Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngày 25 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm tổng giáo phận Milan.

Lúc 8h sáng, ngài đến phi trường Milan-Linate. Sau đó, Đức Thánh Cha đến khu vực “Case Bianche” vùng ngoại vi đông nam Milan. Đức Phanxicô gặp đại diện các gia đình không có giấy tờ hợp lệ, những người hồi giáo, di dân.

Sau đó Đức Phanxicô đến nhà thờ chính tòa Dôme, nơi ngài thăm mộ thánh Charles Borromée. Tại đây ngài có cuộc gặp gỡ với các linh mục, những người sống đời thánh hiến của giáo phận. Sau đó, Đức Phanxicô đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho giáo dân.

Lúc 11h30, Đức Phanxicô đã thăm nhà tù San Vittore và ăn trưa với khoảng 100 tù nhân.

Lúc 15h, ngài cử hành Thánh lễ cho 700 ngàn người tại Công viên De Monza.

Sau cùng, Đức Phanxicô gặp các em lớp Thêm sức ở Sân vận động Meazza trước khi về lại Rôma.

Chương trình Giáo Hội Năm Châu xin trình bày với quý vị và anh chị em những diễn biến chính trong chuyến viếng thăm này.

1. Đức Thánh Cha viếng thăm khu phố nghèo ở Milan

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đã viếng thăm khu phố nghèo ở Milan sáng ngày 25 tháng 3 mở đầu cho cuộc thăm viếng dài 12 tiếng tại Milan, giáo phận lớn nhất tại Âu Châu.

Giáo phận này có từ thời các tông đồ và trở thành tổng giáo phận hồi thế kỷ thứ 4, với thánh Ambrosio tiến sĩ Hội Thánh và sau đó nổi bật với thánh Carlo Borromeo hồi thế kỷ 16. Ngày nay, tại đây có hơn 5 triệu tín hữu Công Giáo, thuộc 1.108 giáo xứ, với gần 2.700 linh mục triều và dòng.

Milan hiện thời cũng là thủ đô kinh tế của Italia. Lẽ ra Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm giáo phận này hồi năm ngoái, nhưng cuộc viếng thăm bị hoãn lại vì Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đến Milan sau 1 giờ bay từ phi trường Fiumicino ở Roma, Đức Thánh Cha đã tới khu phố nghèo ở mạn đông bắc Milan, quen gọi là “những căn nhà trắng” ở đường Salamone. Ban đầu đây là nhà những căn nhà nhỏ được xây hồi thập niên 1930 cho những người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Đến thập niên 1970, các căn nhà này trở nên quá tồi tàn và nên được phá đi để xây thành một khu chung cư 9 lầu với 477 căn hộ. 60% dân tại khu này là người Ý, phần còn lại là những người ngoại quốc, người du mục, và cũng có nhiều người Hồi giáo.

Đến khu nhà trắng vào lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã hàng ngàn người tụ tập tại đây nồng nhiệt tiếp đón. Ngài dừng lại chào thăm các anh chị em bệnh nhân ngồi trên ghế lăn, trước khi tiến lên bục cao, trước tiếng hát chào mừng của dân chúng. Một thiếu nữ đã dâng tặng Đức Thánh Cha một dây stola, cũng gọi là giây các phép, do một hợp tác xã địa phương dệt và may, và một em bé tặng ngài bức ảnh Đức Mẹ thánh Galdino.

Lên tiếng chào thăm mọi người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi cám ơn anh chị em vì hai món quà anh chị em tặng tôi: thứ I là dây stola, một dấu hiệu tiêu biểu của linh mục, cứ chỉ này đánh động tôi đặc biệt vì nhắc nhớ cho tôi rằng tôi đến đây giữa anh chị em như một linh mục, tôi đi vào Milan như linh mục...

“Dây stola này càng quí giá vì không phải anh chị em mua, nhưng một số người trong anh chị em ở đây đã dệt và thêu. Dây stola nhắc nhớ rằng linh mục Kitô được chọn giữa dân và phục vụ dân. Chức linh mục của tôi cũng như cha sở và các linh mục ở đây là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng được hình thành nhờ dân chúng, với niềm tin, với những vất vả, kinh nguyện và nước mắt của dân.

