Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro Venezuela luôn tìm cách lợi dụng Tòa Thánh để tìm cách trì hoãn thảo luận các yêu cầu chính đáng của phe đối lập. Phe chính phủ Maduro và phe đối lập Liên minh Dân chủ Thống nhất đã không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thực phẩm và thuốc men, dẫn đến sự sụp đổ các dịch vụ về y khoa, năng lượng và vệ sinh.

Tháng 7 vừa qua các phương tiện truyền thông của chính phủ Venezuena tường thuật là Tòa Thánh đã đồng ý làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, Cha Lombardi, lúc ấy là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin này.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng 7, Cha Lombardi cho biết: “Như mọi người đều biết, từ trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn luôn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện tiên quyết cần thiết, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức nào được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Đến bây giờ, chính phủ và phe đối lập lãnh đạo Venezuela mới chính thức đồng ý cùng tham gia vào các cuộc đàm phán do Vatican làm trung gian hòa giải nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước.

Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, công bố hôm 25 tháng 10 rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 30 tháng 10, trên đảo Margarita, ngoài khơi bờ biển Venezuela. Đức Tổng Giám Mục nói các cuộc đàm phán sẽ được thiết kế “để tạo ra một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, vượt qua những bất đồng, và thúc đẩy một cơ chế đảm bảo sự chung sống hòa bình”.

Các cuộc đàm phán đã được công bố hôm 25 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã có một cuộc họp bất ngờ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican.