Này là Mình Ta. Này là Máu Ta

( Mc 14, 12-16. 22-26)

Ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.

Cử hành Thánh Thể

Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.

Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta : Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được ?

Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!

Giáo hội quả quyết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.

Theo thánh Tôma Aquinô : Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.

Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta : « Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: « Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta » Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người » (Mc 14, 22-24).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói : « Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ». (Thánh Gioan Kim Khẩu)

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : « Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta ». Người tan biến trong chúng ta, « làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài » (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.

Rước kiệu Mình Thánh Chúa

Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bánh rượu Menkixêđê –Rượu Bánh Giêsu

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – C

( Mc 14, 12-16. 22-26)

Hôm nay, Giáo hội cử hành trọng thể Mầu nhiệm đã được thiết lập trong bữa Tiệc Ly. Nếu hằng năm được nhớ đến vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì hôm nay được biểu lộ cho tất cả, được bao bọc bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội bằng việc cử hành lễ của Chúa, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu với cao điểm là Rước Kiệu Mình Thánh.

Bánh rượu Menkixêđê dâng tiến

Nói đến Mình Thánh Chúa Giêsu là nói đến bánh dưới dạng « lương thực ». Từ « bánh thánh » có nghĩa là « hy sinh » : từ này được dùng để chỉ các lễ hy sinh Cựu Ước như : lễ vật của Aben tôi trung của Chúa, hy lễ của Abraham, và lễ vật tinh tuyền của Menkixêđê, thượng tế của Chúa.

Bài đọc I trích sáng Sáng Thế (14,18-20) đề cập đến bánh và rượu của Menkixêđê vua thành Salem mang đến xin Chúa chúc phúc. Menkixêđê là ai vậy ? Ông là một nhân vật hơi huyền bí, không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất, những người bà con họ hàng cũng không hay biết về nguồn gốc, ông khác biệt bởi nhân đức cao vời nên người ta gọi ông là « Menkixêđê » vua Công Chính.

Một ngày kia ông xuất hiện trên núi sau này là núi Sion (Giêrusalem) và vạch ra những danh giới cho một thành gọi là « Salem », thành hòa bình. Ông sống ở đó trong thinh lặng và an bình, phụng sự Thiên Chúa, Đấng sáng tạo trời đất và dạy người ta ca tụng Danh Thánh Chúa. Ông không chỉ là người tôn thờ vị Thượng Tế Tối Cao, mà còn dâng bánh và rượu, lễ vật hy sinh và những hoa quả đầu mùa lên Chúa.

Thánh lễ này, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu "là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người" để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek cho tới nay. Menkixêđê là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô sau này.

Bánh rượu của Chúa Giêsu

Cựu Ước có rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng về Bí tích Thánh Thể được hoàn tất trong Tân Ước. Các hình ảnh tiên trưng về Bích tích Thánh Thể như : lễ vật của Abraham, Menkixêđê, Manna trong sa mạc, bánh trưng hiến trong Đền Thờ Giêrusalem, đặc biệt là chiên Vượt Qua.

Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu làm dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người nơi trần gian. Bánh và rượu do vị thượng thế Menkixêđê dâng tiến (Ga 14, 18) báo trước về bánh và rượu do Chúa Giêsu, Thượng Tế Tối Cao, Vua muôn thủa dâng tiến ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Vì Chúa Giêsu « đã trở thành Thượng tế cho đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê » (Dt 6,20).

Tối hôm trước ngày chịu khổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : « Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta ». Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và nói : « Chén này là Tân Ước trong Máu Ta » (1 Cr 11, 23-26). Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại toàn bộ lịch sử tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với con người. Không chỉ là quá khứ mà còn được dự đoán trong tương lai.

Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần. Chúa Giêsu hiện diện thực sự ở đó trót Mình và Máu Người, để dâng lên Chúa Cha một hiến lễ không đổ máu và trở nên lương thực cho linh hồn tín hữu. Bánh rượu của Chúa Giêsu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðây không chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là công lao của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta tiếp tục dâng trên bàn thờ để cho thế gian được sống (Ga 6,51).

Bước theo Bánh Giêsu

Ở mọi nơi mọi thời, Chúa Giêsu muốn gặp gỡ con người và mang đến cho họ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu, một thứ lương thực đơn giản gồm một ít nước và bột, giống như thức ăn của người nghèo. Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa, một cử chỉ đầy ý nghĩa.

Khi đi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép là chính Chúa Giêsu và bước theo Bánh ấy, đưa Bánh Thiêng từ Trời xuống vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta; với ước muốn xin Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và sống bất cứ nơi nào chúng ta sống.

Trong lễ của Chúa, chúng ta tuyên xưng rằng Bí Tích Thánh Thể thuộc trọn về mình, là chính sự sống của mình, là nguồn mạch tình yêu chiến thắng sự chết. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, phát sinh tình bác ái có sức biến đổi cuộc đời chúng ta và nâng đỡ cuộc hành trình của tất cả chúng ta đang tiến về quê trời vinh phúc.

Khi rước kiệu, chúng ta bước theo Bánh Giêsu và cầu xin Bánh chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội. Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa ba đào, đang bị cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ. Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn. Xin cho họ có công ăn việc làm. Xin tẩy rửa và thánh hóa chúng ta trong mọi sự, giúp chúng ta hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây Thập Giá, với sự từ bỏ mới đạt tới vinh quang. Xin Chúa qui tụ những ai tản mác khắp nơi về một mối. Xin Chúa hiệp nhất chúng ta với Giáo hội, đoàn kết chúng ta với anh em bị chia rẽ. Và nhất là xin Chúa ban cho chúng ta ơn cứa độ đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bánh Rượu Giêsu

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – B

(Mc 14, 12-16. 22-26)

Tối hôm trước ngày chịu hhổ hình, sau bữa Tiệc Ly Vượt Qua , Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : "Hãy cầm lấy, này là mình Ta. Đoạn, cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn, trao cho họ và họ uống cạn chén ấy. Và Người nói : "Này là máu Ta, máu giao ước, đổ ra cho nhiều người" (Mc 14: 22-24). Toàn bộ lịch sử của Thiên Chúa với con người được tóm gọn trong những lời trên. Không chỉ là quá khứ mà đã gộp lại và giải thích, nhưng nói chung cũng được dự đoán trong tương lai : Nước Thiên Chúa đến trong thế gian này. Điều Chúa Giêsu nói đây, không đơn giản chỉ là những là lời nói. Điều Chúa Giêsu nói là một sự kiện, sự kiện trung tâm trong lịch sử thế giới và của đời sống riêng mỗi người chúng ta.

Những lời này là vô tận. Chúng ta cùng nhau suy niệm một khía cạnh duy nhất. Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu, như một dấu chỉ cho sự hiện diện của mình. Qua một trong hai dấu chỉ này, Người hoàn toàn tự hiến chính mình cách trọn vẹn, chứ không phải chỉ một phần. Đấng Phục Sinh không bị phân chia. Người là một, qua các dấu chỉ, Người đến gần chúng ta và liên kết với chúng ta. Nhưng những dấu chỉ, theo cách riêng của mình mà biểu lộ khía cạnh đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô của Người và qua biểu hiện đăch biệt ấy, Người muốn nói với chúng ta, để chúng ta học hiểu thêm một chút về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Trong khi kiệu và thờ lạy, chúng ta hướng nhìn vào Bánh Thánh đã được truyền phép, một thứ lương thực đơn giản nhất, gồm ít bột và nước. Giống như thức ăn của người nghèo, mà Thiên Chúa thích ban cho dân Chúa lần đầu tiên trong sa mạc, và Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nhiều để nuôi dân chúng. Lời cầu nguyện trong phụng vụ Thánh lễ, phần dâng bánh cho Chúa, Giáo hội xác định bánh là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Có được bánh này con người phải khó nhọc một nắng hai sương, bới đất, gieo hạt và thu hoạch, cuối cùng làm thành bánh.

Tất nhiên, bánh không chỉ là sản phẩm của chúng ta, dù là một thứ chúng ta làm ra; bánh còn là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và do đó, bánh là một hồng ân. Vì thực tế đất trổ sinh hoa trái, có công lao của con người; nhưng chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể trao ban khả năng sinh sản. Bánh là hoa trái của đất trời. Hàm chứa sức mạnh tổng hợp của đất và hồng ân từ trời cao là nắng mưa. Và nước cũng thế, để làm được bánh, chúng ta không thể tạo ra nước. Vào lúc người ta nói đến sa mạc là nơi cảnh tỉnh con người và súc vất có nguy cơ chết khát. Trong giai đoạn này, chúng ta thuật lại hồng ân vĩ đại là nước, chúng ta không chỉ múc nước cho chính mình, nhưng còn kín múc cho đồng loại, cỏ cây và súc vật nữa.

Chúng ta hãy để ý đến tấm bánh trắng nhỏ, bánh của người nghèo này, là một tổng hợp của sự sáng tạo giữa trời và đất, sự cộng tác giữa hoạt động thần linh và tinh thần của con người. Mầu nhiệm về sự sống và hiện hữu của con người hiện diện trước mặt chúng ta trong một vũ trụ bao la hùng vĩ. Như thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Thiên Chúa chọn tấm bánh nhỏ, tròn, trắng này làm dấu chỉ.

Dấu chỉ của rượu cũng một cách thế tương tự. Nếu tấm bánh đưa chúng ta về với bánh đời sống thuần túy hàng ngày, thì rượu thể hiện sự tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa. Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay là lễ của niềm vui mà Thiên Chúa muốn chúng ta tham dự vào. Rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn : vườn nho phải lớn lên để được thanh tấy ; dưới nắng mưa nho phải chín và được ép rượu : thông qua sự gian truân này mà thành rượu quí.

Trong lễ Mình Máu Chúa, chúng ta nhìn tất cả các dấu chỉ về bánh. Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc hành hương của Israel trong sa mạc suốt bốn mươi năm. Thiên Chúa đã dưỡng nuôi dân Chúa xưa bằng manna, nay Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng bánh bởi trời đích thực là Bánh Giêsu.

Trong khi rước kiệu, chúng ta bước theo dấu chỉ này, và vì vậy chúng ta theo chính Chúa Giêsu, vàà cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên đường đời ! Chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội và các mục tử ! Nhìn vào nhân loại đau khổ, lang thang bấp bênh giữa bao nhiêu vấn nạn với cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ ! Xin Chúa ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn ! Xin cho họ có công ăn việc làm ! Xin Chúa ban chính Chúa cho họ ! Xin tẩy rửa chúng con và thánh hóa chúng con trong mọi sự ! Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây thập giá, với sự từ bỏ, thanh tẩy, chúng ta mới có thể trưởng thành và đạt được nhận thức đầy đủ. Xin qui tụ chúng con tản mác khắp nơi về cùng một mối. Xin hiệp nhất chúng con với Giáo hội của Chúa, đoàn kết chúng con với anh em bị chia rẽ ! Xin ban cho chúng con ơn cứa độ của Chúa! Amen!

LM. Antôn Nguyễn Văn Độ