Chương mười một: Rôma và Hoa Kỳ

Joseph Nye, nhà khoa học chính trị của Đại Học Harvard, nổi tiếng khi đưa ra sự phân biệt giữa “quyền lực cứng” (hard power) tức sức mạnh quân sự và kinh tế, và “quyền lực mềm” tức khả năng dùng ý nghĩ để thuyết phục. Mặc dù Nye không nghĩ đến mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Rôma, nhưng các ý nghĩ của ông rất thích đáng để phân tích sự tương tác giữa hai tác nhân chủ đạo có tính hoàn cầu này, vì chúng hoàn toàn nắm được vai trò của cả hai tác nhân này. Hoa Kỳ là nguồn trổi vượt của quyền lực cứng trên thế giới, là căn cứ địa của nền kinh tế lớn nhất thế giới (trổi vượt hơn Trung Quốc một chút) và là kho vũ khí quân sự lớn nhất thế giới (lớn hơn bất cứ ai khác rất nhiều). Trong khi ấy, Vatican tự cho mình là người cung cấp quyền lực mềm quan trọng nhất trên thế giới, nghĩa là một tác nhân không phải nhà nước quan trọng nhất trên sân khấu hoàn cầu và là tiếng nói nổi bật nhất của lương tâm trong sự việc nhân bản. Dù tốt dù xấu, mối liên hệ giữa hai “siêu cường” này có khả năng lên khuôn cho lịch sử.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng hoà hợp với nhau. Trước nhất, có một hố phân cách văn hóa khá sâu và khá dai dẳng giữa Rôma và Hoa Kỳ; điều này có nghĩa: đôi khi thật khó để họ hiểu nhau dù họ rất cố gắng. Sau đây là một điển hình đơn giản nhưng nói với ta rất nhiều: các quan niệm khác nhau về thời gian. Nói một cách ngắn gọn, Hoa Kỳ là nền văn hóa lò viba (microwave) trong khi Rôma là nền văn hóa nồi sành (crockpot). Ở Hoa Kỳ, nếu sáng thứ Ba bạn có vấn đề mà đến chiều hôm đó, bạn chưa giải quyết được thì thực sự người Hoa Kỳ cho rằng chỉ có thể có 3 khả thể. Bạn lười, bạn ở thế bác bỏ hay, tệ hơn cả, bạn tìm cách che đậy. Ở Rôma, nếu sáng thứ Ba bạn có vấn đề mà đến chiều hôm đó, bạn nghĩ bạn đã tìm ra giải pháp, thì phần lớn người ta sẽ cho rằng bạn chưa suy nghĩ đủ. Dưới con mắt họ, các giải pháp nhanh chóng thường là một toa thuốc dẫn người ta rơi vào thế nửa vời. Trọng điểm ở đây không phải khuynh hướng nào đúng khuynh hướng nào sai, mà là chúng khác nhau. Nhìn vào sự thận trọng muôn thuở của Rôma, người Hoa Kỳ thường thấy sự bác bỏ hay dửng dưng. Nhìn vào khuynh hướng bắn trước tra vấn sau của người Hoa Kỳ, người Rôma thường chỉ thấy sự thiếu chín chắn và thiếu suy nghĩ.

Bị dính vào giữa hố phân cách văn hóa này là gần 67 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ, những người sinh ra làm công dân Hoa Kỳ và đồng thời làm thành viên của gia đình đức tin hoàn cầu. Giáo Hội ở Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong sự việc của Công Giáo hoàn cầu thế nào, thì người Công Giáo Hoa Kỳ cũng là các tác nhân có tính quyết định trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị của đất nước họ như vậy. Nếu cần chứng cớ, bạn hãy lưu ý điều này: chỉ cần không quá một ít người Công Giáo ở 6 hay 7 quận hạt của Ohio bỏ phiếu khác đi vào năm 2004, John Kerry đã là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc rồi. Cách người Công Giáo Hoa Kỳ gây ảnh hưởng sẽ có những hậu quả đáng kể đối với tương lai của cả Rôma lẫn Hoa Kỳ ra sao, thì sự tương tác giữa hai cường quốc này cũng sẽ gây hậu quả như thế đối với toàn thế giới.

Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ lớn ra sao?

