Ngày 24-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Giáng Sinh 25/12/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:39 24/12/2017
Bài Ðọc I: Is 52, 7-10

"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!

Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.

Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6

"Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!"

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14

"Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Làm Người
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:29 24/12/2017
“ Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay về lời đã báo về Hài Nhi này.” ( Lc 2, 16 )

Mùa Giáng Sinh là mùa của lễ hội? Mùa Giáng Sinh là mùa của kinh doanh mua sắm – bán buôn? Không ai phủ nhận sự thật này đang như phổ biến ngoài xã hội. Tuy nhiên trên hết và trước hết, với Kitô hữu, mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương. Thiên Chúa yêu thương nhân trần đã làm người. Chúa đã làm người. Chỉ có thế thôi. Không phải là làm người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, không phải làm người quốc tịch này hay quốc tịch kia, cũng không phải làm người trong chức vụ này hay danh phận nọ. Những điều này tuy vẫn có nhưng không phải là điều căn bản vì ngoài sắc tộc ra thì người ta có thể thay đổi quốc tịch, tôn giáo…Họ, các mục đồng năm xưa chỉ thấy một hài nhi nằm trong máng cỏ giữa tình thương của mẹ cha, Maria và Giuse.

Chúa làm người để xác định sự cao quý của phận người, là loài hữu hình cao trọng nhất, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Quả thật chính con người đã từng và rất có thể làm méo mó và làm băng hoại phẩm giá của mình vì những yếu tố được thêm vào như là quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, của cải vật chất…Người ta hận thù chém giết nhau vì phân biệt quốc gia này với quốc gia nọ, vì phân biệt chủng tộc này với chủng tộc kia. Người ta tìm cách loại trừ nhau vì khác biệt chính kiến hay niềm tin tôn giáo. Người ta đả thương, tiêu diệt nhau vì quyền lợi này hay địa vị nọ…Ít thấy và có thể nói là hiếm thấy người ta hận thù chém giết nhau chỉ vì lý do là người. Mặc dù vẫn còn đầy dẫy các tội ác giết con người ngay trong dạ mẹ là nạn phá thai nhưng lý sâu xa vẫn là vì sự ích kỷ của con người, của các tập thể lãnh đạo xã hội, quốc gia hoặc vì chút hư danh của bản thân những con ngươi ác tâm, vô tình sau những phút giây lỡ lầm hay do bởi sự chai lì của lương tâm.

Cùng với Vị Cha chung toàn thể hội Thánh đang nghỉ hưu, Đức Bênêđictô XVI, chúng ta cần xác nhận địa vị cao cả của con người. Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rằng sẽ chẳng có một nền hòa bình đích thực nếu ta không tôn trọng nhân vị. Đây là nội dung chính của sứ điệp Giáng Sinh của Ngài cách đây 10 năm (2007).

Tôn trọng nhân vị là nhìn nhận phẩm giá cao quý của con người. Sự nhìn nhận này cần phải được thể hiện qua việc tôn trọng những quyền lợi chính đáng và căn bản của con người. Ngoài các quyền lợi thường được nhắc đến như quyền đi lại, học tập, ngôn luận…thì cái quyền được sống, được sống trong tình yêu và đựơc yêu thương là những quyền thiết yếu, vì theo thánh ý Chúa, con người được sinh ra do bởi tình yêu và cho tình yêu. Nhưng than ôi, lich sử minh chứng chính vì những khác biệt như quyền lợi, quốc tịch, chính kiến, niềm tin, tôn giáo…mà con người đã làm hạn chế và nhiều khi đã triệt tiêu những quyền lợi căn bản này của tha nhân. Ai cũng nhìn nhận rằng sự hiện diện của Đức Phanxicô tại Myanmar những ngày cuối tháng 11 vừa qua chắc hẳn có in đậm sứ điệp này.

Chúa đến thế gian. Chúa làm người để nối kết những sự khác biệt giữa người với người. Chỉ trong Chúa, chúng ta dù khác biệt quốc tich hay xuất xứ nhưng sẽ không còn là Do Thái hay Hy Lạp, không còn là nô lệ hay tự do. Tất cả đều là anh em một nhà. Tất cả đều là con của cùng một Cha chung trên trời, với người anh cả là Giêsu, Trưởng tử của các loài thọ sinh.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, khi ngày Lễ Giáng Sinh còn những vài ba tuần lễ, thì hình ảnh các ông già Noel đã xuất hiện khắp nơi. Không còn là Hồi Giáo hay DoThái giáo, ngay giữa miền đất đang nổi rõ sự kỳ thị niềm tin, các ông già Noel vẫn tung tăng gieo rắc niềm vui. Không còn quốc tịch này hay chính kiến nọ, các ông già Noel vẫn có mặt ngay cả những miền đất được cho là còn khó khăn về tôn giáo.

Đến với nhau, sống với nhau trên hết, trước hết như là những con người. Đây là một trong những cách thế sống mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Để sống được điều này chúng ta đừng quên danh xưng “Con Người” là một danh xưng mà Chúa Giêsu rất thường áp dụng cho chính Ngài khi đi rao giảng Tin mừng.

Làm người với tấm lòng nhân ái, làm người với sự quảng đại yêu thương, đó là sứ điệp chính yếu mà Ngôi Lời nhập thể mang lại. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Và lời kinh duy nhất chính Đấng làm người để lại đó là “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” ( Mt 6,9-13 ).

Chúa Giáng sinh mời gọi chúng ta hãy làm người để có sự an bình. Nếu ta biết nhìn nhau như là người, nếu ta biết sống, cư xử với nhau như là người thì tuyệt vời làm sao. Tha nhân khi ấy không còn là loài lang sói, cũng không còn là hỏa ngục như triết gia Jean Paul Sartre mô tả. Tha nhân cũng không phải là người cạnh tranh sinh tồn với ta như nhiều người theo chủ nghĩa duy kinh kế thường nhìn. Tha nhân bấy giờ chỉ còn là người anh chị em thân thiết cùng chung một Cha và rồi chúng ta sẽ tự nhiên biết sống liên đới với nhau trong tình yêu như “người Samaritanô nhân hậu” qua câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu minh họa ngày nào (x.Lc 10,29-37).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Noel – Cho Trái Tim Mở Ra
Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn .
09:31 24/12/2017
Lễ Giáng Sinh

Lc 2,11-14; 2,15-20; Ga 1,1-18

Năm 1985, khi đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các chiến sĩ Ðức đã bỏ mình trong trận thế chiến thứ hai. Tổng thống R. Reagan của Hoa Kỳ có kể một câu chuyện như sau:

Người ta có thể hy vọng loé lên ngay cả trong giờ phút đen tối nhất của chiến tranh. Tôi nhớ đến câu chuyện của một người mẹ và một người con trai nhỏ sống trong một căn nhà tồi tàn giữa rừng trong thời chiến tranh.

Ngày nọ, một cuộc đụng độ giữa quân đồng minh và Ðức quốc xã diễn ra không xa khu rừng mấy. Sau một hồi giao tranh, 3 người lính Mỹ bị lạc mất đồng đội của mình và rơi vào vòng kiểm soát của quân Ðức quốc xã. Trong 3 người lính trẻ có một người bị thương run lập cập vì lạnh, cả 3 rón rén đến bên cửa nhà của một người đàn bà. Mặc dù biết rằng cho kẻ thù tá túc là một việc phạm pháp, người đàn bà vẫn mở cửa cho 3 người lính Mỹ vào nhà và vội vàng dọn thức ăn cho họ. Ðó là phần thức ăn cuối cùng của bà và đứa con trai nhỏ. Nhưng cũng vừa lúc người đàn bà dọn thức ăn lên bàn thì họ nghe có tiếng gõ cửa. Lần này bà thấy có 4 người lính Ðức đứng trước cửa nhà bà. Sợ hãi nhưng người đàn bà ra lệnh một cách cương quyết như sau:

- Yêu cầu mấy người đừng có bắn giết nhau trong nhà của tôi".

Nói xong bà mở cửa cho mấy người lính Ðức vào nhà. Những người lính Ðức ngoan ngoãn bỏ súng xuống, ngồi vào bàn ăn bên cạnh những người lính Mỹ. Một người lính Ðức trước kia là sinh viên y khoa đã băng bó vết thương cho người lính Mỹ. Cậu con trai nhỏ của bà sau này đã ghi lại những giây phút cảm động ấy như sau:

- Khi mẹ tôi vừa bắt đầu đọc kinh trước bữa ăn, tôi thấy nước mắt của người chảy ràn rụa trên gò má, liếc nhìn những người lính, tôi thấy nước mắt cũng bắt đầu lăn trên gò má của họ.

