Chúa Nhật II Thường Niên Năm C

Chỉ có hai lần Đức Maria xuất hiện trong Tin Mừng thứ Tư, đó là trình thuật Tiệc cưới tại Cana và trình thuật Thương Khó. Nhưng cả hai lần, thánh Gioan đều không gọi bằng tên Đức Mẹ cách đích danh. Thay vào đó, thánh nhân đã “đổi” tên Đức Mẹ thành “Mẹ của Chúa Giêsu”. Đó là một trong những điểm thần học làm cho Tin Mừng Goan khác biệt các Tin Mừng khác.

Bởi tất cả những gì thánh thánh Gioan trình bày trong Tìn Mừng của mình, không chỉ là ghi lại những biến cố, những sự việc, nhưng là chắt lọc từ những suy tư đã được ôm ấp, được nghiền ngẫm về cuộc đời của Chúa Cứu Thế và về tất cả những gì có liên quan đến Người.
Qua tất cả những suy tư bằng trọn một chiều sâu đã chín mùi ấy, thánh Gioan như muốn nói rằng, những gì đã xảy ra trong đời sống của Chúa Kitô, cũng được và cũng cần được diễn ra trong Hội Thánh hiện tại.

Đặc biệt, Hội Thánh cần noi gương Chúa Kitô, để Đầu nêu gương thánh thiện, thì thân mình cũng phải thánh thiện. Vì thế, từ những kỷ niệm mang tính lịch sử và cứu độ xuất phát từ Chúa Kitô, được sức mạnh của Thánh Thần linh hứng, Tin Mừng theo thánh Gioan đã diễn tả xuyên qua những câu chuyện lịch sử ấy, ý nghĩa thần học thật phong phú, để Hội Thánh sống và sống dồi dào.

Cũng vậy, với ý nghĩa thần học, Đức Maria trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có một chỗ đứng hết sức trang trọng. Người không chỉ đơn giản là "Bà Maria", không đơn giản là phụ nữ làng Nagiaret. Nhưng Đức Maria phải là và đích thật là "Mẹ của Chúa Giêsu", Mẹ của Đấng Cứu Thế. "Mẹ của Chúa Giêsu" còn có vai trò lớn trong công trình cứu độ của Chúa Cha ngang qua Chúa Giêsu.

Đặc biệt, với trình thuật phép lạ tại tiệc cưới Cana, tác giả Tin Mừng thứ Tư còn cho thấy chỗ đứng quan trọng vô cùng của Đức Maria: Đức Maria có sức mạnh chuyển cầu.

Tin mừng thánh Gioan kể lại sự kiện đã trở nên rất quen thuộc với mọi Kitô hữu: Có một đám cưới ở làng Cana, có cả Chúa Giêsu, Đức Maria và các môn đệ của Chúa được mời đến dự. Tiệc đang giữa chừng thì rượu hết. Tưởng rằng gia đình nhà đám sẽ bối rối vô cùng. Chắc chắn cô dâu chú rể sẽ xấu hổ nhiều.

Đức Mẹ nhìn thấy nỗi lòng của họ, Người hiểu rõ tâm trạng khó xử của họ. Đức Mẹ đã lên tiếng, đã nói với Con mình: “Họ hết rượu rồi”. Lời nói này, đúng hơn chỉ là lời đề nghị, một cách nhắc nhở khéo, tế nhị chứ chưa hẳn là một lời cầu xin, một tiếng van nài.

Sau lời đề nghị của Đức Maria, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi với Bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Chúng ta thử diễn lại câu nói này:

- “Tôi với Bà có can chi đâu”: Chuyện họ hết rượu đâu có liên quan gì đến Con và Mẹ. Như mọi người, Con và Mẹ cũng chỉ là khách.
- Và điều quan trọng hơn: “Giờ của Con chưa đến”: Chưa phải là lúc Con làm phép lạ. Chưa phải là lúc Con chứng minh quyền năng Thiên Chúa của mình.

Một câu trả lời với hai lý do chắc như đinh đóng cột, rõ ràng là một lời từ chối. Và cũng rất rõ ràng, phép lạ sẽ không xảy ra. Nếu Chúa Giêsu dứt khoát khẳng định: “Giờ của con chưa đến”, làm sao phép lạ lại có thể có được?

Nhưng trước câu trả lời xem ra quá phủ phàng của Chúa Giêsu, thái độ của Đức Mẹ như thế nào? lúng túng chăng? Hay ngơ ngác vì không hiểu lời con mình? Hay Người bực bội vì trước mặt mọi người, con mình trả lời với mẹ bằng những lời cứng cỏi như thế?

Không đúng! Thái độ của Đức Maria rất lạ thường, đó là thái độ của một đức tin lớn: Đức Mẹ thật tự tin vào mình. Người như không quan tâm đến lời chối từ của Chúa. Nói cho đúng, thái độ của Đức Maria cũng mạnh không kém câu trả lời của Chúa: Đức Mẹ muốn cho thấy chức năng làm Mẹ của mình. Người không đôi co, thậm chí không nói với Chúa một câu nào nữa.

Nhưng liền sau câu nói của Chúa Giêsu, cũng chính là lúc Đức Mẹ quay sang những người giúp việc và nói với họ: “Hễ Người bảo gì thì phải làm theo”. Và câu nói này, một lần nữa cho thấy sự khôn ngoan của Đức Mẹ: Người thừa biết khả năng của Con. Và hình như Đức Mẹ còn đoán trước được Chúa sẽ phải làm gì. Chúa sẽ nghe lời Đức Mẹ. Chắc chắn, Chúa không để lời cầu nguyện của Người Mẹ mà mình hằng kính yêu phải rơi vào quên lãng, phải mất mọi giá trị.

Đức Mẹ có thế giá trong lời chuyển cầu của Người. Nói cách khác, bên cạnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ là tiếng nói cho sự hữu hạn của con người. Sự lên tiếng của Đức Mẹ, không đơn thuần là sự cuộc nói chuyện giữa Mẹ và Con, nhưng còn là cuộc nói chuyện giữa Mẹ Nhân loại và Thiên Chúa: đại diện cho cả nhân loại, thấu hiểu nỗi lòng của người trần thế, để rồi đảm nhận vai trò trung gian, tiến cử cho trần thế trước tòa cao cả của Vua Trời.

Hình ảnh của Đức Mẹ sát bên nhân loại làm cho Người như Evà mới. Người là mẹ toàn thể nhân loại và là mẹ của từng người. Từ đó, Đức Mẹ cũng cho thấy mình bất lực trong và trước nỗi đau của con người. Dù giới hạn, nhưng đầy lòng tin, Đức Mẹ đã dâng lời cầu nguyện.

Bằng tấm gương của mình, Đức Mẹ dạy chúng ta hãy luôn trông cậy vào Chúa. Chúng ta hãy để Chúa thấu hiểu và làm chủ cả cuộc đời mình. Hãy chỉ có trong lòng ta một mình Chúa là lẽ sống, là sự cậy trông, là niềm tín thác mà thôi.