Hoa Kỳ là nước Công Giáo lớn thứ tư trên thế giới, đứng sau Ba Tây, Mễ Tây Cơ và Phi Luật Tân. Nó là nước Công Giáo lớn nhất tại Tây Phương. Đến năm 2050, Hoa Kỳ có nhiều người Công Giáo bằng cả hai nước Tây Phương kế tiếp là Pháp và Ý cộng lại. Nó sẽ có một dân số Công Giáo 99 triệu người, trong khi Pháp và Ý được dự phóng mỗi nước sẽ có 49 triệu người Công Giáo. Đến lúc đó, Pháp và Ý sẽ là các nước Công Giáo hạng 7 và 8 về dân số Công Giáo. Xét vì sự gia tăng nhanh chóng số người nói tiếng Tây Ban Nha trong Giáo Hội Hoa Kỳ, tới năm 2050, nước này cũng sẽ là quê hương của cộng đồng Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau một mình Mễ Tây Cơ và lớn hơn cả Tây Ban Nha.

Tính tới tháng Mười Một năm 2012, có tất cả 195 giáo phận Công Giáo ở Hoa Kỳ, trong đó, có 33 tổng giáo phận. Tính chung, có tất cả 373 giám mục Hoa Kỳ, trong đó, 154 vị là giám mục giáo phận, 73 vị là giám mục phụ tá, 146 vị là giám mục hưu trí và 21 vị phục vụ ở bên ngoài xứ sở. Đây là một trong các đoàn giám mục lớn nhất trên thế giới. Cũng có 19 vị Hồng Y Hoa Kỳ hiện còn sống, trong đó, 11 vị dưới tuổi 80 và do đó có quyền bầu vị giáo hoàng kế tiếp; đây là khối Hồng Y lớn thứ nhì trên thế giới, sau Ý với 31 vị. Cũng trong năm 2012, có hơn 40,000 linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ, gần 10 phần trăm của tổng số hoàn cầu, cùng với 17,400 phó tế vĩnh viễn, 4,600 tu huynh, 57,100 nữ tu và hơn 5,000 chủng sinh. Cũng có gần 35,000 “thừa tác viên giáo dân” tại Hoa Kỳ, tức các giáo dân được Giáo Hội trao phó một số thừa tác vụ mà trước đây vốn do hàng giáo sĩ đảm nhiệm như thừa tác vụ âm nhạc, giới trẻ, giáo lý v.v…

Dĩ nhiên, các con số trên nên được đặt trong bối cảnh hoàn cầu. Con số 67 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ chỉ tượng trưng cho khoảng 6 phần trăm dân số Công Giáo hoàn cầu mà hiện là 1 tỷ 2; điều này có nghĩa 94 phần trăm người Công Giáo trên thế giới đang sống ở những nơi khác và, trong nhiều phương diện quan trọng, họ không nhất thiết giống như người Hoa Kỳ. Nếu có lúc nào việc nhìn Giáo Hội Công Giáo qua lăng kính quyền lợi và ưu tiên Hoa Kỳ được coi là thích đáng, thì chắc chắn lúc đó không phải là thế kỷ 21 vì điều này rõ ràng không đúng đối với các thực tại của Giáo Hội. Nói thì nói thế, song Hoa Kỳ vẫn là một thành phần hết sức quan trọng của cộng đồng Công Giáo nói chung.

Dân số Công Giáo Hoa Kỳ đang thay đổi ra sao?

