CN I Mùa Vọng : Vọng Tử

Năm nay Mùa Vọng đến rất trễ, giáp ranh của tháng 12, vì chiều thứ bảy là ngày đầu tháng 12 (1-12) (*). Điều đó tiên báo Noel tới rất nhanh. Tức là tuy 4 Chúa Nhật đó, nhưng chỉ kéo dài 3 tuần lễ cộng một ngày thôi. Chúng ta đang đặt chân vào đầu Mùa Vọng mà dính liền ngay với ngày cuối của tháng 11, tháng cầu cho các những người đã chết. Bởi đó, dựa vào giao thoa của thời gian, ta sẽ suy nghĩ về đề tài chờ (mùa vọng) chết (tháng 11). Vọng tử

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, có một người khách rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tử vi bói toán số mạng. Vương Nguyên Mỹ nói : “Tôi tự mình cũng biết coi bói vậy”. Có người hỏi ông ta xem thử thế nào, họ Vương trả lời: “Tôi và các ngài ai cũng phải chết”. (trích Hài Tùng)

Đúng, đó là chân lý. Là sự thật, dẫu là phũ phàng: tất cả mọi người đều phải chết.

Vì thể có thể nói cách bi quan rằng: sống là chờ chết (như người bệnh nặng hết thuốc chữa chỉ còn nằm giường chờ chết). Triết hiện sinh còn quan niệm bi quan hơn thế: con người là hữu thể để chết. Sein zum Tode (Heidegger). Càng sống thêm một ngày càng đi gần tới nấm mồ. Càng thở thêm một phút càng thấy quan tài rõ hơn một chút. Đó là cái nhìn bi quan.

Còn cái nhìn hy vọng của Kitô hữu: sống là chờ Chúa đến.

Con người ta ai cũng phải chết. Con người ai cũng phải đối diện với ngày Chúa đến. Đó là chân lý bất di bất dịch. Nhưng ngày giờ nào thì không ai rõ. Không ai biết được!

Bởi thế Chúa mới nói phải tỉnh thức. Tức là phải sống trong tư cách của người tỉnh thức.

Có nhiều cái thức mà không tỉnh. Có nhiều người thức mà mê chứ chẳng tỉnh tí nào. Họ là ai?

-Họ là những kẻ thức thâu đêm tới sáng để ăn thua đủ bên canh bạc trên chiếu. Họ thức mà không tỉnh, nhưng mê ông bác thằng bần.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh. Họ là người mê làm giàu: làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, Chúa Nhật làm thêm cũng được. Họ không nhớ lời Chúa : trước hết tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự đời sẽ được cho sau.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh là những kẻ thức trong mê man say đắm xác thịt. Thân xác thì thức để chờ đợi thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh, đó là những người có kiến thức, có tri thức rồi trở nên kẻ kiêu ngạo, họ thức trong kiến thức hạn hẹp của mình để lên án chỉ trích người này người kia. Họ quên lời Vua Kitô: Ai xét đoán anh em, sẽ bị xét đoán.

-Cũng có những kẻ xem ra thực thi đúng lời Chúa hôm nay: tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng lại trong một cung cách sai.

Cha Anthony de Mello, nhà tu đức nổi tiếng người Ấn Độ kể:

Một hôm con trai của Giáo chủ đạo Bà La Môn bên Ấn Độ được mời vào một gia đình khá giả. Bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, trổ tài nấu ăn cho vui lòng khách quý.

Tiếc thay khi dọn bữa lên, bà khiêm tốn xin lỗi khách vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần vì muốn bữa cơm thật ngon nên trong khi nấu nướng, bà lo cầu nguyện nên quên chú tâm vào việc nấu ăn.

Vị khách mỉm cười đáp: “Việc cầu nguyện là điều rất cần và rất tốt. Nhưng lần sau khi làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn hơn là cuốn Kinh Thánh Koran.”

Thế giới sẽ ra sao, nếu gần 2 tỉ người Kitô Giáo thức dậy là vào ngay nhà thờ cầu nguyện, và mê man với việc ở lại trong Nhà Thờ, chỉ trừ có giờ ăn, giờ ngủ.

CĐ Vatican gọi một trong những tội của thời đại này, là con người đã xao nhãng việc trần thế. Dĩ nhiên có cách thức vừa làm việc vừa cầu nguyện được, nhưng chắc hẳn không phải là ở mãi trong Nhà Thờ : lấy ai đi chợ lấy ai dọn bàn.

Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người thức mà như đang mê ngủ.

Trên đây ta đã tạm liệt kê những người thức chờ Chúa đến mà không tỉnh. Họ thức trong mê: mê đỏ đen, mê làm giàu, mê lạc thú, kể cả mê cầu nguyện mà quên việc bổn phận hằng ngày…, cũng vẫn là thức mà không tỉnh.

Cái tỉnh đúng đắn là nhận chân rằng : số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Khi chết rồi là không thể sữa chữa được nữa.

Cái tỉnh đúng đắn nhất là biết sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào. Nói cách khác, sống mà như sẵn sàng chết. Một câu nói lừng danh : BẠN CHƯA SẴN SÀNG SỐNG CHO TỚI KHI NÀO BẠN SẴN SÀNG CHẾT. “You are not ready to live until you’re ready to die”. Tức là: Bạn chưa biết sống nếu bạn chưa biết chết. Bạn sẽ không biết sống thế nào, nếu bạn chưa biết ta chết làm sao. Chết là lúc gặp Chúa.

Hãy thử xem bạn muốn gặp Chúa ra sao, thì bạn sẽ sống theo như vậy.

Một bà đạo đức được Chúa hứa đến thăm vào ngày bà cầu xin.

Sáng sớm hôm đó, bà lo dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, rồi ngồi chờ Chúa. Nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội chạy ra mở cửa... Nhưng đó là người ăn xin. Bà buồn bã đóng cửa lại.

Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa. Bà vội mở cửa nhanh hơn vì chắc là Chúa đến... Nhưng đó là một người mù. Và cửa đóng lại.

Mấy phút trôi qua, lại có tiếng gõ cửa. Bà nghĩ nhất quá tam, chắc chắn Chúa đến nên chạy nhanh mở cửa. Thì ra là một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận, nói: Tôi bận đón Chúa, tôi không giúp anh được!

Rồi màn đêm xuống cũng chưa thấy Chúa đến. Bà buồn rầu than:

- Chẳng biết Chúa bận việc gì mà quên lời hứa. Mòn mỏi quá bà ngủ quên và thấy Chúa đến nói:

Ta đã đến với con 3 lần, mà cả 3 lần đều bị con đuổi đi !...

Trên bia mộ trong một nghĩa trang, có mấy dòng chữ đáng ta suy nghĩ.

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi làm phúc và cho đi, nay thuộc về tôi.

Đó chính là cách thức tỉnh thức thích hợp khi ta chờ Chúa đến.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

góp nhặt

_____________

(*) Năm nào ngày lễ Giáng Sinh 25-12 đúng vào thứ hai, Mùa Vọng sẽ ngắn nhất, đúng 3 tuần, ba bảy 21 ngày thôi. Sáng Chúa Nhật 24-12 là Chúa Nhật IV Mùa Vọng, “Trời cao hãy đổ sương” thì ngay chiều tối đó, đã “Đêm đông mừng Chúa giáng sinh ra đời rồi…”. Năm nay (2018) lễ Giáng Sinh rơi vào thứ ba, nên Mùa Vọng kéo dài 22 ngày thôi.