Đức Thánh Cha cũng nói đến ảnh Đức Mẹ được tu bổ và tặng cho ngài. Ngài nhắc nhở các tín hữu về sự ân cần của Mẹ Maria đi gặp gỡ và săn sóc, giúp đỡ bà chị họ Elisabeth. Đó cũng là sự ân cần của Giáo Hội, không ở lại trung tâm, nhưng đi gặp gỡ mọi người ở khu ngoại ô, gặp cả những người không Kitô và không tín ngưỡng. Giáo Hội mang Chúa Giêsu đến cho mọi người, Đấng là tình thương của Thiên Chúa làm người, mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta và cứu khỏi sự ác.

Sau khi ban phép lành cho tất cả mọi người, Đức Thánh Cha còn chào thăm các em bé chờ đợi ngài từ sáng sớm rồi ngài đặc biệt đi gặp 3 gia đình trong căn hộ của họ. Trước tiên là ông bà Stefano Pasquale và Dorotea Falcone 59 và 57 tuổi, cư ngụ ở lầu 4 từ lâu năm. Khi còn trẻ ông Stefano nghiện rượu và bị chứng động kinh, rồi dần dần cơ thể suy tàn và bị liệt giường từ 4 năm nay. Vợ ông là bà Dori tận tụy săn sóc chồng trong mọi sự, kể cả ngày đêm. Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nhà bà là một niềm vui vô biên đối với bà trong tình cảnh đau thương.

Gia đình thứ hai gốc Maroc là Ông bà Mihoual Abdel Karim và Tardane Hanane ở lầu hai cùng với 3 người con: 17, 10 và 6 tuổi. Ông Karim đến Italia cách đây 28 năm và vợ ông đến nước này 20 năm về trước. Ông Karim làm việc trong một hãng chế thuốc và hai vợ chồng ở khu nhà trắng này từ 9 năm nay. Cùng với 1 gia đình hồi giáo khác, gia đình Ông Karim tỏ chức lớp dạy tiếng Arập trong giáo xứ thánh Galdino ở địa phương cho các phụ nữ Hồi giáo. Họ là những người Hồi giáo trung thành và cởi mở, có tinh thần cộng tác, và rất vui mừng được đón tiếp Đức Thánh Cha ghé thăm gia đình họ.

Gia đình sau cùng được Đức Thánh Cha ghé thăm là bà Oneta Nuccio 82 tuổi và bà Agogini Adele, 81 tuổi, thành hôn với nhau cách đây 61 năm và có một người con gái là Giovanna 51 tuổi. Ông Nuccio làm nghề phát thư trong nhiều năm trời. Gia đình ở lầu hai trong khu nhà. Hai ông bà cụ rất chăm chỉ tham dự thánh lễ qua truyền hình và thường được rước lễ. Bà Adele hầu như mù và Ông Nuccio bị một bướu ung ở cổ cách đây 11 năm (2006). Nhờ xạ trị (radioterapia) bướu ung biến mất một phần, nhưng hiện nay ông có vấn đề lớn về phổi và người ta sợ rằng ung thư sẽ di căn. Ông bà rất vui mừng được đón tiếp Đức Thánh Cha với niềm tin đơn sơ và sâu xa.

Sau khi viếng thăm 3 gia đình, Đức Thánh Cha lên đường tiến về Nhà thờ chính tòa ở trung tâm Milan để gặp gỡ các linh mục, phó tế, và tu sĩ nam nữ của giáo phận.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ Milan

Trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận Milan, Đức Thánh Cha kêu gọi các vị đừng sợ thách đố và tình trạng thiểu số của mình.

