Ngày 21-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng Năm C 22/12 dành cho những ai không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:24 21/12/2024


BÀI ĐỌC 1 Mk 5:1-4a

Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha.

Đức Chúa phán thế này:

Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,

ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,

từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện

một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.

Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en

cho đến thời một phụ nữ sinh con.

Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó

sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.

Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,

vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người

mà đứng lên chăn dắt họ.

Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ

quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.

Chính Người sẽ đem lại hoà bình.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Hr 10:5-10

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.

Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.

Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.

Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 1:38

Alleluia. Alleluia.

Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 1:39-45

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.

Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Đó là Lời Chúa.
 
Tặng trao
Lm Minh Anh
16:55 21/12/2024
TẶNG TRAO
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”.

Trong “Bước Tới Gần Hơn!”, “Closer Walk!”, tác giả viết, “Cuộc sống thật bi thảm đối với một số người có quá nhiều thứ để sống, nhưng không biết sống cho ai, sống cho cái gì! Nói cách khác, họ không biết tặng trao!” - Catherine Marshall.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật cuối mùa Vọng cho thấy Đấng mà chúng ta cần “bước tới gần hơn” là chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn ‘tặng trao!’. Hội Thánh mời gọi con cái noi gương Mẹ Maria, lên đường, ra đi và ‘tặng trao’ như Thiên Chúa, Đấng luôn ‘tặng trao!’.

Với ngôn sứ Mikha, Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài một mục tử, “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” - bài đọc một; bên cạnh đó, Mikha còn nói đến một phụ nữ, “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời người sản phụ sinh con”. Người con được báo trước ấy là Chúa Giêsu Cứu Thế, Ngài sẽ là mục tử thực hiện những lời hứa xưa, mở ra một thời đại hoà bình. Ngài là tư tế hiến dâng chính mình làm của lễ trong tế tự giao ước mới, “Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa!” - bài đọc hai. Ngài sẽ thi hành thánh ý Chúa Cha đến nỗi ‘tặng trao’ chính thân mình trên thập giá!

Tin Mừng hôm nay nói đến cuộc ra đi của Đức Maria, một phụ nữ lòng đầy Chúa đến với gia đình Zacharia. Cuộc gặp gỡ của hai người mẹ, ‘một già, đại diện cho giao ước cũ; một trẻ, đại diện cho giao ước mới’ đưa chúng ta về các giao ước mà Thiên Chúa cam kết thực hiện. Maria ‘tặng trao’ chính mình khi đến phục vụ người chị họ; qua đó, Mẹ ‘tặng trao’ Giêsu. Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm và bắt chước những bước chân thật đẹp đầy tình Chúa, thắm tình người của Mẹ.

Cả Maria và Elizabeth đều được chúc phúc khi họ đến với nhau; mỗi người là nguồn ân phúc cho người kia! Khung cảnh gặp gỡ nhắc chúng ta rằng, sự hiện diện của chúng ta dành cho nhau có ý nghĩa sâu sắc hơn trong những ngày áp lễ Giáng Sinh. “Trên đường đến nhà Elizabeth, Maria tiến bước nhanh nhẹn như một người có trái tim và cuộc sống tràn đầy Chúa, tràn đầy niềm vui của Ngài. Chúng ta đừng quên, hành động bác ái đầu tiên chúng ta có thể làm cho những người lân cận là trao cho họ một khuôn mặt thanh thản và tươi cười. Đó là mang niềm vui của Chúa Giêsu đến cho họ, ‘tặng trao’ Ngài như Mẹ Maria đã ‘tặng trao’ Elizabeth!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là “Thân Mẫu Chúa” cho người khác! Chúa có thể hoạt động mạnh mẽ qua mỗi người chúng ta để chúc phúc và ban ân sủng cho người khác. Có như thế, chúng ta biết rõ, chúng ta “sống cho ai và sống cho cái gì”. Nhờ phép Rửa Tội, bạn và tôi được kêu gọi trở thành nguồn ân phúc của Thiên Chúa cho người khác, trở thành máng thông chuyển ân sủng cho người khác. Chúng ta làm điều đó với ‘chất lượng hiện diện’ của Mẹ Maria; một sự hiện diện chu đáo, yêu thương, chấp nhận, kiên nhẫn và quan tâm - khởi đi từ các mối tương quan với những người trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lễ Giáng Sinh, lễ mừng Chúa trao tặng phẩm vị thần linh cho nhân loại để cứu nhân loại, đừng để cuộc sống con trở nên bi thảm khi không biết ‘tặng trao!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:55 21/12/2024

4. Trình độ tiến lên của một cá nhân trên con đường tu đức là tỉ lệ thuận với mức độ mong muốn nên thánh của người đó.

(Thánh Bernad)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:00 21/12/2024
20 MŨI ĐỎ MŨI TRẮNG

Lúc quan trung lang họ Viên làm quan ở kinh thành, đến tháng chín thì mặc áo vải bông rất dày, chúng tôi nói với ông ta:

- “Như thế thì nóng lắm, muốn chảy mũi đỏ sao?” (ý nói là chảy máu cam)

Em ông ta là Tiểu Tu nói:

- “Không mặc lại để chảy mũi trắng à !” (ý nói chảy nước mũi)

(Tuyết Đào Hìa Sứ)

Suy tư 20:

Người bệnh, nhất là bệnh cảm lạnh hay cảm thương hàn thì đều rất sợ gió và sợ lạnh, nên phải mặc áo bông dù trời nóng, bằng không thì sẽ bị sổ mũi, đó là chuyện bình thường của người bị bệnh; nhưng chuyện không bình thường là có những người khỏe mạnh nhưng lại cứ sợ gió sợ bệnh, nên dù trời nóng hay trời lạnh cũng mặc...áo gió che kín đầu, bệnh của họ là bệnh tưởng tượng đến nỗi trở thành lập dị..

Trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng có những người mang bệnh...tưởng tượng như vậy, họ tưởng tượng ra một Thiên Chúa luôn trừng phạt mọi người, nhất là người tội lỗi, thế là họ đem Thiên Chúa làm ông kẹ để dọa những người nhẹ dạ; họ tưởng tượng ra một Thiên Chúa thích ở trong một thánh đường thật đẹp đẽ lộng lẫy, thế là họ “bai bai” nhà thờ mái tôn vách ván nghèo khó của giáo xứ mình, để đến những nhà thờ khác đẹp to lớn hơn để đi lễ đọc kinh; lại còn có người tưởng tượng ra một Thiên Chúa thích nịnh, thế là họ ngày ngày rỉ rả câu: “lạy Chúa Giê-su con yêu mến Chúa” nhưng họ lại luôn nói hành nói xấu tha nhân, họ luôn tìm cách để triệt hạ bôi xấu anh chị em.

Trời nóng trời lạnh là do Thiên Chúa an bài, nhưng mặc áo bông hay mặc áo mỏng là do chính bản thân khỏe hay yếu, khoe khoang hay kiêu ngạo...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thương vong tại chợ Giáng Sinh Đức sau vụ tông xe vào đám đông
Đặng Tự Do
17:30 21/12/2024


Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, một chiếc xe do một người nhập cư Ả Rập Saudi lái đã đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng Sinh vào tối thứ sáu ở thành phố Magdeburg, miền trung nước Đức, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Cảnh sát ở Magdeburg, một thành phố có 240.000 dân, cách Berlin khoảng hai giờ lái xe về phía tây, vẫn chưa công bố thông tin chi tiết chính thức về việc liệu vụ việc có phải là một cuộc tấn công khủng bố hay không. Thống đốc khu vực, Reiner Haseloff, nói với giới truyền thông rằng nghi phạm là một công dân Ả Rập Saudi 50 tuổi, làm việc tại Đức với tư cách là bác sĩ từ năm 2006.

Các nguồn tin tức của Đức đưa tin rằng tài xế của chiếc xe đã bị bắt giữ. Hãng thông tấn AFP, trích dẫn nguồn tin từ các dịch vụ khẩn cấp, cho biết có khoảng 60 đến 80 người bị thương.

Cảnh sát Magdeburg chỉ nói trên mạng xã hội rằng “các hoạt động cảnh sát mở rộng hiện đang diễn ra” tại khu chợ và “sẽ có thêm báo cáo”.

Magdeburg được biết đến là thành phố nơi Thánh Norbertô đã giữ chức tổng giám mục cho đến khi qua đời vào năm 1134.

Vào tháng 11, một viên chức Đức đã kêu gọi “cảnh giác” tại các chợ Giáng Sinh năm nay trong bối cảnh tình hình an ninh gia tăng nói chung, mặc dù không có mối đe dọa cụ thể nào được xác định vào thời điểm đó. Cơ quan an ninh nội địa BfV của Đức cho biết các chợ Giáng Sinh có thể bị nhắm mục tiêu do “tính biểu tượng” của chúng liên quan đến “các giá trị Kitô giáo” và là “hiện thân của văn hóa và lối sống phương Tây”.

Vụ việc ở Magdeburg xảy ra gần đúng tám năm sau khi hơn một chục người thiệt mạng khi một chiếc xe tải do một kẻ cực đoan Hồi giáo lái đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng Sinh ở Berlin. Kẻ tấn công đó đã bỏ chạy và sau đó bị giết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát ở Ý.

Vào tháng 11 năm 2023, hai thiếu niên, 15 và 16 tuổi, đã bị bắt tại Đức vì nghi ngờ khủng bố. Họ được cho là có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo và được cho là đã lên kế hoạch tấn công chợ Giáng Sinh bằng xe cộ, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin vào đầu năm nay.

Vào tháng 4, chính quyền Đức báo cáo đã bắt giữ bốn nghi phạm bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào những người theo đạo Thiên chúa đang tham dự các buổi lễ nhà thờ và đồn cảnh sát bằng dao và bom xăng.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão Chido ở vùng lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của Pháp
Đặng Tự Do
17:31 21/12/2024


Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân của cơn bão Chido ở vùng lãnh thổ Mayotte của Pháp trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Trước khi chào đón hàng ngàn người hành hương chen chúc bên trong Hội trường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Thánh Cha đã dừng lại để cầu nguyện trước thánh tích của Thánh Têrêsa thành Lisieux được những người hành hương người Pháp tham dự buổi tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư mang về Rôma.

“Tôi bày tỏ sự quan tâm của mình đối với tất cả cư dân quần đảo Mayotte bị tàn phá bởi cơn bão và con xin cầu nguyện cho họ”, Đức Giáo Hoàng chia sẻ với những người hành hương.

“Xin Chúa ban sự an nghỉ cho những người đã mất, sự giúp đỡ cần thiết cho những người đang cần và sự an ủi cho các gia đình có người thân qua đời”, ngài nói tiếp.

Mayotte, vùng lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương giữa Madagascar và Mozambique, đã hứng chịu cơn bão nhiệt đới tồi tệ nhất trong 90 năm với sức gió lên tới hơn 124 dặm/giờ, theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Mặc dù số thương vong chính thức vẫn chưa rõ ràng và vẫn tiếp tục tăng, hàng ngàn người được cho là đã chết hoặc bị thương. Theo Al Jazeera, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou tuyên bố vào thứ Ba rằng hơn 1.500 người đã bị thương do Bão Chido.

Tuần này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giới thiệu loạt bài giáo lý mới có tựa đề “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy vọng của chúng ta” mà ngài cho biết sẽ tiếp tục trong toàn bộ Năm Thánh 2025.

Bắt đầu loạt bài giảng bằng những suy tư về gia phả và thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói với người nghe rằng “các phúc âm thời thơ ấu” của Thánh Matthêu và Thánh Luca, được ghi lại trong Tân Ước, thực chất được kể lại qua góc nhìn của cha mẹ Chúa Giêsu trên trần gian, là Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse.

