Ngày 05-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/05: Đừng hoảng sợ – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
00:04 05/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

Đó là lời Chúa
 
Một phần không thể thiếu
Lm. Minh Anh
13:44 05/05/2024
MỘT PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.

Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha đang ngồi chứng kiến các con cái Ngài vui mừng chờ đợi cái chết. Các Kitô hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở khi biết rằng, họ sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể níu chân họ. Tử đạo, nhất định là ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tử đạo, ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”. Tin Mừng hôm nay báo trước điều đó! Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ những gì sắp xảy đến, “Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Và còn hơn thế!

Rất có thể, khi nghe nói về việc sẽ bị khai trừ khỏi hội đường; thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều này có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc những lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút; cũng rất có thể, họ chỉ nghe mà không quá lo lắng! Đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, các con nhớ lại là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có thể tin chắc, vào thời điểm bị bách hại, các môn đệ đã bình tĩnh và can đảm hơn nhiều trước những gì đang chờ đợi họ - thập giá - ‘một phần không thể thiếu’ mà Chúa Giêsu đã báo trước. Để rồi, điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng vốn có thể dẫn đến chỗ mất đức tin.

Thế nhưng, điều thú vị ở đây là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói, “Hãy chống trả, bạo động, hoặc chuẩn bị vũ trang!”. Thay vào đó, Ngài nói với họ về một điều gì đó tuyệt vời hơn - Chúa Thánh Thần. Rằng, Thánh Thần sẽ ‘cáng đáng’ mọi sự; Ngài sẽ dẫn dắt, tiếp sức và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ nét nhất, có thể là tù đày, có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Chúa Giêsu chuẩn bị trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng. Và một khi điều này xảy ra, các môn đệ càng cậy trông tuyệt đối vào Đấng Bảo Trợ mà Ngài đã hứa!

Anh Chị em,

“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Chúa Giêsu đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha. Cũng vậy, bách hại, bắt bớ là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành với niềm tin của mình! Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Với chúng ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ. Đừng sợ! Thánh Thần ở trong và ở bên chúng ta; Ngài sẽ tiếp sức để chúng ta vượt qua tất cả. Được như thế, mỗi ngày, bạn và tôi khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm “nhìn ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi khi con hụt hơi vì thập giá bên ngoài lẫn bên trong, cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì biết rằng, đường nên thánh của con không thể thiếu thập giá!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa lên Trời trong vinh quang
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
13:46 05/05/2024
LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
(Mc 16, 15 - 20)
Chúa lên Trời, việc dưới đất kết thúc, sứ mạng mới khai mào

Theo các Sách Tin Mừng mô tả, sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã "tỏ mình đang sống" với bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê, những người phụ nữ đến viếng mộ Chúa cùng với các môn đệ của Người. Vào những ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã tiếp tục hiện ra, dùng Kinh Thánh dạy cho các môn đệ về Nước Chúa (x.Mt 28,1-10; Mc 16,1-15; Lc 24, 1- 48; Ga 20,11-18; 21,1-14).

Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã cùng các môn đệ đi tới núi Ôliu gần Giê-ru-sa-lem, nơi mà Chúa đã chỉ trước (x.Mt 28,16). Ở đây, Chúa Giêsu đã hứa xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các môn đệ và nói với họ rằng, họ sẽ sớm nhận được Chúa Thánh Thần, rồi Người bảo họ phải ở lại Giê-ru-sa-lem cho tới khi Chúa Thánh Thần hiền xuống. Sau khi chúc lành cho các môn đệ, Chúa Giêsu lên Trời. Biến cố Chúa về Trời được Tin Mừng Lu-ca 24, 50-51 và Công vụ Tông đồ 1, 9-11 miêu tả chi tiết rõ ràng.

Cũng theo Kinh Thánh, sự thăng thiên của Chúa Giêsu là sự trở lại Thiên Đàng bằng thân xác theo nghĩa đen. Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau : "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).

Các Tông đồ tận mắt chứng kiến cảnh Chúa lên Trời, lòng các ông ngây ngất dõi theo mãi tới lúc "một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông" (Cvtđ 1, 9), đến nỗi cần phải "có hai người mặt áo trắng đứng gần" (Cvtđ 1, 10) và nhắc nhở : "Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?" (Cvtđ 1, 11).

Sự lên trời của Chúa Giêsu hàm chứa những ý nghĩa như sau:

Chúa Giêsu lên Trời, báo hiệu việc dưới đất của Người đã kết thúc

Đọc lại Tin Mừng viết về gia phả của Đức Giê-su, chúng ta thấy Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể có một lịch sử rõ ràng (x. Mt 1,1-17), (Mt 3,9; 8,11; Lc 3,8; 2Cr 11,22). Chứng tỏ, Thiên Chúa, Đấng siêu việt, đã “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người. gười chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời…” (Kinh Tin Kính Nicea).

Như vậy, Chúa Giê-su sau khi đã từ cung lòng Chúa Cha, từ Trời thân hành xuống thế nhập thể làm người, đi vào lịch sử loài người, sống kiếp phận con người, bước vào trong bóng sự chết, đã phục sinh, nay về Trời, kết thúc sứ mạng của Người ở dưới đất.

Chúa lên Trời trong vinh quang

Dựa trên cụm từ: “Chúa Giê-su lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Theo lời thánh Lê-ô Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giê-su đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng trong ánh vinh quang, “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giê-su Ki-tô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giê-su là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trời cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi chúng ta ái mộ những sự trên Trời.

Sứ mạng mới khai mào

Chúa Giêsu rời bỏ các tông đồ nhưng chỉ theo nghĩa hữu hình. Người vẫn luôn sẵn sàng tiếp bước với Giáo hội, vẫn tiếp tục hiện diện, cách vô hình, để hành động nơi Giáo hội. Hơn nữa, sâu thẳm trong tâm thức của các Kitô hữu, sự "chia ly" này chỉ là tạm thời, bởi vì Chúa Giêsu sẽ trở lại như hai người mặc áo trắng ấy còn hứa rằng "Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời" (Cvtđ 1, 11).

Vì thế, ngày hôm nay hơn bao giờ hết Giáo Hội phải thi hành mệnh lệnh của Chúa trước khi Người lên trời : "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật" (Mc 16,15). Loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh : sự Sống chiến thắng sự chết, Tình Yêu chiến thắng tội ác, Chân Lý chiến thắng dối trá và sai lầm. Thế giới mọi nơi mọi thời, đặc biệt ngày hôm nay đa rất cần đến Đức Kitô Phục Sinh như chính Chúa Giêsu nói : "Ai tin và chịu phép, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt" (Mc 16,16). Không phải vì Thiên Chúa độc tài, đọc đoán, nhưng vì không tin là không đón nhận giải đáp đích thực của Thiên Chúa cho các ước vọng chính đáng cảu mình, hay là tìm thoả mãn nơi trần thế, và cuối cùng sẽ qua đi như bộ mặt trần gian này sẽ qua đi.

Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, xin giúp chúng con là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa Giê-su, Con Mẹ, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hãng tin A.P. : ‘Một bước lùi với thời gian’: Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ nhận thấy một sự thay đổi to lớn hướng về những lối sống cũ
Vũ Văn An
14:30 05/05/2024

Tim Sullivan của hãng tin A.P., ngày 1 tháng 5 năm 2024, có bài tường thuật và nhận định về các thay đổi trong sinh hoạt tại một số nơi thuộc Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Thực ra, tuy tường thuật này được tờ Our Sunday Visitor gọi là của người "bên ngoài", nó y hệt cách tường thuật và nhận định của chính phe cấp tiến trong Giáo Hội Hoa Kỳ chống lại xu hướng bảo thủ hay duy truyền thống vẫn đang sống mạnh ít nhất tại một số nơi như Sullivan đến gặp gỡ. Trước nhất, chúng tôi cho đăng nguyên văn bài viết của Sullivan; sau đó, chúng tôi cho đăng bài viết của Sara Perla, trên tạp chí mạng Our Sunday Visitor, ngày 3 tháng 5 năm 2024, nhận định về quan điểm của Sullivan:



MADISON, Wis. (AP) - Chính âm nhạc đã thay đổi đầu tiên. Hoặc có lẽ đó chỉ là lúc nhiều người tại nhà thờ Công Giáo bằng gạch nhạt ở khu phố Wisconsin yên tĩnh cuối cùng cũng bắt đầu nhận ra chuyện gì đang xảy ra.

Người chỉ huy dàn hợp xướng, người đã gắn bó với Nhà thờ Thánh Maria Goretti trong gần 40 năm, đột nhiên ra đi. Những bài thánh ca đương thời đã được thay thế bằng âm nhạc bắt nguồn từ châu Âu thời trung cổ.

Có quá nhiều điều đang thay đổi. Các bài giảng tập trung nhiều hơn vào tội lỗi và sự xưng tội. Các linh mục hiếm khi được nhìn thấy mà không mặc áo chùng thâm. Những cô gái giúp lễ, trong một thời gian, đã bị cấm.

Tại trường tiểu học của giáo xứ, học sinh bắt đầu nghe về phá thai và hỏa ngục.

“Nó giống như một bước lùi với thời gian,” một cựu giáo dân, vẫn còn choáng váng trước những thay đổi hỗn loạn bắt đầu vào năm 2021 với một mục tử mới, cho biết ông chỉ nói với điều kiện giấu tên.

