Giải đáp phụng vụ: Chủ tế rước Lễ nhiều lần trong Thứ Sáu Tuần Thánh được không? Nói thêm về lời nguyện trên dân chúng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Trong một số trường hợp, do linh mục có thể cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh nhiều lần (Thông tư Paschalis Solemnitatis, Đại lễ Phục Sinh, số 43); do phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, và vì vậy không phải là một hành động hiến tế đòi hỏi chủ tế rước lễ cho hợp tính toàn vẹn theo luật Chúa; và do Điều 917 của Bộ Giáo Luật (như được giải nghĩa cách trung thực): "Ngoại trừ quy định ở điều 921, §2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh) - con xin hỏi: liệu linh mục có thể/phải Rước lễ trong khi cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh lần thứ hai không? Liệu các vị khác (thí dụ một phó tế trợ giúp cho cả hai lần phụng vụ như thế) cũng được Rước lễ lần thứ hai không? - G. S., Washington, D.C., Hoa Kỳ.


Đáp: Thông tư Paschalis Solemnitatis (Đại lễ Phục sinh, năm 1988) của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí Tích, số 43, nói:

"43. Các cộng đoàn tu trì ít người, cả giáo sĩ và tu sĩ, và những nhóm giáo dân khác nên tham dự các cử hành Tam Nhật Thánh ở các nhà thờ chính gần đó.

“Tương tự như thế, ở những nơi mà số người tham dự và các thừa tác viên quá ít đến nỗi Tam Nhật Thánh không thể cử hành cách long trọng được, thì họ nên tham dự với các cộng đoàn lớn hơn.

“Cũng vậy, một linh mục phụ trách nhiều giáo xứ nhỏ, thì thật là thích hợp để mọi người quy tụ lại ở một nhà thờ chính để cử hành Tam Nhật Thánh ở đó.

“Vì lợi ích của tín hữu, ở những nơi mà linh mục phụ trách hai hoặc nhiều giáo xứ, trong đó có đông giáo dân tham dự và các nghi thức có thể cử hành cách xứng đáng, long trọng thì việc cử hành Tam Nhật Thánh có thể được lặp lại ở những giáo xứ khác nhau, nhưng phải phù hợp với những qui định đã ban hành.

“Vì vậy, các sinh viên ở chủng viện ‘ước mong sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô cách tròn đầy, và như thế có khả năng truyền dạy những ai mà họ được trao phó chăm sóc mục vụ’. Các ứng sinh linh mục cần được đào tạo cách kỹ lưỡng và toàn diện về phụng vụ. Thật là quan trọng trong suốt những năm đào tạo ở chủng viện, các ứng sinh phải có kinh nghiệm đầy đủ về những cử hành của Đại Lễ Phục Sinh, cách riêng những ai giúp lễ cho những cử hành do Giám mục chủ tế” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Về Thứ Sáu Tuần Thánh, thông tư này cũng nói:

"59. Theo truyền thống xa xưa, hôm nay Hội Thánh không cử hành thánh lễ: Mình Thánh Chúa chỉ được trao cho tín hữu trong Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa mà thôi; tuy nhiên, vào bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có thể mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức được” (Bản dịch, như trên).

Chúng ta đang bàn đến một trường hợp đặc biệt, thực sự độc đáo. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng theo ý kiến của tôi, câu trả lời sẽ là tiêu cực, và rằng linh mục không được Rước lễ hai lần vào ngày này.

Trước hết, như bạn đọc của chúng tôi nêu ra, ngoại trừ trường hợp nguy tử, Giáo luật tiên liệu khả năng của việc rước lễ lần thứ hai trong bối cảnh của Thánh Lễ, nhưng đây không phải là Thánh Lễ.

Thứ hai, trong khi ở Thánh Lễ linh mục phải luôn thông truyền trong thừa tác của mình, trong trường hợp này không có nhu cầu nội tại để rước lễ lần thứ hai. Tương tự như vậy, trong trường hợp họa hiếm khi linh mục cử hành cuộc Thương khó lần thứ ba, rõ ràng là một việc rước lễ lần thứ ba là trái với luật. Do đó, việc linh mục rước lễ là không thiết yếu cho cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thứ ba, vào năm 1955, Đức Giáo Hoàng Piô XII khôi phục khả năng rước Lễ trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, sau nhiều thế kỷ không được phép. Mục đích của sự thay đổi này là: "Trên hết, khi sốt sắng rước lễ, được ban cho mọi người trong ngày này, các tín hữu có thể nhận được nhiều hoa trái của công cuộc Cứu độ hơn". Tuy nhiên, khả năng đã và vẫn là bị hạn chế cho sự tham gia vào buổi cử hành, ngoại trừ cho người bệnh. Do các hạn chế này, dường như về vấn đề, Hội Thánh không ủng hộ việc rước lễ nhiều lần vào ngày này.

Cuối cùng: nếu một linh mục phải cử hành nhiều lần cuộc Thương khó của Chúa, thì đó là: "Do nhu cầu số lượng các tín hữu quá đông". Mặc dù ngài thu được nhiều lợi ích tinh thần do sự cống hiến của mình, nhưng động cơ chính của ngài phải là phục vụ các tín hữu.

Hỏi 2: Sau câu trả lời của tôi ngày 27-2 về lời nguyện mùa Chay trên dân chúng, một độc giả ở bang Missouri đã hỏi: "Cha đã nói “Lời mời gọi của phó tế cho dân chúng cúi đầu để nhận phép lành cũng là rất cổ". Con xin hỏi liệu sự cúi đầu ở đây là chỉ cúi đầu nhẹ hay là cúi mình sâu. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 275b nói rằng “thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng”, vì vậy dường như là cũng giống cho cộng đoàn, khi họ nhận phép lành của linh mục vào cuối Thánh lễ. GIRM hay Sách Lễ đều không nói rõ việc con nhận xét. Phần cha, cha nghĩ sao ạ?"

Đáp: Toàn văn điều 275 của Quy chế Tổng Quát Lễ Rôma nói:

"275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:

“a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.

“b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh "Munda cor meum, Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy" và "In spiritu humilitatis, Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận", khi đọc câu trong kinh Tin Kính: "et incarnatus est, Bởi phép Chúa Thánh Thần", khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: "Supplices te rogamus, Chúng con nài xin Cha". Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Như bạn đọc này nhận xét, GIRM không nêu ra bản chất của việc tín hữu cúi đầu vào lúc này.

Tuy nhiên, bởi vì "cúi đầu" được đề cập trong điều 275a rõ ràng chỉ là một cúi đầu ngắn chỉ trong vài ba giây, nên sự cúi mình cho việc nhận phép lành long trọng sẽ rơi tự nhiên vào phạm trù của cúi mình sâu. Điều này cũng là giống như sự cúi mình của thầy phó tế hay của toàn cộng đoàn, khi đọc kinh Tin kính.

Đồng thời, vì không gì được xác định cách cụ thể, không có tiêu chuẩn đặc biệt nào về độ sâu của sự cúi đầu, và mỗi người có thể quyết định điều gì cấu thành cử chỉ thích hợp cho mình vào thời điểm ấy. (Zenit.org 13-3-2018)

Nguyễn Trọng Đa