Các bí tích là gì?
Hành vi quan trọng nhất trong phụng tự Công Giáo là Thánh Lễ, một chủ đề sẽ được bàn đến ở Chương 5. Thánh Lễ là một trong 7 Bí Tích của Giáo Hội: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Lễ (Thánh Thể), Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chúc Thánh, và Hôn Phối. Trong giáo huấn Công Giáo, bí tích là nghi thức do Giáo Hội qui định và do một trong các thừa tác viên của Giáo Hội hướng dẫn; nghi thức này, nếu được cử hành đúng đắn, chắc chắn đem lại một “ơn thánh’, hay một ơn ích thiêng liêng, nhất định, như tha thứ tội lỗi chẳng hạn. Ý niệm đứng đàng sau bí tích là: một dấu hiệu hữu hình nào đó, như nước của Phép Rửa Tội chẳng hạn, hay bánh và rượu của Thánh Lễ, hoặc dầu dùng trong Phép Xức Dầu Bệnh Nhân, chứng tỏ có sự vận hành của ơn thánh Chúa ở đây và hiện lúc này.

Gần như không thể nói quá về tầm quan trọng lớn lao của các bí tích đối với đời sống người Công Giáo. Cha Andrew Greeley, vị linh mục có lẽ nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ, đồng thời là một tiểu thuyết gia và nhà xã hội học, thậm chí đã cho rằng chúng để lại một dấu ấn sâu xa trong tâm lý học Công Giáo. Trong cuốn sách ngài viết năm 1990, tựa là The Catholic Myth (Huyền Thoại Công Giáo), cha cho rằng tại Hiệp Chúng Quốc, có một “óc tưởng tượng bí tích” rất khác biệt nơi người Công Giáo khiến họ trở thành một khối riêng biệt hẳn khỏi nền văn hóa đa số do di sản Thệ Phản tạo ra. Theo ngài, do bản năng, các người Công Giáo nhìn các biến cố, các đồ vật, và con người của thế giới “phần nào giống như Thiên Chúa”, nghĩa là mang dáng dấp thần linh. Trong khi đó, các người Thệ Phản nhìn Thiên Chúa như xa cách triệt để đối với thế giới, và do đó, do bản năng, họ nhìn các biến bố, các đồ vật, và con người của thế giới như những chủ thể khác biệt một cách triệt để đối với Thiên Chúa. Theo Cha Greeley, tất cả những điều này góp phần tạo nên một óc tưởng tượng “loại suy” (analogical) cho người Công Giáo và một thế giới quan “biện chứng” cho người Thệ Phản.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chia các bí tích thành ba loại.

Các bí tích khai tâm

1. Rửa tội: Bí tích trong đó, vết nhơ của tội nguyên tổ được xóa bỏ và các chi thể mới được hội nhập vào Giáo Hội. Nó thường được cử hành không lâu sau ngày ra đời đối với các trẻ sơ sinh của các gia đình Công Giáo, và cho những người lớn mới trở lại Đạo Công Giáo.

2. Thêm sức: Đôi khi được gọi là bí tích xức dầu thánh (chrismation), bí tích này “thêm sức” hay đóng ấn tư cách chi thể trọn vẹn của một người trong Giáo Hội, và được hiểu như đánh dấu việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên người lãnh nhận, giống như việc Người ngự xuống trên các Tông Đồ đầu tiên trong Lễ Ngũ Tuần, được mô tả trong Thánh Kinh. Thường lệ, nó được lãnh nhận bởi những người Công Giáo giữa tuổi lớp 6 và lớp 10 và bởi những người lớn mới trở lại Đạo ngay sau khi được Rửa Tội.

3. Thánh Thể: Việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô, cũng gọi là Rước Lễ, được coi như bí tích khai tâm sau cùng vì nó hoàn tất việc tín hữu được hội nhập vào đời sống Giáo Hội. Bí tích Thánh Thể được Công Đồng Vatican II mô tả là “nguồn và đỉnh cao” của đời sống Kitô Giáo, và được mọi người coi như tâm điểm linh đạo Công Giáo. Không như các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Bí Tích Thánh Thể không phải là việc lãnh nhận một lần là hết. Theo lý thuyết, người Công Giáo được đòi phải tham dự Bí Tích Thánh Thể ít nhất mỗi tuần một lần, vào các Chúa Nhật, và trong các ngày lễ buộc (như Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh), và đặc biệt, các người Công Giáo ngoan đạo quen tham dự Thánh Lễ hàng ngày.

