Ngày 10-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:56 10/09/2024

31. Tất cả ơn thiên triệu bị từ bỏ, nguyên nhân đầu tiên chính là đã bỏ giờ cầu nguyện suy gẫm.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 10/09/2024
56. CON CHÁU CỦA NGẢI TỬ

Ngải Tử có đứa cháu mười tuổi tính khí rất xấu, ông ta thường đánh nó nhưng nó vẫn không thay đổi tính nết.

Bởi vì nó là con một, ba nó sợ đánh nó chết nên thường khóc xin Ngải Tử tha thứ cho nó, Ngải Tử giận dữ đánh thằng cháu càng tợn hơn.

Một sáng sớm nọ tuyết rơi nhiều, thằng cháu lại lấy tuyết vo tùng cục mà đùa giỡn trên tuyết, Ngải Tử bèn lấy áo quần của nó và bắt nó quỳ trên đất tuyết lạnh đến run lẩy bẩy, con trai cũng cởi áo quỳ một bên.

Ngải Tử kinh ngạc hỏi:

- “Con mày có lỗi thì nó chịu phạt, tại sao mày lại chịu khổ như thế hử?”

Con trai khóc nói:

- “Trời lạnh cóng ba phạt con của con, con cũng phạt lại con của ba phải lạnh cóng như thế !”

Ngải Tử cười lớn, miễn cho đứa cháu hình phạt.

(Ngải Tử hậu ngữ)

Suy tư 56:

Đời cha, đời con và đời cháu là sự liên hệ máu mủ thân thiết gần gũi nhất trong gia tộc, cho nên sự vinh nhục đều có liên hệ với nhau, như khi có tội với triều đình thì bị tru di tam tộc, hoặc khi được thăng quan tiến chức thì một người làm quan cả họ được nhờ, hoặc là đời cha ăn mặn thì đời con khát nước.v.v...chính là để nói lên sự gắn bó mật thiết với nhau trong gia tộc.

Có những cha mẹ dạy con nhưng ông bà lại bênh vực chúng nó, đó là ông bà bắc cầu để cháu vượt ra khỏi kỷ cương gia đình trở thành mối an nguy cho xã hội sau này; có những ông bà sửa phạt cháu nhưng cha mẹ lại công khai bênh vực chúng nó, thế là cha mẹ đã gieo mầm ích kỷ nổi loạn trong lòng con cái của mình. Gia đình là nền tảng giáo dục nhân bản của con cái, nó cũng là nơi mà Thiên Chúa chúc phúc nhiều nhất cho cha mẹ và con cái qua các bí tích, để gia đình trở nên cái nôi hạnh phúc và yêu thương, không những cho con cái mà thôi, nhưng còn là cho xã hội và cho mọi người.

Giáo dục trẻ em không là độc quyền của ai, nhưng là bổn phận trực tiếp nhất, cấp thiết nhất và trách nhiệm nhất là của cha mẹ, do đó mà cha mẹ phải biết cám ơn những người đã gián tiếp dạy dỗ con mình, đó là các đoàn thể trong giáo xứ, các thầy cô ở nhà trường, đó là các đoàn thể trong Giáo Hội và ngoài xã hội.v.v...

Không một cha mẹ nào mà không biết dạy dỗ con cái, nhưng chỉ có những cha mẹ chỉ biết nuông chiều con mới không biết dạy con cái nên người mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 11/09: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:03 10/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Đó là lời Chúa
 
Cần một tầm cao
Lm. Minh Anh
13:45 10/09/2024
CẦN MỘT TẦM CAO
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em!”.

“Phúc cho ai nghèo khó, đang đói, đang khóc! Để hiểu nó, niềm tin của bạn cần một tầm cao! Mất để mất, mất để được! Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài; đồng thời, xác tín, đây là những lời từ miệng Ngài phán ra, “Phúc cho anh em, những kẻ nghèo khó!”. Rất nghịch thường, nhưng đó là sự thật. Để hiểu nó, niềm tin của bạn và tôi ‘cần một tầm cao!’.

Hãy hình dung Chúa Giêsu đang trìu mến nhìn vào khuôn mặt những kẻ theo Ngài, Ngài cũng yêu thương nhìn vào mắt bạn và tôi để nói những lời đó. Chúng ta chấp nhận và tin điều Ngài nói. Đương nhiên, nghèo nàn, đói khát, buồn phiền không hấp dẫn ai, nhưng Ngài tuyên bố chúng là những giá trị đích thực của Nước Trời. Và thế là đủ!

Ngài khuyến khích chúng ta hướng lên kho báu Nước Thiên Chúa, đừng sợ phải thiếu thốn, khó nghèo. Ngài sẽ chăm sóc, bồi thường. Thiên đàng đang đợi; ở đó, tiếng cười và niềm vui, một sự viên mãn khôn lường. Quả là gian nan khi không tìm kiếm ‘thiên đàng trên đất’ trong giàu sang, danh lợi vốn là những gì làm người đời mất sức lực, mất thời giờ, sức khoẻ để tài bồi; và rốt cuộc, tay trắng ra đi. Họ mất để mất! Phaolô nói, “Thời gian chẳng còn bao lâu. Ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì bộ mặt thế gian này đang biến đi!” - bài đọc một. Như vậy, ai không bị ràng buộc, dám mất tất cả vì Nước Trời, sẽ được tất cả. Mất để được! Niềm tin đó ‘cần một tầm cao!’.

Khác với các phúc của Matthêu, bốn phúc của Luca còn kèm thêm bốn hoạ, “Khốn cho các người là những kẻ giàu có”, “no nê”, “được vui cười”, “ca tụng”. Nếu con đường của bạn và tôi xem ra ‘phù hợp hơn’ với những mặt đối lập này; thì hôm nay, hãy nhìn lại! Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?

Vậy, đừng đặt niềm tin vào các thứ phù du; đừng tìm ‘hạnh phúc rẻ’ bằng việc chạy theo ‘những người bán khói’ đang chào mời một nền văn hoá chết chóc; họ những chuyên gia về ảo tưởng vốn chỉ khiến bạn ‘mất để mất!’. Bạn ‘cần một tầm cao’ của niềm tin hầu biết nhìn sâu sắc hơn về các thực tại và tự chữa lành tật ‘thiển cận kinh niên’ mà tinh thần thế tục đã tiêm nhiễm. Chúa Giêsu đang khuấy động chúng ta; qua đó, Ngài tiết lộ điều gì thực sự làm chúng ta phong phú, no thoả; mang lại niềm vui và phẩm giá; mang lại ý nghĩa và sự viên mãn cho một cuộc sống ‘mất để được!’.

Anh Chị em,

“Phúc cho anh em, những người nghèo khó!”. Hãy đặt các giá trị thế gian vào đúng vị trí của chúng! Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi cơn khát của cải, khỏi việc chạy theo những hứa hão của thế gian và khỏi việc đặt trái tim mình vào những gì thuộc tầm thấp! Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi tìm kiếm bất kỳ niềm vui nào trong khen ngợi của thế gian, vì điều đó có nghĩa là chúng ta đã đặt trái tim mình vào ‘vinh quang đất cát’ thay vì ‘vinh quang thiên đàng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mất cả chài lẫn chì - đời này lẫn đời sau - nếu con chỉ tìm kiếm những gì không phải Chúa hay những gì ‘ít Chúa’ nơi chốn lè tè này!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ở một đất nước mà các linh mục là chúa tể, Đức Giáo Hoàng cảnh báo giáo sĩ không bao giờ được đè bẹp người khác
Vũ Văn An
00:29 10/09/2024

Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, ngày 10 tháng 9 năm 2024, cho rằng Đông Timor, quốc gia có chủ quyền đầu tiên của thế kỷ 21 vào năm 2002, là một quốc gia mà các linh mục Công Giáo rất quan trọng. Nói một cách chính thức, 98 phần trăm dân số 1.3 triệu người là người Công Giáo, và giáo sĩ ở đây được tôn kính, một phần vì vai trò của họ là những nhà lãnh đạo và anh hùng của phong trào giành độc lập.



Trong một dấu hiệu của sự tôn kính đó, các linh mục được gọi tại địa phương là Amu, một thuật ngữ có nghĩa là "chúa tể". Tuy nhiên, sự tôn trọng như vậy có thể có mặt trái, với một ví dụ là một số ít người Timor lên tiếng cáo buộc giáo sĩ lạm dụng hoặc có hành vi sai trái thường phải vật lộn lắm mới được thụ lý.

Trong bối cảnh đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sử dụng bài phát biểu trước các giám mục và giáo sĩ vào ngày thứ hai trong chuyến thăm đất nước này từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 để đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị và cảm giác tự tôn, nói với các mục tử địa phương rằng hãy khiêm nhường và thay vào đó hãy tập trung vào việc phục vụ những người cần nhất.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các giáo sĩ rằng địa vị danh giá của họ ở đất nước này “không nên khiến anh em cảm thấy mình vượt trội hơn người dân hoặc khiến anh em rơi vào cám dỗ kiêu ngạo hoặc cảm thấy mình có quyền lực. Nó không nên khiến anh em nghĩ rằng thừa tác vụ của mình là ban phát uy tín xã hội, hành động như những nhà lãnh đạo đàn áp người khác”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các nhà lãnh đạo của giáo hội địa phương tiếp tục nỗ lực truyền giáo và hòa hợp xã hội.

Đức Giáo Hoàng cho biết các giáo sĩ ở Đông Timor phải “nhiệt huyết, chuẩn bị và sáng tạo” trong công tác truyền giáo và cảnh báo các linh mục không nên nghĩ rằng họ vượt trội hơn người khác hoặc ngày càng gắn bó với quyền lực.

“Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta xức dầu thơm lên chân Chúa Kitô, đó là chân của anh chị em chúng ta trong đức tin, bắt đầu từ những người nghèo nhất”, ngài nói, và nói rằng một linh mục luôn là “một công cụ ban phước lành”.

“Đừng bao giờ lợi dụng vai trò này. Anh em phải luôn ban phước lành và an ủi; luôn là một mục tử của lòng cảm thương và là dấu hiệu của lòng thương xót của Thiên Chúa”, ngài nói, và kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách nói với các mục tử và tu sĩ đừng nản lòng, và hãy cầu nguyện, đảm bảo với họ về lời cầu nguyện của riêng ngài.

Đức Giáo Hoàng đã hạ cánh xuống Dili, thủ đô của Đông Timor, vào chiều thứ Hai, nơi ngài được hàng trăm nghìn người dân địa phương xếp hàng trên đường phố vẫy tay chào và cầu xin phước lành khi ngài đi qua.

Sau khi tham dự buổi lễ chào đón chính thức tại Dinh Tổng thống ở Dili, Đức Giáo Hoàng đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta trước khi có bài phát biểu trước các cơ quan dân sự quốc gia, kêu gọi họ giải quyết nhiều thách thức xã hội khác nhau và ủng hộ việc bảo vệ phẩm giá của thanh thiếu niên trong bối cảnh các vụ tai tiếng lạm dụng giáo sĩ gần đây.

Đức Giám Mục Norberto do Amaral của Maliana, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đông Timor, đã chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đến Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Dili, gọi chuyến thăm của ngài đến đất nước này là “niềm vui và vinh dự”.

Ngài chỉ ra số lượng lớn người Công Giáo ở đất nước này, với khoảng 98 phần trăm dân số 1,340,000 người theo đạo Công Giáo.

“Đây là một quốc gia ở vùng ngoại vi của thế giới và, người ta có thể nói, ở tận cùng trái đất. Ở đây, quốc gia này được gọi là muối và ánh sáng”, ngài nói, bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ là “khoảnh khắc cầu nguyện, lắng nghe và ban phước mà Đức Thánh Cha muốn truyền đạt cho chúng con”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã lắng nghe ba lời chứng trong cuộc gặp gỡ với các giám mục, giáo sĩ và tu sĩ, bao gồm lời chứng của Sơ Rosa Saramento, người đã nói về sự tham gia của mình vào việc đào tạo phụ nữ và thanh thiếu niên.

Bà gọi Đông Timor là "một ốc đảo của ơn gọi linh mục và tu sĩ", lưu ý rằng phần lớn dân số còn trẻ và yêu cầu Đức Giáo Hoàng ban phước lành đặc biệt cho trẻ em của đất nước, cũng như người già, người bệnh và người khuyết tật.

Trong một dấu hiệu cho thấy giáo hội và nhà nước thường đan xen như thế nào ở Đông Timor, nơi giáo hội là người ủng hộ chính cho nỗ lực giành độc lập của đất nước, Cha Sancho Amaral, 68 tuổi, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi giúp Tổng tư lệnh lúc bấy giờ và Thủ tướng hiện tại Kay Rala Xanana Gusmão đến thị trấn phía đông Ossu từ Dili vào năm 1991, khi đất nước vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng của Indonesia.

