(Vatican News) Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hàng tuần, ĐGH Phanxicô đã nói rằng vào những những giây phút đầu tiên, các Môn Đệ đã không thể tưởng tượng được là Chúa sống lại, nên khi Chúa hiện ra các ngài cứ nghĩ là đã nhìn thấy ma.

Chúa đã sống lại với thân xác của Người.

Chúa đã sống lại không phải là một ảo tưởng. Chúa là con người, có xác và có hồn. Vì thế trong bài đọc vào ngày Chúa Nhật, Chúa đã cho các môn đệ xem những vết thương ở chân và ở tay Ngài, không những thế, Chúa còn bảo các các ông sờ vào Ngài để thấy rõ Ngài bằng xương bằng thịt. Để cho các ông vững tin thêm, ngài còn hỏi các môn đệ có gì ăn không và khi họ đưa cho Ngài một miếng cá nướng thì “Chúa Giê-su đã ăn trước mặt họ.”

Quan điểm của Kitô hữu về thân xác.

ĐGH nói rằng sự sống lại thật của thân xác Chúa Giê-su làm sáng tỏ quan điểm của người Kitô về thân xác. Đối với các Kitô hữu, thân xác không là trở ngại cũng chẳng là nhà tù của linh hồn. Thân xác được Thiên Chúa tạo nên và con người chỉ được coi là trọn vẹn khi có sự kết hợp giữa thân xác và linh hồn. Dù rằng thân xác có khi làm dịp hay dụng cụ để phạm tội, người Kitô hữu phải nhận thức rằng tự thân xác chúng ta “là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa, cùng với linh hồn, là hình ảnh tuyệt vời đầy đủ giống như hình ảnh của Thiên Chúa.

Chúng ta phải chăm lo cho thân xác.

ĐGH nói rằng vì lý do đó chúng ta được kêu gọi phải tôn trọng và chăm lo không những chỉ cho thân xác của mình mà còn cho cả thân xác của người khác nữa. Bất cứ hành vi nào làm phương hại, gây thương tích hay bạo lực đối với thân xác của anh em mình là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. ĐGH nhấn mạnh rằng “Cha đặc biệt nghĩ đến những các trẻ em, phụ nữ, những người già đang bị ngược đãi. Trong thân xác những người dễ bị tổn thương này, chúng ta thấy thân xác của Chúa Giesu. Qua việc bị xỉ nhục, bị vu oan, bị khinh thường, bị đánh đòn, bị đóng đinh, Chúa Giesu dạy chúng ta biết yêu, một tình yêu, trong sự Phục Sinh của Ngài, đã chứng tỏ có sức mạnh lớn hơn cả tội lỗi và sự chết, và mong muốn cứu chuộc tất cả những ai mà thân xác của họ phải trải qua những hình thức nô lệ khác nhau trong thời đại của chúng ta.

ĐGH đã kết thúc bài suy niệm của mình bằng cách lưu ý rằng chúng ta là những người được kêu gọi để có thể nhìn thế giới này “với sự sâu thẳm tuyệt vời, với bao kỳ công và niềm vui lớn lao là được gặp được Chúa Phục Sinh, Đấng biết cách thu thập và trân quý những điều mới mẻ của cuộc sống mà Ngài đã gieo trong lịch sử, để tiến về trời mới và đất mới.

Giuse Thẩm Nguyễn