Ngày 25-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 25/06/2024

3. Cầu nguyện là cái neo sắt an toàn của người tròng trành trên biển lớn, là sự giàu có vô hạn của người nghèo, là thuốc đặc hiệu của người bệnh, là sự bảo vệ cách thiết thực của người khỏe mạnh.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 25/06/2024
91. ĐÔ THỐNG SỢ VỢ

Cuối năm triều đại nhà Đường, có trung lệnh Vương Đạc rất là sợ vợ.

Năm nọ, nông dân nổi dậy, lính nghĩa quân do lãnh tụ Hoàng Sào dẫn đầu tiến đánh vào kinh thành Trường An, Vương Đạc được thăng chức đô thống trấn giữ Giang Long. Lúc ông ta đến nhiệm sở thì cấm đàn bà con gái đi theo, phu nhân cũng không được đi theo.

Một hôm, đột nhiên có người đến báo cáo:

- “Phu nhân rời khỏi kinh thành rồi”.

Vương Đạc hết sức kinh hãi, nói với thủ hạ:

- “Hoàng Sào từ phía nam đang từ từ tấn công vào, phu nhân lại giận dữ từ phía mặt bắc đi đến, mày coi ta phải làm sao đây?”

Thuộc quan nói đùa:

- “Thì đầu hàng Hoàng Sào cho rồi !”

Vương Đạc cười ha ha.

(Nhã Ngược)

Suy tư 91:

Sợ vợ hơn cả sợ giặc thì quả là hiếm có, nhất là người đó đường đường là một vị đô thống trấn giữ kinh thành, cái sợ vợ này thật...đáng sợ. Giặc đến thì có khi vợ con cũng không còn, tất cả của cải thì chắc chắn cũng theo giặc mà đi, vậy thì cái sợ vợ này thật không đúng chút nào cả đối với một vị tướng trấn giữ thành.

Có nhiều người Ki-tô hữu sợ vợ hơn cả sợ Thiên Chúa, đó là những người lấy câu “nhất vợ nhì trời” làm “châm ngôn” của mình, họ viện cớ rằng vợ là người bạn đời của mình nên phải “nghe” chứ không phải sợ, nên để cho vợ tự do tác oai tác quái hàm hồ chửi bới hàng xóm mà không dám khuyên bảo can ngăn; có lúc nại cớ vợ là người đồng lao cộng khổ với mình, nên có khi vợ cưng chiều con cái quá mức làm cho nó hư người mà cũng không dám lên tiếng góp ý cho vợ; lại có người lấy phải người vợ không cùng tôn giáo, nên vì nghe lời vợ, sợ vợ mà không đi nhà thờ, không thực hành niềm tin của mình.v.v...

Mặt bên phía nam thì giặc đánh tới rất gấp, mặt bên phía bắc thì vợ xông tới đòi vào thành ở chung với chồng thì quả là nan giải, nhưng nếu người chồng là một Ki-tô hữu thì ông ta sẽ giải quyết rõ ràng và dứt khoát: mở cửa thành phía bắc đón vợ và đóng cửa thành phía nam chặn đánh địch quân, bởi vì lời hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong ngày thành hôn vẫn còn đó: “dù gian nan hoạn nạn, dù trong lúc vui trong lúc buồn hay hạnh phúc thì vẫn chung thủy với nhau cho đến suốt đời...”

Đó không còn là sợ vợ nhưng là yêu thương vợ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Đức tin tăng dần
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
05:56 25/06/2024
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM B :
MC 5,21-43

21Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23và khẩn khoản nài xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28Vì bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay giữa đám đông mà hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39Người bước vào nhà và bảo họ : “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41Người cầm lấy tay nó và nói : “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là : “Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.



ĐỨC TIN TĂNG DẦN

Hai biến cố lồng vào nhau hôm nay làm nên một câu chuyện thật sống động, được Mác-cô tường thuật theo lời kể của Phê-rô, con người cụ thể, quanh sát viên chính xác. Khung cảnh, các nhân vật, các hành vi, tất cả xảy ra như trong một cuốn phim.

1. Từ niềm tin ma thuật đến đức tin chân chính

Mở đầu với việc ông Gia-ia “khẩn khoản nài xin”, trong khi Đức Giê-su chẳng nói gì, chỉ “ra đi với ông”, câu chuyện chuyển ngay sang người đàn bà bị băng huyết. Mác-cô nhấn mạnh đến tình trạng tuyệt vọng của bà : “bao phen khổ sở”… “chạy thuốc đã nhiều”… “tán gia bại sản”… “bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn nặng thêm”… Kiểu nhấn mạnh ấy muốn nói với ta rằng khi mọi phương sách loài người đã cạn, Đức Giê-su sẽ là chỗ nương tựa cuối cùng.

Trong não trạng Do-thái đương thời, người phụ nữ ấy bị xem như “ô uế” chiếu luật Mô-sê (x. Lv 15,25), thậm chí còn làm cho kẻ khác ra ô uế chỉ bằng việc đụng chạm. Bà khốn khổ chẳng những vì cơn bệnh hành hạ, mà còn vì bị xã hội và tôn giáo loại ra khỏi cộng đoàn. Hãy cố tưởng tượng nỗi ô nhục và e sợ của kẻ bất hạnh này : sờ vào Đức Giê-su là bà làm một việc cấm kỵ, rồi biết đâu Người lại phản đối sự đụng chạm gây ô uế đó ! Nhưng ước vọng sống, ước vọng được giải thoát, được hội nhập lại vào xã hội đã khiến bà phải liều. Thiên hạ đã chẳng đồn ngôn sứ Giê-su là Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”, Đấng đón tiếp những kẻ nghèo hèn nhất đó sao? Họ đã chẳng nói không một nỗi khổ nào, dẫu kín ẩn nhất, dẫu xấu hổ nhất, lại bị Người xua đuổi; không một Lề luật nào đứng vững trước Người khi có chuyện “giải cứu” ai đó sao?

Thế là bà nhất định sờ vào Người, để thần lực của Người chuyển sang thân thể của bà đang bệnh hoạn yếu nhược. Nhưng có lẽ sợ bất kính, bà đã chỉ chạm đến gấu áo của Người, với niềm tin tưởng vô biên. Việc lạ lùng đã xảy tới : bà được khỏi. Nhưng một chuyện cũng lạ lùng không kém : giữa bao kẻ chen lấn mình, Đức Giê-su đã như trực giác một đụng chạm đặc biệt.

Không muốn dừng lại ở tính vô danh của đám đông, Người tìm một tiếp xúc cá nhân. Người cũng muốn bà băng huyết vượt quá niềm tin tưởng nhuốm màu ma thuật mê tín của bà (“tôi mà sờ vào… là sẽ được cứu…”), để đi vào một đức tin chân thực, là thừa nhận bản thân Người. Chúng ta nhận thấy Đức Giê-su quả là một nhà giáo dục : Người lưu ý đến niềm tin tưởng bất toàn và ngây ngô, nhưng cũng tìm cách đưa tới một đức tin trưởng thành, có lý do, có động lực. Người yêu chúng ta đúng như chúng ta đang là, song vẫn muốn đưa chúng ta lên cao mãi.

Kinh hãi, người phụ nữ phủ phục, nói hết sự thực và chờ đợi sự trừng phạt. Nhưng Đấng Thánh của Thiên Chúa lại thốt lên một câu bất ngờ và vô cùng khiêm tốn : “Lòng tin con đã cứu chữa con. Con hãy về bằng an và khỏi hẳn bệnh”. “Khỏi bệnh” ! “Cứu chữa” ! Trong cái nhìn của Ki-tô hữu sau Phục sinh, các phép lạ của ĐGS đều là lời loan báo “ơn cứu rỗi nhờ đức tin” mà chúng ta sẽ hưởng được nếu thừa nhận Người. Vâng, đối với ĐGS, điều chủ yếu không phải là “chuyện lạ lùng”, song là ơn cứu rỗi.

2. Từ niềm tin vào sự cứu chữa đến niềm tin vào sự hồi sinh

Biến cố thứ hai cũng nhấn mạnh đến niềm tin. Đó là nội dung câu đầu tiên Đức Giê-su nói với ông trưởng hội đường khi thân nhân xin ông thôi làm phiền Người vì con gái ông đã chết. Chính “đức tin” mới đáng kể đối với Đức Giê-su. Mác-cô kể lại với chúng ta hai phép lạ lồng vào nhau để cho thấy một đức tin tăng dần : tin rằng Đức Giê-su có thể chữa lành một người bệnh, tin rằng Đức Giê-su có thể hồi sinh một kẻ chết.

Vì đối với kẻ đương thời Đức Giê-su, xin ơn hồi sinh từ Người là điều khó tưởng tượng. Chữa lành một bệnh nhân thì còn có thể. Hồi sinh một kẻ chết chỉ tổ quấy rầy Thầy. Điều này nêu bật sự nghịch lý, ngược đời của đức tin.

Một lần nữa, Đức Giê-su không muốn làm điều giật gân. Mỗi khi có thể, Người thích thực hiện các phép lạ trong kín đáo, để qua vài chứng nhân có thẩm quyền, Người nêu bật ý nghĩa đích thực của phép lạ. Hôm nay, Người chỉ mang theo ba chứng nhân đặc tuyển, vốn cũng sẽ chứng kiến cuộc biến hình (x. Mc 9,2) và cơn hấp hối của Người (x. Mc 14,33). Đức Giê-su chẳng muốn quyền lực của mình là một quyền lực ma thuật, phá bỏ vĩnh viễn luật tự nhiên : Người sẽ đích thân cảm nghiệm cách bi thảm về cơn hấp hối và cái chết… vốn đã động tới cô con gái của ông Gia-ia hôm nay ! Sự cứu rỗi duy nhất và chung quyết (mà phép lạ này chỉ là hình ảnh tiên báo), đó là cuộc Vượt qua cuối cùng, việc đi vào Sự Sống vĩnh cửu.

Và Đức Giê-su đã làm tất cả đám đông kinh ngạc, thậm chí chế giễu, qua câu nói : “Đứa bé có chết đâu ! Nó ngủ đấy !” Rồi đây Người cũng sẽ bảo thế trên đường đến mộ La-da-rô (x. Ga 11,11). Và để lô-gích với lời mình vừa phán, Đức Giê-su đã cầm lấy tay cô bé và bảo : “Này bé, Thầy truyền cho con, trỗi dậy đi.”

Câu nói trước hết được trích dẫn bằng ngôn ngữ A-ram, tiếng mẹ đẻ của Đức Giê-su (chi tiết này cho thấy một chứng nhân tận mắt), và Mác-cô đã dịch ngay bằng tiếng Hy-lạp. Thật ra, hai từ A-ram ấy được dịch gọn hơn nhiều : “Này bé, đứng dậy !” Nhưng tác giả cảm thấy phải nói dài, và ông đã sử dụng một từ chủ chốt nơi cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi : “Trỗi dậy đi” (Hy ngữ là “égeiré”). Đây là từ được dùng để nói việc Đức Giê-su sống lại. Nó có một hương vị phục sinh, đối nghịch với từ “ngủ” mà Đức Giê-su đã sử dụng trên kia để nói về cái chết. Vâng, đối với Đức Giê-su, cái chết chẳng còn hoàn toàn là cái chết, mà chỉ là một giấc ngủ trước khi thức dậy. Một thánh ca rất cổ của các Ki-tô hữu đầu tiên, được hát trong lễ nghi rửa tội, đã viết thế này : “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi” (Ep 5,14).

Nếu lưu ý rằng tên “Gia-ia” có nghĩa là “người chiếu sáng”, “người đánh thức” và phép rửa đã từng được gọi là “sự tái sinh” và “ơn soi sáng” (x. Giáo lý HTCG số 1215-1216), thì có thể cho rằng phép lạ đang nói đây chính là biểu tượng phép rửa.

