Ngày 03-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/07: Bụng tốt hay tốt bụng – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP.
Giáo Hội Năm Châu
02:07 03/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Tội con được tha rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

Đó là lời Chúa
 
Chúa ngạc nhiên vì con người cứng lòng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
02:08 03/07/2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B
(Mc 6, 1 – 6)
Chúa ngạc nhiên vì con người cứng lòng

Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc của ngôn sứ Ê-dê-kien đối với dân Chúa tuyển chọn và yêu thương (x.Ed 4,2-5), đặc biệt là cảm xúc của Chúa Giêsu đối với những người đồng hương của mình khi Chúa vào hội đường rao giảng cho họ (x. Mc 6, 1-6). Trường hợp của dân thành Cô-rin-tô đối với thánh Phaolô cũng không ngoại lệ. Nếu Chúa Giêsu “ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6, 6), thì Ê-dê-kien hay thánh Phao-lô cũng thế (x. 2Cr 12, 7-10).

Con người vẫn tiếp tục làm Chúa ngạc nhiên. Cụ thể, vì thương xót dân Chúa mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en được Chúa sai đến với dân Chúa, những người bị Thiên Chúa coi là những kẻ phản loạn, không tuân giữ Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, họ lòng chai dạ đá, mặt chẳng những cứ trơ trơ lại còn phản loạn cùng Thiên Chúa, khước từ tình thương của Ngài, khiến Ê-dê-ki-en rất ngạc nhiên.

Đến thời Chúa Giêsu chẳng phải dân xa lạ, mà chính đồng hương của Chúa cũng khước từ sứ điệp tình thương ấy. Đúng là, “Người đã đến nhà các gia nhân Người, mà các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Ga 1, 11).

Trong thời gian thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều người khi họ có lòng tin, đang khi những người khác cứng lòng. Chúa Giêsu ngạc nhiên về thái độ của người đồng hương : thấy giáo lý và các phép lạ Người làm mà họ không mềm lòng ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin, thì điều này cũng không lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương của Thiên Chúa. Trừ một số ít. Số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm thành đàn chiên nhỏ. Họ sẽ thừa tự Nước Trời vì họ tin rằng: có nhà tiên tri của Chúa ở giữa họ, mặc dù bề ngoài có nhiều điều cản trở niềm tin này.

Chúa Giêsu ngạc nhiên vì thành kiến của họ về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Thánh Phaolô cũng không nằm ngoài ơn gọi và cuộc đời sứ ngôn của Đức Chúa. Ông được chọn gọi và sai đến với dân ngoại, cụ thể với giáo dân Côrintô yêu quý của người. Phaolô cũng gặp những người gièm pha đủ điều, cốt để tín hữu Côrintô đừng tin vào giáo lý cứu độ của Phaolô nữa. Nhưng nếu bỏ niềm tin này, thì làm sao được cứu độ? Phaolô phải can thiệp ngay. Người gửi thư không phải để chữa mình hay để lấy lại uy tín, nhưng là để thi hành sứ vụ tiên tri, rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời ngôn sứ Ê-dê-kien, hay thời các tông đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Giêsu, Chúa Cả trời đất…… Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã đã nghe và đã thấy.

Quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (x. Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người … Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha.

Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất … Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.

Chúa đã đòi dân Dothái thời Ê-dê-ki-en phải tin vào Lời Chúa và vào vị tiên tri khi họ không còn quê hương, đền thờ. Người đã đòi bà con thân thuộc của Chúa Giêsu lướt thắng những cản trở bên ngoài thuộc gia thế và địa vị xã hội của nhà tiên tri thành Nagiarét để đón nhận ơn cứu độ. Hằng ngày Chúa vẫn đòi chúng ta phải có niềm tin như vậy qua mọi thử thách trần gian. Hơn nữa Chúa lại muốn chúng ta trở nên các tiên tri của Chúa để giúp anh em đồng loại nhận ra Tin Mừng cứu độ. Chúng ta hãy sẵn lòng tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho dù có bao nét bề ngoài của kế hoạch đó dường như muốn làm chúng ta nản lòng.

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:41 03/07/2024

10. Người không cầu nguyện thì giống như người lính mất đi vũ khí vậy, không thể ra trận; người không cầu nguyện thì cũng khó mà chống trả được với ba thù.

(Thánh Tomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 03/07/2024
98. ÁI ÂN CỦA NHẠC MẪU

Có một chàng rể nghe theo lời nhạc phụ ở xa, đem nhà của nhạc mẫu bán cho người ta, lúc giao kèo để bán thì phía bên kia trả giá không đủ.

Chàng rể bèn viết thư hối thúc nhạc phụ rằng:

- “Việc ái ân (房事) (1) của nhạc mẫu quá gấp, quá gấp ! Sáng tối đều trông ngóng chờ bố đến cứu !”

(NHã Ngược)

Suy tư 98:

Chuyện hệ trọng thì nên tự mình giải quyết, đừng ủy thác cho người không biết gì mà mình lại ở xa, bằng không thì sẽ sinh ra nhiều chuyện không hay, có khi vì hiểu lầm mà phá hỏng cả đại sự của mình, đó là người khôn ngoan vậy.

Chuyện buôn bán thì nên giao cho người biết làm ăn buôn bán, chuyện giao kèo mối lái thì nên giao cho người có kinh nghiệm trong lãnh vực này, chuyện quản lý nhà cửa thì nên giao cho người biết quản lý và có lòng trung thực, như thế mới yên tâm và là người khôn ngoan.

Việc đạo đức liên quan đến phần rỗi đời đời của linh hồn mình thì nên bàn hỏi với các linh mục, vì đó là việc quan trọng nhất trong tất cả các việc quan trọng khác.

Có những người Ki-tô hữu đem chuyện quan trọng đời mình giao cho ông giám đốc công ty, nên chỉ thấy họ ngày càng giàu có mập béo ra, nhưng cuộc sống tâm linh thì càng ngày càng teo lại và nghèo nàn; có người đem việc quan trọng bậc nhất của mình giao cho tri thức, nên họ không bao giờ rờ đến quyển Thánh Kinh; có người cho rằng việc quan trọng nhất của mình là học hành, nên họ cứ loay hoay mãi với ước vọng bằng cấp mà quên mất bổn phận mục tử của mình.

Giao việc đúng người là kẻ khôn ngoan, chọn việc hợp khả năng của mình là người không những khôn ngoan, mà còn là người có một tâm hồn rất khiêm tốn và có trách nhiệm, Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho những con người như thế.

Sai một vài chữ nếu không chú ý thì cũng sẽ gây hiểu lầm tai hại, càng làm lớn thì càng phải cẩn trọng...

(1) 房事 có 2 nghĩa: một là chuyện nhà cửa, hai là việc ái ân vợ chồng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tâm tình của Đức Thánh Cha với người di dân như: Cha và con
Thanh Quảng sdb
03:43 03/07/2024
Tâm tình của Đức Thánh Cha với người di dân như: Cha và con

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một nhóm người di cư bao gồm các tác giả từ Senegal đến Gambia, những người đã kể lại đời họ, đóng góp và đấu tranh cho hành trình tìm kiếm một ngôi nhà mới.

(Tin Vatican - Alessandro De Carolis)

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với những người di cư vào chiều thứ Ba (2/7/2024) không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Tuy nhiên, mỗi cuộc gặp, tuy theo cùng một khuôn mẫu, nhưng mỗi lần đều để lại "một khoảnh khắc ân sủng".

Một nhóm người di cư đã đến nhà trọ Thánh Marta để cảm nghiệm tình cha của một người mà họ coi là "cha" và "người chăn dắt", theo lời của Dona Mattia Ferrari, người tháp tùng nhóm.

Các tác giả chia sẻ câu chuyện đời họ

Những nhân vật trọng tâm của cuộc gặp gỡ hôm thứ Ba là hai người trẻ, Ibrahim Lo, đến từ Senegal và Ebrima Kuyateh, gốc Gambia, cả hai đều vượt biên qua Libya để đến châu Âu.

Ibrahim là tác giả của tác phẩm Bánh và Nước (Pane e acqua) khởi đi từ Senegal đến Ý qua nước Libia và Tiếng Vọng của Tôi (La mia voce) vọng từ con sông Dalle ở Phi Châu, vang khắp nẻo đường Âu Châu; trong khi Ebrima chia sẻ câu chuyện đời mình trong một cuốn sách có tựa đề hùng hồn, (Io i miei piedi nudi) “Tôi, đi bộ trên đôi chân trần trụi” với lời tựa của một số tác giả khác như Erio Castellucci, Tổng giám mục Modena-Nonantola và giám mục Carpi, cũng như lời bạt của Stefano Croci, giám đốc Di dân.

Trong số những người còn lại trong nhóm gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô có Cha Mattia Ferrari; Stefano Croci, giám đốc Di dân vùng Carpi; Giulia Bassoli, một tình nguyện viên; và Luca Casarini, người sáng lập “Cứu mạng trên Biển Địa trung hải” (Mediterranea Saving Humans) và là khách mời đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục; cùng Sơ Adriana Dominici, một nữ tu Dòng Tận hiến tại Rome.

Những câu chuyện về địa ngục và hy vọng

Cha Mattia giải thích rằng Đức Thánh Cha muốn lắng nghe những câu chuyện của những người di dân và biết ơn "mọi người vì những gì họ đã làm và đã sống", và ngài khuyến khích họ "hãy tiếp tục".

Một trong những câu chuyện của Pato, người đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 11 năm 2023. Cái chết khát của vợ anh Pato là bà Fati và con gái Marie khi họ băng qua sa mạc vào năm ngoái đã đánh động lương tâm nhiều người trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, những câu chuyện tương tự và những trải nghiệm địa ngục đã được pha trộn với những câu chuyện về hy vọng mà những người di cư muốn chia sẻ với Đức Thánh Cha. Cha Mattia cho biết những trải nghiệm của họ, bao gồm cả sự chào đón mà những người trẻ nhận được, chứng minh rằng, dù ở trên biển khơi bao la hay trên rừng sâu núi thẳm, "khi chúng ta giải cứu hoặc chào đón những người nghèo, những người di cư, thì chính họ đang cứu chúng ta". Và điều đó cho thấy rằng "trong tình yêu, trong tình huynh đệ mà người ta chia sẻ cho người nghèo, những người di cư, người ta thực sự nhận được ơn cứu rỗi".