Ngày 1 tháng Năm năm nay sẽ là ngày đặc biệt đối với 74 triệu dân của 8 nước Trung Âu cùng với Cyprus và Malta.

Đây là ngày trước mắt họ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, từ đi lại tự do cho tới tìm công ăn việc làm tại các quốc gia Châu Âu giàu có hơn.

Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg

Với việc chính thức trở thành thành viên của EU, 10 quốc gia này trong đó bao gồm các nước cộng sản cũ như Ba Lan, Hungary, Bungari, Rumani sẽ phải chấp nhận luật Châu Âu sẽ ở thế thượng phong so với luật lệ quốc gia, quy luật về thị trường chung Châu Âu sẽ thay thế các chính sách hải quan của từng nước.

Ngoài ra các cơ quan EU sẽ có quyết định cuối cùng về một loạt các vấn đề từ chính sách cạnh tranh cho tới phân biệt đối xử tại công sở.

Với mười thành viên mới, EU sẽ có cả thảy 25 nước thành viên với tổng dân số 455 triệu dân.

Họ sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất trên thế giới và các chính trị gia hy vọng kích thước của thị trường sẽ thúc đẩy kinh tế thêm phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và gia tăng sự ảnh hưởng của Châu Âu với thế giới nói chung.

Trên thực tế, các nước thành viên mới và các nước sáng lập ra EU đã chuẩn bị cho ngày mở rộng EU từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Trong hơn một thập kỷ qua, các quốc gia cựu cộng sản ở Châu Âu đã có nhiều thay đổi và về kinh tế khu vực tư nhân đã ngày càng có vai trò quan trọng.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ, các chuyên gia nói rằng những thành viên mới của Châu Âu vẫn có nhiều lợi thế.

Hiệu suất lao động của các quốc gia này khá cao trong khi thuế suất và các vấn đề xuyên biên giới đang biến mất cùng với việc gia nhập EU.

Thế nhưng thực sự hòa nhập vào EU cũng không phải là chuyện một sớm một chiều và như kinh nghiệm của các nước đi trước thì còn phải mất nhiều năm nữa các thành viên mới mới có thể đóng vai trò thành viên EU thực thụ. (BBC)