Ngày 22-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:21 22/07/2024

27. Cầu nguyện là khiên thuẫn chống lại sự đau khổ công đánh, là nguồn gốc của đức hạnh, là cái máng của ân sủng.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:24 22/07/2024
13. VÔ RA LỖ CHÓ

Có thằng nhỏ tên là Trương Ngô Hưng, thông minh lanh lợi không như những đứa trẻ khác.

Tám tuổi thay răng, rụng hai cái răng cửa, các trưởng bối nói đùa với nó:

- “Trong miệng mầy sao lại mở một lỗ chó?”

Thằng bé liền trả lời:

- “Chính là để các ông vô ra cho thuận tiện đó mà !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 13:

Con nít răng sún là chuyện thường tình, gãy răng cửa lại là chuyện không có gì đặc biệt, cái đáng nói chính là đừng đùa giỡn với con nít cách thái quá.

Có những người lớn thích chơi giỡn với con nít nên con nít lờn mặt, đến nỗi trả lời đốp chát trước mặt mọi người làm cho họ phải mất mặt, đó là những người đã “bắt thang” để con nít trèo lên sự kiêu ngạo và ngang ngạnh của nó mà không biết...

Đừng đùa giỡn cách thái quá với con nít, bởi vì trẻ em là thiên thần khi nó hồn nhiên đùa giỡn với chúng ta, nhưng tâm hồn chúng nó trở thành niếng mồi ngon của ma quỷ khi sự đùa giỡn thân mật quá đà cho phép, bởi vì tất cả những gì thái quá đều đưa đến tai hại khôn lường, nhất là những người đã dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời.

Thời nay có nhiều trẻ em không còn là thiên thần trong trắng, và thời nay người ta cũng có cái nhìn không lương thiện khi thấy các linh mục đùa giỡn quá thân mật với trẻ em, cái gì cũng có nguyên do của nó !

Hãy coi chừng cạm bẫy của ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Điều không thể thành điều có thể
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:47 22/07/2024
CHÚA NHẬT XVII MÙA THƯỜNG NIÊN
2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15
ĐIỀU KHÔNG THỂ THÀNH ĐIỀU CÓ THỂ

Trong suốt cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều điều kỳ diệu khiến những ai chứng kiến không thể nào quên. Trong số đó, phép lạ hóa bánh ra nhiều là biến cố được cộng đoàn tín hữu sơ khai nhớ đến cách đặc biệt nhất. Đây là phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện bên kia biển hồ Galiêa khi rất đông dân chúng đến với Người để nghe giảng, họ không có gì ăn, vì họ đang ở trong một nơi hoang vắng. Đây cũng là câu chuyện duy nhất được cả bốn Tin Mừng thuật lại.

1. Hơn cả một phép lạ

Bài Tin Mừng hôm nay là trình thuật của thánh Gioan (Ga 6,1-6). Nội dung trình thuật này chứa đựng nhiều ý nghĩa rất phong phú. Theo cách nhìn riêng, thánh Gioan không gọi đây là một “phép lạ” nhưng đúng hơn là một “dấu chỉ hay dấu lạ.” Bởi lẽ, phép lạ thường được hiểu là những gì được xảy ra một cách ngoại thường, vượt ra khỏi định luật tự nhiên, do một bàn tay nào đó tác động. Chẳng hạn, một người leo lên nhà cao tầng, rồi nhảy xuống, đến mức nào đó, anh dừng lại trong không gian. Người ta gọi đó là phép lạ! Nó đi ngược với luật tự nhiên là phải rơi xuống đất. Hay một ai đó bị bệnh ung thư, không thể nào chữa khỏi, nhưng nhờ cầu nguyện, người đó được ơn chữa lành và sống thêm được một thời gian. Đó là phép lạ.

Nhưng theo cách nhìn của thánh Gioan, những việc kỳ diệu do Chúa Giêsu thực hiện là những “dấu chỉ” của Thiên Chúa. Vì dấu chỉ hướng chúng ta tới khám phá những ý nghĩa và thực tại bên trong mà những sự kiện xảy ra bên ngoài mách bảo. Đó là lý do tại sao thánh Gioan mời gọi chúng ta không dừng lại ở những sự kiện bên ngoài được kể, nhưng cần khám phá ý nghĩa bên trong, sâu hơn của nó từ viễn tượng đức tin.

Trong trình thuật này, Chúa Giêsu là trung tâm điểm của câu chuyện. Trước một hoàn cảnh người thì đông, thức ăn không có, chợ thì xa, các môn đệ lo lắng: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Không ai chạy đến xin Chúa Giêsu can thiệp. Nhưng chính Người đi bước trước, Người thấy dân chúng đang chịu đói khát, nên Người đề nghị các môn đệ phải chăm sóc họ. Điều rất thú vị ở đây khi biết rằng Chúa Giêsu không chỉ nuôi dưỡng dân chúng bằng Lời Chúa, nhưng Người còn quan tâm đến cả cái đói, cái khát mà họ đang trải qua.

Trước một đám đông khoảng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con, các môn đệ thắc mắc: “Trong nơi hoang vắng, làm sao kiếm thức ăn mà nuôi chừng đó người được? Philiphê nói: Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút.” Các môn đệ không tìm ra giải pháp, bởi vì họ không có đủ tiền.

2. Chúa không làm gì một mình

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không muốn làm gì một mình. Người mời gọi con người cộng tác. Ông Anrê nói: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.” Một em bé vô danh, không rõ lai lịch đã đóng góp phần mình cho một điều không thể trở thành điều có thể. Sự sẵn sàng của em bé là giải pháp để có thức ăn cho đám đông.

Đối với Chúa Giêsu như thế là đủ rồi. Người sẽ làm điều còn lại: Người cầm lấy bánh và cá của em bé, rồi tạ ơn Thiên Chúa và bắt đầu phân phát cho họ ăn, ai cũng được no nên. Sự đóng góp của em bé trở thành điều kiện để phép lạ được xảy ra.

Quả là một cảnh tượng thật ý nghĩa: Đám đông ngồi trên thảm cỏ xanh, chia sẻ một bữa ăn không rượu cũng không thịt, nhưng với những thức ăn đơn giản của dân sống gần biển hồ Galiêa: đó là bánh từ lúa mạch và cá muối; một bữa ăn đầy ắp tình huynh đệ mà Chúa Giêsu dọn ra cho mọi người, nhờ sự đóng góp quảng đại của em bé.

