Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC nói, Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người.

2- Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập.

3- Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo sẽ tham dự Thánh lễ của ĐGH ở Ai cập.

4- ĐTC từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập.

5- ĐTC an ủi em gái của cha Jacques Hemel.

6- Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công Giáo.

7- Thắng lợi của Erdoğan là một tin rất buồn cho cộng đoàn Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ.

8- Các Đại Học Công Giáo tại Mỹ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội phát triển mạnh.

9- Cha George Weinmann và soeur Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể.

10- Giáo Phận Sài Gòn: Đại Lễ Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa.

11- Thánh Ca: Con Yêu Ngài Muộn Màng.

Sau đây mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết

- ĐTC nói, Thiên Chúa là Đấng ở cùng con người, đồng hành và lo lắng cho con người.

** Thiên Chúa là Emmanuel, Đấng ở cùng chúng ta và sẽ ở cùng chúng ta cho tới tận thế. Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta, lo lắng cho chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trên con đường lữ hành trần gian.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển đề tài giáo lý về niềm hy vọng kitô bằng cách quảng diễn văn bản trích từ Phúc Âm thánh Mátthêu chương 28 các câu 16 và 18 tới 20 viết rằng: “…Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến”… Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,16.18-20).

ĐTC nói: “… Các lời cuối cùng của Phúc Âm thánh Mátthêu nhắc lại lời loan báo ngôn sứ chúng ta tìm thấy ở đầu Phúc Âm. ‘Người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi’ (Mt 1,23; x. Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế. Chúa Giêsu sẽ bước đi với chúng ta, mọi ngày, cho tới tận thế. Toàn Phúc Âm được gói ghém giữa hai câu trích này là các lời thông truyền cho chúng ta mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa, mà tên Ngài và căn tính của Ngài là ‘ở cùng chúng ta’…”

ĐTC nói thêm: Sẽ không có ngày nào trong cuộc sống trong đó chúng ta sẽ thôi là một âu lo đối với Thiên Chúa. Ngài lo lắng cho chúng ta, và bước đi với chúng ta… Có ai đó gọi nó là “Sự Quan Phòng”. Nghĩa là sự gần gũi của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, việc Thiên Chúa bước đi với chúng ta cũng gọi là sự “Quan Phòng của Thiên Chúa”. Ngài thấy trước cho cuộc sống chúng ta… Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta trong lúc gặp thử thách và đen tối. Sự chắc chắn này xin đuợc làm tổ trong tâm hồn chúng ta để không bao giờ bị tắt ngấm.

** Sau khi kết thúc bài huấn dụ, ĐTC đã chào tín hữu và rất nhiều đoàn hành hương khác nhau đến từ khắp nơi thế giới, trong đó có Anh quốc, Đức, Ailen, Đan Mạch, Phần Lan, Ba lan, Nigeria, Australia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil, Niu Dilen, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành TòaThánh ĐTC ban cho mọi người.

- Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập.

ĐTC hy vọng chuyến viếng thăm của ngài tại Ai Cập là một an ủi và khích lệ cho các tín hữu Kitô và là một sứ điệp thân hữu quí mến đối với nhân dân Ai Cập và trong vùng. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp video gửi quốc dân Ai Cập công bố hôm 25-4-2017 trước cuộc viếng thăm của ngài từ ngày 28 đến 29-4 tới đây. ĐTC nói:

“Tôi thực sự vui mừng đến như một người bạn, như sứ giả hòa bình và như một người hành hương tại đất nước, cách đây hơn 2 ngàn năm, đã cho Thánh Gia tị nạn và tá túc khi trốn chạy những đe dọa của vua Hêrôđê (Xc Mt 2,1-16). Tôi hân hạnh được viếng thăm miền đất đã được Thánh Gia thăm viếng!”

Sau khi cám ơn Tổng thống, Đức Thượng Phụ Chính Thống Tawadros II, Đại Iman của Đại học Al-Azhar, và Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic, ngài nói: “Tôi mong ước rằng cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm an ủi và khích lệ cho tất cả các tín hữu Kitô ở Trung Đông; một sứ điệp thân hữu và quí mến đối với tất cả mọi người dân Ai Cập và trong vùng; một sứ điệp huynh đệ và hòa giải cho mọi người con của Abraham, đặc biệt là thế giới Hồi giáo, trong đó Ai Cập chiếm một chỗ hàng đầu. Tôi cầu mong cuộc viếng thăm này cũng là một đóng góp giá trị cho cuộc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo và đối thoại đại kết với Giáo Hội Chính Thống Copte kính mến.”

ĐTC nhận xét thêm rằng: “Thế giới chúng ta bị bạo lực mù quáng xâu xé - đánh cả vào trọng tâm đất nước yêu quí của quí vị - thế giới ấy đang cần hòa bình, tình thương và lòng thương xót; cần những người kiến tạo hòa bình và những người tự do và giải thoát, cần những người can đảm biết học hỏi từ quá khứ để xây dựng tương lai mà không khép kín trong những thiên kiến; thế giới ấy đang cần những người bắc cầu hòa bình, đối thoại, công lý và tình nhân đạo”. (SD 25-4-2017)

- Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo sẽ tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ở Ai cập.

Không chỉ các Kitô hữu chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng cả đất nước Ai cập. Theo ĐC Anba Antonios Aziz Mina, giám mục Công Giáo Coptic ở Guizeh, một dấu chứng của sự quan tâm rộng rãi đến chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ được thấy qua sự tham gia đa dạng Thánh lễ do ngài cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bảy, 29/04, tại sân vận động của căn cứ không quân, ở ngoại ô thủ đô Cairo.

ĐC Anba Antonios giải thích: “Trước đó, Thánh lễ được dự định cử hành tại một cơ sở trong nhà, ở trung tâm Cairo. Việc thay đổi chương trình là do nhu cầu, không chỉ vì ở sân vận động có thể tổ chức bảo vệ an ninh tốt hơn, nhưng cũng để bảo đảm có nhiều chỗ đầy đủ cho những ai muốn tham dự. Con số tín hữu Công Giáo tối đa có thể là 5 đến 6 ngàn và sân vận động có thể chứa 20 ngàn. Sẽ có nhiều tín hữu Chính thống Coptic và các Kitô hữu của các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội địa phương, cũng như các tín hữu Hồi giáo, bên cạnh các phái đoàn đạo đời chính thức, tham dự Thánh lễ.”

- Đức Thánh Cha từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập.

Ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết mặc dù có nhiều nguy cơ khủng bố, nhưng Đức Thánh Cha đã lên kế hoạch tông du Ai Cập như một dấu chỉ gần gũi với người dân ở đó. Trong cuộc họp báo tại Vatican hôm thứ Hai 24 tháng Tư, ông Greg Burke nói rằng … mong muốn của ĐTC Phanxicô vẫn là “tiến hành chuyến tông du như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của ngài” đối với những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tất cả nhân dân Ai Cập.

Theo ông Burke, ĐTC đã từ chối di chuyển bằng thiết giáp trong chuyến tông du Ai Cập, ngài đã yêu cầu một chiếc xe bình thường để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Như thế, để di chuyển từ phi trường vào thành phố Cairo, và di chuyển từ nơi này sang nơi khác, ĐTC sẽ dùng một chiếc xe hơi nhỏ. Sau đó, ngài dùng một chiếc xe chơi golf bình thường khi đi vòng quanh các đám đông tại một sân vận động. Ngài cũng sẽ sử dụng xe golf để chào thăm hơn 1000 chủng sinh, các tu sĩ và giáo sĩ trong một buổi cầu nguyện ngoài trời tại chủng viện Thánh Leô của Giáo Hội Công Giáo Coptic ở khu ngoại ô Maadi vào ngày 28 tháng Tư.

- Đức Thánh Cha an ủi em gái của cha Jacques Hemel.

Trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô tại Rôma chiều thứ Bẩy 22 tháng Tư do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm các vị tử đạo mới trong thế kỷ 20 và 21, Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi em gái của một linh mục người Pháp bị sát hại bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong một nhà thờ ở Normandy.

