Hội nghị hòa bình Syria từng bị trì hoãn nhiều lần. Nay, các cuộc thương thuyết chờ đợi từ lâu đã bắt đầu ở Montreux. Nhưng đâu là cơ may cho một thoả hiệp và việc chấm dứt nội chiến tại Syria? Đài DW (Deutsche Welle) của Đức đưa ra các nhận định sau đây.

Mục tiêu của hội nghị
Mục đích hội nghị là tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria. Để đạt mục tiêu này, Mỹ, Nga và LHQ tìm cách đưa các đại diện của chính phủ Syria và phe đối lập tới bàn hội nghị. Hội nghị này dựa trên nghị quyết của Hội Nghị Hoà Bình Syria năm 2012, gọi là Genève I, vì diễn ra tại Genève. Nghị quyết này bao gồm việc lập ra một chính phủ chuyển tiếp, nhưng minh nhiên loại bỏ việc truất phế TT Bashar al-Assad.

Các bên của cuộc thương thuyết

Điều hiển nhiên là TT Assad sẽ không qua Thụy Sĩ phó hội, mà gửi một phái đoàn do ngoại trưởng Walid al-Muallim dẫn đầu qua hội nghị. Phe đối lập cũng sẽ tham dự các cuộc thương thuyết, dù việc họ tham dự gần đây bị tranh cãi do việc Iran có thể được mời tham dự. Phe đối lập của Syria đòi rằng muốn tham dự, Iran phải rút binh sĩ của mình ra khỏi Syria và chính thức nhìn nhận nghị quyết của Genève I. Nhóm đối lập lớn nhất, tức Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC), ngày 18 tháng Giêng, đã bỏ phiếu ủng hộ việc tham gia hội nghị. Pháp và Mỹ muốn Iran chấp nhận một chính phủ Syria chuyển tiếp với đầy đủ quyền hành pháp. Khi Iran minh nhiên quyết định không chấp nhận điều kiện tiên quyết này, TTK/LHQ Ban Ki-moon đã rút lại lời mời họ tham dự.

Quân Đội Tự Do Syria (FSA), cánh quân sự của phe đối lập, đã công bố ý định tẩy chay hội nghị. Tư lệnh của FSA là Salim Idriss sẽ không xem sét một cuộc ngừng bắn. Quân sĩ của ông ta sẽ không ngừng chiến đấu trong thời gian hội nghị hay sau thời gian đó. FSA và SNC đều được Tây Phương và các nước vùng Vịnh ủng hộ.

Các nhóm đối lập duy Hồi Giáo sẽ không tham dự các cuộc thương thuyết tại Montreux: họ vốn không được mời, nhưng dù sao cũng từ khước không chịu thương thuyết với chế độ Syria. Nhóm duy Hồi Giáo vốn tố cáo các nhóm ôn hòa đã nhìn nhận nền độc tài của Assad bằng cách tham dự các cuộc thương thuyết. Họ tuyên bố rằng bất cứ nhóm nào tham dự hội nghị đều bị coi là phản bội.

Nhiều nhóm đối lập không thân thiện với nhau, thậm chí còn đánh đấm nhau nữa. SNC đã tách mình ra khỏi phong trào duy Hồi Giáo quá khích.

Các tay chơi quốc tế

Bốn định chế quốc tế là LHQ, Liên Hiệp Âu Châu, Liên Đoàn Ả Rập và Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo đại diện cho 30 quốc gia khắp thế giới sẽ tham dự hội nghị.

Mục tiêu của chế độ Assad

TT Assad tự xem mình là nhà cai trị hợp pháp của Syria và coi phe đối lập là bất hợp pháp. Ông liên tục gọi các chiến binh đối lập là “quân khủng bố”. Ông cũng có ý định sẽ tranh chức tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, thành thử chế độ của ông luôn tìm cách tự cho thấy không chịu nhượng bộ tại hội nghị. Một đại diện của bộ ngoại giao Syria cho hay: Phái đoàn chính thức của Syria không tới Genève để trao quyền. Đòi hỏi Assad phải từ chức của Tây Phương và phe đối lập là “điều không được bàn cãi”. Chế độ cũng tuyên bố rằng họ sẽ không ký bất cứ thoả hiệp nào với “quân khủng bố”, mà theo cái nhìn của chế độ có nghĩa là quân nổi loạn và mọi người ủng hộ chúng.

Tuy nhiên, tại hội nghị, phái đoàn sẽ ngồi cùng bàn với các thành viên của các nhóm đối lập. Trước khi có hội nghị, chế độ Assad đã đưa ra một số nhượng bộ, trong đó, có việc ngừng bắn tại thành phố Aleppo.

Phe đối lập muốn gì?

Mục tiêu chính của phe đối lập là Assad từ chức. Nhiều người còn muốn ông ta chết nữa. Đa phố phe đối lập muốn một chính phủ chuyển tiếp không có Assad, hay các viên chức của Assad từng ra sức dẹp cuộc nổi dậy. Chính phủ chuyển tiếp sẽ bảo đảm các cuộc bầu cử tự do và công bằng, và khởi diễn các cải cách chính trị. Thêm vào đó, theo Sadiq al-Mousllie của SNA, ngành mật vụ và quân đội phải được cải cách: “chúng phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ chế độ”.

Các chủ trương sẽ ra sao?

Chế độ Assad có hai lợi điểm: phe đối lập chia rẽ và ly gián nhau: giữa các nhóm thế tục và duy Hồi Giáo có nhiều chia rẽ sâu xa, trong đó có những bất đồng ngay trong các nhóm. Thành thử tại Genève, phe đối lập sẽ không hành động một cách thống nhất, điều này làm chủ trương của họ ra yếu. Sự hiện diện lớn lao của những người duy Hồi Giáo có lợi cho Assad. Điều này đem lại cho ông cơ hội tự trình bày mình như người bảo vệ quốc gia, có khả năng bảo vệ chống lại những người duy Hồi Giáo. Chiến lược này xem ra thành công: đối với một số chính phủ Tây Phương, chế độ Assad hình như đỡ ác hơn cái ác kia.

Có cơ may cho một thỏa hiệp chăng?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khá thận trọng trước khi hội nghị khai mạc. Không ai đánh giá thấp các thách đố. Kerry từng nói “chúng tôi biết rõ rằng các trở ngại trên đường tìm một giải pháp chính trị thì khá nhiều, và chúng tôi bước vào hội nghị Genève về Syria với đôi mắt mở rộng”. Ông gọi hội nghị là “dịp may tốt nhất” để tìm đường thoát khỏi cuộc tranh chấp đẫm máu.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng rất thận trọng: “các cuộc thương thuyết sẽ khó khăn, nhưng không có chúng, sẽ chỉ còn đổ máu và thất vọng ở chân trời”.