“Chúng ta được chứng kiến một Chúa Giêsu trẻ thơ và một thiếu niên phục tùng cha mẹ mình, đồng thời nhận thức rằng Người hoàn toàn tận tụy với Chúa Cha và Vương quốc của Người,” ngài nói.

“Điểm khác biệt giữa hai tác giả Phúc âm là trong khi Luca kể lại các sự kiện qua góc nhìn của Đức Mẹ Maria, thì Matthew lại kể qua góc nhìn của Thánh Giuse, nhấn mạnh đến mối quan hệ cha con chưa từng có này.”

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đến những người phụ nữ được nhắc đến trong gia phả của Chúa Giêsu và tầm quan trọng của họ trong lịch sử cứu độ.

“Bốn người phụ nữ đầu tiên được kết hợp với nhau không phải vì họ là những tội nhân, như người ta vẫn thường nói, mà vì họ là người nước ngoài đối với người dân Israel,” ông nói.

“Điều mà Thánh Matthêu nêu ra là, như Bênêđíctô XVI đã viết, 'thông qua họ, thế giới của những người ngoại đạo bước vào... gia phả của Chúa Giêsu - sứ mệnh của Người đối với người Do Thái và người ngoại đạo được thể hiện rõ ràng.'“

“Giáng Sinh đã đến và tôi muốn nghĩ rằng có một cảnh Chúa Giáng Sinh trong nhà của anh chị em,” ngài nói. “Yếu tố quan trọng này của tâm linh và văn hóa của chúng ta là một cách tuyệt vời, rất tuyệt vời để tưởng nhớ Chúa Giêsu đã đến ngự giữa chúng ta.”

Cầu nguyện cùng những người hành hương chen chúc bên trong hội trường, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu xin “Hoàng tử Hòa bình” ban ơn và hòa bình cho thế giới.

“Chúng ta đừng quên tất cả những người đang đau khổ vì chiến tranh. Palestine, Israel và tất cả những người đang đau khổ ở Ukraine, ở Miến Điện. Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh cáo về tin đồn, tôn vinh cuộc sống gia đình trong thông điệp Giáng sinh
Vũ Văn An
18:21 21/12/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trước các Hồng Y và các quan chức cấp cao của Vatican trong bài phát biểu Giáng sinh thường niên của ngài trước Giáo triều Rôma, ngày 21 tháng 12 năm 2024. | Nguồn: Vatican Media


AC Wimmer của hãng tin CNA ngày 21 tháng 12, 2024, đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra hai thông điệp Giáng sinh tại Vatican vào thứ Bảy, cảnh cáo về "tác động phá hoại" của tin đồn trong khi tôn vinh tầm quan trọng của cuộc sống gia đình và sự phục vụ khiêm nhường.

“Một cộng đồng giáo hội sống trong sự hòa hợp vui tươi và huynh đệ đến mức các thành viên của mình bước đi trên con đường khiêm nhường, từ chối nghĩ và nói xấu lẫn nhau”, Đức Giáo Hoàng nói trong bài phát biểu Giáng sinh thường niên của mình tới Giáo triều Rôma vào ngày 21 tháng 12.

Đức Giáo Hoàng cảnh cáo rằng tin đồn “làm tổn hại đến các mối quan hệ xã hội, đầu độc trái tim và chẳng dẫn đến đâu cả”, khi ngài phát biểu trước các Hồng Y và các quan chức cấp cao của Vatican. Ngài thúc giục họ thực hành việc tự buộc tội thay vì buộc tội người khác, dựa trên lời dạy của các bậc thầy linh đạo Kitô giáo sơ khai.

Tòa thánh Vatican đã thông báo vào cuối ngày thứ Bảy rằng do thời tiết khắc nghiệt và các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chủ trì buổi cầu nguyện Truyền tin Chúa Nhật từ nhà nguyện Casa Santa Marta thay vì cửa sổ Điện Tông tòa thông thường...

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trong buổi họp mặt Giáng sinh thường niên với các nhân viên tại Hội trường Phaolô VI của Vatican vào ngày 22 tháng 12 năm 2024. Tín dụng: Vatican Media


Trước khi bắt đầu bài suy gẫm của ngài vào ngày 21 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza, lên án sự đau khổ và "sự tàn ác".

Cùng nhau cầu nguyện trong mùa Giáng sinh

Trong một bài phát biểu riêng với các nhân viên Vatican và gia đình của họ, Đức Giáo Hoàng đã so sánh Thành phố Vatican với "một tổ ong lớn" nhộn nhịp với các hoạt động trên đường phố, sân trong, hành lang và văn phòng. Ngài cảm ơn những người đang làm việc và không thể tham dự buổi họp mặt nhưng đã tạo điều kiện cho nó.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến đức tính khiêm nhường trong thần học, kết nối đức tính này với mầu nhiệm Nhập thể và đặc biệt là sự ra đời của Chúa. Ngài khuyến khích những người làm việc tại Vatican coi nhiệm vụ hàng ngày của họ là tham gia vào "những Nadarét ẩn giấu của các nhiệm vụ cụ thể của anh chị em" giúp đưa nhân loại đến với Chúa Kitô.

Phát biểu trước các nhân viên và gia đình của họ tụ họp tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống gia đình, đặc biệt kêu gọi sự chú ý đến ông bà. "Anh chị em có đến thăm ông bà của anh chị em không? Ông bà của anh chị em đang sống cùng gia đình hay họ sống trong viện dưỡng lão mà không có ai đến thăm?” Đức Giáo Hoàng hỏi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào đón con cái của các nhân viên Vatican trong buổi họp mặt Giáng sinh thường niên tại Hội trường Phaolô VI của Vatican, ngày 21 tháng 12 năm 2024. Tín dụng: Vatican Media


Ngài khuyến khích các gia đình cùng nhau cầu nguyện trong mùa Giáng sinh, đặc biệt là trước cảnh Chúa giáng sinh. “Nếu không có lời cầu nguyện, người ta không thể tiến lên, ngay cả trong gia đình,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói. “Hãy dạy con cái anh chị em cầu nguyện.” Đức Giáo Hoàng mô tả Giáo triều Rôma là một “xưởng” nơi nhiều vai trò khác nhau góp phần truyền bá phước lành của Chúa trên khắp thế giới. Ngài nhấn mạnh rằng sự phục vụ khiêm nhường phản ảnh “cách thức của chính Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để chia sẻ tình trạng con người của chúng ta.”
 
Đức Giáo Hoàng gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến Giáo triều Rôma: Đừng bao giờ nói xấu nhau
Thanh Quảng sdb
19:34 21/12/2024
Đức Giáo Hoàng gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến Giáo triều Rôma: 'Đừng bao giờ nói xấu nhau'

Trong bài phát biểu thường niên của mình cho Giáo triều Rôma để chúc mừng Giáng sinh, Đức Phanxicô lên án việc giết hại nhiều trẻ em hơn ở Gaza và nhấn mạnh đến đức khiêm nhường để nuôi dưỡng một cộng đồng làm việc trong hài hòa.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

“Một cộng đồng Giáo hội sống trong sự hòa hợp vui tươi và huynh đệ đến mức các thành viên của cộng đồng đó bước đi trên con đường khiêm nhường, từ chối nghĩ và nói xấu nhau.” Trong bài phát biểu thường niên vào dịp Giáng sinh cho Giáo triều Rôma tại Vatican vào thứ Bảy (21/12/2024), Đức Giáo Hoàng Phanxicô một lần nữa cảnh báo về những tác động phá hoại của những lời đồn đại và tin đồn tiêu cực mà ngài cho rằng “làm đầu độc trái tim và chẳng dẫn đến đâu cả”.

Tập trung vào lời khuyên của Thánh Phaolô là “hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12,14), chủ đề của bài chia sẻ, Đức Giáo Hoàng khuyến khích các thành viên của Giáo triều đừng nói xấu nhau và thay vào đó hãy nuôi dưỡng một cộng đồng làm việc hòa hợp và vui vẻ.

“Tin đồn làm tổn hại đến các mối quan hệ xã hội, đầu độc trái tim và chẳng dẫn đến đâu cả. Như mọi người thường nói: tin đồn chẳng có ý nghĩa gì cả.”

Nhiều trẻ em bị giết ở Gaza: "Thật là tàn ác"

Trước khi bắt đầu bài suy ngẫm, Đức Phanxicô một lần nữa hướng tâm tư của mình về cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra ở Gaza, nơi mà vào thứ Sáu, các cuộc không kích của Israel đã giết chết ít nhất 25 người Palestine, bao gồm bảy trẻ em trong cùng một gia đình ở Jabalia al-Nazl, khi Israel tiếp tục ném bom vào vùng lãnh thổ đã bị tàn phá này. "Đây không phải là chiến tranh. Đây là sự tàn ác", Đức Giáo Hoàng than thở trong những nhận xét không có chuẩn bị trước. "Tôi muốn nói điều này vì nó chạm đến trái tim tôi".

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục suy ngẫm về đức tính khiêm nhường và sự liên quan sâu sắc của nó đối với đời sống và cộng đồng Kitô giáo, kết nối nó với mầu nhiệm Nhập thể. "Nói hay và không nói xấu là biểu hiện của sự khiêm nhường, và sự khiêm nhường là dấu hiệu của Sự Nhập Thể và đặc biệt là mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh mà chúng ta sắp mừng", ngài nói, ám chỉ đến lời của Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma.

Con đường đến với sự khiêm nhường: tự buộc tội

Là một cách để vun đắp sự khiêm nhường, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi ý thực hành tự buộc tội, dựa trên lời dạy của các bậc thầy tâm linh Kitô giáo thời kỳ đầu như Dorotheus xứ Gaza. Trí tuệ của Dorotheus ủng hộ việc tự vấn và chuyển đổi những suy nghĩ tiêu cực về người khác thành những suy nghĩ tích cực.

Tự buộc tội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét "là cơ sở để chúng ta có thể nói 'không' với chủ nghĩa cá nhân và 'có' với tinh thần cộng đồng của Giáo hội" trong đó "tất cả đều là người bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau bước đi trong sự khiêm nhường và bác ái", và "dần dần được giải thoát khỏi sự nghi ngờ và ngờ vực".

“Khi nhìn thấy khuyết điểm ở một người, người ta chỉ có thể nói chuyện với ba người: với Chúa với người có liên quan và nếu không thể nói chuyện với người đó, với người trong cộng đồng có thể giải quyết vụ việc. Không gì hơn thế nữa.”

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng việc tự buộc tội phản ánh “sự hạ mình” (synkatabasis) của Chúa trong Sự Nhập thể, một hành động khiêm nhường của Chúa, trong đó “Đấng Tối cao chọn trở nên nhỏ bé, như hạt cải, như hạt giống của con người trong cung lòng Mẹ Maira, một người phụ nữ” để “gánh lấy gánh nặng không thể chịu đựng nổi của tội lỗi thế gian.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục, thực tế này được minh họa bằng Đức Trinh Nữ Maria, người đã sẵn lòng tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa với lòng khiêm nhường, biến bà thành nguyên mẫu của nhân đức thần học này: “Bà không có lý do gì để tự buộc tội mình, nhưng bà đã tự do lựa chọn hợp tác hoàn toàn vào sự hạ mình của Thiên Chúa, vào sự hạ mình của Chúa Con và vào sự ngự xuống của Chúa Thánh Thần”, ngài nói.

Hãy chúc phúc cho chính mình, chúng ta hãy chúc phúc cho người khác

Nhắc lại rằng Sự Nhập thể của Ngôi Lời cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không lên án chúng ta mà ban phước cho chúng ta, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “chính vì bản thân chúng ta đã được ban phước, chúng ta có thể ban phước cho người khác”. Phước lành này tuôn chảy từ việc đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, thông qua “những khoảnh khắc gặp gỡ, tình bạn, trong tinh thần cởi mở và quảng đại” có thể giúp chúng ta đổi mới và mang lại sức sống mới cho công việc văn phòng vốn có thể trở nên khô cằn.