Hiện nay, ngoài 1900 linh mục giáo phận, Tổng giáo phận Milan còn có 790 linh mục dòng, 143 phó tế vĩnh viễn hơn 1 ngàn tu huynh và 6.210 nữ tu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 10 giờ sáng ngày 25-3 tại Nhà thờ chính tòa. Thánh đường hùng vĩ này được khởi công xây cách đây 630 năm theo kiểu tân gôtích và hoàn tất như hiện nay vào năm 1932.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được hàng chục vị kinh sĩ Nhà Thờ Chính Tòa và các Giám Mục phụ tá tiếp đón, ngài bắt tay chào thăm từng vị trước khi tiến vào thánh đường trước sự đón tiếp nồng nhiệt của hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ tại đây. Ngài thinh lặng ngồi cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đặt trên bàn thờ và viếng mộ của thánh Carlo Borromeo, Giám Mục giáo phận Milan. Đức Thánh Cha cũng chào thăm các linh mục và nữ tu già yếu ngồi trên xe lăn, trước khi lên bục cao trước bàn thờ.

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Angelo Scola, TGM giáo phận sở tại, cho biết thánh đường không đủ chỗ, nên nhiều linh mục tham dự cuộc gặp gỡ này từ bên ngoài, trên thềm nhà thờ, hoặc tại tư gia của các vị.

Tiếp lời Đức Hồng Y, 3 đại diện gồm 1 linh mục, một phó tế vĩnh viễn và một nữ tu đã xin Đức Thánh Cha giải đáp một vài thắc mắc:

1. Cha Gabriele Gioia nhận xét rằng nhiều nghị lực và thời gian của các linh mục được dành cho các hình thức mục vụ truyền thống, trong khi đó sự tục hóa đang lan tràn trong xã hội ở Milan này, một thành phố ngày càng có tính chất đa nguyên, đa chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Vậy đâu là những thanh tẩy và những ưu tiên các linh mục cần thực hiện để không đánh mất niềm vui Phúc Âm, niềm vui được làm dân của Chúa Ba Ngôi?

- Trả lời cha Gioia, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng đời sống Giáo Hội luôn gặp những thách đố, vì thế chúng ta không được sợ các thách đố vì chúng là dấu chỉ một đức tin, một cộng đoàn sinh động, tìm kiếm Chúa với đôi mắt và con tim rộng mở. Những thách đố giúp làm cho đức tin chúng ta không trở thành ý thức hệ, tránh được tư tưởng khép kín.

Về xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo và chủng tộc, Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng đó cũng là tình trạng của Giáo Hội qua dòng lịch sử. Hiệp nhất trong sự đa diện. Tin Mừng là một nhưng có 4 hình thức khác nhau.. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha kêu gọi phân định những thái quá của sự đồng nhất và thái độ duy tương đối, hai xu hướng này tìm cách xóa bỏ sự hiệp nhất giữa những khác biệt và lệ thuộc hỗ tương. Và ngài cũng nhấn mạnh rằng “đức tin để thực sự có đặc tính Kitô và không gây ảo tưởng cần phải được điều chỉnh trong những tiến trình của con người nhưng không bị thu hẹp vào các tiến trình đó.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phân định, nhất là dạy cho người trẻ ngày nay biết phân định trong nền văn hóa dồi dào các khả thể, để nhận ra đâu là điều thực sự tốt đẹp và có giá trị.

2. Thày Roberto Crespi hỏi Đức Thánh Cha xem xây là đóng góp mà các phó tế vĩnh viễn được kêu gọi cống hiến để biểu lộ khuôn mặt Giáo Hội hạnh phúc, vô vị lợi và khiêm tốn.

- Trả lời câu hỏi của thày phó tế vĩnh viễn, Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu chú ý đừng coi các phó tế như những người “nửa linh mục nửa giáo dân”, và rốt cuộc các vị không đứng về phía nào. Coi các phó tế như thế thì sẽ gây hại cho các thầy và tước bỏ sức mạnh đoàn sủng của phó tế.

Phó tế là một ơn gọi đặc thù, một ơn gọi gia đình nhắc nhớ rằng việc phục vụ như là một trong những hồng ân tiêu biểu của dân Chúa. Có thể nói phó tế là người giữ gìn việc phục vụ trong Giáo Hội. Phục vụ Lời Chúa, phục vụ Bàn Thánh. Sứ mạng, sức mạnh và sự đóng góp của phó tề hệ tài điều này là nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng đức tin, qua nhiều biểu hiện khác nhau, phụng vụ cộng đoàn, kinh nguyện cá nhân, những hình thức bác ái khác nhau, qua các bậc sống, có một chiều kích phục vụ. Phục vụ Thiên Chúa và anh chị em. Tóm lại, không có việc phục vụ bàn thờ, không có phụng vụ nếu không có sự cởi mở đối với việc phục vụ người nghèo. Nếu có việc phục vụ người nghèo nếu không dẫn đến phụng vụ.

3. Sau cùng Mẹ Paola Paganoni, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Ursuline thánh Carlo, Chủ tịch Liên hiệp các nữ Bề trên thượng cấp vùng Lombardi hỏi Đức Thánh Cha xem đâu là những khu vực ngoại ô của cuộc sống và đâu là những lãnh vực như tình trạng bị gạt ra ngoài lề, người nhập cư, giáo dục và văn hóa cần chọn lựa, đứng trước tình trạng các nữ tu ngày càng ít ỏi, hơn?

- Trước câu hỏi này, Đức Thánh Cha mời gọi các nữ tu đừng có thái độ cam chịu vì con số giảm sút. Ngài nói: dù ít ỏi, dù là thiểu số, dù cao tuổi, nhưng không có thái độ cam chịu. Khi có thái độ này chúng ta sống trong sự tưởng tượng một quá khứ vinh hiển, thái độ đó không thức tỉnh đoàn sủng ban đầu, nhưng cuốn chúng ta vào trong một cái vòng cuộc sống nặng nề, khó nâng dậy. Vì thế nhớ lại nguyên thủy là điều tốt, cứu chúng ta khỏi sự tượng tượng vinh quang không thực tế của quá khứ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng các vị sáng lập dòng chúng ta không bao giờ nghĩ đến số đông hay một đa số. Các vị cảm thấy được Thánh Linh thúc đẩy trong một thời điểm cụ thể của lịch sử, để trợ thành sự hiện diện vui tươi của Tin Mừng cho anh chị em mình; canh tân và xây dựng Giáo Hội như men trong đấu bột, như muối và ánh sáng thế gian.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ các dòng chúng ta không được sinh ra để trở thành đám đông, nhưng trở thành muối và men, góp phần làm cho tập thể dậy lên, để dân Chúa được những gia vị họ đang cần.. Thực tại ngày nay cũng gọi hỏi và kêu mời chúng ta tái trở thành men, thành muối đất. Anh chị em có thể nghĩ đến món pasta có nhiều muối không? hoặc hoàn toàn trở thành men? Nếu như vậy thì chẳng ai ăn được. Ngày nay thực tại kêu gọi chúng ta hãy khởi sự những tiến trình thay vì chiếm chỗ, cố gắng chiến đấu cho sự hiệp nhất thay vì bám víu vào những xung đột quá khứ, cần lắng nghe thực tại, cởi mở đối với tập thể, với dân thánh của Thiên Chúa, và toàn thể Giáo Hội. Đó là một thiểu số được chúc phúc, được mời gọi dây men, hòa hợp với điều mà Thánh Linh đã soi sáng cho tâm hồn cho các vị sáng lập và cho chính tâm hồn anh chị em.”

Sau bài huấn dụ, và phép lành, Đức Thánh Cha đã tặng cho tổng giáo phận Milan một chén lễ quí giá và Đức Hồng Y Scola cho biết giáo phận tặng Đức Thánh Cha 55 căn hộ để ngài giúp đỡ các gia đình nghèo.

Lúc 11 giờ 40 Đức Thánh Cha tiến ra thềm Nhà Thờ chính tòa Milan để chào thăm đông đảo dân chúng tụ tập tại đây, đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho họ.

Tiếp tục chương trình, Đức Thánh Cha đến viếng viếng thăm nhà tù thánh Vittore cũng ở trung tâm thành phố Milan.

3. Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milan

Trưa ngày 25-3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milan và dùng bữa với 100 tù nhân. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến thăm nhà tù này.

Nhà tù thánh Vittore được thành lập cách đây gần 200 năm (1879), có hình tròn, xoay quanh một điểm cao ở trung tâm, trên đó có bàn thờ, để các tù nhân, khi có thánh lễ, có thể tham dự từ phòng giam của họ. Thói quen này ngày nay vẫn được duy trì vào mỗi Chúa Nhật.

Đến nơi vào lúc quá 12 giờ, Đức Thánh Cha đã tiến qua các khu vực để chào thăm các tù nhân trước khi dùng bữa trưa với 100 tù nhân và ngài ở lại để nghỉ trưa trong một phòng riêng.

Từ giã nhà tù, lúc gần 2 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Công viên Monza, cách trung tâm Milan 18 cây số, để cử hành thánh lễ tại đây lúc 3 giờ chiều cho 700 ngàn tín hữu đến từ các nơi trong giáo phận.

4. Thánh lễ tại Công viên Monza

Chiều ngày 25 tháng 3, lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho 700 ngàn tín hữu tại công viên Monza, cách Milan 18 cây số về hướng bắc.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, cũng có Đức Hồng Y Scola, Tổng Giám Mục Milan, các Giám Mục phụ tá của ngài, các Giám Mục thuộc miền Lombardia và hàng trăm linh mục.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta vừa nghe một lời loan báo quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: đó là Lời Thiên Thần Truyền Tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1:26-38) – một đoạn văn cô đọng, đầy sự sống, mà tôi muốn đọc dưới ánh sáng của một lời loan báo khác: là lời loan báo thánh Gioan Tẩy Giả chào đời (x. Lc 1:5-20). Hai lời loan báo theo sau nhau và hiệp nhất với nhau; hai lời loan báo khi đối chiếu với nhau, cho chúng ta thấy điều Thiên Chúa trao ban cho chúng ta nơi Con của Ngài.

Lời loan báo về Gioan Tẩy Giả diễn ra khi ông Dacaria, vị tư tế, đã sẵn sàng bắt đầu nghi lễ phụng vụ đi vào trong Đền Thờ, nơi cộng đoàn đang chờ đợi ở bên ngoài. Lời Truyền Tin về Chúa Giêsu, ngược lại, đã diễn ra ở một nơi xa xôi xứ Galilêa, ở một thành phố ngoại biên không có tiếng tăm nổi bật nào (x. Ga 1:46), trong một gia đình vô danh của một cô gái có tên là Maria.

Đó là một sự tương phản, không phải là chuyện nhỏ, vì nó cho thấy rằng Đền Thờ mới của Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa và dân Người sẽ diễn ra ở những nơi mà chúng ta thường không mong đợi, ở ngoài lề, ở những vùng ngoại biên. Ở đó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ dân Ngài, Thiên Chúa trở thành xác phàm ở đó để bước đi cùng với chúng ta từ cung lòng của Mẹ Người. Giờ đây, Ngài sẽ không còn ở một nơi chỉ được dành cho một thiểu số trong khi số đông phải đứng ngoài trông ngóng. Không có gì và không ai bị Ngài thờ ơ, không hoàn cảnh nào có thể tước đi sự hiện diện của Ngài: niềm vui Ơn Cứu Độ bắt đầu trong đời sống thường nhật của một cô gái Thành Nadarét.

Chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn bước tiến này và chọn để đưa chính Ngài vào trong gia đình của chúng ta - như Ngài đã thực hiện với Mẹ Maria; vào trong những vật lộn hàng ngày của chúng ta, với những lo toan và khát vọng của chúng ta. Và thực tế là nơi những thành phố của chúng ta, các trường học và đại học của chúng ta, các quảng trường và bệnh viên của chúng ta lời loan báo tuyệt vời nhất chúng ta có thể nghe đã được viên mãn: “Mừng vui lên, Thiên Chúa ở cùng anh em!” Đó là một niềm vui tạo nên sức sống, niềm vui tạo nên hy vọng, niềm vui trở thành hiện thực trong cách thế chúng ta nhìn vào tương lai, qua thái độ chúng ta nhìn vào nhau. Đó là một niềm vui trở thành tình liên đới, lòng hiếu khách, và lòng thương cảm đối với mọi người.

Như Mẹ Maria, chúng ta cũng có thể không khỏi ngỡ ngàng. “Điều này xảy ra thế nào được” trong thời buổi đầy những suy đoán. Có những suy đoán về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Có những suy đoán về người nghèo và về những người di dân; có những suy đoán về người trẻ và về tương lai của họ. Tất cả dường như bị giản lược thành những con số, trong khi lãng quên rằng đời sống thường nhật của quá nhiều gia đình đang vẩn đục với những bấp bênh và không an toàn. Trong khi nỗi sầu gõ cửa quá nhiều gia đình, trong khi quá nhiều người trẻ ngày càng trở nên bất mãn vì thiếu các cơ hội thật sự, những đồn đoán rộ lên khắp bốn phương trời.

Nhịp điệu chóng mặt quay cuồng quanh ta xem ra đang cướp khỏi chúng ta niềm hy vọng và niềm vui. Những áp lực và sự bất lực khi đối diện với quá nhiều hoàn cảnh dường như làm khô khéo tâm trí và biến chúng ta thành vô cảm khi đối diện với muôn vàn những thách đố. Và, nghịch lý thay, khi mọi sự đang được gia tốc để xây dựng – về lý thuyết – cho một xã hội tốt đẹp hơn, thì cuối cùng không ai còn chút thời gian nào cho bất cứ điều gì hay cho bất cứ ai. Chúng ta đánh mất thời gian cho gia đình, thời gian cho cộng đoàn, chúng ta đánh mất thời gian cho tình bạn, cho tình liên đới và ký ức.

Thật là tốt khi chúng ta tự hỏi chính bản thân mình: Làm sao để sống niềm vui Tin Mừng trong các thành phố của chúng ta ngày hôm nay? Liệu niềm hy vọng Kitô Giáo có khả thi không trong hoàn cảnh này, ở đây và vào lúc này đây?

Hai câu hỏi này chạm vào căn tính của chúng ta, đời sống của gia đình chúng ta, đất nước và thành phố của chúng ta. Chúng chạm đến đời sống của con cái chúng ta, đời sống của người trẻ chúng ta và chúng đòi hỏi về phía chúng ta một cách thế mới để xác định vị thế của chúng ta trong lịch sử. Nếu niềm vui và niềm hy vọng Kitô Giáo tiếp tục là khả thi thì chúng ta không thể dửng dưng trước quá nhiều những hoàn cảnh đau đớn, và tự coi mình đơn thuần chỉ là những khán giả đang nhìn lên trời hy vọng rằng “trời sẽ tạnh mưa”. Tất cả những điều đang xảy ra đòi hỏi chúng ta phải nhìn vào hiện tại bằng sự mạnh dạn, và bằng lòng can đảm của người biết rằng niềm vui ơn cứu độ hình thành trong đời sống hằng ngày của gia đình của một cô gái Nadarét.

Khi đối diện với sự bối rối của Mẹ Maria, khi đối diện với sự lúng túng của chúng ta, có ba chìa khoá mà Sứ Thần Chúa mang đến cho chúng ta để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng đã được uỷ thác cho chúng ta.

Thứ nhất là gợi nhớ ký ức. Điều đầu tiên mà Sứ Thần làm là gợi nhớ ký ức, qua đó mở hiện tại của Mẹ Maria ra với toàn bộ lịch sử cứu độ. Ngài gợi nhớ lại lời hứa đã được thực hiện với Đavít như là hoa trái của Giao Ước với Giacóp. Mẹ Maria là nữ tử của Giao Ước. Chúng ta ngày nay cũng được mời gọi để nhớ, để nhìn vào quá khứ của chúng ta để không lãng quên chúng ta từ đâu đến, để không quên lãng tổ tiên của chúng ta, ông bà của chúng ta và tất cả mọi điều mà họ đã trải qua để đến nơi chúng ta đang ở hiện nay. Mảnh đất này và người dân của nó đã biết đến nỗi đau của hai cuộc thế chiến và đôi khi thấy rằng danh tiếng thu được về nền công nghiệp và văn minh của mình đã bị ô nhiễm bởi những tham vọng vô độ. Ký ức giúp chúng ta không ở lì trong tình trạng là tù nhân của bài diễn thuyết gieo rắc những đổ vỡ và chia rẽ như là cách thế duy nhất để giải quyết những mâu thuẫn. Gợi nhớ ký ức là phương dược tốt lành nhất cho tầm nhìn của chúng ta khi đối diện với những giải pháp ma thuật của chia rẽ và bất hoà.

Thứ hai là thuộc về Dân Thiên Chúa. Ký ức giúp cho Mẹ Maria biết trân trọng sự thuộc về Dân Thiên Chúa của Mẹ. Thật tốt nếu chúng ta nhớ rằng chúng ta là những thành viên của Dân Thiên Chúa! Người Milan, vâng, người Ambrosia, chắc chắn là một phần của Dân Chúa vĩ đại – một dân được tạo nên từ hàng ngàn diện mạo, lịch sử, nguồn gốc, một dân đa văn hoá và đa sắc tộc. Đây là một trong những sự phong phú của chúng ta. Đó là một dân được gọi để đón nhận những khác biệt, để hội nhập chúng với sự tôn trọng và sáng tạo và để vui mừng trước sự mới mẻ đến từ người khác; đó là một dân không sợ chấp nhận những giới hạn; đó là một dân không sợ trao ban lòng hiếu khách cho người đang cần vì dân ấy biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đó.

Thứ ba là không có gì là không thể. “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1:37): đó đó kết thúc câu trả lời của Sứ Thần với Mẹ Maria. Khi chúng ta tin rằng mọi sự tùy thuộc vào khả năng của chúng ta, vào sức mạnh của chúng ta, vào những viễn kiến thiển cận của chúng ta, thì mọi sự xem ra là không thể. Nhưng nếu, ngược lại, chúng ta sẵn sàng để cho bản thân chúng ta được giúp đỡ, để cho bản thân chúng ta được dạy dỗ, mở bản thân mình ra cho ân sủng, thì lúc ấy những sự dường như không thể bắt đầu trở nên có thể. Những miền đất này biết rõ điều ấy, nên theo dòng lịch sử, đã tạo ra rất nhiều đặc sủng, rất nhiều những nhà truyền giáo, rất nhiều sự phong phú cho đời sống của Giáo Hội! Nhiều người khi vượt thắng chủ nghĩa bi quan không sinh hoa trái và mang tính chia rẽ, đã mở bản thân họ ra cho những sáng kiến của Thiên Chúa và trở thành những dấu chỉ của một mảnh đất sinh hoa trái không khép kín trong những ý tưởng của riêng mình, trong những giới hạn của mình và trong những khả năng hạn hẹp của mình nhưng mở ra đối với những người khác.

Như trong quá khứ, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những đồng minh, Ngài vẫn tiếp tục tìm kiếm những người nam nữ biết tin, biết nhớ, biết cảm nhận mình là một phần của Dân Ngài để hợp tác với sự sáng tạo của Thần Khí. Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục đi đến những vùng ngoại ô và những thành thị của chúng ta. Ngài đặt mình ở mọi nơi để tìm kiếm những tâm hồn biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài và biến nó thành hiện thực ở đây và bây giờ. Nói như Thánh Ambrose trong lời giảng của ngài về đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những tâm hồn giống như tâm hồn của Mẹ Maria, sẵn sàng để tin ngay cả trong những hoàn cảnh ngoại thường (x. Esposizione del Vangelo sec. Luca II: 17: PL 15, 1559). Xin Thiên Chúa làm cho niềm tin này và niềm hy vọng này tăng trưởng trong chúng ta.