Đồng thời qua dấu chỉ bữa ăn này, thánh Gioan ám chỉ về bí tích Thánh Thể mà người Kitô hữu cử hành trong ngày của Chúa. Nơi đó, chính Chúa Giêsu đi bước trước chuẩn bị cho dân Chúa một bữa tiệc để nuôi dưỡng chúng ta nhờ Thần Khí, Bánh Hằng Sống đến từ Thiên Chúa. Thánh Thể chính là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Thánh Thể làm nên Giáo Hội và quy tụ mọi người vào trong Giáo Hội. Nhờ đó, chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Nhiệm Thể Chúa Kitô như thánh Phaolô nói trong bài đọc II:
“Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người” (Ep 4,5-6).

3. Cần sự đóng góp của chúng ta

Sự quảng đại của em bé là lý tưởng mời gọi mọi tín hữu phải noi gương bắt chước. Bởi thế, ngay từ lúc ban đầu Giáo Hội, các tín hữu coi những gì mình có là của chung và mỗi người là anh chị em. Đây là mô hình lý tưởng của một xã hội mới do Chúa Giêsu thiết lập để xây dựng một nhân loại mới mà trong đó con người đối xử với nhau với tình tương thân tương ái, chia sẻ và đoàn kết.

Nhiều lúc, sự đóng góp của mỗi người là nhỏ bé, nhưng với ơn Chúa, lại trở nên điều kỳ diệu trong cuộc sống. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này qua nhưng sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta: chẳng hạn từ những đợt bão lụt xảy ra ở Miền Trung Việt Nam, có nhiều người không còn nhà cửa, của cải. Nhưng nhờ tinh thần tương thân tương ái của mọi người, nhiều ngôi nhà được xây dựng lại, nhiều người có đủ cơm ăn áo mặc… đó là phép lạ của sự đoàn kết!

Liên quan đến điều kỳ diệu này, cha Anthony de Mello kể câu chuyện về nồi cháo kỳ diệu:
“Một ngày nọ, có một vị thiền sư tới một ngôi làng quê nghèo khổ, ai cũng không có gì ăn. Ông liền lấy một cái nồi, rồi đưa ra giữa ngã ba đường, múc nước, nhặt một hòn đá bỏ vào nồi và bắt đầu nấu. Ông vừa nấu vừa thiền. Thỉnh thoảng ông cúi xuống nếm thử và nói: “Giá mà có thêm ít gạo nữa thì ngon biết mấy.” Thế là có người dân làng mang đến cho ông một bịch gạo, ông đổ vào và tiếp tục nấu. Một lúc, ông lại nói: “Giá mà có thêm ít thịt nữa thì ngon biết mấy.” Thế là có một cụ bà đưa đến mấy con gà. Ông làm thịt và cho vào nồi, tiếp tục nấu. Sau đó, ông lại nếm và nói: “Giá mà có thêm ít rau, ít củ hành, củ tỏi, và ít gia vị nữa… thì ngon biết mấy.” Những người xung quang mang đến cho ông tất cả những thứ đó, ông nấu. Sau khi cháo chín, ông mời mọi người trong làng đến ăn. Ai cũng được ăn cháo gà no nê. Đó là phép lạ của sự chia sẻ.

Nếu trong thế giới này còn sự đói khát, đó không phải do thiếu thực phẩm, nhưng là do thiếu tình tương thân tương ái. Của ăn luôn có đủ cho mỗi người; nhưng sự quảng đại chia sẻ thì đang thiếu. Nhiều người hôm nay phải chết vì đói, vì khát chỉ vì sự vô cảm và ích kỷ của chúng ta. Nên thông điệp mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé của mình để những gì xem ra như không thể trở thành có thể. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Thế vận hội Olympic, 19.07.2024
Vũ Văn An
00:28 22/07/2024

Sau đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich, thủ đô Paris, nhân Thế vận hội Olympic, sẽ diễn ra tại thành phố từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 11 tháng 8 năm 2024:

Thông điệp của Đức Thánh Cha



Kính gửi

Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich

Tổng giám mục Paris

Thưa Đtgm, tôi hiệp nhất với ý chỉ Thánh lễ mà Đức TGM đang cử hành khi Thế vận hội Olympic sắp diễn ra tại thành phố của Đức TGM. Tôi cầu xin Chúa ban ơn cho tất cả những người sẽ tham gia bằng cách này hay cách khác - dù là vận động viên hay khán giả - và cũng hỗ trợ và chúc lành cho những người chào đón họ, đặc biệt là các tín hữu ở Paris và xa hơn nữa.

Tôi biết rằng các cộng đồng Kitô giáo đang chuẩn bị mở rộng cánh cửa nhà thờ, trường học và gia đình của họ. Trên hết, họ hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn mình, làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng ngự trong họ và là Đấng thông truyền niềm vui của Người cho họ, qua lòng quảng đại và lòng quảng đại hiếu khách của họ đối với tất cả mọi người. Tôi đánh giá rất cao việc anh chị em đã không quên những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những người đang ở trong hoàn cảnh rất bấp bênh, và việc họ có thể tham dự lễ kỷ niệm đã trở nên dễ dàng hơn. Ở mức độ rộng hơn, tôi hy vọng rằng việc tổ chức Thế vận hội này sẽ mang đến cho người dân Pháp một cơ hội tuyệt vời để hòa hợp anh em, giúp họ vượt qua những khác biệt và đối lập cũng như củng cố sự đoàn kết của Quốc gia.

Tôi cùng ĐỨc TGM chào đón sự kiện thể thao quốc tế uy tín này. Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát vượt qua biên giới, ngôn ngữ, chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo; nó có khả năng đoàn kết mọi người, khuyến khích đối thoại và chấp nhận lẫn nhau; nó kích thích sự vượt qua chính mình, hình thành tinh thần hy sinh, nuôi dưỡng lòng trung thành trong mối quan hệ giữa các cá nhân; nó mời mọi người nhận ra giới hạn của chính mình và giá trị của người khác. Thế vận hội Olympic, nếu chúng vẫn thực sự là “trò chơi”, thì có thể là nơi gặp gỡ đặc biệt giữa các dân tộc, ngay cả những quốc gia thù địch nhất. Năm vòng tròn liên kết với nhau tượng trưng cho tinh thần huynh đệ đặc trưng của sự kiện Olympic và các cuộc thi đấu thể thao nói chung.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng Thế vận hội Paris sẽ là một cơ hội không thể bỏ qua để tất cả những người đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá và trân trọng lẫn nhau, phá bỏ những thành kiến, nuôi dưỡng lòng quý trọng ở những nơi có sự khinh thường và ngờ vực, cũng như tình bạn ở những nơi có hận thù. Về bản chất, Thế vận hội Olympic là về hòa bình chứ không phải chiến tranh.

