Như đã viết trước đây trong bài phóng sự đầu tiên, năm nay chúng tôi đi Roma để tháp tùng ca đoàn cuả đứa cháu ngoại đi hát lễ ở Vatican.

Ca đoàn cuả trường nữ trung học Công Giáo Ursuline Academy ở Dallas được mời sang Toà Thánh hát lễ muà Giáng Sinh, sau khi đã kiên trì nộp đơn xin ‘được bình chọn’ mỗi năm, từ 10 năm qua.

Tuy rằng đây là một ca đoàn cuả Mỹ, nhưng mọi dấu chỉ cho thấy sự lựa chọn không do vì có những ‘móc nối bên trong’ hay vì tăm tiếng cho bằng vì họ đã kiên trì nộp đơn xin ứng thí.

Bà Jane Chambers ca trưởng cuả ca đoàn đã gửi một cuốn băng thu các bài hát cuả các em tới thẳng văn phòng Thánh Nhạc ở Vatican (Vatican office of Sacred Music) và được Đức Ông Pablo Colino, Kinh Sĩ và Tổng Quản Lễ về hưu cuả ‘Vương Cung Thánh Đường’ Thánh Phêrô chính thức lựa chọn.

Và nếu việc lựa chọn ở Giáo Triều đơn giản như vậy thì một ngày nào đó, xét rằng chúng ta đã có những ca đoàn ‘lão luyện’ và cũng sẵn nhiều ‘tay trong tay ngoài ở Vatican’, thì sẽ có một ca đoàn Việt Nam, quốc nội hay quốc ngoại, được vinh dự có giấy mời qua hát lễ Giáng Sinh.

Những kinh nghiệm viết ra sau đây hy vọng sẽ góp một phần nào đó cho việc chuẩn bị sự việc đó.

Chúng ta biết rằng trong năm vừa qua có nhiều ca đoàn ‘ngoại quốc’ được Vatican mời tới hát vào những dịp lễ lớn, và mỗi lần như vậy đã trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, thí dụ trong buổi lễ Ngôi Toà Thánh Phêrô vào cuối tháng 6 vừa qua, ca đoàn cuả nhà thờ Hereford Cathedral cuả Anh Giáo đã được mời hát chung với ca đoàn cuả nguyện đường Sistine, và chỉ việc đó mà thôi đã trở thành một bước tiến ‘Liên Tôn’ quan trọng được các cấp lãnh đạo Anh Giáo hoan nghênh nồng nhiệt.

Riêng với ca đoàn Ursuline Academy ở Dallas, thì cái thư viết tay từ Vatican lập tức trở thành một thứ ‘huy chương’ vô giá, chứng tỏ rằng ‘We are best’ (Chúng ta là nhất), và ‘We are blessed’ (Chúng ta được đầy ơn phúc.) Nó không chỉ là một liều thuốc kích thích tinh thần để khởi đầu một cuộc chuẩn bị và luyện tập dài 6 tháng, nó cũng tạo ra một cái vinh dự mà cả vùng Dallas và Fort Worth muốn được chung vào, bằng cớ là đài CBS cuả DFW đã có một phiên phóng sự dài vào ngày 24 tháng 12 trong giờ ‘prime time’ để nói về các em, và đài NBC-5 đã chiếu một đoạn video cuả các em hát lễ ngày 28/12 ở Vatican.

Để đạt được vinh dự đó thì một cái giá không nhỏ cũng cần phải trả, không kể thời giờ và nỗ lực tập luyện, mỗi em trong ca đoàn đã phải chi ra US$6000, là số tiền cho một ‘tour 10 ngày’ đi Roma và Florence.

Nhưng đó là cái giá cuả một ‘tour’ hạng A cuả Mỹ, chúng tôi đã thấy nhiều tour do các hãng Việt Nam tổ chức có giá rẻ hơn nhiều, nhiều lắm, khoảng một nửa mà thôi. Còn nếu là phụ huynh đi tự túc như chúng tôi đã làm, thì sau khi lục lọi trên Internet (Priceline), mỗi người đã chỉ trả có US$780 cho vé ‘vừa máy bay vừa hotel’ (4 sao có ăn sáng) 7 ngày ở Roma.

