Ngày 09-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/09: Chúa tuyển chọn mười hai Tông Đồ – Lm. Phêrô Trần Văn Tiến – TGP Melbourne
Giáo Hội Năm Châu
01:21 09/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Đó là lời Chúa
 
Anh Em bảo Thầy là ai?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:55 09/09/2024
CHÚA N HẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ ở Xêdarê Philliphê. Người hỏi họ rằng: “Người ta nói Thầy là ai?” Cả ba Tin Mừng đều ghi lại câu trả lời của Phêrô rằng: “Thầy là Đấng Kitô.”

Riêng Mátthêu thì thêm: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tuy nhiên đây có thể là sự tuyên xưng niềm tin của Giáo Hội sau Phục Sinh.

Sau đó, tước hiệu “Đấng Kitô” trở thành tên thứ hai của Chúa Giêsu. Nó được nói đến hơn 500 lần trong Tân Ước, hầu như luôn theo hình thức kết hợp “Chúa Giêsu Kitô” hoặc là “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

1. Từ Đấng Kitô như một vị vua

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu không phải như thế. Có một động từ nối giữa ‘Giêsu’ và ‘Kitô’: “Chúa Giêsu là Đấng Kitô.” Cách gọi “Đấng Kitô” không phải để gọi theo tên riêng Người, nhưng để khẳng định về vai trò của Người.

Chúng ta biết từ Kitô trong bản dịch Hy Lạp từ tiếng Do Thái là Mashiah, hoặc là Messiah, và cả hai từ này có nghĩa là Đấng “được xức dầu.”

Hạn từ này phát xuất từ sự kiện trong Cựu Ước khi các vua, các ngôn sứ và các tư tế, từ lúc được chọn, họ được thánh hiến nhờ việc xức dầu với dầu thơm. Họ là những người được xức dầu (kitô).

Nhưng rõ ràng dần dần trong Kinh Thánh người ta nói về một Đấng được xức dầu, hay được thánh hiến cách đặc biệt, Đấng đó sẽ đến vào thời cuối cùng để thực hiện những lời Thiên Chúa hứa về ơn cứu độ cho dân Người. Tước hiệu này được gọi theo Cứu Thế luận Kinh Thánh (the biblical Messianism) vốn mang một màu sắc khác biệt, theo đó, Đấng Mêsia được nhìn với tư cách như là một vị vua tương lai (Cứu Thế luận hoàng gia) hoặc giống như thị kiến của Đanien về Con Người (Cứu Thế luận khải huyền).

Toàn thể truyền thống tiên khởi của Giáo Hội đều đồng thuận khi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là Đấng Mêsia được chờ đợi. Theo Máccô, chính Chúa Giêsu tự giới thiệu mình với tư cách này trước Công Nghị Do Thái, để trả lời cho câu hỏi của vị Thượng Tế:
“Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không? Đức Giêsu trả lời: Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61).

Vì thế, để tránh sự hiểu lầm liên quan cuộc đối thoại giữa Chúa với các môn đệ ở Xêdarê Philipphê, “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.”

Tuy nhiên, lý do là quá rõ ràng. Chúa Giêsu chấp nhận đồng hóa mình với Đấng Mêsia, nhưng không theo ý tưởng mà Do Thái Giáo đã tạo nên về Đấng Mêsia. Theo quan niệm đang thịnh hành lúc đó, Đấng Mêsia được trông chờ và phải là như một vị lãnh đạo chính trị và quân sự, Đấng đến để giải thoát Ítraen khỏi sự đô hộ ngoại bang và thiết lập triều đại Thiên Chúa trên trái đất bằng sức mạnh quân sự.

2. Đến Đấng Kitô như một tôi tớ đau khổ

Chúa Giêsu phải điều chỉnh tận căn tư tưởng này nơi các Tông Đồ, sau khi cho phép họ nói về Người như là Đấng Mêsia. Nên ngay lập tức, Người bắt đầu dạy cho các ông biết:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.”
Những lời nghe rất chói tai, Phêrô liền can ngăn Người như ma quỷ cám dỗ Người nơi sa mạc. Nhưng Chúa Giêsu trách ông Phêrô: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” Vị trí của môn đệ là ở sau Thầy; nhiệm vụ của môn đệ là đi theo Thầy. Phêrô chưa muốn và chưa thể đi vào vị trí đó và bước theo Thầy trên con đường thập giá. Nhưng sau này, một khi đã hiểu, đã trưởng thành, ông đã làm đúng như lời Thầy dạy. Cả Phêrô lẫn Xatan đều muốn cám dỗ Chúa Giêsu trốn khỏi con đường thập giá – đó là con đường người Tôi Tớ đau khổ của Giavê (bài đọc I) – để đi vào con đường dễ dãi khác theo “tư tưởng loài người,” nhưng không phải là con đường dẫn tới ơn cứu độ.

Chúa Giêsu đã thẳng thắn khước từ con đường đó nhưng lại chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ cho loài người qua việc “hiến ban sự sống của Người làm giá chuộc cho nhiều người,” chứ không phải dùng quyền lực để tiêu diệt kẻ thù.

Một cách đáng tiếc, chúng ta phải nói rằng sai lầm của Phêrô đã tiếp tục lặp đi lặp lại trong lịch sử Giáo Hội. Nhiều người Kitô hữu lắm lúc đã cư xử như thể Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này, đã củng cố Nước đó bằng sức mạnh quyền lực và những chiến công lẫy lừng (có khi bằng sức mạnh quân đội, chính trị) để chiến thắng kẻ thù, thay vì chọn lựa sống theo con đường hy sinh, thập giá và tử đạo mà Chúa Giêsu đã đi.

