Như đã loan báo, ngày 9 tháng Tư vừa qua, Tông Huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được công bố. Tựa đề Tông Huấn là: Hãy Hân Hoan Và Nhẩy Mừng: Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay.



“Hãy hân hoan và nhẩy mừng” (Mt 5:12) là lời Chúa Giêsu nói với những người sẵn sàng chịu bách hại hay hạ nhục vì danh Người. Chúa yêu cầu mọi sự ở nơi ta, nhưng bù lại, Người hiến tặng ta sự sống thực sự, hạnh phúc mà ta vốn được tạo dựng để thụ hưởng. Người muốn ta nên thánh chứ không bằng lòng với cuộc sống buồn tẻ, tầm thường (§ 1).

Hãy Hân Hoan Và Nhẩy Mừng là một tông huấn, một loại văn kiện được xếp hàng sau thông điệp nhưng trên các bài giảng và diễn văn của Đức Giáo Hoàng. Nó là tông huấn thứ ba của Đức Phanxicô, sau Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) và Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia). Niềm Vui Tin Mừng vốn được mọi người ca ngợi là “hiến chương” của triều giáo hoàng Phanxicô. Trong khi Niềm Vui Yêu Thương là tâm điểm của nhiều tranh cãi kể từ ngày được công bố.

Hân Hoan Nhẩy Mừng có thể sẽ không tạo nên nhiều tranh cãi như Niềm Vui Yêu Thương, nhưng chắc chắn ta cần đọc nó với một chút lưu ý tới các cuộc tranh cãi hiện nay. Tuy nhiên, không lời ca ngợi hay chỉ trích nào là chính đáng khi không thừa nhận tiền đề đơn giản của nó: Thiên Chúa kêu gọi mọi người chúng ta nên thánh.

Nhân dịp này, tạp chí The Jesuit Post (Giêsu Hữu Bưu Báo) cung cấp cho chúng ta một bản tóm lược Tông Huấn Hân Hoan Nhẩy Mừng . Chúng tôi hy vọng bản tóm lược này sẽ giúp quí độc giả một cái nhìn tổng quan đầy đủ về Tông Huấn.

Nhập Đề (§§1-2)

Hân Hoan Nhẩy Mừng nhằm mục đích thực tiễn: nó không phải là “một khảo luận về sự nên thánh, chứa đựng các định nghĩa và phân biệt hữu ích giúp ta hiểu chủ đề quan trọng này, hay một cuộc thảo luận về các phương thế nên thánh khác nhau”. Đúng hơn, nó là một suy niệm về việc phải đáp ứng lời mời gọi nên thánh của Chúa Giêsu ra sao: “Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng” (§1).

Chương 1 (§§3-34): Ơn Gọi Nên Thánh

Trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận tính đa dạng về hình thức của việc nên thánh: “Chúng ta được kêu gọi trở thành các chứng nhân, nhưng có nhiều cách khác nhau để làm chứng” (§11). Ngoài các vị thánh và các vị tử đạo, những vị mà đời sống là “một noi gương Chúa Kitô đầy điển hình”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn ca ngợi “giai cấp thánh thiện trung lưu”: tức sự thánh thiện hàng ngày của “những cha mẹ đang dưỡng dục con cái bằng cả một tấm tình yêu thương mênh mông, của những người đàn ông đàn bà đang làm việc cực nhọc để nâng đỡ gia đình mình, của người bệnh, của những tu sĩ già không bao giờ để mất nụ cười” (§7).

Đức Giáo Hoàng viết “Chúa Thánh Thần ban sự thánh thiện dồi dào cho các tín hữu thánh thiện” bắt đầu từ Phép Rửa (§15). Ở đây, ngài nhắc đến ơn gọi nên thánh phổ quát, bằng cách trưng dẫn Lumen Gentium §11: “Mọi tín hữu, bất kể điều kiện và bậc sống, đều được Chúa mời gọi, mỗi người một cách, tiến tới sự thánh thiện hoàn toàn, sự thánh thiện mà Chúa Cha rất hoàn hảo”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhóm chữ “mỗi người một cách”, vì tính đa dạng về hình thức của việc nên thánh có nghĩa: các Kitô hữu phải biện phân Chúa đã kêu gọi mỗi người họ phải nên thánh ra sao. Dù có nhiều hình thức sống tốt lành, mọi người chúng ta có ơn gọi độc đáo do Chính Thiên Chúa mời gọi bước vào. Ở đây, một cách có ý nghĩa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định rằng Thánh Gioan Thánh Giá “thích xa lánh các qui luật cứng ngắc áp dụng cho mọi người. Ngài giải thích rằng các vần thơ của ngài được trước tác để mọi người hưởng được lợi ‘theo cách riêng của họ’. Vì sự sống của Thiên Chúa được thông ban ‘cho người này thì cách này, cho người kia thì cách kia’”(§11). Điều này nhắc ta nhớ đến việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô năng nói đến sự cần thiết của việc biện phân và khôn ngoan liên quan tới các trường hợp cá thể, một thể tài khiến nhiều người yêu mến ngài nhưng cũng không thiếu người không ưa ngài. Nhưng ở đây, ngài vào sâu hơn: tính độc đáo này là một điều kiện tất yếu không chỉ do bản chất của biện phân hay do luân lý tính, mà còn do chính bản chất lời kêu gọi mỗi người của Thiên Chúa nữa.

Như xưa nay ngài thường hay làm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt nhắc tới phụ nữ trong chương này, cả các phụ nữ thánh thiện như Thánh Hildegard thành Bingen hay Thánh Têrêsa thành Avila, những vị xuất hiện đúng lúc “các phụ nữ có xu hướng bị ngó lơ nhất hay lãng quên nhất” lẫn “các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng”, chuyên dưỡng dục những người ở quanh mình một cách chúng ta biết đã làm Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm kích sâu xa (§12).

Dù mọi người có một ơn gọi độc đáo, nhưng mọi sứ mệnh “đều có ý nghĩa viên mãn nhất của nó nơi Chúa Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Người mà thôi” (§20). Ở đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một tu sĩ Dòng Tên hàng đầu. Làm Kitô Hữu là làm môn đệ Chúa Kitô, nghĩa là bước vào chính Tin Mừng. “Ở cốt lõi của nó, sự thánh thiện là việc cảm nghiệm các mầu nhiệm của đời sống Chúa Kitô, trong sự kết hợp với Người”. Chiêm niệm các mầu nhiệm về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô “như Thánh Inhaxiô thành Loyola đã chỉ ra, sẽ dẫn chúng ta tới việc nhập thể chúng vào các chọn lựa và thái độ của ta” (§20).

Xét về nhiều phương diện, chương này đã được soạn thảo để phản ảnh các hoài mong của người trẻ trong Cuộc Gặp Gỡ Tiền Thượng Hội Đồng hồi tháng Ba vừa qua: “Người trẻ hiểu ý nghĩa tổng quát của việc đem ý nghĩa lại cho đời sống và sống cho một mục đích, nhưng nhiều người không biết cách nối kết điều này với ơn gọi hiểu như một hồng phúc và một tiếng gọi từ Thiên Chúa”. Trong Tông Huấn này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với họ rằng: “Cả các con nữa, các con cần coi toàn bộ đời sống các con như một sứ mệnh” (§23).

Chương 2 (§§35-62): Hai Kẻ Thù Tinh Tế của việc Nên Thánh

Chương này nói tới “hai hình thức thánh thiện sai lạc có thể dẫn chúng ta ra sai lầm: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô” (§35). Tư liệu này phần lớn khá quen thuộc với những ai theo dõi triều giáo hoàng này, nhất là với những ai từng đọc Huấn Thị Placuit Deo của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Tuy nhiên, trong đồng văn của Tông Huấn này và trong lời lẽ làm ta nhớ tới Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh việc các xu hướng này sẽ làm ta và mọi người ra xa sự thánh thiện như thế nào.

“Thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại người khác, và thay vì mở cửa dẫn vào ơn thánh, người ta hao mòn năng lực của mình vào việc thanh tra và kiểm chứng. Không trong trường hợp nào, họ đã thực sự quan tâm tới Chúa Giêsu Kitô hay người khác” (§35).

Điều cũng đáng lưu ý là chương này chứa những phụ chú bác học nhất trong văn kiện, trong đó, có các trích dẫn từ Công Đồng Trent; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo; Công Đồng Orange lần thứ hai; Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Bonaventura, Thánh Têrêsa thành Lisieux và Đức Gioan Phaolô II; và hàng chục trích dẫn Thánh Kinh. Dù các tham chiếu này không có chi là bất thường đối với một văn kiện giáo hoàng, nhưng chương này có lúc có tính tri thức hơn là phần nhập đề của Hân Hoan Nhẩy Mừng từng hứa hẹn. Các trích dẫn này có lẽ nói được đôi điều gì đó về loại độc giả mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn tìm cách thuyết phục trong chương này.

