Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vụ tấn công khủng bố bên ngoài nhà thờ Đức Bà ở Paris

Cảnh sát đã bắn bị thương một người dùng búa tấn công cảnh sát đang tuần tra bên ngoài nhà thờ Đức Bà ở Paris lúc 3:30 chiều thứ Ba 6 tháng 6.

Bộ trưởng Nội Vụ Pháp là ông Gérald Collomb cho biết như sau:

“Một người cầm búa lẻn đến phía sau cảnh sát và tấn công một cảnh sát viên. Người bạn đồng ngũ đã phản ứng lại một cách bình tĩnh, anh quay lại ngay và nổ súng. Ngay khi tấn công viên cảnh sát, hung thủ la lên ‘Đây là cho Syria’. Lúc này thì chúng tôi chỉ mới biết như thế. Một số người chứng kiến biến cố này sẽ được hỏi thêm.”

Nghe tiếng súng nổ, khoảng 900 người đã chạy vào bên trong nhà thờ Đức Bà và bị kẹt bên trong khoảng 2 giờ.

Hung thủ là một người Algeria ở tuổi 40 đã bị bắn vào chân và đã được đưa vào nhà thương điều trị trong khi người cảnh sát bị tấn công chỉ bị thương nhẹ.

2. Khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy nhà thờ Đức Bà Marawi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh đau lòng quý vị và anh chị em vừa xem thấy diễn ra tại nhà thờ chính tòa thành phố Marawi, nơi vẫn còn trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi Luật Tân.

Đức Cha Edwin de la Pena là Giám Mục bản quyền lên án hành động phá hoại này là “ma quỷ” và nhận xét rằng việc phá hủy các hình tượng tôn giáo tiết lộ mục đích thực sự của các cuộc tấn công tại thành phố miền Nam Phi Luật Tân này.

Ngài nói:

“Chúng tôi tức giận vì những gì đã xảy ra. Đức tin của chúng tôi đã thực sự bị chà đạp”

Đoạn video này cho thấy những kẻ khủng bố la hét “Allahu akbar” khi chúng xông vào chiếm nhà thờ, đập vỡ bức tượng và xé hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict thứ 16.

Những kẻ khủng bố hiện đang bắt giữ cha Chito Suganob và hàng trăm giáo dân khác. Chúng thề sẽ chặt đầu ngài.

Bạo lực đã bùng phát tại Marawi hôm 23 tháng 5 sau khi quân đội Phi Luật Tân lùng bắt tên chỉ huy của quân khủng bố Hồi Giáo IS trong vùng là Iskilon Hapilon. Mặc dù quân đội chưa bắt được Iskilon Hapilon, các phần tử cực đoan Hồi Giáo đã bao vây thành phố này, đốt các tòa nhà, treo cờ ISIS khắp nơi, và giết chết ít nhất hai cảnh sát viên. Hàng trăm người đã chết trong cuộc chiến.

Cuộc khủng hoảng tại Marawi đã kéo dài sang tuần thứ ba. Tổng thống Rodrigo Duterte đưa quân đến Marawi và ban bố tình trạng thiết quân luật trong tỉnh Mindanao và đe dọa nới rộng tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước.

Sơ Mary John Mananzan là một trong những gương mặt đấu tranh cho nhân quyền tại Phi Luật Tân đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Sơ nói: “Thiết quân luật chỉ là một thủ đọan của Rodrigo Duterte để có thể đàn áp đối lập. Điều ông ta cần làm là giải phóng thành phố Marawi.”

Ông Teddy Casino, một nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Phi Luật Tân tố cáo quân đội có mặt tại Marawi chỉ để “cướp bóc” tài sản của dân chúng chạy giặc, chứ không thực tâm giải phóng thành phố này.

3. Khủng bố Hồi Giáo tấn công Luân Đôn

Lúc 10h tối thứ Bẩy mùng 3 tháng 6, ít nhất 4 tên khủng bố Hồi Giáo đã mở hai cuộc tấn công tại thủ đô Luân Đôn của Anh quốc. Ít nhất 7 người chết và 48 người khác bị thương.

Lúc 10:08 tối giờ địa phương, ba tên khủng bố lái một chiếc xe tải phóng với tốc độ ít nhất 80km/h đã lao vào khách bộ hành trên cầu Luân Đôn tương tự như cuộc tấn công khủng bố tại cầu Westminster gần trụ sở Quốc Hội Anh hôm 22 tháng Ba.

Sau đó, ba tên khủng bố quành xe lại, phóng đến khu chợ Borough gần đó, nhảy xuống xe, cầm những con dao lớn đâm túi bụi vào bất cứ ai chúng gặp được ngoài đường và trong các nhà hàng. Các nhân chứng cho biết họ dùng ly chai và ghế đánh trả lại những tên khủng bố. Một cô gái bị chúng túm lấy đâm túi bụi từ 10 đến 15 nhát dao, vừa đâm chúng vừa hô to nhát dao này “là vì Allah”.

Sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, cảnh sát đã đến hiện trường và trong vòng 8 phút, từ khi nhận được tin báo đã bắn chết cả 3 tên khủng bố.

Lúc 12.25: Thủ tướng Anh là bà Theresa May tuyên bố cả hai vụ tấn công tại cầu Luân Đôn và tại khu chợ Borough đều là “các vụ tấn công khủng bố” và khen ngợi các lực lượng cảnh sát đã phản ứng rất mau chóng.

4. Phản ứng của Đức Thánh Cha và của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Westminster trước vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố ở Luân Đôn vào cuối Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngài để lộ sự buồn bã trước biến cố bi thảm khiến ít nhất 7 người chết và 48 người khác bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Xin Chúa Thánh Thần hàn gắn những vết thương chiến tranh và khủng bố, thậm chí vào đêm [vọng lễ Chúa Thánh Thần] này, tại Luân Đôn, đã tấn công vào các thường dân vô tội: chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ.”

Tối thứ Bảy 3 tháng 6, ba tên khủng bố đã lái một chiếc xe vận tải màu trắng mướn của công ty Hertz, lao vào người đi bộ trên cầu Luân Đôn. Bọn chúng sau đó quành xe lại chạy đến khu chợ Borough đâm chém túi bụi vào những người qua đường và những người đang ngồi trong các nhà hàng. Chúng đã giết 7 người và làm bị thương 48 người trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Ba tên khủng bố này đã hét lên “đây là vì Allah” trong cuộc tấn công.

Trong một tuyên bố được công bố vào sáng Chúa Nhật 4 tháng 6, Đức Hồng Y Vincent Nichols nói ngài cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tấn công khủng bố đêm qua ở Luân Đôn.

Đức Tổng Giám Mục Westminster và đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc và Xứ Wales cho biết thêm là ngài nhớ đến tất cả những người đã chết, những người bị thương và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công này trong lời cầu nguyện.

5. Phản ứng của Thủ Tướng Anh trước vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn

Trong một tuyên bố vào sáng Chúa Nhật, Thủ tướng Anh Theresa May nói: “Như tất cả chúng ta đều biết, đây là cuộc tấn công khủng bố thứ ba mà nước Anh đã trải qua trong ba tháng qua. Vào tháng 3, một cuộc tấn công tương tự đã diễn ra, cũng chỉ quanh góc cầu Westminster.”

“Cách đây hai tuần, sân vận động Manchester đã bị tấn công bởi một kẻ đánh bom tự sát. Và bây giờ Luân Đôn lại bị tấn công thêm một lần nữa.”

“Đồng thời, các cơ quan an ninh, tình báo và cảnh sát đã dập tắt năm mưu toan đáng lo ngại kể từ sau vụ tấn công ở Westminster vào tháng Ba vừa qua.”

“Về mặt lập kế hoạch và thực hiện, các cuộc tấn công gần đây không có sự liên kết với nhau. Nhưng chúng tôi tin rằng chúng ta đang phải trải qua một xu hướng mới trong mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt, vì khủng bố phát sinh khủng bố, và những kẻ tấn công không chỉ dựa vào những kế hoạch được xây dựng cẩn thận sau nhiều năm soạn thảo và huấn luyện – cũng không chỉ đơn thuần dựa vào những kẻ tấn công đơn lẻ bị đầu độc trên Internet - nhưng còn bằng cách bắt chước lẫn nhau và thường sử dụng các phương tiện tấn công tàn bạo nhất”.

“Chúng ta không thể và không được vờ đi để mọi thứ có thể tiếp tục như hiện nay”.

Bà nói rằng những kẻ tấn công bị ràng buộc bởi “một hệ tư tưởng xấu xa của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo”, là một sự lầm lẫn của đạo Hồi, và đánh bại hệ tư tưởng này là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta.

“Nó sẽ chỉ bị đánh bại khi chúng ta lôi kéo được tâm trí của những con người này ra khỏi bạo lực và làm cho họ hiểu rằng những giá trị của chúng ta, các giá trị của Anh, là siêu việt hơn bất cứ điều gì mà các nhà giảng thuyết và người ủng hộ sự thù hận đang gieo rắc”.

6. Đức Thượng Phụ Kirill ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho mượn thánh tích thánh Nicholas

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây cho thấy tổng thống Nga ông Vladimir Putin đang kính viếng thánh tích của Thánh Nicholas được trưng bày tại nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Độ của thủ đô Mạc Tư Khoa.

Thánh Nicholas là một trong những vị thánh được Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga sùng mộ cách đặc biệt. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill tại Cuba hồi năm ngoái, một thỏa thuận đã đạt được giữa hai vị theo đó thánh tích của Thánh Nicholas thường được giữ tại nhà thờ chính tòa thành phố Bari của Ý từ 930 năm nay sẽ được đưa sang thủ đô Mạc Tư Khoa cho các tín hữu Chính Thống Giáo kính viếng.

Từ thành phố Bari, thánh tích đã được đưa sang phi trường Vnukovo của Mạc Tư Khoa và được long trọng rước về nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Độ. Từ đó một dòng người xếp hàng mỗi ngày đến kính viếng thánh tích. Giữa tháng Sáu, thánh tích sẽ được đưa sang thành phố Saint Petersburg trước khi được trả lại một tháng sau đó cho nhà thờ chính tòa Bari, nơi thánh tích đã được lưu giữ từ năm 1087.

Đức Thượng Phụ Kirill cho biết thánh Nicholas đã làm nhiều phép lạ và “đã giải phóng tổ quốc và nhân dân của chúng ta khỏi rất nhiều thảm hoạ lịch sử.” Ngài cũng lên tiếng ca ngợi lòng quảng đại của Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho mượn thánh tích này.

7. Nước Nga trở lại: Tổng thống tham dự lễ thánh hiến đại đền thờ kính nhớ các vị tử đạo bị giết thời cộng sản

Trong một sự kiện mà cách đây mấy thập niên nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra được, sáng ngày 31 tháng 5, tại thủ đô Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã thánh hiến một đại đền thờ nhằm vinh danh sự phục sinh của Chúa Kitô và để kính nhớ các vị tử đạo bị giết dưới thời sô viết.

Nhà thờ, được khánh thành đúng vào dịp tưởng niệm 100 năm biến cố Bolshevik, nằm trên nền của Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa. Chế độ tàn bạo của Joseph Stalin đã phá hủy hầu hết các nhà thờ được xây trên nền của tu viện có từ thế kỷ thứ 14 này.

Trong số các quan khách có tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và hầu hết các thành viên trong Hội Đồng Bộ Trưởng Nga.

Đặc biệt, lần đầu tiên có sự tham dự của các giám mục thuộc Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Năm 1927, dưới áp lực của Joseph Stalin, Chính Thống Giáo Nga tuyên bố trung thành với chế độ cộng sản. Các tín hữu Chính Thống Giáo Nga phản ứng lại bằng cách ly khai khỏi Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và thành lập Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Các nỗ lực hiệp nhất hai Giáo Hội đang được thực hiện.

Một sự kiện khác xảy ra chỉ một tuần trước biến cố 100 năm Đức Mẹ Fatima là việc tổng thống Nga đã cùng với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tham dự lễ thánh hiến một cây thánh giá được đặt tại địa điểm nơi một thành viên hoàng gia Nga đã bị cộng sản ám sát.

Hoàng tử Sergey Alexandrovich, con thứ năm của Hoàng hậu Nicholas II, đã bị cộng sản ám sát vào năm 1905. Hoàng gia Nga lúc đó đã cho dựng một cây thánh giá để tưởng nhớ ông.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik, đích thân Vladimir Lenin đến tận nơi trực tiếp giám sát việc phá hủy cây thánh giá này.

Trong diễn từ của ngài, được trực tiếp truyền hình, Đức Thượng Phụ Kirill lên án “sự khinh miệt mạng sống con người” và “sự sẵn sàng đưa mạng sống con người lên một bàn thờ đẫm máu của cuộc nổi dậy chính trị Bolshevik”.

Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tội phạm này của cộng sản là khúc dạo đầu của các sự kiện bi thảm, gây bất đồng trong xã hội, tạo ra các xung đột dân sự bi đát, mà nước Nga đã phải đối mặt. Đó là những tổn thất nặng nề nhất, là một thảm hoạ quốc gia thực sự, là mối đe dọa cho sự sống còn của dân tộc Nga”.

8. Đức Hồng Y Kurt Koch nói người Công Giáo phải chịu trách nhiệm một phần trong việc phát sinh đạo Tin Lành

Trong một hội nghị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington DC, hôm 1 tháng 6, Đức Hồng Y nói các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo phải chịu trách nhiệm một phần trong phong trào Cải cách dẫn đến việc hình thành các Giáo Hội Tin Lành.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách, Đức Hồng Y Kurt Koch nói rằng nếu các giám mục Công Giáo thời ấy đáp ứng lời kêu gọi cải tổ của Martin Luther, phong trào của Luther có thể đã không thể gây ra một cuộc ly giáo.

Đức Hồng Y Koch lập luận rằng ban đầu Luther đã đưa ra những lời kêu gọi hợp lý. Chỉ sau khi những lời kêu gọi này bị bác bỏ, Luther mới quay sang tấn công các cấu trúc cơ bản của Giáo Hội và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Vì vậy, Đức Hồng Y kết luận rằng “Giáo Hội Công Giáo thời đó phải chịu một phần trách nhiệm.”

Trong lịch sử Kitô giáo, ngoài các vụ ly giáo nhỏ mà hầu như thời nào cũng có; Giáo Hội đã phải chứng kiến hai cuộc ly giáo rất lớn gây nhiều đau thương cho nhiệm thể Chúa Kitô.

Cuộc ly giáo lớn đầu tiên xảy ra ngày 16 tháng 7 năm 1054, khi Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Đông Phương ra vạ tuyệt thông cho nhau và chia thành Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống.

