VAI TRÒ PHỤ NỮ VIỆT NAM

TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI


Thiên Chúa sáng tạo con người, có nam có nữ. Tuy khác biệt giới tính nhưng hoàn toàn bình đẳng về phẩm giá (Gn 1,27). Cả hai phái cùng được hưởng ơn cứu độ, cùng được kêu gọi sống trách nhiệm, hổ tương và tôn trọng khác biệt của nhau. Dù tự bản chất nguyên thuỷ giới hạn, người nữ ở đấng bậc nào : độc thân, tu trì hay lập gia đình thì cũng đều được khuyên mời ‘‘làm tông đồ cho tương lai nhân loại’’, bằng những phương cách thích hợp khác nhau, tùy vị thế và môi trường sống. ‘‘Không ai có thể ở nhưng không’’ (Mt 20, 6-7), lời thúc bách cần lao như tiếng gọi của Chủ vườn nho (Mt 25, 14-30), như người cầm giữ nén bạc không được chôn giấu (Mt 25, 14-30) mà phải hành động để sản sinh lợi ích cho tha nhân.

Qua phép rửa, người nữ ‘‘vừa thuộc dân Chúa, vừa thuộc xã hội dân sự’’ (AG,21). Vừa sinh hoạt trong xứ đạo vừa làm việc cho thế gian, liên kết đức tin với cuộc đời thường nhựt ‘‘sống giữa trần thế mà không thuộc về trần thế’’ (Jn 17, 16). Được giáo huấn, nuôi dưỡng, kiện toàn đức tin nhờ các phép bí tích lãnh nhận xuyên suốt cuộc đời, người nữ muốn noi gương Mẹ Thiên Chúa, đem yêu thương và phục vụ đến mọi nơi, mọi người trong tinh thần thông hiệp mật thiết với Đức Kitô qua Giáo Hội hữu hình nơi trần thế. Trong tổng thể nầy, thử nhìn lại

I. VAI TRÒ PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM

Tuy sử liệu thời giáo đoàn sơ khai không dồi dào, người ta vẫn có thể nhìn thấy rải rác đó đây hình ảnh phụ nữ có tinh thần sống đạo, từ trong hàng phẩm tước triều đình cũng như thứ dân ngoài xã hội.

Thời bắt đạo, với thân phận nữ nhi, họ dễ được nới tay, làm ngơ để cho sống còn. Vì thế ít được vinh danh tử đạo. Nhưng nhờ đó, họ có cơ hội góp phần đắc lực vào việc bảo vệ và rao truyền đức tin. Bên cạnh một nữ giáo dân duy nhất mang chính danh tử đạo (Thánh Inê-Đê Agnès Lê thị Thành) họ là những tác nhân thầm lặng thời Giáo Hội Việt Nam sơ khởi.

Trong tiến trình truyền giáo không ngưng nghỉ, Giáo Hội phát triển song hành với ý thức dấn thân - ngày một rõ nét - của nữ giới.

Trong Giáo Hội : Được đoàn ngũ hoá ngay từ thuở thiếu thời, như một phương cách vừa phụng sự vừa rèn luyện tài đức, qua những hiệp hội tín hữu nơi các họ đạo.

Ngoài xã hội : hiện diện ở nhiều nghành nghề từ lao động tư gia, buôn bán ngoài đường phố, công nhân viên xí nghiệp, tiểu thương, công tư chức, chuyên viên, nghề tự do... thuộc các địa hạt : hành chánh, thương mại, y tế, văn hoá giáo dục, tư pháp, xã hội, quân đội v.v...

Về sinh hoạt chính trị : ít được khuyến khích nhưng vẫn có một số nhỏ gia nhập các phong trào, đảng phái chính trị, làm nghị viên thành phố, dân biểu, thượng nghị sĩ…...

Người nữ sống đời hôn nhân

Vai oằn nặng gánh trách nhiệm do truyền thống Giáo Hội và xã hội trao ban. Ngoài việc chăm nuôi, giáo dục, khuyến học, còn phải trao truyền đức tin văn hóa... bà mẹ công giáo ngày trước, không ở vào địa vị phức tạp như phụ nữ thời nay, nhưng họ là nhân tố hàng đầu của Giáo Hội. Quán xuyến việc nhà, việc đời, trông nom việc đạo (dạy con đọc kinh, cho học giáo lý, nhắc con làm lành lánh dữ, sống đức tin, tham gia sinh hoạt cộng đoàn...)