Không chỉ có Nhà thờ Thánh Maria Goretti.

Trên khắp nước Mỹ, Giáo Hội Công Giáo đang trải qua một sự thay đổi to lớn. Các thế hệ người Công Giáo đón nhận làn sóng hiện đại hóa do Vatican II khởi xướng vào những năm 1960 đang ngày càng nhường chỗ cho những người bảo thủ tôn giáo tin rằng giáo hội đã bị bóp méo bởi sự thay đổi, với lời hứa về sự cứu rỗi vĩnh cửu được thay thế bằng Thánh lễ ghi-ta, kho đựng thức ăn của giáo xứ và sự thờ ơ thường ngày đối với giáo lý của Giáo hội.

Sự thay đổi, được tạo ra bởi sự sụt giảm số người đến nhà thờ, ngày càng có nhiều linh mục truyền thống và ngày càng có nhiều người trẻ Công Giáo tìm kiếm sự chính thống hơn, đã định hình lại các giáo xứ trên khắp đất nước, khiến họ đôi khi xung đột với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phần lớn thế giới Công Giáo.

Những thay đổi không xảy ra ở khắp mọi nơi. Vẫn còn rất nhiều giáo xứ cấp tiến, nhiều giáo xứ tự coi mình là người trung dung. Bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của họ, những người Công Giáo bảo thủ vẫn là thiểu số.

Tuy nhiên, những thay đổi mà chúng mang lại là không thể không lưu ý.

[Nhiều thế hệ người Công Giáo Hoa Kỳ đang nhường chỗ cho những người theo tôn giáo bảo thủ, những người tin rằng giáo hội đã bị bóp méo bởi sự thay đổi. Nó đã định hình lại các giáo xứ và trường đại học trên khắp đất nước, khiến chúng đôi khi trở nên mâu thuẫn với phần lớn thế giới Công Giáo. (Video AP/ Jessie Wardarski)]

Các linh mục tiến bộ từng thống trị Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm sau Vatican II hiện đã ở độ tuổi 70 và 80. Nhiều người đã nghỉ hưu. Một số đã chết. Các cuộc khảo sát cho thấy các linh mục trẻ tuổi bảo thủ hơn nhiều.

Linh mục John Forliti, 87 tuổi, một linh mục đã nghỉ hưu ở Twin Cities, người đã đấu tranh cho dân quyền và cải cách giáo dục giới tính ở trường Công Giáo, cho biết: “Họ nói rằng họ đang cố gắng khôi phục lại những gì mà những người già chúng tôi đã hủy hoại”.

Doug Koesel, một linh mục 72 tuổi thẳng thắn tại Giáo xứ Thiên Chúa Ba Ngôi ở Cleveland, thì thẳng thắn hơn: “Họ chỉ chờ chúng tôi chết mà thôi”.

Tại giáo xứ Thánh Maria Goretti, nơi từng thấm nhuần đặc tính của Công đồng Vatican II, nhiều giáo dân coi những thay đổi này là một lễ cầu hồn (requiem).

Christine Hammond, người có gia đình đã rời giáo xứ khi quan điểm mới tràn vào trường học của giáo xứ và lớp học của con gái bà, cho biết: “Tôi không muốn con gái mình theo đạo Công Giáo. Không, nếu đây là Giáo Hội Công Giáo Rôma đang xuất hiện.”

Nhưng đây không phải là một câu chuyện đơn giản. Bởi vì có rất nhiều người chào đón ngôi nhà thờ mới, cũ này.

Họ thường nổi bật trên các hàng ghế, với đàn ông đeo cà vạt và phụ nữ đôi khi đội khăn trùm đầu có ren, những thứ gần như đã biến mất khỏi các nhà thờ ở Mỹ hơn 50 năm trước. Thông thường, ít nhất một vài gia đình sẽ đến với bốn, năm đứa con hoặc thậm chí nhiều hơn, báo hiệu việc họ tuân thủ lệnh cấm tránh thai của Giáo hội, điều mà hầu hết người Công Giáo Mỹ từ lâu đã vô tình phớt lờ.

Họ thường xuyên xưng tội và tuân thủ nghiêm ngặt các giáo huấn của Giáo hội. Nhiều người khao khát những Thánh lễ mang âm hưởng truyền thống thời Trung Cổ – nhiều tiếng Latinh hơn, nhiều hương trầm hơn, nhiều thánh ca Gregorian hơn.

Ben Rouleau, người gần đây đã lãnh đạo nhóm thanh niên của Nhà thờ Thánh Maria Goretti, cho biết: “Chúng tôi muốn trải nghiệm thanh tao này khác với mọi điều khác trong cuộc sống của chúng tôi”.

Rouleau nói, họ rất vui khi mất liên lạc với một thành phố cấp tiến như Madison.

Rouleau nói, “Về mặt nào đó, nó cực đoan. Chúng tôi đang quay trở lại cội nguồn của Giáo hội.”

Nếu phong trào này nổi lên từ bất cứ đâu, thì đó có thể là một sân vận động bóng đá Denver hiện đã bị phá hủy và một chiếc trực thăng quân sự mượn chở Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.

Khoảng 500,000 người đã đến Denver vào năm 1993 để tham dự lễ hội Công Giáo Ngày Giới trẻ Thế giới. Khi trực thăng của vị giáo hoàng hạ cánh ngay bên ngoài Sân vận động Mile High, mặt đất rung chuyển vì dậm chân.

Vị giáo hoàng, người có vẻ ngoài giống ông nội nhưng che dấu một sức thu hút mạnh mẽ, và là người được yêu quý vì lòng tốt cũng như sự nghiêm khắc của mình, đã đối đầu với một giáo hội Mỹ được định hình bởi ba thập niên thay đổi cấp tiến.

Nếu giáo hội thường được những người không Công Giáo biết đến nhiều nhất vì phản đối việc phá thai, thì giáo hội này ngày càng trở nên cấp tiến hơn kể từ Công đồng Vatican II. Việc kiểm soát sinh đẻ đã được chấp nhận một cách lặng lẽ ở nhiều giáo xứ và việc xưng tội hầu như không được đề cập đến. Giáo huấn xã hội Công Giáo về tình trạng nghèo đói tràn ngập các giáo hội. Hầu hết các linh mục đã bỏ áo chùng thâm đen để mặc thường phục có cổ kiểu Rôma. Hương và tiếng Latinh ngày càng trở nên hiếm hoi.

Về một số vấn đề, Đức Gioan Phaolô II đồng ý với những người Công Giáo có tư tưởng tự do này. Ngài lên tiếng phản đối hình phạt tử hình và thúc đẩy quyền lợi của người lao động. Ngài không ngừng rao giảng về sự tha thứ – “dòng oxy thanh lọc bầu không khí hận thù”. Ngài đã tha thứ cho kẻ trở thành sát thủ của chính ngài.

Nhưng ngài cũng không khoan nhượng về giáo điều, cảnh báo về sự thay đổi và trấn áp các nhà thần học cấp tiến. Ngài kêu gọi quay trở lại những nghi lễ đã bị lãng quên.

Ngài nói với đám đông tại Thánh lễ cuối cùng ở Denver rằng người Công Giáo “có nguy cơ mất đức tin”, chỉ trích việc phá thai, lạm dụng ma túy và những gì ngài gọi là “rối loạn tình dục”, ám chỉ gần như không che đậy đến việc ngày càng chấp nhận quyền của người đồng tính.

Trên khắp đất nước, giới trẻ Công Giáo nhiệt thành đã lắng nghe.

Các Trung tâm Newman phục vụ sinh viên đại học Công Giáo ngày càng trở nên phổ biến. FOCUS, một tổ chức theo chủ nghĩa truyền thống làm việc tại các trường đại học ở Mỹ cũng vậy. Các phương tiện truyền thông Công Giáo bảo thủ ngày càng phát triển, đặc biệt là mạng truyền hình cáp EWTN, một tiếng nói nổi bật ủng hộ tính chính thống ngày càng gia tăng.

Ngày nay, nước Mỹ Công Giáo bảo thủ có một nhóm người nổi tiếng trực tuyến riêng nhắm vào giới trẻ. Có Nữ tu Miriam James, một nữ tu luôn mỉm cười với áo dòng đầy đủ, nói chuyện cởi mở về những ngày tiệc tùng miệt mài ở trường đại học của mình. Có Jackie Francois Angel, người nói chi tiết thẳng thắn đến kinh ngạc về tình dục, hôn nhân và đạo Công Giáo. Có Mike Schmitz, một linh mục đẹp trai kiểu ngôi sao điện ảnh ở bang Minnesota, người tỏ ra tử tế trong khi vẫn kiên định với tín lý.

Thậm chí ngày nay, các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Công Giáo Mỹ đều không còn chính thống nữa. Hầu hết đều ủng hộ quyền phá thai. Đại đa số sử dụng biện pháp tránh thai.

Nhưng ngày càng có nhiều người Công Giáo không còn đi nhà thờ nữa.

Năm 1970, hơn một nửa số người Công Giáo ở Mỹ cho biết họ đi lễ ít nhất một lần một tuần. Theo CARA, một trung tâm nghiên cứu liên kết với Đại học Georgetown, đến năm 2022, con số đó đã giảm xuống còn 17%. Trong số thế hệ Thiên niên kỷ, con số này chỉ là 9%.

Ngay cả khi dân số Công Giáo Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 70 triệu người, một phần do nhập cư từ Châu Mỹ Latinh, thì ngày càng ít người Công Giáo tham gia vào các nghi lễ quan trọng nhất của Giáo hội. CARA cho biết số lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh đã giảm từ 1.2 triệu năm 1965 xuống còn 440,000 vào năm 2021. Các cuộc hôn nhân Công Giáo đã giảm hơn 2/3.

Con số ngày càng thu hẹp có nghĩa là những người ở lại nhà thờ có ảnh hưởng quá lớn so với toàn bộ dân số Công Giáo.

Ở cấp độ quốc gia, những người bảo thủ ngày càng thống trị Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và giới trí thức Công Giáo. Họ bao gồm tất cả mọi người từ người sáng lập nhà từ thiện của Domino's Pizza cho đến sáu trong số chín thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Sau đó là chức linh mục.

Một báo cáo năm 2023 của Dự án Công Giáo tại Đại học Công Giáo, dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 3,500 linh mục, cho biết các linh mục trẻ được thúc đẩy bởi nền chính trị tự do và thần học cấp tiến, vốn rất phổ biến trong những năm 1960 và 70, đã “gần như biến mất”.

Các linh mục trẻ ngày nay có nhiều khả năng tin rằng Giáo hội đã thay đổi quá nhiều sau Vatican II, vướng vào quan điểm đang thay đổi nhanh chóng của Mỹ về mọi điều, từ vai trò của phụ nữ đến người LGBTQ.

Một linh mục trẻ vùng Trung Tây vừa được thụ phong cho biết: “Thực sự không còn nhiều người cấp tiến trong các chủng viện nữa. Ngài nói với điều kiện giấu tên vì tình trạng hỗn loạn đang bao trùm giáo xứ của ngài sau khi ngài bắt đầu thúc ép có thêm các dịch vụ chính thống. “Họ sẽ không cảm thấy thoải mái.”

Đôi khi, sự chuyển dịch sang tính chính thống diễn ra một cách chậm rãi. Có thể có thêm một chút tiếng Latin được rải rắc vào Thánh lễ, hoặc thỉnh thoảng nhắc nhở đi xưng tội. Có thể đàn guitar sẽ bị loại bỏ trong các buổi lễ tối thứ bảy, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn.

Và đôi khi những thay đổi đến như một cơn lốc, chia rẽ các giáo xứ giữa những người khao khát một đạo Công Giáo tôn kính hơn và những người cảm thấy ngôi nhà thiêng liêng của họ đã bị lấy mất.

“Bạn sẽ rời khỏi Thánh lễ với suy nghĩ, 'Chúa ơi! Chuyện gì vừa xảy ra vậy?’” một cựu giáo dân khác tại nhà thờ Thánh Maria Goretti cho biết, gia đình của họ cuối cùng đã rời khỏi nhà thờ, mô tả việc thăng chức cho một mục tử mới vào năm 2021 và đột ngột tập trung vào tội lỗi và xưng tội.

Giống như nhiều cựu giáo dân, ông chỉ nói với điều kiện giấu tên vì lo lắng sẽ làm phiền lòng những người bạn vẫn còn trong giáo xứ. Các giáo sĩ giáo phận đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Ông nói, “Tôi là một người Công Giáo suốt đời. Tôi lớn lên và đi nhà thờ vào mỗi Chúa nhật. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này.”

Quan điểm mới đã tràn khắp nước Mỹ.

Tại các nhà thờ từ Minnesota đến California, giáo dân đã phản đối những thay đổi do các linh mục bảo thủ mới đưa ra. Ở Cincinnati, chuyện xảy ra khi vị linh mục mới từ bỏ nhạc phúc âm và tiếng trống châu Phi. Ở thị trấn nhỏ Bắc Carolina, người ta tập trung nhiều vào tiếng Latinh. Ở phía đông Texas, đó là một giám mục cánh hữu bị Vatican trục xuất sau khi cáo buộc Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phá hoại các tín lý của Giáo hội.

Mỗi cuộc đụng độ có thể giống như một cuộc giao tranh nữa trong các trận chiến văn hóa và chính trị đang xé nát nước Mỹ.

Nhưng phong trào, dù gọi là bảo thủ hay chính thống hay truyền thống hay đích thực, có thể khó xác định.

Nó bao gồm từ những người Công Giáo muốn có thêm hương xông, cho đến những tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh đã mang trở lại những lời cầu nguyện cổ xưa có đề cập đến “người Do Thái phản bội”. Có những người theo chủ nghĩa sinh tồn cánh hữu, những nhà trừ quỷ nổi tiếng, những nhà bảo vệ môi trường và một số ít những người gần như theo chủ nghĩa xã hội.

Có hãng tin Công Giáo chỉ trích “đoàn tùy tùng độc ác” của Vatican và vị linh mục ở thị trấn nhỏ Wisconsin, người đã lần theo dấu vết của Covid-19 theo một lời tiên tri hàng thế kỷ và cảnh cáo về chế độ độc tài đang rình rập. Gần đây có “Buổi cầu nguyện Công Giáo dành cho Trump”, một bữa ăn tối trị giá 1,000 USD một chỗ ngồi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu tổng thống, với sự góp mặt của một loạt các nhà lý thuyết âm mưu.

Tuy nhiên, phong trào chính thống cũng có thể giống như một mớ hỗn độn gồm tha thứ và cứng ngắc, trong đó việc nhấn mạnh đến lòng thương xót và lòng nhân hậu trộn lẫn với những lời cảnh cáo về sự vĩnh cửu trong hỏa ngục.

Đứng trên sự chia rẽ ở Mỹ là Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, người đã thúc đẩy giáo hội hoàn cầu trở nên hòa nhập hơn, ngay cả khi ngài tuân theo hầu hết các tín điều.

Phong trào chính thống đã theo dõi ngài một cách lo lắng ngay từ những ngày đầu tiên nhậm chức giáo hoàng, tức giận trước những quan điểm tự do hơn của ngài về các vấn đề như quan hệ đồng tính và ly hôn. Một số bác bỏ ngài hoàn toàn.

Và Đức Giáo Hoàng rõ ràng lo lắng về nước Mỹ.

Giáo hội Hoa Kỳ có “thái độ phản động rất mạnh mẽ”, ông nói với một nhóm tu sĩ Dòng Tên vào năm ngoái. “Nhìn lại quá khứ là điều vô ích.”

Bạn có thể tìm thấy tầm nhìn mới này về nước Mỹ Công Giáo tại các Thánh lễ Latinh ở Milwaukee, những hàng ghế đông đúc người đến thờ phượng ngay cả vào buổi trưa các ngày trong tuần. Nó diễn ra trong các hội nghị được tổ chức ở xứ sở rượu vang California, tại các giáo xứ được hồi sinh ở Tennessee và các nhóm cầu nguyện ở Washington, D.C.

Và nó có mặt tại một trường đại học nhỏ ở Kansas được xây dựng trên một sườn dốc phía trên sông Missouri.

Thoạt nhìn, không có gì bất thường về trường Cao đẳng Benedictine.

Học sinh lo lắng về những bài luận chưa hoàn thành và sự phức tạp của việc hẹn hò. Họ mặc quần short ngắn vào những buổi chiều mùa thu ấm áp. Bóng đá là chuyện rất lớn. Đồ ăn ở căng tin ở mức trung bình.

Nhưng hãy nhìn sâu hơn.

Bởi vì ở Cao đẳng Benedictine, lời giảng dạy của Công Giáo về tránh thai có thể lẻn vào các bài học về Pla-tông, và không ai ngạc nhiên nếu bạn tình nguyện cầu nguyện lúc 3 giờ sáng. Nội dung khiêu dâm, quan hệ tình dục trước hôn nhân và tắm nắng trong trang phục đồ bơi đều bị cấm.

Nếu những quy tắc này có vẻ giống như những giới luật của thời xa xưa, điều đó vẫn không ngăn được sinh viên đổ xô đến các trường như Benedictine và các trường Công Giáo bảo thủ khác.

Vào thời điểm tuyển sinh đại học ở Hoa Kỳ đang bị thu hẹp, sự mở rộng của Benedictine trong 15 năm qua đã bao gồm bốn ký túc xá mới, một phòng ăn mới và một trung tâm học thuật. Một thư viện mới rộng lớn đang được xây dựng. Tiếng gầm của thiết bị xây dựng dường như không bao giờ dừng lại.

Số người ghi danh hiện nay là khoảng 2,200, đã tăng gấp đôi sau 20 năm.

Các sinh viên, nhiều người trong số họ lớn lên trong các gia đình Công Giáo bảo thủ, gọi đùa đó là “bong bóng Benedictine”. Và nó có thể là cánh cửa dẫn tới tương lai của Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ.

Ở một nước Mỹ thế tục sâu sắc, nơi mà một nền văn hóa luôn thay đổi không đưa ra được nhiều câu trả lời tuyệt đối, thì cao đẳng Benedictine mang lại sự bảo đảm về sự rõ ràng.

John Welte, sinh viên năm cuối chuyên ngành kinh tế và triết học, cho biết: “Rõ ràng là không phải tất cả chúng tôi đều đồng ý về mọi thứ. Nhưng tôi có thể nói rằng mọi người đều hiểu được sự thật.”

“Có một số điều bạn có thể biết trong đầu: Điều này đúng và điều này sai.”

Đôi khi, người dân ở đây lặng lẽ thừa nhận, mọi chuyện đã đi quá xa. Giống như những sinh viên lớn tiếng tuyên bố họ tham dự Thánh lễ thường xuyên như thế nào, hay chàng trai trẻ bỏ lớp học cổ điển vì không chịu đọc các tác phẩm của những người ngoại đạo Hy Lạp cổ thời.

Rất thường xuyên, cuộc nói chuyện ở đây lặp lại những tác phẩm thế kỷ 13 của Thánh Tôma Aquinô, người tin rằng Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong sự chân, thiện và mỹ. Họ nói, đôi khi điều đó có nghĩa là tìm thấy Thiên Chúa trong những giáo lý nghiêm ngặt về tình dục. Đôi khi trong vẻ đẹp ám ảnh của những bài thánh ca Gregorian.

Madeline Hays, sinh viên năm cuối chuyên ngành sinh học 22 tuổi trầm ngâm, cho biết: “Đó là sự đổi mới của một số điều thực sự rất tốt mà chúng ta có thể đã đánh mất”.

Cô rất coi trọng các quy tắc của Giáo hội, từ quan hệ tình dục trước hôn nhân đến xưng tội. Cô không thể chịu được kiến trúc nhà thờ hiện đại. Cô đang nghiêm túc xem xét việc trở thành một nữ tu.

Nhưng cô cũng lo lắng về tình trạng nghèo đói và sự lãng phí của nước Mỹ cũng như cách người Mỹ - bao gồm cả cô - có thể thấy mình bị rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị mà không hề hay biết.

Cô vật lộn với niềm tin của mình vào một học thuyết Công Giáo đúng đắn có thể coi những người tốt, kể cả một số bạn bè của cô, là tội nhân.

Tuy nhiên, cô không muốn thay đổi.

Cô nói: “Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nếu nó thay đổi những điều nó đã đặt ra như ‘Đây là tín lý không thể sai lầm và điều này sẽ không thay đổi qua các thời đại’”.

Họ hiểu điều đó trong cộng đồng đồng tính nhỏ bé, hầu hết khép kín của Cao đẳng Benedictine. Giống như chàng trai trẻ, từng rất sùng đạo, phải chịu đựng trong im lặng khi mọi người trong khuôn viên trường vô tình phóng ra những lời gièm pha chống đồng tính nam.

Anh đã nhiều lần nghĩ đến việc rời đi, nhưng khoản hỗ trợ tài chính hào phóng đã giữ anh ở lại. Và sau nhiều năm, anh đã chấp nhận giới tính của mình.

Anh đã nhìn thấy niềm vui mà mọi người có thể nhận được từ Cao đẳng Benedictine, một số người sẽ quay trở lại Atchison sau khi tốt nghiệp, chỉ để ở gần bên.

Nhưng không phải là anh.

“Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại Atchison – không bao giờ.”

Trong nhiều thập niên, các hàng ghế ở Nhà thờ Thánh Maria Goretti chật kín các gia đình thợ ống nước, kỹ sư và giáo sư từ Đại học Wisconsin, chỉ cách đó vài dặm. Nhà thờ là một hòn đảo Công Giáo được gìn giữ cẩn thận, nằm gọn trong những con phố dân cư rợp bóng cây của một trong những thành phố cấp tiến nhất nước Mỹ.

Giống như nhiều giáo xứ khác, nó được hình thành theo lý tưởng của những năm 1960 và 1970. Sự nghèo đói và công bằng xã hội trở nên đan xen chặt chẽ với các bài giảng và đời sống giáo xứ. Người đồng tính cảm thấy được chào đón. Một số điều tuyệt đối về đạo đức của nhà thờ, như lệnh cấm tránh thai, đã trở thành giáo điều bị lãng quên.

Sự thay đổi đến vào năm 2003 với một giám mục mới, Robert C. Morlino, một người bảo thủ thẳng thừng. Nhiều người theo chủ nghĩa cấp tiến nhớ đến ngài như người đã chỉ trích thông điệp chấp nhận trong bài thánh ca hiện đại “All Are Welcome” [tất cả được chào đón].

Người kế nhiệm ngài, Giám mục Donald J. Hying, tránh xa các cuộc tranh cãi công khai. Nhưng theo nhiều cách, ngài lặng lẽ tiếp nối di sản của Morlino, cảnh báo về “tư duy rối rắm của Chủ nghĩa duy Hiện đại”.

Vào năm 2021, Hying đã bổ nhiệm Linh mục Scott Emerson, một phụ tá hàng đầu của Morlino một thời, làm mục tử của nhà thờ Madison.

Giáo dân theo dõi - một số hài lòng, một số không thoải mái - khi ngôi nhà thiêng liêng của họ được tu sửa.

Có nhiều hương xông hơn, nhiều tiếng Latinh hơn, nhiều cuộc nói chuyện về tội lỗi và xưng tội hơn.

Các bài giảng của Emerson không phải toàn là lửa và diêm sinh. Ngài thường nói về sự tha thứ và lòng cảm thương. Nhưng giọng điệu của ngài đã gây sốc cho nhiều giáo dân lâu năm.

Ngài nói trong một buổi lễ năm 2023 rằng cần phải có sự bảo vệ khỏi “sự tha hóa tinh thần của những tệ nạn trần thế”. Ngài đã cảnh cáo chống lại những người chỉ trích – “những người vô thần, nhà báo, chính trị gia, những người Công Giáo sa ngã” – ngài nói đang phá hoại Giáo hội.

Đối với một số người, những thay đổi của Linh mục Emerson được hoan nghênh.

“Rất nhiều người trong chúng tôi đã nói, 'Này, hãy xưng tội thêm đi! Cưng!" Rouleau, người điều hành nhóm thanh niên của giáo xứ, cho biết. “Âm nhạc hay hơn!”

Nhưng giáo xứ – vào giữa năm 2023 đã trở thành một phần của “mục vụ” hai nhà thờ trong bối cảnh tái cơ cấu toàn giáo phận – đang bị thu hẹp nhanh chóng.

Trong nhiều thập niên, nhiều người Công Giáo truyền thống đã tự hỏi liệu Giáo hội có – và có lẽ nên – thu hẹp lại thành một cốt lõi nhỏ hơn nhưng trung thành hơn hay không.

Một cách nào đó, đó chính là diện mạo của giáo xứ Thánh Maria Goretti ngày nay. Rouleau cho biết Thánh lễ thứ Sáu lúc 6 giờ 30 sáng ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng các Thánh lễ Chúa nhật chật kín giờ đây có hàng ghế trống. Số tiền quyên góp đang giảm. Ghi danh vào trường sụt giảm.

Một số người ra đi đã đến các giáo xứ cấp tiến hơn. Một số gia nhập các nhà thờ Tin lành. Một số đã bỏ tôn giáo hoàn toàn.

Hammond, người phụ nữ đã rời đi khi trường học của nhà thờ bắt đầu thay đổi, nói: “Tôi không còn là người Công Giáo nữa. Một chút cũng không."

Nhưng Linh mục Emerson khẳng định những người chỉ trích Giáo Hội Công Giáo sẽ được chứng minh là sai.

“Có bao nhiêu người đã cười nhạo Giáo hội, tuyên bố rằng Giáo hội đã qua đời, ngày tháng của Giáo hội đã qua và họ sẽ chôn cất Giáo hội?” ngài nói thế trong Thánh lễ năm 2021.

Ngài nói, “Giáo hội đã chôn cất tất cả những người đảm nhận việc chôn cất”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
NAM ÚC: Tháng 5 Dâng Hoa Kính Đức Mẹ
Jo. Vĩnh SA
04:46 05/05/2024

Tại giáo xứ Ottoway, TGP Adelaide



Tháng 5 lại về, tháng Dâng Hoa kính Đức Mẹ đã về với tín hữu Kitô giáo khắp nơi trên thế giới. Trong niềm tin yêu kính mến Đức Mẹ và để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, Cộng đoàn tín hữu Việt Nam tại giáo xứ Ottoway, Nam Úc đã tổ chức nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ sau thánh lễ 06 giờ 30 tối, thứ Bảy, ngày 04/5/2024 tại thánh đường Thánh Maximilian Kolbe, Ottoway, Nam Úc.
XEM PHOTOS
XEM VIDEO
Thánh lễ đồng tế do Cha Marek Ptak Cr, chánh xứ Ottoway chủ sự cùng với Cha Roman Palma Cr. được cử hành theo nghi thức phụng vụ lễ Chúa Nhật tuần VI Mùa Phục Sinh.
Trong phần giảng lễ, sau bài Thánh thư trích sách Tông Đồ Công Vụ và bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Cha chủ sự đã chia sẻ ý nghĩa sâu sắc về tình yêu của Chúa, khi Chúa xem các môn đệ của Chúa là bằng hữu và khuyên “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.
Sau phép lành cuối thánh lễ, 2 Cha đồng tế, cùng cộng đoàn đã cùng tham dự dâng hoa kính Đức Mẹ Maria. Khởi đầu tượng Đức Mẹ được long trọng cung nghinh từ cuối nhà thờ lên chính giữa gian cung thánh và được cha Roman làm phép, vì đây là tượng Đức Mẹ Fatima mới được thỉnh từ Việt Nam qua.
Đoàn dâng hoa do 14 cô thuộc Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam trong trang phục áo dài 5 sắc màu: trắng, hồng, vàng, xanh và tím. Cùng với tiếng nhạc du dương, trầm bổng, xen lẫn là những điệu múa thật đẹp, nhịp nhàng, uyển chuyển, các cô trên tay cầm những đóa hoa thật đẹp mắt. Đoàn hoa đã kính dâng lên Mẹ những bó hoa tươi thắm: Trắng, Hồng, Vàng, Xanh, Tím tượng trưng cho 5 đức tính sáng ngời của Mẹ Maria. Lời ca tiếng nhạc, điệu múa đã làm cho bầu khí trong thánh đường vui tươi, rộn rã, như hình ảnh những người con hân hoan về bên Mẹ và luôn bước theo Mẹ trong mọi hoàn cảnh buồn vui, thăng trầm của cuộc sống. Dâng hoa kéo dài khoảng 15 phút, đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng của hai cha đồng tế và tất cả cộng đoàn. Trước khi kết thúc mỗi giáo dân tham dự đều được phát một đóa Hồng tươi, để chính tay mình, mang lên dâng cho Đức Mẹ, đoàn dâng hoa đã chụp hình lưu niệm với hai cha đồng tế và một số giáo dân để lưu lại những hình ảnh đẹp trong tháng Năm Dâng Hoa kính Đức Mẹ.
Xin được cảm ơn các cô trong đoàn dâng hoa đã hy sinh thời gian công sức để tập múa, dâng lên Mẹ những đóa hoa đẹp nhất của lòng tôn kính, tin yêu.
Chúng ta cùng cầu nguyện để mỗi người biết noi gương Mẹ, và xin Mẹ luôn ở bên chúng ta trên hành trình theo Chúa.

Văn Khánh tường trình


 
VietCatholic TV
Tin Vui: Hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng bên ngôi mộ Chúa vừa xảy ra, chứa chan hy vọng hòa bình
VietCatholic Media
02:03 05/05/2024


Trong chương trình đặc biệt ngày hôm nay Đình Trinh xin giới thiệu với quý vị và anh chị em Hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng tại Giêrusalem diễn ra trong ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

Trưa ngày thứ Bẩy 4 tháng Năm, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Những lo âu liên quan đến đại dịch coronavirus tuy đã có phần giảm bớt, nhưng lại có những âu lo về sự mở rộng và leo thang chiến tranh tại Ukraine. Trong các diễn biến mới nhất, thị trấn Chasiv Yar của Ukraine đang trong tình trạng nguy ngập. Quân Nga đã tung một lực lượng lên đến 25.000 quân và liên tục bổ sung quân số để bao vây các Lữ Đoàn kiệt sức của quân Ukraine đang trong tình trạng thiếu thốn đạn dược. Bên cạnh đó, điện tặc Nga đã tấn công vào hồ sơ của nhiều nước NATO bao gồm hồ sơ của Đảng xã hội Đức của Thủ tướng Olaf Scholz, và các hồ sơ quan trọng của chính quyền Tiệp. Nga cũng được tường trình là gây nhiễu GPS làm gián đoạn các chuyến bay trong vùng Baltic.

Tất cả những điều này phản ảnh rất rõ rệt trong số những người tham dự. Các tín hữu Chính Thống Giáo Nga là lực lượng tham dự đông đảo nhất trước cuộc xâm lược vào Ukraine năm nay gần như vắng mặt hoàn toàn, ngoại trừ lác đác một vài giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga thường trú tại Giêrusalem.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Cho nên, các tín hữu Chính Thống Giáo có lòng mộ đạo đã cố gắng đến Giêrusalem trong thời gian này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 2 tháng Năm, ông Haim Katz, bộ trưởng Du Lịch Israel cho biết con số tín hữu Chính Thống Giáo Nga đến Thánh Địa trong năm nay chưa tới 4% con số năm 2019 là thời gian ngay trước đại dịch coronavirus. Trước hết, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người Nga, là nhóm hành hương đông nhất. Nhiều người, có thể vẫn còn khả năng nhưng không biết tương lai ra sao nên cũng không thể đi.

Thứ hai, một trở ngại khó vượt qua hơn nữa là máy bay Nga không được phép bay qua các không phận của Liên Hiệp Âu Châu. Thành ra, giá vé máy bay đến Giêrusalem tăng vọt như hỏa tiễn.

Thứ ba, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ không được ra nước ngoài. Năm ngoái, Quốc hội Nga, hay còn gọi là Duma Quốc gia, đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi dự luật cho phép gửi giấy gọi nhập ngũ điện tử bên cạnh các lá thư truyền thống. Theo dự luật này, giấy triệu tập nhập ngũ điện tử sẽ được coi như giấy triệu tập. Hiện tại, các tài liệu nhập ngũ ở Nga phải được giao tận tay bởi văn phòng nhập ngũ của quân đội địa phương hoặc thông qua người sử dụng lao động. Một người sẽ được coi là đã được thông báo ngay cả khi họ chưa xem giấy triệu tập hoặc email. Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Nga đã thắt chặt các hạn chế ra nước ngoài đối với các thanh niên trong độ tuổi có thể bị gọi nhập ngũ.

Bên cạnh những trở ngại của người Nga, người Palestine ở dải Gaza cũng không được phép đến Giêrusalem để tham dự Tuần Thánh Chính Thống Giáo.

Ngoài ra, một tác động còn kinh hoàng hơn thế nữa, là cuộc tấn công lớn chưa từng có của quân khủng bố Hamas nhắm vào Israel vào ngày 7 Tháng Mười, năm ngoái. Chiến cuộc đã bùng phát kể từ đó cho đến nay.

Thành ra, khung cảnh rất khác vắng vẻ, và âu lo. Vẫn có những người đến được nhưng hoàn toàn không có những cảnh chen lấn như các năm trước. Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo để cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh. Dù vắng vẻ hơn mọi năm, bầu không khí cử mừng vẫn tràn ngập khu vực này khi các tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.

Trong mấy năm trở lại đây, năm 2000 là một lễ Phục sinh vắng lặng, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh nhà thờ Thánh Mộ cửa đóng then cài. Năm 2021 và 2022, tình hình tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2023 là tưng bừng nhất. Năm nay, xem ra chỉ khá hơn năm 2000 một chút.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 4 tháng Năm, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người.

Trong những năm trước, chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận. Năm nay, do ảnh hưởng của chiến sự, lửa thánh đã không được đưa đến Ukraine.
 
Nga rộ tin biến lớn trong BQP Nga. Đức, Tiệp bị Nga tấn công mạng. Berlin tăng phòng không cho Kyiv
VietCatholic Media
03:06 05/05/2024


1. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết Putin trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng vì những kém cỏi trong chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Punishes Defense Minister for Ukraine War Shortcomings: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, nhà độc tài Nga Vladimir Putin gần đây đã có động thái công khai nhằm trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vì ông này không thể đạt được các mục tiêu quân sự của Điện Cẩm Linh ở Ukraine.

ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã viết trong một đánh giá hôm Thứ Bẩy 4 Tháng Năm, về cuộc chiến ở Ukraine rằng Putin đã tổ chức một cuộc gặp công khai với một đối thủ được biết đến của Shoigu như một cách có thể “để giảm bớt” quyền lực của bộ trưởng quốc phòng.

Báo cáo từ ISW đưa ra sau vụ bắt giữ Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov vào tháng 4 vì tội hối lộ, điều mà một số nhà phân tích phương Tây suy đoán là một lời cảnh báo đối với Shoigu. Ivanov được nhiều người coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Shoigu và hai người đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm, kể cả khi Ivanov giữ chức phó thống đốc khu vực Mạc Tư Khoa trong khi Shoigu là thống đốc khu vực.

Hôm thứ Năm, Putin đã gặp Alexei Dyumin, thống đốc tỉnh Tula của Nga và là một người bạn chí thiết của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Trang web của Điện Cẩm Linh kể lại cuộc gặp tại dinh thự tổng thống của Putin ở Novo-Ogaryovo, lưu ý rằng Dyumin đã nói chuyện với nhà lãnh đạo về những nỗ lực trong khu vực của ông nhằm hỗ trợ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine. Sự thúc đẩy này bao gồm việc trang bị cho các đơn vị quân đội, mở một trung tâm huấn luyện cho người điều khiển máy bay không người lái và sản xuất vũ khí.

Yevgeny Prigozhin, cựu lãnh đạo Tập đoàn Wagner, đã công khai chỉ trích Shoigu trong nhiều tháng trước khi lãnh đạo một cuộc binh biến chống lại Mạc Tư Khoa vào tháng 6. Prigozhin chết trong một vụ tai nạn máy bay trong hoàn cảnh bí ẩn hai tháng sau đó, nhưng Dyumin đã đứng về phía lãnh đạo Wagner trước khi chết. Theo ISW, ông này cũng được cho là đã “cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sa thải” trong Bộ Quốc phòng Nga và có thể đang tìm cách thay thế Shoigu.

ISW cho biết cuộc gặp của Dyumin ở Mạc Tư Khoa “dường như là một nỗ lực nhằm giành được sự ưu ái của Putin”, trong khi “Putin có thể đã cố tình công khai cuộc gặp của mình với Dyumin” như một hình phạt có thể xảy ra đối với “Bộ Quốc phòng do Shoigu lãnh đạo vì đã không hoàn thành mục tiêu quân sự của Điện Cẩm Linh. “

ISW viết: “Cuộc gặp Putin-Dyumin đã tạo ra một lượng tranh luận đáng kể trong không gian thông tin Nga, với nhiều blogger và nhà bình luận chính trị chỉ ra rằng cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh vụ bắt giữ Ivanov và cuộc cải tổ chính phủ dự kiến sau lễ nhậm chức tổng thống hôm thứ Ba tới đây.

Viện nghiên cứu này nói thêm rằng các nguồn tin nội bộ của Nga đã suy đoán rằng Putin có thể bổ nhiệm Dyumin vào một vai trò trong ngành công nghiệp quốc phòng. Có lẽ đáng chú ý hơn, “cuộc gặp giữa Putin-Dyumin cho thấy Putin có thể là người ra quyết định đằng sau vụ bắt giữ Ivanov”.

David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Cornell và giám đốc giảng dạy và học tập tại Cornell ở Washington, nói với Newsweek trong một bài báo trước rằng ông cũng tin như vậy.

Silbey nói: “Putin sẽ không ký vào vụ bắt giữ đó trừ khi ông ấy muốn gửi một tin nhắn cho Shoigu, một tin nhắn có nội dung chẳng hạn như 'đó có thể là bạn'. “Người ta sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Shoigu là người tiếp theo hoặc đột ngột nghỉ hưu.”

2. 'Chúng tôi không có vũ khí.' Lãnh đạo tình báo Ukraine lo ngại một tháng khó khăn khi Putin tiến về phía trước

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “‘We have no weapons.’ Top Ukrainian spy fears tough month as Putin grinds forward”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vị thế chiến trường của Ukraine bấp bênh hơn bất cứ lúc nào kể từ những ngày đầu xâm lược toàn diện của Putin.

Và mọi chuyện sắp trở nên tồi tệ hơn, Thiếu tướng Vadym Skibitsky, Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economist.

Trong một cuộc phỏng vấn bi quan bất thường đối với một quan chức cao cấp của Kyiv, Skibitsky dự đoán rằng vào tháng 5, Nga sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch xâm lược hoàn toàn các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk, nơi mà gần đây họ đã giành được lãnh thổ khi Ukraine chờ đợi viện trợ quân sự của phương Tây.

POLITICO tháng trước đưa tin rằng khả năng thất thủ của thành phố quan trọng chiến lược Chasiv Yar sẽ gây nguy hiểm cho thành trì cuối cùng của Ukraine ở khu vực Donetsk.

Skibitsky nói: “Có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi thành phố đó sụp đổ theo cách tương tự như Avdiivka, bị người Nga ném bom tàn phá vào tháng 2”. “Tất nhiên không phải hôm nay hay ngày mai, mà tất cả đều phụ thuộc vào nguồn dự trữ và nguồn cung cấp của chúng tôi.”

Skibitsky cho biết, sự vững chắc của Ukraine ở Donbas sẽ quyết định nơi nào Nga sẽ tấn công tiếp theo, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng Nga hiện đang để mắt đến Sumy và Kharkiv, nhưng vẫn không có đủ người cho một cuộc tấn công lớn như vậy.

“Vấn đề của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi không có vũ khí. Họ luôn biết tháng 4 và tháng 5 sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với chúng tôi”, Skibitsky nói.

Theo Skibitsky, quân đội Nga không còn hỗn loạn như năm 2022, giờ đây lực lượng của Điện Cẩm Linh đang hoạt động như một “một cơ thể thống nhất, có kế hoạch rõ ràng và dưới một sự chỉ huy duy nhất”.

3. Tình báo Mỹ: Putin chi số tiền kỷ lục cho quân sự vì 'hoang tưởng' về việc phương Tây hạn chế quyền lực của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US intelligence: Putin spends record amounts on military over 'paranoid fear' of West limiting Russia's power”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

“Nỗi sợ hoang tưởng” của Putin về việc phương Tây tìm cách hạn chế quyền lực của Nga đã khiến ông phải chi số tiền kỷ lục trong lịch sử cho việc quân sự hóa, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết hôm 2 Tháng Năm, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

Điện Cẩm Linh đã tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 7% GDP của Nga, gần gấp đôi mức trung bình trong lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nga chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu liên bang, theo tính toán của Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.

Haines cho biết trong phiên điều trần tại Quốc hội: “Putin tiếp tục tin rằng Nga đang bị đe dọa và gần như chắc chắn cho rằng một quân đội lớn hơn, được trang bị tốt hơn sẽ truyền đạt những lời răn đe của ông ta tới khán giả phương Tây và trong nước”.

Theo Haines, Tổng thống Nga tiếp tục coi sự mở rộng của NATO và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine như là “Mỹ và Âu Châu đang cố gắng hạn chế quyền lực của Nga”.

Putin yên tâm rằng các diễn biến trong nước và quốc tế hiện nay đang có lợi cho ông ta, đồng thời đang cố gắng lợi dụng xung đột giữa Israel và Hamas để chia rẽ các đồng minh phương Tây, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết thêm.

Haines cũng cho rằng Mạc Tư Khoa có thể sẽ tiếp tục “chiến thuật ngày càng hung hãn” chống lại Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, và cuộc chiến tổng lực khó có thể kết thúc “sớm”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa đã tấn công Ukraine bằng hơn 3.2000 quả bom dẫn đường, gần 300 máy bay không người lái loại Shahed và hơn 300 hỏa tiễn chỉ trong tháng 4.

4. Tin tặc ưu tú của Nga xâm nhập dữ liệu đảng xã hội Đức của Scholz

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Elite Russian hackers breach Scholz’s German socialist party”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính phủ Đức hôm thứ Sáu đã chỉ trích các cơ quan tình báo Nga vì đã hack tài khoản email của Đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SDP, của Thủ tướng Olaf Scholz.

Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, cho biết vào đầu ngày thứ Sáu rằng nhóm điện tặc khét tiếng Fancy Bear, một bộ phận của cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga, đã tấn công SDP.

Đây là vụ xâm nhập mới nhất cho thấy Mạc Tư Khoa đã tích cực phá rối nền chính trị Âu Châu như thế nào trước cuộc bầu cử quan trọng ở Liên Hiệp Âu Châu vào tháng tới. Các thủ đô đã tăng cường các biện pháp để cố gắng ngăn chặn Mạc Tư Khoa gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chính trị.

Chính quyền Âu Châu vào tháng 3 đã trấn áp một mạng lưới tuyên truyền được cho là có quan hệ với chính phủ Nga và Pháp đã phát động một chiến dịch lớn do Nga dàn dựng nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị nước này vào mùa hè năm ngoái.

Nhóm điện tặc Nga đứng đằng sau những tiết lộ trong tuần này, được gọi là APT28 hay Fancy Bear, đã khai thác một lỗ hổng bảo mật chưa xác định của Microsoft Outlook vào tháng 12 năm 2022 để xâm phạm tài khoản email của các quan chức đảng xã hội Đức.

Baerbock nói: “Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ không tránh khỏi hậu quả”.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao nói với các phóng viên ở Berlin rằng họ đã triệu tập Đại Sứ Nga về vụ việc.

Cộng hòa Tiệp hôm thứ Sáu đưa ra một tuyên bố ủng hộ tuyên bố của Đức và cho biết các cơ quan tình báo của nước này đã phát hiện ra những vụ việc tương tự về vụ xâm nhập của Fancy Bear vào các cơ quan của Tiệp vào cùng thời điểm.

Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavský cho biết trong một tuyên bố rằng “Nga từ lâu đã cố gắng lật đổ nền dân chủ và an ninh của Tiệp bằng nhiều cách khác nhau,” đề cập đến những tiết lộ gần đây xung quanh nền tảng tuyên truyền Đài Tiếng nói Âu Châu. Ông nói: “Việc nêu đích danh một cách công khai một kẻ tấn công cụ thể theo cách này là một công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Liên minh Âu Châu có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhóm điện tặc. Vào năm 2020, họ đã áp đặt đợt trừng phạt mạng thứ hai đối với Fancy Bear vì các cuộc tấn công vào Bundestag của Đức vào năm 2015.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu Josep Borrell trong một tuyên bố “lên án mạnh mẽ chiến dịch mạng độc hại” của Fancy Bear chống lại Đức và Cộng hòa Tiệp. Borrell cho biết: “Liên Hiệp Âu Châu quyết tâm sử dụng đầy đủ các biện pháp để ngăn chặn, và phản ứng trước hành vi nguy hiểm của Nga trên không gian mạng”.

NATO cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ Berlin và Praha, đồng thời nói thêm rằng các đồng minh của liên minh quốc phòng đã “quyết tâm sử dụng các khả năng cần thiết để ngăn chặn, phòng thủ và chống lại toàn bộ các mối đe dọa mạng để hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả việc xem xét các phản ứng phối hợp”..”

Fancy Bear thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu của chính phủ Âu Châu trong nhiều năm. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt và đấu tranh ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu hầu như không có tác dụng ngăn cản họ. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, các nước Âu Châu đã phải hứng chịu tình trạng gia tăng các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch và cái gọi là các cuộc tấn công “kết hợp” như phá hoại, thường có liên kết với các thực thể chính phủ Nga.

Nghị viện Âu Châu năm ngoái đã cảnh báo rằng Fancy Bear đặt ra mức độ đe dọa “cao” đối với các tổ chức và cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu sau khi nó bị phát hiện tấn công vào ít nhất 7 chính phủ Âu Châu bằng các chiến dịch hack, theo một ghi chú của đơn vị phản ứng mạng của Liên Hiệp Âu Châu, theo báo cáo của POLITICO.

5. Đức triệu tập Đại Biện Lâm Thời Nga về vụ tấn công mạng

Các nhà điều tra đã tìm thấy nhóm điện tặc có liên hệ với tình báo Nga chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nhắm vào các chính trị gia và khu vực quốc phòng

Đức đã triệu tập Đại Biện Lâm Thời Nga về một loạt các cuộc tấn công mạng nhắm vào các thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SPD, cầm quyền cũng như lĩnh vực quốc phòng và công nghệ của nước này.

Các cuộc tấn công đã bắt đầu vào năm 2023, và bùng phát mạnh mẽ hơn gần đây trong đó một số trang web bị đánh sập để phản ứng với quyết định gửi xe tăng đến Ukraine của Berlin, đã bị đổ lỗi cho một nhóm điện tặc có liên hệ với tình báo quân đội Nga.

Nhóm này đã khai thác một lỗ hổng chưa được biết đến trong dịch vụ email Microsoft Outlook và theo các quan chức Đức, nó đã xâm phạm máy chủ của các công ty bị ảnh hưởng.

“Hôm nay chúng ta có thể nói rõ ràng rằng chúng ta có thể quy cuộc tấn công mạng này cho một nhóm có tên APT28, do cơ quan tình báo quân sự Nga chỉ đạo,” Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong một cuộc họp báo trong chuyến thăm tới Australia. “Nói cách khác, đó là một cuộc tấn công mạng do nhà nước Nga bảo trợ nhằm vào Đức, và điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ gây ra hậu quả.”

Cộng hòa Tiệp cho biết các tổ chức của họ cũng đã trở thành mục tiêu. “Tiệp từ lâu đã là mục tiêu của APT28. Những hành vi vi phạm như vậy vi phạm các chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc về hành vi có trách nhiệm của nhà nước”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết.

APT28, còn được gọi là Fancy Bear hay Pawn Storm, đã bị cáo buộc thực hiện hàng chục vụ tấn công mạng ở các quốc gia trên thế giới. Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Vương quốc Anh đã mô tả nhóm này là “những kẻ đe dọa có tay nghề cao” đã “sử dụng các công cụ bao gồm X-Tunnel, X-Agent và CompuTrace để xâm nhập vào các mạng mục tiêu”.

Bộ Nội vụ Đức cho biết một loạt cuộc tấn công mạng do cơ quan tình báo quân đội Nga GRU thực hiện cũng đã nhắm vào các lĩnh vực hậu cần, quốc phòng, hàng không vũ trụ và công nghệ thông tin của nước này, khai thác lỗ hổng trong Microsoft Outlook để xâm phạm tài khoản email.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết: “Các cuộc tấn công mạng của Nga là mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta và chúng ta đang kiên quyết chống lại”. “Trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ không cho phép mình bị chế độ Nga đe dọa”.

Cô cho biết việc chống lại các cuộc tấn công như vậy từ Nga trước cuộc bầu cử Âu Châu vào tháng 6 là đặc biệt quan trọng. Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Sáu đã lên án các cuộc tấn công mạng “vô trách nhiệm” vào Đức và Cộng hòa Tiệp, và tiết lộ rằng “các tổ chức, cơ quan và thực thể nhà nước ở các quốc gia thành viên, bao gồm cả ở Ba Lan, Lithuania, Slovakia và Thụy Điển đã là mục tiêu của cùng một tác nhân đe dọa trước đây”.

NATO lên án các cuộc tấn công “độc hại” và cho biết chúng là lời nhắc nhở rằng “các tác nhân đe dọa mạng liên tục tìm cách gây bất ổn cho liên minh”.

Việc triệu tập đại sứ hoặc quan chức cao cấp được coi là một công cụ ngoại giao mạnh mẽ. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Đức cho biết quyền đại biện lâm thời đã được mời tham dự một cuộc họp vì vụ việc cho thấy “mối đe dọa từ Nga đối với an ninh và hòa bình ở Âu Châu là có thật và nó rất lớn”.

Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công năm 2023, Đức đang tiến tới quyết định đưa 2 xe tăng chiến đấu Leopold ra tiền tuyến sau khi Ukraine kêu gọi cung cấp 300 chiếc từ Âu Châu. Đơn vị phản ứng an ninh máy tính của Liên Hiệp Âu Châu, Cert-EU, năm ngoái đã ghi nhận một báo cáo của phương tiện truyền thông Đức rằng một giám đốc điều hành SPD đã trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công mạng vào Tháng Giêng năm 2023 “dẫn đến khả năng bị lộ dữ liệu”. Berlin cũng cho biết các tin tặc hoạt động của Nga đã đánh sập một số trang web của Đức để đáp lại quyết định đưa xe tăng tới Ukraine của nước này, mặc dù không có nhiều tác động rõ ràng.

Nhóm điện tặc thân Nga Killnet đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào thời điểm đó, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói: “Chúng tôi không biết Killnet là gì. Chúng tôi thực sự thắc mắc tại sao bất kỳ nhóm tin tặc cũng có liên quan đến Nga mà không liên quan đến một số quốc gia Âu Châu khác”.

Các cuộc tấn công mạng được các nhà lãnh đạo Âu Châu chính thức coi là một phần trong cuộc chiến “hỗn hợp” của Nga chống lại Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu. Thông tin sai lệch trên mạng xã hội và các trang web tin tức giả trông gần giống hệt các phương tiện truyền thông hợp pháp là một phần vũ khí được Điện Cẩm Linh triển khai, với hơn 17.000 đơn vị thông tin sai lệch đã được Liên Hiệp Âu Châu xác định kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

6. Zelenskiy: Ukraine đối mặt 'giai đoạn mới' trong chiến tranh khi Nga chuẩn bị mở rộng các cuộc tấn công

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky: Ukraine facing 'new stage' in war as Russia preparing to expand offensive”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine đang đối mặt với “giai đoạn mới” trong cuộc chiến toàn diện của Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong cuộc gặp gỡ với lực lượng biên phòng ở Khmelnytskyi hôm 3 Tháng Năm.

Tuyên bố của Zelenskiy được đưa ra trong bối cảnh tình hình trên chiến trường đang xấu đi. Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói rằng Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công mới của Nga vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, với cuộc tấn công tăng cường xung quanh khu vực phía đông Donbas.

“Quân xâm lược hiện đang chuẩn bị mở rộng các cuộc tấn công. Và tất cả chúng ta - người Ukraine, binh lính, nhà nước, đối tác - phải làm mọi cách để phá vỡ kế hoạch tấn công của Nga”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Nga có thể đang cố gắng chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi tác động của dự luật viện trợ Mỹ vừa thông qua dành cho Ukraine có thể được cảm nhận trên chiến trường.

Oleksandr Pavliuk, Tư lệnh Lực lượng Lục Quân Ukraine, cho biết Chasiv Yar, một thị trấn ở tỉnh Donetsk, vẫn là một trong những mục tiêu chính của Nga vì nó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những bước tiến tiếp theo về phía các thành phố lân cận là Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk.

Theo Pavliuk, Nga đặt mục tiêu chiếm hoàn toàn Donetsk, Luhansk và nếu có thể, chiếm Zaporizhzhia vào năm 2024.

Vadym Skibitsky, phó giám đốc Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng cho biết, Mạc Tư Khoa cũng có khả năng chuẩn bị cho một cuộc tấn công xung quanh các tỉnh phía đông bắc Sumy và Kharkiv.

“Chúng ta phải chứng minh rằng kẻ xâm lược sẽ không thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kể họ làm gì và hành động tàn ác đến đâu. Dù thế nào Ukraine cũng sẽ thắng thế”, ông Zelenskiy nói thêm.

7. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố đã chiếm được thêm 547 km vuông lãnh thổ Ukraine trong năm nay

Shoigu, trong bài phát biểu hôm thứ Sáu với các chỉ huy quân sự cao cấp, cho biết lực lượng Ukraine đang rút lui dọc theo tiền tuyến và quân đội Nga đang phá vỡ cái mà ông gọi là mạng lưới các thành trì của Ukraine.

Shoigu nói: “Các đơn vị quân đội Ukraine đang cố gắng bám vào các phòng tuyến riêng lẻ, nhưng trước sự tấn công dữ dội của chúng ta, họ buộc phải rời bỏ vị trí và rút lui”.

Ông nói: “Trong hai tuần qua, Lực lượng Vũ trang Nga đã giải phóng các khu định cư Novobakhmutivka, Semenivka và Berdychi ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk,” ông nói, đề cập đến cái tên mà Nga sử dụng cho một trong bốn khu vực bị sáp nhập.

Tổng Tư Lệnh quân Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết quân đội Kyiv đã phải rút lui về các vị trí mới ở phía tây ba thị trấn ở mặt trận phía đông trước quân số đông đảo của Nga và tình trạng thiếu thốn đạn dược do viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ đã bị cắt từ tháng 10 năm ngoái.

Mạc Tư Khoa cho biết vào tháng 9 năm 2022, bảy tháng sau khi gửi quân vào Ukraine, rằng họ đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine – Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia – vào lãnh thổ chủ quyền của mình mặc dù không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ khu vực nào trong số đó.

8. Công ty Đức cung cấp thêm 6 radar TRML-4D cho Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “German company to deliver 6 more TRML-4D radars to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hensoldt, một nhà sản xuất quốc phòng của Đức, sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 6 radar TRML-4D vào cuối năm 2024, công ty này cho biết hôm 3 Tháng Năm.

Kyiv đã nhận được radar TRML-4D đầu tiên vào năm 2022, với hệ thống mới nhất nằm trong đợt viện trợ quân sự cuối cùng của Đức cho Ukraine, được công bố vào ngày 30 tháng 4.

Theo tuyên bố, các radar mới là một phần của gói đặt hàng trị giá hơn 100 triệu euro hay 107 triệu Mỹ Kim.

Giám đốc điều hành của Hensoldt Oliver Dörre cho biết: “Phòng không Ukraine đang rất cần các radar của chúng tôi và chúng tôi tự hào có thể cung cấp tất cả các hệ thống trong năm nay”.

“Phản hồi từ khách hàng của chúng tôi xác nhận tầm quan trọng của sự sẵn có nhanh chóng của radar đối với việc bảo vệ công dân của họ.”

Các Radar TRML-4D có thể phát hiện và theo dõi 1.500 mục tiêu trong bán kính lên tới 250 km. Chúng cũng có thể phân biệt nhiều loại mục tiêu trên không khác nhau, tập trung vào hỏa tiễn hành trình tốc độ cao và bay thấp, cũng như máy bay và trực thăng.

Ukraine đã yêu cầu tăng cường năng lực phòng không sau khi Nga gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ tháng 3.

Berlin đã công bố vào giữa tháng 4 kế hoạch cung cấp một hệ thống Patriot khác cho Ukraine. Cam kết mới sẽ nâng tổng số xe Patriot mà Đức cung cấp cho Ukraine lên ba chiếc.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine cần 25 chiếc Patriot để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga.

9. Lithuania phản đối tuyên bố của FSB rằng đặc vụ Ukraine xuất phát từ Lithuania bị hạ sát trước khi kịp tấn công trạm nhiên liệu

Các quan chức của cơ quan an ninh nhà nước FSB của Nga tuyên bố đã tiêu diệt một kẻ phá hoại người Ukraine đang lên kế hoạch tấn công một trạm nhiên liệu ở khu vực phía tây bắc Leningrad bằng chất nổ, FSB cho biết như trên hôm thứ Sáu, 3 Tháng Năm.

Trong các tình tiết có vẻ éo le và có chút sắc màu hoang đường, FSB cho biết người đàn ông này là công dân Nga được tình báo quân đội Ukraine tuyển dụng và anh ta đã bị giết sau khi bắn vào các nhân viên an ninh. Phát ngôn nhân FSB cho biết anh ta đã vào Nga từ Lithuania vào tháng Ba.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí, Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis cho biết đã có “những tuyên bố sai trái của Nga về hành vi phá hoại được lên kế hoạch bởi một người được cho là đã nhập cảnh vào Nga từ Lithuania vào tháng 3”.

“Tuyên bố rằng có một kẻ phá hoại như vậy, có bất kỳ mối liên hệ nào với Lithuania là sai sự thật.”

Ông cho biết ông không có bất kỳ thông tin nào về vụ việc được Interfax báo cáo nhưng “yếu tố liên kết điều đó với một quốc gia NATO” là thông tin sai lệch.

“Nga đã tiến hành các chiến dịch khiêu khích và thông tin sai lệch một cách có hệ thống trong một thời gian dài nhằm gây căng thẳng giữa xã hội và các đồng minh cũng như che đậy các hành động hung hăng của mình.

“Thông tin sai lệch do FSB lan truyền là một trường hợp điển hình. Một trong những mục tiêu của các hoạt động gây hấn như vậy là nhằm gây ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Lithuania dành cho Ukraine. Thông tin sai lệch sẽ không thay đổi nỗ lực của Lithuania trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu tranh vì tự do.”

“Vì Lithuania hiện đang tiến hành cuộc tập trận quân sự Thunder Strike, chúng ta có thể thấy sẽ nhiều cuộc tấn công sai lệch thông tin kiểu này hơn. Chúng tôi kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác và những người phổ biến thông tin hãy thận trọng trước những thông tin sai lệch đang được Nga lan truyền”, ông nói.

10. Hành vi của Nga đối với lãnh thổ NATO gây ra cảnh báo

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Behavior on NATO Territory Sparks Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cáo buộc Nga có hành động thù địch trên lãnh thổ đồng minh và cảnh báo sẽ đáp trả.

Trong một tuyên bố, khối cho biết Nga đã thực hiện “các hoạt động ác ý gần đây” ở các nước thành viên, bao gồm cả hành vi phá hoại và “hành vi bạo lực”.

NATO là liên minh hỗ trợ chính cho Kyiv trong cuộc chiến mà Putin phát động nhằm vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Cùng với những thông điệp công khai từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh sát cánh với Kyiv, nhiều thành viên NATO đã là những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine.

“Các đồng minh NATO quan ngại sâu sắc về các hoạt động ác ý gần đây trên lãnh thổ Đồng minh, bao gồm cả những hoạt động dẫn đến việc điều tra và buộc tội nhiều cá nhân liên quan đến hoạt động thù địch của nhà nước ảnh hưởng đến Tiệp, Estonia, Đức, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Vương quốc Anh,” tuyên bố của liên minh cho biết.

Mặc dù NATO không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về các hoạt động bị cáo buộc nhưng họ cho biết: “Những sự việc này là một phần trong chiến dịch tăng cường các hoạt động mà Nga tiếp tục thực hiện trên khắp khu vực Euro-Atlantic, bao gồm cả trên lãnh thổ Liên minh và thông qua các lực lượng ủy nhiệm.

“Điều này bao gồm phá hoại, hành vi bạo lực, can thiệp mạng và điện tử, các chiến dịch thông tin sai lệch và các hoạt động kết hợp khác. Các đồng minh NATO bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các hành động hỗn hợp của Nga, vốn tạo thành mối đe dọa đối với an ninh của Đồng minh”.

Thông điệp cho biết liên minh “sẽ hành động riêng lẻ và tập thể để giải quyết những hành động này và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ”.

NATO cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phục hồi của mình cũng như áp dụng và nâng cao các công cụ có sẵn để chống lại và chống lại các hành động kết hợp của Nga, đồng thời sẽ bảo đảm rằng Liên minh và Đồng minh sẵn sàng ngăn chặn và phòng thủ trước các hành động hoặc cuộc tấn công kết hợp”.

Cuối cùng, tuyên bố lên án Nga và kêu gọi nước này “duy trì các nghĩa vụ quốc tế của mình, như các đồng minh đã làm” trước khi nói thêm rằng “các hành động của Nga sẽ không ngăn cản các đồng minh tiếp tục hỗ trợ Ukraine”.

Ông Stoltenberg trước đó đã nói về các cáo buộc về hoạt động gián điệp của Nga tại các nước NATO trong cuộc gặp ngày 26 Tháng Tư với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin.

“Tuần trước, Đức đã bắt giữ những cá nhân bị buộc tội gián điệp và phá hoại. Và hôm nay, tại Vương quốc Anh, 5 cá nhân đã bị buộc tội liên quan đến hoạt động thù địch của nhà nước nhằm mang lại lợi ích cho Nga”, ông Stoltenberg nói.

Ông nói tiếp: “Những hành động như vậy là nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Họ sẽ không ngăn cản chúng tôi hỗ trợ Ukraine và chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ để đáp trả bất kỳ hành động thù địch nào chống lại các đồng minh NATO.”

Stoltenberg cũng bình luận trên X về tuyên bố mới của liên minh liên quan đến Nga.

Ông viết: “#NATO quan ngại sâu sắc trước chiến dịch tăng cường các hoạt động kết hợp của Nga, bao gồm cả trên lãnh thổ của Liên minh”. “Những hành động này sẽ không ngăn cản chúng tôi hỗ trợ #Ukraine.”

11. Thủ tướng Viktor Orban phàn nàn rằng Hung Gia Lợi sẽ cần tăng cường chi tiêu quốc phòng hơn nữa vì cuộc chiến ở Ukraine

Thủ tướng Viktor Orban nói với đài phát thanh công cộng hôm thứ Sáu rằng Hung Gia Lợi sẽ cần tăng cường chi tiêu quốc phòng hơn nữa vào năm tới nếu cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine kéo dài đến năm 2025, làm giảm số tiền dành cho các chi tiêu khác.

Thủ tướng Viktor Orban, một người bạn thân của Vladimir Putin đã tránh dùng từ cuộc xâm lược. Thay vào đó, ông ta gọi là cuộc chiến.

Reuters đưa tin, cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga đã gây ra sự gia tăng chi tiêu quốc phòng ở sườn phía đông của NATO. Ba Lan dẫn đầu trong chi tiêu quốc phòng, và đã tăng gấp đôi lên 3,9% sản lượng kinh tế quốc dân hay GDP vào năm 2023 so với mức năm 2014 dựa trên số liệu của NATO.

Trong khi phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính và quân sự của phương Tây dành cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan sang Âu Châu, Hung Gia Lợi cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên 2,43% GDP vào năm ngoái, cao hơn mức hướng dẫn 2% của NATO.

Orban cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu chiến tranh kéo dài đến năm 2025, thì mức chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2023-2024 sẽ không đủ và sẽ phải tăng lên,” Orban nói trong một cuộc phỏng vấn và nói thêm rằng động thái này sẽ khiến ngân sách dành cho các mục đích khác sẽ ít hơn.