Thông báo của phát ngôn viên Tòa Thánh Greg Burke nói rằng khi Đức Phanxicô gặp gỡ ba nạn nhân Chile bị lạm dụng tình dục, sẽ không có thông cáo chính thức về nội dung; Đức Phanxicô chỉ muốn lắng nghe các nạn nhân và xin lỗi họ.

Đức Phanxicô đã giữ đúng ý định này. Nhưng theo nữ ký giả Inés San Martin của tạp chí Crux, ba nạn nhân, sau khi kết thúc các cuộc đàm đạo với Đức Phanxicô vào hôm thứ Hai, đã họp báo để công bố một số nội dung.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, họ đã ra một tuyên bố với báo chí, nói rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chính thức xin chúng tôi tha thứ, nhân danh ngài và thay mặt cho Giáo Hội phổ quát”.

Tưởng nên biết, cuối tuần qua, tại Nhà Thánh Mácta, nơi ngài cư ngụ, Đức Phanxicô đã tiếp 3 nạn nhân Chile, nạn nhân lạm dụng tình dục. Họ là Juan Carlos Cruz, James Hamilton và Andres Murillo.

Nhìn chung, các nạn nhân đã mô tả các cuộc gặp gỡ của họ một cách tích cực, trong đó Đức Phanxicô "chăm chú, dễ tiếp thu và rất cảm thông trong những cuộc trò chuyện căng thẳng và lâu giờ".

Một trong các nạn nhân đã đi xa đến mức nói rằng anh tin rằng Đức Giáo Hoàng đã không nói dối, nhưng đã nhận được thông tin sai liên quan đến tình hình ở Chile. Một nạn nhân cho hay: Đức Phanxicô đã nói với anh "Tôi là một phần của vấn đề, tôi gây ra điều này, và tôi xin lỗi anh".

Tuy nhiên, họ cũng nói rằng mặc dù Đức Giáo Hoàng yêu cầu họ tiếp tục gửi cho ngài các gợi ý về cách chống giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhưng "việc thực hiện các biến đổi cần thiết trong Giáo hội để ngăn chặn dịch bệnh lạm dụng tình dục và che đậy không tùy thuộc chúng tôi”.

Phát biểu với các nhà báo ở Rôma trong hơn 90 phút, ba nạn nhân nói một cách thành thực về các cuộc gặp gỡ của họ với Đức Giáo Hoàng và về những gì họ hy vọng sẽ xảy ra hiện nay, bao gồm các lời tố cáo chống lại một số thành viên của hàng giáo phẩm Chile, coi các ngài là "tội phạm" vì đã che đậy các lời tố cáo lạm dụng.

Murillo nói rằng "Chúng tôi muốn thấy [các Hồng Y Francesco Javier Errázuriz và Ricardo Ezzati] bị xét xử. Chúng tôi coi các vị này phạm tội che đậy". Tuy nhiên, họ nói, ở Chile, theo quan điểm tư pháp, những cáo buộc như vậy bị loại bỏ theo thời hiệu sau 5 hoặc 10 năm.

Hamilton nói rằng vào năm 2005, Đức Hồng Y Errázuriz “biết tất cả mọi chuyện” bởi vì người ta đã đưa bằng chứng cho người bênh vực công lý ở Chile; người này đã thông báo cho Đức Hồng Y rằng các cáo buộc chống lại một linh mục nổi tiếng và nhiều lôi cuốn tên Fernando Fernando Fernando là đáng tin cậy.

Năm 2009, khi Hamilton đang cố gắng xin Giáo hội tuyên bố hôn nhân của anh ta vô hiệu, ba nạn nhân đã đưa ra một tuyên bố thứ hai gửi đến Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin của Vatican. Đầu năm 2011, Cha Karadima bị Vatican kết tội và kết án phải sống một cuộc sống đền tội và cầu nguyện.