Cha Amaral giải thích rằng chuyến đi rất phức tạp và khi họ bị quân đội Indonesia chặn lại và thẩm vấn, họ đã để ông đi qua mà không bị cản trở vì ông đeo cổ áo linh mục, cho phép Gusmão gặp các chỉ huy của mình. Ông gọi đây là một ví dụ về sự bảo vệ của Chúa đối với những người mà Người cử đi truyền giáo.

Florentino de Jesus Martins, 89 tuổi, đã nói về nhiều thập niên phục vụ của mình với tư cách là một giáo lý viên, trong các khu vực truyền giáo và xa hơn nữa, đôi khi đi bộ 6-10 km để hướng dẫn về phép rửa tội và Rước lễ lần đầu, đôi khi phải chịu đựng mưa lớn và gió mạnh. Martins cho biết ông đã nghỉ hưu ở tuổi 82 vào năm 2017, nhưng vẫn giúp đỡ những giáo lý viên khác đến với ông để xin góc nhìn và lời khuyên.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Đông Timor nằm "ở rìa thế giới. Và - tôi muốn nói - chính xác là vì nó ở rìa, nên nó nằm ở trung tâm của Tin Mừng! Vì chúng ta biết rằng trong trái tim của Chúa Kitô, ‘các vùng ngoại vi hiện sinh’ là trung tâm.”

Giáo hội, Đức Giáo Hoàng nói, phải là “một giáo hội đang chuyển động, một giáo hội không đứng yên, không xoay quanh chính mình, nhưng bùng cháy với niềm đam mê mang lại niềm vui của Tin Mừng cho tất cả mọi người.”

Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng trong đó, khi Chúa Giêsu ở nhà của La-da-rô, Martha và Maria, tại một thời điểm, Maria đã đổ nước hoa đắt tiền lên chân Chúa Giêsu.

Nhắc đến hình ảnh này, Đức Phanxicô nói rằng hương thơm của Tin Mừng phải được bảo tồn và lan tỏa, giống như nước hoa, và chỉ ra sự nổi bật của gỗ đàn hương ở Đông Timor, nơi có mùi thơm nồng nàn được săn đón trên toàn thế giới.

“Các bạn là hương thơm của Tin Mừng ở đất nước này… anh chị em là những môn đệ truyền giáo mang hương thơm của Chúa Thánh Thần để ‘say sưa’ cuộc sống của người dân của anh chị em,” ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng hương thơm này phải được “bảo tồn cẩn thận”, điều mà ngài nói bao gồm nhận thức rằng hương thơm không chỉ dành cho bản thân mà phải được đổ ra cho Chúa Kitô trong những người nghèo.

“Điều đó có nghĩa là phải cảnh giác với chính mình vì sự tầm thường về mặt tinh thần luôn rình rập,” ngài nói.

Đức Phanxicô nói về nhu cầu công bố Tin Mừng trong nền văn hóa của họ đồng thời thanh lọc nó “trước những tập tục và truyền thống cổ xưa và đôi khi là mê tín, chẳng hạn như niềm tin vào sự hiện diện của linh hồn người chết).

Ngài đang ám chỉ đến việc sống với Klamar, nghĩa là linh hồn của người chết không được lên thiên đàng hoặc không thể rời khỏi trái đất vì một lý do nào đó. Đức Giáo Hoàng nói rằng những niềm tin như thế này “luôn phải được thanh lọc dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo lý của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói về nhu cầu tiếp tục truyền giáo mặc dù số lượng người Công Giáo ở đất nước này rất đông, ngài nói rằng đây là lý do mà Giáo hội tồn tại.

Ngài nói rằng truyền giáo xảy ra “khi chúng ta có đủ can đảm để ‘phá vỡ’ chiếc bình đựng hương thơm, phá vỡ ‘lớp vỏ’ thường khép kín chúng ta lại với chính mình, để lại đằng sau một tôn giáo lười biếng và thoải mái chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân của chúng ta”.

Đức Phanxicô cho biết Đông Timor, mặc dù có lịch sử Kitô giáo lâu đời, cần "một động lực mới hướng tới việc truyền giáo", để Tin Mừng đến được với mọi người, đặc biệt nhấn mạnh đến sự hòa giải và hòa bình sau nhiều năm đau khổ và chiến tranh.

Tin Mừng cũng có nghĩa là thể hiện lòng cảm thương, "điều này sẽ giúp người nghèo đứng dậy và truyền cảm hứng cho cam kết đổi mới nhằm phục hồi phúc lợi kinh tế và xã hội của đất nước", ngài nói, và kêu gọi theo đuổi "công lý chống tham nhũng".

"Hương thơm của Phúc âm phải được lan tỏa để chống lại bất cứ điều gì làm nhục, làm biến dạng hoặc thậm chí hủy hoại cuộc sống con người", ngài nói, và chỉ ra các vấn đề xã hội như lạm dụng ma túy và rượu, bạo lực và sự thiếu tôn trọng phụ nữ.

Ngài nói rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu "có sức mạnh biến đổi những thực tại đen tối này và tạo ra một xã hội mới".
 
Diễn Từ Của Đức Phanxicô Trước Các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Người Được Thánh Hiến, Chủng Sinh Và Giáo Lý Viên
Vũ Văn An
15:10 10/09/2024

Theo tin Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Dili, Timor Leste, ngày 10 tháng 9 năm 2024 để gặp gỡ các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Người Được Thánh Hiến, Chủng Sinh Và Giáo Lý Viên. Tại đây, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:



Anh em Giám mục thân mến,
Anh em linh mục, phó tế, người được thánh hiến và chủng sinh thân mến,
Anh em giáo lý viên thân mến, anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!


Nhiều người trẻ nhất – chủng sinh, tu sĩ trẻ – vẫn ở bên ngoài. Và bây giờ, khi tôi nhìn thấy giám mục, tôi đã nói với ngài rằng ngài phải mở rộng nhà thờ chính tòa vì có nhiều ơn gọi như vậy là một ân sủng!

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và chúng ta cũng hãy cảm ơn những nhà truyền giáo đã đến trước chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy người đàn ông này [Florentino de Jesús Martins, 89 tuổi, người mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ông “đã cạnh tranh với tông đồ Phaolô”], người đã là một giáo lý viên suốt cuộc đời, chúng ta có thể hiểu được ân sủng của sứ mệnh được giao phó cho ông. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì phước lành này cho Giáo hội này.

Tôi rất vui khi được ở cùng anh chị em trong chuyến hành trình này, khi tôi là một người hành hương đến vùng đất phương Đông. Tôi cảm ơn Đức Giám Mục Norberto de Amaral vì những lời của ngài, và vì đã nhắc nhở tôi rằng Timor-Leste là một quốc gia “ở rìa thế giới”. Tôi cũng đến từ tận cùng thế giới, nhưng anh chị em đến nhiều hơn tôi. Và tôi muốn nói điều đó – chính xác là vì nó ở rìa thế giới, nó ở trung tâm của Tin Mừng! Đây là một nghịch lý mà chúng ta phải học: trong Tin Mừng, các vùng ngoại vi là trung tâm và một Giáo hội không có khả năng cho các vùng ngoại vi và ẩn náu ở trung tâm là một Giáo hội rất yếu đuối. Thay vào đó, khi một Giáo hội nghĩ xa hơn, phái các nhà truyền giáo đi, thì Giáo hội sẽ đi vào những vùng ngoại vi vốn là trung tâm, là trung tâm của Giáo hội. Cảm ơn anh chị em đã ở vùng ngoại vi, vì chúng ta biết rõ rằng trong trái tim của Chúa Kitô, “vùng ngoại vi hiện sinh” chính là trung tâm. Thật vậy, Tin Mừng đầy rẫy những con người, những nhân vật và những câu chuyện ở bên lề, ở ranh giới, nhưng được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành những nhân vật chính của niềm hy vọng mà Người đã đến để mang lại cho chúng ta.

Tôi vui mừng với anh chị em và vì anh chị em, vì anh chị em là môn đệ của Chúa trên vùng đất này. Nghĩ đến những nỗ lực của anh chị em và những thách thức mà anh chị em được kêu gọi phải đối mặt, tôi nhớ đến một đoạn văn rất gợi cảm trong Tin Mừng của Thánh Gioan, kể cho chúng ta về một sự kiện dịu dàng và thân mật đã xảy ra trong ngôi nhà của những người bạn của Chúa Giêsu, Ladarô, Martha và Maria (x. Ga 12:1-11). Vào một thời điểm nào đó trong bữa tối, Maria “lấy một cân dầu thơm nguyên chất đắt tiền, xức chân Chúa Giêsu và lau bằng tóc mình. Ngôi nhà tràn ngập hương thơm của nước hoa” (câu 3).

Maria xức dầu thơm dưới chân Chúa Giêsu, và cả ngôi nhà tràn ngập hương thơm đó. Tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm về hương thơm này, hương thơm của Chúa Kitô, hương thơm của Tin Mừng của Người. Đây là một món quà mà anh chị em có, một món quà được ban tặng cho anh chị em một cách tự do, nhưng anh chị em phải gìn giữ và tất cả chúng ta cùng nhau được kêu gọi để lan tỏa. Giữ gìn hương thơm, món quà Tin Mừng mà Chúa đã ban cho vùng đất Timor-Leste, và lan tỏa hương thơm.

Trước tiên, hãy gìn giữ hương thơm. Chúng ta luôn cần quay trở về nguồn gốc, nguồn gốc của món quà mà chúng ta đã nhận được, về việc chúng ta là Kitô hữu, linh mục, tu sĩ hay giáo lý viên. Chúng ta đã nhận được chính sự sống của Thiên Chúa qua Chúa Con của Người là Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã được xức dầu vui mừng, và thánh tông đồ Phaolô viết, “chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa” (2 Cr. 2:15).

Anh chị em thân mến, anh chị em là hương thơm của Chúa Kitô! Ẩn dụ này không xa lạ với anh chị em, vì ở Timor, cây đàn hương mọc rất nhiều, với hương thơm được các dân tộc và quốc gia khác đánh giá cao và cũng được các dân tộc và quốc gia khác tìm kiếm. Bản thân Kinh thánh ca ngợi giá trị của nó khi kể lại rằng Nữ hoàng Sheba đã đến thăm Vua Sa-lô-môn và tặng ông một món quà là gỗ đàn hương (xem 1 Các Vua 10:12). Tôi không biết Nữ hoàng Sheba, trước khi đến với Sa-lô-môn, có dừng lại ở Timor-Leste và có lẽ đã mang gỗ đàn hương từ đây về không.

Anh chị em thân mến, anh chị em là hương thơm của Chúa Kitô, một hương thơm đắt hơn nhiều so với nước hoa Pháp! Anh chị em là hương thơm của Chúa Kitô, anh chị em là hương thơm của Tin Mừng ở đất nước này. Giống như cây đàn hương, xanh tươi và luôn mạnh mẽ, phát triển và kết trái, anh chị em là những môn đồ truyền giáo mang hương thơm của Chúa Thánh Thần để “làm say đắm” cuộc sống của những người dân thánh trung thành của Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng hương thơm nhận được từ Chúa phải được bảo quản cẩn thận, bảo quản rất cẩn thận, giống như Maria ở Bê-ta-ni đã giữ riêng cây cam tùng cho chính Chúa Giêsu. Tương tự như vậy, chúng ta phải gìn giữ tình yêu – đừng quên câu này, chúng ta phải gìn giữ tình yêu mà Chúa đã xức dầu cho chúng ta, để nó không phai tàn và mất đi hương thơm. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là nhận thức được món quà đã nhận được – mọi thứ chúng ta có đều là một món quà, hãy nhớ rằng – nó có nghĩa là nhắc nhở bản thân rằng hương thơm không phải để làm đẹp cho bản thân mà là để xức dầu cho chân Chúa Kitô, loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo. Điều đó có nghĩa là phải cảnh giác với chính mình vì sự tầm thường về mặt tinh thần luôn rình rập. Một điều mà Đức Hồng Y De Lubac đã nói về sự tầm thường và thế tục hiện lên trong tâm trí tôi: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với phụ nữ và nam giới trong Giáo hội là rơi vào tính thế tục, thế tục thiêng liêng”. Hãy chú ý; hãy giữ gìn hương thơm mang lại cho chúng ta rất nhiều sức sống.

Ở đây, tôi muốn nói thêm một suy nghĩ nữa. Chúng ta đúng khi nhìn lại với lòng biết ơn về lịch sử trước đây của mình, về hạt giống đức tin được gieo ở đây bởi các nhà truyền giáo. Ba điều sau nói với chúng ta về điều này: nữ tu đã dành toàn bộ cuộc đời tận hiến của mình ở đây; vị linh mục biết cách đồng hành với giáo dân của mình trong thời kỳ khó khăn của sự thống trị của nước ngoài; và vị phó tế không bao giờ ngừng rao giảng Tin Mừng và rửa tội. Chúng ta hãy nghĩ về ba tấm gương này, những người đại diện cho lịch sử Giáo hội của chúng ta, và chúng ta hãy yêu lịch sử của mình, vì đó là hạt giống được gieo rắc ở đây; cũng như các trường học được thành lập để đào tạo những người làm công tác mục vụ và rất nhiều điều khác nữa. Nhưng như vậy đã đủ chưa? Trên thực tế, chúng ta phải luôn thổi bùng ngọn lửa đức tin. Đó là lý do tại sao tôi muốn nói với anh chị em: đừng quên đào sâu kiến thức về giáo lý Tin Mừng; đừng quên trưởng thành trong việc đào tạo về mặt tâm linh, giáo lý và thần học. Tất cả những điều này phục vụ cho việc công bố Tin Mừng trong nền văn hóa của anh chị em và đồng thời thanh lọc nó trước những tập tục cổ xưa và đôi khi là mê tín. Việc rao giảng đức tin phải được hội nhập văn hóa vào nền văn hóa của anh chị em và nền văn hóa của anh chị em phải truyền bá tin mừng. Và điều này đúng với tất cả mọi người, không chỉ riêng anh chị em. Nếu một Giáo hội không có khả năng hội nhập đức tin, thì Giáo hội đó không có khả năng diễn tả đức tin theo các giá trị đặc trưng của một vùng đất, đó sẽ là một Giáo hội đạo đức giả và vô ích. Có nhiều điều đẹp đẽ trong nền văn hóa của anh chị em. Tôi đặc biệt nghĩ đến niềm tin vào sự phục sinh và sự hiện diện của linh hồn người chết. Tuy nhiên, tất cả những điều này phải luôn được thanh lọc dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo lý của Giáo hội. Xin hãy đảm nhận trách nhiệm này vì “mỗi nền văn hóa và nhóm người đều cần được thanh lọc và phát triển”.

Bây giờ chúng ta đến với điểm thứ hai: lan tỏa hương thơm. Giáo hội tồn tại để truyền giáo, và chúng ta được kêu gọi mang đến cho người khác hương thơm ngọt ngào của sự sống, của sự sống mới của Tin Mừng. Maria thành Bê-ta-ni không dùng cây cam tùng quý giá để làm đẹp cho mình, mà để xức dầu chân Chúa Giêsu, và bằng cách này, bà lan tỏa hương thơm khắp nhà. Thật vậy, Tin mừng thánh Mac-cô nêu rõ rằng Maria, để xức dầu cho Chúa Giêsu, đã đập vỡ bình đựng dầu thơm bằng đá hoa cương (x. 14:3). Truyền giáo xảy ra khi chúng ta có can đảm “đập vỡ” bình đựng dầu thơm, đập vỡ “lớp vỏ” thường khép kín chúng ta vào chính mình, từ bỏ một lòng sùng đạo lười biếng và thoải mái chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân của chúng ta. Tôi rất thích cách diễn đạt mà Rosa đã sử dụng, khi sơ nói: một Giáo hội đang chuyển động, một Giáo hội không đứng yên, không xoay quanh chính mình – không, nó không xoay quanh chính mình – nhưng cháy bỏng niềm đam mê mang niềm vui của Tin Mừng đến cho tất cả mọi người.

Đất nước của anh chị em, bắt nguồn từ lịch sử Kitô giáo lâu đời, cũng cần một động lực mới hướng tới công cuộc truyền giáo, để hương thơm của Tin Mừng có thể đến với mọi người, hương thơm của sự hòa giải và hòa bình sau nhiều năm đau khổ vì chiến tranh; hương thơm của lòng cảm thương, giúp người nghèo đứng dậy và truyền cảm hứng cho một cam kết mới để phục hồi phúc lợi kinh tế và xã hội của đất nước; hương thơm của công lý chống lại nạn tham nhũng. Xin hãy cảnh giác! Tham nhũng thường có thể xâm nhập vào cộng đồng của chúng ta, các giáo xứ của chúng ta. Đặc biệt, hương thơm của Tin Mừng phải được lan tỏa để chống lại bất cứ điều gì làm nhục, làm biến dạng hoặc thậm chí hủy hoại cuộc sống con người; để chống lại những tai họa gây ra sự trống rỗng và đau khổ bên trong như nghiện rượu, bạo lực và thiếu tôn trọng phụ nữ. Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh biến đổi những thực tại đen tối này và tạo ra một xã hội mới. Sứ điệp mà các nữ thánh hiến đưa ra trước hiện tượng thiếu tôn trọng phụ nữ là: phụ nữ là thành phần quan trọng nhất của Giáo hội vì họ chăm sóc những người nghèo khổ nhất: họ chữa lành cho họ, họ đồng hành với họ. Tôi vừa đến thăm một ngôi nhà chào đón tuyệt đẹp dành cho những người nghèo nhất, những người cần nhất [trường Irmãs Alma dành cho trẻ em khuyết tật]. Các chị em thân mến, hãy là những người mẹ của dân Chúa, hãy được khuyến khích “sinh ra” các cộng đồng, hãy là những người mẹ. Đó là điều tôi yêu cầu ở các chị em.

Các chị em thân mến, các anh em thân mến, vì “tia lửa” của Tin Mừng này là cần thiết, nên ngày nay cũng cần có các giáo sĩ, những người tận hiến và những người dạy giáo lý nhiệt thành, sẵn sàng và sáng tạo. Sự sáng tạo là cần thiết cho sứ mệnh. Về vấn đề này, tôi biết ơn lời chứng đầy khích lệ của ông Florentino, một giáo lý viên đã dành phần lớn cuộc đời mình cho thừa tác vụ tuyệt vời này. Riêng đối với các linh mục, tôi muốn nói rằng: Tôi đã học được rằng mọi người đối xử với các anh em bằng tình cảm rất lớn bằng cách gọi anh em là Amu, đó là danh hiệu quan trọng nhất ở đây, có nghĩa là "chúa tể". Tuy nhiên, điều này không nên khiến anh em cảm thấy mình cao hơn mọi người. Anh em phát xuất từ mọi người, anh em được sinh ra từ những người mẹ của mọi người, anh em lớn lên giữa mọi người, vì vậy đừng quên nền văn hóa của mọi người mà anh em đã tiếp nhận. Anh em không cao hơn. Anh em cũng không được rơi vào cám dỗ kiêu ngạo hoặc cảm thấy mình có quyền lực. Anh em có biết cám dỗ quyền lực bắt đầu như thế nào không? Anh em hiểu mà, phải không? Bà tôi thường nói với tôi, "Ma quỷ luôn xâm nhập qua túi của chúng ta". Theo cách này, ma quỷ xâm nhập, luôn xâm nhập qua túi của chúng ta. Xin đừng nghĩ rằng thừa tác vụ của anh em mang lại uy tín xã hội. Không, thừa tác vụ là một việc phục vụ. Và nếu bất cứ ai trong số anh em không cảm thấy mình là người phục vụ mọi người, hãy đến và yêu cầu một linh mục khôn ngoan giúp anh em có được chiều kích quan trọng này. Chúng ta hãy nhớ rằng với hương thơm, chúng ta xức dầu cho đôi chân của Chúa Kitô, đó là đôi chân của anh chị em chúng ta trong đức tin, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Những người được đặc quyền nhất là những người nghèo nhất, và với hương thơm này, chúng ta phải chăm sóc họ. Cử chỉ mà các tín hữu thực hiện ở đây khi họ gặp các linh mục rất có ý nghĩa: họ nắm lấy bàn tay thánh hiến của anh em và đưa gần trán họ như một dấu hiệu ban phước. Thật đẹp khi thấy trong cử chỉ này tình cảm của dân thánh của Chúa, vì linh mục là một công cụ ban phước. Một linh mục không bao giờ, không bao giờ được lợi dụng vai trò này. Anh em phải luôn ban phước và an ủi; luôn là một thừa tác viên của lòng cảm thương và là dấu hiệu của lòng thương xót của Chúa. Và có lẽ dấu hiệu của tất cả những điều này là một linh mục nghèo. Hãy yêu sự nghèo khó như người bạn đời của anh em.

Các bạn thân mến, một nhà ngoại giao người Bồ Đào Nha vào những năm 1500, Tomé Pires, đã viết như sau, "Các thương gia Malaysia nói rằng Chúa đã tạo ra Timor để trồng gỗ đàn hương" (The Suma Oriental, London 1944, 204). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng còn có một mùi hương khác, ngoài gỗ đàn hương, còn có một mùi hương khác, đó là mùi hương của Chúa Kitô và Tin Mừng, một mùi hương làm phong phú thêm cuộc sống và lấp đầy chúng ta bằng niềm vui.

Các linh mục, phó tế, các nữ tu, đừng nản lòng! Như Cha Sancho đã nhắc nhở chúng ta trong lời chứng cảm động của ngài, “Thiên Chúa biết rõ cách chăm sóc những người mà Người đã gọi và sai đi làm sứ mệnh của Người”. Trong những lúc khó khăn lớn lao, hãy nghĩ đến điều này: Người đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy để Chúa đồng hành với tinh thần nghèo khó và tinh thần phục vụ. Tôi chúc lành cho anh chị em từ tận đáy lòng. Và tôi xin anh chị em, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi; nhưng xin hãy cầu nguyện cho tôi, chứ không phải chống lại tôi! Cảm ơn anh chị em.

Và tôi cũng muốn kết thúc bằng lời cảm ơn, lời cảm ơn lớn dành cho những người cao tuổi của anh chị em – những linh mục cao tuổi đã dành cả cuộc đời ở đây, những nữ tu cao tuổi đang ở đây, những người phi thường, những người đã dành cả cuộc đời ở đây. Họ là hình mẫu của chúng ta. Cảm ơn anh chị em!
 
Ngày thứ hai ở Timor-Leste ĐTC nói: Timor-Leste, một đất nước ‘trung tâm của Tin mừng Phúc âm’
Thanh Quảng sdb
17:28 10/09/2024
Ngày thứ hai ở Timor-Leste ĐTC nói: Timor-Leste, một đất nước ‘trung tâm của Tin mừng Phúc âm’

Ngày thứ hai của Đức Phanxicô trên đất Timor nhấn mạnh đến sự chăm sóc của nhiều nhà truyền giáo trong nước, một số người trong số họ điều hành một trường học dành cho trẻ em khuyết tật ở Dili “những người dạy chúng ta cách để bản thân được chăm sóc”. Sau đó là Thánh lễ với sự hiện diện của 600.000 tín hữu.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Timor-Leste là một đất nước trẻ, một phần vì đất nước này chỉ mới là một quốc gia độc lập vào năm 2002, nhưng cũng một phần vì độ tuổi trung bình của dân số là 20.

Và đúng là như vậy, thật ấn tượng đối với một người châu Âu khi nhìn thấy rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trên đường phố, điều mà Đức Phanxicô nhận thấy rõ ràng và không bỏ qua khi ngài nhận xét về hy vọng mà ngài nghiệm thấy trong Thánh lễ vào chiều thứ Ba (10/9/2024).

"Thật tuyệt vời khi thấy Timor-Leste có rất nhiều trẻ em!" ĐTC đã nói trong bài giảng của mình, "Quả thực, các bạn là một đất nước trẻ trung, và chúng ta có thể thấy mọi ngóc ngách của đất nước các bạn tràn đầy sức sống."

Thánh lễ là điểm nhấn trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến đất nước Công Giáo này, nơi có khoảng 600.000 người tụ tập tại Sân vận động Tasitolu, cùng địa điểm mà thánh Giáo hoàng John Paul II đã cử hành Thánh lễ vào năm 1989 khi đất nước này nằm dưới sự kiểm soát của Indonesia.

Thật ngoạn mục khi chứng kiến cảnh tượng những chiếc ô màu vàng và trắng - màu sắc của Vatican - được các tín đồ giơ lên để che chắn khỏi ánh nắng gay gắt.

Trước đó trong ngày, Đức Giáo Hoàng đã cưỡi ngựa qua thành phố Dili, nơi hàng nghìn người đổ xô đến tuyến đường để nhìn ngài, vẫy cờ và hô vang "Viva Papa". Nhiều người đã khóc vì vui mừng và xúc động. Đầu tiên, ngài đến thăm một trung tâm do các nữ tu truyền giáo điều hành dành cho trẻ em khuyết tật. Sau đó, ngài đến Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội để gặp gỡ các giám mục, linh mục và tu sĩ và bày tỏ lòng biết ơn đối với vô số các nhà truyền giáo đã và đang chăm sóc những người yếu đuối và nhỏ bé nhất.

Với họ, ngài nói lời cảm ơn vì đã chọn sống sứ mệnh của mình tại một đất nước “ở tận cùng trái đất”. “Chính vì đất nước này ở tận cùng trái đất”, ngài nói tiếp, “nên đất nước này là trung tâm của Phúc Âm!” và với một thông điệp gần gũi tuyệt đẹp, ngài nói: “Tôi vui mừng với anh chị em và vì anh chị em vì anh chị m là môn đệ của Chúa Kitô trên vùng đất này”.

Bấm vào link để xem Video ĐTC thăm Trung tâm khuyết tật: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-09/pope-francis-dili-mass-missionaries-disabled-highlights-day-2.html

Và xem video bài chia sẻ trước các em khuyết tật: https://www.youtube.com/watch?v=Dar2_OYMNFM
 
Các cộng đồng tôn giáo Singapore mong đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến với niềm hy vọng
Thanh Quảng sdb
18:59 10/09/2024
Các cộng đồng tôn giáo Singapore mong đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến với niềm hy vọng

Trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Singapore vào thứ Tư (11/9/2024), một số nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau đã bày tỏ hy vọng về hòa bình và đối thoại liên tôn tại quốc gia châu Á này.

(Tin từ trang mạng LiCAS)

Vài ngày trước chuyến tông du Singapore của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Trung tâm Đối thoại Liên tôn và Đại kết Tổng giáo phận Singapore (AIRDECS) và Truyền thông Công Giáo đã tìm kiếm ý kiến từ các nhà lãnh đạo của nhiều tôn giáo khác nhau về lập trường của Đức Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn.

Ông K Sengkuttuva, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Ấn giáo (Hindu), cho biết lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với tất cả các tín đồ hãy vun đắp hòa bình trong sự tôn trọng lẫn nhau, không có tính chủ nghĩa cải đạo và những trở ngại, "đã báo hiệu tốt lành cho cộng đồng người Ấn giáo (Hindu) tỵ nạn".

Ông Sengkuttuva đã gửi lời đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp của mình rằng, "Những tiếng chuông đã ngân vang theo giai điệu của sự hòa hợp tôn giáo qua các bài giảng của ngài. Ngài đã ban phát phương thuốc chữa bách bệnh mà thế giới cần."

Cộng đồng Do Thái, theo lời của Giáo sĩ trưởng Mordechai Abergel, Giáo sĩ rất vui mừng khi biết về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tới Singapore, đồng thời nói thêm rằng chuyến viếng thăm này "là sự quan phòng vì nó sẽ gửi đi thông điệp về sự chung sống hòa bình trong thời điểm bạo lực tôn giáo đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới".

Giáo sĩ Do Thái cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng "chắc chắn sẽ củng cố" mối quan hệ giữa các tín ngưỡng Abraham và nhiều tôn giáo khác ở Singapore, một cam kết mà Đức Giáo Hoàng hết theo đuổi và nhiệt thành.

Các đại diện liên tôn, khách mời đại kết và các thành viên của cộng đồng Công Giáo tham dự Lễ kỷ niệm Giáng sinh liên tôn thường niên của Tổng giáo phận tại Nhà thờ St Joseph (Phố Victoria) (SJCVS) vào ngày 27 tháng 12 năm 2023. Ảnh: SJCVS qua Catholic News SG

Chủ tịch Hiệp hội Zoroastrian Parsi Đông Nam Á cho biết Đức Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh đến đối thoại liên tôn như một phương tiện để thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng và hòa bình giữa các tín ngưỡng khác nhau.

“Những người theo đạo Zoroaster có chung niềm tin trong việc thúc đẩy đối thoại để xây dựng cầu nối, giảm căng thẳng và khuyến khích các nỗ lực về bình đẳng, công lý xã hội, các vấn đề môi trường và nhân đạo”, ông Hormuz E. Avari cho hay.

Hòa thượng Seck Kwang Phing của Liên đoàn Phật giáo Singapore lưu ý rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo từ nhiều tín ngưỡng khác nhau đều nhận ra nhu cầu quan trọng là phải ủng hộ hòa bình và hòa hợp, điều này là cần thiết ở mọi thời đại và trên toàn cầu.

Sự hiểu biết này đã thúc đẩy việc thành lập Tổ chức Liên tôn tại Tu viện Phor Kark See vào năm 1949, ngay sau Thế chiến thứ hai.

“Chuyến viếng thăm Singapore của Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ khuyến khích và khẳng định công việc xây dựng sự hòa hợp tôn giáo trên đảo quốc của chúng ta”, ông nói.

Ông Tan Thiam Lye của Liên đoàn Đạo giáo và ông Kenal Kothari của Hiệp hội Tôn giáo Jain đều đồng ý rằng chuyến thăm của Giáo hoàng Francis sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết liên tôn, củng cố lòng tin lẫn nhau và tăng cường sự hòa hợp tôn giáo ở Singapore.

Hội đồng Tin lành hàng đầu trong nước đã cầu nguyện cho “sức khỏe và sự khôn ngoan liên tục của giáo hoàng trong việc chăn dắt cộng đồng Công Giáo toàn cầu”.

Giám mục Lutheran Lu Guan Hoe cho biết sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Francis là một "phước lành sâu sắc" và "lời nhắc nhở mạnh mẽ về đức tin chung và cam kết của chúng ta đối với hòa bình, sự thống nhất và phục vụ".

Tiến sĩ Nazirudin Mohd Nasir, Mufti của Singapore thuộc Hội đồng tôn giáo Hồi giáo Singapore, mô tả Đức Giáo Hoàng là người ủng hộ chính cho sự chung sống hòa bình và lưu ý danh tiếng của Singapore như một biểu tượng của hòa bình và hòa hợp.

Tiến sĩ Nasir đã tham khảo Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, mà Đức Giáo Hoàng Francis đồng sáng tác với Sheikh của Al-Azhar, như một sự tiếp nối những nỗ lực lâu dài của Vatican nhằm tăng cường quan hệ với cộng đồng Hồi giáo.

Ông Malminderjit Singh, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Sikh, nhấn mạnh rằng đức tin Sikh cam kết thúc đẩy hòa bình thế giới và hỗ trợ những người khác, những giá trị mà Đức Giáo Hoàng kêu gọi và củng cố trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình.

Ông K Elango, Chủ tịch danh dự của Hội đồng tinh thần Bahai Singapore, cho biết chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ thúc đẩy những nỗ lực hợp tác của những người chúc phúc từ nhiều cộng đồng, tổ chức và nhóm tôn giáo khác nhau trên khắp Singapore.

Vào ngày 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo thanh niên từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau tại Singapore. Tổng giáo phận Singapore đã tổ chức “Thanh niên liên tôn với Đức Giáo Hoàng”, tiếp theo là một cuộc triển lãm nghệ thuật sẽ diễn ra tại Trường Cao đẳng Công Giáo.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại tại quảng trường Taci Tolu, Đông Timor
J.B. Đặng Minh An dịch
19:10 10/09/2024
“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta”(Is 9:5).

Đây là những lời mà tiên tri Isaia đã dùng để nói với cư dân thành Giêrusalem trong bài đọc thứ nhất, trong thời kỳ thịnh vượng của thành phố, nhưng thật không may, cũng là thời kỳ suy đồi đạo đức trầm trọng.

Có quá nhiều của cải, nhưng sự sung túc làm mù quáng những người quyền lực, nó lừa dối họ nghĩ rằng họ tự cung tự cấp, rằng họ không cần Chúa, và sự kiêu ngạo của họ đã khiến họ trở nên ích kỷ và bất công. Vì lý do này, mặc dù có rất nhiều của cải, người nghèo vẫn bị bỏ rơi và phải chịu đói, sự vô tín lan tràn và việc thực hành tôn giáo ngày càng bị thu hẹp thành một hình thức thuần túy. Vẻ ngoài lừa dối của một thế giới thoạt nhìn có vẻ hoàn hảo như vậy lại ẩn chứa một thực tế đen tối hơn, khắc nghiệt hơn và tàn khốc hơn nhiều, trong đó có rất nhiều nhu cầu về sự hoán cải, lòng thương xót và sự chữa lành.

Vì lý do này, tiên tri loan báo cho những người đồng hương của mình một chân trời mới, mà Thiên Chúa sẽ mở ra trước mắt họ: một tương lai hy vọng, một tương lai vui mừng, nơi áp bức và chiến tranh sẽ bị xóa bỏ mãi mãi (x. Is 9:1-4). Người sẽ khiến một ánh sáng vĩ đại xuất hiện cho họ (x. c. 1) để giải thoát họ khỏi bóng tối tội lỗi mà họ đang bị áp bức, và Người sẽ làm như vậy không phải bằng sức mạnh của quân đội, vũ khí hay của cải, mà bằng hồng ân là một người con (x. c. 5-6).

Chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm về hình ảnh này: Thiên Chúa làm cho ánh sáng cứu độ của Người chiếu tỏa qua hồng ân là một người con.

Ở mọi nơi, sự ra đời của một đứa trẻ là khoảnh khắc tươi sáng, khoảnh khắc vui mừng và ăn mừng, và đôi khi nó cũng khơi dậy trong chúng ta những mong muốn tốt đẹp, để đổi mới bản thân nơi những điều tốt đẹp, để trở về với sự trong sáng và giản dị. Trước một đứa trẻ sơ sinh, ngay cả trái tim cứng rắn nhất cũng ấm áp và tràn đầy sự dịu dàng. Sự mong manh của một đứa trẻ luôn mang đến một thông điệp mạnh mẽ đến nỗi nó chạm đến cả những tâm hồn chai sạn nhất, mang theo những chuyển động và ý định hòa hợp và thanh thản. Thật tuyệt vời, anh chị em ạ, những gì xảy ra khi một đứa trẻ chào đời!

Sự gần gũi của Thiên Chúa là qua một đứa trẻ. Thiên Chúa trở thành một đứa trẻ. Và không chỉ để làm chúng ta kinh ngạc và xúc động, mà còn để mở lòng chúng ta với tình yêu của Chúa Cha và để chúng ta được hình thành bởi tình yêu đó, để tình yêu đó có thể chữa lành vết thương của chúng ta, hàn gắn những bất đồng của chúng ta, khôi phục lại trật tự cho cuộc sống của chúng ta.

Ở Đông Timor này thật là đẹp, vì có rất nhiều trẻ em: anh chị em là một đất nước trẻ, nơi mà ở mọi ngóc ngách, anh chị em đều có thể cảm nhận được sự sống đang đập, đang bùng nổ. Và đây là một món quà, một ân sủng tuyệt vời: đó là sự hiện diện của rất nhiều người trẻ và rất nhiều trẻ em, trên thực tế, liên tục đổi mới năng lượng và cuộc sống của chúng ta. Nhưng thậm chí còn là một dấu chỉ, vì việc dành chỗ cho trẻ em, cho những đứa trẻ, chào đón chúng, chăm sóc chúng, và cũng làm cho mình trở nên nhỏ bé trước Chúa và trước nhau, chính xác là những thái độ mở ra hành động của Chúa cho chúng ta. Bằng cách làm cho mình trở nên trẻ em, chúng ta cho phép hành động của Chúa trong chúng ta.

Hôm nay chúng ta tôn kính Đức Mẹ là Nữ Vương, nghĩa là mẹ của một vị Vua, là Chúa Giêsu, là Đấng đã muốn sinh ra nhỏ bé để trở thành anh em của chúng ta, khi cầu xin lời “xin vâng” của một người phụ nữ trẻ khiêm nhường và mong manh (x. Lc 1:38).

Đức Maria hiểu điều này đến mức Mẹ đã chọn cách sống nhỏ bé trong suốt cuộc đời mình, để ngày càng trở nên nhỏ bé hơn, phục vụ, cầu nguyện, biến mất để nhường chỗ cho Chúa Giêsu, ngay cả khi điều này phải trả giá rất đắt.

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ trở nên nhỏ bé trước Chúa và trước nhau, đừng sợ mất đi mạng sống, hiến dâng thời gian, xem xét lại kế hoạch và thu hẹp quy mô dự án khi cần thiết, không phải để làm giảm giá trị của chúng, mà để làm cho chúng đẹp hơn nữa thông qua việc hiến dâng chính mình và chào đón người khác.

Tất cả những điều này được tượng trưng rất tốt bằng hai viên ngọc truyền thống tuyệt đẹp của vùng đất này: Kaibauk và Belak. Cả hai đều được làm bằng kim loại quý. Điều đó có nghĩa là chúng rất quan trọng!

Đầu tiên tượng trưng cho sừng trâu và ánh sáng của mặt trời, và được đặt cao, như một vật trang trí trên trán, cũng như trên đỉnh của các ngôi nhà. Nó nói về sức mạnh, năng lượng và nhiệt, và có thể tượng trưng cho quyền năng của Chúa, là Đấng ban sự sống. Nhưng không chỉ có thế: được đặt ở đầu, trên thực tế, và trên đỉnh của các ngôi nhà, nó nhắc nhở chúng ta rằng, với ánh sáng của Lời Chúa và với sức mạnh của ân sủng của Người, chúng ta cũng có thể hợp tác qua các lựa chọn và hành động của mình trong kế hoạch cứu chuộc vĩ đại.

Thứ hai, Belak, được đặt trên ngực, bổ sung cho điều thứ nhất. Nó gợi nhớ đến ánh sáng tinh tế của mặt trăng, khiêm nhường phản chiếu, trong đêm, ánh sáng của mặt trời, bao trùm mọi thứ trong huỳnh quang ánh sáng. Nó nói về hòa bình, khả năng sinh sản, sự ngọt ngào và tượng trưng cho sự dịu dàng của người mẹ, là người với sự phản chiếu tinh tế của tình yêu của mình làm cho những gì bà chạm vào trở nên sáng ngời với cùng ánh sáng mà bà nhận được từ Chúa.

Kaibauk và Belak, sức mạnh và sự dịu dàng của Cha và Mẹ: đây là cách Chúa thể hiện vương quyền của Người, làm nên lòng bác ái và thương xót.

Và vì thế, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin, trong Bí tích Thánh Thể này, mỗi người chúng ta, với tư cách là nam và nữ, với tư cách là Giáo hội, với tư cách là một xã hội, có thể phản chiếu trong thế giới ánh sáng mạnh mẽ, ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa tình yêu, của Thiên Chúa là Đấng, như chúng ta đã cầu nguyện trong Thánh vịnh đáp ca,

“Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.” (Tv 113:7-8).

Anh chị em thân mến,

Tôi đã nghĩ rất nhiều: điều tuyệt vời nhất mà Timor có là gì? Đôi dép? Câu cá? Đó không phải là điều tuyệt vời nhất. Điều tuyệt vời nhất là con người nơi đây. Tôi không thể quên những người dân bên vệ đường, với những đứa trẻ. Anh chị em có biết bao đứa trẻ! Con người, điều tuyệt vời nhất mà nó có là nụ cười của trẻ em. Và một dân tộc dạy trẻ em cách mỉm cười là một dân tộc có tương lai.

Nhưng hãy cẩn thận! Bởi vì tôi đã được kể rằng trên một số bãi biển, cá sấu sẽ đến; cá sấu bơi đến và chúng có cú cắn mạnh hơn chúng ta có thể kiểm soát. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận với những con cá sấu muốn thay đổi văn hóa của anh chị em, muốn thay đổi lịch sử của anh chị em. Hãy trung thành. Và đừng đến gần những con cá sấu đó vì chúng cắn, và chúng cắn rất nhiều.

Tôi cầu chúc cho anh chị em được bình an. Tôi mong anh chị em tiếp tục có nhiều con: mong nụ cười của dân tộc này là con cháu của họ! Hãy chăm sóc con cháu của anh chị em; nhưng cũng hãy chăm sóc những người lớn tuổi của anh chị em, những người là ký ức của vùng đất này.

Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều vì lòng bác ái, vì đức tin của anh chị em. Hãy tiến về phía trước với hy vọng!

Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả chúng ta, và sau đó chúng ta sẽ hát một bài ca ngợi Đức Trinh Nữ Maria.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
VietCatholic TV
Moscow bị dội bom, la hét thất thanh, tất cả phi trường đóng cửa. SU-27 nổ tung. Cầu Kerch lung lay
VietCatholic Media
15:53 10/09/2024


1. Cầu Crimea 'lung lay' 'đang sống những ngày cuối cùng', Nhóm kháng chiến tuyên bố

Cầu Kerch, một công trình chiến lược quan trọng được Nga sử dụng để kết nối với Crimea bị tạm chiếm, đang cần được sửa chữa khẩn cấp và không thể chịu được thiệt hại về mặt kết cấu, theo một nhóm ủng hộ Ukraine có trụ sở tại Crimea.

“Cầu Kerch đang trong những ngày cuối cùng”, Atesh, một nhóm du kích quân sự ủng hộ Kyiv gồm người Ukraine và người Tatar ở Crimea, cho biết như trên trong một tuyên bố được công bố hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín.

Cây cầu được Putin khánh thành vào năm 2018, đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga và đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì các cuộc tấn công quân sự của Mạc Tư Khoa ở miền nam Ukraine.

Ukraine đã tấn công cây cầu đường bộ và hỏa xa dài 19 km vào tháng 10 năm 2022 và một lần nữa vào tháng 7 năm 2023. Kyiv đã tuyên bố sẽ tấn công vào công trình này trong tương lai khi tìm cách chiếm lại bán đảo mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Nga đã cố gắng gia cố cây cầu bằng các rào chắn dưới nước. Các báo cáo gần đây cho thấy Mạc Tư Khoa cũng đã triển khai lại các hệ thống phòng không để bảo vệ cây cầu khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.

“Do hậu quả của những thiệt hại phải chịu, các thành phần cấu trúc của cây cầu đang xuống cấp, dẫn đến việc các bộ phận của nó bị vỡ vụn”, nhóm này cho biết. “Thái độ đối với tình trạng của nó đang ngày càng trở nên coi thường, không ai chú ý đến nó nữa”.

Atesh cũng tuyên bố rằng số lượng hệ thống phòng không ở Crimea đang bị tạm chiếm đang giảm đi, “điều này khiến cây cầu càng dễ bị tổn thương hơn”.

Vào tháng 7, nhóm du kích này cho biết Nga đã bắt đầu triển khai lại hệ thống phòng không để bảo vệ Cầu Kerch.

Mạc Tư Khoa đang “tích cực tái triển khai các cơ sở phòng không, máy bay, radar và mọi cơ sở quân sự còn sót lại từ phía tây Crimea”, tuyên bố vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, sau cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk, một số hệ thống phòng không đã được kéo đi và thay thế bằng một hệ thống phòng không Pantsir-S1, được tin là được lấy từ 7 hệ thống dùng để bảo vệ cho biệt thự mùa hè của Putin ở Krasnodar Krai.

Trong một báo cáo vào ngày 28 tháng 8, Crimea Wind, một kênh Telegram ủng hộ Ukraine, rằng Nga đã triển khai một trong những hệ thống phòng không Pantsir-S1 của mình để bảo vệ cấu trúc này. Họ đã công bố hình ảnh vệ tinh của hệ thống phòng không này.

“Nga đã đặt một hệ thống hỏa tiễn phòng không Pantsir-S1 ngay trên Cầu Kerch. Nó đã được nhìn thấy trên hình ảnh vệ tinh trong ít nhất một tháng”, Crimea Wind cho biết.

Hệ thống pháo và hỏa tiễn phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga được thiết kế để chống lại máy bay, hỏa tiễn hành trình, đạn dược dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công lớn hơn. Người ta tin rằng nó có giá trị khoảng 15 triệu đô la.

Cuộc tấn công gần đây nhất của Ukraine vào cây cầu vào tháng 7 năm 2023 đã làm hư hại tuyến hỏa xa quan trọng của cây cầu, trái ngược với tuyên bố của Nga vào thời điểm đó rằng cuộc tấn công chỉ ảnh hưởng đến phần đường bộ trên một số nhịp của công trình, các bức ảnh vệ tinh mà Newsweek thu được cho thấy.

Phát ngôn nhân của Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết vào tháng 4 rằng một cuộc tấn công khác vào cây cầu là “không thể tránh khỏi”.

[Newsweek: 'Crumbling' Crimea Bridge 'Living Its Final Days', Resistance Group Claims]

2. Nga cáo buộc Ukraine ném bom Mạc Tư Khoa bằng máy bay điều khiển từ xa

Theo chính quyền Nga, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay điều khiển từ xa vào Mạc Tư Khoa và các khu vực khác của Nga vào sáng sớm Thứ Ba, 10 Tháng Chín.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ 144 máy bay điều khiển từ xa, bao gồm 20 chiếc xung quanh thủ đô Nga, 72 chiếc ở khu vực phía tây Bryansk và hơn 50 chiếc ở những nơi khác.

Thống đốc khu vực Mạc Tư Khoa Andrey Vorobyov cho biết trên Telegram hôm thứ Ba rằng máy bay điều khiển từ xa đã tấn công “các quận Podolsk, Ramenskoye, Lyubertsy, Domodedovo và Kolomna” ở khu vực Mạc Tư Khoa, khiến một phụ nữ thiệt mạng và ba người khác bị thương.

Ông cho biết thêm, hai tòa nhà chung cư đã bị hư hại nghiêm trọng và hàng chục người đã được di tản. Reuters đưa tin, tất cả 4 phi trường ở Mạc Tư Khoa đã tạm thời bị đóng cửa sau các cuộc tấn công. Trong khi đó, khói bốc lên cao bằng một nhà lầu 5 tầng có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trong thành phố. Tiếng còi thất thanh từ các xe cứu thương, xe cứu hỏa tạo thành một cảnh tượng kinh hoàng khi các loại xe của lực lượng khẩn cấp này giành đường với các xe cộ khác trong giờ cao điểm.

Cuộc ném bom này là một trong những cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Kyiv đã tăng cường các cuộc tấn công vào Nga trong những tháng gần đây, nhằm mục đích làm tê liệt cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự trên khắp nước Nga.

Cho đến nay, chính quyền Kyiv vẫn chưa bình luận về vụ tấn công.

Một số blogger quân sự Nga kêu gào trừng phạt thẳng tay điều mà họ gọi là một cuộc khủng bố trắng trợn của người Ukraine. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói thực tiễn hơn kêu gọi đàm phán chấm dứt chiến tranh. Tờ Moscow Times nhận định rằng “Chúng ta không thắng được cuộc chiến này đâu. Chấm dứt thôi.”

[Politico: Ukraine bombards Moscow in drone attack, Russia says]

3. Nga tăng cường áp lực gần Kupiansk, Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công xuyên biên giới ở Kharkiv, hạ gục chiến đấu cơ SU-27.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 10 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Nga đã hoạt động tích cực hơn đáng kể ở khu vực Kupiansk thuộc vùng Kharkiv trong tháng qua.

Quân đội Mạc Tư Khoa cũng đã cố gắng tấn công mới ở những nơi khác tại Tỉnh Kharkiv. Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Lữ đoàn 92 Biệt Động Quân đã đẩy lùi một cuộc đột kích xuyên biên giới mới trong khu vực vào hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang nỗ lực tăng cường sức ép dọc toàn bộ mặt trận phía đông, với các trận giao tranh ác liệt đang diễn ra gần các thị trấn Pokrovsk, Toretsk, Chasiv Yar và Vuhledar thuộc tỉnh Donetsk.

“Đã có sự gia tăng nhất định về hoạt động của quân xâm lược tại khu vực Kupiansk trong tháng qua”.

“Lực lượng Nga đang cố gắng tấn công vào các vị trí của chúng ta, cụ thể là ở khu vực Synkivka và Stelmakhivka, nơi Nga đã cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khá nghiêm trọng trong những ngày gần đây.”

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Nga đang tập trung các đơn vị xe tăng và súng trường cơ giới để cố gắng tiến lên. Ở phía nam, quân đội Mạc Tư Khoa đang cố gắng tiến đến tuyến phòng thủ dọc theo Sông Chornyi Zherebets.

Kupiansk nằm ở phía đông của Kharkiv, cách biên giới hành chính với Luhansk khoảng 25 km. Thị trấn này bị lực lượng Nga xâm lược vào năm 2022 nhưng được giải phóng trong một cuộc tấn công bất ngờ vào cuối năm đó. Kể từ đó, thị trấn này đã phải chịu áp lực nặng nề từ quân đội Nga.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov giải thích rằng Nga đang cố gắng tăng áp lực trên toàn bộ mặt trận và kéo giãn tuyến phòng thủ của quân Ukraine. Để làm được điều đó, quân đội Mạc Tư Khoa cũng trở nên tích cực hơn gần thị trấn Tykhe ở khu vực Kharkiv.

Nga đã phát động một cuộc tấn công mới ở phía bắc tỉnh Kharkiv vào tháng 5. Ukraine đã có thể ngăn chặn cuộc tiến công, nhưng lực lượng Nga vẫn tiếp tục tập trung ở một số thị trấn bên kia biên giới.

Hôm Thứ Hai, 09 Tháng Chín, Lữ đoàn 92 Biệt Động Quân cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi nỗ lực của lực lượng cơ giới Nga nhằm đột phá biên giới ở Tỉnh Kharkiv phá hủy 5 xe tăng và 8 xe thiết giáp. Quân Nga bỏ chạy sâu vào khu vực Belgorod của Nga, bỏ lại 21 hệ thống pháo. Một chiếc Su-27 của Nga lao xuống tấn công quân Ukraine để hỗ trợ cho đồng bọn chạy thoát đã bị bắn hạ. Trước khi, quân tăng viện của Nga đến, quân Ukraine đã kịp kéo 21 khẩu pháo về phòng tuyến của mình.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết thêm trong 24 giờ trước đó, 1190 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 10 xe tăng, 13 xe thiết giáp, 51 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không và 56 xe chuyển quân và nhiên liệu.

[Kyiv Independent: Russia ramps up pressure near Kupiansk, Ukraine repels cross-border attack in Kharkiv Oblast]

4. Liên Hiệp Quốc cho biết: Tháng 8 chứng kiến số thương vong dân sự cao thứ hai do Nga gây ra cho Ukraine trong năm nay

Hôm Thứ Hai, 09 Tháng Chín, phái bộ giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho biết trong một báo cáo rằng ít nhất 184 thường dân đã thiệt mạng và 856 người bị thương ở Ukraine vào tháng 8.

Tháng 8 năm nay là tháng có số thương vong dân sự cao thứ hai trong năm 2024. Tháng 7 là “tháng chết chóc nhất đối với dân thường” kể từ tháng 10 năm 2022, theo một báo cáo trước đó.

Báo cáo cho biết phần lớn thương vong dân sự (91%) và thiệt hại cho các cơ sở giáo dục và y tế (95%) vẫn tiếp tục xảy ra ở vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát vào tháng 8.

Chính quyền địa phương cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã đánh trúng một siêu thị ở thị trấn Kostiantynivka thuộc tỉnh Donetsk vào ngày 9 tháng 8, khiến 14 người thiệt mạng và 44 người khác bị thương.

Vào ngày 26 tháng 8, Nga đã phát động cuộc tấn công lớn nhất vào Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, tấn công 15 trên khắp đất nước. Theo báo cáo, ít nhất 25 cơ sở năng lượng đã bị hư hại, bao gồm một phần của Nhà máy thủy điện Kyiv.

Tám thường dân đã thiệt mạng và ít nhất 23 người bị thương do cuộc tấn công.

Theo chính quyền, lực lượng Nga cũng đã tấn công Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bằng bom dẫn đường trên không vào ngày 30 tháng 8, khiến 7 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Liên Hiệp Quốc ước tính rằng ít nhất 11.743 thường dân đã thiệt mạng và ít nhất 24.614 người bị thương. Con số thương vong thực tế của thường dân có thể cao hơn nhiều.

Số người chết và bị thương trong các cuộc giao tranh ngay sau khi cuộc chiến toàn diện nổ ra vẫn chưa được thống kê đầy đủ, và một số địa điểm chứng kiến giao tranh ác liệt nhất vào đầu năm 2022 vẫn đang nằm dưới sự xâm lược của Nga, khiến các nhà quan sát bên ngoài gần như không thể điều tra.

[Kyiv Independent: August saw second-highest number of civilian casualties dealt by Russia to Ukraine this year, UN says]

5. Hoa Kỳ treo thưởng 60 triệu đô la để truy tìm tin tặc Nga

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã treo thưởng tới 60 triệu đô la cho thông tin giúp bắt giữ sáu tin tặc người Nga bị cáo buộc tham gia vào các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukraine, Hoa Kỳ và hàng chục đồng minh NATO của họ. Mục đích của nhóm tin tặc này là để hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga.

Trong bản cáo trạng được công bố hôm Thứ Sáu, 06 Tháng Chín, một bồi thẩm đoàn ở Maryland đã buộc tội sáu công dân Nga về tội âm mưu xâm nhập máy tính và âm mưu lừa đảo qua đường dây điện tử.

Bản cáo trạng cáo buộc rằng nhóm này đã “hack máy tính của hàng chục cơ quan Chính phủ Ukraine và phá hủy hoặc cố gắng phá hủy những máy tính đó trước khi Nga xâm lược Ukraine”.

Những nỗ lực của họ, được cộng đồng an ninh mạng gọi là chiến dịch “WhisperGate”, nhằm mục đích “gieo rắc mối lo ngại trong người dân Ukraine về sự an toàn của hệ thống chính phủ và dữ liệu cá nhân của họ”.

Các bị cáo bao gồm năm thành viên của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nga, gọi tắt là GRU, và một thường dân.

Đồng phạm dân sự của họ, Amin Stigal, đã bị truy tố vào tháng 7 vì vai trò của ông ta trong các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của Ukraine, bao gồm Bộ Các vấn đề Quốc tế, Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng của nước này.

Các quan chức GRU, bao gồm một đại tá trong quân đội Nga, là thành viên của Đơn vị 29155, một nhóm mạng khét tiếng được cho là đã tham gia vào nhiều cuộc tấn công bí mật nhằm gây bất ổn cho các quốc gia phương Tây kể từ năm 2008.

Theo báo cáo năm 2020 của tờ New York Times, GRU 29155 đã treo thưởng cho các chiến binh có liên hệ với Taliban để giết quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Đơn vị này cũng có liên quan đến vụ đầu độc Sergei Skripal, cựu thành viên GRU, từng hoạt động như một điệp viên hai mang cho cơ quan tình báo Anh vào những năm 1990 và 2000, vào năm 2018.

Cùng với các cuộc tấn công mới nhất vào Ukraine, Đơn vị 29155 bị cáo buộc nhắm vào các hệ thống máy tính ở các quốc gia hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm Hoa Kỳ và “25 quốc gia khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương”. Một trong những cuộc tấn công này bao gồm việc hack “cơ sở hạ tầng giao thông của một quốc gia Trung Âu đang hỗ trợ Ukraine”.

Cùng với sáu bản cáo trạng, Chương trình Khen thưởng vì Công lý của Bộ Ngoại giao hiện đang treo giải thưởng lên tới 10 triệu đô la cho thông tin về nơi ở của các bị cáo hoặc thông tin chi tiết hơn về hoạt động mạng.

“Bản cáo trạng hôm nay nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc sử dụng mọi công cụ có trong tay để truy đuổi những kẻ muốn gây hại cho chúng ta và các đồng minh của chúng ta trên toàn thế giới”, Luật sư Hoa Kỳ Erek L. Barron của Quận Maryland cho biết. “Các âm mưu xâm nhập mạng như âm mưu bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, và chúng tôi sẽ sử dụng mọi công nghệ và biện pháp điều tra có trong tay để phá vỡ và truy tìm những tên tội phạm mạng này”.

Tiền thưởng và cáo buộc hình sự là một phần của nỗ lực quốc tế rộng lớn hơn – “Chiến dịch Toy Soldier” – nhằm chống lại hoạt động mạng độc hại của Đơn vị 29155.

Đồng thời với các thông báo, FBI, NSA, CISA và các cơ quan tình báo của một số quốc gia khác đã ban hành một khuyến cáo chung về an ninh mạng về nhóm này, cảnh báo các cơ quan và tổ chức nhà nước cần củng cố các lỗ hổng an ninh mạng và duy trì tình trạng báo động cao trước các cuộc tấn công của tác nhân đe dọa này.

Estonia, một trong những đối tác trong Chiến dịch Toy Soldier, đã ban hành lệnh khám xét và bắt giữ quốc tế đối với ba sĩ quan GRU, trong đó có hai người được nêu tên trong thông báo của Bộ Tư pháp.

“Bộ Tư pháp đoàn kết với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong việc hỗ trợ người dân Ukraine sau cuộc xâm lược bất hợp pháp và bất công của Nga”, Trợ lý Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Matthew G. Olsen cho biết hôm Thứ Sáu, 06 Tháng Chín. “Bộ phận An ninh Quốc gia sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ trong kho vũ khí của bộ - bao gồm cả quan hệ đối tác tư nhân và quốc tế của chúng tôi - để xác định các cá nhân, phá hủy cơ sở hạ tầng và vạch trần các công cụ và kỹ thuật chống đỡ cho Chính phủ Nga”.

[Newsweek: US Offers $60 Million Bounty in Hunt for Russian Hackers]

6. Ukraine đã bắn hạ máy bay điều khiển từ xa Orlan của Nga ở 'độ cao kỷ lục' 3,6 km

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các binh sĩ thuộc Lữ đoàn xe tăng số 3 của Ukraine đã bắn hạ một máy bay điều khiển từ xa trinh sát Orlan của Nga ở độ cao kỷ lục 3.620 mét.

Orlan là máy bay điều khiển từ xa trinh sát do Nga phát triển được Nga sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Nó thường được dùng trong các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga. Nó có thể bay xa 600 km và bay lên độ cao 5.000 mét để báo cáo cho các xạ thủ pháo binh Nga về các vị trí của quân Ukraine.

“Vụ tấn công xảy ra vào ngày 7 tháng 9 tại Kharkiv. Khi phát hiện máy bay điều khiển từ xa Orlan-10 của đối phương, nhóm pháo binh hỏa tiễn Voron đã lao đến khu vực đó”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết.

Độ cao và quỹ đạo của máy bay điều khiển từ xa của Nga đã được thiết lập thông qua sự hợp tác với các đơn vị biên phòng Ukraine. Sau đó, một người lính đã chuẩn bị “thiết bị” cần thiết và hai quân nhân khác bắt đầu “săn” máy bay điều khiển từ xa.

Ông cho biết thêm: “Việc bắn hạ máy bay điều khiển từ xa đặc biệt khó khăn do độ cao của nó và vì nó liên tục thay đổi vị trí và hướng bay”.

Vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công không được nêu rõ, nhưng Lữ đoàn 3 đã công bố video góc nhìn thứ nhất về những gì có thể là một máy bay điều khiển từ xa khác đâm vào Orlan của Nga. Đây là máy bay điều khiển từ xa tầm cao đầu tiên của Nga bị Lữ đoàn xe tăng 3 bắn hạ.

Quân đội Ukraine gần đây đã có một số cải tiến liên quan đến máy bay điều khiển từ xa mới đang được triển khai chống lại quân đội Mạc Tư Khoa. Bao gồm máy bay điều khiển từ xa bắn vũ khí nhỏ hoặc rải chất nhiệt nhôm vào các vị trí của Nga.

Máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất của Ukraine cũng đã nhiều lần được sử dụng để tấn công vào máy bay điều khiển từ xa và trực thăng trinh sát của Nga.

[Kyiv Independent: Ukraine reportedly downs Russian Orlan drone at 'record height' of 3.6 km]

7. Thanh tra viên cho biết tù binh chiến tranh Nga không còn được phép gọi điện cho người thân

Thanh tra viên Ukraine Dmytro Lubinets thông báo trên truyền hình quốc gia vào ngày 7 tháng 9 rằng các tù nhân chiến tranh người Nga bị giam giữ trong các trại tị nạn ở Ukraine không còn được phép gọi điện thoại cho người thân của họ nữa.

Lubinets cho biết lệnh cấm này không vi phạm Công ước Geneva vì tù binh chiến tranh Nga vẫn có thể gửi thư viết tay cho gia đình họ.

Lubinets cho biết: “Đã có nhiều cuộc thảo luận về khả năng tù binh chiến tranh Nga có thể gọi điện cho người thân của họ ở Liên bang Nga... Cho đến nay, chúng tôi đã được thông báo rằng người Nga vẫn có khả năng viết thư, nhưng họ không còn quyền gọi điện thoại nữa”.

Vào đầu tháng 3, bản kiến nghị kêu gọi cấm các cuộc gọi điện thoại cho tù binh chiến tranh Nga đã nhận được 25.000 chữ ký cần thiết. Tuy nhiên, quốc hội Ukraine đã bác bỏ đề xuất này vào thời điểm đó, nói rằng các cuộc gọi điện thoại “có chức năng thông tin quan trọng, cung cấp thông tin khách quan cho người Nga rằng họ không nên sợ đầu hàng”.

Những người lính Nga đã đầu hàng hoặc bị bắt ở Ukraine được giam giữ tại bốn trại tù binh chiến tranh. Theo Lubinets, điều kiện ở đó tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva.

Nhiều báo cáo và nhân chứng cho thấy tù binh chiến tranh Ukraine ở Nga thường bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp, bị tra tấn, đánh đập và bỏ đói.

Tuy nhiên, bài phát biểu mới nhất của Lubinets được đưa ra trong bối cảnh số lượng các vụ vi phạm quyền của tù binh chiến tranh Ukraine ở Nga ngày càng gia tăng.

Vào ngày 6 tháng 9, Lubinets đã kháng cáo lên Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, gọi tắt là ICRC, và Liên Hiệp Quốc để phản hồi lại một đoạn video được cho là quay cảnh Nga hành quyết một tù binh chiến tranh Ukraine.

Đoạn video đang lan truyền trên mạng xã hội này được dự án “Tôi muốn sống” của tình báo quân sự Ukraine công bố.

Đoạn phim được cho là cho thấy một người lính Nga hỏi một người lính Ukraine rằng anh ta có muốn “nói lời cuối cùng, hay cầu nguyện trước khi chết không”, rồi bắn anh ta bằng súng trường ba phát.

Lubinets cũng đã kháng cáo lên Hội Hồng Thập Tự Quốc tế vào tháng 8 liên quan đến một đoạn video ghi lại cảnh quân đội Nga được cho là đang trưng bày đầu của một người lính Ukraine bị chặt đầu.

Đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông mặc quân phục Nga, mặt bị che kín và phía sau có hình ảnh một chiếc đầu bị cắt đứt, cắm trên một chiếc cọc.

Tính đến tháng 3 năm 2024, Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã thu thập thông tin trước khi xét xử về hơn 128.000 nạn nhân của tội ác chiến tranh. Các công tố viên cho biết họ đang điều tra các trường hợp ít nhất 54 tù binh chiến tranh Ukraine bị Nga hành quyết. Nhiều trường hợp khác có thể đã xuất hiện kể từ đó.

[Kyiv Independent: Russian POWs no longer allowed to call relatives, ombudsman says]

8. Trước buổi ra mắt tại liên hoan phim Toronto, nhà làm phim bảo vệ bộ phim tài liệu về những người lính Nga, nói rằng các nhà báo 'theo dõi câu chuyện đến nơi nó diễn ra'

Nhà làm phim người Canada gốc Nga Anastasia Trofimova đã thừa nhận đã vào lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm mà không có giấy phép chính thức khi thực hiện bộ phim tài liệu gây tranh cãi “Russians at War”.

Bộ phim dự kiến ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (TIFF) vào ngày 10 tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Globe and Mail được công bố vào ngày 8 tháng 9, Trofimova nhấn mạnh rằng bà chỉ tập trung vào những người lính Nga, những người mà bà mô tả là những nhân vật ẩn náu của cuộc chiến, đồng thời nói thêm rằng quyết định trà trộn vào họ của bà xuất phát từ quyền tiếp cận đặc biệt mà bà được trao.

Mặc dù thừa nhận rằng cuộc xâm lược của Nga là không chính đáng và bất hợp pháp, bộ phim của Trofimova vẫn gây tranh cãi về nội dung và nguồn tài trợ.

Bộ phim đã gây ra phản ứng dữ dội kể từ khi ra mắt tại Liên hoan phim Venice, và đã bị chỉ trích bởi tổng lãnh sự Ukraine tại Toronto, Oleh Nikolenko, vì bị cáo buộc là đã che đậy tội ác chiến tranh của Nga. Nikolenko đã thúc giục ủy ban liên hoan gỡ bỏ bộ phim tài liệu này.

Đại hội người Canada gốc Ukraine, gọi tắt là UCC, đưa tin rằng bộ phim tài liệu này đã nhận được tài trợ từ Quỹ truyền thông Canada, một quan hệ đối tác công tư được Bộ Di sản Canada hậu thuẫn, với số tiền là 340.000 đô la Canada hay 250.358 Mỹ Kim.

Trong bức thư của mình, Nikolenko chỉ trích chính phủ Canada vì đã giúp tài trợ cho bộ phim tài liệu. Ông cũng nói rằng bằng cách gia nhập một đơn vị quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm, Trofimova “vi phạm nghiêm trọng luật pháp Ukraine”.

Trofimova đã đưa ra tuyên bố vào ngày 6 tháng 9 để bảo vệ bộ phim tài liệu chống lại những gì bà mô tả là các cuộc tấn công. “Tôi muốn nói rõ rằng bộ phim hợp tác sản xuất giữa Canada và Pháp này là một bộ phim phản chiến được thực hiện với rủi ro lớn đối với tất cả những người liên quan, đặc biệt là tôi”, bà nói.

Trofimova, người trước đây làm việc cho công ty truyền thông nhà nước Nga RT, cho biết bà không thể tiếp cận phía Ukraine do quốc tịch Nga và mối quan hệ trước đây với RT. Công ty này bị cấm ở Canada.

“Nếu tôi đến Ukraine với tư cách là người Nga, tôi sẽ bị coi là gián điệp hoặc bị tấn công. Việc tôi từng làm việc cho RT Documentary không giúp ích gì. Tôi sẽ không thể đưa tin về cả hai mặt trận,” bà ta nói với tờ Globe and Mail. “Các nhà báo thường xuyên đi đến các vùng chiến sự mà không có sự cho phép của nhà nước. Đây là cách chúng tôi có thể có được một câu chuyện không được nhà nước chấp thuận.”

Đoạn giới thiệu phim tài liệu tiết lộ rằng bộ phim phản ánh một số khuôn mẫu được truyền thông nhà nước Nga tuyên truyền nhằm hợp pháp hóa cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người phải di dời.

“Nga và Ukraine luôn không thể tách rời. Tôi nhớ sự đoàn kết anh em,” một người lính nói với máy quay, củng cố lời tường thuật sai lầm rằng Ukraine không thể tồn tại như một quốc gia độc lập.

[Kyiv Independent: Ahead of Toronto festival premiere, filmmaker defends documentary on Russian soldiers, says journalists 'follow the story where it goes']

9. Scholz kêu gọi 'vài trăm ngàn' người tị nạn Ukraine nộp đơn xin việc làm tại Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông muốn thấy “vài trăm ngàn” người tị nạn Ukraine hiện đang ở Đức tìm được việc làm, hãng truyền thông Đức Tagesschau đưa tin hôm Thứ Hai, 09 Tháng Chín.

Tuyên bố của Scholz được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về khả năng cắt giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine tại Đức. Những người tị nạn Ukraine nhận được trợ cấp xã hội trong khi thất nghiệp cũng gây ra tranh cãi giữa các quan chức Đức.

Scholz cho biết trong một hội nghị với người dân và cử tri của Đảng Dân chủ Xã hội của ông tại Teltow rằng hơn 200.000 người tị nạn Ukraine đã tìm được việc làm tại Đức thông qua chương trình Jobturbo của chính phủ.

“Nhưng có thể nói là còn hàng trăm ngàn người nữa. Đó là lý do tại sao tôi muốn thấy công việc được thực hiện”, Scholz nói, đồng thời nói thêm rằng các tiểu bang, liên bang và người sử dụng lao động có trách nhiệm hỗ trợ người Ukraine tìm việc làm.

Teltow nằm trong khu vực bầu cử của Scholz tại Brandenburg, nơi ông vận động tranh cử với tư cách là thành viên của Bundestag. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức tại Brandenburg vào ngày 22 tháng 9.

Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022. Theo Bloomberg, Berlin đã chi hơn 20 tỷ euro hay 21,4 tỷ đô la cho chỗ ở và việc hòa nhập của người tị nạn.

Deutsche Welle đưa tin vào tháng 8 rằng hầu hết những người tị nạn từ Ukraine là chuyên gia y tế vẫn không được phép làm việc tại Đức do “các quy trình quan liêu”. Trong số 1.674 bác sĩ nộp đơn xin hành nghề y, chỉ có 187 người được chấp thuận, hãng truyền thông này cho biết.

Vào tháng 6, Đức, Ba Lan và Cộng hòa Tiệp đã yêu cầu Liên minh Âu Châu hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Các nhà lãnh đạo của ba quốc gia đã gửi một lá thư chung tới Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen với yêu cầu tài trợ của họ.

Phát biểu với các phóng viên trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels cùng tháng, Scholz cho biết vấn đề đóng góp của mỗi quốc gia thành viên trong việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine “không được phân bổ rõ ràng”. Vào thời điểm đó, Scholz cho biết Liên Hiệp Âu Châu nên bồi thường cho ba quốc gia đó chi phí sinh hoạt, đào tạo nghề và các khóa học ngôn ngữ.

Bình luận của Scholz tại Brussels được đưa ra sau tuyên bố ngày 24 tháng 6 của ông về sự sụt giảm uy tín của Đảng Dân chủ Xã hội Đức do ông lãnh đạo, được cho là có liên quan đến việc một số cử tri phản đối sự ủng hộ của đảng này đối với Ukraine.

[Kyiv Independent: Scholz calls on 'several hundred thousand' of Ukrainian refugees to apply for jobs in Germany]

10. Giải thích: Tại sao quan hệ Armenia-Nga tiếp tục xấu đi

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Mạc Tư Khoa dường như đã học được cách sống chung với mối quan hệ ngày càng thù địch với phương Tây. Tuy nhiên, cách Ukraine hàng ngàn km về phía đông, mối quan hệ với một quốc gia ở Nam Kavkaz đã trở nên ngày càng lạnh nhạt, sau một cuộc xung đột hoàn toàn khác.

Mối quan hệ giữa Nga và Armenia đã xấu đi trong nhiều năm nhưng đã leo thang đáng kể khi “lực lượng gìn giữ hòa bình” của Nga được triển khai trong khu vực không ngăn chặn cuộc tấn công của Azerbaijan hồi tháng 9 năm 2023 vào Nagorno-Karabakh, một vùng đất tranh chấp lâu đời có dân cư chủ yếu là người Armenia, nhưng được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan.

Mùa hè năm nay chứng kiến sự ra đi mang tính lịch sử tại Sân bay quốc tế Zvartnots của Armenia, khi lực lượng biên phòng Nga cuối cùng cũng rời khỏi tòa nhà, 32 năm sau khi họ bắt đầu triển khai.

Vào tháng 3 năm 2024, Yerevan đã thông báo với Mạc Tư Khoa rằng lực lượng bảo vệ của họ không còn cần thiết để hỗ trợ kiểm soát biên giới tại phi trường nữa và những lính bảo vệ Nga cuối cùng đã rời phi trường vào ngày 31 tháng 7.

Bộ Ngoại giao Nga mô tả động thái này gây ra “thiệt hại không thể khắc phục” cho mối quan hệ giữa hai nước.

Một tháng sau, thiệt hại dường như còn nghiêm trọng hơn nữa. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Armenia đã đình chỉ sự tham gia của mình vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO.

“Cộng hòa Armenia đã 'đóng băng' sự tham gia của mình vào CSTO ở mọi cấp độ và ở giai đoạn này, chúng tôi coi quyết định này là đủ”, Pashinyan cho biết vào ngày 31 tháng 8.

CSTO là gì và tại sao Armenia muốn rời khỏi tổ chức này?

CSTO được thành lập vào năm 2002 và bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Nga là thành viên mạnh nhất của liên minh, có cấu trúc tương tự như NATO.

Kể từ đầu năm 2024, Armenia đã nhiều lần đe dọa rời khỏi tổ chức này. Vào tháng 5, Yerevan đã từ chối tài trợ cho CSTO, mặc dù ngân sách đã được phê duyệt vào tháng 11 trước đó.

Yerevan lập luận rằng liên minh quân sự đã không giải quyết được những lo ngại về an ninh tập thể của Armenia.

Theo Điều 4 của Hiệp ước CSTO, nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, thì tất cả các quốc gia thành viên phải hỗ trợ quốc gia đó — tương tự như các nguyên tắc trong Điều 5 của NATO.

CSTO đã không can thiệp vào cuộc tấn công của Azerbaijan vào tháng 9 năm 2023. Khoảng 100.000 người đã buộc phải chạy trốn sang Armenia khi quân đội Azerbaijan thiết lập quyền kiểm soát khu vực này và Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng đã bị giải thể.

Mặc dù CSTO là tổ chức do Nga đứng đầu, nhưng về mặt chính thức, tổ chức này phải xem xét quan điểm của các quốc gia thành viên khác, Olesya Vartanyan, một chuyên gia về các vấn đề an ninh ở Nam Kavkaz, nói với tờ Kyiv Independent.

Vartanyan cho biết, “Lãnh đạo của một số quốc gia này đã công khai tuyên bố rằng họ không muốn tạo ra những vấn đề mới với Azerbaijan bất kể giá phải trả của Armenia” và tỏ ra thờ ơ với nỗ lực tự vệ của Armenia.

Trong số này có Belarus, quốc gia đã cung cấp vũ khí tiên tiến cho Azerbaijan trong nhiều năm, theo cuộc điều tra của Politico.

“Ai cần người Armenia? Không ai cả. Hãy để họ phát triển nền kinh tế và dựa vào nguồn lực của chính họ,” nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko phát biểu trên truyền hình nhà nước vào tháng 8.

Theo Vartanyan, CSTO đã “áp dụng lập trường giống hệt với những gì Mạc Tư Khoa đã đề xuất kể từ khi xuất hiện các vấn đề biên giới giữa Armenia và Azerbaijan — rằng hai nước trước tiên nên xác định đường biên giới chưa phân định của mình, sau đó xem xét xem ai có thể chiếm lãnh thổ nào”,

Mối quan hệ của Armenia với phương Tây

Vartanyan cho biết: “Sự thờ ơ này, cùng với những tuyên bố bằng lời nói chống lại giới lãnh đạo Armenia của một số quốc gia thành viên, đã góp phần khiến Yerevan quyết định bắt đầu tách mình khỏi CSTO”.

Pashinyan không thể nêu rõ “ngày chính xác” khi Armenia sẽ rời khỏi CSTO. Ông cho biết chính phủ có thể xem xét lại quyết định đình chỉ tư cách thành viên của mình trong tương lai nhưng không thấy cần phải làm như vậy vào lúc này.

Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc cách mạng năm 2018, chính phủ của Pashinyan đã không ngừng củng cố mối quan hệ của đất nước với phương Tây, khiến Nga lên án. Lo sợ về sự thù địch mới với Baku, động thái hướng về phía tây của Yerevan đã tăng cường mạnh mẽ kể từ năm 2023 khi tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới.

Vartanyan cho biết Armenia hiện đang thúc đẩy quan hệ an ninh với các quốc gia khác, chẳng hạn như Pháp, Hoa Kỳ và Ấn Độ, và trong nhiều tháng qua, đã tổ chức “một số vòng đối thoại với các đồng nghiệp Âu Châu và Hoa Kỳ để thảo luận và thống nhất về các cải cách trong an ninh, kinh tế và các lĩnh vực khác”.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan tiết lộ rằng nước này đang cân nhắc nộp đơn xin gia nhập Liên minh Âu Châu, nhằm mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ với phương Tây.

Vào tháng 7, các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu đã chấp thuận việc khởi động cuộc đối thoại miễn thị thực với Armenia để bắt đầu các cuộc đàm phán về chế độ miễn thị thực giữa hai nước và lần đầu tiên trong lịch sử, đồng ý phân bổ viện trợ quân sự từ Cơ sở Hòa bình Âu Châu, gọi tắt là EPF, cho quốc gia này.

Vào Tháng Giêng năm 2024, Armenia cũng đã phê chuẩn Quy chế Rôma của Tòa án Hình sự Quốc tế, trở thành một trong 124 quốc gia có nghĩa vụ bắt giữ Putin nếu ông đặt chân đến Armenia. Armenia ban đầu đã ký Quy chế Rôma vào năm 1998 nhưng không phê chuẩn.

Trong khi Điện Cẩm Linh lên án động thái này là “bước đi không thân thiện” và “quyết định sai lầm”, Pashinyan cho biết vào tháng 2 rằng việc phê chuẩn đóng vai trò là biện pháp bổ sung “để tăng cường an ninh cho Armenia”.

Theo Vartanyan, vẫn chưa rõ những bước đi này sẽ đưa Armenia đi xa đến đâu.

“Yerevan có thể sẵn sàng xích lại gần hơn hoặc thậm chí khởi xướng một số tiến trình hội nhập, nhưng phương Tây phải đưa ra những tín hiệu đúng đắn và bắt đầu một tiến trình thực chất hướng tới mối quan hệ chặt chẽ hơn với Armenia.”

[Kyiv Independent: Explainer: Why Armenia-Russia relations continue to deteriorate]
 
Tông du Đông Nam Á: Giới thiệu đất nước và Giáo Hội tại Singapore
VietCatholic Media
18:51 10/09/2024

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về đất nước và Giáo Hội tại Singapore

Tổng Quan.

Singapore hay còn gọi là Tân Gia Ba là một đảo quốc và thành quốc có chủ quyền tại khu vực Đông Nam Á, nằm ngoài khơi về mũi phía nam của bán đảo Mã Lai và cách xích đạo 137 km về phía bắc. Lãnh thổ Singapore bao gồm có một đảo chính hình thoi và khoảng 60 đảo nhỏ hơn. Singapore tách biệt với bán đảo Malaysia qua eo biển Johor ở phía bắc cũng như tách biệt với quần đảo Riau của Indonesia qua eo biển Singapore ở phía nam. Singapore là quốc gia có mức độ đô thị hóa rất cao, chỉ còn lại số lượng ít thảm thực vật nguyên sinh. Lãnh thổ của Singapore hiện đang liên tục được mở rộng thông qua các hoạt động cải tạo và lấn biển.

Tên gọi tiếng Anh “Singapore” bắt nguồn từ tiếng Mã Lai Singapura, nghĩa là “thành phố Sư tử”. Tuy nhiên, người ta tin rằng sư tử chưa từng sống trên đảo, và loài thú mà Sang Nila Utama là người thành lập và định danh cho Singapore cổ đại nhìn thấy có lẽ là một con hổ.

Lịch sử cận đại

Sau thế chiến thứ nhất, chính phủ Anh Quốc dành nguồn lực đáng kể để xây dựng một căn cứ hải quân tại Singapore, một sự ngăn chặn đối với tham vọng ngày càng tăng của Đế quốc Nhật Bản. Singapore được nước Anh coi là tài sản thương mại quan trọng nhất tại Á Châu, và từ thập niên 1920 nó cũng là căn cứ hải quân chủ lực bảo vệ quyền lợi của nước Anh ở vùng Đông Nam Á và là lá chắn phòng ngự cho Úc và New Zealand. Để bảo vệ thành phố giá trị này, nhiều doanh trại được xây dựng để làm căn cứ đồn trú cho hàng vạn binh sỹ Anh. Căn cứ hải quân Anh ở đây được hoàn thành vào năm 1939, có đủ dự trữ nhiên liệu để hỗ trợ cho toàn bộ hải quân Anh Quốc trong sáu tháng. Thủ tướng Winston Churchill ca ngợi Singapore có giá trị như là “eo biển Gibraltar của phương Đông”.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Singapore là mục tiêu mà Đế quốc Nhật Bản rất thèm muốn. Quân đội Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Malaya thuộc Anh, đỉnh điểm là trận Singapore. Người Anh chiến bại, và đầu hàng vào ngày 15 tháng 2 năm 1942, gần 90.000 quân Anh đóng ở đây bị bắt làm tù binh. Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill gọi đây là “thảm họa tệ nhất và sự đầu hàng lớn nhất trong lịch sử Anh Quốc”. Số người Hoa bị thảm sát sau khi Singapore thất thủ ước tính từ 5.000 đến 25.000 người. Người Anh tái chiếm đảo vào tháng 9 năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng.

Trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 1959, Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng vang dội. Singapore trở thành một nhà nước tự trị nội bộ bên trong Thịnh vượng chung và Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của quốc gia.

Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển vào cuối thế kỷ XX. Năm 1990, Ngô Tác Đống kế nhiệm chức thủ tướng, đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, sự lan tràn của SARS năm 2003 cũng như những đe dọa khủng bố từ Jemaah Islamiah, hậu 11 tháng 9 và các vụ đánh bom ở Bali. Năm 2004, con trai cả của Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long trở thành thủ tướng thứ ba.. Mặc dù nền kinh tế có sự tăng trưởng đặc biệt, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã phải nhận kết quả bầu cử tệ nhất trong lịch sử tại cuộc bầu cử năm 2011, khi họ chỉ giành được 60% số phiếu bầu. Vào ngày 23 tháng 3 năm 2015, Lý Quang Diệu qua đời.

Chính trị

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Freedom House xếp hạng Singapore là “tự do một phần” trong báo cáo Freedom in the World của họ, và The Economist xếp hạng Singapore là một “chế độ hỗn hợp”, hạng thứ ba trong số bốn hạng, trong “Chỉ số dân chủ” của họ. Tổ chức Minh bạch Quốc tế liên tục xếp Singapore vào hạng các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới.

Kể từ chính phủ tự trị năm 1959, Singapore chỉ có ba Thủ tướng Chính phủ.

Quyền hành pháp thuộc về Nội các Singapore, do Thủ tướng lãnh đạo, và ở một mức độ thấp hơn rất nhiều là Tổng thống. Tổng thống được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, và có quyền phủ quyết đối với một tập hợp cụ thể các quyết định hành pháp, như sử dụng dự trữ quốc gia và bổ nhiệm các thẩm phán, song vai trò phần lớn mang tính lễ nghi.

Tổng thống Singapore hiện nay là ông Tharman Shanmugaratnam. Thủ tướng là Lawrence Wong.

Quốc hội Singapore đóng vai trò là nhánh lập pháp của chính phủ. Các thành viên của Quốc hội gồm có các thành viên đắc cử, phi tuyển khu và được chỉ định. Các thành viên đắc cử được bầu vào Quốc hội trên cơ sở “đa số ghế” và đại diện cho các khu vực bầu cử có một hoặc nhóm đại diện. Đảng Hành động Nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội với đa số lớn trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959. Hệ thống tư pháp của Singapore dựa trên thông luật Anh, song có các khác biệt địa phương đáng kể. Việc bồi thẩm đoàn xử án bị bãi bỏ vào năm 1970, các phán quyết tư pháp sẽ hoàn toàn nằm trong tay các thẩm phán được chỉ định.

Giáo Hội Công Giáo tại Singapore

Công Giáo ở Singapore có nguồn gốc từ sự hiện diện của Bồ Đào Nha ở Á Châu. Người ta tin rằng vị linh mục Công Giáo đầu tiên đã đặt chân đến Singapore vào năm 1821, hai năm sau cuộc đổ bộ của Stamford Raffles, để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đang phát triển, chủ yếu bao gồm những người thực dân Anh và một số người Trung Quốc; tuy nhiên, có khả năng đã có những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha hoạt động từ Malacca ở Singapore trong thời kỳ Bồ Đào Nha, 1511–1641, trước cuộc chinh phục của Anh.

Được công nhận là người sáng lập Giáo Hội Công Giáo tại đây, Cha Jean-Marie Beurel nổi tiếng vì đã khởi xướng việc xây dựng một số nhà thờ Công Giáo, chẳng hạn như Nhà thờ chính tòa Chúa Chiên Lành và thành lập các trường Truyền giáo đầu tiên tại Singapore. Trong số các trường Truyền giáo đầu tiên, Tu viện Chúa Hài Đồng, được thành lập vào năm 1854, được các Nữ tu Chúa Hài Đồng chăm sóc. Các tổ chức này phục vụ cho sinh viên thuộc mọi tín ngưỡng và xuất thân và nhiều người không theo Công Giáo sau đó đã cải đạo.

Việc cải đạo sang Công Giáo trong cộng đồng người Hoa vào thế kỷ 19 đã bị các cộng đồng người Hoa nhập cư ở Singapore chống báng. Nhiều người Hoa cải đạo sang Công Giáo, phần lớn là những chủ đồn điền giàu có, thường xuyên bị các băng đảng có tổ chức là người Hoa và tầng lớp lao động quấy rối. Những băng đảng này chủ yếu nằm ở khu vực Upper Serangoon và Hougang, nơi có Nhà thờ Sinh Nhật Đức Mẹ tọa lạc tại nơi theo truyền thống là trung tâm nói tiếng Triều Châu.

Trong Thế chiến II, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương ở Singapore, nhiều người Công Giáo gốc Á-Âu và Trung Quốc đã bị trục xuất đến Bahau, còn được gọi là “Làng Fuji” vào thời điểm đó, để tự cung tự cấp thực phẩm.

Vào ngày 29 tháng 5 năm 2022, Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố rằng Tổng giám mục Singapore William Goh được bổ nhiệm làm Hồng Y vào tháng 8 năm đó, khiến ngài trở thành Hồng Y người Singapore bản địa đầu tiên trong lịch sử.

Singapore có 170.000 người Công Giáo, chiếm 3,1% trong tổng số 5.454.000 dân.

Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 29 giáo xứ, 3 trung tâm khác.

Giáo Hội tại đây có 3 giám mục, trong đó có 2 Giám Mục hiệu tòa, 158 linh mục bao gồm 76 linh mục triều và 82 linh mục Dòng, và 2 phó tế vĩnh viễn.

Giáo Hội Singapore cũng có 196 tu sĩ bao gồm 34 nam tu sĩ không có chức linh mục và 162 nữ tu, 1 thành viên Tu Hội Đời, 27 đại chủng sinh, và 1.880 giáo lý viên.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024

Sau cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ Đông Timor tại Centro de Convenções, lúc 10:45, Đức Thánh Cha sẽ ra Phi trường quốc tế Presidente Nicolau Lobato của Dili.

Lúc 11:15, Đức Thánh Cha khởi hành bằng máy bay để bay đến Singapore

Lúc 14:15, ngài sẽ đến Phi trường quốc tế Changi của Singapore. Tại đây sẽ có lễ nghi chào đón chính thức.

Buổi chiều, lúc 18:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên tại Trung tâm tĩnh tâm Thánh Phanxicô Xaviê

Thứ Năm, ngày 12 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:00, Đức Thánh Cha sẽ được chào đón tại Tòa nhà Quốc hội

Lúc 09:30, ngài có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Singapore

Sau đó, lúc 09:55, ngài có cuộc gặp gỡ xã giao với Thủ tướng Singapore

Lúc 10:30, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại nhà hát Trung tâm Văn hóa của Đại học Quốc gia Singapore

Buổi chiều, lúc 17:15 Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ tại vận động trường quốc gia Singapore Sports Hub

Thứ Sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:15, Đức Thánh Cha sẽ thăm một nhóm người già và bệnh tật tại Nhà dưỡng lão Saint Theresa

Lúc 10:00, ngài có cuộc gặp gỡ liên tôn với các thanh thiếu niên tại cao đẳng Công Giáo

Lúc 11:20, lễ tạm biệt sẽ diễn ra tại Phi trường quốc tế Changi Singapore

Lúc 11:50, ngài khởi hành bằng máy bay từ Phi trường quốc tế Changi Singapore đến Rôma

Lúc 18:25, ngài về đến Phi trường quốc tế Rôma/Fiumicino
 
Thánh Ca
Cùng Chúa đàn Guitar
Phạm Trung
01:13 10/09/2024
 
TV 135
Lm. Thái Nguyên
13:43 10/09/2024
 
Trung thu bên Chúa
Lm. Thái Nguyên
13:44 10/09/2024