Ngày 24-12-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đêm nay, đêm huy hoàng...
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
11:12 24/12/2014
ĐÊM NAY, ĐÊM HUY HOÀNG…

Có lẽ không một tín hữu Kitô nào nói riêng, nhiều người nói chung, không cảm nhận sự rộn ràng, náo nức của đêm hồng ân cao cả: Đêm Sinh Nhật Đấng Emmanuel, đêm Thiên Chúa hóa thân làm người, ở giữa những con người.

Đêm nay, đêm hồng phúc, đêm thánh thiện nhiệm mầu, đêm ghi đậm thiên tình sử giữa Thiên Chúa và nhân loại, đêm sáng dặt dìu tỏa chiếu rạng ngời lòng trời dòi dọi trên nhân loại và trên mỗi con người.

Đêm Thiên Chúa thực hiện lời giao ước để nối kết lại tình thân với con người bằng dấu chứng tình yêu. Đêm Hội Thánh mời gọi chúng ta cùng nhau sống lại Mầu nhiệm Nhập Thể, tuy đã qua đi trong thời gian, nhưng dấu ấn vẫn lưu lại đến ngàn đời.

Đây là đêm Thiên Chúa tuôn đổ hồng phúc và chúng ta đang tận hưởng tràn đầy hồng phúc ấy. Đêm nay, đêm lịch sử, đêm hào hùng, đêm hoan hỷ, đêm ánh sáng, đêm hòa bình. Nhân loại hãy ngẩng đầu lên, hãy ca vang, hảy nhảy mừng, hãy chúc tụng Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Đêm tiếng chuông ngân vang, đêm đất trời trỗi dậy, đêm muôn ngàn thụ tạo nhắc nhở nhau hãy hiểu sâu hơn, hãy đến hang đá chiêm ngưỡng và thờ lại “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Đêm mỗi con người hãy tắm mình, hãy ngụp lặn trong tình yêu của Đấng thương xót và cứu chuộc họ.

“Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính…”. Sứ điệp của Tiên tri Isaia ngập tràn hi vọng. “Phải, Thiên Chúa của chúng ta đang đến!”. Lời loan báo về ngày hồng ân xưa đã tới. Ngày con người hân hoan bước ra khỏi bóng tối của đêm đen, tiến vào cõi ngập tràn ánh sáng đã nên hiện thực. Ngày “mưa ân sủng” tuôn đổ xuống trần gian một Đấng Cứu Tinh cho muôn dân đã hoàn tất sự mong đợi của dòng Cựu ước.

Giữa dòng lịch sử nhân loại, đã có một đêm như thế! Chỉ một đêm, đã làm thay đổi ý nghĩa sự sống. Chỉ một đêm mà lịch sử sang trang. Chỉ một đêm, giao ước mới bắt đầu lên ngôi. Chỉ một đêm, hình bóng đã tan biến, thực tại mà hình bóng ấy đã từng tiên báo nay ngự trị hoàn toàn.

Một đêm như bao đêm, nhưng lại khác hơn mọi đêm, trọng đại hơn mọi đêm, cần thiết cho thế trần hơn mọi đêm. Bởi đêm có một không hai, mang dấu ấn huyền diệu ngàn đời không phai.

Đêm nay, đêm mà nhân loại không ngần ngại gọi là “Đêm Thánh Vô cùng”, đêm của “Trời Đất giao duyên”, đêm của “Tình Yêu giao ước”; bởi đây chính là đêm từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, Ngôi Hai lên đường đi vào lịch sử nhân loại.

Đêm nay đánh dấu Đấng hạ sinh từ lòng Chúa Cha muôn thuở đã giáng thế làm người. Người là Đấng đất trời không thể chứa, tự nguyện sinh ra nơi chuồng lừa máng cỏ để, bằng cách ấy, lên đường thi hành sứ mệnh cứu độ của Chúa Cha Hằng Hữu...

Hiện diện để hòa chung cùng muôn thần thánh và cõi lòng những người thiện tâm, chúng ta hãy để tâm hồn mình lắng đọng, yêu thương, nhập cuộc cùng dân thánh xưa sống lại từng khoảnh khắc thiết tha chờ đợi Chúa đến.

Hãy tha thiết cầu nguyện và suy niệm để sống lại từng thời khắc của lịch sử cứu độ. Hãy hướng tâm hồn về những mầu nhiệm thánh lớn lao mà cảm nhận từng lúc thêm đầy, thêm sâu, thêm mãnh liệt tình thương mà Thiên Chúa đã, đang và còn tiếp tục tuôn đổ trên nhân loại.

Ánh sáng của đêm nay xé tan màn đêm u tối. Ánh sáng đem niềm vui cho tâm hồn những ai mang nặng sầu thương. Mỗi chúng ta hãy trở thành tia sáng thắp lên niềm tin yêu trong đêm Thánh vô cùng này.

Ánh sáng xé màn đêm, bừng lên nỗi vui mừng, là điều mà tiên tri Isaia đã từng mời gọi dân Chúa hướng về. Chúng ta hãy lắng nghe lời tiên tri mà chuẩn bị lòng mình:

Hỡi dân đang bước đi trong tăm tối, nay đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng. Hỡi đoàn người đang sống trong bóng đêm lầm than, nay đã được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chan chứa niềm hoan hỷ và tăng thêm nỗi vui mừng.

Vì một Trẻ Thơ chào đời để cứu chúng ta. Một người con được ban tặng cho chúng ta. Danh hiệu của Người là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Cha Muôn Thuở, Thủ Lãnh Hòa Bình.

Và trên hết, Người là Đấng Emmanuel, Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta…

Vì thế, chúng ta hãy mượn lời xưa mà vui mừng nhắn nhủ chính mình: Mừng vui lên Sion! Này đây Chúa ngươi đến rồi. Mừng vui lên Sion! Ngài khấng nghe lời ngươi đó. Ngài dẫn đưa ngươi qua những hố sâu qua núi đồi. Về nơi an vui, nơi suối mát trong đẹp tươi…

Mừng vui lên nhân loại! Mừng vui lên, hỡi triều thần thánh và muôn con người! Mừng vui lên, hỡi muôn thụ tạo! Mừng vui lên, hãy mừng vui lên!

Mừng vui lên, hỡi đêm an bình, đêm thánh thiện, đêm ơn cứu độ lan tràn!

Mừng vui lên, bởi đêm nay, đêm huy hoàng…

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư Mục Vụ Giáng Sinh của giáo phận Kontum
+ ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh
01:13 24/12/2014
 
Tĩnh Tâm chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh tại Trung Tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Houston,
Joseph Ký Nguyễn
15:23 24/12/2014
Thứ Sáu, ngày 19, tháng 12, 2014.

Tôi có mặt tại Trung Tâm lúc 5 giờ chiều để check-in, đóng tiền lệ phí, lấy chìa khóa phòng, và mang hành lý vô phòng. Khu phòng ngủ cũng giống như những Motels, Hotels.

Hình ảnh

Tại phòng ngủ đã để sẵn chương trình tĩnh tâm 3 ngày và các giấy tờ hướng dẫn cần thiết khác, như liên quan tới an ninh, v. v. Tôi thay quần áo để kịp dự thánh lễ khai mặc lúc 6 giờ tại Nhà Nguyện. Sau thánh lễ là ăn cơm chiều. Phòng ăn khá đẹp, rộng, bàn ghế bóng loáng, Ăn theo kiểu Buffet. Chúng tôi có tất cả 50 người tham dự. Đây là cơm chiều đầu tiên, nên chúng tôi được thoải mái nói chuyện với nhau, làm quen với nhau. Sau buổi cơm chiều này, chúng tôi giữ thinh lặng. Trong các giờ ăn sau, chúng tôi chỉ nghe nhạc thánh ca. Đúng 8 giờ là buổi hội thảo đầu tiên do LM Đa Minh Nguyễn Phi Long, Gíám Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại hướng dẫn. Với chủ đề tĩnh tâm HÃY VUI LÊN, cha Long đã nói về lá thư của thánh Phao Lô: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại; Vui lên anh em...". Tuy nhiên chúng ta thấy thảm trạng của con ngừơi ngày nay là sự thiếu vắng niềm vui đích thực. Nếu chúng ta càng chạy theo và tìm kiếm thú vui trần gian thì chúng ta càng bị tổn thương với một khoảng trống rỗng khổng lồ trong tâm hồn. Và cuối cùng là sự thiếu vắng Thiên Chúa trong chúng ta. Chỉ khi nào có Thiên Chúa thực sự hiện diện trong con người chúng ta thì chúng ta mới có niềm vui đích thực. Sau giờ chia sẻ, đến giờ chầu Thánh Thể và chuỗi LTXC. Ngủ đêm lúc 10 giờ.