Do giới hạn thời hiệu của luật hình sự Chile, tuy Cha Karadima đã bị xét xử và bị kết tội nhưng bản án này không bao giờ được áp dụng.
“Đức Hồng Y Errázuriz đã che đậy tội ác của Cha Karadima hơn năm năm”, Hamilton nhấn mạnh, với sự ủng hộ của hai nạn nhân kia. "Theo luật pháp và đối với các nạn nhân, ngài là một phạm nhân đã che đậy cho Cha Karadima và giới thân cận của vị này".

Mặc dù Đức Hồng Y Errázuriz nay là tổng giám mục hưu trí của Santiago, thủ đô Chile, ngài vẫn ngồi trong hội đồng chín Hồng Y làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc cải tổ Giáo Triều Rôma.

Ngày 14-17 tháng 5, các giám mục Chile sẽ đến Rôma dự các cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giáo Hoàng, đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử gần đây việc toàn bộ một hội đồng giám mục được triệu tập về Rôma vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Trường hợp trước đó là Ái Nhĩ Lan, khi các vị giám mục nước này đến Vatican vào năm 2009, được triệu tập bởi Đức Bênêđictô XVI. Bảy năm trước đó, tức năm 2002, Đức Gioan Phaolô II đã có những phiên tương tự với 12 Hồng Y của Hoa Kỳ và những vị đứng đầu hội đồng giám mục.

Đức Phanxicô triệu tập các vị giám mục đến Rôma trong một bức thư ngài gửi cho các vị sau khi xem xét bản phúc trình dài 2,300 trang của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna.

Vatican đã công bố quyết định của Đức Phanxicô phái tổng giám mục người Malta, vốn là công tố viên hàng đầu của Giáo hội thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đến Mỹ Latinh khoảng 10 ngày sau khi Đức Giáo Hoàng trở về từ chuyến viếng thăm Chile và Peru vào giữa tháng Giêng.

Trong chuyến bay trở về từ chuyến tông du đó, khi nói chuyện với các nhà báo, Đức Phanxicô một lần nữa đã bảo vệ vị giám mục đang gặp rắc rối lớn là Đức Cha Juan Barros, người được Đức Giáo Hoàng thuyên chuyển đến giáo phận Osorno ở miền Nam năm 2015.

Đức Cha Barros là một trong bốn giám mục thuộc giới thân cận của Cha Karadima, và các nạn nhân của vị linh mục này đã nói nhiều lần rằng vị giám mục biết sự việc, nhưng đã quyết định che đậy cho người dìu dắt mình. Cho đến nay, Đức Cha Barros vẫn cho rằng ngài vô tội.

Trong tuyên bố của họ, các nạn nhân nói rằng "Chúng tôi đã có thể nói thẳng thắn và tôn kính với Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi đã nói về những vấn đề khó nói, chẳng hạn như lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và đặc biệt là sự che đậy của các giám mục Chile”.

Họ nói, lạm dụng tình dục không chỉ là một tội lỗi mà còn là một tội ác, và như vậy, nó "không kết thúc ở Chile, nhưng là một đại dịch".
Trong phần Hỏi Đáp, Hamilton nói rằng Giáo Hội Công Giáo Chile không có "độc quyền" về lạm dụng và che đậy. Anh nói "Cuộc chiến này không kết thúc ở Chile," cũng không phải trong Giáo hội.

Thế nhưng, anh nói “chúng tôi hy vọng Giáo Hội trở thành một đồng minh trong cuộc chiến chống lạm dụng, chứ không phải là nơi trú ẩn cho những kẻ lạm dụng. Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng có rất nhiều người trong Giáo Hội, những người không thể thiếu được, họ làm rất nhiều việc cho lợi ích của các nạn nhân”.

Về cuộc gặp gỡ cá nhân của họ với Đức Giáo Hoàng

Ba Nạn Nhân Chile Bị Lạm Dụng Tình Dục


Hamilton, Cruz và Murillo mỗi người được gặp riêng Đức Phanxicô, và sau đó vào thứ Hai, họ gặp ngài như một nhóm. Trong cuộc họp báo, mỗi người nói về kinh nghiệm riêng của họ.

Murillo, hiện đang làm việc với các nạn nhân trên cơ sở hàng ngày, nói rằng mặc dù anh cảm ơn sự hiếu khách, nhưng đối với anh, chuyến đi Rôma lần này không phải là “một chiến thắng” hay “được công nhận”.

Anh nói "Tôi mệt mỏi. Điều này làm tôi kiệt sức. Tôi không coi điều này như một chiến thắng. Đây không phải là lúc chiến thắng, vui vẻ hay đền bù. Tôi mệt mỏi. Tôi liên tục làm việc với các nạn nhân của nạn ấu dâm và chính vì nhân danh họ, tôi đã đến đây. Điều này không kết thúc với tôi, nhưng với hàng ngàn nạn nhân bị lạm dụng, không những bởi các linh mục mà còn bởi cha mẹ, giáo sư, huấn luyện viên”.

Cruz nói “Là một người Công Giáo, cuộc gặp gỡ bản thân của tôi là một trải nghiệm cực kỳ quan trọng đối với tôi, và tôi vẫn đang xử lý nó. Và tôi đã nói với Đức Giáo Hoàng điều này: trải nghiệm của chúng tôi không thể là một trường hợp cô lập. [Lạm dụng tình dục các vị thành niên] là một bệnh dịch, một đại dịch. Các nạn nhân phải được đối xử một cách tôn trọng, không chỉ bởi Đức Giáo Hoàng, mà còn bởi các giám mục, và Giáo Hội nói chung ... [điều này] phải là chuẩn mực”.

Cruz cho hay: anh đã tâm sự với Đức Giáo Hoàng rằng Đức Cha Barros và ba giám mục khác thuộc giới thân cận của Cha Karadima, Andrés Arteaga, Tomislav Koljatic Maroevic và Horacio Valenzuela, “thấy Cha Karadima đã sờ soạng và lạm dụng các người trẻ như thế nào, và các vị đã có mặt ở đó. [Đức Giáo Hoàng] đã nhận được thông tin này”.

Khi được hỏi về bức thư anh gửi cho Đức Phanxicô vào năm 2015, kể rõ chi tiết trải nghiệm của mình, và được Đức Hồng Y Sean O’Malley giao cho Đức Giáo Hoàng, nạn nhân này cho biết anh đã không nêu lên lá thư này.

Anh nói “Kết luận của tôi là Đức Giáo Hoàng đã bị cung cấp thông tin sai lầm”. Anh thêm rằng lúc ở Chile, Đức Phanxicô đã nói rằng ngài muốn có bằng chứng về hành vi sai trái của Đức Cha Barros, “ngài đã không nói dối. Ngài thực sự bị thông tin sai lầm”.

Cruz nói “Tôi chưa bao giờ thấy một người nào đó ăn năn như thế về những điều ngài nói với tôi. Tôi cũng cảm thấy ngài bị tổn thương, một điều đối với tôi, rất trịnh trọng. Việc vị giáo hoàng thực sự nói hối lỗi với bạn và xin lỗi bạn là điều ít khi xẩy ra”.

Cruz sau đó nói rằng Đức Phanxicô đã nói với anh: "Tôi là một phần của vấn đề, tôi gây ra điều này, và tôi xin lỗi anh".

Việc tiến về phía trước, theo Cruz, Đức Giáo Hoàng sẽ không có lý do thoái thác: "Bây giờ ngài đã biết mọi chuyện".

Anh nhận định: vấn đề "ai đưa thông tin sai cho ngài", vẫn còn đó chưa có câu trả lời.

Người Chile trên cũng cho biết: anh đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng anh bị tổn thương to lớn bởi những lời lẽ Đức Giáo Hoàng nói ở Chile, khi ngài bảo vệ Đức Cha Barros và gọi những lời cáo buộc chống lại các giám mục là “vu khống”.

Hamilton coi cuộc gặp gỡ là rất “trung thực”, với một người không hề “kiêu căng”.

“Tôi nói với ngài rằng ngài đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Giáo Hội từng phải đối diện. Đây không phải là trường hợp các linh mục bị giết, nhưng đức tin bị giết từ bên trong, từ uy tín của mình”.

Hamilton cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng nay "thực sự được thông tri đầy đủ", và điều này đúng vì Đức Phanxicô muốn đụng tới đáy của sự việc. “Mọi người đều đáng được một cơ hội thứ hai, đặc biệt trong trường hợp này. Chúng tôi có niềm hy vọng, nhưng chúng tôi muốn có một niềm hy vọng được nối kết với thực tại”.

Anh nói tiếp “Nếu chúng tôi không thấy bất cứ sự thay đổi nào, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho mọi người bị lạm dụng trên thế giới, không chỉ những người bị linh mục lạm dụng. Nếu chúng tôi thấy có sự thay đổi, chúng tôi sẽ là những người đầu tiên có mặt ở đây một lần nữa, để giúp đỡ, như chúng tôi đã nói với Đức Giáo Hoàng".

Về cách Đức Phanxicô nên giải quyết cuộc khủng hoảng lúc này

Nói về nhận định cá nhân, Hamilton cho rằng tiến lên phía trước, anh muốn Giáo Hội nhận diện được nguồn gốc của vấn đề đằng sau việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Thứ hai, Giáo Hội nên nhận ra rằng trước pháp luật, “mọi người đều bình đẳng”.

Anh nói "Chúa Giêsu được sinh ra trong một nhà kho, vâng theo luật dân sự. Và Chúa Giêsu đã chết trong tay người Rôma, cũng vâng theo luật dân sự".

Hamilton nói rằng Đức Giáo Hoàng thấy điều trên "hợp lý", và thậm chí đã nêu ra điển hình một giám mục báo cáo một linh mục cho chính quyền.

Đức Phanxicô yêu cầu ba người tiếp tục đàm đạo với Vatican, và yêu cầu họ gửi cho ngài các gợi ý về cách Giáo hội nên tiến lên phía trước ra sao . Về điều này, các nạn nhân nói rằng họ sẽ tập trung vào việc phòng ngừa, điều tra, công lý và đền bù cho việc lạm dụng, để Giáo Hội có thể là "căn nhà cho những người cần bảo vệ, chào đón, công lý."

Hamilton nói “Chúng tôi tin rằng Giáo Hội không nên tiếp tục dập tắt các đám cháy như một lính cứu hỏa, nhưng là người ngăn cản tất cả những đám cháy này".

Cruz thì nói rằng ba người họ đã nói về điều họ nghĩ sẽ xảy ra với các giám mục Chile - ít nhất, một số, bao gồm cả bốn vị gần gũi với Cha Karadima, nên rời khỏi chức vụ của các ngài. Họ đã nói như vậy một lần nữa trong cuộc họp báo, khi họ kêu gọi Đức Hồng Y Errázuriz rời khỏi chức vụ của ngài trong nhóm Chín Hồng Y của Đức Giáo Hoàng.

Anh cho biết “Một cách cụ thể, chúng tôi đã nói về nhiều vấn đề với Đức Giáo Hoàng, đã đưa ra một số gợi ý. Đức Giáo Hoàng nói với chúng tôi rằng ngài sẽ cầu nguyện dựa trên các gợi ý ấy, suy nghĩ, và sau đó đưa ra quyết định ngắn hạn, trung và dài hạn, như ngài đã nói trong lá thư của ngài. Chúng tôi đang chờ đợi một cách tin tưởng”.