Theo tin của Crux phát hành ngày 15 tháng 11, hội nghị được nhiều người mong chờ đã kết thúc hôm thứ Tư, 14 tháng 11, mà không đưa ra một hành động tức khắc nào để giải quyết nạn lạm dụng tình dục.



Thay vào đó, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã kết luận với lời hứa “sẽ có những hành động mạnh mẽ nhất vào thời điểm sớm sủa nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời đoan hứa lòng trung thành của các giám mục Hoa Kỳ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài nói: “tôi khai mạc hội nghị bằng cách phát biểu đôi chút thất vọng. Tôi bế mạc nó với một niềm hy vọng”.

Ngài cho biết các giám mục Hoa Kỳ “đang trong diễn trình” điều tra cựu Hồng Y Theodore McCarrick, làm dễ diễn trình báo cáo việc lạm dụng hay tác phong xấu của các giám mục, và khai triển các phương thế độc lập và do giáo dân cầm đầu buộc các giám mục phại chịu trách nhiệm.

Ngài nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi chắc chắn cuộc đàm luận của giáo hội hoàn vũ vào tháng Hai này sẽ giúp chúng ta nhổ tận rễ tội ác lạm dụng tình dục khỏi Giáo Hội. Nó sẽ làm cho các cố gắng địa phương của chúng ta có tính hoàn cầu hơn và quan điểm hoàn cầu sẽ giúp chúng ta ở đây”.

Tuy nhiên, bất chấp lời tổng kết cuối cùng đầy tự tin của Đức Hồng Y DiNardo, điều diễn ra trong suốt ngày cuối cùng của cuộc họp hai năm một lần thường là mơ hồ hỗn độn và thất vọng nơi các giám mục.

Nếu có một chữ được lặp đi lặp lại trong ngày, thì chữ đó là: “McCarrick”.

Các giám mục liên tục tranh luận về việc phải tìm đâu cho ra câu trả lời về việc cựu tổng giám mục của Washington đã thăng tiến ra sao qua các cấp bậc trong phẩm trật giáo hội trong khi cùng một lúc đã lạm dụng hàng loạt các chủng sinh, và, ít nhất một trường hợp lạm dụng vị thành niên.

Các cuộc thảo luận của họ cho thấy có sự rạn nứt giữa một số giám mục Hoa Kỳ tìm cách dành uy tín cho các tuyên bố của cựu đại diện giáo hoàng tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, người đã cáo buộc Đức Phanxicô biết rõ lịch sử các hành vi sai trái của McCarrick và thậm chí đã yêu cầu ngài từ chức - và các giám mục khác than phiền về sự thiếu đoàn kết trong Giáo hội Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Đức Giáo Hoàng, đặc biệt vì sự kiện một số hội đồng giám mục khắp thế giới đã hỗ trợ ngài.



Đức Giám Mục Michael Olson của Forth Worth, Texas, đã đọc một trong những bài phát biểu sôi nổi nhất tại phòng hội nghị, trong đó, ngài vừa phê phán Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã không chính thức hủy bỏ lời mời cựu Hồng Y McCarrick tham dự các phiên họp của mình và không đưa ra lời ủng hỗ chính thức đối với Đức Phanxicô.

Ngay sau những phát biểu của ngài, Đức Cha nói với Crux, “Chúng ta cần phải tái khẳng định thừa tác vụ Phêrô của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Viganò đòi ngài từ chức thật là tai tiếng. Bất kể sự thật nào về bức thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò, điều đáng nói là việc ngài kêu gọi Đức Phanxicô từ bỏ ngôi vị giáo hoàng quả gây tai tiếng. Nó gây hại cho sự hiệp nhất Công Giáo”.

Ngài nói tiếp: "Chúng ta, trong tư cách các giám mục anh em, chúng ta đặc biệt phải hỗ trợ Đức Giáo Hoàng Phanxicô như đấng kế nhiệm Thánh Phêrô. Chúng ta cần giúp ngài vác thánh giá, và chúng ta cần giúp ngài nhận thức được sự lớn lao của vấn đề này, và nhiệm vụ tuyệt đối của chúng ta phải giải quyết nó."

Đức Giám Mục Liam Cary của Baker, Oregon cũng đề nghị một nghiên cứu toàn diện về việc che đậy lạm dụng của các giám mục, tương tự như Tường Trình John Jay về việc lạm dụng vị thành niên.

Đức Cha Cary nhắc lại lời đề nghị của Đức Cha Olson, theo đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nên chính thức chế tài cựu Hồng Y McCarrick. Ngài nói rằng "Trong tư cách hội đồng giám mục Mỹ, chúng ta đã không đưa ra hành động chính thức nào để tự tách mình ra xa tác phong đáng xấu hổ của một người trong chúng ta".

Các can thiệp khác, chẳng hạn như của Đức Giám Mục Thomas Olmsted ở Phoenix, Arizona và của Giám mục Barry Knestout ở Richmond, Virginia, đã so sánh thời điểm hiện tại với sự bất đồng của các nhà thần học, linh mục, và giáo dân Công Giáo phản đối thông điệp Humanae Vitae năm 1968 của Giáo hội ngăn cấm ngừa thai nhân tạo, và kêu gọi sự hợp nhất trọn vẹn và tái khẳng định tất cả các tín lý, cũng như sự lãnh đạo của Giáo Hội.

Sau hơn nửa giờ thảo luận vào buổi chiều, các giám mục đã bỏ phiếu cho một đề nghị do Đức Giám Mục Earl Boyea của Lansing đề ra, trong đó ngài tìm cách thông qua một nghị quyết “để khuyến khích” Tòa Thánh cho công bố tài liệu liên quan tới các vụ kiện theo giáo luật và luật dân sự chống lại cựu Hồng Y McCarrick.

Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào sự kiện Vatican đã phát hành một bản thông cáo vào tháng trước cam kết sẽ làm cùng một việc.



Trong tuyên bố cuối cùng của mình, Đức Hồng Y DiNardo nói rằng các giám mục ủng hộ "việc hoàn thành công bằng và kịp thời nhiều cuộc điều tra khác nhau", và bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết của Vatican vào tháng trước.

Đức Giám Mục Shawn McKnight của thành phố Jefferson nói với Crux rằng sự thất vọng lớn nhất của ngài đối với việc kết thúc hội nghị là thiếu tiến triển trong vụ McCarrick. Ngài trích dẫn kinh nghiệm riêng trong việc chủ tọa sáu phiên lắng nghe trong khoảng thời gian hai tuần ở giáo phận của mình, trong đó ngài nói rằng câu chuyện McCarrick là mối quan tâm chính.

Trong một cố gắng ôn lại ngày đầu hội nghị, Đức Hồng Y DiNardo nhắc lại nhận xét của vị đại diện Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục người Pháp Christophe Pierre, người đã dùng bài phát biểu khai mạc của mình vào hôm thứ Hai để kêu gọi các giám mục Hoa Kỳ hồi tâm bản thân.

Đức Hồng Y DiNardo nói rằng "Không một hệ thống quản trị hoặc giám sát nào, bất kể tuyệt vời và cần thiết đến đâu, một mình đủ để làm cho chúng ta, những người thẩy đều yếu đuối, có thể sống đúng ơn gọi cao cả mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Kitô".

Nghĩ trước tới tháng Hai, nơi ngài sẽ đại diện các giám mục Hoa Kỳ trong hội nghị các vị đứng đầu mọi hội đồng giám mục thế giới, Đức Hồng Y DiNardo nói: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ tìm cách củng cố các đề nghị đưa ra trong tuần này.

Hiện nay, có hai đề nghị về cách tiến hành ra sao đối với các cấu trúc mới buộc các giám mục phải chịu trách nhiệm, một trong các cấu trúc đó là một ủy ban giáo dân toàn quốc duy nhất – vốn là đề xuất ban đầu - và một đề nghị mới xuất hiện trong các cuộc thảo luận của tuần này, dựa vào một mạng lưới toàn quốc gồm các hội đồng xét duyệt đã được thành lập trên toàn quốc, được giám sát bởi các giám mục giáo tỉnh của họ.

Đức Cha McKnight nói với Crux rằng căn cứ vào kết quả của cuộc họp tuần này, hiện nay đã có sự "quan ngại dâng cao về việc cuộc họp tháng Hai có khả năng cung cấp những điều chúng ta cần ở Hoa Kỳ hay không".

Ngài nói ngài ủng hộ đề nghị của Đức Hồng Y Blase Cupich hôm thứ Hai là các giám mục Hoa Kỳ nên gặp nhau vào tháng Ba sau khi Đức Hồng Y DiNardo, từ Roma, trở về.

Ngài nói: "Chúng ta rất có thể phải căn cứ vào điều họ quyết định để đi xa hơn hoặc sâu hơn ở đây”.

Tuy nhiên, bất chấp một tuần kết thúc khác xa kế hoạch ban đầu của ngài, Đức Hồng Y DiNardo kết thúc các nhận xét của ngài một cách lạc quan.

Ngài nói: "Chúng ta rời khỏi nơi này, lòng đầy cam kết sẽ đưa ra các hành động mạnh nhất trong thời điểm sớm nhất có thể".

“Chúng ta sẽ làm như vậy trong sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát. Việc tiến về phía trước trong sự hòa hợp với Giáo Hội khắp thế giới sẽ làm cho giáo hội ở Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, và sẽ làm cho Giáo Hội hoàn cầu mạnh mẽ hơn”.