Chương 3 (§§63-109): Dưới sự soi sáng của Thầy

Chương 3 tập trung vào gương sáng của Chúa Giêsu, nhất là ở việc giải thích Các Mối Phúc và chuơng 25 Tin Mừng Mátthêu. Vì dù “có thể có bất cứ số lượng lý thuyết nào về điều tạo thành sự thánh thiện, với những giải thích và phân biệt đa dạng... không gì có tính soi sáng hơn việc quay về với lời Chúa Giêsu nói và thấy cách Người giảng dậy về chân lý” (§63).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Chúa Giêsu giải thích một cách hết sức đơn sơ thánh thiện nghĩa là gì khi Người ban cho chúng ta Các Mối Phúc (xem Mt 5:3-12; Lc 6:20-23)” coi “như thẻ căn cước của người Kitô hữu” (§63). Từ đó, các Mối Phúc hướng dẫn ta làm điều Đức Phanxicô thúc giục ta hướng tới ở chương 2, nghĩa là noi gương Chúa Giêsu. Ngài lý luận “vì những người trung thành với Thiên Chúa và lời của Người, bằng cách hiến mình đi, sẽ nhận được hạnh phúc đích thực” (§63) .

Trong chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng có hai “ý thức hệ tấn công tâm điểm của Tin Mừng”: có những Kitô hữu tách biệt các đòi hỏi của Tin Mừng ra khỏi mối liên hệ bản thân của họ với Chúa, ra khỏi việc kết hợp nội tâm với Người, ra khỏi việc mở lòng mình ra cho ơn thánh của Người’ và có “những người hoài nghi sự dấn thân xã hội của người khác, coi nó hời hợt, thế trần, thế tục, duy vật, cộng sản hoặc dân tuý” (§100). Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội không phải chỉ là một cơ quan phi chính phủ, mà là một cơ quan phi chính phủ nhưng luôn khẳng định điều tốt của người lân cận là điều làm thành bản chất đời sống Kitô hữu. Đức Phanxicô khai triển điểm vừa nói một cách khá chi tiết, trích dẫn Thánh Tôma Aquinô một lần nữa để biện luận rằng “các việc thương xót đối với người lân cận” đem lại vinh quang cho Thiên Chúa lớn lao hơn bất cứ hành vi thờ phượng nào (§106).

Một trong các điểm có tính “Phanxicô” hơn cả trong bản văn là:

“Thí dụ, việc chúng ta bảo vệ trẻ chưa sinh cần phải rõ ràng, cương quyết và đầy nhiệt tâm, vì ở đây, phẩm giá sự sống con người bị lâm nguy; sự sống này luôn thánh thiêng và đòi phải yêu thương mỗi người, bất kể giai đoạn phát triển của họ. Tuy nhiên, thánh thiêng không kém là sự sống của người nghèo, người đã sinh ra, người túng thiếu, người bị bỏ rơi và kém may mắn, người tàn tật dễ bị tổn thương và người có tuổi có nguy cơ bị an tử trá hình, các nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức mới của nạn nô lệ, và mọi hình thức bác bỏ” (§101).

Các vị giáo hoàng vốn phò sự sống, nhưng không phải ai ai cũng cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đủ cứng rắn về vấn đề này. Thành thử, việc ngài bảo vệ “trẻ chưa sinh” quả gây ngạc nhiên cho những người mà đối với họ Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thích hợp với các tường thuật của họ. Mặt khác, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng việc bảo vệ này phải bao trùm toàn thể gia đình nhân loại, kể cả các di dân (§102).

Đức Phanxicô kết thúc chương này với một câu tuyên bố rất mạnh dạn cho rằng một đời sống biết suy niệm các Mối Phúc và chương 25 Tin Mừng Mátthêu cùng gương sáng các thánh “sẽ mưu ích cho chúng ta; chúng sẽ làm cho chúng ta thực sự hạnh phúc” (§109).

