Chính phủ Syria và phe đối lập đã nhục mạ lẫn nhau sau một tuần gặp nhau và hội nghị hiện kết thúc mà chưa đạt được một thoả hiệp vững chắc nào.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nói rằng phe đối lập thiếu chín chắc, trong khi Louay Safi của phe đối lập cho hay chính phủ Syria không có ý muốn chấm dứt cuộc đổ máu.

Tuy nhiên, đặc phái viên của LHQ là Lakhdar Brahimi cho rằng đã có một “cơ sở chung” nào đó, và đã dự trù sẽ có những buổi thương thuyết nữa vào ngày 10 tháng Hai. Phe đối lập đã đồng ý tham dự, nhưng ông Muallem chưa chịu cam kết gì.

Ông nói với các ký giả rằng: “Chúng tôi đại diện cho các quan tâm và quyền lợi của nhân dân chúng tôi. Nếu chúng tôi thấy đó (cuộc gặp gỡ kế tiếp) là nguyện vọng của họ, thì chúng tôi sẽ trở lại”.

Ông xỉ vả phe đối lập, cho rằng họ mưu tính “cho nổ tung hội nghị” bằng cách nằng nặc đòi chính phủ phải trao quyền cho họ.

Ông Safi thì cho rằng phe đối lập sẽ không ngồi bất tận tại các cuộc thương thuyết và thúc giục chính phủ “thương thuyết nghiêm chỉnh về việc trao quyền”. Lãnh tụ đối lập Ahmed Jarba nói rằng ông và các đồng nghiệp đã “đứng lên chống chính phủ, một chế độ chỉ biết máu và chết chóc”.

Hai bên đã thảo luận các vấn đề nhân đạo và những cách có thể để chấm dứt bạo lực. Họ thực hiện được một vài thỏa thuận về các cuộc ngưng bắn tại địa phương, cho phép các nhân viên nhân đạo gặp gỡ được người dân. Valerie Amos, đứng đầu ủy ban trợ giúp của LHQ cho biết: các thoả thuận này đã cho phép đồ cứu trợ tới được vài ngàn gia đình.

Nhưng bà nói rằng cho tới nay, thỏa hiệp ngưng bắn tại Homs chưa đem lại hiệu quả gì nên chưa đồ cứu trợ nào vào được tới nơi. Một phần của Homs từng bị chính phủ bao vây suốt hơn 18 tháng qua. Một số cư dân cho BBC hay họ phải ăn cả cỏ (!) để sống còn.

Hơn 100,000 người đã bỏ mạng tại Syria kể từ khi có cuộc nổi dậy chống lại TT Bashar al-Assad hồi tháng Ba năm 2011.

Phe nổi dậy không có đại diện

Ông Brahimi cho biết: “Tiến bộ hiện rất chậm chạp, nhưng các bên đã dấn thân một cách thỏa đáng. Đây mới chỉ là một khởi đầu rất khiêm nhường, nhưng là một khởi đầu trên đó, ta có thể xây dựng”. Dù khoảng cách giữa hai bên vẫn còn rất rộng, nhưng họ đã quen ngồi chung một phòng với nhau. Ông cho biết: “đã có những lúc bên này nhìn nhận các quan tâm và khó khăn của bên kia”.

Vòng thương thuyết đầu tiên giữa chính phủ và Liên Minh Quốc Gia của phe đối lập bắt đầu vào tuần rồi. Cả hai bên đồng ý dùng văn kiện năm 2012, được biết dưới tên Thông Cáo Chung Genève, làm căn bản cho các cuộc thương thuyết và thoả thuận ngồi chung phòng.

Nhưng không bên nào chịu thỏa thuận về điểm chính. Phe đối lập thì nằng nặc đòi lấy việc chuyển quyền làm điểm chính. Còn chính phủ thì muốn nói tới chủ nghĩa khủng bố. Các nhà ngoại giao mô tả bầu khí giữa hai bên là cực kỳ căng thẳng suốt trong thời kỳ gặp nhau.

Vả lại các cuộc thương thuyết còn gặp trở ngại nữa là việc thiếu đại diện của một số nhóm đối lập, trong đó có nhóm thân al-Qaeda là Mặt Trận al-Nusra. Các nhà ngoại giao cho rằng ưu tiên hàng đầu tại Genève là giữ cho các cuộc thương thuyết tiếp tục, hy vọng rằng, các lập trường cứng rắn, với thời gian, sẽ trở nên hòa dịu hơn.

Theo các phân tích gia, sự chậm chạp trong tiến bộ là điều không làm ai ngạc nhiên vì mức độ căng thẳng giữa hai bên quá lớn, hơn nữa nội chiến thường khó chấm dứt hơn là cuộc chiến giữa hai quốc gia.

Viễn tượng hòa bình vẫn còn xa

Từ Syria, ký giả Patrick Cockburn cho hay: các nhà bảo trợ Genève II thì cho rằng những nhát mai (spades) hữu ích đã được thực hiện, tuy nhiên, những người hoài nghi thì cho rằng các nhát mai duy nhất thấy được là của những người đào huyệt: khoảng 1,800 người Syria đã bị giết trong tuần lễ đầu có hội nghị.

Muốn cho các cuộc thương thuyết có chút hy vọng thành công nào, chúng phải phản ảnh thế quân bình lực lượng trên chiến trường Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mặc tình muốn nói sao thì nói về một sự chuyển quyền chính trị tại Syria trong đó TT Bashar al-Assad phải từ chức. Nhưng tại sao Ông Assad lại phải làm một điều như thế khi lực lượng của ông ta vẫn giữ được 13 trong 14 thủ phủ chính của Syria và đang từ từ chiếm lại các khu vực tại Damascus, Homs và Aleppo do phe nổi loạn chiếm cứ trong năm 2012?

Nếu ông Kerry thành thực tin rằng hòa bình chỉ có nếu ông Assad chịu ra đi, thì hẳn ông đang giải thuyết phải có sự thay đổi căn để đối với thế cân bằng lực lượng hiện nay. Việc này chỉ có thể có với một cuộc chiến tranh kéo dài hay một cuộc can thiệp quân sự tổng thể của ngoại quốc. Phương thức của Mỹ và các đồng minh Âu Châu của họ từ trước đến nay dường như muốn người Syria chịu tàn phá và lặp lại cuộc nội chiến tại Libăng kéo dài suốt 15 năm từ 1975 tới 1990.

Không hẳn lực lượng của ông Assad sắp thu lượm được cuộc chiến thắng cuối cùng. Họ rất có thể đang nhích lên phía trước, nhưng phe nổi loạn vẫn đang giữ được những vùng lãnh thổ lớn tại phía bắc và phiá đông xứ sở. Quân đội Syria hiện thiếu quân số, điều này giải thích tại sao họ phải phong tỏa hơn là tái chiếm các vùng “da cọp” tại Damascus, Homs và Aleppo. Xét chung, đang có một bế tắc về quân sự khó lòng vượt qua.

Phe đối lập hiện đang ở một thế tồi tệ hơn bao giờ hết. Họ không những chia rẽ nhau mà từ ngày 3 tháng Giêng tới nay, đang nội chiến với nhau ngay trong cuộc nội chiến… Trong khi ấy, việc xây dựng lòng tin thật khó mà tiến hành vì người ta hiện thù ghét và bất tín nhau quá lớn, quá sâu rộng. Tội ác không phải do một phía. Phe đối lập lớn tiếng kêu gọi thực phẩm và thuốc men cho 2,500 người đang chết đói trong cổ thành Homs do chính phủ vây hãm. Nhưng câm như hến về việc họ bao vây 45,000 người theo phái Shia tại hai thị trấn Zahraa và Nubl bên ngoài Aleppo.