Trên thực tế thì việc Giáo Hội công nhận bảy giám mục ‘bất hợp pháp’ trên đã là kết quả của một cuộc hành trình cá nhân được thực hiện bởi những giám mục này với Đức Giáo Hoàng và thực sự không cần phải có một cuộc thoả thuận giữa Tòa Thánh và Chính phủ Bắc Kinh mới xẩy ra được.
Khi loan tin trên, WSJ cũng cảnh báo rằng "thỏa thuận vẫn có thể thất bại hoặc bị trì hoãn, do các sự kiện không lường trước được".
Trong ba năm nay, nhiều báo ở Ý và Vatican đã nhiều lần thông báo ‘hụt’ rằng thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican sắp được ký kết. Họ thường trích dẫn những nguồn tin vô danh, nhưng "với kiến thức bên trong của các cuộc đàm phán Vatican-Trung Quốc", và dĩ nhiên là ‘thoả thuận đó đã không xẩy ra’, thí dụ như hồi tháng 11 năm 2016, lúc cuối Năm Thánh Thương Xót; rồi cuối năm 2016; sau đó vào tháng 6 năm 2017; rồi cuối tháng 3 và bây giờ là cuối tháng 9.
Những dự đoán như thế này thì không khác chi những dự đoán về Ngày Tận Thế cuả những tín đố ‘Nhân Chứng Giê-hô-va’!
Trích dẫn Tin Mừng, chúng ta có thể thành thật nói rằng không ai biết "cả ngày lẫn giờ" (Ma-thi-ơ 25,13). Điều "không biết" này không phụ thuộc vào Đức Giáo Hoàng và Vatican nhưng là phụ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc.
Trong những năm gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tỏ ra rất hiếu khách và tôn trọng người dân Trung Quốc và lịch sử của họ và mong muốn được sang thăm Trung Quốc; phái đoàn Vatican dường như sẵn sàng đồng ý bất kỳ nhượng bộ nào để có một thỏa thuận nhỏ, thậm chí là tạm thời với người khổng lồ Trung Quốc. Câu hỏi cơ bản - mà ít nhà báo và nhà quan sát đặt ra - là liệu Trung Quốc có thật sự quan tâm đến thỏa thuận này hay không? Trong quá khứ, nhiều nhà phân tích đã cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ là vì nội bộ phân hoá giữa người Công Giáo ở Trung Quốc và trên thế giới, nhưng bây giờ người ta đã đoán được, nguyên nhân chính là vì có sự phân hoá giữa các bộ phận nằm trong cùng một Bộ Chính trị cuả Trung quốc.
Một phiá là bộ ngoại giao, đứng trên quan điểm chính trị quốc tế, họ rất thuận lợi cho việc ký kết một thỏa thuận, vì sẽ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc về phương diện hình ảnh toàn cầu và danh tiếng quốc tế, mà hiện nay đang bị bôi nhọ vì cuộc chiến tranh kinh tế với Hoa Kỳ; và đồng thời chấm dứt con bài Đài Loan mà ngày nay chỉ còn có Vatican là quốc gia EU duy nhất vẫn còn có liên hệ ngoại giao.
Nhưng phiá bên kia là Mặt trận thống nhất, Bộ Tôn giáo, Hiệp hội Yêu nước, đang điều hành cuộc sống hàng ngày của các cộng đồng Kitô hữu. Họ đang hưởng lợi qua sự kiểm soát và tước đoạt tài sản của Giáo hội. Đối với họ, bất kỳ một không gian nào được trao cho Vatican thì đều là mối đe dọa đối với quyền lực tuyệt đối của họ. Vì lý do này, họ tiếp tục phản đối để bảo vệ quyền bá chủ của họ: nhà thờ và thánh giá tiếp tục bị phá hủy ; tịch thu đất đai ; cấm những người trẻ tuổi tham dự nhà thờ ; ‘hán hoá đạo pháp’, tức là đồng hóa mọi hoạt động, tư tưởng, thần học và phụng vụ.
Sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, Mặt Trận Thống Nhất được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo cuả Đảng . Điều này có nghĩa là Tập Cận Bình, chủ tịch và tổng thư ký Đảng, là lãnh tụ tối cao của nó. Vì lý do này, sự chờ đợi kéo dài trong nhiều năm có thể được giải quyết với một quyết định duy nhất của Tập Cận Bình. Nhưng trong hiện tại, quyền lực của ông Tập thì lại bị thoái lui: cuộc đối đầu trực diện với Hoa Kỳ có thể có hậu quả kinh tế tai hại cho Trung Quốc và vì lý do này đang có những chỉ trích từ bên trong Đảng. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng của ông về việc tiêu diệt "hổ" và "ruồi" đã tạo ra rất nhiều kẻ thù. Nếu quyết định ký kết thỏa thuận với Vatican, ông sẽ phải chống lại Mặt Trận Thống Nhất, mà như thế, con số những người muốn thấy ông rớt đài sẽ tăng thêm.
Điều này giải thích phản ứng thờ ơ cuả các tờ báo ở Bắc Kinh trước tin tức của WSJ và bộ ngoại giao thì chỉ tái khẳng định "sự chân thành" của họ trong việc muốn đối thoại với Vatican nhưng không đưa ra một bình luận nào thêm về thỏa thuận cả.