Thứ Bẩy, ngày 20, tháng 12, 2014.

Nghe tiếng chuông rung, thức dậy lúc 7 giờ sáng. Tới nhà nguyện đọc kinh sáng dâng ngày. Ăn sáng. Hội thảo bắt đầu lúc 9:00 giờ. Cha linh hướng đề cập tới niềm vui của Thiên Chúa. Tất cả mọi niềm vui thế trần sẽ qua đi như mây bay, ngoại trừ niềm vui nội tâm đến từ Thiên Chúa là điều chúng ta có thể cảm nghiệm được từ đời này đến đời sau. Để có được niềm vui này, đòi buộc chúng ta phải có trong con người của mình 3 bửu bối sau đây: Đức Khiêm Nhường - Luôn Luôn Cầu Nguyện - và Thánh Thiện. Niềm vui của Chúa luôn đi đôi với sự bình an của Ngài. Sau hội thảo chúng tôi có một giờ tự do trước khi dự Thánh Lễ lúc 11 giờ 30. Ăn cơm trưa sau Thánh Lễ. Ghi nhận về các món ăn. Thầy Khánh, đầu bếp, nấu các món ăn Việt Nam rất khéo, đẹp, và ngon. Chúng tôi được thưởng thức canh chua, canh tôm rau đay, bún mọc, cháo gà đi bộ, bánh chưng, bánh cam, các loại chè, các loại trái cây, đủ loại sà lách, v. v. Xin cám ơn Thầy Khánh đã phục vụ anh chị em đến tĩnh tâm.

Ban chiều tham dự bí tích Hòa Giải. Tiếp đến là dâng lên Chúa Hài Nhi những lời cầu nguyện và lãnh quà của Hài Nhi Giê Su. Tôi rất cảm kích với giờ cầu nguyện này. Thưa trong gói quà của Chúa có một tràng hạt và một cây kẹo NOEL. Đến 9 giờ 30 tối, chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi. Nghỉ đêm lúc 10:00 PM.

Chúa Nhật, ngày 21, 2014

Sau khi thức dậy, đọc kinh sáng dâng ngày, ăn sáng, đến giờ hội thảo lần chót lúc 8:45 AM. Cha linh hướng hôm nay nói về Mẹ Maria, vì Đức Maria, Mẹ tràn ngập niềm vui, hơn tất cả các con cháu A Dong, E Và. Đức Maria có niềm vui ấy bởi vì Mẹ luôn luôn có Chúa trong đời của Mẹ. Vì có được điều ấy, nên Mẹ cũng trở nên vị Thừa Sai Tiên Khởi và Gương Mẫu nhất cho chúng ta.

Thánh Lễ bế mặc vào lúc 10:00 AM. Sau Lễ, chúng tôi check out lúc 12 giờ trưa.

Tôi đã lãnh được ơn nào trong lần tĩnh tâm Hãy Vui Lên? Vâng, để có niềm vui đích thực trong con người của tôi, tôi phải thực thi đức khiêm nhường, luôn luôn cầu nguyện, sống thánh thiện, và đi chia sẻ niềm vui ấy với anh chi em.
 
Phóng sự Giáng Sinh tại Perth, Tây Úc
Y Lan
12:22 24/12/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


 
Melbourne mừng Chúa Giáng Sinh 2014.
Trần Văn Minh Hình Lê Hải
21:00 24/12/2014
Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ mừng Chúa Giáng Sinh. Các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne đã hân hoan mừng Lễ Giáng Sinh Năm 2014 thật trọng thể.

Xem Hình

Mấy ngày trước lễ, các ca đoàn rộn ràng tập hát chuẩn bị để trình diễn thánh ca trước lễ Vọng Giáng Sinh, hay những hoạt cảnh Giáng Sinh do các ca đoàn hay Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách. Giáng Sinh về, tại các ngôi thánh đường ở Melbourne, bên ngoài khuôn viên giáo đường tuy không thấy hoa đèn lấp lánh, nhưng bên trong không thể thiếu hang đá. Mỗi nhà thờ là một hang đá khác, có nơi không có hang đá thì làm một túp lều. Dù khác nhau, nhưng các hang đá, hay lều, đều nói lên cảnh khó nghèo nơi khi xưa Thiên Chúa xuống trần gian.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Melbourne thường bắt đầu vào lúc 21 giờ tối tại hầu hết các cộng đoàn và được cử hành trong thánh đường. Riêng Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm Lễ Vọng Giáng Sinh được cử hành tại khán đài trong khuôn viên trung tâm. Cũng tại Trung tâm Vinh Sơn Liêm trước Thánh lễ có buổi canh thức, trình diễn Thánh ca và nhạc cảnh Giáng Sinh và được khai mạc sớm lúc 19 giờ 30.

Khuôn viên trung tâm được trang hoàng các giây cờ từ khán đài tỏa đi các góc nhẹ bay trong gío chiều. Đèn hoa nhấp nhánh và không thể thiếu các cây thông biểu tượng Giáng Sinh được trang hoàng bên góc khán đài. Sau bàn thờ là cảnh hang đá, núi đồi và ngai tòa nơi đặt tượng Chúa Hài Đồng ở nơi trang trọng nhất.

Đúng 20 giờ nhạc cảnh với chủ đề: Tóm tắt Lịch sử ơn cứu độ. Do Liên ca đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đồng trình diễn. Qua phần ngỏ lời cám ơn của anh Bình, đại diên liên ca đoàn gửi đến những người đã góp công sức, giúp đỡ, khích lệ để Liên ca đoàn có điều kiện thực hiện một nhạc cảnh công phu về dàn dựng, hóa trang, y phục, nhạc nền và nhất là có sự đóng góp về âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp nổi tiếng Melbourne của gia đình Bằng Quyên.

Sau lời chào mừng cộng đoàn của Linh mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân. Mọi người được mời đứng để cùng hát vang bài Trời Cao, sau đó nhạc cảnh bắt đầu, với tinh tú, vũ trụ con người và muôn vật được Thiên Chúa tạo dựng sống vui tươi trong vườn Địa đàng, cho đến một ngày ông bà nguyên tổ phạm tội không nghe lời Chúa, và bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng.

Từ đó tội lỗi tràn ngập thế gian, cảnh xâu xé, cướp bóc, chiến tranh, dịch bệnh ra đời. Loài người ngụp lặn trong tội lỗi. Trước những đau thương đó, Thiên Chúa không nỡ bỏ con người. Ngài lại sai con một của người xuống thế để cứu chuộc nhân loại, và hôm nay chúng ta cử hành kỷ niệm ngày Thiên Chúa nhập thể. Một nhạc cảnh tóm tắt cho mọi người ôn lại lịch sử Ơn cứu độ đã đạt đến trình độ cao về mọi mặt, thu hút sự chú tâm theo dõi của toàn thể cộng đoàn thật đông ngồi gần kín khuôn viên trung tâm. Một giờ canh thức đã qua mau nhờ cảnh nọ nối tiếp cảnh kia, với hằng trăm diễn viên lớn nhỏ, trình diễn thật lớp lang tuyệt vời. Trong một đêm huyền nhiệm, khí hậu mát mẻ, đêm thánh ân, đã làm cho tâm hồn mọi người mở ra đón nhận Hồng ân Chúa Hài Đồng.

Sau phần nhạc cảnh. Thánh lễ Vọng Giáng Sinh được cử hành do Linh mục Trần Ngọc Tân và Lê Trọng Bình đồng tế. Thánh lễ đặc biệt cảm tạ, cầu bình an cho cộng đoàn và xin cho mỗi gia đình, mỗi người được tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng. Ca đoàn Cecillia với đoàn phục đại lễ đã ca vang những bài Thánh ca Giáng Sinh thật tuyệt vời trong đêm đón mừng hồng ân Chúa Hài Đồng đã làm cho mọi người cùng lâng lâng niềm vui ân thánh. Vui hơn nữa là trong Thánh lễ Vọng Giáng Sinh năm nay, cộng đoàn lại vui mừng đón nhận ba người gia nhập vào Hội Thánh Chúa.

