Chúa Nhật II Phục Sinh

Chắc không ai sống trong đời mà lại không có bất cứ một vết sẹo. Có thể là vết sẹo của một lần đùa giởn vô ý gây ra. Có thể là vết sẹo của một lần đứt tay, hay một vết trầy xướt trên thân thể. Cũng có thể là vết mỗ do bệnh tật lâu ngày đã liền da…

Tuy nhiên, có những vết sẹo được nhìn thấy bên ngoài, trên thân xác, nhưng cũng không ít những vết sẹo trong tâm hồn, trong trái tim, trong trí nhớ, trong cuộc đời… mà chủ nhân của nó không bao giờ quên được.

Mỗi vết sẹo dù trên thân xác, hoặc trĩu nặng trong tâm hồn đều gợi lại một câu chuyện, một sự tích, một hoàn cảnh, một lý do... Có khi là những kỷ niệm của niềm vui, nhưng cũng không thiếu những đau đớn không thể nguôi ngoai…

1. Dấu vết thánh giá.

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật đến hai lần Chúa hiện ra. Cả hai lần, Chúa đều cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn của mình. Chính những vết sẹo, cũng chính là dấu của thánh giá còn mới nguyên trên thân thể Đấng Phục Sinh là bằng chứng để các môn đệ tin chắc rằng, Chúa của họ đã phục sinh.

Dấu vết của thánh giá không chỉ là những kỷ niệm về một cái chết nhục nhã còn ghi lại trên thân thể Đấng Phục Sinh, mà còn là nỗi đau trong tâm hồn nhân loại mỗi khi họ nhìn dấu vết thánh giá mà nhận ra sự khủng khiếp do tội lỗi của chính mình gây ra.

Dấu vết kinh hoàng của thánh giá trên thân thể Đấng Phục Sinh còn là một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu, Thiên Chúa cúi mình thật sâu trong thân phận con người để con người được diễm phúc làm con Thiên Chúa.

2. Nói lên lòng thương xót.

Mãi mãi dấu thánh giá vẫn không bao giờ mai một trong Hội Thánh nói riêng và trong nhân loại nói chung. Bất cứ nơi đâu, nếu nhìn thấy bóng dáng thánh giá, người ta vẫn nhận ra rằng, tình yêu của Thiên chúa là một tình yêu chung thủy, vẫn mãi mãi hiện diện giữa lòng đời.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: Thánh giá trở thành nơi hoàn tất lòng Chúa thương xót. (x. Tông huấn Dives in Misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót số 7). Bởi đó, muôn đời thánh giá vẫn tiếp tục là khí cụ cứu độ của lòng thương xót Thiên Chúa và Chúa Kitô hằng trao ban cho loài người. “Thiên Chúa đã ban Đức Kitô như hy tế xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin, để bày tỏ sự công chính của Ngài” (Rm 3, 24-25).

Thánh giá là sự chiến thắng vinh quang của Người Con, là đỉnh cao của công cuộc cứu độ (x. DM 8), đỉnh cao của lòng thương xót xuất phát từ Chúa Cha. Thánh giá là dấu chỉ của tình yêu lớn lao vô cùng, một tình yêu không thể tưởng tượng: Tình yêu trung thành của Chúa Cha đối với nhân loại. Tình yêu ấy, chỉ trong một lời ngắn gọn, Tin Mừng theo thánh Gioan diễn tả hết sức đầy đủ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16).

Thánh giá được dựng lên vì tội loài người, trở thành dấu hiệu chiến thắng sự dữ dưới mọi hình thức. Nhờ thánh giá, sự công chính và lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ bày và tội lỗi con người được thứ tha (x. DM 7). Thánh giá trở thành lời đối thoại giữa Cha và Con về tình yêu đối với loài người. Chính tình yêu này cho phép con người tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa (x. DM 7).

Thánh giá là niềm ủi an của những ai tin vào lòng thương xót. Bởi “Thánh giá là phương thế sâu xa nhất mà thần tính hướng về con người và về điều gọi là số phận bất hạnh. Thánh giá như tình yêu vĩnh hằng chạm vào những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trên dương thế, và là sự hoàn tất đến cùng của chương trình thiên sai mà Đức Kitô đã đặt ra ở hội đường Nadarét (x.Lc 4, 18-21), rồi được lặp lại trước các đặc sứ của Gioan Tẩy giả (x.Lc 7, 20-23)” (DM 8).

Thánh giá còn là niềm hy vọng dẫn đưa những kẻ tin vào lòng thương xót của Chúa đi về cùng Thiên Chúa. Bởi thánh giá là nền tảng hoàn tất cánh chung vì những ai được Thánh giá cứu chuộc, sẽ trở thành những người được chọn trong Nước Thiên Chúa (x.DM 8).

3. Đón nhận lòng chúa xót thương.

Chúa Giêsu Kitô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang nhìn mỗi người chúng ta bằng cái nhìn của Thiên Chúa đầy lòng xót thương, như Người đã từng nhìn đám đông dân chúng nghèo khổ đi theo Người, nhìn bà góa đau khổ thành Nain vì mất đứa con trai duy nhất, nhìn thánh Mathêu hay nhìn ông Dakêu là những người thu thuế tội lỗi, nhìn thánh Phêrô phản bội bất trung, nhìn anh thanh niên giàu có đáng thương...

Vấn đề là chúng ta có nhận ra được Chúa đang nhìn mình hay không, và qua cái nhìn đó, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Người trong cuộc đời của chúng ta như thế nào, để rồi biết đáp lại phần nào cho tương xứng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Trung tâm của sứ điệp lòng thương xót mà Chúa rao giảng và sống, là sứ điệp nói về Cha trên trời. Chúa Giêsu đã gọi cha là Ápba – Cha ơi. “Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã cho phép chúng ta cũng được cầu nguyện với Cha của Người bằng từ ngữ thân thương “Ápba, Cha ơi”. Người mở cánh cửa ngôi nhà của lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể bước vào gặp gỡ người Cha trên trời giàu lòng xót thương.

Cha trên trời giàu lòng xót thương luôn chú ý đến thế giới của chúng ta. Đối với Người, chúng ta rất quan trọng, rất quý giá. Tóc trên đầu của từng người đều được Chúa đếm.

Trong đôi mắt của Chúa, chúng ta là những viên ngọc thật quý giá. Chúa là Cha giàu lòng xót thương thấu hiểu những gì chúng ta cần, trước khi chúng ta mở lời với Người.

Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

Cha trên trời không ở xa chúng ta. Cuộc sống của chúng ta chính là món quà cao quý Cha đã ban tặng.

Chúng ta được phép cảm nhận bàn tay nhân từ của Cha luôn ấp ủ, che chở và đỡ nâng. Chúng ta được phép kêu lên người Cha giàu lòng thương xót, mỗi khi chúng ta rơi vào hố sâu khổ đau, dẫu cho chúng ta là những tội nhân.

Hãy chạy đến thân thưa với Cha: Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin thương xót con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh cũng là Chúa Nhật mà cả Hội Thánh tuyên xưng lòng thương xót của Chúa. Xin cho chúng con, mỗi một lần nhìn lên Thánh Giá là mỗi một lần chúng con ý thức ngày một hơn lòng thương xót của Chúa vẫn bao trùm lấy cuộc đời chúng con mà cảm tạ Chúa và yêu thương anh chị em xung quanh suốt đời chúng con. Amen.