Các Bí Tích Chữa Lành

4. Hòa Giải/Thống Hối: Trước đây, thường được gọi là Xưng Tội, bí tích này là bí tích để người Công Giáo nhìn nhận tội lỗi của mình với một linh mục, ngỏ quyết tâm ăn năn, và nhận ơn tha thứ (thuật ngữ gọi là “tha tội”). Bí tích này phải được cử hành giữa người này và người kia; dù có một công thức tha tội tập thể, nhưng Tòa Thánh không muốn khuyến khích thực hành này mấy. Ngay sau Công Đồng Vatican II, số người xưng tội cá nhân giảm đi đáng kể, nhưng gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thực hành này đang dần dần được phục hồi.

5. Xức dầu bệnh nhân: Dự kiến dành cho những người đang chiến đấu với cơn bệnh, trong bí tích này, linh mục sẽ xức dầu lên trán hay các phần thân thể khác của bệnh nhân bằng dầu ôliu trong khi đọc lời cầu nguyện xin Thiên Chúa chữa lành và an ủi. Ơn thánh do bí tích này đem lại có thể là việc phục hồi sức khỏe, nếu việc này phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, còn nếu không, thì xin cho được sức mạnh chịu đau khổ theo kiểu Chúa Kitô. Không nên lẫn lộn Xức Dầu Bệnh Nhân với “nghi thức cuối cùng”, một nghi thức được cử hành khi có người lâm cơn nguy kịch sắp qua đời.

Các Bí Tích Phục Vụ Cộng Đồng

6. Truyền Chức Thánh: Như đã ghi ở trên, đây là bí tích trong đó, một người nam được tuyên nhận là linh mục, phó tế hay giám mục của Giáo Hội Công Giáo, và chỉ có thể cử hành bởi một giám mục. Dù mọi giáo sĩ của Giáo Hội đều được coi là được hội nhập vào các Chức Thánh, nhưng trở thành giám mục được cho là đánh dấu sự “viên mãn” của bí tích, và các giám mục được hiểu là các vị kế nhiệm 12 tông đồ nguyên thủy của Chúa Kitô. Vì Giáo Hội Công Giáo chủ trương rằng Chúa Kitô chỉ mời gọi người nam đảm nhiệm vai trò đặc biệt này, nên bí tích Truyền Chức Thánh chỉ chấp nhận người nam mà thôi.

7. Hôn phối: “Thừa tác viên” của bí tích này không phải là linh mục, mà là người đàn ông và người đàn bà, linh mục hay phó tế chỉ làm chứng cho sự thành hiệu của bí tích này mà thôi. Luật Giáo Hội đòi hỏi người đàn ông và người đàn bà phải tự do cưới nhau, họ phải sẵn lòng và ý thức việc bước vào khế ước hôn nhân thành hiệu, họ phải thi hành khế ước này một cách thành hiệu. Giáo huấn Công Giáo chủ trương rằng hôn nhân là mãn đời, và do đó, không được phép ly dị. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng dạy rằng nếu một hay nhiều đòi hỏi không được thỏa mãn, thì việc kết hợp có thể “bị tuyên bố vô hiệu”.

Ngoài các bí tích ra còn có những thực hành nào khác không?

Dù các bí tích là tâm điểm linh đạo Công Giáo, Giáo Hội cũng còn nhiều lòng sùng kính, kinh nguyện và kỷ luật khác nữa, những điều mà người Công Giáo mọi nơi mọi lúc vốn thường đan kết chúng vào hành trình đức tin của họ. Ba thực hành Công Giáo sống lâu nhất và bình dân nhất được phác họa dưới đây. Dù không thực hành nào được coi là bí tích, nhưng thẩy đều được Giáo Hội khuyến khích.

1. Kinh Mân Côi

Hạn từ “mân côi” phát xuất từ tiếng La Tinh rosarium có nghĩa là “vườn hồng”. Đây là một bộ tràng hạt, và việc sử dụng nó bao gồm việc đọc đi đọc lại Kinh Lạy Cha, tiếp theo trong mỗi lần lặp lại là 10 lần đọc Kinh Kính Mừng, sau đó là 1 Kinh Sáng Danh. Những mười kinh Kính Mừng này được gọi là “một chục” và mỗi chục được nối kết với việc suy niệm về một trong các “mầu nhiệm” tức các yếu tố trong đời sống của Chúa Kitô. Truyền thống tin rằng Kinh Mân Côi đã được ban cho Thánh Đa Minh, vị sáng lập ra Dòng Đa Minh, đầu thế kỷ 13, trong một lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ngài. Vì có liên tưởng tới Đức Maria, nên việc đọc kinh Mân Côi thường được coi là lòng sùng kính Đức Mẹ đầu hết trong Giáo Hội Công Giáo. Kinh Mân Côi có lẽ là truyền thống cầu nguyện đặc biệt nhất của Đạo Công Giáo, và cũng là biểu tượng có tính hình tượng nhất của đức tin Công Giáo trong nền văn hóa bình dân.