Cũng xin lưu ý là ở Roma còn có Foyer Phát Diệm (Via della Pineta Sacchetti, 45) là một ‘nhà nghỉ’ do các Sơ Mến Thánh Giá Phát Diệm cai quản, giá rẻ, cung cấp các bữa cơm Việt Nam, và có thể giúp đỡ việc tìm kiếm phương tiện di chuyển và vé vào cửa.

Cho nên tuy phí tổn đi qua Roma là cao đối với lợi tức trung bình cuả người VN, nhưng không phải là không có cách vượt qua để có được một cơ hội ‘có một không hai’ trong đời.

Điều mà một ca đoàn không thể thương lượng được, đó là tài năng ca hát cuả họ. Trong những nhà thờ rộng mênh mông ở Roma, người ta không dùng máy phóng thanh mà lợi dụng cái độ ‘âm hưởng’ cuả các vòm trên nóc nhà. Ca đoàn cuả trường Ursuline hình như đã chuẩn bị chu đáo cho môi trường này, cho nên chỉ có 40 em có giọng tốt và đầy tự tín, đã trình diễn xuông xẻ một chương trỉnh ‘A Medieval Christmas’ (Một muà Giáng Sinh thời Trung Cổ) dưới vòm cuả nhà thờ Basilica di Sant'Andrea della Valle trước một cử toạ chăm chú và im phăng phăc vào chiều ngày 27 tháng 12. Những cử toạ người Ý tỏ ra rất nghiêm túc khi thưởng thức nghệ thuật, nhất là đối với những bài hát cổ xưa, và họ đến tham dự rất đông, thật là không hổ ngươi cho một giống dân đã tạo ra cuộc cách mạng văn hoá nghệ thuật gọi là ‘Thời Phục Hưng’ đưa đến nền văn minh hiện đại cuả Thế Giới ngày nay!

Xem hình ảnh

Buổi trình diễn dài gần 2 tiếng là một thành công lớn xét về thể loại hợp ca, nhưng không xuông xẻ lắm cho các bài độc tấu guitar hay violon…Dù cho những bản độc tấu đó được trình diễn bởi một giáo sư âm nhạc có hạng cuả trường đại học Texas Woman's University ở Denton, Texas. Theo thiển ý thì môi trường âm thanh dưới những chiếc vòm có thể phù hợp với các loại đàn phong cầm hơn là các loại nhạc cụ khác chăng?

Sáng hôm sau là lễ ‘Các Thánh Anh Hài’ diễn ra bên cánh trái cuả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô gọi là nguyện đường Thánh Giuse. Người ta đến dự lễ chật kín, hầu hết vẫn là người Ý, và vị chủ tế, Đ.Ô. Colino, đã cử hành thánh lễ bằng tiếng Latin.

Nhưng không may, ca đoàn không hát được ‘bộ lễ Gregory tiếng Latin!’ Và Đức Ông đã vừa xướng vừa thưa một cách ‘độc thoại’ một cách vui vẻ…

Thêm một kinh nghiệm cho các ca đoàn: Nhớ tập hát lễ Gregory bằng tiếng Latin để ‘phòng khi hữu sự.’

Dù thế, 5 bài hát, Ca Đầu Lễ, Ca Dâng Lễ, Ca Hiệp Lễ và 2 bài Giáng Sinh cuối lễ là những giọng hát du dương như phát ra bởi các thiên thần từ trên trời vọng xuống, làm ngơ ngẩn người nghe. Có những phụ huynh đã rơi lệ và thố lộ tâm tình rằng những lo lắng và cực nhọc cuả cuộc du hành nửa vòng Thế Giới để tới đây thì đều tan biến hết.

Riêng chúng tôi đã quay video 5 bài hát và tuy không sử dụng một dụng cụ thâu âm nào khác ngoài bộ phận thu âm cuả chiếc máy hình, hình ảnh và âm thanh cũng không tệ, vậy xin gửi tới quí độc giả để cùng thưởng thức.

Xem hình ảnh và video