Phải chăng chúng ta thật sự tin rằng mình đã nhận cùng ân huệ như cô bé? Nhờ phép rửa, chúng ta đã đi từ sự chết sang sự sống, sự sống vĩnh cửu, một sự sống vốn đã bắt đầu rồi. Phải chăng chúng ta luôn nhớ rằng mình là một kẻ không ngừng “đứng dậy”, “thức dậy”, “trỗi dậy”, để chờ ngày phục sinh mãi mãi, luôn ý thức những hoàn cảnh chết người mà đức tin và phép rửa đã cứu chúng ta ra khỏi?
Một người vô thần nghe một Ki-tô hữu nói về ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su. Khi hay rằng ai nấy có thể được ban sự sống vĩnh cửu nhờ tiếp nhận cái chết đền tội của Con Thiên Chúa trên thập giá, người ấy bèn nói : “Tôi không tin ! Chết là hết, chằng còn gì nữa cả !” Tín hữu Ki-tô đáp lại : “Tôi đồng ý với bạn, cái chết là kết cuộc của mọi sự !” Người kia hơi ngạc nhiên : “Sao? Bây giờ ông đồng ý với tôi à?” - “Phải, cái chết là chấm dứt cơ hội để bạn được cứu, là chấm dứt tất cả thú vui của bạn, tất cả những dự tính, những tham vọng của bạn, cũng như những giao tình thân hữu của bạn. Cái chết chấm dứt mọi sự đối với bạn, nhưng nó bắt đầu những dày vò đời đời của bạn.” Rồi tín hữu Ki-tô nói tiếp : “Đối với tôi, cái chết cũng là kết cuộc của mọi sự. Nó chấm dứt những giọt lệ của tôi, những nỗi đau đớn của tôi, cũng như những cuộc chiến đấu của tôi. Đối với những thống khổ của tôi, cái chết làm tiêu tan tất cả, nhưng nó là khởi điểm điều kỳ diệu cho tôi, vì sau cái chết, mà niềm tin cho tôi thấy chỉ là một giấc ngủ, tôi sẽ về cùng Thiên Chúa của tôi trong vinh quang và hạnh phúc muôn đời.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức TGM Gänswein vào vai trò ngoại giao ở các nước vùng Baltic
Vũ Văn An
00:13 25/06/2024

Courtney Mares của hãng tin CNA, ngày 24 tháng 6 năm 2024 tường trình rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, đảm nhận vai trò ngoại giao tại các quốc gia vùng Baltic.



Vatican đã công bố hôm thứ Hai rằng Đức TGM Gänswein sẽ phục vụ với tư cách là sứ thần tòa thánh, hay đại sứ giáo hoàng, tại Lithuania, Estonia và Latvia.

Việc bổ nhiệm diễn ra sau nhiều tháng đồ đoán và tin đồn khắp Rome và Giáo hội ở Đức về tương lai của Đức TGM Gänswein sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI.

Mối quan hệ giữa Đức TGM Gänswein và Đức Giáo Hoàng hiện tại đã trở nên căng thẳng một cách đáng chú ý. Trong cuốn sách phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha gần đây, “El Sucesor”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi xa hơn khi nói rằng Đức Bênêđíctô “bị Gänswein lợi dụng” trong bối cảnh xuất bản một cuốn sách “kể tất cả”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị cho Đức TGM Gänswein trở lại Đức, khiến ngài không có bất cứ vai trò chính thức nào trong Giáo hội. Vị giáo phẩm 67 tuổi này đã cư trú tại khu vực quê nhà của mình thuộc Tổng Giáo phận Freiburg ở miền nam nước Đức kể từ tháng 7 năm 2023, nơi ngài là kinh sĩ danh dự tại nhà thờ chính tòa Freiburg.

Trước khi rời Thành phố vĩnh cửu, Đức TGM Gänswein đã sống nhiều năm ở Rome. Ngài làm thư ký riêng cho Đức Bênêđíctô XVI từ năm 2003 cho đến khi Đức Giáo Hoàng xứ Bavaria qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Đức Bênêđíctô cũng bổ nhiệm ngài làm người đứng đầu phủ giáo hoàng vào năm 2012, một vai trò mà ngài đã đảm nhiệm trong triều giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2012 và kết thúc vào Tháng 2 năm 2023.

Xuất thân từ vùng Rừng Đen của Đức, con trai của một thợ rèn đã được Đức Tổng Giám Mục Oskar Saier ở Freiburg truyền chức linh mục vào năm 1984 và có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Ludwig-Maximilian ở Munich.

Với tư cách là Sứ thần Tòa thánh tại các quốc gia vùng Baltic, Đức TGM Gänswein sẽ đóng vai trò là đại diện ngoại giao thường trực của Tòa thánh và sẽ thực hiện các nhiệm vụ tương tự như một đại sứ.

Các nước vùng Baltic có dân số theo Ki-tô giáo đáng kể. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 93% người Litva theo Ki-tô giáo với 75% người trưởng thành được xác định là người Công Giáo. Latvia và Estonia đều có dân số theo Chính thống giáo và Lutheran đáng kể, trong đó người Công Giáo chỉ chiếm 1% dân số Estonia.

Tỷ lệ tham dự thánh lễ ở các quốc gia vùng Baltic rất thấp, chỉ có 7% người Công Giáo ở Latvia và 10% ở Lithuania cho biết họ tham dự Thánh lễ hàng tuần.

Đức TGM Gänswein kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người từng là Sứ thần tại các quốc gia vùng Baltic cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa thánh tại Áo vào năm 2019.
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Phần hai: TÍN NGƯỠNG VÀ VĂN HÓA, Chương 9: G.K. Chesterton
Vũ Văn An
14:57 25/06/2024

Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo (tiếp theo)

G. K. Chesterton: Người Công Giáo viết theo văn phong Dickens



Nhu cầu đổi mới Kitô giáo để cứu thế giới đã được đưa ra theo cách thậm chí còn đáng chú ý và ồn ào hơn bởi người đồng chí của Belloc, G. K. Chesterton, một trong những người hài hước tài năng nhất của thế kỷ XX. Trong khi Belloc phần lớn lập luận rằng “điều” Công Giáo là một sự sửa chữa đơn giản cho nhiều sai lầm khác nhau, thì Chesterton thường coi Công Giáo bao gồm một loạt nghịch lý: nhất là ở sự kiện, vì Thiên Chúa đã tạo ra thế giới, đặt con người vào trong những điều kỳ diệu của nó, và tự mình trở thành con người để chỉ cho chúng ta con đường trở về cuộc sống đích thực, cuộc sống bình thường hàng ngày trở thành một cuộc phiêu lưu thú vị, không thể đoán trước, và có tính phổ quát. Mãi đến năm 1922, Chesterton mới trở lại đạo Công Giáo, nhưng ngay từ tác phẩm đầu tiên của mình, ông đã nói một cách khái quát về Công Giáo như là sự kết hợp hai điều dường như không liên quan với nhau: sự lành mạnh [sanity] và sự thánh thiện.

Nhận thức đó bắt nguồn từ chính cuộc đời ông. ông đã bộc lộ những năng khiếu nghệ thuật đáng kể từ khá sớm và theo học nghệ thuật tại Trường Slade của London (sau này Belloc sẽ yêu cầu ông vẽ minh họa cho những cuốn sách của mình, điều mà Chesterton đã làm, chớp nhoáng tạo ra những bức vẽ ăn khớp với lời lẽ của Belloc gần như một trò đùa). Trong trường nghệ thuật, ông tuyên bố, ông và các sinh viên khác la cà một cách hung dữ khiến ngay cả ông cũng phải kinh ngạc. Và, với hậu quả to lớn đối với nền biện hộ Công Giáo trong thế kỷ 20, bầu không khí mà ông tìm thấy ở đó gần như đã biến ông thành một “kẻ mất trí” (một thuật ngữ có ý nghĩa thần học đối với Chesterton) theo đúng nghĩa đen. Các sinh viên nghệ thuật, khi đó cũng như bây giờ, chìm đắm trong chủ nghĩa hoài nghi hợp thời trang, sự vô định thông thường và tình trạng hỗn loạn về luân lý.

Trải nghiệm sâu xa và bệnh hoạn này - thật nghịch lý - lại khiến Chesterton đi theo hướng ngược lại: vui thích với sự hiện hữu của thế giới, sự hài hước và cách chơi chữ sắc sảo, và khoa biện hộ Kitô giáo vô song vào thời của ông. Như ông mô tả trải nghiệm trong cuốn Tự truyện của mình:

Điều khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn lại tuổi trẻ, và thậm chí cả thời niên thiếu, là tốc độ cực nhanh mà nó có thể nghĩ về những điều căn bản; và thậm chí phủ nhận những điều căn bản. Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ về chính tư duy của mình. Đó là một điều rất khủng khiếp để làm; vì nó có thể dẫn đến suy nghĩ rằng không có gì khác ngoài suy nghĩ. Lúc này tôi không phân biệt rõ ràng giữa mộng và tỉnh; không chỉ là một tâm trạng mà còn là một nghi ngờ siêu hình, tôi cảm thấy như thể mọi thứ có thể là một giấc mơ. Cứ như thể chính tôi đã phóng chiếu vũ trụ từ bên trong, với cây cối và các vì sao; và điều đó rất gần với khái niệm là Thiên Chúa đến nỗi thậm chí gần như phát điên hơn một cách rõ ràng. Tuy nhiên, tôi không điên, theo bất cứ ý nghĩa y tế hay thể lý nào; tôi chỉ đơn giản mang theo sự hoài nghi về thời gian của mình trong chừng mực nó trôi qua. Và tôi sớm nhận ra rằng nó sẽ tiến xa hơn rất nhiều so với hầu hết những người hoài nghi đã tiến. Trong khi những người vô thần đần độn đến và giải thích với tôi rằng không có gì khác ngoài vật chất, thì tôi lắng nghe với một nỗi kinh hoàng bình thản đầy thờ ơ, nghi ngờ rằng không có gì ngoài tâm trí. Kể từ đó, tôi luôn cảm thấy có một điều gì đó mỏng manh và hạng ba về những người duy vật và chủ nghĩa duy vật. Người vô thần nói với tôi một cách khoa trương rằng anh ta không tin có Thiên Chúa; và có những lúc tôi thậm chí không tin là có người vô thần.

Và như với các cực đoan tâm thần, các cực đoan luân lý cũng vậy. Có điều gì đó thực sự đe dọa khi nghĩ đến việc tôi có thể tưởng tượng ra điều điên rồ nhất nhanh như thế nào, khi tôi chưa bao giờ phạm một tội nhẹ nhất. (32)

Chính nhờ vật lộn với và cuối cùng vượt qua được sự điên rồ không thể chịu đựng được này mà ông đã đạt được niềm đam mê cả đời của mình là cố gắng giải thích bản chất của “sự lành mạnh”. Đối với ông, như cả thế giới sau này đều biết, điều này có nghĩa là tìm ra phương thuốc cho thuyết duy ngã [solipsism]và chủ nghĩa hoài nghi mà ông đã trải qua trong chính mình — và trong các hình thức văn hóa khác nhau của hai căn bệnh song sinh này mà ông, trong tư cách một nhà báo và nhà tranh luận công khai giỏi giang, đã gặp gỡ Thiên Chúa, trong một sự bảo đảm chắc chắn nhất cho những thứ bên ngoài chúng ta.

Mặc dù ông chủ yếu viết trong tư cách một nhà báo thế tục và cho các ấn phẩm thế tục, nhưng hàng nghìn bài tiểu luận ngắn của Chesterton, cả những bài đăng trên báo và tạp chí cũng như những bài được sưu tầm thành sách, ít nhiều đều xoay quanh những chủ đề như vậy. Năm 1905, ông xuất bản cuốn sách vĩ đại đầu tiên của mình, Heretics [ Những kẻ Dị giáo] sau đó không lâu là Orthodoxy [Chính thống]. Mặc dù ông không chính thức gia nhập Giáo Hội trong hơn mười lăm năm, nhưng một loại tính Công Giáo hiện diện ở đây trong chính các tựa đề. Trong cuốn sách đầu tiên, Chesterton muốn cho thấy rằng “những kẻ dị giáo” của ông, những nhân vật nổi tiếng như George Bernard Shaw, H. G. Wells, Rudyard Kipling, và những người khác, mong đợi có thể giữ gìn sự lành mạnh và niềm vui ở đời này mà không tin rằng chúng bắt nguồn từ một thực tại siêu hình—chính Thiên Chúa. Điều này, đối với Chesterton, là yêu cầu một điều bất khả. Do kinh nghiệm của bản thân về sự nghi ngờ triệt để, ông đã hiểu một cách triệt để rằng các vấn đề triết học không thể tránh và có tính xác định nằm bên dưới những lý tưởng sai lầm về Siêu nhân, chủ nghĩa duy khoa học tiến bộ, chủ nghĩa dân tộc thô kệch và các lập trường khác được đại diện bởi các nhân vật mà ông xem xét trong Heretics.

Ông cố tình thêm lời buộc tội dị giáo gây hoang mang, đối với nhiều người, vào phân tích của ông về những thiếu sót triết học bởi vì một mốt thời trang dị giáo mới đã xuất hiện, như ông nhận định trong phần nhận xét dẫn nhập vào cuốn Heretics:

Không có gì cho thấy một tội ác to lớn và thầm lặng của xã hội hiện đại một cách kỳ lạ hơn là cách sử dụng phi thường ngày nay của chữ “chính thống”. Ngày xưa, kẻ dị giáo tự hào mình không phải là kẻ dị giáo. Chính các vương quốc trên thế giới, cảnh sát và quan tòa là những kẻ dị giáo. Anh ta là người chính thống.... Người đàn ông tự hào là chính thống, tự hào là đúng. Nếu anh ta đứng một mình trong một vùng hoang dã ảm đạm, anh ta còn hơn cả một người đàn ông; anh ta là một nhà thờ. Anh ta là trung tâm của vũ trụ; xung quanh anh ta là những ngôi sao đong đưa. Tất cả những cực hình lấy từ những địa ngục bị lãng quên không thể khiến anh ta thừa nhận rằng mình là kẻ dị giáo. Nhưng một vài cụm từ hiện đại đã khiến anh ta tự hào về điều đó. Anh ta nói, với một nụ cười có ý thức, "Tôi cho rằng tôi rất dị giáo," và nhìn quanh để tìm kiếm những tràng pháo tay. Chữ “dị giáo” không những có nghĩa là không còn sai nữa; nó thực tế có nghĩa là sáng suốt và can đảm. Chữ “chính thống” không những không còn có nghĩa là đúng nữa; nó thực tế có nghĩa là sai. Tất cả điều này có thể có nghĩa một điều, và chỉ một điều mà thôi. Điều đó có nghĩa là mọi người ít quan tâm đến việc liệu họ có đúng về mặt triết học hay không. Vì hiển nhiên một người phải thú nhận mình điên trước khi thú nhận mình dị giáo. Người Bôhêmiêng, với cà vạt đỏ, nên tự hãnh diện về sự chính thống của mình. Người đặt thuốc nổ, đặt một quả bom, nên cảm thấy rằng, bất kể anh ta là gì khác, ít nhất anh ta là người chính thống. (33)

Bản thân là một người điên dại đang hồi phục, Chesterton thể hiện một sự hòa nhã nào đó đối với những người có thực này, những người, như ông có lần là, đã bị cầm tù bởi nhiều điều phi lý thế tục và tôn giáo. Kết quả là, ông tỏ ra công bằng đối với những sự thật một phần của mỗi một “những kẻ dị giáo” của mình hơn Belloc thường xoay xở trong các cuộc tấn công trực diện của mình.

Thí dụ, trong một chương nổi tiếng, ông ca ngợi George Bernard Shaw (người, mặc dù có những khác biệt lớn về quan điểm, nhưng đã trở thành một người bạn suốt đời) vì sự nhất quán của ông ta và bảo vệ ông ta khỏi cáo buộc rằng ông ta đã đảo lộn cách người ta nhìn sự vật. Chính Chesterton không chắc chắn rằng họ đã đúng. Chesterton lập luận rằng vấn đề của Shaw không phải là ông ta có một hệ thống khác thường và thống nhất hóa khác thường, mà là hệ thống của ông ta sai. Và điều này được thấy rõ nhất khi ông ủng hộ Siêu nhân của Nietzsche. Đối với Chesterton, mong muốn vượt quá các hữu thể nhân bản như chúng ta thấy họ có thể kéo theo những mối nguy hiểm tinh thần to lớn. Ông nói về Shaw:

Sau khi nghi ngờ liệu nhân loại có thể được kết hợp với tiến bộ hay không, hầu hết người ta, dễ dàng hài lòng, sẽ chọn từ bỏ tiến bộ và ở lại với nhân tính.... Nếu con người, như chúng ta biết, không thể tiếp thu triết lý tiến bộ, thì ông Shaw không yêu cầu một loại triết học mới, mà là một loại người mới.... Ông Shaw không thể hiểu rằng thứ có giá trị và đáng yêu trong mắt chúng ta là con người - con người già uống bia, làm kinh tin kính, chiến đấu, thất bại, nhục dục, đáng kính. Và những điều được đặt nền trên tạo vật này sẽ tồn tại bất tử; những điều được đặt nền tảng trên óc tưởng tượng về Siêu nhân đã chết cùng với những nền văn minh đang chết dần chết mòn đã sinh ra chúng. Khi Chúa Kitô, vào một thời điểm mang tính biểu tượng, đang thiết lập xã hội vĩ đại của Người, Người đã chọn làm nền tảng của nó không phải Phaolô lỗi lạc hay Gioan huyền nhiệm, mà là một kẻ dao động, một kẻ hợm hĩnh, một kẻ hèn nhát — nói tóm, một con người. Và trên tảng đá này, Người đã xây dựng Giáo hội của Người, và các cổng Địa ngục đã không thắng được nó. Tất cả các đế quốc và vương quốc đã thất bại, vì điểm yếu cố hữu và liên tục này là chúng được thành lập bởi những kẻ mạnh và dựa trên những kẻ mạnh. Nhưng có một điều, Giáo hội Kitô giáo lịch sử, được thành lập trên một người đàn ông yếu đuối, và vì lý do đó, nó không thể bị phá hủy. Vì không có sợi xích nào mạnh hơn mắt xích yếu nhất của nó. (34)

Những loại pháo bông bằng lời nói và những nghịch lý về khái niệm này đã trở thành các đặc điểm đặc trưng của Chesterton. Ông liên tục tạo ra những điều ngạc nhiên; chẳng hạn, điều ngạc nhiên này về tôn giáo nhân tính của Auguste Comte: “Chắc chắn là vô lý khi công kích tín lý Chúa Ba Ngôi như một mẩu thần bí gây bối rối, và sau đó yêu cầu con người tôn thờ một hữu thể có chín mươi triệu người trong một Chúa, không lẫn lộn các ngôi vị cũng không phân chia bản thể.” (35) Và Chesterton sáng suốt một cách phi thường cả trong những lĩnh vực sự việc ít cao quý hơn của con người. Belloc đã từng là thành viên của Hạ viện Anh và, hoàn toàn đúng, thường không thương tiếc chỉ trích các thành viên khác — đặc biệt là Thượng nghị viện Anh. Tuy nhiên, Chesterton, người luôn nhìn thấy sự tương đồng gần gũi giữa Kitô giáo và nền dân chủ, đã nhận ra một sự thật không được chú ý về mối quan hệ giữa những thượng nghị sĩ (peers) cha truyền con nối và những người đàn ông tài năng và năng động, giống như Belloc, phải làm việc để giành được ghế của họ: “Thượng nghị viện Anh, trong sức mạnh đầy đủ và thích đáng của nó, bao gồm những người đàn ông ngu ngốc. Có lẽ thực sự sẽ là một biện hộ hợp lý cho cái cơ chế không thể bào chữa đó khi chỉ ra rằng những người khôn khéo trong Hạ nghị viện, những người có được quyền lực của họ nhờ sự khôn khéo, cuối cùng phải bị kiểm tra bởi những người trung bình trong Thượng nghị viện, những người có được quyền lực của họ một cách tình cờ.” (36)

Sự cám dỗ đối với một người nào đó đang cố gắng định tính các tác phẩm của Chesterton là tiếp tục trích dẫn những dòng như thế này, bởi vì một khi bạn đã bắt đầu thì gần như không thể dừng lại. Thật vậy, một vài khối lượng trích dẫn như vậy đã được thu thập.(37) Và chúng còn lâu mới cạn kiệt số lượng tuyệt đối những điều quý giá mà ông đã nghĩ ra, nhiều điều trong thời hạn ngắn khi viết cho báo chí phổ thông. Chúng đến tấp nập:

Điều hoàn toàn chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc sống là một ân phúc của Thiên Chúa vô cùng đáng giá và vô cùng trân quý; và bất cứ ai cũng có thể chứng minh điều đó bằng cách bắt một người bi quan phải hành động. (38)

Giáo Hội Công Giáo quá phổ quát để có thể được gọi là quốc tế, vì Giáo hội lâu đời hơn tất cả các quốc gia. (39)

Cách để yêu bất cứ điều gì là nhận ra rằng nó có thể bị mất đi. (40)

Đối với Lý trí, sự độc quyền [Công Giáo] của chúng ta được thừa nhận trên thực tế trong thế giới hiện đại. Ngoại trừ một hoặc hai người vô thần già nua tồi tàn ở Phố Fleet (những người mà tôi rất có thiện cảm), không có gì ngoại trừ Rôma nay đang bảo vệ tính đáng tin cậy của Lý trí. (41)

Huyền nhiệm học giữ cho con người lành mạnh [sane]. Bao lâu bạn còn mầu nhiệm, bấy lâu bạn còn sức khỏe; khi bạn phá hủy mầu nhiệm, bạn tạo ra bệnh tật. Người bình thường bao giờ cũng lành mạnh bởi vì người bình thường bao giờ cũng là nhà huyền nhiệm. Họ cho phép hoàng hôn. Họ luôn có một chân ở trần gian và chân kia ở xứ sở thần tiên. Họ luôn để bản thân tự do nghi ngờ các vị thần của mình; nhưng (không giống như thuyết bất khả tri ngày nay) cũng được tự do tin vào các vị ấy. Họ luôn quan tâm đến sự thật hơn là sự nhất quán. Nếu họ thấy hai sự thật dường như mâu thuẫn với nhau, họ sẽ lấy hai sự thật và sự mâu thuẫn đó cùng với chúng. Thị giác thiêng liêng của họ có tính lập thể [stereoscopic], giống như thị giác thể lý của anh ta: anh ta nhìn thấy hai bức tranh khác nhau cùng một lúc nhưng thấy chúng rõ hơn nhờ điều đó. (42)

Nếu bạn tranh luận với một người điên, rất có thể bạn sẽ nhận lấy điều tồi tệ nhất từ đó; vì theo nhiều cách, tâm trí của họ hoạt động nhanh hơn vì không bị trì hoãn bởi những thứ diễn ra với sự phán đoán tốt.... Người điên không phải là người mất lý trí. Người điên là người đã mất tất cả trừ lý trí của mình. (43)

Những đoạn văn này, được lấy gần như ngẫu nhiên, cho thấy những nghịch lý của Chesterton đảo ngược những phạm trù tư duy thông thường như thế nào. Hai điều cuối cùng đến từ cuốn Orthodoxy [Chính thống], tuyên bố tích cực của ông tiếp theo sau những lời chỉ trích tiêu cực trong Heretics [Những kẻ Dị giáo]. Nhưng đằng sau tất cả những màn pháo hoa bằng lời nói và những hiểu biết sâu sắc, vẫn còn đó trực giác đơn giản của chàng trai trẻ mất trí tại Trường Nghệ thuật Slade, người đã vứt bỏ nhà tù của lý trí hẹp hòi để có được lý trí rộng lớn hơn của Thiên Chúa và nhân loại. Ông kết luận Heretics [Dị giáo] với sự bay bướm táo bạo này:

Sự thật biến thành giáo điều ngay khi chúng bị tranh cãi. Vì vậy, mọi con người khi thốt ra một nghi ngờ đều đã xác định một tôn giáo. Và chủ nghĩa hoài nghi của thời đại chúng ta không thực sự phá hủy các niềm tin, đúng hơn nó tạo ra chúng; cho chúng những giới hạn và hình dáng rõ ràng và thách thức của chúng. Chúng ta, những người theo chủ nghĩa Tự do, đã từng coi nhẹ Chủ nghĩa Tự do như một lẽ hiển nhiên. Bây giờ nó đã bị tranh chấp, và chúng ta giữ nó một cách quyết liệt như một đức tin. Chúng ta, những người tin vào lòng yêu nước, có lần từng nghĩ rằng lòng yêu nước là hợp lý, và ít suy nghĩ hơn về nó. Bây giờ chúng ta biết điều đó là vô lý, và biết điều đó là đúng. Chúng ta, những người Kitô hữu, không bao giờ biết được lẽ thường triết học vĩ đại vốn có trong mầu nhiệm đó cho đến khi các nhà văn chống Kitô giáo chỉ rõ nó cho chúng ta. Cuộc diễu hành vĩ đại của sự hủy diệt tinh thần sẽ tiếp tục. Mọi sự đều sẽ bị bác bỏ. Mọi sự sẽ trở thành một kinh tin kính. Đó là một lập trường hợp lý để bác bỏ các viên đá trên đường phố; nó sẽ là một giáo điều tôn giáo để khẳng định chúng. Sẽ là một chủ đề hợp lý khi cho rằng tất cả chúng ta đang ở trong một giấc mơ; sẽ là một sự lành mạnh huyền nhiệm khi nói rằng tất cả chúng ta đều tỉnh táo. Lửa sẽ được đốt lên để làm chứng rằng hai cộng hai là bốn. Các thanh kiếm sẽ được rút ra để chứng minh rằng lá cây có màu xanh vào mùa hè. Chúng ta sẽ phải một mình bảo vệ, không những các nhân đức và sự lành mạnh đáng kinh ngạc của sự sống con người, mà còn là một điều gì đó đáng kinh ngạc hơn nữa, vũ trụ bất khả khổng lồ này đang nhìn thẳng vào mặt chúng ta. Chúng ta sẽ chiến đấu vì những thần đồng hữu hình như thể chúng vô hình. Chúng ta sẽ nhìn lên bãi cỏ và bầu trời bất khả với một lòng dũng cảm kỳ lạ. Chúng ta sẽ thuộc về những người đã thấy và đã tin. (44)

Sự xuất sắc trong văn học này, gắn liền với quan điểm Kitô giáo chính thống về Thiên Chúa, con người và thế giới, nghe có vẻ là một đặc điểm độc đáo trong văn học thế kỷ XX. Và không một nhà biện hộ Kitô giáo nào—có thể ngoại trừ C. S. Lewis theo Thệ phản— tới gần việc so sánh với nó.

Chesterton đã viết hàng trăm tiểu luận và hàng chục cuốn sách về những “nghịch lý” triết học như vậy. Nhưng ông cũng là một nhà văn có hiệu năng ở nhiều thể loại khác — tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, một vài vở kịch — chính vì ông có thể mang lại niềm vui và óc hài hước ông tìm thấy trong lúc khám phá ra những điều kỳ diệu của thế giới thực cho bất cứ chủ đề nào mà ông hướng tới. Thí dụ, giống như Belloc, ông có năng khiếu viết những vần thơ hài hước theo truyền thống lâu đời của Anh được hoàn thiện bởi Lewis Carroll và Edward Clerihew Bentley. Bài thơ “Wine and Water” [Rượu và Nước] là việc bảo vệ có tính Kitô giáo của ông đối với trái cây nho như trái ngược với sự thúc đẩy của Thanh giáo trong Kitô giáo và chủ nghĩa khổ hạnh vô nhân đạo của Những Người Có Tư Duy Cao Hơn [Higher Thinkers] vào thời của ông:

Nôê xưa có một trang trại đà điểu và gà với quy mô lớn nhất,
Ông ăn quả trứng của mình bằng một cái tách ăn trứng to như cái thùng,
Và món súp ông dùng là Súp Voi và con cá ông dùng là Cá voi,
Nhưng tất cả chúng đều nhỏ so với căn hầm mà Ông mang theo khi ra khơi,
Và Nôê, ông thường nói với vợ mình khi ngồi ăn tối,
‘Tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu.’

Bệnh đục thủy tinh thể của vách đá thiên đường rơi xuống làm mù cả bờ vực
Như thể nó sẽ cuốn trôi những vì sao như bọt xà bông chảy xuống bồn rửa,
Bảy tầng trời ầm ầm giáng xuống cho cổ họng địa ngục uống thỏa,
Và Nôê, ông ấy nhướng mắt lên và nói, ‘Tôi nghĩ có vẻ như trời đang mưa,
Nước đã nhấn chìm Matterhorn sâu như mỏ Mendip,
Nhưng tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu.’

Nhưng Nôê đã phạm tội, và chúng ta đã phạm tội; trên đôi chân chếnh choáng, chúng ta bước đi,
Cho đến khi một người kiêng rượu đen to lớn được gửi đến làm cây gậy cho chúng ta,
Và bạn không thể lấy rượu tại P.S.A. hoặc nhà nguyện hoặc Eisteddfod,
Vì Lời Nguyền Rủa Của Nước lại tái xuất hiện vì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa,
Và nước ở trên bàn của Giám mục và điện thờ của Nhà tư tưởng Cấp cao hơn,
Nhưng tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu
.” (45)

Những Người Có Tư Duy Cao Hơn ở đây không chỉ bao gồm những người cuồng tín về sức khỏe mà còn bao gồm những người duy hòa bình, những người chay tịnh, những người duy xã hội, những người duy quốc tế và những nhân vật kỳ quặc khác, những người, ở London thời Chesterton, dường như đã có một sự hiện diện đáng kể. Trong tư cách người giữ mục cho nhật báo—và sau này là chủ bút cho tờ tạp chí của riêng ông, G. K.'s Weekly [Tuần Báo G.K.]—ông không thể không nhận thấy việc đi trệch khỏi “sự lành mạnh” của các truyền thống cổ xưa của người Anh và việc đánh giá cao của Kitô nhân đối với sáng thế của Thiên Chúa của những kẻ lập dị khác nhau này. Điều đó cũng dẫn đến một bài thơ xuất sắc, “The Song of the Strange Ascetic” [Bài ca của nhà khổ hạnh kỳ lạ]:

"Nếu tôi là một người ngoại đạo,
Tôi đã ca ngợi cây nho tím,
Nô lệ của tôi nên đào các vườn nho,
Và tôi sẽ uống rượu.

Nhưng Higgins là một người ngoại đạo,
Và nô lệ của anh ta trở nên gầy gò và xám xịt,
Đến nỗi anh ta có thể uống một ít sữa ấm ấm
Mỗi ngày đúng hai lần
”.

Và cứ thế tiếp tục trong vài khổ thơ trước khi Chesterton chạm tới nhân tố quyết định [clincher]:

Bây giờ ai chạy có thể đọc nó,
Câu đố được tôi viết ra,
Tại sao tội nhân già tội nghiệp này,
Nên phạm tội mà không thích thú—

Nhưng tôi, tôi không thể đọc nó
(Mặc dù tôi chạy, chạy hoài),
Trong số họ không có đức tin,
Và sẽ không có niềm vui đùa
.” (46)

Chesterton cũng có thể viết rất hay theo một phong cách nghiêm túc thông thường hơn, như ông từng nhận xét, “nghiêm túc” không đối lập với vui đùa. Như những bài thơ trên cho thấy, ông có thể khá nghiêm túc và hài hước cùng một lúc. Ông lập luận rằng điều ngược lại với hài hước là “không có ánh mặt trời” [not-Sunny], và một số nhà tư tưởng và nhà văn tự phong mình là “nghiêm túc” còn hài hước hơn ở chỗ họ không nhận ra bản chất tự hủy hoại sự “nghiêm túc” của họ. Những người theo Chesterton một cách tâm huyết có những tác phẩm yêu thích của họ nơi những tác phẩm văn học nghiêm túc hơn: thường là hai bài thơ dài “The Ballad of the White Horse” [Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” (1912) và “Lepanto” (1915). Nhưng những bài thơ này có các nhược điểm của chúng ngay đối với những người hâm mộ nhiệt tình. Không phải là không có sự dí dỏm của những đoạn ngắn hơn, nhưng bài viết cũng không đạt đến mức cao bền vững cần thiết để hầu hết người đọc duy trì sự quan tâm cho đến cuối cùng. Và các chủ đề—chiến tích chống lại người Đan Mạch của Vua Alfred Đại đế trong bài thơ dài đầu tiên và, trong bài thơ thứ hai, trận hải chiến quyết định năm 1571, trong đó một hạm đội Kitô giáo đánh bại hạm đội Hồi giáo tại Lepanto ngoài khơi bờ biển Hy Lạp—mặc dù được xử lý trong những các biểu lộ tầm quan trọng tâm linh của chúng, vẫn có những khoảng thời gian dài khô cằn.

Tolkien và những người khác xử lý với chất liệu cũng anh hùng tương tự một cách chân chính và có giá trị văn học cao hơn. Tuy nhiên, với hai bài thơ này, Chesterton đã đạt được thành công lớn mà các nhà văn khác chỉ có thể mơ ước. Những câu thơ trong “Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” đã được hát một cách thích thú bởi những người lính Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Và khi tờ Thời báo Luân Đôn muốn tiễn chân những người đàn ông đến cuộc xung đột thứ hai với những lời lẽ mạnh mẽ nhưng đầy khích lệ, nó đã bao gồm hai khổ thơ của “Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” vào một bài xã luận và những lời nói của Đức Trinh Nữ Maria gửi cho vua Alfred già vào bài xã luận đó:

Tôi không nói với bạn điều gì để bạn thoải mái,
Đúng thế, không điều gì để bạn mong muốn,
Trừ việc bầu trời thậm chí trở nên tối hơn
Và biển dâng cao hơn.

Đêm sẽ là đêm ba lần đối với bạn,
Và thiên đường là một cái vòm bằng sắt.

Bạn có niềm vui không có nguyên nhân,
Vâng, đức tin không có đức cậy hay không?
” Quyển I, 254-61

Rất ít nhà thơ ở bất cứ thời đại nào có thể được trích dẫn vào thời điểm như vậy với hy vọng nâng cao tinh thần của người dân của họ. Trong thế kỷ XX, chỉ có Chesterton ở Anh và Péguy ở Pháp được vinh dự hiếm có đó.

Ngay trước đoạn văn được trích dẫn ở trên, Đức Trinh Nữ hiện ra và được mô tả ngắn gọn:

Ngài đứng và vuốt ve ngọn cỏ sống cao
Như một người đàn ông vuốt ve chiến mã của mình.

Khuôn mặt ngài như một lời ngỏ
Khi những người đàn ông dũng cảm lên tiếng và lựa chọn,
Màu sắc của chiếc áo khoác của ngài
Tốt hơn là tin vui
.”

Và Đức Maria xuất hiện ở những điểm quan trọng khác trong câu chuyện để nhắc nhở các Kitô hữu rằng họ cần dũng cảm đấu tranh cho đức tin của mình bởi vì đức tin luôn bị tấn công, đôi khi bởi các thế lực man rợ, đôi khi bởi sự man rợ đội lốt văn minh. Vào một khoảnh khắc sâu sắc của trận chiến, Chesterton kết nối cuộc đấu tranh với những gì ông đã xử lý cách khác hẳn trong “The Song of the Strange Ascetic” [Bài ca của người khổ hạnh kỳ lạ]. Alfred tự hát một bài hát kết thúc như sau:

Do đó, kết thúc của bạn là tùy ở bạn,
Là tùy ở bạn và các vị vua của bạn,
Không phải vì lửa ở vùng đầm lầy Ely,
Không phải vì các vị thần của bạn là chín hay mười,
Nhưng bởi vì đó chỉ là những người đàn ông Kitô hữu
Bảo vệ cả những thứ ngoại đạo
.” Quyển III, 367-72

Còn tiếp

 
VietCatholic TV
Giữa Moscow, Cục tác chiến điện tử BQP chìm trong biển lửa. Dàn radar không gian Crimea trúng ATACMS
VietCatholic Media
03:02 25/06/2024


1. Hỏa hoạn hoành hành tại Trung tâm nghiên cứu Mạc Tư Khoa đằng sau công nghệ gây nhiễu tín hiệu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fire Rages at Moscow Research Center Behind Signal-Jamming Tech—Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy lớn đã nhấn chìm một trung tâm nghiên cứu ở Mạc Tư Khoa, nơi phát triển hệ thống vô tuyến điện tử cho Bộ Quốc phòng Nga.

Vụ cháy tại Viện nghiên cứu Platan, nằm ở thị trấn Fryazino thuộc khu vực Mạc Tư Khoa, đã được truyền thông địa phương và một số kênh Telegram của Nga đưa tin, bao gồm cả Mash, kênh này được cho là có liên kết với các cơ quan an ninh của Nga.

“Tầng thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và thứ tám đang bốc cháy,” Mash cho biết hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, khi chia sẻ đoạn video về vụ cháy.

Thống đốc khu vực Mạc Tư Khoa, Andrei Vorobyov, được hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời nói rằng ba tầng của tòa nhà đã chìm trong biển lửa.

Đã xảy ra hàng loạt vụ cháy bí ẩn ở Nga kể từ khi nhà độc tài Vladimir Putin tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết lực lượng cứu hỏa đang giải cứu người dân khỏi những căn phòng đầy khói.

Bộ cho biết: “Các nỗ lực đang tập trung vào việc cứu người và dập tắt đám cháy ở Fryazino”. “Công việc rất phức tạp do nhiệt độ cao và khói dày đặc.”

Theo kênh Baza Telegram, 9 người bị mắc kẹt trong tòa nhà do vụ cháy. Kênh Telegram Warning News đăng tải đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông vẫy tay trong tuyệt vọng cầu cứu lực lượng cấp cứu từ cửa sổ của một tòa nhà đang cháy.

Baza công bố đoạn video cho thấy những đám khói đen khổng lồ nhấn chìm tòa nhà. Nó nói “có thứ gì đó đã phát nổ” ở trung tâm nghiên cứu.

“Tòa nhà hoàn toàn chìm trong khói…khu vực cháy rộng 3.500 m2,” cơ quan này cho biết.

Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa rõ ràng và chưa có thông tin về thương vong được báo cáo tại thời điểm viết bài.

Tài khoản “Jay in Kyiv” trên X viết: “Trong 57 năm, Viện Nghiên cứu Platan bên ngoài Mạc Tư Khoa đã tạo ra công nghệ cho cỗ máy giết người toàn cầu của Nga cho đến tận ngày nay”. Tài khoản này được liên kết với Quỹ bác ái Serhiy Prytula, chuyên giúp đỡ Lực lượng Phòng vệ Ukraine và dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tài khoản đã chia sẻ video về tòa nhà đang cháy.

“Gần Mạc Tư Khoa, Viện nghiên cứu Platan đang bốc cháy. Viện nghiên cứu phát triển thiết bị điện tử, laser bán dẫn, màn hình, v.v. cho Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan khác”, Jason Jay Smart, một chuyên gia về chính trị hậu Xô Viết, viết trên X.

Cơ quan báo chí của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết hơn 100 người và 40 thiết bị hiện đang tham gia dập tắt ngọn lửa.

2. Video từ Crimea cho thấy đám cháy bùng lên khi radar không gian bị tấn công bằng ATACMS

Theo các báo cáo địa phương, Ukraine đã tấn công một trung tâm mạng không gian sâu của Nga ở Crimea bị sáp nhập bằng cách sử dụng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp. Trung tâm này được cho là do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết Lực lượng của Kyiv đã phát động cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, trên khắp Crimea vào tối Chúa Nhật và “tấn công thành công” Trung tâm Liên lạc Không gian Tầm xa của Nga tại làng Vitino ở vùng Saky.

Ông cho biết: “Nhiều khu vực của cơ sở đang bốc cháy”.

Trung tâm này là một trong ba khu phức hợp tạo nên Trung tâm Truyền thông Không gian sâu Yevpatoria của Nga, nơi hỗ trợ các sứ mệnh không gian có người lái và robot. Cơ sở này được cho là trước đó đã bị tấn công vào tháng 12 năm 2023 bằng hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không Storm Shadow do Anh cung cấp.

Các cuộc tấn công vào Crimea đã gia tăng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, khi Kyiv tìm cách giành lại bán đảo Hắc Hải. Khu vực này đã bị Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine thường xuyên tấn công các căn cứ quân sự của Nga với lý do đây là mục tiêu hợp pháp trong cuộc chiến đang diễn ra.

Kênh Telegram có trụ sở tại Crimea tên là Crimea Wind đã công bố các hình ảnh vệ tinh, cho biết họ xác nhận các vụ cháy ở Vitino và gần trung tâm mạng không gian sâu của Nga.

“Vệ tinh ghi nhận hai vụ cháy gần tổ hợp đo lường và chỉ huy biệt lập số 40 của Nga - Trung tâm Liên lạc Không gian Tầm xa, NIP-16, đơn vị quân đội 81415”, kênh này cho biết.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những đám cháy lớn, được cho là ở Crimea, sau các cuộc tấn công.

Chính quyền Nga chưa bình luận về các cuộc tấn công được báo cáo.

Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào thành phố cảng Sevastopol ở Crimea bằng cách sử dụng ATACMS tầm ngắn được trang bị bom chùm vào hôm Chúa Nhật, gây thương vong cho dân thường.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, lưu ý trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm Chúa Nhật rằng các blogger quân sự Nga đã chỉ trích rộng rãi Bộ Quốc phòng Nga và các quan chức do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm ở Crimea vì hành vi vi phạm pháp luật khi không ngăn chặn được các cuộc tấn công và bảo vệ thường dân Nga.

Viện nghiên cứu cho biết Nga “có thể cố tình bố trí các mục tiêu quân sự hợp pháp gần các khu vực dân sự ở Crimea trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine”.

ISW cho biết: “Nga có thể đang vi phạm các quy định của chính mình về việc áp dụng Luật Nhân đạo Quốc tế, trong đó quy định rằng 'bộ chỉ huy quân sự phải tránh triển khai các mục tiêu quân sự ở các khu vực đông dân cư hoặc các vùng lân cận'“.

3. Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ máy bay điều khiển từ xa Shahed của Nga bị phá hủy trong cuộc không kích

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Satellite Photos Show Russian Shahed Drone Base Destroyed in Airstrike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các hình ảnh vệ tinh được công bố sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Krasnodar Krai phía nam nước Nga cho thấy thiệt hại tại căn cứ máy bay điều khiển từ xa kamikaze Shahed của Nga.

Các bức ảnh đề ngày 11 tháng 4 và ngày 22 tháng 6 là của công ty hình ảnh toàn cầu Planet Labs có trụ sở tại California và được nhà phân tích tình báo nguồn mở Brady Africk lấy được, người đã chia sẻ chúng trên X, vào hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu.

Africk công bố những hình ảnh sau khi người ta nghe thấy tiếng nổ ở thành phố Yeysk ở Krasnodar của Nga, với các báo cáo nổi lên rằng một căn cứ không quân quân sự đã bị tấn công vào ngày 21 tháng 6. Hình ảnh ngày 22 tháng 6 cho thấy ít nhất một tòa nhà bị phá hủy.

Ukraine thường xuyên tấn công các căn cứ quân sự của Nga, cho rằng đây là mục tiêu hợp pháp trong cuộc chiến đang diễn ra giữa hai nước bắt đầu từ tháng 2 năm 2022 sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện.

Africk viết hôm Chúa Nhật, 23 Tháng Sáu : “Hậu quả của cuộc tấn công của Ukraine vào trung tâm huấn luyện phòng không gần căn cứ không quân Yeysk ở Nga có thể nhìn thấy rõ trong hình ảnh vệ tinh mới”. “Địa điểm này cách tiền tuyến ở Ukraine hơn 130 km.”

Những hình ảnh này cũng được Hải quân Ukraine chia sẻ hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu. Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết những bức ảnh cho thấy sự phá hủy của một nhà kho được quân đội Nga sử dụng để phóng các máy bay điều khiển từ xa Shahed do Iran thiết kế - là loại máy bay mà Mạc Tư Khoa sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến ở Ukraine.

Hải quân Ukraine cho biết họ đã hợp tác với Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, để phá hủy cơ sở này.

Ông nói: “Các hình ảnh vệ tinh mới xác nhận sự phá hủy vào đêm 21 tháng 6 đối với cơ sở lưu trữ và chuẩn bị máy bay điều khiển từ xa Shahed-136/Geranium-2, tòa nhà huấn luyện, điểm kiểm soát và liên lạc của các máy bay điều khiển từ xa này nằm ở Krasnodar Krai”.

Ông cho biết cuộc tấn công đã giết chết những người hướng dẫn đang huấn luyện lực lượng Nga phóng máy bay điều khiển từ xa, cũng như các học viên học cách vận hành chúng để tấn công lãnh thổ Ukraine.

“Lực lượng Hải quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cùng với các đối tác của Lực lượng Phòng vệ, tiếp tục tiêu diệt đối phương trên bộ, trên biển và trên không!”

Vào tháng 12, Ukraine cho biết Nga đã phóng hơn 3.700 máy bay điều khiển từ xa Shahed vào Ukraine trong 22 tháng trước đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga có ý định “làm kiệt sức” đất nước của ông bằng các cuộc tấn công sử dụng máy bay điều khiển từ xa. Nga lần đầu tiên được cho là đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa vào ngày 13 tháng 9 năm 2022 và đã triển khai chúng để tấn công thủ đô Kyiv của Ukraine cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.

4. Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu công bố đợt trừng phạt thứ 14 đối với Nga

Hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu thông báo đã áp dụng vòng trừng phạt thứ 14 đối với Nga, nhằm giải quyết tình trạng lách luật các biện pháp hiện có và hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ ngành năng lượng của Nga.

Bất chấp 13 đợt trừng phạt trước đó từ Liên Hiệp Âu Châu và các biện pháp bổ sung từ Mỹ và các đồng minh khác, nền kinh tế Nga vẫn kiên cường một cách bất ngờ. Một cuộc khảo sát do công ty thăm dò độc lập của Nga, Trung tâm Levada thực hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy chỉ 11% số người được hỏi nói rằng các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến cá nhân họ hoặc gia đình họ.

Gói mới bổ sung 116 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt, đồng thời bổ sung một số biện pháp bổ sung, bao gồm cấm bất kỳ cơ sở nào của Liên Hiệp Âu Châu tham gia vào việc trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, của Nga sang bất kỳ quốc gia bên thứ ba nào.

Nó cũng cấm mọi khoản đầu tư hoặc cung cấp hàng hóa mới cho các dự án LNG của Nga, như LNG 2 Bắc Cực và Murmansk LNG.

Gói mới cấm sử dụng “Hệ thống chuyển tin nhắn tài chính”, gọi tắt là SPFS, một công cụ được Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng để giúp chống lại các lệnh trừng phạt hiện có.

Để chống lại ảnh hưởng chính trị và xã hội xấu từ Nga, biện pháp này cấm bất kỳ đảng phái chính trị, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư vấn hoặc cơ quan truyền thông nào nhận tài trợ từ Nga và các tổ chức được nước này ủy quyền.

Gói này cũng áp dụng các biện pháp nhắm vào các tàu tham gia vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau của Nga, cũng như hơn 60 công ty hỗ trợ trực tiếp cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

“Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đã làm suy yếu đáng kể nền kinh tế Nga và ngăn cản Putin hoàn thành kế hoạch tiêu diệt Ukraine, và tiếp tục các hành động gây hấn bất hợp pháp nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự “.

“Gói trừng phạt thứ 14 thể hiện sự thống nhất của chúng tôi trong việc hỗ trợ Ukraine và tìm cách hạn chế các hoạt động tội phạm của Nga đối với người Ukraine, bao gồm cả nỗ lực lách các biện pháp của Liên Hiệp Âu Châu.

5. Putin im lặng khi Nga hứng chịu hàng loạt 'tấn công khủng bố'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Silent as Russia Hit by Spate of 'Terror Attacks'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chiều Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, Điện Cẩm Linh cho biết Putin chưa có kế hoạch bình luận về “các cuộc tấn công khủng bố” ở miền nam nước Nga và tại thành phố Sevastopol bị tạm chiếm ở Crimea.

Ủy ban điều tra của Nga đã công bố đoạn phim về những gì họ nói cho thấy cuộc điều tra về vụ tấn công hôm Chúa Nhật tại nước cộng hòa Dagestan có đa số người Hồi giáo, trong đó ít nhất 20 người đã thiệt mạng bao gồm 15 cảnh sát viên, một linh mục và 4 dân thường. Các tay súng với vũ khí tự động đã xông vào một nhà thờ Chính thống giáo và một giáo đường Do Thái ở thành phố ven biển Derbent vào chiều Chúa Nhật, 23 Tháng Sáu, giết chết một linh mục Chính thống giáo Nga. Khoảng 80 dặm về phía bắc, những kẻ tấn công đã bắn vào một đồn cảnh sát giao thông và tấn công một nhà thờ ở thủ đô Makhachkala của nước cộng hòa.

Phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov đã được hỏi về phản ứng của nhà lãnh đạo Nga trước vụ tấn công, cũng như tuyên bố của Nga rằng 5 người đã thiệt mạng do các mảnh vỡ rơi xuống khi 5 hỏa tiễn Ukraine bị bắn hạ ở thành phố Sevastopol của Crimea hôm Chúa Nhật. Peskov cho biết Putin chưa có kế hoạch bình luận về các vụ việc này.

Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công ở Crimea và nói rằng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp đã được sử dụng. Hãng thông tấn nhà nước dẫn lời Peskov nói rằng Putin “không có kế hoạch đưa ra bất kỳ diễn văn đặc biệt nào về các cuộc tấn công khủng bố ở Sevastopol và Dagestan.”

Các nhà điều tra Nga cho biết 15 sĩ quan cảnh sát, một linh mục và 4 thường dân đã thiệt mạng ở Dagestan, cũng như ít nhất 5 kẻ tấn công trong các vụ việc hôm Chúa Nhật mà hiện chưa có bên nào tuyên bố nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, cuộc tấn công vào các nơi thờ phượng của Kitô Hữu và người Do Thái làm dấy lên lo ngại Nga có thể phải đối mặt với mối đe dọa phiến quân Hồi giáo mới. Chỉ ba tháng trước, 145 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương tại phòng hòa nhạc Crocus ở Mạc Tư Khoa, trong một vụ tấn công mà Nhà nước Hồi giáo Khorasan đã tuyên bố chịu trách nhiệm.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết Wilayat Kavkaz, chi nhánh Bắc Caucasus của Nhà nước Hồi giáo, có thể chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật. Giống như các vụ tấn công hồi tháng 3, các quan chức Nga không đổ lỗi cho các nhóm chiến binh Hồi giáo có nhiều khả năng đứng sau vụ tấn công mà chỉ đổ lỗi cho phương Tây.

Markus Korhonen, cộng sự cao cấp của S-RM, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị và mạng, cho biết: “Bằng cách dựa vào câu chuyện này, chính quyền Nga đang tìm cách chuyển hướng mối lo ngại của công chúng rằng lực lượng an ninh chưa làm đủ để chống lại mối đe dọa Hồi giáo”.

Korhonen nói với Newsweek: “Thay vào đó, việc đổ lỗi cho những đối phương chính ở Ukraine và phương Tây cho phép Nga duy trì đường lối nhất quán trong việc coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến sinh tồn”. Ông nói: “Hai vụ tấn công khủng bố lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn đã làm nổi bật những thất bại về an ninh nội bộ của Nga”. “Những thất bại về mặt tình báo đằng sau các cuộc tấn công chắc chắn sẽ gây bối rối.

“Khi chỉ ra Ukraine chứ không phải thủ phạm thực sự, chế độ của Putin có thể cho rằng họ đang hướng nỗ lực của mình để bảo đảm an ninh ở đúng nơi, ít nhất là vào lúc này.”

Nhà phân tích an ninh Bắc Caucasus Harold Chambers nói với Newsweek rằng mối liên hệ của Wilayat Kavkaz với các cuộc tấn công vẫn chưa được biết đến, nhưng sự hợp tác giữa họ và quân khủng bố Hồi Giáo IS Khorasan đã ngày càng chặt chẽ hơn. “Mối quan hệ thực tế có vẻ linh hoạt và chưa được thiết lập tốt.”

Tuy nhiên, rất khó để biết liệu các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật có phải là một phần của cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Putin hay không, Chambers nói.

“Hoạt động quân sự ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước cộng hòa Bắc Caucasus, nhưng hoạt động này vẫn ở mức độ thấp và không rõ hoạt động này có quy mô cũng như khả năng duy trì như thế nào”.

Ông nói thêm: “Tính đến thời điểm hiện tại, các nhóm chiến binh không tồn tại được lâu và các thành viên của chúng bị tiêu diệt ngay trong ngày xảy ra cuộc tấn công đầu tiên trong tất cả trừ ra hai trường hợp”.

6. Nga cáo buộc Ukraine dùng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia claims Ukraine used US-provided weapons to strike Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm vào hôm Chúa Nhật 23 Tháng Sáu, được cho là đã khiến 4 người thiệt mạng và 151 người bị thương.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố 5 hỏa tiễn được phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp đã được sử dụng trong cuộc tấn công, 4 trong số đó đã bị đánh chặn và quả thứ năm phát nổ giữa không trung dẫn đến “nhiều thương vong cho dân thường ở Sevastopol”.

Các kênh Telegram của Nga đã đăng tải hình ảnh và video về vụ tấn công, đồng thời đưa tin nhiều người bị thương trên bãi biển Uchkuevka, một thị trấn ở phía bắc Sevastopol.

“Tất cả các nhiệm vụ tấn công của hỏa tiễn tác chiến-chiến thuật ATACMS của Mỹ đều do các chuyên gia Mỹ thực hiện dựa trên dữ liệu tình báo vệ tinh của chính họ”, Konashenkov nói.

“ Vì vậy, trách nhiệm về vụ tấn công hỏa tiễn có chủ ý nhằm vào dân thường ở Sevastopol chủ yếu thuộc về Washington, nước đã cung cấp những vũ khí này cho Ukraine, cũng như chế độ Kiev /ki-ép/, nơi phát động cuộc tấn công này.” Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv như chính người Ukraine và các nước phương Tây gọi.

“Những hành động như vậy cần phải được đáp lại.”

Các lực lượng Nga thường xuyên tấn công các thị trấn và thành phố của Ukraine bằng hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn đạn đạo và máy bay điều khiển từ xa, giết chết và làm bị thương dân thường cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng.

Quân đội Ukraine báo cáo về một số cuộc tấn công nhằm vào bán đảo Crimea trong những tuần gần đây, được cho là đã tấn công thành công các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga.

Lực lượng Ukraine được cho là đã phá hủy 2 radar của hệ thống phòng không S-300 và S-400 gần phi trường quân sự Belbek và Sevastopol trong đêm 12 Tháng Sáu.

Ngày 10 Tháng Sáu, Kyiv cũng tuyên bố đã tấn công thành công hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 và S-300 tại một số khu vực ở Crimea bị tạm chiếm.

Federico Borsari, một thành viên Leonardo tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu (CEPA), nói với Kyiv Independent vào ngày 12 tháng 6 rằng chuỗi các cuộc tấn công gần đây của Ukraine nhằm vào Crimea bị tạm chiếm có thể giúp làm suy giảm hệ thống phòng không của Nga trong khu vực và giảm mối đe dọa đối với Ukraine. hàng không chiến thuật.

Borsari cho biết: “Mục tiêu là loại bỏ khả năng phòng không của Nga ở Crimea trước khi các chiến đấu cơ phương Tây xuất hiện, đặc biệt là F-16”.

7. Duda đến Trung Quốc để thảo luận về thương mại, an ninh ở Âu Châu

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Duda arrives in China to discuss trade, security in Europe”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết ông đã đến Bắc Kinh vào ngày 22 Tháng Sáu trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước.

Trong chuyến đi tới Trung Quốc, Duda cho biết ông muốn thảo luận về hai vấn đề quan trọng, bao gồm các hiệp định thương mại giữa Ba Lan và Trung Quốc, cũng như tình hình an ninh ở Âu Châu.

“Thành phần chính trị sẽ rất quan trọng. Chúng tôi có một cuộc chiến ở Ukraine, cũng như một cuộc tấn công hỗn hợp của Belarus vào biên giới Ba Lan, nơi chính quyền Belarus đã đẩy những người di cư chống lại chúng tôi trong ba năm, buộc họ phải cố gắng vượt biên bất hợp pháp”, Duda nói

Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Duda đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường, cũng như tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới ở Đại Liên và Diễn đàn kinh tế Ba Lan-Trung Quốc ở Thượng Hải.

Trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, Nga đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia vẫn là huyết mạch kinh tế quan trọng của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế và là nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng hàng đầu cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Nhà độc tài Nga Vladimir Putin đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 5, nhằm tìm cách khẳng định tình hữu nghị và sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra của Mạc Tư Khoa chống lại Ukraine và áp lực kinh tế từ phương Tây.

8. Những kẻ phá hoại Nga có khả năng đứng sau vụ tấn công đốt phá nhà máy Đức

Những kẻ phá hoại Nga bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công đốt phá một nhà máy ở Berlin thuộc sở hữu của nhà sản xuất kim loại Diehl của Đức, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, dẫn lời các quan chức an ninh Đức.

Nhà máy Diehl Metal Application, một công ty con của tập đoàn Diehl chuyên sản xuất hệ thống phòng không IRIS-T được Ukraine sử dụng, đã bốc cháy vào tháng 5, khiến phần lớn tòa nhà bị phá hủy.

Vào thời điểm đó, các bài đăng trên mạng xã hội được lan truyền rộng rãi cáo buộc rằng các đặc vụ Nga đã tấn công một nhà máy sản xuất vật liệu quốc phòng, và tin tức Nga cho rằng nhà máy sản xuất hệ thống IRIS-T đã bị thiêu rụi.

Các nhà điều tra Đức ban đầu cho rằng vụ cháy có thể là do tai nạn và các công ty bảo hiểm của Diehl đã đưa ra báo cáo vào ngày 21 Tháng Sáu nói rằng đó là kết quả của sự việc kỹ thuật. Đồng thời, phát ngôn nhân của công ty thừa nhận rằng vụ cháy có thể là do “phá hoại”.

Các quan chức an ninh giấu tên nói với Wall Street Journal rằng một số chi tiết được tiết lộ trong cuộc điều tra sau đó cho thấy có sự tham gia của Nga và là công việc trực tiếp của “các chuyên gia giàu kinh nghiệm”.

Hai quan chức Đức nói rằng “các hoạt động chặn liên lạc điện tử cung cấp bằng chứng về sự liên quan của Nga không được chấp nhận tại các tòa án Đức, ngăn cản chính quyền quy kết rõ ràng về vụ tấn công và theo đuổi cáo buộc hình sự”.

Các quan chức tình báo phương Tây đã cảnh báo về việc gia tăng các hoạt động phá hoại của Nga trên khắp Âu Châu.

Một số nghi phạm đã bị bắt trong những tháng gần đây ở Đức, Áo, Estonia và các quốc gia khác vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga hoặc các hình thức hợp tác khác với tình báo Nga.

9. Cảnh sát Na Uy bắt giữ nghi phạm sát hại người tị nạn Ukraine

Cuối tuần trước, chính quyền Na Uy đã bắt giữ một người đàn ông bị buộc tội sát hại một người tị nạn Ukraine 20 tuổi ở Karmoy, tây nam Na Uy.

Người tị nạn Ukraine bị tàn tật một phần và phải ngồi xe lăn đã bị đâm chết vào ngày 14 Tháng Sáu.

Nghi phạm là người Na Uy và là hàng xóm của nạn nhân, đang bị giam giữ nhưng chưa giải thích hành động của mình.

Công tố viên Siri Ann Flindall lưu ý rằng cả hai đều sống trong khu nhà ở của thành phố dành cho những người cần được chăm sóc thêm hoặc điều trị chứng nghiện.

Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, một số vụ giết người và tấn công người Ukraine ở nước ngoài đã được ghi nhận.

Trong số những trường hợp gần đây nhất có một cậu bé 15 tuổi người Ukraine phải vào bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng sau khi bị đâm ở thành phố Dortmund của Đức hôm 19 Tháng Năm, tờ Bild đưa tin ngày 20 Tháng Năm.

Một trường hợp khác gần đây là vụ tấn công bằng dao vào một phụ nữ Ukraine 41 tuổi bởi một thanh niên 19 tuổi ở thành phố Frankfurt am Main của Đức vào ngày 10 tháng 6, Bild cho biết vào ngày 11 tháng 6. Người phụ nữ được cho là đã vào bệnh viện và kẻ tấn công đã bị giam giữ.

10. SBU bắt giữ 'nội gián' cho người Nga, cáo buộc anh ta tiết lộ thông tin biên giới nhạy cảm của Belarus

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 24 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine, gọi tắt là SBU, Artem Dekhtiarenko, cho biết cơ quan này đã bắt giữ một “nội gián” làm gián điệp cho Nga, người đã chuyển thông tin về các vị trí quân đội Ukraine và hệ thống phòng thủ ở biên giới với Belarus.

Dekhtiarenko cho biết: “Theo chỉ thị của quân xâm lược Nga, 'tên nội gián' đã xác định vị trí của các khu vực kiên cố và số lượng quân đội Ukraine đang bảo vệ biên giới với Belarus”.

“Hắn ta cũng cố gắng truyền tọa độ của các kho chứa vũ khí và đạn dược của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong khu vực.”

SBU cho biết người đàn ông này đã được hứa sẽ được người Nga “bốc” đến lãnh thổ bị Nga tạm chiếm để đổi lấy việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Cơ quan này cũng cho biết anh ta đã được tuyển dụng trực tuyến bởi Oleksiy Dobrytskyi của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, người đang đóng quân tại khu vực bị Nga tạm chiếm ở tỉnh Luhansk của Ukraine.

Người được cho là điệp viên Nga hiện đang bị giam giữ với cáo buộc phản quốc theo thiết quân luật và phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án.

SBU đã bắt giữ một số người Ukraine bị cáo buộc cộng tác với lực lượng Nga.

Gần đây nhất, vào ngày 19 Tháng Sáu, một cộng tác viên người Nga do thám các vị trí của Ukraine gần Bakhmut vào mùa xuân năm 2023 đã bị kết án 15 năm tù.

Theo SBU, người đàn ông chưa được nêu tên đã cung cấp vị trí địa lý của các vị trí Ukraine cho các đặc vụ Nga, những người sau đó sử dụng thông tin tình báo để lên kế hoạch cho các hoạt động liên quan đến bom trên không, pháo binh và các cuộc tấn công bộ binh.

Người đàn ông Ukraine, cư dân Kostyantynivka ở tỉnh Donetsk, bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2023 khi anh ta đang tích cực tiến hành trinh sát gần một cơ sở quân sự.

Người đàn ông này ban đầu được tuyển dụng bởi một nhân viên của cơ quan tình báo Nga và hứa trả lương.

Anh ta thường xuyên liên lạc với các đặc vụ Nga bằng tài khoản ẩn danh thông qua ứng dụng nhắn tin. Theo SBU, các cuộc trò chuyện bằng văn bản thường xuyên bị người đàn ông xóa để tránh bị phát hiện.
 
Công lý nhãn tiền: Shoigu và Gerasimov bị truy nã. Tài phiệt làm lá chắn hạt nhân cho Putin bị bắt
VietCatholic Media
16:15 25/06/2024


1. Các nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh, bị truy nã

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Leaders Accused of War Crimes, Arrest Warrants Issued”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Các cáo buộc của tòa án đối với Shoigu và Gerasimov bao gồm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại, đặc biệt trích dẫn những hành động vô nhân đạo của họ. Các thẩm phán ra lệnh bắt giữ cho biết đã có bằng chứng đáng kể cho thấy các nghi phạm “cố ý gây ra đau khổ lớn lao, thương tích nghiêm trọng về thể xác, sức khỏe thể chất và tinh thần” cho thường dân Ukraine.

ICC nêu chi tiết rằng các lệnh bắt giữ được ban hành hôm thứ Ba dựa trên cơ sở hợp lý để tin rằng những người này phải chịu trách nhiệm về “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn do lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine” từ ngày 10 tháng 10 năm 2022 đến ít nhất là ngày 9 tháng 3, 2023. Trong giai đoạn này, quân đội Nga bị cáo buộc đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các nhà máy điện và trạm biến áp trên khắp Ukraine, dẫn đến thương vong dân sự trên quy mô lớn và thiệt hại cơ sở hạ tầng.

Đây là trường hợp thứ ba mà tòa án toàn cầu ra lệnh truy nã các lãnh đạo cao cấp của Nga vì liên quan đến các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine.

Dưới sự lãnh đạo của Shoigu và Gerasimov, quân đội Nga đã bị cáo buộc tiến hành làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào Ukraine, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của quốc gia. Mạc Tư Khoa liên tục tuyên bố mục tiêu của họ là các cơ sở quân sự, nhưng trên thực tế thường xuyên có thương vong về dân sự. ICC nhấn mạnh rằng có các bằng chứng xác đáng để tin rằng các cuộc tấn công hỏa tiễn được nhắm một cách cố ý vào các địa điểm dân sự.

Mặc dù Nga không phải là thành viên của ICC, không công nhận quyền tài phán của tòa án quốc tế và từ chối giao nộp nghi phạm; nhưng lệnh truy nã này sẽ bám chặt hai con người này đến suốt đời.

Trước đó, ICC đã ban hành lệnh truy nã Putin, cáo buộc ông ta phải chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine.

Vào tháng 3 năm nay, tòa án cũng đã ban hành lệnh bắt giữ hai sĩ quan quân đội cao cấp của Nga với cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, được coi là một phần của chính sách nhà nước.

Shoigu, 69 tuổi, được coi là nhân vật then chốt trong quyết định của Putin tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Cuộc xâm lược, ban đầu được cho là sẽ nhanh chóng khuất phục Ukraine, thay vào đó đã thúc đẩy một lực lượng phòng thủ vững chắc của Ukraine, giáng những đòn đáng kể vào lực lượng Nga.

Putin thay thế Shoigu trong cương vị bộ trưởng quốc phòng vào tháng 5. Cấp phó của ông, Timur Ivanov, và các quan chức cao cấp khác đã bị bắt vì tội tham nhũng, và một số quan chức của Bộ Quốc phòng đã bị cách chức. Shoigu vẫn giữ chức vụ nổi bật là thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Gerasimov, 68 tuổi, người giữ chức tổng tham mưu trưởng từ năm 2012, tiếp tục giám sát các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, duy trì chức vụ của mình trong bối cảnh hỗn loạn và tổn thất nhân mạng của sĩ quan và binh lính Nga tiếp tục tăng cao một cách đáng kinh ngạc.

2. Putin thay thế nhà lãnh đạo cơ quan tình báo đằng sau quyết định xâm lược Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Replaces Head of Spy Agency Behind Decision to Invade Ukraine—Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Putin được tường trình đã thay thế một quan chức trong Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, là người đã đặt nền móng cho cuộc xâm lược toàn diện của đất nước ông vào nước láng giềng Ukraine.

Sergei Beseda, nhà lãnh đạo Cục 5 của FSB, đã được thay thế bởi Alexei Komkov, người trước đây giữ chức phó giám đốc cơ quan tình báo, trang web tin tức điều tra của Nga “Những câu chuyện quan trọng” cho biết hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu.

Putin được cho là đã dựa vào thông tin tình báo từ Cục 5 của FSB để quyết định tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Cục 5 của FSB chủ yếu chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về tình hình chính trị của Ukraine, thu thập thông tin tình báo bên trong Nga và về các nước thành viên cũ của Liên Xô.

Beseda được cho là đã bị quản thúc tại gia vào năm 2022 — vài ngày sau khi chiến tranh bắt đầu — sau khi Putin nổi giận khi nhận ra rằng tình hình không giống như Beseda mô tả. Khôi hài đến mức Beseda báo cáo rằng các sĩ quan và binh lính Nga chắc chắn sẽ được người Ukraine mang hoa, muối và bánh mì ra chào đón như một đoàn quân giải phóng. Putin đã tin tưởng vào điều đó đến mức gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” sẽ kết thúc chóng vánh.

Putin tính toán rằng ông ta sẽ chiếm được Kyiv trong vòng ba ngày và sẽ chiếm được toàn cõi Ukraine trong 7 ngày. Thành ra, nhà độc tài không bổ nhiệm bất cứ ai làm Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Thâm ý là Putin không muốn chia sẻ vinh quang với bất cứ ai khác, để một mình hưởng hết hào quang chiến thắng.

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2022, khi thấy không dễ ăn, Putin mới bổ nhiệm Tướng Alexander Dvornikov làm Tổng tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine phụ trách hoàn toàn các hoạt động quân sự trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ngày 25 tháng 6, 2022, Tướng Alexander Dvornikov bị thay thế bởi Thượng Tướng Gennady Zhidko. Ngày 8 tháng 10, 2022, Thượng Tướng Gennady Zhidko lại bị thay thế bởi Đại Tướng đầu trọc Sergey Surovikin. Ngày 11 Tháng Giêng, đến lượt Sergey Surovikin bị thay thế bởi Valery Gerasimov, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nga.

Andrei Soldatov, một chuyên gia hàng đầu về cơ quan an ninh đất nước, cho biết vào thời điểm đó rằng FSB đã cố gắng hạ thấp vụ bắt giữ Beseda, “trình bày đây chỉ là một cuộc thẩm vấn vị tướng đầy quyền lực”.

“Nhưng bây giờ tôi đã biết được từ các nguồn tin của mình rằng 'việc thẩm vấn đơn thuần' này đã không cứu Beseda khỏi bị giam trong nhà tù Lefortovo,” ông viết trong một bài xã luận cho cơ quan truyền thông độc lập của Nga The Moscow Times.

Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập với Putin nhận định rằng việc thanh trừng Beseda của Putin diễn ra trong bối cảnh cuộc xâm lược đang bị khựng lại có thể cho thấy Putin đang hối hận vì quyết định xâm lược Ukraine. “Câu chuyện người Ukraine mang hoa, muối và bánh mì ra chào đón lính Nga như một đoàn quân giải phóng quả là khôi hài, nhưng những thằng tin vào câu chuyện khôi hài đó còn khôi hài hơn thế nữa,” ông nói.

Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

3. Những cuộc tấn công trên lá chắn hạt nhân của Putin dẫn đến việc bắt giữ triệu phú Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Cracks in Putin's Nuclear Shield Lead to Arrest of Russian Millionaire”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một triệu phú người Nga chịu trách nhiệm về lá chắn hạt nhân của đất nước đang bị xét xử tại tòa án ở Mạc Tư Khoa sau một loạt các vụ tấn công rất thành công của Urkaine.

Evgeny Novitsky, người sáng lập và cựu chủ tịch tập đoàn AFK Sistema có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, đồng thời là chủ tịch hiện tại của RTI Systems, một nhà thầu quốc phòng chủ yếu phục vụ Bộ Quốc phòng Nga, phải đối mặt với cáo buộc gian lận.

Tuy nhiên, việc bắt giữ ông đã làm dấy lên nghi ngờ rằng trên thực tế, Nga có thể đang trừng phạt những người mà Putin tìm cách đổ lỗi cho những thiếu sót trong hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của nước này.

Theo hãng truyền thông độc lập của Nga Agentstvo trên Telegram, Novitsky đã bị Lực lượng An ninh Nga bắt giữ hôm thứ Năm 20 Tháng Sáu, mặc dù lý do bắt giữ ông vẫn chưa rõ ràng.

Theo trang tin nhà nước Tass, Novitsky đang bị giam giữ vì nghi ngờ lừa đảo, cụ thể là vi phạm Điều 159 của bộ luật hình sự Nga liên quan đến gian lận quy mô lớn. Nếu bị kết tội, Tass tuyên bố Novitsky có thể phải đối mặt với án tù 10 năm. Interfax cũng đưa tin tương tự rằng tội phạm bị cáo buộc của Novitsky có tính chất kinh tế.

Tuy nhiên, tài khoản Telegram của Baza, một hãng tin có nguồn tin bên trong cơ quan thực thi pháp luật Nga, nói rằng vụ bắt giữ Novitsky liên quan đến các hoạt động của ông với tư cách là lãnh đạo của RTI Systems.

Cheka-OGPU, một kênh Telegram nổi tiếng với việc tìm ra thông tin rò rỉ từ các cơ quan an ninh Nga, cho biết: “Việc bắt giữ Yevgeny Novitsky trùng hợp với một số cuộc điều tra về hành vi biển thủ công quỹ của Bộ Quốc phòng, được giao cho hội đồng quản trị trong đó đã có Novitsky từ lâu.”

“Đặc biệt, một cuộc điều tra đang được tiến hành về hành vi tham ô thông qua việc tạo ra các tổ hợp phần cứng và máy tính cho các trạm mặt đất của hệ thống cảnh báo sớm Voronezh. Novitsky đã giám sát quá trình sản xuất của họ tại AFK trong một thời gian dài.”

RTI Systems và AFK phát triển và sản xuất các radar tầm xa cho các trạm Voronezh của hệ thống cảnh báo tấn công hỏa tiễn của Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 200 dặm hay 322 km.

Putin trước đây coi radar Voronezh là trung tâm của hệ thống cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo của đất nước, thậm chí còn trao cho nhà thiết kế Hệ thống RTI Giải thưởng Nhà nước của Liên bang Nga.

Vào đầu tháng 6, Vladimir Putin thậm chí còn sử dụng niềm tin của mình vào hệ thống phòng thủ hỏa tiễn như một mối đe dọa ngầm đối với người Âu Châu.

Putin nói với khán giả tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg: “Nếu xảy ra một số cuộc tấn công, thì mọi người nên hiểu rằng Nga có hệ thống SRPN – tức là hệ thống cảnh báo tấn công hỏa tiễn”. “Hoa Kỳ cũng có nó. Không nơi nào trên thế giới có hệ thống phát triển như vậy. Không có hệ thống phát triển ở Âu Châu. Theo nghĩa này, họ ít nhiều không có khả năng tự vệ”

Tuy nhiên, hệ thống này đã được chứng minh là dễ bị tấn công bởi Ukraine trong những tuần gần đây.

Vào cuối tháng 5, truyền thông Ukraine đưa tin một máy bay điều khiển từ xa đã tấn công hệ thống radar Voronezh ở thành phố Orsk của Nga. Đầu tháng này, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một trạm radar tương tự ở khu vực phía tây nam Krasnodar.

Theo Kênh Telegram của Cheka-OGPU, trong khi vụ bắt giữ Novitsky được cho là do tòa án Nga đang giải quyết một trường hợp gian lận nghiêm trọng, thì nó được xem chính xác hơn là biểu hiện sự không hài lòng với các trạm radar của RTI.

Bài đăng trên Telegram viết: “Chính quyền Nga đã đặt ra lộ trình bỏ tù tất cả những người có liên quan đến một số thành phần nhất định của hệ thống phòng không hiện tại”.

Nó cũng tuyên bố rằng Vladimir Shukshin, người giám sát các hoạt động liên quan đến quốc phòng tại công ty khác của Novitsky, AFK Sistema, được báo cáo là mất tích.

4. Cục tác chiến điện tử Bộ Quốc Phòng Nga bốc cháy, ít nhất 8 người thiệt mạng vì bị kẹt trong tòa nhà

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, cho biết một tòa nhà 9 tầng đã bốc cháy ở quận Fryazino của Mạc Tư Khoa, làm ít nhất 8 người thiệt mạng.

Fryazino nằm cách trung tâm Thủ đô Mạc Tư Khoa 25 km về phía đông bắc.

Thống đốc tỉnh Mạc Tư Khoa Andrey Vorobyov cho biết tòa nhà hành chính của Viện nghiên cứu Platan, nơi sản xuất các thiết bị điện tử cho các hỏa tiễn tác chiến điện tử, đã bốc cháy vào khoảng 15h30 chiều giờ địa phương.

Ngọn lửa bao trùm diện tích 5.000 mét vuông và được dập tắt vào khoảng 22h giờ địa phương sau gần 7 giờ chiến đấu với ngọn lửa. Một phần cấu trúc của tòa nhà bị sập do hỏa hoạn. Do ngọn lửa xuất phát từ tầng 5 và cháy ngược trở lên đến tầng trên cùng nên nhiều người không thể thoát hiểm.

Các dịch vụ khẩn cấp nói với RIA Novosti rằng vụ cháy có thể xảy ra do trục trặc trong thiết bị điện.

Các hoạt động tìm kiếm và cấp cứu đang tiếp tục.

Chính quyền địa phương vẫn chưa tiết lộ con số nạn nhân cuối cùng trong vụ cháy.

5. Bản đồ chiến tranh tiết lộ tất cả các căn cứ quân sự của Nga trong phạm vi tấn công ATACMS

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “War Map Reveals All Russian Military Bases Within ATACMS Strike Range”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một bản đồ đã chỉ ra các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine mà Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của quân đội có thể tấn công với sự cho phép của Mỹ.

Hỏa tiễn ATACMS là hỏa tiễn tầm xa mà Ukraine đã sử dụng trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào nước này, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Vào ngày 22 tháng 6, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, đã đưa ra đánh giá cho thấy Ukraine có thể tấn công khoảng 16% các kho thiết bị và đạn dược của Nga nếu nước này được phép sử dụng hỏa tiễn trong một phạm vi nhất định.

Kyiv lần đầu tiên sử dụng hỏa tiễn này vào tháng 10 để tấn công hai căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine, làm hư hại 31 máy bay trực thăng. Chúng cũng đã được quân đội Kyiv sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ tranh chấp, bao gồm cả ở Crimea, nơi Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Vào tháng 4, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã ủy quyền gửi “một số lượng đáng kể hỏa tiễn ATACMS” tới Ukraine vào tháng 2 như một phần của gói viện trợ trị giá 300 triệu Mỹ Kim.

Mỹ cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu của Nga trong một lãnh thổ nhất định, nhưng họ đặt ra giới hạn đối với các cuộc tấn công tầm xa qua biên giới.

Bản đồ ISW cho thấy Ukraine có thể tấn công các mục tiêu của Nga – bao gồm Bryansk, Kursk và Belgorod – có thể loại bỏ tối đa 16% các kho thiết bị và đạn dược trên mặt đất của Nga. Tuy nhiên, họ cho biết vẫn chưa rõ liệu lực lượng Ukraine có được phép làm như vậy hay không.

IWS cho biết trong báo cáo: “Phương Tây duy trì khả năng làm gián đoạn đáng kể các hoạt động của Nga trên quy mô lớn bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các khu vực hậu phương và hậu cần hoạt động sâu của Nga trên lãnh thổ Nga”.

Báo cáo cũng cho biết chính sách của Mỹ đang ngăn cản quân Ukraine tấn công ít nhất 84% các kho thiết bị và đạn dược của Nga khi không cho phép Ukraine tấn công một số mục tiêu nhất định trong phạm vi của ATACMS, như Voronezh và Rostov.

Báo cáo của ISW cũng cho rằng hệ thống phòng không Nga sẽ làm giảm hiệu quả của chiến đấu cơ F-16 Ukraine nếu Mỹ không cho phép lực lượng Ukraine sử dụng ATACMS để tiêu diệt các hệ thống phòng không Nga trên lãnh thổ Nga, vì điều đó có nghĩa là phi công F-16 Ukraine sẽ bị ảnh hưởng, vì họ sẽ phải hoạt động trong vùng trời đầy nguy hiểm.

Bốn quốc gia – Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy và Bỉ – đã cam kết cung cấp máy bay cho Ukraine để tăng cường nỗ lực chống lại khả năng không quân vượt trội của Nga.

Tổ chức nghiên cứu này cho biết: “ISW tiếp tục đánh giá rằng Mỹ nên cho phép Ukraine tấn công tất cả các mục tiêu quân sự trong khu vực hoạt động và hậu phương sâu của Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp”.

6. Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, AP đưa tin

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá khoảng 150 triệu Mỹ Kim.

Gói hàng mới được công bố bao gồm hỏa tiễn HIMARS, vũ khí chống thiết giáp, vũ khí nhỏ và lựu đạn, cũng như đạn pháo 155 ly và 105 ly.

Hôm 31 Tháng Năm, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, trong đó có hỏa tiễn HIMARS, để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với Kharkiv, và trong tháng qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công nhiều mục tiêu bên trong nước Nga.

Theo các quan chức Mỹ, Washington vẫn cấm Ukraine sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Trước đó vào thứ Hai, Nga tuyên bố Ukraine đã sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm vào ngày 23 tháng 6, được cho là đã giết chết 4 người và làm bị thương 151 người. Các báo cáo không thể được xác minh độc lập và Ukraine chưa bình luận về tin tức này vào thời điểm này.

Các quan chức Mỹ nói chuyện với hãng tin AP không thể xác minh liệu ATACMS có được đưa vào đợt hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine hay không.

Vào tháng 4, Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim được chờ đợi từ lâu, trong đó phần lớn là viện trợ quân sự.

Ngũ Giác Đài ngày 26 Tháng Tư thông báo sẵn sàng chuyển số vũ khí trị giá 1 tỷ Mỹ Kim từ kho dự trữ của Mỹ tới Kyiv. Hoa Kỳ sau đó đã gửi ba gói viện trợ khác trong những tháng tiếp theo, cho phép gói viện trợ quốc phòng trị giá 400 triệu Mỹ Kim, tiếp theo là 275 triệu Mỹ Kim và gói viện trợ 225 triệu Mỹ Kim vào đầu tháng 6.

7. Zelenskiy: Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công hơn 30 mục tiêu dầu mỏ của Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky: Ukrainian drones have struck over 30 Russian oil targets”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố trong một cuộc họp quân sự rằng lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine đã tấn công vào hơn 30 nhà máy lọc dầu, các trạm trung chuyển và kho chứa dầu của Nga.

Ông ca ngợi Trung tâm Điều hành Đặc biệt “A” của Cơ quan An ninh Ukraine vì những nỗ lực của họ và ghi nhận tầm hoạt động xa của máy bay điều khiển từ xa, hiện có thể bao phủ khoảng cách 1.500 km.

Các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa gần đây đã tấn công các mục tiêu xa như Tatarstan và Bashkortostan.

Bất chấp những lo ngại của Mỹ về giá dầu tăng và khả năng trả đũa của Nga, Tổng thống Zelenskiy vẫn nhấn mạnh nhu cầu tự vệ của Ukraine và lập luận rằng xã hội Nga phải thích nghi với cuộc sống không có các nguồn năng lượng quan trọng.

Một nguồn tin nói với Kyiv Independent rằng: “Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, sẽ tiếp tục thực hiện 'các lệnh trừng phạt bằng máy bay điều khiển từ xa' đối với tổ hợp lọc dầu của Nga và làm giảm tiềm năng kinh tế của đối phương, vốn cung cấp cho kẻ xâm lược các nguồn lực để tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine”.

8. Quan chức Dagestan bị cách chức sau khi hai con trai bị nghi ngờ gia nhập bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công Makhachkala và Derbent

Sergei Melikov, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dagestan, tuyên bố cách chức nhà lãnh đạo quận Sergokalinsky, Magomed Omarov, sau khi các con trai của ông bị nghi ngờ tham gia vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật, 23 Tháng Sáu ở Makhachkala và Derbent.

Melikov nhấn mạnh rằng nếu sự liên quan của Omarov được xác nhận, ông ta sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, mặc dù cuộc điều tra sẽ xác định chính xác vai trò của ông ta.

Omarov bị giam giữ sau khi có thông tin cho rằng các con trai của ông là Osman và Adil, cùng với cháu trai Abdusamad Amadziev, có liên quan đến các cuộc tấn công vào các địa điểm tôn giáo và đồn cảnh sát, khiến 20 người thiệt mạng, trong đó có 15 cảnh sát.

Omarov tuyên bố không liên lạc với họ trong những năm gần đây. Ngoài ra, một người cháu khác của Omarov, Ali Zakarigaev, đã thiệt mạng trong một chiến dịch chống khủng bố sau các cuộc tấn công.

Dagestan là một nước cộng hòa đa sắc tộc, đa số theo đạo Hồi nằm ở vùng Bắc Kavkaz của Nga. Đây cũng là nơi sinh sống của một cộng đồng Do Thái cổ xưa với số lượng đã giảm dần trong những thập niên gần đây.

Là một phần của sự lan tỏa từ các cuộc chiến tranh ở Chechnya, Dagestan đã chứng kiến nhiều hành động khủng bố lặp đi lặp lại vào đầu những năm 2000. Một cuộc nổi dậy bạo lực nhưng cường độ thấp chống lại chính phủ cũng đã diễn ra trong vài năm trong khu vực.

9. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết gói trừng phạt thứ 15 chống lại Nga sẽ 'bắt đầu ngay lập tức'

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết tại Hội đồng Đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu ở Luxembourg rằng công việc về gói trừng phạt thứ 15 chống lại Nga sẽ “bắt đầu ngay lập tức”.

Valtonen nói: “Tôi chắc chắn rằng chúng tôi cũng sẽ có thể cập nhật danh sách các thực thể bị trừng phạt đó”.

Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 14 chống lại Nga vào ngày 24 Tháng Sáu, nhằm giải quyết tình trạng lách luật các biện pháp hiện có và hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ ngành năng lượng của Nga.

Gói mới bổ sung 116 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt và bổ sung một số biện pháp mới, bao gồm cấm bất kỳ cơ sở nào của Liên Hiệp Âu Châu tham gia vào việc trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, của Nga sang bất kỳ bên thứ ba nào.

Valtonen cho biết, các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 14 mất nhiều thời gian nhưng phạm vi trừng phạt lại rất rộng. Cô nói thêm, tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đều có quan điểm của mình và điều này cần được xem xét.

“Tôi đánh giá cao gói trừng phạt thứ 14 cũng như các bước chúng tôi sẽ thực hiện để khiến việc Nga sử dụng hạm đội bóng tối là không thể ở khu vực Biển Baltic, hoặc ít nhất là khó khăn hơn đối với Nga”.

Ngoại trưởng Phần Lan cũng nhắc lại sự gia tăng gần đây trong các hoạt động phá hoại của Nga ở Âu Châu, sự lan truyền thông tin sai lệch và các mối đe dọa mạng nhắm vào công dân Liên Hiệp Âu Châu.

Valtonen nói thêm: “Ở Âu Châu không còn tư cách quan sát viên đối với hành động gây hấn của Nga nữa”.

“Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của sự xâm lược của Nga, và do đó, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hỗ trợ Ukraine vì Nga chỉ hiểu sức mạnh.”

Bất chấp 13 đợt trừng phạt trước đó của Liên Hiệp Âu Châu và các biện pháp bổ sung từ Mỹ và các đồng minh khác, nền kinh tế Nga vẫn kiên cường một cách bất ngờ.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Levada của Nga thực hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy chỉ 11% số người được hỏi nói rằng các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến cá nhân họ hoặc gia đình họ.

10. Nga tăng cường sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Ukraine ghi nhận 715 trường hợp sử dụng vũ khí hóa học của Nga trên chiến trường trong tháng 5, nhiều hơn 271 trường hợp so với tháng trước.

Ông cho biết hầu hết các trường hợp đều là do khí CS, còn được gọi là hơi cay và thường được các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới sử dụng làm chất kiểm soát đám đông.

Mặc dù ít gây chết người hơn các loại vũ khí hóa học khác nhưng nó đã được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến thứ nhất trước khi Nghị định thư Geneva năm 1925 cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong chiến tranh.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, từ ngày 15 tháng 2 năm 2023 đến ngày 24 tháng 5 năm 2024, tổng số 2.698 trường hợp đã được ghi nhận, dẫn đến 1.385 trường hợp binh sĩ Ukraine cần được chăm sóc y tế.

Các quan chức quân sự Ukraine trước đây đã cáo buộc Nga sử dụng chloropicrin và các loại vũ khí hóa học khác.

Chloropicrin thường được sử dụng làm thuốc diệt cỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, việc tiếp xúc với hơi của nó có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho da, mắt và các cơ quan nội tạng nếu hít phải.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW ngày 7 Tháng Năm cho biết cáo buộc của cả Ukraine và Nga rằng bên kia đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xâm lược toàn diện vẫn “không đủ cơ sở”.

OPCW cho biết trong một tuyên bố: “ Cả Liên bang Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau và đệ trình các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học cho tổ chức này”.

“Thông tin được cả hai bên cung cấp cho tổ chức cho đến nay, cùng với thông tin có sẵn cho ban thư ký, là không đủ chứng minh.”

OPCW cho biết tình hình “vẫn còn bất ổn và cực kỳ đáng lo ngại” đồng thời nhắc lại rằng việc sử dụng “các độc chất kiểm soát bạo loạn trong chiến tranh trên chiến trường là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Tổ chức này cũng lưu ý rằng họ chưa nhận được yêu cầu chính thức điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học từ Ukraine hoặc Nga.

11. Zelenskiy cách chức Trung tướng bị binh lính cáo buộc gây ra tổn thất nặng nề

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 24 Tháng Sáu thông báo ông đã thay thế Tư lệnh các lực lượng liên quân, Trung tướng Yurii Sodol, bằng Chuẩn tướng Andrii Hnatov.

Trung tá Bohdan Krotevych, một trong những chỉ huy trưởng Lữ đoàn Azov, ngày 23 Tháng Sáu cho biết ông đã có đơn khiếu nại chính thức lên Cục Điều tra Nhà nước kêu gọi điều tra một trong các tướng lĩnh.

Ông viết: “Tôi đã viết thư cho SBI kêu gọi điều tra một tướng quân đội, người mà theo tôi, đã gây ra nguy hiểm cho nhiều binh sĩ Ukraine”.

Krotevych không nêu tên vị tướng này, nhưng theo nguồn tin bí mật của Ukrainska Pravda, vị tướng được đề cập là Sodol.
 
Thánh Ca
TV 33
Lm. Thái Nguyên
05:48 25/06/2024
 
Tuyên xưng Đức Kitô
Lm. Thái Nguyên
05:49 25/06/2024
 
Ca Vang Giêsu
Lm. Thái Nguyên
05:50 25/06/2024
 
TV 29
Lm. Thái Nguyên
05:51 25/06/2024
 
Một lòng tin
Lm. Thái Nguyên
05:52 25/06/2024


 
Tin yêu hy vọng
Lm. Thái Nguyên
05:53 25/06/2024