2. Thờ lạy Thánh Thể

Như một biểu thức nói lên sự nhấn mạnh đối với Thánh Thể trong Đạo Công Giáo, việc thờ lạy Thánh Thể có ý nói đến thực hành đặt bánh thánh đã truyền phép trong một chiếc hộp đặc biệt, thường được gọi là ‘mặt nhật” rồi trưng trên bàn thờ trong nhà thờ hay tại một địa điểm khác để tín hữu cầu nguyện và thờ lạy sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa. Khi việc trưng bày và thờ lạy Thánh Thể trở thành thường hằng nghĩa là 24 tiếng đồng hồ một ngày thì gọi là “thờ lạy vĩnh viễn”. Nó được thực hành trong các đan viện và tu viện, cũng như tại các giáo xứ và các khung cảnh khác khắp thế giới nơi người Công Giáo tình nguyện thay phiên nhau có mặt để Thánh Thể không bao giờ ở một mình. Năm 2012, ước lượng có 2,500 nhà nguyện thờ lạy Thánh Thể vĩnh viễn trên khắp thế giới (kể cả ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, theo yêu cầu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Có người cho rằng mặt nhật lớn nhất thế giới là ở Chicago, nơi đang cho xây một nhà nguyện để thờ lạy Thánh Thể vĩnh viễn.

3. Ăn chay Mùa Chay

Chữ Anh Lent để chỉ Mùa Chay. Chữ này phát nguyên từ tiếng Đức có nghĩa là “mùa xuân”, được Giáo Hội Công Giáo dùng để dịch chữ La Tinh Quadragesima, hay “bốn mươi ngày” ám chỉ thời gian từ Thứ Tư Lễ Tro tới Thứ Năm Tuần Thánh. Mùa Chay là mùa của thống hối và từ bỏ mình để chuẩn bị mừng các mầu nhiệm Phục Sinh, đặt trọng tâm vào sự chết của Chúa Kitô trên Thập Giá và sự sống lại của Người. Kỷ luật ấn định ra Mùa Chay là ăn chay, mà ngày xưa đôi khi có nghĩa là phải nhịn thức ăn đặc trọn cả Thứ Tư Lễ Tro và trong các Thứ Sáu của mùa này, dù thời hiện đại, phần lớn rút lại chỉ còn là việc không ăn thịt. Thêm vào việc ăn chay, truyền thống cũng đòi người Công Giáo “từ bỏ” một điều gì đó trong Mùa Chay, một hình thức bỏ mình khác nhằm bước vào tinh thần thống hối của mùa này: món tráng miệng, chẳng hạn, hay cà phê, hoặc mỗi ngày một giờ coi truyền hình để đọc sách thiêng liêng.

Điều gì lôi cuốn người ta vào Giáo Hội Công Giáo?

Thường thì nó cũng đơn giản như việc được sinh ra trong đó. Trong một gia đình, người ta đâu có chọn lựa cha mẹ hay anh chị em, ấy thế nhưng kết cục ai cũng thương yêu họ. Nhiều người Công Giáo cảm thấy y hệt như thế. Cha Andrea Gallo, chẳng hạn, là một linh mục đã 84 tuổi, từng nổi tiếng vì đã dám thách thức giáo huấn của Giáo Hội: ngài cổ vũ việc hợp thức hóa ma túy (có lần còn hút nó ở nơi công cộng để phản đối), tự đứng chung hàng với người Cộng Sản Ý, và công khai ủng hộ phong trào Tự Hào Đồng Tính. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2012, Cha Gallo được hỏi tại sao không rời bỏ Giáo Hội cho rồi. Tỏ vẻ ngạc nhiên, Cha đáp: “Rời bỏ? Tại sao tôi phải rời bỏ? Đây là nhà tôi mà”. Chưa hết, trong lúc hứng khởi, ngài cho biết thêm: “Nói cho ngay, rất nhiều người đáng rời bỏ trước tôi” khiến cử tọa vỗ tay vang dội. Thậm chí vị giám mục Ý dự buổi phỏng vấn cũng không nín được cười.

Ngoài việc được sinh ra trong Giáo Hội, kinh nghiệm còn cho thấy có ba sức mạnh sau đây lôi cuốn người ta gia nhập Đạo Công Giáo.

1. Xác tín

Đối với những người sống cuộc sống tâm trí, đôi khi hành trình nghiên cứu, tư duy, và cầu nguyện đã dẫn họ tới niềm tin mạnh mẽ này là: điều Giáo Hội Công Giáo dạy về Thiên Chúa và thế giới và về chính nó, đúng là sự thật. Đối với những người này, đức tin không chủ yếu bén rễ nơi xúc cảm hay tiểu sử bản thân, mà nơi xác tín tri thức. Đức Hồng Y John Henry Newman, người Anh, đã nhắc trên đây trong phần nói về hàng ngũ giáo dân, là một thí dụ thích đáng. Ngài đã được phong chân phúc năm 2010 bởi Đức Bênêđíctô XVI nhân cơ hội tông du Nước Anh.

