìn đôi bàn tay của mình. Ngày nào đôi tay ấy bồng ẳm con, nâng niu con, bây giờ cũng chính đôi tay ấy sẽ thủ tiêu con. Là cha, như bao người cha, Tổ phụ Abraham se thắt lòng mình.

Nhưng Tổ phụ vượt qua tất cả. Đức tin của Tổ phụ lớn hơn tất cả. Chính đức tin dạy Tổ phụ biết: Thiên Chúa vẫn yêu thương vô cùng. Người vẫn nhìn thấy Tổ phụ. Người biết rõ lòng Tổ phụ. Người có cách của Người để trù liệu cho Tổ phụ những điều tốt đẹp nhất.

Vì tình yêu vô cùng mãnh liệt, vì tình yêu mến Thiên Chúa ngất trời cao, Tổ phụ Abraham đã không mất bất cứ một điều gì, dù nhỏ nhất.

Còn hơn bất cứ một người nào trong nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, bằng miệng lưỡi của thiên thần, Thiên Chúa khen ngợi Tổ phụ:

“Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của Ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!... Ta lấy chính danh Ta mà thề: Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.” (St 22, 12. 16 -18).

2. Thủ lãnh Môisen (bài Tin Mừng).

Cũng như Tổ phụ Abraham, Thủ lãnh Môisen là nhân vật mạnh mẽ, sáng ngời trong đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Dẫu đầy gian nan trong sứ mạng giải phóng dân tộc, từ khi bắt đầu nhận lãnh lệnh truyền của Chúa, rồi bao nhiêu lần chứng kiến việc Chúa đánh đòn vua và dân Aicập, đến lúc tổ chức lễ Vượt qua, lúc phải thực hiện hành trình Vượt qua, rồi cùng dân rày đây mai đó nơi sa mạc đầy chết chóc, nào bị dân chúng trách móc, bị đe dọa giết chết…, Thủ lãnh Môisen không hề phản bội đức tin, không một chút mảy may nghi ngờ lòng thương xót của Chúa.

Có lúc áp lực như đè nặng quá sức, như lấy hết mọi sức lực, như khó có thể trụ nổi, Thủ lãnh như muốn chết đi. Thủ lãnh phải đau xót thốt lên:

“Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn.” (Ds 11, 12 tt).

Chính đức tin và lòng yêu mến Chúa của mình, Thủ lãnh Môisen được Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng đưa dân của Người thoát cảnh lầm than nô lệ cho Aicập. Người đã nâng Thủ lãnh lên thành một nhà giải phóng dân tộc lừng danh.

Do lòng tin và tình yêu mến dành cho Thiên Chúa, Thủ lãnh Môisen trở thành người của lịch sử, lập trang sử mới cho dân riêng của Chúa cả về đời sống trần thế lẫn đời sống đức tin.

Thủ lãnh Môisen được Chúa trao cho vị trí quan trọng đến nỗi, khi ngắm nhìn chân dung của Thủ lãnh, Tân Ước phải thốt lên: “Những người tin vào ông Môisen, thật sự là tin vào Đức Kitô, và gương mặt của họ cũng như gương mặt của Môisen phản ánh vinh quang của Chúa” (2Cr 3, 18)
.
3. Tiên tri Êlia (bài Tin Mừng).

Cũng vì đức tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa, Đấng mà mình tôn thờ, Tiên tri Êlia đã bao nhiêu lần vào sinh ra tử.

Kẻ bị Thánh Kinh trách móc: “Vua làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, đi theo con đường của vua cha, phạm các tội ông ấy đã phạm và lôi kéo Israel phạm theo…” (1V 16, 25-26), chính là vua Akhap.

Nhà vua là một kẻ nhu nhược, đã để cho hoàng hậu Izabel, một kẻ ngoại giáo, lộng quyền. Hoàng hậu đưa ngẫu tượng và đặt pháp sư của các ngẫu tượng vào cả đền thờ, nơi chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.

Không thể chịu nổi sự ô uế mà vua và hoàng hậu gây ra, Tiên tri Êlia, một thân, một mình chiến đấu cách dũng cảm với với các pháp sư ngẫu tượng ấy. Dù Tiên tri chiến thắng nhờ ơn Chúa, nhưng cũng từ đấy, Izabel đặt mối thù không đội trời chung với Tiên tri. Tiên tri phải nếm trải đau khổ do phải chạy trốn sự thù ghét này (1V 18tt).

Tiên tri Êlia còn chống lại việc áp bức người nghèo trong đất nước. Nổi tiếng là lời nguyền Tiên tri đã gieo trên cuộc đời của vợ chồng Akhab – Izabel, khi cả hai đã thực hiện thành công việc giết ông Nabôt và cướp vườn nho của ông.

Lời nguyền ấy là: “Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại còn chiếm đoạt nữa ư?... Tại chính nơi chó đã liếm máu Nabôt, thì chó cũng sẽ liếm máu người (tức vua Akhab)…Đức Chúa cũng tuyên phạt Izabel: Chó ăn thịt Izabel trong cánh đồng Gitrơe” (1V 21, 17-23). Đúng như lời Tiên tri, cái chết thê thảm của Akhab và Izabel được thuật lại sau đó trong 1V 22, 34-38 và 2V 9, 30-37.

Tất cả những việc làm ấy, dù là việc làm của người công chính và kêu gọi hãy sống công chính, đều mang lại cho tiên tri Êlia nhiều chông gai, đau khổ.

Đã có lần, trong nỗi khổ gần như tuyệt vọng của một kẻ bị vây quanh bởi lòng thù hận, dẫu là người can đảm, Tiên tri Êlia cũng đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4).

