GIÁO DỤC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong những năm đầu sau khi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa, bộ đội cụ Hồ đã mang của cải từ Miền Nam ra Ðất Bắc để san bằng đời sống cho người dân hai nơi. Trái lại, do thiếu khôn ngoan và kỳ thị, những lãnh đạo đảng đã phủ nhận sự thật về tính nhân bản của nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, đã đào tạo những thế hệ trí thức và chuyên viên cùng trình độ Âu Mỹ để phục vụ Tổ Quốc và Ðồng bào. Do đó, chúng áp dụng cái gọi là Dạy học theo chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 62 năm thống trị Miền Bắc và 41 năm thống nhất hai Miền, đảng cộng sản đã xây dựng những gì cho Quê Hương hay chỉ thấy Ðất Nước mất dần do dâng tặng Tàu cộng. Riêng trong tháng 11.2016, người dân nước Việt thấm nhuần tuyên truyền ‘trăm năm trồng người’ và việc học tập đạo đức Hồ chí Minh…

I.- NỀN GIÁO DỤC NHÂN BẢN.

Năm 1958, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tổ chức Ðại hội Giáo dục Quốc gia lần I tại Sài gòn với sự tham dự của mọi thành phần xã hội: giáo sư các cấp từ tiểu đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật..., phụ huynh học sinh, học giả, đại diện quân đội và các tổ chức tư nhân để xây dựng một nền Giáo dục Quốc gia theo ba nguyên tắc ‘nhân bản’, ‘dân tộc’, và ‘khai phóng’ được ghi cụ thể trong tài liệu ‘Những nguyên tắc căn bản’ do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và, sau đó, trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967. Ðó là :

1./ Nhân bản là triết lý chủ trương con người có một địa vị quan trọng trong quốc gia (lấy con người làm gốc và cuộc sống của họ làm căn bản; xem con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào. Triết lý này chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

2./ Giáo dục dân tộc tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa cùng những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

3./ Giáo dục khai phóng không nhất thiết phải bảo thủ tinh thần dân tộc, nhưng phải biết mở rộng cửa hầu tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ, tiếp cận với văn minh thế giới.

Từ ba nguyên tắc căn bản đó, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đề ra những phương hướng chính cho nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa nhằm đạt mục tiêu: Sau khi được giáo dục, những bạn trẻ nước Việt sẽ nên Công Dân như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại? Ðó là :

a./ Phát triển toàn diện cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị từng học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện từng cá nhân theo bản tính tự nhiên mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.

b/. Phát triển tinh thần quốc gia nơi học sinh, được thực hiện bằng giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và lối sống của người dân; giúp hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu nước mình, phát huy tinh thần đoàn kết, tranh đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học tiếng Việt và sử dụng tiếng này một cách có hiệu quả; giúp nhận biết nét đẹp của quê hương, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp người trẻ có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

c./ Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học bằng giúp học sinh tổ chức các nhóm làm việc độc lập, qua đó, phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp họ có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.

=> Thời Việt Nam Cộng hòa, các du sinh chỉ rời nước để theo học bậc đại học sau khi đậu Tú tài vì trình độ trung học lúc đó tương đương với chương trình dạy tại các quốc gia Âu Mỹ.

II.- GIỚI TRẺ PHẢI BỎ NƯỚC RA ÐI ?

Sau ngày 30.04.1975, các nhà giáo việt cộng đã mang nền Giáo dục xã hội chủ nghĩa vào áp đặt cho Miền Nam và kéo nền Giáo dục cả nước xuống tới mức thấp nhứt hiện nay, sau bao lần cải tạo. Do đó, ngày 12. 08.2015, trong buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm, học sinh Vũ Thạch Tường Minh, 14 tuổi, trường chuyên Amsterdam đã phát biểu: « Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được. Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm ».

Lời phát biểu của em Vũ Thạch Tường Minh giúp trả lời cho chúng ta về câu hỏi ‘Tại sao, ngày nay, phụ huynh nước Việt Nam ‘Không gì quý hơn Ðộc lập, Tự do’ cho con đi du học sớm, độ tuổi học sinh đi du học ngày càng trẻ hơn ?’

1./ Cha mẹ cho con cái đi được học sớm vì ngành giáo dục Việt Nam không tạo cho người ta sự hài lòng, an toàn khi giao con em cho thầy cô và giáo sư cộng sản dạy dỗ. Ðiều quan trọng nhất là họ muốn cho con được hưởng một nền giáo dục nhân bản để trở thành một con người tốt hơn, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng, biết sống một cách kỷ cương, tôn trọng xã hội… Những ước muốn đó họ chỉ có thể tìm thấy ở một nước ngoài, đảm bảo tốt hơn sự giáo dục ở Việt Nam. Tại đây, cách dạy ‘từ chương’ nhồi sọ kiến thức nhiều quá, sức ép ghê quá, những vấn nạn, tiêu cực trong nhà trường... làm phụ huynh không hài lòng, buộc họ phải bất đắc dĩ cho con rời nước đi du học sớm, dù không ai muốn bứt con ra khỏi mình sớm.

2./ Ngày 25.04.2016, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ quan điểm với Infonet bên hành lang Quốc hội quanh chuyện ‘cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho con cháu định cư ở nước ngoài’. Ông nói kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, Chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ người dân tốt hơn. Mọi luật định, hiến định... đều phải trở thành hiện thực cuộc sống. Nghĩa là, Nhà nước phải có trách nhiệm hơn, làm cho người dân cảm thấy được an toàn khi sống trên chính đất nước mình. Bên cạnh đó, công bằng, công lý được thực thi. Nói vậy, không có nghĩa chúng ta tự bằng lòng, không hành động để biến Việt Nam thành nơi đáng sống.

Trả lời câu hỏi ‘hệ quả như ông nói, ‘cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình, con cháu định cư ở nước ngoài?’, ông nói: «Vì sao người trẻ ở nước ngoài họ xếp hàng trật tự, có trước có sau nhưng về Việt Nam thì bị chen lấn, tranh giành, xô đẩy. Điều đáng lo là chúng ta đang cảm thấy mình bất lực. Tồn tại này là do luật pháp chưa nghiêm, nên người dân cảm thấy bất an thì làm sao họ đầu tư tài sản, công sức để xây dựng đất nước. Tôi nghĩ tới những người trẻ hơn mình; còn mình thì đã sống và từng trải qua thời bao cấp, nên thích nghi dễ hơn. Còn thế hệ con cháu mình, trẻ hơn khi họ có điều kiện học tập, làm việc và nhìn thấy thế giới sống như thế, họ tự hỏi ‘Vì sao Việt Nam mình lại sống như thế này?’ Họ rất khó chấp nhận. Đó là lý do 10 người đi thì 10 người đều ở lại.

Nhiều cha mẹ chủ trương không cho con mình trở về không phải vì đồng lương trong nước quá ít ỏi. Nhưng họ lo sợ là khi trở về, con họ sẽ thất vọng, bị sa vào những cung cách làm việc méo mó. Họ băn khoăn cho tương lai con cái, chứ không phải vấn đề tiền.

III.- NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ.

A. Sự kiện.

Từ tháng 8/2016, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) liên tiếp tổ chức các sự kiện, nên đã huy động một lực lượng lớn cán bộ công nhân viên chức đi tiếp khách, trong đó có cả giáo viên. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra trong thời gian 12 – 14.08.2016, Ủy ban Nhân dân thị xã đã điều động 44 cán bộ viên chức, gồm cả 20 giáo viên. Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đã huy động 21 giáo viên nữ mà tên tuổi được ghi rõ trong văn bản chỉ định hành chính. Vào tháng 11.2016, những vụ này mới bị đổ bể có thể vì gần ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm.

Khi bị báo chí lên tiếng, hai quan chức thị xã Hồng Lĩnh, Nguyễn Văn Hổ, chủ tịch thị xã, và Lê Bá Thiềm, trưởng phòng giáo dục thị xã, sau khi xảy ra vụ bê bối của ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, điều giáo viên nữ đi tiếp khách trong phòng karaoke, đã phát biểu :

« Đây là nét lịch sự. Những người làm nhiệm vụ này là vinh dự, được gặp gỡ người này người kia, được làm việc với họ. Khi những cán bộ được điều đi nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ được cơ quan có trách nhiệm vì đây là được tổ chức điều đi làm nhiệm vụ chính trị. Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống ».

Tên Hổ còn thách thức : ‘Nếu hiểu đúng bản chất, việc điều động này không vấn đề gì cả, mọi việc đều trong sáng. Sắp tới, nếu có sự kiện lớn tại địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục điều động’.

Những lời này gặp phải các phản ứng thật giận dữ từ mọi giới đồng bào không cộng sản. Đảng Cộng sản được hai tên Lê Bá Thiềm và Nguyễn Văn Hổ đại diện công khai tuyên bố điều mà chúng giấu giếm từ gần 70 năm nay: ‘Muốn thăng tiến trong đảng thì các cô phải ‘phục vụ’ cho chóp bu của nó. Nói theo ngôn ngữ cộng sản: ‘nhiệm vụ chính trị’. Một phản ứng khác ; Cho rằng phục vụ cấp trên ăn nhậu là nhiệm vụ chính trị, có lẽ là sự ngụy biện trơ trẽn nhất mà tôi được biết từ đó tới giờ. Thử hỏi ông và cả cái đảng cộng sản Việt nam này, xem ở đâu nói rằng việc phục vụ các ông ăn nhậu, hát hò là nhiệm vụ chính trị? Không lẽ ở cái đất nước này thực sự có loại nhiệm vụ chính trị như vậy hay sao? Hành động của các ‘đám’ quan chức Hà Tĩnh là hỗn với nhà giáo, hỗn với nghề dạy học cao quý, và nhất là nó lại xảy ra trên mảnh đất Hà Tĩnh nổi tiếng hiếu học từ bao đời nay.

