IRIN, văn phòng Liên Hiệp Quốc về điều hợp nhân đạo đã hoan nghênh những sáng kiến độc đáo do các vị lãnh đạo tôn giáo tại Cộng hòa Trung Phi (CAR) đưa ra.

Trong một Báo cáo được gửi từ Bangui, IRIN cho hay xã hội dân sự và các tổ chức tôn giáo ở nước này đang làm việc để tái xây dựng niềm tin và sự hòa hợp trong một đất nước đầy hận thù sắc tộc và tôn giáo kể từ khi lật đổ Tổng thống François Bozizé vào tháng 3 năm 2013.

Các tác động thực sự trong kế hoạch hòa giải dân tộc của chính phủ lâm thời Cộng hòa Trung Phi của Tổng thống Catherine Samba Panza chưa mang lại hiệu quả và bạo lực vẫn tiếp diễn ở Cộng hòa Trung Phi. Các giai đoạn hòa giải được mở rộng gần đây sẽ chính thức kết thúc vào tháng 8 năm 2015 với hy vọng cuộc bầu cử có thể được tổ chức.

Giai đoạn chuyển tiếp ở Cộng hòa Trung Phi đặt hòa giải và đối thoại như là mục tiêu cho cộng đồng và giới lãnh đạo chính trị, cũng như thành lập một ủy ban hòa giải. Bộ trưởng hòa giải dân tộc đã được bổ nhiệm; một chương trình phát thanh hàng ngày về hoà giải cũng đã vận hành vài tháng qua và các biển hiệu với những thông điệp hòa giải cũng xuất hiện trên đường phố thủ đô Bangui. Những sáng kiến này đã huy động được các vị lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức xã hội dân sự cùng làm việc cho hòa bình.

Sébastien Wenezoui, cựu lãnh đạo tổ chức anti-Balaka và Ousmane Abakar, phát ngôn viên của cộng đồng Hồi giáo của đất nước này mới đây đã thành lập một đảng chính trị. Wenezoui nói rằng: "Đã đến lúc để đưa Trung Phi, cựu phiến quân Seleka và anti- Balaka vào con đường hòa bình và tái thiết Cộng hòa Trung Phi".

Vào đầu năm nay, Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga của Bangui, đã dẫn dắt một diễn đàn liên tôn bao gồm người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo Imam Omar Kobine Layama và vị lãnh đạo Nicolas Grekoyame Gbangou của Liên minh Tin Lành. Diễn đàn liên tôn đã tổ chức các cuộc họp mặt cầu nguyện thường xuyên cùng các buổi họp mặt khác để thảo luận về hòa bình và hòa giải.

Vào tháng Sáu năm ngoái, Diễn đàn đã đưa ra "chiến dịch liên tôn vì sự gắn kết xã hội" vẫn còn đang tiếp diễn. Chiến dịch này được phát họa nhằm thu hẹp những chia rẽ trong nước. Diễn đàn liên tôn cũng tổ chức tuần lễ cầu nguyện và đối thoại văn hóa sau hai tháng hoạt động gắn kết xã hội. Hơn 400 vị lãnh đạo tôn giáo đã được huấn luyện để khích lệ hòa giải.

Đức Tổng Giám mục Nzapalainga cho biết: "Vai trò của các vị lãnh đạo chúng tôi là đưa ra con đường phía trước, không phải con đường man rợ và giết chóc, nhưng con đường của tình huynh đệ, sự tha thứ, hiệp nhất và hòa giải". Đức Tổng Giám mục cũng là người đã che chở vị lãnh đạo Hồi giáo Imam Layama trong nhiều tháng vào năm 2013 sau khi ông bị buộc phải trốn khỏi nơi trú ngụ của mình.

Tuy nhiên, bạo lực vẫn tiếp tục ở nhiều nơi trên đất nước. Mới đây, Đức Tổng Giám mục Nzapalainga và một số giáo dân đã đến thăm một doanh trại giam giữ hàng ngàn cựu phiến quân Seleka. Một vài ngày trước đó, các cựu phiến quân Seleka đã có đã phản đối để yêu cầu chính phủ cải thiện điều kiện sống cho họ.

Tổng giám mục nói rằng "Các nhà thờ đang tổ chức các hoạt động để người Hồi giáo và Kitô hữu cùng nhau làm việc để gắn kết xã hội". Với sự khích lệ của ngài, những người Hồi giáo tản cư đã được đưa đến nơi trú ẩn tại các giáo xứ khác nhau trên khắp đất nước Trung Phi.