Chính trên tinh thần này mà thời Cổ đại đã khôn ngoan thiết lập một hiệp định đình chiến trong Thế vận hội và thời hiện đại thường xuyên cố gắng khôi phục lại truyền thống hạnh phúc này. Trong thời điểm khó khăn này, khi hòa bình thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, tôi tha thiết mong muốn mọi người sẽ ghi nhớ thỏa thuận ngừng bắn này, với hy vọng giải quyết được các xung đột và khôi phục lại sự hòa hợp. Xin Chúa thương xót chúng ta! Xin Người soi sáng lương tâm của những người nắm quyền về những trách nhiệm nặng nề mà họ phải gánh chịu, xin Người ban cho những nỗ lực của họ được thành công, và xin Người ban phước lành cho họ.

Phó thác cho Thánh Geneviève và Thánh Denis, Bổn Mạng của Paris, và Đức Mẹ Lên Trời, Bổn mạng của nước Pháp, kết quả tốt đẹp của Thế vận hội này, tôi xin gửi lời chúc lành chân thành đến ĐTGM, thưa Đưc TGM, và cho tất cả những ai sẽ tham gia vào chúng.

Từ Nhà thờ Thánh Gioan Lateran, ngày 27 tháng 6 năm 2024

FRANCIS
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đan viện Biển Đức Thiên Tâm ở Kerens TX tổ chức muộn lễ thánh Biển Đức và phát động việc xây dựng Nguyện Đường.
Trần Mạnh Trác
11:42 22/07/2024
Xem hình ảnh

Thứ Bảy vừa qua, đan viện Biển Đức Thiên Tâm ở Kerens TX đã tổ chức ‘muộn’ lễ mừng thánh Biển Đức lần thứ 16 tại đan viện.

Muộn là vì theo niên lịch phụng vụ thì ngày lễ là ngày 11 tháng 7 hằng năm, nhưng hôm nay (thứ Bảy) đã là ngày 20 tháng 7 rồi, muộn mất 9 ngày.

Theo Cha Đan Trưởng là LM Matthew Nguyễn Đình Dâng thì sự việc ‘muộn’ ấy là để có thì giờ chuẩn bị cho chu đáo hơn, sau khi vừa kết thúc đại hội ‘Ngày Thánh Thể XV’, một đại hội kéo dài 3 ngày vào giữa tháng 6, và là một đại hội thành công đạt nhiều kỷ lục từ trước đến nay.

Nhưng muộn mà hóa ra hay:

Trong suốt một tháng qua, hầu như toàn thể đất nước Hoa Kỳ đã phải chịu nhiều cảnh ‘thời tiết’ ngược ngạo, chỗ được mệnh danh là ‘đất nước hoa vàng’ (Golden state) thì nóng đến nỗi ‘những cánh đồng cỏ khô phực cháy khói bay mù trời’, theo lời GS Trang N Do ở Elk Grove California, còn chỗ khác với hỗn danh là ‘kinh đô của vòng đai mặt trời’ (Capital of the Sunbelt) thì lụt lội tiếp theo lụt lội gây ra nạn mất diện kéo dài cả tuần, và các cây xăng phải đóng cửa làm cho xe cộ không thể di chuyển, theo lời ông Trịnh Tỉnh là một thành viên ban tổ chức từ Houston lên cho biết.

Còn riêng miền Bắc của xứ ‘Độc Tinh’ (the Lone Star State) Texas trong đó có Dallas, Ft Worth (và Kerens)...thì sau nhiều ngày nóng trên 100 độ F (37-38C), những ngày vừa qua trời bỗng mát dịu, nhiệt độ chỉ mấp mé 90 độ (32C) thôi! Làm cho những người đi tham dự lễ Thánh Biển Đức có ‘chút gì đó’ để mà vui mừng thêm.

Số người tham dự lễ Thánh Biển Đức ở đan viện thì hình như không bao giờ đông hơn 300 người, lý do là vào mùa hè bà con thường có chương trình đi nghỉ mát hoặc đi thăm gia đình ở xa. Vì thề mà chúng tôi nhận thấy nhiều nhân vật quan trọng trong ban tổ chức của ‘đại hội Ngày Thánh Thể XV’ vừa qua đã không có mặt.

Đó là điều đáng tiếc bởi vì hôm nay cũng là dịp mà đan viện phát động chương trình gây quĩ cho việc xây dựng nguyện đường của đan viện.

Theo lời Cha Đan Trưởng, thì nguyện đường của đan viện chỉ là một căn phòng nới rộng từ cái garage (nhà xe), nay đã xuống cấp và bị dột, nhưng điều đáng quan tâm hơn là đã chật chội cho số tu sĩ mỗi ngày mỗi tăng của đan viện là 9 linh mục và 6 thày.

Những ai đã từng tham dự các lễ mừng của đan viện trong những ngày đầu tiên, khi đan viện chỉ có 6 đan sĩ và chưa có hội trường, thì biết về cái nguyện đường này, không chỉ là chật chội, nhưng còn thấp và tối. Mà đó là nơi các đan sĩ mỗi ngày 7 lần tụ họp để ca tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, qua việc cử hành các giờ Thần Vụ, dâng Thánh Lễ và chầu Thánh Thể. (Xin coi những hình cũ ở cuối của album)

Một nguyện đường của đan viện không chỉ là nơi cầu nguyện của các đan sĩ mà thôi, nhưng cũng là nơi mà khách thập phương được mời đến để hướng lòng lên việc phượng thờ Thiên Chúa, cho nên nguyện đường thường được xây dụng kiên cố huy hoàng và là cái mặt của tu viện. Những ai đã từng đi du lịch bên Châu Âu thì chắc hẳn cũng biết đến nhiều nguyện đường của tu viện mà nay đã trở thành cực kỳ nổi tiếng như ‘Mont-Saint-Michel’ ở Pháp, ‘Saint Francis of Assisi basilica’ ở Ý, hay là một đan viện Biển Đức mà nay đã bị quốc hữu hóa thành Anh giáo, làm nơi phong vương cho các vị vua của nước Anh, là Westminster Abbey.

Nói tới đan viện Biển Đức, thì không xa ở vùng Bắc Texas, còn có một đan viện khác, thuộc chi dòng Xi Tô, là ‘Our Lady of Dallas, Cistercian Abbey’ ở Irving, TX. Chúng tôi xin dưa một số hình ảnh về ngôi nguyện đường của họ để cho quí độc giả hình dung thế nào là một nguyện đường trong đan viện...Nguyện đường của họ tuy đơn sơ nhưng xây dựng hoàn toàn bằng những khối đá tảng vĩ đại, như là biểu hiện rằng Thiên Chúa là nơi nương náu vững vàng...Đã là nơi thu hút rất nhiều các cặp hôn nhân xin cử hành đám cưới ở đây. (Xin coi hình cuối album).
 