ĐTC Phanxicô đã nắm tay Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel, 85 tuổi, đã chết vì bị cắt đứt cuống họng khi ngài cử hành Thánh Lễ vào ngày 26/7/2016. Ngài đã lặng lẽ nói chuyện và an ủi bà trong buổi lễ tối tại Đền Thờ Thánh Bácthôlômêô trên cù lao Tiberina của sông Tiber ở Rôma; sau khi nghe bà Roselyne Hamel phát biểu những cảm nghĩ và tâm tình đau đớn của bà khi nghe tin anh mình bị giết bởi “hai thanh niên cực đoan bị nhồi nhét các tư tưởng hận thù.”

ĐTC nhấn mạnh rằng “các vị tử đạo dạy chúng ta rằng với sức mạnh của tình yêu, và với sự dịu dàng, chúng ta có thể chống lại thói kiêu ngạo, bạo lực và chiến tranh - và sự bình an có thể đạt được với lòng kiên nhẫn.”

- Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công Giáo.

Chicago, Illinois – Trong các ngày 21-23 tháng 4, hội nghị đầu tiên của Hiệp hội Khoa học gia Công Giáo sẽ diễn ra tại Hotel Knickerbocker ở Chicago. Hội nghị sẽ tập trung trên các vấn đề về sự khởi đầu: nguồn gốc của ý thức, nguồn gốc của ngôn ngữ loài người, nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc của sinh vật sống. Dự kiến sẽ có khoảng 100 tham dự viên vào buổi khai mạc hội nghị.

Hiệp hội Khoa học gia Công Giáo được thành lập vào giữa năm 2016 với mục đích làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của khoa học gia và đời sống đức tin. Nó giúp nuôi dưỡng tình thân hữu giữa các nhà khoa học và cung cấp tài liệu và diễn đàn thảo luận cho những người có câu hỏi về khoa học và đức tin, trong khi vẫn gắn kết với giáo huấn Công Giáo.

Hiệp hội Khoa học gia Công Giáo có vài trăm thành viên, bao gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lãnh vực sinh học vũ trụ, lý thuyết tiến hóa, v.. v.. Chủ tịch của Hiệp hội là Stephen M. Barr, giáo sư vật lý và thiên văn học của đại học Delaware. Đức TGM Charles Chaput của Philadelphia là cố vấn của Hiệp hội. (CNA 19/04/2017)

- Thắng lợi của Erdoğan là một tin rất buồn cho cộng đoàn Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 16 tháng Tư ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy: mặc dù, tổng thống Erdoğan đã đóng cửa hầu hết các phương tiện truyền thông đối lập, ông ta chỉ thắng lớn ở các vùng nông thôn và các khu vực đậm nét Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã chuyển Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước cộng hòa nghị viện sang một chế độ tổng thống chế, tập trung quyền lực ở mức độ đáng chú ý trong tay của một người, là ông Erdoğan. Sự hỗ trợ của ông Erdoğan xuất phát chủ yếu từ khu trung tâm Hồi Giáo Anatolia, và đây là một khu vực bài Kitô giáo mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi thỉnh thoảng lại bùng phát các hoạt động chống lại các Kitô hữu, và những hoạt động này thường được sự hỗ trợ bí mật từ chính quyền.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7, 2016, các bồi bút của chính quyền Erdoğan đã vu cáo Giáo Hội Công Giáo với những vai trò đầy huyền thoại. Họ đã đưa ra nhiều cáo buộc chống lại giáo sĩ Hồi Giáo Fethullah Gulen, cho rằng giáo sĩ này là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này. Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả do chính Erdoğan dàn dựng để có cớ thu tóm quyền hành.

Ông Erdoğan có kỷ lục về việc hăm dọa những người ngoại quốc sống trên đất Thổ, và Kitô hữu thường được đồng hóa với người ngoại quốc trong tâm thức của nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, các Kitô hữu ở nước này, đặc biệt là những người cải đạo, đang ở trong một thời kỳ rất khó khăn với chế độ độc tài mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

- Các Đại Học Công Giáo tại Mỹ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội phát triển mạnh.

Một số Đại Học tại Mỹ Công Giáo tuy mang danh là Công Giáo nhưng có xu hướng xa rời các giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Họ thường mời các nhân vật gây tranh cãi như Barack Obama, Hilary Clinton … đến nói chuyện, khai mạc năm học mới và bế giảng; và thường xuyên xung đột với đấng bản quyền địa phương.

Chính vì thế, tổ chức ĐHY Newman mỗi năm xuất bản đều đặn cuốn “Newman Guide” nêu rõ các trường Đại Học nào thực sự gắn bó với các giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Ấn bản lần thứ 10 của cuốn Newman Guide, vừa được công bố, cho thấy có một sự tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn trong các Đại Học khuyến khích sinh viên trung thành với giáo huấn của Giáo Hội.

Những Đại Học này có thể kể là: Thomas Aquinas College ở California, Christendom College ở Virginia, Wyoming College, Đại học Ave Maria ở Florida và Benedictine College ở Kansas. Riêng tại Benedictine College, năm ngoái là năm liên tiếp thứ 19 có số sinh viên gia tăng, và thánh lễ hàng ngày của họ thu hút khoảng 625 sinh viên mỗi thánh lễ.

- Cha George Weinmann và soeur Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công Giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann và soeur Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này. Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918; ngài là cha sở của xứ Philip Neri. Soeur McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói soeur là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Soeur xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.

Ngày 20 tháng 2 năm 1967, trong lúc các học sinh của trường đang chơi giỡn bên trong nhà thờ trong giờ ăn trưa, thì lửa bắt cháy lan tràn khắp nhà thờ. Cha Weinmann, 77 tuổi, đã băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn soeur McLaughlin, khi biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, soeur đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ để vào cứu các em. Thật ra lúc đó trong nhà thờ đã không có học sinh nào cả, nhưng soeur McLaughlin và cha Weinmann đã không thoát ra ngoài được vì khói dày đặc. Soeur McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ Hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.

Sự hy sinh của cha Weinmann và soeur McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân tại thành phố Rochester. Có người đã gọi họ là “các vị tử đạo”. ĐC Matano của giáo phận Rochester nói cha Weinmann và soeur McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công Giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói thêm: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và soeur McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)

- Giáo Phận Sài Gòn: Đại Lễ Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa

Ngày 23 tháng Tư, Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, Giáo phận Sàigòn đã tổ chức đại lễ Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Chương trình cầu nguyện cũng như các huấn từ về Lòng Thương Xót Chúa được khởi sự từ lúc 2g30 chiều dưới sự hướng dẫn của Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng - Tổng Linh Hướng Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót Giáo Phận Sài Gòn. Thánh Lễ tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa đã bắt đầu vào lúc 5g15 chiều, do ĐC Phêrô Huỳnh Văn Hai thuộc giáo phận Vĩnh Long chủ tế. ĐC Phêrô cho biết Đức TGM Phaolô của giáo phận Sài gòn bận việc mục vụ nên Ngài đã nhờ Đức Cha đến dâng Thánh Lễ cho giáo phận Sài gòn.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô đã nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trải dài trong những trang Kinh Thánh. ĐC trưng dẫn cuộc đời của ngôn sứ Hôsê để nói về tình thương Thiên Chúa dành cho con người. Và ĐC cũng đã lấy hình ảnh người mẹ thương con của mình trong ngôn sứ Isaia để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. ĐC đã gợi cho cộng đoàn lòng thương xót gợi đi từ gia đình, bền bỉ và thiết thực nhất để minh họa cho ý tưởng của HĐGM Việt Nam đưa ra năm nay là Năm Gia Đình. ĐC cũng đã trưng dẫn cuộc đời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta để nói về Lòng Thương Xót.

Thánh Lễ tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa của Giáo Phận Sài Gòn đã khép lại, nhưng lời nhắn gửi của ĐC Phêrô còn vang vọng. ĐC nói không phải đến đây như một lễ hội nhưng đến đây để cho tâm hồn lắng đọng lại và đặc biệt hãy sống, hãy loan báo Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bản thánh ca: Con Yêu Ngài Muộn Màng của Lm. Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh. Bản thánh ca này được trình bày bởi ca sĩ Như Ý, với phần hình ảnh minh họa của anh Đăng Văn An. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.