Chương 4 (§§110-157): Các Dấu Chỉ Sự Thánh Thiện Trong Thế Giới Ngày Nay

Trong chương 4, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận 5 “biểu thức lớn lao của tình yêu Thiên Chúa và người lân cận” mà ngài coi “hết sức quan trọng dưới góc độ một số nguy hiểm và giới hạn hiện diện trong nền văn hóa ngày nay”. “Những dấu chỉ hay thái độ thiêng liêng” này sẽ giúp chúng ta “hiểu lối sống Chúa kêu gọi chúng ta sống”. Trước hết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu năm thái độ này về phương diện tiêu cực:

“Trong nền văn hóa này, chúng ta thấy cảm thức lo âu xao xuyến, đôi khi dữ dội, khiến ta rối trí và yếu nhược; thái độ tiêu cực và buồn bã; chán chường do chủ nghĩa duy tiêu thụ, vị kỷ gây nên; thái độ duy cá nhân và mọi hình thức linh đạo bắt chước, không có gì liên quan tới Thiên Chúa, vốn đang trổi vượt nơi thị trường tôn giáo hiện nay” (§111).

Về phương diện tích cực, Kitô hữu, đúng hơn, nên là người kiên nhẫn và hiền lành (§§112-121); hân hoan (§§122-128); mạnh bạo và hăng say (§§129-139); có tinh thần cộng đoàn (§§140-146); và liên tục cầu nguyện (§§147-157). Đức Giáo Hoàng Phanxicô soạn thảo chương này theo mẫu bước chân theo và trở nên giống Chúa Giêsu, một nỗ lực suốt đời dẫn chúng ta tới và được nâng đỡ bởi Bí Tích Thánh Thể:
Trong Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa chân thật duy nhất nhận được sự thờ phượng vĩ đại nhất mà thế giới có thể dành cho Người, vì chính Chúa Kitô đã được dâng tiến. Khi chúng ta lãnh nhận Người trong lúc Hiệp Lễ, chúng ta đổi mới giao ước của chúng ta với Người và để Người thực hiện trọn vẹn hơn nữa công việc Người biến đổi cuộc sống của chúng ta (§157).

Chương 5 (§§158-201): Chiến Đấu Thiêng Liêng, Cảnh Giác, và Biện Phân

Tựa đề của chương này nhắc nhở chúng ta rằng khó có thể đóng khung Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "chiến đấu thiêng liêng" nghe có vẻ lỗi thời và thậm chí phản động nữa đối với một số người. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngại nói rõ mục đích của ngài khi viết như sau:

“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chúng ta cần sức mạnh và lòng can đảm để chống lại các cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Trận chiến đấu này ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta hân hoan mỗi khi Chúa chiến thắng trong đời sống của chúng ta” (§158).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói rằng chúng ta "không chỉ đơn thuần đương đầu với một cuộc chiến đấu chống lại thế giới và não trạng thế gian" hay "chống lại các yếu đuối và xu hướng của con người chúng ta ... Mà còn là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, hoàng tử của sự ác" (§ 159). Và ma quỷ có thật: "Do đó, chúng ta không nên nghĩ ma quỷ chỉ là một huyền thoại, một biểu tượng, một kiểu nói ví von hoặc một ý niệm" (§161) (Ai đó nên gửi phần này cho Eugenio Scalfari).

Đời sống thiêng liêng đòi sự cảnh giác và giữ cho "các ngọn đèn của ta tiếp tục thắp sáng" (§164). Tiến bộ trong đời sống thiêng liêng không bảo đảm để ta thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ. Thật vậy, "sự sa đọa thiêng liêng" của những người như vậy còn "tệ hơn sự sa ngã của người tội lỗi, vì đây là một hình thức mù lòa hoàn toàn làm người ta thoải mái và tự mãn" (§165). Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không liên kết, nhưng người ta có quyền nghĩ rằng hai chủ nghĩa Ngộ Đạo và Pêlagiô nói ở Chương 2 phát xuất từ sự sa đọa này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc chương này bằng cách đưa ra một câu hỏi, mà câu trả lời vốn là chủ đề yêu thích của ngài. Câu hỏi là: "Làm thế nào chúng ta có thể biết được điều gì đó xuất phát từ Chúa Thánh Thần chứ không xuất phát từ tinh thần thế gian hay tinh thần ma quỷ?" Câu trả lời là: biện phân.

Dĩ nhiên, biện phân đã ở tuyến đầu trong nhiều cuộc thảo luận về triều giáo hoàng này. Tại gốc rễ là câu hỏi liệu "một số mới mẻ nào đó ... là rượu mới do Thiên Chúa mang tới hay chỉ là ảo tưởng do tinh thần thế gian này hay tinh thần ma quỷ tạo ra". Nhưng, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng không những việc chọn các đường hướng mới đòi phải có sự biện phân, mà cả việc giữ vững đường đi nữa "Ở những thời điểm khác, điều ngược lại có thể xảy ra, khi các lực lượng của sự ác xui khiến ta đừng thay đổi, cứ để sự việc như chúng hiện là, nhất quyết đề kháng một cách cứng nhắc đối với sự thay đổi." Đức Phanxicô lên tiếng chống lại "tính cứng ngắc" mà ngài nói thường bác bỏ, không chịu xem xét sự thay đổi cần thiết trong các kỷ luật của Giáo hội. Ngài nói: những người như vậy "ngăn chặn việc làm của Chúa Thánh Thần". Nhưng "chúng ta tự do, nhờ sự tự do của Chúa Kitô" (§168).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, sự biện phân nên được thực hiện trong những vấn đề cả lớn lẫn nhỏ. Những người theo dõi triều giáo hoàng này hẳn sẽ lưu ý điều này: ngài mượn dịp này để lén đưa vào một câu nói rất ưa thích của mình trong chú thích: "Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est” (" Thần thánh thực sự thì không bị giới hạn bởi điều lớn nhất, nhưng cũng không bị chứa trong điều nhỏ nhất”).

Sự biện phân "không phải chỉ là trí thông minh hoặc sự hiểu biết thông thường. Nó là một hồng phúc" do Chúa Thánh Thần ban cho (§166). Thật vậy, dù "sự biện phân thiêng liêng không loại trừ những cái nhìn sâu sắc hiện sinh, tâm lý học, xã hội học hay luân lý học ... nó vượt trên chúng." Xa hơn chút nữa, ngài viết:

“Các tiêu chuẩn vững vàng của Giáo Hội cũng không đủ. Chúng ta nên luôn nhớ rằng sự biện phân là một ơn thánh. Cho dù nó có bao gồm lý trí và khôn ngoan, nhưng nó vượt xa chúng, vì nó cố gắng thoáng nhìn thấy kế hoạch bí ẩn và độc đáo mà Thiên Chúa vốn dành cho mỗi người chúng ta, một kế hoạch nhận được khuôn hình của nó giữa rất nhiều tình huống và hạn chế khác nhau (§170).

Ở đây, chúng ta lại thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang đối thoại với những người nghĩ rằng giáo huấn của ngài về sự biện phân không lưu ý đủ tới sức mạnh quy chuẩn trong giáo huấn của Giáo Hội.

Hơn nữa, "vấn đề không phải là khám phá những gì chúng ta có thể rút ra từ cuộc sống này, mà là nhận ra việc làm cách nào chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh đã được trao phó cho chúng ta lúc chịu Phép Rửa" (§174). Thật vậy, dù chỉ được minh nhiên nhắc đến hai lần, Phép Rửa là một chủ đề bàng bạc trong văn kiện này: "Hãy để ân sủng Phép Rửa của anh em sinh hoa trái trên con đường thánh thiện" (§15). Nếu đây là một thông điệp về ơn gọi nên thánh, thì Phép Rửa hẳn còn có thể nổi bật hơn nữa trong văn kiện này.

Cuối cùng, những người thông thạo linh đạo Thánh Inhaxiô hẳn sẽ đánh giá cao lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên ta cầu nguyện "trong lúc đối thoại với Chúa, hàng ngày thành thực “xét mình" (§169). Việc xét mình như vậy có thể vô ích nếu không phải là một biện phân các thần khí, và việc biện phân sẽ không hoàn chỉnh nếu không phải là một thái độ cầu nguyện liên lỉ được việc xét mình cổ vũ.

Kết luận (§§176-177) với Kinh Kính Mừng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bằng cách xin Mẹ Maria cầu bầu để giúp mọi người chúng ta cùng Chúa Giêsu bước tới sự thánh thiện. Mẹ Maria là gương mẫu của sự thánh thiện đó: "Mẹ đã sống Các Mối Phúc của Chúa Giêsu hơn mọi người khác". Gương sáng của Mẹ là gương sáng về niềm vui, sự biện phân, đau khổ và trung thành: Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn thiết kêu gọi "Mẹ Maria là đấng thánh của các thánh, được diễm phúc hơn mọi người khác. Nếu chúng ta theo gương của Mẹ, chúng ta sẽ được dự phần vào hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể lấy mất khỏi chúng ta".