Ngày 17-07-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:19 17/07/2025

22. Không nên làm một vị thánh hèn kém.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:22 17/07/2025
93. ĂN TRỘM MẤT TRỘM

Có một tên ăn trộm, buổi tối đào tường vào ăn trộm đồ của nhà người ta, nhà người này rất nghèo, trong nhà không có gì cả, chỉ có trên đầu giường một hủ gạo. Tên trộm cởi áo ra bỏ trên đất chuẩn bị ôm hủ gạo.

Lúc ấy ông chồng ngủ trên giường đã tỉnh, qua ánh trăng dọi thì thấy tên trộm, lại thấy trên đất có cái áo, bèn nhè nhè khều cái áo của tên trộm qua và giấu trên giường. Tên trộm quay lại thì không thấy cái áo, gặp lúc vợ chủ nhà tỉnh dậy nghe tiếng động, hỏi:

- “Trong nhà có tiếng động, có phải là kẻ trộm đến không?”

Ông chồng cố ý trả lời:

- “Tôi tỉnh giấc lâu rồi, không nghe gì cả, làm gì có trộm đến?”

Tên trộm vội vàng lên tiếng:

- “Cái áo của tôi để trên đất đã bị trộm lấy, sao lại nói không có trộm đến chứ!”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 93:

Tên trộm có lòng tham nên đi ăn trộm, người chủ nhà nghèo cũng có lòng tham nên không bắt trộm vào trong nhà mình, vì tham mà cả hai trở thành ăn trộm.

Vì lòng tham ấy của con người mà Đức Chúa Giê-su xuống thể làm một người nghèo khó, sống nghèo khó và chết nghèo khó, nhưng sống lại thật vinh quang, là để dạy cho chúng ta biết sống như Ngài đã sống: có tinh thần từ bỏ, để được thanh thoát hơn trong cuộc sống, để nhẹ nhàng trở nên người của mọi người…

Ở đời, ai cũng có lòng tham: có người tham quên cả tương lai, có người tham quên cả mạng sống, có người tham quên cả danh dự, lại có người tham quên cả nước thiên đàng…

Ăn trộm thì trước sau gì cũng mất cả chì lẫn chài, tức là mất cả thân xác và linh hồn trong tay ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 18/07: Con Người làm chủ ngày sa-bát – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:09 17/07/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Đó là lời Chúa
 
VietCatholic TV
TNS Graham: 50 ngày kéo Patriot đến Ukraine, ngày 51 Putin cứ hỏi Ayatollah sẽ rõ. Mi-8 Nga nổ tung
VietCatholic Media
02:43 17/07/2025


1. Nhà truyền giáo Tin lành, Công dân Hoa Kỳ làm gián điệp cho Nga từ bên trong Ukraine được Putin cấp hộ chiếu

Daniel Martindale, một công dân Hoa Kỳ từng giúp Điện Cẩm Linh tấn công vào quân đội Ukraine và sau đó được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đưa ra khỏi miền Đông Ukraine, đã nhận được hộ chiếu Nga tại Mạc Tư Khoa hôm Thứ Ba, 15 Tháng Bẩy.

Truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng một phóng sự vào thứ Ba cho thấy Martindale, với bộ râu được cắt tỉa gọn gàng, mặc vest và cà vạt, mỉm cười khi nhận được giấy tờ mới.

“Tôi, Daniel Richard Martindale, tự nguyện và có ý thức, chấp nhận quốc tịch Liên bang Nga, tuyên thệ tuân thủ hiến pháp”, ông nói bằng tiếng Nga.

“Với niềm tin rằng Nga không chỉ là quê hương của tôi, mà còn là gia đình của tôi — tôi vô cùng vui mừng vì điều này không chỉ nằm trong trái tim tôi, mà còn được thể hiện trên phương diện luật pháp”, Martindale nói với máy quay truyền hình, giơ hộ chiếu Nga.

Martindale lớn lên tại các trang trại ở phía bắc New York và Indiana, là con của những nhà truyền giáo Tin lành, những người sau này chuyển đến vùng nông thôn Trung Quốc, theo một bài báo của tờ Wall Street Journal. Một chuyến đi ngắn qua biên giới vào vùng Viễn Đông của Nga trong thời gian gia đình ở Trung Quốc đã khơi dậy sự quan tâm của Martindale đối với nước Nga.

Năm 2018, Martindale, hiện ngoài 30 tuổi, chuyển đến Vladivostok, một thành phố cảng của Nga trên Thái Bình Dương, nơi ông học tiếng Nga và dạy tiếng Anh.

Tờ Journal cho biết ông chuyển đến miền nam Ba Lan. Năm 2022, theo sắp xếp của FSB Martindale nhập cảnh vào Ukraine chỉ vài ngày trước khi nhà độc tài Vladimir Putin ra lệnh điều động hàng trăm ngàn quân xâm lược Ukraine.

Martindale nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo vào tháng 11 năm ngoái rằng ông đã sống tại làng Bohoiavlenka nơi ông hoạt động như một nhà truyền giáo, dạy tiếng Anh cho các sĩ quan và binh lính Ukraine, kết thân với họ để lấy thông tin về các cơ sở quân sự của Ukraine từ khu vực Donetsk ở phía đông đất nước và chuyển cho Nga. Dựa trên các thông tin này, Nga pháo kích chính xác vào các trọng điểm trong khu vực giết hại quân đội và thường dân vô tội Ukraine.

Hôm thứ Ba, Denis Pushilin, nhà lãnh đạo do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm của khu vực Donetsk do Nga kiểm soát, đã trình cho Martindale các tài liệu tiếng Nga của mình, mà ông nói là được trao theo sắc lệnh của Putin. Pushilin bày tỏ lòng biết ơn đối với Martindale, nói rằng các thông tin mà ông chia sẻ đã tạo cơ sở cho kế hoạch của Nga nhằm chiếm giữ Kurakhove, một thị trấn gần trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine là Pokrovsk.

Martindale “từ lâu đã chứng minh bằng lòng trung thành và hành động của mình rằng ông ấy là một người trong số chúng tôi.”

“Đối với chúng tôi, hộ chiếu Nga này là một biểu tượng của sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với những gì Daniel đã làm.”

Đối với người Ukraine, Martindale là một thất bại tình báo. Khi Nga tấn công vào Bohoiavlenka trong một chiến dịch được Denis Pushilin mô tả là phức tạp nhằm đưa Martindale trở về Nga, quân Ukraine vẫn không biết người Mỹ này, nhà truyền giáo rất đạo mạo này lại là một gián điệp của Nga, cho nên các Lữ Đoàn 72 Cơ Giới của quân Ukraine đã cử một tiểu đội lính đi cứu Martindale.

Thật là quá sức đau lòng: Sau khi liên lạc với ông ta, hẹn giờ và địa điểm đến cứu, ông ta đã báo cho quân Nga. Hậu quả là: Để cứu một thằng vô lại, tất cả những người lính ấy bị lọt ổ phục kích của Nga và đã chết hết.

[NBC News: U.S. citizen who helped Russia from inside Ukraine granted passport by Putin]

2. Tổng thống Trump cho biết các hệ thống hỏa tiễn Patriot đang được chuyển đến Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết vào ngày 16 tháng 7, vài ngày sau khi công bố kế hoạch cung cấp vũ khí mới cho Kyiv do NATO phối hợp, các hỏa tiễn phòng không Patriot dành cho Ukraine đã trên đường đi.

“Các hệ thống Patriot đã được chuyển đi rồi”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Căn cứ liên hợp Andrews, Maryland, khi được hỏi về hỏa tiễn Patriot và các loại vũ khí khác.

“Các hệ thống này đến từ Đức và sau đó chúng ta sẽ thay thế cho Đức. Và trong mọi trường hợp, Hoa Kỳ đều được hoàn trả đầy đủ.”

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, tăng cường phòng không khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine.

Phát ngôn nhân của chính phủ Đức cho biết vào ngày 14 tháng 7 rằng các đồng minh Âu Châu đang đàm phán về việc cung cấp hơn ba hệ thống Patriot cho Ukraine.

Tổng thống Trump cho biết các chuyến hàng này là một phần của thỏa thuận mới, theo đó NATO và các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu sẽ mua các hệ thống vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất, chuyển một số cho Ukraine và thay thế chúng thông qua các thỏa thuận với Washington.

“Chúng tôi luôn nhận lại được toàn bộ số tiền đã đóng góp”, Tổng thống Trump nói thêm. “Trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ được các nước thuộc Liên minh Âu Châu hoàn trả trực tiếp.”

Các chuyến hàng vũ khí mới được chuyển đến hai ngày sau khi Tổng thống Trump đưa ra tối hậu thư cho Mạc Tư Khoa, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế quan “nghiêm khắc” trừ khi Nga đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Trước đó, Điện Cẩm Linh gọi mức thuế đề xuất là “nghiêm trọng” và cho biết Mạc Tư Khoa cần thời gian để phân tích thông điệp từ Washington.

Tổng thống Hoa Kỳ lưu ý rằng ông chưa nói chuyện với Putin kể từ khi Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 14 tháng 7.

Những phát biểu của Tổng thống Trump phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng trước cái mà ông gọi là sự không sẵn lòng của Nga trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Trước đó, ông từng tuyên bố có thể chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ và tiếp tục giữ khoảng cách với cuộc xung đột, nói rằng: “Đó không phải là cuộc chiến của tôi. Đó là cuộc chiến của (cựu Tổng thống Mỹ Joe) Tổng thống Biden. Tôi đang cố gắng đưa các bạn ra khỏi cuộc chiến này.”

“Tôi thất vọng về Tổng thống Putin”, ông nói thêm. “Tôi đã nghĩ chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận từ hai tháng trước, nhưng có vẻ như không đạt được.”

[Kyiv Independent: Patriot missiles bound for Ukraine already being shipped, Trump says]

3. Nga đưa ra cảnh báo hạt nhân sau kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine của Tổng thống Trump

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tái khẳng định rằng học thuyết hạt nhân của Nga “vẫn có hiệu lực”, hai ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO sẽ cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine.

Kể từ khi Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, căng thẳng giữa Nga và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO đã bùng phát, với những lời đe dọa leo thang hạt nhân liên tục. Nga sở hữu kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ.

Tổng thống Trump đã có đường lối khác với Nga và Ukraine so với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Joe Biden, chẳng hạn như tiếp cận trực tiếp hơn với Mạc Tư Khoa và đẩy mối quan hệ Mỹ-Ukraine vào bờ vực thẳm thông qua các cuộc đối thoại thù địch và đe dọa viện trợ. Tuy nhiên, đầu tuần này, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng các đồng minh Âu Châu sẽ có thể mua hàng tỷ đô la thiết bị quân sự của Mỹ để phòng thủ cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Peskov nói với phóng viên Tass rằng, “Học thuyết hạt nhân của Nga vẫn có hiệu lực và do đó, mọi điều khoản của học thuyết này vẫn tiếp tục được áp dụng.”

Phản hồi này được đưa ra sau khi một phóng viên của hãng thông tấn nhà nước Nga hỏi về tình trạng của học thuyết hạt nhân, trong đó có các biện pháp khác, quy định rằng “hành động xâm lược” chống lại Nga hoặc các đồng minh của nước này “bởi bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân đều được coi là cuộc tấn công chung của họ”.

Putin đã cập nhật học thuyết hạt nhân của đất nước vào tháng 12 năm 2024, về cơ bản đã hạ thấp ngưỡng sử dụng răn đe hạt nhân. Học thuyết này bao gồm việc Nga “bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân” để đáp trả vũ khí hạt nhân hoặc “các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác” chống lại chính Nga hoặc các đồng minh.

Ông Peskov kêu gọi Hoa Kỳ khuyến khích Ukraine nối lại đàm phán hòa bình với Nga, nói rằng, theo Tass: “Trong trường hợp này, những nỗ lực hòa giải chính đến từ Hoa Kỳ - Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ấy. Nhiều tuyên bố đã được đưa ra, nhiều biểu hiện thất vọng đã được nêu ra, nhưng chúng tôi chắc chắn có hy vọng nếu cũng có những áp lực lên phía Ukraine.”

Vào ngày 14 tháng 7, Tổng thống Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục, “Chúng tôi sẽ chế tạo những vũ khí hàng đầu và chúng sẽ được gửi tới NATO.”

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết thỏa thuận bao gồm hỏa tiễn, đạn dược và phòng không. Tổng thống Trump tuyên bố rằng hỏa tiễn Patriot - yếu tố then chốt để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga vào các công trình dân sự - “đã được chuyển giao” cho Ukraine.

Bất kỳ thiết bị quân sự nào được cung cấp cho Ukraine trong thời gian ngắn sẽ đến từ kho dự trữ hiện có.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Tư, 16 Tháng Bẩy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: “Tôi đã tổ chức một cuộc họp về lĩnh vực quốc phòng: sản xuất vũ khí nội địa, các thỏa thuận với đối tác và nguồn cung cấp cho quân đội Ukraine. Chúng tôi đang phân tích kỹ lưỡng cách thức thực hiện tất cả các hợp đồng, thỏa thuận và dự án đầu tư. Chúng tôi đã xác định các bước cần thực hiện trong tương lai gần, cũng như các chỉ số chính để đánh giá hiệu quả quản lý quốc phòng vào cuối năm nay. Phải có thêm nhiều vũ khí do Ukraine sản xuất.”

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, hôm thứ Hai trên X: “Cuộc gặp gỡ tuyệt vời với Tổng thống Hoa Kỳ hôm nay. Chúng tôi đã và đang thực hiện các quyết định từ Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO một cách đáng kể, tăng cường chi tiêu, sản xuất và hỗ trợ cho Ukraine. Sự tàn bạo của Nga cần phải chấm dứt - sáng kiến mới này sẽ giúp mang lại hòa bình công bằng và lâu dài.”

Peskov cho biết vào thứ Tư rằng các cuộc đàm phán giữa Putin và Tổng thống Trump “có thể được sắp xếp rất nhanh chóng”, nhưng lưu ý rằng vẫn chưa có kế hoạch nào được xác nhận.

Tổng thống Trump cũng đã ra tối hậu thư cho Mạc Tư Khoa về việc áp dụng mức thuế quan “nghiêm khắc” trừ khi Nga đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

[Newsweek: Russia Issues Nuclear Warning After Trump's Weapons for Ukraine Plan]

4. Trực thăng Mi-8 của Nga mất tích được tìm thấy rơi ở Viễn Đông, cả 5 người trên máy bay đều thiệt mạng

Một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga mất tích hai ngày trước ở vùng Viễn Đông của nước này đã được tìm thấy trong tình trạng bị rơi với dấu hiệu hư hỏng do hỏa hoạn ở Khabarovsk Krai, truyền thông nhà nước Nga đưa tin vào ngày 16 tháng 7.

Ủy ban Điều tra Giao thông Vận tải Nga đưa tin cả năm người trên máy bay đều đã tử vong.

Chiếc máy bay do hãng hàng không Vzlyot vận hành đã mất tích vào ngày 14 tháng 7 trong chuyến bay từ thị trấn xa xôi Okhotsk đến thành phố Magadan, cách Mạc Tư Khoa gần 6.000 km (3.700 dặm) về phía đông, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

Chiếc trực thăng chở ba thành viên phi hành đoàn và hai kỹ thuật viên đang trên đường trở về Magadan sau khi bảo dưỡng.

Các đội tìm kiếm đã phát hiện xác máy bay vào ngày 16 tháng 7 gần Mũi Gadikan. Các quan chức cho biết hiện trường vụ tai nạn cho thấy dấu hiệu của một vụ cháy.

Văn phòng công tố giao thông Nga đã tiến hành kiểm tra người điều khiển trực thăng sau khi phát hiện ra xác máy bay.

Sự mất tích của máy bay đã dẫn đến cuộc tìm kiếm kéo dài hai ngày với sự tham gia của một trực thăng Mi-8 khác từ Okhotsk và một máy bay An-26 từ Magadan.

Mi-8 là trực thăng đa năng do Liên Xô thiết kế, được sử dụng rộng rãi ở Nga cho các hoạt động quân sự, dân sự và cấp cứu. Mặc dù có lịch sử hoạt động lâu dài, mẫu máy bay này cũng đã gặp phải một loạt tai nạn chết người. Vào tháng 5, một chiếc Mi-8 khác đã bị rơi ở tỉnh Oryol, khiến phi hành đoàn thiệt mạng.

[Kyiv Independent: Missing Russian Mi-8 helicopter found crashed in Far East, all 5 onboard dead]

5. Tổng thống Trump gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine sẽ ‘thay đổi cục diện chiến tranh’ sau khi hết kiên nhẫn với Putin

Các chuyên gia cho biết việc Tổng thống Donald Trump gửi vũ khí tầm xa tới Ukraine có thể thay đổi cục diện cuộc chiến bằng cách giúp ngăn chặn các cuộc tấn công ban đêm của Vladimir Putin.

Tổng thống Trump, người dường như ngày càng thất vọng với bạo chúa Vladimir Putin, đã công bố một “kế hoạch vũ khí mới” để hỗ trợ Ukraine.

Ông đã hứa sẽ gửi hệ thống hỏa tiễn đất đối không, gọi tắt là SAM MIM-104 Patriot - được sử dụng để ngăn chặn hỏa tiễn bay tới - tới Ukraine.

Nhưng ông cũng gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp phần cứng quân sự “rất tinh vi” cho Ukraine.

Tổng thống Trump giận dữ thậm chí còn đưa ra tối hậu thư 50 ngày cho Putin để giúp chấm dứt cuộc chiến đối mặt với mức thuế 100% từ Hoa Kỳ.

Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông “rất không hài lòng” với hành động xâm lược của Mạc Tư Khoa khi gặp nhà lãnh đạo NATO Mark Rutte tại Tòa Bạch Ốc.

Sự việc diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Trump cáo buộc Putin nói “chuyện nhảm nhí” với Washington về Ukraine và đưa ra những lời hứa “vô nghĩa”.

Điện Cẩm Linh cho biết việc gửi vũ khí cho Ukraine chỉ làm kéo dài cuộc xung đột.

Ông cũng tuyên bố sẽ gửi vũ khí của Hoa Kỳ - siêu hơn “mọi thứ” trong kho vũ khí của người Nga - cho NATO để họ có thể phân phối chúng cho Kyiv.

Tổng thống Trump gọi chúng là “vũ khí hàng đầu” và cho biết Rutte có thể điều động chúng “ở nơi cần thiết”.

Tổng thống Trump khẳng định Hoa Kỳ sản xuất “những thiết bị tốt nhất, những hỏa tiễn tốt nhất, mọi thứ tốt nhất”.

Hỏa tiễn Patriot - hoạt động như hệ thống phòng không chính của Mỹ - đã được sử dụng thành công ở Trung Đông để bắn hạ hỏa tiễn mà Iran bắn vào căn cứ không quân của Mỹ ở Qatar.

Đại tá Hamish de Bretton-Gordon, một chỉ huy quân đội Anh được tặng thưởng rất nhiều huân chương, cho biết việc vận chuyển những hỏa tiễn tầm xa này sẽ gây ra “những tác động sâu sắc về mặt tâm lý và thể chất” đối với Ukraine.

Viên Đại Tá nói với tờ The Sun: “Những vũ khí này có thể tấn công Mạc Tư Khoa - cách biên giới hơn 640 km. Điều đó cho phép Ukraine tấn công các nhà máy sản xuất máy bay điều khiển từ xa, các địa điểm sản xuất đạn dược và nhiều nơi khác.

“Vì vậy, điều này sẽ có tác động cả về mặt tâm lý lẫn thể chất.

“Người dân ở Mạc Tư Khoa sẽ nhận ra rằng họ có khả năng trở thành mục tiêu.

“Và khi bạn cũng nên biết rằng các cuộc ném bom của Mỹ vào các địa điểm của Iran được cho là bất khả xâm phạm, thì điều đó cho thấy công nghệ hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Mỹ vượt trội hơn hệ thống phòng không của Nga.”

Cựu chỉ huy quân đội cho biết những vũ khí này sẽ gây áp lực thực sự lên Nga và nói thêm: “Giờ đây, thước đo đã thay đổi và quyết định của Tổng thống Trump có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn”.

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Đại tá Philip Ingram chia sẻ với tờ The Sun rằng những vũ khí tầm xa này có thể giúp tấn công các bệ phóng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga - những loại vũ khí được sử dụng để tấn công Ukraine vào ban đêm.

Ông nói: “Người Ukraine đã tấn công vào các căn cứ hậu cần quân sự và công nghiệp quốc phòng của Nga.

“Và với những vũ khí tinh vi này, họ sẽ có khả năng thực hiện điều đó tốt hơn.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn ngày càng lớn vào ban đêm.

“Và đó chính là cách tốt nhất để người Ukraine ngăn chặn điều đó.”

Kyiv có thể nhận được thêm nhiều vũ khí trong những ngày tới bao gồm hỏa tiễn GMLRS dẫn đường chính xác và hàng ngàn quả đạn pháo lựu nổ mạnh.

Nhà lãnh đạo NATO ca ngợi động thái của Tổng thống Trump là bước ngoặt thay đổi cuộc chơi.

Ông cho biết điều này sẽ cho phép Ukraine tiếp cận “một lượng lớn thiết bị quân sự” cho phòng không, hỏa tiễn và đạn dược.

Ông nói thêm: “Điều này dựa trên thành công to lớn của hội nghị thượng đỉnh NATO”.

“Người Âu Châu đang tiến lên.”

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với Axios rằng ông “thực sự tức giận với Putin”.

Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông “rất không hài lòng” với Putin vì cuộc điện đàm của họ cách đây hai tuần không đạt được tiến triển nào về thỏa thuận hòa bình Ukraine - là điều mà tổng thống Hoa Kỳ đã thúc đẩy kể từ khi trở lại nắm quyền.

Trong vài tuần qua, Putin đã phớt lờ hòa bình và thay vào đó liên tục tăng các cuộc không kích qua đêm với hàng trăm hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa – con số này có thể sớm đạt tới 1.000 thiết bị mỗi ngày.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov được các hãng thông tấn Nga trích dẫn trong một cuộc họp báo rằng: “Rõ ràng là những hành động này có thể không phù hợp với những nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình”.

Putin, người đã đề xuất đàm phán trực tiếp với Kyiv để chấm dứt chiến tranh cách đây vài tuần, hiện nay lại cho rằng ngoại giao sẽ không giúp Mạc Tư Khoa đạt được các mục tiêu chiến tranh của mình.

Thay vào đó, ông ta đã tăng cường cường độ các cuộc tấn công của mình - tấn công Ukraine bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn đạn đạo gần như hàng ngày.

Tuần trước, Nga đã phóng 741 máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn vào Ukraine – đó là cuộc tấn công đơn lẻ lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài 40 tháng.

Khoảng 400 hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa đã được bắn vào ngày hôm sau.

Vào cuối tuần, 600 máy bay điều khiển từ xa và 26 hỏa tiễn bao gồm hỏa tiễn hành trình Kh-101 đã được phóng trong một trong những cuộc ném bom dữ dội nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Tổng thống Trump cũng thúc giục Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth thúc đẩy các nhà thầu quốc phòng tăng cường sản xuất vũ khí.

“Chúng ta phải giúp họ tiến bộ hơn, Pete, và để họ đạt được tốc độ cao hơn nhiều,” ông nói.

“Putin không đối xử tốt với con người. Ông ta giết quá nhiều người. Vì vậy, chúng tôi sẽ gửi một số vũ khí phòng thủ và tôi đã chấp thuận điều đó”, Tổng thống Trump nói thêm.

Các chuyên gia hy vọng việc vận chuyển những vũ khí mới này - và các lệnh trừng phạt mới - có thể đưa Nga trở lại bàn đàm phán.

[The Sun: Trump sending long-range missiles to Ukraine will ‘change face of war’ after ‘p****d’ Don’s patience with Putin runs out]

6. ‘Hãy gọi cho Ayatollah để biết chuyện gì xảy ra’ — Thượng nghị sĩ Graham cảnh báo Putin khi ông ủng hộ tối hậu thư 50 ngày của Tổng thống Trump về Nga

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Bẩy, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham đã hoan nghênh kế hoạch mới nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm gây áp lực với Nga về cuộc chiến ở Ukraine, tán thành tối hậu thư 50 ngày của tổng thống nhằm chấm dứt xung đột hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.

Thượng nghị sĩ đảng viên Cộng hòa đến từ Nam Carolina đã ca ngợi thông báo của Tổng thống Trump rằng các đồng minh NATO sẽ tài trợ vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất cho Ukraine, gọi đó là “tin đáng mừng”, cũng như cam kết của tổng thống Hoa Kỳ về việc áp thuế lên tới 100% đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga.

Vào ngày 14 tháng 7, Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế quan “nghiêm khắc” đối với Nga nếu nước này không đồng ý với một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 50 ngày, gọi đó là “mức thuế quan thứ cấp” trong một cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Graham nói: “Nếu Putin và những người khác đang thắc mắc điều gì sẽ xảy ra vào ngày thứ 51, tôi đề nghị họ hãy gọi cho Ayatollah”, dường như ám chỉ đến các cuộc không kích gần đây của Hoa Kỳ vào các địa điểm hạt nhân của Iran.

Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran tại Fordow, Natanz và Esfahan vào ngày 21 tháng 6, một cuộc tấn công mà Tổng thống Trump sau đó ca ngợi là một “thành công ngoạn mục”.

Iran là đồng minh chủ chốt của Nga trong cuộc chiến chống Ukraine, cung cấp máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn. Tehran đã giúp Mạc Tư Khoa phát triển vũ khí riêng, với máy bay điều khiển từ xa Geran của Nga được mô phỏng theo máy bay điều khiển từ xa Shahed của Iran.

Graham cho biết: “Nếu tôi là một quốc gia mua dầu giá rẻ của Nga, hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Putin, tôi sẽ tin lời Tổng thống Trump”.

Dầu mỏ vẫn là một trong những nguồn tài nguyên chủ chốt của Nga để tài trợ cho cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại Ukraine. Theo Trường Kinh tế Kyiv, Nga có thể thu về tới 163 tỷ đô la vào năm 2025 và 159 tỷ đô la vào năm 2026 nếu không có các biện pháp bổ sung.

Hạn chót 50 ngày của Tổng thống Trump nhằm mục đích buộc Mạc Tư Khoa phải đàm phán để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine.

Mặc dù mức thuế 100% mà Tổng thống Trump đề xuất không đạt được mức thuế 500% như đề xuất lưỡng đảng của Thượng viện ủng hộ, nhưng thông báo này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với thái độ miễn cưỡng trước đây của ông trong việc đối đầu trực tiếp với Nga.

“Tôi thất vọng về Tổng thống Putin vì tôi nghĩ chúng tôi đã có thể đạt được thỏa thuận từ hai tháng trước”, Tổng thống Trump phát biểu vào ngày 14 tháng 7. “Nhưng có vẻ như điều đó không xảy ra”.

Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào các thành phố của Ukraine, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của phương Tây.

Graham, một trong những đồng minh Cộng hòa thân cận nhất của Tổng thống Trump tại Thượng viện, từ lâu đã ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Nga và Iran.

[Kyiv Independent: 'Call the Ayatollah' — Senator Graham warns Putin as he backs Trump's 50-day Russia ultimatum]

7. Tòa Bạch Ốc giải thích về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelenskiy

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hỏi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy liệu Ukraine có thể tấn công Mạc Tư Khoa nếu được cung cấp vũ khí tầm xa của Hoa Kỳ hay không, tờ Financial Times, đưa tin vào ngày 15 tháng 7, trích dẫn hai nguồn tin giấu tên có liên quan đến cuộc thảo luận.

Tờ Washington Post cũng đưa tin, theo nguồn tin của họ, Tổng thống Trump đã hỏi nhà lãnh đạo Ukraine tại sao không tấn công thủ đô Nga. Tổng thống Zelenskiy được tường trình đã trả lời rằng một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra nếu Mỹ cung cấp vũ khí cần thiết.

Theo Financial Times, Tổng thống Trump đã nói: “Volodymyr, ông có thể tấn công Mạc Tư Khoa không?”, và được tường trình đang khuyến khích chiến lược này để Nga có thể “cảm nhận được nỗi đau” và đồng ý đàm phán.

Tin tức này xuất hiện khi Tổng thống Trump dường như đang có thiện cảm với Ukraine sau nhiều tháng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp, cung cấp vũ khí tiên tiến cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này thông qua một thỏa thuận với NATO và đe dọa Nga bằng “mức thuế quan nghiêm ngặt” nếu Putin không đồng ý ký kết thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.

Sau cuộc gọi với nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh, Tổng thống Trump phàn nàn rằng ông không đạt được tiến triển nào hướng tới hòa bình và Putin vẫn quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine.

Bình luận về báo cáo của Financial Times, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Karoline Leavitt, giải thích rằng

“Tổng thống Trump chỉ đặt ra một câu hỏi, chứ không hề khuyến khích giết chóc thêm. Ông ấy đang nỗ lực không ngừng để ngăn chặn việc giết chóc và chấm dứt cuộc chiến này”, bà nói.

Điện Cẩm Linh tỏ ra rất bức xúc trước câu chuyện của tờ Financial Times và tờ Washington Post đã thề rằng sẽ biến Kyiv thành Hiroshima nếu họ dám tấn công Mạc Tư Khoa bằng hỏa tiễn hành trình, bất kể rằng trong những ngày gần đây Nga thường xuyên tấn công Thủ đô Kyiv bằng hỏa tiễn hành trình.

Theo tờ Washington Post, Tổng thống Trump đang cân nhắc việc cho phép Kyiv sử dụng 18 hỏa tiễn ATACMS hiện có ở Ukraine với tầm bắn tối đa là 300 km và cung cấp thêm hỏa tiễn.

Bài báo này cũng viết rằng Tổng thống Trump trước đây đã cân nhắc cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn hành trình Tomahawk, loại vũ khí có khả năng tấn công Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, nhưng việc chuyển giao này hiện vẫn còn trong vòng xem xét.

Sau cuộc gọi ngày 4 tháng 7 giữa Tổng thống Zelenskiy và Tổng thống Trump, Ukraine đã được cung cấp danh sách các hệ thống tầm xa mà nước này có thể nhận được thông qua các quốc gia thứ ba, tờ Financial Times đưa tin, trích dẫn nguồn tin.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 14 tháng 7, Tổng thống Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết Ukraine sẽ nhận được sự hỗ trợ quân sự đáng kể theo chương trình mới của Hoa Kỳ và NATO, bao gồm hỏa tiễn và hệ thống phòng không Patriot.

Trước đó, Ukraine đã nhận được một số hỏa tiễn ATACMS từ chính quyền Tổng thống Biden, mặc dù nước này chỉ được phép sử dụng chúng trên lãnh thổ Nga vào cuối năm 2024. Tổng thống Trump đã chỉ trích quyết định nới lỏng các hạn chế vào thời điểm đó.

[Kyiv Independent: Trump reportedly asked Zelensky if Ukraine could strike Moscow, White House says he wasn't 'encouraging further killing']

8. Nga tuyên bố giành chiến thắng mới sau khi Tổng thống Trump đặt ra hạn chót

Bộ Quốc phòng Nga, gọi tắt là MOD cho biết lực lượng của Mạc Tư Khoa đã giành quyền kiểm soát thị trấn Novokhatske ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine và cũng đánh bại nhiều lữ đoàn Ukraine ở một số khu vực Sumy, Kharkiv và Mykolaiv.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đây là lần thứ ba, Nga tuyên bố chiếm được thị trấn Novokhatske. Có thể hiểu rằng người Nga thực sự đã chiếm được thị trấn này rồi lại bị đánh bật ra, rồi lại chiếm lại được. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu là Bộ Quốc Phòng của Putin tiếp tục loan tin giả để lên dây cót tinh thần binh sĩ Nga.

Những tiến triển mới nhất diễn ra sau khi Tổng thống Trump đặt ra thời hạn 50 ngày cho Mạc Tư Khoa để đồng ý về một thỏa thuận hòa bình, nếu không ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu hơn đối với nền kinh tế Nga, bao gồm cả việc áp thuế trừng phạt thứ cấp đối với các đối tác thương mại của nước này.

Tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ gửi cho Ukraine nhiều hỏa tiễn phòng không Patriot hơn, cũng như các loại vũ khí “tinh vi” khác mà các đồng minh NATO ở Âu Châu sẽ phải trả tiền, nhằm củng cố lập trường cứng rắn hơn đối với Mạc Tư Khoa.

Nga vẫn tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn, đồng thời đưa lực lượng vào phía đông nước này, bất chấp nỗ lực làm trung gian hòa giải của Tổng thống Trump.

Việc Nga tăng cường hành động ở Ukraine khiến Tổng thống Trump thất vọng, ông cảm thấy mình đã bị nhà độc tài Vladimir Putin lừa dối trong các cuộc trò chuyện gần đây của họ.

Putin đã bày tỏ mong muốn hòa bình, nhưng cũng nói với Tổng thống Trump rằng ông có ý định đạt được mục tiêu chiến tranh của mình ở Ukraine.

Trong bản cập nhật hoạt động mới nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine đã lưu ý về “cuộc xâm lược vũ trang quy mô lớn” của Nga và làn sóng tấn công mới.

Nhưng báo cáo cho biết binh lính Ukraine “đang gây ra những tổn thất hữu hình” cho người Nga, cả về nhân lực và trang thiết bị, và “chủ động ngăn chặn tiềm năng tấn công của đối phương”.

Không quân Ukraine cho biết riêng rằng Nga đã phóng 400 máy bay điều khiển từ xa Shahed và một hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M vào đêm thứ Tư, ngày 16 tháng 7.

Không quân cho biết trong số này, 198 chiếc đã bị bắn hạ và 145 máy bay điều khiển từ xa mồi bẫy đã bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, hỏa tiễn và 57 máy bay điều khiển từ xa đã bắn trúng mục tiêu.

Các cuộc không kích nhắm vào vùng đông bắc Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, quê hương Kryvyi Rih của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ở miền trung Ukraine, Vinnytsia ở phía tây và Odesa ở phía nam.

“Nga không thay đổi chiến lược của mình,” Tổng thống Zelenskiy nói. “Để chống lại khủng bố một cách hiệu quả, chúng ta cần tăng cường phòng thủ một cách hệ thống: tăng cường phòng không, tăng cường máy bay đánh chặn và quyết tâm hơn nữa để Nga cảm nhận được phản ứng của chúng ta.”

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ và các quan chức chính phủ Âu Châu bày tỏ lo ngại rằng thời hạn 50 ngày của Tổng thống Trump đã trao cho Putin cơ hội chiếm thêm lãnh thổ Ukraine trước khi có bất kỳ giải pháp nào nhằm chấm dứt giao tranh.

Những tối hậu thư khác của Hoa Kỳ gửi tới Putin trong những tháng gần đây đã không thuyết phục được nhà lãnh đạo Nga dừng cuộc xâm lược.

Liên Hiệp Quốc cho biết trong một tháng qua, hàng chục ngàn binh lính đã thiệt mạng trong cuộc chiến, nhiều người trong số họ ở dọc tuyến đầu dài hơn 1.000 km, và các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố đã giết chết hơn 12.000 thường dân Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn tại Washington, cho biết hôm thứ Ba: “Putin tin tưởng mù quáng vào lý thuyết chiến thắng cho rằng Nga có thể đạt được mục tiêu chiến tranh của mình bằng cách tiếp tục giành được những thắng lợi dần dần trên chiến trường trong thời gian vô hạn định nhằm làm nản lòng sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine và khả năng tự vệ của Ukraine.”

[Newsweek: Russia Claims New Victories After Trump Sets Deadline]

9. Pháp, Ý được tường trình đã từ chối thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ và NATO dành cho Ukraine

Pháp và Ý sẽ không tham gia vào sáng kiến mới do NATO dẫn đầu nhằm tài trợ cho việc cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraine, Politico và La Stampa đưa tin vào ngày 16 tháng 7, trích dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên ở cả hai nước.

Mặc dù từ lâu đã ủng hộ Ukraine, Pháp đã từ chối kế hoạch được công bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Washington vào ngày 14 tháng 7.

Theo kế hoạch này, NATO sẽ mua vũ khí tiên tiến từ Hoa Kỳ, bao gồm các hệ thống phòng không, và chuyển một số vũ khí này cho Ukraine.

Theo hai quan chức Pháp, Pháp từ chối tham gia kế hoạch này vì Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy các quốc gia Âu Châu tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của mình bằng cách mua vũ khí sản xuất trong nước.

Tờ Politico đưa tin Pháp cũng đang phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách và mục tiêu chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng trong bối cảnh áp lực kinh tế ngày càng lớn.

Trong khi đó, Ý cũng có lập trường tương tự. Theo tờ La Stampa, các quan chức Ý đã loại trừ khả năng mua vũ khí trực tiếp từ Mỹ, viện dẫn những hạn chế về tài chính và việc nước này tập trung vào các hệ thống công nghệ khác nhau, chẳng hạn như hệ thống phòng không SAMP/T do Ý-Pháp sản xuất đã được cung cấp cho Ukraine.

Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ý nhấn mạnh rằng quyết định này không nên được coi là sự thiếu hỗ trợ cho Ukraine, mà là lời kêu gọi tìm kiếm những cách thay thế để đóng góp vào nỗ lực rộng lớn hơn.

Theo tờ La Stampa, Ý hiện đang xem xét yêu cầu của NATO về việc hỗ trợ vận chuyển hậu cần vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine — dù bằng đường hàng không, hỏa xa hay đường biển — và đã phát tín hiệu sẽ không “né tránh” việc đóng góp. Bản chất và quy mô cụ thể của cam kết của Ý vẫn chưa được xác định.

Bình luận về kế hoạch tài trợ vũ khí giữa NATO và Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski lập luận rằng chi phí trang bị vũ khí cho Ukraine không nên do người nộp thuế Âu Châu chịu mà thay vào đó phải được chi trả từ tài sản bị đóng băng của Nga.

“Tôi đã hỏi các Ngoại trưởng đồng cấp của mình: Ai nên trả tiền cho thiết bị của Mỹ? Nên là người nộp thuế Âu Châu, hay theo tôi, nên để kẻ xâm lược trả tiền bằng nguồn tiền bị đóng băng của họ?”, ông Sikorski phát biểu sau một cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, theo hãng thông tấn Ba Lan.

Kế hoạch vũ khí mới cho Ukraine sẽ bao gồm các hệ thống phòng không mới, điều mà Kyiv đã yêu cầu trong nhiều tuần qua, khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine. Sáng kiến này được Đức và Rutte đề xuất, và được coi là một giải pháp tạm thời cho sự do dự của Tổng thống Trump trong việc gửi viện trợ trực tiếp của Hoa Kỳ, theo Politico.

Đức đã đầu tư “rất nhiều” vào kế hoạch này, ông Rutte nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự ủng hộ của Tổng thống Trump đến sau khi có sự phối hợp chặt chẽ với Berlin. Thủ tướng Đức Friedrich Merz nhấn mạnh rằng sáng kiến này phục vụ lợi ích riêng của Âu Châu và gia tăng áp lực buộc Nga phải đàm phán hòa bình.

Các nước Âu Châu khác — bao gồm Vương quốc Anh, Hòa Lan và một số quốc gia Bắc Âu — đã ủng hộ thỏa thuận này.

Ngày 15 tháng 7, Tổng thống Trump cho biết việc chuyển giao thêm hỏa tiễn phòng không Patriot và các loại vũ khí khác đã được tiến hành.

[Kyiv Independent: France, Italy reportedly opt out of US-NATO arms deal for Ukraine]