Sau Thánh lễ, ông Cao Minh Đức trưởng ban mục vụ cộng đoàn đã lên cám ơn quý cha, các ban ngành đoàn thể trong cộng đoàn đã hợp tác tổ chức một ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh thật tốt đ̀ẹp, ông cũng xin chúc đến toàn thể mọi người trong cộng đoàn một mùa Giáng Sinh an bình và năm mới an vui. Lễ vọng Giáng Sinh tại Cộng đoàn Vinh Sơn Liêm kết thúc vào lúc 22 giờ đêm trong niềm vui an bình, thánh đức. Mọi người trước khi ra về đã vui vẻ chúc mừng Giáng Sinh cho nhau trong niềm vui Chúa Giáng Sinh.

Nhóm Phóng viên Dân Chúa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sinh ra ở Bethlehem
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
11:10 24/12/2014
Sinh ra ở Bethlehem

Hằng năm vào ngày 25.12. Giáo Hội Công Giáo mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu. Lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu mang sâu đậm ý nghĩa lễ mừng tôn giáo của đạo Công Giáo. Nhưng trong dòng thời gian lễ này ngày càng trở thành ngày lễ mừng mang chiều kích văn hóa xã hội, nhất là về khía cạnh kinh tế thương mại.

Theo Kinh thánh thuật lại Chúa Giêsu sinh ra ở Bethlehem bên nước Do Thái. Nhưng không nói tới thời gian năm tháng nào rõ rệt. Vì thế, người ta khảo cứu đi tìm hiểu xem biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong lịch sử như thế nào, vào thời điểm nào, và những chi tiết chung quanh sự sinh ra của Chúa Giêsu ẩn chứa sứ điệp gì.

1. Vị cứu tinh ra đời

Theo Phúc âm Thánh Luca (2,1): „Thời ấy Hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số khắp cả thiên hạ.“

1.1. Mốc điểm lịch sử

Thánh Luca khởi đầu bài tường thuật việc Chúa Giêsu sinh ra bằng mốc thời điểm lịch sử thời hoàng đế Augustus với chiếu chỉ của ông. Như thế với Thánh sử Luca mối liên quan trong bối cảnh lịch sử toàn thế giới chiếm phần quan trọng.

Lần đầu tiên chiếu chỉ hoàng đế bao trùm toàn cầu, một cao trào đại kết trong toàn thể địa cầu được nói đến. Và cũng lần đầu tiên một chính phủ, một vương quốc bao trùm trái đất được nêu lên. Và lần đầu tiên một không gian hòa bình được nói đến. Và như thế một ngôn ngữ chung hoàn cầu trên phương diện thông hiểu nhau cho một xã hội văn hóa nảy sinh ra.

Trong bầu khí như thế một vị cứu tinh chung cho toàn địa cầu có thể xuất hiện đi vào trong trần gian: Thời gian đã viên mãn tròn đầy.

1. 2. Hoàng đế Augustus

Hoàng đế Augustus của đế quốc Roma, một vị vua đầu tiên của Roma. Ông tên thật là Gaius Octavius, sau những tranh chấp nội bộ, Ông đã thắng cuộc và lên làm hoàng đế sau khi Caesar bị ám sát năm 44 trước Chúa Giáng sinh. Ông không chỉ là một chính trị gia, nhưng còn hiện thân là một khuôn mặt với chiều kích thần học tôn giáo.

Ông lên ngôi hoàng đế năm 31. trước Chúa giáng sinh và trị vì trên ngai hoàng đế tới năm 14. sau Chúa giáng sinh. Ông thành lập triều đại hoàng đế ở Roma, và là hoàng đế một mình toàn quyền thống trị đế quốc Roma thời đó trải rộng khắp Âu châu và sang vùng Trung Đông, Tiểu Á.

Năm 27. trước Chúa giáng sinh, Ông được Thượng viện Roma trao phong cho tên là Augustus, theo tiếng Hylạp là Sebastos, có nghĩa là „ người được tôn thờ“.

Theo bản văn còn lưu lại ở thành phố cổ Priene vào trước thời Chúa giáng sinh, hoàng đế Augustus được tung hô danh hiệu là vị cứu thế. Với Hoàng đế Augustus một thời đại mới bắt đầu.

Trong thời triều đại của Ông nền hoà bình trong đế quốc được xây dựng lan rộng củng cố. Vì thế có danh hiệu Pax Augusti.

Chúa Giêsu, vị cứu tinh từ trời cao chào đời đi vào trần gian bắt đầu một thời đại mới, thời đại hòa bình.

Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng, như trong phúc âm Thánh Luca thuật lại (3,1), không phải là một nhân vật thần thoại sinh ra và xuất hiện trên sân khấu thế giới. Ngài đến trong trần gian vào một mốc điểm thời gian cụ thể, và vào một nơi chốn không gian địa lý chính xác. Nơi Ngài là Ngôi lời - Logos- mang ý nghĩa sáng tạo của mọi sự, đã đi vào đời sống trần gian. Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở thành người xác thịt trong thời gian cùng nơi chốn hình thể địa lý.

1.3. Chiếu chỉ trong khắp thiên hạ

Chiếu chỉ truyền trong khắp thiên hạ phải về quê quán của mình khai tên vào sổ bộ nộp thuế của hoàng đế Augustus đã khiến Thánh Giuse và Đức mẹ Maria phải trở về thành Bethlehem, là quê quán cũ của Ông Giuse, thành này là thành quê hương của Vua David. Sự việc này đã khiến lời loan báo trong sách Tiên Tri Micha được hiện thực ứng nghiệm, nơi Bethlehem vị mục tử sẽ sinh ra chăn dắt Israel ´.( Mika 5, 1-3.).

Vô tình hoàng đế Augustus, không biết đến lời tiên tri này, đã cùng cộng tác vào việc làm cho lời đoan hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Micha được thực hiện hoàn thành: Lịch sử của đế quốc Roma rộng lớn khắp thiên hạ và lịch sử ơn cứu độ, mà Thiên Chúa hứa cho dân Israel, trùng hợp với nhau. Thiên Chúa của Israel và của toàn thể mọi dân tộc hoàn cầu tỏ mình ra là người chính thực điều khiển toàn thể lịch sử hoàn cầu.

2. Sinh ra ở Bethlehem

Theo chiếu chỉ hoàng đế Augustus, bởi thế, Ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilea lên thành Vua David tức thành Bethlehem, miền Giudea. Vì Ông thuộc dòng tộc vua David. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, đặt nằm trong máng cỏ. Vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Lc 2, 4-7).

Theo phúc âm Thánh Mattheo (13,57) và Thánh Luca (4,26) nói đến quê hương của Chúa Giêsu là thành Nazareth, và thành Bethlehem là nơi sinh ra của Chúa Giêsu (Mt. 2,1 và Lc 2,4-7). Phúc âm Thánh Gioan cũng nói đến Bethlehem là nơi sinh ra của Chúa Giêsu (Ga 7,42). Nhưng ở thành Bethlehem nào, miền Nam hay miền Bắc nước Do Thái?

Lễ Chúa giáng sinh 2012 hai tờ báo tiếng Anh Times và Telegraph đã nói đến lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giêsu như phúc âm Thánh Mattheo thuật lại ở thành Bethlehem. Nhưng cho rằng không phải Bethlehem ở miền Nam gần thành Giêrusalem miền Judea, mà là Bethlehem ở miền Bắc thuộc miền xứ Galileo cách Nazareth khoảng 11 cây số.

Những bài báo tin tức mới lạ sôi nổi này căn cứ dựa trên bài tường thuật qua công trình khảo cứu của nhà khảo cổ học người Do Thái tên là Aharon Oshri ở vùng Galilea, miền bắc nước Do Thái.

Theo nghiên cứu khảo cổ, năm 1906 một Cộng đoàn tín hữu Tin lành đã xây một đền thờ ở ngôi làng của người Ả Rập Beit Lah.m ,và vùng định cư mới này được đổi tên là Bethlehem. Nhưng từ 1948 vùng này lại đổi tên là Moschaw Beit Leh,m ha -Gelilit. Vì thế Ông cho là Chúa Giêsu đã sinh ra ở thành Bethlehem miền Bắc Do Thái thuộc vùng Galilea.

Ở miền Nam nước Do Thái miền Judea có thành phố Bethlehem, theo sách Giosua (19,15) nằm trong vùng phần đất quê hương cùa chi tộc Sebulon. Vì thế, rất có thể khi viết Phúc âm nói đến tên Bethlehem, Thánh sử Mattheo đã viết rõ là Bethlehem phía Nam thuộc miền Judea để phân biệt với Behtlehem phía Bắc thuộc miền Galilea.

Oshi đưa ra luận cứ qủa quyết Chúa Giêsu không sinh ra ở Bethlehem miền Nam nước Do Thái thuộc vùng Judea. Vì Bethlehem nơi đây vào khoảng thế kỷ 7.- 4. trước Chúa giáng sinh, là vùng hoang vu không có người sinh sống.

Nhưng giả thuyết về nơi sinh của Chúa Giêsu ở thành Bethlehem miền Bắc nước Do Thái thuộc vùng Galileo không được mấy nhà khảo cổ nghiên cứu chú ý đến nữa.

Sau thời kỳ lưu đày bên Babylon, dân Israel trở về quê quán cũ thành Giêrusalem và các thành thị chung quanh Gierusalem ở miền Nam nước Do Thái, có nói đến tên thành Bethlehem ở miền Nam - Sách Esra (2,21) và sách Nehemia (7,26).

Các sách Phúc âm tường thuật lịch sử sự sinh ra của Chúa Giêsu ngay từ thời thế kỷ thứ nhất cũng đã nói đến Bethlehem là vùng có dân cư đến sinh sống.

Sử gia Josephus nói đến Bethlehem miền nam vùng Judea cách xa Gierusalem độ 20 dặm. Vào năm 150 sau Chúa giáng sinh Justin, người gốc Paletina cùng hiểu biết về địa lý trong vùng, cũng qủa quyết Bethlehem nằm trong vùng Judea cách Giêrusalem 35 dặm.

Vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ ba sau Chúa giáng sinh, Origenes cũng khẳng định Behtlehem là nơi có dân cư sinh sống.

Những công trình nghiên cứu khảo cổ về địa chất cũng cho thấy từ thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh, ở Bethlehem thuộc vùng Judea có công trình xây cất lại những tàn tích đổ nát thời ngày trước.

Như thế không có bằng chứng khả tín qủa quyết rằng Bethlehem thuộc vùng Judea miền nam nước Do Thái vào thời Chúa Giêsu là vùng sa mạc hoang vắng không có người định cư.

3. Chúa Giêsu chào đời

Cùng với Thánh Giuse tới Bethlehem để khai tên vào sổ bộ thuế, đức mẹ Maria tời ngày sinh con. Mẹ sinh con đầu lòng, lấy tã bọc con và đặt nằm trong máng cỏ.Vì Thánh Giuse và mẹ Maria không tìm được chỗ nhà trọ trú thân. (Lc 2, 17).

Như thế, Chúa Giêsu sinh ra dọc đường không ở trong một ngôi nhà, mà trong hang chuồng thú vật. Khung cảnh này nhắc nhớ đến cuộc đời Chúa Giêsu sau này được thuật lại trong Kinh Thánh viết về ngài:

Thánh sử Gioan trong phần mở đầu Phúc âm đã viết: „Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận“. (Ga 1,11).

Thánh sử Mattheo ghi lại chính Lời Chúa Giêsu nói về đời sống của mình: „Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Ngưpời không có chỗ tựa đầu.“ (Mt 8,20).

Và sau cùng Chúa Giêsu bị xử tử đóng đinh thên thập gía chết bên ngoài thành (Dt 13,12). như Ngài đã sinh ra đến trong trần gian ở bên ngoài thành.

3.1. Hang chuồng xúc vật

Một em bé sinh ra không trong nơi chốn nhà cửa, không có gì che thân gợi lên sự thương tâm cùng mức độ nghèo nàn. Nhưng cũng loan truyền đi gía trị được thể hiện nơi đời sống và sứ điệp của Chúa Giesu. Ngay từ lúc sinh ra, Chúa Giêsu không nằm trong phạm vi của giầu sang và quyền thế sức mạnh trong dân gian cho đó là quan trọng. Nhưng ngược lại sự nghèo hèn yếu kém không sức mạnh quyền thế, không quan trọng lại chính là sứ điệp về sức mạnh chính thực cho đời sống. Đó là gía trị tinh thần.

Sau khi mở mắt chào đời, hài nhi Giêsu được mẹ người quấn bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ.

Theo Thánh tử đạo Justin hồi thế kỷ thứ hai năm 165 sau Chúa Giáng sinh, và Thánh Origenes thế kỷ thứ ba năm 254 sau Chúa giáng sinh, nơi chốn sinh ra của Chúa Giêsu là một hang động cho xúc vật ở. Và dựa theo thuật lại ở chính nơi địa phương đó, đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem được xây dựng trên nền hang động đó.

3.2. Máng đựng thức ăn cho xúc vật

Thánh giáo phụ Augustino đã có suy tư về chiếc máng cỏ trong hang đá Chúa Giêsu sinh ra chất chứa hình ảnh mang sâu đậm ý nghĩa thần học.

Máng trong hang chuồng xúc vật dùng để chứa đựng thức ăn ẩm thực phẩm rơm cỏ hay hoa trái cho xúc vật ăn. Nhưng máng trong chang chuồng xúc vật nơi Chúa Giêsu sinh ra, lại là cái nôi cái giường cho trẻ thơ Giêsu nằm, Đấng đó sau này đã qủa quyết chính Ngài là bánh, là lương thực từ trời cao xuống cho con người trên trần gian. Ngài là lương thực mang lại sự sống tinh thần cho con người.

Máng chứa lương thực là hình ảnh diễn tả về bàn tiệc của Chúa mời gọi mọi người đến đón nhận tấm bánh Thánh Thể.

Khung cảnh nghèo hèn thô sơ sự sinh ra của Chúa Giêsu theo mắt con người nhìn vào, nhưng lại diễn tả sự to lớn ẩn chứa ơn cứu chuộc cho con người.

Phúc âm không nói đến những con thú vật trong hang chuồng nơi hài nhi Giêsu sinh ra. Nhưng dựa theo Kinh Thánh Cựu và Tân ước đã nói đến hai con thú vật Bò và Lừa trong hang chuồng lúc Chúa sinh ra: Con Bò biết đến chủ của nó và con Lừa biết đến máng cỏ của chủ nó. Nhưng Israel không biết đến, dân Ta chẳng hiểu biết gì. (Isaia 1,3a.)

Trên đường về đất nước Chúa hứa ho dân Israel, trên mặt Hòm Bia Giao ước của Thiên Chúa có hai tượng Cherube được đúc dựng trên đó. Hình ảnh này nói lên sự hiện diện đầy huyền bí nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cũng vậy, máng cỏ Chúa Giêsu nằm tựa giống như Hòm Bia Giao ước Thiên Chúa, ẩn chứa sự mầu nhiệm của Thiên Chúa hiện diện giữa con người, và con Bò và Lừa, chúng là đại diện cho nhân loại Dân Do Thái và mọi lương dân, cùng nói lên thời giờ nhận biết Thiên Chúa đã đến.

Trong khung cảnh nghèo hèn khiêm hạ giữa máng đựng rơm cỏ thức ăn cho xúc vật có sự hiện diện của hai con vật Bò và Lừa, Thiên Chua hài nhi Giêsu đã tiếp đón những vị học giả , mà ta quen gọi là ba Vua, từ Phương Đông tìm kiếm đến bái kiến Vua Giêsu mới sinh ra.

Nghệ thuật thánh Kitô giáo ngay đã sớm nhận ra hình ảnh này làm chủ đề khi vẽ hay làm hang đá Chúa sinh ra. Và vì thế hai con Bò và con Lừa không thể thiếu trong hang chuồng Chúa Giêsu giáng sinh.

3.3 Con đầu lòng.

Phúc âm viết : Mẹ Maria sinh con trai đầu lòng.( Lc 2,7.)

Con đầu lòng phúc âm nói ở đây không nhất thiết là người con thứ nhất theo thứ tự. Nhưng mang nội dung ý nghĩa chiều kích thần học, theo như lề luật Do Thái: „Thiên Chúa nói với Maisen: hãy cắt nghĩa cho dân rằng mọi con đầu lòng phải thánh hiến cho Ta, mọi con đầu lòng sinh ra trong dân Israel dù là người hay thú vật đều thuộc về Ta.“ (Xh 13,1). „Mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi , thì sẽ được chuộc lại.“ (Xh 13,13).

Như thế chữ đầu lòng mang ý nghĩa đặc biệt nói về sự thuộc về Thiên Chúa của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolo nói về ý nghĩa con đầu lòng Chúa Giêsu khai triển theo hai nấc bậc trong chiều hướng thần học. Trong thư gửi Giáo đoàn Roma Thánh Phaolo gọi Chúa Giêsu là „trưởng tử giữa đàn em đông đúc“ ( Rm 8,29). Khi sống lại, theo cung cách mới, Ngài là người đầu lòng, và đồng thời là khởi đầu một đoàn các anh em. Nơi sự sinh ra mới này do sự sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không chỉ theo chức vị nhân phẩm là người thứ nhất, nhưng Ngài đã khai mở một nhân loại mới. Ngài đã vượt qua bẻ gảy phá cánh cửa sự chết. Trong bí tích Rửa tội người tín hữu cùng chết với Chúa Giêsu và cùng với Ngài sống lại.

Trong thư gửi Giáo đoàn Colosseo, Thánh Phaolo đã gọi Chúa Giesu là con đầu lòng của toàn thể công trình sáng tạo, và là con đầu lòng của người sống lại từ cõi chết và trong toàn thể. (Closse 1, 15-18)

Và từ ngữ „con đầu lòng“ chứa đựng chiều kích ý nghĩa hoàn vũ. Chúa Giêsu Kito, Đấng đã trở thành người con trai trên trần gian, có thể nói được đó là ý tưởng đầu tiên của Thiên Chúa, và ý tưởng khởi đầu này có trước công trình tạo dựng, cùng là ý tưởng quy hướng về Chúa Giêsu. Ngài là khởi đầu và đích điểm của sáng tạo mới bắt đầu từ sự phục sinh sống lại của Ngài.

Chúa Giêsu là con Thiên Chúa xuống trần gian làm người như bao con người trên trần gian, như trong kinh tin kính tuyên xưng: „ Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữa Maria, và đã làm người.“.

Như thế, Ngài không phải là một nhân vật thần thoại nào. Ngài sinh ra đời có cha mẹ là đức mẹ Maria và Thánh Giuse, trên quê hương nước Do Thái, trong khung cảnh thời điểm lịch sử thời đế quốc Roma cai trị toàn dân thiên hạ.

Ngài là con Thiên Chúa xuống trần gian mang ân đức của Thiên Chúa cho con người. Nên sự sinh ra của Ngài cũng loan báo một sứ điệp cho con người trần gian. Sứ điệp đó khởi đầu với đời sống khiêm nhượng khó nghèo.

Không phải uy lực sức mạnh quyền thế, nhưng sự khiêm nhượng nghèo hèn làm cho đời sống có gía trị, như Chúa Giêsu sau này đã rao giảng: „Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó.“

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Lấy cảm hứng từ :

1. Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Freiburg i. Br. 2012., 3. Kapitel Die Geburt Jesu in Bethlehem, S. 69- 81.

2. Zu Bethlehem geboren ? Das Jesus-Buch Benedickt XVI. und die Wissenschaft, Thomas Soeding Hg. - „Gedeutete, konzentriete Geschichte“ Herder Freiburg i. Br. 2013.i, S. 104 - 109.

3. Herders theologischer Kommentar zum neuen Testamant. Heinz, Schürmann, Das Lukasevangelium 1,1- 9,50, Sonderausgabe, Fr. i. Br. 1984, S. 97- 107.
 
Tản Mạn về Giáng Sinh
LM Nguyễn Thanh Liêm
22:51 24/12/2014
Giáng Sinh là đại lễ hằng năm của Giáo Hội Công Giáo nhằm kỷ niệm sinh nhật của Chúa Jêsu, ngày 25 tháng 12, ngoại trừ Giáo Hội Công Giáo Đông Phương ở Armenia, họ kỷ niệm vào ngày 6 tháng Giêng.

Từ Giáng Sinh xuất hiện sớm nhất ước vào năm 1123, trong tiếng Anh cổ xưa viết là ‘Cristesmaesse’, hoặc ‘Christes Maesse’, và kể từ năm 1568 đổi thành từ ‘Christmas’. Christmas nghĩa là Thánh Lễ của Chúa Kitô.

Ngày sinh chính xác của Chúa không ai biết rõ. Theo sự tìm hiểu của Cha dòng Phaxicô Gilberto Cavazos-Gonzalez, ghi nhận trong cuốn Tradiciones of our Faith, chỉ biết rằng, khoảng năm 200, người Ai Cập đã bắt đầu mừng Lễ Sinh Nhật của Chúa vào ngày 20 tháng 3, trong lịch 9 tháng của họ. Lịch của người Ai Cập thời đó có 9 tháng, có lẽ vì bào thai con người ở trong bụng mẹ khoảng 9 tháng trước khi chào đời. Chúa Jêsu cũng không biệt lệ.

Theo dòng thời gian, việc mừng Chúa giáng sinh lan tràn sang các nước khác, nhưng với các thời điểm khác nhau: 6 tháng Giêng, 28 tháng Ba, 19 tháng Tư v.v..

Vào thế kỷ thứ 2, một sử gia Công Giáo Roma tên là Sextus Julius Africanus đã phỏng tính và cho rằng ngày sinh của Chúa Jêsus là ngày 25 tháng 12. Ngày này dần dà được nhiều nơi cùng áp dụng. Vào thế kỷ thứ tư, ngày này đã chính thức được chuẩn nhận bởi Đức Giáo Hoàng Julius I với ảnh hưởng không nhỏ của Thánh Gioan Kim Khẩu – John Chrysostom.

Thật ra, với sự lớn mạnh và phát triển ở nhiều nơi của Thiên Chúa Giáo, đặc biệt thế kỷ thứ tư được phép của Đại Đế Constantine cho hoạt động công khai, ngày 25 tháng 12, ngày Giáng Sinh của Chúa Jêsu được chọn để thay thế cho lễ hội mừng ngày sinh Thần Mặt Trời (Apollo) của những người ngoại giáo, và có lẽ cũng không là..tình cờ khi các đấng bản quyền thời đó đã chọn ngày đó vì chúng ta nhớ lại, Christ nghĩa là Mặt Trời Công Chính (Malachi 4.2) và cũng là Ánh Sáng của Thế Giới (Jn 8.12).

Việc cử hành đại lễ Giáng Sinh được ghi nhận đầu tiên ở Roma vào năm 335 hoặc 336, và được truyền bá sâu rộng nhất trong thế kỷ thứ 5 và thứ 6. Chữ Nativity được lấy từ tiếng Latin nativus, nghĩa là ‘arisen by birth’.

Khoảng năm 600, Thánh Gregogy Cả, đã bắt đầu bài giảng Lễ Giáng Sinh rằng, “Thiên Chúa trong sự quảng đại của ngài cho phép chúng ta dâng 3 Thánh Lễ trong ngày này”. Và tập tục tốt đẹp này khởi đầu từ Roma, từ từ lan dần sang các nước khác, nhất là tại Âu Châu. Thánh Lễ Chính Ngày (the Mass of the Day) đầu tiên được cử hành ở Vương Cung Thánh Đường Phêrô, Roma, sau là tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, là nơi được tuyên đọc Lời Tựa trong Phúc Âm Thánh Gioan, nói về việc “Ngôi Lời trở nên người phàm” Jn 1 1-18. Thánh Lễ thứ hai là Thánh Lễ Nửa Đêm (the Midnight Mass), và bài đọc là tường thuật việc “Giáng Sinh của Chúa”. Thánh Lễ cử hành tại hang đá dựng ở Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, và hang đá này được làm phỏng theo hang đá ở the Church of Nativity, Bethlehem. Thánh Lễ Thứ Ba là Thánh Lễ Rạng Đông, Mass of the Dawn, nguyên được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh nữ Anastasia vào ngày lễ kính của ngài, 25 tháng 12, sau này chuyển thành Lễ mừng Giáng Sinh, với bài phúc âm nói về “Mục tử nhân lành”.

Hai cuốn Phúc Âm của Thánh Luca và Matthêu đã tường thuật việc Chúa Jêsu giáng sinh ở Bethlehem miền Judea, bởi một trinh nữ tên là Maria.

Theo Thánh Luca chương 2 đoạn 1-21, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã từ Nazareth về nguyên quán của Thánh Giuse ở Bethlehem để kê khai tên tuổi theo chiếu chỉ kiểm tra dân số của Hoàng đế Augustô, và Chúa Jêsu đã chào đời tại đây.

Quảng đường từ Nazareth về Bethlehem ước khoảng 100 dặm. Các nhà khảo cổ và học giả Kinh Thánh ngày nay có thể giúp chúng ta tưởng tượng được cuộc hành trình gian nan mất 5 ngày của các đấng thời đó. Nên nhớ rằng, Đức Mẹ đã mang thai Chúa Jêsu hơn 9 tháng, và cũng sắp…tới ngày mãn nhụy khai hoa! Đường đi thời đó cũng không bằng phẳng, tráng nhựa như bây giờ: gập ghềnh vì qua núi, đồi và cả sa mạc. Phương tiện di chuyển: chỉ có “chú lừa nhỏ, ốm yếu” đỡ chân cho Mẹ dọc đường, như lời nữ tu Maria D’Agreda thuật lại các thị kiến và mạc khải chị nhận được từ Đức Mẹ trong cuốn Mistica Ciudad De Dios vào hậu bán thế kỷ 17.

Vào cuối ngày thứ nhất của cuộc hành trình, họ có thể đã vượt qua Biển Hồ Galilee. Vẫn theo lời nữ tu Maria d’Agreda, các đấng đã đến thị trấn Bethlehem vào lúc 4 giờ chiều của ngày cuối, ngày thứ 5 của cuộc hành trình. Chắc chắn rằng họ phải vượt qua sa mạc Judea, theo hướng tây. Sa mạc này vốn rất nguy hiểm với các dã thú như sư tử, bò cạp, rắn… và cũng là bản doanh của các tay thảo khấu chuyên sống bằng sự cướp giựt tài sản của khách bộ hành, và đôi khi họ sẵn sàng lấy mạng sống hoặc ‘xin tí huyết’ những nạn nhân nếu cần! Đã hơn 2000 năm kể từ thời đó đến bây giờ, nhưng sự nguy hiểm vẫn còn nguyên đó! Du khách ngày nay đi ngang sa mạc này, cũng được nhắc nhở: cần hết sức đề phòng các nguy hiểm…có thể xảy ra.

Chuyện sa mạc này làm chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn “người Samaritan tốt lành”, được Thánh Sử Luca, thuật lại hết sức cảm động trong chương 10, đoạn 29-37, nói về một người bị rơi vào tay kẻ cướp khi đi từ Jerusalem đến Jericho, và ông được một người “ngoại” có một tình yêu không biên giới, không quốc gia, hết lòng cưu mang, chăm sóc. Nếu chúng ta có tấm bản đồ xứ Do Thái và Judea trước mắt, chúng ta mới thấy được sự rộng lớn của sa mạc này như thế nào! Khách đi đường quả thật phải đối mặt với sự hiểm nguy bủa vây tứ phương, chẳng hạn các tuyến đường từ Bắc xuống Nam: Nazareth-Bethlehem, và từ Tây sang Đông: Jerusalem-Jericho, là những trục giao thông quan trọng thời đó.

Khi Thánh Giuse và Mẹ Maria đến gần thành phố Jerusalem, trước khi xuôi Nam một chút nữa để về nơi phải đến: Bethlehem, họ có thể đã phải đi qua những làng mạc đã bị chính quyền Roma hủy diệt hoặc đốt cháy, và họ cũng có thể thấy bên đường hay trên những ngọn đồi nhỏ, những “phạm nhân” bị đóng đinh trên thập giá vì tội chống đối chính quyền cai trị Roma thời đó. Không ngờ 33 năm sau, chính con của hai đấng, Chúa Jêsu, cũng bị đóng đinh và bị treo trên cây thập tự!!!

Theo Thánh Matthêu chương 2 đoạn 1-12, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông tìm đến Jêrusalem triều bái theo một ngôi sao dẫn đường, họ mang theo các lễ vật là Vàng, Nhủ Hương và Mộc Dược. Thánh Matthêu không nói rõ có bao nhiêu nhà chiêm tinh, ngài chỉ nói chung chung có ‘các nhà chiêm tinh’ tuy nhiên dựa vào các lễ vật dâng Chúa, người sau cho rằng có tất cả là ba nhà chiêm tinh- còn gọi là ba đạo sĩ hay ba vua. Và một trong những lý do thuyết phục nhất chứng minh chỉ có ba vị, đó là ngày nay bạn có thể đến viếng một số xuơng thánh, được cho rằng của chính Ba vị Vua đó, đã được đưa về lưu giữ trong Koelner Dom, (Cologne Cathedral) Đức quốc từ nhiều thế kỷ trước. Người có công ‘sưu tầm’ thánh tích Ba Vua ngay từ thứ kỷ thứ 4, không ai khác hơn chính là Hoàng Thái Hậu Thánh Helena. Thánh tích các vị đã được lưu giữ ở nhiều nơi khác nhau, và vào thế kỷ thứ 12 đã sang Đức và cuối cùng an nghỉ cho đến ngày nay trong Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng của Tổng Giáo Phận Koeln này - được khởi công xây cất vào năm 1248.

Matthêu cũng không cho chúng ta biết tên của các nhà chiêm tinh ấy là gì, nhưng theo truyền thuyết dân gian, họ có tên là Melchior, Caspar (hoặc Gaspar), và Balthazar, và đại diện cho Âu Châu, Ả Rập và Phi Châu. Họ đã đến Bethlehem qua sự dẫn đường của ngôi sao lạ, sau khi trải qua 12 ngày trong sa mạc bằng ngựa, lạc đà và voi. Theo Thánh John Chrysostom, họ có thể là người Babylon, Ba Tây hoặc là người Do Thái từ Yemen. Một thuyết khác theo truyền thống của dân Armenia: Melchior là người Ba Tư, Caspar người Ấn Độ, và Balthasar người Ả Rập.

Theo ý nghĩa mang tính Thần Học, các lễ vật đó có thể tượng trưng cho 3 sứ vụ của Linh Mục, và Chúa Jêsus chính là vị Linh Mục Thượng Phẩm. Vàng tượng trưng cho Vương Quyền nhắc nhớ tới dòng dõi hoàng tộc của Chúa Jêsu, Vua dân Do Thái; Nhủ Hương cho Thần Quyền, cũng nói lên Thiên Tính của Ngài, là Con Thiên Chúa, và Mộc Dược cho Tiên Tri, vốn dùng tẩm liệm thân thể người chết, cũng nhắc nhớ đến cái chết nhân tính của Ngài để tẩy rửa tội lỗi loài người chúng ta.

Phúc Âm Thánh Luca nói rằng Đức Mẹ “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2:7). Luca không cho biết chính xác nơi nào Chúa sinh ra. Vào thế kỷ thứ 2, Justin Martyr, đã cho rằng Chúa sinh ra trong một cái hang ngoài thành Bethlehem. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay tìm đến viếng thăm The Church of the Nativity ở trong thành Bethlehem, do Đại đế Constantine và mẹ ông là Hoàng Thái Hậu Thánh Nữ Helena ra lệnh xây cất vào năm 327. Nơi đây được xây cất trên chỗ được xem là nơi Chúa Jêsu sinh hạ. Vương Cung Thánh Đường này được hoàn tất vào năm 339. Ngôi thánh đường đầu tiên này bị thiêu hủy vào thế kỷ thứ sáu trong một cuộc nổi loạn của người Samaritan thời đó, và một ngôi thánh đường mới được xây lại vào năm 565 bởi Justinian, Đại Đế của Byzatine. Ngày nay, the Church of Nativity được xem là một di sản thế giới.

Máng Cỏ Giáng Sinh: Theo truyền thuyết, Thánh Phanxicô Khó Khăn (St. Francis of Assisi) là người đã có sáng kiến dựng lên máng cỏ Giáng Sinh đầu tiên vào năm 1223, sau chuyến viếng thăm Đất Thánh Jêrusalem và nơi Chúa Jêsu sinh ra. Khi về lại Ý, Ngài đã được phép của Đức Giáo Hoàng thời đó là Honorious III, để dựng lên máng cỏ Giáng Sinh với hai con vật sống là bò và lừa tại làng Grecio, Ý. Ngài cũng đã cho mời dân làng đến viếng thăm máng cỏ sống này, và đã giảng cho họ nghe về “Hài Nhi ở Bethlehem” trong đêm Giáng Sinh. Chuyện này được ghi lại trong cuốn “Cuộc đời Thánh Phanxicô thành Assisi”, tác giả là Thánh Tiến Sĩ Bonaventure, cũng thuộc dòng Phanxicô, sinh ra vào năm 1221, sau khi Thánh Phanxicô mất được 5 năm, 1226. Thánh Phanxicô dựng lại cảnh này muốn nhấn mạnh đến sự khó nghèo và thanh bần của Chúa. Đó là ý định thánh thiên của Chúa nhân từ, hầu mỗi người chúng ta, dù giàu nghèo, sang hạ… khi chạy đến với Ngài, không phải mang bất cứ một mặc cảm xuất thân gì. Thanh bần và khó nghèo cũng là những nhân đức trổi bật của Thánh Phanxicô Khó Khăn, người tôi tớ trung tín của Chúa, luôn tìm mọi dịp bắt chước sống như Chúa.

Xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân và bình an xuống trên mọi người chúng ta trong Mùa Giáng Sinh- Mùa của Tình Yêu và Ân Sủng.

LM. Nguyễn Thanh Liêm, Atlanta, sưu khảo
 
Văn Hóa
Thiên Chúa : Sự tự trào vĩ đại
Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
11:21 24/12/2014
Thiên Chúa: Sự Tự Trào Vĩ Đại

Thế giới này là sự hài hước cho người suy tư và là nỗi đau đối với người nhạy cảm.

Phải là người bản lĩnh lắm mới dám tỏ ra là mình yếu đuối, và phải thông minh lắm mới cho thấy cái ngu dốt của mình. Lẽ thường, trong đời thường của những người thường như chúng ta, ai cũng sợ người khác chê cười, chọc ghẹo, chả thế mà lúc nào cũng chăm chăm tôn chỉ “luôn luôn niềm nở nhưng không được sơ hở”. Chúng ta quá nhạy cảm nên dễ bị tổn thương. Hay nói cách khác, quá chú trọng chữ “sĩ” nên luôn hào nhoáng giả tạo theo kiểu “ngoại giao”. Mà đã ngoại giao thì “hình thức bên ngoài chỉ có tính chất minh họa chứ không phản ánh nội dung bên trong”.

Khi tổng thống Bush bị phóng viên Muntadar al-Zaidi ném giày vào mặt, ông bình tĩnh tự trào làm dịu bầu không khí: “nếu các bạn muốn biết, thì đôi giày đó cỡ số 10”. Còn khi thánh Phanxicô Assisi đang giảng thuyết và bị một người nhổ nước bọt vào mặt, thánh nhân chỉ lấy tay lau mặt và tiếp tục nói mà không nhìn vào người đã xỉ nhục mình. Nguyễn Khuyến cũng đã cười nhạt chính mình: “Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ, Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.

Đúng là nhân cách lớn.

Trong khi đó, ngày nay, khi mà nhà nhà văn hóa, khu phố văn hóa, xã phường văn hóa như xã hội của chúng ta, thì chỉ một lời nói vô tình thôi, tính mạng dễ dàng bị đe dọa. Ra đường, chỉ một cái liếc mắt gọi là “nhìn đểu” cũng có thể bị ăn dao ngay. Nếu bạn lên google và tìm kiếm từ “nhìn đểu” bạn sẽ được biết những câu chuyện rất đau lòng.

Ở một cấp độ “vi mô” hơn như trong cộng đoàn tu trì, gia đình, bạn bè, lối xóm vv... tính sĩ diện và sự cao ngao cũng là một vấn đề nổi cộm. Nghĩa là, giữa bạn bè với nhau nhưng cũng rất khó góp ý, khi ai đó có lời nói hành vi kệch cỡm quá thì cách chung mọi người cứ phải cười cầu tài; ngay cả anh em trong cộng đoàn tu trì, anh em cũng không dễ sửa lỗi nhau vì sợ họ phật lòng rồi đâm ra nói xấu mình. Các ca đoàn Công Giáo gây ấn tượng về lời ca tiếng hát thanh thoát dâng lên Trời Cao bao nhiêu, thì cũng không kém cảnh chị em mạt sát, chỉ trích nhau bấy nhiêu. Lắm lúc buồn cũng chẳng biết tỏ lộ cùng ai, bởi lẽ chẳng ai làm cho mình cười nhưng chỉ cười vào mặt mình.

Đã qua rồi cái thời hy sinh chịu đựng là một giá trị, người ta có thể thề sống chết có nhau vượt qua ngàn gian khó, bây giờ đụng chuyệt một tí là họ quyết “sống chết với nhau”. Họ đi theo học thuyết “tình yêu mãi mãi là vĩnh cửu, nhưng người yêu thì có thể thay đổi”. Trước đây các anh hùng hảo hán theo tôn chỉ “giang hồ đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em”. Ngày nay thì các bậc phu quân hay rỉ tai nhau “... chỉ sợ khi về thấy vợ đang ôm con đứng chờ”. Tại sao vậy? Vì nữ tướng đang ôm con, nhưng đó lại là ... con dao!

Cùng một sự kiện nhưng mỗi người cảm nhận khác nhau, giải quyết khác nhau. Cũng là các bất đồng tranh cãi thường tình trong đời sống vợ chồng, nhưng có đức ông chồng luôn đổ lỗi cho vợ, chê bai vợ ngu dốt hơn mình. Và vì vậy, chuyện tranh cãi chẳng bao giờ chấm dứt, rất khó để có được phút giây an bình trong cái gọi là tổ ấm yêu thương. May mắn thay, cũng còn có ông chồng đủ khôn ngoan để có thể chấp nhận mình ngu dốt và dám tự trào khi tranh cãi mà nói với vợ: “tại anh cưới được người giỏi giang hơn cái người mà em cưới”. Nghe được câu đó, bao nhiêu khẩu khí của cô nàng cũng phải dịu xuống mà mắng yêu: anh chỉ được cái nước nịnh.

Ít người đủ mạnh mẽ để tỏ ra mình là người nhỏ bé, yếu đuối. Có được một chút quyền lực là phải tỏ ra cho thiên hạ biết.

Nhìn vào hang đá Bêlem, bỏ đi các ánh sáng lập lòe, bỏ đi các quả châu, sợi kim tuyến trang trí bằng giấy, chúng ta thấy gì? Một vị vua quyền lực, dũng mãnh? Một đấng cứu nhân độ thế uy hùng? Hay một siêu nhân công lực toàn vẹn? Không, không và không. Chỉ là một em bé trong máng cỏ, hoàn toàn trần trụi, yếu ớt, mong manh.

Phải chăng đó chính là sự tự trào vĩ đại?

Cuộc sống rất hào phóng, mỗi người đón nhận quà tặng của nó bằng tấm lòng rộng lượng của mình. Trái tim bạn đủ lớn, bạn có thể ôm cả thế giới trong lòng, bạn sẽ có rất nhiều anh em bạn hữu. (Dĩ nhiên không phải là lượng bạn bè trên facebook đâu). Ngược lại, có thể bạn chẳng có gì ngoài bản thân như anh chàng Narcisus trong thần thoại Hy Lạp. Sự vĩ đại của một người hệ tại trái tim họ chứa được bao nhiêu người, chứ không phải họ tỏ ra hùng mạnh như thế nào.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Giáng Sinh 2014
 
Nỗi trầm buồn Mùa Giáng Sinh tại Matxcova
Peter Dũng
21:27 24/12/2014
Thấm thoắt đã là mùa Giáng Sinh thứ hai nơi viễn xứ. Và cũng chừng đó thời gian tôi thiếu đi lương thực cho tâm hồn mình, không còn những buổi sinh hoạt SVCG như thời sinh viên, không còn nhưng buổi tập hát ca đoàn cho giáo xứ, và cả những ngày lễ Chúa Nhật, bổn phận, niềm vui của người Ki tô hữu cũng họa
hoằn lắm mới tham gia được. Đó cũng là cái thiếu chung của những người Công Giáo chấp nhận xa quê đi mưu sinh tha phương ở xứ sở này. Ở đất nước mà tư tưởng chính trị còn nặng mùi cộng sản, cách điều hành của nhà cầm quyền còn đậm chất giang hồ, phia phít… thì việc những người nhập cư bị kì thị, phân biệt đối xử, gây khó dễ bởi chính quyền và người bản xứ như là một tiền lệ. Người Việt nói chung và người Công Giáo Việt nói riêng ở Matxcova này cũng không nằm ngoài tiền lệ đó, đi đâu cũng phải trốn tránh, chui lủi vì nếu gặp phải công an, Khuligan (người xấu), hay bọn đầu trọc… thì phiền phức, tiền mất tật mang, nên việc đi lại, tham gia lễ lại, thăm hỏi lẫn thể hiện tình liên đới của những người đồng hương, những người cùng niềm tin…cũng vì thế mà thưa thớt, nhạt dần.

Giáng Sinh nơi viễn xứ.
Chuông ngân vang từ giáo đường trên phố
Đêm vẫn buông trong trống vắng ngỡ ngàng
Bàn chân sầu cứ mãi bước lang thang
Buồn không tên mắt hướng về Quê mẹ


Giáng Sinh lại về, những người con viễn xứ trên đất Bạch Dương không còn thấy nét hớn hở trên khuôn mặt của họ nữa, người người lo âu, vì ảnh hưởng kinh tế đi xuống trên toàn thế giới, đặc biệt với Liên Bang Nga thì sự suy thoái càng nặng nề khi chính trị bất ổn, các đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây liên tiếp giáng xuống, đồng RUB trượt giá thê thảm, những người nghèo lại càng lo âu hơn vì việc làm ngày càng hiếm, vật giá đắt đỏ leo thang, đây đó có nhiều tiếng than thở của người nghèo: “Giáng sinh năm nay buồn quá,chợ búa đuội, thất nghiệp dài dài.” Vô hình chung họ trở thành Chúa Giê-su nghèo hèn nơi hang đá Bê lem năm xưa mà họ không hề biết, họ có cơ hội cảm nghiệm được sự thiếu thốn để nhận thấy thật rõ Chúa Giê-su nghèo hèn như thế nào khi sinh ra: nghèo hơn cả người nghèo nhất trong họ: không nhà cửa, không chăn ấm, không lò sưởi, không bạn bè, quạnh quẽ cô đơn giữa mùa đông giá tuyết...

Giáng sinh lại về, mặc ai có nỗi buồn vì thất nghiệp, mặc ai giàu có vì trúng áp phe, mặc ai buôn ngược bán xuôi, thì lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su cũng là ngày vui của nhân loại, ngày vui vì “bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế không đóng khung trong khung cảnh của người Ki-tô hữu nữa, nhưng tràn lan đến mọi dân tộc chủng tộc tôn giáo trên thế giới; ngày giáng sinh của Chúa Giê-su không còn trong phạm vi tôn giáo nữa, nhưng đã tỏa lan trong mọi ngõ ngách nghề nghiệp của con người, nơi xã hội, nhà máy, xí nghiệp.v.v...bởi vì lễ Giáng Sinh chính là lễ an bình cho mọi người mọi nhà trên thế gian này.

Rồi đêm Giáng Sinh đã đến, giờ này thì không còn ai biết phân biệt kinh tế xuống dốc, người này thất nghiệp, người kia trúng mánh nữa, nhưng tất cả mọi người đều mang một nét hân hoan vui cười trên khuôn mặt của họ. Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách đều dẫn đến nhà thờ, nơi đây, người ta nhìn ngắm Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong hang lừa máng cỏ năm xưa –Chúa Giê-su Hài Nhi- Ngài nằm đó trong hang lừa, những người đến chiêm ngắm thờ lạy Ngài mang nhiều tâm trạng khác nhau: người Ki-tô hữu thì chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu nơi Ngài, người không phải là Ki-tô hữu thì trầm trồ khen ngợi Ngài nằm trong hang đá dễ thương quá; người thất nghiệp nghèo khó thì cảm nghiệm được sự khó nghèo của Ngài; người đau khổ thì cầu xin cho gia đình được hạnh phúc.v.v...



Trời giá buốt tuyết mùa đông phủ bám
Giáng sinh này lại giống giáng sinh qua
Chiếc khăn quàng không đủ ấm cô đơn
Nên hơi lạnh thấm tình đời viễn xứ
.

Nó thi thoảng lại lang thang trên con đường kí ức quen thuộc để tìm kiếm những kỷ niệm còn vương. Nó lại ru mình trong những bản nhạc du dương để sưởi ấm tâm hồn đã một thời lạnh giá. Noel nó thấy cô đơn? Cô đơn không phải là cái tội mà chính nó bắt tội những cảm xúc của bản thân khi thiên hạ cứ vui vẻ, hoan hỉ còn nó gặm nhấm quá khứ, trách hờn hiện tại.Thời gian đã xoa dịu những nỗi đau, vá lành vết thương của một thời trẻ dại, của những ngây ngô đầu đời.Giáng sinh đã tràn về trên những con phố, yêu thương của Hài nhi Giê-su xuống trần đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông.Tạm biệt một năm cũ, tạm biệt những khoảng vắng nơi góc phố rêu phong, tạm biệt những giọt nước mắt, tạm biệt tháng 12 còn vương đâu đó cuộc tình dang dở đợi mùa sau viết tiếp. Cuộc sống với những trải nghiệm đã giúp nó vượt qua tất cả để đứng lên, để lạc quan, tự tin và đầy ước mơ, khát vọng.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Bình an đích thực là nguyện ước sâu thẳm nhất nơi lòng người. Đó cũng là điều người ta thường cầu chúc cho nhau. Đây cũng chính là Tin Mừng được các thiên thần ca vang loan báo trong đêm Giáng Sinh:“Vinh danh Thiên Chúa trên trời-Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16).

Người Con ấy là chính Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng đem lại sự bình an đích thực-cũng chính là ơn cứu độ- cho mọi người và mỗi người chúng ta.

Mọi cố gắng mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa hay phù phiếm, nếu chúng ta không thực tâm khao khát và đón nhận được sự bình an đích thực-món quà quý nhất mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta nơi Chúa Hài Đồng.

Làm thế nào để chúng ta có thể đón nhận món quà bình an mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng chúng ta? Hay nói khác đi, làm thế nào để chúng ta được Chúa Giêsu ngự đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta tận hưởng sự bình an của Người?

Trong một chương trình âm nhạc mừng Giáng Sinh của Paris by Night, người MC chương trình cũng nêu ra câu hỏi này, mỗi con người chúng ta đều than vãn và tự hỏi "Tại sao dưới thế vẫn không có Bình an? Chúng ta hỏi như vậy là sai, ta phải tự hỏi chúng ta đã là người Thiện Tâm chưa? Để xứng đáng được sự bình an của Chúa. Chúng ta kêu, chúng ta xin, chúng ta trách nhưng chinh trong lòng chúng ta chưa là người chính nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói một câu rất khiêm tốn “ Who am I ? Tôi là ai mà được quyền phê phán anh em” Mỗi con người Công Giáo chúng ta một đời sống gần gũi với Chúa, được học giáo lý, lắng nghe kinh thánh, nghe Cha giảng phải luôn tự hỏi lại bản thân mình đã là người Thiện tâm chưa? Bao giờ chúng ta có sự thiện tâm trong tâm hồn chúng ta mới có được sự bình an của Chúa”

Giới trẻ hiện nay dường như mắc cái bệnh gọi là “hiệu ứng phong trào” ngày lễ. Những status đầy bi quan, những trạng thái chán nản, những khẩu hiệu tuyển gấp tình yêu chơi Noel… Nếu tình yêu đôi lứa không phải là vấn đề bạn ưu tiên nhất lúc này. Nếu bạn cảm thấy chạnh lòng khi mình vẫn đơn độc, khi những người bạn vai sánh vai cùng người yêu trên phố. Bạn hãy dành sự quan tâm của mình cho những người thân yêu luôn bên cạnh bạn, những mảnh đời bé mọn nghèo hèn như chính Chúa Hài đồng hiện diện xung quanh chúng ta. Đây là lúc bạn thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương đối với họ. Ấm áp cũng từ đó mà tỏa ra. Vì tình yêu tư hữu thì không bền độ, tình yêu chỉ để thỏa mãn cho riêng bản thân mình thì không đến được bến bình an. Tình yêu phải phổ quát phải lan tỏa như Hài nhi Giê-su xuống trần tuôn tràn tình yêu thương cho nhân loại.

Đôi khi có những điều giản đơn, nhỏ nhoi thôi cũng đủ làm ta ấm lòng. Một cú phôn cho bố mẹ, gia đình, một sự sẻ chia cho những mảnh đời khó khăn, một lời cầu nguyện cho tất cả mọi người… và tất cả những gì khiến ta mỉm cười. Cái nốt trầm của cuộc sống là vậy, nốt trầm rồi sẽ từ đó điệu nhạc sẽ vút cao, niềm vui của một giáng sinh có lẽ cũng đi từ nốt trầm ấy, từ những điều giản đơn ấy.

Một mùa Giáng Sinh nữa lại về….
Đêm Thánh vô cùng!....
Giây phút tưng bừng!...
Đất với trời xe chữ đồng….

Matxcova, Noel 2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúc Mừng Giáng Sinh
Nguyễn Đức Cung
23:45 24/12/2014
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mừng ngày Chúa Giáng Sinh,

Gia đình Trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền

Kính chúc quí độc giả và gia quyến

mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng.

Năm mới 2015: Bình An, Hạnh Phúc và vạn sự như ý.

Trân trọng.