Chúa Nhật I MÙA CHAY
NHỮNG CƠN CÁM DỖ CỦA CHÚA
Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh bước vào Mùa Chay thánh. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để chúng ta rèn luyện các nhân đức, chiến đấu chống lại các chước cám dỗ bằng cách riêng năng cầu nguyện, chay tịnh và bố thí, nhờ đó mỗi người chúng ta trở thành thụ tạo mới trong Chúa Kitô.
Để giúp thực hiện tốt mục tiêu trên, Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay giới thiệu với chúng ta mẫu gương Chúa Giêsu trong việc chiến thắng ba cám dỗ ở sa mạc.
Thật vậy, với tư cách là con người, Đức Giêsu đã trải qua những cám dỗ. Điều này minh chứng rằng Người giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Người không xin Chúa Cha cất khỏi mình những cám dỗ nhưng Người can đảm đối diện và chiến thắng chúng một cách ngoạn mục.
Chúng ta tìm hiểu ba cám dỗ của Chúa, một đàng, để thấy sự lưu manh và nguy hiểm của ma quỷ; đàng khác, để học hỏi từ sự khôn ngoan và cách thức chiến thắng của Chúa Giêsu trong cuộc chiến thiêng liêng này.

1- Cám dỗ về vật chất
Cám dỗ thứ nhất mà Chúa Giêsu phải đối diện là cám dỗ về “cơm bánh,” hay tiền của. Thánh Luca tường thuật: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói” (Lc 4,1-2). Ma quỷ tìm kiếm thời điểm nguy hiểm là lúc Người đói để sập bẫy Chúa. Với tư cách là con người, Chúa Giêsu cũng có nhu cầu ăn uống, dưỡng sức. Ma quỷ xuất hiện rất đúng lúc và đề nghị: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Ngày xưa dân Do Thái cũng bị cám dỗ về miếng cơm manh áo, nên họ không muốn rời bỏ kiếp nô lệ. Thà nô lệ còn hơn là chết đói. Bởi vậy, họ đã kêu trách Môsê và không muốn tiến về đất hứa.
Cũng thế, ngày hôm nay, với chủ nghĩa hưởng thụ duy vật chất và kinh tế thị trường, chúng ta cũng bị cám dỗ về vật chất. Ở phương diện cá nhân, để có tiền của, nhiều người bị cám dỗ chấp nhận bán rẻ nhân phẩm và đạo đức. Ở phương diện quốc gia, nhiều người dám bán rẻ lợi ích dân tộc, đất đai, biển cả, môi trường vì lợi ích nhóm và cá nhân. Đồng tiền thao túng lòng người và san bằng mọi bậc thang giá trị đạo đức. Họ kiếm tiền bằng mọi giá, bằng sự vô luân, lừa lọc và gian lận người khác trong sản xuất, trao đổi hàng hóa và trong các mối tương quan xã hội. Hậu quả của lối sống này là những đổ vỡ và gây ra nhiều thảm họa cho xã hội hôm nay. Chúa Giêsu nhắc nhở rằng: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh.” Con người sống vì những giá trị đạo đức, luân lý và tâm linh. Không vì vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, tâm linh và tương quan liên vị. Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống lời khuyên Phúc Âm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

2- Cám dỗ thờ ngẫu tượng
Cám dỗ thứ hai là danh vọng hay thờ ngẫu tượng. “Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người; ‘tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,5-7).
Đây là cám dỗ xuất hiện thường xuyên trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cám dỗ về “quyền lực theo kiểu Mêsia trần thế,” lôi kéo Người đi vào con đường Mêsia theo kiểu “làm vua chính trị” để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của ngoại bang (Ga 6,15). Chúa Giêsu từ chối kiểu Mêsia này, khi chấp nhận trở thành “người nghèo” và “người Tôi Tớ” đau khổ để cứu độ nhân loại.
Xưa dân Do Thái cũng bị cám dỗ này. Trong khó khăn, họ phàn nàn Thiên Chúa, và khi Môsê vắng mặt, họ đã đúc bò vàng và tôn thờ nó như là Thiên Chúa của họ. Họ muốn một Thiên Chúa theo nhu cầu và thị hiếu của mình.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng sản xuất ra nhiều ngẫu tượng và tôn thờ chúng như đối tượng lớn nhất của đời mình: đó là tôn thờ của cải, danh vọng, quyền lực, tiền bạc, hưởng lạc...
Khi bị cám dỗ về danh vọng và quyền lực, Chúa Giêsu không coi những thứ đó như là đối tượng lớn nhất để tôn thờ. Người không sa bẫy của ma quỷ là muốn Chúa tôn thờ ngẫu tượng quyền lực và chạy theo chủ nghĩa “cứu thế” theo kiểu thế gian. Người trả lời với tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8).
Quả là bài học cho mỗi người chúng ta: Chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng đáng được chúng ta tôn thờ và yêu mến trên hết mọi sự. Những thứ còn lại chỉ là thứ yếu và là phương tiện cho cuộc sống chúng ta.

3- Cám dỗ thách thức Thiên Chúa
Thua keo này bày keo khác, cuối cùng ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu bằng việc thử thách Thiên Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9-10).
Đây là cám dỗ yêu cầu Thiên Chúa thực hiện những điềm thiêng dấu lạ nhằm thỏa mãn ước vọng cá nhân. Xưa dân Do Thái đã làm như thế khi thấy khát trong sa mạc, tại Massa (nghĩa là cám dỗ) và Meriba (nghĩa là kêu trách) họ thách thức Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho dân khỏi khát bằng cách truyền cho Môsê đập gậy trên tảng đá Ôrép, từ đó một mạch nước chảy ra dồi dào.
Ngày hôm nay, chúng ta thường bị cám dỗ muốn kéo Thiên Chúa theo nhu cầu và những sở thích của mình, muốn Thiên Chúa làm những việc lạ kỳ, ngoạn mục và ngoại thường. Chúa Giêsu không sa vào cám dỗ của chủ nghĩa “chiến thắng” và lối đạo đức chạy theo phép lạ. Bởi vì, như có lời đã chép: “Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ này bằng thái độ vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cũng thế, chúng ta hãy vâng phục thánh ý Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, chúng ta không rơi vào cám dỗ này.
Như thế, ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc là ba cám dỗ đặc trưng và truyền kiếp mà mỗi người phải đối diện khi sống trong thế gian này.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tỉnh thức trước mưu ma chước quỷ, bằng việc sống kết hợp với Chúa và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để chiến thắng các chước cám dỗ. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Amen!