II. NHỮNG GƯƠNG MẶT TÂN ƯỚC.

Các Tông đồ của Chúa Giêsu cũng vậy. Bài Tin mừng hôm nay kể rằng, các Tông đồ hạnh phúc nhìn ngắm vinh quang khi Chúa hiển dung trên núi một cách say mê, như chiêm bao, như đang ly thoát cõi trần.

Những tưởng hạnh phúc ấy kéo dài, để còn cất lều, dựng nhà mà chiếm hạnh phúc! Nào ngờ, đó chỉ là ánh chớp chợt lóe lên rồi lịm tắt, trả các Tông đồ lại với đời thường.

Vinh quang núi cao chấm dứt. Vài ngày nữa thôi, thay vào vinh quang ấy, các Tông đồ chứng kiến cảnh tượng chưa từng có, thậm chí chưa từng hiện diện chút xíu nào trong tâm trí: Thầy của mình hấp hối, sợ hãi trước cái chết đến nỗi toát mồ hôi pha trong máu.

Các Tông đồ sẽ còn chứng kiến cảnh tượng sỉ nhục không gì sỉ nhục bằng: Thầy bị lột sạch cho đến trần trụi, không đơn thuần là mảnh áo mà còn là nhân vị con người.

Cuối cùng, trên đỉnh sỉ nhục, Thầy dang tay chịu treo giữa trời giữa đất, giữa muôn tiếng sỉ vả, nguyền rủa, để rồi gục đầu chết tức tưởi trong đơn độc, trong đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác...

Đức tin của các Tông đồ bị thách thức quá lớn. Theo Thầy là để được cái gì, đàng này mất tất cả. Chính Thầy lại là người mất mạng sống trước tiên. Có còn gì thua thiệt cho bằng để mà nói, để mà có thể so sánh!...

Nhưng vẫn còn một điều hết sức quan trọng: Chính trong tăm tối của đức tin, các Tông đồ của Chúa biết Chúa của mình đã sống lại. Chính các ngài đã vượt qua nỗi đau cuộc đời, vượt qua sự tăm tối của bất hạnh để đặt nền móng cho Hội Thánh khắp nơi trên thế giới này.
Cũng như Tổ phụ Abraham, như Thủ lãnh Môisen, và như Tiên tri Êlia, đó là nghị lực, là ý chí của các Tông đồ. Sau khi lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, sau khi đã hiểu lối đường của Thiên Chúa, các Tông đồ của Chúa Giêsu đã băng mình, vượt mọi trùng khơi, lao vào sự nghiệp xây dựng Nước Chúa nơi trần thế, mang ơn cứu rỗi đến tận chân trời, góc biển...

III. ĐẾN LƯỢT CHÚNG TA.

Dù là người Công Giáo, cũng như mọi người sống trong cuộc đời này: có đau khổ và hạnh phúc. Rất có thể đau khổ triền miên, còn hạnh phúc lại chỉ như một ánh chớp lóe lên, rồi lịm tắt, để lại một lối đi tăm tối mênh mông. Lúc đó đức tin chúng ta bị thử thách nặng nề.

Hãy nhìn ngắm mẫu gương của Tổ phụ Abraham, của Thủ lãnh Môisen, của Tiên tri Êlia và của các Tông đồ của Chúa Giêsu, nhờ đó, ta thêm nghị lực và ý chí mà sống đời sống đức tin của mình.

Suy niệm Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ II mùa Chay này, chúng ta nhận thấy lòng từ nhân và tình thương yêu vô cùng của Chúa, luôn đưa dẫn lịch sử nhân loại đi vào mầu nhiệm cứu độ của Người.

Vì thế, ta hãy xác tín rằng, thánh ý Chúa luôn khôn ngoan. Người sẽ chăm sóc, sẽ quan phòng xếp đặt tất cả những gì cần thiết cho cuộc đời của ta theo ý Người. Hãy nhớ, trước mặt Chúa, ơn phần rỗi của ta mới là điều quan trọng trên hết. Hãy trung thành trong mọi hoàn cảnh để đạt tới ơn cứu rỗi Chúa ban.

Ngoài ra, ta còn thấy, dù đau khổ, tự bản chất là điều xấu, tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, trong tương quan với ơn cứu độ, nhất là trong lòng yêu mến và tín thác cho Thiên Chúa, đau khổ vẫn mang lại nhiều giá trị tích cực to lớn.

Đau khổ sẽ tinh luyện tâm hồn ta tinh ròng, giúp ta yêu mến Chúa hơn. Đau khổ làm cho ta trưởng thành về nhân cách, về sự chịu đựng, về lòng trông cậy nơi Chúa, nếu ta biết hiến dâng cho Chúa tất cả sự chấp nhận của mình. Đau khổ dạy ta bài học của tình yêu, thông cảm, nhờ đó ta hiểu sâu xa hơn nỗi đau của anh chị em xung quanh mình…

Hãy hiến dâng Thiên Chúa đức tin của mình. Hãy mạnh dạn tin để thấy ơn Chúa kỳ diệu trong từng khoảnh khắc của đời ta. Lời thánh Phaolô căn dặn đáng được chúng ta ghi khắc để luôn sống: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thấn” (Eph 6, 20).

“Mọi tên lửa” mà ta “có thể dập tắt”, là sự nghi nan, là lòng mất bình an, là lời trách móc Thiên Chúa, là bao nhiêu chai lỳ, là tội lỗi, là sự chán nản muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc… Tất cả chỉ nhờ đức tin, và trong đức tin mà ta chiến thắng, và sẽ tồn tại trong ơn cứu độ đời đời mà thôi.

Vậy, đặt đức tin và lòng yêu mến trọn đời mình nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, Con của Người, mỗi người hãy cất cao lời xác tín: “Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”(Rm 8, 38-39).