Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm 19 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dùng câu chuyện về hoạt động rao giảng của Philípphê trong sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 8:26-40) để giải thích về ý nghĩa của việc truyền giáo với ba từ khóa là “đứng lên”, “ tiến lại gần” và “bắt đầu với hoàn cảnh thực tế.”

Ngài cũng nhắc lại rằng mỗi người Kitô hữu đều có một bổn phận và một sứ vụ để hoàn thành: đó là rao giảng Tin Mừng.

Cơn gió bách hại gieo trồng Lời Chúa.

Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng với lời giải thích tại sao “cơn gió bách hại” vào thời kỳ sơ khai của Giáo Hội đã đưa các Tông Đồ ra khỏi thành Giêrusalem tới các vùng khác của Giuđêa và đến với Samaria.

Các hạt giống được gió đưa đi tứ tán và gieo trồng khắp nơi như thế nào, thì các môn đệ cũng được đưa đến mọi nơi cùng với hạt giống Lời Chúa, để các ngài gieo vãi Lời Ngài khắp nơi…Từ trong cơn gió bách hại, các tông đồ đã mang đến việc truyền giáo.. Đây là cách Thiên Chúa truyền giáo…Đây cũng là cách Thiên Chúa muốn chúng ta truyền giáo.

Đứng dậy và ra đi.

Truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, Đức Thánh Cha nói tiếp. Việc truyền giáo chân thật diễn ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng chỉ ra trong những cách thế huyền nhiệm nơi chúng ta phải đi và những người chúng ta phải gặp để “công bố Danh Chúa Giêsu”. Bình luận về hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ông Philípphê, Đức Thánh Cha nói:

Thiên sứ bắt đầu bằng cách nói với ông Philípphê “đứng dậy và ra đi”. Đứng dậy và đến nơi đó. Hình thái truyền giáo từ “trên ghế bành” không hề tồn tại. “Đứng dậy và ra đi”. Luôn luôn di chuyển. Đi. Di chuyển. Hãy đến nơi mà anh chị em phải công bố Lời Chúa.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến nhiều nhà truyền giáo đã bỏ lại tất cả để mang theo Lời Chúa đến những miền đất xa xôi. “Không có thuốc men để chống lại bệnh tật nơi những miền đất này,” nhiều người chết vì bệnh tật hay chịu tử đạo.

Đến gần để tận dụng những hoàn cảnh cụ thể.

Thay vì bắt đầu với một giả thuyết, chúng ta cần tiến đến gần với những gì đang thực sự diễn ra và bắt đầu từ đó. Ngài minh họa điều này qua gương ông Philípphê rao giảng Tin Mừng cho quan thái giám người Êthiôpia.

Truyền giáo không có tính lý thuyết. Truyền giáo diễn ra giữa người với người. Điểm bắt đầu là một hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải là một lý thuyết. Ông Philípphê loan báo Chúa Giêsu Kitô và ơn can đảm của Chúa Thánh Thần thúc đẩy ông làm Phép Rửa cho viên thái giám. Hãy ra đi, đi nữa, đi mãi cho đến khi anh chị em cảm thấy sứ vụ của mình đã được hoàn thành. Đó chính là truyền giáo.
Source: - Vatican News - Pope at Mass: “Evangelization is the Spirit’s work”