Tổng Thống R. Reagan kể tiếp:

Ðêm đó, mặc dù tiếng súng vẫn còn gầm thét trên khắp thế giới, 3 người lính Mỹ và 4 người lính Ðức đã ký kết cuộc ngưng chiến cho riêng họ. Ngày hôm sau, những người lính Ðức đã chỉ đường cho những người lính Mỹ trở về với đơn vị của họ, họ chia tay nhau bằng những cái siết tay tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Ðó là rạng sáng ngày lễ Giáng Sinh năm 1944. Sự việc xảy ra như loan báo hòa bình: Vài tháng sau đó chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại trên tòan lục địa Châu Âu...

Các người lính dù đang trên hai chiến tuyến mang thù hận, nhưng đã sống ý nghĩa nhất của ngày Lễ Giáng Sinh – Lễ Noel, Noel chữ viết tắt của Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. - Hài nhi Giêsu được sinh ra là Hoàng tử thái bình mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, Ngài là bình minh tươi sáng của một giai đoạn lịch sử mới (x. Is 9,1-6). Ngày tuyệt vời, vĩ đại nhất kể từ khi vũ trụ được tạo dựng, ngày mà đất trời giao duyên qua sự Giáng Thế của Con Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã mang thân xác và cư ngụ giữa chúng tôi” (Ga 1,14). Đó là tin vui cho tòan thể nhân lọai và vũ trụ vạn vật, chính vì thế máng cỏ hang đá luôn làm ta rung động và trào dâng lên vì vui sướng khi chiêm ngắm Hài Nhi dù đơn sơ bé nhỏ, nhưng mang một ý nghĩa cao vời của mầu nhiệm nhập thể: Ngài là người như chúng ta, vì thế chúng ta vui sướng, hạnh phúc bên Hang Đá Bêlem, nhưng còn đặc biệt hơn mang ý nghĩa cao trọng như Thánh Grégoire Naziance đã nói : “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”,

Hài Nhi Giêsu là ánh sáng tình yêu, ánh sáng cứu độ đã thắp sáng màn đêm u tối của trần gian bằng chính tình yêu cứu thế, tinh yêu vĩ đại xuyên qua mọi hận thù, tranh chấp, hiểu lầm để tỏa ánh yêu thương

Hài Nhi Giêsu - Đấng Hòa Bình, nơi Ngài chúng ta được an bình vì trong ngày Noel các thiên thần hoan ca: “ bình an dưới thế cho người Chúa thương “. Thật thế, nơi Hài Nhi Giêsu, ngay từ ngàn xưa Thánh Vịnh đã nhìn thấy: ”Toàn cõi đất này được xem thấy: Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta “ (Tv 97,3).

Ngày (đêm) Noel, chúng ta mừng Mầu nhiệm Nhập thể “Hoàng tử Hòa bình sinh ra” cho nhân lọai…

Đến bên máng cỏ Belem, chúng ta chiêm ngắm trong lời thì thầm với Hài Nhi Giêsu – hòang tử Hòa Bình:

• Mong ước sự bình an nơi mỗi tâm hồn như nụ cười tươi xinh của Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.Hãy nở nụ cười với mọi người để xua đi những bầu khí ảm đạm, buồn rầu của môi trường chung quanh bởi vì: “Niềm vui như là sự bình an được tính bằng từng centigramme” (Benjamin Peret). Đừng để con tim buồn vì tim buồn là tim héo hắt, nhưng hãy nở nụ cười xinh tươi như Hài nhi Giêsu – Hoàng tử thái bình ”.

• Le Giáng Sinh – Noel – Emmanuel- để những người xung quanh có thể thốt lên: Thiên Chúa vẫn mãi mãi là Ðấng Emmanuel, Ðấng hằng ở cùng con người. Thiên Chúa hằng luôn yêu thương con người, hãy san sẻ tình yêu hãy góp phần kiến tạo hòa bình bằng tình thương đồng loại như Victor Hugo đã đề nghị: “Bạn muốn xây dựng bình an, hãy gầy dựng tình yêu.

Noel tuy là lễ riêng của tín đồ Kitô Giáo, nhưng hầu như thế giới tràn ngập thương yêu dưới vầng ánh sáng lung linh ở khắp phố phường, với những gói quà dưới cây Noel, sao sáng lấp lánh nơi cửa sổ các gia đình, những cánh thiệp chúc tụng gửi đó đây, bữa ăn đoàn tụ gia đình bạn hữu tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc, với tuyết trắng phủ kín sân… Cho nên ý nghĩa của lễ Giáng Sinh sống trong yêu thương, chia xẻ, bao dung, thương yêu và tiêu diệt sự hận thù.Tiểu thuyết gia Charles Dickens đồng ý với tinh thần của Noel: “ Tôi luôn nghĩ Christmas như là thời gian vui thú ; một thời gian thân tình, tha thứ, độ lượng, thoải mái; thời gian mà nam cũng như nữ dường như tự do rộng mở trái tim…”

Từ câu chuyện về các người lính giữa hai trận tuyến trong ngày Noel, bỏ súng, băng bó vết thương cho nhau, chúng ta cảm nghiệm được tâm tình của tiểu thuyết gia Oren Arnold khi phát biểu ý nghĩa và gợi ý quà tặng Giáng Sinh : “Với kẻ thù, cho sự Tha thứ; với đối thủ cho sự Chịu đựng; với bạn bè cho Trái Tim; với khách hàng cho Phục Vụ Chu Đáo; với cháu bé thì làm Gương Sáng để cháu noi theo và với chính mình, cho niềm Tự Trọng”.

Thật thế, Đêm (hôm) nay bên Hang đá Bêlem, chúng ta cùng cảm nghiệm:

Máng cỏ giờ đây rực sáng ngời,

Ðêm tàn, ngày mới đã lên ngôi;

Cho ngày khỏi bị đêm lấn lướt

Xin giãi niềm tin tựa mặt trời.

Lm. Vinh Sơn scj
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:12 24/12/2017
29. CON TRÂU GIÀU CÓ
Thời xuân thu, ở phía tây đất Lô có một con kỳ lân xuất hiện, người ở đó không biết nó là con vật may mắn nên cùng nhau xúm lại giết nó, Khổng tử nghe được thì cấp tốc chạy đến coi và khóc mãi không thôi.
Các đệ tử sợ rằng thầy sẽ bi thương quá độ, nên dùng tiền đồng xâu lại từng chùm khoác trên mình con kỳ lân và nói với Khổng tử:
- “Kỳ lân vẫn còn đó, không bị thương tích gì cả.”
Khổng tử lau khô nước mắt nhìn rồi than thở, nói:
- “Con vật này mà cũng tượng trưng cho may mắn sao ? Nó chẳng qua là một con trâu giàu có ở quê mà thôi !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 29:
Con kỳ lân, theo truyền thuyết của người Trung Hoa là con vật đem lại may mắn cho con người, đó là con vật quý hiếm; con trâu dù là bạn của người nông dân nhưng vẫn bị coi là con vật tầm thường, nhưng Khổng tử đã chê con kỳ lân chỉ là con trâu nhiều tiền không có gì quý hiếm, bởi vì người ta đã khoác lên mình nó quá nhiều đồng tiền...
Được mang danh Ki-tô hữu là một vinh dự cao quý và là một hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta phải trân trọng và bảo vệ danh dự này cho đến chết.
Nhưng có một số người Ki-tô hữu đã lấy tiền bạc khoác lên mình che lấp danh tánh Ki-tô hữu nơi mình họ, họ không muốn ai biết mình là người Công Giáo khi làm ăn buôn bán bất chính, họ không muốn ai biết mình là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội khi họ được đưa lên địa vị cao trong xã hội, và họ càng giận dữ hơn khi có người nhắc nhở họ là người Ki-tô hữu, và như thế là họ đã trở nên giống con trâu tầm thường giàu có chứ không phải là con kỳ lân nữa, vì họ quá coi trọng tiền bạc hơn cả linh hồn của mình.
Người coi trọng tiền bạc hơn danh hiệu Ki-tô hữu của mình thì không xứng đáng là môn đệ của Đức Chúa Ki-tô, bởi vì người môn đệ chân chính thì không làm tôi hai chủ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholicnews.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 24/12/2017

20. Chỉ có những người không ngừng khẩn cầu, tìm kiếm và gõ cửa thì mới có thể được, mới có thể đi vào bên trong.

(Thánh Louis Grignion of Montfort)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------

http://www.vietcatholicnews.net

http://www.vietcatholicnews.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúc Mừng Giáng Sinh 2017 - Chương Trình Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay
VietCatholic Network
05:42 24/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Laudetur Jesus Christus. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Trong niềm hân hoan đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay kính chúc quý vị và anh chị em, một mùa Giáng Sinh an bình, tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng, và một năm mới an khang thịnh vượng.

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
 
Nữ Thủ Tướng Hồi Giáo mừng lễ Giáng Sinh với các chức sắc Kitô Giáo
Nguyễn Long Thao
12:07 24/12/2017
Dhaka.- Nữ Thủ Tướng Bangladesh, Bà Sheikh Hasina, một tín hữu Hồi Giáo, đã mời 700 nhà lãnh đạo các giáo phái Kitô Giáo ở Bangladesh tham dự buổi họp mặt mừng Giáng Sinh được tổ chức trong khuông viên của dinh Thủ Tướng. Buổi họp mặt do hội Kitô Giáo Bangladesh phối hợp với chính quyền đứng ra tổ chức

Trong buổi họp mặt, nữ Thủ Tướng Hasina đã nhắc lại chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bangladesh từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 năm 2017.

Bà nói với các vị khách: ”Xin cho tôi gửi lời cám ơn tới ĐGH Phanxicô vì Ngài đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh cùng người dân Bangladesh trong cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn Rohingya.

Bà nói thêm: Không phải chỉ có cộng đồng Kitô hữu, mà tất cả mọi người thuộc các tôn giáo khác cũng vui mừng khi thấy ĐGH đến thăm Dhaka.

Bà hãnh diện nói với 700 vị khách mời: “Ở Bangladesh tất cả mọi người có thể thực hành niềm tin tôn giáo của mình và có thể công khai mừng các ngày lễ tôn giáo.”

Nữ Thủ Tướng Hasina đã đồng ca nhạc Giáng Sinh với các khách hiện diện, đã cắt bánh sinh nhật. Đứng bên cạnh Thủ Tướng là Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Tổng Giám Mục thủ đô Dhaka. ĐHY đã trao tặng Nữ Thủ Tướng tấm thiệp Giáng Sinh và xin Thủ Tướng công nhận lễ Phục Sinh là ngày lễ nghỉ của toàn dân Bangladesh.

Nguyễn Long Thao
 
Toàn bộ Bài giảng của ĐTC trong Lễ đêm Giáng sinh - 24 tháng 12 năm 2017
Thanh Quảng sdb
18:22 24/12/2017
Toàn bộ Bài giảng của ĐTC trong Lễ đêm Giáng sinh - 24 tháng 12 năm 2017

Bà Maria "đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán" (Lc 2,7). Qua những lời diễn tả mộc mạc và rõ ràng này, Thánh Luca đưa chúng ta về lại tâm điểm của đêm thánh năm xưa: Maria đã sinh con; Mẹ đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Ánh Sáng của trần gian. Câu chuyện đơn giản ấy đã làm đổi thay lịch sử mãi mãi. Bắt đầu từ đêm đó mọi sự đã trở thành nguồn hy vọng.
Chúng ta hãy ngừng lại vài câu trong Phúc âm. Theo lệnh của Hoàng đế, Maria và Giuse thấy mình buộc phải lên đường. Họ phải rời bỏ những người thân quen của họ, nhà cửa và đất đai, để lên đường thực hiện một cuộc hành trình về nguyên quán để kê khai, đăng ký hộ khẩu trong cuộc kiểm tra của hoàng đế. Đây không phải là một hành trình thoải mái hay dễ dàng đối với cặp vợ chồng trẻ mà người vợ đang mang thai sắp tới ngày sanh nở! Nhưng họ đã lên đường! Trong lòng họ tràn đầy hy vọng và mong đợi con trẻ sắp sinh ra; nhưng bước đi của họ nặng chịch trước những ngày tháng bơ vơ không nơi nương tựa giữa chốn đât khách quê người. Tiến về Bếtlêhem, một vùng đất họ không mong đợi, vì họ biết nơi đó họ sẽ không tìm đâu ra một chỗ dung thân.
Cùng với dòng người trẩy về nguyên quán như Maria và Giuse, chúng ta cũng từng chứng kiến ngàn vạn gia đình đang di cư, di tản trong thời đại chúng ta! Họ không có lựa chọn, ra đi vì họ bị đẩy ra khỏi quê hương, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại làng mạc phố xá với những người thân… Họ ra đi với một hy vọng, hy vọng cho ngày mai. Thoát cảnh tàn sát của Vua Hêrôđê ngày nay là tránh những kẻ bạo tàn, dành dựt cướp bóc tài sản… khiến họ không ngần ngại tàn sát và giết chóc!
Maria và Giuse không tìm ra một chỗ trọ, nhưng các Ngài đã sinh ra một Đấng ban làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Đấng quyền năng nắm giữ mọi sự lại trở nên nghèo nàn hầu nâng chúng ta là những kẻ nghèo hàn cơ bần lên hàng nghĩa tử vinh hạnh của phận con cái Thiên Chúa.
Trong đêm đó, Đấng hạ sinh trong máng cỏ mà các mục đồng là những kẻ đầu tiên được đón nhận tin vui, họ là đại diện cho chúng ta và cho những ai vì lý do này nọ phải sống bên lề trái của xã hội, bị coi là kẻ cùng đinh, rách nát khố ôm, hôi hám bị người đời xa tránh… Họ bị coi là những người ngoại đạo, tội lỗi, không có quyền công dân... Ấy vậy họ lại là những người được các thiên thần mời gọi, như năm xưa các thiên sứ kêu mời: "Anh em đừng sợ; Ta mang đến cho các ngươi một tin vui lớn lao cho mọi dân nước là hôm nay một người con đã được sinh ra trong thành Vua David, Ngài là Đấng Cứu Thế, Đấng Mết-si-a và là Thiên Chúa "(Lc 2,10-11).
Đây là niềm vui mà chúng ta qui tụ lại đêm nay để chia sẻ, để kỷ niệm và để loan truyền. Niềm vui mà trong lòng thương xót vô hạn Thiên Chúa đã ẵm ôm lấy tất cả chúng ta, những người không là Do Thái giáo, yếu hèn tội lỗi và ngoại bang… Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta cũng phải hành xử như vậy.
Đức tin mà chúng ta công bố đêm nay làm cho chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi tình huống cuộc đời. Ngài hiện diện qua những lữ khách không được chào đón nồng hậu, thường không được nhìn nhận, đang rong ruổi qua các đường phố và các khu xóm của chúng ta, những hành khách trên xe buýt của thành phố chúng ta, đậu ngay trước cửa nhà chúng ta.
Chính đức tin này mời gọi chúng ta rộng mở tâm trí trước xã hội mới và những quan hệ mới, trong đó không ai cảm thấy mình không có đất sống trên trái đất này. Giáng sinh là thời điểm để biến sức mạnh của sợ sệt thành sức mạnh của lòng bác ái, thành sức bật cho một tâm lòng mới ắp đầy yêu thương bác ái. Việc từ thiện không có chỗ cho bất công, đây là một qui luật tự nhiên, nhưng chúng ta cần có can đảm để vượt qua những căng thẳng và mâu thuẫn, để tạo dựng những "ngôi nhà cơm bánh", mở rộng đón mời mọi người. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói: "Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô "(Bài giảng về Lễ khai mạc Triều đại của Ngài ngày 22 tháng 10 năm 1978).
Qua Hài Nhi Bethlehem, Thiên Chúa đến gặp chúng ta và làm cho chúng ta thành những người hoạt động tích cực cho cuộc sống chung quanh chúng ta. Ngài tự hiến mình cho chúng ta, để chúng ta có thể đưa Ngài vào cuộc sống của chúng ta, ẫm bồng Ngài và ôm lấy Ngài. Vì thế, trong Ngài, chúng ta không còn sợ hãi để nâng đỡ và ấp ủ những kẻ đói khát, xa lạ, trần truồng, yếu đau hay bị tù đầy (Mt 25: 35-36). "Đừng sợ! Hãy rộng mở cửa cho Chúa Kitô ". Trong Hài Nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành sứ giả cho niềm hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở thành những người đi vược dậy những ai đang ngụp nặn trong những nỗi tuyệt vọng! Trong Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người tiêu biểu cho lòng hiếu khách của Chúa.
Qua hồng ân niềm vui Giáng sinh của Hài Nhi tại Bêlem mà chúng ta hân hoan mừng lễ. Ước gì tiếng khóc của Ngài làm thức tỉnh chúng ta trước sự thờ ơ lãnh cảm của chúng ta hầu nhìn thấy những anh chị em đang đau khổ. Ước gì sự dịu dàng của Hài nhi đánh thức sự nhạy cảm của chúng ta để nhận ra những người bạn lữ hành đang thăm viếng khu phố hay làng mạc của chúng ta, trong bối cảnh lịch sử và cuộc sống hôm nay. Ước mong sự nhạy bén của Hài Nhi mời gọi chúng ta đáp lại tâm tình của Ngài để trở thành những ngôn sứ của niềm hy vọng và sự dịu dàng tươi mát cho người thế hôm nay.
 
Thánh lễ Vọng Giáng Sinh đêm 24 tháng 12, 2017 tại Vatican
VietCatholic Network
21:43 24/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9h30 tối Chúa Nhật 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ năm ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Bà Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Qua những lời mộc mạc và rõ rệt này, Thánh Luca đưa chúng ta đến trung tâm của đêm thánh này: Bà Maria đã hạ sinh; bà đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, là Ánh Sáng của thế gian. Một câu chuyện đơn giản nhưng đưa đẩy chúng ta đến với một biến cố đã thay đổi lịch sử của chúng ta mãi mãi. Mọi thứ, trong đêm đó, đã trở thành nguồn mạch của hy vọng.

Chúng ta hãy quay trở lại một vài câu trước đó. Theo lệnh của Hoàng đế, Bà Maria và ông Giuse thấy mình bị buộc phải cất bước lên đường. Họ phải rời bỏ những người bà con, nhà cửa, đất đai của mình và thực hiện một cuộc hành trình để có thể ghi danh trong một cuộc tổng điều tra dân số. Đây không phải là một cuộc hành trình thoải mái hay dễ dàng đối với một cặp vợ chồng trẻ sắp có một đứa con: họ phải rời khỏi miền đất của mình. Trong lòng, họ tràn đầy những hy vọng và mong đợi vì đứa trẻ sắp chào đời; nhưng những bước chân của họ đã trở nên nặng nề bởi sự bất định và nguy hiểm của những người phải để lại nhà cửa sau lưng họ.

Sau đó, họ thấy mình phải đối mặt với những gì có lẽ là khó khăn nhất. Họ đến Bếtlêhem và nhận ra rằng đó là một vùng đất không mong đợi họ. Một vùng đất không có chỗ cho họ.

Và ở đó, mọi thứ đều là thử thách, Bà Maria đã ban cho chúng ta đấng Emmanuel. Con Thiên Chúa đã phải sinh ra trong một chuồng gia súc bởi vì dân riêng của Người không có chỗ cho Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1:11). Và ở đó, giữa cảnh ảm đạm của một thành phố không có phòng hoặc một chỗ ngả lưng nào cho những người khách lạ từ xa, giữa bóng tối của một thành phố nhộn nhịp mà trong trường hợp này dường như muốn xây dựng chính nó bằng cách quay lưng lại với người khác ... chính xác là ở nơi đó một tia sáng cách mạng của tình yêu Thiên Chúa đã được thắp lên. Ở Bethlehem, một khai mở đã ló dạng cho những người đã mất đất đai, đất nước, cũng như ước mơ của mình; và cả đối với những ai đang ngạt thở vì cuộc sống cô lập.

Rất nhiều bước chân âm thầm khác đang tiếp bước những bước chân của ông Giuse và bà Maria. Chúng ta nhìn thấy những dấu vết của toàn bộ các gia đình buộc phải cất bước lên đường trong thời đại của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy dấu vết của hàng triệu người không muốn ra đi nhưng, bị xua đuổi khỏi miền đất của mình, họ phải để lại những người thân yêu sau lưng. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này đầy những hy vọng, hy vọng cho tương lai; nhưng đối với nhiều người khác, sự ra đi này chỉ có thể có một cái tên duy nhất: đó là sống sót. Sống sót các Herôđê ngày nay, là những kẻ áp đặt quyền lực của chúng và làm giàu, chúng không thấy có vấn đề gì trong việc đổ máu người vô tội.

Đức Maria và thánh Giuse, là những người không có chỗ dung thân, lại chính là những người đầu tiên đón tiếp Đấng đến để ban cho tất cả chúng ta tất cả giấy tờ về quốc tịch của chúng ta. Người là Đấng, trong cảnh nghèo đói và khiêm hạ, đã cho chúng ta thấy quyền năng thực sự và tự do đích thực được thể hiện trong việc tôn vinh và trợ giúp những người yếu đuối và mỏng manh.

Đêm đó, Đấng không có chỗ để sinh ra đã được công bố cho những ai không có chỗ trên bàn tiệc hay trên những đường phố của các thành đô. Những người chăn cừu là những người đầu tiên nghe Tin Mừng này. Do công việc của mình, họ là những người nam nữ buộc phải sống bên lề xã hội. Tình trạng sống của họ, và những nơi họ phải cư trú ngăn cản họ tuân thủ tất cả các quy định nghi lễ tôn giáo về việc thanh tẩy; kết quả là họ bị coi là ô uế. Da thịt, quần áo, mùi hôi trên người họ, cách thức nói năng, nguồn gốc của họ, tất cả đều phản bội lại họ. Tất cả mọi thứ liên quan đến họ đều tạo ra một sự không đáng tin cậy. Họ là những người nam nữ mà người ta cần phải giữ khoảng cách, và cần phải sợ hãi. Họ được coi là những người ngoại đạo trong số những người tin Chúa, là những tội lỗi giữa những người công chính, là những ngoại kiều giữa các công dân. Tuy nhiên đối với họ - những người ngoại đạo, tội nhân và ngoại kiều - thiên thần nói: “Đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2,10-11).

Đây là niềm vui mà đêm nay chúng ta được mời gọi để chia sẻ, để cử mừng và công bố. Niềm vui mà Thiên Chúa, vì lòng thương xót vô hạn, đã ôm lấy chúng ta là những người ngoại đạo, tội lỗi và ngoại kiều, và đòi hỏi chúng ta cũng phải làm như vậy.

Đức tin chúng ta tuyên bố đêm nay khiến cho chúng ta thấy Thiên Chúa hiện diện trong tất cả những tình huống mà chúng ta nghĩ Người vắng mặt. Người hiện diện nơi người khách không được chào đón, và quá thường khi là không được nhìn nhận, đang đi qua các thành phố và các khu xóm của chúng ta, những người đi trên các xe buýt và gõ cửa nhà chúng ta.

Chính đức tin này cũng thúc đẩy chúng ta tạo ra không gian cho một viễn tượng xã hội mới và đừng sợ trải nghiệm những hình thái quan hệ mới, trong đó không ai cảm thấy rằng họ không có chỗ trên trái đất này. Giáng sinh là thời điểm để biến sức mạnh của sự sợ hãi thành sức mạnh của lòng bác ái, thành sức mạnh cho một viễn tượng mới của lòng bác ái. Đó là một lòng bác ái không trở nên quen thuộc với sự bất công, như thể đó là một cái gì đó tự nhiên, nhưng là một lòng bác ái, giữa những căng thẳng và xung đột, vẫn có can đảm tự biến mình trở thành “nhà bánh”, thành một vùng đất hiếu khách. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói với chúng ta: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô” (Bài giảng về Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hôi Thánh, ngày 22 tháng 10 năm 1978).

Nơi Hài Nhi Bếtlêhem, Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ chúng ta và biến chúng ta thành những người chia sẻ tích cực cuộc sống chung quanh chúng ta. Người tự hiến mình cho chúng ta để chúng ta có thể đón nhận Người vào vòng tay chúng ta, nâng Người lên và ôm lấy Người. Vì thế, trong Người, chúng ta sẽ không sợ hãi nâng đỡ và ôm lấy những kẻ đói khát, những người xa lạ, trần truồng, đau yếu, và những ai bị giam cầm (xem Mt 25: 35-36). “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô”. Nơi Hài Nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành những sứ giả hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở thành những tuần canh cho tất cả những ai đầu phải cúi đầu xuống bởi nỗi tuyệt vọng nảy sinh khi đối diện với cơ man những cánh cửa đóng kín. Nơi Hài Nhi này, Thiên Chúa biến chúng ta trở thành những người đại diện cho lòng hiếu khách của Người.