3. Tin vào Đức Kitô

Lời Chúa luôn thức thời. Cuộc đối thoại ở Xêdarê Philiphê có tính thời sự rất đặc biệt. Ngày nay, hoàn cảnh đã thay đổi. Con người có những quan điểm khác nhau về Chúa Giêsu: như một tiên tri, một bậc thầy vĩ đại, một nhân cách cao cả. Nhiều lúc người ta còn trình bày một Đức Giêsu như một nhân vật rất hấp dẫn qua phim ảnh hay tiểu thuyết, nhưng lại rất xa lạ với Tin Mừng. Nếu Chúa Giêsu có mặt hôm nay với chúng ta, chắc chắn Người rất ngạc nhiên bởi những quan niệm như thế. Người cũng tiếp tục đặt câu hỏi này cho mỗi người chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có những điều kiện sau đây:
Trước hết, chúng ta cần đến ơn Chúa, hay nói đúng hơn là cần có một cú nhảy đức tin. Bởi lẽ tin vào Chúa Giêsu không phải do kết quả của sự khôn ngoan, thông thái đến từ con người, nhưng đúng ra đó là một hồng ân đến từ Thiên Chúa.

Thứ đến, chúng ta cần gắn bó mật thiết, vác thập giá và bước theo Chúa Kitô. Như Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Đây là điều kiện để theo Chúa và nên giống Chúa. Cũng như thánh Phêrô, chúng ta muốn theo Chúa, nhưng nhiều lúc chúng ta không sẵn sàng chấp nhận con đường của Chúa. Chúng ta muốn vinh quang, nhưng phủ nhận thập giá.
Cuối cùng, chúng ta được mời gọi hiến mình phục vụ tha nhân. Bởi thế, trong bài đọc II, thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Như thế, chúng ta cần phải luôn trau đồi để có một đức tin tinh tuyền và chân thật vào Chúa Kitô. Chúng ta còn được mời gọi tuyên xưng niềm tin đó ra ngoài và thể hiện niềm tin đó bằng những việc làm bác ái đối với tha nhân. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:21 09/09/2024

30. Cầu nguyện là việc khiến cho ma quỷ ghét nhất, nó quyết tâm tận lực ngăn cản người ta cầu nguyện.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:25 09/09/2024
55. NGẢI TỬ CỨU NGƯỜI

Đại phu nước Tề là Châu Thạch Phụ mưu phản, Tề Tuyên vương giết hắn ta, lại còn tru di các tộc khác.

Người trong gia tộc họ Châu sau khi đã thương lượng, thì đi tìm người vừa có cơ trí vừa rất được Tề Tuyên vương yêu mến là Ngải Tử.

Tề Tuyên vương nói với Ngải Tử:

- “Một người phạm tội thì tru di chín họ, đó là tiên vương đã giáo huấn rõ ràng. Trong “Chính điển” có nói: “với đồng phạm cùng tổ tông thì giết không tha”, quả nhân không dám vi phạm pháp lệnh của tiên vương”.

Ngải Tử thi lễ nói:

- “Tiểu thần cũng biết đại vương chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, nhưng tôi nghe nói ngày trước em mẹ của đại vương là công tử Vu đầu hàng Tần quốc và đem Hàm Đan mà dâng cho họ, như vậy đại vương cũng là tộc phản thần, theo lý thì nên tru di mới phải. Hôm nay thần dâng lên đoạn dây thừng ba thước, xin đại vương sớm tự giải quyết, không nên luyến tiếc cái thân để rồi vi phạm pháp lệnh của tiên vương”.

Tề Tuyên công cười lớn, đứng dậy nói:

- “Ông không cần nói, quả nhân không tăng thêm tội cho chúng nó là vì thế”.

(Ngải Tử hậu ngữ)

Suy tư 55:

Biết mình có lỗi như người khác để thông cảm và tha thứ cho họ là hành động của người có trí và có nhân, có trí để thấy ra sự không phục của cấp dưới và có khi dẫn đến bạo loạn, có nhân là thấy sự yếu đuối của mình cũng như của người khác để khoan hồng và thứ tha.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm và nhược điểm, và như thế thì ai cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì thế mà người Ki-tô hữu ít khi phê bình nhược điểm của người khác, ít khi lên án những khuyết điểm của tha nhân, bởi vì họ nhận thấy mình cũng là những người bất toàn như những người khác mà thôi, cho nên, thay vì phê bình thì cầu nguyện cho họ và cũng là cầu nguyện cho mình, thay vì lên án chỉ trích thì rộng tay bao dung và giúp đỡ họ...

Ai cũng là tội nhân nên không ai có quyền lên án anh em chị em của mình, nhưng ai cũng có quyền gia tăng lời cầu nguyện cho họ, đó là đức ái của người Kitô hữu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
VietCatholic TV
Tướng Nga: Đánh Kursk, Kyiv tìm ra bí mật, kho dầu, kho đạn nổ liên tục. Nga kiệt quệ, TQ sẽ làm gì?
VietCatholic Media
04:04 09/09/2024


1. Thống đốc Nga tuyên bố: Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công kho nhiên liệu ở Belgorod

Chiều Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một cơ sở lưu trữ nhiên liệu gần thị trấn Volokonovka thuộc tỉnh Belgorod của Nga, gây ra hỏa hoạn tại các thùng chứa nhiên liệu, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov tuyên bố hôm Thứ Hai, 09 Tháng Chín.

Hình ảnh và video được chia sẻ bởi các kênh Telegram địa phương vào khoảng 6 giờ chiều cho thấy một đám cháy và khói lớn, được cho là xảy ra ở Tỉnh Belgorod.

Sau đó trong ngày, Gladkov cũng cáo buộc rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công thêm ba thị trấn khác trong vùng, làm hư hại một số ngôi nhà dân và xe hơi. Không có thương vong nào được báo cáo.

Andrey Gurulyov, thành viên Quốc Hội Nga kêu gọi tăng cường phòng thủ các nhà máy lọc dầu và các kho dầu trước các cuộc tấn công của quân Ukraine vào các địa điểm trọng yếu này. Các địa điểm này thường là của tư nhân nên không nhận được cùng chế độ bảo vệ như các căn cứ quân sự.

Ông thừa nhận rằng sau khi chiếm được nhà ga Sudzha, người Ukraine có thể đã giải mã được chuỗi hậu cần của Mạc Tư Khoa thông qua lịch trình và liên lạc nội bộ, vì nhà ga này là một phần của mạng lưới hậu cần quân sự lớn hơn nối Kursk với các địa điểm khác ở Nga. Vì thế, người Ukraine lần ra được trong số các nhà máy lọc dầu và kho dầu nào của Nga những nơi nào có liên quan đến hậu cần của quân đội.

Trong cơn hốt hoảng tháo chạy, Nga đã không kịp phá hủy bất cứ thứ gì tại nhà ga này. Các nhân viên của nhà ga cũng được cho là không ai chạy thoát.

Theo Andrey Gurulyov, các nhà máy lọc dầu và kho dầu của Nga không phải là những thứ có thể di chuyển dễ dàng như các chiến đấu cơ. Trước đó vào ngày 1 tháng 9, hàng chục máy bay điều khiển từ xa đã tấn công vào một số nhà máy lọc dầu và kho dầu của Nga vào đêm ngày 1 tháng 9, bao gồm Moscow, Tver, Voronezh, Tula, Kaluga, Bryansk, Belgorod, Lipetsk và Kursk. Điều đó cho thấy người Ukraine đã có bản đồ chính xác các địa điểm cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga.

Andrey Gurulyov là một chính trị gia người Nga và cựu sĩ quan quân đội hiện là thành viên của Duma Quốc gia thuộc đảng Nước Nga Thống nhất của Putin kể từ ngày 21 tháng 9 năm 2021. Trước đó, ông từng là Tư Lệnh Quân Đoàn 58 và cựu Phó Tư lệnh Quân khu phía Nam của quân đội Nga.

[Kyiv Independent: Ukrainian drone hits fuel depot in Belgorod Oblast, Russian governor claims]

2. Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh đáp trả lời kêu gọi của Đài Loan đòi Trung Quốc lấy lại đất Nga

Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã chỉ trích Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức sau khi ông tuyên bố Trung Quốc phải đòi lại những vùng đất đã mất vào tay Nga nếu lo ngại về lãnh thổ là động lực thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan.

“Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình truyền hình Đài Loan có tên là The View with Catherine Chang, ông Đức cho biết nỗ lực sáp nhập Đài Loan của Trung Quốc không phải vì toàn vẹn lãnh thổ như Bắc Kinh tuyên bố mà là vì tham vọng thay đổi “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình mặc dù chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ cai trị ở đó. Bắc Kinh duy trì việc thống nhất cuối cùng với Đài Loan là cần thiết cho sự phát triển của mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này.

Ông chỉ ra các hiệp ước giữa thế kỷ 19 chứng kiến Nhà Thanh của Trung Quốc từ bỏ những vùng đất rộng lớn ở vùng Đông Bắc Mãn Châu cho Sa hoàng Nga. Ông nói đùa rằng Trung Quốc nên lấy lại vùng đất này nếu thực sự có động cơ từ các mối quan tâm về lãnh thổ, đặc biệt là khi xét đến tình hình suy yếu của Nga.

Lãnh thổ được nhượng lại trong nhiều thập niên là một vấn đề gây tranh cãi ở Bắc Kinh, với người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng gọi đó là “dự luật chưa giải quyết”. Căng thẳng đã bùng phát thành các cuộc giao tranh dọc biên giới của hai nước láng giềng vào năm 1969.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm Thứ Bẩy, 07 Tháng Chín, đã chỉ trích Tổng thống Đài Loan về tuyên bố của ông. “Những gì một số chính trị gia cực đoan bị ám ảnh bởi chủ nghĩa phục thù nghĩ về điều này, người khác có thể lo lắng, nhưng chúng tôi sẽ không”, hãng thông tấn nhà nước TASS trích lời bà nói.

Phát ngôn nhân chỉ ra rằng Trung Quốc và Nga đã giải quyết vấn đề biên giới theo thỏa thuận năm 2004 và nhấn mạnh rằng Mạc Tư Khoa ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Zakharova cho biết Tổng thống Đài Loan đang “bị người Mỹ thúc đẩy theo hướng ly khai”. Bà nói thêm rằng ông nên tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế Đài Loan và “thể hiện đường lối mang tính xây dựng đối với đề xuất của giới lãnh đạo Trung Quốc về việc thống nhất hòa bình với Trung Quốc đại lục”.

Bà nói tiếp: “Chúng tôi tin tưởng rằng những người bạn của chúng tôi ở Bắc Kinh cũng có cùng quan điểm”.

Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với nền dân chủ của hòn đảo này, mặc dù vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Đài Bắc thông qua một đại sứ quán trên thực tế. Washington cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan, và Trung Quốc trong nhiều thập niên đã lên án các vụ mua bán vũ khí này là vi phạm chủ quyền của mình.

Mặc dù Trung Quốc không trực tiếp phản hồi phát biểu của Tổng thống Lại Thanh Đức về Nga, nhưng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, đã đưa ra tuyên bố chỉ trích Tổng thống Đài Loan, mà bà coi là một kẻ ly khai.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan, một bộ phận của Trung Quốc chịu trách nhiệm về quan hệ xuyên eo biển với Đài Loan và thúc đẩy chương trình nghị sự thống nhất của Bắc Kinh, cho biết ông Đức đang “khiến quan hệ xuyên eo biển ngày càng phức tạp và nguy hiểm”.

Văn phòng mô tả lời lẽ hùng biện của Tổng thống Đài Loan trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống là một “cuộc chiến về nhận thức và dư luận” hướng tới sự đồng thuận trên toàn đảo về nền độc lập của Đài Loan và củng cố quyền lực của Đảng Dân chủ Tiến bộ của ông.

Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh nếu Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Tổng thống Lại Thanh Đức vẫn khẳng định Đài Loan đã là một quốc gia có chủ quyền và do đó không cần phải làm như vậy.

Các cuộc thăm dò trong những năm gần đây cho thấy hơn ba phần tư người Đài Loan ủng hộ việc duy trì nguyên trạng độc lập trên thực tế, một số ủng hộ vô thời hạn và một số khác cuối cùng sẽ thực hiện các bước hướng tới tuyên bố.

Trong những năm gần đây, việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga đã trở thành chủ đề nóng trong giới những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, một số người cho rằng Mạc Tư Khoa nên trả lại lãnh thổ đã chiếm của Trung Quốc. Bất kể việc kiểm soát gắt gao trên các mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc hô hào đòi lại các lãnh thổ đã bị Nga chiếm kể cả bằng bạo lực vì nước Nga ngày nay đã quá suy yếu sau hơn 900 xâm lược Ukraine không kết quả.

Các quan chức Trung Quốc vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Thay vào đó, trong các thông điệp công khai của Bắc Kinh, họ đã ca ngợi các đối tác “không giới hạn” tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự, đặc biệt là kể từ cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của nhà độc tài Vladimir Putin và sự cô lập quốc tế sau đó đối với Nga.

[Newsweek: Russians React After US Exposes Pro-Cẩm Linh Influencer Network]

3. Ukraine đang xây dựng các nhà máy vũ khí ngầm, Zelenskiy nói

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Ambrosetti ở Ý vào hôm Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, rằng Ukraine đang chế tạo vũ khí dưới lòng đất để cung cấp vũ khí cho quân đội trong trường hợp viện trợ quân sự từ nước ngoài bị chậm trễ.

Tổng thống Ukraine đã đến Ý để gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp địa phương và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni khi Kyiv ngày càng kêu gọi thêm hệ thống phòng không và các viện trợ khác để đẩy lùi sự xâm lược của Nga.

“Chúng tôi đang xây dựng các cơ sở ngầm để sản xuất vũ khí để binh lính Ukraine có thể tự vệ ngay cả khi nguồn cung từ các đối tác của chúng tôi bị chậm trễ”, Zelenskiy cho biết.

Tổng thống nói thêm rằng Ukraine đã phát triển máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn mới, đặc biệt là để “đưa chiến tranh trở lại lãnh thổ Nga”.

“Sớm hay muộn, Putin cũng sẽ cảm thấy áp lực và chỉ muốn một điều duy nhất là hòa bình,” Zelenskiy nói.

Chuyến đi của Zelenskiy tới Ý diễn ra sau chuyến thăm Đức của ông, nơi ông nhận được những cam kết bổ sung về hỗ trợ quân sự tại cuộc họp lần thứ 24 của nhóm Ramstein và hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

“Người dân của chúng tôi liên tục bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga vào mọi đêm và mọi ngày,” Zelenskiy phát biểu tại Ý. Nga gần đây đã tấn công chết người vào các thành phố Kharkiv, Poltava và Lviv của Ukraine.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, là cơ quan theo dõi viện trợ quốc tế cho Ukraine, tính đến tháng 6 năm 2024, Ý đã cam kết hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine tổng cộng 1,7 tỷ euro hay 1,8 tỷ đô la.

Với tư cách là chủ tịch luân phiên nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, trong năm 2024, Ý đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chứng kiến lễ công bố khoản vay 50 tỷ đô la cho Ukraine được bảo đảm bằng số tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga.

Ý cũng sẽ đăng cai Hội nghị Phục hồi năm 2025, mời các quan chức từ 77 quốc gia và 500 công ty.

[Kyiv Independent: Ukraine building underground weapons factories, Zelensky says]

4. Wall Street Journal đưa tin rằng sau vụ tai nạn máy bay F-16, phương Tây tranh luận về việc đào tạo vội vã cho phi công Ukraine

Vụ rơi chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi về tốc độ đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay trên chiến trường, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm Thứ Sáu, 06 Tháng Chín, trích dẫn lời các quan chức Mỹ và phương Tây giấu tên.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận vào ngày 30 tháng 8 rằng chiếc F-16, vừa được chuyển giao cho nước này và do phi công hàng đầu của Ukraine là Oleksii Mes, mật danh “Moonfish”, điều khiển, đã bị rơi khi đang chống lại một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn ồ ạt của Nga vào ngày 26 tháng 8. Mes đã tử nạn trong vụ tai nạn.

Không quân Ukraine vẫn chưa công bố nguyên nhân vụ tai nạn. Một cuộc điều tra, với sự tham gia của Hoa Kỳ, đang được tiến hành.

Các quan chức Hoa Kỳ nói với tờ Wall Street Journal rằng Kyiv vẫn chưa xác định được liệu máy bay bị “bắn nhầm” hoặc trục trặc kỹ thuật là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

Một trong những quan chức Mỹ tuyên bố rằng một hỏa tiễn của Nga đã phát nổ gần chiếc F-16 ngay trước khi nó biến mất khỏi radar, điều này có thể đã làm hỏng máy bay phản lực hoặc buộc phi công phải bay quá thấp so với mặt đất, dẫn đến vụ tai nạn.

Việc đào tạo phi công Ukraine trên máy bay F-16 đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Chương trình đào tạo phi công của Ukraine vẫn đang diễn ra, nhưng “vụ tai nạn cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn cố gắng thúc đẩy mọi thứ”, một quan chức quốc phòng cao cấp giấu tên nói với Wall Street Journal.

Các quan chức phương Tây hiện đang thảo luận về quyết định của Ukraine sử dụng máy bay phản lực trên chiến trường vài tuần sau khi lô hàng đầu tiên được giao, cử những phi công có số giờ bay hạn chế trên máy bay Mỹ tham gia các nhiệm vụ chiến đấu, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8, một năm sau khi các đồng minh của nước này thành lập liên minh chiến binh tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius để hỗ trợ Kyiv về đào tạo và máy bay.

Sau vụ tai nạn máy bay F-16, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cách chức Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk vào ngày 30 tháng 8. Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết việc cách chức ông không liên quan đến vụ tai nạn chết người này.

[Kyiv Independent: After F-16 crash, West debates rushed training for Ukrainian pilots, WSJ reports]

5. Báo chí Nga đưa tin: Cuộc tấn công của Nga gần Pokrovsk đang khựng lại

Hôm Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, hãng thông tấn độc lập Agentstvo của Nga đưa tin rằng lực lượng Nga đã chẳng tiến được mét nào theo hướng Pokrovsk trong tuần qua.

Trích dẫn dữ liệu từ các nhà phân tích quốc phòng, Agentstvo ủng hộ tuyên bố gần đây của Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi rằng nỗ lực của Mạc Tư Khoa gần thị trấn quan trọng này đang mất dần sức mạnh.

Các quan chức Ukraine đã mô tả Pokrovsk là khu vực khó khăn nhất của mặt trận. Nga đã triển khai quân đội có kinh nghiệm trong nỗ lực chiếm giữ trung tâm hậu cần quan trọng này.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cũng viết rằng theo đoạn phim ghi lại vị trí địa lý, Ukraine đã có thể đã giành lại được một số vùng đất gần các thị trấn Mykhailivka và Halytsynivka, nằm cách Pokrovsk khoảng 20 và 30 km về phía đông nam.

Trả lời phỏng vấn với CNN được công bố ngày 5 tháng 9, Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết bước tiến của Nga theo hướng Pokrovsk đã bị chặn lại trong sáu ngày qua.

Vị tướng này giải thích điều này là do cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào Tỉnh Kursk của Nga, nhằm mục đích chuyển hướng lực lượng Nga khỏi Pokrovsk và các khu vực quan trọng khác ở Tỉnh Donetsk.

“Nói cách khác, chiến lược của chúng tôi đang có hiệu quả”, Syrskyi nói thêm.

Phát biểu với các nhà báo ở Ý, Zelenskiy cho biết tình hình chiến trường trong khu vực “chắc chắn không dễ dàng”, mặc dù đã được cải thiện trong ba đến bốn ngày qua.

Ngay từ ngày 27 tháng 8, tổng thống đã tuyên bố rằng tiến trình tiến quân của Nga về Pokrovsk đã chậm lại do cuộc tấn công Kursk, trong khi các nguồn tin khác vào thời điểm đó lại phủ nhận tuyên bố này.

Sau nhiều tuần mất đất vào tay Nga ở Donetsk, Ukraine cũng ăn mừng chiến thắng về mặt chiến thuật ở khu vực Toretsk, giành lại một số đất ở Niu-York. Đổi lại, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào thị trấn Vuhledar ở phía nam Donetsk.

[Kyiv Independent: Russian offensive near Pokrovsk slowing down, media reports]

6. Trật tự thế giới 'đang bị đe dọa', các giám đốc tình báo Hoa Kỳ và Anh cảnh báo

Các nhà lãnh đạo các cơ quan tình báo nước ngoài của Anh và Hoa Kỳ cảnh báo vào hôm Thứ Bẩy, 07 Tháng Chín, rằng trật tự quốc tế đang “bị đe dọa” theo cách chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các giám đốc của MI6 Anh và CIA Mỹ cũng cho biết cả hai nước cùng sát cánh trong việc “chống lại một nước Nga quyết đoán và cuộc chiến xâm lược của Putin ở Ukraine”.

Giám đốc MI6 Richard Moore và giám đốc CIA Bill Burns cũng phát biểu trong một bài xã luận trên tờ Financial Times rằng đã có những nỗ lực được thực hiện để “phá vỡ chiến dịch phá hoại liều lĩnh” trên khắp Âu Châu của Nga và thúc đẩy giảm leo thang trong cuộc chiến Israel-Gaza ở Trung Đông.

Họ cho biết họ đang “làm việc không ngừng nghỉ” để đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao trả con tin ở Dải Gaza.

Hai giám đốc tình báo cũng cho biết họ đã thấy cuộc chiến ở Ukraine sắp xảy ra “và có thể cảnh báo cộng đồng quốc tế”, một phần bằng cách giải mật các bí mật để giúp Kyiv. Burns và Moore cho biết các cơ quan của họ “đã khai thác các kênh tình báo của chúng tôi để thúc đẩy mạnh mẽ việc kiềm chế và giảm leo thang”.

“Việc duy trì khả năng tự vệ của Ukraine quan trọng hơn bao giờ hết”, họ nói. Putin “sẽ không thành công trong việc xóa bỏ chủ quyền và độc lập của Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan của họ sẽ tiếp tục hỗ trợ tình báo Ukraine.

Họ cũng cho biết lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas “có thể chấm dứt nỗi đau khổ và mất mát khủng khiếp về sinh mạng của thường dân Palestine và đưa các con tin trở về nhà sau 11 tháng bị giam cầm như địa ngục”.

Bài viết này là bài viết chung đầu tiên của nhà lãnh đạo hai cơ quan tình báo.

[Politico: World order ‘under threat,’ US and UK spy chiefs warn]

7. Người Nga phản ứng sau khi Hoa Kỳ vạch trần mạng lưới những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội làm việc cho Điện Cẩm Linh

Nga tuyên bố sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt của Washington đối với những nhân vật chủ chốt tại kênh tin tức RT do Điện Cẩm Linh tài trợ.

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các cáo buộc rửa tiền đã được đệ trình đối với các nhân viên của RT vì một âm mưu giao cho một công ty Mỹ sản xuất nội dung trực tuyến để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cho biết như trên hôm 5 Tháng Chín.

Ông cho biết, trong chiến dịch trị giá 10 triệu đô la, những người có ảnh hưởng và các nhân vật có trụ sở tại Hoa Kỳ đã được tuyển dụng. Các quan chức Washington cho biết Mạc Tư Khoa có ý định khơi dậy sự chia rẽ chính trị của Hoa Kỳ và làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong cuộc chiến mà Vladimir Putin đã phát động.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Hoa Kỳ đã loại bỏ những tiếng nói bất đồng khỏi bối cảnh truyền thông trong một tuyên bố hôm Thứ Bẩy, 07 Tháng Chín. Bà nói rằng, “khi chính quyền dùng đến những cách thức thô sơ như vậy để tác động đến cử tri của họ, thì đây chính là sự suy tàn của 'nền dân chủ tự do'“.

“Sẽ có phản ứng”, Zakharova nói thêm.

Bản cáo trạng cho biết Kostiantyn Kalashnikov, 31 tuổi và Elena Afanasyeva, 27 tuổi, đã chỉ đạo một công ty không nêu tên có trụ sở tại Tennessee phát tán tuyên truyền của Điện Cẩm Linh và làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Ukraine. Họ bị buộc tội âm mưu rửa tiền và hoạt động gián điệp cho nước ngoài.

Trong số 10 cá nhân và hai thực thể bị Hoa Kỳ trừng phạt có tổng biên tập của RT Margarita Simonyan - trụ cột của các chương trình truyền hình tuyên truyền của truyền hình nhà nước, nơi bà thúc đẩy lập trường của Điện Cẩm Linh về cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine và chỉ trích phương Tây.

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào tháng 2 năm 2022, RT đã bị trừng phạt, bị các nhà phân phối ngừng phát sóng và buộc phải ngừng hoạt động chính thức tại Hoa Kỳ, Canada, Anh và Liên Hiệp Âu Châu.

Bản cáo trạng nói rằng, theo chính lời của Simonyan, RT đã tạo ra “toàn bộ một đế chế các dự án bí mật” được thiết kế để định hình dư luận trong “khán giả phương Tây”.

Trong một video trên Telegram, Simonyan đã đưa ra phản ứng của mình, bà ta nói một cách khó hiểu rằng, “có một điều tôi không hiểu: nếu họ trục xuất chúng tôi hoàn toàn, họ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tiếp theo như thế nào đây?”

“Họ không có kịch bản nào khác ngoại trừ việc đánh bại đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên là tôi vui, nhưng giả sử chúng tôi hoàn toàn rời khỏi đó thì sao?

Simonyan nói thêm: “Họ sẽ hủy bỏ cuộc bầu cử tiếp theo, nếu không chúng tôi sẽ không rời đi”.

Trong bài đăng tiếp theo, bà ta đã chia sẻ một lá thư ủng hộ từ phó tổng thống Nicaragua Rosario Murillo. Lá thư nói rằng việc ban hành lệnh trừng phạt “không gì khác hơn là một sự công nhận khác về công lao của bà và kênh mà bà đứng đầu là nạn nhân của những kẻ ủng hộ sự áp bức và kiểm duyệt”.

Các quan chức thực thi pháp luật và tình báo Hoa Kỳ cho biết Putin đã cho phép các hoạt động gây ảnh hưởng để tác động lên cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, và cho phép cả các hoạt động tấn công mạng của các sĩ quan tình báo Nga cũng như các nỗ lực truyền thông xã hội bí mật.

[Newsweek: Russians React After US Exposes Pro-Cẩm Linh Influencer Network]

8. Kim Chính Ân chào đón khách Trung Quốc và Nga tại lễ diễn hành kỷ niệm 75 năm thành lập Bắc Hàn

Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn hôm Thứ Hai, 09 Tháng Chín, Bắc Hàn đã thể hiện mối quan hệ của mình với Trung Quốc và Nga bằng cách tổ chức một cuộc diễn hành bán quân sự có sự tham gia của các bệ phóng hỏa tiễn được kéo bằng xe tải và máy kéo.

Sự kiện được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 6 tháng 9, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Bắc Hàn và nêu bật những nỗ lực của nhà lãnh đạo Kim Chính Ân nhằm củng cố liên minh với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington.

Cuộc diễn hành diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Kim Chính Ân có thể sớm đến thăm Nga để gặp nhà độc tài Vladimir Putin, có khả năng tập trung vào việc bán vũ khí của Bắc Hàn để hỗ trợ cho cuộc chiến đang diễn ra của Nga tại Ukraine.

Bắc Hàn được cho là đã gửi các container tới Nga có thể chứa tới hơn sáu triệu quả đạn pháo. Với lượng đạn dự trữ của Nga đang cạn kiệt do được sử dụng rộng rãi ở Ukraine, Bắc Hàn đang trở thành nhà cung cấp vũ khí bên ngoài hàng đầu của Nga.

Trung Quốc được đại diện tham dự lễ kỷ niệm bởi một phái đoàn do Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung dẫn đầu, trong khi Nga cử một đoàn ca múa nhạc quân đội tham gia sự kiện này.

Truyền thông Nam Hàn đang đồn đoán rằng sự vắng mặt của các quan chức chính phủ Nga tại lễ kỷ niệm gần đây của Bình Nhưỡng có thể liên quan đến công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Kim Chính Ân và Vladimir Putin, mà Washington dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này. Một số báo cáo của Hoa Kỳ cho rằng cuộc họp có thể diễn ra sớm nhất vào tuần tới.

Putin dự kiến sẽ tham dự một diễn đàn quốc tế tại Vladivostok từ ngày 8 tháng 9 đến ngày 11 tháng 9, cùng thành phố nơi ông lần đầu gặp Kim vào năm 2019. Vladivostok hiện được coi là địa điểm có khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của họ.

Theo hãng tin AP, trong một cuộc họp kín, cơ quan tình báo Nam Hàn đã thông báo với các nhà lập pháp rằng Bắc Hàn và Nga có thể đang lên kế hoạch cho một lộ trình bất ngờ cho chuyến thăm của Kim để tránh sự đồn đoán của giới truyền thông. Bắc Hàn vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào cho chuyến thăm của Kim tới Nga.

[Kyiv Independent: Kim Jong Un welcomes Chinese, Russian guests at parade marking North Korea's 75th anniversary]

9. Các đồng minh NATO củng cố biên giới Nga bằng 'Răng rồng'

Hôm Thứ Bẩy, 07 Tháng Chín, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết quốc gia thành viên NATO này đã lắp đặt các kim tự tháp bê tông chống tăng, được gọi là “răng rồng”, trước một cây cầu gần biên giới với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasčiūnas cho biết các kim tự tháp được dựng đối diện với Cầu Nữ hoàng Louise, nối đất nước này với vùng Kaliningrad của Nga, như một phần của “bước phòng ngừa để bảo đảm phòng thủ hiệu quả hơn”.

“Hôm nay, Lithuania đã thiết lập một cuộc phong tỏa trên và gần cây cầu ở Panemunė, nối liền Lithuania và Nga”, ông cho biết. “Việc thiết lập bao gồm mìn, nhím, răng rồng, v.v.”

Răng rồng, lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến II, được làm bằng bê tông cốt thép và dùng để cản trở sự tiến quân của xe tăng và bộ binh cơ giới.

Căng thẳng giữa Nga và NATO vẫn ở mức cao kể từ khi Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Mạc Tư Khoa đã cáo buộc liên minh này tham gia vào cuộc chiến bằng cách cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Kyiv. Các quan chức Nga thường xuyên đưa ra khả năng rằng nước họ có thể tấn công các thành viên NATO để đáp trả việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Vào tháng 7, Latvia cho biết họ đang lắp đặt các kim tự tháp bê tông chống tăng dọc theo biên giới với Nga. Bộ Quốc phòng Latvia khi đó đã nói với Newsweek rằng các chướng ngại vật chống xe tăng đang được “mua sắm và vận chuyển đến các khu vực lưu trữ tạm thời gần biên giới phía đông của Latvia” theo Kế hoạch củng cố biên giới phía đông, được chính phủ Latvia phê duyệt vào ngày 5 tháng 3.

Bộ này cho biết: “Các rào cản sẽ được thiết lập tại biên giới theo kế hoạch đã nêu”.

Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết các cơ sở răng rồng là một phần trong “biện pháp chống xe tăng và xe thiết giáp” của nước này.

“Cầu Nữ hoàng Louise là tài sản của Liên bang Nga, vì vậy ngày nay chúng ta chỉ có thể lắp đặt chướng ngại vật ở phía trước cầu. Ở đây, sự di chuyển của lực lượng địch có thể bị chặn lại bởi những con nhím, răng rồng và dây thép gai của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Laurynas Kasčiūnas cho biết.

“Đối phương cũng sẽ bị cản trở không chỉ bởi những con dốc đứng của dòng sông mà còn bởi mìn, răng rồng, nhím Tiệp và dây thép gai. Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra”, Kasčiūnas nói.

Bộ Quốc phòng cho biết trong trường hợp xảy ra “xâm lược quân sự”, đối phương sẽ “cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn để dọn sạch các chướng ngại vật được thiết kế sẵn, giúp lực lượng của chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị phòng thủ.

Bộ này cho biết: “Các biện pháp chống cơ động có khả năng làm giảm hiệu quả di chuyển của cả bộ binh và thiết bị quân sự của đối phương.

[Newsweek: NATO Allies Fortify Russian Border With 'Dragon's Teeth']

10. Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công kho đạn dược ở Voronezh của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết máy bay điều khiển từ xa do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, vận hành đã tấn công một kho đạn dược và thiết bị quân sự ở tỉnh Voronezh của Nga vào đêm 7 tháng 9 rạng sáng Chúa Nhật, 08 Tháng Chín.

Các nhà chức trách ở khu vực Nga đã báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở không xác định vào đầu ngày. Các kênh Telegram địa phương cho biết kho đạn dược gần làng Soldatskoye đã bốc cháy và phát nổ liên tục. Tính đến chiều Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, nó vẫn nổ rất dữ dội ngăn cản mọi nỗ lực của lính cứu hoả Nga.

Soldatskoye nằm cách Voronezh khoảng 70 kmvề phía nam và cách biên giới Ukraine hơn 100 km về phía bắc.

Đại Úy Yusov cho biết: “Nga đã tích cực sử dụng nhà kho này để cung cấp thiết bị cho lực lượng Nga ở Ukraine, đó là lý do tại sao nó bị máy bay điều khiển từ xa của SBU nhắm tới”.

Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa được cho là đã gây ra nhiều vụ nổ liên tiếp tại kho đạn dược và ít nhất bốn vụ hỏa hoạn lớn.

Đặc biệt, Đại Úy Yusov cho biết cuộc tấn công đã phá hủy hỏa tiễn Bắc Hàn mà Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga để tấn công chống lại Ukraine. Nga đã triển khai hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn như KN-23 và KN-24 trong các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine.

“Các hỏa tiễn của Iran cũng chịu chung số phận”, Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo Trung tâm Chống thông tin sai lệch, cho biết khi đề cập đến các báo cáo gần đây rằng Tehran cũng đã gửi hỏa tiễn đạn đạo tới Nga.

Người dân của một số thị trấn ở quận Ostrogozhsky đang được di tản tạm thời, Thống đốc tỉnh Voronezh Alexander Gusev cho biết. Ông kêu gọi người dân không đến gần địa điểm xảy ra hỏa hoạn hoặc chia sẻ hình ảnh về vị trí xảy ra hỏa hoạn.

Gusev đã báo cáo một cuộc tấn công tương tự ở quận Ostrogozhsky một ngày trước đó, cũng dẫn đến hỏa hoạn và nổ. Các kênh Telegram của Nga sau đó cho biết máy bay điều khiển từ xa đã tấn công một kho đạn dược ở Ostrogozhsk.

Lực lượng Ukraine trước đây đã nhắm vào các phi trường quân sự, nhà máy lọc dầu và kho đạn dược ở tỉnh Voronezh.

[Kyiv Independent: Ukrainian drones hit ammunition warehouse in Russia's Voronezh Oblast, source confirms]

11. Tổng thống Zelenskiy cho biết 220 người vẫn đang nằm bệnh viện sau cuộc tấn công của Nga vào Poltava,

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết có 220 người vẫn đang nằm bệnh viện sau cuộc tấn công của Nga vào Poltava ngày 3 tháng 9, một số người trong tình trạng nguy kịch.

“Thật không may, đầu tháng 9 đã xảy ra các cuộc không kích tàn bạo của Nga. Chỉ sau vụ tấn công vào Viện truyền thông quân sự Poltava, 220 người bị thương vẫn đang được điều trị tại bệnh viện”, Zelenskiy nói.

Nga đã phóng hai hỏa tiễn đạn đạo vào thành phố, tấn công Viện Truyền thông Quân sự và một cơ sở y tế gần đó. Tòa nhà của viện đã bị phá hủy một phần trong cuộc tấn công.

Số người chết trong vụ tấn công đã tăng lên 58 vào đầu ngày Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, sau khi Thống đốc tỉnh Poltava Filip Pronin báo cáo rằng ba nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện.

Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại địa điểm Nga tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố đã kết thúc vào ngày 5 tháng 9. Số người thiệt mạng vào thời điểm đó là 55, trong khi 328 người khác bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC News rằng các hỏa tiễn chỉ bay ba phút trước khi đâm vào các tòa nhà, khiến mọi người không có đủ thời gian để ẩn náu trong hầm trú ẩn.

Các cuộc tấn công của Nga ngày càng nhắm vào các cơ sở giáo dục khi năm học mới bắt đầu ở Ukraine, tấn công một số cơ sở ở Sumy, Lviv và Kryvyi Rih vào đêm ngày 4 tháng 9.

Poltava là một thành phố có khoảng 300.000 dân, nằm ở Poltava ở miền trung Ukraine. Thành phố này nằm cách biên giới với Nga khoảng 120 km và cách mặt trận phía đông 230 km.

Thành phố và khu vực xung quanh thường xuyên là mục tiêu tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga.

[Kyiv Independent: 220 people remain hospitalized after Russian attack on Poltava, Zelenskiy says]

12. Các cuộc tấn công của Nga trên khắp Ukraine làm 11 người thiệt mạng, làm bị thương 32 người trong ngày qua

Các cuộc không kích của Nga đã giết chết 11 người và làm bị thương 32 người trong ngày qua, chính quyền địa phương báo cáo vào ngày 8 tháng 9.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash, cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 15 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed trong số 23 máy bay và một hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 do Nga phóng vào đêm ngày 8 tháng 9. Hai máy bay điều khiển từ xa của Nga đã “mất tích” trên lãnh thổ Ukraine, có thể là do các phương tiện tác chiến điện tử, tuyên bố cho biết.

Nga được cho là đã phóng máy bay điều khiển từ xa từ Kursk, cũng như từ Cape Chauda ở Crimea bị Nga tạm chiếm. Lực lượng Nga cũng tấn công Ukraine bằng bốn hỏa tiễn Kh-59 từ Belgorod.

Lực lượng Ukraine đã sử dụng các nhóm hỏa lực cơ động, lực lượng hỏa tiễn phòng không và các đơn vị tác chiến điện tử để đẩy lùi cuộc tấn công trên không. Các hệ thống phòng không đã được kích hoạt ở các tỉnh Odessa, Kharkiv và Dnipro.

Trong khi đó, chiều Chúa Nhật, 08 Tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết tại tỉnh Donetsk, các cuộc tấn công của Nga đã giết chết ba người ở thị trấn Kostiantynivka, một người ở làng Petrivka và một người khác ở làng Shcherbynivka. Theo Thống đốc Vadym Filashkin, ít nhất 11 người bị thương ở tỉnh này.

Tại tỉnh Sumy, lực lượng Nga đã tấn công cộng đồng Hlukhiv bằng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, bom dẫn đường và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, khiến một người đàn ông bị thương.

Nga cũng tấn công cộng đồng Sumy bằng bom dẫn đường trên không, giết chết hai người và làm bị thương bốn người, trong đó có hai trẻ em.

Tại quận Kupiansk thuộc tỉnh Kharkiv, hai phụ nữ, 73 và 81 tuổi, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Nga. Các cuộc không kích của Nga cũng làm năm người bị thương, bao gồm một trẻ em, theo Thống đốc Oleh Syniehubov.

Tại Kherson, lực lượng Nga đã tấn công 19 thị trấn trong ngày qua, bao gồm cả trung tâm khu vực, thành phố Kherson. Một người đã thiệt mạng và chín người khác bị thương do các cuộc không kích của Nga, chính quyền quân sự địa phương đưa tin.

Tại tỉnh Dnipropetrovsk, Nga đã tấn công cộng đồng Myrove và Marhanets thuộc quận Nikopol bằng pháo binh, giết chết một phụ nữ 76 tuổi và làm bị thương hai phụ nữ 60 và 62 tuổi, theo Thống đốc Serhii Lysak.

[Kyiv Independent: Russian attacks across Ukraine kill 11, injure 32 over past day]
 
Thánh Ca
TV 114
Lm. Thái Nguyên
02:40 09/09/2024
 
Với Chúa con đi
Lm. Thái Nguyên
02:41 09/09/2024




 
Tuyên xưng Đức Kitô
Lm. Thái Nguyên
02:42 09/09/2024