Ngày 05-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:21 05/09/2024

27. Cầu nguyện như một mặt kính sáng, làm cho chúng ta thấy được những thứ nhơ bẩn trong linh hồn.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:26 05/09/2024
52. VU OAN

Ngải Tử nằm mộng thấy mình bay vào tiên cảnh, bái kiến thượng đế.

Ông ta thấy một người vũ trang đầy mình, nơi hông giắt cây bảo kiếm, nhưng không có đầu, máu chảy xuống đầm đìa, trên tay cầm tấu chương, quỳ trước đàn án báo cáo:

- “Tôi là Phàn Vu Kỳ người nước Tần, chết rất oan uổng, tôi vì đắc tội với nước Tần mà lưu vong qua nước Yên, vì để giúp cho Kinh Kha làm thích khách giết Tần vương mà cho ông ta mượn đầu óc của tôi, cho đến hôm nay mà ngay cả một chút lời cũng không trả lại, chuyện này thì thái tử Đan nước Yên có thể làm chứng, thành khẩn xin ngài giúp tôi đòi lại khoản nợ này”.

Thượng đế thấy dáng vẻ ông ta như thế, nhướng cặp mày suy nghĩ chút xíu, nói:

- “Tay và chân của Kinh Kha đều bị chặt, cho đến hôm nay hết phương đòi lại, nó làm gì để ý chuyện trả lại cho nhà ngươi cái đầu chứ?”

Phàn Vu Kỳ chỉ biết cáo lui, Ngải Tử cũng tỉnh mộng.

(Ngải Tử hậu ngữ)

Suy tư 52:

Chuyện Kinh Kha làm thích khách muốn giết Tần vương là có thật, và thái tử Đan của nước Yên cũng có dính đến chuyện này cũng là có thật, nhưng trước đàn án để cáo trạng đòi lại cái đầu thì không có thật, vì đó chỉ là chuyện nằm mơ của Ngải Tử.

Dù là không có thật, nhưng cũng là một câu chuyện để chúng ta suy nghĩ về sự công bằng của Thiên Chúa, khi chúng ta sống bất công với người khác.

Người thấp cổ bé họng không đòi sự công bằng được ở đời này nhưng đời sau họ sẽ đòi được; người lấn hiếp kẻ cô thế cô thân đời này xem ra đắc thắng, nhưng đời sau họ sẽ là kẻ thảm hại nhất vì Thiên Chúa sẽ bênh vực người cô thế cô thân; hôm nay làm điều gì cho tha nhân thì ngày sau sẽ được trả lại, nếu điều thiện thì sẽ được thưởng, nếu điều ác thì sẽ bị phạt, đó là đạo lý căn bản để làm người của nhân loại, và được Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh trong Phúc Âm rằng: anh em đong cho ai đấu nào thì sẽ được trả lại như thế...

Không ai đem nợ của mình cho người khác trả nếu không có sự liên hệ mật thiết sâu xa, chỉ có Đức Chúa Giê-su mới bằng lòng lấy cái chết của mình để trả nợ cho chúng ta mà thôi, vì Ngài rất thân thiết và yêu thương mỗi người trong chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
06/09: Ý nghĩa thật sự của việc Ăn Chay và Cách Sống trong thời Tân Ước – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
02:08 05/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, các người Pha-ri-sêu và các kinh sư nói với Đức Giê-su rằng: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”

Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: ‘Rượu cũ ngon hơn’.”

Đó là lời Chúa
 
Phép Lạ Đôi
Lm Vũđình Tường
03:23 05/09/2024
Người ta đem một người câm điếc đến xin Đức Kitô chữa cho anh. Xã hội thời đó khinh thường kẻ tật nguyền. Họ kết án kẻ tật nguyền là phường tội lỗi. Phường tội lỗi không tiếng nói, không chỗ đứng trong xã hội, không thuộc thành viên cộng đoàn nào. Họ bị khinh bỉ, coi rẻ, đẩy ra sống bên lề xã hội. Những người mắc chứng nan y còn bị đối xử tàn tệ hơn, không được đến gần người khác. Người ta tin tật nguyền là hậu quả của tội. Có lần môn đệ hỏi Đức Kitô là chính anh hay cha mẹ anh đã phạm tội khiến anh bị mù từ lúc mới sinh? Đức Kitô đáp:

'Không phải anh, cũng không phải cha mẹ anh đã phạm tội. Nhưng là để cho quyền phép Thiên Chúa được thể hiện nơi anh' Gn 9:1-4

Người ta dẫn anh câm điếc đến gặp Đức Kitô. Đây là điều tốt lành, nhưng bất thường. Bình thường người ta tránh đến gần người tật nguyền, tội lỗi. Trường hợp này người ta dẫn anh đến gặp Đức Kitô. Hai từ 'dẫn đến' muốn nói đến người tật nguyền bị xã hội đương thời cướp mất mọi quyền tự do trong cuộc sống. Anh không có tự do trong việc đi lại. Anh không có tự do chọn nơi sinh sống. Anh không có tự do chọn bạn, thân thiết với người khác. Tất cả đều bị xã hội không chế. Bất thường thứ hai là Đức Kitô không chữa tật câm điếc của anh trước đám đông. Đức Kitô tách anh ra một nơi riêng, khỏi đám đông. Tách anh ra khỏi đám đông, Đức Kitô lấy lại quyền tự do cho anh. Từ nay anh là con người có toàn quyền tự do, bình đẳng như những người khác. Từ nay anh không còn bị đám đông khống chế, lấn át, làm chủ. Anh tự làm chủ cuộc sống mình và không bị ai dẫn đi nữa. Đức Kitô biến anh trở thành tạo vật mới, con người mới khi Ngài chữa lành tật câm điếc. Nhờ Đức Kitô chữa lành mà lần đầu tiên trong đời anh câm điếc cảm thấy mình hoàn toàn được tự do. Tự do khỏi bị người khác không chế; tự do khỏi tật nguyền hành hạ, không còn mang mặc cảm câm, điếc; tự do nói điều anh muốn nói; nghe điều anh thích nghe. Anh thưởng thức tiếng chim ca, suối nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng người thân gọi anh, lời thủ thỉ, truyện trò. Quan trọng hơn cả là tai anh nghe Lời Đức Kitô rao giảng; miệng lưỡi anh cao rao, ca ngợi tình yêu Đức Kitô dành cho anh.

Bất thường thứ ba là cách Đức Kitô chữa trị cho anh cũng khác với những phép lạ trước đây. Một Lời Chúa phán ra mọi sự được tạo thành. Trường hợp chữa bệnh cho người câm điếc, Đức Kitô kết hợp cả lời nói lẫn hành động. Dường như mỗi lần Đức Kitô làm phép lạ chữa bệnh cho ai, Ngài lại làm một cách khác nhau. Đức Kitô biết rõ mỗi người có nhu cầu khác nhau và Ngài chọn cách chữa trị thích hợp cho nhu cầu của cá nhân đó. Nhu cầu của anh là gì ta không biết bởi Phúc Âm không ghi lại. Thứ hai, Chúa toàn quyền tự do chọn lựa, quyết định chữa trị cách nào tốt nhất cho người bệnh là quyền của Ngài.

Bất thường thứ tư là không phải chỉ một phép lạ mà là phép lạ đôi xảy ra cùng lúc, cùng thời gian, cùng câu phán bảo. Phép lạ cho kẻ điếc nghe được, phép lạ cho người câm nói được. Đức Kitô dùng tay chạm vào tai anh và dùng nước miếng bôi vào lưỡi anh. Chạm vào tai, vào lưỡi bệnh nhân là chuẩn bệnh bác sĩ thường làm. Dùng nước miếng bôi vào lưỡi bệnh nhân hoàn toàn trái với y học. Đây là việc bất thường thứ năm. Sau câu phán bảo 'Hãy Mở Ra', tức thì lưỡi và tai anh cùng lúc mở ra. Anh nói rõ ràng, tai nghe tỏ. Bệnh nhân cần thời gian tập dợt để có thể sinh hoạt bình thường. Lắp chân giả cần tập đi; mắt bị mổ cần làm quen với ánh sáng; nói ngọng cần luyện phát âm. Người ốm liệt cần thời gian tịnh duỡng. Anh câm điếc được Đức Kitô chữa lành, không cần thời gian tập luyện. Ngay tức khắc miệng anh phát ngôn rõ ràng; tai anh nghe mạch lạc, tỏ tường từng âm thanh. Đây là sự khác biệt giữa y khoa và phép lạ.

Lời phán bảo 'Hãy mở ra' là một mệnh lệnh. Lời Chúa Phán có sức mạnh, quyền năng, các loại bệnh, tật nguyền đều tuân lệnh, vâng phục. Bất thường cuối cùng là Đức Kitô ngăn cấm người ta loan tin chữa lành cho người câm điếc. Làm sao im lặng trước tin vui vượt khỏi sức tưởng? Nói nói, kể lại với tâm tình vui mừng, thán phục là một nhu cầu. Xin Chúa mở lưỡi con để con ta tụng Danh Chúa, tai con để con nghe Lời Chúa.

TiengChuong.org
 
Hãy mở ra_Cn Tn 23 B
Lm. Thái Nguyên
04:23 05/09/2024

HÃY MỞ RA
Chúa Nhật 23 Thường Niên năm B : Mc 7, 31-37
Suy niệm

Trong bài đọc I (Is 35,4-7a): Ngôn sứ Isaia tiên báo khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ làm cho người điếc được nghe, người què được đi và người câm nói được. Điều Isaia tiên báo đã được Đức Giêsu thực hiện. Riêng trong bài Phúc Âm hôm nay, Ngài đã cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Bệnh nhân được Đức Giêsu chữa lành có lẽ bị điếc ngay từ nhỏ. Vì điếc, không thể nghe người khác nói để bắt chước, nên dần dần bị ngọng. Vì ngọng nên nói chẳng ai hiểu, và vì điếc nên cũng chẳng hiểu ai. Đây là hai khiếm khuyết song đôi: điếc và ngọng, khiến cho bệnh nhân rất cô đơn, buồn khổ. Biết được nỗi đau của những người câm điếc ta mới thấy quý đôi tai và miệng lưỡi của mình, là một quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta.

Thật phúc cho anh chàng khuyết tật gặp được Đức Giêsu, Ngài kéo riêng anh ra ngoài, sau vài cử chỉ lạ thường, Ngài liền phán: “Epphatha!” - Hãy mở ra! Tức thì tai và lưỡi anh ta được mở ra, anh ta nghe và nói được rõ ràng. Dân chúng kinh ngạc và thán phục nói rằng:“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Biến cố này đã ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sõi sàng” (Is 35,3-7).

Về mặt tâm linh, chúng ta cũng dễ mắc phải hai khuyết tật ngọng và điếc, không phải do bẩm sinh nhưng do sự xói mòn đức tin và lòng mến trong tâm hồn. Ta không bị câm, vẫn nói được, nhưng lại câm nín trước những bất công và bạo ngược. Nhiều khi ta cũng nói thao thao bất tuyệt, nhưng toàn những điều ta muốn nói chứ không phải điều người khác muốn nghe. Ta ước ao được người khác hiểu mình, nhưng mình lại không quan tâm tìm hiểu người khác. Có lẽ ta thấy như có điều gì trói buộc mình, khiến ta ngần ngại, sợ sệt, tránh né… Cũng có khi ta bị ngọng hay câm vì đã có những thương tổn bởi sự châm chọc, khinh miệt, phủ nhận… khiến ta mặc cảm, mất tự tin và co cụm lại. Ngoài những thương tâm do sự vô tâm trong cách hành xử của người khác, thì ít nhiều còn do sự cọ xát quan điểm, lối sống, nhưng thực ra, hệ lụy của vấn đề hệ tại ở tâm hồn ta trước sự tác động của tha nhân.

Nếu bệnh ngọng làm người khác không hiểu ta, thì bệnh điếc làm ta không hiểu người khác. Chúng ta bị điếc khi để mình mất khả năng lắng nghe người khác, hay chỉ nghe điều mình muốn nghe. Chúng ta bị điếc khi nghe người khác với thái độ bất ưng, coi thường, ác cảm. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không nhận thức được đúng-sai, hư-thực, hay-dở… nên điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở nơi người nghe phải suy nghĩ và quyết định ra sao.

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe, mà chỉ chọn lựa những thông tin bổ ích và hữu dụng; không gây phương hại trong cách đối nhân xử thế, mà cũng không làm vẫn đục tâm hồn. Cha Mark Link nói: “Chúng ta không thể luôn tin vào những gì nghe bằng đôi tai, nhưng luôn có thể tin vào những gì thấy bằng con tim của mình”.

Có những đam mê, dục vọng và ghen ghét như những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta bị câm nín, ngọng nghịu. Có những kiêu căng, ích kỷ và thành kiến như bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc lác. Thế giới ngày càng thiếu cảm thông và đối thoại vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những con người đơn độc, thành những hòn đảo mù khơi, không còn khả năng cho đi và lãnh nhận, để rồi tàn lụi dần trong sự hoang vu trống rỗng của đời mình.

Qua phép lạ này, Đức Giêsu không chỉ phá đổ bức tường câm điếc cho người bệnh, đem lại cho anh ta một đời sống bình thường, và có khả năng thiết lập tương giao với mọi người, mà còn cho ta thấy Ngài đã phá đổ bước tường giữa Do Thái và dân ngoại, giữa con người với con người, và đặc biệt là bức tường giữa con người với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn kéo riêng ta ra với Ngài và thì thầm lên tiếng: “Epphatha” - Hãy mở ra! Hãy đón nhận lời quyền năng và và tình thương của Ngài, để ta đừng câm điếc trước Thiên Chúa và tha nhân. Đón nhận ân huệ này, Chúa mời gọi ta cũng hãy có những thái độ sống tốt nhất để giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Điếc và ngọng thể chất ai cũng biết,
điếc và ngọng tâm linh khó mà lường,
đây là bệnh ít nhiều ai cũng vướng,
khiến cuộc đời có những nỗi bi thương.
Trong cuộc sống có thể nhiều thứ điếc,
điếc vì đã có định kiến với ai,
nên khi nghe là tìm cách chê bai,
khiến tương giao lại trở thành ngang trái.
Điếc chỉ vì không muốn sống hiệp thông,
vì tự mình đã đóng kín cửa lòng,
hoặc đã đánh mất đi niềm hy vọng,
nên không nghe được tiếng Chúa bên trong.
Cuộc sống con cũng có nhiều thứ ngọng,
vì ích kỷ đã làm cho cứng đọng,
vì tham lam và cố chấp tự kiêu,
nên lời lẽ nói ra không ai hiểu.
Ngọng vì luôn lo âu và sợ sệt,
sợ khinh chê và thua thiệt ở đời,
sợ xui rủi và tai ương đưa tới,
nên co ro mà nói chẳng nên lời.
Có thứ ngọng phát xuất từ lười biếng,
lo an thân tránh mọi chuyện thế trần,
không còn biết ý thức sống lòng nhân,
nên làm cho tinh thần mình xa lạc.
Xin mở tai con lắng nghe Lời Chúa,
lời trần tình lời sự sống trường sinh,
xin mở miệng con chúc tụng tôn vinh,
vì đời con là công trình của Chúa.
Xin cho con lắng nghe hết mọi điều,
cho dù tha nhân nói bằng nhiều kiểu,
con vẫn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu,
để cho hết mọi người có thể hiểu. Amen.



 
Tầm nhìn xót thương
Lm. Minh Anh
14:16 05/09/2024
TẦM NHÌN XÓT THƯƠNG
“Chẳng ai xé áo mới, lấy vải vá áo cũ!”; “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”.

“Chúng ta nên biết ơn những giọt nước mắt của mình. Chúng giúp chúng ta có một tầm nhìn mới - tầm nhìn xót thương - rõ ràng hơn về Chúa!” - William A. Ward.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và kinh sư chất vấn Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay. Với hai dụ ngôn, Ngài mời gọi họ, mời gọi bạn và tôi hãy có cho mình một tầm nhìn mới - ‘tầm nhìn xót thương’ - rõ ràng hơn về Ngài.

Chúa Giêsu cho biết, sẽ không thích hợp để khách dự tiệc cưới ăn chay khi chú rể còn ở đó. Ngài là chú rể. Sẽ đến lúc Ngài bị đem đi, bấy giờ môn đệ Ngài sẽ ăn chay. Lý do thứ hai sâu sắc hơn, cần có một tầm nhìn mới - ‘tầm nhìn xót thương’ - được Ngài trình bày qua hình ảnh vải mới, rượu mới. Không ai lấy mảnh vải mới để vá chiếc áo cũ, cũng không ai dùng bầu da cũ để chứa rượu mới. Áo sẽ rách, bầu sẽ hư!

Ngài muốn nói, toàn bộ lối nhìn của Ngài về tôn giáo là hoàn toàn mới và chỉ những ai sẵn sàng nhìn mọi thứ ‘theo cách mới’ - cách xót thương - mới có thể chấp nhận và áp dụng giáo huấn của Ngài. Giáo lý mới của Ngài không thể được ghép vào tôn giáo cũ. Bởi lẽ, tôn giáo cũ coi trọng bề ngoài như giữ luật, giữ lễ nghi và giữ chay; đang khi Ngài đặt nặng ‘yêu thương’ bên trong, đó là thước đo thực sự giá trị của một con người.

Những ai lớn lên với ‘rượu cũ’ của Môsê sẽ thấy khó chuyển sang ‘rượu mới’ của Chúa Giêsu, “Không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói, ‘Rượu cũ ngon hơn!’”. Ngay cả trong Giáo Hội ngày nay, vẫn có một số người thèm ‘rượu cũ’ của thời kỳ trước Vaticanô II. Họ không hiểu Vaticanô II còn có nhiều điều tuyệt vời hơn cả những thay đổi về các thực hành phụng vụ. Họ hoài niệm Thánh Lễ bằng tiếng Latin của Triđentinô và tuyên bố nó tốt hơn phụng vụ ‘mới’ vốn ‘hời hợt và thiếu tôn kính’. Dường như họ không buồn nghĩ đến, không buồn nắm bắt những suy tư đằng sau những đổi thay. Mảnh vá mới không vừa với tấm vải cũ. “Rượu cũ ngon hơn!” - họ nói.

Trong tương lai, suy nghĩ này có lẽ sẽ không biến mất vì “Thế giới viết chương trình nghị sự cho Giáo Hội” và chắc chắn sẽ có thêm những đổi thay! Rượu mới sẽ không được đánh giá cao cho đến khi bầu da thay đổi; nghĩa là phải có một cách nhìn mới. Bằng không, chúng ta sẽ rơi vào cùng một trạng thái như những người Pharisêu.

Anh Chị em,

“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”. Theo Đức Phanxicô, “Cuộc sống Kitô hữu căn bản là vui mừng. Để có niềm vui đó, Kitô hữu phải nhận Chúa Giêsu là toàn thể, là trung tâm, là toàn bộ. Như thế, chúng ta sẽ làm mọi sự theo ‘tầm nhìn xót thương’ của Ngài. Nhưng chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ ném sự mới mẻ này, rượu mới này vào những thái độ cũ. Không! Điều này không thể đi với điều kia! Bầu da cũ không đựng được rượu mới. Ngài muốn chúng ta sống niềm vui lễ cưới, niềm vui Kitô hữu, niềm vui xót thương. Không xót thương, chúng ta sẽ mất niềm vui. Hãy ăn năn, cầu xin tha thứ và tiến lên!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con cứng nhắc trong mọi sự. Ban cho con một trái tim thấu cảm để con thở hơi yêu thương trong mỗi lời nói, mỗi quyết định và mỗi hành động!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại đền thờ Hồi giáo Istiqlal
J.B. Đặng Minh An dịch
03:01 05/09/2024
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Tôi rất vui khi được ở đây, tại Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Á Châu, cùng với tất cả các bạn. Tôi chào Đại Imam và cảm ơn ngài vì những lời ngài nói, nhắc nhở chúng ta rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người có thể bước vào và dành thời gian cho bản thân, để tạo không gian cho nỗi khao khát vô hạn mà mỗi người chúng ta mang trong tim, và để tìm kiếm sự gặp gỡ với thần thánh và trải nghiệm niềm vui của tình huynh đệ với tha nhân.

Hơn nữa, tôi muốn nhắc lại rằng Đền thờ Hồi giáo này được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Silaban, một người theo Kitô giáo đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế. Điều này chứng minh cho thực tế rằng trong suốt lịch sử của quốc gia này và trong chính nền văn hóa của nó, Đền thờ Hồi giáo, giống như những nơi thờ phượng khác, là không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hài hòa giữa các tôn giáo và các giác quan tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà các bạn được kêu gọi vun đắp mỗi ngày, để những trải nghiệm tôn giáo có thể là điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, cần phải nhắc đến đường hầm ngầm, “đường hầm tình bạn”, nối liền Đền thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà Thờ Chính Tòa Đức Mẹ Lên Trời. Đây là một dấu hiệu hùng hồn, cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “ở phía trước” nhau mà còn “kết nối” với nhau. Thật vậy, lối đi này tạo điều kiện cho sự gặp gỡ, đối thoại và khả năng thực sự để “tìm thấy và chia sẻ một ‘bí ẩn’ của việc sống chung, hòa nhập và gặp gỡ […] bước vào dòng lũ này, mặc dù hỗn loạn, nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một đoàn lữ hành đoàn kết, một cuộc hành hương thiêng liêng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 87). Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục trên con đường này để tất cả chúng ta, cùng nhau, mỗi người vun đắp đời sống tâm linh của riêng mình và thực hành tôn giáo của mình, có thể bước đi tìm kiếm Chúa và góp phần xây dựng các xã hội cởi mở, được xây dựng trên sự tôn trọng và tình yêu thương lẫn nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Ghi nhớ tất cả những điều đã nói, được tượng trưng bằng đường hầm, tôi muốn để lại cho các bạn hai gợi ý để khuyến khích các bạn trên con đường thống nhất và hòa hợp mà các bạn đã bắt đầu.

Đầu tiên là luôn nhìn sâu, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tìm thấy điều gì thống nhất bất chấp sự khác biệt của chúng ta. Thật vậy, trên bề mặt có những không gian trong cả Đền thờ Hồi giáo và Nhà Thờ Chính Tòa được xác định rõ ràng và thường xuyên lui tới bởi các tín hữu tương ứng của họ, nhưng bên dưới lòng đất trong đường hầm, những người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với quan điểm tôn giáo của nhau. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một sự thật quan trọng rằng các khía cạnh hữu hình của tôn giáo - các nghi lễ, thực hành, v.v. - là một di sản phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì nằm “bên dưới”, những gì chạy ngầm, giống như “đường hầm tình bạn”, là gốc rễ chung cho tất cả các nhạy cảm tôn giáo: đó là sự tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với thần thánh, sự khao khát vô hạn mà Đấng Toàn Năng đã đặt vào trái tim chúng ta, sự tìm kiếm một niềm vui lớn hơn và một cuộc sống mạnh mẽ hơn bất kỳ loại cái chết nào, là điều làm sống động hành trình cuộc sống của chúng ta và thúc đẩy chúng ta bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ Chúa. Ở đây, chúng ta hãy nhớ rằng bằng cách nhìn sâu, nắm bắt những gì chảy trong sâu thẳm cuộc sống của chúng ta, khát vọng viên mãn ngự trị trong sâu thẳm trái tim, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên con đường đến với Chúa, vượt qua những gì tách biệt chúng ta.

Gợi ý thứ hai là giữ gìn mối liên kết giữa hai người. Đường hầm được xây dựng để tạo ra mối liên kết giữa hai nơi xa xôi và khác biệt. Đây chính là tác dụng của đường hầm: kết nối, tạo nên mối liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung giữa các học thuyết và niềm tin tôn giáo khác nhau bất kể phải trả giá như thế nào. Tuy nhiên, đường lối như vậy có thể khiến chúng ta chia rẽ, vì học thuyết và giáo điều của mỗi tôn giáo đều khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta lại gần nhau hơn là tạo ra mối liên kết giữa sự đa dạng, vun đắp mối liên kết tình bạn, sự quan tâm và sự tương hỗ. Những mối quan hệ này gắn kết chúng ta với những người khác, cho phép chúng ta cam kết cùng nhau tìm kiếm chân lý, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người khác và cùng nhau đáp ứng nhu cầu của con người và tinh thần. Chúng cũng là những mối liên kết cho phép chúng ta cùng nhau làm việc, cùng nhau tiến về phía trước để theo đuổi những mục tiêu chung: đó là bảo vệ phẩm giá con người, chống lại đói nghèo và thúc đẩy hòa bình. Sự đoàn kết nảy sinh từ mối liên kết tình bạn cá nhân cũng như sự tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ ý tưởng của người khác và không gian thiêng liêng của họ. Mong các bạn luôn trân trọng điều này!

Anh chị em thân mến, “thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại” là con đường mà chúng ta được kêu gọi đi theo. Đó cũng là tiêu đề của tuyên bố chung được chuẩn bị cho dịp này. Bằng cách tuân thủ nó, chúng ta đảm nhận trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đôi khi là bi thảm đe dọa tương lai của nhân loại như chiến tranh và xung đột, đôi khi không may là do sự thao túng tôn giáo gây ra, và cuộc khủng hoảng môi trường, là rào cản đối với sự phát triển và chung sống của các dân tộc. Trước những cuộc khủng hoảng này, điều quan trọng là các giá trị chung của tất cả các truyền thống tôn giáo phải được thúc đẩy hiệu quả để giúp xã hội “đánh bại nền văn hóa bạo lực và thờ ơ” (Tuyên bố chung Istiqlal) và thúc đẩy hòa giải và hòa bình.

Tôi cảm ơn các bạn vì con đường chung mà các bạn đang đi. Indonesia là một đất nước vĩ đại, một bức tranh ghép của các nền văn hóa, dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng phong phú, cũng được phản ánh trong hệ sinh thái đa dạng. Các bạn được tin tưởng là nơi có mỏ vàng lớn nhất thế giới, nếu đúng như thế, hãy biết rằng kho báu quý giá nhất chính là quyết tâm rằng những khác biệt có thể được hòa hợp thông qua sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau thay vì trở thành nguyên nhân gây ra xung đột. Các bạn được biết đến với sự hòa hợp này. Đừng đánh mất món quà này! Đừng làm nghèo đi kho báu vĩ đại này. Ngược lại, hãy vun đắp và truyền lại nó, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi. Mong rằng không ai khuất phục trước sự quyến rũ của chủ nghĩa chính thống và bạo lực. Thay vào đó, mong rằng mọi người đều kinh ngạc trước giấc mơ về một xã hội và nhân loại tự do, huynh đệ và hòa bình!

Cảm ơn những nụ cười thân thiện của các bạn, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở bên trong của các bạn. Cầu xin Chúa gìn giữ món quà này. Với sự giúp đỡ và phước lành của Người, Bhinneka Tunggal Ika, đoàn kết trong sự đa dạng. Cảm ơn các bạn!

Sau đó, khi thăm đường hầm tình bạn, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chúc mừng tất cả các bạn vì mục đích của “Đường hầm hữu nghị” này là trở thành nơi đối thoại và gặp gỡ.

Khi nghĩ đến đường hầm, chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra một con đường tối tăm. Điều này có thể đáng sợ, đặc biệt là khi chúng ta ở một mình. Nhưng ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được chiếu sáng. Tuy nhiên, tôi muốn nói với các bạn rằng các bạn chính là ánh sáng chiếu sáng nó, và các bạn làm như vậy bằng tình bạn, bằng sự hòa hợp mà các bạn vun đắp, bằng sự hỗ trợ mà các bạn dành cho nhau, và bằng hành trình cùng nhau, là điều cuối cùng dẫn các bạn đến với sự trọn vẹn của ánh sáng.

Chúng ta, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, có vai trò giúp mọi người vượt qua những đường hầm của cuộc sống với đôi mắt hướng về ánh sáng. Sau đó, khi kết thúc hành trình, chúng ta sẽ có thể nhận ra ở những người đã đồng hành cùng chúng ta, một người anh em, một người chị em, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và hỗ trợ lẫn nhau.

Trước nhiều thách thức ngày nay, chúng ta đáp lại bằng dấu hiệu của tình huynh đệ. Thật vậy, bằng cách chào đón người khác và tôn trọng bản sắc của họ, tình huynh đệ thúc đẩy họ trên con đường chung đi trong tình bạn và hướng tới ánh sáng.

Tôi biết ơn những người làm việc với niềm tin rằng chúng ta có thể sống trong hòa bình và hòa hợp, và nhận thức được nhu cầu về một thế giới huynh đệ hơn. Tôi hy vọng rằng cộng đồng của chúng ta ngày càng cởi mở hơn với đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng của sự chung sống hòa bình đặc trưng của Indonesia.

Tôi cầu xin Chúa, Đấng Tạo Hóa của tất cả, ban phước cho tất cả những ai đi qua Đường hầm này với tinh thần hữu nghị, hòa hợp và tình anh em. Cảm ơn các bạn!


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ với 100,000 tín hữu tại Indonesia
Vũ Văn An
13:04 05/09/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta vào thứ năm, ngày 5 tháng 9 năm 2024. | Tín dụng: Daniel Ibáñez/CNA


Kristina Millare của hãng tin CNA, ngày 5 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng hơn 100,000 tín hữu đã tham gia Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta, Indonesia, vào thứ năm. Đức Thánh Cha khuyến khích người Công Giáo trong nước luôn lắng nghe lời Chúa — đặc biệt là trong những lúc mệt mỏi, thất vọng và thất bại.

Khi bước vào sân vận động trên xe lăn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay lập tức được chào đón bằng những tiếng reo hò và tiếng hô vang “Viva Papa!” từ đám đông 60,000 người tụ tập để tham dự Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Indonesia.

Mong muốn được gặp Đức Giáo Hoàng đã đi hơn 7,000 dặm để ở cùng họ tại quê nhà, 40,000 người hành hương Indonesia khác, không có chỗ ngồi bên trong Sân vận động Gelora Bung Karno, đã tìm được chỗ ngồi bên trong sân vận động bên cạnh và các khu vực xung quanh trong khu liên hợp thể thao chính.

Suy gẫm về chương thứ năm của Tin Mừng Thánh Luca, mô tả cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thánh Phêrô và Chúa Giêsu trên Hồ Gennesaret, Đức Giáo Hoàng cho biết rằng một môn đệ của Chúa Giêsu trước tiên cần phải lắng nghe và chào đón lời Chúa.

“Chúng ta đừng quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ — và tất cả chúng ta đều là môn đệ — không phải là khoác lên mình một lòng sùng đạo hoàn hảo bên ngoài, làm những điều phi thường hoặc tham gia vào những công trình lớn lao. Không! Bước đầu tiên là biết cách lắng nghe lời duy nhất cứu rỗi — lời của Chúa Giêsu,” ngài nói vào ngày thứ ba trong chuyến tông du thứ 45 của mình đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Những người tham dự cử hành Thánh lễ Giáo hoàng tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta vào thứ năm, ngày 5 tháng 9 năm 2024. Tín dụng: Daniel Ibáñez/CNA


Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết mọi người đang đói khát lời Chúa và rằng “trái tim con người luôn tìm kiếm chân lý có thể nuôi dưỡng và thỏa mãn mong muốn hạnh phúc của mình” ngay cả trong những thời kỳ đen tối, bối rối hoặc khô khan về mặt tinh thần.

“Thánh Phê-rô đã đến bờ sau một đêm khó khăn và không bắt được gì. Ngài mệt mỏi, tức giận và thất vọng”, Đức Thánh Cha nói. “Nhưng thay vì vẫn bị tê liệt bởi sự trống rỗng đó, hoặc bị cản trở bởi chính sự thất bại của mình, ngài nói, ‘Lạy Thầy, chúng con đã làm việc suốt đêm dài nhưng chẳng bắt được gì, nhưng theo lời Thầy, con sẽ thả lưới.’”

Dựa trên chứng tá và tấm gương của Thánh Teresa thành Calcutta, người có ngày lễ là ngày 5 tháng 9, Đức Thánh Cha cho biết sự mệt mỏi và trống rỗng mà những người theo Chúa Giêsu có thể cảm thấy trong những lúc thất bại — giống như vị giáo hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô — không bao giờ là lý do để tuyệt vọng hay mất hy vọng.

“Thánh Teresa thành Calcutta, người mà chúng ta hôm nay tôn vinh và là người không biết mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo và trở thành người thúc đẩy hòa bình và đối thoại, thường nói rằng, 'Khi chúng ta không có gì để cho, chúng ta hãy cho đi không gì cả'", ngài nói với những người tụ họp trong Thánh lễ.

Khi mặt trời lặn trên sân vận động vào lúc kết thúc phụng vụ, chủ tế chính, Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta, cảm ơn Đức Thánh Cha đã hành hương đến Indonesia để ban phước cho cả những người Công Giáo trong nước cũng như những người theo các tôn giáo khác.

"Cuộc hành hương của Đức Thánh Cha chắc chắn rất mệt mỏi, nhưng dù sao thì Đức Thánh Cha cũng đã đến thăm chúng con, ban phước cho chúng con và đất nước chúng con. Không chỉ những người Công Giáo mà cả những chị em và anh em của chúng con thuộc các tôn giáo khác cũng vui mừng trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha", Đức Hồng Y nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Những người tham dự thờ phượng tại Thánh lễ Giáo hoàng tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta vào thứ năm, ngày 5 tháng 9 năm 2024. Nguồn: Daniel Ibáñez/CNA


Nhắc đến chủ đề đã chọn của chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, “Đức tin, Tình huynh đệ và Lòng trắc ẩn”, Đức Hồng Y Surharyo cho biết Giáo hội địa phương muốn thực hiện mong muốn của Đức Giáo Hoàng là sống như anh chị em, đặc biệt là đối với những người yếu đuối, nghèo đói, bị thiệt thòi, khuyết tật hoặc đau khổ.

“Với sự hỗ trợ của phước lành và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha [mong rằng] chúng con sẽ ngày càng trung thành hơn và kiên trì theo Chúa Giêsu, người đã đi khắp nơi làm điều thiện vì vinh quang của Chúa, vì lợi ích của quốc gia chúng con và toàn thể nhân loại,” ngài nói trước khi được trao tặng một chiếc chén thánh từ Đức Thánh Cha để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia.

Vào sáng thứ năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã gặp gỡ những người thụ hưởng của các tổ chức từ thiện tại trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia tại thủ đô của đất nước. Ngài nhắc nhở những người tham dự rằng mỗi người trong số họ “là những thành viên quý giá nhất của Giáo hội này”, những người có đóng góp cụ thể cho Giáo hội hoàn vũ, thế giới và gia đình của họ.
 
Bài Giảng Của Đức Thánh Cha Trong Thánh Lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno , ngày 5 tháng 9 năm 2024
Vũ Văn An
13:36 05/09/2024



Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống hai thái độ cơ bản giúp chúng ta trở thành môn đệ của Người. Thái độ đầu tiên là lắng nghe lời Chúa, và thái độ thứ hai là sống lời Chúa.

Trước tiên là lắng nghe, vì mọi thứ đều đến từ việc lắng nghe, từ việc mở lòng mình ra với Người, đón nhận món quà quý giá là tình bạn của Người. Sau đó, điều quan trọng là sống lời Chúa mà chúng ta đã nhận được, để không lắng nghe vô ích và lừa dối chính mình (x. Gc 1:22). Thật vậy, những ai chỉ dám lắng nghe bằng tai thì không cho hạt giống lời Chúa đi vào lòng mình và do đó thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của mình, và điều này không tốt. Lời được ban cho và được đón nhận qua việc lắng nghe, mong muốn trở thành sự sống trong chúng ta, biến đổi chúng ta và nhập thể vào cuộc sống của chúng ta.

Tin Mừng vừa được công bố giúp chúng ta suy gẫm về hai thái độ thiết yếu này: lắng nghe lời Chúa và sống lời Chúa.

Trước hết, lắng nghe lời Chúa. Thánh sử kể rằng nhiều người đã kéo đến với Chúa Giêsu và “đám đông chen lấn Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5:1). Họ đang tìm kiếm Người, đói khát lời Chúa và họ nghe thấy lời đó vang vọng trong lời Chúa Giêsu. Cảnh tượng này, sau đó được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng, cho chúng ta biết rằng trái tim con người luôn tìm kiếm một chân lý có thể nuôi dưỡng và thỏa mãn mong muốn hạnh phúc của mình. Chúng ta không thể thỏa mãn chỉ bằng lời nói của con người, bằng suy nghĩ của thế gian này và những phán xét trần thế. Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao soi sáng bước chân mình, nguồn nước hằng sống có thể giải tỏa cơn khát của sa mạc tâm hồn, sự an ủi không làm chúng ta thất vọng vì nó đến từ thiên đàng chứ không phải từ những thứ phù du của thế gian này. Giữa sự hỗn loạn và phù phiếm của lời nói con người, anh chị em thân mến, chúng ta cần đến lời Chúa, la bàn đích thực duy nhất cho hành trình của chúng ta, chỉ có lời đó mới có thể dẫn chúng ta trở về với ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao tổn thương và hỗn loạn.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ - và tất cả chúng ta đều là môn đệ! - không phải là khoác lên mình một lòng sùng đạo hoàn hảo bên ngoài, làm những điều phi thường hoặc tham gia vào những công trình vĩ đại. Không, nhiệm vụ đầu tiên, bước đầu tiên, thay vào đó, là biết cách lắng nghe lời duy nhất cứu rỗi, lời của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy điều này trong cảnh Tin Mừng, khi Thầy bước lên thuyền của Phêrô để tách mình ra khỏi bờ một chút và do đó rao giảng tốt hơn cho mọi người (x. Lc 5:3). Cuộc sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu vào con thuyền cuộc đời mình, dành chỗ cho Người, lắng nghe lời Người và để mình được chất vấn, thách thức và thay đổi bởi lời Người.

Đồng thời, thưa anh chị em, lời Chúa muốn được nhập thể cụ thể trong chúng ta để chúng ta được kêu gọi sống lời Người. Chỉ lặp lại lời Người mà không sống lời Người, khiến chúng ta giống như những con vẹt: đúng vậy, chúng ta nói lời Người, nhưng không hiểu lời Người, không sống lời Người. Sau khi Chúa Giêsu giảng xong cho đám đông từ trên thuyền, Người quay sang Phêrô và thách thức ông hãy mạo hiểm đặt cuộc vào lời đó, “Hãy chèo ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá” (câu 4). Lời Chúa không thể chỉ là một ý tưởng trừu tượng hay ho hay chỉ khơi dậy một cảm xúc thoáng qua. Lời Người yêu cầu chúng ta thay đổi cái nhìn và để trái tim mình được biến đổi theo hình ảnh trái tim của Chúa Kitô. Lời Chúa kêu gọi chúng ta can đảm thả lưới Tin Mừng xuống biển thế gian, chấp nhận rủi ro, vâng, chấp nhận rủi ro sống tình yêu mà Người đã sống trước và dạy chúng ta sống. Chúa, với sức mạnh bùng cháy của lời Người, cũng yêu cầu chúng ta, thưa anh chị em, hãy ra khơi, thoát khỏi bờ biển trì trệ của những thói quen xấu, nỗi sợ hãi và sự tầm thường và dám sống một cuộc sống mới. Ma quỷ thích sự tầm thường, vì nó xâm nhập vào bên trong chúng ta và hủy hoại chúng ta.

Tất nhiên, luôn có những trở ngại và lý do để nói không với lời kêu gọi này. Chúng ta hãy xem lại hành vi của Phêrô. Ông đã lên bờ sau một đêm khó khăn mà không bắt được gì. Ông tức giận, mệt mỏi và thất vọng, nhưng thay vì vẫn tê liệt vì sự trống rỗng đó hoặc bị cản trở bởi sự thất bại của chính mình, ông nói: "Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì. Nhưng, vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới đó" (câu 5). Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Sau đó, một điều chưa từng nghe thấy đã xảy ra, phép lạ về một chiếc thuyền đầy cá cho đến khi nó gần chìm (xem câu 7).

Thưa anh chị em, khi đối mặt với nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cùng với lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm thấy là xây dựng một xã hội công bằng hơn và tiến lên trên con đường hòa bình và đối thoại - con đường đã tồn tại từ lâu ở Indonesia - đôi khi chúng ta có thể cảm thấy không đủ. Đôi khi chúng ta cảm thấy sức nặng của sự cam kết và cống hiến của chúng ta không phải lúc nào cũng đơm hoa kết trái, hoặc những sai lầm của chúng ta dường như cản trở hành trình mà chúng ta đang thực hiện. Chúng ta cũng được yêu cầu không tiếp tục là tù nhân của những thất bại của mình, điều này rất tệ, vì những thất bại sẽ nắm giữ chúng ta và chúng ta có thể trở thành tù nhân của thất bại. Không, xin vui lòng: chúng ta đừng tiếp tục là tù nhân của những thất bại của mình. Thay vì chỉ nhìn vào những chiếc lưới trống rỗng, chúng ta hãy hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng Người. Đừng nhìn vào những chiếc lưới trống rỗng của mình, hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Người sẽ giúp anh chị em bước đi, Người sẽ giúp anh chị em, hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu! Ngay cả khi chúng ta đã trải qua đêm thất bại và những lúc thất vọng khi chúng ta không bắt được gì, chúng ta vẫn luôn có thể mạo hiểm ra khơi và thả lưới một lần nữa. Bây giờ chúng ta hãy dành một phút im lặng và mỗi người trong số anh chị em hãy suy nghĩ về những thất bại của chính mình. Và khi nhìn vào những thất bại này, chúng ta hãy mạo hiểm, hãy tiến về phía trước với lòng can đảm của lời Chúa.

Thánh Teresa Calcutta, người mà chúng ta mừng kính hôm nay và là người không biết mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo và trở thành người thúc đẩy hòa bình và đối thoại, thường nói, "Khi chúng ta không có gì để cho, hãy cho đi việc không có gì cả đó. Và hãy nhớ rằng, ngay cả khi bạn không gặt hái được gì, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt". Thưa anh chị em, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt, vì đây là cuộc sống.

Thưa anh chị em, tôi cũng muốn nói với anh chị em, với quốc gia này, với quần đảo tuyệt vời và đa dạng này, đừng mệt mỏi khi ra khơi, đừng mệt mỏi khi thả lưới, đừng mệt mỏi khi mơ ước, đừng mệt mỏi khi xây dựng lại nền văn minh hòa bình. Luôn dám mơ ước về tình huynh đệ, đó là kho báu thực sự giữa anh chị em. Được hướng dẫn bởi lời Chúa, tôi khuyến khích anh chị em gieo hạt giống tình yêu, tự tin bước đi trên con đường đối thoại, tiếp tục thể hiện lòng tốt và sự tử tế của mình bằng nụ cười đặc trưng của anh chị em.

Anh chị em đã được nói rằng anh chị em là một dân tộc luôn mỉm cười chưa? Xin đừng đánh mất nụ cười của mình, và hãy tiếp tục tiến về phía trước! Và hãy là những người xây dựng hòa bình. Hãy là những người xây dựng hy vọng!

Các Giám mục của đất nước này gần đây đã bày tỏ mong muốn mà tôi cũng muốn truyền đạt đến toàn thể người dân Indonesia: hãy cùng nhau bước đi vì lợi ích của xã hội và của Giáo hội! Hãy là những người xây dựng hy vọng. Hãy lắng nghe thật kỹ: hãy là những người xây dựng hy vọng, hy vọng của Tin Mừng, không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5:5), không bao giờ làm chúng ta thất vọng, nhưng thay vào đó mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.
________________________________________

Lời Cảm ơn kết thúc Thánh lễ

Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Ignatius, cũng như Chủ tịch Hội đồng Giám mục và các Giám mục khác của Giáo hội Indonesia, những người cùng với các linh mục và phó tế phục vụ dân thánh của Chúa tại đất nước vĩ đại này. Tôi cũng cảm ơn những người nam nữ tận hiến, tất cả các tình nguyện viên và, với tình cảm sâu sắc, những người già cả, bệnh tật và đau khổ đã cầu nguyện cho chúng tôi. Cảm ơn anh chị em!

Chuyến viếng thăm của tôi giữa anh chị em sắp kết thúc, và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vui mừng của mình về sự chào đón nồng nhiệt mà tôi đã nhận được. Với lời cảm ơn mới gửi đến Tổng thống Cộng hòa, người đã có mặt ở đây hôm nay, đến các Cơ quan Dân sự khác và các cơ quan an ninh, tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với toàn thể người dân Indonesia.

Sách Công vụ Tông đồ có chép rằng vào ngày Lễ Ngũ tuần, có một cuộc náo động lớn ở Giêrusalem. Và mọi người đều ồn ào rao giảng Tin Mừng. Xin anh chị em thân mến, hãy ồn ào lên! Hãy ồn ào lên!

Xin Chúa ban phước cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em!
 
Ngày thứ ba ở Indonesia ĐTC nhấn mạnh: Chúng ta đều kết nối với nhau
Thanh Quảng sdb
15:52 05/09/2024
Ngày thứ ba ở Indonesia ĐTC nhấn mạnh: 'Chúng ta đều kết nối với nhau'

Ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của Đức Phanxicô ở Indonesia, trước khi ngài khởi hành cho chặng thứ hai trong chuyến tông du Châu Á - Thái Bình Dương, là một bài ca về tình nhân loại chung của chúng ta, một lời nhắc nhở rằng "không ai có thể làm gì nếu thiếu người khác", và một lời kêu gọi vượt qua các rào cản và sự không khoan dung nếu chúng ta muốn cứu nhân loại và hành tinh này.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

“Hãy là những người xây dựng hy vọng”, Đức Phanxicô nói với hơn 100.000 tín hữu Indonesia, quy tụ vào chiều thứ năm (5/9/2024) để tham dự Thánh lễ tại sân vận động chính của Jakarta, kết thúc chuyến tông du ba ngày của ngài tới đất nước này.

“Được hướng dẫn bởi lời Chúa”, ngài nói trong bài giảng, “tôi khuyến khích các bạn gieo hạt giống tình yêu, tự tin bước đi trên con đường đối thoại, tiếp tục thể hiện lòng tốt và sự tử tế của mình... và hãy là những người xây dựng sự thống nhất và hòa bình”.

Lời kêu gọi của ĐTC về việc thúc đẩy tình huynh đệ trong một thế giới chia rẽ và tan vỡ đã vang vọng mạnh mẽ tại quốc gia đa nguyên và đa dạng này với nhiều hòn đảo, ngôn ngữ và tín ngưỡng.

Đây là một quốc gia Hồi giáo đông đảo, tự hào về truyền thống khoan dung và chung sống hòa bình, một quốc gia đã tìm kiếm và tìm thấy một người bạn và đồng minh là Giáo hoàng Phanxicô, người đã ký một tuyên bố chung vào buổi sáng với Đại giáo chủ của Giáo Hội Hồi giáo Istiqlal, tại đền thờ lớn nhất Đông Nam Á, trong đó họ cùng nhau kêu gọi sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại và của sự sáng tạo.

Nhu cầu cấp thiết phải nuôi dưỡng và vun đắp Tình huynh đệ nhân loại, chủ đề chính của toàn bộ chuyến tông du, đã thấm nhuần vào buổi lễ đó theo nhiều cách khác nhau khi Giáo hoàng và vị giáo chủ bước vào "Đường hầm hữu nghị" nổi tiếng nối liền Nhà thờ Công Giáo và Đền thờ Hồi giáo, cả về mặt vật lý và biểu tượng.

"Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc giúp mọi người vượt qua những đường hầm của cuộc sống với đôi mắt hướng về ánh sáng", ĐTC nói.

Nhưng ánh sáng rực rỡ nhất trong ngày đã chiếu rọi trong chuyến thăm của ĐTC đến một nhóm người khuyết tật đang chờ chào đón ngài tại các văn phòng gần đó của Hội đồng Giám mục Indonesia.

Sau khi lắng nghe những chứng từ về khó khăn và hy vọng của Andrew, và biết được Andrew đã được chọn tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật như thế nào, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vận động viên bơi lội trẻ tuổi, quay sang chủ nhà và nói: "Tất cả các bạn đều là những nhà vô địch của tình yêu trong Thế vận hội Olympic của cuộc sống!"

Và sau đó, có lẽ làm điều mà ngài thích nhất, ngài từ từ đẩy xe lăn của mình lên xuống các lối đi, dừng lại để chào từng cậu bé, từng bé gái, đàn ông và phụ nữ bằng một cái chạm tay, một cái ôm, một sự trao đổi gần gũi và lòng trắc ẩn không cần lời nói, và hầu như không ai trong phòng không khỏi rơi nước mắt.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại giáo sĩ ký tuyên bố chung tại đền thờ Hồi giáo Indonesia
Vũ Văn An
17:58 05/09/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại khuôn viên nhà thờ Hồi giáo quốc gia Indonesia ở Jakarta, Indonesia, ngày 5 tháng 9 năm 2024. | Nguồn: Daniel Ibáñez/CNA


Courtney Mares của hãng tin CNA từ Jakarta, Indonesia, ngày 5 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm khuôn viên của đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á vào thứ Tư để tham dự cuộc họp liên tôn tại Indonesia, nơi ngài đã ký một tuyên bố chung lên án bạo lực dựa trên tôn giáo với nhà lãnh đạo Hồi giáo Đại Imam Nasaruddin Umar.

Tuyên bố chung Istiqlal 2024 có tiêu đề “Thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại”.

Được đặt theo tên Đền thờ Hồi giáo Istiqlal quốc gia của Indonesia, văn bản này kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau hợp tác để thúc đẩy phẩm giá con người, đối thoại liên tôn và bảo vệ môi trường.

“Các giá trị chung của các truyền thống tôn giáo của chúng ta cần được thúc đẩy hiệu quả để đánh bại văn hóa bạo lực”, tuyên bố nêu rõ.

“Niềm tin và nghi lễ tôn giáo của chúng ta có khả năng đặc biệt để nói với trái tim con người và do đó thúc đẩy sự tôn trọng sâu sắc hơn đối với phẩm giá con người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia, để tham dự một cuộc họp liên tôn vào ngày 5 tháng 9 năm 2024. Nguồn: Daniel Ibáñez/CNA


Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm khuôn viên Đền thờ Hồi giáo Istiqlal của Jakarta vào ngày 5 tháng 9. Đền thờ Hồi giáo đồ sộ này là một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có sức chứa lên tới 250,000 người cùng một lúc. Đức Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Indonesia vào năm 1989, là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm một đền thờ Hồi giáo trong chuyến thăm Damascus vào năm 2001.

Theo vị giáo sĩ lớn của đền thờ Hồi giáo, Istiqlal chỉ đứng sau Mecca và Medina về quy mô, và ảnh hưởng của nó trải rộng đến khoảng 242 triệu người Hồi giáo ở Indonesia.

Cuộc họp liên tôn nhằm thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa về tôn giáo ở Indonesia, nơi đang phải đối mặt với những thách thức với sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các trường hợp bạo lực chống lại các Ki-tô hữu.

Phát biểu trước đại diện của sáu tôn giáo được công nhận chính thức của Indonesia — Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Công Giáo và Tin lành — Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu rõ tầm nhìn của mình về đối thoại liên tôn.

"Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một cuộc họp giữa các tôn giáo là vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung giữa các học thuyết và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau bất kể phải trả giá như thế nào. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể khiến chúng ta chia rẽ, bởi vì học thuyết và giáo điều của mỗi tôn giáo là khác nhau", giáo hoàng cho biết.

“Điều thực sự đưa chúng ta lại gần nhau hơn là tạo ra sự kết nối giữa sự đa dạng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, sự quan tâm và sự có đi có lại”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm rằng khi các nhà lãnh đạo tôn giáo vun đắp mối quan hệ, điều đó cho phép họ “cùng nhau tiến lên theo đuổi những mục tiêu chung: bảo vệ phẩm giá con người, chống lại đói nghèo và thúc đẩy hòa bình”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến đền thờ Hồi giáo qua Cổng Alfattah, nơi Đại Imam Nasaruddin Umar nồng nhiệt chào đón ngài. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiến đến “Đường hầm hữu nghị” mới xây dựng, một lối đi ngầm nối đền thờ Hồi giáo với Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Lên Trời của Jakarta, do chính phủ Indonesia xây dựng để thúc đẩy đối thoại và đoàn kết.

Trước khi bước vào “Đường hầm hữu nghị”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng nơi này sẽ trở thành “nơi đối thoại và gặp gỡ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với đại imam: “Tôi hy vọng rằng các cộng đồng của chúng ta ngày càng cởi mở hơn với đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng của sự chung sống hòa bình đặc trưng của Indonesia”.

Đại diện sáu tôn giáo được công nhận chính thức — Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Công Giáo và Tin lành — tham dự cuộc họp liên tôn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Imam Nasaruddin Umar vào ngày 5 tháng 9 năm 2024 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Daniel Ibanez/CNA


Sự kiện liên tôn diễn ra trong một căn lều màu đỏ và trắng trên khuôn viên đền thờ Hồi giáo. Sự kiện bắt đầu bằng điệu nhảy chào mừng truyền thống của người Hồi giáo được gọi là Marawis, tiếp theo là một đoạn kinh Quran ngắn của một phụ nữ Indonesia và một đoạn trích từ Tin Mừng Luca.

Đại diện của bốn tôn giáo được công nhận khác đã đứng lên đoàn kết khi bản tuyên bố được đọc to cho những người tham gia trong lều.

Văn kiện Istiqlal xác định tình trạng phi nhân tính và biến đổi khí hậu là hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay, nhấn mạnh trách nhiệm chung của các cộng đồng tôn giáo trong việc giải quyết các thách thức hoàn cầu. Văn kiện này cũng khẳng định sự cần thiết của đối thoại liên tôn để giải quyết "các cuộc xung đột cục bộ, khu vực và quốc tế, đặc biệt là những cuộc xung đột do tình trạng lạm dụng tôn giáo gây ra".

Tuyên bố chung tại nhà thờ Hồi giáo Indonesia gợi nhớ đến tuyên bố Abu Dhabi về “Tình anh em nhân loại” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký với Ahmed el-Tayeb, đại giáo sĩ Hồi giáo của al-Azhar tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, khi ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bán đảo Ả Rập vào năm 2019.

Vào thứ năm, đại giáo sĩ Hồi giáo Indonesia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp, chỉ ra ảnh hưởng của Đền thờ Hồi giáo Istiqlal trên khắp Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.

Là đền thờ Hồi giáo nhà nước duy nhất của Indonesia, Đền thờ Hồi giáo Istiqlal "dự kiến sẽ cung cấp hướng dẫn cho hơn 1 triệu đền thờ Hồi giáo và phòng cầu nguyện rải rác trên khắp các đảo của Cộng hòa Indonesia", ông giải thích.

"Đền thờ Hồi giáo này cũng tìm cách thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa tôn giáo ở Indonesia", nhà lãnh đạo Hồi giáo nhấn mạnh.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôn tay Đại giáo sĩ Nasaruddin Umar sau khi ký Tuyên bố chung Istiqlal vào ngày 5 tháng 9 năm 2024, tại Jakarta, Indonesia. Nguồn: Daniel Ibáñez/CNA


Trong một cử chỉ cảm động về tình đoàn kết và tình bạn khi kết thúc sự kiện, vị giáo sĩ Hồi giáo đã hôn lên đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khi Đức Giáo Hoàng hôn tay của vị giáo sĩ Hồi giáo vĩ đại và sau đó chạm vào má của ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ kết thúc ngày thứ ba của chuyến tông du đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương bằng cách cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta. Vào thứ Sáu, ngài dự kiến sẽ rời Indonesia đến Papua New Guinea.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Effata hãy mở ra!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
16:40 05/09/2024
Hình ảnh Effata hãy mở ra!

Hình ảnh người câm và điếc trong xã hội ngày hôm nay không còn hiển thị rõ, hay bị bỏ rơi thương tâm như trong xã hội ngày xưa. Không còn hình ảnh họ ngồi bơ vơ cô đơn nơi vệ đường nữa. Nhưng họ được hiểu cho là người bị nặng tai nghe không rõ, người bị vướng trở không nói rõ thành tiếng. Họ được xã hội nâng đỡ tôn trọng.

Cám ơn sự cải cách tiến bộ thành công về kỹ thuật và y khoa đã giúp họ vượt qua rào cản vướng trở đó, để cùng tham gia vào đời sống chung trong xã hội. Do đó bài tường thuật trong phúc âm về người bị câm và điếc ( Mc 7, 31-37 ) vọng lại âm vang như chuyện cổ tích ngày xưa thời hôm qua. Cho dù người bị câm điếc đó trong phúc âm thuật lại được Chúa Giêsu ngày xưa chữa giải thoát cho khỏi bị Handicap câm và điếc.

Vậy như thế ngày hôm nay có thể xếp chuyện handicap bị câm và điếc vào ngăn tài liệu lịch sử được không? Hay là tình trạng handicap câm và điếc vẫn còn, cho dù có tiến bộ thành công về kỹ thuật về y khoa giúp bài trừ cho khỏi bị câm điếc? Có còn tình trạng người bị câm và điếc trong xã hội ngày hôm nay không chỉ về khía cạnh thể lý cơ thể thiên nhiên không?

Có nghiên cứu khảo sát mới về ngành thông tin giao thương xác nhận điều mà câu ngạn ngữ dân gian xưa nay vẫn tin tưởng trong đời sống xã hội: Mỗi người chỉ nghe điều họ muốn nghe! Hay họ chỉ nói điều họ muốn nói có lợi cho mình thôi!

Con người lọc lựa điều mình nghe, chỉ giữ lại điều mình muốn nghe, điều có liên quan tới đời sống mình thôi. Con người cũng lọc lựa cân nhắc lời ăn tiếng nói, để nói điều xứng hợp như mình mong muốn thôi. Mỗi người sống theo lập trường vị trí của riêng mình. Những gì có thể gây cản trở đe dọa gây nguy hiểm, không giúp ích cho đời sống mình, thì tìm cách làm ngơ tránh xa. Kinh nghiệm này ai cũng có trong đời sống về chính mình và về người khác nữa. Và như thế hiện tượng câm điếc cũng vẫn còn có ngày hôm nay, không chỉ ngày hôm qua thời Chúa Giêsu!

Đời sống xã hội ngày càng phân chia thành nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau, và phản ứng cùng phân định nhận xét cũng phải tùy theo từng lãnh vực: trong thế giới lao động làm việc, trong thời gian vui chơi thư giãn nghỉ ngơi, trong lãnh vực sinh hoạt chính trị và kinh tế, cũng như trong vùng nghiên cứu phát triển kỹ thuật, trong lãnh vực y khoa về sức khoẻ cũng như trong hệ thống an sinh xã hội, trong lãnh vực chuyên môn cùng sự hiểu biết về môi trường sinh sống, trong nhu cầu về tinh thần tín ngưỡng tôn giáo cũng như nhu cầu về thực phẩm về chỗ ở nhà cửa, về tiền bạc…..

Ngôn ngữ vì thế, không chỉ vì có nhiều tiếng nói mẹ đẻ, nhiều nền văn hóa khác nhau cùng chung sống gặp gỡ nhau, là nguồn những hiểu lầm. Sự thông hiểu giữa những lãnh vực chuyên môn khác nhau trong đời sống luôn luôn trở nên khó khăn hơn cùng phức tạp nhiều hơn thêm.

Rồi đến những phân biệt, đổ vỡ, tranh cãi nhau giữa thế hệ gìa và trẻ, giữa vợ chồng trong hôn nhân, giữa bạn bè, giữa những người xa lạ nhau...Phải, hố sâu xa lạ trong nhịp sống, cảm gíac tình cảm một nền văn hóa rộng tay chào đón chấp nhận nhau, mà con người cần trong đời sống, rất tiếc như càng sâu rộng thêm ra!

Từ hơn hai ngàn năm nay bài giáo lý Tám mối Phúc Thật của tin mừng Chúa Kitô đề ra cho cuộc sống con người với nhau để xây dựng sự bình an tốt đẹp cũng không xóa bỏ đi được cung cách sống khô cứng một chiều chỉ biết riêng cho mình. Phải chăng đó là hậu qủa của sự thiếu lắng nghe và thiếu nói chuyện với nhau, mà chỉ chú ý đến những gì là riêng cho mình thôi?

Nếu vậy thì lời Chúa Giêsu, như trong phúc âm thuật lại, nói với người câm điếc ngày xưa: Effata hãy mở ra! vẫn luôn còn thời sự. Lời đó có gía trị không chỉ trước hết cho đôi tai thính gíac, cho miệng lưỡi phát ra âm thanh tiếng nói của con người, nhưng cho cả trái tim và tinh thần trí khôn nữa.

Hình ảnh Chúa Giêsu không chỉ dùng quyền năng sức mạnh lời nói thần thánh chữa cho người bị handicap câm điếc được lành mạnh trở lại. Nhưng qua đó đã mang lại cho người bị bệnh bầu khí căn bản cùng sự tin tưởng được trở lại hòa nhịp vào cuộc sống chung trong xã hội thiên nhiên. Còn gì vui mừng hạnh phúc hơn nữa!

Cung cách chữa lành của Chúa Giêsu cho người bị câm điếc diễn tả hình ảnh chan hòa tình thương yêu qua những cử chỉ chạm tay vào tai, vào miệng lưỡi người bị bệnh lâu nay sống trong cô lập, cẩn trọng nhẹ nhàng, như người cha mẹ dùng bàn tay xoa dịu vết thương đau trên thân thể người con của mình. Cung cách sự chữa lành như thế nói lên chiều kích sự gần gũi của Chúa Giêsu với con người.

Và không chỉ với cung cách hành động cụ thế như thế để chữa lành. Nhưng Chúa Giêsu đang khi làm cử chỉ đó đã hướng ngước mắt lên Trời Cao cầu nguyện, để làm sáng tỏ cho người được chữa lành nhận ra do từ đâu sự cứu giúp, sự chữa lành thần thánh tuôn tràn xuống.

Chúa Giêsu nói:

Effata! ( nguồn gốc của tiếng aramaisch hephatach = hãy mở ra!) đừng dừng lại nín thinh không nói gì, nhưng hãy mở môi miệng nói lên lời tích cực công nhận, trước khi phát biểu nhận xét hay lời mang mầu sắc phê bình.

Effata! Đừng đóng bịt tai làm ngơ không nghe những lời tốt đẹp tích cực, thay vì vội vàng trước tiên lên án nghi ngờ không muốn nghe.

Effata! Đừng đóng cánh cửa tâm trí làm ngơ điều lời nào đó, mà thực ra có liên quan tới tình trạng đời sống của chính mình.

Effta! Lời Chúa Giêsu nói ngày hôm qua cách đây hơn hai ngàn năm, có thể với ngày hôm nay nghe như một lời “ bùa chú ảo thuật!”. Nhưng lời Effata đó có thể giúp con người, đời sống cùng chung trong xã hội, thay đổi não trạng suy nghĩ từ tiêu cực sang tích cực, từ làm ngơ coi thường sang chú tâm lắng nghe, từ phê bình nặng lời sang khuyến khích cổ vũ tinh thần vươn lên, từ đóng kín sang cởi mở chấp nhận nhau.

Lời Effata Chúa Giêsu không chỉ chữa lành cho người câm điếc cho lành mạnh tai nghe được, miệng lưỡi phát ra âm thanh nói được giúp hội nhập vào đời sống chung trong xã hội ngày xưa, mà còn có ảnh hưởng củng cố tinh thần nếp sống đức tin của người tín hữu Chúa Kitô ngày hôm nay cùng cho ngày mai: Effta -mở ra đến với thiên nhiên, đến với con người trong xã hội, và đến với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, là nguồn đời sống trong vũ trụ.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long





 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và Giáo Lý Viên Indonesia
VietCatholic Media
00:17 05/09/2024
 
24 giờ kinh hoàng của quân Nga: Thương vong cao ngất. Lữ đoàn Bắc Cực bị xóa sổ. Gián điệp Nga ở Mỹ
VietCatholic Media
03:09 05/09/2024


1. Lữ đoàn Bắc Cực của Nga 'bị tiêu diệt' trong cuộc đụng độ ở cửa sông Dnipro

Theo các báo cáo, một số lượng lớn quân lính Nga được tuyển mộ từ các nhà tù để chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên các hòn đảo do lực lượng Nga xâm lược ở cửa sông Dnipro và Hắc Hải.

Hôm Thứ Năm, 05 Tháng Chín, trong cuộc họp báo trên truyền hình quốc gia Ukraine, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết, ít nhất 80% quân số của Lữ đoàn Bắc Cực của Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trên các hòn đảo ở cửa sông Dnipro gần khu vực Kherson của Ukraine.

Tuyên bố của Trung Tá Pletenchuk là lời xác nhận chính thức từ phía Ukraine đối với các tin đồn đã rộ lên trong mấy ngày qua trên các mạng xã hội của Nga.

Hãng tin độc lập Okno của Nga đưa tin rằng người thân của họ cho biết những người lính của Lữ đoàn súng trường cơ giới Bắc Cực số 80 đã “biến mất”. Họ không còn có thể liên lạc được với những quân nhân này.

Lữ đoàn súng trường cơ giới Bắc Cực số 80 được thành lập năm 2014 để bảo vệ lãnh thổ của Nga giáp với Na Uy và Phần Lan như một phần của Bộ tư lệnh chiến lược chung của Hạm đội phương Bắc. Phần lớn các quân nhân gia nhập Lữ Đoàn này là các tù nhân trong các nhà tù hình sự của Nga.

Lữ đoàn Bắc Cực của Nga được cho là đã bị “tiêu diệt” trong các cuộc tấn công của Ukraine, “thương vong lên tới 80%”, tài khoản X của Chris O'Wiki, một nhà phân tích quân sự đăng bài về cuộc chiến, cho biết khi chia sẻ các báo cáo mới nhất.

Một số đơn vị của quân Nga đóng ở miền Nam Ukraine đã được rút về tỉnh Kursk của Nga để phản công cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine. Lợi dụng tình hình này, quân Ukraine ở miền Nam đã bất ngờ mở các cuộc hành quân tảo thanh các đơn vị còn lại của quân Nga trong tỉnh Kherson vẫn còn bị tạm chiếm một phần.

Ukraine đã tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên qua sông Dnipro sau khi giải phóng thành phố Kherson và bờ tây của con sông vào cuối năm 2022. Quân đội Kyiv đã tiến đến bờ sông Dnipro bị tạm chiếm vào giữa tháng 10 năm 2023 sau các hoạt động vượt sông rộng khắp. Các cuộc tấn công đã trở nên thường xuyên hơn sau khi một số lực lượng Nga được điều động về Nga để chiến đấu chống lại cuộc tấn công xuyên biên giới của quân Ukraine.

[Newsweek: Russia's Arctic Brigade 'Decimated' in Dnieper Estuary Clashes: Report]

2. 'Chúng tôi hành xử như con người': Ukraine định hình cuộc chiến và luật chiến tranh như thế nào

Khi người lính Ukraine Vitaly tiến vào vùng Kursk của Nga trong cuộc tấn công gần đây, điều đầu tiên khiến anh ngạc nhiên là một số người dân địa phương nói tiếng Ukraine.

“Một số người trong số họ nói rằng họ có người thân ở Ukraine thường đến đây mua sắm cho đến khi những người [cao cấp] quyết định tiến hành một cuộc xâm lược. Họ thậm chí có thể nói tiếng Ukraine tốt hơn tôi,” Vitaly nói với POLITICO qua điện thoại từ vùng Kursk. “Có lẽ đó là lý do tại sao tôi không cảm thấy muốn trả thù cho những gì quốc gia của họ đã làm với Ukraine.”

Quan điểm cho rằng thường dân Nga được an toàn ở những khu vực do quân đội Ukraine tạm chiếm chỉ là một phần trong câu chuyện lớn hơn của Kyiv khi nước này muốn tách biệt mình khỏi sự xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine và cũng là để không đánh mất sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là không giống như những kẻ đã mang chiến tranh đến với chúng tôi bằng cướp bóc và hiếp dâm. Tôi rất tự hào về những người lính của chúng tôi, rằng chúng tôi không có bất cứ điều gì như thế”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trả lời câu hỏi của POLITICO trong một cuộc họp báo ở Kyiv tuần trước.

“Nó cũng ảnh hưởng đến thái độ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm nhập. Và bạn thấy thái độ đối với hoạt động này, mặc dù các đối tác không biết điều đó sẽ xảy ra. Điều này là do chúng tôi hành xử như con người,” Zelenskiy nói thêm.

Ukraine đã và đang công bố các video ghi lại cảnh quân đội Ukraine tương tác với thường dân Nga và cung cấp cho họ thực phẩm và nước uống.

Bất cứ điều gì xung đột với câu chuyện đó đều là rủi ro. Điều đó có nghĩa là một hỏa tiễn Ukraine lạc hướng tấn công một trường học Nga, hoặc một người lính giết một thường dân Nga có thể ngay lập tức được chuyển thành lợi thế cho Mạc Tư Khoa. Trong khi đó, Nga không phải đối mặt với bất kỳ sự hạn chế nào tương tự vì họ đã chà đạp lên luật chiến tranh trong cuộc xâm lược Ukraine.

Nhưng với việc lực lượng Ukraine kiểm soát hàng ngàn km2 của Nga trong gần một tháng — điều mà Điện Cẩm Linh lên án là hoạt động “khủng bố” — Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ cáo buộc chắc chắn nào về việc Ukraine vi phạm luật chiến tranh.

Andriy Yakovlev, một luật sư và chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự và nhân quyền thuộc Tổ chức phi chính phủ Sáng kiến truyền thông vì nhân quyền của Ukraine, cho biết: “Chúng ta cần phải làm mọi thứ mà Liên bang Nga đã không làm trên vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”.

Bắt đầu từ năm 2014, khi sáp nhập Crimea và kích động nổi loạn ở miền đông Ukraine, Nga đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc khi tấn công một quốc gia có chủ quyền. Cuộc xâm lược toàn diện của họ hơn hai năm trước cũng là bất hợp pháp — mặc dù Putin nói rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” của ông là một hành động tự vệ.

Cách đối xử của Nga với dân thường cũng đã vi phạm luật chiến tranh - được nêu rõ trong bốn Công ước Geneva.

Nó bao gồm từ các cuộc tấn công bừa bãi vào các mục tiêu dân sự như tòa nhà chung cư, nhà ga xe lửa và trung tâm mua sắm cho đến tra tấn và thảm sát của lực lượng Nga tại các thành phố bị tạm chiếm như Bucha — là điều mà Ukraine muốn Nga phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC.

ICC cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Putin, cho rằng ông đã không ngăn chặn được việc bắt cóc bất hợp pháp trẻ em từ Ukraine sang Nga.

Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, lưu ý rằng “Có vẻ như nước Nga ngày nay đang phạm phải ba loại tội ác cơ bản: chiến tranh xâm lược, tội ác chiến tranh và diệt chủng”.

Người Ukraine muốn nhấn mạnh rằng họ đang tiến hành một cuộc chiến rất khác.

“Điều quan trọng là Ukraine phải chiến đấu theo đúng luật lệ và các nhu cầu nhân đạo trong khu vực đó phải được đáp ứng”, Zelenskiy phát biểu vào tháng trước.

Đó là mục tiêu chiến tranh quan trọng, tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan viết.

“'Chiến đấu theo luật lệ' này đóng vai trò lớn trong việc thể hiện tính hợp pháp cho nhà nước Ukraine và giúp giành được sự ủng hộ về mặt quân sự, ngoại giao, tài chính và đạo đức từ các quốc gia khác. Nhưng nó cũng có tác động quan trọng đến những người lính. Khi những người lính được chỉ huy tốt và tham gia vào hành vi đạo đức trong chiến tranh (mặc dù đôi khi có thể rất tàn khốc), điều đó giúp họ giữ được tính nhân bản trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất và cũng bảo vệ được tâm hồn của họ”.

Người lính Vitaly đến từ Lyman, một thành phố ở vùng Donetsk bị Nga xâm lược vào những ngày đầu của cuộc xâm lược và sau đó được giải phóng vào mùa thu năm 2022. Khi trở về căn nhà của mình, anh thấy nó đã bị cướp bóc. “Người Nga đã đánh cắp mọi thứ mà họ có thể với tới”, Vitaly nhớ lại.

Mặc dù ông thừa nhận rằng chế độ cai trị của Ukraine tại các vùng lãnh thổ mới chiếm được của Nga vẫn còn hỗn loạn, nhưng binh lính không quan tâm đến việc cướp bóc.

“Đồ đạc của họ không có giá trị gì với chúng tôi, chúng là của người khác. Nhưng chúng tôi cho phép người dân địa phương lấy một số nhu yếu phẩm đầu tiên từ các cửa hàng địa phương khi họ yêu cầu. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ giữ thái độ hợp lý và lấy những gì họ thực sự cần”, Vitaly nói.

Quân đội Ukraine ở Kursk đã giúp đỡ người dân địa phương bằng thực phẩm, nước đóng chai và thuốc men, những thứ mà những người lính như Vitaly thường mang theo từ các chuyến đi đến thành phố Sumy của Ukraine. Họ có nghĩa vụ phải làm như vậy theo luật pháp quốc tế.

Điều 43 của Quy định Hague năm 1907 nêu rõ: “Các lực lượng xâm lược “sẽ thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để khôi phục và bảo đảm trật tự và an toàn công cộng trong khả năng có thể”.

Ukraine đã thành lập sở chỉ huy quân sự đầu tiên tại Sudzha, nhưng vẫn chưa rõ liệu sở này có thể thực hiện hiệu quả các chức năng quản lý ở các khu vực bên ngoài thành phố hay không, nơi giao tranh diễn ra thường xuyên và quyền kiểm soát có thể thay đổi nhanh chóng.

“Rất khó để xác minh việc thiết lập quyền lực và khả năng thực hiện các chức năng bảo trì, vì chúng tôi không có dữ liệu đã được xác minh, ngoại trừ thành phố Sudzha, nơi rõ ràng nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine, được chứng minh bằng các chuyến thăm của các nhà báo”, Yakovlev, luật sư nhân quyền, cho biết.

Phát ngôn nhân của bộ tư lệnh quân đội Ukraine tại Siversk, đơn vị chịu trách nhiệm cho chiến dịch Kursk, Vadym Mysnyk, trả lời tờ POLITICO rằng người Ukraine đang nỗ lực tái lập nguồn cung cấp nước và hiện đã có bác sĩ làm việc tại các khu vực do họ kiểm soát, nơi vẫn còn hàng trăm người Nga sinh sống.

“Chúng tôi vẫn đang đếm xem có bao nhiêu người mà chúng tôi phải chăm sóc. Nhiều người trong số họ đã trốn chúng tôi trong những ngày đầu, nhưng khi họ thấy cách đối xử nhân đạo, nhiều người trong số họ bắt đầu ra ngoài và yêu cầu được giúp đỡ. Chúng tôi có các đội đặc nhiệm giúp đỡ họ,” Mysnyk nói thêm.

Kyiv cho phép các nhà báo quốc tế vào những khu vực đã chiếm được, công bố hàng chục video ghi lại cảnh binh lính Ukraine đối xử nhân đạo với người dân địa phương và yêu cầu các tổ chức như Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, gọi tắt là ICRC, đến quan sát tình hình.

Pat Griffiths, phát ngôn nhân của ICRC tại Ukraine cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương và các đối tác để điều chỉnh hỗ trợ của mình khi cần thiết, đồng thời tiếp tục đối thoại với các bên để bảo đảm tiếp cận nhân đạo rộng rãi hơn cho những người bị ảnh hưởng bởi các hành động thù địch và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả liên quan đến tù nhân chiến tranh”.

Nga tấn công chính nước mình

Ông Alexei Smirnov, quyền thống đốc vùng Kursk của Nga, cho biết hơn 130.000 cư dân đã di tản khỏi khu vực Kursk, trong khi 20.000 người vẫn ở lại.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk phát biểu với POLITICO trong một diễn đàn ở Kyiv tuần trước rằng Kyiv đã thúc giục Mạc Tư Khoa chính thức nộp đơn xin mở hành lang nhân đạo để người dân địa phương có thể di tản, nhưng cho đến nay Điện Cẩm Linh vẫn chưa phản hồi.

“Với họ, việc yêu cầu chúng tôi điều gì đó là điều nhục nhã, nên cách dễ dàng hơn là bỏ rơi người dân của họ”, cô nói.

Mối nguy hiểm của việc ở lại ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi Nga bắt đầu tấn công Sudzha.

Mysnyk cho biết: “Người dân địa phương liên tục hỏi tại sao quân đội lại ném bom họ như vậy”, đồng thời nói thêm rằng sau đó người Ukraine cho họ xem ảnh các thành phố của Ukraine như Avdiivka, nơi đã biến thành vùng đất hoang tàn sau các cuộc tấn công của Nga, “và giải thích rằng đây là chiến thuật tấn công chủ yếu của Điện Cẩm Linh”.

Mặc dù là một phần của đội quân đã chinh phục một số lãnh thổ của đối phương, Vitaly không cảm thấy mình giống như một kẻ xâm lược.

“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng việc chúng tôi ở đó là biện pháp tạm thời vì chúng tôi bị Nga chiếm đất đai của chúng tôi. Nếu Nga không xâm lược, chúng tôi sẽ không ở đó, mặc dù họ nói tiếng Ukraine ở đó tốt hơn một số người trong chúng tôi nhiều”, người lính nói.

“Chúng tôi chỉ ở đây tạm thời thôi,” ông nói. “Nhưng là một cư dân Donetsk, tôi vui mừng vì cuộc chiến cuối cùng đã đến Nga.”

[Politico: ‘We behave like humans’: How Ukraine frames its fighting and the laws of war]

3. Các công tố viên cho biết Nga đã hành quyết 3 tù binh chiến tranh Ukraine tại Tỉnh Donetsk

Nga đã hành quyết ba tù binh chiến tranh Ukraine gần Toretsk ở Tỉnh Donetsk, Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết vào hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín.

Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cho biết cơ quan của ông đang mở cuộc điều tra về vụ việc.

Trước đó, một video được lan truyền trên Telegram cho thấy cảnh ba người lính Ukraine bước ra khỏi tầng hầm với hai tay giơ lên. Sau đó, những người Ukraine này đã bị lính Nga bắt giữ, buộc nằm úp mặt xuống đất và bắn chết ngay lập tức.

Tính đến tháng 3 năm 2024, Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã thu thập thông tin trước khi xét xử về hơn 128.000 nạn nhân của tội ác chiến tranh. Các công tố viên cho biết họ đang điều tra các trường hợp ít nhất 54 tù binh chiến tranh Ukraine bị Nga hành quyết.

Trong một hoàn cảnh tương tự như tội ác chiến tranh gần đây nhất bị cáo buộc của Nga, một video được lan truyền rộng rãi được quay vào tháng 5 cho thấy bốn người lính Ukraine bị hành quyết trong tư thế nằm sấp trên mặt đất sau khi đầu hàng.

Tổng công tố Andrii Kostin cho biết vào tháng 6 rằng các chỉ huy Nga đã ra lệnh “không bắt giữ quân nhân Ukraine, mà thay vào đó là giết họ bằng sự tàn ác vô nhân đạo”. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi đoạn phim cho thấy cảnh một người lính Ukraine bị quân đội Nga chặt đầu được công bố.

“Đây là hành động man rợ khủng khiếp không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”, Kostin nói vào thời điểm đó.

[Kyiv Independent: Russia executed 3 Ukrainian POWs in Donetsk Oblast, prosecutors say]

4. Kyiv cho biết tổn thất của Nga tại Ukraine đạt mức cao nhất trong bốn tháng qua

Theo Kyiv, tổn thất của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng, lên tới 1.390 thương vong trong 24 giờ của ngày 4 tháng 9 - là mức cao nhất kể từ tháng 5 và là một trong những tổn thất cao nhất trong một ngày suốt cuộc xâm lược.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 05 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ trước đó, Nga mất 7 xe tăng, 27 xe chiến đấu bọc thép, 30 hệ thống pháo, 43 máy bay điều khiển từ xa và 35 xe cơ giới và thùng nhiên liệu.

Những báo cáo mới nhất này sẽ nâng tổng số quân Nga thiệt hại kể từ năm 2022 lên 620.350 quân, 17.694 hệ thống pháo và 8.618 xe tăng.

Đi kèm với bản báo cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine là trích dẫn lời của Bertrand Russell, nhà toán học, nhà logic học và triết gia người Anh: “Chiến thắng nỗi sợ hãi là khởi đầu của trí tuệ”.

Dữ liệu gần đây có nguồn từ Quân đội Ukraine cho thấy tổn thất về các hệ thống pháo và thiết bị đặc biệt của Nga đã đạt mức cao kỷ lục, với các báo cáo chỉ ra rằng Nga đã mất 1.520 hệ thống pháo vào tháng 7 và thêm 1.517 hệ thống vào tháng 8.

Trước đó, các quan chức Ukraine đã báo cáo rằng tháng 6 là tháng tồi tệ nhất của Nga về tổn thất pháo binh, với 1.415 hệ thống pháo của Nga bị phá hủy. Con số này hiện đã bị vượt qua bởi dữ liệu của tháng 7 và tháng 8.

Tin tức về những số liệu mới nhất này được đưa ra khi các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công Kursk của Ukraine có thể làm chậm bước tiến của Nga.

Một báo cáo cuối tuần của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết rằng “áp lực hoạt động từ cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk đang tác động đến các hoạt động của Nga ở mọi khu vực trên toàn chiến trường”.

ISW cho biết: “Bộ chỉ huy quân sự Nga có thể đã tái triển khai các lực lượng hạn chế nhằm tăng cường sức mạnh cho cuộc tấn công ưu tiên của Nga theo hướng Pokrovsk để phòng thủ trước cuộc tấn công của Ukraine vào Tỉnh Kursk”.

Putin đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng về phản ứng của Mạc Tư Khoa đối với vụ xâm nhập tỉnh Kursk.

Chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc Yevgeny Fedorov, điều phối viên của phong trào Giải phóng Dân tộc Nga, người bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước, đã chỉ trích quan điểm chính thức từ Mạc Tư Khoa, là tìm cách đánh giá thấp cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine.

Cuộc tấn công Kursk bắt đầu vào ngày 6 tháng 8 và đang tiếp tục tiến sâu vào các khu vực biên giới của Nga.

Mạc Tư Khoa hiện đã lên án sự ủng hộ từ phương Tây đối với cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine, vì động thái này được các quan chức cao cấp của NATO công khai chấp thuận.

Maria Zakharova, giám đốc phòng báo chí Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu hôm thứ Tư: “Chúng tôi muốn cảnh báo những chính trị gia vô trách nhiệm như vậy ở Liên Hiệp Âu Châu, NATO và nước ngoài rằng trong trường hợp chế độ Kyiv có những bước đi hung hăng tương ứng, phản ứng của Nga sẽ diễn ra ngay lập tức... và sẽ vô cùng đau đớn.”

[Newsweek: Russian Losses in Ukraine Hit Four-Month Highs: Kyiv]

5. Hoa Kỳ trấn áp sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2024

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tịch thu 32 tên miền internet có liên quan đến các chiến dịch tuyên truyền của Điện Cẩm Linh nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Merrick Garland, cho biết như trên hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch truy quét sự can thiệp của Nga vào bầu cử đang diễn ra sau cảnh báo của tình báo Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 7 rằng Mạc Tư Khoa có kế hoạch tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm thao túng cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã hành động chung chống lại cỗ máy tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, tịch thu tên miền web, ban hành cáo trạng và áp đặt các hạn chế về thị thực đối với những người tham gia chiến dịch “gây ảnh hưởng xấu” của Nga.

Cùng với việc tịch thu tên miền, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chỉ định 10 cá nhân và hai thực thể là một phần trong chiến dịch tuyên truyền phối hợp của Nga, có biệt danh là “Doppelganger”.

Những cá nhân được chỉ định bao gồm các nhà bình luận cánh hữu nổi tiếng Benny Johnson và Tim Pool, những người đã thu hút hàng triệu người theo dõi trên YouTube cũng như trên mạng xã hội.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra chính sách hạn chế thị thực mới, chỉ định một số công ty truyền thông Nga là phái bộ nước ngoài và treo thưởng tới 10 triệu đô la cho những người cung cấp thông tin về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.

Bộ Tư pháp cáo buộc rằng là một phần của hoạt động Doppelganger, các công ty Nga là Social Design Agency, Structura National Technology và ANO Dialog được Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất của Putin, Sergey Kiriyenko, chỉ đạo bí mật phổ biến tài liệu tuyên truyền của Điện Cẩm Linh với mục đích làm giảm sự ủng hộ dành cho Ukraine và gây ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử quốc tế.

Bộ Trưởng Merrick Garland cho biết một tài liệu lập kế hoạch nội bộ nêu rõ mục tiêu của chính phủ Nga là “bảo đảm kết quả mà Nga mong muốn trong cuộc bầu cử”.

Bộ Ngoại giao đã chỉ định tập đoàn truyền thông nhà nước Nga Rossiya Segodnya và các công ty con RIA Novosti, RT, TV-Novosti, Ruptly và Sputnik là các phái bộ nước ngoài theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài của Hoa Kỳ. Việc chỉ định này yêu cầu các công ty phải thông báo cho bộ về tất cả nhân sự làm việc tại Hoa Kỳ và tiết lộ tất cả tài sản nắm giữ tại Hoa Kỳ

“Chúng ta hiện biết rằng RT, trước đây được gọi là Russia Today, đã không còn chỉ là một tổ chức truyền thông đơn thuần nữa”, tuyên bố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết.

“RT đã ký hợp đồng với một công ty tư nhân để trả cho những người Mỹ không hay biết hàng triệu đô la để truyền tải thông điệp của Điện Cẩm Linh nhằm tác động đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ và phá hoại nền dân chủ.”

Bộ Tư pháp cũng truy tố hai công dân Nga làm việc cho RT.

Hoạt động Doppelganger bị cáo buộc sử dụng các chiến thuật như chiếm đoạt tên miền, người có sức ảnh hưởng giả và tài khoản ảo để quảng bá các chiến dịch thông tin sai lệch do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra trên mạng xã hội.

Nhiều trang web Doppelganger bắt chước các kênh tin tức hợp pháp để củng cố các bài viết ủng hộ Nga trong khi che giấu mối quan hệ của họ với chính phủ Nga.

“Những hành động của chúng tôi hôm nay cho thấy rõ rằng Bộ Tư pháp sẽ quyết liệt trong việc chống lại và ngăn chặn các nỗ lực của chính phủ Nga hoặc bất kỳ tác nhân xấu nào khác nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta và phá hoại nền dân chủ của chúng ta,” Bộ Trưởng Merrick Garland nói.

[Kyiv Independent: US cracks down on Russian interference in 2024 election]

6. Thương vong được báo cáo ở Lviv, Kryvyi Rih khi Nga tiến hành một cuộc tấn công hàng loạt khác vào Ukraine

Ít nhất bảy thường dân đã thiệt mạng và 47 người bị thương ở Lviv vào sáng sớm ngày 4 tháng 9 trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, chính quyền địa phương Lviv đưa tin. Trẻ em nằm trong số những người thương vong.

Nhiều vụ nổ đã được nghe thấy trong thành phố trong bối cảnh báo động không kích toàn quốc khi Nga phóng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn vào đất nước này. Nhiều thương vong cũng được báo cáo ở Kryvyi Rih.

Người ta cũng nghe thấy tiếng nổ ở nhiều thành phố khác trong đêm, bao gồm Kyiv, Sumy, Lutsk và Rivne.

Các nhà chức trách cho biết những người thiệt mạng ở Lviv bao gồm hai bé gái 9 và 14 tuổi, một trẻ em khác, một y tá 50 tuổi tại một phòng khám địa phương và một người đàn ông.

Có bảy trẻ em trong số những người bị thương, bao gồm một bé trai 10 tuổi. Khoảng 47 người đã phải vào bệnh viện do vụ tấn công, trong đó có bảy người đang trong tình trạng nguy kịch, Thống đốc Maksym Kozytskyi đưa tin.

Một số tòa nhà gần nhà ga xe lửa trung tâm đã bốc cháy sau cuộc tấn công. Tổng cộng khoảng 50 tòa nhà, bao gồm bốn cơ sở giáo dục, được báo cáo là đã bị hư hại trong cuộc tấn công.

Theo Thị trưởng Andrii Sadovyi, ít nhất hai trường học sẽ không mở cửa trở lại vào ngày 4 tháng 9. Những người ứng cứu đầu tiên đã được điều động đến địa điểm xảy ra vụ tấn công.

Không quân trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn trên nhiều khu vực của Ukraine, bao gồm cả Lviv.

Lviv, nằm cách Kyiv khoảng 540 km về phía tây với dân số hơn 700.000 người, đã nhiều lần bị máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga tấn công trong chiến tranh. Thành phố này cách biên giới Ba Lan khoảng 70 km về phía đông.

Máy bay Ba Lan và NATO đã phải cất cánh trên không phận Ba Lan sau cuộc tấn công của Nga, một phản ứng thường thấy trong các cuộc không kích ở miền tây Ukraine.

Máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga trước đây đã xâm nhập không phận Ba Lan trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, các đồng minh của Ba Lan đã khuyên chính phủ nên kiềm chế khi giải quyết các hành vi vi phạm không phận chưa xác định, theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times được công bố ngày 2 tháng 9, Ba Lan và các nước láng giềng “có trách nhiệm bảo vệ không phận của mình”, bất chấp sự phản đối của NATO.

Vụ tấn công chết chóc nhất vào thành phố cho đến nay xảy ra vào tháng 7 năm 2023, khi một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga khiến 10 người thiệt mạng và 40 người bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Bất kỳ ai thuyết phục được các đối tác của chúng tôi trao cho Ukraine quyền đáp trả lớn hơn đối với vụ khủng bố này đều đang giúp ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố của Nga vào các thành phố của Ukraine”.

Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các đối tác phương Tây cho phép tấn công sâu vào bên trong nước Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, với lý do rằng điều này sẽ giúp tiêu diệt máy bay ném bom của Nga trước khi chúng có thể tấn công các thành phố của Ukraine.

Nga cũng đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào thành phố Kryvyi Rih ở Dnipropetrovsk vào sáng cùng ngày, làm bị thương ít nhất năm thường dân, Thống đốc Serhii Lysak đưa tin. Các nạn nhân bao gồm phụ nữ 62, 83 và 84 tuổi, một người đàn ông 70 tuổi và một bé gái 10 tuổi. Theo các nhà chức trách, đứa trẻ đã được đưa vào bệnh viện.

Theo chính quyền địa phương, một khách sạn, 10 tòa nhà cao tầng, bốn cơ sở giáo dục và bốn chiếc xe đã bị hư hại trong vụ tấn công.

Kryvyi Rih, với dân số khoảng 660.000 người, là thành phố đông dân thứ hai ở Dnipropetrovsk, nằm cách hơn 60 km về phía bắc các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Zaporizhzhia. Quê hương của Zelenskiy đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công chết người của lực lượng Nga kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra.

Một khách sạn ở Kryvyi Rih đã bị một hỏa tiễn của Nga tấn công vào ngày 26 tháng 8, khiến ít nhất bốn người thiệt mạng và năm người bị thương.

Đêm ngày 4 tháng 9, Nga được cho là đã bắn 42 máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn vào Ukraine, bao gồm hai hỏa tiễn Kh-47 Kinzhal phóng từ máy bay MiG-31K, hai hỏa tiễn hành trình Kh-22 phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3, sáu hỏa tiễn hành trình Kh-101 phóng từ máy bay ném bom Tu-95MS, ba hỏa tiễn hành trình Iskander-K và 29 máy bay điều khiển từ xa “kamikaze” kiểu Shahed.

Lực lượng phòng không Ukraine đã chặn được 22 máy bay điều khiển từ xa, bốn hỏa tiễn Kh-101 và ba hỏa tiễn Iskander-K, Không quân cho biết. Sáu máy bay điều khiển từ xa đã bị mất, có thể là do các phương tiện tác chiến điện tử, và một máy bay đã bay đến Belarus, theo tuyên bố.

Phòng không đã hoạt động tích cực ở các tỉnh Lviv, Ivano-Frankivsk, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Volyn, Ternopil, Kyiv, Zhytomyr, Poltava và Sumy.

[Kyiv Independent: Casualties reported in Lviv, Kryvyi Rih as Russia launches another mass attack on Ukraine]

7. Zelenskiy nói về việc cải tổ chính phủ rằng Ukraine 'cần năng lượng mới'

Hôm Thứ Tư, 04 Tháng Chín, tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Ireland Simon Harris, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết rằng việc cải tổ chính phủ Ukraine là cần thiết để củng cố đất nước.

“Chúng ta cần năng lượng mới ngày hôm nay. Và những bước cải tổ này chỉ liên quan đến việc củng cố nhà nước của chúng ta trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính trị và ngoại giao quốc tế cũng không ngoại lệ”, Zelenskiy nói.

“Tôi không thể dự đoán chính xác một số bộ trưởng sẽ làm gì ngày hôm nay. Câu trả lời sẽ đến khi họ được trao một số vị trí nhất định.”

Phát biểu của ông được đưa ra khi quốc hội ủng hộ đơn từ chức của bốn bộ trưởng - Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska, Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập Âu Châu Olha Stefanishyna và Bộ trưởng Sinh thái Ruslan Strilets.

Các nhà lập pháp đã không thu thập đủ số phiếu để ủng hộ đơn từ chức của nhà lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước Vitalii Koval và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập Iryna Vereshchuk. Đơn từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba vẫn chưa được xem xét.

Hiện vẫn chưa biết ai sẽ thay thế các bộ trưởng từ chức. Các ứng cử viên có thể được công bố sau cuộc họp của Đảng Nô Bộc của Nhân dân.

David Arakhamia, nhà lãnh đạo Đảng Nô Bộc của Nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại quốc hội, cho biết vào ngày 3 tháng 9 rằng cuộc cải tổ sẽ ảnh hưởng đến hơn một nửa số nhân viên của chính phủ.

Vào tháng 3, Zelenskiy cho biết người dân Ukraine có thể mong đợi nhiều cuộc cải tổ chính phủ hơn trong tương lai, sau sự thay đổi trong nhóm thân cận của ông.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Phó Thủ tướng Tái thiết Oleksandr Kubrakov và Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solskyi sau đó đã bị cách chức vào tháng 5.

[Kyiv Independent: Ukraine 'needs new energy,' Zelenskiy says of government reshuffle]

8. Các ngân hàng Nga sử dụng biên lai giấy để giải quyết rào cản thương mại với Trung Quốc

Theo truyền thông địa phương, các ngân hàng Nga hiện đang yêu cầu các nhà nhập khẩu địa phương cung cấp biên lai xác nhận khoản thanh toán của họ cho các đối tác kinh doanh Trung Quốc đã được các ngân hàng ở quốc gia Đông Á này chấp thuận.

Diễn biến này đánh dấu một trở ngại nữa trong thương mại giữa hai nước, vốn đã phức tạp hơn do lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ nhằm tước đi nguồn cung cấp có thể thúc đẩy cuộc chiến chống lại Ukraine của Mạc Tư Khoa.

Mặc dù thương mại song phương giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ 11 thế giới đã tăng vọt lên tầm cao mới vào năm 2022 và 2023, các thương nhân đã báo cáo về những phức tạp ngày càng gia tăng trong năm nay khi các ngân hàng Trung Quốc thực hiện các bước để tránh các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ, trì hoãn và ngày càng từ chối thanh toán từ Nga.

Xu hướng này tăng tốc vào tháng trước, khi các phương tiện truyền thông Nga trích dẫn lời các nhà giao dịch cho biết 98 phần trăm các ngân hàng Trung Quốc đã từ chối các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ từ Nga.

Tờ báo kinh doanh hàng ngày của Nga Vedomosti đưa tin hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, rằng ít nhất một số nhà xuất khẩu Trung Quốc hiện phải liên hệ với các ngân hàng địa phương để xác nhận khoản thanh toán của đối tác Nga sẽ được chấp nhận.

Đây là tin không vui đối với các nhà nhập khẩu Nga vì sẽ tiếp tục bị chậm trễ trong bối cảnh bất ổn với đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này.

Bị áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của nhà độc tài Vladimir Putin, nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Trung Quốc, đối với cả các sản phẩm như đồ điện tử, xe hơi và dầu khí, vốn được Bắc Kinh mua với mức chiết khấu lớn.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước láng giềng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 240 tỷ đô la vào năm 2023. Tuy nhiên, năm nay tình hình trở nên thất thường hơn khi các vấn đề thanh toán bắt đầu ảnh hưởng, với kim ngạch xuất khẩu tính bằng Nhân dân tệ sang Nga giảm 3% vào tháng 7 sau khi tăng nhẹ vào tháng 5 và tháng 6.

Những khó khăn trong thương mại đã thúc đẩy các nhà cung cấp Trung Quốc tìm cách giải quyết bằng cách vận chuyển hàng hóa của họ thông qua các nước thứ ba thân thiện như các đối tác của Nga ở Trung Á, truyền thông Nga đưa tin vào tháng 8.

Sự thay đổi này củng cố xu hướng mà các nhà phân tích cho rằng đã diễn ra ít nhất là kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Vào tháng 6, tổ chức nghiên cứu Hoa Kỳ The Atlantic Council đã chỉ ra dữ liệu của Cơ quan Thương mại Liên Hiệp Quốc và chính phủ Trung Quốc cho thấy Kazakhstan đã nhập khẩu số lượng xe hơi gấp đôi vào năm 2023 so với con số năm 2021. Tổ chức nghiên cứu này đã viết rằng đa số những chiếc xe này có khả năng được chuyển đến Nga.

[Newsweek: Russian Banks Resort to Paper Receipts Over China Trade Hurdles]

9. Na Uy cam kết 53 triệu đô la cho máy bay điều khiển từ xa, phòng không cho Ukraine

Chính phủ Na Uy thông báo vào ngày 3 tháng 9 rằng Oslo đã đóng góp 570 triệu kroner Na Uy tức là khoảng 53,3 triệu đô la để mua thêm máy bay điều khiển từ xa và hệ thống phòng không cho Ukraine.

Khoản quyên góp này được thực hiện thông qua Quỹ quốc tế vì Ukraine do Luân Đôn đứng đầu hợp tác với Vương quốc Anh, Lithuania và Hòa Lan. Na Uy trước đây đã đóng góp tổng cộng 168 triệu đô la cho IFU kể từ năm 2022.

Theo tuyên bố, khoản viện trợ này bao gồm máy bay điều khiển từ xa và phòng không để bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga.

“Ukraine đang rất cần thêm thiết bị quân sự để bảo vệ mình trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Cùng với các quốc gia khác, Na Uy sẽ làm những gì có thể để đóng góp”, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram cho biết.

Na Uy đã tăng cường nỗ lực để tăng sản lượng quốc phòng, cả cho nhu cầu trong nước và hỗ trợ Ukraine. Oslo đã công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv vào cuối tháng 5 trị giá khoảng 190 triệu đô la.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng đã ký một thỏa thuận an ninh song phương vào tháng 5. Theo thỏa thuận, Oslo cam kết cung cấp cho Ukraine ít nhất 1,3 tỷ đô la viện trợ quân sự vào năm 2024.

[Kyiv Independent: Norway pledges $53 million for drones, air defense for Ukraine]

10. Ukraine, Ái Nhĩ Lan ký thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Simon Harris đã ký một thỏa thuận hợp tác song phương trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Kyiv vào ngày 4 tháng 9.

Tính đến nay, Kyiv đã ký 26 thỏa thuận song phương với các đối tác nước ngoài dựa trên tuyên bố của G7 trong hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius vào tháng 7 năm 2023.

Thỏa thuận hỗ trợ Ukraine và hợp tác giữa hai nước nêu rõ viện trợ nhân đạo của Dublin, hỗ trợ phục hồi Ukraine, nỗ lực hội nhập Liên Hiệp Âu Châu và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về thiệt hại chiến tranh, cùng nhiều nội dung khác.

Theo thỏa thuận kéo dài 10 năm, Ái Nhĩ Lan đã cam kết cung cấp thêm 140 triệu đô la hỗ trợ quân sự phi sát thương và ít nhất 44 triệu đô la hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine trong năm nay.

Ái Nhĩ Lan cho biết họ sẽ cung cấp hệ thống rà phá bom mìn và thiết bị giải quyết vật liệu nổ, hỗ trợ huấn luyện binh lính Ukraine thông qua phái bộ Liên Hiệp Âu Châu và tìm hiểu các con đường viện trợ khác trong nhóm Ramstein, chẳng hạn như liên minh công nghệ thông tin.

“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới Ái Nhĩ Lan vì những nỗ lực chung trong hoạt động rà phá bom mìn trên đất nước chúng ta – điều này thực sự đã cứu được vô số sinh mạng”, Zelenskiy cho biết sau khi thỏa thuận được ký kết.

Thủ tướng Harris đã đến Kyiv vào sáng sớm ngày 4 tháng 9, thăm các thị trấn ở Tỉnh Kyiv bị lực lượng Nga phá hủy vào năm 2022, cụ thể là Hostomel.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Ái Nhĩ Lan đã công bố một gói hỗ trợ mới trị giá 40 triệu đô la cho “Ukraine và các nước láng giềng” để cung cấp “hỗ trợ nhân đạo thiết yếu, hỗ trợ phục hồi và tái thiết sau này, cũng như đóng góp vào các mục tiêu dài hạn của Ukraine, bao gồm hòa bình, ổn định và nguyện vọng chính trị”.

Chính phủ Ái Nhĩ Lan cho biết kể từ khi chiến tranh toàn diện nổ ra, số tiền Dublin tài trợ cho Ukraine đã lên tới hơn 420 triệu đô la.

Điều này bao gồm hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và phòng thủ phi sát thương nhưng không có viện trợ sát thương do chính sách trung lập quân sự lâu đời của Ái Nhĩ Lan. Quốc gia này là một trong số ít thành viên Liên Hiệp Âu Châu không phải là thành viên của NATO.

[Kyiv Independent: Ukraine, Ireland sign agreement on cooperation, support]
 
Đại Tá Nga say sưa đưa quân vào cửa tử. Belarus hạ gục UAV Nga. Đức viện trợ khẩn cấp cho Ukraine
VietCatholic Media
17:48 05/09/2024


1. Khi người Nga tiến vào Pokrovsk, người Ukraine làm hư hại hoặc phá hủy gần 200 xe trong một ngày

Từ tháng 10 năm 2023 đến giữa tháng 2 năm nay, quân đội Nga đã bao vây, bao vây và sau đó chiếm được thành phố pháo đài Avdiivka ở miền đông Ukraine.

Trong khi lực lượng Ukraine đang thiếu đạn dược, một phần là do các nhà lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ trì hoãn viện trợ, Nga đã có thể duy trì đà tiến công.

Vào tháng 4, họ đã phá vỡ tuyến đầu tiên của các vị trí dự phòng của Ukraine xung quanh Ocheretyne. Khi tiến về phía tây vào tháng trước, họ đã phá vỡ tuyến thứ hai của các vị trí của Ukraine xung quanh Ivanivke.

Ngày nay, Tập đoàn quân trung tâm của Nga chỉ cách mục tiêu lớn tiếp theo trên trục Avdiivka 10 km: là thành phố Pokrovsk, nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine cho toàn bộ mặt trận phía đông.

Nhưng cuộc tiến công kéo dài 11 tháng, 40 km đã gây ra tổn thất to lớn cho quân đội Nga. Chính xác là lớn đến mức nào, chúng ta không biết chắc. Nhưng có bằng chứng cho thấy, vào cuối tuần này, người Nga đã trải qua 24 giờ tốn kém nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 tháng của họ với Ukraine.

Hôm Chúa Nhật 1 Tháng Chín, nhà phân tích Andrew Perpetua đã thống kê được hơn 180 xe cộ và vũ khí hạng nặng của Nga bị hư hại, phá hủy và bỏ lại. Thiệt hại của riêng Ukraine nhẹ hơn nhiều: ít hơn 10 chiếc.

Trung bình trong khoảng 920 ngày của cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Ukraine, Nga chỉ mất 19 vũ khí hạng nặng trong một ngày. Nói cách khác, tổn thất kỷ lục trong một ngày của Nga vào cuối tuần này tệ hơn gần 10 lần so với mức trung bình.

Với tư cách là một chỉ báo về quy mô tổn thất của Nga trên khắp khu vực bạo lực nhất của tiền tuyến dài 1127 km, số liệu thống kê gần như hàng ngày của Perpetua - dựa trên sự giám sát chặt chẽ của ông đối với các tài khoản mạng xã hội của Nga và Ukraine - là khá đáng tin cậy.

Nói một cách đơn giản, cuộc tấn công không ngừng nghỉ vào Pokrovsk “rất tốn kém cho quân đội Nga và họ sẽ không thể duy trì tốc độ này trong thời gian dài”, Nhóm tình báo xung đột ủng hộ Ukraine giải thích.

Đó là sự an ủi lạnh lùng đối với quân đội Ukraine, những người đã chiến đấu trong một trận chiến phòng thủ cam go dọc theo trục Avdiivka kể từ mùa thu năm ngoái, trong khi bị áp đảo về hỏa lực và quân số gấp bốn lần. Nó không kém phần an ủi đối với hàng chục ngàn thường dân Ukraine đã phải di dời do cuộc tiến công của Nga.

Trong phép tính tàn khốc của sự tiêu hao thời chiến, cái giá mà Nga phải trả cho những thành quả của mình ở miền đông Ukraine là rất quan trọng. Chiếm toàn bộ Tỉnh Donetsk của miền đông Ukraine là một trong những mục tiêu chính của Điện Cẩm Linh. Cắt đứt các tuyến tiếp tế của Ukraine sau Pokrovsk là một cách để đạt được mục tiêu đó.

Nhưng nếu cuộc tấn công hiện tại của Nga hết người và phương tiện trước khi tiến qua Pokrovsk, có thể sẽ phải mất một thời gian nữa Nga mới có thể tập hợp đủ nguồn lực cho đợt tấn công thứ hai.

Đó là lý do tại sao một số nhà quan sát Ukraine lạc quan về Pokrovsk, bất chấp những tiến bộ gần đây của Nga về phía thành phố. “Có thể cho rằng đối phương sẽ đến thành phố vào giữa tháng 9, nhưng chúng sẽ không thể chiếm được nó”, Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine dự đoán.

Và sau 11 tháng đẫm máu, thất bại đó cuối cùng có thể báo hiệu sự kết thúc của cuộc tấn công của Nga bắt đầu vào mùa thu năm ngoái bên ngoài Avdiivka. “Trận chiến giành Pokrovsk có thể trở thành đỉnh điểm của cuộc tấn công của Nga trong năm nay, sau đó tiền tuyến sẽ bắt đầu ổn định”, Nhóm tình báo xung đột lưu ý.

Nhưng những dự đoán lạc quan này dựa trên một giả định rủi ro: rằng người Nga không thể ngay lập tức khắc phục được những tổn thất của họ.

Đúng vậy, quân Nga đang tiến quân trong khi để lại một dấu vết kinh hoàng về những người lính tử trận và những chiếc xe bị phá hủy trên đường đi của họ khi họ tiến về Pokrovsk. Những tổn thất này không thể duy trì trong dài hạn: Điện Cẩm Linh đã rút bớt kho vũ khí Chiến tranh Lạnh khổng lồ nhưng hữu hạn của mình. Nhân lực và vật lực của Nga đã kiệt quệ đến mức không còn đủ khả năng để đưa ra một đáp trả có ý nghĩa nào cho cuộc tấn công xuyên biên giới của quân Ukraine vào tỉnh Kursk.

[Newsweek: As The Russians March On Pokrovsk, the Ukrainians Damage Or Destroy Nearly 200 Vehicles In One Day]

2. Belarus xác nhận bắn hạ máy bay điều khiển từ xa trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine

Quân đội Belarus xác nhận việc bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa vào sáng sớm Thứ Năm, 05 Tháng Chín,, ngay sau khi nhóm giám sát Belarusian Hajun đưa tin Belarus đã bắn hạ hai máy bay điều khiển từ xa tấn công của Nga.

Theo nhà báo Belarus Hajun, các máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ gần thành phố Homel, cách biên giới với Tỉnh Chernihiv của Ukraine khoảng 35 km.

Cảnh báo trên không được ban hành tại Tỉnh Chernihiv từ 11 giờ tối ngày 4 tháng 9 đến 10 giờ sáng ngày 5 tháng 9 do mối đe dọa từ máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Belarus đã ghi nhận một vụ vi phạm không phận biên giới quốc gia của mình, “có lẽ là do máy bay điều khiển từ xa”, Sergei Frolov, Tổng tham mưu trưởng Belarus và phó tư lệnh thứ nhất của Lực lượng Không quân, cho biết trong một tuyên bố.

“Nhờ hành động kịp thời của lực lượng phòng không, tất cả những kẻ vi phạm đều bị tiêu diệt”, Frolov tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền đang tiến hành điều tra.

Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố vào ngày 9 tháng 8 rằng một số máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn hạ trên Belarus, gọi sự việc này là “hành động khiêu khích của Ukraine”.

Nhóm Hajun của Belarus Hajun cho biết tuyên bố này là sai sự thật và không có máy bay điều khiển từ xa nào của Ukraine bị phát hiện.

Theo tờ Hajun của Belarus, đã có nhiều trường hợp máy bay điều khiển từ xa loại Shahed của Nga bay chệch hướng đến Belarus trong những tuần qua.

Có ít nhất sáu máy bay điều khiển từ xa của Nga được cho là đã xâm nhập không phận Belarus trong một cuộc tấn công hàng loạt gần đây vào Ukraine vào ngày 26 tháng 8.

Minsk chưa bao giờ công khai phản đối Mạc Tư Khoa - đồng minh quan trọng của nước này - về các sự việc được báo cáo.

[Kyiv Independent: Belarus confirms downing drone during Russian attack on Ukraine]

3. Cá voi trắng bị nghi là gián điệp cho Nga bỏ mạng ngoài khơi bờ biển Na Uy

Một con cá voi trắng có biệt danh là Hvaldimir, bị nghi ngờ được huấn luyện để làm gián điệp cho Nga, đã chết ngoài khơi bờ biển Na Uy vào ngày 31 tháng 8.

Hvaldimir, cái tên bắt nguồn từ sự kết hợp giữa từ “hval” trong tiếng Na Uy có nghĩa là cá voi và Putin, lần đầu tiên được phát hiện ở vùng biển Na Uy vào năm 2019 khi đang đeo một chiếc máy ảnh gắn trên dây nịt có dòng chữ “thiết bị của St. Petersburg”.

Nga chưa bao giờ thừa nhận rằng Hvaldimir, con cá voi đã trở thành người nổi tiếng ở địa phương, có thể đã được sử dụng để do thám Na Uy hoặc các quốc gia khác trong khu vực.

Sau khi phát hiện Hvaldimir đã chết dưới nước, thi thể của nó đã được chuyển đến một bến cảng gần đó để tiếp tục điều tra nguyên nhân tử vong.

Con cá voi chỉ khoảng 15 tuổi khi chết, kém xa tuổi thọ 60 năm của cá voi trắng. Trước khi chết, Hvaldimir “khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật”, một tình nguyện viên từ một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã địa phương cho biết, khiến một số người tin rằng con cá voi đã bị một chiếc thuyền đâm.

Có một lịch sử lâu dài về việc huấn luyện động vật có vú biển cho mục đích quân sự, bắt đầu từ những năm 1950 và được cả Liên Xô và Hoa Kỳ thực hiện. Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã triển khai những chú cá heo được huấn luyện quân sự để giúp bảo vệ lối vào căn cứ hải quân của nước này ở Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm.

[Kyiv Independent: Beluga whale suspected of spying for Russia dies off Norwegian coast]

4. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức đặt hàng 17 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine

Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin đã đặt hàng thêm 17 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine vào ngày 4 tháng 9.

17 đơn vị mới sẽ được gửi đến Ukraine cùng với bảy hệ thống khác đã được chuyển giao. Ukraine có thể mong đợi nhận được thêm bốn hệ thống IRIS-T có phạm vi khác nhau vào cuối năm 2024.

Một quan chức chính phủ Đức giấu tên nói với Bloomberg rằng đến năm 2026, Ukraine sẽ nhận được 24 hệ thống IRIS-T từ Đức — 12 hệ thống tầm trung và 12 hệ thống tầm ngắn.

“Điều này cho thấy sự ủng hộ của Đức dành cho Ukraine vẫn tiếp tục mạnh mẽ”, Thủ tướng Scholz phát biểu tại một căn cứ không quân gần thành phố Kiel.

Theo thủ tướng, Berlin đã lên kế hoạch và bảo đảm nguồn tài chính cũng như các thỏa thuận trước “để Ukraine có thể tiếp tục hoàn toàn tin cậy vào” Berlin trong tương lai.

Ban đầu là một đối tác còn do dự, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn còn ngần ngại cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là hỏa tiễn tầm xa Taurus.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7, các đồng minh đã cam kết cung cấp “hàng chục” hệ thống phòng không trong những tháng tới.

Việc cung cấp vũ khí phòng không nhanh hơn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Nga phát động cuộc tấn công trên không lớn nhất vào Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện vào ngày 26 tháng 8.

[Kyiv Independent: Germany orders 17 IRIS-T air defense systems for Ukraine, Scholz says]

5. Chỉ huy Nga 'say rượu' đã sai quân thực hiện một nhiệm vụ tự sát được trao tặng huân chương

Theo một cơ quan truyền thông độc lập, một chỉ huy người Nga bị cáo buộc đã điều quân vào một cuộc tấn công chết người ở Ukraine trong lúc say rượu đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga một tháng sau nhiệm vụ này.

Kênh ASTRA Telegram, một dự án do các nhà báo độc lập của Nga điều hành, đã trò chuyện với Alina Bolvinova, góa phụ của Mikhail Shchebetun - một trong những người lính Nga được triển khai trong nhiệm vụ tại thị trấn tiền tuyến quan trọng Avdiivka ở miền đông Ukraine, vào tháng 2.

Vào tháng 10 năm 2023, Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn vào Avdiivka, nơi đã trở thành mục tiêu xâm lược của lực lượng Mạc Tư Khoa kể từ năm 2014 khi Putin sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea phía nam từ Ukraine.

Avdiivka, nơi có dân số trước chiến tranh là 32.000 người, đã rơi vào tay quân đội Nga vào ngày 17 tháng 2. Kyiv cho biết lực lượng của họ đã rút khỏi thị trấn sau nhiều tháng giao tranh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết quyết định này được đưa ra để cứu mạng sống của binh lính của ông, và sau đó Nga đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực này, đánh dấu chiến thắng lớn nhất của Mạc Tư Khoa trong nhiều tháng.

Đại tá Nga Aleksey Ksenofontov “say rượu và điều động hàng chục lính được huy động và lính hợp đồng vào một cuộc tấn công chết người”, bao gồm cả Shchebetun, ASTRA đưa tin.

“Lần cuối cùng chồng tôi nhắn tin cho tôi là vào ngày 14 tháng 2 năm 2024... anh ta viết bằng văn bản thuần túy rằng đây rất có thể là cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi, vì họ đã được cảnh báo rằng ngay khi họ đến hiện trường gần Avdiivka, điện thoại của họ sẽ bị tịch thu”, Bolvinova nói với cơ quan truyền thông này.

“Người chỉ huy đã nói rõ với họ rằng họ sẽ bị đưa đến chỗ chết”, bà nói.

Bolvinova cho biết bà biết tin chồng mình qua đời vào ngày 9 tháng 3. Một tháng sau, ông Đại Tá được trao tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga, theo lời tuyên truyền viên Điện Cẩm Linh và đồng minh của Putin là Vladimir Solovyov, ASTRA đưa tin.

Bolvinova đã kháng cáo lên Putin về hành vi của Ksenofontov trong trận chiến sau cái chết của chồng bà.

“Chỉ huy Lữ đoàn Aleksey Ksenofontov sẽ tiếp tục ngược đãi binh lính, tra tấn họ và cố tình đưa họ đến cái chết trong bao lâu nữa?” bà nói.

“Và ngài Tổng thống có nghĩ rằng quân đội của chúng ta thực sự xứng đáng với những chỉ huy như 'Orel' Syrotyuk Andrey Ivanovich, người mà theo thông tin thường xuyên xuất hiện trên Internet, tự cho phép mình bắn bỏ những người lính từ chối thực hiện mệnh lệnh tội phạm của ông ta, hay một chỉ huy như Quyền chỉ huy hiện tại của đơn vị quân đội 29760 Averin DS, người không có khả năng đưa ra quyết định mạnh mẽ và chẳng chịu trách nhiệm gì cả?” Bolvinova cho biết trong lời kêu gọi của mình tới tổng thống Nga.

Vào tháng 2, Andrei Morozov, một người lính và blogger quân sự người Nga, được luật sư của ông thông báo đã tự tử ngay sau khi tiết lộ quy mô tổn thất quân sự của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến giành Avdiivka, và bị hăm dọa bắt đưa ra tòa án quân sự.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng nói rằng Mạc Tư Khoa chỉ chịu “thiệt hại tối thiểu” trong cuộc chiến giành Avdiivka.

[Newsweek: 'Drunk' Russian Commander Who Sent Troops on Suicide Mission Awarded—Report]

6. Đồng minh NATO đầu tiên muốn gia nhập Liên minh BRICS của Putin-Tập

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên yêu cầu gia nhập khối kinh tế BRICS do các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc là Vladimir Putin và Tập Cận Bình dẫn đầu.

Hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, Bloomberg cho biết Ankara đã chính thức yêu cầu gia nhập nhóm các quốc gia thị trường mới nổi khi nước này khi nước này tìm cách bắt cá ba bốn tay.

Một cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với Newsweek rằng động thái này được thúc đẩy bởi “sự thất vọng tích tụ” ở Ankara với phương Tây và Liên minh Âu Châu. “Đây không phải là chiến lược của Ankara nhằm thay thế phương Tây, mà là chiến lược nhằm củng cố quan hệ với các cường quốc không phải phương Tây vào thời điểm Hoa Kỳ đang suy yếu”, Sinan Ülgen, nhà lãnh đạo nhóm nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul cho biết.

Được đặt theo tên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhóm BRICS bao gồm cả các quốc gia không được liệt kê trong từ viết tắt, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia và Ai Cập, tất cả đều đã tham gia vào đầu năm nay. Khối này được coi là một sự thay thế trên trường quốc tế cho nhóm G7 do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Trích dẫn nguồn tin giấu tên, Bloomberg cho biết chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng “trọng tâm địa chính trị” đang dịch chuyển khỏi các nền kinh tế phát triển nhất.

Báo cáo cho biết thêm rằng động thái này cũng cho thấy mục tiêu của Ankara là “vun đắp mối quan hệ với tất cả các bên trong một thế giới đa cực” trong khi vẫn thực hiện các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO.

Bloomberg cho biết Ankara đã nộp đơn xin gia nhập cách đây nhiều tháng do thất vọng vì nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu mà nước này đã tìm cách gia nhập trong nhiều thập niên vẫn bị đình trệ.

“ Một động lực của điều này là khát vọng tăng cường quyền tự chủ chiến lược,” Ülgen nói với Newsweek. “Động lực thứ hai là những thất vọng tích tụ với phương Tây và Liên minh Âu Châu,” một trong số đó bao gồm các cuộc đàm phán bị đình trệ về việc hiện đại hóa thỏa thuận liên minh thuế quan Liên Hiệp Âu Châu.

“Mối quan hệ song phương với Hoa Kỳ cũng có vấn đề”, Ülgen cho biết. “Những sự thất vọng kiểu này đã thúc đẩy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo hướng này”, ông nói thêm. Ankara tin rằng họ có thể làm được điều này “mà không phải trả giá về mặt chính trị cho sự tái sắp xếp này”.

Là một diễn đàn phi phương Tây mà Nga và Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới tư cách thành viên BRICS sẽ được coi là động thái rời xa phương Tây, mặc dù Ankara sẽ cố gắng không mô tả động thái này là bất lợi cho mối quan hệ với phương Tây của mình. Ülgen cho biết: “Vẫn còn câu hỏi liệu bạn có thực sự có thể làm cả hai cùng một lúc hay không”.

Nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập BRICS diễn ra trong bối cảnh có những rạn nứt với các thành viên NATO khác, một phần là do mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Nga, bất chấp cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine. Ülgen cho biết vì BRICS không có thành phần an ninh nên việc gia nhập khối này sẽ không ảnh hưởng đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO. Ülgen nói thêm rằng “Đây chủ yếu là một tổ chức kinh tế nên có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với Liên Hiệp Âu Châu nhiều hơn là với NATO”.

Vào tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc kể từ năm 2012 và ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng như các quan chức khác.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đây. Vào tháng 6, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa hoan nghênh triển vọng Ankara chính thức gia nhập và tư cách thành viên của Ankara sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối này tại thành phố Kazan của Nga từ ngày 22 đến 24 tháng 10.

Putin đã có bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp trước đó ở Nam Phi do có đồn đoán về việc liệu quốc gia này có phải thực hiện lệnh bắt giữ hồi tháng 3 do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với ông hay không. Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc ông trục xuất trẻ em bất hợp pháp từ Ukraine sang Nga.

[Newsweek: First NATO Ally Seeks to Join Putin-Xi's BRICS Union]

7. Nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin than thở về sự phụ thuộc quá mức của Nga vào Trung Quốc

Một nhân vật truyền thông hàng đầu của Nga và là đồng minh của nhà độc tài Vladimir Putin đã đặt câu hỏi về sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc, cảnh báo rằng điều này khiến đất nước này dễ bị tổn thương.

Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Putin đã khiến các thương hiệu quốc tế rời khỏi Nga và gây ra mức trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Nền kinh tế ngày càng bị cô lập của Mạc Tư Khoa do đó đã buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc - đặc biệt là thiết bị điện, xe cộ và phụ tùng xe hơi - cũng như việc Trung Quốc mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

Trong chương trình Buổi tối với Vladimir Solovyov phát sóng vào hôm Chúa Nhật, 01 Tháng Chín, người dẫn chương trình truyền hình Vladimir Solovyov đã chia sẻ về ấn tượng mà ông có được sau chuyến thăm gần đây tới lực lượng Nga ở tiền tuyến.

Ông cho biết, ngoài xe tăng hoặc xe chở quân, còn có nhu cầu về “số lượng lớn xe tay ga điện, xe máy, xe hơi và xe buggy”. Xe buggy là các loại xe bốn bánh như xe hơi nhưng nhẹ nhàng hơn và có thể di chuyển trên những địa hình phức tạp. Xe đánh golf là một thí dụ.

“Câu hỏi là, chúng ta sản xuất trong nước sản phẩm nào? Hay Trung Quốc là quê hương của chúng ta bây giờ?” ông hỏi. “Nó tốn kém bao nhiêu? Khi nào thì mọi người cuối cùng mới tỉnh ngộ? Một số người nói rằng chúng ta đã quá bão hòa—với cái gì? Chúng ta đã quá bão hòa với Trung Quốc chăng.”

Làn sóng hàng hóa Trung Quốc được sản xuất với giá thấp hơn giá thị trường đã thúc đẩy các hành động bảo hộ của một số chính phủ, từ Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, nhằm đóng cửa các đối tác Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng Bắc Kinh đang tràn ngập thị trường do tình trạng cung vượt cầu trong nước.

Solovyov cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Nga và đối tác “không giới hạn” Trung Quốc có thể phản tác dụng nếu lợi ích của họ khác nhau.

“Nếu người Trung Quốc nói, ‘Xin lỗi, chúng tôi sẽ tuân thủ lệnh trừng phạt, trong lĩnh vực tài chính và hơn thế nữa, và sẽ không cung cấp cho các bạn xe hơi và phụ tùng máy bay điều khiển từ xa.’ Vậy thì chúng ta sẽ làm gì?” Solovyov hỏi. “Liệu chúng ta có tuyên bố rằng tất cả chúng ta là một Mông Cổ lớn để họ có thể giả vờ vận chuyển đến Mông Cổ và rồi chúng có thể lặng lẽ xâm nhập vào biên giới nước ta chăng?”

Các thương nhân Nga đã phàn nàn về các giao dịch xuyên biên giới bị trì hoãn và thậm chí bị từ chối kể từ đầu năm 2024 khi các ngân hàng Trung Quốc ngày càng tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt thứ cấp của chính quyền Tổng thống Biden đối với các sản phẩm có thể hỗ trợ cuộc xâm lược. Xu hướng này gia tăng vào tháng trước, với việc các phương tiện truyền thông Nga trích dẫn lời các thương nhân cho biết 98 phần trăm các ngân hàng Trung Quốc đã từ chối các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

“Chủ quyền của nền kinh tế của chúng ta rất quan trọng,” nghị sĩ Nga Alexander Babakov, một khách mời trong chương trình, nhận xét. “Chúng ta nên vui mừng vì người Trung Quốc đã không lan truyền mọi thứ trên lãnh thổ của chúng ta, là điều mà họ có khả năng làm, bởi vì họ đang phát triển quá nhanh và chúng ta thì không phát triển.”

Mặc dù bị kiểm soát gắt gao, mạng Vi Bác của Trung Quốc cũng tràn ngập những lời than thở rằng Vladimir Solovyov là một kẻ bài Hoa; và người Nga nói chung vẫn giữ một não trạng khinh bỉ người Tầu.

[Newsweek: Putin's Top Propagandist Bemoans Russia's Overreliance on China]

8. Nỗi lo hạt nhân mới liên quan đến Nhà máy điện Zaporizhzhia

Các cuộc đàm phán đã được tổ chức tại Ukraine vào hôm Thứ Ba, 03 Tháng Chín, về những lo ngại liên quan đến an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, nơi gần đây đã xảy ra các cuộc tấn công.

Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đã nói chuyện với các quan chức trong chuyến thăm thứ 10 của ông kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở một trong bốn khu vực—cùng với Donetsk, Kherson và Luhansk—ở miền nam và miền đông Ukraine mà Nga đã bị sáp nhập một phần và bất hợp pháp vào Nga hồi tháng 9 năm 2022, bảy tháng sau khi Putin xâm lược nước láng giềng.

Grossi đã đăng trên X rằng ông đang trên đường đến Zaporizhzhia để “giúp ngăn ngừa một vụ tai nạn hạt nhân”.

Grossi, người đang đi cùng một nhóm chuyên gia và quan chức IAEA, đã bắt đầu một loạt các cuộc họp tại Kyiv bằng cách dừng chân tại Bộ Năng lượng và nói chuyện với bộ trưởng Herman Halushchenko.

Khu vực này đã chứng kiến vụ pháo kích vào ngày hôm trước làm hỏng đường dây điện của cơ sở, theo nhà điều hành Energoatom, nơi đổ lỗi cho Nga về các cuộc tấn công.

“Cuộc pháo kích của Nga đã làm hỏng một trong hai đường dây trên không bên ngoài mà qua đó nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhận điện từ hệ thống điện của Ukraine”, nhà điều hành cho biết như trên.

“Trong trường hợp đường dây thứ hai bị hư hỏng, tình huống khẩn cấp sẽ xảy ra”, họ cho biết thêm rằng các kỹ thuật viên không thể tiếp cận địa điểm bị hư hỏng vì “mối đe dọa thực sự của việc pháo kích liên tục”.

Các nhà phân tích cho biết một vụ nổ tại nhà máy Zaporizhzhia sẽ tạo ra bức xạ và có khả năng gây ra sự hoảng loạn.

Tuy nhiên, rủi ro bức xạ ngoài khu vực nổ ngay lập tức sẽ thấp so với quy mô của thảm họa Chernobyl năm 1986.

Nếu gió thổi theo hướng đông, bức xạ có thể bị đẩy về phía Nga.

IAEA cho biết các cuộc tấn công đang diễn ra ở khu vực Zaporizhzhia và thiệt hại cho lưới điện của quốc gia này gây ra mối đe dọa đối với nguồn cung cấp điện của các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.

Cơ quan giám sát cho biết nhân viên của họ tại Zaporizhzhia gần đây đã phải trú ẩn trong nhà vì có báo cáo về các mối đe dọa từ máy bay điều khiển từ xa trong khu vực.

Ngoài Zaporizhzhia, Ukraine có ba nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.

Một cuộc không kích của Nga đã tấn công một khách sạn vào rạng sáng Thứ Ba, 03 Tháng Chín, tại Zaporizhzhia, thủ phủ của khu vực, khiến một bé trai 8 tuổi và một phụ nữ thiệt mạng, Thống đốc khu vực của Ukraine Ivan Fedorov cho biết.

Hai người khác, bao gồm một bé gái 12 tuổi hiện đang được chăm sóc đặc biệt, đã bị thương nặng.

Vào Thứ Hai, trẻ em đã trở lại trường sau một loạt máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tấn công Kyiv qua đêm.

Một số học sinh thấy các lớp học bị hủy vì thiệt hại từ cuộc tấn công.

Bộ Nội vụ cho biết các mảnh vỡ từ hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa bị đánh chặn đã rơi xuống mọi quận của Kyiv, làm ba người bị thương và làm hư hại hai trường mẫu giáo.

[Newsweek: New Nuclear Fears Over Zaporizhzhia Power Plant]

9. Mọi thứ chúng ta biết về hỏa tiễn-máy bay điều khiển từ xa Palianytsia mới của Ukraine

Sáng Chúa Nhật, 01 Tháng Chín, hàng loạt các cơ sở hạ tầng của Nga bốc cháy. Nga hoảng hốt vì các lực lượng phòng không của họ xem ra không đối phó nổi với một loại máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Nó bay nhanh hơn các loại UAV bình thường gấp 20 lần và mang theo một lượng chất nổ lớn hơn.

Người Nga nghi ngờ rằng một loại máy bay điều khiển từ xa mới tinh của Ukraine đã được sử dụng.

Ukraine đã rầm rộ công bố một loại vũ khí mới – đó là máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn, được gọi là Palianytsia.

Những hình ảnh đầu tiên về Palianytsia được trình chiếu trong một video mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đăng trên X vào ngày 25 tháng 8, sau thông báo của ông một ngày trước đó về lần đầu tiên sử dụng thành công vũ khí mới này trong chiến đấu.

“Hôm nay là lần đầu tiên và thành công trong việc sử dụng vũ khí mới của chúng ta trong chiến đấu. Một loại vũ khí hoàn toàn mới — máy bay điều khiển từ xa mang hỏa tiễn Palianytsia của Ukraine,” Tổng thống nói.

“Đây là phương pháp trả đũa mới của chúng ta đối với kẻ xâm lược. Đối phương đã bị tấn công.”

Palianytsia thực chất là gì?

Các chuyên gia trả lời phỏng vấn tờ Kyiv Independent có nhiều ý kiến trái chiều trong đánh giá của mình.

Palianytsia được mô tả vừa là hỏa tiễn điều khiển từ xa; vừa là hỏa tiễn đạn đạo điều khiển từ xa, nhưng chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk cho biết về cơ bản nó là một hỏa tiễn hành trình hạng nhẹ.

“Đây là một hỏa tiễn hành trình, một hỏa tiễn hành trình thông thường, cổ điển vì hỏa tiễn hành trình là một loại máy bay điều khiển từ xa có gắn hỏa tiễn hoặc trong trường hợp này là động cơ phản lực tua bin”, Kharuk cho biết.

“Theo những gì chúng ta có thể thấy từ các hình ảnh được trình bày, Palianytsia là một hỏa tiễn tương đối nhỏ. Lượng thuốc nổ của nó chỉ khoảng vài chục kg, không phải 400 kg hoặc hơn như các bạn thấy ở các hỏa tiễn hành trình cỡ lớn.”

Nhưng Federico Borsari, thành viên Leonardo tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, cho biết Palianytsia thực chất nên được định nghĩa là máy bay điều khiển từ xa tấn công một chiều, tốc độ cao.

“Thông thường, hỏa tiễn bay với tốc độ cao hơn so với những gì chúng ta biết về Palianytsia”, ông nói và nói thêm rằng ông sẽ gọi nó là “máy bay điều khiển từ xa tấn công một chiều với một số đặc điểm của hỏa tiễn”.

“Theo những gì chúng tôi biết, nó có đầu đạn bắn ra đạn chùm nặng khoảng 20 kg hoặc loại đầu đạn khác, và tôi cho rằng nó có tầm bay từ 500 đến 700 km.”

Oleksandr Dmitriev, cố vấn về hệ thống tự động điều khiển từ xa và công nghệ thông tin cho Tư lệnh Lực lượng Lục quân thuộc Quân đội Ukraine, cho biết Palianytsia có thể được so sánh với một hỏa tiễn hành trình, nhưng có một số tính năng khác thường.

“Bạn có thể so sánh nó với hỏa tiễn, nhưng hỏa tiễn có cơ chế điều khiển hơi khác một chút”, ông nói.

“Ranh giới giữa hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa này rất mong manh. Mục tiêu của hỏa tiễn hành trình không thể được điều chỉnh trong khi bay, nhưng máy bay điều khiển từ xa thì có thể. Về cơ bản đó là sự khác biệt. Nghĩa là một khi đã được lập trình hỏa tiễn hành trình phóng vào mục tiêu đã được xác định. Nếu mục tiêu di chuyển ra chỗ khác thì nó bắn trật lất. Thành ra, hỏa tiễn hành trình chỉ dùng được trong trường hợp nhà cửa, cơ sở vật chất cố định. Nó không thể được dùng trong trường hợp xe tăng, chẳng hạn. Palianytsia là một hỏa tiễn hàng trình nhưng nó có thể được điều khiển để phóng vào các mục tiêu đang di chuyển trong thời gian thực.”

Chúng ta biết chắc chắn điều gì về người Palianytsia?

Cả ba chuyên gia đều đồng ý rằng công nghệ ở Palianytsia không phải là mới, nhưng Ukraine đã kết hợp được các công nghệ hiện có mà họ quen thuộc và tạo ra một loại vũ khí mới có thể sử dụng hiệu quả chống lại các mục tiêu ở xa trong lãnh thổ Nga.

“Công nghệ cánh nâng, công nghệ điều khiển điện tử và động cơ phản lực đã có từ lâu. Tất cả những công nghệ này đã được kết hợp để tạo ra một sản phẩm sáng tạo”, Dmitriev cho biết.

Trong khi hầu hết các đặc điểm của vũ khí đều được giữ bí mật, người ta biết rằng Palianytsia được trang bị động cơ phản lực và được phóng từ bệ phóng trên mặt đất, thay vì từ máy bay hoặc tàu chiến.

Tầm bắn chính xác của vũ khí này chưa được tiết lộ, nhưng theo video mà Ukraine công bố, Palianytsia có khả năng vươn tới 20 phi trường sâu bên trong nước Nga.

Một trong số đó là căn cứ không quân Savasleyka, nằm cách biên giới Ukraine gần 665 km.

Căn cứ không quân này là một trong bốn căn cứ bị tấn công trong cuộc tấn công trên không lớn nhất nhằm vào Nga cho đến nay vào ngày 14 tháng 8. Ukraine không tiết lộ loại thiết bị nào được sử dụng trong cuộc tấn công.

Borsari cho biết: “Ukraine đã phát triển một số máy bay điều khiển từ xa tấn công một chiều chạy bằng động cơ phản lực khác trước đây, một số trong số chúng vẫn chưa được đặt tên”, đồng thời nói thêm rằng “một số đã được sử dụng hạn chế để tấn công các mục tiêu ở Nga trong những tháng trước”.

Chúng ta biết gì về sự phát triển của Palianytsia?

Borsari cho biết mặc dù máy bay điều khiển từ xa không có nhiều cải tiến về mặt công nghệ nhưng tốc độ phát triển của nó gây ấn tượng mạnh.

Các quan chức Ukraine tuyên bố Palianytsia mất một năm rưỡi để chuyển từ bản thiết kế và kế hoạch sang lần đầu tiên được sử dụng thành công trong chiến đấu.

Borsari cho biết: “Ở phương Tây, đôi khi phải mất nhiều năm từ giai đoạn phát triển ban đầu cho đến khi thử nghiệm chiến đấu đầu tiên đối với loại vũ khí này”.

“Vì vậy, đối với Ukraine, giai đoạn phát triển này thực sự đáng ngưỡng mộ và gây ấn tượng.”

Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov trả lời hãng tin Associated Press (AP) vào ngày 27 tháng 8 rằng chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm này dưới 1 triệu đô la.

Giá này rẻ hơn so với hỏa tiễn hành trình thông thường — ví dụ, hỏa tiễn Kh-101 của Nga có giá khoảng 13 triệu đô la — nhưng đắt hơn hỏa tiễn điều khiển từ xa cảm tử Shahed-136 của Nga, có thể được sản xuất với giá chỉ 50.000 đô la, mặc dù chúng chạy bằng cánh quạt và do đó chậm hơn nhiều.

Tại sao Ukraine cần Palianytsia?

Ukraine đã bị cấm sử dụng một số vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, khiến Kyiv phải tự phát triển các giải pháp thay thế, cụ thể là để bắn hạ các máy bay thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt vào các thành phố của Ukraine.

Borsari cho biết, Nga rất cần một loại vũ khí đủ nhanh để tấn công các mục tiêu như máy bay ở sâu bên trong lãnh thổ Nga trước khi chúng kịp phân tán, đồng thời nói thêm rằng các hỏa tiễn hiện có ở Ukraine không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ này.

“Palianytsia chắc chắn là thứ mà Ukraine cần nhưng trước đây không có”, ông nói.

“Neptune, là hỏa tiễn hành trình cận âm do Ukraine sản xuất, không có tầm bắn đủ xa, Tochka-U, là hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn hạn chế và cũng là hỏa tiễn rất lỗi thời mà Nga có thể dễ dàng đánh chặn bằng hệ thống phòng không của họ.”

Theo các chuyên gia, Palianytsia không phải là cây đũa thần có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Ukraine.

Tuy nhiên, trong trường hợp sản xuất hàng loạt và sử dụng kết hợp với các loại vũ khí khác, Ukraine có thể đáp trả hiệu quả cỗ máy chiến tranh của Nga ngay trên lãnh thổ Nga.

Kharuk cho biết: “Các cuộc tấn công khủng bố của Nga vẫn tiếp diễn, vì vậy nếu chúng tôi không được cung cấp vũ khí có tầm bắn đủ xa, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự mình tạo ra những vũ khí này”.

Vài ngày sau thông báo của Palianytsia, Zelenskiy cũng tiết lộ Ukraine đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên do nước này sản xuất.

“Đây chính xác là loại kết hợp mà Ukraine cần để đe dọa các mục tiêu quan trọng sâu bên trong nước Nga,” Borsari cho biết.

[Kyiv Independent: Everything we know about Ukraine’s new Palianytsia missile-drone]
 
Tin Vui: Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô chiếm trọn cảm tình người Hồi Giáo Indonesia
VietCatholic Media
17:51 05/09/2024