Tâm linh vốn mẫn cảm, thích chia xẻ, kể lể tâm sự nên trong nhiều trường hợp là ‘’thừa sai’’ đưa lương dân gặp hàng giáo phẩm để nhập đoàn dân Chúa. Họ dự phần quyết định vào việc giữ cho gia đình toàn vẹn, yên vui, cho cộng đoàn lớn mạnh, cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái giữa lòng quê hương.

Người nữ tu dòng

Song song với phụ nữ thực hành vai trò làm vợ làm mẹ ‘’bất khả thay thế’’ còn có những ngưỡi nữ chọn đời tu trì, hiến thân phụng sự Giáo Hội và xã hội.

Có lẽ vì hoàn cảnh đất nước mà cũng vì Giáo Hội Việt Nam hình thành trong bầu khí lịch sử không mấy hứng khởi nên người nữ tu chuyên cần cầu nguyện nhưng không đóng khung, khép kín mà sẳn lòng chia xẻ nghĩa vụ đối với nhân gian : truyền dạy giáo lý, chữ nghĩa, chăm sóc cô nhi, người già bệnh.

Dòng Mến Thánh Giá thành lập từ thời Giáo Hội sơ khởi tiêu biểu tinh thần nhập thế Kitô Giáo ‘’thi hành công khai những việc lành’’ (1P,12), ‘’không phải lòng trắc ẩn mơ hồ trước bao nỗi thống khổ gần xa mà cương quyết một đời dấn thân’’ (thông điệp Solicitudo).

Từ đó, lần hồi thêm nhiều dòng nữ, tên gọi khác nhau với những linh ân khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là chọn cách thể hiện niềm tin bằng hiến thân phụng sự, cầu nguyện song hành với hoạt động trong các lãnh vực : bác ái, y tế, giáo dục... Ngoài ra cũng có một vài hội dòng tận hiến, chọn đời chiêm nghiệm ẩn tu, chủ yếu thinh lặng thờ phượng Chúa, sống hy sinh hãm mình, làm việc đền tội cầu nguyện cho phần rổi nhân loại.

Góp phần cải thiện đời sống những kẻ cùng khổ, bất hạnh, thay đổi cách nhìn của lương dân, là công tác tông đồ mà nữ giới - cách riêng nữ tu - đã tận tụy cán đán liên lỉ, hiệu quả bao đời.

Người nữ tu hội

Do chuyển biến lịch sử, Giáo Hội Việt Nam một lần nữa lại trải qua thử thách. Niềm tin khó nói bằng lời thì hành động chia xẻ là nét đặc thù của gần ba thập niên qua.

Nhận thức về nỗi thống khổ, thua thiệt của một số giai tầng trong xã hội và tình trạng nghèo tiền của vật chất có thể dẫn đến nghèo cả đức tin : vì lương tâm con người phải thường xuyên đối diện với nhiều chước cám dỗ, các giá trị luân lý, văn hóa truyền thống bị chao đảo, phai mờ, quên lãng... Nên có thêm những người nữ quyết định phối kết đức tin mà họ thủ đắc với thực tế hằng ngày. Theo đà phát triển của phong trào Tu Hội, người nữ không xuất gia, nhưng chọn sống tận hiến giữa đời, cũng hòa nhập vào Giáo Hội địa phương trong ý hướng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Tuy môi trường sống khác nhau, nhưng với tâm hồn vị tha quảng đại do đức tin soi đường dẫn lối, nữ giới tìm đường xây dựng tương lai bằng sở trường hoạt động từ thiện xã hội : mở lớp học miễn phí, bảo bọc trẻ mồ côi, bụi đời, lập nơi đón nhận các phần tử bất hạnh bó buộc phải sống bên lề xã hội... góp phần giảm thiểu những bất bình đẳng giữa thân phận con người. Chọn lựa nào cũng kèm theo trách nhiệm và không phải mọi chuyện đều xuôi chảy như ý. Nhưng can trường chấp nhận nghịch cảnh, tin vào Chúa quan phòng, an phận làm người lương thiện, lắm khi ứa nước mắt gieo hy vọng cho tuổi thơ cơ cực thêm sức mạnh sống đức tin, giữ phép công bằng và kiên trì chờ đợi ‘’cho ngày mai lúa chín’’ trong ân sủng Thánh Linh.

II. NGÀY NAY Ở HẢI NGOẠI

Dòng đời vẫn tiếp nối. Nữ giới, tùy ơn Chúa ban, mỗi người đều có thể góp phần phụng sự trong Giáo Hội và xã hội.

Những người nữ sống đời tận hiến

Với xã hội : vẫn tiếp tục phục vụ trong trường học, nhà thương, viện dưỡng lão, nhà giữ trẻ. Một số khác bước vào ngành nghiên cứu khoa học, truyền thông như đài phát thanh, báo chí, dịch thuật...

Với Giáo Hội

- đảm trách công tác mục vụ cho xứ đạo sở tại và cộng đoàn Việt Nam.

- hội nhập vào xã hội địa phương nhưng vẫn liên kết với dòng mẹ ở Việt Nam, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho những chị em đang sống đức tin khó khăn giữa lòng dân tộc.

Nhiều nữ tu rời Việt Nam lúc đã trưởng thành, chấp nhận giải pháp hướng về tương lai, nén lòng bỏ lở cơ hội học tập cầu tiến cá nhân để bảo toàn nhà dòng và nỗ lực chuẩn bị cho thế hệ trẻ hơn thăng tiến.

Kết quả là tại hải ngoại lần lượt thêm nhiều dòng tu, hội tu có phần tăng nhân số, ít nhiều tùy bầu khí của đất nước, Giáo Hội địa phương... và dĩ nhiên tối hậu vẫn là cá nhân dự phần quyết định cho chính ơn gọi của mình.

Phụ nữ độc thân và sống đời gia đình

- gia nhập cộng đoàn Việt Nam hay giáo xứ sở tại : dự lễ, tĩnh tâm, học hỏi Phúc Âm…

- phụ giúp linh mục, tu sĩ trong các công tác mục vụ được Bộ Đức Tin chấp nhận : đọc sách Thánh, dạy giáo lý, trao Mình Thánh, đồng hành chăm sóc kẻ liệt, giúp người nguội lạnh, thờ ơ trở về đời sống Kitô-hữu năng động...

- tham dự vào Hội Đồng Mục Vụ : góp ý soạn thảo, biểu quyết các văn kiện, nội qui, cấp giáo xứ, giáo phận hay quốc gia.

Gắn bó với quê hương và Giáo Hội Việt Nam, luôn theo dõi tình hình, chia xẻ những ưu tư bằng cầu nguyện, tỏ tình liên đới vật chất cũng như tinh thần, từ cá nhân riêng lẻ và thông qua các chương trình trợ giúp người nghèo.

Chịu ảnh hưởng văn hóa giáo dục truyền thống, nói chung phụ nữ Việt Nam còn bị giới hạn, thường khi chịu ít nhiều thua thiệt, nhưng dường như phần đông đều an phận chấp nhận, chỉ làm những gì được khuyến khích để bảo toàn gia đình, tuy quan niệm và cung cách sống có thay đổi để thích nghi với qui luật thời đại.

Ngoài ân sủng Chúa ban, sự thăng tiến của người nữ còn tùy thuộc vào phong cách sinh sống nơi xã hội định cư. Chẳng hạn thể chế đa văn hóa tương đối thuận lợi hơn, do đó người nữ cũng dễ năng động hơn. Tuy nhiên, sự hòa nhập của người nữ rời Việt Nam khi đã trưởng thành không giống với sự hòa nhập của thế hệ thứ hai lớn lên tại hải ngoại. Đường hướng mục vụ cho người nữ vì thế cũng tế nhị, nhiêu khê hơn.

Vấn đề của phụ nữ sống đời hôn nhân

Vừa đi làm, vừa ‘’giữ việc trong nhà’’ vẫn còn là hình ảnh quen thuộc của nữ giới. Truyền thống văn hóa dân tộc và tôn giáo đều khuyến khích nữ giới dấn thân song hành :

‘‘Trong nhà ngăn nắp đã từng

Việc ngoài xã hội con đừng làm ngơ.’’

chẳng những

‘‘Giúp người cơ nhỡ, nghèo nàn đáng thương.’’

mà còn

‘‘Lập hội thiện, dựng nhà trường

Mở mang mọi việc rộng đường ích chung.’’

