Sự ngang ngược của các tòa án Anh - và một làn sóng chống đối quan điểm của các thẩm phán – đã trình bày trước thế giới một hình ảnh bất khoan dung của đất nước này. Cha Alexander Lucie-Smith, tiến sĩ Thần Học Luân Lý đã nhận xét như trên và nhận định rằng sự dấn thân của chính phủ Ý đối với nhân quyền có lẽ chưa được công nhận một cách xứng đáng.

Dưới đây là bản dịch bài viết của ngài đăng trên tờ Catholic Herald của Anh quốc ngày thứ Năm 26 tháng Tư, 2018 với nhan đề “Italy and the Vatican have put the British authorities to shame over Alfie Evans” - Vatican và Italia đã đặt nhà cầm quyền Anh vào một tình trạng nhục nhã trong vụ Alfie Evans.


Vào năm 2006, chính phủ Ý đã cấp quy chế tị nạn cho một người tên là Abdul Rahman, một công dân Afghanistan, là người đang phải đối mặt với án tử hình ở Afghanistan vì “tội ác” là dám cải đạo sang Công Giáo. Như mọi người đã biết lúc đó Abdul Rahman được cấp một nơi trú ẩn an toàn ở Ý vì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã yêu cầu Thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi can thiệp, và ở Ý khi Đức Giáo Hoàng yêu cầu một cái gì đó như thế, chính phủ tuân theo.

Điều đó cũng xảy ra một vài năm sau đó, vào năm 2014, một trường hợp tương tự đã xảy ra. Một phụ nữ Sudan, cô Mariam Yahia Ibrahim Ishag, bị buộc tội bội giáo và đang đối mặt với án tử hình. Cuối cùng, cô cũng được đưa đến một nơi an toàn ở Rôma, trên một máy bay riêng của chính phủ Ý, và cô được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp đón. Một lần nữa, chính phủ Ý và Vatican đã làm việc cùng nhau đằng sau hậu trường, để cứu một người khỏi một sự bất công nghiêm trọng. Lần đó, Thủ tướng Ý là Matteo Renzi, một nhân vật có những nét rất khác với Berlusconi, đã ra tận sân bay đón cô Ibrahim.

Điều thú vị cần lưu ý là trường hợp của Abdul Rahman đã được giải quyết với một sự thận trọng và kín đáo lớn hơn nhiều so với vụ Ibrahim. Người ta không biết liệu Abdul Rahman có được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hay ông Berlusconi tiếp hay không. Vụ này không được báo chí tường thuật rộng rãi trong một cố gắng bảo vệ mạng sống của Abdul Rahman.

Hai trường hợp này và có thể có nhiều trường hợp khác mà chúng tôi không biết mang lại cho chúng ta một số bối cảnh giúp chúng ta hiểu tại sao Alfie Evans được cấp quốc tịch Ý và được một bệnh viện ở Rôma nhận. Về cơ bản, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chính phủ Ý hành động, và họ đã làm, cũng giống như họ đã từng làm theo các yêu cầu của giáo hoàng trước đó.

Vậy chúng ta có thể kết luận điều gì? Trước hết, Đức Giáo Hoàng chú ý đến, và dấn thân cụ thể cũng như sâu sắc đối với các vấn đề nhân quyền, mà, như chúng ta nên biết, vượt qua ranh giới các quốc gia. Chính phủ Ý cũng vậy.

Điều này dẫn đến một câu hỏi khó khăn và đau khổ. Nếu Đức Giáo Hoàng và chính phủ Ý và những người khác nữa xem trường hợp Alfie Evans theo cách này – nghĩa là coi đó là một trường hợp nhân quyền - thì tại sao chính phủ và tòa án của chúng ta không thể nhìn thấy nó theo cùng một cách như thế? Cha mẹ chỉ yêu cầu được đưa con ra nước ngoài để điều trị; thật là một điều tàn bạo khi cấm họ không được phép làm như vậy. Sự ngang ngược của các tòa án Anh và một làn sóng phản đối rộng lớn quan điểm của các thẩm phán Anh về vấn đề này đã khiến nhiều người nhìn nước Anh như một quốc gia bất khoan dung, không khác gì Sudan và Afghanistan.
Source: Catholic Herald - Italy and the Vatican have put the British authorities to shame over Alfie Evans