Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
“Anh em hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết.” (Mt 10:17-19)

Lời Chúa đã ứng nghiệm trong suốt lịch sử của Giáo Hội. Tuy nhiên, ngày hôm nay để làm chứng cho ánh sáng và chân lý, Giáo Hội đang chịu bách hại còn cam go hơn nhiều so với các thế kỷ trước tại nhiều nơi trên thế giới. Bao nhiêu anh chị em chúng ta đang chịu đàn áp, bạo lực, bị ghét bỏ vì danh Chúa Giêsu!

Theo Open Door, hơn 100 triệu Kitô hữu trên toàn thế giới phải chịu đựng các hình thái đàn áp mỗi năm. Họ bị phân biệt đối xử, bị thẩm vấn, bị bắt, và thậm chí bị giết vì đức tin của họ. Đó là một quá trình càng ngày càng tồi tệ, và đó là những gì chúng ta đang thấy - chúng ta đang nhìn thấy nó ở mức độ tàn ác nhất của nó ngay lúc này đây.

Các tín hữu Kitô người Việt chúng ta cũng không xa lạ gì với những bách hại như thế. Nhiều người sợ hãi lặng lẽ chối Chúa trong tờ khai lý lịch của mình, nhiều người, kể cả hàng giáo sĩ, "đi hàng hai" dưới chiêu bài "đối thoại", lún sâu trong các tổ chức gọi là “yêu nước” được dựng nên với thâm ý là lũng đoạn và tiêu diệt đạo thánh Chúa, nhưng cũng có vô số anh chị em chúng ta là những người can đảm chấp nhận vác thánh giá theo Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm 26 tháng 12 năm ngoái rằng:

“Tôi nói với anh chị em điều này: các vị tử đạo ngày nay còn đông đảo hơn so với các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc lịch sử các thế kỷ đầu, ở Roma này, chúng ta thấy bao nhiêu sự tàn các chống các tín hữu Kitô; ngày nay cũng có sự tàn ác như thế chống các Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến và gần gũi họ với lòng quí mến, cầu nguyện và cả khóc thương nữa. Hôm qua, các tín hữu Kitô bị bách hại ở Iraq đã mừng lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa của họ bị phá hủy: đó là một tấm gương trung thành với Tin Mừng. Mặc dù bị thử thách và nguy hiểm, họ đang can đảm làm chứng mình thuộc về Chúa Kitô và sống Tin Mừng, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng, và bị bỏ rơi nhất, làm điều thiện cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, làm chứng về đức bác ái trong chân lý”.

Cuốn phim “Under Caesar’s Sword”, nghĩa là “Dưới lưỡi gươm của Cêsarê”, được quay tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iraq, là một dự án nghiên cứu toàn cầu để trình bày tình cảnh của các cộng đồng Kitô hữu trên thế giới đang bị bách hại tàn tệ và phản ứng của anh chị em này trước những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo của họ.

Cuốn phim là sự hợp tác của trung tâm đạo đức và văn hóa trường Đại Học Notre Dame, Viện Tự do Tôn giáo, và trung tâm nghiên cứu về Tự do Tôn giáo của Đại học Georgetown, với sự hỗ trợ của Templeton Religion Trust. Cuốn phim đã được VietCatholic lồng tiếng và sẽ được trình bày trong chương trình Thời Sự Tuần Qua ngày 24 Tháng Hai, 2017.

Cuốn phim phỏng vấn các nạn nhân chẳng hạn như Helen Berhane, một ca sĩ hát thánh ca tại Eritrea ở Đông Phi. Cô đã bị bắt vì thu âm một album nhạc Kitô Giáo. Cô đã bị giam cầm trong một container vận chuyển hàng hóa trong suốt hơn hai năm.

Helen Berhane nói: “Án tù của tôi là 32 tháng, bên trong một container. Không có đủ không khí, không sạch sẽ. Họ bắt tôi chối bỏ đức tin của mình. Nhưng tôi đã từ chối.”

Cuốn phim cũng phỏng vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo, các học giả, các chính trị gia, các đại diện cộng đồng. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu:

“Toàn bộ Trung Đông không có chỗ nào là không bị nhận chìm trong một cơn ác mộng dường như không bao giờ kết thúc và điều đó làm suy yếu sự tồn tại của các Kitô hữu ở nhiều nước trong khu vực.” Đức Thượng Phụ Ignatius Youssef Younan Đệ Tam

“Những hình ảnh thường thấy về Ấn Độ là hòa bình và đa nguyên. Người ta tránh không đề cập đến những hình thức bạo lực như các nhà thờ bị đập phá, nhà cửa bị đốt cháy, một số lượng rất lớn các vụ hiếp dâm.

Một số người sẽ nói rằng đó chỉ là vấn đề thanh lọc chủng tộc hay tôn giáo, chứ làm gì có chuyện diệt chủng; tôi nghĩ, đây chỉ là những lời nguỵ biện. Điều quan trọng là một thảm họa nhân đạo rất lớn đang ở trước mặt chúng ta, và nó được liên quan chặt chẽ với bản sắc tôn giáo của các Kitô hữu dễ bị tổn thương nhất.

Trước những đau khổ, các Kitô hữu đã tự phát phản ứng lại bằng cách không chỉ lo cho mình nhưng mở rộng sự quan tâm và lòng từ bi của họ cho cả những người khác nữa. Đức tin đã mời gọi họ làm như thế, và điều quan trọng là, nhiều Kitô hữu nhận ra rằng thế giới, trong đó có họ và gia đình, sẽ được an toàn hơn khi mà tất cả mọi người được an toàn.” Timothy Shah

“Giáo Hội tiên khởi đã bao gồm năm Tòa Thượng Phụ: Rôma ở phía tây, và bốn Tòa Thượng Phụ ở phía đông – là Antiôkia, Alexandria, Jerusalem, và Constantinople - và tất cả bốn Tòa có nguy cơ biến mất. Các tín hữu Kitô sống trong một tình trạng mong manh nhất theo nghĩa đen.

Những gì chúng ta thấy ở lãnh thổ Síp bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng là sự xóa bỏ hoàn toàn sự hiện diện của Kitô giáo: nhà thờ bị phá hủy, tất cả các hình tượng gắn liền với Giáo Hội tiên khởi bị loại khỏi các nhà thờ - thực sự đây là một nỗ lực sai lầm nhằm xóa bỏ các dấu vết lịch sử của Kitô Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đã có những tranh cãi ngày càng tăng về việc Thổ Nhĩ Kỳ biến nhà thờ Thánh Thần là Đấng Khôn Ngoan, tức là Nhà thờ Hagia Sophia, thành một đền thờ Hồi giáo - Hagia Sophia là cấu trúc Kitô giáo lớn nhất cho đến khi nhà thờ Notre Dame được xây dựng. Và nếu cấu trúc đó được dùng như một nơi thờ phượng, nó phải được dùng như ý định ban đầu, tức là một nhà thờ Kitô giáo thuộc Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople.” Elizabeth Prodromou.

“Một thế kỷ trước, một phần ba dân số Istanbul không phải là người Hồi giáo, trong đó, trước hết là người Hy Lạp theo Chính Thống Hy Lạp – kế đến là người Armenia, sau đó là người Do Thái. Ngày nay, chỉ còn không quá một phần trăm những người không theo Hồi Giáo, đó là một cộng đồng rất nhỏ. Làm sao chuyện này lại xảy ra? Thưa, Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất các Kitô hữu thiểu số trên một quy mô lớn, bằng cách trao đổi dân số, hay thẳng thừng trục xuất họ.” Mustafa Akyol.