Sau khi báo chí đưa sự việc này trình công luận, Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng chuyện điều giáo viên nữ như vậy chưa tới mức trầm trọng, và các giáo viên bị điều đi phải tự xem thái độ của mình. Do đó, người dân muốn hỏi Bộ trưởng rằng ‘Từ bao giờ trên đất nước nhiều đau khổ này, cô giáo trở thành ‘cái giếng làng” để cho những kẻ phàm phu tục tử “rửa chân” vậy, ông Bộ trưởng?

Nhà giáo Hà Dương Tường viết: « Ông thừa biết số phận bé nhỏ của họ dưới nanh vuốt của các quan huyện mà. Hay ông cho rằng việc buộc phải đi ‘tiếp khách’ không có gì xúc phạm danh dự và nhân phẩm của họ. Chắc ông sẵn sàng (hay vui vẻ) cho vợ, con gái (hay cháu gái) của ông đi làm các ‘nhiệm vụ’ đó?

Một nhà giáo về hưu là ông Nguyễn Khắc Mai kêu gọi các quan chức ngành giáo dục từ chức, đồng thời ông cũng ra một lời cảnh báo nghiêm trọng: « Nếu có chút lương tri, chủ tịch và trưởng phòng giáo dục Thị xã Hồng lĩnh nên tù chức. Bộ trưởng nên xin lỗi các nhà giáo và học sinh cùng phụ huynh.Còn không, nếu đảng và nhà nước còn biết ít nhiều là văn hóa của tính tôn nghiêm của đạo dức và luật pháp, phải cách chức ngay hai kẻ đã gây ra lỗi lầm đáng phỉ nhổ cho chế độ. Vào giờ phút này hãy cẩn thận! Lê Nin từng dự báo ba gót A sin của cộng sản là dốt-tham-và cậy quyền. Liên xô đã sụp đổ vì thế. Dẫu là để mỵ dân cũng phải hành xử cho ra dáng.

Còn nữa, nếu đảng và chính phủ không làm gì cả thì Hội giáo chức Chu Văn An nên tìm cách điệu hai tên này ra quỳ trước đền cụ Chu văn An vào ngày 20-11 tới.

Tôi nói ý tình của mình, một anh giáo già, đang mơ ước hiện đại hóa nền đạo lý minh triết của tổ tiên ».

B. Nội vụ trước Quốc hội.

Ngày 16.11.2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều vấn đề trong đó có vụ nữ giáo viên bị điều đi tiếp khách.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề cập sự kiện hàng chục giáo viên ở một trường học tại Hà Tĩnh bị huy động đi tiếp khách gây bức xúc dư luận, đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến và làm thế nào để chấm dứt tình trạng này ? Ông Nhạ đáp : « Vụ việc này tôi đã có ý kiến. Tôi đã có trao đổi với đồng chí Chủ tịch. Tôi đánh giá rất cao đồng chí Chủ tịch đã có công văn yêu cầu giải thích rõ để xử lý. Đây là vụ việc không chỉ ở một trường của Hà Tĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp. Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng lên về vấn đề này là không được. Linh hoạt thì phải hợp lý, nếu linh hoạt mà để xã hội nóng lên như vậy là không được. Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc bảo vệ quyền lợi của thầy cô ».

Tuy câu trả lời thật dài dòng, nhưng hai chữ ‘vui vẻ’ đã khiến đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đòi quyền tranh luận : « Bộ trưởng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng chỉ vui vẻ thôi. Về góc độ giới, tôi thấy rất đau lòng ». Bà đề nghị Bộ trưởng phải có giải pháp để bảo vệ sự tôn nghiêm, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên, chứ không thể nói là ‘vui vẻ thôi’. Tiếp theo, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lên tiếng: « Hôm qua Bộ trưởng phát ngôn trước báo chí, Bộ trưởng nói rằng các cô giáo ấy phải xem lại mình. Bộ trưởng hãy xem lại câu nói đó… ».

Ông Nhạ đáp : « Nhưng có lẽ là do tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ vui vẻ. Khi yêu cầu địa phương giải thích thì họ cũng nói rằng đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm ». « Với vấn đề bình đẳng giới thì Bộ Giáo dục và đào tạo thấy có sự tiến bộ của phụ nữ. Chúng tôi đánh giá cao các cô có đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành » - ông Nhạ nói tiếp.

Trong chế độ cộng sản ‘các quyền hành, lập và tư pháp là một’ (cả bộ trưởng lẫn đại biểu đều có mang chung một huy hiệu màu máu, tức do đảng cơ cấu chức vụ), mỗi người chỉ đóng vai vế mình được giao phó để cuối tháng nhận tiền lương. Do đó, mọi ‘đầy tớ dân’ đều vui vẻ.

Hà Minh Thảo