VietCatholic TV
Thiết giáp Bradley lợi hại thế nào? Kyiv trả đũa Orbán. Zelensky chuẩn bị nhiệm kỳ tân tổng thống Mỹ
VietCatholic Media
03:46 22/07/2024


1. Báo cáo cho thấy cuộc xâm lược của Putin đã khiến ông ta mất toi 1,7 triệu công nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Invasion Has Cost Him 1.7 Million Workers: Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo, cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga tổn thất hơn 2,2% lực lượng lao động, tương đương 1,7 triệu người, báo hiệu những tổn thất kinh tế lâu dài hơn của cuộc xâm lược đối với Nga.

Các lực lượng Nga đã chịu tổn thất lớn trên chiến trường trong suốt cuộc chiến do Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Cộng thêm căng thẳng đối với lực lượng lao động đang suy giảm là cuộc di cư của nhiều người Nga muốn chạy trốn quân dịch.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của Nga, vốn được thúc đẩy nhờ chi tiêu cao của chính phủ cho quân đội, sẽ bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng, cùng với tác động dây chuyền của mức lương cao hơn sẽ đẩy lạm phát lên cao.

Hãng tin độc lập Nga Novaya Gazeta Europe cho biết phân tích của họ cho thấy khoảng 860.000 đến 1,08 triệu quân nhân Nga đã bị gọi nhập ngũ tham chiến trong hai năm đầu tiên của cuộc xâm lược. Điều này bao gồm các binh sĩ chuyên nghiệp và những người được nhập ngũ trong đợt huy động một phần do Putin công bố vào tháng 9 năm 2022.

Ước tính tổn thất trên chiến trường của Nga khác nhau, The Economist đưa tin trong tháng này có khoảng 462.000 đến 728.000 binh sĩ Nga bị thương nặng trong chiến tranh và khoảng 110.000 đến 150.000 người thiệt mạng. Tính đến thứ Bảy, ước tính của Ukraine về thương vong của Nga, bao gồm cả những người thiệt mạng và bị thương, đã lên tới 565.610.

Nhưng bên cạnh những tổn thất trên chiến trường, nhiều người trở về nhà sau chiến tranh bị tàn tật hoặc không thể tiếp tục giữ chức vụ trước đây.

Novaya Gazeta nói rằng trong bối cảnh Putin ít có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến tranh, số liệu trong nửa đầu năm 2024 cho thấy số người bị loại khỏi nền kinh tế do bắt buộc hoặc nhập ngũ tự nguyện tăng tới 60%.

Phần lớn phụ thuộc vào việc có huy động thêm hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi từ nay trở đi chỉ tuyển mộ binh lính chuyên nghiệp, nền kinh tế Nga sẽ mất tổng cộng “từ 1,7 triệu đến 1,9 triệu người từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2024”, hãng tin này cho biết.

Cơ quan này cảnh báo rằng một đợt huy động khác có thể loại bỏ từ 1,9 triệu đến 2,1 triệu người, tương đương 2,8% lực lượng lao động, gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Một hãng tin độc lập khác của Nga, The Bell, đưa tin trong tuần này rằng phân tích của họ cho thấy chiến tranh đã thúc đẩy cuộc di cư lớn nhất của người Nga khỏi đất nước trong ba thập niên.

Phân tích dữ liệu từ các cơ quan dịch vụ di cư và thống kê của gần 70 quốc gia cho thấy kể từ khi bắt đầu chiến tranh, “ít nhất 650.000 người đã rời Nga vẫn chưa trở về”. Con số này nhiều hơn 150.000 so với ước tính sơ bộ mà cơ quan này đưa ra vào cuối năm 2022. Các quốc gia nơi tiếng Nga được sử dụng rộng rãi như Armenia, Kazakhstan, Georgia và Israel là những điểm đến phổ biến nhất.

The Bell cho biết một số quốc gia đã không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của họ và các số liệu này là “ước tính thấp”, với con số tổng thể gây ra “những cơn đau đầu nghiêm trọng cho Điện Cẩm Linh - cả về chính trị và kinh tế”.

2. Lính Ukraine trong xe thiết giáp Mỹ Bradley tiêu diệt quân Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Watch: Ukraine Soldiers in U.S. Bradley Destroy Russian Troops”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Quân đội Ukraine đã được quay phim bắn súng xích từ xe Bradley của Mỹ khi tấn công lực lượng Nga ở khu vực Donetsk.

Đoạn phim cho thấy M2 Bradley nhanh chóng bắn đạn vào quân đội Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra. Những đám khói xám có thể được nhìn thấy bốc lên từ vị trí của Nga trong cuộc tấn công mặt đất.

Biến thể M2 có tổ lái gồm ba người - một chỉ huy, một xạ thủ và một lái xe - cùng với sáu binh sĩ được trang bị đầy đủ. Về mặt kỹ thuật, nó không phải là xe tăng nhưng được mệnh danh là “sát thủ chống tăng” nhờ khả năng hỏa tiễn chống tăng.

Bradley, được đặt theo tên của Tướng Mỹ Omar Bradley, được thiết kế để vận chuyển bộ binh hoặc trinh sát được bọc thép bảo vệ đồng thời cung cấp hỏa lực yểm trợ trong các khu vực chiến đấu.

Các biến thể của Bradley bao gồm xe chiến đấu bộ binh M2 và xe trinh sát M3. Xe trinh sát có nhiệm vụ quan sát các khu vực để xác định vị trí đối phương, khảo sát xung quanh và giành lợi thế chiến lược trên chiến trường.

Chiếc xe này bảo vệ quân đội khỏi hỏa lực nhỏ hơn của đối phương và cung cấp đủ hỏa lực để loại bỏ bộ binh địch đang tiến tới.

Chiếc xe này có khả năng cơ động cao và đủ nhanh để theo kịp xe thiết giáp hạng nặng trong quá trình tiến quân.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp xe Bradley cho Ukraine như một phần của một loạt gói viện trợ quân sự.

3. Lệnh trừng phạt của Ukraine đối với Lukoil của Nga có thể dẫn đến khủng hoảng nhiên liệu ở Hung Gia Lợi

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's sanctions on Russia's Lukoil may result in fuel crisis in Hungary”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hung Gia Lợi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu sau quyết định của Ukraine cấm dầu của Nga đi qua lãnh thổ nước này. Đây là một đòn trả đũa mạnh mẽ của Ukraine đối với sự chèn ép của Thủ tướng Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, Viktor Orbán.

Vào tháng 6, Kyiv đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn việc vận chuyển đường ống dẫn dầu từ Lukoil đến Trung Âu nhằm cắt đứt nguồn thu nhập của Điện Cẩm Linh dùng để hỗ trợ quân đội nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm của Ukraine không áp dụng đối với các nhà xuất khẩu dầu khác của Nga vẫn sử dụng đường ống này.

Theo Politico, các hạn chế đã tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung ở Budapest, nơi phụ thuộc 70% nguồn cung dầu vào Nga, trong đó Lukoil cung cấp một nửa khối lượng đó.

Sau động thái của Ukraine, Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Peter Szijjarto cho biết biện pháp này có thể đe dọa an ninh năng lượng lâu dài của Hung Gia Lợi.

Szijjarto nói: “Chính quyền Ukraine tỏ ra sẵn sàng tìm giải pháp cho tình hình, nhưng những nỗ lực này đã mờ nhạt kể từ đó”.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi đầu tuần, Szijjarto cho biết Budapest đã bắt đầu đàm phán với Mạc Tư Khoa để tìm nguồn cung cấp dầu thay thế của Nga.

Sau đó, Thư ký Báo chí Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cáo buộc Kyiv đã đưa ra một “quyết định chính trị”. Peskov tuyên bố tình hình là “nghiêm trọng” đối với những người vẫn mua dầu của Nga.

Ilona Gizinska, một nhà nghiên cứu và chuyên gia Hung Gia Lợi tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, nói với Politico rằng lệnh cấm của Kyiv có thể tạo ra “một tình huống nghiêm trọng”. Bà nói thêm, người Hung Gia Lợi có thể phải đối mặt với giá năng lượng cao ngất trời và tình trạng thiếu điện chỉ trong “vài tuần” trừ khi tìm ra giải pháp.

Theo Gizinska, Hung Gia Lợi có thể đàm phán thêm hàng nhập khẩu với Rosneft hoặc tăng cường nguồn cung từ Croatia thông qua Đường ống Adria. Bà nói thêm, Budapest cũng có kho dự trữ chiến lược khẩn cấp, có đủ dầu dùng trong 90 ngày.

Lukoil là một trong số các công ty của Nga cung cấp dầu cho Hung Gia Lợi và Slovakia thông qua phần phía nam của Đường ống Druzhba ở Ukraine. Vào ngày 18 tháng 7, quá trình vận chuyển dừng lại.

Nhà lập pháp Inna Sovsun, người thuộc phe chính trị Holos nghĩa là ‘Tiếng Nói” và là thành viên trong ủy ban năng lượng của quốc hội, nói rằng Ukraine hiện đã “tự mình giải quyết vấn đề”, Politico đưa tin.

Bà nói: “Chúng tôi đã chờ đợi hơn hai năm để Liên Hiệp Âu Châu, G7 đưa ra các biện pháp trừng phạt thực sự đối với dầu qua đường ống của Nga.

Sovsun nói: “Thật vô lý khi cho phép họ kiếm số tiền này bằng cách vận chuyển lượng dầu này qua lãnh thổ Ukraine nếu số tiền đó sau đó được sử dụng để giết chúng tôi”.

Sovsun cũng chỉ rằng lệnh cấm cũng nhằm mục đích lật đổ sự phản đối của Hung Gia Lợi đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và việc nước này gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, theo Politico.

Hung Gia Lợi vẫn là đồng minh thân cận nhất của Nga trong Liên Hiệp Âu Châu và đã nhiều lần phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu, phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga và làm suy yếu các nỗ lực viện trợ của phương Tây cho Ukraine.

4. Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống lại Trung Quốc vì hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể Trung Quốc thúc đẩy cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Sullivan ám chỉ rằng các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể là mục tiêu.

“Chúng tôi nghĩ Trung Quốc nên dừng lại vì chúng tôi cho rằng nước này hoàn toàn nằm ngoài giới hạn ứng xử đúng đắn của các quốc gia”, Sullivan nói tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado hôm Thứ Bẩy, 20 Tháng Bẩy.

“Bạn có thể mong đợi được thấy các biện pháp trừng phạt bổ sung khi chúng tôi theo dõi bức tranh này tiếp tục phát triển trong những tuần tới.”

Trung Quốc tự cho mình là trung lập trong cuộc chiến đang diễn ra nhưng đã tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và trở thành nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng hàng đầu của Mạc Tư Khoa để cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Sullivan nêu ra sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm 2023, cho phép Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng tài trợ cho việc sản xuất hàng hóa lưỡng dụng giúp ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói thêm: “Những quyền lực này không phải được ban cho một cách vô ích”.

Sullivan nói: “Chúng tôi thực hiện điều đó để khi chúng tôi tìm thấy một ngân hàng mà chúng tôi cảm thấy nằm trong chế độ trừng phạt đó, chúng tôi có thể làm điều gì đó về việc đó”.

“Hôm nay tôi không có dự đoán, nhưng tôi sẽ chỉ nói với bạn rằng theo thời gian, chúng tôi đã tập hợp các công cụ lại với nhau để có thể ứng phó với loại hành vi này. Và chúng tôi sẽ đáp trả loại hành vi này.”

Washington đã cảnh báo trước Bắc Kinh về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra vì hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Tuyên bố của Sullivan chỉ ra rằng các hạn chế mới sắp “gần kề”, Bloomberg đưa tin.

Sullivan nói thêm, Trung Quốc phản ứng khi Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể về các giao dịch tài chính vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, “nói chung, bức tranh không đẹp” với việc các công ty Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ các nỗ lực chiến tranh của Nga.

Lãnh đạo Trung Quốc trước đây phủ nhận việc ủng hộ cả hai bên trong cuộc chiến và tuyên bố rằng mối quan hệ của họ với Nga không vượt quá giới hạn của một mối quan hệ “bình thường”, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Mạc Tư Khoa.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Putin gặp nhau lần cuối vào tháng 5 khi Putin đến thăm Trung Quốc trong hai ngày.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 16 tháng 5, hai người này đã thể hiện một mặt trận thống nhất và tự coi mình là những đối tác phản đối trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

5. Hầu hết người Georgia coi Nga là kẻ thù

Hầu hết người dân Georgia coi Nga là kẻ thù chính của đất nước họ và con số này đã tăng lên so với những năm trước, theo khảo sát Caucasus Barometer của Trung tâm Nguồn lực Nghiên cứu Caucasus, gọi tắt là CRRC.

Caucasus Barometer là cuộc khảo sát hàng năm về các vấn đề kinh tế xã hội và quan điểm chính trị do CRRC ở Armenia và Georgia thực hiện.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 13 tháng 5 ở tất cả các khu vực của Georgia ngoại trừ các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm do lực lượng ủy nhiệm của Nga và cộng tác viên địa phương kiểm soát. Khoảng 1.509 người đã tham gia cuộc khảo sát.

Theo khảo sát, 69% số người được hỏi coi Nga là kẻ thù chính của Georgia. Trong một nghiên cứu tương tự vào năm 2021, con số này là 66%; năm 2019 là 49%; năm 2017 là 40%; và năm 2012 là 35%.

Số người tin rằng Georgia không có kẻ thù không thay đổi trong 12 năm qua – 4%.

4% người tham gia khảo sát coi Mỹ là kẻ thù, trong khi 2% số người được hỏi coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù.

Khi được hỏi quốc gia nào hiện là bạn bè chính của Georgia, hầu hết người được hỏi chọn Mỹ (24%), Azerbaijan (8%) và Ukraine (7%).

Thổ Nhĩ Kỳ và Đức mỗi nước được nhắc đến 4%, trong khi Nga chỉ được nhắc đến 2%. Hơn một phần tư số người được hỏi cụ thể là 26% tin rằng Georgia không có bạn bè.

Cuộc khảo sát được thực hiện khi đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia thông qua luật đặc vụ nước ngoài, trong đó yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải bị gắn mác “đặc vụ nước ngoài” và phản ánh luật đàn áp của Nga được sử dụng để trấn áp những người chỉ trích chế độ Điện Cẩm Linh.

Đạo luật gây tranh cãi này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn trong nước, leo thang thành các vụ bạo lực khi các sĩ quan cảnh sát cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng vòi rồng và đạn cao su.

6. Zelenskiy chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Prepares for a Donald Trump Presidency”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Donald Trump đã nói chuyện với Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại, sau cam kết của tổng thống Ukraine là làm việc với bất kỳ ai nắm quyền ở Mỹ. Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi Zelenskiy bình luận với BBC rằng ông đã sẵn sàng cho “công việc khó khăn” trong bối cảnh Trump làm tổng thống.

Việc ứng cử viên Đảng Cộng hòa thông báo chọn Thượng nghị sĩ Ohio James David Vance làm phó tổng thống của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đã làm dấy lên mối lo ngại về cam kết của Mỹ với Kyiv về cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa nếu họ chiếm được Tòa Bạch Ốc.

Vance trước đây từng nói rằng ông “không quan tâm chuyện gì xảy ra với Ukraine”, trong khi Trump chỉ trích mức độ hỗ trợ quân sự của Washington dành cho Kyiv.

Nhưng Trump cho rằng cuộc điện đàm của ông với Zelenskiy rất thân mật, đồng thời đăng trên Truth Social rằng nguyên thủ quốc gia Ukraine đã chúc mừng ông trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và một Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa “rất thành công”.

Ông Trump nói: “Ông ấy lên án vụ ám sát tàn bạo vào hôm thứ Bảy tuần trước và nhận xét về việc người dân Mỹ hiệp nhất với nhau trên tinh thần đoàn kết”.

Trump viết: “Tôi đánh giá cao Tổng thống Zelenskiy vì đã liên hệ với tôi. Với tư cách là Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, tôi sẽ mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi rất nhiều sinh mạng và tàn phá vô số gia đình vô tội”.

Ông nói thêm rằng Ukraine và Nga “sẽ có thể đến với nhau và đàm phán một thỏa thuận chấm dứt bạo lực”.

Zelenskiy và Vladimir Putin chưa đồng ý đàm phán để chấm dứt cuộc chiến, vì Kyiv đang chờ nhận đầy đủ viện trợ của phương Tây vào mùa hè này và Mạc Tư Khoa tiếp tục chịu tổn thất lớn về quân đội và thiết bị.

Trump đã tuyên bố mà không đưa ra bằng chứng rằng ông có thể kết thúc chiến tranh trong vòng một ngày. Theo một số báo cáo, điều này có thể bao gồm cả việc buộc Kyiv phải nhượng lại lãnh thổ.

Khi làm tổng thống, mối quan hệ của Trump với Putin bị săm soi và các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã nhiều lần tung hô rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ phù hợp với Mạc Tư Khoa hơn Tổng thống Joe Biden.

Nhưng khi được hỏi nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc chiến, Zelenskiy nói với BBC trong tuần này rằng làm việc với ứng cử viên Đảng Cộng hòa, nếu ông ấy giành chiến thắng vào tháng 11, là “công việc khó khăn, nhưng chúng tôi là những người không ngại khó”.

Về bình luận của Vance, Zelenskiy nói với hãng tin này, “có lẽ anh ta thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Ukraine” và rằng “chúng tôi phải làm việc với Hoa Kỳ”. Dư luận tại Ukraine cho rằng Vance là người dễ thay đổi lập trường. Trước khi được cựu Tổng thống Trump chọn làm ứng cử viên phó tổng thống, Vance từng là người chỉ trích Trump rất tàn bạo, thậm chí gọi Trump là “Hitler của Mỹ”. Nhiều người đánh giá Vance là con người nông cạn, trong khi nhiều người khác tự an ủi mình rằng chức vụ phó tổng thống không phải là một vai trò có tính chất quyết định.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu cho biết Ukraine đang trên đường có thể “tự đứng vững về mặt quân sự” và viện trợ của Mỹ cho Ukraine nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội.

7. Ba Lan kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu chống lại thông tin sai lệch của Nga ở Mỹ

Ba Lan đang thúc giục Liên minh Âu Châu chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga tại Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh giữa khối với Washington. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy.

Ông cảnh báo rằng nỗ lực tuyên truyền của Nga tại Mỹ đang được tăng cường trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Ông sẽ trình bày một bài diễn văn tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 22 tháng 7 kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu phát động chiến dịch riêng của mình chống lại thông tin sai lệch của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng: “Tại thời điểm quan trọng này của lịch sử, điều bắt buộc là chúng ta phải cùng nhau hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua liên lạc chiến lược về Liên Hiệp Âu Châu ở Mỹ”.

Ba Lan cảnh báo rằng hoạt động tuyên truyền của Nga nhằm mục đích tạo ra căng thẳng giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, đồng thời cho rằng điều quan trọng đối với Liên Hiệp Âu Châu là phải chống lại thông điệp này với khán giả Mỹ.

“Điều này có nghĩa là chúng tôi phải mở rộng quy mô giải thích và thậm chí quan trọng hơn là vạch trần trước thông tin sai lệch của Nga và phát động các chiến dịch làm rõ vị thế của Âu Châu ngày nay cũng như về lợi ích của ngoại giao, an ninh tập thể và xã hội cởi mở”

Ông cảnh báo rằng các tài khoản trực tuyến liên quan đến Điện Cẩm Linh đang lan truyền những câu chuyện trình bày tình hình nhập cư ở biên giới Mỹ-Mexico như một thảm họa kinh hoàng và miêu tả những người nhập cư là tội phạm nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri trước cuộc bầu cử tháng 11.

Cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã coi chính sách nhập cư là tâm điểm trong chiến dịch tái tranh cử của ông.

Một số thành viên Quốc Hội cũng lợi dụng những lo ngại về an ninh biên giới để cản trở viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong nhiều tháng, cuối cùng yêu cầu những nhượng bộ khắc nghiệt về chống nhập cư trước khi đồng ý với dự luật.

Các quan chức Mỹ cho biết Nga đã tham gia vào một chiến dịch rộng rãi nhằm đánh lạc hướng thông tin kỹ thuật số và hack trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đặc biệt là vào năm 2016.

Ngoại trưởng Ba Lan cho biết: “Chúng ta nên chuẩn bị cho nhiều điều hơn nữa sẽ xảy ra, vì việc giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga”.

Ba Lan cho biết Liên Hiệp Âu Châu nên thu hút khán giả Mỹ trẻ tuổi và nhấn mạnh giá trị mà “mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên của chúng ta đã mang lại cho nền kinh tế Mỹ”.

Liên Hiệp Âu Châu cũng nên làm cho công chúng Mỹ nhận thức rõ hơn về quy mô viện trợ của Âu Châu cho Ukraine “và nỗ lực đó giúp cứu sống người Ukraine như thế nào”.

8. Bộ trưởng Quốc phòng Đức tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng trước mối đe dọa xâm lược của Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius muốn thúc đẩy chi tiêu quốc phòng lớn hơn trong năm tới vì ông cho rằng mức tăng theo kế hoạch là không đủ, tờ Tagesspiegel của Đức đưa tin vào ngày 20 tháng 7.

Theo Tagesspiegel, ngân sách đã được thống nhất sẽ chứng kiến mức tăng chi tiêu quốc phòng thêm 1,2 tỷ euro (gần 1,4 tỷ Mỹ Kim), trong khi Pistorius yêu cầu tăng 6,7 tỷ euro (gần 7,3 tỷ Mỹ Kim).

Dự thảo ngân sách nhà nước cho năm tới cung cấp 53,2 tỷ euro (gần 58 tỷ Mỹ Kim) cho Bundeswehr, so với 51,9 tỷ euro (gần 56,5 tỷ Mỹ Kim) trong năm nay.

“Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy ý tưởng rằng Bundeswehr sẽ nhận được số tiền cần thiết trước mối đe dọa thực sự từ Nga. Cơ hội tiếp theo cho việc này sẽ là quá trình xem xét của quốc hội”, Pistorius nói.

“Trong chính phủ liên bang, chúng ta cần có một cuộc thảo luận cơ bản khác về cách chúng ta muốn bảo đảm an ninh của mình. Tôi không hài lòng với kết quả trước quyết định của chính phủ và chắc chắn tôi cũng không hài lòng với kết quả hiện tại”, Bộ trưởng nói thêm.

Pistorius nói rằng ông không đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner về việc Đức quay trở lại “chính sách tài chính bình thường” sau đại dịch coronavirus, xét đến tình hình an ninh ở Âu Châu do cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Theo Bộ trưởng, Đức nên đảm nhận vai trò quân sự lớn hơn nữa ở Âu Châu với tư cách là nền kinh tế lớn nhất Âu Châu.

“Nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, cán cân quyền lực trong NATO có thể sẽ còn thay đổi nhanh hơn nữa. Nếu chúng tôi không tìm ra giải pháp phản ánh tất cả những trường hợp này vào ngân sách, chính phủ tiếp theo sẽ phải làm điều đó”, ông nói.

Theo ngân sách nhà nước đã được thống nhất, viện trợ quân sự của Đức dành cho Ukraine sẽ bị cắt giảm một nửa vào năm tới.

Berlin sẽ cung cấp cho Kyiv khoảng 8 tỷ euro (8,7 tỷ Mỹ Kim) trong năm nay nhưng sẽ chỉ cung cấp 4 tỷ euro (4,35 tỷ Mỹ Kim) vào năm 2025.

Berlin đang hy vọng rằng sự thiếu hụt sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga, Reuters đưa tin.

9. Reuters đưa tin việc sản xuất hỏa tiễn Patriot của Mỹ-Nhật bị trì hoãn do thiếu phụ tùng

Bốn nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng kế hoạch sản xuất thêm hỏa tiễn phòng không Patriot của Mỹ - quan trọng đối với hệ thống phòng thủ của Ukraine chống lại Nga - tại các nhà máy của Nhật Bản bị trì hoãn do thiếu phụ tùng quan trọng do Boeing sản xuất.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng Mỹ đang tìm cách tăng sản lượng hỏa tiễn từ 500 chiếc hàng năm lên hơn 750 chiếc trên trong thời gian nhanh nhất có thể.

Các nguồn tin cho biết, Nhật Bản sẽ không thể mở rộng hoạt động nếu không có thêm các thiết bị tìm kiếm hỏa tiễn, bộ phận hướng dẫn chúng trong giai đoạn cuối của chuyến bay.

Theo hợp đồng từ nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin, công ty Mitsubishi Heavy Industries, gọi tắt là MHI của Nhật Bản hiện sản xuất khoảng 30 hỏa tiễn PAC-3 mỗi năm. MHI có thể nâng con số đó lên khoảng 60, các quan chức chính phủ Nhật Bản và các nguồn tin trong ngành cho biết.

Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành cho biết “có thể phải mất vài năm trước khi MHI có thể tăng sản lượng” do thiếu hụt nguồn cung.

Reuters viết: “Sự khó khăn trong sản xuất ở Nhật Bản cho thấy những thách thức mà Washington phải đối mặt trong việc thu hút sự trợ giúp công nghiệp từ các đồng minh toàn cầu vào chuỗi cung ứng phức tạp của mình”.

Ukraine đã phải vật lộn để có đủ số lượng hệ thống hỏa tiễn Patriot mà nước này cần để tự bảo vệ mình trước Nga vì số lượng hệ thống hiện có còn hạn chế và một số đối tác ngần ngại chuyển giao hệ thống của họ cho Ukraine.

10. Giáo sư dự đoán chính xác các cuộc bầu cử trước đây nói rằng 'Tổng thống Biden có thể thắng'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Professor Who Accurately Predicted Past Elections Says 'Biden Can Win'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Allan Lichtman, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ Châu, người đã dự đoán chính xác các cuộc bầu cử trong quá khứ, cho biết trong một bài xã luận hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, rằng “Tổng thống Biden có thể giành chiến thắng” trước cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Sau màn thể hiện yếu kém của Tổng thống Biden trước cựu Tổng thống Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, tại cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên vào cuối tháng trước ở Atlanta, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội và các thành viên nổi bật khác của đảng yêu cầu Tổng thống Biden từ chức. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đua.

Hơn 30 nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã đồng thanh kêu gọi Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua, mặc dù họ công nhận tổng thống là một công chức thành đạt và được kính trọng, nhưng ông ấy không có đủ tố chất để đánh bại cựu Tổng thống Trump. Bất chấp việc Tổng thống Biden nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tuần trước rằng ông ấy “đã đánh bại Trump một lần và tôi sẽ đánh bại ông ấy lần nữa”, hàng chục đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội tin rằng đã đến lúc “truyền ngọn đuốc” và để thế hệ mới dẫn đầu.

Tuy nhiên, Lichtman cho biết trong một cuộc phỏng vấn cho phần ý kiến của Houston Chronicle được xuất bản hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, rằng “Tất nhiên là Tổng thống Biden có thể thắng.”

Ông nói thêm: “Tất cả những nhà phê bình nói rằng Tổng thống Biden không thể thắng—các nhà báo, các nhà hoạt động chính trị, các học giả, những người phụ trách chuyên mục, các chính trị gia của Đảng Dân chủ—họ có điểm gì chung? Thưa: Điểm chung của họ là họ không có thành tích nào trong việc dự đoán các cuộc bầu cử.”

Lichtman, sử dụng mô hình “Chìa khóa Tòa Bạch Ốc” của mình, đã dự đoán chính xác người chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1984. Tuy nhiên, vì mô hình của ông chỉ dự đoán chính xác kết quả phiếu phổ thông nên nó cho thấy cựu Phó Tổng thống Đảng Dân chủ Al Gore sẽ giành chiến thắng vào năm 2000, trong khi cựu Tổng thống George W. Bush thực sự đã giành chiến thắng ở Cử tri đoàn. Năm 2016, ông đã dự đoán chính xác rằng Ông Trump sẽ thắng, nhưng lại đưa ra giả thuyết không chính xác rằng ông ấy sẽ giành được số phiếu phổ thông. Thực ra, Ông Trump thắng ở cử tri đoàn giống như Ông Bush. Mô hình của ông sử dụng 13 “câu hỏi chẩn đoán” để xác định liệu Tổng thống Joe Biden sẽ được bầu lại hay không.

Lichtman gọi những lời chỉ trích về khả năng giành chiến thắng của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 là “đài khí tượng nói chuyện thể thao”.

“Nó không có cơ sở khoa học. Nó có thể thú vị, nhưng bạn nên làm với nó điều mà nhà triết học vĩ đại David Hume đã nói rằng bạn nên làm với những tác phẩm mê tín: vứt chúng vào lửa,” Lichtman nói.

Ông nói tiếp: “Tôi có một hệ thống có bề dày thành tích 40 năm, tập trung vào cấu trúc hoạt động thực sự của các cuộc bầu cử. Mỗi chìa khóa là một cuộc bỏ phiếu lên hoặc xuống về sức mạnh và thành tích của các đảng phái đang đua vào Tòa Bạch Ốc. Và chìa khóa cho thấy Tổng thống Biden không chỉ có thể thắng mà còn có rất nhiều sai sót nếu cho rằng Tổng thống Biden sẽ thua.”

13 chìa khóa trong mô hình của Lichtman mà ông đã phát triển cùng với nhà địa vật lý người Nga Vladimir Keilis-Borok như sau: ủy quyền của đảng, không có tranh cử sơ bộ, đương nhiệm muốn tái tranh cử, không có bên thứ ba, nền kinh tế ngắn hạn mạnh mẽ, nền kinh tế dài hạn mạnh mẽ, thay đổi chính sách lớn, không có bất ổn xã hội, không có vụ bê bối, không có thất bại về mặt quân sự hoặc đối ngoại, thành công lớn về mặt đối ngoại hoặc quân sự, Tổng thống đương nhiệm có sức lôi cuốn và kẻ thách thức không có sức lôi cuốn.

Trong mô hình này, nếu có ít hơn năm chìa khóa có vấn đề, Tổng thống đương nhiệm được dự đoán sẽ thắng cử, nhưng nếu sáu chìa khóa trở lên có vấn đề, người thách thức Tổng thống đương nhiệm được dự đoán sẽ thắng.

Lichtman nói với Newsweek qua điện thoại vào chiều thứ Bảy: “Đảng Dân chủ đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảo ngược phán quyết của lịch sử, làm điều gì đó phản tác dụng và chưa từng có trong suốt những năm qua của nền cộng hòa dân chủ của chúng ta. Họ đang tự cắt cổ mình”

“Và thật không may, các phương tiện truyền thông đang đồng lõa với việc đưa tin rầm rộ này về các cuộc đấu tranh dân chủ, đưa tin về tất cả những lời chỉ trích này như thể chúng có giá trị nào đó.”

“Vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ ràng. Tôi đang chờ Đại hội Đảng Dân chủ để xem liệu chúng ta có bùng nổ tình trạng bất ổn xã hội như chúng ta đã thấy vào năm 1968 hay không. Tôi không mong đợi điều đó, nhưng điều đó có thể khiến nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội chống lại chính quyền,” ông nói.

Ông nói tiếp: “Tôi cũng đang chờ xem liệu ứng cử viên độc lập Robert F. Kennedy có ổn định ở mức ít nhất 10% trong các cuộc thăm dò hay không. Chúng tôi chưa biết điều đó. Và tôi cũng đang chờ xem liệu Tổng thống Biden có chống lại được lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Gaza hay không. Điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến các chìa khóa chính sách đối ngoại của tôi.”

Tổng thống Biden đã ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau khi Hamas dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân Palestine trong lịch sử Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Tuy nhiên, ông cũng đã thừa nhận cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza trong bối cảnh hoạt động quân sự của Israel trong khu vực đã giết chết hơn 38.900 người Gaza theo Bộ Y tế của lãnh thổ này.

Lichtman nhận xét cay đắng rằng “Tôi chưa bao giờ thấy một đảng nào có ý định tự hủy diệt mình như Đảng Dân chủ hiện nay. Họ đang vứt bỏ tổng thống và ứng cử viên của chính họ, những người đã được cử tri lựa chọn.”

Ông nói thêm: “Nếu đảng Dân chủ hy vọng giữ được Tòa Bạch Ốc vào tháng 11, họ cần phải ủng hộ Tổng thống Joe Biden!”