Xúc động vì niềm vui của hồng ân Hài Nhi Bếtlêhem, chúng ta cầu xin cho tiếng khóc của Người đánh động chúng ta khỏi sự thờ ơ và mở mắt chúng ta ra trước những người đau khổ. Nguyện xin cho sự dịu dàng của Chúa Hài Nhi thức tỉnh sự nhạy cảm của chúng ta và nhận ra lời mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa nơi những người đến với thành phố của chúng ta, đến với lịch sử của chúng ta, và đến với cuộc sống của chúng ta. Cầu xin cho lòng từ ái cách mạng của Chúa thuyết phục chúng ta cảm nhận được lời mời gọi trở nên những tác nhân của niềm hy vọng và sự dịu dàng cho những người đồng loại của mình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Mục vụ muà Giáng Sinh miền Tây Bắc Bộ
Trần Mạnh Trác
14:41 24/12/2017
Con đường Cao Tốc mới, hệ thống dây cáp lên đỉnh Fansipan cùng với số tỷ tỷ tiền bạc do các nước ‘lân bang thân hữu’ đổ vào để xây dựng nhiều công sự tráng lệ có thể so sánh với các lâu đài nguy nga cuả St Petersburg và Bắc Kinh, thì chắc chắn rằng hình ảnh Sapa là một vùng ‘sơn cước’ hoang vu cuả thời ‘tiêu thổ kháng chiến’ xa xưa sẽ từ từ phai mờ và đi vào quên lãng.

Nhưng bên ngoài cái ốc đảo cuả sự phồn thịnh đó, ẩn nấp trong những rặng núi bát ngát bạt ngàn cuả vùng Tây Bắc Bộ, vẫn còn nhiều ‘châu mục bản thượng’ cuả những dân tộc thiểu số với một cuộc sống ‘kinh tế tối thiểu’, giao thông đứt đọan, chính quyền ‘có nhiều quyền mà ít lợi’!

Đó là những nơi mà các vị mục tử cuả Giáo Phận Hưng Hoá đã đặt nhiều quan tâm hàng chục năm qua, và hằng năm vào dịp Giáng Sinh, đồng thời là lúc khí trời trở lạnh báo hiệu một muà đông khó khăn dài, thì Đức Giám Mục phó và nhiều linh mục và phó tế cũng đã cố gắng đi thăm viếng mục vụ, đem theo những món quà thực dụng đến cho họ.

Hằng năm, chúng tôi đã thu thập những hình ảnh cuả linh mục Phạm Thanh Bình chánh xứ Sapa và cuả những giáo dân khác (i.e. Trần Anh Ngọc) để cống hiến cho quí độc giả môt chút âm hưởng cuả nơi xứ lạnh xa xôi ngàn dặm này. Năm nay cũng vậy, với sự cho phép cuả cha Thanh Bình, chúng tôi cũng xin được đồng hành theo những bước chân mục tử để đem đến cho quí vị hình ảnh cuả những vùng ‘Quê Mẹ’ vẫn còn bị bỏ quên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục update album khi có thêm hình ảnh mới.

Xem hình ảnh

Xem video tập dượt văn nghệ Noel ở Sapa:

 
Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột - 2017
Vũ Đình Bình
16:13 24/12/2017
“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,

và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).

Đêm nay, 24.12.2017, vào lúc 21 giờ, hàng ngàn tín hữu đã về tại khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Banmêthuột, bắt đầu giờ Canh thức Giáng sinh. Cộng đoàn được mời gọi lắng đọng tâm hồn, tìm về lịch sử Ơn Cứu Độ: Từ thuở hồng hoang, Thiên Chúa tạo dựng nên con người, nhưng con người đã phạm tội mất ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Con người phải sống trong đau khổ và phải chết. Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người mà Ngài hứa ban Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc con người. “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9, 2). Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; (Is 9, 5).

Xem Hình

Trong Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận, và trong những ngày Mùa Vọng, cộng đoàn đã chuẩn bị tâm hồn qua việc chay tịnh, hãm mình, cải thiện đời sống, dọn lòng xưng tội, để làm cho lòng mình trở nên hang đá bé nhỏ chờ mong Chúa đến. “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời”.

21 giờ 30, Cộng đoàn hiệp ý với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận; Cha Giuse Trịnh Văn Hân - Cha sở Nhà thờ Chính tòa; Cha Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh – Cha phó, dâng Thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, cầu nguyện cho thế giới an bình.

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục mời gọi Cộng đoàn hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai Con Thiên Chúa Làm Người. Ngài nói: “Đối với người Kitô hữu chúng ta, đêm nay có một ý nghĩa thật là đặc biệt: Chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua việc Con Thiên Chúa bỏ trời cao nhập thể trở nên người như chúng ta. Nhờ việc Nhập Thể của Ngài con người tội lỗi tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh.

Nhờ được trở nên con cái của Thiên Chúa, người Kitô hữu luôn nỗ lực sống theo gương Chúa Giê-su, tích cực thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng xã hội con người càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu trong Giáo phận Ban Mê Thuột thân yêu, trong năm thánh mừng Kim Khánh giáo phận, luôn biết can đảm sống niềm tin một cách mạnh mẽ, biết giới thiệu Chúa Giê-su đến cho mọi người, như các thiên thần đã loan báo Tin Mừng Giáng Sinh trong đêm Chúa xuống thế làm người”.

Sau bài Tin Mừng (Lc 2, 1-14), Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về việc Chúa Giêsu được sinh ra tại Belem trong hang lừa máng cỏ, âm thầm, nghèo khó. Điều mà Tiên Tri Isaia loan báo 600 năm trước đã được các thiên thần báo tin cho các mục đồng vào đêm Chúa Giê-su giáng sinh làm người trong hang đá ở Be-lem: “Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 11 - 12)

“Trong dịp mừng Kim Khánh thành lập giáo phận, và mừng Con Thiên Chúa giáng thế làm người, chúng ta mạnh dạn làm chứng cho mọi người sống chung quanh hiểu rằng: chúng ta thực sự tin vào giá trị cứu độ mà Chúa Giê-su dâng hiến cho nhân loại. Chính nhờ mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, mà chúng ta biết quý trọng con người hơn”.

Ngài nhắn nhủ: “Ước gì mỗi dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lại biến cố khởi đầu của mầu nhiệp Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa; và trong dịp này, chúng ta cũng cần nhắc nhở nhau rằng, nếu vì yếu đuối mà có lúc chúng ta trở về số không, đừng ngần ngại bắt đầu lại với Chúa Giê-su, vì chính Ngài là Đấng đem lại cho chúng ta và thế giới này niềm hy vọng sống xứng đáng với giá trị con người”. (Mời nghe Bài Giảng)

Trước khi ban phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Cha Vinh Sơn chúc tất cả mọi người đang hiện diện trong thánh lễ đêm nay, được tràn đầy sự bình an của Chúa Hài Đồng, được Chúa an ủi vì những hy sinh và những khổ đau mà anh chị em đã phải chịu vì con đường hòa bình mà chúng ta đã chọn. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến cuộc sống và làm cho cuộc sống của mình và người thân càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Qua anh chị em, tôi cũng xin gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người thân của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta”.

Hôm nay, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự bình an đích thực qua Đức Kitô. Ngài ban cho chúng ta Ánh Sáng Cứu Độ là Đức Giêsu. Xin cầu cho hòa bình Thế giới, an vui trong lòng mọi người. Xin hợp với các thiên thần hòa vang câu hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,

và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).
 
Giáo Xứ La Vang Tổ Chức Tỉnh Tâm và Ca Nguyện Mừng Chúa Giáng Sinh.
Phan Hoàng Phú Qúy
16:22 24/12/2017
Portland-Oregon.- Trong tình thần chuẩn bị đón Mừng Ngôi Hai Giáng Trần. Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang đã tổ chức tuần Tĩnh Tâm Mùa Vọng từ ngày 4 đến 9/12/2017.

Trong 3 ngày đầu tuần dành riêng cho tất cả mọi người dọn mình xưng tội, thống hối ăn năn, thực tâm trở về với Chúa để đón nhận Hồng Ân Cứu Độ.

Ba ngày cuối tuần là những ngày tĩnh tâm với chủ đề :

Cầu Nguyện Với Kinh lạy Cha.

Do linh mục dòng tên Mattheu Trần Đạt thuyết giảng.

Kinh Lạy Cha chiếm vị ưu đẳng trong Kitô giáo, đến nỗi Terulianô nói: "Đó là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng", và Thánh Âu-tinh diễn tả: "Hãy rảo khắp mọi lời trong Kinh Thánh, và tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở đó mà lại không chứa đựng và bao hàm trong Kinh Lạy Cha".

Sở dĩ như thế vì ba lý do:

Thứ nhất là vì Kinh Lạy Cha nằm ở tâm điểm của Kinh Thánh. Toàn bộ Kinh Thánh -- lề luật, các Ngôn sứ và Thánh vịnh -- được nên trọn trong Chúa Kitô. Mà Chúa Kitô đến là để loan báo Tin Mừng, và Tin Mừng ấy được tóm tắt trong Bài Giảng trên núi; Kinh Lạy Cha lại là trung tâm của Bài Giảng quan trọng đó. Bằng lời giảng, Đức Giêsu dạy ta sống đời sống mới. Bằng lời kinh, Đức Giêsu dạy ta nài xin sự sống mới.

Thứ hai là: Đó là lời kinh duy nhất mà Đức Giêsu trực tiếp dạy các môn đệ, cho nên vẫn được gọi là lời kinh của Chúa. Ngài vừa là Chủ, vừa là mẫu mực của ta trong đời cầu nguyện. Không những Ngài dạy ta một công thức cầu nguyện, nhưng còn ban tặng Thánh Thần để lời kinh ấy trở thành "Thần trí và sự sống" (Ga 6,63), là lời kinh của người CON dâng lên CHA trong tác động của THÁNH THẦN.

Thứ ba: Đó là lời kinh của Hội Thánh, ăn rễ sâu trong phụng vụ của Hội Thánh ngay từ đầu, đặc biệt là khi cử Bí tích Thánh Tẩy. Thêm sức và Thánh Thể.

Giáo Xứ cũng đã tổ chức Đêm Ca Nguyện Giáng Sinh 2017 với các tiết mục :

Đồng Ca, Đơn Ca, Đồng Tấu, Vũ Khúc, Hoạt Cảnh v,v, do các ca viên và các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ trình bày.

Mỗi bài hát, mỗi hoạt cảnh, mỗi vũ điệu, đều là những suy tư thật tâm tình, thật tuyệt vời hưóng dẫn tâm hồn mọi người hướng lòng lên Chúa :

Xin cho lòng chúng con luôn mỡ rộng mong chờ Chúa đến.

Xin cho lòng chúng con luôn thấm nồng một tình yêu mến.

Xin cho lòng chúng con luôn ước ao luôn khát khao.

Một thế giới sướng vui dạt dào,

Một thế giới không còn khổ đau.

Để Chúa đến trong cuộc đời

Để Chúa đến mang ơn trời.

Nguồn hạnh phúc cho con người

Mùa cứu rỗi cho mọi nơi.

Linh mục chánh xứ ĐaMinh Phạm Tĩnh thay mặt quý cha phụ tá, quý thầy, quý sơ gởi đến Ban Chấp Hành Giáo Xứ, quý Ban Ngành, quý Hội Đồng Hương và toàn thể cộng đoàn dân Chúa những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Xin Chúa Hài ồng Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, chúc lành, gìn giữ và tuôn đổ trên anh chi em những ơn cần thiết, để anh chị em luôn gắn bó mật thiết với Ngài qua các Bí Tích, và luôn sống trong ơn nghĩa của Ngài.

Tường thuật từ thành phố Hoa Hồng Portland Oregon

Phan Hoàng Phú Quý
 
Lễ Vọng Giáng Sinh Tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne
Trần Văn Minh
16:36 24/12/2017
Melbourne, Hòa cùng niềm vui chung của toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ đón mừng Chúa Giáng Sinh. Vào lúc 8 giờ 30 tối Ngày 24/12/2017. Tại trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Đại lễ Vọng Giáng Sinh đã được Linh mục Quản nhiệm cộng đoàn cử hành thật trọng thể.

Xem hình

Trong tiết trời đẹp, nhưng se se lạnh hiếm có của mùa Hè Melbourne, đã làm cho đêm Lễ Giáng Sinh thêm nhiều điều quý hiếm gần gũi hơn với thời tiết Belem xưa. Và cũng là thời tiết thật tốt đẹp cho đêm cực Thánh Giáng Sinh. dân Chúa từ khắp nơi đã tụ hội về trung tâm để cùng dâng lễ mừng kính Chúa Hài Đồng xuống thế làm người. Với đủ mọi thành phần dân Chúa thật đông đảo trong cộng đoàn và cả những khách từ xa đến. Từ các em nhỏ được cha mẹ bồng bế trên tay, hay nằm trong xe đẩy. Thanh thiếu niên bao gồm những nam thanh, nữ tú, cùng quý ông, quý bà, và cả đến các cụ già tuổi đã cao, chân bước đi mà tay đã phải chống gậy hay bám vào xe để đi, ai cũng vui vẻ, đẹp tươi với những tà áo dài, áo đẹp sau bao tháng ngày chờ đợi, hôm nay cùng đến để dâng lễ và chào đón Đấng Cứu Tinh nhân loại giáng trần. Mọi người ngồi gần kín khuôn viên trung tâm, và cả trong hội trường rộng lớn.

Ca đoàn Cecilia trong đồng phục đại lễ với thành phần ca viên hùng hậu, kèm theo các nhạc viên sử dụng nhạc cụ cũng rất đông đã mang hết khả năng tấu lên những khúc nhạc Giáng Sinh bất hủ để nâng tâm hồn mọi người lên trong đêm Vọng Mừng Chúa Giáng Sinh.

Lễ đài được trang hoàng đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng. Với đèn điện nhấp nháy như sao trời, kèm thêm một cây thông Noel cao tại khu núi Đức Mẹ, và không thể không trang trí trước tượng đài Thánh Bổn mạng cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm.

Đúng 8 giờ 30 phút. Thánh giá nến cao rước tượng Chúa Hài Đồng do Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm cộng đoàn bồng trên tay để tiến lên lễ đài đặt vào trong máng cỏ. Đoàn rước có quý vị thừa tác viên Thánh Thể và đặc biệt có các anh chị em tân tòng đi trong đoàn rước thật long trọng.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục chủ tế đã đặt câu hỏi thay cho mọi người qua câu: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Và Chúa đã đến trên 2000 năm, nhưng sao thế giới vẫn chưa được bình an. Đến ngay như nước Úc, nơi chúng ta đang sinh sống, một nước Úc hiền hòa và bao dung, nay vẫn đang có những đe dọa khủng bố, điển hình là những ngày gần đây, có người đã dùng xe đâm vào đám đông! Trả lời cho câu hỏi trên là chúng ta thấy xã hội chúng ta đang sống đang có những thay đổi. Thiên Chúa đã không được vinh danh, và người thiện tâm đã không có nhiều, khi con người ta đã thay đổi nhiều luật lệ trái với tự nhiên, trái với đường lối, lề luật mà Thiên Chúa tạo nên.

Kết thúc Thánh lễ, Ca đoàn Cecilia đã trình bày một ca khúc Giáng Sinh vui vẻ và đã được mọi người vừa vỗ tay, vừa hát theo làm cho bầu khí Giáng Sinh năm nay đã vui lại càng thêm vui hơn. Lời chào, lời chúc Giáng Sinh vui vẻ mà mọi người trao cho nhau trước khi chia tay trên các khuôn mặt tươi tắn điểm những nụ cười thân ái trước khi chia tay.
 
Lễ Giáng sinh tại CĐ Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick Úc châu
Tô Tịnh
19:01 24/12/2017
Lễ Giáng sinh tại CĐ Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick Úc châu
Tô Tịnh
Với chủ đề “Năm Giới Trẻ” Giáo xứ đã tụ họp hát mừng để dẫn vào thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh. Tối 24/12/2017 cha xứ Anthony đã khai mạc đêm canh thức bằng lời mời gọi mọi người mặc lấy tâm tình của Đức Maria và thánh Giuse trong biến cố Belem hơn 2000 năm trước. Nhà thờ chật ních giáo dân để ca đoàn Don Bosco khai mạc giờ Thánh ca, trong đó có cả phần ca của ba em, con cái của các anh chị em ca đoàn. Các em hát bằng tiếng Anh rất điêu luyện trước khi ca đoàn Mân Côi tiếp tục phần trình diễn thánh ca Việt Nam.
Sau phần thánh ca là phần diễn nguyện với chủ đề “Năm Giới Trẻ” các trưởng của Đoàn Thanh Thiếu Niên đã diễn xuất cảnh những người trẻ sống cuộc đời thiếu vắng đạo đức hoặc vắng bóng niềm tin đi vào nghiện ngập… Cuối cùng các em đã tìm gặp được sức sống vươn lên qua “Niềm Tin Yêu” vào Đức Giêsu cứu thế.
Hình ành - Hùng Nguyễn
Màn hoạt cảnh đã khép lại để toàn thể hai ca đoàn cùng các em SYC và linh mục chủ tế cung nghinh Chúa Hài Đồng tiến lên bàn thờ… Tay cầm nến sáng với bài ca “Hôm nay toàn dân Chúa trời… ca mừng Con Chúa Giáng trần”, Cha chủ tế rước Chúa Hài đồng lên và đặt vào máng cỏ nơi hang đá và sau đó Thánh lễ được bắt đầu.
Bài Tin mừng các em thiếu nhi của Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian đã diễn xuất, mở đầu với bài ca múa “Thiếu Nữ Sion” để đi vào bài Tin mừng Chúa Giáng sinh với cảnh các mục đồng, Thiên thần ca múa và Hài nhi, một em bé làm Chúa rất sinh động đã để lại nhiều ấn dấu cho ngững người tham dự.
 
Đêm Vọng Giáng Sinh Tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam
Trương Trí
19:45 24/12/2017
Như một phép lạ nhiệm mầu, Huế suốt ngày 24 ngập trong mưa rét, cuối giờ chiều mưa càng lớn. Vậy mà gần đến giờ canh thức Giáng sinh của hầu hết các Nhà thờ thì cơn mưa chấm dứt đột ngột, trời tạnh ráo. Mọi ngã đường hướng về các Nhà thờ đều chen kín đoàn người, những thanh niên thiếu nữ dìu nhau đi chơi Noel. Nhất là đường về Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam lại càng chen chúc hơn nữa, lực lượng cảnh sát phải giúp gìn giữ trật tự và phân luồng giao thong tránh xảy ra tai nạn.

Xem Hình

Đúng 21 giờ, chương trình Diễn nguyện canh thức mừng Con Thiên Chúa sinh ra bắt đầu. Các em thiếu nhi và giáo lý sinh Phủ Cam đã dày công luyện tập trong suốt một tháng qua, giờ đây đã mang lại cho cộng đoàn một cảm nghiệm sâu lắng về công trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Đặc biệt năm nay là năm mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra chương trình mục vụ: “ĐỒNG HÀNH CÙNG GIA ĐÌNH TRẺ”.

Trong một giờ Diễn nguyện đã dẫn cộng đoàn đi từ cuộc sáng tạo nên vũ trụ của Thiên Chúa. Ngài đã tạo ra ngày đêm, sông ngòi biển cả, núi rừng trùng điệp, cỏ cây và muôn loài thú vật, chim trời cá biển. Rồi cuối cùng Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Con người được hưởng hạnh phúc và làm chủ và cai quản muôn loài trên mặt đất.

Không chấp nhận hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã ban cho, con người đã dám xúc phạm đến Thiên Chúa, phạm vào điều cấm. Thiên Chúa đã trừng phạt con người, nhưng Ngài hứa sẽ ban cho Đấng Cứu độ là chính con một của Ngài xuống trần gian.

Sau khi con người phạm tội, những thói hư tật xấu xâm chiếm cuộc sống hàng ngày. Đố kỵ, ganh ghét, tham lam và ích kỷ tạo ra những cuộc tranh giành, cốt nhục tương tàn, anh em giết nhau. Khởi đầu là cái chết của A Ben vì anh mình là Ca In đã thù hận em mình được Chúa thương đến mà không đoái nhìn đến mình.

Cuộc sống thực dụng đã biến cho con người ngày càng chìm sâu vào đam mê vật chất, ngày càng dấn vào con đường tội lỗi, chiến tranh triền mien, dân riêng của Ngài cũng phải bị lưu đày, làm thân nô lệ nơi xứ người. Mọi người đều mong chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa là Đấng Cứu độ sinh ra để cứu Dân Ngài khỏi khốn cùng.

Một thiếu nữ được Thiên Chúa chọn từ trước để làm Mẹ của con Thiên Chúa. Ngài đã sai Thiên thần báo tin cho thiếu nữ đó về việc sẽ làm Mẹ Đấng Cứu thế.

Rồi ngày Đấng Cứu độ sinh ra cũng đã đến. Trong một đêm đông giá rét, Cha Mẹ Ngài không tìm được nơi nương náu tại quê hương mình, phải tìm đến một hang lừa ngoài đồng, nơi những người chăn chiên thường trú ngụ qua đêm. Nơi đó, Con Thiên Chúa được sinh ra, chỉ có Thiên thần báo tin cho các mục đồng và cùng nhau reo vui chúc tụng và thờ lạy.

Kết thúc Diễn nguyện, linh mục Chủ sự cung nghinh Hài nhi Thiên Chúa tiến về máng cỏ trên Cung thánh, đoàn Thiên thần theo sau cung kính.

Thánh lễ đồng tế do linh mục Quản xứ chủ tế, cùng đồng tế có các cha Phó và đặc biệt có Cha J.B. Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris.

Chia sẻ trong bài giảng, Cha chủ tế nhắc lại biến cố Thiên Chúa được sinh ra. Trong một gia đình nhỏ, là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc mà Giáo hội đang hướng đến trong năm Mục vụ Đồng hành cùng Gia đình trẻ.

Sau Thánh lễ, Cha Chủ tế mời gọi Cộng đoàn chúc mừng Giáng sinh đến tất cả mọi người không phân biệt lương giáo đang hiện diện trong và ngoài Nhà thờ, nhất là những anh em cán bộ đang phục vụ gìn giữ trật tự giữa trời đông lạnh lẽo.

Trương Trí
 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney Mừng Đại Lễ Giáng Sinh
Diệp Hải Dung
19:52 24/12/2017
Tối Chúa Nhật 24/12/2017 khoảng 6000 người, kể cả những người không Công Giáo, đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown – Sydney tham dự Đại Lễ Vọng Giáng Sinh do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức.

7 giờ Thánh Ca Mừng Giáng Sinh Christmas Carols do anh chị em trong Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh trình diễn với những nhạc phẩm Thánh ca Giáng Sinh rất đặc sắc.

Xem Hình

Sau khi chấm dứt chương trình Hát Mừng Giáng Sinh, mọi người cùng hướng về cuối công viên tham dự nghi thức Vọng Giáng Sinh rất trang nghiêm. Ban Tây Nhạc Cecilia tấu khúc Silent Night khai mạc cho nghi thức Vọng Giáng Sinh và Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang thuộc Giáo Đoàn Cabramatta đồng hát những bài Thánh Ca để chúc tụng mừng kính Thiên Chúa giáng trần. Thánh Lễ khai mào bằng cuộc cung nghinh Chúa Hài Đồng rất trang nghiêm do Cha Paul Văn Chi điều hợp với Thánh Giá Nến Cao, Đoàn Phụng Vụ, Ban Tây Nhạc Cecillia, Các Thiên Thần, Mục Đồng, Thánh Giuse, Đức Mẹ và quý Cha.

Đặc biệt quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm và Cha Nguyễn Văn Tuyết cung nghinh Thánh tượng Chúa Hài Đồng chúc lành cho Cộng Đồng và rước lên Lễ đài. Khi đoàn Phụng Vụ lên đến Lễ đài Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm xông hương hang đá, Cha ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh đến mọi người và Cha nói nói về ý nghĩa trình bày hang đá năm nay với 3 tấm phông màu Xanh của mầu nhiệm Sáng Tạo, màu Hồng của mầu nhiệm Nhập Thể và màu Vàng tươi của màu nhiệm Cứu Chuộc và Vinh Quang đồng thời Cha giới thiệu quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Mai Văn Thịnh, Cha Nguyễn Hữu Tế, Cha Nguyễn Xuân Thành, Cha Huỳnh Công Hạnh, Cha Nguyễn Hoàng Việt và Cha Phan Quốc Trực cùng hiệp dâng Thánh lễ .

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói về Thiên Chúa luôn có nhiều sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên lớn nhất là tình yêu mà Người dành cho chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Chúa mời gọi chúng ta quay về với tình yêu của Người. Chúa luôn chuẩn bị những dấu chỉ thích hợp cho mỗi cá nhân để chúng ta nhận ra và đến với Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chúc mừng Giáng Sinh quý Cha, quý Sơ và tất cả mọi người. Anh cầu chúc cho giới trẻ luôn hăng say tiến về tương lai trong nụ cười và lòng tự tin, cầu chúc cho các Giáo Đoàn bạn mọi người bình an hạnh phúc. Sau cùng xin cám ơn Hội Đồng Mục Vụ, các Phong Trào Ban Ngành Đoàn Thể và mỗi cá nhân đã tích cực cộng tác trong công việc tổ chức ngày Đại Lễ mừng Giáng Sinh hôm nay thật tốt đẹp. Đặc biệt cám ơ
quý bạn trẻ trong Cộng Đồng, cám ơn Ban Tây Nhạc Cecilia và Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Giáo Đoàn Cabramatta.

Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm cũng ngỏ lời Chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người và cám ơn quý Cha. Thánh lễ kết thúc quý Cha đội nón Giáng Sinh mầu đỏ phát quà mừng Giáng Sinh cho mọi người.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Gloria in altissimo Deo et in terra pax in hominibus bonae voluntatis
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:35 24/12/2017
„Gloria in altissimo Deo et in terra pax in hominibus bonae voluntatis.“ ( Lc 2,14)

Phúc âm Thánh Luca thuật lại khi Chúa Giêsu sinh ra, các Thiên Thần từ trời cao hiện đến ca mừng: Gloria in altissimo Deo et in terra pax in hominibus bonae voluntatis ( Lc 2,14).

Trong các Thánh lễ ngày Chúa Nhật và lễ trọng bài ca này được hát lên ca mừng Chúa, như các Thiên Thần ngày xưa đã ca hát.

Bài ca hát này được chuyển dịch sang các tiếng địa phương. Và phải hiểu thế nào cho đúng ý nghĩa từ ngữ bonae voluntatis?

Bản dịch tiếng Việt Nam có hai bản: „ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương“ ( Sách lễ Roma 1992, Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam.)

Đến năm 2005 được dịch lại: „ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.“ ( Sách lễ Roma, Nghi thức Thánh lễ, Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Hà Nội 2005).

Bản nguyên ngữ tiếng Hylạp: Eudokia - đẹp lòng, hài lòng.

Thắc mắc nêu ra với câu diễn tả „Cho loài người Chúa thương“: Những người nào được Chúa thương? Phải chăng có những người không được Chúa thương sao? Phải chăng Chúa không thương yêu tất cả mọi người do Chúa tạo dựng nên sao?

Với câu dịch diễn tả “ Cho người thiện tâm“: Ai là những người thiên tâm? Phải chăng có những người không thiện tâm và khi nào, cùng tại sao?

Bản tiếng Hylạp là Eudokia - đẹp lòng, hài lòng - cũng vấp phải những thắc mắc tương tự.

Đức Giáo Hoang Benedictô 16. đưa ra cắt nghĩa về hiểu chữ Eudokia - đẹp lòng, hài lòng theo bản tiếng Hy Lạp:“ Nơi phúc âm thánh Luca tường thuật về Chúa Giêsu chịu phép rửa ở bờ sông Jordan: Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì tầng trời mở ra và tiếng từ trời phán : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con, Cha hài lòng về con . ( Lc 3,22).

Về phương diện con người, Chúa Giêsu là người đẹp lòng, hài lòng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là người như thế. Vì người sống trọn vẹn hướng về Thiên Chúa Cha, chú tâm chiêm ngưỡng Chúa Cha và hoàn toàn sống kết hợp trong tương quan ý muốn hiệp nhất cộng đoàn với Thiên Chúa Cha. Con người sống đẹp lòng là những con người, có cung cách sống như Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, sống đời sống theo mẫu mực của Giêsu Kito.“ ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, 3. Kapitel, S. 84., Herder 2012).

Pater Anselm Gruen có suy tư: Nơi sự sinh ra của Chúa Giêsu, Thiên Chúa và con người, trời và đất cùng nhau hòa nhịp đồng thuận một tiếng. Có tiếng vọng đồng thuận giữa Thiên Chúa và con người, giữa tinh thần và vật chất, giữa Thiên Thần và con người. Sự hoà bình này, sự thanh bình, sự hòa nhịp được ban tặng cho con người có đời sống đẹp lòng hài lòng về khía cạnh thần thánh tốt lành.

Eudokia - đẹp lòng, hài lòng của Thiên Chúa trong ý nghĩa chất chứa tình yêu của Thiên Chúa hướng tới con người. Thiên Chúa qua sự sinh ra của Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu thương cho con người. Eudokia diễn tả Thiên Chúa luôn đứng về mối tương quan liên lạc với con người. Và qua sự sinh ra của Chúa Giêsu, Con của ngài, mối tương quan liên lạc đó muốn được thể hiện đào sâu thêm.“ ( Anselm Gruen, Jesus - Wege zum Leben, Das grosse Buch der Evangelisten, Herder 2015, Tr. 331).

Tầng trời không thuộc không gian thể lý địa lý, nhưng là hình ảnh trong trái tim. Và trái tim tình yêu thương Chúa đã sinh xuống trần gian trong chuồng thú vật vào đêm thánh vô cùng: sự khiêm nhường của Thiên Chúa là bầu trời.

Cung cách lối sống khiêm nhượng của Chúa Giêsu sinh ra trở thành con người đẹp lòng hài lòng Thiên Chúa Cha.

Cung cách lối sống đó là mẫu gương cho con người trần gian để nhận được đẹp lòng, hài lòng từ Thiên Chúa.

„ Et in terra pax in hominibus bonae voluntatis.“

Mừng lễ Chúa giáng sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Tâm Tình Noel
Đình Giai
23:21 24/12/2017
Noel ngày xưa Chúa ra đời,
Bỏ trời cao xuống kiếp chơi vơi,
Người đời chẳng ai đoái hoài tới,
Làm người thân phận rách tả tơi.

Noel ngày nay Chúa vào đời,
Lạc loài nhân thế bị bỏ rơi,
Ngườì đời trông chờ Noel tới,
Chỉ là cái cớ để ăn chơi.

Noel thánh thót tiếng đàn ca,
Hoa tươi nở rộ khắp mọi nhà
Nhộn nhịp tiếng nói cười giòn giã,
Chan chứa niềm vui tỏa lan xa.

Noel phảng phất áng mây sầu,
Cô đơn lặng lẽ có ai đâu,
Nỗi lòng hiu quạnh ai hiểu thấu,
Người đến rồi đi được mấy lâu.

Noel lạnh tím cả cỏi lòng,
Mõi mòn phập phồng mãi đợi trông,
Người đi biền biệt hoài trông ngóng,
Tin dữ bay về xé ngang hông.

Noel rên rỉ tiếng trẻ thơ,
Sinh ra đỏ hỏn đã bơ vơ,
Hỏi trời nghiệt ngã hay duyên cớ,
Khóc hờn đói khát tiếng ầu ơ…

Noel than thở kiếp tuổi già,
Bệnh tình dau nhức chẳng buông tha,
Con cái bỏ bê, sầu băng gia,
Ðêm về sương buốt lạnh thấu da.

Noel thoi thóp trên giường bệnh,
Nghĩ suy cuộc đời thật bấp bênh,
Thuyền trôi xuôi ngược mong cặp bến,
Chấm dứt cuộc chơi kiếp lênh đênh.

Noel lạc lõng giữa chợ đời,
Chạy theo cuộc thế mãi rong chơi,
Học đòi ganh đua theo mốt mới,
Choàng tỉnh cơn mơ rách tả tơi.

Noel xa lạ giữa thành đô,
Rong chơi một mình thấy qủa cô,
Dập dìu dòng người tràn ra phố,
Cồn cào ruột gan nhớ ngoại ô.

Noel lạnh lùng khói bom đạn,
Máu lửa hòa lẫn tiếng khóc than.
Chiến tranh khốc liệt ôi ngao ngán,
Lòng ngươi xương thịt sao bạo tàn?

Noel thao thức vận nước nhà
Càng ngẩm càng thấy lòng xót xa,
Quan chức càng lúc càng thoái hóa,
Bóc lột người dân đến tận da.

Noel mong mỏi cho nước nhà
Sớm mau đến lúc đổi thịt da,
Đất trời vần xoay mau biến hóa,
Bạo quyền chấm dứt, vui thái hòa.

Đình Giai
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 25/12/2017
VietCatholic Network
17:16 24/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Trong niềm hân hoan đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay kính chúc quý vị và anh chị em, một mùa Giáng Sinh an bình, tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng, và một năm mới an khang thịnh vượng. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 24 tháng 12.

2- Lời chúc Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng với các thành viên của Giáo Triều Roma.

3- Đức Thánh Cha tiếp các vị lãnh đạo tại trung ương Tòa Thánh nhân dịp lễ Giáng sinh.

4- Đức Thánh Cha gởi tặng các tù nhân 350 chiếc bánh Panettoni mừng Giáng Sinh.

5- Tiến bộ trong án phong thánh cho Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI.

6- Mừng Giáng Sinh tại Thánh Địa Bethlehem.

7- 250,000 nhân viên cảnh sát được triển khai để bảo vệ Lễ Giáng Sinh tại Indonesia.

8- Lễ Hội Giáng Sinh 2017 của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Lễ Vật Giáng Sinh.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết: