Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 24 Tổng Giám Mục chính tòa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và trao dây Pallium cho 24 vị Tổng Giám Mục chính tòa, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn.

24 vị Tổng Giám Mục đến từ 22 quốc gia, trong đó có 6 vị từ Á châu là Việt Nam, Ấn độ, Pakistan, Indonesia, 2 vị Philippines. Từ Mỹ có Đức Cha Leonard Paul Blair, Tổng Giám Mục giáo phận Hartfort.

Ngoài ra, còn có 3 vị Tổng Giám Mục không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

Đồng tế thánh lễ có 50 Hồng Y, 70 Giám Mục và 350 Linh mục tất cả đều trong phẩm phục màu đỏ, cùng với trên 8 ngàn tín hữu.

Ở chỗ danh dự trước bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức Tổng Giám Mục John Zizioulas hướng dẫn.

Nơi hông bên phải Đền thờ, tượng thánh Phêrô bằng đồng đen được mặc phẩm phục là áo choàng mầu đỏ, theo một thói quen rất cổ kính.

Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, và ca đoàn “Mẹ Giáo Hội” ở Roma.

Nghi thức trao dây Pallium

Nghi thức trao dây Pallium thật đơn sơ và diễn ra vào đầu thánh lễ. 4 Phó tế xuống mộ Thánh Phêrô để mang 27 dây Pallium lên cạnh bàn thờ chính để ĐTC chuẩn bị làm phép.

Đức Hồng Y Renato Martino, tân Trưởng Đẳng Phó Tế, giới thiệu các vị Tổng Giám Mục chính tòa lên Đức Thánh Cha và xin ngài trao dây Pallium cho các vị.

Kế đến các Tổng Giám Mục tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Đấng Kế vị hợp pháp.

Đức Thánh Cha đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo Hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân Tổng Giám Mục, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

Đức Thánh Cha cũng đọc công thức trong đó có đoạn nói rằng: “Ước gì giây Pallium này, đối với anh em, là biểu hiệu sự hiệp nhất và là dấu chỉ sự hiệp thông với Tòa Thánh, là mối giây bác ái và là một khích lệ can đảm mạnh mẽ để trong ngày Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, vua của các Mục Tử, đến và tỏ hiện, anh em cùng với đoàn chiên được ủy thác cho anh em, có thể được mặc lấy áo của sự bất tử và vinh quang”.

Tiếp đến từng vị tân TGM tiến lên quỳ trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho.

Hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy là Đức Thánh Cha Phanxicô đang trao dây Pallium cho Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc là Tổng Giám Mục Sàigòn

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục Ilsonde Jesus Montanari, người Brazil, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ĐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị Tổng Giám Mục vắng mặt, đó là các vị Tổng Giám Mục giáo phận Lilongwe bên Malawi Phi châu, Mandaly bên Myanmar và Đức Cha Stepan Burger, thụ phong Tổng Giám Mục cùng ngày hôm qua ở Freiburg im Breisgau bên Đức, nên không thể đến dự.

Bài giảng Thánh Lễ trao dây Pallium

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha quảng diễn sự kiện thánh Phêrô được Chúa giải thoát khỏi mọi sợ hãi và ngài mời gọi các vị Mục Tử và tín hữu tín thác và theo Chúa.

Ngài nói:

Trong ngày lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng chính của Roma, chúng ta vui mừng và biết ơn đón tiếp Phái đoàn do Đức Thượng Phụ đại kết, người anh em đáng kính và quí mến Bartolomeo gửi đến, và được Đức Tổng Giám Mục Ioannis hướng dẫn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho cuộc viếng thăm này có thể củng cố các mối giây huynh đệ của chúng ta trong hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội anh em, mà chúng ta rất mong ước.

“Chúa đã sai thiên thần của Ngài và giải thoát tôi khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12,11). Vào đầu sứ vụ của Phêrô trong cộng đồng Kitô ở Jerusalem, vẫn còn một sự sợ hãi lớn vì những bách hại của vua Hêrôđê chống lại một số thành phần của Giáo Hội. Thánh Giacôbê đã bị giết và giờ đây chính thánh Phêrô cũng bị cầm tù để làm hài lòng dân chúng. Trong khi thánh nhân bị giam trong ngục và bị xiềng xích, Người nghe tiếng thiên thần nói: 'Hãy đứng lên! .. thắt lưng và đi dép vào... mặc áo và theo tôi!” (Cv 12,7-8). Xiềng xích rơi xuống và cửa nhà tù tự động mở ra. Phêrô nhận thấy rằng mình được Chúa giải thoát khỏi sợ hãi và xích xiềng. Đúng vậy, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi và mọi xiềng xích để chúng ta có thể thực sự tự do. Buổi lễ hôm nay diễn tả thật rõ thực tại ấy với những lời trong điệp khúc trong thánh vịnh đáp ca: ”Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi sợ hãi”.

Đây là vấn đề đối với chúng ta ngày nay: sợ hãi và những nương náu mục vụ.

Anh em Giám Mục thân mến, tôi tự hỏi: chúng ta có sợ hãi hay không? Chúng ta sợ cái gì? và nếu có sợ thì đâu là nơi nương náu chúng ta tìm kiếm trong đời sống mục vụ để được an toàn chắc chắn? Phải chăng chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của những người quyền lực trần thế? Hoặc chúng ta để cho mình bị lừa đảo vì kiêu ngạo tìm kiếm những thỏa mãn và ca tụng, tuyên dương, và chúng ta tưởng sẽ được an toàn như thế? Chúng ta đặt an ninh của chúng ta ở đâu?

Đức Thánh Cha nói tiếp:

“Chứng từ của thánh Phêrô Tông Đồ nhắc nhở chúng ta rằng nơi nương náu đích thực của chúng ta là lòng tín thác nơi Thiên Chúa: lòng tín thác ấy đẩy xa mọi sợ hãi và làm cho chúng ta được giải thoát khỏi mọi nô lệ và cám dỗ trần tục. Ngày nay, GM Roma và các GM khác, đặc biệt là các vị TGM đã nhận dây Pallium, cảm thấy được gương của thánh Phêrô gọi hỏi hãy kiểm chứng lòng tín thác nơi Chúa.

Thánh Phêrô tìm lại được niềm tín thác khi Chúa Giêsu ba lần nói với Người: “Hãy chăn các chiên của Thầy” (Ga 21.15.16.17). Và đồng thời, thánh nhân, Simon, ba lần tuyên xưng lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, qua đó thánh nhân chữa lành ba lần chối Chúa trong cuộc khổ nạn. Phêrô còn cảm thấy bị thiêu đốt trong tâm hồn vì vết thương làm cho Chúa đau buồn trong đêm phản bội. Giờ đây Chúa hỏi thánh nhân: “Con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô không tín thác nơi bản thân và sức riêng của mình, nhưng nơi Chúa Giêsu và lòng từ bi của Ngài: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con rất mến Thầy” (Ga 21.17). Và thấy là sợ hãi, tình trạng bất an và nhút nhát biến mất.

“Phêrô đã nghiệm thấy rằng lòng trung tín của Thiên Chúa lớn hơn những bất trung của chúng ta và mạnh mẽ hơn những chối bỏ của chúng ta. Người nhận thấy rằng lòng trung tín của Chúa xua tan sợ hãi của chúng ta và vượt lên trên mọi tưởng tượng của con người. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta: ”Con có mến Thầy không?” Chúa hỏi như thế vì Ngài biết những sợ hãi và cơ cực của chúng ta. Phêrô chỉ đường cho chúng ta: hãy tín thác nơi Chúa, Đấng 'biết mọi sự' về chúng ta, Chúa tin tưởng không phải nơi khả năng trung thành của chúng ta đối với Ngài, nhưng về lòng trung tín không thể lay chuyển của Ngài. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Ngài không thể chối bỏ chính mính (Xv 2 Tm 2,13). Lòng trung tín - mà Thiên Chúa không ngừng khẳng định cả với các Mục Tử chúng ta, vượt lên trên những công trạng của chúng ta, - chính là nguồn mạch lòng tín thác và an bình của chúng ta. Lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta luôn khơi lên nơi chúng ta ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em trong tình bác ái.

Tình yêu của Chúa Giêsu phải đủ cho Phêrô. Thánh nhân không được chiều theo cám dỗ tò mò, ghen tương, như khi thấy Gioan ở cạnh, thánh nhân hỏi Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, anh ấy sẽ ra sao?” (Ga 21,21). Chúa trả lời Phêrô: ”Điều ấy có hệ gì đến con? Phần con hãy theo Thầy” (Ga 21,22).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Hỡi các anh em TGM quí mến, kinh nghiệm này của Phêrô là một sứ điệp quan trọng cho cả chúng ta ngày nay. Hôm nay Chúa cũng lập lại với tôi, với anh em, và với tất cả các Mục Tử: Hãy theo Thầy! Đừng mất thời giờ trong những câu hỏi hoặc những chuyện tầm phào vô ích; đừng dừng lại ở những điều phụ thuộc, nhưng hãy nhìn điều cốt yêu và theo Thầy. Hãy theo Thầy mặc dù có những khó khăn. Hãy theo Thầy trong việc rao giảng Tin Mừng. Hãy theo Thầy trong cuộc sống chứng tá tương ứng với hồng ân phép rửa tội và truyền chức thánh. Hãy theo Thầy khi nói về Thầy với những người anh em đang sống, ngày qua ngày, trong những cơ cực của công việc, đối thoại và tình thân hữu. Hãy theo Thầy trong việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhất là những người rốt cùng, để không một ai bị thiếu Lời Sự Sống, giải thoát khỏi mọi sợ hãi và mang lại lòng tín thác nơi lòng trung tín của Thiên Chúa”.

Các lời nguyện giáo dân đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Nga, Bồ đào nha, tiếng Hoa, Pháp, và tiếng Yoruba ở miền tây nam Nigeria và tây Phi châu, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tân Tổng Giám Mục nhận dây Pallium, cho các dân tộc trên trái đất và các nhà cầm quyền, người nghèo, bệnh nhân, những người lẻ loi và đau khổ, sau cùng là cho toàn thể các tín hữu Kitô.

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 40 phút và kết thúc lúc 11 giờ 10, với bài ca: “Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa:

Đức Thánh Cha đã cùng với vị Tổng Giám Mục trưởng Phái đoàn chính thống Constantinople xuống cầu nguyện trước tại Mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ và trước tượng thánh nhân bên hông Đền Thờ.

Sau đó, ngài về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

2. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Tòa Thượng phụ Đại kết

Theo một truyền thống đã có từ lâu, Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople đã gởi một phái đoàn sang Rôma để mừng lễ trọng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, được cử hành vào ngày 29 tháng Sáu.

Hôm thứ Bẩy 28 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn do Đức Tổng Giám Mục Zizioulas dẫn đầu. Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha đã nhắc lại cuộc hành hương mà ngài đã chia sẻ với Đức Thượng phụ Đại kết Barthôlômêô tại Thánh Điạ vào tháng trước và buổi cầu nguyện chung của hai vị sau đó tại Vatican với hai vị tổng thống Israel và Palestine.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúa ban cho chúng ta những dịp gặp gỡ huynh đệ, trong đó chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương hiệp nhất chúng ta trong Chúa Kitô, và canh tân khát vọng chung của chúng ta được đồng hành cùng nhau trên con đường hiệp nhất trọn vẹn".

"Chúng ta biết rất rõ rằng sự hiệp nhất này là một ân sủng của Thiên Chúa, một ân sủng mà ngay cả bây giờ Đấng Cực Cao Cực Trọng đang ban cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được bất cứ khi nào, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta lựa chọn để nhìn nhau với con mắt đức tin và để nhìn nhận sự thật về chính mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, theo thánh ý đời đời của Ngài, chứ không phải theo như những gì chúng ta đã trở nên như hệ quả của lịch sử tội lỗi của chúng ta".

"Nếu tất cả chúng ta có thể học hỏi, và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, để nhìn nhận nhau trong Chúa Kitô, con đường của chúng ta sẽ bằng phẳng và sự hợp tác của chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày mà từ lâu nay đã kết hiệp chúng ta với nhau rất vui vẻ."

Trong bài đáp từ, Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo John Zizioulas của Pergamo, người đứng đầu đoàn đại biểu, bày tỏ "sự cam kết đầy đủ thúc đẩy các cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội trong tinh thần yêu thương, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau."

Ngài chỉ ra rằng Ủy Ban Quốc Tế Đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống sẽ gặp nhau trong tháng Chín này nhằm tiếp tục thảo luận về vấn đề quyền bính Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội.

"Đó là một vấn đề khó khăn nhưng với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hy vọng sẽ thực hiện được những tiến bộ," Đức Cha Zizioulas nói:

"Cách thức Đức Thánh Cha am hiểu và áp dụng quyền tối thượng của Giáo Hoàng đem lại nguồn cảm hứng và hy vọng trong những nỗ lực của chúng tôi để đạt được những thỏa thuận về vấn đề gai góc này."

3. Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới "không nhắm mắt lại" với thực tại gia đình ngày nay

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng ngày 26 tháng Sáu, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, đã giới thiệu Instrumentum Laboris, tức là tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ nhóm họp từ mùng 5 đến ngày 19 tháng 10 tới đây. Tài liệu này dài hơn 60 trang đúc kết các câu trả lời theo bản 39 câu hỏi đã được gởi đến các cộng đoàn dân Chúa hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh cũng có Đức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục Esztergom - Budapest, là Tổng tường trình viên, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Chủ tịch thừa ủy và Đức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục giáo phận Chieti-Vasto, Italia, Tổng thư ký đặc biệt của Bruno Forte Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần này.

Đức Cha Bruno Forte nói rằng chủ đề của Thượng Hội Đồng lần này là “Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng” trong đó Giáo Hội có ý định mạnh dạn giải quyết tất cả những gì ảnh hưởng đến gia đình ngày hôm nay.

"Nét đặc trưng của văn bản này là việc gắn kết với những thực tại trong tất cả sự đa dạng và phức tạp của chúng và, do đó, tôi có thể nói rằng đây là một văn bản nghiêm túc và là một văn bản trung thực không nhắm mắt lại trước vấn đề nào, dù cho vấn đề đó gay góc hay khó chịu đến mức nào đi nữa. "

Nhận xét của Đức Hồng Y Peter Erdoe

Tài liệu này đối diện với những vấn đề chẳng hạn như các cặp vợ chồng ly dị rồi tái hôn, những kết hợp dân sự không có phép đạo, người đồng tính, việc chuẩn bị hôn nhân và tình trạng của các bà mẹ độc thân.

Đức Hồng Y Peter Erdoe của Hung Gia Lợi là Tổng Tường Trình Viên nói:

"Đây là một vấn đề xã hội và mục vụ quan yếu. Giáo Hội phải đáp trả trước việc ngày càng có nhiều những bà mẹ không phải là họ ly dị nhưng hoàn cảnh dẫn đến thực tại là họ phải giáo dục con cái của họ một mình. Chúng ta thường nói ‘Đừng bỏ rơi những người đang trong trường hợp khẩn thiết’. Đây thực sự là một thách đố đối với xã hội, đặc biệt là đối với Giáo Hội. "

Nhận xét của Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri

Để đối phó với những tình huống khó khăn, tài liệu đề xuất phải đối xử với những người này với lòng thương xót.

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới nhận xét:

"Một chương trình mục vụ có khả năng trao ban lòng thương xót mà Chúa ban cho tất cả mọi người cách nhưng không là điều cần thiết. Vì thế, vấn đề hệ tại ở chỗ là ‘đề xuất, chứ không áp đặt; đồng hành, nhưng không áp lực; mời gọi, chứ không xua đuổi; lo lắng quan tâm và không bao giờ tuyệt vọng. "

Cái nhìn sâu sắc này vào các vấn đề của gia đình không chỉ đặt trên vai các nghị phụ của thượng hội đồng. Các gia đình cũng phải biết nói lên những vấn đề của họ, khát vọng của họ và hy vọng của họ.

Nhận xét của một phụ nữ giáo dân

Nhận xét về tài liệu làm việc này, Pina DE Simone, một phụ nữ và là một người mẹ, nói:

"Văn bản này không phải là một luận án trừu tượng. Đây là một văn bản rõ ràng, cả trong cấu trúc của nó cũng như trong ngôn ngữ của nó. Nó không chỉ dành cho các nghị phụ là những người làm việc trên tài liệu đó, thậm chí nó không chỉ giới hạn trong phạm vi các tín hữu Công Giáo. Tài liệu này dành cho tất cả mọi người. Đó là một văn bản trong đó thực tại cuộc sống được phản ánh rõ rệt. Đây là một văn bản mà từ đó tỏa ra những hy vọng ".

Giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội Đồng của gia đình sẽ bắt đầu vào ngày 05 tháng mười năm 2014. Tòa Thánh đã đưa ra một lời mời gọi đến tất cả người Công Giáo hiệp nhất trong ngày 28 tháng 9 để cầu nguyện cho những thành quả của Thượng Hội Đồng, trong những cuộc thảo luận có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của gia đình.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Syria, Iraq và Ukraine

Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên của ROACO, một ủy ban quốc tế cung cấp những hỗ trợ tài chính cho các Giáo Hội Đông Phương. Trong số các thành viên, đã có nhiều đại diện của các quốc gia đang phải đối mặt với các cuộc xung đột đang diễn ra, chẳng hạn như Syria và Ukraine.

Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi hòa bình. Ngài đã nhắc lại buổi cầu nguyện cùng với tổng thống Israel và Palestine vào ngày 08 tháng 6 vừa qua.

Đức Thánh Cha nói:

"Các cây ô liu mà tôi trồng trong vườn cùng với Thượng Phụ thành Constantinople, tổng thống Israel và Palestine Vatican, là một biểu tượng của hòa bình là điều chỉ có thể chắc chắn và lâu dài khi nó được trồng bởi nhiều tay."

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các Kitô hữu sống ở Syria, Iraq và Ukraine. Ngài yêu cầu các thành viên ROACO tiếp tục "nuôi dưỡng hòa bình" và nỗ lực hơn trong công việc của họ.

Ngài nói:

"Với tình hiệp nhất và lòng bác ái các môn đệ Chúa Kitô phấn đấu để kiến tạo hòa bình ở khắp mọi nơi, trong tất cả các dân tộc và cộng đồng, và gắng sức vượt qua các hình thức phân biệt đối xử triền miên, bắt đầu với những phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Francis cảm ơn các vị đã nỗ lực khôi phục "nhân phẩm và an ninh" cho người tị nạn, cũng như đề cao việc tôn trọng bản sắc tôn giáo và tự do của họ.

5. Đức Giáo Hoàng nói với các nhà thiên văn học trẻ: "Đức tin làm phong phú thêm lý trí"

Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên của khóa học mùa hè của trường Vật lý thiên văn do Đài quan sát Vatican tại Cung điện Giáo hoàng Castel Gandolfo tổ chức.

25 sinh viên từ 23 quốc gia đã trải qua gần một tháng tại Castel Gandolfo để nghiên cứu các thiên hà. Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nêu bật gương sáng họ đưa ra cho thế giới.

Ngài nói:

"Trong gần một tháng nay, anh chị em đã dành riêng không chỉ để nghiên cứu các thiên hà, theo hướng dẫn của giáo sư là các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng cũng để chia sẻ truyền thống văn hóa và tôn giáo của anh chị em. Bằng cách này, anh chị em đã đưa ra một chứng tá ấn tượng về đối thoại và sự cùng tồn tại hài hòa. "

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở họ về mối quan hệ giữa, khoa học, lý trí và đức tin. Ngài cho biết Giáo Hội đối thoại với Khoa Học từ đức tin, để làm cho lý trí phong phú và mở rộng tầm nhìn của nó.

Đức Thánh Cha mời gọi họ chia sẻ những kiến thức mà họ đã nhận được. Ngài nói rằng chỉ có một "phần rất nhỏ" của dân số thế giới có được cơ hội như họ.

Đức Thánh Cha nói:

"Những người nam nữ ở khắp mọi nơi cần phải có quyền truy cập vào những nghiên cứu và đào tạo khoa học. Hy vọng một ngày kia tất cả người dân sẽ có thể tận hưởng những lợi ích của khoa học là một khích lệ đối với tất cả chúng ta."

Đức Thánh Cha giải thích rằng khoa học mở rộng trái tim và tâm trí cho những câu hỏi lớn vương vấn trong lòng người. Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này là một bước tiến gặp gỡ Thiên Chúa.

6. Đức Thánh Cha kêu gọi lòng trắc ẩn và hòa bình sau cái chết của ba thiếu niên Israel tại khu vực Tây Ngạn

Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài chia sẻ "nỗi đau khôn tả" của gia đình ba thanh thiếu niên Israel bị giết tại khu vực Tây Ngạn, cũng như những "nỗi đau của tất cả mọi người bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của sự thù hận." Ngài tha thiết xin Thiên Chúa "linh hứng lòng trắc ẩn và hòa bình trong mọi ý nghĩ. "

Ba học sinh, Eyal Yifrah, Gilad Shaar và Naftali Fraenkel, đã biến mất vào ngày 12 khi họ đi nhờ xe ở khu vực phía nam của Tây Ngạn sông Jordan. Quân đội Israel đã tìm thấy thi hài của họ vào hôm thứ Hai 30 tháng 6, gần thành phố Hebron.

Trong một tuyên bố, Vatican đã lên án những kẻ gây những cái chết "khủng khiếp và bi đát" này, xem đó như là một hành động "hèn hạ và không thể chấp nhận được." Hành động này là một "trở ngại rất nghiêm trọng đối với hòa bình mà chúng ta đang phải tiếp tục không mệt mỏi dấn thân xây dựng, và là điều chúng ta phải tha thiết cầu nguyện. "

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi hòa bình và sự kềm chế những phản ứng, bởi vì "bạo lực lại gây thêm bạo lực và tăng thêm vòng xoáy chết chóc của hận thù."

7. Nơi các vị tử đạo Kitô giáo thời hiện đại được vinh danh tại Rome

Trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Thánh Địa, ngài cho biết ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong những ngày đầu của Kitô Giáo.

Vương Cung Thánh Đường Thánh Barthôlômêô chứng minh điều đó. Đền thờ này có sáu bàn thờ để tôn vinh cuộc sống của những người Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo đã bị giết, trong những thập kỷ gần đây, vì đức tin của họ.

Trên những bàn thờ này ta có thể thấy tràng chuỗi Mân Côi của Zeferino Giménez Malla, là người Gypsy đầu tiên được phong thánh; hay cuốn Kinh Thánh của Shabaaz Bhatti một vị bộ trưởng Kitô Giáo Pakistan, là người đã bị giết vì bảo vệ quyền lợi của các nhóm tôn giáo thiểu số.

Trên bàn thờ dành riêng cho các vị tử đạo đã chết dưới bàn tay của Đức quốc xã, ta có thể tìm thấy những lá thư được viết bởi các Kitô hữu, những người đã cố gắng liên lạc với gia đình mình trong tuyệt vọng.

Cha Francesco Tedeschi thuộc Vương Cung Thánh Đường Thánh Barthôlômêô nói:

"Nói cụ thể, chúng tôi có lá thư của Paul Schneider, một mục sư Tin Lành, đã viết trước khi chết trong nhà tù Buchenwald. Ông đã bị giết chết vì bất chấp lệnh cấm của quân Đức, ông vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng."

Trên bàn thờ dành riêng cho các vị tử đạo đã bị giết theo lệnh của chế độ cộng sản, là thánh tích của linh mục Ba Lan, Jerzy Popieluzsko, người đã bị bắt cóc và bị sát hại bởi mật vụ cộng sản vào năm 1984.

Ngoài ra còn có một bàn thờ dành riêng cho các vị tử đạo Mỹ châu Latinh.

Cha Francesco Tedeschi cho biết thêm chi tiết:

"Đó là một bàn thờ đẹp, vì trong đó, chúng ta thấy cuốn Sách Lễ của Đức Cố Tổng Giám mục Romero, người El Salvador, là người đã bị giết chết trong cuộc nội chiến trên đất nước này. Tiếp theo Sách Lễ của Đức Tổng Giám Mục Romero là chiếc gậy Giám Mục của Đức Hồng Y Posadas Ocampo, Tổng Giám Mục Guadalajara, người đã bị giết ở Mexico. "

Việc tôn vinh các vị tử đạo đã được đề cao dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người vào năm Thánh 2000, đã thiết lập một ủy ban mới nhằm điều tra và tôn vinh hạnh tích của các vị tử đạo và thông báo rằng ngôi đền thờ này sẽ được dùng để tôn vinh các vị tử đạo.

Cộng đồng Thánh 'Egidio, được giao coi sóc Vương Cung Thánh Đường này, tiếp tục cùng với ủy ban lấy lời khai về các vị tử đạo Kitô giáo, những người đã chết vì đức tin của họ.

8. Đức Thánh Cha kêu gọi đối thoại trong cuộc xung đột tại Iraq

Sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã tái lên tiếng kêu gọi hòa bình và đối thoại tại Iraq.

Ngài nói:

"Điều không may là các tin tức đến từ Iraq rất đau đớn. Tôi hiệp ý với các giám mục của đất nước này trong lời kêu gọi gởi đến các chính phủ, là chỉ thông qua đối thoại, mới có thể bảo vệ sự thống nhất quốc gia và tránh được chiến tranh."

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ mối quan tâm của mình với những người tị nạn ở Iraq: "Tôi gần gũi trong tinh thần với hàng ngàn gia đình, đặc biệt là những gia đình Kitô giáo, những người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ và đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng."

"Bạo lực nẩy sinh bạo lực. Đối thoại là cách duy nhất cho hòa bình."

Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu trên thế giới hướng về Đức Trinh Nữ Maria: "Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria xin Mẹ phù giúp người dân Iraq."

Tại Iraq, giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani của Hồi Giáo Shiite, lên tiếng kêu gọi người Hồi Giáo Shiite chống lại quân khủng bố ISIS theo Hồi Giáo Sunni. Áp lực đè nặng lên thủ đô Baghdad có phần dịu lại sau khi quân Iraq mở cuộc tấn công chiếm lại được phiá Nam thành phố Tikrit là quê hương của Saddam Hussein.

Tuy nhiên, tình hình tại Syria lại trở nên tồi tệ hơn sau khi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS chiếm được nhiều phương tiện chiến tranh quan trọng kể cả xe tăng và trực thăng của Mỹ do quân Iraq bỏ lại trên đường tháo chạy.

Hơn 90% của người dân Qaraqosh, một thành phố lớn ở Syria với hơn 40,000 dân đa số là Công Giáo, đã phải bỏ trốn sau khi ISIS chiếm được thành phố này.

Đến nay, bọn khủng bố Al Qaeda đã chiếm được khoảng một phần tư lãnh thổ Syria và một phần ba lãnh thổ Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Youhanna Boutros Moshe, là một trong số ít người vẫn còn trong thành phố, nói với hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 27 tháng 6 rằng ngài kêu gọi "lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới, các tổ chức quốc tế và tất cả mọi người thiện chí: cần thiết phải can thiệp ngay lập tức để chấm dứt sự suy thoái của tình hình."

"Mỗi giờ, mỗi ngày qua đi, có thể làm cho tất cả không thể phục hồi lại được nữa. Không hành động sẽ trở thành đồng lõa với tội phạm và lạm dụng quyền lực. Thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước những bi kịch của những người chỉ có vài tiếng đồng hồ để chạy trốn khỏi nhà cửa của họ chẳng mang theo được gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người."

9. Đức Thánh Cha tiếp tân quốc vương và hoàng hậu Tây Ban Nha

Hôm 30 tháng 6, Đức Thánh Cha đã tiếp tân quốc vương mới của Tây Ban Nha là vua Felipe và hoàng hậu Letizia.

Vua Felipe đã hóm hỉnh lặp đi lặp lại một câu nói mà chính Đức Giáo Hoàng đã nói với cha mình, là vua Juan Carlos, khi nhường cho nhà vua đi trước: "Chú bé giúp lễ luôn luôn đi đầu"

"Phụ hoàng đã nói với nhà vua câu nói đó à."

Đức Thánh Cha, nhà vua và hoàng hậu đã gặp riêng trong 40 phút. Đức Thánh Cha đã cám ơn vua Felipe và hoàng hậu Letizia đã ghé thăm ngài chỉ vài ngày sau khi đăng quang. Ngài cũng nói chuyện với họ về "tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước vì lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội Tây Ban Nha."

Sau đó, nhà vua đã giới thiệu với Đức Giáo Hoàng đoàn tùy tùng của mình, bao gồm cả bác sĩ và bốn vệ sĩ.

Vua và hoàng hậu đã tặng Đức Giáo Hoàng cuốn sách của linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha là cha Baltasar Gracian, "The Art of Wisdom Wordly." Phiên bản gốc được giữ ở Á Căn Đình.

Trước khi từ biệt nhà vua đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Tây Ban Nha.

10. Điện Quirinale được mở cho dân chúng tham quan trực tuyến

Quirinale được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ Tám xây vào năm 1583 như là biệt điện Mùa Hè nhưng đã không thể hoàn thành trước khi ngài qua đời vào năm 1585. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Ngũ đã hoàn tất công trình này và đã dùng trong các công nghị Hồng Y 1823, 1829, 1831 và 1846 trước khi được dùng làm văn phòng của chính quyền nước Tòa Thánh. Tháng 9 năm 1870, nước Tòa Thánh bị Ý đánh bại, Rôma trở thành kinh đô của Ý và tòa nhà này đã bị tịch thu làm dinh thự các Vua của Ý trước khi trở thành dinh Tổng Thống như hiện nay.

Dinh Quirinale Palace là một trong những kiến trúc quan trọng nhất ở Rôma. Gần như tất cả các kiến trúc sư danh tiếng của Ý từ thứ 16 đến thế kỷ 18 đều đã có những đóng góp cho dinh thự này.

Đây cũng là nơi bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất, thảm trang trí và một bộ sưu tập đầy ấn tượng của các đồ thủ công làm bằng đất sét đã được thu thập bởi các vị Giáo Hoàng.

Bên trong phòng ngủ của Đức Giáo Hoàng, ẩn trong các màn cửa là một cánh cửa ẩn dẫn đến một phòng nhỏ bên trong một nhà nguyện.

Tất cả những chi tiết này giờ đây có thể được thưởng ngoạn trực tuyến, nhờ vào một tour du lịch ảo 3D. Chương trình mang lại cho người dùng một cái nhìn độc đáo về cách xây dựng ngoại thất và nội thất của cung điện nay. Một hướng dẫn được ghi âm thanh giải thích thêm những câu chuyện đằng sau mỗi căn phòng, và mô tả những công dụng của tòa nhà.

Ta cũng có thể thưởng lãm những bức tranh và những cảnh chi tiết trang trí công phu trên những tấm thảm chẳng hạn như cuộc đời Thánh Phaolô, hoặc những câu chuyện về Don Quixote.

Một lợi thế nhất khác là người sử dụng trực tuyến có thể khám phá những tác phẩm nghệ thuật rất gần nhờ những ống kính hình với độ nét cao.

Cái hay nhất của tour du lịch độc đáo này là nó có thể được thực hiện bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, chỉ đơn giản bằng cách truy cập địa chỉ www.quirinale.it.

11. Linh mục Michael McGivney, người linh mục vì dân, người sáng lập Hội Hiệp Sĩ Columbus

Cuộc sống không dễ dàng cho người Công Giáo di dân ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19. Ở bang Connecticut, chẳng hạn, họ không có quyền mua đất.

Vì lý do này, Cha Michael McGivney, linh mục người Mỹ đã thành lập hội các Hiệp sĩ Columbus vào năm 1882, để cung cấp hỗ trợ, cả về tài chính và tinh thần, cho các gia đình Công Giáo có nhu cầu.

Ông Carl Anderson, Hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus nói về cha McGivney như sau:

"Cha bắt đầu thành lập hội Hiệp sĩ Columbus với những người đàn ông trong giáo xứ của ngài, để tụ họp với nhau, hỗ trợ Giáo Hội, hỗ trợ các gia đình, cung cấp an ninh tài chính cho họ. Nhưng cũng nhằm để bảo vệ Giáo Hội trong một nền văn hóa không luôn chấp nhận người Công Giáo. "

Ngày nay, hội các Hiệp sĩ Columbus có 1,8 triệu thành viên ở Bắc và Trung Mỹ, Philippines, vùng Caribbean và Đông Âu. Năm nay, họ quyên góp được $ 170 triệu cho các công việc từ thiện.

Mặc dù là một nhân vật có một tầm ảnh hưởng quyết định trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Mỹ, Sứ điệp bác ái và hiệp nhất của cha cũng vươn đến các linh mục và giáo dân trên toàn thế giới.

Ông Carl Anderson nói:

"Ngài đại diện cho một đường lối, một mô hình, cho các linh mục quản xứ, trong cách thế liên hệ đến gia đình, và cách thức khuyến khích giáo dân tham gia tích cực hơn trong đời sống của Giáo Hội, trong đời sống của giáo xứ."

Kevin Coyne, của Đại học Columbia (New York) nhận xét

"Ngài là một linh mục giáo xứ người không chỉ trong các nghi lễ phụng vụ ngày Chúa Nhật, ngài còn rất tích cực trong cuộc sống của giáo dân vượt ra ngoài khuôn khổ các Thánh Lễ. Ngài đã tổ chức rất nhiều hoạt động."

Đức Gioan Phaolô II đã chuẩn y việc mở án phong thánh cho ngài và Đức Bênêđíctô thứ 16 tôn ngài lên hàng Tôi Tớ Chúa vào năm 2008.

Với việc xuất bản cuốn tiểu sử của vị đã thành lập hội bằng tiếng Ý, các Hiệp sĩ Columbus hy vọng sẽ có thể truyền bá xa hơn nữa các thông điệp của người 'linh mục vì dân.’

12. Cử hành ngân khánh linh mục với Đức Giáo Hoàng

Kỷ niệm 25 năm linh mục là một dịp lớn đối với hàng giáo sĩ trên toàn thế giới. Nhưng nhóm các linh mục Madrid đã có một dịp may hiếm ai có được là lễ kỷ niệm của họ có sự hiện diện của vị Giáo Hoàng.

Cha Carlos Aguilar cho biết:

"Một trong những điều đầu tiên chúng tôi ao ước là có thể xin được tham dự thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta. Nhưng ngay lập tức, nhiều người nói với chúng tôi rằng không được đâu, không thể được! Phức tạp lắm. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã có thể làm được điều đó."

Những gì dường như không thể, cuối cùng đã trở thành có thể. Trong ba ngày, nhóm linh mục Madrid này đã đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô trong các Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta. Các vị thậm chí còn có cơ hội để được tiếp chuyện và tặng quà cho Đức Thánh Cha.

Cha Julio Rodrigo Peral nói:

"Tôi tặng Đức Thánh Cha một chiếc hộp do chị em Cát Minh làm, những vật dụng trên bàn thờ, bình rẩy nước thánh, một khăn dùng trên bàn thánh do chính các sơ làm. Ngài nói với tôi: ‘Nói với các chị em rằng cầu nguyện nhiều cho tôi nhé.’”

Cha Carlos, cha Julio và cha Pablo là ba trong số 12 linh mục đã đến Rôma để kỷ niệm ngân khánh của mình. Trong 25 năm qua, vào ngày 13 mỗi tháng, các vị đã cố gắng để gặp gỡ nhau.

Cha Pablo Morata nhận xét:

"Về nhiều mặt buổi lễ kỷ niệm này cũng giống như những lần khác, nhưng sự khác biệt là vì nó đánh dấu một mốc quan trọng, nên chúng tôi phải suy tư sâu sắc hơn. Điều duy nhất tôi cảm thấy là sự biết ơn. Thiên Chúa thật vĩ đại và Ngài chỉ ban cho bạn nếu bạn xứng đáng được lãnh nhận.”

Cha Pablo Morata nói thêm:

"Chúng tôi rất hạnh phúc, không nói lên lời."

Các vị đã trở về Tây Ban Nha với lòng biết ơn và vui vẻ, vì đã có cơ hội để ăn mừng ngân khánh với chính Đức Thánh Cha Phanxicô.

13. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người có ảnh hưởng nhất trên Twitter

Đức Thánh Cha Phanxicô là người sử dụng Twitter có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Mỗi tweet trong account tiếng Tây Ban Nha của ngài được ít nhất 10,000 retweets (tức là những người xem chuyển đi cho người khác nữa) và hơn 6,400 retweets bằng tiếng Anh.

Thống kê này được đưa ra bởi chương trình "Twiplomacy 2014", có mục đích xác định xem các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng Twitter như thế nào.

Theo thống kê này, các từ được sử dụng trong hầu hết các tweet của Đức Thánh Cha Phanxicô là Thiên Chúa, Chúa Giêsu và tình yêu.

Trong tháng Sáu, account Twitter của Đức Giáo Hoàng có đến 14 triệu người theo dõi. Ngài trở thành nhà lãnh đạo thế giới có nhiều người xem chỉ sau Barack Obama, người đã có đến 43 triệu người theo dõi.

Tweet của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố bằng chín ngôn ngữ: Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ả Rập, Bồ Đào Nha, Ba Lan và tiếng Latinh. Riêng account bằng tiếng Tây Ban Nha của ngài đã có hơn 6 triệu người theo dõi.

14. Đức Thánh Cha phải hủy bỏ chuyến viếng thăm bệnh viện Gemelli của Rôma vì tình trạng sức khoẻ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải hủy bỏ vào phút chót chuyến viếng thăm kỷ niệm lần thứ 50 của bệnh viện Gemelli tại Rôma. Một thông cáo báo chí của Tòa Thánh giải thích rằng đó là do Đức Thánh Cha cảm thấy không được khoẻ.

Đức Cha Claudio Giuliodori, tuyên úy trưởng Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, đã đọc một thông cáo trong đó có đoạn viết:

"Đức Thánh Cha, do không được khoẻ vào phút cuối cùng, sẽ không thể thực hiện chuyến thăm đã được dự trù tại Bệnh viện Gemelli. Chuyến thăm sẽ được hoãn lại. Thánh Lễ lúc 4:30 chiều sẽ được chủ sự bởi Đức Hồng Y Angelo Scola. Ngài sẽ đọc bài giảng do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị trước. "

Đây là lần thứ bảy Đức Giáo Hoàng đã hoãn một cuộc họp vì lý do tương tự. Lần đầu tiên là vào ngày 15 tháng 11, khi ngài không thể gặp gỡ các nhân viên Vatican vì bị cảm.

Ngày 04 tháng 12, Đức Thánh Cha cũng đã không thể tiếp ban tổ chức triển lãm Milan vì đau lưng.

Ngày 28 Tháng Hai ngài phải hủy bỏ chuyến thăm tới Đại Chủng viện Rôma vì bị sốt.

Gần đây hơn, vào ngày 16 tháng Năm, ngài hủy bỏ lịch trình của mình do bị cảm nhẹ. Hai ngày sau, ngài lại phải hủy bỏ chuyến viếng thăm ngôi đền Tình yêu Thiên Chúa ở Rôma được dự trù diễn ra để chuẩn bị tốt hơn cho chuyến đi của ngài đến Thánh Địa.

Tháng Sáu, vào ngày 9 và 10, ngài hủy bỏ lịch trình của mình do mệt mỏi gây ra bởi sự căng thẳng cuối tuần sau buổi cầu nguyện được tổ chức tại Vatican với tổng thống Israel và Palestine.