Đức Hồng Y Newman là nhân vật gây nhiều ảnh hưởng trong Giáo Hội Anh Giáo thập niên 1830, và trong một thời gian dài, vốn chống lại sức lôi kéo trở thành người Công Giáo. Khi dấn thân vào con đường này vào năm 1845, ngài biết hoàn toàn rõ ràng rằng mọi sự đều do ý muốn của ngài. Ngài từng nổi tiếng vì đã dè dặt đối với việc tuyên bố tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng tại Công Đồng Vatican I năm 1870. Ấy thế nhưng, 5 năm sau đó, ngài viết cho Quận Công Norfolk rằng “từ ngày tôi trở thành người Công Giáo cho đến nay, đã gần 30 năm, tôi chưa bao giờ có một chút nghi ngại rằng hiệp thông Rôma là Giáo Hội mà các Tông Đồ đã thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần”.

2. Cảm hứng

Qua nhiều thế kỷ, các thánh nhân vĩ đại của Giáo Hội có lẽ còn có tác động mạnh mẽ hơn nữa như tấm thiệp mời người ta gia nhập Giáo Hội. Thí dụ, sự đơn sơ và dấn thân triệt để của Thánh Phanxicô Assisi đã lôi cuốn không biết bao nhiêu người vào Đạo Công Giáo, và vào việc thực hành đức tin của họ cách sâu xa hơn trong 8 thế kỷ qua.Tình yêu thiên nhiên và nhân loại của ngài, nhất là người nghèo, ước nguyện hòa bình của ngài và cảm thức huyền nhiệm của ngài về sự hiện diện của Thiên Chúa, tất cả đã tạo nên một sức hút có tính lôi cuốn mạnh mẽ.

Gần đây hơn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã nắm được trí tưởng tượng của thế giới. Dĩ nhiên, bà sống trong thế kỷ 20, nên bà không hòan toàn tránh khỏi việc bị bới lông tìm vết và bị chỉ trích; cố ký giả vô thần Christopher Hitchens than phiền rằng bà quá mềm yếu đối với các nhà độc tài, quá hấp tấp đi tìm phẩm giá thiêng liêng nơi đau khổ và quá chấp nhận giáo huấn Công Giáo về kiểm soát sinh đẻ ngay cả khi đối diện với đại dịch AIDS. Ấy thế nhưng đối với phần lớn người ta, việc bà hoàn toàn hiến thân cho người nghèo nhất trong các người nghèo rõ ràng là cao thượng đến không thể tin được. Khi qua đời, bà trở thành người thứ dân thứ hai của Ấn Độ, sau Gandhi, được quốc táng. Bà được Giáo Hội Công Giáo phong chân phúc năm 2003 và được phong hiển thánh năm 2016.

3. Cộng đoàn

Nhìn từ bên ngoài, Giáo Hội Công Giáo giống như một hội tranh luận, bị xâu xé bởi các viễn kiến trái ngược nhau và nhiều căng thẳng nội bộ, hay như một cơ quan vận động hậu trường chính trị, lúc nào cũng tuyên những cuộc chiến tranh văn hóa. Nhưng đối với phần lớn người Công Giáo thực hành Đạo, thì Giáo Hội rất khác nếu nhìn từ bên trong. Họ thấy các căng thẳng, nhưng họ cũng cho biết họ cảm nghiệm nó một cách đầy ấm áp, say mê, hữu nghị, và thậm chí cả cảm thức hài hước nữa. Thi sĩ Công Giáo người Anh-Pháp Hilaire Belloc có lần đã viết một bài thơ nói lên tinh thần này:

Bất cứ nơi đâu mặt trời Công Giáo chiếu
Luôn có tiếng cười và rượu ngon đỏ.
Ít nhất đó là điều tôi thấy thế.
Benedicamus Domino!(Ngợi khen Chúa!)

Đối với nhiều người Công Giáo, “Giáo Hội” trước nhất và trên hết bao gồm các bằng hữu và hàng xóm láng giềng mà với những người này, họ thờ phượng, thực hành các hành vi bác ái và phục vụ, và chia sẻ đời sống. Họ nhận ra giá trị khi trở thành thành phần của cộng đoàn, nhất là ở thời điểm trong đó, nền văn hóa ngoài kia thường không hỗ trợ những người coi trọng tôn giáo và các vấn đề thuộc tinh thần.

Còn tiếp