“Nếu trái tim chúng ta được ôm ấp bởi phước lành nguyên thủy đó, thì chúng ta sẽ có thể ban phước cho mọi người, ngay cả những người mà chúng ta không quan tâm hoặc những người đã đối xử tệ với chúng ta”.

Nghệ nhân ban phước lành

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhấn mạnh rằng với tư cách là thành viên của Giáo hội “dấu hiệu và công cụ ban phước lành của Chúa cho nhân loại”, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành “nghệ nhân ban phước lành”, hình dung Giáo hội như một dòng sông rộng lớn phân nhánh thành nhiều nhánh để mang phước lành của Chúa đến với thế giới. Ngài mô tả Giáo triều Rôma là một “xưởng” nơi nhiều vai trò khác nhau đóng góp vào sứ mệnh này: “Tôi thích nghĩ về Giáo triều Rôma như một xưởng lớn, nơi có vô số công việc khác nhau, nhưng nơi mọi người đều làm việc vì cùng một mục đích: ban phước lành cho người khác và truyền bá phước lành của Chúa và Giáo hội Mẹ trên thế giới”.

Đức Giáo Hoàng đặc biệt ca ngợi công việc “ẩn giấu” của các nhân viên văn phòng, những người soạn thư và truyền đạt lời chúc phúc cho những cá nhân đang cần. Ngài nói rằng công việc khiêm nhường của họ là “phương tiện truyền bá lời chúc phúc”, đó là “con đường của chính Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để chia sẻ tình trạng con người của chúng ta, và do đó ban cho chúng ta lời chúc phúc của Người”.

Kết thúc bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyến khích các thành viên của Giáo triều Rôma hãy khiêm nhường và sống như những “nghệ nhân ban phước lành” thực sự trên thế giới, bằng cách không nói xấu người khác: “Chúng ta không thể viết lời chúc phúc rồi lại nói xấu anh chị em mình”, ngài nói.
 
Nguyên văn Lời Chúc Mừng Giáng Sinh Của Đức Thánh Cha với Giáo triều Rôma
Vũ Văn An
22:22 21/12/2024

Theo tin Tòa Thánh, tại Phòng Chúc Lành, Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ giáo triều Rôma để chức mừng Lễ Giáng Sinh. Sau đây là nguyên văn Lời Chúc Mừng của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



“Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa”

Anh chị em thân mến!

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Hồng Y Re vì lời chào mừng và lời chúc tốt đẹp của ngài. Thật tuyệt khi thấy ngài không già đi! Cảm ơn Đức Hồng Y, vì tấm gương sẵn sàng phục vụ và tình yêu của ngài dành cho Giáo hội.

Đức Hồng Y Re đã nói về chiến tranh. Hôm qua, Đức Thượng phụ [Latinh] [của Giêrusalem] không được phép vào Gaza như đã hứa; và hôm qua trẻ em đã bị đánh bom. Đây là sự tàn ác. Đây không phải là chiến tranh. Tôi muốn nói với anh chị em điều này vì nó chạm đến trái tim tôi. Thưa Đức Hồng Y, cảm ơn Đức Hồng Y đã nhắc đến điều này, cảm ơn ngài!

Tựa đề của bài phát biểu này là “Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa”.

Giáo triều Rôma bao gồm nhiều cộng đồng làm việc, ít nhiều phức tạp hoặc đông đảo. Năm nay, khi nghĩ tới một suy gẫm có thể mang lại lợi ích cho đời sống cộng đồng tại Giáo triều và các văn phòng khác nhau của nó, tôi đã chọn một khía cạnh phù hợp với mầu nhiệm Nhập thể, và anh chị em sẽ thấy ngay lý do tại sao.

Tôi nghĩ đến việc nói tốt cho người khác và không nói xấu họ. Đây là điều liên quan đến tất cả chúng ta, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng - giám mục, linh mục, người tận hiến và giáo dân. Về vấn đề này, tất cả chúng ta đều bình đẳng. Tại sao? Bởi vì đó là một phần trong bản chất con người của chúng ta.

Nói tốt và không nói xấu là biểu hiện của sự khiêm nhường, và sự khiêm nhường là dấu hiệu của Nhập thể và đặc biệt là mầu nhiệm Chúa Giáng sinh mà chúng ta sắp cử hành. Một cộng đồng giáo hội sống trong sự hòa hợp vui tươi và huynh đệ đến mức các thành viên của mình bước đi trên con đường khiêm nhường, từ chối nghĩ và nói xấu lẫn nhau.

Thánh Phaolô, khi viết thư cho cộng đồng ở Rôma, đã nói: "Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa" (Rm 12:14). Chúng ta cũng có thể hiểu lời của ngài có nghĩa là: “Hãy nói tốt và đừng nói xấu” người khác, trong trường hợp của chúng ta, những người cùng làm việc, cấp trên và đồng nghiệp, tất cả mọi người. Hãy nói tốt và đừng nói xấu.

Con đường tiến đến sự khiêm nhường: tự tố cáo mình

Hôm nay, tôi muốn đề xuất, như tôi đã đề xuất cách đây khoảng hai mươi năm tại một hội đồng giáo phận ở Buenos Aires, rằng tất cả chúng ta, như một cách để thể hiện sự khiêm nhường, hãy học cách tự tố cáo mình, như đã được các bậc thầy linh đạo cổ thời dạy, đặc biệt là Dorotheus xứ Gaza. Đúng vậy, Gaza, chính nơi hiện nay đồng nghĩa với cái chết và sự hủy diệt, là một thành phố khá cổ kính, nơi các tu viện và các vị thánh và thầy dậy lỗi lạc phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Dorotheus là một trong số họ. Theo bước chân của những Giáo phụ vĩ đại như Basil và Evagrius, ngài đã xây dựng Giáo hội bằng các tác phẩm và lá thư của mình, chứa đầy sự khôn ngoan của Tin Mừng. Ngày nay, bằng cách suy gẫm về những lời dạy của ngài, chúng ta có thể học cách khiêm nhường thông qua việc tự buộc tội, để không nói xấu người lân cận của mình. Đôi khi, trong lời nói hàng ngày, khi ai đó đưa ra lời bình luận chỉ trích, người khác sẽ nghĩ: "Hãy xem ai đang nói kìa!". Đó là trong lời nói hàng ngày.

Trong một trong những "giáo huấn" của ngài Dorotheus nói, "Khi một điều xấu xảy ra với một người khiêm nhường, anh ta ngay lập tức nhìn vào bên trong và phán đoán rằng mình đáng bị như vậy. Anh ta cũng không cho phép mình chỉ trích hay đổ lỗi cho người khác. Anh ta chỉ đơn giản là chịu đựng khó khăn này, không làm ầm ĩ, không đau khổ và trong sự bình thản. Sự khiêm nhường không làm phiền anh ta hay bất cứ ai khác" (Dorotheus of Gaza, Oeuvres spirituelles, Paris 1963, số 30).

Và một lần nữa: "Đừng cố gắng biết lỗi lầm của người hàng xóm hoặc nuôi dưỡng sự nghi ngờ đối với họ. Nếu chính sự ác ý của chúng ta nảy sinh những nghi ngờ như vậy, hãy cố gắng biến chúng thành những suy nghĩ tốt" (ibid., số 187).

Tự tố cáo chỉ là một phương tiện, nhưng là phương tiện thiết yếu. Đó là cơ sở để chúng ta có thể nói “không” với chủ nghĩa cá nhân và “có” với tinh thần cộng đồng của Giáo hội. Những ai thực hành đức tính tự tố cáo và thực hiện điều đó một cách nhất quán sẽ dần dần được giải thoát khỏi sự nghi ngờ và ngờ vực, và tạo không gian cho Chúa, là Đấng duy nhất có thể gắn kết các trái tim. Nếu mọi người đều tiến triển trên con đường này, một cộng đồng có thể được sinh ra và phát triển, một cộng đồng mà tất cả đều là người bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau bước đi trong sự khiêm nhường và bác ái. Khi chúng ta thấy một khuyết điểm ở một ai đó, chúng ta chỉ nên nói về khuyết điểm đó với ba người khác: với Chúa, với người đó hoặc nếu không thể, với người trong cộng đồng có thể giải quyết tình hình. Không ai khác.

Cơ sở của “phong cách” tự tố cáo thiêng liêng này là gì? Đó là sự hạ mình bên trong, bắt chước sự synkatábasis hay “sự hạ mình” của Ngôi Lời Thiên Chúa. Một trái tim khiêm nhường hạ mình xuống, giống như trái tim của Chúa Giêsu, Đấng mà trong những ngày này chúng ta chiêm ngưỡng nằm trong máng cỏ.

Đối diện với thảm kịch của một thế giới thường xuyên bị kìm kẹp bởi cái ác, Thiên Chúa làm gì? Người có đứng phắt lên một cách đầy chính trực của Người và xa xả lên án từ trên cao không? Theo một nghĩa nào đó, đó là điều được các tiên tri mong đợi, thậm chí cho đến thời của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Thiên Chúa; tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Người không phải là đường lối của chúng ta (so sánh Is 55:8). Sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì có tính thần linh, là nghịch lý trong mắt chúng ta. Đấng Tối Cao chọn cách hạ mình, trở nên nhỏ bé, như hạt cải, như hạt giống của đàn ông trong tử cung của một người đàn bà. Vô hình. Theo cách này, Người bắt đầu gánh trên mình gánh nặng to lớn, không thể chịu đựng được của tội lỗi thế gian.

Sự hạ mình của Thiên Chúa được phản ảnh qua việc chúng ta tự tố cáo mình, một việc, về cơ bản không phải là hành vi đạo đức của riêng chúng ta, mà là một thực tại thần học - như luôn xảy ra trong đời sống Kitô hữu. Đó là một hồng phúc từ Thiên Chúa, công trình của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta phải chấp nhận, "hạ mình" và sẵn sàng chào đón hồng phúc này vào trái tim mình. Đó là những gì Đức Trinh Nữ Maria đã làm. Ngài không có lý do gì để tự tố cáo mình, nhưng bà đã tự do lựa chọn hợp tác hoàn toàn vào sự hạ mình của Thiên Chúa, vào sự hạ mình của Chúa Con và vào sự giáng lâm của Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, sự khiêm nhường cũng có thể được gọi là một nhân đức thần học.

Để giúp chúng ta hạ mình xuống, chúng ta có thể đến với Bí tích Hòa giải. Điều này sẽ giúp ích cho chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Lần cuối cùng tôi đi xưng tội là khi nào?

Nhân tiện, tôi muốn đề cập thêm một điều nữa. Tôi đã nói về chuyện ngồi lê đôi mách một vài lần. Đây là một điều xấu phá hủy đời sống xã hội, khiến trái tim con người trở nên đau khổ và chẳng đi đến đâu cả. Người ta thường nói rất hay: “Chuyện ngồi lê đôi mách là vô nghĩa”. Hãy cẩn thận về điều này.

Chúng ta được chúc phúc, chúng ta hãy chúc phúc cho người khác

Anh chị em thân mến, Sự Nhập thể của Ngôi Lời cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không lên án chúng ta mà chỉ ban phước cho chúng ta. Hơn nữa, nó cho chúng ta thấy rằng trong Thiên Chúa không có sự lên án, mà chỉ có và luôn luôn ban phước.

Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến một số đoạn trong Thư của Thánh Catherine thành Siena, chẳng hạn như đoạn này: “Dường như [Thiên Chúa] không muốn nhớ đến những tội lỗi của chúng ta, hoặc kết án chúng ta phải chịu án phạt đời đời, nhưng muốn thể hiện lòng thương xót liên tục với chúng ta” (Thư, số 15). Và chúng ta cần nói về lòng thương xót!

Nhưng trên hết, chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Phaolô và những lời đầu tiên tuyệt vời của thánh ca được tìm thấy ở phần đầu Thư gửi tín hữu Êphêsô:

“Chúc tụng Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô mọi phúc lành thiêng liêng ở các nơi trên trời” (1:3).

Ở đây, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của khả năng “ban phúc” cho người khác: chính là vì bản thân chúng ta đã được ban phúc, nên chúng ta có thể ban phúc cho người khác. Chúng ta đã được ban phúc, nên chúng ta có thể ban phúc cho người khác.

Tất cả chúng ta cần phải lao vào chiều sâu của mầu nhiệm này; nếu không, chúng ta có nguy cơ khô cạn và trở nên giống như những kênh đào trống rỗng, khô cằn không còn chứa một giọt nước nào nữa. Ở đây, tại Giáo triều, công việc văn phòng thường khô cằn và về lâu dài, có thể khiến chúng ta khô héo trừ khi chúng ta làm mới lại bản thân thông qua công việc mục vụ, những khoảnh khắc gặp gỡ, tình bạn, trong tinh thần cởi mở và quảng đại. Về những trải nghiệm mục vụ, tôi đặc biệt hỏi những người trẻ tuổi liệu họ có bất cứ trải nghiệm mục vụ nào không, vì điều này rất quan trọng. Để điều này xảy ra, hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta cần phải thực hiện Linh thao hằng năm: đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, hoàn toàn đắm mình trong và thấm đẫm Chúa Thánh Thần trong những dòng nước ban sự sống mà nhờ đó, mỗi người chúng ta được mong muốn và yêu thương “ngay từ ban đầu”. Nếu trái tim chúng ta được ôm ấp bởi phước lành nguyên thủy đó, thì chúng ta sẽ có thể ban phước cho mọi người, ngay cả những người mà chúng ta không quan tâm hoặc những người đã đối xử tệ với chúng ta. Đây là trường hợp: chúng ta phải ban phước cho cả những người không thân thiện.

Mẫu gương mà chúng ta nên hướng đến, như mọi khi, là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Đức Maria, tuyệt đối, là người được ban phước. Đó là cách bà Ê-li-sa-ve chào đón Mẹ trong Cuộc thăm viếng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1:42). Đó cũng là cách chúng ta nói với Mẹ trong “Kinh Kính Mừng”. Đức Mẹ đã mang đến cho chúng ta “phước lành thiêng liêng trong Chúa Kitô” (x. Eph 1:3) chắc chắn đã hiện diện “trên trời” trước mọi thời đại, nhưng cũng “trong thời viên mãn”, hiện diện trên trái đất, trong lịch sử loài người, khi Ngôi Lời Nhập Thể trở thành người (x. Gl 4:4). Chúa Kitô là phước lành đó. Người là hoa trái ban phước cho lòng mẹ; là Chúa Con ban phước cho Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria có thể được ngỏ lời một cách chính đáng, theo lời của Dante, như “con gái của Con mẹ… khiêm nhường và cao cả hơn một tạo vật”. Đức Maria, như Đấng được ban phước, đã mang đến cho thế giới Phước lành là Chúa Giêsu. Có một bức tranh, mà tôi có trong phòng làm việc của mình, vẽ về synkatábasis. Đức Mẹ với đôi tay như một chiếc thang nhỏ, và Chúa Hài Đồng đang bước xuống thang. Chúa Hài Đồng cầm Luật trong một tay và tay kia nắm chặt mẹ mình để khỏi bị ngã. Đó là vai trò của Đức Mẹ: mang Chúa Hài Đồng. Và đây là những gì Mẹ làm trong trái tim chúng ta.

Những nghệ nhân ban phước

Anh chị em thân mến, khi chúng ta hướng về Đức Maria, hình ảnh và mẫu mực của Giáo hội, chúng ta được dẫn dắt để suy gẫm về chiều kích Giáo hội của việc ban phước lành này. Ở đây tôi sẽ tóm tắt theo cách này: trong Giáo hội, dấu chỉ và công cụ ban phước lành của Thiên Chúa cho nhân loại, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân ban phước lành. Không chỉ những người ban phước lành, mà còn là những nghệ nhân giảng dạy, sống như những nghệ nhân để ban phước lành cho người khác.

Chúng ta có thể nghĩ tới Giáo hội như một dòng sông lớn phân nhánh thành ngàn lẻ một dòng suối, dòng nước lũ, dòng suối nhỏ – hơi giống lưu vực sông Amazon – để tưới mát toàn bộ trái đất bằng phước lành của Thiên Chúa, chảy ra từ Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô.

Do đó, Giáo hội xuất hiện với chúng ta như sự hoàn thành kế hoạch mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Áp-ra-ham ngay từ lúc đầu tiên Người gọi ông rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Thiên Chúa đã nói với ông, “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn, và Ta sẽ ban phước cho ngươi... và trong ngươi, mọi gia tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc” (St 12:2-3). Kế hoạch này chi phối toàn bộ nhiệm cục giao ước của Thiên Chúa với dân Người, một dân tộc “được chọn” không theo nghĩa độc quyền, mà theo nghĩa: chúng ta, với tư cách là người Công Giáo, gọi là “bí tích”. Nói một cách ngắn gọn, bằng cách mang món quà phước lành đó đến cho mọi người thông qua tấm gương, chứng tá, lòng quảng đại và sự kiên nhẫn của chúng ta.

Trong mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã ban phước cho mọi người nam và nữ bước vào thế gian này, không phải bằng một sắc lệnh từ trời xuống, mà qua xác thịt của Chúa Giêsu, Chiên Con được sinh ra từ Đức Maria (x. Thánh Anselm, Or. 52).

Tôi thích nghĩ về Giáo triều Rôma như một xưởng lớn, nơi có vô số công việc khác nhau, nhưng mọi người đều làm việc vì cùng một mục đích: ban phước cho người khác và truyền bá phước lành của Thiên Chúa và Giáo hội Mẹ trên thế giới.

Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến công việc thầm lặng do các nhân viên văn phòng thực hiện – những munitanti, một số người mà tôi thấy ở đây, họ rất tốt, cảm ơn anh chị em! – những người soạn thảo các lá thư đoan chắc với những người đang bị bệnh hoặc bị giam cầm, một người mẹ, người cha hoặc đứa con, một người già và rất nhiều người khác rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện cho họ và rằng ngài sẽ ban phước lành. Cảm ơn anh chị em vì điều này, vì tôi đã ký những lá thư này. Đó không phải là để phục vụ như một nghệ nhân ban phước sao? Những người minutanti là những nghệ nhân ban phước thực sự. Họ kể với tôi rằng một vị linh mục thánh thiện từng làm việc nhiều năm trước tại Phủ Quốc vụ khanh đã dán một tờ giấy vào mặt sau cánh cửa văn phòng của mình có ghi: “Công việc của tôi thấp hèn, bị coi là thấp hèn và làm nhục người ta”. Có lẽ đây là cách nhìn tiêu cực, nhưng không phải là không có một chút sự thật và chủ nghĩa hiện thực lành mạnh. Đối với tôi, có thể hiểu theo cách tích cực, như thể hiện phong cách đặc trưng của những “nghệ nhân” của Giáo triều: sự khiêm nhường như một phương tiện để truyền bá “phước lành”. Đó là cách của chính Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để chia sẻ thân phận con người của chúng ta, và do đó ban phước lành cho chúng ta. Và tôi có thể làm chứng về điều này: trong Thông điệp gần đây của tôi về Thánh Tâm, mà Đức Hồng Y Re đã đề cập, có bao nhiêu người đã làm việc! Rất nhiều! Các bản thảo đã được trao đổi qua lại... Nhiều người trong số họ, với những việc nhỏ nhặt.

Các bạn thân mến, thật an ủi khi nghĩ rằng thông qua công việc hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là những việc ẩn giấu, mỗi người chúng ta có thể giúp mang phước lành của Thiên Chúa đến với thế giới. Tuy nhiên, trong điều này, chúng ta phải nhất quán: chúng ta không thể viết những lời chúc phúc rồi sau đó lại tiếp tục phá hỏng chúng bằng cách nói xấu anh chị em mình. Vì vậy, đây là mong muốn của tôi: cầu xin Chúa, sinh ra cho chúng ta trong sự khiêm nhường, giúp chúng ta luôn là những người phụ nữ và đàn ông của lời chúc phúc.

Chúc mừng Giáng sinh đến tất cả mọi người!
 
VietCatholic TV
Ngày tang tóc nhất của quân Nga. Khủng bố kinh hoàng ở Đức. ATACMS nổ tung nhà máy hỏa tiễn Nga
VietCatholic Media
03:05 21/12/2024


1. Vụ tấn công chết người ở chợ Giáng Sinh Magdeburg làm rung chuyển nước Đức khi cuộc bầu cử đang đến gần

Một tài xế đã lái xe với tốc độ cao vào đám đông người dân tại một khu chợ Giáng Sinh ở thành phố Magdeburg, miền đông nước Đức, làm gia tăng thêm căng thẳng cho chiến dịch bầu cử quốc gia vốn đã bị chia rẽ bởi cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về vấn đề di cư.

Các đảng cánh hữu đã nắm bắt các báo cáo rằng tài xế là một người đàn ông đến từ Ả Rập Saudi, thậm chí trước khi điều đó hoặc bất kỳ động cơ nào cho cuộc tấn công rõ ràng được xác nhận. Vụ việc xảy ra gần tám năm sau ngày một tên khủng bố lái xe tải vào một khu chợ Giáng Sinh ở Berlin.

Ít nhất hai người đã thiệt mạng vào đêm thứ sáu, bao gồm một trẻ nhỏ, theo thủ tướng của Saxony-Anhalt, Reiner Haseloff, thuộc Liên minh Dân chủ Kitô giáo trung hữu, gọi tắt là CDU. Hãng thông tấn AFP đưa tin rằng “60 đến 80” người đã bị thương, trích dẫn nguồn tin từ cơ quan cấp cứu địa phương.

Các nhà chức trách tin rằng tài xế đã hành động một mình, Haseloff cho biết và nói thêm rằng người đàn ông này đến Đức vào năm 2006 và làm bác sĩ.

Cuộc bầu cử của Đức, được thúc đẩy bởi sự sụp đổ của liên minh ba đảng do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo, dự kiến diễn ra vào ngày 23 tháng 2. Đảng đối lập CDU hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, tiếp theo là đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) chống nhập cư, đặt câu hỏi “khi nào thì sự điên rồ này sẽ chấm dứt?”

Di cư đã trở thành một vấn đề lớn ở Đức, nơi đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn từ Syria dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel vào năm 2015. Với các nhà bình luận bên ngoài từ Elon Musk, cố vấn của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump, cho đến Nigel Farage, lãnh đạo của Reform UK, đã bình luận về thảm kịch đêm thứ sáu, điều này có khả năng sẽ lái cuộc tranh luận theo hướng đó xa hơn nữa.

Thủ tướng Đức tương lai, Friedrich Merz, đã vạch ra tầm nhìn bảo thủ về cách ông sẽ điều hành đất nước, cho biết ông sẽ giảm mạnh số lượng người xin tị nạn được phép định cư tại nước này.

Thủ tướng hiện tại Olaf Scholz đã phát biểu về vụ việc ngay sau khi nó xảy ra, ông nói rằng ông “chia buồn cùng các nạn nhân và gia đình của họ”. Ông cho biết ông ủng hộ người dân Magdeburg và cảm ơn những người cấp cứu “trong những giờ phút lo lắng này”.

Theo WELT, cơ quan truyền thông chị em của POLITICO thuộc tập đoàn Axel Springer, tài xế đã thuê một chiếc xe để lái đến khu chợ đông đúc người dân đang tiệc tùng.

WELT cũng đưa tin, các nhà chức trách không loại trừ khả năng một kiện hành lý được tìm thấy trên ghế hành khách có thể chứa thiết bị nổ.

Cảnh sát Magdeburg đã đóng cửa khu chợ, với lý do “cảnh sát đã mở rộng hoạt động” trong khu vực, vì hình ảnh cho thấy hàng chục nhân viên cấp cứu đang làm việc tại địa điểm này.

Chủ tịch AfD Alice Weidel đã bày tỏ lời chia buồn và nói thêm một cách sâu sắc: “Khi nào thì sự điên rồ này mới chấm dứt?” Đảng của bà đã được tỷ phú công nghệ Musk ủng hộ vào đầu thứ sáu.

“Hôm nay, tôi xin chia buồn với các nạn nhân của hành động tàn bạo và hèn nhát ở Magdeburg,” Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết trong một bài đăng trên X. “Tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè, cảm ơn cảnh sát và nhân viên cấp cứu. Hành động bạo lực này phải được điều tra và trừng phạt nghiêm khắc.”

Merz gọi tin tức này là “buồn bã”, nói thêm: “Tôi xin chia buồn cùng các nạn nhân và gia đình họ. Tôi cảm ơn tất cả các dịch vụ khẩn cấp đang chăm sóc những người bị thương tại hiện trường”.

Trong các cuộc thăm dò gần đây của viện Forschergruppe Wahlen về mối quan tâm chính của cử tri Đức, cuộc khủng hoảng kinh tế đã vượt qua vấn đề di cư, mà hơn một phần ba số người được hỏi cho biết là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Điều này có thể đảo ngược sau vụ tấn công, như đã xảy ra sau vụ giết người tại một lễ hội ở Solingen, miền tây nước Đức vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, các đảng phái hàng đầu đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn về vấn đề di cư trong các tuyên ngôn tranh cử của họ. CDU bảo thủ, giống như AfD, muốn áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới đối với Đức và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc trục xuất người tị nạn.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck mô tả “tin tức khủng khiếp” ở một nơi “mà mọi người muốn dành mùa Vọng trong hòa bình và cộng đồng. Tôi xin chia buồn với các nạn nhân và gia đình họ. Tôi cảm ơn tất cả các dịch vụ khẩn cấp tại hiện trường đã làm mọi thứ có thể để giúp đỡ và làm rõ bối cảnh”.

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser và Ngoại trưởng Annalena Baerbock đều bày tỏ sự sốc trước vụ việc và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và gia đình họ.

Faeser nói thêm: “Các dịch vụ khẩn cấp đang làm mọi thứ có thể để chăm sóc những người bị thương và cứu sống họ”.

Thứ năm đánh dấu kỷ niệm tám năm vụ tấn công vào chợ Giáng Sinh Breitscheidplatz của Berlin khi tên Hồi giáo Anis Amri giết chết 12 người bằng xe tải. Một nạn nhân khác sau đó đã tử vong vì vết thương.

[Politico: Deadly Magdeburg Christmas market attack shakes Germany as election looms]

2. Nga mất 2.200 quân trong 24 giờ qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Nga đã mất 2.200 quân nhân trên khắp các vùng chiến sự trong 24 giờ qua, nâng tổng số quân nhân Nga thiệt mạng lên 770.420 người.

Đây là con số thương vong cao nhất của Nga trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine từ ngày 24 Tháng Hai, 2022. Trong 24 giờ trước đó, Nga cũng mất: 8 xe tăng, 24 xe thiết giáp, 42 hệ thống pháo, một hệ thống phòng không, và 115 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tổng thiệt hại chiến đấu của lực lượng Nga từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 20 tháng 12 năm 2024 ước tính như sau

770.420 quân nhân

9.584 xe tăng

19.823 xe chiến đấu bọc thép

21.220 hệ thống pháo

1.256 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt

1.027 hệ thống phòng không

369 máy bay cánh cố định

329 trực thăng

20.600 máy bay điều khiển từ xa chiến thuật và chiến lược

2.943 hỏa tiễn hành trình

28 tàu/thuyền

1 tàu ngầm

31.793 xe và xe bồn chở nhiên liệu

3.662 xe chuyên dụng và các thiết bị khác

3. Cháy, thương vong được báo cáo ở Kyiv trong bối cảnh Nga tấn công bằng hỏa tiễn nhằm phá hoại Lễ Giáng Sinh của Ukraine

Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Kyiv vào sáng ngày 20 tháng 12, được cho là đã giết chết một người, làm bị thương 10 người và gây ra thiệt hại trên khắp thành phố. Các phương tiện truyền thông Nga tuyên bố thẳng thừng rằng các vụ tấn công là nhằm phá hoại lễ Giáng Sinh của Ukraine được tổ chức vào ngày 25 Tháng Mười Hai thay vì 7 Tháng Giêng như trước đây.

Nhiều vụ nổ đã được báo cáo tại Kyiv vào khoảng 7 giờ sáng giờ địa phương, theo các nhà báo Kyiv Independent trên mặt đất. Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết hệ thống phòng không đang hoạt động trên thành phố.

Không quân Nga cho biết đã tấn công thủ đô bằng năm hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M hoặc mẫu KN-23 của Bắc Hàn. Cả năm hỏa tiễn đều bị bắn hạ, với các mảnh vỡ rơi xuống một số quận của thành phố.

Chính quyền quân sự thành phố Kyiv đưa tin một người đã thiệt mạng và 10 người bị thương, trong đó sáu người phải vào bệnh viện.

Tại quận Holosiivskyi, mảnh vỡ hỏa tiễn đã làm hư hại ít nhất hai tòa nhà văn phòng, một đường ống dẫn khí và năm chiếc xe. Một đám cháy bùng phát trên mái của một trong những tòa nhà văn phòng và tầng 15 bị hư hại, có thể khiến mọi người bị kẹt bên trong, các nhà chức trách cho biết.

Các vụ cháy cũng được báo cáo tại các tòa nhà phi dân cư ở quận Solomianskyi và Shevchenkivskyi của Kyiv. Các báo cáo ban đầu về thiệt hại ở quận Dnipro vẫn chưa được xác nhận.

Viện Phục hồi Quốc tế Ukraine cho biết một đợt sóng nổ đã làm hỏng các cửa sổ kính màu của Nhà thờ Công Giáo Rôma St. Nicholas ở quận Pechersk. Đoạn phim do nhà báo Yan Dobronosov chia sẻ cho thấy thiệt hại tại một tòa nhà văn phòng bên kia đường.

Mười sáu cơ sở y tế, 17 trường học, 13 trường mẫu giáo và 630 tòa nhà dân cư không có hệ thống sưởi ấm do cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Một vụ cháy lớn cũng bùng phát tại một nhà kho ở quận Boryspil thuộc tỉnh Kyiv, bao phủ diện tích 15.000 mét vuông, Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước đưa tin. Đám cháy đã được khống chế vào lúc 4:05 sáng giờ địa phương.

Trong những tháng gần đây, Nga tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn nhằm vào nhiều khu vực khác nhau của Ukraine.

Vào ngày 19 tháng 12, Putin đã đề xuất “thử nghiệm” hệ thống phòng không của phương Tây bằng cách phóng hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, gọi tắt là IRBM Oreshnik vào Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không cho quốc gia đang gặp khó khăn này. Vào ngày 18 tháng 12, trong chuyến thăm Brussels, Zelenskiy đã kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm 19 hệ thống phòng không để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

[Kyiv Independent: Fire, casualties reported in Kyiv amid Russian missile attack]

4. ATACMS của Ukraine tấn công nhà máy hóa chất của Nga sản xuất nhiên liệu hỏa tiễn

Theo Reuters, lực lượng Ukraine được cho là đã tấn công một nhà máy hóa chất của Nga ở Rostov vào ngày 18 tháng 12. Sử dụng ít nhất 13 hỏa tiễn và 84 máy bay điều khiển từ xa, Kyiv đã tấn công khu vực này và gây ra hỏa hoạn tại nhà máy hóa chất Kamensky, nơi nổi tiếng với việc sản xuất nhiên liệu hỏa tiễn, cùng nhiều thành phần khác.

Các blogger quân sự Nga trên kênh Telegram Military Informant cáo buộc lực lượng Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn ATACMS hoặc hỏa tiễn Storm Shadow trong cuộc tấn công.

Cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy hóa chất có ý nghĩa quan trọng vì nó đánh dấu một nỗ lực khác nhằm gây thiệt hại cho một trong những ngành công nghiệp có lợi nhuận của Nga và là yếu tố then chốt trong cuộc chiến liên tục của quân đội Nga chống lại Kyiv. Các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ khiến Mạc Tư Khoa khó có thể duy trì quân đội ở tuyến đầu và với tình trạng thiếu hụt quân đội, việc quân đội có mặt ở Kursk trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sergey Vakulenko, thành viên cao cấp của Trung tâm Carnegie về Nga, trước đây đã viết rằng một trong những hậu quả lớn nhất của các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu là chi phí sửa chữa, vì “có thể lên tới hàng chục triệu đô la cho mỗi nhà máy”.

Thống đốc tỉnh Rostov Vasily Golubev cho biết lực lượng phòng không Nga đã đẩy lùi 10 hỏa tiễn của Ukraine trong khu vực, theo bài đăng trên Telegram của hãng thông tấn nhà nước Nga TASS. Golubev viết rằng lực lượng phòng không đã được điều động tới Taganrog, Bataysk, Rostov, Shakhty, Kamensk, Millerovo và Novoshakhtinsk, và một người đã bị thương do mảnh vỡ máy bay điều khiển từ xa rơi xuống.

Andriy Kovalenko, trung úy đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine, viết rằng nhà máy hóa chất này là mục tiêu quân sự do gần biên giới với Ukraine và có tầm quan trọng như một trung tâm hậu cần cho quân đội Nga.

Kovalenko viết rằng nhà máy hóa chất này sản xuất nhiên liệu hỏa tiễn cho động cơ, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn, cũng như các thành phần thuốc nổ và đạn dược. Thành phố Novoshakhtinsk, nơi đặt nhà máy hóa chất, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 10 km, hay 6 dặm, và cách tiền tuyến hơn 200 km, hay 120 dặm, theo tờ Kyiv Independent.

Nhà máy hóa chất Kamensky, còn được gọi là nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk, thường xuyên là mục tiêu tấn công của Ukraine, vì nhà máy này đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công vào tháng 6 lần thứ ba trong năm nay, gây ra hỏa hoạn. Cuộc tấn công đã phá hủy 1,5 triệu tấn dầu và các sản phẩm dầu trị giá 540 triệu đô la, và nhà máy hóa chất sau đó đã đóng cửa một phần vào tháng 3 sau một cuộc tấn công khác.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine báo cáo rằng nhà máy hóa chất này là nhà máy duy nhất hoạt động trong khu vực và sản xuất tới 7,5 triệu tấn sản phẩm dầu mỗi năm, chuyên sản xuất dầu nhiên liệu, nhiên liệu lò nung, nhiên liệu hàng hải và dầu diesel, và xăng chạy thẳng. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Ukraine đã thực hiện ít nhất 13 cuộc tấn công thành công vào các nhà máy lọc dầu, nhắm vào một trong những ngành công nghiệp sinh lợi nhất của Nga.

Trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, Olga Klymenko, một nhà nghiên cứu, đã viết: “Quân đội Ukraine đã tấn công một nhà máy sản xuất nhiên liệu hỏa tiễn ở Kamensk-Shakhtinsky và một nhà máy lọc dầu ở Novoshakhtinsk (đang bốc cháy trong video) trong khi hỏa tiễn của Nga đã phá hủy một bệnh viện ở Kryvy Rih và máy bay điều khiển từ xa của Nga đã phá hủy một tòa nhà dân cư ở Kyiv. Có vẻ như, xét về tổng thể, Ukraine biết nhiều hơn về các quy tắc chiến tranh so với Nga.”

Victor Kovalenko, cựu nhà báo và cựu chiến binh Ukraine, đã viết: “Hôm nay, Ukraine đã tấn công vào một nhà máy nhiên liệu hỏa tiễn lớn nhất của Nga ở khu vực Rostov, cách tiền tuyến khoảng 220 km. Nhiều hỏa tiễn đạn đạo ATACMS của Mỹ và hỏa tiễn hành trình Storm Shadow của Anh đã vượt qua hệ thống phòng không và được cho là đã phá hủy cơ sở sản xuất động cơ nhiên liệu rắn Kamensk-Shakhtinsky, nơi sản xuất các bộ phận cho MRLS, ICBM và hỏa tiễn đạn đạo của Nga như Iskander, v.v. “

Tim White, một nhà báo và chuyên gia về Ukraine, đã viết: “Không phải là một ngày tốt lành cho Nga phải không? Bắn hạ trực thăng của chính họ, vụ tai nạn tàu hỏa chết người ở Murmansk, dầu tràn vào các bãi biển Hắc Hải, một nhà máy nhiên liệu hỏa tiễn và giờ là một nhà máy lọc dầu đều bị quân đội Ukraine tấn công một cách chuyên nghiệp. #EATP cho Putler.”

Người ta vẫn chưa biết cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga, cùng với lệnh trừng phạt dầu mỏ, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến và nền kinh tế nói chung của Mạc Tư Khoa.

[Newsweek: Ukraine's ATACMS Strike Russian Chemical Plant Making Rocket Fuel]

5. Putin tuyên bố Nga không bị ‘đánh bại’ ở Syria

Putin tuyên bố trong cuộc họp báo thường niên và chương trình trực tuyến ngày 19 tháng 12, sau khi chế độ độc tài Bashar al-Assad sụp đổ, rằng Mạc Tư Khoa đã đạt được mục tiêu của mình ở Syria.

Lần đầu tiên bình luận về sự sụp đổ của chế độ Assad, Putin cho biết Nga xâm lược Syria để ngăn chặn việc tạo ra “một vùng đất khủng bố”.

“Tất cả những gì đang diễn ra ở Syria không phải là thất bại của Nga”, ông nói thêm. Nga là nước ủng hộ chính của Assad, điều động quân đội ở nước này kể từ năm 2015 để ủng hộ nhà độc tài trong cuộc nội chiến và mất ít nhất hàng trăm binh lính trong quá trình này.

Vào ngày 8 tháng 12, quân nổi dậy Syria tuyên bố rằng họ đã lật đổ thành công Assad sau một cuộc tấn công chớp nhoáng trên khắp đất nước, kết thúc bằng việc chiếm được thủ đô Damascus.

Bloomberg đưa tin vào ngày 11 tháng 12, trích dẫn nguồn tin của mình, rằng Mạc Tư Khoa đã thuyết phục Assad chạy trốn sang Nga cùng gia đình sau khi nhận ra chế độ của ông chắc chắn sẽ thất bại trước sự tiến công nhanh chóng của phe đối lập.

Tổng thống Nga phát biểu tại cuộc họp báo rằng ông chưa gặp Assad kể từ khi ông đến Mạc Tư Khoa.

Putin cũng tuyên bố rằng hầu hết các phe phái Syria sẽ hoan nghênh sự hiện diện liên tục của các căn cứ quân sự Nga tại nước này nhưng cho biết trước tiên Mạc Tư Khoa phải đánh giá mối quan hệ tương lai với họ.

“Chúng tôi duy trì quan hệ với tất cả các nhóm kiểm soát tình hình ở đó... Phần lớn trong số họ nói với chúng tôi rằng họ quan tâm đến việc chúng tôi tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự ở Syria,” Putin tuyên bố.

“Tôi không biết. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này vì chúng ta phải đánh giá mối quan hệ của mình với các thế lực chính trị đang kiểm soát và sẽ kiểm soát tình hình trong tương lai.”

Tuyên bố của Putin trái ngược với nhiều báo cáo cho biết lực lượng Nga đang chuẩn bị rút khỏi các căn cứ của họ ở quốc gia Trung Đông này.

[Kyiv Independent: Putin claims Russia wasn't 'defeated' in Syria]

6. Quan chức Nam Hàn cho biết ít nhất 100 binh lính Bắc Hàn thiệt mạng, 1.000 người bị thương trong cuộc chiến Nga-Ukraine

Một nhà lập pháp Nam Hàn cho biết sau cuộc họp tình báo rằng ít nhất 100 binh sĩ Bắc Hàn đã thiệt mạng khi chiến đấu cho Nga chống lại Ukraine, BBC đưa tin ngày 19 tháng 12.

Nghị sĩ Nam Hàn Lee Sung-kwon trả lời các phóng viên rằng thêm 1.000 binh lính Bình Nhưỡng đã bị thương, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thương vong cao là do thiếu kinh nghiệm về địa hình và chiến tranh máy bay điều khiển từ xa.

Những bình luận này được đưa ra sau khi một quan chức Hoa Kỳ giấu tên ước tính với giới truyền thông rằng “vài trăm” quân lính Bắc Hàn đã bị thương hoặc thiệt mạng kể từ khi tham chiến vào đầu tháng này.

Các quan chức Kyiv và phương Tây cho biết Bình Nhưỡng đã điều động hơn 10.000 binh lính tới hỗ trợ đẩy lùi quân đội Ukraine đang chiến đấu ở Tỉnh Kursk của Nga kể từ đầu tháng 8.

Lee Sung-kwon cho biết trong các bình luận được BBC trích dẫn rằng: “Trong quân đội Nga, có thông tin cho rằng quân đội Bắc Hàn, do thiếu hiểu biết về máy bay điều khiển từ xa, nên trở thành gánh nặng hơn là tài sản”.

Sau khi báo cáo về các cuộc đụng độ ban đầu nhưng hạn chế với quân đội Bắc Hàn vào mùa thu, Ukraine cho biết vào tháng 12, Nga cũng bắt đầu sử dụng quân đội trong các cuộc tấn công trên bộ.

Có thể khó xác định được mức độ tổn thất đầy đủ của Bắc Hàn vì Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đang cố gắng che giấu thương vong.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Patrick Ryder xác nhận vào ngày 16 tháng 12 rằng quân nhân Bắc Hàn đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng với quân đội Nga ở Tỉnh Kursk và phải chịu tổn thất đầu tiên.

[Kyiv Independent: At least 100 North Korean soldiers killed, 1,000 wounded in Russia-Ukraine war, South Korean official says]

7. Tổng thống Zelenskiy thừa nhận: Ukraine thiếu sức mạnh để giành lại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trả lời tờ báo Pháp Le Parisien hôm thứ Tư rằng hiện tại Ukraine không có đủ sức mạnh quân sự để chiếm lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đã xâm lược kể từ năm 2014.

Nhưng ông nói thêm rằng điều đó không có nghĩa là Kyiv sắp công nhận vùng đất do Mạc Tư Khoa kiểm soát là thuộc về Nga.

“Về mặt pháp lý, chúng tôi không thể từ bỏ lãnh thổ của mình. Điều này bị hiến pháp cấm. Nhưng chúng ta đừng dùng những từ ngữ to tát như vậy. Nga thực sự kiểm soát một phần lãnh thổ của chúng tôi ngày nay”, Zelenskiy trả lời câu hỏi về việc Kyiv sẵn sàng thỏa hiệp đến mức nào để chấm dứt chiến tranh sau cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào tháng 2 năm 2022.

“Nếu ngày nay chúng tôi không có đủ sức mạnh để giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình, có lẽ phương Tây sẽ tìm ra sức mạnh để đưa Putin vào đúng vị trí của ông ta… tại bàn đàm phán và giải quyết cuộc chiến này bằng biện pháp ngoại giao”, ông nói thêm, đồng thời một lần nữa than thở rằng Ukraine sẽ ở trong một tình huống khác ngày hôm nay nếu phương Tây đáp ứng mọi yêu cầu của Kyiv trước đó trong cuộc chiến.

Mặt khác, Zelenskiy cho biết, Ukraine sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ của mình bị Nga tạm chiếm là của Nga. “Đây không phải là vấn đề thỏa hiệp. Điều này có nghĩa là Putin sẽ lại thoát tội. Điều này là không thể.”

Theo dự án giám sát DeepState của Ukraine, Nga hiện xâm lược khoảng 18 phần trăm lãnh thổ Ukraine, hay 111.677 km2, bao gồm Crimea và một số phần của khu vực Donbas ở miền đông Ukraine mà Điện Cẩm Linh đã xâm lược kể từ năm 2014.

Kể từ năm 2022, Ukraine đã giải phóng 42.000 km2 đất bị tạm chiếm, nhưng con số này vẫn còn ít kể từ năm 2023. Một cuộc tấn công mùa hè năm nay đã chứng kiến quân đội Nga tiến nhanh vào khu vực Donetsk, tiến về khu vực Kharkiv và tiến hành các cuộc tấn công ở Kherson và Zaporizhzhia.

Putin đã tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp đối với bốn khu vực ở Ukraine (Zaporizhzhia, Donetsk, Luhansk và Kherson) sau các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo vào năm 2022, mặc dù quân đội Điện Cẩm Linh hiện không kiểm soát hoàn toàn các khu vực này.

Putin cũng cảnh báo Kyiv rằng họ phải rút quân khỏi cả bốn khu vực nếu muốn bắt đầu đàm phán chấm dứt chiến tranh.

[Politico: Ukraine lacks might to retake occupied territories, Zelenskyy concedes]

8. Đan Mạch phân bổ 292 triệu đô la để tăng cường phòng không cho Ukraine, bộ trưởng cho biết

Đan Mạch đã phân bổ 2,1 tỷ kroner Đan Mạch (hơn 292 triệu đô la) để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen thông báo vào ngày 19 tháng 12.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga liên tục tấn công Ukraine, bao gồm một trong những cuộc không kích lớn nhất vào ngày 13 tháng 12, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng trên khắp Ukraine.

Gói hỗ trợ này bao gồm hỗ trợ tài chính cho hoạt động của chiến đấu cơ F-16 của Ukraine nhằm chống lại các mục tiêu trên không của Nga.

“Một trong những nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay là khả năng tự bảo vệ mình khỏi các cuộc không kích của Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn cho phòng không”, Poulsen cho biết.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 7 tháng 12, Đan Mạch đã chuyển giao lô chiến đấu cơ F-16 thứ hai cho Ukraine.

Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá khoảng 7,5 tỷ đô la kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Đây cũng là quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine thông qua việc mua trực tiếp từ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Đan Mạch là một phần trong nỗ lực liên minh rộng lớn hơn nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine trước tương lai không chắc chắn của viện trợ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ông Donald Trump. Vào ngày 27 tháng 11, những nhà lãnh đạo chính phủ từ Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine.

Các nước xác định Nga là mối đe dọa lâu dài đáng kể và kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và tăng cường các biện pháp phòng thủ để chống lại hành động xâm lược của Mạc Tư Khoa.

[Kyiv Independent: Denmark allocates $292 million to bolster Ukraine’s air defense, minister says]

9. Putin tiết lộ khi nào Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân theo học thuyết mới

Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Điện Cẩm Linh có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào gây ra mối đe dọa cho Nga hoặc Belarus khi đề cập đến học thuyết hạt nhân mới của nước này.

Trong buổi hỏi đáp thường niên với khán giả truyền hình, ông được hỏi liệu phương Tây có “nhận được thông điệp” từ động thái hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga vào tháng 11 hay không.

Putin trả lời: “Tôi không biết họ nhận được thông điệp gì, bạn nên hỏi họ”.

Ông tiếp tục liệt kê một số “điểm chính” trong tài liệu cập nhật.

Ông cho biết: “Khi chúng ta nói về một số mối nguy hiểm quân sự nhất định có thể phát triển thành các mối đe dọa mới, chúng ta đang nói về việc tăng trách nhiệm của các quốc gia phi hạt nhân có thể tham gia vào hành động xâm lược chống lại Nga, cùng với các quốc gia có năng lực hạt nhân”.

“Và nếu những quốc gia như vậy gây ra mối đe dọa cho chúng tôi, chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại họ.

“Chúng tôi đã tuyên bố rằng nếu những mối đe dọa tương tự được đưa ra đối với đồng minh của chúng tôi, Belarus, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm an ninh cho Belarus. Và tôi nghĩ rằng đây là một thành phần rất quan trọng của học thuyết hạt nhân được cập nhật.”

Học thuyết hạt nhân mới của Nga về việc hạ thấp ngưỡng sử dụng kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới đã gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Tài liệu cập nhật được ký 1.000 ngày sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ các hạn chế đối với Kyiv bằng cách sử dụng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Sự thay đổi trong lập trường của Nga bao gồm ít nhất bốn thay đổi lớn.

Đầu tiên, sự xâm lược đối với Belarus đã được thêm vào học thuyết, trong khi trước đó chỉ đề cập đến các mối đe dọa đối với Nga. Lãnh đạo Belarus, Alexander Lukashenko, là đồng minh thân cận nhất của Putin ở Âu Châu và đã cho phép đất nước của mình lưu trữ đầu đạn hạt nhân của Nga.

Thứ hai, trước đó Nga đã cảnh báo về phản ứng hạt nhân nếu “sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”. Các hướng dẫn sửa đổi hiện đề cập đến “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với “chủ quyền”, cũng như “toàn vẹn lãnh thổ” của Nga và Belarus.

Thứ ba, học thuyết mới đã tăng danh sách những gì Nga coi là mối nguy hiểm quân sự có thể cần đến phản ứng hạt nhân. Bao gồm việc sở hữu bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào có thể được sử dụng chống lại Nga, các cuộc tập trận quân sự gần biên giới Nga, cũng như các nỗ lực tấn công các cơ sở gây nguy hiểm cho môi trường hoặc cô lập một phần lãnh thổ của Nga.

Cuối cùng, tài liệu cập nhật không còn nói rằng Nga coi vũ khí hạt nhân “duy nhất” là phương tiện răn đe, mà nói thêm rằng Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đối phương “tiềm năng”.

Vào tháng 9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đưa ra những tuyên bố tương tự như những tuyên bố của Putin vào thứ năm. Ông cảnh báo thế giới rằng vũ khí hạt nhân của Mạc Tư Khoa đã “sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Arabia, Lavrov cho biết Nga sở hữu vũ khí “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người điều hành chế độ Ukraine”. Nhưng ông nói thêm: “Không ai muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã leo thang trong những tháng gần đây, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov cảnh báo trong tuần này về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mạc Tư Khoa và NATO trong thập niên tới.

Belousov cũng cho biết trong cuộc chiến ở Ukraine, lực lượng Nga đã tiến quân trên mọi mặt trận và đặt mục tiêu vào năm sau sẽ chinh phục hoàn toàn các vùng Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson và Donetsk, những nơi mà Putin đã tuyên bố sáp nhập vào Nga vào năm 2022.

Trong khi đó, sự trở lại Tòa Bạch Ốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào Tháng Giêng đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai của cuộc chiến ở Ukraine.

Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã xây dựng kế hoạch đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán, và tuyên bố rằng cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều sẽ phải thỏa hiệp.

Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên tiếng phản đối viễn cảnh đóng băng xung đột, nói với tờ báo Pháp Le Parisien rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump “biết tôi muốn không vội vàng gây tổn hại đến Ukraine”.

[Newsweek: Putin Reveals When Russia May Use Nuclear Weapons Under New Doctrine]

10. Scholz gọi điện cho Tổng thống đắc cử Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu để thảo luận về Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gọi điện cho Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump vào hôm Thứ Năm, 19 Tháng Mười Hai. Hai vị đồng ý với nhau sẽ nỗ lực hướng tới một “hòa bình công bằng, chính đáng và bền vững” tại Ukraine càng sớm càng tốt.

Theo phát ngôn nhân của chính phủ Đức Steffen Hebestreit, Scholz và Tổng thống đắc cử Donald Trump “đồng ý rằng cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine đã kéo dài quá lâu và điều quan trọng là phải đi đúng hướng để có được một nền hòa bình công bằng, chính đáng và bền vững càng sớm càng tốt”. Hebestreit nói thêm rằng Thủ tướng đã cam kết ủng hộ việc bảo vệ Ukraine.

Cuộc gọi điện thoại diễn ra khi Scholz đang ở Brussels vào thứ năm để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Âu Châu, nơi các nhà lãnh đạo thảo luận về vai trò của Liên Hiệp Âu Châu trong các vấn đề toàn cầu và cách chuẩn bị cho sự hỗ trợ hạn chế hơn của Hoa Kỳ cho Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cùng các nhà lãnh đạo ở Brussels tìm cách củng cố các cam kết quốc phòng từ các đồng minh Âu Châu.

“Chào mừng, Donald,” Zelenskiy trả lời các phóng viên vào thứ năm khi được hỏi về cảm nhận của ông về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói thêm rằng ông rất “muốn Tổng thống đắc cử Donald Trump giúp chúng tôi và kết thúc cuộc chiến này”.

Cuộc gọi hôm thứ Năm đánh dấu cuộc trò chuyện gần đây thứ hai giữa nhà lãnh đạo Đức và tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ. Scholz và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói chuyện ngay sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11, sau đó Scholz nhận xét rằng cuộc trò chuyện diễn ra “một cách đáng ngạc nhiên”. Cuộc gọi vào tháng 11 cũng tập trung tương tự vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và hai nhà lãnh đạo đã đồng thanh vào thời điểm đó sẽ làm việc hướng tới “khôi phục hòa bình ở Âu Châu”.

Lời kêu gọi của Scholz và Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra sau cuộc trò chuyện tương tự giữa tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ và Thủ tướng Anh Keir Starmer vào đêm qua, trong đó Starmer nhấn mạnh rằng các đồng minh phương Tây phải “đoàn kết” về vấn đề Ukraine.

Nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đặt ra câu hỏi về tương lai hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, khi tổng thống đắc cử cho biết ông hy vọng Âu Châu sẽ gánh chịu phần lớn sự hỗ trợ cho Ukraine, cả về mặt quân sự và trong các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể có với Mạc Tư Khoa.

“Những bảo đảm của Âu Châu sẽ không đủ cho Ukraine,” Zelenskiy phát biểu tại Brussels hôm thứ Năm, đồng thời nói thêm rằng “những bảo đảm thực sự” phải đến từ NATO — bao gồm cả Hoa Kỳ

[Politico: Scholz calls Trump during EU leaders’ summit to talk Ukraine]
 
Hi hữu: ĐGH kể chuyện hài hước trên New York Times. Thương vong ở chợ Giáng Sinh Đức sau vụ khủng bố
VietCatholic Media
17:27 21/12/2024


1. Bài viết của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính khôi hài trên tờ New York Times

Tờ New York Times có đăng bài viết nhan đề “Pope Francis: There is Faith in Humor”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô: Có đức tin trong sự hài hước”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cuộc sống không thể tránh khỏi những nỗi buồn. Những chuyện không vui, không may là một phần của mọi con đường hy vọng và mọi con đường hướng đến sự hoán cải. Nhưng điều quan trọng là bằng mọi giá phải tránh chìm đắm trong nỗi buồn, không để nó làm cay đắng trái tim.

Đây là những cám dỗ mà ngay cả các giáo sĩ cũng không tránh khỏi. Và đôi khi, thật không may, chúng ta lại trở thành những linh mục cay đắng, buồn bã, độc đoán hơn là có thẩm quyền, giống những ông già độc thân hơn là những người kết hôn với giáo hội, giống các viên chức hơn là mục tử, kiêu ngạo hơn là vui vẻ, và điều này chắc chắn cũng không tốt. Nhưng nhìn chung, chúng ta, những linh mục, có xu hướng thích sự hài hước và thậm chí có một kho truyện cười và những câu chuyện vui, mà chúng ta thường kể rất giỏi. Không thiếu các trường hợp, chúng ta cũng là đối tượng của những câu chuyện đó.

Các vị Giáo hoàng cũng vậy. Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng với khiếu hài hước, trong một bài phát biểu đã nói rằng: “Tôi thường bắt đầu nghĩ về một số vấn đề nghiêm trọng vào ban đêm. Sau đó, tôi đưa ra quyết định dũng cảm và quyết tâm đến gặp giáo hoàng vào buổi sáng. Sau đó, tôi thức dậy trong mồ hôi nhễ nhại… và nhớ rằng giáo hoàng chính là tôi”.

Tôi hiểu ngài rất rõ. Và Đức Gioan Phaolô II cũng vậy. Trong các phiên họp sơ bộ của một mật nghị, khi ngài vẫn còn là Hồng Y Wojtyła, một Hồng Y lớn tuổi và khá nghiêm khắc đã đến khiển trách ngài vì ngài đi trượt tuyết, leo núi, đạp xe và bơi lội. Câu chuyện diễn ra như thế này: “Tôi không nghĩ đây là những hoạt động phù hợp với vai trò của ngài”, vị Hồng Y gợi ý. Vị giáo hoàng tương lai đã trả lời: “Nhưng ngài có biết rằng ở Ba Lan, ít nhất 50 phần trăm các Hồng Y đều thực hiện những hoạt động này không?” Vào thời điểm đó, Ba Lan chỉ có hai Hồng Y.

Châm biếm là một loại thuốc, không chỉ giúp nâng đỡ và làm tươi sáng người khác, mà còn cả chính chúng ta, bởi vì sự tự chế giễu là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua sự cám dỗ của chủ nghĩa tự luyến. Những người tự luyến liên tục nhìn vào gương, tự tô vẽ, tự ngắm nghía mình, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy tự cười mình. Điều đó tốt cho chúng ta. Nó sẽ chứng minh sự thật của câu tục ngữ cũ nói rằng chỉ có hai loại người hoàn hảo: người đã chết và những người chưa chào đời.

Những câu chuyện cười về các tu sĩ Dòng Tên và được kể bởi các tu sĩ dòng này là một đẳng cấp riêng, có lẽ chỉ có thể so sánh với những câu chuyện cười về cảnh sát carabinieri ở Ý hoặc về những bà mẹ Do Thái trong truyện cười Yiddish.

Đối với mối nguy hiểm của chủ nghĩa tự luyến, cần tránh bằng liều lượng tự chế giễu thích hợp, tôi nhớ câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên khá phù phiếm bị bệnh tim và phải điều trị tại bệnh viện. Trước khi vào phòng phẫu thuật, ngài hỏi Chúa: “Lạy Chúa, giờ của con đã đến chưa?”

“Không, con sẽ sống ít nhất 40 năm nữa”, Chúa trả lời. Sau ca phẫu thuật, ngài quyết định tận dụng tối đa và đi cấy tóc, căng da mặt, hút mỡ, làm lông mày, làm răng… tóm lại, ngài đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Ngay bên ngoài bệnh viện, ngài bị một chiếc xe hơi đâm và tử vong. Ngay khi xuất hiện trước nhan Chúa, ngài phản đối: “Lạy Chúa, nhưng Chúa đã bảo con sẽ sống thêm 40 năm nữa mà!” “Ồ, xin lỗi!” Chúa trả lời. “Ta không nhận ra con”.

Và họ kể cho tôi một câu chuyện liên quan trực tiếp đến tôi, câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Mỹ. Câu chuyện đại khái như thế này: Ngay khi đến sân bay ở New York để thực hiện chuyến tông du tại Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thấy một chiếc xe limousine khổng lồ đang chờ ngài. Ngài khá bối rối vì vẻ lộng lẫy tráng lệ đó, nhưng rồi nghĩ rằng đã lâu lắm rồi ngài mới lái xe, và chưa bao giờ lái một chiếc xe như thế, và ngài tự nghĩ: Được rồi, khi nào mình mới có cơ hội khác? Ngài nhìn vào chiếc xe limousine và nói với tài xế, “Anh không thể cho tôi lái thử sao?” “Dạ, con thực sự xin lỗi, Đức Thánh Cha,” người lái xe trả lời, “nhưng tôi thực sự không thể, ngài biết đấy, có những quy tắc và quy định.”

Nhưng bạn biết họ nói gì không, Đức Giáo Hoàng sẽ thế nào khi ngài nghĩ ra điều gì đó… tóm lại, ngài cứ khăng khăng, khăng khăng, cho đến khi người lái xe chịu thua. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngồi vào ghế lái, trên một trong những xa lộ rộng lớn đó, và ngài bắt đầu thích thú, nhấn ga, tăng tốc 50 dặm một giờ, 80, 120… cho đến khi ngài nghe thấy tiếng còi báo động, và một chiếc xe cảnh sát dừng lại bên cạnh ngài và chặn ngài lại. Một cảnh sát trẻ tiến đến cửa sổ tối. Đức Giáo Hoàng hơi lo lắng hạ cửa xuống và cảnh sát tái mặt. “Xin lỗi một lát,” anh ta nói, và quay lại xe của mình để gọi đến sở chỉ huy. “Sếp, tôi nghĩ là tôi có vấn đề.”

“Vấn đề gì?” cảnh sát trưởng hỏi.

“À, tôi đã chặn một chiếc xe vì chạy quá tốc độ, nhưng có một anh chàng thực sự quan trọng trong đó.” “Quan trọng như thế nào? Ông ta có phải là thị trưởng không?”

“Không, không, sếp… hơn cả thị trưởng.”

“Và hơn cả thị trưởng, ai ở đó? Thống đốc?”

“Không, không, hơn. …”

“Nhưng ông ta không thể là tổng thống được sao?”

“Hơn, tôi nghĩ vậy. …”

“Và ai có thể quan trọng hơn tổng thống?”

“Này, sếp, tôi không biết chính xác ông ta là ai, tất cả những gì tôi có thể nói với ông là chính giáo hoàng đang lái xe cho ông ta!”

Tin mừng thúc giục chúng ta trở nên giống như trẻ nhỏ để được cứu rỗi (Ma-thêu 18:3), nhắc nhở chúng ta lấy lại khả năng mỉm cười của chúng.

Ngày nay, không gì làm tôi vui hơn là được gặp trẻ em. Khi còn nhỏ, tôi có những người dạy tôi cách mỉm cười, nhưng giờ tôi đã già, trẻ em thường là người cố vấn của tôi. Những cuộc gặp gỡ với chúng là những cuộc gặp khiến tôi phấn khích nhất, khiến tôi cảm thấy tốt nhất.

Và sau đó là những cuộc gặp gỡ với những người già: những người già ban phước cho cuộc sống, những người gạt bỏ mọi sự oán giận, những người thích thú với loại rượu đã ủ lâu năm, thật không thể cưỡng lại được. Họ có món quà là tiếng cười và nước mắt, giống như trẻ em. Khi tôi bế trẻ em trên tay trong những buổi tiếp kiến tại Quảng trường Thánh Phê-rô, hầu hết chúng đều mỉm cười; nhưng những người khác, khi thấy tôi mặc toàn đồ trắng, nghĩ rằng tôi là bác sĩ đến để tiêm cho chúng, và rồi chúng khóc.

Chúng là những ví dụ về tính tự phát, về tính nhân bản, và chúng nhắc nhở chúng ta rằng những ai từ bỏ tính nhân bản của mình là từ bỏ tất cả, và khi khó có thể khóc một cách nghiêm túc hoặc cười một cách nồng nhiệt, thì chúng ta thực sự đang ở trên con dốc xuống dốc. Chúng ta trở nên vô cảm, và những người lớn vô cảm không làm được điều gì tốt cho bản thân, cho xã hội hay cho giáo hội.

2. Thương vong tại chợ Giáng Sinh Đức sau vụ tông xe vào đám đông

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, một chiếc xe do một người nhập cư Ả Rập Saudi lái đã đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng Sinh vào tối thứ sáu ở thành phố Magdeburg, miền trung nước Đức, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Cảnh sát ở Magdeburg, một thành phố có 240.000 dân, cách Berlin khoảng hai giờ lái xe về phía tây, vẫn chưa công bố thông tin chi tiết chính thức về việc liệu vụ việc có phải là một cuộc tấn công khủng bố hay không. Thống đốc khu vực, Reiner Haseloff, nói với giới truyền thông rằng nghi phạm là một công dân Ả Rập Saudi 50 tuổi, làm việc tại Đức với tư cách là bác sĩ từ năm 2006.

Các nguồn tin tức của Đức đưa tin rằng tài xế của chiếc xe đã bị bắt giữ. Hãng thông tấn AFP, trích dẫn nguồn tin từ các dịch vụ khẩn cấp, cho biết có khoảng 60 đến 80 người bị thương.

Cảnh sát Magdeburg chỉ nói trên mạng xã hội rằng “các hoạt động cảnh sát mở rộng hiện đang diễn ra” tại khu chợ và “sẽ có thêm báo cáo”.

Magdeburg được biết đến là thành phố nơi Thánh Norbertô đã giữ chức tổng giám mục cho đến khi qua đời vào năm 1134.

Vào tháng 11, một viên chức Đức đã kêu gọi “cảnh giác” tại các chợ Giáng Sinh năm nay trong bối cảnh tình hình an ninh gia tăng nói chung, mặc dù không có mối đe dọa cụ thể nào được xác định vào thời điểm đó. Cơ quan an ninh nội địa BfV của Đức cho biết các chợ Giáng Sinh có thể bị nhắm mục tiêu do “tính biểu tượng” của chúng liên quan đến “các giá trị Kitô giáo” và là “hiện thân của văn hóa và lối sống phương Tây”.

Vụ việc ở Magdeburg xảy ra gần đúng tám năm sau khi hơn một chục người thiệt mạng khi một chiếc xe tải do một kẻ cực đoan Hồi giáo lái đâm vào đám đông tại một khu chợ Giáng Sinh ở Berlin. Kẻ tấn công đó đã bỏ chạy và sau đó bị giết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát ở Ý.

Vào tháng 11 năm 2023, hai thiếu niên, 15 và 16 tuổi, đã bị bắt tại Đức vì nghi ngờ khủng bố. Họ được cho là có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo và được cho là đã lên kế hoạch tấn công chợ Giáng Sinh bằng xe cộ, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin vào đầu năm nay.

Vào tháng 4, chính quyền Đức báo cáo đã bắt giữ bốn nghi phạm bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào những người theo đạo Thiên chúa đang tham dự các buổi lễ nhà thờ và đồn cảnh sát bằng dao và bom xăng.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão Chido ở vùng lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của Pháp

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân của cơn bão Chido ở vùng lãnh thổ Mayotte của Pháp trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Trước khi chào đón hàng ngàn người hành hương chen chúc bên trong Hội trường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Thánh Cha đã dừng lại để cầu nguyện trước thánh tích của Thánh Têrêsa thành Lisieux được những người hành hương người Pháp tham dự buổi tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng vào thứ Tư mang về Rôma.

“Tôi bày tỏ sự quan tâm của mình đối với tất cả cư dân quần đảo Mayotte bị tàn phá bởi cơn bão và con xin cầu nguyện cho họ”, Đức Giáo Hoàng chia sẻ với những người hành hương.

“Xin Chúa ban sự an nghỉ cho những người đã mất, sự giúp đỡ cần thiết cho những người đang cần và sự an ủi cho các gia đình có người thân qua đời”, ngài nói tiếp.

Mayotte, vùng lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương giữa Madagascar và Mozambique, đã hứng chịu cơn bão nhiệt đới tồi tệ nhất trong 90 năm với sức gió lên tới hơn 124 dặm/giờ, theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Mặc dù số thương vong chính thức vẫn chưa rõ ràng và vẫn tiếp tục tăng, hàng ngàn người được cho là đã chết hoặc bị thương. Theo Al Jazeera, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou tuyên bố vào thứ Ba rằng hơn 1.500 người đã bị thương do Bão Chido.

Tuần này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giới thiệu loạt bài giáo lý mới có tựa đề “Chúa Giêsu Kitô, Niềm Hy vọng của chúng ta” mà ngài cho biết sẽ tiếp tục trong toàn bộ Năm Thánh 2025.

Bắt đầu loạt bài giảng bằng những suy tư về gia phả và thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói với người nghe rằng “các phúc âm thời thơ ấu” của Thánh Matthêu và Thánh Luca, được ghi lại trong Tân Ước, thực chất được kể lại qua góc nhìn của cha mẹ Chúa Giêsu trên trần gian, là Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse.

“Chúng ta được chứng kiến một Chúa Giêsu trẻ thơ và một thiếu niên phục tùng cha mẹ mình, đồng thời nhận thức rằng Người hoàn toàn tận tụy với Chúa Cha và Vương quốc của Người,” ngài nói.

“Điểm khác biệt giữa hai tác giả Phúc âm là trong khi Luca kể lại các sự kiện qua góc nhìn của Đức Mẹ Maria, thì Matthew lại kể qua góc nhìn của Thánh Giuse, nhấn mạnh đến mối quan hệ cha con chưa từng có này.”

Đức Thánh Cha cũng lưu ý đến những người phụ nữ được nhắc đến trong gia phả của Chúa Giêsu và tầm quan trọng của họ trong lịch sử cứu độ.

“Bốn người phụ nữ đầu tiên được kết hợp với nhau không phải vì họ là những tội nhân, như người ta vẫn thường nói, mà vì họ là người nước ngoài đối với người dân Israel,” ông nói.

“Điều mà Thánh Matthêu nêu ra là, như Bênêđíctô XVI đã viết, 'thông qua họ, thế giới của những người ngoại đạo bước vào... gia phả của Chúa Giêsu - sứ mệnh của Người đối với người Do Thái và người ngoại đạo được thể hiện rõ ràng.'“

“Giáng Sinh đã đến và tôi muốn nghĩ rằng có một cảnh Chúa Giáng Sinh trong nhà của anh chị em,” ngài nói. “Yếu tố quan trọng này của tâm linh và văn hóa của chúng ta là một cách tuyệt vời, rất tuyệt vời để tưởng nhớ Chúa Giêsu đã đến ngự giữa chúng ta.”

Cầu nguyện cùng những người hành hương chen chúc bên trong hội trường, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu xin “Hoàng tử Hòa bình” ban ơn và hòa bình cho thế giới.

“Chúng ta đừng quên tất cả những người đang đau khổ vì chiến tranh. Palestine, Israel và tất cả những người đang đau khổ ở Ukraine, ở Miến Điện. Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency