Ngày 07-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 07/05: Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:23 07/05/2024

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ,

Hồi ấy, các người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.

Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

“Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’

“Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

“Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết.”

Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông.” Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi. Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.

Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:51 07/05/2024

2. Con người ta nếu không suy niệm thì không biết cầu nguyện, bởi vì không suy niệm thì không biết linh hồn nghèo nàn, cũng không nhận ra linh hồn đang gặp tai họa.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:59 07/05/2024
49. BIẾT CÁI MÓNG LẠC ĐÀ

Một người nhà quê lên tỉnh thấy có tiệm ăn nhỏ bán móng lạc đà, bèn bỏ đòn gánh xuống hiếu kỳ nhìn coi.

Chủ quán thấy anh ta là người nhà quê bèn nói:

- “Nếu anh biết những thứ này thì tôi sẽ tặng không cho anh mấy cái để ăn.”

Người nhà quê cười gượng nói:

- “Lẽ nào mấy thứ này mà cũng không biết sao, chỉ cần ba chữ mà thôi.”

Chủ quán trong bụng nghĩ: “Đúng rồi”, nhưng miệng thì nói:

- “Anh nói trước chữ thứ nhất.”

Người nhà quê nói:

- “Lạc.”

Chủ quán lập tức chịu thua lấy mấy cái móng lạc đà đưa cho anh nhà quê. Ăn xong, chủ quán trong bụng không yên tâm, lại nói:

- “Anh nói ra hết đi.”

Người nhà quê nói:

- “Lạc (1) đậu phộng.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 49:

Có những người mất tiêu cả gia tài vì tính hấp tấp của mình, có những cô gái “giao trứng cho ác” vì tính nhẹ dạ của mình, có những chàng trai ôm hận cả đời vì tính bộp chộp của mình, có những người dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời phải hối hận suốt cả đời vì không làm chủ được giác quan của mình, bởi vì tự cho mình có đủ “công lực” đề kháng mọi chước cám dỗ mà không chịu cầu nguyện.

Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó luôn làm cho người ta -dù bất cứ người nào- cũng thấy cơn cám dỗ là chuyện “tự nhiên” như ăn cơm ngày ba bữa nên không đề phòng, thế là con người ta mắc mưu ma quỷ và đắm mình trong tội mà không biết...

Người hấp tấp bộp chộp thì tưởng lầm chữ “nhân đậu phộng” cũng giống như chữ “móng lạc đà” nên mất toi mấy cái móng lạc đà. Cũng vậy, chúng ta sẽ mất ơn nghĩa của Thiên Chúa nếu chúng ta bộp chộp cho rằng không ai có thể chống trả lại được cơn cám dỗ trong cuộc sống của mình.

Người có tính bộp chộp thường thất bại nhiều hơn người điềm tĩnh.

(1) “駱駝蹄” phát âm là “luo tuo ti” nghĩa là “móng lạc đà”; “落花生” phát âm là “luo hua seng” nghĩa là “nhân đậu phộng”. Hai chữ “luo” phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Người có hiện diện cho chúng ta không?
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
04:47 07/05/2024
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM B : MC 16,15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.



NGƯỜI CÓ HIỆN DIỆN CHO CHÚNG TA KHÔNG?

Cha André Sève, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Un rendez-vous d’amour” (Một cuộc hẹn hò tình yêu), có kể lại rằng : trong một lần trò chuyện, một linh mục Chính thống đã nhận xét với cha là người Công Giáo ít quan tâm cách thiêng liêng tới mầu nhiệm Lên trời : “Quý vị biến nó thành một ngày lễ, nhưng hình như chẳng mấy để ý tới khía cạnh tôn giáo của nó. Đối với chúng tôi, người Chính thống, đây là một lễ được hết sức yêu mến, được mãnh liệt cảm nghiệm” - “Vì sao vậy?” - “Vì đó là lý do cuối cùng của việc Đức Giê-su đến trên trần gian : Thiên Chúa trở nên con người để con người được thành Thiên Chúa. Vào lúc Thăng thiên, nhân tính viên mãn của Đức Giê-su, kết hợp với thần tính Người, được nâng lên trời đồng thời Người cũng nâng chúng ta lên tới Thiên Chúa” - “Người ra đi, nhưng chúng ta vẫn kết hợp với Người mà !” - “Dĩ nhiên rồi ! Kết hợp hơn bao giờ hết. Đây là một mầu nhiệm khiếm diện-hiện diện”.

1. Thấy Đức Giê-su có mặt trong sự vắng mặt

Khi cố gắng tưởng tượng Đức Giê-su rời chúng ta bằng cách bay lên mây trời, so sánh việc kính nhớ Người ra đi hôm nay như việc đưa tiễn một thân nhân Việt kiều về lại Mỹ, là chúng ta giết chết mầu nhiệm Thăng thiên; chúng ta biến nó thành một sự khiếm diện đang lúc đó là một mầu nhiệm hiện diện đầy hiệu quả. Mác-cô giúp chúng ta cảm nhận sâu xa điều này bằng cách thẳng thừng đặt cận kề nhiều chuyện trái ngược nhau : “Chúa Giê-su được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với họ”.

Mát-thêu chỉ nói đến hiện diện, đó là tiếng cuối cùng của Đức Giê-su trên trần gian : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Phần Lu-ca thì nêu bật sự khiếm diện : “Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,51). Ông còn nhấn mạnh điều này hơn nữa trong sách Công vụ : “Người lên trời ngay trước mắt các ông và có đám mây che khuất Người khỏi mắt các ông” (Cv 1,9). Nhưng trong Tin Mừng của mình, Lu-ca có đưa ra nhận xét lạ lùng này : “Các ông trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24,52). Hoan hỷ vì Đức Giê-su bị cất đi khỏi họ sao? Đây là cái nháy mắt đầy ý nghĩa : “Coi chừng ! Kiểu vắng mặt này sắp trở thành một kiểu có mặt sâu xa hơn đấy”. Vì thế, trong Công vụ, hai thiên thần (hiểu ngầm : Thiên Chúa) lay tỉnh các môn đệ đang nghếch mũi lên không trung : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1,11).

Như thế sự vắng mặt hữu hình của Đức Giê-su không cản trở việc Người tiếp tục hiện diện và hoạt động bên các Ki-tô hữu. Ki-tô giáo sống còn chính là nhờ Đức Giê-su đang sống và hoạt động qua Thánh Thần của Người. Người không bị đưa về trời theo kiểu Kha-nốc hay Ê-li-a. Được tôn vinh trên trời đối với Người chẳng phải là làm một cuộc đi xa, nhưng là đến gần nhân loại. Phục sinh và lên trời là để làm sứ vụ giữa lòng thế giới. Từ đây, Người là Thượng Tế cầu bàu cho ta trên trời (x. Hr 7,25), và không ngừng thu hút, nâng dậy cả nhân loại : “Một khi Tôi được nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ lôi kéo mọi người đến cùng tôi” (Ga 12,32). “Ta ra đi nghĩa là Ta sẽ đến. Ta vắng mặt chính là để ở cùng”

Vắng mặt-có mặt ! Tìm kiếm Đức Giê-su trên cõi trời-làm việc với Người dưới trần gian ! Nỗ lực đức tin đòi hỏi nơi ta, chính là hợp nhất hai mối quan hệ xem ra rất khác biệt với Đức Giê-su như thế.

2. Tìm kiếm Đức Giê-su trên cõi trời

Vâng, Đức Giê-su đang “ngự bên hữu Chúa Cha”. Điều đó muốn nói là “trong vinh quang Thiên Chúa”, chia sẻ quyền năng với Thiên Chúa, và ta có thể mơ tưởng, có quyền mơ tưởng, có quyền “ngước mắt lên trời”. Đức Giê-su phục sinh vẫn là một con người, một trong chúng ta. Nay Người lên trời tức là có một con người trong nhân loại đã đi vào vinh quang Thiên Chúa ! Mừng lễ Thăng Thiên là mừng ngày nhân vật mang tên Giê-su đi vào chỗ sâu thẳm nhất của thế giới thần linh, với thân xác đã được thần hóa của mình. Và cùng với Người sẽ là tất cả chúng ta, nếu chúng ta tin vào sự hợp nhất của cả nhân loại trong Đức Giê-su-Ki-tô. “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì Người là Đầu và là Thủ lãnh chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo” (Bài Tiền tụng lễ Thăng thiên). Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Vậy làm sao cuộc sống chúng ta lại chẳng được thu hút bởi cuộc sống trên trời ấy của Đức Giê-su, Đấng ngày qua ngày thúc đẩy chúng ta “gắn chặt nỗi ao ước của mình, như kiểu nói tuyệt diệu của thánh Lê-ô giáo hoàng, vào nơi mà cái nhìn không vươn tới được”.

Thế nhưng, thay vì gắn chặt nỗi ao ước của mình vào cõi vô hình đó, bằng một thái độ can đảm sống đức tin, chấp nhận mọi thiệt thòi và mọi gian khổ để hiên ngang làm ngôn sứ, thẳng thắn tố cáo những vi phạm nhân quyền nhan nhản trước mắt, lắm Ki-tô hữu, trong đó không thiếu các chủ chăn, đang can tâm quỵ lụy quyền lực hay ngậm miệng im tiếng (rồi tự cho đó là khôn ngoan!?) để “được việc”, để “an thân”, để mong thế gian bố thí chút tự do và lợi quyền. Như thế làm sao chứng tỏ cho loài người thấy Ki-tô hữu chúng ta luôn “tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa”? Đang khi ấy không thiếu những con người ngoài đức tin lại anh dũng đương đầu với gian khổ, tù đày và bắt bớ để làm chứng cho những giá trị đích thực.

3. Làm việc với Đức Giê-su dưới trần gian

Suốt cuộc sống tại thế của Đức Giê-su, lắm kẻ đã thấy, đã nghe, đã động tới Người. Nhưng được bao nhiêu kết quả? Không hiếm kẻ đã sinh nghi về mầu nhiệm của Người dù đã dệt những quan hệ với Người. Kể cả các Tông đồ và môn đệ. Phản ứng của họ trong ngày Người tử nạn đủ cho thấy rõ. Nhưng khi có vẻ “ra đi” vào ngày Thăng thiên, Người trái lại trở thành Đấng sẽ hiện diện đối với bất cứ ai mở rộng cuộc sống cho Người. Chính vì thế thánh Lu-ca đã có thể nói : “Người được cất đi và điều này khiến các môn đệ lòng đầy hoan hỷ !” Họ là những kẻ đầu tiên kinh nghiệm về kiểu hiện diện mới. Thay vì mất Người, họ được cái lợi là từ nay có thể sống với Người trong một sự mật thiết về tư tưởng và hành động, sự mật thiết mà người ta cảm thấy rất rõ khi đọc sách Công vụ : “Thầy ở cùng anh em”. Dĩ nhiên mọi chuyện chẳng phải dễ dàng trôi chảy. Vẫn còn một khó khăn rất lớn, đó là phải đi từ kiểu nắm bắt, đụng chạm khuôn mặt và giọng nói, sang lối tiếp cận cách vô hình của đức tin. Ở đây thánh Lê-ô lại có lời dạy bảo : “Đức tin đã được mời gọi chạm tới Con độc nhất, bình đẳng với Đấng đã sinh ra Người, không phải bằng bàn tay xác thịt nhưng bằng trí tuệ thiêng liêng”.

Niềm tin “có Chúa cùng hoạt động” với chúng ta như thế sẽ thúc đẩy chúng ta “nhân danh Người mà trừ được quỷ”, những thứ quỷ không mang bộ mặt đen đủi, ghê tởm như trong các hình tượng tranh ảnh, nhưng có những dáng dấp lôi cuốn : chủ nghĩa vô thần, não trạng duy vật, khuynh hướng hưởng thụ, thói tìm kiếm hư vinh, lợi lộc và thành công trước mắt… “sẽ nói được những tiếng mới lạ”, những tiếng nói không a dua với quyền lực, chẳng làm công cụ cho thế gian, không tô son trát phấn cho ách độc tài, chẳng biện minh cho thể chế áp bức, nhưng là đề cao các giá trị thiêng liêng, bênh vực các nhân quyền cơ bản, cổ võ tinh thần tự do đích thực và cương quyết đòi cho Thiên Chúa lẫn Tin Mừng được lên tiếng trong xã hội… “sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao”, nghĩa là có thể bị lôi tới trước chỗ thẩm vấn, trước tòa án trần đời, bị bôi nhọ xuyên tạc, hay thậm chí bị những anh em đã tôn quyền lực trần thế làm “ông chủ” chê là quá khích, nông nổi, thế mà vẫn bình thản bất khuất, hiên ngang sống thẳng nói thật vì Tin Mừng !
 
Mù mờ
Lm. Minh Anh
13:52 07/05/2024
MÙ MỜ
“Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”.

Socrates, ông tổ triết Tây, không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được lưu truyền qua đồ đệ Platô. Ông không nhận mình là thầy, chỉ nhận là bà đỡ “giúp đứa trẻ tự chào đời”; “Không dạy ai điều gì; tôi chỉ khiến họ suy nghĩ!”; “Mẹ tôi đỡ đẻ cho các bà, tôi đỡ đẻ cho các bộ óc!”. Cuối đời, Socrates bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính Athêna. Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc. Socrates để lại một câu nói bất hủ, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả, tôi mù mờ về mọi sự!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘mù mờ!’. Một trùng hợp thú vị, là chính dân thành Athêna thời Phaolô, nơi 400 năm trước đã bức tử Socrates - biết có thần minh - nhưng họ ‘mù mờ’ khi không biết vị thần đó là ai. Cũng thế, bạn và tôi biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, nhưng vẫn ‘mù mờ’ về Ngài; chúng ta không bao giờ biết Ngài trọn vẹn cho tới khi lên thiên đàng.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính Thần Vô Danh”. Phaolô lên tiếng, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị!”. Ngài là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất”. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ đang ‘mù mờ’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi”. Là Kitô hữu, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy nhiên, chúng ta vẫn ‘mù mờ’ về Ngài và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ đang dò dẫm trên hành trình hướng tới sự hiểu biết Ngài mà thôi! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói về Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn”. Nói cách khác, cần có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Thánh Thần hướng chúng ta đến sự hiểu biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.

Anh Chị em,

“Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”. Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài, bạn và tôi đã nên thánh từ lâu. Biết Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá! Biết Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài khao khát chúng ta đến mức nào, đến mức ẩn mình trong Thánh Thể, chờ đợi chúng ta mỗi ngày! Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không nhận biết Ngài trong anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ. Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu nơi chúng ta vẫn rất ‘mù mờ’; và sự hiểu biết này sẽ chỉ tiến triển nếu mỗi người biết ngoan nguỳ dưới sự dìu dắt của Thánh Thần. Chính sự hiểu biết được soi sáng bởi Thánh Thần này mới có thể biến đổi bạn, biến đổi tôi tự bên trong!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con ‘mù mờ’ về Chúa, càng ‘mù mờ’ về con. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con! May ra nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một sự chuyển đổi mô hình từ Veritatis Splendor sang Amoris Laetitia? *
Vũ Văn An
14:47 07/05/2024

Ngày 4 tháng 5 năm 2024, hãng tin New Advent đăng tải bài nói chuyện của linh mục Livio Melina (**), tại Hội nghị tổ chức tại Ars, Pháp vào ngày 14-15 tháng 4 năm 2021. Chủ đích: Amoris Laetitia vẫn nằm trong truyền thống luân lý học Công Giáo và do đó, chúng ta vẫn phải truyền giảng nền luân lý tính dục và hôn nhân của truyền thống.



Điều gì đã xảy ra trong thần học luân lý Công Giáo với việc công bố Amoris Laetitia?[1] Một số người cho rằng mọi sự đã thay đổi. Đặc biệt, họ lập luận rằng người ta không còn có thể đề cập đến Veritatis Splendor,[2] một thông điệp được cho là đã trở nên lỗi thời bởi vì người ta cho rằng đã có một sự chuyển đổi từ chủ nghĩa nghiêm khắc của “những điều tuyệt đối về luân lý” và những chuẩn mực tiêu cực có giá trị trong bất cứ trường hợp nào sang một tính linh hoạt mục vụ. vốn đánh giá cao việc phân định từng trường hợp cụ thể và lương tâm của chủ thể hành động. Những người khác tin rằng không có gì thay đổi trong thần học luân lý, ngoại trừ chiều kích mục vụ hiện nay được nhấn mạnh, điều có thể đã bị bỏ qua quá nhiều trong quá khứ.

Nhóm các nhà thần học và lý thuyết luân lý của chúng tôi, hiện đang thành lập “Dự án Veritas Amoris”, đã tuân thủ một lối giải thích liên tục trong việc giải thích tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vì không có những khẳng định về mặt tín lý nào trong đó rõ ràng là gián đoạn với huấn quyền của Veritatis Splendor và huấn quyền trước đó – mặc dù có nhiều điểm nhấn mạnh và mơ hồ khác nhau trong một số công thức nhất định – người ta có thể và phải tiếp tục giảng dạy giáo huấn truyền thống về hôn nhân và gia đình, cũng như đạo đức vợ chồng và tình dục của Truyền thống. Nhưng liệu cách tiếp cận như vậy còn có thể bảo vệ được không? Có phải người ta ngây thơ chấp nhận nó và chỉ đơn giản là từ chối đối diện với thực tại? Hay đó là một mưu mẹo bị các sự kiện và thực hành bác bỏ?

Cần phải hiểu rõ tình hình lý thuyết. Để đạt được mục đích này, tôi sẽ trình bày bài diễn từ theo ba giai đoạn.

1) Trong giai đoạn đầu tiên, tôi sẽ giải quyết câu hỏi “‘Đâu là sự thay đổi mô hình’ trong thần học?”

2) Tiếp theo, vì không rõ chính xác loại “thay đổi mô hình” nào đang được Amoris Laetitia cổ vũ, nên tôi sẽ chuyển sang phần tổng quan về một số “sự thay đổi mô hình” khác nhau đang được đề xuất. Hai giai đoạn này tạo thành pars destruens (phần phá hủy).

3) Sau đó tôi sẽ chuyển sang giai đoạn thứ ba, pars construens (phần xây dựng). Ở đây tôi sẽ cố gắng đề xuất một câu trả lời thỏa đáng cho tình huống này, có tính đến mối quan tâm mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tích hợp nó vào một “mô hình” mà đối với tôi dường như mạch lạc và có giá trị, đáp ứng cả những yêu cầu về sự gắn kết tín lý với Truyền thống và với các nhu cầu của tình hình mục vụ hiện nay. Thật vậy, chúng ta có nhiệm vụ nghiêm túc thực hiện lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Đề xuất của tôi không mang tính phòng ngự hay phục hồi.

I. Pars Destruens: Một cách tiếp cận có tính phê phán

1. Một sự thay đổi mô hình? Xem xét các luận điểm của Walter Kasper và Eberhard Schockenhoff

Đức Hồng Y và nhà thần học người Đức Walter Kasper đã đề xuất một cách giải thích đầy ảnh hưởng về mối liên hệ giữa thông điệp Veritatis Splendor của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài là người đầu tiên đưa ra khái niệm “sự thay đổi mô hình” như một chìa khóa giải thích, khẳng định rằng “sự thay đổi mô hình không làm thay đổi tín lý trước đó”. (3) Giáo huấn của Tông huấn không thay đổi tín lý, nhưng thay đổi mô hình (paradigm) mà với mô hình mới này, tín lý phải được giải thích. Đi theo hướng tương tự là người bạn và trợ lý cũ của ngài, linh mục Eberhard Schockenhoff, người đã viết một bài báo về chủ đề này vài tháng sau đó, một lần nữa trên Stimmen der Zeit.[4] Đề xuất của ngài có tính nền tảng và cấp tiến hơn để xem xét.

Mô hình là gì? Dizionario Treccani có thẩm quyền nói với chúng ta rằng thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Latinh sau này paradigma (từ tiếng Hy Lạp παράδειγμα, bắt nguồn từ παραδείκνυμι “trưng bầy, trình bày, đối đầu,” bao gồm παρα- “cho, để” và δείκνυμι “trưng bầy,” với ý nghĩa cơ bản là “mô hình”). Trong ngữ pháp, nó biểu thị một kiểu biến cách [declension] hoặc cách chia động từ được cung cấp bởi sách giáo khoa (ví dụ, trong tiếng Latinh, biến tố [inflection] của rosa hoặc rivus cho biến cách của danh từ; của amare, monere, legĕre, audire cho bốn cách chia động từ). Một mô hình cũng được cấu thành bởi các dạng cơ bản của động từ, tức là các thì hiện tại, hoàn thành [perfect], động danh từ [supine] và thể vô định [infinitive], từ đó tất cả các thì khác của động từ đều bắt nguồn (ví dụ: mô hình của động từ pingĕre được hình thành: pingo, pinxi, pictum, pingĕre).

Trong ngôn ngữ học hiện đại, thuật ngữ “mô hình” biểu thị tập hợp các thành phần câu có liên quan với nhau theo cách mà chúng hầu như có thể thay thế cho nhau. Một cụm từ có thể thay thế cho một cụm từ khác trong cùng một ngữ cảnh. Trong ngôn ngữ triết học, thuật ngữ này được Pla-tông sử dụng để biểu thị những thực tại lý tưởng, được hiểu là những mô hình vĩnh cửu của những thực tại khả giác nhất thời. Nó được Aristốt sử dụng để biểu thị một kiểu lập luận tiến hành từ những gì đã biết đến những gì ít được biết đến hoặc chưa biết đến.

Gần đây hơn, và với một ý nghĩa khác, thuật ngữ “mô hình” đã được đưa vào xã hội học và triết học khoa học. Ở đây nó đề cập đến tập hợp các quy tắc phương pháp luận, mô hình giải thích và tiêu chuẩn giải quyết vấn đề vốn lên đặc điểm cho một cộng đồng các nhà khoa học ở một giai đoạn cụ thể trong diễn tiến lịch sử phát triển môn học của họ. Những thay đổi mô hình theo nghĩa này là nguyên nhân gây ra điều gọi là “các cuộc cách mạng khoa học”. Chủ điểm “thay đổi mô hình” trong khoa học đã được Thomas S. Kuhn đề cập rộng rãi; ông định nghĩa “mô hình” như một bộ niềm tin chung được một cộng đồng nắm giữ, quy định từ vựng của nó và xác định một cách chuẩn mực bối cảnh ngữ nghĩa của những lời khẳng định. [5]

Đối với Kasper, việc đưa vào một mô hình mới trong thần học mục vụ gia đình về cơ bản có hai ý nghĩa: [6] Trước hết, nó có nghĩa là đưa một ngôn ngữ mới vào đạo đức, thay thế thuật ngữ truyền thống. Một ngôn ngữ mới sẽ được sử dụng. “Tội lỗi” trở thành “sự không hoàn hảo” hay “sự mong manh”. Người ta không được sử dụng thuật ngữ “ngoại tình” nữa vì nó gây khó chịu cho người ta. Người ta nói về “những cặp đôi không hợp lệ”, một cách diễn đạt sau đó được đặt trong dấu ngoặc kép. Những chuẩn mực đạo đức, cả các chuẩn mực tiêu cực, đều trở thành những “lý tưởng” cần theo đuổi. Một nền đạo đức giải nghi (casuistic), nhằm mục đích giúp đỡ các linh mục trong tòa giải tội, đã đề xuất quan niệm truyền thống về “các hoàn cảnh giảm khinh”, các yếu tố làm giảm bớt trách nhiệm và được xem xét sau khi hành động. Những điều này giờ đây đã trở thành “ngoại lệ” đối với chuẩn mực, đạt được sự phù hợp ngay cả trước khi hành động diễn ra.

Thứ hai, nó có nghĩa là đưa ra một mô hình mới có nghĩa là sử dụng nhận thức luận lịch sử và hiện sinh. Năm 1965, Kasper viết một cuốn sách tên là Dogma unter dem Wort Gottes [“Tín điều theo lời Chúa”]. Năm 1967 ngài xuất bản tác phẩm Die Methoden der Dogmatik. Einheit und Vielheit (Các phương pháp thần học tín lý). Cách giải thích sáng tạo mà ngài đề xuất được cấu trúc xoay quanh ba yếu tố: Lời Chúa, tín lý và việc chăm sóc mục vụ. Kasper tổ chức ba yếu tố này như sau: Lời Chúa hoàn toàn ràng buộc đối với Giáo hội. Tuy nhiên, nó không thể được đồng nhất với tín lý. Tín lý là tương đối với Lời Chúa. Lời Chúa được ưu tiên hơn các công thức tín điều vốn không thể được coi như hoàn toàn đúng hay sai một lần và mãi mãi.

Như thế, đối với Kasper, tín lý là nỗ lực luôn có thể mắc sai lầm nhằm khái niệm hóa Lời Chúa, là Lời, mặc dù có giá trị tuyệt đối, nhưng bản thân nó lại nằm ngoài khả thể khái niệm hóa. Vì vậy, tín lý phải luôn được Lời Chúa phán xử. Nhưng tín lý cũng được đánh giá bởi thực tại mục vụ. Có những hoàn cảnh lịch sử trong đó tín lý được đánh giá lại một cách phê phán. Vì vậy, tín lý được đánh giá một cách phê phán cả bằng Lời Chúa lẫn bằng thực hành. Do đó, thực hành trở thành một yếu tố quan trọng của tín lý.

Do đó, đối với Kasper, cần phải có sự tương ứng thích đáng giữa tín lý và nền văn hóa xung quanh: tín lý phải được tương đối hóa trong khía cạnh thực hành để diễn đạt những đòi hỏi của Lời Chúa, đặc biệt khi nói đến tín lý luân lý. Có nhiều tình huống khác nhau đòi hỏi phải có sự phân biệt tùy từng trường hợp. Tiêu chuẩn phân định được mở rộng ra ngoài những giới hạn hợp lý và trở thành một loại chìa khóa giải thích chính yếu. Đúng là người ta không trực tiếp đi ngược lại tín lý, nhưng mọi thứ đều có xu hướng thay đổi tín lý. Tín lý phải được “cập nhật” liên tục bởi một nhà chú giải theo chủ nghĩa lịch sử và hiện sinh về sự thật của Lời Chúa, một sự thật được cho là không thể khái niệm hóa được.

Điều sẽ thay đổi tín lý là sự thực hành. Điều này có nghĩa là tính ưu việt của thực hành mục vụ, “sự hoán cải mục vụ” của thần học. Như vậy, thực hành trở thành nguồn gốc của tín lý. Trong Giáo hội, vấn đề là “khởi động các tiến trình” để việc thực hành có thể thay đổi não trạng của các tín hữu, và sau đó có thể thay đổi được tín lý.

Việc thực hành này đã quên một số từ và không còn đề cập đến một số chủ đề cơ bản của thần học luân lý, chẳng hạn như luật tự nhiên, các giới luật đạo đức tiêu cực tuyệt đối và các nhân đức (đặc biệt là nhân đức khiết tịnh). Đúng hơn, phù hợp với tâm lý duy sinh lực (vitalist) đang thịnh hành, tình dục được đề cao như một nguồn sống và năng lực, gần như thể nó không có ý nghĩa đạo đức. Kasper chủ trương rằng tín lý không thay đổi trong một sự thay đổi mô hình, và thực sự Amoris Laetitia không mâu thuẫn một cách rõ ràng với tín lý như vậy. Nhưng đúng là nó bắt đầu một quá trình ngôn ngữ liên quan đến bối cảnh ngữ nghĩa trong đó tín lý có ý nghĩa. Mọi thứ được đặt vào thế chuyển động.

Một sự thay đổi sẽ định hình bối cảnh ngữ nghĩa của các tuyên bố tín lý hàm ý một sự thay đổi thậm chí còn căn bản hơn việc đặt câu hỏi về một tuyên bố đơn nhất mang tính tín lý.

Rõ ràng là tín lý của Giáo hội không phải là một hệ thống công thức cứng ngắc và không thể thay đổi, mà là một cơ thể sống tiến hóa như một cơ thể. Tuy nhiên, tín lý của Giáo hội hướng đến việc thực thi công bằng hoàn toàn lời dạy của Chúa Giêsu rằng “trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đâu” (Mt 24:35). Qua nhiều thế kỷ, sự suy tư về tín lý và thần học của Giáo hội đã phát triển các tiêu chuẩn để xác minh sự gắn kết quan trọng của Truyền thống với nguồn gốc của nó, mà không thêm vào những yếu tố ngoại lai và không làm mất đi những gì thiết yếu: “eodem sensu, eademque sententia—giữ cùng một ý nghĩa và cùng một ý nghĩa /phán quyết.”

Một cách đặc biệt, Thánh John Henry Newman, từ kinh nghiệm bản thân của ngài, đã đưa ra một tiểu luận về sự phát triển của tín lý Ki-tô giáo,[7] cho thấy tín lý Ki-tô giáo xác định một không gian và đánh dấu nhịp điệu của một thời đại như thế nào. Nói cách khác, vấn đề không phải là thích ứng với nhịp điệu của thời đại, hay thay đổi theo thời trang để được chấp nhận. Đúng hơn, đó là sự thật rằng chính tín lý quyết định nhịp điệu của lịch sử. Không phủ nhận bất cứ điều gì đã được mặc khải, sự phát triển tín lý cho thấy tính sinh hoa kết trái lâu dài của tín lý, làm nổi bật những khía cạnh mới và cho đến nay chưa thấy được của nó trong cuộc gặp gỡ với thế giới. Bằng cách này, tín lý trở thành nền tảng của một lịch sử mới, như được chứng minh rõ ràng qua sự kiện đặc biệt về việc đưa tính bất khả phân ly của hôn nhân vào các phong tục và luật pháp công cộng thời hậu cổ đại, một nền văn hóa thường thực hiện việc ly hôn. [8]



Để tương phản đề xuất của Kasper với đề xuất của Newman, cần phải lưu ý rằng Thánh Newman chỉ ra “các ghi chú” cả tính liên tục tín lý của “việc bảo tồn loại hình” (ghi chú đầu tiên) lẫn “tính liên tục của các nguyên tắc” (ghi chú thứ hai). Loại hình được Kasper gọi là “mô hình”, khác với các nguyên tắc. Nhưng đối với Newman, cả loại hình lẫn nguyên tắc đều phải được bảo tồn, với loại hình thậm chí còn mang tính quyết định hơn chính các nguyên tắc, bởi vì nó chứa đựng hình thức căn bản của tư tưởng Ki-tô giáo xuyên suốt thời gian. Một sự thay đổi mô hình, như Kasper đề xuất, sẽ không chỉ đơn thuần là một lạc giáo về một quan điểm tín lý cụ thể, mà thậm chí còn là một siêu dị giáo, làm đảo lộn chính bản chất của đức tin và đời sống Kitô giáo.

Do đó, rõ ràng là ý tưởng về một sự thay đổi mô hình hợp pháp chỉ có thể được chấp nhận theo một nghĩa rất hạn chế, miễn là hình thức cơ bản của giáo huấn luân lý của Giáo hội không bị nghi ngờ. Chúng ta hãy lấy một ví dụ. Nếu chúng ta ở trong bối cảnh ngôn ngữ Anh, thuật ngữ “quà tặng” [gift] có ý nghĩa rất tích cực. Nó đề cập đến một cái gì đó được tặng miễn phí, một món quà. Nhưng nếu chúng ta thay đổi mô hình ngôn ngữ và sang Đức, những chữ cái tương tự (“G-I-F-T”) có nghĩa là “chất độc”. Liệu chúng ta có thể thành thật nói rằng chúng ta chỉ thay đổi mô hình chứ không phải thực tế khi áp dụng nhãn hiệu “quà tặng” bằng tiếng Anh cho một loại thuốc nguy hiểm được sản xuất tại Đức?

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói về “ngoại tình” và mô tả nó như một tội lỗi. Liệu chúng ta có thể nói rằng chúng ta trung thành với lời dạy này nếu chúng ta định nghĩa ngoại tình chỉ là một sự bất toàn đơn thuần trên con đường dần dần hướng tới lý tưởng, mà đạo đức của nó phải để cho lương tâm mỗi cá nhân phán xét? Và nếu, để biện minh cho mình, chúng ta đi đến khẳng định rằng “vào thời Chúa Giêsu không có máy ghi âm” để đảm bảo những gì Người thực sự đã nói, hoặc rằng ngày nay ngay cả Người cũng có thể bằng lòng ly hôn dưới ánh sáng của nguyên tắc lòng thương xót, [9] chẳng phải lúc đó chúng ta đang hủy hoại chính nền tảng của đức tin Công Giáo, đến mức ngay cả việc vâng phục người kế vị Thánh Phêrô, được những người canh tân mạnh mẽ kêu gọi, vẫn sẽ không có bất cứ nền tảng thần học chân thực nào sao?

2. Những thay đổi mô hình khác nhau được đề nghị

Bây giờ chúng ta hãy xem xét một số thay đổi mô hình đã được đề xuất sau Amoris Laetitia, vốn khác nhau rất nhiều về lý luận và tính cấp tiến, nhưng tất cả đều đồng quy trong kết luận thực tế về việc hợp pháp hóa hành vi đạo đức mà trước đây được coi là trái ngược với giáo huấn của Giáo hội.

a) Mô hình của hai bình diện đạo đức: bình diện khách quan và bình diện chủ quan, và việc áp dụng chuẩn mực theo từng trường hợp (Jean-Miguel Garrigues và Alain Thomasset; Marc Cardinal Ouellet)

Trong tập sách dành riêng để trả lời sự nghi ngờ của bốn vị Hồng Y, Jean-Miguel Garrigues và Alain Thomasset khẳng định rằng Veritatis Splendor Amoris Laetitia không mâu thuẫn với nhau, bởi vì chúng nói trên hai bình diện diễn ngôn khác nhau.[10] Garrigues nói rằng Veritatis Splendor nói ở bình diện chuẩn mực phổ quát, trong khi Amoris Laetitia nói ở bình diện áp dụng vào cuộc sống, tức là bình diện cụ thể và cá nhân, chứ không phải ở bình diện phổ quát và lý thuyết. Bình diện phổ quát của chuẩn mực đối lập với bình diện cụ thể của việc áp dụng cá nhân và cụ thể. Khi áp dụng chuẩn mực, người ta nên tránh cả chủ nghĩa nghiêm khắc, vốn cho rằng bản thân chuẩn mực phổ quát đã đủ để hướng dẫn sự phán xét, và chủ nghĩa lỏng lẻo, khi hướng tới sự đa dạng của hoàn cảnh, quên mất chuẩn mực và “không có la bàn”. Vì vậy sự linh hoạt là cần thiết. Đối với Garrigues, đóng góp ban đầu của Amoris Laetitia là đề xuất một nền luân lý linh hoạt mà không phủ nhận tín lý.

Như có thể thấy, các tác giả ở đây xem xét lại các phạm trù cổ điển về chủ nghĩa nghiêm khắc, lỏng lẻo và linh hoạt, thuộc về khuôn khổ nhận thức luận phù hợp với khoa giải nghi và “các hệ thống luân lý”. Theo họ, Amoris Laetitia đề xuất sự linh hoạt. Trong cách giải thích của sự đối lập có hệ thống, luân lý khách quan của chuẩn mực được đặt đối lập với luân lý chủ quan của lương tâm. Đối tượng luân lý được dành cho một lối giải thích duy lý loại trừ bất cứ tham chiếu nào đến ý định. Do đó, đối tượng luân lý dường như đối lập một cách biện chứng với tính chủ quan. Nhưng, thần học luân lý Công Giáo luôn thừa nhận rằng trách nhiệm của chủ thể khi thực hiện các hành vi xấu xa khách quan có thể được giảm khinh hoặc thậm chí loại bỏ tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, hai nhà luân lý học người Pháp đánh đồng việc giảm khinh trách nhiệm, có thể bào chữa cho một hành vi xấu xa, với một ngoại lệ đối với lề luật, không chỉ bào chữa cho hành động đó mà còn hợp pháp hóa hành động đó như một sự lựa chọn đúng đắn về mặt chủ quan, mặc dù về mặt khách quan, nó đi ngược lại chuẩn mực. Như vậy, nó không còn là một hành động xấu xa về bản chất và vẫn xấu xa dù người ta không chịu hoàn toàn trách nhiệm về nó. Thay vào đó, hành động trở nên tốt đẹp. Các hoàn cảnh giảm khinh trở thành ngoại lệ.

Tính linh hoạt giúp ta có thể thoát khỏi những tuyệt đối về mặt luân lý, từ đó vô hiệu hóa quan niệm về cái ác nội tại (intrinsece malum). Điều này trái ngược với cả tinh thần và chữ nghĩa của Veritatis Splendor, vốn khẳng định rằng “hoàn cảnh hoặc ý định không bao giờ có thể biến một hành động xấu xa về bản chất nhờ vào đối tượng của nó thành một hành động tốt 'chủ quan' hoặc có thể được bảo vệ như một sự lựa chọn."[11] Như Đức Hồng Y Caffarra đã từng nói: Nếu người ta bắt đầu từ sự đối lập có hệ thống giữa điều gì là khách quan theo chuẩn mực và điều gì là chủ quan theo lương tâm, thì chắc chắn người ta sẽ đi vào ngõ cụt của chủ nghĩa Pharisiêu ngụy biện mà quên rằng luật pháp là biểu thức của sự thật về điều thiện chứ không phải của ý muốn độc đoán chống lại lương tâm mà lương tâm phải tự bảo vệ mình.[12] Thực thế, những gì chúng ta có ở đây là sự đề xuất lại một mô hình cũ, đã được sử dụng trong cuộc tranh luận về biện pháp tránh thai sau Humanae Vitae, một cuộc tranh luận đã nổ ra vào năm 1971 trong điều gọi là “trường hợp Washington”, trong đó Trường đạo đức Dòng Chúa Cứu Thế (Domenico Capone, Seán O'Riordan) chủ yếu tham gia.

Trái ngược với quan điểm trước đây của ngài được thể hiện khi còn là giáo sư, giờ đây, Đức Hồng Y Marc Ouellet có quan điểm tương tự như quan điểm của Garrigues và Thomasset. Trong một bài viết đăng trên Osservatore Romano năm 2017, ĐHY Marc Ouellet nói rằng Amoris Laetitia không mâu thuẫn với Veritatis Splendor, nhưng hoàn thiện nó. Ngài cho rằng, Amoris Laetitia lấy “quan điểm của cuộc sống thực”, trong khi Veritatis Splendor nói về “cuộc sống lý tưởng”. [13] Do đó, các chuẩn mực luân lý khách quan vẫn có giá trị ở mức độ lý tưởng, ngay cả khi chúng không ràng buộc về mặt luân lý trong cuộc sống thực. Do đó, tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân là một lý tưởng đáng được khao khát. Các chuẩn mực đạo đức khách quan vẫn có giá trị ở mức độ lý tưởng, mặc dù chúng có thể không ràng buộc đối với chủ thể luân lý cụ thể, ở đây và bây giờ.

Ở đây Đức Hồng Y người Canada chỉ nêu lên sự phân biệt của Bernard Häring giữa các điều răn về mục tiêu lý tưởng (Zielgebote) và các điều răn giới hạn (Grenzgebote). [14] Đây cũng là điều mà Karl Rahner lập luận vào năm 1961 trong cuốn On the Question of a Formal Existential Ethic [Về Vấn đề Đạo đức học Hiện sinh Chính thức] và vào năm 1966 trong cuốn “Theoretische und reale Moral in ihrer Differenz” [Sự khác biệt giữa đạo đức lý thuyết và đạo đức thực tế]. Theo Karl Rahner, có thể có kiến thức lý thuyết về một giá trị đạo đức không liên quan đến “sự thừa nhận quan trọng” về giá trị đó, giá trị này chỉ được nhận thức một cách trừu tượng và do đó theo cách không ràng buộc. Đối với ngài, một chủ thể có thể nhận thức được một giá trị ở bình diện “kiến thức lý thuyết” mà không nhận ra nó ở bình diện sự sống, bởi vì giá trị đó không chạm đến chủ thể ở bình diện “lương tâm”. Có thể có thông tin mà không có sự thừa nhận quan trọng về chuẩn mực luân lý. Tuy nhiên, theo Rahner, lương tâm chỉ bị ràng buộc bởi những chuẩn mực đụng đến nó và nói với nó ở bình diện sự sống này. Những chuẩn mực chỉ mang tính lý thuyết và không đụng đến tôi thì không bắt buộc được tôi. Có những hoàn cảnh lịch sử độc đáo, duy nhất và mang tính hiện sinh, ngăn cản việc “công nhận thuộc sự sống” về một chuẩn mực. Trong trường hợp này, một chuẩn mực không ràng buộc.

Đồng ý với Häring và Rahner, Ouellet lập luận rằng một hành động xấu xa một cách khách quan (tức là chính hành động xấu xa) có thể không được một chủ thể luân lý nhìn nhận như vậy vì những điều kiện hiện sinh độc đáo mà người đó sống trong đó. Do đó, chủ thể có thể không có khả năng nhận biết và chấp nhận tầm quan trọng của chuẩn mực khách quan.

Nhưng Veritatis Splendor đã tính đến lý thuyết này. Đức Gioan Phaolô II đề cập đến nó khi ngài phê phán lý thuyết “vị thế kép của chân lý luân lý”, [15] theo đó, một mặt, có một giáo huấn lý thuyết về giới luật ở bình diện lý tưởng, mặt khác, có một một chuẩn mực của lương tâm cá nhân đối với cuộc sống đời thực. Khi đó sẽ có sự phân đôi giữa bình diện mục tiêu lý tưởng và đời sống thực. Theo Ouellet, Veritatis Splendor không được suy nghĩ cho đời thực. Chủ thể có thể không nhận ra được chuẩn mực và giá trị.

Theo David Schindler trong tạp chi Communio, lời phê bình mà Ouellet, Thomasset và những người khác đưa ra về tính hiện đại - về chủ nghĩa khách quan của thời hiện đại và thần học luân lý giải nghi- không vượt qua được các tiền đề của chính chủ nghĩa khách quan, nhưng chỉ đơn thuần đảo ngược chúng trong khi tiếp tục duy trì mô hình của khoa giải nghi.[16] Chúng đảo ngược các tiền đề của mô hình giải nghi, nhưng chúng không thoát khỏi chính mô hình đó. Mô hình này là sự đối lập có hệ thống giữa cái khách quan và cái chủ quan.

Có hai cách giải thích khác về thuật ngữ “sự thay đổi mô hình”.

b) Mô hình tính tối thượng của lương tâm; việc giản lược lý trí thực tế vào lương tâm (Giuseppe Angelini và Maurizio Chiodi)

Angelini và Chiodi đề xuất tính ưu việt triệt để của lương tâm. Họ khác với các tác giả trước đó ở chỗ họ bác bỏ mối quan hệ ứng dụng đơn thuần giữa chuẩn mực và lương tâm. Thực thế, họ đề nghị suy nghĩ lại chính chuẩn mực luân lý, nhưng từ quan điểm lương tâm hơn là lý trí thực tiễn.

Vậy đây là một lý thuyết mới về lương tâm luân lý. Thực vậy, lương tâm được đồng nhất với chính chủ thể, với tính chất độc đáo và đặc thù của nó, bao gồm cả các chiều kích cảm xúc và hành động, các mối quan hệ đối thoại và xã hội. Do đó, lương tâm hấp thu lý trí thực tiễn.

Bằng cách này, hai tác giả trên chủ trương rằng không thể đánh giá tính tốt đẹp của một hành vi nếu không tính đến lịch sử hiện sinh và văn hóa của chủ thể cũng như khuôn mạo bản thân và văn hóa của hành vi đó. Tính khách quan của hành vi luân lý bị tính chủ quan hấp thu. Theo họ, tính khách quan của hành vi phải được hiểu không phải là mối quan hệ của hành động với một lý tính trừu tượng, mà là mối quan hệ của hành động với lịch sử bản thân của chủ thể luân lý và bối cảnh văn hóa diễn giải lịch sử đó.

Điều đó có nghĩa gì? Điều đó có nghĩa, chẳng hạn, một hành vi không thể được gọi là hành vi ngoại tình nếu không xét đến lịch sử hiện sinh của người thực hiện hành vi đó. Đây không phải là những trường hợp ngoại lệ có thể xảy ra đối với quy tắc chống ngoại tình. Đúng hơn, và triệt để hơn nhiều, khẳng định rằng hành vi tình dục của một người đàn ông đã có gia đình với một phụ nữ đã kết hôn với người khác một cách khách quan có thể thậm chí không phải là ngoại tình, vì người ta không thể nói rằng hành động đó là ngoại tình nếu không biết ý định và lịch sử hiện sinh của những người thực hiện nó.

Vì lý do này, thực hành trở thành tiêu chuẩn quyết định. Sự nhấn mạnh là về sự phân định, vốn bao gồm nhân đức khôn ngoan. Khi đó, chuẩn mực chỉ là một biểu tượng hướng chúng ta đến điều tốt đẹp, nhưng theo một cách tổng quát. Cuối cùng, điều tốt phải được xác định ở bình diện lương tâm. Biện phân được quan niệm như một tiến trình trong đó chuẩn mực và lương tâm đi vào một mối quan hệ vòng tròn “thích ứng lẫn nhau”, bao gồm việc giải thích và tường thuật chủ quan về các sự kiện và kinh nghiệm độc đáo, cũng như việc giải thích chuẩn mực như một biểu tượng của lý tưởng.

Cần phải lưu ý một cách có phê phán rằng cách tiếp cận này làm giảm lý trí thực tiễn đối với lương tâm chủ quan. Lý trí thực tiễn do đó mất đi tính khách quan và phổ quát của nó. Sự khôn ngoan không còn bắt nguồn từ lý trí phổ quát và luật tự nhiên mà bị thu gọn vào lương tâm.

c) Mô hình “điều tốt khả hữu”. Một chủ nghĩa Pêlagianô mới? (Philippe Bordeyne) [17]

Linh mục Philippe Bordeyne, Viện trưởng Học viện Công Giáo Paris, đề xuất những góc nhìn cho những gia đình mong manh. Sự thay đổi trong ngôn ngữ là hiển nhiên. Hạn từ “tội lỗi” không còn được sử dụng nữa. Nó được thay thế bằng thuật ngữ “mong manh” để không phán xét hay kỳ thị bất cứ ai. Mục tiêu của việc chăm sóc mục vụ là “sự hòa nhập của mọi gia đình”.

Ở đây cần lưu ý: Thánh Augustinô, trong diễn từ về Ê-dê-ki-en 34, đã phân biệt giữa những con chiên “yếu đuối” và những con chiên “bị bệnh”. [18] Hai loại này đòi hỏi sự đối xử rất khác nhau. Kẻ yếu, người có ít sức lực, cần được tiếp thêm sức mạnh. Người bệnh, nhiễm dục vọng rối loạn, không thể làm việc thiện, cần được chữa lành. Người mục tử, đồng thời là thầy thuốc, phải cẩn thận phân biệt tình trạng của từng con chiên và hành động phù hợp: con yếu đuối phải được thêm sức; người bệnh phải được đưa đến với Chúa Ki-tô, bộc lộ tội lỗi của họ và đặt họ trước Chúa Ki-tô, “mở mái nhà che giấu tội lỗi đó”. Do đó, đối với Thánh Augustinô, một diễn ngôn về tội lỗi là cần thiết để phân biệt về mặt mục vụ những điều kiện mà đoàn chiên có thể gặp phải. Việc phán xét là cần thiết. Thay đổi ngôn ngữ không phải là một giải pháp thỏa đáng. Khi ngừng nói về tội lỗi, người ta không loại bỏ được tội lỗi, nhưng làm mất đi khả năng chẩn đoán và chữa lành nó. Mục tử đã thực hiện điều trái ngược với hành động y khoa: nghĩa là che giấu cái ác, để cho nó mưng mủ mà không ai thấy được và không được chữa trị.

Thứ hai, đối với Bordeyne cũng vậy, những yếu tố giảm khinh trách nhiệm chủ quan trở thành các ngoại lệ đối với chuẩn mực “lý tưởng”. Bordeyne đề xuất một viễn kiến làm “tan rã” đời sống luân lý. Ngài gợi ý rằng một người có thể sống trong hoàn cảnh không hoàn hảo đối với một nhân đức cụ thể, đồng thời có tư cách tốt đối với các nhân đức khác, ở trong trạng thái ân sủng. Người ta có thể nhượng bộ một điểm cụ thể mà không lấy đi bất cứ điều gì từ phần còn lại. Người ta có thể ở trong tình trạng khách quan của tội trọng mà không đánh mất tình trạng ân sủng của mình. Điều còn thiếu là mối liên hệ giữa con người và hành động của họ (hành động được thực hiện quyết định bản sắc luân lý của con người: quan điểm “thực hành”), một điều, cuối cùng, đòi hỏi sự kết nối giữa các nhân đức. Thực thế, các nhân đức không phải là những phần của một khu vườn. Mỗi hành động đều đụng tới tâm hồn con người. Ngay cả việc vi phạm một điều răn duy nhất, thậm chí phạm tội chống lại một giới răn duy nhất, cũng đụng đến hoàn cảnh của con người trước Thiên Chúa. Thay vào đó, điều được đề xuất ở đây là sự tan rã của đời sống luân lý.

Bordeyne tiếp nhận tiêu chuẩn “điều tốt khả hữu”. Trong đoạn 303, Amoris Laetitia giao cho lương tâm vai trò hình thành “một phán đoán về khả thể”, bắt đầu từ năng lực cụ thể của chủ thể, được đánh giá một cách thực tiễn. Những gì lương tâm cho là khả hữu có thể chưa phải là lý tưởng nhưng nó đại diện cho điều tốt nhất có thể làm ở thời điểm hiện tại. “Nó cũng có thể nhận ra một cách chân thành và trung thực những gì hiện nay là câu trả lời quảng đại nhất có thể dành cho Thiên Chúa, và có thể nhìn nhận với một sự an toàn luân lý nhất định rằng đó là điều chính Thiên Chúa đang yêu cầu giữa sự phức tạp cụ thể của những giới hạn của con người.” [19]

Theo Bordeyne, việc cao ngạo muốn “vượt xa những điều tốt đẹp khả hữu” thực sự là sự cao ngạo- thiếu khiêm tốn. Đối với các nhà lãnh đạo tinh thần, yêu cầu như vậy cuối cùng sẽ dẫn tới việc bạo hành một người yếu đuối và không hoàn hảo— một việc thiếu lòng bác ái. Lúc đó, đề xuất sự thật theo cách này là một mối đe dọa đối với con người. Người ta phải khiêm tốn trước điều tốt và sẵn sàng trưởng thành trong đó. Nguyên tắc tăng trưởng ở đây không chỉ được áp dụng cho các chuẩn mực tích cực mà còn cho các chuẩn mực tiêu cực. Bordeyne không phân biệt giữa chuẩn mực luân lý tích cực và tiêu cực.

Đây chính là lúc nảy sinh vấn đề tiệm tiến (graduality) trong sự tăng trưởng dần dần hướng tới điều tốt. Vấn đề ở đây là một nguyên tắc áp dụng cho sự trưởng thành dần dần trong điều tốt cần làm (và do đó có giá trị đối với các chuẩn mực “tích cực”) cũng được áp dụng cho các chuẩn mực tiêu cực vốn cấm phạm tội lỗi (mặc dù “tội lỗi” bây giờ được gọi là “sự bất toàn”). Hành vi ngoại tình có thể là điều mà chính Thiên Chúa đòi hỏi nơi tôi, nếu lương tâm tôi mách bảo rằng bây giờ tôi không thể tránh nó hoàn toàn được. Thật vậy, theo Bordeyne, việc cố gắng tránh nó hoàn toàn sẽ là một sự cao ngạo đáng tự hào.

Phân tích cuối cùng, đây là một hình thức của chủ nghĩa Pêlagianô mới, tức là “chủ nghĩa Pêlagianô mới về mức tối thiểu”. Nếu phiên bản gốc của chủ nghĩa Pêlagianô cho rằng một người có thể thực hiện các điều răn của Thiên Chúa bằng chính sức mạnh con người của mình và không cần sự trợ giúp của ân sủng chữa lành, thì hình thức chủ nghĩa Pêlagianô mới này thích ứng điều răn cho phù hợp với sức mạnh của chính nó để thực hiện nó đến mức độ khả thi. Trong cả hai trường hợp, thước đo của điều tốt đẹp nằm ở khả năng được cho là của con người. Điều tốt đẹp được đo bằng các khả thể của con người.

Điều bị mất theo cách này là cái hiểu tương quan về con người, người tìm thấy những khả thể thực sự của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác (tức là trong cộng đồng). Công đồng Trent tuyên bố rằng Thiên Chúa không truyền lệnh cho chúng ta làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm, bởi vì Người cũng sẽ ban cho chúng ta ân sủng cần thiết nếu chúng ta cầu xin. Mặt khác, ở đây, thước đo của con người không còn là thước đo của Thiên Chúa nữa, mà là những gì tôi nghĩ mình có thể tự mình làm được. Tôi có thể tự mình làm điều đó. Tôi là thước đo của lòng tốt. Đây là bản chất của chủ nghĩa Pêlagianô, dù ở dạng cổ xưa hay hiện đại.

Kỳ sau: II. Pars Construens: Một cách tiếp cận tích cực

 
VietCatholic TV
Oanh liệt: Ukraine đánh chìm 2 tàu đổ bộ của Nga. CIA: Đừng tin những gì Tập nói. Nga dụ người Cuba
VietCatholic Media
01:53 07/05/2024


1. Video từ Crimea và Kherson cho thấy sự phá hủy các tàu đổ bộ của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea, Kherson Videos Show Destruction of Russian Landing Boats”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã công bố các video cho thấy quân đội nước này phá hủy các tàu đổ bộ của Nga ở Crimea đã sáp nhập và ở khu vực Kherson phía nam.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy một tàu cao tốc ở Vịnh Uzka ở Crimea bằng cách sử dụng thuyền không người lái Magura V5 trong một cuộc tấn công trong đêm, tình báo quân sự Kyiv cho biết hôm thứ Hai. Họ công bố một đoạn video về vụ tấn công, cho biết hoạt động này được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt Nhóm 13 của Ukraine.

Ukraine đã sử dụng thuyền không người lái hải quân Magura V5 trong nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu Nga trong những tháng gần đây, bao gồm cả vụ tấn công tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov của Hạm đội Hắc Hải của Nga hồi tháng 2.

Đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của Ukraine nhằm đòi lại bán đảo Hắc Hải, vốn đã bị Putin sáp nhập vào năm 2014. Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine diễn ra khốc liệt kể từ năm 2022.

Trung Tá Pletenchuk nói: “Khi nỗi lo sợ về các cuộc tấn công của Ukraine buộc quân xâm lược phải giấu các tàu lớn của Hạm đội Hắc Hải ra khỏi bán đảo, công việc chiến đấu vẫn tiếp tục chống lại các tàu chiến cơ động tốc độ cao của Nga đang xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải Crimea của Ukraine.”

Ông cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ nhắc nhở các bạn rằng với sự hỗ trợ của thuyền không người lái Magura V5, các tàu Nga Caesar Kunikov, Ivanovets, Sergey Kotov, Shark và Serna đã bị tiêu diệt, và tàu Ivan Khurs cũng bị hư hại”.

Hôm Chúa Nhật, Lữ đoàn biệt lập số 123 của Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine đã công bố một đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc một tàu cao tốc của Nga bị nổ tung bởi mìn ở khu vực Kherson bị tạm chiếm, khiến một số binh sĩ Nga rơi xuống biển.

Đoạn video dường như được quay ở sông Dnipro. Ukraine đã tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên qua sông sau khi giải phóng thành công thành phố Kherson và bờ tây sông vào cuối năm 2022. Quân của Kyiv đã đến được phía bị tạm chiếm của Dnipro vào giữa tháng 10 năm 2023 sau một cuộc vượt sông rộng lớn hoạt động.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Hai rằng lực lượng Mạc Tư Khoa cho đến nay đã mất 26 tàu chiến và thuyền kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này vào tháng 2 năm 2022. Số liệu này được cung cấp bởi Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, đồng thời đưa ra ước tính. về tổn thất quân đội và trang thiết bị của Nga hàng ngày.

2. Nga tập trung hàng chục ngàn quân xung quanh thị trấn quan trọng của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Amassing Tens of Thousands of Troops Around Key Ukrainian Town”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết Nga đã huy động tới 25.000 binh sĩ xung quanh khu định cư chiến lược Chasiv Yar, khi Điện Cẩm Linh tuyên bố đã chiếm giữ một thị trấn khác ở khu vực Donetsk.

“Đối phương đã tập hợp một nhóm gồm 20.000-25.000 quân nhân” xung quanh Chasiv Yar, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Hai, 6 Tháng Năm.

Chasiv Yar, một thị trấn trọng điểm nằm ở phía tây thành phố Bakhmut ở Donetsk bị Nga tạm chiếm, được Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ mô tả là một “thành phố pháo đài”. ISW đánh giá việc chiếm được Chasiv Yar sẽ giúp Nga tấn công phần còn lại của các khu định cư phòng thủ quan trọng của Ukraine.

ISW cho biết, việc chiếm giữ Chasiv Yar cũng có thể cho phép Nga cắt đứt khu định cư Kostiantynivka, điều này sẽ làm tổn hại đến “xương sống phòng thủ của Ukraine” ở khu vực Donetsk.

Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết hồi tháng trước rằng Mạc Tư Khoa đang cố gắng “phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng tôi ở phía tây Bakhmut”, giành quyền kiểm soát Chasiv Yar và “tạo điều kiện để tiến xa hơn” về phía thành phố Kramatorsk của Donetsk nằm ở phía tây bắc. của Chasiv Yar.

Điện Cẩm Linh muốn chiếm Chasiv Yar trước ngày 9 tháng 5, Syrskyi nói.

ISW đánh giá hôm thứ Bảy: “Các lực lượng Ukraine và Nga tiếp tục giao tranh gần Chasiv Yar vào ngày 4 Tháng Năm, nhưng không có thay đổi nào được xác nhận ở chiến tuyến này”.

Nga đã tập trung nỗ lực chính vào tiền tuyến phía đông, phía tây Bakhmut và phía tây Avdiivka, thành trì cũ của Ukraine mà Nga chiếm được vào tháng 2/2024.

Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết họ đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công gần Bakhmut trong 24 giờ trước đó, bao gồm xung quanh làng Klishchiivka, phía tây nam Bakhmut, và Ivanivske, phía tây Bakhmut và phía đông Chasiv Yar.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết quân đội của họ đã tấn công các vị trí của Ukraine gần Bakhmut, bao gồm cả xung quanh Klishchiivka.

Mạc Tư Khoa cho biết thêm trong một tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã “giải phóng hoàn toàn” thị trấn Ocheretyne, phía tây bắc Avdiivka do Nga nắm giữ.

Lực lượng vũ trang Ukraine hồi cuối tháng Tư cho biết Nga đã giành được chỗ đứng ở Ocheretyne và giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn.

ISW cho biết trong đánh giá mới nhất của mình rằng các lực lượng Nga đã thực hiện một “bước tiến chiến thuật đáng chú ý” gần Arkhanhelske, phía tây bắc Avdiivka, từ thứ Sáu đến thứ Bảy. ISW cho biết hồi đầu tháng này truyền thông Nga đưa tin rằng Ukraine đã rút khỏi thị trấn và đoạn phim được định vị địa lý từ thứ Sáu cho thấy quân đội Kyiv đang rút lui từ phía bắc của thị trấn.

3. Truyền thông cho biết lãnh đạo Trung Quốc muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Media: Chinese leader wants to work with international community to end war in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trung Quốc muốn hợp tác với Pháp và phần còn lại của cộng đồng quốc tế để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tường trình đã nói với hãng truyền thông Pháp Le Figaro vào ngày 5 Tháng Năm.

Chủ tịch Trung Quốc đã tới Paris vào ngày 5 Tháng Năm để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên ông Tập tới Liên Hiệp Âu Châu sau 5 năm. Trước các cuộc gặp chính thức, Bloomberg đưa tin ông Macron đang tìm cách tăng cường mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Trung Quốc để góp phần chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trung Quốc chính thức tuyên bố mình là một bên trung lập trong cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine, nhưng Washington vẫn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các nỗ lực mở rộng công nghiệp quốc phòng của Mạc Tư Khoa.

Reuters đưa tin vào tháng 4, dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên, rằng Trung Quốc đang hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp máy công cụ, công nghệ vũ khí và hình ảnh vệ tinh.

Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã đăng một bài trên tờ Le Figaro, nói rằng ông đến Pháp với “ba thông điệp”. Ông cho biết dự định hợp tác với Pháp về chủ đề cuộc chiến của Nga ở Ukraine “để tăng cường liên lạc và phối hợp nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới”. Ông cũng cho biết ông hiểu những quan ngại của người Âu Châu liên quan đến cuộc chiến Ukraine và vẫn cam kết “toàn vẹn lãnh thổ, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp lẫn nhau vào công việc nội bộ, bình đẳng và cùng có lợi”.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập còn tuyên bố “trung thành áp dụng những nguyên tắc này”.

Bất chấp thực tế là Trung Quốc đang xâm lược Tây Tạng, liên tục chiếm các đảo ở Biển Đông, xâm lược miền bắc Việt Nam vào năm 1979, và liên tục giao tranh ở miền Bắc Ấn Độ, Tập Cận Bình nói:

“Kể từ khi thành lập nước Trung Quốc mới hơn 70 năm trước, nước này chưa bao giờ gây chiến hay chiếm một tấc đất của người khác”.

Ông cũng nhấn mạnh “vai trò mang tính xây dựng” của mình trong cuộc xung đột Ukraine. “Trung Quốc không gây ra cuộc khủng hoảng này, cũng không phải là một bên hay một bên tham gia vào cuộc khủng hoảng này”. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng “hòa bình và ổn định sẽ nhanh chóng trở lại Âu Châu”.

Thay vào đó, Trung Quốc muốn “làm việc với Pháp và toàn bộ cộng đồng quốc tế” để “giải quyết cuộc khủng hoảng” ở Ukraine.

Bắc Kinh đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, tăng cường hợp tác kinh tế và phá vỡ các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga. Trung Quốc cũng cân nhắc về khả năng đàm phán hòa bình và cho biết các cuộc đàm phán phải có sự tham gia của Mạc Tư Khoa.

Chính phủ Trung Quốc trước đây đã phản ứng trước những lời chỉ trích về quan hệ đối tác của họ với Mạc Tư Khoa, tuyên bố rằng cả hai nước đều có quyền thực hiện “hợp tác bình thường”.

4. Ban Giám đốc Rheinmetall hứa sẽ gửi hàng trăm ngàn quả đạn pháo cho Kyiv trong năm nay

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Rheinmetall CEO promises to send Kyiv 'hundreds of thousands' of shells this year”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo Handelsblatt của Đức số ra hôm Chúa Nhật 5 Tháng Năm, Armin Papperger, Giám đốc điều hành Rheinmetall, là nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, cho biết Rheinmetall sẽ cung cấp cho Ukraine “hàng trăm ngàn” quả đạn pháo vào năm 2024, bao gồm cả nguyên mẫu đạn pháo có tầm bắn 100 km.

Khi Nga tăng cường các cuộc tấn công trên không vào các thành phố của Ukraine và giành được chỗ đứng dọc tiền tuyến phía đông Ukraine, tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng đã hạn chế mức độ mà quân đội Ukraine có thể đáp trả.

“Pháo binh là kẻ thay đổi cuộc chơi,” Papperger cho biết tại một sự kiện do Hiệp hội Nhà báo Kinh doanh tại Câu lạc bộ Công nghiệp Dusseldorf tổ chức.

Papperger cho biết Rheinmetall có kế hoạch gửi “hàng trăm ngàn” đạn pháo tới Ukraine trong năm nay và việc giao hàng sẽ bao gồm các nguyên mẫu đạn pháo tầm xa có thể di chuyển 100 km.

Papperger cho biết Rheinmetall đang tập trung nhiều vào sản xuất đạn pháo. Trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, công ty vũ khí này có công suất khoảng 70.000 quả đạn pháo hàng năm. Năm nay, công ty dự kiến sẽ sản xuất được 700.000 quả.

Papperger cho biết sản lượng pháo đã giảm dần ở cả Mỹ và Âu Châu trong những năm gần đây.

Ông nói: “Thế giới phương Tây chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thông thường.

Papperger cho biết Rheinmetall có kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất đạn pháo mới ở Unterluess, Đức và ở Lithuania.

Trước đó, công ty này tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất đạn pháo ở Ukraine cùng với các cơ sở chuyên sản xuất xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.

Trong Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, Papperger đã ký một bản ghi nhớ với Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin để sản xuất đạn pháo tại một nhà máy chung khác có trụ sở tại Ukraine.

5. BBC cho biết Nga dụ người Cuba vào quân đội với mức lương cao, hộ chiếu Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “BBC: Russia lures Cubans to army with offers of high pay, Russian passport”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng Nga đã ép buộc công dân Cuba gia nhập Lực lượng Vũ trang Nga với mức lương khoảng 2.000 Mỹ Kim mỗi tháng, bên cạnh việc cung cấp hộ chiếu Nga trong vòng vài tháng sau khi ghi danh, một cuộc điều tra của BBC tiết lộ vào ngày 4 tháng 5.

Theo BBC, hàng trăm người Cuba được cho là đã gia nhập Lực lượng vũ trang Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Ít nhất 200 tên của người Cuba đã bị rò rỉ vào tháng 9 và tháng 10 năm 2023 bởi các tin tặc thân Ukraine, trong đó BBC xác nhận ít nhất 31 tài khoản có tên trùng khớp với hồ sơ bị rò rỉ dường như ở Nga hoặc có liên quan đến quân đội Nga.

Cuộc điều tra của BBC còn tiết lộ thêm các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy một số người Cuba đang nhận hộ chiếu Nga trong vòng vài tháng sau khi ghi danh vào Lực lượng Vũ trang, một giả thuyết đã được các phương tiện truyền thông địa phương chứng thực rằng quyền công dân cho các chiến binh Cuba mới được tuyển dụng sẽ được cấp “trong tương lai”.

Những người Cuba khác đã chuyển đến Nga với hy vọng tìm được việc làm trong ngành xây dựng được cho là đã được gửi đến mặt trận phía đông Ukraine. Vào tháng 9 năm 2023, Cuba đã phát hiện ra một đường dây buôn người nhằm tuyển mộ người chiến đấu cho Nga, một hành vi mà Bộ Ngoại giao Cuba “kiên quyết chống lại”.

Nga tiếp tục tăng cường chiến dịch tuyển dụng người nước ngoài ở các nước láng giềng và bóc lột lao động nhập cư phục vụ cuộc chiến chống Ukraine nhằm tránh việc huy động trong nước. Các tân binh nước ngoài từ Nepal, Cuba, Uzbekistan, Armenia, Kazakhstan, Somalia, cũng như các quốc gia Trung Á và Phi Châu khác, là mục tiêu tuyển dụng chính.

Vào tháng Giêng, Putin đã ban hành sắc lệnh cho phép công dân nước ngoài gia nhập Lực lượng Vũ trang Nga có thể nộp đơn xin quốc tịch Nga.

Cuba và Nga, hai đồng minh kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, được miễn thị thực đi lại giữa hai nước, cũng như có các chuyến bay thẳng giữa Havana và Mạc Tư Khoa.

6. Tờ Die Zeit cho biết dữ liệu về các cuộc họp của Bundeswehr có sẵn trực tuyến cho đến ngày 3 tháng 5

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Die Zeit: Data on Bundeswehr meetings were available online until May 3”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo hãng truyền thông Đức Die Zeit, nghĩa là “Thời Điểm” dữ liệu bị rò rỉ về hơn 6.000 cuộc họp do Budeswehr, tức là lực lượng vũ trang Liên Bang Đức, tổ chức đã có sẵn trực tuyến cho đến ngày 3 tháng 5.

Báo cáo của Die Ziet được đưa ra sau khi đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa các sĩ quan Không quân Đức về việc chuyển hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Ukraine và việc huấn luyện quân đội Ukraine bị rò rỉ.

Đoạn hội thoại dài gần 40 phút được Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình RT do Điện Cẩm Linh kiểm soát, đăng tải hôm 1 Tháng Ba.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sau đó nói rằng cuộc gọi giữa các sĩ quan được thực hiện thông qua nhu liệu hội nghị truyền hình Webex được lưu trữ trên máy chủ của quân đội Đức, nhưng “không phải tất cả những người tham gia đều tuân thủ quy trình quay số an toàn theo yêu cầu”.

Theo Die Zeit, hàng ngàn liên kết chứa thông tin về các hội nghị đã có sẵn trực tuyến cho đến tối ngày 3 tháng 5. Thông tin được cho là bao gồm thông tin về lịch trình, chương trình nghị sự, thời lượng, người tổ chức các cuộc họp.

Die Zeit cho biết vụ rò rỉ có thể “nghiêm trọng” vì một số cuộc họp trực tuyến là bí mật.

Các nhà báo của Die Ziet được tường trình có thể tham gia vào phòng họp video riêng của một số nhân viên Bundeswehr, bao gồm cả nhà lãnh đạo Lực lượng Không quân Đức, Trung tướng Ingo Gerhartz. Die Zeit khẳng định cuộc họp không có mật khẩu bảo vệ.

Budeswehr được cho là không loại trừ khả năng thông tin bí mật đã bị rò rỉ.

7. Tổng thống Georgia cáo buộc chính phủ 'có xu hướng nhượng bộ Nga'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Georgian president accuses government of being 'prone to making concessions to Russia'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili đã tăng cường chỉ trích đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia trong cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle hôm Chúa Nhật 5 Tháng Năm, trực tiếp cáo buộc chính phủ “có xu hướng nhượng bộ Nga”.

Zourabichvili nói: “Ngày càng rõ ràng rằng không chỉ 'luật pháp Nga' mới là vấn đề, mà vấn đề là ở chính phủ Nga.

Zourabichvili đang đề cập đến luật đặc vụ nước ngoài gây tranh cãi, được những người phản đối ở Georgia gọi phổ biến là “luật Nga”, mà Giấc mơ Georgia đang cố gắng thông qua tại quốc hội.

Đạo luật này, dự kiến được đọc lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng vào ngày 17 tháng 5, sẽ yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải được coi là “đặc vụ nước ngoài”. Nó phản ánh luật pháp đàn áp của Nga được sử dụng để trấn áp những người chỉ trích chế độ Điện Cẩm Linh.

Những nỗ lực thông qua luật đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trong nước, trong đó cảnh sát được cho là đang đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại người biểu tình bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.

Một số phương tiện truyền thông cũng đưa tin vào ngày 3 tháng 5 rằng những người đàn ông đeo mặt nạ không rõ danh tính bắt đầu đánh đập người biểu tình một cách ngẫu nhiên.

Chính phủ Georgia cũng đã tổ chức biểu tình rầm rộ chống phương Tây nhằm thông qua luật 'kiểu Nga'

Bình luận của Zourabichvili phản ánh quan điểm ngày càng tăng rằng các cuộc biểu tình không chỉ nhằm vào đạo luật không được lòng dân mà còn chuyển sang quan điểm chống phương Tây rộng rãi hơn.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã lên án luật pháp và nỗ lực của Giấc mơ Georgia nhằm thông qua nó đi ngược lại ý chí rõ ràng của người dân.

Trong nỗ lực ngoại giao mới nhất, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze, trong đó ông nhấn mạnh rằng “tương lai của Georgia thuộc về Liên Hiệp Âu Châu” và kêu gọi thủ tướng không “bỏ lỡ cơ hội lịch sử này”.

Ngược lại, Kobakhidze cũng bình luận về cuộc điện thoại, nói rằng ông bày tỏ “sự thất vọng” trước việc các quan chức Liên Hiệp Âu Châu được cho là không sẵn lòng thảo luận về luật đặc vụ nước ngoài.

Thủ tướng cũng lặp lại các thuyết âm mưu không có căn cứ về vai trò có mục đích của các tổ chức phi chính phủ trong việc thực hiện các cuộc cách mạng ở Georgia vào năm 2020 và 2023.

Kobakhidze kết luận rằng luật về đặc vụ nước ngoài là “điều kiện tiên quyết quan trọng để đạt được quá trình chống phân cực, đây là khuyến nghị chính của Liên Hiệp Âu Châu”.

Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc thông qua luật này sẽ làm tổn hại đến cơ hội gia nhập khối của Georgia.

8. Vương quốc Anh cho biết Nga dựa vào 'số lượng hơn phẩm chất' khi Mạc Tư Khoa đối mặt với tổn thất ngày càng tăng

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia Relying on 'Mass Over Quality' As Moscow Faces Rising Losses: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Theo các quan chức quân sự Anh, quân đội Nga đã thích nghi với tổn thất cao về binh sĩ trên chiến trường Ukraine và có khả năng sẽ tiếp tục chiến thuật tung quân về phía trước bất kể tổn thất nhân mạng trong các cuộc tấn công cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Thuật ngữ “máy xay thịt” được sử dụng để mô tả chiến thuật của Nga trong việc gửi các làn sóng binh lính thường được huấn luyện và trang bị kém xung phong tiêu diệt lực lượng Ukraine và phát hiện vị trí của họ cho pháo binh Nga. Cách thức tấn công như thế thường được các quốc gia khác gọi là “chiến thuật biển người”. Nhưng, người Nga gọi một cách châm biếm và rùng rợn là “chiến thuật máy xay thịt”. Thuật ngữ này rất phổ biến tại Nga được các binh sĩ, các blogger quân sự Nga, và thỉnh thoảng cả các quan chức quốc phòng Nga sử dụng.

Khi áp dụng chiến thuật “máy xay thịt”, lợi ích của Nga ngày càng tăng nhưng lực lượng của họ đã chiếm được ưu thế chiến thuật sau khi chiếm được Avdiivka ở tỉnh Donetsk, mặc dù phải trả một cái giá rất lớn.

Theo số liệu mới nhất của Ukraine công bố hôm thứ Bảy, lực lượng Nga đã chịu tổn thất hơn 1.000 người trong ngày thứ bảy liên tiếp, với 1.260 người thiệt mạng và bị thương, nâng tổng số người trong cuộc chiến lên 473.400 người.

Mặc dù rất khó để tính toán chính xác con số thiệt hại về nhân sự của Nga, nhưng nó không khác bao nhiêu với ước tính 465.000 người mà Bộ Quốc phòng Anh đưa ra hôm thứ Bảy cho biết thương vong sẽ tăng trở lại vào tháng 5 và tháng 6 trong bối cảnh các hoạt động tấn công mới ở phía đông của Ukraine. Điều này xảy ra sau khi “tốc độ tấn công giảm nhẹ” trong hai tháng qua.

Các quan chức Anh cho biết: “Có khả năng là bất chấp cái giá phải trả cực lớn về nhân mạng, Nga đã hoàn toàn điều chỉnh quân đội của mình cho một cuộc chiến tranh tiêu hao vốn dựa vào số lượng hơn là phẩm chất”.

“Sự phụ thuộc vào số lượng lớn gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong suốt cuộc chiến tranh Ukraine và có tác động lâu dài đến quân đội tương lai của Nga.”

Ước tính của Ukraine và Anh về thương vong của Nga gần giống với ước tính của Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Stéphane Séjourne nói với hãng tin độc lập Novaya Gazyeta rằng con số lên tới 500.000, trong đó có 150.000 người đã thiệt mạng.

Nga đã không đưa ra bất kỳ thông tin cập nhật nào về số liệu thiệt hại của mình kể từ khi họ cho biết vào tháng 9 năm 2022 rằng chỉ có dưới 6.000 binh sĩ thiệt mạng.

Ukraine đã không đưa ra thông tin cập nhật về tổn thất của mình kể từ khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 2 rằng 31.000 quân của ông đã thiệt mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Sáu cho biết tổn thất về quân số của Kyiv đã vượt quá 111.000 người.

Trong khi đó, hãng tin độc lập Mediazona đã hợp tác với đài BBC News của Nga để tổng hợp số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng, dựa trên những thông tin công khai như cáo phó và thông báo trực tuyến. Số liệu mới nhất của họ tiết lộ vào ngày 26 Tháng Tư rằng ít nhất 51.679 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, mặc dù họ nhấn mạnh con số tử vong thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

9. Mạc Tư Khoa đe dọa tấn công các cơ sở quân sự của Anh sau phát biểu của Cameron

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Moscow threatens to strike British military facilities following Cameron’s remarks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga hôm thứ Hai cho biết họ có thể tấn công các cơ sở và thiết bị quân sự của Anh cả “trong và ngoài” Ukraine nếu vũ khí của Anh được Kyiv sử dụng để tấn công lãnh thổ của nước này.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố: “Bất kỳ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trên lãnh thổ Ukraine và xa hơn nữa đều có thể là phản ứng đáp lại các cuộc tấn công của Ukraine bằng việc sử dụng vũ khí của Anh trên lãnh thổ Nga”.

Bà ta cho biết Bộ Ngoại Giao cũng triệu tập Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa “để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ” liên quan đến những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Anh David Cameron.

Bà ta nhấn mạnh rằng: “Đại sứ được kêu gọi suy nghĩ về những hậu quả thảm khốc không thể tránh khỏi của những bước đi thù địch như vậy của Luân Đôn và ngay lập tức bác bỏ những tuyên bố khiêu khích hiếu chiến của nhà lãnh đạo Bộ Ngoại giao một cách dứt khoát và rõ ràng nhất”.

Cameron nói với Reuters tuần trước rằng Ukraine có “quyền” sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công Nga bên trong lãnh thổ của mình.

Zakharova cho biết: “Phía Nga coi những lời của Cameron là bằng chứng cho thấy sự leo thang nghiêm trọng và xác nhận sự tham gia ngày càng tăng của Luân Đôn vào các hoạt động quân sự bên phía Kyiv”.

Mối quan hệ giữa Anh và Nga trở nên xấu đi kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khiến Luân Đôn áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa.

Trước đó vào thứ Hai, Nga tuyên bố đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân, cáo buộc các quan chức phương Tây đưa ra “những tuyên bố khiêu khích và đe dọa” bằng cách tăng cường ủng hộ Ukraine.

10. Du học sinh Nga du học Phần Lan bị bắt vì nghi ngờ xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian students studying in Finland detained on suspicion of exporting dual-use goods”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Ba sinh viên Nga đang học tập tại Phần Lan đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng không xác định - đó là những mặt hàng phù hợp với khả năng quân sự, hãng Yle của Phần Lan đưa tin hôm 5 Tháng Năm.

Không có thông tin chi tiết nào được công bố về loại hàng hóa lưỡng dụng nào mà sinh viên bị cáo buộc xuất khẩu. Hàng hóa lưỡng dụng thường đề cập đến nhiều loại mặt hàng, bao gồm phụ tùng công nghệ và điện, hóa chất, pin lithium, động cơ và động cơ phụ cho máy bay không người lái và nhiều thiết bị khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Liên minh Âu Châu đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau nhắm vào hàng hóa có công dụng kép, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ liệu các nghi phạm có bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế hay không.

Theo Yle, ba bị cáo - hai người đàn ông đều 25 tuổi và một phụ nữ 18 tuổi - đã bị giam giữ vào ngày 30 Tháng Tư tại thị trấn Kajaani.

Ba sinh viên bị giam giữ tại ký túc xá của trường Cao đẳng nghề Kainuu. Theo các nhà điều tra, cả ba nghi phạm đều có quốc tịch Nga.

Tòa án thành phố Kajaani dự kiến sẽ quyết định xem liệu các cáo buộc chính thức có được đưa ra trong những ngày tới hay không. Thời hạn tù tối thiểu cho hành vi xuất khẩu trái phép hàng hóa là từ 4 tháng đến 4 năm.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 6 Tháng Năm

Trong bản tin tình báo ngày 6 Tháng Năm,, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến các lực lượng Chechnya tham chiến bên cạnh quân Nga ở Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Nhiều khả năng có khoảng 9.000 nhân sự hiện đang phục vụ trong các đơn vị Chechnya thân Nga ở Ukraine.

Lực lượng Chechnya thân Nga đã chiến đấu ở Ukraine từ năm 2014. Các đơn vị Chechnya bổ sung đã được phái đến Ukraine khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022. Tuy nhiên, chịu tổn thất nặng nề lúc ban đầu, các đơn vị Chechnya phần lớn chỉ được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh khu vực hậu phương hoạt động và bị chế giễu là đội quân 'TikTok' vì những trò hề trên mạng xã hội của họ. Kể từ khi công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga rút khỏi tiền tuyến từ tháng 5 năm 2023, các đơn vị Chechnya đã bị ép trở lại phục vụ tiền tuyến.

Có khả năng các đơn vị lực lượng đặc biệt Chechnya phải gánh chịu gánh nặng chiến đấu ở tiền tuyến, trong khi phần lớn lực lượng Chechnya tiếp tục tiến hành các hoạt động an ninh khu vực hậu phương. Bên cạnh việc cung cấp nhân sự, đóng góp quan trọng khác của Chechnya trong cuộc chiến của Nga chống Ukraine là huấn luyện binh sĩ Nga. Theo lãnh đạo Chechnya, Trường Võ bị Lực lượng Đặc biệt Nga ở Gudermes, Chechnya, đã đào tạo khoảng 42.000 quân nhân Nga kể từ năm 2022. Tuy nhiên, có khả năng các binh sĩ chỉ được đào tạo tối đa 10 ngày tại trung tâm huấn luyện này, khiến hiệu quả của việc đào tạo và tổ chức bị nghi ngờ.
 
Thánh Ca
Lời Mẹ Trong Đêm
Phạm Trung
01:59 07/05/2024
 
Chuổi Kinh Mân Côi
Phạm Trung
02:02 07/05/2024