Trước nhất, dân số Công Giáo ở Hoa Kỳ, giống như cả nước nói chung, đều đang trở nên già hơn. Thành phần phát triển nhanh nhất trong dân số Hoa Kỳ thực ra không phải là di dân mà là người cao niên. Năm 2005, có 34.7 triệu người Hoa Kỳ tuổi từ 65 trở lên; tới năm 2050, Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ dự phóng con số này sẽ là 75.9 triệu người, tức dân số trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vòng nửa thế kỷ. Người Công Giáo thường trẻ hơn dân số tổng quát đôi chút, do tuổi trung bình thấp hơn nơi người nói tiếng Tây Ban Nha cũng như sinh suất trung bình của họ cao hơn, nhưng dù thế, dân số Công Giáo cũng đang già đi hơn. Tới năm 2030, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ sẽ có thêm 6.8 triệu thành viên nữa trên 65 tuổi. Dù “đợt già đi” này đặt ra nhiều thách đố, cả cho xã hội lẫn cho Giáo Hội, nó cũng gợi ý nhiều cơ may. Các nhà xã hội học tường trình rằng một ai đó đi đạo kiểu ôm gốc cây lúc 35 tuổi thì lúc càng về già họ càng trở nên có lòng đạo sâu sắc hơn, đến nỗi dân số trên 65 tuổi là nhóm có xu hướng thực hành đạo nhiều nhất và sẵn sàng hiến thì giờ và tài nguyên cho các chính nghĩa tôn giáo. Nếu Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ có thể định khuôn cho các cộng đoàn thân thiện với người cao niên thì ắt hẳn nó đang trên đường phát triển tốt đẹp.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ sẽ càng ngày càng nhiều thành phần lao động chân tay và sắc tộc nhiều hơn. Theo các dự phóng gần đây nhất, tới năm 2030, người da trắng sẽ không còn chiếm đa số trong thống kê về dân số Công Giáo Hoa Kỳ nữa. Họ vẫn còn là một khối lớn, chiếm 48 phần trăm, nhưng người nói tiếng Tây Ban Nha sẽ chiếm tới 41 phần trăm, trong khi người Hoa Kỳ gốc Á Châu sẽ chiếm tới 7.5 phần trăm, còn người Phi Châu và Mỹ gốc Phi Châu chiếm 3 phần trăm. Luis Lugo, giám đốc Nghị Hội Pew, gọi khuynh hướng này là việc biến Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ “thành mầu nâu” (browning). Lugo nhận xét rằng khi trở thành mầu nâu, Đạo Công Giáo cũng sẽ trở thành nghèo hơn. Các di dân nói tiếng Tây Ban Nha ít hoàn tất chương trình trung học hơn người da trắng tới 7 lần và những người chỉ có khả năng kiếm được non 30,000 dollars một năm nhiều hơn người da trắng đến 2 lần rưỡi. Họ cũng là người ít được bảo hiểm hay không được bảo hiểm. Dựa vào các yếu tố dân số này, Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 sẽ trở thành một tín ngưỡng của giai cấp công nhân tay chân. Và như thế, Đạo này cũng đã trở lại với gốc rễ của nó trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi cơ sở dân số của nó gồm nhiều đợt di dân Âu Châu liên tiếp nhau tập trung nơi các nghề và các khu xóm phần lớn gồm công dân tay chân.

Điều gì làm cho Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ độc đáo?

Người Công Giáo vốn là thành phần của cảnh giới Hoa Kỳ trước khi có những điều như Hiệp Chúng Quốc. Người giáo dân Công Giáo Charles Carroll ở Maryland, chẳng hạn, đã đặt chữ ký của mình vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Thế nhưng, trong các thập niên tiên khởi của đời sống đất nước mới mẻ này, người Công Giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ về thống kê, đại diện chưa tới 1 phần trăm dân số cả nước. Bắt đầu giữa thế kỷ 19, dân số Công Giáo mới nổ bùng do các đợt di dân liên tiếp từ Âu Châu. Qua đầu thế kỷ 20, người Công Giáo đã chiếm gần 1 phần tư dân số Hoa Kỳ và tiếp tục như thế từ đó đến nay. Như thông thường vốn thế đối với hiện tượng thay đổi dân số quá nhanh, những người mới tới không luôn được chào đón nồng hậu; dân số Công Giáo gia tăng thường phải đối diện với thiên kiến và thù nghịch. Hiện tượng này đôi khi nổ thành những cuộc sát hại người Công Giáo đầy tính bạo động trong đó có những vụ đốt phá và cướp bóc các thánh đường. Luật lệ từng được thông qua nhằm ngăn cản việc trợ giúp công cộng cho các định chế Công Giáo, trong khi các phong trào duy nội sinh (nativist) như Đảng Không Biết Gì (Know-Nothing Party) xuất hiện để chống lại việc người Công Giáo gây ảnh hưởng về xã hội và chính trị.

Lịch sử trên đem lại cho Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ 3 đặc điểm rõ nét sau đây:

Thứ nhất, không như các nơi khác ở Tây Phương, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ không có truyền thống được nhà nước bảo trợ. Thay vào đó, nó phải học cách tự đứng vững bằng đôi chân của mình, không được trông chờ chi ở nhà nước. Trong phần lớn lịch sử của họ, điều tốt đẹp hơn cả mà người Công Giáo Hoa Kỳ hy vọng nhận được từ chính phủ là để họ được yên thân. Lịch sử này cho phép người Công Giáo Hoa Kỳ theo đuổi các ý niệm tự do tôn giáo và việc tách biệt giữa nhà nước và Giáo Hội và dạy họ rằng Đạo Công Giáo không những sống còn mà còn phát đạt nữa khi Giáo Hội và nhà nước giữ khoảng cách đối với nhau. Thành thử, các nhà tư tưởng Công Giáo Hoa Kỳ như cố linh mục Dòng Tên John Courtney Murray đã đóng một vai trò hàng đầu tại Công Đồng Vatican II, giúp Giáo Hội hoàn vũ tiếp nhận một cách hiểu biết mới mẻ và tích cực hơn về tự do tôn giáo.

Thứ hai, thị trường tự do của Hoa Kỳ trong tôn giáo đã làm cho Đạo Công Giáo Hoa Kỳ phát triển được một tinh thần kinh bang tế thế (entrepreneurial) khiến cả thế giới Tây Phương thèm muốn. Ở Âu Châu, các giáo xứ Công Giáo thường được người ta gọi là “trạm phục vụ” (filling station), nơi người ta rẽ vào để cưới xin hay chịu phép rửa, chứ ít có tiếp xúc gì khác. Ở Hoa Kỳ, các giáo xứ thường có rất nhiều loại sinh hoạt khác nhau, không phải chỉ thuộc phạm vi phụng vụ mà còn điều hành trường học, các chương trình nấu cháo cho dân nghèo, các chương trình học hỏi Thánh Kinh, các nhóm giới trẻ, các buổi tĩnh huấn cho các vị cao niên, các khóa đào tạo đức tin cho người lớn, các bệnh xá chữa bệnh miễn phí, và nhiều loại chương trình khác nữa. Ít nhất tới một mức nào đó, sự tương phản này còn phản ảnh một cái nhìn thông sáng nền tảng có tính kinh tế: sự độc quyền, vốn là đặc điểm của nhiều xã hội Âu Châu cho tới những năm gần đây, có xu hướng trở nên lười lĩnh và không hữu hiệu; trái lại, năng động tính cạnh tranh của thị trường mở rộng có xu hướng cổ vũ sự hối hả và lưu ý nhiều hơn tới việc phục vụ khách hàng.

Thứ ba, vì người Công Giáo bị loại ra ngoài các định chế xã hội chính dòng của Hoa Kỳ trong phần lớn lịch sử của họ, nên họ đã tự xây dựng lấy các định chế này cho riêng họ. Nhờ di sản này, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ ngày nay điều hành hệ thống trường tư lớn nhất của quốc gia, mạng lưới lớn nhất các bệnh viện và cơ cở y tế không nhằm kiếm lời, và hệ thống bác ái tư lớn nhất. Ở cấp từ mẫu giáo tới lớp 12, hiện có hơn 7,000 trường học tại Hoa Kỳ với số học sinh lên tới 2.1 triệu em. Nhiều trường học loại này phục vụ công chúng nghèo sống trong nội thành; khoảng 20 phần trăm đơn ghi danh là thuộc các sắc tộc thiểu số, trong khi 15 phần trăm không phải là người Công Giáo. Cũng có 244 cao đẳng và đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Về chăm sóc y tế, 1 trong 6 bệnh nhân ở Hoa Kỳ được chăm sóc bởi mạng lưới 629 bệnh viện Công Giáo với tổng chi phí lên đến gần 100 tỷ dollars. Hơn 5.5 triệu bệnh nhân được nhận vào các bệnh viện Công Giáo năm 2010, và 66 hệ thống chăm sóc sức khỏe Công Giáo có một lực lượng lao động gần 766,000 nhân viên bán thời gian và toàn thời gian, biến các hệ thống này thành một trong các chủ nhân ông lớn nhất trong nước. (McDonald, chẳng hạn, có một lực lương lao động 465,000 người; UPS sử dụng 428,000 nhân viên). Cũng năm 2010, gần 330 văn phòng của Catholic Charities USA cung cấp trợ giúp cho 10,270,292 người khắp nước, gồm thực phẩm, nhà ở, dịch vụ gia đình, di dân, và nhiều hình thức trợ gipú khác.

Xét chung, hạ tầng cơ sở có tính định chế của Đạo Công Giáo Hoa Kỳ vừa có tính chất khổng lồ vừa có tính chất độc đáo về phương diện hoàn cầu.

Còn tiếp