(Lê Đại. Tân nữ gia huấn ca)

Nhưng bước chân ra xã hội, dần dà người đàn bà đã gia nhập vào nhiều lãnh vực mà trước đây chỉ thuộc về nam giới. Có người thành công chẳng kém phái nam trong sự nghiệp cá nhân. Và để được việc, để thăng tiến, phải phấn đấu, cạnh tranh... Thế cách hành xử nầy lần hồi ảnh hưởng đến đời sống và tâm tính người nữ. Lắm khi đặt người nữ trước công danh sự nghiệp và hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình công giáo ‘‘bất khả phân ly’’ trọng tâm hướng về Nước Trời miên viễn.

Nếu nghèo tiền của có thể đưa tới nghèo đức tin, thì danh vị quyền lực vật chất cũng có thể dẫn xa rời con đường nhân đức. Cho tới nay, kết hợp dung hòa, ước vọng cá nhân với hạnh phúc gia đình vẫn là niềm tự hào phấn khởi được Giáo Hội và xã hội khuyến khích, cổ võ.

Mặc lấy thân phận làm người bất toàn, kiên cường mà cũng yếu đuối, đời sống dẫy đầy bóng tối và ánh sáng, thiện ác chập chờn, cao thượng xen lẫn thấp hèn, nên người nữ được ca ngợi mà cũng bị chê trách. Nhưng không ai phủ nhận sự đóng góp của nữ giới, từ phạm vi cá nhân, gia đình riêng tư đến cộng đoàn, Giáo Hội và cộng đồng xã hội. ‘‘Nết chịu thương chịu khó’’ thể hiện phần nào phẩm giá người nữ, mà Giáo hội cũng như nhiều quốc gia trên thế giới muốn tôn trọng, bảo vệ. Đó là phần vụ chung nhưng cũng chính là trách nhiệm của riêng người nữ.

Tại hải ngoại bây giờ sống giữa nhiều sắc dân và các nền văn hóa hiện diện bên nhau, ảnh hưởng giao thoa, tiệm tiến pha trộn. Người nữ sống đời hôn nhân dường như thiếu thì giờ vì phải chu toàn nhiều vai trò, nên rất cần được thông tin, giảng giải... để suy nghĩ về các trào lưu nhân danh tự do, tiến bộ, bởi vì không phải lúc nào các kiến thức trần gian cung ứng cũng như các khía cạnh của mọi nền văn hóa đều luôn phản ảnh đúng thật đức tin công giáo. Đồng thời cũng để thấy lại phẩm giá đích thực của mình, để định hướng, dìu dẫn con cái nhìn các vấn đề xã hội dưới ánh sáng Phúc Âm, theo giá trị nhân bản nhằm bảo vệ và thăng tiến con người mà Giáo Hội chủ xướng.

Thông qua đời sống gia đình, cộng đoàn, chức nghiệp... đã thấy vai trò nữ giới và cảm nghiệm được sự hiện diện căn bản của họ song song với nam giới trong tiến trình phát triển Giáo Hội và xã hội.

Phụ nữ Việt Nam ở hải ngoại có lẽ ý thức được giới hạn và do hoàn cảnh đặc biệt của cộng đoàn, nên chỉ tiếp tục góp phần xây dựng, linh-động-hóa các ban nhóm, đoàn thể phong trào... Nhưng đó là sự hiện diện không thể thiếu vắng, là bước khởi đầu thông hiệp với Giáo Hội, là sống đức tin.

Có đức tin là nhận biết Chúa. Làm cho người nhận biết Chúa là làm tông đồ. Lời kêu mời càng cấp thiết trong hiện cảnh nhân loại bất an. Và ‘‘chứng nhân Chúa Kitô trong ngàn năm mới’’ vẫn là men ủ bột, là muối đất, là ánh sáng (Mt 5, 13-14) là mẫu mực dấn thân toàn diện, là niềm kỳ vọng khôn nguôi của Giáo Hội gởi gắm cho mọi tín hữu, trong đó có nữ giới giữa lòng quê hương cũng như rải rác tha phương khắp mặt địa cầu. Xây dựng con người vì thế bao giờ cũng là công việc hàng đầu, thông qua gia đình mà nữ giới nặng mang, nhưng cũng là trách nhiệm liên đới của những ai thiết tha lo toan cho nhân quần xã hội, là vấn đề của hiện tại và tương lai muôn thuở. (Giaoxuvnparis.org)

Tài liệu tham khảo :

La Contribution de la femme à la vie de l’Eglise (Mme Aránzazu Aguado)

Les Fidèles Laĩcs (Exhortation apostolique de Jean Paul lI)