Cuộc ly giáo thứ hai xảy ra hơn bốn thế kỷ sau vào năm 1517 với phong trào cải cách do Martin Luther khởi xướng làm nảy sinh ra các Giáo Hội Tin Lành hay Giáo Hội Cải Cách. Martin Luther là một linh mục dòng Augustino, người Đức, giáo sư tại phân khoa thần học Wittenberg.

Martin Luther đã công bố vào ngày 31 Tháng Mười, 1517 một luận văn gồm 95 điểm chống lại Giáo Hội Công Giáo và thành lập ra Tin Lành Cải Cách.

Các Giáo Hội Tin Lành đang trong thời gian kỷ niệm 500 năm biến cố này kéo dài từ 30 tháng 10 năm ngoái đến ngày 31 tháng 10 năm nay.

Nhiều người Công Giáo cũng cử mừng biến cố này và coi đó là một “hồng ân”. Trong khi nhiều người khác coi đó là một biến cố đau buồn. Những thái độ khác nhau của người Công Giáo trước biến cố 500 năm phong trào cải cách đang tạo ra nhiều tranh cãi trong Giáo Hội.

Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, là Đức Hồng Y Gerhard Müller, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 31 tháng Ba, 2016: “Người Công Giáo chúng ta không có lý do để ăn mừng ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày đó được coi là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.”

“Thực vậy, cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu.”

Bên cạnh đó, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói với một tờ báo Công Giáo Pháp rằng chúng ta nên “tưởng niệm” 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành chứ đừng “ăn mừng” biến cố này.

Đức Hồng Y Kurt Koch nói với tờ Le Croix rằng: khi “tưởng niệm” cuộc Cải Cách này, “Chúng ta trước hết nhấn mạnh đến lòng biết ơn đối với một lịch sử không chỉ được cấu thành bởi 500 năm xung đột, mà còn được đánh dấu bởi 50 năm cuối cùng của một cuộc đối thoại sâu rộng.”

“Sau đó chúng ta phải làm việc đền tội,” vì cuộc cải cách này “đã không mang lại sự đổi mới Giáo Hội như Luther mong muốn, nhưng chỉ đem lại chia rẽ và các cuộc chiến tranh tôn giáo khủng khiếp, đặc biệt là cuộc chiến tranh Ba mươi năm” tại Trung Âu kéo dài từ năm 1618 đến năm 1648.

9. Tờ Quan Sát Viên Rôma khẳng định các tín hữu Kitô Ai Cập bị thảm sát tại Minya là các vị tử đạo

28 tín hữu Kitô Ai Cập bị thiệt mạng hôm 26 tháng 5 là các vị tử đạo. Trích thuật báo cáo của những người sống sót, tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã “cho” các nạn nhân một cơ hội sống sót bằng cách tuyên bố chuyển sang Hồi giáo. Nhưng họ từ chối, nên bọn khủng bố đã bắn chết họ.

Như chúng tôi đã loan tin bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một xe buýt chở các tín hữu Coptic đi hành hương tại tu viện Thánh Samuel cách thủ đô Cairo 220 km về phía nam. Vụ tấn công đã xảy ra vào sáng thứ Sáu 26 tháng 5 khiến 28 Kitô hữu bị thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Ai Cập đã chứng kiến một làn sóng các cuộc tấn công vào các Kitô hữu. Trong ngày lễ lá đẫm máu 9 tháng Tư vừa qua, hai vụ nổ bom đã xảy ra giết chết 45 người chết và làm 125 người khác bị thương. Trước đó, một cuộc tấn công tại nhà thờ Thánh Máccô vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái tại một nhà thờ tại Cairo đã làm 25 người thiệt mạng và 49 người khác bị thương.

Các tín hữu Kitô Ai Cập, là cộng đồng Kitô hữu lớn nhất Trung Đông. Trong những thập kỷ qua, họ đã là mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan Hồi giáo.

10. Ai Cập tìm kiếm các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố

Buổi chiều ngày 26 tháng 5, là ngày xảy ra cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô Ai Cập khiến 28 người chết và 22 người khác bị thương , tổng thống Sisi của Ai Cập đã ra lệnh cho không quân nước này thực hiện 6 cuộc oanh tạc liên tục trong nhiều giờ vào một trại huấn luyện của quân khủng bố IS tại Derna bên Lybia.

Trong diễn văn trên đài truyền hình Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuyên bố rằng bất cứ nước nào dung túng cho bọn khủng bố đều phải bị trừng trị.

Ông nói: “Ai Cập sẽ không bao giờ do dự trong việc tấn công các căn cứ khủng bố ở bất cứ đâu ... nếu chúng hoạch định các cuộc tấn công nhắm vào người Ai Cập dù ở trong hay ngoài nước”.

Tổng thống Sisi cho biết quyết tâm chống chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo của ông được sự hậu thuẫn của nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Theo thông tấn xã Tass của Nga, hôm 24 tháng 5, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Coptic Tawadros Đệ Nhị tại nhà thờ Thánh Máccô Thánh Sử tại Alexandria, Mạc Tư Khoa.

Trước sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, ông Putin bày tỏ mối cảm thông trước các cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại Ai Cập và sự ủng hộ của ông đối với cá nhân tổng thống Sisi.

Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị sang Nga để tham dự lễ khánh thánh một đại đền thờ tại Mạc Tư Khoa kính nhớ các vị tử đạo thời cộng sản và nhận giải thưởng Hiệp Nhất Chính Thống Giáo của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga từ tay Đức Thượng Phụ Kirill.

Trước đó, hồi tháng Tư, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng tiếp tổng thống Sisi tại Tòa Bạch Ốc và bày tỏ một lập trường hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm của mình là ông Obama.

Trước các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, tổng thống Trump đã lên tiếng khen ngợi Tổng thống Ai Cập, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự vào năm 2013 để lật đổ chính phủ của Mohamed Morsi.

Ông Trump nói rằng ông Sisi đã làm một công việc tuyệt vời khi lật đổ lãnh tụ của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo.

Ông Trump nói: “Tôi chỉ muốn cho mọi người biết nếu có ai đó còn hồ nghi rằng chúng tôi đang ủng hộ tổng thống Sisi”.

“Tổng thống đã làm một công việc tuyệt vời trong một tình huống rất khó khăn. Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ Ai Cập và nhân dân Ai Cập.”

Sự chào đón nồng nhiệt của Tòa Bạch Ốc xua tan mối quan hệ căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Ai Cập và chính quyền Hoa Kỳ trước đó.

Cựu Tổng thống Barack Obama không bao giờ mời ông Sisi đến Nhà Trắng và liên tục nhắc nhở chính phủ của ông Sisi về các vi phạm nhân quyền.

Ông Obama đã cắt viện trợ dành cho Ai Cập trong hai năm sau khi ông Sisi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào tháng 7 năm 2013.

11. Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp ước về khí hậu Paris

Trong một diễn biến gây bẽ bàng cho Tòa Thánh, tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ Năm mùng 1 tháng 6 rằng Hoa Kỳ đã quyết định rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris. Diễn biến này xảy ra chỉ một tuần sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Trump.

Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, Đức Thánh Cha Phanxicô chưa đưa ra một nhận xét chính thức nào về diễn biến này. Tuy nhiên, các viên chức Tòa Thánh và nhiều Giám Mục tại Hoa Kỳ đã không dấu được nỗi thất vọng trước một đòn trí mạng đánh vào những nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế sự nóng lên của trái đất.

Trong bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump cho biết ông sẵn sàng thương lượng lại các khía cạnh của hiệp định, được ký kết bởi người tiền nhiệm của ông và tất cả các quốc gia khác trên thế giới ngoại trừ hai nước là Syria và Nicaragua.

Nhưng ông không tiếc lời chỉ trích hiệp ước này, mà ông coi như là một thất bại nhục nhã cho các công nhân Mỹ và tạo ra những thuận lợi cho các nước khác một cách bất công.

Ông nói trong một buổi họp báo tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc:

“Tại sao người Mỹ lại bị làm nhục? Tại thời điểm nào thiên hạ bắt đầu cười vào mặt toàn thể đất nước chúng ta?”

“Chúng ta muốn được đối xử công bằng. Chúng ta không muốn các nước khác và các nhà lãnh đạo khác cười vào mặt chúng ta nữa.”

Ông Trump là người cổ vũ cho chính sách “Người Mỹ là trên hết”, cho biết ông đang thực hiện ý nguyện của cử tri khi họ bầu cho ông vào Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump nói: “Tôi được bầu bởi các công dân ở Pittsburgh, chứ không phải Paris.”

Con gái của ông Trump là Ivanka, đã vận động rất nhiều để ông đừng rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris nhưng cuối cùng cô đã thất bại.

Trong cuộc viếng thăm Tòa Thánh vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, trong lúc chờ đợi Đức Thánh Cha thảo luận với ông Trump trong phòng làm việc của ngài tại Dinh Tông Tòa, cô Ivanka nói với các viên chức Tòa Thánh là cô hy vọng ông Trump sẽ không rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, ông Trump và phái đoàn Hoa Kỳ đã có một cuộc họp với Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Hồng Y đã đưa ra lời đề nghị đừng rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris.

12. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về quyết định của Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris

Đức Cha Oscar Cantú của giáo phận Las Cruces, là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố như sau trước quyết định của tổng thống Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris

“Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội Công Giáo, luôn đề cao hiệp định Paris như cơ chế quốc tế quan trọng nhằm cổ vũ việc quản lý môi trường và khuyến khích việc giảm thiểu những thay đổi về khí hậu. Quyết định của Tổng Thống không tôn trọng những cam kết của Hiệp Chúng Quốc đối với hiệp định Paris là một điều gây bối rối sâu xa cho chúng tôi.

Thánh Kinh khẳng định giá trị của việc săn sóc thiên nhiên và săn sóc lẫn nhau trong tình liên đới. Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ các giá trị này. Quyết định của Tổng Thống Trump sẽ có hại cho nhân dân Hiệp Chúng Quốc và thế giới, đặc biệt là những người nghèo nhất, và những cộng đồng dễ bị thương tổn hơn cả. Các tác động của việc thay đổi khí hậu đã được cảm nghiệm qua việc dâng cao mực nước biển, những vụ tan băng đá, nhiều cơn bão tăng tốc, và nhiều vụ hạn hán thường xuyên hơn. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng: Tổng Thống sẽ đề xuất các phương cách cụ thể nhằm giải quyết việc thay đổi khí hậu hoàn cầu và cổ vũ việc quản lý môi trường”.

13. Venezuela: Đã thấy quan tài vẫn chưa đổ lệ

Sau một phiên khoáng đại bất thường ở Caracas, hôm 17 tháng 5, các giám mục Venezuela đã ra một tuyên bố về tình trạng khẩn trương của đất nước trong đó ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia này ngày tồi tệ hơn bao giờ. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men đã khiến nhiều người phải bươi thùng rác kiếm thức ăn trong khi nhiều bệnh nhân chết vì không có các loại dược phẩm.

Các Giám Mục đã kêu gọi tất cả các giáo xứ cử hành ngày Chúa Nhật 21 tháng 5 là một ngày cầu nguyện, ăn chay và liên đới với các nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo.

Các Giám Mục cũng lên tiếng với anh em binh sĩ và cảnh sát tố cáo “nhiều cái chết của các công dân Venezuela” khi họ bày tỏ thái độ đối với tình hình đất nước. Ít nhất 62 người đã bị giết trong các cuộc biểu tình chống chế độ Maduro. Các ngài khuyên anh em binh sĩ và cảnh sát đừng lạm sát người vô tội và đừng bênh vực cho một chế độ độc tài thối nát.

Chỉ một tuần sau ngày ăn chay và cầu nguyện cho đất nước, bất chấp thực tế bi đát của đất nước, hàng ngàn người dân Venezuela vẫn xuống đường bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối cho chế độ của Nicolás Maduro.

Nói chuyện với đám đông dân chúng, Nicolás Maduro, một kẻ vô thần, thất học, nguyên là một tài xế xe buýt tuyên bố “đại tu hiến pháp”.

Ông ta nói: “Quốc hội lập hiến là một phép lạ Chúa ban cho chúng ta sẽ được khởi động trong vòng 72 tiếng đồng hồ nữa theo sau việc công bố các thành viên của Quốc Hội này. Tôi đang mang lại cho các bạn một vũ khí hòa bình: đó là Quốc hội lập hiến, một công cụ vĩ đại, một vũ khí xây dựng hòa bình hợp hiến”.

Một người ủng hộ Maduro nói: “Tôi ủng hộ tiến trình cách mạng này: Chúng tôi tuyên bố mình là những người chống đế quốc, chống khủng bố và cuộc tuần hành này chứng tỏ tinh thần hòa bình của người dân Venezuela, những người mong mỏi hòa bình, an sinh xã hội và thịnh vượng. Chúng tôi ở đây để đồng hành với tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Quốc gia Nam Mỹ với 30.9 triệu dân này có đến 96% là người Công Giáo nhưng đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới thời Hugo Chavéz. Y luôn tuyên bố mình là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội và chủ trương không phá thai. Tuy nhiên, các Giám Mục nước này đã cảnh giác dân chúng và mạnh mẽ chống lại bản dự thảo hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez, cũng như đường lối đưa đất nước vào con đường xã hội chủ nghĩa của y.

14. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các học sinh trung học tại Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các học sinh trung học rằng họ có thể thay đổi thế giới, nếu họ duy trì một thái độ tích cực. Ngài đưa ra lời khuyên trên trong một cuộc gặp gỡ diễn ra hôm 2 tháng 6.

Phát biểu với một nhóm thanh thiếu niên được gọi là “các Hiệp sĩ”, Đức Thánh Cha đã đưa ra các câu hỏi và ngài khuyến khích các bạn trẻ này hét lên các câu trả lời:

Ngài hỏi: “Có thể thay đổi thế giới không?”. Các em đáp: Có!

“Có dễ dàng thay đổi thế giới không?” - Không!

“Có khó thay đổi thế giới không?” Có!

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các em rằng thế giới chỉ có thể thay đổi nếu người ta “mở lòng mình ra, lắng nghe người khác, chấp nhận người khác, chia sẻ mọi thứ.”

Trả lời một em gái nói rằng em sợ phải chuyển trường và bỏ lại những người bạn của mình, Đức Thánh Cha nói: “Cuộc đời là một chuỗi liên tục những tiếng hello và goodbye.” Ngài khuyến khích em bé ấy suy nghĩ về sự thay đổi này không chút sợ hãi và hãy coi đó như một thách thức, mở ra những chân trời mới.

Câu hỏi cuối cùng đến từ một cậu bé, tên là Tanio. Em đã cầu xin Đức Thánh Cha giải thích tại sao Thiên Chúa lại để cho nhiều trẻ em phải chịu đau khổ. Đức Thánh Cha nói:

“Nếu Chúa đã để cho Con duy nhất của Ngài phải đau khổ như thế vì chúng ta, thì điều đó phải có một ý nghĩa nào đó. Nhưng, Tanio thân mến, cha không thể giải thích ý nghĩa điều đó cho con. Con sẽ tự mình tìm thấy điều đó: trong cuộc sống này, hoặc trong cuộc sống mai sau.”

15. Thông điệp của Tòa Thánh gởi người Hồi Giáo nhân tháng chay Ramadan tập trung vào sinh thái học

Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã công bố thông điệp hàng năm của mình cho người Hồi giáo vào nhân dịp tháng chay Ramadan.

Chủ đề của thông điệp năm nay - được ký ngày 19 tháng 5 và được công bố ngày 2 tháng 6 – có chủ đề là “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.”

Trong thông điệp, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng và cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, tổng thư ký cho biết thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha đã được gửi cho toàn thể nhân loại. Sau đó, hai vị nhận định rằng “ơn gọi của chúng ta như những người bảo vệ các kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa không phải là một điều tùy chọn, cũng chẳng phải là điều không liên quan gì đến xác tín tôn giáo của chúng ta như những Kitô hữu và người Hồi giáo. Trái lại, đó là một phần thiết yếu.”

Các ngài kết luận rằng: “Cầu xin cho những hiểu biết tôn giáo và những phước lộc phát sinh từ việc chay tịnh, cầu nguyện và các công việc lành giúp các bạn, với sự hộ trì của Chúa, trên con đường hòa bình và thiện hảo, để chăm sóc cho tất cả các thành viên của gia đình nhân loại và cho toàn bộ tạo vật”.

16. Tháng Chay Ramadan đẫm máu người vô tội

Tháng Chay Ramadan là thời gian đặc biệt trong một năm khi người Hồi Giáo được kêu gọi chay tịnh, cầu nguyện và làm các việc từ thiện một cách sốt sắng hơn bình thường. Tuy nhiên, theo tờ Telegraph của Anh, tháng Chay Ramadan, bắt đầu từ ngày 26 tháng 5 và sẽ kết thúc vào ngày 24 tháng 6 là tháng nguy hiểm nhất trong năm.

Tờ báo này cho biết, các cơ quan an ninh Âu Châu đang ráo riết tăng cường công tác tình báo nhằm triệt hạ các âm mưu tấn công vào tháng Ramadan, sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS lên tiếng kêu gọi các tín đồ Hồi Giáo nổi dậy trong một cuộc chiến tranh “tổng lực” chống lại “những kẻ ngoại đạo” ở phương Tây.

Tháng Chay Ramadan năm nay đã được bắt đầu với việc khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 28 tín hữu Kitô và làm bị thương 22 người khác đang trên đường đi hành hương tại tu viện Thánh Samuel ở phía Nam thủ đô Cairo.

Chỉ vài ngày sau, hơn 90 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở Kabul. Hai cuộc tấn công liên tiếp ở Baghdad cũng đã giết chết 27 người. Trong khi đó, có đến 500 tên khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi Luật Tân đã tấn công vào thành phố Marawi, ở phía Nam quốc gia này, đốt cháy nhà thờ chính tòa, tòa Giám Mục, bắt làm con tin một linh mục và hàng ngàn người khác. 200,000 người đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc.

Ngay tại thủ đô Manila, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công và đốt cháy Manila Casino giết chết 37 người vào đêm thứ Sáu 2 tháng 6.

Trong một video clip được đăng trên YouTube có tựa đề “Where are the lions of war?” nghĩa là “Những con sư tử chiến tranh đang ở đâu?”, bọn khủng bố Hồi Giáo IS nói:

“Những người anh em Hồi giáo ở Châu Âu nào không thể đến được miền đất của Nhà nước Hồi giáo, hãy tấn công bọn chúng tại nhà, nơi chợ búa, đường xá và các diễn đàn của chúng”.

Biện minh cho vụ nổ bom tự sát tại sân vận động Manchester, khiến 22 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng, bọn khủng bố Hồi Giáo IS nói: “Đừng khinh rẻ việc này. Mục tiêu của bạn nhắm vào những kẻ được gọi là những người vô tội và thường dân là điều chúng tôi yêu quý và hiệu quả nhất, vì vậy hãy ra tay và chúc bạn hưởng đại phúc tử vì đạo trong tháng Ramadan này”.

Năm ngoái, Abu Mohammed al-Adnani, người phát ngôn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trước khi chết đã đưa ra lời kêu gọi những người Hồi Giáo hãy tiến hành các vụ tấn công đơn độc trong tháng Ramadan. Tháng Ramadan năm ngoái 2016 là tháng Ramdan đẫm máu nhất trong lịch sử.

Sáng sớm ngày 12 tháng 6 năm ngoái, một tên thánh chiến Hồi Giáo người Mỹ gốc Afghanistan, đã gây ra vụ tàn sát tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và là vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại Hoa Kỳ kể từ sau biến cố ngày 11 tháng 9. Y bắn chết 49 người và làm bị thương 53 người khác trong hộp đêm Pulse Orlando ở thành phố Orlando

Một người Hồi giáo sau đó đã đâm chết một cảnh sát và vợ ông ở ngoại ô Paris trước mặt đứa con trai của họ. Tên giết người này công khai tuyên bố ngay tại hiện trường vụ án là y hành động để đáp lời kêu gọi của Adnani.

Cuối tháng 6 năm ngoái, ba tên khủng bố đã nổ súng tại sân bay chính của Istanbul, giết chết 45 người và làm bị thương hơn 250 người.

Tính chung trên toàn cầu, tháng Chay Ramadan năm ngoái kết thúc với 421 người chết và 729 người bị thương.

Với những cuộc chiến ở Syria, Iraq và Afghanistan - và các vụ tấn công khủng bố trải dài từ Trung Đông sang châu Âu, và nay lan tràn đến miền Đông Nam Á - người ta hết còn hy vọng là bạo lực có thể lắng dịu trong thời gian Ramadan.

17. Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla bị giết tại Cameroon

Xác của một giám mục Cameroon đã được một ngư dân tìm thấy ba ngày sau khi có tin ngài bị mất tích.

Giáo phận Bafia tuyên bố Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla bị mất tích vào sáng sớm ngày thứ Tư 31 tháng 5 sau khi người ta tìm thấy chiếc xe của ngài gần sông Sanaha. Một tờ giấy tìm thấy trong xe viết: “Đừng tìm kiếm tôi! Tôi đã nhảy xuống sông.”

Theo tờ La Croix chính quyền hiện đang điều tra xem những dòng chữ này có phải là của vị giám mục quá cố hay không.

Cameroon đã chứng kiến nhiều vụ giết các linh mục Công Giáo chưa được giải quyết trong những năm gần đây. Bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram là thủ phạm chính trong các vụ bắt cóc và thủ tiêu các linh mục và nữ tu tại quốc gia này.

Đức Tổng Giám Mục Jean Mbarga của tổng giáo phận Yaounde và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Cameroon là Đức Tổng Giám Mục Samuel Kleda đã có mặt tại hiện trường khi người ta đưa xác ngài vào bờ. Cả hai vị đều không tin rằng Đức Cha Balla đã “tự tử”.

Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla sinh ngày 5 tháng 5 năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1987 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục vào năm 2003. Ngài đã coi sóc giáo phận Bafia từ đó cho đến ngày 31 tháng 5 vừa qua.

18. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Latvia

Sáng Thứ Sáu, ngày 2 tháng 6 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Raimonds Vējonis, Tổng thống Cộng hòa Latvia. Trong các cuộc thảo luận thân mật, hai vị đã đánh giá cao mối quan hệ song phương thân ái và sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo cho xã hội Latvia.

Hai vị cũng đề cập đến các chủ đề quan tâm chung, chẳng hạn như việc chấp nhận người di cư và triển vọng tương lai của dự án châu Âu, và các quan tâm khác liên quan đến bối cảnh khu vực.

Tổng thống sau đó cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, là bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.

19. Đức Thánh Cha gặp các nhà lãnh đạo các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

Sáng thứ Bẩy 3 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 170 nhà lãnh đạo các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo về Rôma để dự Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Dịp này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi toàn thể Giáo Hội chuẩn bị cho việc cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019.

Đức Thánh Cha cho biết ngài quan tâm về các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, nhiều khi bị biến thành một tổ chức chỉ quyên góp và phân phối nhân danh Đức Giáo Hoàng tài trợ kinh tế cho các Giáo Hội túng thiếu. Vì thế ngài khuyến khích các Hội này tìm những con đường mới và phương thế thích hợp hơn, có tính chất Giáo Hội hơn, để chu toàn công tác phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha đặc biệt hài lòng và hoàn toàn hỗ trợ đề nghị của các Hội Giáo Hội truyền giáo dành tháng 10 năm 2019 làm tháng đặc biệt suy tư và đào sâu sứ mạng truyền giáo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum illud của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15. Đức Thánh Cha nói: “Trong văn kiện giáo huấn rất quan trọng này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15 nhắc nhớ rằng đời sống thánh thiện là điều rất cần thiết cho hiệu năng của việc tông đồ, và thế Người cổ võ một sự kết hiệp ngày càng mạnh mẽ hơn với Chúa Kitô, và dấn thân đầy xác tín và vui mừng vào sự hăng say loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, thi hành lòng thương xót với mọi người.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tháng đặc biệt cầu nguyện và suy tư về truyền giáo như công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại sẽ giúp canh tân đức tin Giáo Hội, để sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất luôn hiện diện và hoạt động nơi con tim của Giáo Hội”.