Ngày 19-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:30 19/12/2023

19. Bởi vì con cầu nguyện nên con phục tùng.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:34 19/12/2023
30. ĂN THÌ KHÔNG NÓI CHUYỆN

Hà Thừa Dụ lúc làm huyện lịnh hai huyện Châu Chí và Hàm Dương, thường thường mời các quan lại ăn cơm uống rượu.

Có một lần ăn uống với tên tiểu quan, tên tiểu quan được yêu chuộng thì kinh ngạc, đợi đến lúc thấy ông ta có chút ngà ngà bèn đem mấy chuyện cá nhân đã ôm trong lòng ra báo cáo tổng hợp, Hà Thừa Dụ nói:

- “Đây là mày muốn lừa tao sao, đáng bị đánh vài trượng !”

Đợi đánh xong, lại mời tên tiểu quan ấy đến ăn uống giống như chưa xảy ra chuyện gì.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 30:

Một kinh nghiệm cho thấy là khi cấp trên say ngà ngà thì đừng đem việc riêng không có lợi ra báo cáo, vì như thế chẳng khác gì rót thêm dầu vào rượu cho họ uống, và dù chúng ta có nói thật lòng thì họ vẫn không hiểu vì đang say nên dễ dàng bắt lỗi; đánh xong lại mời ăn giống như chưa có chuyện gì xảy ra, là chứng tỏ là cấp trên đã làm một việc không đáng làm nhưng vì say xỉn mà họ đã làm.

Say rượu là cơn điên ngắn, nhưng dù ngắn thì cũng gây ra nhiều điều đáng tiếc, đến khi tỉnh lại thì không biết mình đã làm gì.

Người Ki-tô hữu luôn tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, đó là lời dạy của Đức Chúa Giê-su. Tỉnh thức để nghe cho rõ thấy cho tường những lời phỉnh gạt và mưu mô của ma quỷ; tỉnh thức là để sáng suốt phân biệt cái gì nên nói và cái gì không nên nói khi cơn vui bất chợt đến; tỉnh thức là để sẵn sàng lắng nghe tiếng Thiên Chúa thì thầm rất nhỏ trong tâm hồn của chúng ta.

Hể được cấp trên chiếu cố mời ăn uống là cảm thấy được ưu đãi, do đó mà có rất nhiều người đem cái dở của anh em ra mà nói, đó là khuyết điểm chung của con người, nhưng người Ki-tô hữu thì luôn im lặng dù được cấp trên mời dự tiệc, nhưng nếu có nói thì nói điều tốt của anh em mà thôi, đó chính là ưu điểm của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 20/12: Tin Vui cho thế giới – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:49 19/12/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa
 
Mừng vui lên
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
05:16 19/12/2023

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM B : LC 1,26-38

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, để gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đâ là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.



“MỪNG VUI LÊN”

Trang Tin Mừng hôm nay là một trang hầu như ai nấy đều thuộc lòng, hay ít nhất nhớ những điểm chính yếu. Chúng ta sẽ năng gặp nó suốt Năm phụng vụ. Mỗi lần như thế, nếu chúng ta tỏ ra chăm chú thì nó sẽ không làm chúng ta chán ngán, vì nó chẳng bao giờ có thể tát cạn. Như một ngọn núi, nó có hai bên : một bên là mầu nhiệm Trinh thai nơi Ma-ri-a và một bên là mầu nhiệm Nhập thể giữa loài người. Cả hai mầu nhiệm tạo ra một lý do vui mừng khôn tả. Được lặp lại không mệt mỏi nơi kinh Truyền tin và mầu nhiệm thứ nhất của kinh Mân Côi, nó chỉ mong làm chúng ta luôn khiến lòng mình chờ đợi nếu muốn lời Truyền tin cho Đức Trinh Nữ lại trở thành một lời truyền tin hoàn toàn mới mẻ đối với chúng ta.

1. Mừng vui lên, hỡi Ma-ri-a !

Mở đầu cuộc gặp gỡ, sứ thần như muốn nói: “Hỡi Ma-ri-a, bà sắp hạnh phúc biết bao!”. Đã từ lâu người ta dịch lời chào này bằng công thức tôn kính cảm phục : “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà”, hoặc “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Rất hay, rất đẹp ! Nhưng các nhà chú giải, các chuyên gia tìm hiểu Tin Mừng thì cho chúng ta lại những từ mạnh hơn mà Lu-ca đã lựa chọn: “Mừng vui lên, hỡi Người được biệt đãi, Đức Chúa ở cùng bà” (x. Bản dịch Đại kết tiếng Pháp : “Toi qui a la faveur de Dieu”, và chú thích a làm rõ).

Có lẽ đây là cách dịch đúng nhất lời đầu tiên của sứ thần. Bởi lẽ cụm từ «Người được biệt đãi» nhấn mạnh đến lòng ưu ái nhưng không của Thiên Chúa hơn là đến các hiệu quả mà lòng ưu ái đó phát sinh nơi thụ tạo (diễn tả qua cụm từ “Đấng đầy ân sủng”), đến đặc ân ban cho hơn là đến sự toàn hảo phát sinh trong tâm hồn Ma-ri-a nhờ đặc ân đó. Thành ra đây không phải là một lời chào tôn kính nhằm gây chú ý đến những công trạng của Ma-ri-a (đầy ơn phước, đầy ân sủng), song là một lời kêu gọi vui tươi nhằm loan báo tấm lòng ưu ái nhân hậu của Thiên Chúa và hé cho thấy Người sắp đến viếng thăm, cuộc thăm viếng đã được các ngôn sứ loan báo từ bao thuở. Một lời như vậy chẳng có vẻ gì là một câu mở đề tầm thường hay một kiểu chào hỏi đơn sơ lịch sự. Trái lại, nó sống động lạ lùng, và hàm chứa cách phong phú những gì sẽ nói tiếp theo. Đối với người Do-thái, âm vang của lời mời gọi thân mật ấy gợi lên cả một khung trời hy vọng, một thế giới mầu nhiệm. Đức Ki-tô phải đến với thuộc nhân của Người, ở với dân Người. Kinh thánh há chẳng tiên báo sự xuất hiện của một con trẻ huyền bí mang tên “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Emmanuel : Is 7,14; x. Mt 1,23) đó sao? Đối với Ma-ri-a con người chiêm niệm, một công thức như thế mang màu sắc và âm vang của những lời loan báo về Đấng Mê-si-a Cứu rỗi. “Mừng vui lên” : niềm vui này, đó là Thiên Chúa. “Đức Chúa ở cùng bà” : thuộc Kinh thánh, Ma-ri-a bối rối vì biết những lời như thế, vốn khai mở mọi sứ mệnh vĩ đại (Ap-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, I-sai-a….), sẽ dẫn tới đâu. Lu-ca hẳn phải nghĩ đến tất cả những điều này khi ghi lại lời sứ thần, và ông muốn ta cũng nghĩ như vậy lúc liền đó cho thấy, qua thái độ của Ma-ri-a, lời sứ thần thật đáng suy nghĩ, có một ý nghĩa ẩn tàng phải khám phá.

“Bà sẽ trở thành Mẹ Đấng Mê-si-a”. Sứ thần gia tăng các kiểu nói mà nhờ tập hợp lại, đã cất khỏi Đức Ma-ri-a mọi hoài nghi : lời hứa vĩ đại nhắm đến chính bà và sẽ thực hiện nhờ bà : “Này bà sẽ sinh hạ một con trai. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Để đẩy mạc khải đi xa hơn nữa, Lu-ca đặt trên môi miệng Đức Ma-ri-a câu hỏi sẽ ném chúng ta ra trước toàn thể mầu nhiệm : “Tôi còn đồng trinh mà!” - “Vâng, thưa bà, và bà sẽ mãi đồng trinh, vì Hài nhi chí thánh sắp sinh bởi bà chính là Con Thiên Chúa. Thánh Thần, quyền năng Đấng Tối Cao, sẽ tạo nên trong bà một sự sinh sản tuyệt đối độc nhất vô nhị”. Chú tâm, nhưng không bị choáng ngợp, Ma-ri-a đi thẳng đến câu hỏi thực tế : “Làm sao có chuyện ấy được?” Lúc đó cả một đợt những thì tương lai (bà sẽ sinh hạ, bà sẽ đặt tên là Giê-su, Người sẽ nên cao cả…) thình lình đứng yên với từ hiện tại lạ lùng nhất : cái đang xảy đến trong bà do quyền năng Thần Khí là con của bà đồng thời là Con của Thiên Chúa.

Chóp đỉnh của trang Tin Mừng là đây : “Hài nhi sắp sinh ra là Con Thiên Chúa”. Tất cả những gì Lu-ca đã muốn nói với ta đều nằm ở đó. Danh xưng “Con Thiên Chúa” này (mà trong Cựu Ước thường dùng theo nghĩa rộng và áp dụng cho nhiều hạng : thiên thần, vua và dân Ít-ra-en, các ngôn sứ…) được Lu-ca coi là cốt yếu và là đích điểm của tất cả ý hướng thần học của ông. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” ấy nay mặc một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ và trổi vượt do việc thụ thai đồng trinh : được cưu mang trực tiếp do tác động của Thánh Thần chứ không do sự can thiệp của một người cha phàm trần, Đức Giê-su sẽ là Con Thiên Chúa theo một danh nghĩa đặc biệt và độc nhất. Lu-ca còn thêm một tiếng để giúp đức tin chúng ta: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Và ông cho ta nghe tiếng “vâng” bày tỏ tất cả đức tin của Ma-ri-a, tiếng vâng toàn hảo đến nỗi Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ nhận được một tiếng tương tự.

2. Mừng vui lên, hỡi Ki-tô hữu !

Nhưng cái cần nghe hơn cả chính là lời loan báo, là nỗi vui mừng, và kẻ cần nghe hơn cả chính là nhân loại : chúng ta đã được ban Đấng Mê-si-a, Đấng đến cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ và khỏi mọi khốn quẫn, khỏi tội lỗi và khỏi tử thần. Và vị Cứu Chúa nầy còn bất ngờ hơn ước vọng điên cuồng nhất.

Chính Thiên Chúa sắp sinh ra từ một phụ nữ để trở nên một con người như chúng ta ! Đến bao giờ chúng ta có được ý tưởng ấy? Ý tưởng sẽ được thánh Gio-an phát biểu rõ ràng : “Ngôi Lời, vốn là Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Vì ngay cả Cựu Ước tuy hình dung Đức Mê-si-a như Đấng được Thiên Chúa sai đến, song cũng chỉ nghĩ là con của Đa-vít, con của loài người hoàn toàn. So với các vị lập đạo khác, điểm độc đáo của Đức Giê-su là đây. Và điểm này lôi theo nhiều hậu quả.

“Thiên Chúa ở nơi chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta” : niềm vui ban cho Ma-ri-a (Mừng vui lên !) là niềm vui được ban cho chúng ta khi chúng ta hiểu rằng qua Đức Giê-su (và qua Đức Ma-ri-a), Thiên Chúa ở với chúng ta đến độ nào, Thiên Chúa là cho chúng ta đến độ nào. Dẫu bóng tối trên thế gian và trên đời chúng ta dày đặc đến đâu chăng nữa, ai cất mặt trời ấy khỏi chúng ta được? Loài người chúng ta đâu có cô đơn trên trần gian, trong cuộc chiến với khổ đau, bất hạnh, với ma quỷ, tử thần ! Những kẻ yếu thế trên cõi đời ô trọc này hãy luôn nhớ rằng có một vì Thiên Chúa bên cạnh họ, về phe với họ, chia sẻ số phận của họ, để không những an ủi họ mà còn để mạnh mẽ lên tiếng chống lại bất công, và chắc chắn Người sẽ thiết lập được một trật tự thế giới mới, vì “Người cao cả…và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Một nhịp cầu đã bắc giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thiên đàng với trần thế, giữa thời gian với vĩnh cửu.

Hôm nào Đức Giê-su trở nên mặt trời hơn đối với chúng ta, hôm đó là ngày Truyền tin cho chúng ta. Đôi lúc dữ dội, đôi lúc dịu dàng. Đâu là vị sứ thần đánh thức chúng ta? Đó có khi là một trang Tin Mừng hay một cuộc gặp gỡ huynh đệ tuyệt diệu. Hay là một đau khổ làm vỡ tung mọi hy vọng và mọi ảo tưởng. Thình lình chúng ta được kêu gọi chấp nhận những điều khó khăn và cao cả hơn. Hãy vui lên, Chúa ở cùng bạn, bạn sắp sinh đời mình và một phần của thế giới. Nếu bạn nói “xin vâng”!

Trong một khóa học về lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam, có một học viên đã hỏi diễn giả : “Tại sao các thừa sai ngoại quốc cách đây mấy thế kỷ, với vốn liếng tiếng Việt còn ít ỏi, với kiến thức về văn hóa Việt còn sơ sài, lại đã có thể rao giảng Tin Mừng cách thành công cho tổ tiên chúng ta, đặc biệt là cho quảng đại quần chúng?” Vị linh mục diễn giả đã trả lời : “Vì Tin Mừng các vị đem đến là Tin Mừng giải thoát ! Thời ấy, trong chế độ quân chủ, vua là thiên tử, ngồi trên ngai cao, nắm quyền sinh sát thần dân, coi đất nước là gia sản của mình, của dòng họ mình, mọi cái đều là ân huệ của vua. Quan lại thì phần lớn hống hách, coi dân như cỏ (“thảo dân”), dân muốn đến xin giải quyết việc gì thì phải có “hậu lễ”. Các vị thừa sai loan báo : mọi người đều là thiên tử (con Trời), anh em với nhau, vì vị Thiên Tử chính hiệu đã đến trần gian để trở thành anh em của mọi người. Và rồi, những ông quan trở lại đạo chẳng còn hống hách với dân nữa. Vì thế nhiều kẻ đã xin theo Chúa Giê-su, ngay cả trong những thời kỳ đạo bị bắt bớ."
 
Rất người và rất thánh
Lm. Minh Anh
15:44 19/12/2023

RẤT NGƯỜI VÀ RẤT THÁNH
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói!”.

Chính khách William Wilberforce nói, “Tôi đã sống quá nhiều cho uy tín chính trị; vì thế, linh hồn tôi chết đói, còm cõi và gầy gò!”. Sau một thất bại trên chính trường, ông tiết lộ, “Tôi đã quá tằn tiện với Chúa”. Và ông kết luận, “Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”.

Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”, đó là một trải nghiệm vừa cay đắng vừa ngọt ngào, một trải nghiệm ‘rất người và rất thánh!’. Vì lẽ, không có gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, kể cả thất bại. Các chi tiết của biến cố Truyền Tin hôm nay cho thấy điều đó.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!”. Nói đến “nữ tỳ” hay “tôi tớ” là nói đến một cái gì đó ‘rất người’, yếu hèn, dễ thất bại. Vậy mà, Thiên Chúa thường kêu gọi từng người với những gì yếu hèn và dễ thất bại của họ. Biến cố Truyền Tin đã xảy ra ở một nơi cụ thể; với một thiếu nữ yếu hèn cụ thể; cũng như lời hứa về ‘ái nữ tinh tuyền’ này cũng đã tiên báo cụ thể với một vị vua cụ thể. Chính Thiên Chúa đích thân hứa ban Đấng Cứu Độ với Akhát, vào một thời điểm rõ ràng - bài đọc Isaia - “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai”. Sống đức tin, sống ơn gọi, là sống mối quan hệ cá nhân cụ thể của tôi với Chúa. Và quan trọng hơn, tôi có đáp lại Ngài cách cá nhân như vậy không?

“Xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói!”. Maria, một thiếu nữ xuân thì, nhờ cởi mở với kế hoạch của Thiên Chúa, đã tạo nên một sự khác biệt cho nhân loại, mở ra kỷ nguyên cứu độ! Cũng thế, bạn và tôi được mời thưa “Vâng” với Chúa để cũng có thể tạo nên một sự khác biệt khi xây dựng một nền văn minh tình thương ‘rất thánh’ dù khá nhỏ bé, vì ai trong chúng ta cũng có thể góp phần xây dựng Vương Quốc.

Đã từ lâu, dân Chúa ngóng đợi một vị Thiên Sai, Maria cũng mong chờ Ngài; tuy nhiên, không bao giờ cô nghĩ rằng, mình có thể là mẹ của Đấng ấy! Và sẽ rất thú vị nếu có một câu hỏi tương tự, “Vậy khi nào Thiên Chúa mới phái một ai đó đến cứu thế giới hôm nay?”. Kìa, Ngài phái rồi! Trên thực tế, Ngài đã cố làm điều đó qua bạn và tôi! Mỗi chúng ta dù là ‘rất người’ vẫn có thể là một vị thánh. Với sức mạnh của ân sủng, chúng ta có thể cứu lấy thế giới. Tại sao không? Thiên Chúa đã gọi tôi, trao cho tôi một sứ mệnh. Vấn đề là tôi có nhận ra cuộc sống của tôi có thể ‘tuyệt vời’, nếu nó được sống ‘tuyệt vời’ với một tình yêu ‘rất thánh’ tràn đầy ‘tuyệt vời’ như Đức Mẹ không!

Anh Chị em,
“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa!”. Ước gì bạn và tôi có thể thưa lên như thế! Thiên Chúa ban hơi thở, sự sống và ân sủng; để với những ân phúc ấy, chúng ta hoàn tất kế hoạch ‘rất thánh’ của Ngài. Thế nhưng, đừng quên “Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”. Phải, ngang qua những thất bại, yếu hèn, Ngài thanh luyện chúng ta. Như vậy, vấn đề là mỗi người cần biết uốn mình theo ý muốn của Ngài. Không ai khác có thể thay tôi làm công việc đó. Như Maria, mỗi người hãy hoàn tất ơn gọi của mình trong khiêm tốn. Vì thế, dẫu ‘rất người’, với ơn Chúa, bạn và tôi vẫn có thể góp phần vào kế hoạch ‘rất thánh’ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, linh hồn con còm cõi, gầy gò vì con quá tằn tiện với Chúa. Dạy con “đừng tuyệt vọng”, nhưng biết đứng lên và đi tới sau mỗi lần vấp ngã!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 21/12: Nhân vật trong câu chuyện Giáng Sinh – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P
Giáo Hội Năm Châu
23:28 19/12/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Máu Thánh Gennariô lại hóa lỏng một cách kỳ diệu ở Naples
Đặng Tự Do
17:13 19/12/2023


Máu của Thánh Gennariô, quan thầy của thành phố Naples, tiếng Ý gọi là Napoli, đã hóa lỏng vào ngày Thứ Bẩy, 16 tháng 12. Phép lạ đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố trong Thánh lễ mừng bổn mạng của thành phố.

Trong thánh lễ 10 giờ sáng, phép lạ đã diễn ra vào lúc 10g35.

Trước Thánh lễ, Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Cha sở nhà thờ chính tòa, đã đến Nhà nguyện Kho báu của Thánh Gennariô, cùng với thị trưởng thành phố Luigi De Magistris.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu khô dính vào một bên của lọ máu sẽ hóa lỏng bao phủ toàn bộ tấm kính. Theo truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

10h sáng giờ địa phương, Cha Gregorio đã đưa lọ máu khô lên bàn thờ, lúc đó máu Thánh Gennariô vẫn còn khô cứng trong lọ. Vị chủ tế đã cử hành thánh lễ rồi mới cầm lọ máu lên xem. “Máu đã hóa lỏng,” ngài nói, trước tiếng reo vui của nhiều người.

Theo tài liệu của cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, thậm chí đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế, Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có các thánh lễ vào lúc 10g, và 12g30, 17g và 18g30 trong ngày 16 tháng 12; và các thánh lễ 9g sáng, 12g30, 16g30 và 18g30 vào ngày Chúa Nhật tiếp theo. Việc phép lạ diễn ra vào lúc 10g35 trong thánh lễ đầu tiên được kể là kỳ tích.

Xương và máu của Thánh Gennariô được lưu giữ như những di vật quý giá trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Napoli. Vị Giám mục của thành phố miền nam nước Ý đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới triều Hoàng Đế Điôclêtiô.

Phép lạ nổi tiếng được biết đến và chấp nhận tại địa phương, mặc dù nó vẫn chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Theo truyền thống, sự hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào của hoả diệm sơn Vesuvius gần đó vào năm 1631.

Tuy nhiên, vào ngày 23 tháng 11 vừa qua, phép lạ cũng được cho là đã bất ngờ xảy ra sau khi Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô cầm thánh tích trong chuyến viếng thăm nhà thờ chính tòa Naples. Sự kiện này đã được xác nhận trong một email gửi tới Register, đối tác tin tức chị em của CNA, từ tổng đại diện các giáo phận Chính thống Ý, Cha Vissarion Vakaros.

Cha Vakaros nói: “Chúng tôi có thể bảo đảm với tư cách là nhân chứng tận mắt về phép lạ mà bạn đã đề cập”. “Thật vậy, khi Đức Thượng Phụ của chúng tôi cầm thánh tích máu Thánh Gennariô trong tay, máu đã hóa lỏng ngay lập tức.


Source:National Catholic Register
 
Vatican cho biết các linh mục có thể chúc lành cho các cặp đồng giới mà không cần tán thành lối sống của họ
J.B. Đặng Minh An dịch
17:15 19/12/2023


Thông tấn xã National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Vatican Says Priests Can Bless Same-Sex Couples Without Condoning Their Lifestyles.” nghĩa là “Vatican cho biết các linh mục có thể chúc lành cho các cặp đồng giới mà không cần tán thành lối sống của họ.”

Phán quyết này là phán quyết mới nhất trong một loạt ào ạt các tài liệu được Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố kể từ khi Hồng Y Victor Manuel Fernández đảm nhận chức vụ tổng trưởng vào tháng 9 - có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi hơn về vấn đề này, với cả những người ủng hộ và những người chỉ trích đều coi đây là cơ hội có thể mở ra cho những thay đổi ào ạt khác trong tương lai gần.

Vatican đã ban hành hướng dẫn mới về chủ đề chúc lành cho những người bị thu hút bởi người đồng giới, nói rằng các linh mục Công Giáo có thể chúc lành cho các cặp đồng giới như một biểu hiện của sự gần gũi mục vụ mà không tán thành mối quan hệ tình dục của họ.

Phán quyết này cũng áp dụng cho những người Công Giáo tái hôn dân sự mà không nhận được giấy hủy hôn cũng như cho các cặp vợ chồng trong “các tình huống bất quy tắc” khác, nhấn mạnh rằng những lời chúc phúc như vậy không thể được ban tặng theo cách có thể gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào về bản chất của hôn nhân, mà văn kiện này khẳng định đây là “bối cảnh duy nhất mà các mối quan hệ tính dục tìm được ý nghĩa tự nhiên, thích hợp và đầy đủ nhân bản”.

“Giáo huấn của Giáo hội về điểm này vẫn vững chắc,” Bộ Giáo lý Đức tin cho biết trong tuyên bố ngày 18 tháng 12.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các phép lành chỉ có thể được ban “một cách tự phát” chứ không phải trong bối cảnh của một nghi thức phụng vụ chính thức.

Hướng dẫn này là sự can thiệp mới nhất - và có thẩm quyền nhất - của Vatican về một vấn đề đã gây ra tranh cãi trong Giáo hội hoàn vũ những năm gần đây.

Vào tháng 9 năm 2022, các giám mục của khu vực nói tiếng Flemish của Bỉ đã công bố nghi lễ chúc lành cho các cặp đồng giới trong giáo phận của các ngài. Động thái này hoàn toàn mâu thuẫn với khẳng định của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào tháng 2 năm 2021 rằng Giáo hội không có quyền chúc lành lành cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.

Tháng 3 vừa qua, Tiến trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức đã phê chuẩn một nghị quyết thiết lập phép lành phụng vụ chính thức cho các kết hợp đồng giới cũng như những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Vào tháng 8, tổng giám mục Berlin nói rằng ông sẽ không kỷ luật các linh mục ban phép lành như vậy và công bố danh sách các giáo sĩ sẵn sàng chúc lành lành cho họ.

Một nhóm Hồng Y đã viết thư cho Đức Thánh Cha vào tháng 7 yêu cầu làm rõ quan điểm của Giáo hội về chúc lành đồng tính, cùng nhiều vấn đề khác. Hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin hôm 18 Tháng Mười Hai, được xây dựng dựa trên nhiều chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong câu trả lời của ngài với các Hồng Y, được Vatican công bố vào tháng 10.

Trong tuyên bố mới của mình, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng hướng dẫn của họ sẽ ngăn cản những nỗ lực tiếp theo nhằm chính thức hóa những lời chúc phúc như vậy.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Những gì đã được nói trong tuyên bố này liên quan đến việc chúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn sự phân định thận trọng và mang tính chất hiền phụ của các thừa tác viên được phong chức về vấn đề này”. “Vì vậy, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, sẽ không có phản hồi nào thêm về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các chúc lành kiểu này.”

Nhưng phán quyết này, là phán quyết mới nhất trong một loạt tài liệu được Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố kể từ khi Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, cố vấn thần học lâu năm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đảm nhiệm chức vụ tổng trưởng vào tháng 9 – có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi hơn về vấn đề này, với cả những người ủng hộ lẫn những người chỉ trích coi đây là cơ hội có thể mở ra cho những thay đổi bổ sung trong tương lai.

Một 'sự phát triển thực sự'

Với tiêu đề “Fiducia supplicans” “Niềm tin khẩn cầu”, tài liệu 5.000 từ của Bộ Giáo Lý Đức Tin được phân loại là một “Tuyên ngôn” bởi vì, như văn bản nêu rõ, nó “ngụ ý một sự phát triển thực sự từ những gì đã được nói về các phép lành trong huấn quyền và các văn bản chính thức của Giáo hội. “

Cơ sở cho hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc ban phép lành cho các cặp đồng giới được đặt nền tảng trên một sự khác biệt rõ ràng mới lạ giữa sự hiểu biết về phụng vụ và “mục vụ-thần học” về các phép lành.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết rằng các phép lành mục vụ, trái ngược với những phép lành diễn ra theo nghi thức phụng vụ chính thức, có thể “tự phát” hơn và ít bị ràng buộc bởi “các điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức”.

“ Chính trong bối cảnh này mà người ta có thể hiểu được khả năng chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới mà không cần chính thức xác nhận tình trạng của họ hoặc thay đổi giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân theo bất kỳ cách nào”, Đức Hồng Y Fernández viết trong phần giới thiệu của văn bản..

Tuyên bố, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét và ký, đưa ra “những giải thích rõ ràng mới” về hướng dẫn năm 2021 của Bộ Giáo Lý Đức Tin về chủ đề này.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết hướng dẫn mới của họ tiếp tục với văn bản năm 2021 vì hướng dẫn trước đó chỉ áp dụng cho “các phép lành phụng vụ”, đòi hỏi “những gì được chúc lành phải phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như được thể hiện trong những lời dạy của Giáo hội”.

Bởi vì giáo huấn rõ ràng của Giáo hội rằng quan hệ tình dục chỉ “tìm được ý nghĩa tự nhiên, đúng đắn và hoàn toàn nhân bản” trong “sự kết hợp độc quyền, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ”, Bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh rằng “khi nói đến các chúc lành. Giáo hội có quyền và nghĩa vụ tránh bất kỳ nghi thức nào có thể mâu thuẫn với niềm xác tín này hoặc dẫn đến nhầm lẫn.”

Phụng vụ và Mục vụ

Nhưng Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng các phép lành không nên bị giản lược xuống chiều kích “chỉ theo quan điểm” phụng vụ.

“Thật vậy, có nguy cơ là một cử chỉ mục vụ được yêu thích và phổ biến rộng rãi sẽ phải chịu quá nhiều điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức, mà, dưới sự đòi hỏi quyền kiểm soát, có thể làm lu mờ sức mạnh vô điều kiện của tình yêu Thiên Chúa, vốn tạo nền tảng cho cử chỉ chúc lành.”

Đối với những phép lành ít chính thức hơn này, Giáo hội “phải tránh việc thực hành mục vụ của mình dựa trên tính chất cố định của một số kế hoạch giáo lý và kỷ luật”, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói.

“Vì vậy, khi người ta xin một phép lành, không nên đặt việc phân tích đạo đức toàn diện làm điều kiện tiên quyết để ban phép lành. Vì những người tìm kiếm chúc lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng mô tả các phép lành “bên ngoài khuôn khổ phụng vụ” là một phần của “lĩnh vực có tính tự phát và tự do cao hơn”, mặc dù không bắt buộc nhưng là một “nguồn tài nguyên mục vụ” có giá trị.

Trong một đoạn phản ánh về việc sử dụng các chúc lành trong Kinh thánh, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng việc thực hành này là “một thông điệp tích cực về sự an ủi, quan tâm và khích lệ. Phép lành thể hiện vòng tay thương xót của Thiên Chúa và tình mẫu tử của Giáo hội, mời gọi các tín hữu có cùng cảm xúc như Thiên Chúa đối với anh chị em mình”.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết, một người xin phép lành cho thấy rằng anh ta “cần sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và người xin phép lành từ Giáo hội sẽ nhận ra phép lành này là bí tích cứu rỗi mà Thiên Chúa ban.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố: “Những chúc lành như vậy dành cho tất cả mọi người”. “Không ai bị loại trừ khỏi họ.”

Phép lành mục vụ cho các cặp đồng giới

“ Trong tầm nhìn” của sự hiểu biết mục vụ về các phép lành, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng “có khả năng ban phép lành cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất hợp lệ và cho các cặp đồng tính”.

Sự hiểu biết này về các việc chúc lành “có thể gợi ý rằng thừa tác viên được thụ phong tham gia cầu nguyện với những người, mặc dù trong một sự kết hợp không thể so sánh được với hôn nhân, vẫn mong muốn phó thác mình cho Chúa và lòng thương xót của Ngài, cầu xin sự giúp đỡ của Ngài, và được hướng dẫn để hiểu biết hơn về kế hoạch tình yêu và sự thật của Ngài.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng các cặp vợ chồng đang tìm kiếm chúc lành từ Thiên Chúa trong bối cảnh này “không đòi hỏi sự chính đáng về địa vị của chính họ” mà thay vào đó yêu cầu rằng “tất cả những gì chân thật, tốt đẹp và có giá trị về mặt nhân bản trong cuộc sống và các mối quan hệ của họ đều phải được phong phú, chữa lành, và được nâng cao bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.”

Hướng dẫn nhận chúc lành

Tuyên bố đưa ra một số điều kiện để ban phép lành cho các cặp đồng tính và những người ở trong “những hoàn cảnh bất hợp lệ” nhằm “tránh tạo ra sự nhầm lẫn với phép lành riêng của bí tích hôn nhân”.

Thứ nhất, những phép lành này “không được mang tính nghi thức hóa” và không được thể hiện trong bất kỳ nghi thức chính thức nào bởi các cơ quan có thẩm quyền trong giáo hội.

“Thật vậy, một nghi thức hóa như vậy sẽ tạo thành một sự bần cùng hóa nghiêm trọng bởi vì nó sẽ khiến một cử chỉ có giá trị lớn trong lòng đạo đức đúng đắn bị kiểm soát quá mức, tước đi quyền tự do và tính tự phát của các thừa tác viên trong việc đồng hành mục vụ với đời sống người dân”, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rõ ràng rằng người ta không nên “cung cấp hay đề xướng một nghi lễ” cho những chúc lành như vậy.

Ngoài ra, để “tránh bất kỳ hình thức nhầm lẫn hoặc tai tiếng nào”, những lời chúc phúc này “không bao giờ được ban cùng lúc với các nghi thức của sự kết hợp dân sự, và thậm chí không liên quan đến chúng,” cũng như với bất kỳ “trang phục, cử chỉ hoặc lời nói nào phù hợp với một đám cưới.”

Thay vào đó, Bộ Giáo Lý Đức Tin hình dung rằng chúc lành của các cặp đồng giới và những người có hoàn cảnh bất hợp pháp sẽ xảy ra “một cách tự phát”, gợi ý rằng chúng có thể diễn ra trong bối cảnh “một chuyến viếng thăm một ngôi đền, một cuộc gặp gỡ với một linh mục, một lời cầu nguyện được đọc trong một nhóm, hoặc trong một cuộc hành hương.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng với những chúc lành như vậy, “không có ý định hợp pháp hóa bất cứ điều gì, nhưng thay vào đó là mở rộng cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, cầu xin Ngài giúp đỡ để sống tốt hơn, và cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để các giá trị của Tin Mừng được thể hiện được sống một cách trung thành hơn.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố: “Sự nhạy cảm mục vụ” của các thừa tác viên được thụ phong phải được hình thành để cống hiến những loại chúc lành tự phát này.


Source:National Catholic Register
 
Nguyên văn Tuyên Bố Fiducia supplicans của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc chúc lành cho các cặp bất hợp lệ và đồng tính
Vũ Văn An
19:13 19/12/2023

Như đã biết, ngày 18 tháng 12 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố điều bộ gọi là tuyên ngôn "Fiducia supplicans" (Tín thác Nài xin) về khả thể chúc lành ngoại phụng vụ và bán phụng vụ các cặp sống trong các hoàn cảnh bất hợp lệ và đồng tính. Sau đây là nguyên văn Tuyên Bố căn cứ vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến.



Chúng tôi công bố đầy đủ bằng tiếng Anh Tuyên bố do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, về các phép lành phi phụng vụ hoặc bán phụng vụ được áp dụng, chẳng hạn, đối với các cặp đồng tính luyến ái hoặc những người đã ly hôn rồi tái hôn. Đó là một tài liệu giải thích cả ý nghĩa cũng như chi tiết về việc có và không, cũng như lý do tại sao việc đó có thể hoặc không thể thực hiện được. Để thuận tiện cho việc đọc, chúng tôi cho in đậm những đoạn quan trọng của tài liệu.

* * *

Tín thác nài xin (Fiducia Applicans)



Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành

Trình bầy

Tuyên bố này xem xét một số vấn đề đã được gửi đến Bộ này trong những năm gần đây. Trong quá trình chuẩn bị tài liệu, như thông lệ của mình, Bộ đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, tiến hành một quá trình soạn thảo cẩn thận và thảo luận về văn bản trong Đại hội Phân ban Giáo lý của Bộ. Trong thời gian đó, tài liệu đã được thảo luận với Đức Thánh Cha. Cuối cùng, văn bản của Tuyên bố đã được đệ trình lên Đức Thánh Cha để ngài xét duyệt và ngài đã phê chuẩn nó bằng chữ ký của ngài.

Trong khi chủ đề của tài liệu này còn đang được nghiên cứu, câu trả lời của Đức Thánh Cha đối với các Thắc mắc[Dubia] của một số Hồng Y đã được biết đến. Câu trả lời đó cung cấp những giải thích rõ ràng và quan trọng cho suy tư này và thể hiện yếu tố quyết định đối với công việc của Bộ. Vì “Giáo triều Rôma chủ yếu là một công cụ phục vụ người kế vị Thánh Phêrô” (Tông hiến Praedicate Evangelium, II, 1), công việc của chúng tôi phải thúc đẩy, cùng với sự hiểu biết về tín lý lâu đời của Giáo hội, việc tiếp nhận giáo huấn của Đức Thánh Cha.

Giống như câu trả lời đã nói ở trên của Đức Thánh Cha đối với các Dubia của hai Hồng Y, Tuyên bố này vẫn kiên quyết dựa trên tín lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân, không cho phép bất cứ loại nghi thức phụng vụ hoặc phép lành nào tương tự như nghi thức phụng vụ có thể gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, giá trị của tài liệu này là nó mang lại một sự đóng góp chuyên biệt và sáng tạo cho ý nghĩa mục vụ của các phép lành, cho phép mở rộng và làm phong phú cách hiểu cổ điển về các phép lành, vốn được liên kết chặt chẽ với quan điểm phụng vụ. Suy tư thần học như vậy, dựa trên tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, hàm ý một sự phát triển thực sự từ những gì đã được nói về các phép lành trong Huấn quyền và các văn bản chính thức của Giáo hội. Điều này giải thích tại sao văn bản này lại mang loại hình “Tuyên ngôn”.

Chính trong bối cảnh này mà người ta có thể hiểu được khả thể chúc phúc các cặp đôi trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng tính mà không cần chính thức xác nhận tình trạng của họ hoặc thay đổi giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân theo bất cứ cách nào.

Tuyên bố này cũng nhằm mục đích tôn vinh dân Chúa trung thành, những người tôn thờ Chúa với rất nhiều cử chỉ tín thác sâu sắc vào lòng thương xót của Người và là những người, với niềm tin tưởng này, không ngừng đến để tìm kiếm phúc lành từ Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y Víctor Manuel FERNÁNDEZ
Bộ trưởng

Dẫn nhập

1. Lòng tín thác của dân Chúa nài xin nhận được hồng ân phúc lành tuôn chảy từ Trái Tim Chúa Kitô qua Giáo Hội của Người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời nhắc nhở kịp thời này: “Phúc lành lớn lao của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Người là ân phúc vĩ đại của Thiên Chúa, Con của Người. Người là một phước lành cho toàn thể nhân loại, một phước lành đã cứu rỗi tất cả chúng ta. Người là Lời Hằng Hữu, mà với Người Chúa Cha đã chúc phúc cho chúng ta ‘khi chúng ta còn là tội nhân’ (Rm 5:8), như Thánh Phaolô nói. Người là Ngôi Lời nhập thể, được hiến tế cho chúng ta trên thập giá.”(1)

2. Được khích lệ bởi một sự thật cao cả và đầy an ủi như vậy, Thánh Bộ này đã xem xét một số vấn đề có tính chất chính thức cũng như không chính thức về khả thể chúc phúc cho các cặp đồng tính và – dưới ánh sáng của cách tiếp cận mục vụ và tình cha của Đức Thánh Cha Phanxicô – về việc đưa ra những minh xác mới mẻ về Responsum ad dubium [Phúc đáp cho thắc mắc] (2) mà Bộ Giáo lý Đức tin công bố vào ngày 22 tháng 2 năm 2021.

3. Bản Phúc đáp nói trên đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau: một số hoan nghênh sự rõ ràng của văn kiện và tính nhất quán của nó với giáo huấn lâu đời của Giáo hội; những người khác không chia sẻ câu trả lời tiêu cực mà nó đưa ra cho câu hỏi hoặc không coi việc xây dựng câu trả lời của nó và các lý do được cung cấp trong Ghi chú Giải thích đính kèm là đủ rõ ràng. Để đáp lại phản ứng thứ hai với lòng bác ái huynh đệ, có vẻ như là cơ hội để lấy lại chủ đề này và đưa ra một tầm nhìn kết hợp các khía cạnh tín lý với các khía cạnh mục vụ một cách mạch lạc bởi vì “tất cả giáo huấn tôn giáo cuối cùng phải được phản ảnh trong cách sống của thầy, vốn đánh thức sự đồng tình của trái tim bằng sự gần gũi, tình yêu và sự chứng tá của nó.” (3)

I. Phép lành trong Bí tích Hôn phối

4. Câu trả lời gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho câu hỏi thứ hai trong năm câu hỏi được Hai vị Hồng Y[4] đặt ra mang lại cơ hội khám phá vấn đề này sâu hơn, đặc biệt là về những hàm ý mục vụ của nó. Cần tránh việc “điều gì đó không phải là hôn nhân lại được thừa nhận là hôn nhân.”[5] Vì vậy, những nghi thức và lời cầu nguyện có thể tạo ra sự nhầm lẫn giữa những gì cấu thành nên hôn nhân – đó là “sự kết hợp độc quyền, ổn định và bất khả tiêu giữa một người nam và một người nữ, tự nhiên cởi mở với việc sinh con cái”[6]—và những gì trái ngược với điều đó đều không được chấp nhận. Niềm tin này được đặt nền tảng trên giáo lý hôn nhân lâu đời của Công Giáo; chỉ trong bối cảnh này mà các mối quan hệ tính dục mới tìm được ý nghĩa tự nhiên, thích hợp và đầy đủ nhân bản của chúng. Tín lý của Giáo Hội về điểm này vẫn vững chắc.

5. Đây cũng là cách hiểu về hôn nhân được Tin Mừng đưa ra. Vì lý do này, khi nói đến việc ban phép lành, Giáo hội có quyền và nghĩa vụ tránh bất cứ nghi thức nào có thể mâu thuẫn với xác tín này hoặc dẫn đến nhầm lẫn. Đó cũng là ý nghĩa của Phản hồi của Bộ Giáo lý Đức tin, trong đó tuyên bố rằng Giáo hội không có quyền ban phép lành cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.

6. Cần nhấn mạnh rằng trong Nghi thức Bí tích Hôn phối, điều này không chỉ liên quan đến bất cứ phép lành nào mà còn là một cử chỉ dành riêng cho thừa tác viên thụ phong. Trong trường hợp này, phép lành do thừa tác viên thụ phong ban tặng gắn liền trực tiếp với sự kết hợp cụ thể của một người nam và một người nữ, những người thiết lập một giao ước độc quyền và bất khả tiêu bằng sự ưng thuận của họ. Sự kiện này cho phép chúng ta nêu bật nguy cơ nhầm lẫn phép lành được ban cho bất cứ sự kết hợp nào khác với Nghi thức riêng của Bí tích Hôn phối.

II. Ý nghĩa của các phước lành khác nhau

7. Câu trả lời nêu trên của Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta mở rộng và làm phong phú thêm ý nghĩa của các phép lành.

8. Phép lành là một trong những á bí tích phổ biến và phát triển nhất. Thật vậy, chúng khiến chúng ta hiểu rõ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và nhắc nhở chúng ta rằng, ngay cả khi sử dụng các tạo vật, con người được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa, yêu mến Người và trung thành phục vụ Người.[7] Vì lý do này, phước lành có như những người nhận: những con người; những đồ vật dùng trong thờ phượng và tôn sùng; hình ảnh thiêng liêng; nơi sinh sống, nơi làm việc và nơi đau khổ; thành quả của trái đất và sự lao động vất vả của con người; và tất cả các thực tại được tạo dựng đều hướng về Đấng Tạo Hóa, ca ngợi và chúc tụng Người bằng vẻ đẹp của chúng.

Ý nghĩa Phụng vụ của Nghi thức ‘Phép lành’

9. Theo quan điểm phụng vụ nghiêm ngặt, việc chúc lành đòi hỏi những gì được chúc phúc phải phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như được diễn tả trong giáo huấn của Giáo hội.

10. Thật vậy, các phép lành được cử hành nhờ đức tin và nhằm ca ngợi Thiên Chúa cũng như mang lại lợi ích thiêng liêng cho dân Người. Như Sách Các Phép Lành giải thích, “để ý định này có thể trở nên rõ ràng hơn, theo truyền thống cổ xưa, các công thức phép lành chủ yếu nhằm tôn vinh Thiên Chúa vì các hồng ân của Người, cầu xin ân huệ của Người và hạn chế quyền lực của sự dữ trong thế giới.”[8]Vì vậy, những ai cầu xin phúc lành của Thiên Chúa thông qua Giáo hội được mời gọi “củng cố tâm hướng của mình nhờ đức tin, vì đức tin làm được mọi sự” và tin tưởng vào “tình yêu thôi thúc việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa”. [9] Đây là lý do tại sao, trong khi “luôn luôn có cơ hội để ca ngợi Thiên Chúa qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần”, thì cũng cần phải quan tâm đến việc làm như vậy với “những sự việc, địa điểm hoặc hoàn cảnh không trái với luật pháp hoặc tinh thần Tin Mừng.”[10] Đây là cách hiểu phụng vụ về các phép lành trong chừng mực chúng là những nghi thức được Giáo hội chính thức đề xuất.

11. Dựa trên những cân nhắc này, Ghi chú Giải thích của Bộ Giáo lý Đức tin cho Bản Phản hồi năm 2021 của Bộ nhắc nhở rằng khi một phép lành được khẩn cầu trên một số mối quan hệ con người bằng một nghi thức phụng vụ đặc biệt, điều cần thiết là những gì được làm phép phải phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa được viết trong sự sáng tạo và được mặc khải đầy đủ bởi Chúa Kitô. Vì lý do này, vì Giáo hội luôn coi những quan hệ tình dục diễn ra trong hôn nhân là hợp pháp về mặt luân lý, nên Giáo hội không có quyền ban phép lành phụng vụ khi điều đó, một cách nào đó, mang lại một hình thức hợp pháp về mặt đạo đức cho sự kết hợp được cho là đã kết hôn hoặc cho việc thực hành tình dục ngoài hôn nhân. Đức Thánh Cha nhắc lại nội dung của Tuyên bố này trong Câu trả lời của ngài cho thắc mắc của hai Hồng Y.

12. Người ta cũng phải tránh nguy cơ giản lược ý nghĩa của các phép lành vào quan điểm này mà thôi, vì nó sẽ khiến chúng ta mong đợi cùng những điều kiện luân lý cho một phép lành đơn giản được đòi hỏi khi lãnh nhận các bí tích. Rủi ro như vậy đòi hỏi chúng ta phải mở rộng quan điểm này hơn nữa. Thật vậy, có nguy cơ là một cử chỉ mục vụ được yêu thích và phổ biến rộng rãi như thế sẽ phải chịu quá nhiều điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức, mà, dưới sự đòi hỏi của quyền kiểm soát, có thể làm lu mờ quyền năng vô điều kiện của tình yêu Thiên Chúa vốn là nền tảng cho cử chỉ chúc lành.

13. Chính về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục chúng ta đừng “đánh mất lòng bác ái mục vụ, vốn thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta” và tránh trở thành “những thẩm phán chỉ phủ nhận, bác bỏ và loại trừ”. (11) Như thế, chúng ta hãy đáp ứng đề nghị của Đức Thánh Cha bằng cách khai triển cách hiểu biết rộng rãi hơn về việc ban phép lành.

Những việc ban phép lành trong Kinh Thánh

14. Để suy gẫm về các phước lành bằng cách thu thập các quan điểm khác nhau, trước tiên chúng ta cần được soi sáng bởi tiếng nói của Kinh thánh.

15. “Xin Chúa ban phước lành và gìn giữ anh chị em. Cầu xin Chúa chiếu sáng mặt Người trên anh chị em và tỏ lòng nhân từ đối với anh chị em. Xin Chúa đoái nhìn đến anh chị em và ban bình an cho anh chị em” (Ds 6:24-26). “Phước lành linh mục” mà chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước, đặc biệt là trong Sách Dân Số, có tính chất “đi xuống” vì nó tượng trưng cho lời cầu xin một phúc lành từ Thiên Chúa ban xuống cho con người: đó là một trong những bản văn cổ xưa nhất về phép lành của Thiên Chúa. Sau đó, có loại phước lành thứ hai mà chúng ta tìm thấy trong các trang Kinh Thánh: đó là phước lành “đi lên” từ đất lên trời, hướng về Thiên Chúa. Phép lành theo nghĩa này có nghĩa là ca ngợi, tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa vì lòng thương xót và sự thành tín của Người, vì những kỳ công Người đã tạo ra, và vì tất cả những gì đã xảy ra theo ý muốn của Người: “linh hồn tôi ơi, và tất cả những gì ở trong tôi, hãy chúc tụng Chúa, hãy chúc tụng thánh danh Người!” (Tv 103:1).

16. Đối với Thiên Chúa là Đấng chúc lành, chúng ta cũng đáp lại bằng lời chúc tụng. Menkixêđê, Vua xứ Salem, chúc phước cho Áp-ram (x. Sáng thế 14:19); Rêbêca được các thành viên trong gia đình chúc phúc ngay trước khi nàng trở thành cô dâu của Ixaác (x. St 24:60), ông này lần lượt chúc phúc cho con trai mình là Giacóp (x. St 27:27). Giacóp chúc lành cho Pharaô (x. St 47:10), các cháu trai của ông, Épraim và Mơnaxe (x. St 48:20), và 12 người con trai của ông (x. St 49:28). Môsê và Aaron chúc lành cho cộng đồng (x. Xh 39:43; Lv 9:22). Những người chủ gia đình chúc phúc cho con cái trong đám cưới, trước khi lên đường và trước cái chết sắp xảy ra. Theo đó, những phước lành này dường như là một ơn phúc dồi dào và vô điều kiện.

17. Lời chúc phúc trong Tân Ước, trong yếu tính, vẫn giữ nguyên ý nghĩa như trong Cựu Ước. Chúng ta tìm thấy ơn phúc thiêng liêng “đi xuống”, lời tạ ơn của con người “đi lên” và phúc lành do con người truyền đạt “mở rộng” đến người khác. Ông Dacaria, sau khi đã lấy lại được khả năng sử dụng lời nói, đã chúc tụng Chúa vì những việc kỳ diệu của Người (x. Lc 1:64). Simeon, khi ôm Chúa Giêsu sơ sinh trong tay, chúc tụng Thiên Chúa vì đã ban cho ông ơn được chiêm ngưỡng Đấng Mêxia cứu độ, và sau đó chúc phúc cho cha mẹ của trẻ là Đức Maria và Thánh Giuse (x. Lc 2:34). Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha trong bài thánh ca nổi tiếng ca ngợi và hân hoan mà Người ngỏ cùng Người: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con chúc tụng Cha” (Mt 11:25).

18. Tiếp nối Cựu Ước, nơi Chúa Giêsu phép lành không chỉ đi lên, hướng về Chúa Cha, mà còn đi xuống, đổ xuống người khác như một cử chỉ ân sủng, bảo vệ và tốt lành. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện và cổ vũ việc thực hành này. Chẳng hạn, Người chúc phúc cho trẻ em: “Người ôm chúng vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10:16). Và cuộc hành trình trần thế của Chúa Giêsu sẽ kết thúc chính bằng phép lành cuối cùng dành cho Nhóm Mười Một, ngay trước khi Người lên cùng Chúa Cha: “Và Người giơ tay chúc lành cho họ. Khi đang chúc lành cho các ông, Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24:50-51). Hình ảnh cuối cùng của Chúa Giêsu trên trái đất là hình ảnh đôi tay giơ lên làm phép lành.

19. Trong mầu nhiệm tình yêu của mình, qua Chúa Kitô, Thiên Chúa truyền ban cho Giáo hội quyền năng chúc lành. Được Thiên Chúa ban cho con người và được họ ban cho những người lân cận, phúc lành được biến đổi thành sự hòa nhập, liên đới và kiến tạo hòa bình. Nó là một thông điệp tích cực về sự an ủi, chăm sóc và khuyến khích. Phép lành diễn tả vòng tay thương xót của Thiên Chúa và tình mẫu tử của Giáo hội, mời gọi các tín hữu có cùng cảm xúc như Thiên Chúa đối với anh chị em mình.

Một sự hiểu biết thần học-mục vụ về các phước lành

20. Người xin phép lành chứng tỏ mình cần sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và người xin phép lành từ Giáo hội nhìn nhận Giáo Hội như một bí tích cứu độ do Thiên Chúa ban. Tìm kiếm phúc lành trong Giáo Hội là thừa nhận rằng sự sống của Giáo Hội xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa và giúp chúng ta tiến về phía trước, sống tốt hơn và đáp lại ý muốn của Chúa.

21. Để giúp chúng ta hiểu giá trị của một cách tiếp cận mang tính mục vụ hơn đối với các phép lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng, với thái độ đức tin và lòng thương xót của người cha, sự thật rằng “khi một người xin một phép lành, người ta đang bày tỏ một lời cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa, lời cầu xin để sống tốt hơn và niềm tin vào một Người Cha có thể giúp chúng ta sống tốt hơn.”[12] Lời cầu xin này, trong mọi cách, phải được quý trọng, đồng hành và đón nhận với lòng biết ơn. Những người đến xin phép lành một cách tự phát, qua việc yêu cầu này, bày tỏ sự cởi mở chân thành của họ đối với tính siêu việt, niềm tự tin của trái tim họ rằng họ không chỉ tin vào sức mạnh của chính họ mà thôi, nhu cầu của họ cần Thiên Chúa và mong muốn thoát ra khỏi những giới hạn chật hẹp của thế giới này, bị bao bọc trong những giới hạn của nó.

22. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy chúng ta, niềm tin tưởng này “là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến Tình Yêu ban phát mọi sự. Với sự tin tưởng, nguồn ân sủng chẩy tràn vào cuộc sống của chúng ta […]. Vì vậy, điều phù hợp nhất là chúng ta nên đặt niềm tin tưởng chân thành không phải vào bản thân mà vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện […]. Tội lỗi của thế gian thì lớn lao nhưng không phải là vô hạn, trong khi tình yêu thương xót của Đấng Cứu Chuộc quả thực là vô hạn.”[13]

23. Khi được xem xét bên ngoài khuôn khổ phụng vụ, những cách thể hiện đức tin này được tìm thấy trong một lĩnh vực mang tính tự phát và tự do hơn. Tuy nhiên, “không bao giờ được coi tính chất tùy chọn của các việc thực hành đạo đức có nghĩa là đánh giá thấp hoặc thậm chí thiếu tôn trọng đối với các thực hành như vậy. Con đường phía trước trong lĩnh vực này đòi hỏi một sự đánh giá đúng đắn và khôn ngoan về sự phong phú của lòng đạo đức bình dân, [và] tính tiềm năng của những sự phong phú đó.”[14] Bằng cách này, các phúc lành trở thành một nguồn tài nguyên mục vụ cần được quý trọng hơn là một rủi ro hoặc một vấn đề.

24. Từ quan điểm chăm sóc mục vụ, các phép lành phải được đánh giá như những hành vi sùng kính “nằm ngoài việc cử hành Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác”. Thật vậy, “ngôn ngữ, nhịp điệu, đường lối và sự nhấn mạnh thần học” của lòng đạo đức bình dân khác “với những ngôn ngữ của hành động phụng vụ tương ứng”. Vì lý do này, “các thực hành đạo đức phải bảo tồn phong cách, sự đơn giản và ngôn ngữ phù hợp của chúng, [và] luôn luôn phải tránh những nỗ lực áp đặt các hình thức ‘cử hành phụng vụ’ lên chúng.”[15]

25. Hơn nữa, Giáo hội phải tránh đặt thực hành mục vụ của mình vào bản chất cố định của một số kế hoạch giáo lý hoặc kỷ luật, đặc biệt khi chúng dẫn đến “một chủ nghĩa tinh hoa tự yêu mình thái quá [narcissistic] và độc đoán, theo đó thay vì truyền giáo, người ta phân tích và phân loại người khác, và thay vì mở cửa cho ân sủng, người ta dốc hết sức lực vào việc kiểm tra và chứng thực.”[16]Vì vậy, khi người ta xin một phép lành, không nên đặt một phân tích luân lý thấu đáo làm điều kiện tiên quyết để ban phép lành. Bởi vì, những người tìm kiếm phước lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó.

26. Theo quan điểm này, Câu trả lời của Đức Thánh Cha hỗ trợ việc mở rộng tuyên bố năm 2021 của Bộ Giáo lý Đức tin từ quan điểm mục vụ. Vì, Câu trả lời mời gọi sự phân định liên quan đến khả năng thực hiện “các hình thức chúc phúc, do một hoặc nhiều người yêu cầu, không truyền đạt một quan niệm sai lầm về hôn nhân”[17] và, trong những tình huống không thể chấp nhận được về mặt đạo đức xét theo quan điểm khách quan, giải thích sự thật rằng “bác ái mục vụ đòi hỏi chúng ta không được đối xử đơn giản như 'tội nhân' những người mà tội lỗi hoặc trách nhiệm của họ có thể được giảm nhẹ bởi nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến khả năng bị quy kết chủ quan.”[18]

27. Trong bài giáo lý được trích dẫn ở phần đầu của Tuyên bố này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất một mô tả về loại phúc lành được ban cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Thật đáng để đọc những lời này với tấm lòng rộng mở, vì chúng giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa mục vụ của những ơn lành được ban vô điều kiện: “Chính Thiên Chúa chúc lành. Trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, những lời chúc phúc liên tục được lặp lại. Chúa ban phước lành, nhưng con người cũng ban phước lành, và chẳng bao lâu sau, hóa ra phước lành sở hữu một sức mạnh đặc biệt, đồng hành cùng những ai nhận được nó trong suốt cuộc đời, và khiến tâm hồn con người được Chúa thay đổi. […] Vì vậy, đối với Chúa, chúng ta quan trọng hơn mọi tội lỗi chúng ta có thể phạm vì Người là cha, là mẹ, là tình yêu trong sáng, Người đã chúc phúc cho chúng ta mãi mãi. Và Người sẽ không bao giờ ngừng ban phước cho chúng ta. Thật là một trải nghiệm mạnh mẽ khi đọc những đoạn Kinh Thánh về phước lành này trong nhà tù hoặc trong một nhóm phục hồi. Để làm cho những người đó cảm thấy rằng họ vẫn được chúc phúc, bất chấp những lỗi lầm nghiêm trọng của họ, rằng Cha trên trời của họ vẫn tiếp tục muốn điều tốt cho họ và hy vọng rằng cuối cùng họ sẽ mở lòng đón nhận điều tốt lành. Ngay cả khi những người thân nhất của họ có bỏ rơi họ, vì giờ đây họ đánh giá họ là những kẻ không thể cứu chuộc được, thì Thiên Chúa vẫn luôn coi họ như con cái của Người.”[19]

28. Có nhiều trường hợp người ta tự phát xin phép lành, dù khi hành hương, tại các đền thánh, hay thậm chí trên đường phố khi họ gặp một linh mục. Thí dụ, chúng ta có thể tham khảo Sách Các Phép Lành, trong đó cung cấp một số nghi thức chúc lành cho người khác, bao gồm người già, người bệnh, những người tham gia buổi giáo lý hoặc cầu nguyện, những người hành hương, những người bắt đầu hành trình, các nhóm và hiệp hội tình nguyện, v.v... Những phước lành như vậy là dành cho tất cả mọi người; không ai bị loại trừ khỏi chúng. Chẳng hạn, trong phần Dẫn nhập của Nghi thức Ban Phép Lành cho Người Cao Tuổi, có nói rằng mục đích của việc ban phép lành này là “để chính những người cao tuổi có thể nhận được từ anh chị em họ một chứng tá về lòng tôn trọng và lòng biết ơn, đồng thời cùng với họ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ân huệ họ đã nhận được từ Người và vì điều tốt họ đã làm với sự giúp đỡ của Người.”[20] Trong trường hợp này, chủ đề của phép lành là người cao tuổi, mà vì họ và cho họ lời tạ ơn đã được dâng lên Chúa vì điều tốt lành Người đã làm và vì những ơn ích nhận được. Không ai có thể bị ngăn cản khỏi hành động tạ ơn này, và mỗi người - ngay cả khi họ sống trong những hoàn cảnh không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa - đều sở hữu những yếu tố tích cực mà vì đó chúng ta có thể ca ngợi Chúa.

29. Từ viễn ảnh chiều kích đi lên, khi một người nhận thức được các hồng ân và tình yêu vô điều kiện của Chúa, ngay cả trong những tình huống tội lỗi - đặc biệt khi lời cầu nguyện được lắng nghe - thì tâm hồn người tín hữu dâng lời ca ngợi Thiên Chúa và chúc tụng Người. Không ai bị loại trừ khỏi loại chúc tụng này. Mỗi người, cá nhân hoặc cùng với những người khác, đều có thể dâng lời ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa.

30. Tuy nhiên, sự hiểu biết phổ biến về phước lành cũng coi trọng tầm quan trọng của phước lành đi xuống. Mặc dù “không thích hợp để một Giáo phận, một Hội đồng Giám mục hoặc bất cứ cơ cấu giáo hội nào khác liên tục và chính thức thiết lập các thủ tục hoặc nghi lễ cho mọi loại vấn đề,”[21]sự thận trọng và khôn ngoan mục vụ – tránh mọi hình thức tai tiếng và nhầm lẫn nghiêm trọng nơi các tín hữu - có thể gợi ý rằng thừa tác viên thụ phong tham gia cầu nguyện với những người, mặc dù trong một sự kết hợp không thể so sánh với một cuộc hôn nhân, muốn phó thác mình cho Chúa và lòng thương xót của Người, để cầu xin sự giúp đỡ của Người, và được hướng dẫn để hiểu biết hơn về kế hoạch yêu thương và chân lý của Người.

III. Phước lành của các cặp đôi trong hoàn cảnh bất thường và các cặp đôi đồng tính

31. Trong phạm vi được phác họa ở đây, xuất hiện khả thể ban phép lành cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh trái luật và cho các cặp đồng tính, hình thức mà các thẩm quyền giáo hội không nên ấn định về mặt nghi thức để tránh tạo ra sự nhầm lẫn với phép lành riêng của Bí tích Hôn phối. Trong những trường hợp như vậy, một phép lành có thể được ban không chỉ có giá trị đi lên mà còn bao gồm việc cầu xin một phép lành từ Thiên Chúa ban xuống cho những người – nhận ra mình là người cơ cực và cần sự giúp đỡ của Người – không đòi hỏi sự hợp pháp của tình trạng riêng của họ, nhưng họ cầu xin rằng tất cả những gì chân thật, tốt lành và có giá trị nhân bản trong cuộc sống và các mối quan hệ của họ sẽ được phong phú, chữa lành và nâng cao nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Những hình thức chúc phúc này bày tỏ lời cầu xin Thiên Chúa ban cho những trợ giúp xuất phát từ sự thúc đẩy của Thánh Thần Người - điều mà thần học cổ điển gọi là "ơn hiện sủng" - để các mối quan hệ giữa con người có thể trưởng thành và phát triển trong sự trung thành với Tin Mừng, để họ có thể được giải thoát khỏi sự bất toàn và yếu đuối của mình, và để họ có thể tự phát biểu mình trong chiều kích ngày càng gia tăng của tình yêu Thiên Chúa.

32. Thật vậy, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của những người không cho mình là công chính nhưng khiêm tốn nhìn nhận mình là tội nhân, như mọi người khác. Ân sủng này có thể định hướng mọi sự theo những kế hoạch huyền nhiệm và khó lường của Thiên Chúa. Vì vậy, với sự khôn ngoan không mệt mỏi và sự quan tâm từ mẫu, Giáo hội chào đón tất cả những ai đến gần Thiên Chúa với tấm lòng khiêm nhường, đồng hành với họ bằng những trợ giúp thiêng liêng giúp mọi người hiểu và nhận ra trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.[22]

33. Đây là một phúc lành, mặc dù không được bao gồm trong bất cứ nghi thức phụng vụ nào, [23] kết hợp lời cầu nguyện chuyển cầu với lời cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa bởi những người khiêm nhường hướng về Người. Thiên Chúa không bao giờ từ chối bất cứ ai đến gần Người! Cuối cùng, một phước lành cung ứng cho mọi người một phương tiện để tăng cường niềm tín thác vào Thiên Chúa. Do đó, lời cầu xin phép lành nói lên và nuôi dưỡng sự cởi mở đối với sự siêu việt, lòng thương xót và sự gần gũi với Thiên Chúa trong hàng ngàn hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, vốn không phải là chuyện nhỏ trong thế giới chúng ta đang sống. Đó là hạt giống của Chúa Thánh Thần cần được nuôi dưỡng chứ không được cản trở.

34. Chính phụng vụ của Giáo hội mời gọi chúng ta chấp nhận thái độ tín thác này, ngay cả khi chúng ta đang phạm tội, thiếu công trạng, yếu đuối và bối rối, như lời Nguyện nhập lễ tuyệt đẹp từ Sách lễ Rôma: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng sống, Đấng trong lòng nhân hậu dồi dào của Chúa, vượt quá công nghiệp và ước muốn của những người cầu xin Chúa, xin đổ lòng thương xót của Chúa xuống chúng con để tha thứ những gì lương tâm sợ hãi và ban những lời cầu nguyện không dám cầu xin” (lời nguyện nhập lễ cho Chúa nhật 27 Thường niên). Biết bao lần, qua phép lành đơn giản của một mục tử, không đòi hỏi phải phê chuẩn hay hợp pháp hóa bất cứ điều gì, người ta có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa Cha, vượt trên mọi “công lao” và “mong muốn”?

35. Vì vậy, sự nhạy cảm mục vụ của các thừa tác viên thụ phong cũng phải được hình thành để thực hiện các phép lành một cách tự phát, những điều không tìm thấy trong Sách Các Phép Lành0.

36. Theo nghĩa này, điều cần thiết là phải nắm bắt được mối quan tâm của Đức Thánh Cha rằng những phép lành không theo nghi thức này không bao giờ ngừng là những cử chỉ đơn giản mang lại một phương tiện hữu hiệu để tăng cường lòng tin cậy vào Thiên Chúa nơi những người xin chúng, cẩn thận để họ không nên trở thành một nghi thức phụng vụ hoặc bán phụng vụ, tương tự như một bí tích. Thật vậy, một việc biến thành nghi thức như vậy sẽ tạo nên một sự bần cùng hóa nghiêm trọng bởi vì nó sẽ khiến một cử chỉ có giá trị lớn trong lòng đạo đức bình dân bị kiểm soát quá mức, tước đi sự tự do và tính tự phát của các thừa tác viên trong việc đồng hành mục vụ với đời sống người dân.

37. Về vấn đề này, chúng ta nhớ đến những lời sau đây của Đức Thánh Cha, đã được trích dẫn một phần: “Những quyết định có thể là một phần của sự thận trọng mục vụ trong một số hoàn cảnh nhất định không nhất thiết phải trở thành một quy tắc. Điều đó có nghĩa là, sẽ không thích hợp nếu một Giáo phận, Hội đồng Giám mục hoặc bất cứ cơ cấu giáo hội nào khác liên tục và chính thức thiết lập các thủ tục hoặc nghi thức cho mọi loại vấn đề […]. Giáo luật không nên và không thể bao trùm mọi thứ, các Hội đồng Giám mục cũng không nên tuyên bố làm như vậy với các văn kiện và nghi thức khác nhau của họ, vì đời sống của Giáo hội chảy qua nhiều kênh bên cạnh những kênh quy phạm.”[24] Do đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại rằng “ những gì là một phần của việc phân định thực tế trong những hoàn cảnh cụ thể không thể được nâng lên mức độ của một quy tắc” bởi vì điều này “sẽ dẫn đến một lối giải nghi [casuistry] không thể chấp nhận được.”[25]

38. Vì lý do này, người ta không nên cung cấp hay cổ vũ một nghi thức chúc phúc cho các cặp trong tình trạng trái luật. Đồng thời, người ta không nên ngăn cản hoặc ngăn cấm sự gần gũi của Giáo hội với mọi người trong mọi hoàn cảnh mà họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Thiên Chúa qua một phép lành đơn giản. Trong lời cầu nguyện ngắn trước phép lành tự phát này, thừa tác viên thụ phong có thể cầu xin cho các cá nhân được bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và tương trợ – nhưng cũng cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Chúa để họ có thể hoàn thành trọn vẹn ý muốn của Ngài.

39. Trong bất cứ trường hợp nào, chính để tránh bất cứ hình thức nhầm lẫn hoặc tai tiếng nào, khi lời cầu nguyện được một cặp yêu cầu trong một tình huống trái luật, cho dù nó được diễn tả ngoài các nghi thức do các sách phụng vụ quy định, thì việc chúc lành này không bao giờ được ban phát đồng thời với các nghi lễ của sự kết hợp dân sự, và thậm chí không liên quan đến chúng. Nó cũng không thể được thực hiện với bất cứ trang phục, cử chỉ hoặc lời nói nào phù hợp với một đám cưới. Điều tương tự cũng được áp dụng khi một cặp đồng tính yêu cầu lời chúc phúc.

40. Thay vào đó, một lời chúc phúc như vậy có thể tìm thấy trong những bối cảnh khác, chẳng hạn như một chuyến viếng thăm đền thánh, một cuộc gặp gỡ với một linh mục, một lời cầu nguyện được đọc trong một nhóm, hoặc trong một cuộc hành hương. Thật vậy, qua những phép lành được ban không phải qua những hình thức nghi thức đặc trưng của phụng vụ mà như một cách diễn tả tấm lòng mẫu tử của Giáo hội - tương tự như những phép lành xuất phát từ cốt lõi của lòng đạo đức bình dân - không có ý định hợp pháp hóa bất cứ điều gì, mà đúng hơn để mở cuộc đời người ta cho Thiên Chúa, xin Người giúp đỡ để họ sống tốt hơn, và cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để các giá trị Tin Mừng được sống một cách trung thành hơn.

41. Những gì đã được nói trong Tuyên ngôn này về phúc lành cho các cặp đồng tính cũng đủ để hướng dẫn sự phân định khôn ngoan và mang tính cha con của các thừa tác viên được thụ phong về vấn đề này. Do đó, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, không nên mong đợi thêm câu trả lời nào về những cách khả hữu để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các phước lành thuộc loại này.[26]

IV. Giáo Hội là Bí Tích Tình Yêu Vô Biên của Thiên Chúa

42. Giáo hội tiếp tục cất lên những lời cầu nguyện và nài xin mà chính Chúa Kitô – bằng những tiếng kêu lớn và nước mắt – đã dâng lên trong cuộc sống trần thế của Người (x. Dt 5:7), và những lời cầu nguyện này có hiệu quả đặc biệt vì lý do này. Bằng cách này, “không chỉ bằng bác ái, gương sáng và việc làm sám hối, mà còn bằng lời cầu nguyện, cộng đồng giáo hội thực hiện chức năng mẫu tử đích thực trong việc đưa các linh hồn đến với Chúa Kitô.”[27]

43. Như vậy, Giáo hội là bí tích của tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Vì vậy, ngay cả khi mối quan hệ của một người với Thiên Chúa bị tội lỗi che mờ, người ấy luôn có thể cầu xin phúc lành, đưa tay ra cho Thiên Chúa, như Phêrô đã làm trong cơn bão khi ông kêu lên Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin cứu con!” (Mt 14:30). Thật vậy, việc mong muốn và nhận được một phúc lành có thể là điều tốt trong một số trường hợp. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “một bước nhỏ, giữa những giới hạn to lớn của con người, có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài có vẻ ngăn nắp nhưng vẫn di chuyển qua ngày mà không gặp phải những khó khăn lớn lao.”[28]Theo cách này, “điều tỏa sáng là vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết.”[29]

44. Bất cứ phúc lành nào cũng sẽ là cơ hội để đổi mới việc loan báo kerygma [giáo lý sơ truyền], một lời mời gọi đến gần hơn bao giờ hết với tình yêu của Chúa Kitô. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã dạy: “Giống như Đức Maria, Giáo hội là trung gian ban phúc lành của Thiên Chúa cho thế giới: Giáo hội nhận được phúc lành đó khi đón nhận Chúa Giêsu và thông truyền nó khi mang Chúa Giêsu. Người là lòng thương xót và sự bình an mà thế giới tự nó không thể ban tặng được, và là điều nó luôn luôn cần, ít nhất như bánh mì.”[30]

46. Cân nhắc những điểm trên và tuân theo giáo huấn có thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bộ này cuối cùng mong muốn nhắc lại rằng “gốc rễ của tính hiền lành Kitô giáo” là “khả năng cảm thấy được ban phước và khả năng ban phước […]. Thế giới này cần phước lành, và chúng ta có thể ban phước và nhận phước lành. Chúa Cha yêu thương chúng ta, và điều duy nhất còn lại đối với chúng ta là niềm vui chúc tụng Người, niềm vui được tạ ơn Người và học hỏi từ Người […] chúc phúc.”[31] Bằng cách này, mọi anh em và mọi chị em sẽ có thể cảm nhận được rằng, trong Giáo hội, họ luôn là những người hành hương, luôn là những kẻ ăn xin, luôn được yêu thương, và, bất chấp mọi sự, luôn được chúc phúc.

Hồng Y Víctor Manuel. FERNÁNDEZ
Bộ trưởng

Đức Cha Armando MATTEO
Thư ký Ban Giáo lý

Trong cuộc Yết kiến Ngày 18 tháng 12 năm 2023

Phanxicô

Ghi chú:

[1] Đức Phanxicô, Giáo lý về Cầu nguyện: Phép lành ngày 2 tháng 12 năm 2020).

[2] Xem. Bộ Giáo lý Đức tin, “Responsum” ad “dubium” de benedictione unionem Personarum eiusdem sexus et Nota esplicativa [“Giải đáp” “nghi ngờ” về việc ban phúc lành cho sự kết hợp giữa những người cùng giới tính và Văn bản giải thích] (15 tháng 3 năm 2021): AAS 113 (2021), 431-434.

[3] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), số 1. 42: AAS 105 (2013), 1037-1038.

[4] Xem Đức Phanxicô, Câu trả lời cho thắc mắc do hai Hồng Y đề xuất (11 tháng 7 năm 2023).

[5] Cùng nguồn, ad dubium 2, c.

[6] Cùng nguồn, ad dubium 2, a.

[7] Cfr. Rituale Romanum ex decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Ioannis Pauli PP. II promulgatum, De Benedictionibus, Praenotanda, Editio typica [được thành lập theo sắc lệnh của Công đồng chung thánh thiện Vatican II dưới thẩm quyền của Đức Gioan Phaolô II ban hành, De Benedictionibus, Praenotanda [Các Phép lành, các ghi chú], ấn bản điển hình, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2013, no. 12.

[8] Như trên, số 11: “Quo autem clarius hoc pateat, antiqua ex traditione, formulae benedictionum eo spectant ut imprimis Deum pro eius donis glorificent eiusque impetrent beneficia atque maligni potestatem in mundo compescant.[Điều này càng được làm rõ hơn, theo truyền thống cổ xưa, các công thức chúc lành chủ yếu nhằm tôn vinh Thiên Chúa vì những hồng ân của Người và đạt được những lợi ích của Ngườ cũng như kiểm tra quyền lực của kẻ ác trên thế giới].”

[9] Như trên, số15: “Quare illi qui benedictionem Dei per Ecclesiam expostulant, dispositiones suas ea fide confirment, cui omnia sunt possibilia; spe innitantur, quae non confundit; caritate praesertim vivificentur, quae mandata Dei servanda urget [Vì vậy, những người kêu gọi sự ban phước của Chúa thông qua Giáo hội phải xác nhận ý định của mình với đức tin rằng mọi sự đều có thể thực hiện được; họ dựa vào niềm hy vọng, điều không làm xáo trộn; họ sẽ được sinh động trước hết nhờ lòng bác ái, đức ái thúc đẩy việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa].”

[10] Như trên, số13: “Semper ergo et ubique occasio praebetur Deum per Christum in Spiritu Sancto laudandi, invocandi eique gratias reddendi, dummodo agatur de rebus, locis, vel adiunctis quae normae vel spiritui Evangelii non contradicant [Vì vậy, luôn luôn và ở mọi nơi có cơ hội để ca ngợi Thiên Chúa qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, kêu cầu và tạ ơn Người, miễn là về những sự việc, địa điểm hoặc hoàn cảnh không mâu thuẫn với các quy tắc hoặc tinh thần của Tin Mừng].”

[11] Đức Phanxicô, Câu trả lời cho Thắc mắc do hai Hồng Y đề xuất, ad dubium 2, d.

[12] Cùng nguồn, ad dubium 2, e.

[13] Phanxicô, Tông huấn C'est la Confiance (15 tháng 10 năm 2023), nos. 2, 20, 29.

[14] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng dẫn về Lòng đạo đức Bình dân và Phụng vụ. Nguyên tắc và Hướng dẫn (09/04/2002), số 1. 12.

[15] Như trên, số 13.

[16] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), số 1. 94: AAS 105 (2013), 1060.

[17] Đức Phanxicô, Câu trả lời cho Thắc mắc do hai Hồng Y đề xuất, ad dubium 2, e.

[18] Cùng nguồn, ad dubium 2, f.

[19] Đức Phanxicô, Giáo lý về Cầu nguyện: Phước lành (02/12/2020).

[20] De Benedictionibus, số. 258: “Haec benedictio ad hoc tendit ut ipsi senes a fratribus testimonium accipiant reverentiae grataeque mentis, dum simul cum ipsis Domino gratias reddimus pro beneficiis ab eo acceptis et pro bonis operibus eo adiuvante peractis [Phép lành này nhắm đến việc chính những người cao tuổi nhận được từ anh em mình chứng từ tôn kính và tâm hồn biết ơn, đồng thời cùng với họ tạ ơn Chúa vì những ân huệ nhận được từ Người và những công việc tốt lành được thực hiện nhờ sự trợ giúp của Người.”

[21] Đức Phanxicô, Câu trả lời cho Thắc mắc do hai Hồng Y đề xuất, ad dubium 2, g.

[22] Xem Đức Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (19-03-2016), số 1. 250: AAS 108 (2016), 412-413.

[23] X. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (9 tháng 4 năm 2002), số 1. Điều 13: “Sự khác biệt khách quan giữa việc thực hành đạo đức và việc sùng kính phải luôn luôn rõ ràng trong cách diễn đạt sự thờ phượng. […] Các hành vi sùng kính và đạo đức nằm ngoài việc cử hành Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác.”

[24] Đức Phanxicô, Câu trả lời cho Thắc mắc do hai Hồng Y đề xuất, ad dubium 2, g.

[25] Đức Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (19-03-2016), số 1. 304: AAS 108 (2016), 436.

[26] X. ibid.

[27] Officium Divinum ex decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP. VI promulgatum, Liturgia Horarum iuxta Ritum Romanum, Institutio Generalis de Liturgia Horarum [được thành lập theo sắc lệnh của Công đồng Vatican II dưới thẩm quyền của Đức Thánh Cha Phaolô 6 được ban hành, Phụng vụ các Giờ kinh theo Nghi thức Rôma, Quy chế Tổng quát về Phụng vụ các Giờ kinh], Editio typica altera, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1985, Số 17: “Itaque non tantum caritate, exemplo et paenitentiae operibus, sed etiam oratione ecclesialis communitas verum erga animas ad Christum adducendas maternum munus exercet [Vì vậy, không chỉ bằng bác ái, bằng gương sáng và các việc sám hối, mà còn bằng lời cầu nguyện của Giáo hội, cộng đồng thực hiện vai trò mẫu tử trong việc đưa các linh hồn đến với Chúa Kitô].”

[28] Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), số 1. 44: AAS 105 (2013), 1038-1039.

[29] Như trên, số 36: AAS 105 (2013), 1035.

[30] Bênêđíctô XVI, Bài giảng lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 45, Vương cung thánh đường Vatican (1.01.2012): Insegnamenti VIII, 1 (2012), 3.

[31] Đức Phanxicô, Giáo lý về Cầu nguyện: Phép lành (2/12/2020),

 
Trước những giao động về việc Giáo hội cho phép ban phép lành cho những nố nhậy cảm, hãy tìm hiểu lịch sử ngắn gọn về phép lành
Thanh Quảng sdb
20:45 19/12/2023
Trước những giao động về việc Giáo hội cho phép ban phép lành cho những nố “nhậy cảm”, hãy tìm hiểu lịch sử ngắn gọn về “phép lành”

Phép lành không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà là những lời nói. Sự phát triển của thuật ngữ này đã có một bước tiến trong quá trình Kitô giáo hóa tiếng Anh cổ.

Trong chủ đề mở đầu của Fiddler On The Roof, có tựa đề Truyền thống, một chàng trai xin một Giáo sĩ ít lời chúc thích hợp dành cho Sa hoàng. Giáo sĩ trả lời một cách hài hước, “Một phép lành cho Sa hoàng? Tất nhiên rồi! Xin Chúa phù hộ và gìn giữ Sa hoàng… tránh xa chúng ta!”

Tương tự như vậy, theo truyền thống Công Giáo, các phép lành bao gồm rất nhiều yêu cầu và vật phẩm. Thật vậy, trong cuốn “Cẩm Nang các phép lành của Roma” (Rituale Romanum) bao gồm nhiều phép lành cho hầu hết mọi thứ và mọi sự, từ bia rượu cho đến mỡ heo (hoặc thịt xông khói), từ pho mát đến rượu vang.

Nguyên ngữ của từ phép lành cũng thú vị như đã được đề cập. Từ tiếng Anh hiện đại “ban phép” bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Anh cổ blaedsian. Các học giả đồng ý rằng thuật ngữ này đề cập đến hành động biến một thứ gì đó trở nên “linh thiêng” (nghĩa là được biệt riêng) thông qua các phong tục hiến tế, thường liên quan đến việc đánh dấu bằng máu. Việc thực hành này được liên kết về mặt danh từ nguyên thủy với máu.

Sự phát triển của thuật ngữ này có một bước chuyển biến trong quá trình Kitô giáo hóa tiếng Anh cổ, trong đó thuật ngữ Latin benedicere, có nghĩa là “nói tốt về” - bene (tốt) với quyết định (nói) - được “dịch” thành phép (chúc) lành. Sự thay đổi ngôn ngữ này đã ảnh hưởng đến ý nghĩa hiện đại của từ ban phép và thay đổi ý nghĩa “thánh hóa” của người ngoại đạo blaedsian thành “nói tốt về” và nói rộng hơn là “chúc tốt lành”. Rõ ràng, việc rao giảng của Công Giáo đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành những sắc thái ngôn ngữ này.

Trong kinh Thánh

Phép lành không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà là lời nói. Trong Do Thái giáo Rabbinic, berakhot (lời chúc phúc) được đọc trong những thời điểm cụ thể - đặc biệt là trước và sau khi ăn. Những phép lành này dùng để thừa nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi phước lành. Việc đọc thuộc lòng thường bắt đầu bằng những lời, Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Vua vũ trụ, chúng con xin tạ ơn Chúa, suối nguồn muôn ơn thiêng...

Khái niệm berakhot của giáo sĩ Do Thái cũng không thể thiếu trong những lời giảng dạy trong Phúc âm. Trong Kinh thánh Kitô giáo, các phép lành cũng hướng đến việc thừa nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày và quan trọng hơn là trong hoạt động của con người chúng ta. Nhưng Phúc âm xử dụng hai từ khác nhau cho “ơn lành” và “chúc lành”.

Một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất đề cập đến các phúc lành là Bài giảng trên núi, như được ghi lại trong Phúc âm Ma-thêu (Mt 5:1-12). Trong bài giảng này, Chúa Giêsu trình bày một loạt các phép lành được gọi là Các Mối Phúc Thật. Từ Chúa xử dụng trong hiến Chương này là makarios - từ gần nhất trong tiếng Hy Lạp với từ hạnh phúc trong tiếng Anh. Những phúc lành này mô tả những phẩm chất và thái độ không chỉ làm hài lòng Chúa mà còn trực tiếp đến từ Ngài - do đó mang lại niềm vui cho thế giới. Các Mối Phúc này làm nổi bật quan điểm tương phản với suy nghĩ tự nhiên của con người, nhấn mạnh các giá trị tinh thần đối với thành công trần thế như nguồn gốc của mọi thiện hảo.

Xuyên suốt qua Tin Mừng, Chúa Giêsu thường được miêu tả là người ban phép lành cho các cá nhân, công bố ân sủng của Thiên Chúa. Trong những tình huống này, một từ khác được xử dụng. Sự tương tác của Ngài với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người bệnh tật và những người bị ruồng bỏ phản ánh một tâm tính đầy lòng trắc ẩn, và qua lời nói (phép lành) và hành động của Ngài (các phép lành mang tính thể hiện, nếu bạn muốn), sự hiện diện của Chúa được bộc lộ - hoặc thậm chí tốt hơn là được công nhận.

Sự thừa nhận sự hiện diện thiêng liêng này tự nhiên khiến người tín hữu ca ngợi Chúa. Nếu từ berakhot trong tiếng Do Thái bắt nguồn từ từ barak (có nghĩa là quỳ xuống và nói rộng hơn là “ca ngợi”) thì eulogos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là “nói tốt về”. Tiếng Latinh benedicere là bản dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp này. Theo nhiều cách, việc rao giảng tương đương với phép lành: Những người đã nhìn thấy sự hiện diện của Chúa (những người là nhân chứng) không thể không nói tốt về những gì họ đã cảm nghiệm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cọng rơm hang đá Chúa giáng sinh.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
03:01 19/12/2023
Hình ảnh cọng rơm hang đá Chúa giáng sinh.

Phúc âm thuật lại ( Lc 2, 1-14) hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa, hạ sinh trong chuồng thú vật ngoài cánh đồng thành Bethlehem. Và trong hang chuồng thú vật không thể không có rơm cỏ khô cho súc vật ăn.Vì thế nơi hang đá mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh ngày nay luôn có những cọng rơm khô rải trong đó. Rơm cỏ khô là chất vật liệu thực phẩm cho súc vật ăn cùng cho sưởi ấm không có gía trị gì cho lắm. Nhưng lại là quan trọng, không thể thiếu trong hang đá mừng lễ Chúa Giêsu gíang sinh.

Vậy cọng rơm cỏ khô trong hang đá Chúa giáng sinh diễn tả hình ảnh gì?

Theo gương các Mục đồng ngày xưa, vào ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu giáng sinh một vài em thiếu nhi rủ nhau đến thăm viếng hang đá trong Thánh đường. Các em đến viếng Hang đá Chúa thường hay bỏ một vài đồng tiền đã để dành vào hộp dựng ngay bên hang đá, để giúp cho các trẻ em nghèo thiếu thốn khác. Nghĩa cử đạo đức tình người này rất tốt và hợp với khung cảnh lễ Chúa giáng sinh. Lễ tình yêu mến!

Sau khi thăm viếng hang đá các em ra về thường thì tay không. Nhưng một em trong đám rút cầm về một cọng rơm trong hang đá. Dọc đường chúng bạn nhìn thấy bạn đó cầm vật gì trong tay. Tò mò họ hỏi xem cái gì. Bạn đó trả lời ngay: Tôi rút được một cọng rơm từ hang đá Chúa Giêsu, cầm về làm kỷ niệm!

Các chúng bạn có vẻ cười nhạo, sao người bạn bé nhỏ này lại rút một cọng rơm khô về làm kỷ niệm! Họ bắt đầu nói chế diễu bạn nhỏ này về cử chỉ có vẻ khác người.

Bạn nhỏ mặt đỏ tía tai biện hộ: „ Tôi chỉ rút có một cọng rơm khô thôi về làm kỷ niệm. Vì tôi thấy trên cỏ rơm khô này Chúa Giêsu hài nhi nằm. Tôi thấy có cái gì dễ thương gần gũi với Chúa với cả tôi nữa. Nên tôi thích và rút mang về. Tại sao các Bạn lại cười chê tôi?“

Hai người bạn trong đám cười to tiếng hơn nói chen vào: Cọng rơm khô đem về làm kỷ niệm! Mày biết rơm khô đâu có gì đáng qúy gía đâu. Thôi vất đi cho rồi. Chỉ là rác bẩn nhà thôi. Ðem về nhà thế nào trước sau chính mày hay mẹ mày cũng quăng vào thùng rác thôi!“

Bạn nhỏ lắc đầu nói lại: Bạn nói cái gì? Nó là rác, đem vứt quăng nó đi ư? Không, tôi không làm chuyện đó. Tôi đã nói đó là một kỷ niệm yêu qúi. Vì Chúa Giêsu hài đồng nằm trên đó. Mỗi lần tôi cầm cọng rơm khô này trên tay, tôi nhớ lại Chúa hài đồng, nhớ lại lời Thiên Thần ngày xưa đã nói với các Mục đồng.“

Hai ngày sau, gặp lại nhau, các chúng bạn khác hỏi người bạn về cọng rơm khô đêm giáng sinh: Này Bồ, bồ có còn giữ cọng rơm khô nữa không đấy?

Bạn nhỏ: Có chứ, có muốn xem không, đây này!

Chúng bạn: Chúng tao chỉ hỏi vậy thôi, chứ ai đâu muốn xem làm gì. Thôi vất bỏ đi cho rồi, giữ làm gì cho bẩn nhà, bẩn túi áo ra. Rơm cỏ khô có gía trị gì đâu mà giữ làm kỷ niệm!

Bạn nhỏ: Không, nó không là vật vô gía trị đâu. Trên cọng rơm khô Chúa hài đồng nằm.

Chúng bạn: Thì đã có ảnh hưởng gì? Chúa Hài đồng có gía trị cao cả, nhưng cọng rơm cỏ khô thì không đâu đấy nhé bạn nhỏ!

Bạn nhỏ: Có chứ sao không! Cọng rơm khô đó có gía trị lắm chứ. Trên cỏ rơm khô Chúa hài đồng đã nằm. Trong chuồng súc vật, có cái gì khác hơn đâu, nên khi sinh ra, Ngài đã nằm trên đó. Ðấng cao cả gía trị cao sang nằm trên cỏ khô vô gía trị. Như thế chưa đủ có gía trị sao? Không phải chỉ vậy thôi đâu. Thiên Chúa trở nên người bé nhỏ, một hài nhi. Người cần sự gì nhỏ bé. Vâng, sự gì bị cho là vô gía trị. Thiên Chúa cần con người như tôi, như chúng ta tất cả, những người nghèo hèn bé nhỏ, người không có thể làm gì được nhiều, người bị cho là không có gía trị kí lô gì!

Bạn nhỏ đó qúy trọng gìn giữ cọng rơm đêm giáng sinh, cọng rơm đêm thánh rất cẩn thận. Vì nó quan trọng với bạn ta.

Một ngày khác, một người bạn đến chơi, thấy cậu ta cầm cọng rơm đó trên tay. Anh ta xin được cầm cọng rơm. Có cơ hội anh ta liền gấp bẻ cọng rơm lại và vất quăng xuống đất trong thái độ tức giận khiêu khích: Mày là thằng điên rồi hả? Cọng rơm khô nào có gía trị gì đâu mà giữ mãi!

Người bạn nhỏ chủ cọng rơm đứng nhìn bạn mình hành động vội vã đầy tức giận. Quan sát xong, bạn nhỏ cúi mình xuống nhặt cọng rơm khô lên kéo thẳng lại ra và nói:

„Nhìn đây, cọng rơm vẫn còn là cọng rơm như lúc trước. Sự giận dữ của anh đâu có thay đổi được cọng rơm. Cọng rơm nhỏ mềm dễ bị uốn cong. Tôi đã nói: trên cọng rơm khô Hài nhi Giêsu đã nằm. Từ một trẻ thơ bé nhỏ, hài nhi Giêsu đã trở thành người trợ giúp mạnh mẽ đầy quyền năng, không ai có thể giết chết Người được. Dù con người có tức giận khinh khi Người, nhưng Người vẫn can đảm chịu đựng vượt qua và trước sau vẫn đứng vững giữa mọi thử thách. Hài nhi đó là Ðấng Cứu độ của Thiên Chúa cho con người.

Tình yêu Thiên Chúa không bị dập tắt, bị uốn cong làm cho nhỏ bé đi.“

Phỏng theo một truyện về lễ mừng Chúa Gíáng sinh xứ Mexicô
 
Văn Hóa
Các phép lạ Thánh Thể dưới con mắt một Bác Sĩ Chuyên Khoa Tim, Chương IV
Vũ Văn An
00:28 19/12/2023

Chương IV. Sokółka (2008)

Các sự kiện

Sokółka là một thị trấn nhỏ và yên tĩnh với khoảng 20 nghìn dân ở phía đông bắc Ba Lan, cách biên giới với Belarus vài km. Nó được bao quanh bởi đất nông nghiệp phi công nghiệp có nhiều đồi núi. Cách đó không xa là tàn tích cuối cùng của khu rừng nguyên sinh tươi tốt ở châu Âu, vẫn là nơi sinh sống của bò rừng. Những người dân địa phương cần cù rất gắn bó với mảnh đất của mình, lòng yêu nước của họ kết hợp chặt chẽ với một đức tin Công Giáo rất mạnh mẽ. Đó là quê hương của Chân phước Cha Jerzy Popiełuszko (người đang được phong thánh) và Cha Stanisław Suchowolec, hai linh mục được yêu mến, đều là nạn nhân của sự đàn áp của cộng sản vào những năm 1980.



Chỉ hai tuần trước những sự kiện mà tôi sắp giải thích, tâm điểm chú ý của Giáo Hội Công Giáo chỉ cách Sokółka ở Białystok bốn mươi km, thủ phủ vùng và là trụ sở của giáo phận. Ở đó, tám mươi ngàn người đã tụ tập. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, được nối kết bằng liên kết video trong giờ đọc kinh Truyền tin ở Rôma, đã chào mừng các tín hữu tụ tập tại Ba Lan dự lễ phong chân phước cho Cha Michał Sopoćko, linh hướng và cha giải tội của Thánh Faustina Kowalska.

Hai tuần sau, ngày 12 tháng 10 năm 2008, là một ngày Chúa nhật giống như nhiều ngày khác tại Nhà thờ Thánh Antôn Padua ở Sokółka. Thánh lễ sáng lúc 8:30 được cử hành bởi linh mục trẻ Cha Filip Zdrodowski. Cha đang được giúp đỡ trong việc phân phối Mình Thánh Chúa bởi Cha Jacek Ingielewicz. Rất có thể chính ngài là người đã lỡ đánh rơi Mình Thánh Chúa vào thời điểm đó. Chuỗi sự kiện liên quan đến tai nạn này quả gây tò mò và cảm động. Nó đã được làm chứng một cách rất chi tiết: một trong các tín hữu đang quỳ ở lan can bàn thờ để rước lễ, như người ta vẫn thấy ngày nay trong các Thánh lễ Nghi thức Tridentine. Không nói nên lời, người phụ nữ đó đã chạm vào chân Cha Jacek và bằng một cái liếc nhìn, chỉ cho Cha bậc đầu tiên của bàn thờ. Linh mục nhặt bánh thánh lên. Nó bẩn, và ngài quyết định không dùng nó mà nhúng nó vào nước trong một bình chứa [vasculum], tức một chiếc chén bằng bạc dùng để rửa tay đã có sẵn trên bàn thờ. Như thế, thủ tục giáo luật được thực hiện hai lần ở Buenos Aires cũng bắt đầu ở đó. Sau một vài ngày, hình bánh đó sẽ không còn được nhận dạng nữa và sẽ được đổ xuống vùng đất thánh. Kết thúc Thánh lễ, Cha Jacek đặt chiếc chén chứa bánh thánh vào bên trong nhà tạm.

Cùng ngày, linh mục quản xứ Đức Ông Stanisław Gniedziejko, hoặc đã được thông báo về việc xẩy ra hoặc chỉ đơn giản là để ý đến chén chứa nước được cất giữ một cách bất thường bên trong nhà tạm. Do đó, ngài đã yêu cầu Sơ Julia Dubowska, người giữ phòng áo của giáo xứ trông coi nến, bình thánh và trang trí tổng thể của nhà thờ, đổ chất chứa trong chén vào một chiếc bình thủy tinh lớn hơn, thêm nước vào và khóa nó trong két an toàn của phòng áo mà chìa khóa chỉ có hai người họ giữ. Nữ tu siêng năng làm những gì được yêu cầu nhưng vì tò mò về sự kiện bất thường này nên bà liên tục kiểm tra chiếc bình trong két hàng ngày trong suốt tuần tiếp theo. Vào lúc 8 giờ sáng Chúa nhật tuần sau, ngày 19 tháng 10, Sơ Julia mở két và ngửi thấy mùi thơm của bánh: sơ nghĩ đó là do bánh thánh đã tan biến hoàn toàn, nhưng không phải vậy.

Sau này, bà đã bộc bạch cảm xúc của mình lúc đó: bà cảm thấy mình giống như Môsê trước bụi gai bốc cháy. Một phần của Mình Thánh vẫn chưa tan ra và được bao phủ một phần bởi một vết đỏ đặc nhô ra, giống như một cục máu đông kích thước 1 x 1,5 cm. Tuy nhiên, nước trong thùng vẫn trong. Sơ Julia ngay lập tức gọi cho cha xứ, Cha Stanisław và các linh mục khác vội chạy tới. Tất cả đều ngạc nhiên và sửng sốt. Vào thời điểm đó, họ quyết định giữ im lặng nghiêm ngặt về những gì đã xảy ra. Cùng ngày, Sơ Julia đã chụp ảnh chiếc hộp thủy tinh và những thứ bên trong. Bức ảnh vẫn có sẵn trên web. Đồng thời, Cha Stanisław đã thông báo cho Giáo triều Białystok địa phương về sự kiện kỳ lạ này, và vài ngày sau, Đức Tổng Giám Mục Edward Ozorowski và Chưởng ấn của ngài, Andrzej Kakareko, đã đích thân đến Giáo xứ Thánh Atôn để xác minh sự thật. Vị giám mục yêu cầu giữ bánh thánh ở nơi tôn kính.

Vì vậy, vào ngày 29 tháng 10, chiếc bình đã được chuyển từ két an toàn đến nhà tạm của một nhà nguyện nhỏ Lòng Thương Xót Chúa nằm bên trong nhà xứ nơi các linh mục giáo xứ đang sinh sống, cách Nhà thờ Thánh Antôn một đoạn ngắn. Sau đó, vào ngày 30 tháng 10, linh mục giáo xứ tách toàn bộ phần rắn được tạo thành từ những gì còn sót lại của bánh không men và cục máu đông bí ẩn ra khỏi nước bằng một chiếc thìa nhỏ và đặt nó lên một khăn thánh nhỏ, theo lời khuyên của giám mục. Một chữ thập nhỏ màu đỏ rất dễ thấy được thêu ở giữa khăn thánh. “Cục máu đông” che phủ một phần hai trong số bốn cánh tay của cây thánh giá thêu. Sau đó, khăn thánh được đặt trong một mặt nhật trong suốt và được giữ trong nhà tạm.

Đến giữa tháng 1 năm 2009, chất liệu "mầu nhiệm" được mô tả là đã khô hoàn toàn, bám chặt vào lớp vải lanh mà nó được trải lên. Đã mấy năm rồi trôi qua, và thánh tích Sokółka vẫn giữ nguyên diện mạo. Nhìn từ xa, vết màu đỏ hòa quyện với cánh tay màu đỏ của cây thánh giá thêu, rất giống một bức vẽ nguyên bản, dễ nhận biết.

Các cuộc điều tra

Tổng giám mục Białystok quyết định tiến hành các cuộc điều tra khoa học để làm rõ bản chất của chất liệu mầu nhiệm. Giáo triều yêu cầu sự nghiêm túc, khẩn cấp và hoàn toàn bí mật về vấn đề này. Nó giao phó nghiên cứu cho hai chuyên gia từ Đại học Białystok: họ là Giáo sư Stanisław Sulkowski và Giáo sư Maria Elżbieta Sobaniec-Łotowska. Cả hai đều là nhà nghiên cứu bệnh học giải phẫu tại cùng một trường đại học, mặc dù học ở các khoa khác nhau và cả hai đều có lý lịch khoa học ấn tượng.

Nhà tạm Sokółka được mở vào ngày 7 tháng 1, và Giáo sư SobaniecŁotowska đã lấy một mẫu chất liệu nhỏ, ít nhất là theo bà, trông giống như một cục máu đông. Một phần Bánh Thánh màu trắng cũng có mặt trong mẫu bà lấy, không thể tách rời khỏi “cục máu đông”. Mẫu sau đó được chia và một nửa được trao cho Giáo sư Sulkowski, người không có mặt vào ngày hôm đó và không được biết về nguồn gốc của chất liệu. Trong những tuần tiếp theo, chất liệu được xử lý và nghiên cứu dưới ánh sáng kính hiển vi và kính hiển vi điện tử dẫn động. (68)

Đây là bản tóm tắt các kết quả thu được một cách độc lập của cả hai nhà nghiên cứu:

1. Chất liệu được lấy mẫu là mô cơ tim. Trong báo cáo cuối cùng của mình, cả hai giáo sư đều nêu như sau: “[Mẫu phân tích] là mô cơ tim, hoặc ít nhất, trong số tất cả các mô của một sinh vật sống, mô cơ tim là mô giống với nó nhất”. Các sợi thực sự có hạt nhân nằm ở trung tâm. Hơn nữa, tàn dư của các đĩa xen kẽ và bó sợi tơ cơ [myofibrils] mỏng manh (69) có thể được nhận ra dưới kính hiển vi điện tử.

2. Chất liệu được phân tích được tạo thành từ toàn bộ mô cơ tim như vậy.

3. Các dấu hiệu bệnh lý như sự phân đoạn và phân mảnh xuất hiện trong các sợi cơ. Nói một cách phi y học, đây là những dấu hiệu của mô cơ tim thực sự bị đau. Sự phân đoạn là sự tách các sợi cơ ra khỏi các đĩa xen kẽ mà chúng thường được liên kết với nhau. Đó là hiện tượng xuất phát từ sự co thắt nhanh chóng lặp đi lặp lại của các tế bào cơ tim trong bối cảnh cái chết sắp xảy ra. Cần phải chỉ ra rằng đây không phải là sự thay đổi thoái hóa diễn ra sau khi chết: sự phân chia chỉ có thể xảy ra ở một tế bào cơ tim đang sống trong cơn đau đớn. Ý nghĩa bệnh lý của sự phân mảnh và tình trạng cận tử mà nó xảy ra rất giống nhau. Đó là sự hiện diện của các sợi cơ được tách ra một cách gọn gàng ở bất cứ điểm nào dọc theo chiều dài của chúng, không chỉ giới hạn ở các vết đứt ở các vị trí mà chúng gắn vào các đĩa xen kẽ.

4. Sự xuất hiện của một số sợi cơ phù hợp với hiện tượng hoại tử dải cơ (CBN). Điều này thường được đặc trưng bởi các dải co thắt dày lên trải dài theo trục ngắn của tế bào cơ tim, song song với các đĩa xen kẽ. Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, CBN đặc biệt được gây ra bởi một tình trạng được gọi là stress-induced cardiomyopathy [bệnh cơ tim do căng thẳng], cũng như do giai đoạn tái tưới máu [reperfusion] muộn của “cơn đau tim” thông thường. Tái tưới máu có thể xảy ra nếu nguồn cung cấp máu được phục hồi cho một phần mô cơ tim mà ban đầu đã bị thiếu do tắc nghẽn mạch máu.

5. Các sợi cơ tim và chất thể của bánh đang tiếp xúc với nhau một cách không thể giải thích được. Mức độ thâm nhập mật thiết và vi mô cao được thấy ở giao diện của chúng là cực kỳ đáng chú ý và không thể đạt được bằng bất cứ loại công cụ hoặc phương pháp nào do con người tạo ra hiện nay. Giáo sư Sobaniec-Łotowska chỉ ra rằng đây là một phát hiện đáng kinh ngạc loại trừ khả năng đây là một hiện vật nhân tạo.

6. Cuối cùng, cũng như các phép lạ Thánh Thể khác, sự tồn tại của mô cơ tim cùng với bánh thánh không men là điều không thể giải thích được: cả hai đều nguyên vẹn, không có dấu hiệu hư hỏng hay thoái hóa do không có bất cứ chất bảo quản nào, sau tất cả thời gian ngâm trong nước và sau đó trong không khí nhiều tháng (và hiện không bị hỏng trong nhiều năm đối với những người hành hương đến Sokółka).

Kết luận

Sau khi xem xét các kết quả phân tích mô học, Giáo phận Białystok đã thành lập một ủy ban đặc biệt của Giáo hội vào ngày 30 tháng 3 năm 2009 để điều tra các chi tiết tinh tế về chuỗi các sự kiện diễn ra theo lời kể của các nhân chứng. Kết luận là bánh thánh được phân tích phải là chính bánh thánh mà Sr. Julia đã chăm sóc kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2008, không có cơ hội cho bất cứ sự can thiệp hoặc giả mạo nào khác của bên thứ ba.

Vào ngày 14 tháng 10 năm 2009, một năm sau sự việc, giám sở Tổng giáo phận Białystok, Andrzej Kakareko, tuyên bố rằng sự kiện Sokółka không trái với Đức tin của Giáo hội. Thay vào đó, ngài tuyên bố rằng nó xác nhận tín lý của Giáo Hội và cho phép các tín hữu tôn kính thánh tích.

Vào ngày 2 tháng 10 năm 2011, trước sự chứng kiến của 35 nghìn tín hữu, Mặt nhật chứa khăn thánh mang mảnh bánh thánh và mô thánh đã được long trọng chuyển đến nhà nguyện Đức Mẹ Mân côi trong nhà thờ giáo xứ, nơi nó vẫn được trưng bày để tôn thờ hàng ngày cùng với Bí tích Thánh Thể. Sự quan tâm đến phép lạ Thánh Thể này đã gia tăng trong những năm qua cả ở Ba Lan và các nơi khác. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tín hữu hành hương tham dự mỗi ngày, và giáo xứ đã thành lập một trung tâm tiếp đón do các linh mục, nữ tu và giáo dân tình nguyện làm việc toàn thời gian điều hành. Đối với các nhóm lớn hơn, họ khuyên bạn nên đặt chỗ theo hướng dẫn trên trang web của giáo xứ (cho đến nay chỉ viết bằng tiếng Ba Lan). Nhiều sự chữa lành về tinh thần và thể chất cũng được biết là có liên quan đến Sokółka. Cuốn sách của Adam Białous, được liệt kê trong thư mục của tôi, đề cập đến một số phương pháp chữa lành thể chất khỏi bệnh ung thư cũng như chứng rối loạn nhịp tim.

Những tranh cãi

Một đặc điểm độc đáo của phép lạ Sokółka, so với các biến cố Thánh Thể khác được thảo luận trong cuốn sách này, đó là những phản đối và tranh cãi mà nó gây ra trong xã hội dân sự cũng như cộng đồng khoa học Ba Lan. Có lẽ điều này đã được mong đợi. Xét cho cùng, xã hội và văn hóa Ba Lan rất khác so với châu Mỹ Latinh, nơi các phép lạ Buenos Aires và Tixtla đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong niềm tin mãnh liệt của người dân.

Quả thực, những phép lạ đó đã không làm lay động được bất cứ trí thức hay chính quyền dân sự địa phương nào ở Nam Mỹ. Họ quá bận rộn giải quyết những vấn đề cấp bách hơn về tài chính và trật tự công cộng. Thay vào đó, Ba Lan lại là một thực tại khác: một quốc gia phương Tây có nền kinh tế thị trường tự do ở một vị trí xa trung tâm, mặc dù có nền tảng lịch sử Công Giáo quan trọng nhưng đã “mở cửa” đón nhận “các giá trị” thế tục của “thế giới tự do” vào những năm 2000. Ở đó, một phép lạ Thánh Thể không thể không diễn tả đầy đủ tác động gây phiền phức, bối rối và gây tai tiếng của nó. Hãy xem nó đã làm như thế ra sao.

Một lần nữa, thật đáng để xem lại sơ yếu lý lịch đặc biệt của hai nhà nghiên cứu tại Đại học Białystok, những người đã tham gia vào cuộc điều tra. Vào thời điểm đó, Stanisław Sulkowski là một giáo sư xuất sắc tại Khoa Hình thái học Tổng quát. Ông vẫn là chuyên gia hàng đầu về hóa mô miễn dịch của các mô tân sinh, (70) cho đến nay là tác giả của ít nhất 286 ấn phẩm có giá trị quốc tế được tham chiếu trên PubMed71. Giáo sư Maria Elżbieta Sobaniec-Łotowska đang làm việc tại Khoa Hình thái Bệnh học Y tế lân cận. Trọng tâm nghiên cứu chính của bà là về gan nhi khoa [pediatric hepatology] (72) và vị tràng học [gastroenterology]. (73) Bà đã có 108 ấn phẩm PubMed tính đến tháng 2 năm 2019. Năm 2008, cả hai đều đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Họ rất được tôn trọng và đánh giá cao về mặt nghề nghiệp ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Bất chấp tất cả những điều đó, cả hai đều chính thức bị khiển trách bởi chính giám đốc của họ và người phát ngôn của Đại học Białystok, Giáo sư Lech Chyczewski, người đã cáo buộc họ thực hiện các cuộc điều tra “bất hợp pháp” và “không trung thành”.

Một suy tư đáng lưu ý của Giáo sư Sulkowski về nhiệm vụ của một nhà khoa học đối với cộng đồng nơi ông sinh sống như sau:

“Nếu một vấn đề xã hội quan trọng mới nảy sinh, một vấn đề đòi hỏi sự tham gia của nhà khoa học, nếu cần có kiến thức thì nhà khoa học không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ phải tham gia.... Chúng ta có nhiệm vụ điều tra mọi vấn đề khoa học. Tôi coi đó như một loại dịch vụ cho xã hội tài trợ cho các hoạt động khoa học của chúng tôi. Giống như bác sĩ không thể từ chối chăm sóc bệnh nhân, tương tự như vậy, chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu mọi vấn đề khoa học, theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan”.

Cách tiếp cận của GS Sobaniec-Łotowska thực tế hơn. Bà nhắc nhở người giám sát của mình rằng bà đã làm việc sau khi nhận được yêu cầu chính thức và bằng văn bản của Giáo triều Białystok. Bà không khỏi nhắc lại, với vẻ mỉa mai, rằng bà không thể điền vào một số mẫu đơn vì không tìm được số thẻ y tế của người sở hữu mô cơ tim đó.

Sự tương phản xa xưa và vẫn chưa được giải quyết giữa khoa học và đức tin đã trở nên rất thực tế trong hoàn cảnh đó, ngay cả trong một bối cảnh mới và khá độc đáo.

Giám đốc trường đại học cáo buộc các nhà nghiên cứu của chính ông, những người mà ông đã chia sẻ nhiều công trình khoa học đã xuất bản, đã kết hợp khía cạnh “cảm xúc” của Đức tin Công Giáo với tính hợp lý mà công việc trong phòng thí nghiệm yêu cầu. Ông không thể thừa nhận rằng những đồng nghiệp rất được kính trọng với ba mươi năm kinh nghiệm của ông có thể “nhìn thấy” những điều mà khoa học không thể thừa nhận hay giải thích được.

Vào tháng 10 năm 2009, tiếng nói “có thẩm quyền” của tạp chí khổ nhỏ đăng tin vắn tắt Super Express đã tham gia vào cuộc tranh cãi. Lén lút giữa một bài báo thể thao và một bài tin đồn, là một tin sốt dẻo có tiêu đề “Điều kỳ diệu Sokółka có phải là một trò lừa đảo không?” Làm ơn, mọi người, xin dừng lại! Giáo quyền đã lừa dối chúng ta: đó chỉ là một sự nhiễm khuẩn tầm thường. Giáo sư Pawel Grzesiowski, từ Viện Vệ sinh Quốc gia Warsaw, là người cuối cùng có thể giải thích điều gì đã thực sự xảy ra khi được phỏng vấn. Một loại vi khuẩn, Serratia marcescens, thường phát triển tốt trên môi trường giàu carbohydrate, đã làm ô nhiễm bánh mì khi nó hòa tan trong nước ở điều kiện không vô trùng. Trong khi phát triển, Serratia tạo ra sắc tố màu đỏ cam gọi là “prodigiosin”, cái tên được đặt chính xác vì nó mô phỏng sự xuất hiện của máu trên bánh mì và các vật liệu giàu tinh bột khác trong nhiều trường hợp khác. Giờ đây, bất cứ công dân Ba Lan nào đang bất an đều có thể quay trở lại giấc ngủ yên tĩnh: khoa học sẽ dõi theo anh ta, bảo vệ anh ta khỏi chủ nghĩa ngu dân đáng lo ngại và những sự xâm nhập thời Trung cổ. Ngay cả độc giả đã kiên nhẫn theo dõi tôi cho đến nay cũng có thể thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu nghĩ xem mình nên đọc thêm những gì nữa. Bạn thân mến của tôi, hãy đóng cuốn sách này lại, đến quầy báo và kiếm cho mình một bản Super Express, hoặc bất cứ cuốn sách nào tương đương ở đất nước bạn. Rất nhiều bài viết thực sự đáng lưu ý: “Năm loại thực phẩm đốt cháy mỡ bụng của bạn” hoặc “Tám điều không nên nói trong buổi hẹn hò đầu tiên với một cô gái”.

Chào mừng bạn đến với thế giới Orwell mới, nơi một “chuyên gia” chưa bao giờ đặt chân đến Sokółka, thực tế chỉ có 30 ấn phẩm PubMed so với 286 của Giáo sư Sulkowski - nếu chúng ta so sánh về mặt thẩm quyền khoa học - dám xúc phạm những đồng nghiệp được đánh giá cao hơn nhiều của anh ta, buộc tội họ là người kém năng lực. Rõ ràng, với kiến thức và chuyên môn sâu rộng của mình, Giáo sư Grzesiowski có thể đưa ra ý kiến khoa học khách quan và có chất lượng của mình về mẫu vật Sokółka mà không cần phải tự mình nhìn vào các phiến kính hiển vi và không biết chúng được chuẩn bị như thế nào. Đáng buồn thay, lập luận sai lầm này về Serratia và sắc tố prodigiosin của nó tiếp tục xuất hiện trong các ấn phẩm dựa trên “chủ nghĩa hoài nghi khoa học”, và vì lợi ích tốt nhất của người đọc, cần phải làm rõ một lần và mãi mãi rằng bất cứ kính hiển vi nào, ngay cả cái họ đưa cho tôi như một món quà cho việc Rước lễ lần đầu của tôi khi còn nhỏ, có thể mang lại công lý sau tất cả những điều vô nghĩa này: một đàn vi khuẩn đường ruột hình que thực sự trông hoàn toàn khác với mô cơ tim có vân. Ngay cả trong năm đầu tiên của trường y, trong bất cứ khóa mô học nào, sinh viên đều được dạy về cách phân biệt các mô khác nhau của cơ thể con người: việc không thể phân biệt được sự nhiễm vi khuẩn với một mô có tổ chức có nghĩa là bị điểm trượt.

Trong trường hợp này, giống như một phi công hàng không với ba mươi năm kinh nghiệm bị cáo buộc là không thể phân biệt đường băng với cánh đồng khoai tây khi máy bay hạ cánh. Đúng vậy, các giáo sư Sulkowski và Sobaniec Łotowska muốn tìm kiếm công lý bằng các biện pháp pháp lý, nhưng họ không theo đuổi điều này chỉ vì họ được Giáo quyền khuyên không nên. Đàng khác, sự ô nhiễm vi khuẩn luôn thay đổi: nó có thể thay đổi diện mạo từ ngày này sang ngày khác cho đến khi chắc chắn biến mất khi chất nền mà vi khuẩn ăn vào đã cạn kiệt. Như một thí dụ tầm phào, ta hãy tưởng tượng, nấm mốc mọc trên lọ mứt bị bỏ quên trong tủ đựng thức ăn: nó thay đổi hình dạng và màu sắc theo thời gian, và sau một thời gian dài, nó biến thành bụi và biến mất. Điều này không áp dụng đối với thánh tích Sokółka, đã được trưng bày cho công chúng trong vài năm nay: vết đỏ trên khăn thánh hoàn toàn ổn định và không thay đổi theo thời gian, không có sự can thiệp của con người hay chất bảo quản (nhân tiện, thực ra là nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn).

Tuy nhiên, Ba Lan vẫn không thể ngừng làm chúng ta ngạc nhiên: vụ Sokółka cũng đi kèm với một câu chuyện bệnh hoạn và kỳ cục ở phần cuối đáng được kể lại. Chúng ta nên bắt đầu bằng cách nói rằng cuộc sống ở Ba Lan hẳn là rất khó chịu đối với một người vô thần theo chủ nghĩa duy lý thực sự, người thực sự có thể phải đối diện với tình trạng suy nhược thần kinh: bất chấp hàng thập niên cai trị của cộng sản và hiện nay là chủ nghĩa tư bản tự do, đất nước này vẫn không thể thoát khỏi di sản giáo hoàng cổ xưa của mình. Hiệp hội các nhà duy lý Ba Lan không thể không phản ứng trước sự xúc phạm giáo sĩ không biết lần thứ bao nhiêu. Do đó, vào ngày 1 tháng 10 năm 2009, chủ tịch hiệp hội, Tiến sĩ Małgorzata Lesniak, đã khởi kiện công khai gửi tới luật sư quận Sokółka, kêu gọi ông ta bắt đầu điều tra và làm sáng tỏ một loạt tội hình sự nghiêm trọng, bao gồm cả tội giết người, được cho là diễn ra trong quận thuộc thẩm quyền của ông ta. Luận lý học rất chặt chẽ: nếu hai nhà nghiên cứu của trường đại học chứng minh được sự hiện diện của một mẫu mô được xác định là cơ tim người tại Giáo xứ Thánh Antôn, thì điều đó hẳn có nghĩa là mảnh vỡ đó đến từ trái tim của một ai đó, một người nào đó chắc chắn không thể còn sống. Do đó:

1. Cơ tim chắc chắn đã được lấy từ một xác chết, và việc làm ô uế những gì còn sót lại của con người tự nó đã là một tội ác theo điều 262, số 1 của Bộ luật Hình sự Ba Lan.

2. Do đó, không thể loại trừ một vụ giết người trong bối cảnh chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo đen tối đó, ít nhất là cho đến khi xác định được một xác chết mà từ đó mô hẳn đã được lấy ra. Tuy nhiên, tội giết người, như những nhà duy lý siêng năng đã nhắc nhở chúng ta, bị trừng phạt về mặt pháp lý theo quy định tại điều 148, số 1 của Bộ luật Hình sự Ba Lan.

3. Mối nguy hiểm dịch tễ học đáng kể: ngay cả khi mô cơ tim đã bị đánh cắp trong quá trình khám nghiệm tử thi hoặc có bản chất động vật, nó cũng không được cất giữ trong nhà tạm. Điều này có thể dẫn đến khả năng ô nhiễm “thực phẩm” mà công dân Ba Lan tiêu thụ tại các buổi lễ tôn giáo với các mô không rõ nguồn gốc sinh học, và nó có thể khiến người dân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như cúm gia cầm, cúm lợn, cúm H5N1 và H1N1, chỉ trích dẫn một số. Do đó, điều này chắc chắn dẫn tới việc nại tới điều 165, số 1, phần 1 của Bộ luật Hình sự Ba Lan.

4. Đã phát hiện việc cơ quan có thẩm quyền không tiến hành điều tra chính thức. Việc trốn tránh nghĩa vụ công cộng như vậy còn trở nên trầm trọng hơn do không thực hiện bất cứ hành động nào ngay cả khi có bằng chứng khách quan về một tội ác nghiêm trọng. Chỉ điều đó thôi cũng đã là một tội ác, theo điều 231, số 1 của Bộ luật Hình sự Ba Lan.

Có vẻ như tổng chưởng lý Sokółka chưa bao giờ coi trọng hành động khiêu khích của những người theo chủ nghĩa duy lý, giới hạn phản ứng trong một tuyên bố đơn giản nhấn mạnh rằng không có ai trong thị trấn mất tích và không có vụ giết người nào.

Tôi thừa nhận mình cảm thông với những người Ba Lan vô thần buồn bã và cay đắng đó - trông giống như một nhóm những người kiêng rượu khó có thể tưởng tượng được đang tham dự lễ hội rượu vang Vinitaly ở Verona - vì họ thực sự coi trọng một sự kiện dường như không thể giải thích được. Họ bám vào sự thật và viết: “Vì rất khó có khả năng những mảnh trái tim đó thuộc về một nhà tiên tri Do Thái bị đóng đinh cách đây 2000 năm, chúng phải thuộc về một công dân Ba Lan nào đó vừa mới qua đời!” Tôi nhận thấy sự nông cạn thô thiển của những người đưa ra lập luận về “tôn giáo về mặt cảm xúc”, ẩn sau những kỹ thuật thủ tục giấy tờ hoặc đưa ra lời giải thích về tình trạng ô nhiễm vi khuẩn, còn gây khó chịu hơn nhiều.

Thư mục

Bejda, Henryk. 2012. Cud eucharystyczny [Phép lạ Thánh Thể] tái bản lần thứ nhất. Dom Wydawniczy Rafael. Cuốn sách hoàn toàn dành riêng cho các biến cố Sokółka (chỉ bằng tiếng Ba Lan).

Białous, Adam. 2015. Hostia: Cud eucharystyczny w Sokolce [Bánh thánh: Phép lạ Thánh Thể ở Sokolka], tái bản lần thứ nhất. Edycja. Cuốn sách hoàn toàn dành riêng cho các sự kiện Sokółka (chỉ bằng tiếng Ba Lan).

Cząstka Ciała Pańskiego (Một phần Thân Thể Chúa). Đã truy cập Ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://sokolka.archibial.pl/index.php/czastka-ciala-panskiego/. Trình bày phép lạ trên trang web của Giáo xứ Thánh Antôn Padua.

Komunikat Kurii Metropolitalnej Białostockiej w sprawie zjawisk eucharystycznych w Sokółce (Thông báo từ Giáo triều Bialystok về hiện tượng Thánh thể ở Sokółka). Ngày 14 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://archibial.pl/komunikaty/965komunikat-kurii-metropolitalnej-bialostockiej-w-sprawie-zjawiskeucharystycznych-w-sokolce/. Tuyên bố công khai chính thức về việc Giáo phận Białystok công nhận phép lạ (tháng 10 năm 2009).

11 Gall. 2011. “Pokazali światu Hostię z Sokółki — Polska [Họ đã cho thế giới thấy Bánh thánh từ Sokółka - Ba Lan] — 02.10.2011.” Quay video. YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=MwL5YtysbU4. Phóng sự báo chí trên kênh truyền hình Ba Lan TVN24 từ ngày 2 tháng 10 năm 2011 nhân dịp lễ rước long trọng đưa thánh tích vào nhà thờ giáo xứ.

Love one another [Yêu thương nhau]! số 23 (2012), 3–10. Phiên bản tiếng Anh của Miłujcie się! [Yêu thương nhau] Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://pdf.milujciesie.pl/pl/love-oneanother/266-love-one-another-2012-3.html. Bản tóm tắt sâu rộng về tình tiết Sokółka từ một tờ báo tôn giáo hai tháng một lần rất nổi tiếng của Ba Lan.

Racjonalista.pl. 2009. “Doniesienie do prokuratury w związku z tzw. cudem w Sokółce.[ Báo cáo với văn phòng công tố liên quan đến cái gọi là phép lạ ở Sokółka.” Thư. Kraków. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://www.racjonalista.pl/kk.php/s,6832. Tuyên bố của Hiệp hội duy lý Ba Lan vào ngày 1 tháng 10 năm 2009 với Bộ trưởng Tư pháp Sokółka.

Stasiak, Bożena và Tomasz Matuszkiewicz. 2009. “Cud w Sokółce to oszustwo? [Phép lạ ở Sokółka là một trò lừa đảo]” Super Express. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.se.pl/wiadomosci/polska/cud-w-sokoce-to-oszustwo-aaG2o6-EMv7-X3ds.html. Bài viết trực tuyến trên Super Express (29 tháng 10 năm 2009), có tựa đề “Phép màu Sokółka có phải là một trò lừa đảo không?”

Meloni, Sergio. 2014. I miracoli eucaristici e le radici Cristiane dell'Europa [Phép lạ Thánh Thể và cội nguồn Kitô giáo của Châu Âu]. tái bản lần thứ 3. ESD Edizioni Studio Domenicano. Bộ sưu tập đầy đủ nhất về các phép lạ Thánh Thể dựa trên một cuộc triển lãm thành công vòng quanh thế giới (viết bằng tiếng Ý). Các sự kiện Sokółka gần đây hơn đã được đưa vào kể từ phiên bản thứ ba từ trang 520 đến trang 525.

Tesoriero, Ron và Lee Han. 2013. Unseen New Evidence: The Origin of Life Under the Microscope [Bằng chứng mới chưa từng thấy: Nguồn gốc của sự sống dưới kính hiển vi]. Australia: Ron Tesoriero. Tình tiết Sokółka nằm ở chương 9. Ron Tesoriero và Mike Willesee đã tới Ba Lan để gặp Giáo sư Sulkowski và Sobaniec-Łotowska.

Ghi chú

(68) Kính hiển vi điện tử dẫn động sử dụng chùm hạt điện tử được gia tốc thay vì đèn phát sáng. Điều này cho phép độ phóng đại cao hơn nhiều so với độ phóng đại có thể đạt được bằng ánh sáng.

(69) Myofibrils [sơi tơ cơ] là đơn vị co bóp cơ bản giống như hình que bên trong tế bào cơ. Chúng không phải là tế bào cơ mà là thành phần tế bào của tế bào cơ.

(70) Neoplastic là thuật ngữ y học để mô tả các mô bất thường hoặc ung thư hoặc sắp chuyển thành ung thư.

(71) PubMed là công cụ tìm kiếm trực tuyến miễn phí, chính thống để truy cập các bài báo về khoa học đời sống và các chủ đề y sinh. Cơ sở dữ kiện được duy trì bởi Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ.

(72) Pediatric hepatology [Gan học nhi khoa] là chuyên khoa y tế tập trung vào bệnh gan ở trẻ em.

(73) Gastroenterology [vị tràng học] là chuyên khoa y tế tập trung vào các bệnh về đường tiêu hóa.
 
Church Documents
Lan Vy News GH 20 Dec 2023
VietCatholic Media
23:10 19/12/2023
BRK4LV-News21Dec2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

IDF phủ nhận trách nhiệm giết hại Kitô hữu Palestine tại Nhà thờ Gaza

Các Giám mục Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi hòa bình sau khi các phụ nữ Công Giáo được tường trình bị sát hại tại nhà thờ ở Gaza

Nhật ký trừ tà số 270: Quỷ cám dỗ và khiêu khích

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. IDF phủ nhận trách nhiệm giết hại Kitô hữu Palestine tại Nhà thờ Gaza

Tuyên bố của Lực Lượng Phòng Vệ Israel, gọi tắt là IDF, được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời lên án gay gắt về vụ tấn công bị cáo buộc sau khi đọc kinh Truyền tin Trưa Chúa Nhật 17 tháng 12.

IDF đã phủ nhận trách nhiệm về cái chết của hai phụ nữ Công Giáo Palestine, những người được tường trình đã bị giết tại khu phức hợp Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza vào sáng thứ Bảy.

Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem cho biết vào sáng thứ Bảy rằng “khoảng giữa trưa” ngày 16 tháng 12, một tay súng bắn tỉa của IDF “đã sát hại hai phụ nữ theo Kitô giáo bên trong Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, nơi phần lớn các gia đình theo Kitô giáo đã trú ẩn kể từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công vào dải Gaza.” Một số người khác cũng bị bắn, tuyên bố cho biết.

“Không có cảnh báo nào được đưa ra, không có thông báo nào được đưa ra,” Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem nói. “Họ bị bắn một cách máu lạnh trong khuôn viên của giáo xứ, nơi không có kẻ hiếu chiến nào cả.”

Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNA, IDF cho biết họ đã nhận được bức thư “mô tả một sự việc bi thảm xảy ra tại Giáo xứ Thánh Gia”.

Vào thứ Bảy, “đại diện của nhà thờ đã liên hệ với IDF về các vụ nổ được nghe thấy gần nhà thờ,” IDF cho biết.

“Trong cuộc đối thoại giữa IDF và đại diện cộng đồng, không có báo cáo nào về vụ tấn công vào nhà thờ cũng như thường dân bị thương hoặc thiệt mạng được đưa ra.”

Tuyên bố cho biết: “Việc xem xét các kết quả hoạt động của IDF hỗ trợ điều này”.

IDF đã không trả lời câu hỏi tiếp theo hỏi rõ ràng rằng liệu quân đội đang bác bỏ hay thách thức các báo cáo rằng một tay súng bắn tỉa của IDF đã giết chết hai phụ nữ tại giáo xứ.

Tuyên bố của IDF được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời lên án gay gắt về vụ tấn công bị cáo buộc sau khi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật vào ngày 17 tháng 12.

“Tôi tiếp tục nhận được tin tức rất nghiêm trọng và đau đớn từ Gaza. Những thường dân không có vũ khí phải hứng chịu các vụ đánh bom và xả súng”, Đức Thánh Cha nói.

“Và điều này thậm chí còn xảy ra bên trong khu phức hợp giáo xứ của Thánh Giá, nơi không có những kẻ khủng bố mà chỉ có các gia đình, trẻ em, người bệnh và người khuyết tật, các nữ tu,” ngài nói.

“Đúng, đó là chiến tranh, đó là khủng bố,” Đức Thánh Cha nói.

Sau vụ tấn công được báo cáo hôm thứ Bảy, các nhà lãnh đạo Công Giáo khác đã lên tiếng, bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội, Hoa Kỳ, người đã phát biểu trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng các giám mục đang kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch, giải phóng con tin, và đàm phán nghiêm chỉnh hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.”

Đức Cha Broglio, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết trong tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết cùng lên tiếng với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhắc nhở tất cả các bên trong cuộc xung đột này rằng chiến tranh không bao giờ là câu trả lời mà luôn là một thất bại”. “Chúng tôi cầu xin hòa bình, hòa bình tức khắc!'“

Cũng lên tiếng là Đức Hồng Y Vincent Nichols, tổng giám mục Westminster và chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales, người đã lên mạng xã hội để bày tỏ sự “kinh hoàng” của mình trước các sự kiện.

“Tôi rất đau lòng trước thông tin được cung cấp bởi Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, về các vụ giết người trong khuôn viên nhà thờ của Giáo xứ Công Giáo của Thánh Gia ở Thành phố Gaza,” Đức Hồng Y nói trong một tuyên bố.

Đức Hồng Y nói: “Tôi đã ngay lập tức gửi một thông điệp tới Đức Thượng Phụ bày tỏ sự kinh hoàng của tôi trước những sự kiện này và bảo đảm với Ngài về những lời cầu nguyện của người Công Giáo ở Anh và xứ Wales”.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem “đưa ra một bức tranh về việc lính IDF giết hại thường dân vô tội dường như có chủ ý và nhẫn tâm: một phụ nữ lớn tuổi và con gái của bà trong khuôn viên một nhà thờ,” ngài nói.

“Việc giết chóc này phải dừng lại. Nó không bao giờ có thể được biện minh.”

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sky News của Anh hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Nichols cho biết ông không tin lời phủ nhận của IDF và gọi đó là điều “khó tin”.

“Người dân ở Gaza và Đức Hồng Y Thượng Phụ Giêrusalem, họ không được phép nói dối,” ông nói.

Trong khi không nói đến việc Đức Giáo Hoàng mô tả vụ tấn công là “khủng bố”, Đức Hồng Y nói: “Đó chắc chắn là một vụ giết người máu lạnh, đó là mô tả đúng đắn những gì đã xảy ra”.

Mark Regev, cố vấn cao cấp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã phản bác nhận xét của Đức Hồng Y trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Sky News, và nói rằng: “Tôi sẽ bác bỏ việc phân loại những từ mà ngài đã sử dụng: 'giết người máu lạnh'. Điều đó cho thấy có sự việc ý tấn công vào dân thường; đó là điều chúng tôi không làm.”

“Chúng tôi không bắn những người đang đi nhà thờ, điều đó không bao giờ xảy ra. Đó không phải là cách IDF hoạt động”, ông nói thêm.

“Nói rằng Israel đang cố tình nhắm vào Kitô hữu, đó là một lời buộc tội khủng khiếp và vô căn cứ.”

BRK4LV-News21Dec2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Ủy ban Quốc hội kêu gọi trừng phạt nếu Hương Cảng không trả tự do cho Jimmy Lai

Số Kitô hữu tại Trung Quốc suy giảm

Giám đốc Viện Yad Vashem bị “sốc” vì trào lưu bài Do thái gia tăng

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

4. Ủy ban Quốc hội kêu gọi trừng phạt nếu Hương Cảng không trả tự do cho Jimmy Lai

Một ủy ban quốc hội đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các công tố viên và thẩm phán Hương Cảng nếu họ không trả tự do cho nhà hoạt động và nhà báo ủng hộ dân chủ Công Giáo Jimmy Lai, người đang bị xét xử vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia gây tranh cãi của Trung Quốc.

Nhà hoạt động 76 tuổi, người lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người ủng hộ dân chủ và tự do hơn ở Hương Cảng, đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức Mỹ và Âu Châu kể từ khi ông bị bắt vào ngày 10 tháng 8 năm 2020.

Lai đã bị giam ba năm trong nhà tù an ninh tối đa, bị buộc nhiều tội danh khác nhau, bao gồm cả thông đồng với lực lượng nước ngoài theo luật an ninh quốc gia năm 2020. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng luật này tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó trao cho các quan chức quyền rộng rãi để coi các đối thủ chính trị là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Phiên tòa xét xử Lai bắt đầu vào tuần này và anh ta có thể phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án.

Dân biểu Chris Smith, của Đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, của đảng Dân Chủ đơn vị Oregon, những người giữ chức chủ tịch và đồng chủ tịch Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc, gọi tắt là CECC, đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden “xử phạt các thẩm phán và các công tố viên liên quan đến vụ án này và các vụ án khác liên quan đến Luật An ninh Quốc gia” nếu các quan chức từ chối trả tự do cho Lai và những người khác đang bị cầm tù vì phát ngôn chính trị.

Tuyên bố ngày 17 tháng 12 viết: “Phiên tòa xét xử ông ấy… là một cuộc truy tố chính trị rõ ràng và đơn giản, đồng thời là một ví dụ đáng buồn khác về các chính sách ngày càng đàn áp của chính phủ Hương Cảng”. “Trong 4 năm qua, chỉ có các chế độ độc tài như Miến Điện và Belarus mới giam giữ tù nhân chính trị với tỷ lệ cao hơn Hương Cảng. Nên hủy bỏ cáo buộc chống lại Jimmy Lai và thả anh ta cùng với hơn 1.000 tù nhân chính trị khác.”

Bộ Ngoại giao đã đưa ra một tuyên bố vào Chúa Nhật kêu gọi chính quyền Hương Cảng “ngay lập tức thả Jimmy Lai và tất cả những người khác đang bị cầm tù vì bảo vệ quyền lợi của họ” nhưng không đưa ra các biện pháp trừng phạt đe dọa.

Matthew Miller, phát ngôn nhân của bộ cho biết: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh và Hương Cảng tôn trọng quyền tự do báo chí ở Hương Cảng”. “Các hành động ngăn chặn tự do báo chí và hạn chế luồng thông tin tự do – cũng như những thay đổi của Bắc Kinh và chính quyền địa phương đối với hệ thống bầu cử của Hương Cảng nhằm giảm bỏ phiếu trực tiếp và ngăn cản các ứng cử viên của đảng độc lập và dân chủ tham gia – đã làm suy yếu các thể chế dân chủ của Hương Cảng.” và làm tổn hại đến danh tiếng của Hương Cảng như một trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế.”

Phiên tòa đã nhận được sự chú ý đáng kể từ các nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó các quốc gia phương Tây khác bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Lai. Phát ngôn nhân của Chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Âu Châu cho biết các cáo buộc được đưa ra vì Lai “ủng hộ quyền tự do ngôn luận và dân chủ ở Hương Cảng”.

Tuyên bố ngày 18 tháng 12 cho biết: “Liên minh Âu Châu lấy làm tiếc về những cáo buộc chống lại anh ta và các nhà báo [khác]… và đang theo dõi chặt chẽ phiên tòa”. “Phiên tòa chống lại anh ta làm suy yếu niềm tin vào nền pháp quyền ở Hương Cảng và gây bất lợi cho sức hấp dẫn của thành phố cũng như vị thế của nó như một trung tâm kinh doanh quốc tế.”

Ngoại trưởng Anh David Cameron đã đưa ra một tuyên bố tương tự vào ngày 18 tháng 12, nói rằng luật an ninh quốc gia “đã gây tổn hại cho Hương Cảng, với các quyền và tự do bị xói mòn đáng kể” và rằng “các vụ bắt giữ theo luật đã làm im lặng tiếng nói của phe đối lập”.

“Tôi thực sự lo ngại rằng bất kỳ ai cũng phải đối mặt với việc bị truy tố theo Luật An ninh Quốc gia, và đặc biệt lo ngại về vụ truy tố có động cơ chính trị đối với công dân Anh Jimmy Lai,” ông Cameron nói. “Là một nhà báo và nhà xuất bản nổi tiếng và thẳng thắn, Jimmy Lai đã trở thành mục tiêu trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn việc thực thi ôn hòa các quyền tự do ngôn luận và lập hội của mình.”

Một số giám mục Công Giáo nổi tiếng cũng đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Lai, bằng cách ký một bản kiến nghị hồi tháng 11 kêu gọi trả tự do cho ông Lai. Ba giám mục Mỹ đã ký thỉnh nguyện: Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York; Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội, Hoa Kỳ; và Giám mục Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota.

Lai thành lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily vào năm 1995, tờ báo này phải đóng cửa vào giữa năm 2021 sau khi các quan chức phong tỏa tài sản của công ty. Vào năm 2020, Lai cho rằng đức tin Công Giáo của mình là một trong những lý do khiến anh ở lại Hương Cảng bất chấp cuộc đàn áp.

“Nếu tôi ra đi, tôi không chỉ từ bỏ số phận của mình, tôi từ bỏ Chúa, tôi từ bỏ tôn giáo của mình, tôi từ bỏ những gì tôi tin tưởng”, Lai nói.

BRK4LV-News23Dec2023

[Lan Vy]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh năm nay

Các Kitô hữu Úc châu: Tây phương hủy hoại môi trường sống

Sứ điệp Giáng Sinh của Ủy ban Công lý và Hòa bình tại Thánh địa

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

7. Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh năm nay

Đêm Giáng Sinh năm nay cũng là Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng. Điều đó có nghĩa là các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn các nghĩa vụ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh.

Trong một tình huống “tương đối hiếm gặp” xảy ra lần cuối vào năm 2017, Đêm Giáng Sinh năm nay rơi vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng như năm 2017.

Bởi vì người Công Giáo buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc, nên một số người đã hỏi liệu Thánh lễ chiều Chúa nhật vào đêm Giáng Sinh có chu toàn cả nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật lẫn nghĩa vụ Thánh lễ ngày Giáng Sinh hay không.

Ủy ban Phụng tự của Giám mục Hoa Kỳ cho biết các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật và Lễ Giáng Sinh.

Kể từ giữa thế kỷ 20, Giáo hội đã cho phép người Công Giáo tham dự các Thánh lễ vọng vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc như “một sự thuận tiện cho nhiều tín hữu”.

“Hầu hết các luật sư giáo luật đều tuân theo Tông hiến Christus Dominus của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành ngày 6 Tháng Giêng năm 1953, quy định 4 giờ chiều là thời gian sớm nhất khi các Thánh lễ vọng có thể được cử hành”

Điều này có nghĩa là nghĩa vụ Chúa Nhật ngày 24 tháng 12 có thể được hoàn thành vào Chúa Nhật, hoặc bất cứ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 23 tháng 12; và nghĩa vụ Thánh Lễ Giáng Sinh có thể được hoàn thành vào ngày 25 Tháng Mười Hai, Thứ Hai, bất kỳ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12.

Trong trường hợp có hai ngày buộc liên tục, như vào dịp Giáng Sinh năm nay, “quan điểm phổ biến của nhiều luật sư giáo luật là mỗi nghĩa vụ phải được hoàn thành bằng một Thánh lễ riêng biệt,” các giám mục cho biết.

“Như vậy, khi các nghĩa vụ liên tiếp diễn ra vào Thứ Bảy-Chúa Nhật hoặc Chúa Nhật-Thứ Hai, các tín hữu phải tham dự Thánh lễ hai lần để thực hiện hai nghĩa vụ riêng biệt”.

Theo các giám mục, câu hỏi liệu những nghĩa vụ như vậy có thể được thực hiện trong một Thánh lễ hay không đã được các giám mục nêu ra trước đây trong cái được gọi là dubium, trong đó “câu trả lời là không được bởi Thánh Bộ Giáo sĩ và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục chấp thuận vào năm 1970. “

Các giám mục cho biết: “Ý định của Giáo hội trong việc mở rộng khả năng đáp ứng các nghĩa vụ Thánh lễ thông qua Thánh lễ Vọng, là nhằm mục đích giúp việc thực hiện các nghĩa vụ dễ dàng hơn, chưa bao giờ được hình dung như một lỗ hổng pháp lý, và do đó, các nghĩa vụ riêng biệt vẫn còn”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng các ngài hy vọng rằng người Công Giáo “nuôi dưỡng lòng yêu mến Phụng vụ Thánh và mong muốn cử hành các ngày thánh một cách trọn vẹn nhất có thể”.

Các Giám Mục cũng lưu ý rằng các mục tử có thể miễn trừ cho các cá nhân hoặc gia đình “vì một lý do chính đáng và tuân theo bất kỳ quy định nào do giám mục giáo phận đặt ra”.

“Đồng thời, các giám mục giáo phận có thể xem xét hoàn cảnh khu vực của các ngài và ban hành các miễn trừ hoặc giảm nhẹ chung, đồng thời cho phép các mục tử đưa ra phán quyết trong các trường hợp cá nhân”.
 
VietCatholic TV
Hố to: Tự bắn rớt máy bay, Nga còn hồ hởi loan tin. Biệt kích Kyiv phá hủy Su-34. Eu vượt qua Orbán
VietCatholic Media
02:52 19/12/2023


1. Báo cáo cho thấy chỉ trong một ngày Nga mất hai chiến đấu cơ, một chiếc là do Nga tự bắn hạ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses Two Fighter Jets in Single Day: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy chỉ trong một ngày Nga mất hai chiến đấu cơ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo mới, Nga đã mất hai máy bay phản lực trong vòng chưa đầy 24 giờ, trong một minh chứng mới nhất về thiệt hại mà lực lượng không quân Mạc Tư Khoa phải gánh chịu trong gần hai năm chiến tranh ở Ukraine.

Truyền thông Ukraine đưa tin Nga đã mất một chiến đấu cơ-ném bom Su-34 sau khi Ukraine tấn công một căn cứ không quân của Nga từ tối thứ Bảy đến sáng Chúa Nhật. Trong một diễn biến khác, lực lượng không quân Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã bắn hạ một trong những máy bay ném bom chiến thuật Su-25 của họ hôm Chúa Nhật.

Lực lượng không quân Nga đã gặp khó khăn kể từ khi Điện Cẩm Linh phát động nỗ lực chiến tranh ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Theo quân đội Ukraine, Nga đã mất 324 máy bay kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên, quân đội Ukraine không liệt kê bất kỳ tổn thất máy bay mới nào của Mạc Tư Khoa trong các bản cập nhật gần đây.

Đầu năm nay, Newsweek tiết lộ rằng hơn 1/5 số thiệt hại về máy bay có người lái và trực thăng được biết đến của Nga trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 năm 2022 đến giữa tháng 8 năm 2023 không phải do các hoạt động của Ukraine.

“Tôi có thể tự tin nói rằng không phải lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ máy bay tấn công Su-25 của Nga”, Trung tướng Mykola Oleschuk, nhà lãnh đạo lực lượng không quân Ukraine, cho biết hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười Hai. Ông cho biết chính lực lượng phòng không Nga đã tiêu diệt chiếc chiến đấu cơ này. Blogger quân sự có ảnh hưởng của Nga, được biết đến với cái tên Fighterbomber, cũng xác nhận vụ mất một chiếc Su-25 của Nga vào Chúa Nhật.

Cơ quan quân sự và an ninh Ukraine, SBU, đã tấn công một phi trường của Nga ở khu vực biên giới Rostov vào tối thứ Bảy, hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda đưa tin hôm Chúa Nhật, trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong SBU.

“ Máy bay không người lái đã được triển khai để tấn công phi trường,” hãng này đưa tin. “Mặc dù Liên bang Nga đưa ra tuyên bố thường thấy rằng tất cả máy bay không người lái đã bị bắn hạ, nhưng trên thực tế, Cơ quan An ninh Ukraine và Lực lượng Vũ trang Ukraine đã gây ra thiệt hại đáng kể cho thiết bị quân sự của Nga.”

Thống đốc vùng Rostov của Nga, Vasily Golubev, cho biết lực lượng phòng không nước này đã “đẩy lùi một cuộc tấn công lớn” của máy bay không người lái xung quanh Morozovsk và thị trấn Kamensk-Shakhtinsky, gần biên giới với vùng Luhansk của Ukraine mà Nga sáp nhập.

Theo Ukrainska Pravda, phi trường Morozovsk có tới 20 máy bay Su-34 của Nga, thuộc Trung đoàn máy bay ném bom số 559 của Mạc Tư Khoa, vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

“Hầu hết máy bay không người lái đã bị phá hủy”, Golubev nói và chỉ nói thêm rằng không có thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã tấn công vào một số khu vực của nước này bằng 33 máy bay không người lái, bao gồm Volgograd, Lipetsk và Rostov. Chính phủ Nga sau đó cho biết thêm hai máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ trên khu vực Volgograd.

Ukraine đã nhiều lần tấn công vào các phi trường của Nga, nhằm mục đích tiêu diệt các máy bay phản lực Nga bắn hỏa tiễn vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine trước khi chúng có thể cất cánh. Vào giữa tháng 10, Ukraine đã ra mắt hỏa tiễn ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công hàng loạt máy bay trực thăng tại một căn cứ quân sự của Nga ở vùng Luhansk do Mạc Tư Khoa kiểm soát của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ám chỉ đến hoạt động này trong bài phát biểu tối Chúa Nhật, bày tỏ “lòng biết ơn đặc biệt” đối với cơ quan an ninh Ukraine, cơ quan tình báo quân sự của đất nước và cơ quan tình báo nước ngoài của Kyiv.

“Đây là trường hợp không có thông tin cụ thể nào được đưa ra,” ông nói và chỉ nói thêm rằng “nó rất mạnh mẽ.”

Cũng trong ngày Chúa Nhật, Nga cho biết họ đã bắn hạ hai máy bay MiG-29 và một máy bay Su-25 của Ukraine ở khu vực phía nam Mykolaiv và khu vực phía đông Donetsk.

Tuy nhiên, lực lượng không quân Ukraine đã phản bác rằng họ không mất một chiếc máy bay MiG-29 nào, và chiếc máy bay Su-25 được phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tường trình thực ra là của lực lượng không quân Nga chứ không phải của quân đội Ukraine.

2. Các đồng minh Ukraine ở Liên Hiệp Âu Châu có thể mở khóa quỹ viện trợ như thế nào?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Rarely Used Loophole Could Allow Ukraine Allies to Unlock Aid Funds”, nghĩa là “Lỗ hổng hiếm khi được sử dụng có thể cho phép các đồng minh Ukraine mở khóa quỹ viện trợ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu đang cân nhắc “Kế hoạch B” để vô hiệu hóa việc Hung Gia Lợi ngăn chặn khoảng 54 tỷ Mỹ Kim trong quỹ khẩn cấp dành cho Ukraine, khi Kyiv bước vào mùa đông thứ hai đầy nguy hiểm của cuộc chiến toàn diện với Nga.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết: “Việc nghiên cứu các giải pháp thay thế tiềm năng” cho kế hoạch tài trợ bị đình trệ đang được tiến hành, sau khi Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán đưa ra lời đe dọa chặn đợt cấp vốn mới nhất cho Kyiv tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày vào tuần trước ở Bruxelles.

Cô von der Leyen nói: “Tất nhiên, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để đạt được kết quả có được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên”. Trong khi đó, Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, cho biết ông vẫn “rất tin tưởng” rằng Liên Hiệp Âu Châu sẽ tìm ra giải pháp trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào cuối Tháng Giêng hoặc đầu tháng 2.

Khoản hỗ trợ trị giá 54 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine được đề xuất như một phần trong ngân sách chung sửa đổi của Liên Hiệp Âu Châu đến năm 2027. Những sửa đổi như vậy đòi hỏi sự đồng thanh, khién mỗi quốc gia đều có quyền phủ quyết.

Thất bại này đối với Kyiv xảy ra khi yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ quân sự 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vẫn bị Quốc hội giữ lại.

Quyết định của Ủy ban giải phóng 10 tỷ euro hay 11 tỷ Mỹ Kim là quỹ dành cho Hung Gia Lợi bị đóng băng trong gần một năm vì những lo ngại về pháp quyền là không đủ để thuyết phục Orbán, người luôn là lực cản lớn nhất của khối trong việc mở rộng hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.

Orbán có truyền thống tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mạc Tư Khoa và liên tục xung đột với các nhà lãnh đạo ở Kyiv về quyền của người thiểu số nói tiếng Hung Gia Lợi ở Ukraine.

Balázs Orbán, giám đốc chính trị của thủ tướng Hung Gia Lợi, cho rằng 11 tỷ Mỹ Kim trong quỹ phát hành là không đủ. “Chúng tôi không nhận được tiền của mình. Tại sao chúng ta lại có thêm cơ sở tài chính nào nữa?” ông nói, cáo buộc các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu “tống tiền Hung Gia Lợi trong nhiều năm” bằng cách giữ lại tiền. Ủy ban vẫn đang nắm giữ khoảng 21 tỷ Mỹ Kim tiền tài trợ cho Hung Gia Lợi.

Tờ Financial Times đưa tin, 26 quốc gia thành viên còn lại đang đồng thanh về kế hoạch đề xuất cấp 54 tỷ Mỹ Kim viện trợ và khoản vay cho Ukraine trong 4 năm tới. Tờ báo cho biết các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có thể tiến hành mà không cần Hung Gia Lợi bằng cách thành lập một quỹ mới ngoài ngân sách chung của Liên Hiệp Âu Châu mà không cần sự phê duyệt của Budapest.

Balázs Orbán gợi ý rằng Hung Gia Lợi thậm chí có thể sẽ đóng góp vào quỹ. Ông nói: “Hung Gia Lợi không phản đối việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine ngoài ngân sách, trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều” và với “một số khuyến nghị”.

3. Nga mất một chiếc máy bay Su-34 trong cuộc tấn công vào sân bay quân sự ở Morozovsk

Như chúng tôi đã loan tin, sân bay quân sự ở Morozovsk /mô-rô-dốp-ka/ là nơi đóng quân của Trung đoàn ném bom cận vệ 559 đã bị tấn công bằng máy bay không người lái vào sáng sớm Chúa Nhật. Căn cứ không quân này chứa các máy bay ném bom Su-24, Su-24M và Su-34 của Nga, và nằm cách thành phố Morozovsk 5km về phía Tây Nam, và cách biên giới với Ukraine 244km về phía Đông.

Sáng thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai, Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, cho biết các đám cháy đã được dập tắt, không có thiệt hại nhân sự nhưng một chiếc máy bay Su-34 đã bị phá hủy.

Sukhoi Su-34 là một loại máy bay tiêm kích và ném bom tầm trung siêu thanh hoạt động trong mọi thời tiết, hai động cơ, hai chỗ ngồi, có nguồn gốc từ thời Liên Xô. Nó bay lần đầu tiên vào năm 1990.

Dựa trên máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Sukhoi Su-27 Flanker, Su-34 có buồng lái bọc thép với chỗ ngồi cạnh nhau cho hai phi công. Su-34 được thiết kế chủ yếu để triển khai chiến thuật chống lại các mục tiêu mặt đất và hải quân trong các nhiệm vụ đơn lẻ và nhóm vào ban ngày và ban đêm, trong các điều kiện thời tiết thuận lợi và bất lợi và trong một môi trường thù địch đặc trưg bởi các biện pháp phản công và tác chiến điện tử. Su-34 được lên kế hoạch để thay thế máy bay chiến đấu tấn công chiến thuật Su-24 và máy bay ném bom đường dài Tu-22M.

Giá tối thiểu của một chiếc máy bay Su-34 là 36 triệu Mỹ Kim.

4. Cơ quan an ninh bắt giữ thường dân Ukraine bị cáo buộc mật báo cho Nga tấn công vào Zaporizhzhia

Hôm Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, Artem Dekhtiarenko, cho biết SBU đã bắt giữ một công dân Ukraine bị cáo buộc làm gián điệp cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, để giúp chỉ đạo các cuộc tấn công của Nga vào Zaporizhzhia.

“Người đàn ông này được cho là đã được FSB tuyển dụng từ xa vào tháng 10 và sau đó đã thành lập mạng lưới cung cấp thông tin của riêng mình để lùng sục Zaporizhzhia nhằm tìm kiếm các vị trí của quân đội Ukraine và lực lượng phòng thủ,” Dekhtiarenko nói.

“Sau đó, những kẻ chủ mưu đã chụp ảnh và quay video các địa điểm bị nghi ngờ khác nhau và chia sẻ với những người liên hệ với FSB của họ.”

“Một tòa nhà ở trung tâm Zaporizhzhia được cho là đã bị tấn công do hoạt động gián điệp này. Năm người chết và năm người khác bị thương nặng.”

SBU cho biết người đàn ông này đã bị buộc tội phản quốc và phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án. Dekhtiarenko cho biết đồng phạm của y đang bị truy nã.

5. Ukraine phải thay đổi các kế hoạch chiến tranh vì không còn đủ đạn dược

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Changes War Plans as Military Runs Low on Ammo”, nghĩa là “ Ukraine thay đổi kế hoạch chiến tranh khi quân đội sắp hết đạn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine được cho là đang buộc phải thu hẹp quy mô hoặc thay đổi một số kế hoạch chiến tranh do thiếu đạn dược trên chiến trường.

Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi cho biết trong một cuộc phỏng vấn do Reuters công bố hôm thứ Hai rằng quân đội đang “lên kế hoạch lại” các nỗ lực của mình do tình trạng thiếu đạn pháo “trên toàn bộ chiến tuyến”.

Tarnavskyi gọi tình hình là một “vấn đề rất lớn” đã trở nên trầm trọng hơn do quân đội Ukraine nhận được ít viện trợ nước ngoài hơn khi cuộc chiến của Kyiv chống lại các lực lượng xâm lược của Nga gần chạm mốc 22 tháng.

“Có một vấn đề với đạn dược, đặc biệt là đạn thời hậu Xô Viết - đó là loại 122ly, 152ly. Và ngày nay những vấn đề này tồn tại trên toàn bộ chiến tuyến”, Tarnavskyi nói. “Số lượng mà chúng tôi có ngày hôm nay không đủ cho nhu cầu của chúng tôi mỗi ngày.”

“Vì vậy, chúng tôi đang phân phối lại nó,” ông nói thêm. “Chúng tôi đang lên kế hoạch lại cho những nhiệm vụ mà chúng tôi đã đặt ra cho bản thân và làm cho chúng nhỏ hơn cho phù hợp với nguồn cung.”

Tướng Tarnavskyi nói tiếp rằng các hoạt động tấn công đã phải chuyển sang phòng thủ “ở một số khu vực”, trong khi lực lượng dự bị đang được chuẩn bị cho “các hành động quy mô lớn hơn” trong tương lai.

Viên Chuẩn tướng cũng tuyên bố rằng Nga đang gặp vấn đề về nguồn cung cấp đạn dược của chính họ, mặc dù không có thêm thông tin chi tiết nào về tình trạng thiếu hụt được tường trình này.

Nhận xét của Tarnavskyi được đưa ra trong bối cảnh gói viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ cho Ukraine vẫn bị giữ lại tại Quốc hội do các yêu cầu của thành viên liên quan đến các biện pháp an ninh biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.

Ukraine cũng bị giáng một đòn mạnh vào tuần trước sau khi kế hoạch gửi viện trợ trị giá 50 tỷ Euro, tương đương khoảng 54,6 tỷ Mỹ Kim của Liên Hiệp Âu Châu, bị Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán phủ quyết.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Âu Châu được cho là đang cân nhắc kế hoạch thúc đẩy viện trợ bất chấp sự phản đối của Orbán bằng cách thành lập một quỹ độc lập với ngân sách của liên minh và do đó sẽ không cần sự chấp thuận của Hung Gia Lợi.

Kyiv đã nhận được một số tin tức tích cực vào tuần trước, khi các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu bỏ phiếu ủng hộ việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và nước láng giềng Moldova, bất chấp cảnh báo từ Nga. Trong một động thái bất ngờ, Orbán đã kiềm chế thực hiện quyền phủ quyết bằng cách bỏ phiếu trắng về việc gia nhập.

Trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các nhà lãnh đạo Bắc Âu vào tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã cam kết viện trợ 7,5 tỷ kroner Đan Mạch, tương đương khoảng 1,1 tỷ Mỹ Kim. Khoản viện trợ này sẽ bao gồm đạn dược, xe tăng, máy bay không người lái và các khí tài chiến tranh khác.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cũng tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh rằng đất nước của ông sẽ giúp đỡ Kyiv bằng cách “tăng hỗ trợ tài chính và nhân đạo thêm khoảng 800 triệu Mỹ Kim trong năm nay, tổng cộng lên đến 1,8 tỷ Mỹ Kim”.

6. Liên Hiệp Âu Châu thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống lại Nga

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống lại Nga, bất kể những chống đối của Hung Gia Lợi hay còn gọi là Hungary.

Ông cho biết gói này tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm xuất nhập khẩu bổ sung đối với Nga, chống lại việc lách lệnh trừng phạt và thu hẹp các lỗ hổng.

Trong số các biện pháp này có lệnh cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển nhượng trực tiếp hoặc gián tiếp kim cương, bao gồm cả đồ trang sức, từ Nga.

7. Tư Lệnh Valerii Zaluzhnyi nhận định rằng tình hình chiến trường không phải là bế tắc

Trả lời câu hỏi liệu ông có coi tình hình chiến trường là bế tắc hay không, tư lệnh quân đội Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, trả lời “không”, truyền thông RBC của Ukraine đưa tin.

Ông từ chối bình luận về việc liệu Ukraine có tiếp tục các hoạt động phản công trong mùa đông hay không.

Tháng trước, Zaluzhnyi nói với tờ Economist rằng cuộc chiến đã bước vào giai đoạn chiến đấu tiêu hao sức lực, trong đó không bên nào đạt được nhiều tiến bộ trừ khi có bước đột phá về công nghệ.

Ông cũng cho rằng Nga đang dần chiếm thế thượng phong nhờ quân số vượt trội.

Ông nói: “Giống như trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chúng ta đã đạt đến trình độ công nghệ khiến chúng ta rơi vào bế tắc và rất có thể sẽ không có bước đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào”.

8. Lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, Đức sẽ triển khai quân đội ở hải ngoại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Germany Will Deploy Troops for First Time Since World War II”, nghĩa là “Đức sẽ triển khai quân đội lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một thỏa thuận mới giữa Đức và Lithuania sẽ dẫn đến việc quân đội Đức triển khai quân đội thường trực ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Thông báo này được đưa ra hôm thứ Hai tại Lithuania, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Arvydas Anusauskas gặp Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, để vạch ra “Kế hoạch hành động theo lộ trình” nhiều năm với sự tham gia của khoảng 4.800 binh sĩ Đức đồn trú thường trực. Cả hai quan chức đều gọi động thái này là một thời điểm lịch sử không chỉ đối với quốc gia của họ mà còn đối với NATO.

Quân đội Đức, bao gồm cả những người có gia đình, sẽ đóng quân tại các thành phố Kaunas và Vilnius của Lithuania bắt đầu từ năm 2024, với hầu hết quân được triển khai vào năm 2025 và 2026 và dự kiến có khả năng hoạt động đầy đủ vào năm 2027. Đổi lại, Lithuania đã cam kết cung cấp mọi thứ cần thiết cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự.

Thỏa thuận ban đầu được công bố vào tháng 6, nhưng không có mốc thời gian nào được đưa ra vào thời điểm đó.

Theo một thông cáo báo chí hôm thứ Hai, Anusauskas cho biết: “Cam kết của Đức về việc đồn trú lâu dài một lữ đoàn ở Lithuania là một bước đi lịch sử đối với cả Đức và Lithuania”. “Chúng ta đang chuyển sang một trang có quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn nữa.”

Ông nói tiếp: “Lữ đoàn Đức sẽ tăng cường đáng kể tiềm năng phòng thủ của chúng tôi và tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của NATO. Lộ trình được ký ngày hôm nay trình bày chi tiết lộ trình mà chúng tôi và Đức sẽ thực hiện điều đó.”

Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cho biết động thái này là một bước đi tích cực trong quan hệ quốc phòng, xét đến cuộc chiến kéo dài giữa Ukraine và Nga. Nga giáp giới với Lithuania; và Belarus, đồng minh thân cận của Nga, cũng giáp Lithuania.

Pistorius cho biết trong thông cáo: “Đức hiểu rõ tình hình mới về chính trị an ninh: chúng tôi đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và trách nhiệm trong Liên minh NATO khi chúng tôi triển khai một lữ đoàn chiến đấu ở Lithuania”. “Chúng tôi sẽ bảo đảm khả năng răn đe đáng tin cậy và chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ NATO. Chúng tôi đang gửi một tín hiệu rõ ràng bằng bước đi này tới những người gây ra mối đe dọa cho hòa bình và an ninh ở Âu Châu.”

Kế hoạch này được các chuyên gia của hai Bộ Quốc phòng xây dựng. Hầu hết quân Đức sẽ đóng quân trên lãnh thổ khu huấn luyện quân sự Rūdninkai, trong khi số còn lại sẽ được triển khai tại thị trấn Rukla, nơi có khoảng 1.000 quân đồng minh đang cư trú.

Các trung tâm hậu cần sẽ phục vụ cho lữ đoàn mới, bao gồm ba tiểu đoàn cơ động bên cạnh các đơn vị hỗ trợ và tiếp tế chiến đấu được thành lập bởi các đơn vị mới và hiện có.

Tiểu đoàn Thiết giáp số 203 đóng tại North Rhine-Westphalia và Tiểu đoàn bộ binh cơ giới số 122 đóng tại Bavaria sẽ được chuyển đến Lithuania. Thông cáo cho biết Nhóm Chiến đấu Tiểu đoàn Hiện diện Tiền phương được tăng cường của Lithuania sẽ được chuyển đổi thành một tiểu đoàn đa quốc gia để trở thành “một phần không thể thiếu của lữ đoàn”.

Nhà lập pháp Lithuania Laurynas Kasciunas, nhà lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia của quốc hội, cho biết nước này sẽ phân bổ 0,3% tổng sản phẩm quốc nội trong vài năm tới để giúp tài trợ cho việc triển khai và xây dựng nhà ở, sân tập và cơ sở hạ tầng khác cho người Đức. quân đội.

Ông cho biết thuế có thể sẽ phải tăng lên để phù hợp với kế hoạch này.

Pistorius so sánh thỏa thuận này với việc đóng quân của lực lượng đồng minh ở Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh để bảo vệ Tây Âu trong trường hợp Liên Xô tấn công, theo Reuters.

Vào Tháng Giêng 1, Đức đã bị Mỹ và các đồng minh phương Tây khác gây áp lực buộc phải cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để phục vụ nỗ lực phòng thủ chống lại lực lượng Nga.

“Sườn phía đông hiện đã di chuyển về phía đông và nhiệm vụ của Đức là bảo vệ nó”, Pistorius cho biết hôm thứ Hai trong cuộc họp báo chung.

Ông cho biết các binh sĩ Đức và gia đình của họ đến Lithuania sẽ có “điều kiện hấp dẫn”, bao gồm các trường dạy tiếng Đức, nhà trẻ, nhà ở và kết nối chuyến bay.

Ông nói thêm: “Tốc độ của dự án cho thấy rõ ràng rằng Đức hiểu rõ thực tế an ninh mới”.

Anusauskas nói rõ rằng hành động gây hấn của Nga ở Ukraine đóng vai trò then chốt trong kế hoạch mới này.

Ông nói: “Chúng ta không chỉ mong đợi những kịch bản tốt mà còn cả những kịch bản tồi tệ nhất. “Vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng… Nga vẫn là mối đe dọa chính đối với chúng ta và NATO.”

9. Bulgaria phải chịu khuất phục trước Hung Gia Lợi

AFP đưa tin Bulgaria đã bãi bỏ thuế đối với việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này sau khi Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, đe dọa phủ quyết nỗ lực lâu dài của nước này nhằm gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen.

Các nhà lập pháp đồng thanh ủng hộ đề xuất bãi bỏ mức thuế đặc biệt 20 leva hay 11 Mỹ Kim hay 272.000 tiền Việt Nam, một megawatt giờ đối với khí đốt của Nga đến từ đường ống dẫn khí đốt TurkStream mà nước này chuyển đến Hung Gia Lợi và Serbia.

Bulgaria và nước láng giềng Rumani gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2007, nhưng nỗ lực gia nhập khu vực đi lại tự do của họ đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia thành viên trong những năm qua, đặc biệt là Hung Gia Lợi.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trước đó Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Péter Szijjártó cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ với người Bulgaria rằng nếu họ duy trì điều này lâu dài, nếu họ gây nguy hiểm cho sự an toàn cung cấp năng lượng của Hung Gia Lợi trong thời gian dài, thì chúng tôi sẽ phủ quyết việc họ gia nhập Schengen”

Ông cho biết nước này sẽ dỡ bỏ quyền phủ quyết ngay khi thuế quá cảnh trên tuyến đường nhập khẩu khí đốt chính của Hung Gia Lợi được bãi bỏ. Hung Gia Lợi nhận 4,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nga theo thỏa thuận được ký vào năm 2021, chủ yếu thông qua Bulgaria và Serbia.

Theo ước tính của AFP, nhượng bộ này Bulgaria có tác dụng làm lợi cho Nga mỗi năm ít nhất 1.2 tỷ Mỹ Kim.

10. Nga pháo kích vào trung tâm thành phố Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 19 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết hai thường dân Ukraine đã thiệt mạng và ít nhất hai người khác bị thương trong 2 cuộc pháo kích của quân xâm lược vào Ukraine.

Ở phía bắc, quân Nga đã pháo kích vào làng Krasnopillia ở vùng Sumy, giết chết một thường dân và phá hủy các tòa nhà dân cư.

Ở phía nam, một người đàn ông 81 tuổi đã chết trên đường phố trong một cuộc tấn công vào trung tâm thành phố Kherson.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến tình trạng các binh sĩ Nga phải quay trở lại nhiệm vụ chiến đấu với những vết thương chưa lành

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Các thành viên của đơn vị Storm-Z của Nga rất có thể sẽ phải quay trở lại nhiệm vụ chiến đấu với những vết thương chưa lành và thậm chí sau khi bị cắt cụt chi. Điều này diễn ra sau những báo cáo đáng tin cậy rằng các thành viên của Shorm-Z, dân quân Donetsk và nhóm Wagner thường xuyên nhận được sự điều trị tối thiểu hoặc không được điều trị gì cả.

Có khả năng những tân binh bị kết án - những người chiếm tỷ lệ lớn trong các đơn vị Storm-Z - đặc biệt có khả năng bị đối xử tệ bạc. Một lý do là tù nhân thường thiếu giấy tờ cần thiết để vào bệnh viện quân đội.

Trong khi giảm áp lực lên hệ thống y tế quân sự đang quá tải, việc thiếu sự chăm sóc y tế tại chỗ thích hợp sẽ chuyển gánh nặng hành chính và y tế trở lại các đơn vị quân đội.

Storm-Z là một thuật ngữ không chính thức được quân đội Nga sử dụng, kết hợp thuật ngữ Storm chỉ quân tấn công với chữ Z, được quân đội sử dụng làm biểu tượng cho cuộc xâm lược Ukraine của họ.
 
Sét đánh ngang tai: Vatican ra Tuyên ngôn Fiducia supplicans cho phép chúc lành kết hiệp đồng phái
VietCatholic Media
06:58 19/12/2023

Bộ Giáo lý Đức tin hôm thứ Hai đã công bố Fiducia supplicans, dưới hình thức một Tuyên ngôn nhằm tạo ra một khuôn khổ để chúc lành cho các cặp đồng giới.

Tuyên ngôn là hình thức văn bản cao nhất của Bộ Giáo Lý Đức Tin và rất hiếm khi được sử dụng. Lần cuối cùng chúng ta có một Tuyên ngôn là Tuyên ngôn Dominus Jesus về Tính Duy Nhất Và Cứu Độ Phổ Quát Của Chúa Giêsu Kitô Và Hội Thánh được công bố ngày 6 tháng 8 năm 2000 nghĩa là cách đây hơn 23 năm khi Đức Bênêđíctô thứ 16 còn là Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trong khi văn bản nhấn mạnh rằng những lời chúc phúc đó không phải là những sự kiện phụng vụ, hay giống với hôn nhân, thì các tiêu đề trên khắp thế giới đã coi văn bản này là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, và một số người Công Giáo đã bày tỏ lo ngại rằng văn bản này có thể gây ra một cuộc ly giáo.

Việc công bố cho phép chúc lành cho các kết hiệp đồng tính diễn ra ngay trước lễ Giáng Sinh, dưới hình thức một Tuyên ngôn, chỉ hơn một năm sau khi chính Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng Giáo Hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính làm rất nhiều người hoang mang.

Tờ Pillar có bài tường trình nhan đề “Did the pope just permit gay marriage?”, nghĩa là “Có phải Đức Giáo Hoàng vừa cho phép hôn nhân đồng tính hay không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Fiducia supplicans nói rõ ràng rằng Vatican không có ý định cho phép hôn nhân đồng giới, hoặc bất cứ điều gì tương tự - và nói rằng Giáo hội thực sự không có quyền lực hoặc thẩm quyền để làm điều đó.

Mặc dù văn bản tạo ra một khuôn khổ để chúc lành cho các cặp đồng tính, nhưng Tuyên ngôn nói rằng không nên nhầm lẫn những chúc lành đó với hôn nhân, hoặc thậm chí với việc chấp thuận kết hợp đồng giới hoặc hoạt động đồng tính luyến ái.

Trên thực tế, văn bản nói rằng “các nghi thức và lời cầu nguyện có thể tạo ra sự nhầm lẫn giữa những gì cấu thành hôn nhân – tức là ‘sự kết hợp độc nhất, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, tự nhiên mở ra cho việc sinh con cái’ – và những gì mâu thuẫn với hôn nhân là không thể chấp nhận được” và nên tránh.

“Niềm tin này được đặt nền tảng trên giáo lý hôn nhân lâu đời của Công Giáo; chỉ trong bối cảnh này mà các mối quan hệ tính dục mới tìm được ý nghĩa tự nhiên, thích hợp và đầy đủ nhân bản của chúng. Giáo huấn của Giáo hội về điểm này vẫn vững chắc.”

Vậy Tuyên ngôn Fiducia supplicans nói về điều gì?

Tài liệu nói rằng khi mọi người đến để xin phép lành một cách tự nhiên, họ “bằng lời yêu cầu này thể hiện sự cởi mở chân thành của họ đối với sự siêu việt, sự tự tin của trái tim rằng họ không tin tưởng vào sức riêng của mình, nhu cầu của họ đối với Thiên Chúa và ước muốn của họ để thoát ra khỏi giới hạn chật hẹp của thế giới này, bị bao bọc trong những giới hạn của nó.”

Tuyên ngôn khuyến khích các cặp vợ chồng cầu xin chúc lành sẽ được ban cho họ - không phải để xác nhận sự vô đạo đức, mà để xác nhận mong muốn của họ về sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của họ.

Tuyên ngôn Fiducia supplicans nói rằng các phước lành là một “nguồn tài nguyên mục vụ cần được quý trọng hơn là một rủi ro hay một vấn đề”.

“Sự khôn ngoan và khôn ngoan mục vụ - tránh mọi hình thức tai tiếng và nhầm lẫn nghiêm trọng giữa các tín hữu - có thể gợi ý rằng thừa tác vụ thụ phong tham gia vào lời cầu nguyện của những người, mặc dù ở trong một sự kết hợp không thể so sánh được với hôn nhân, mong muốn phó thác bản thân cho Chúa và lòng thương xót của Ngài, cầu xin sự giúp đỡ của Ngài và được hướng dẫn để hiểu biết hơn về kế hoạch tình yêu và sự thật của Ngài.”

Tài liệu cho biết trong số những người đó có thể là người Công Giáo có quan hệ đồng giới.

Vậy Tuyên ngôn giả định điều gì?

Văn bản nhấn mạnh nhiều lần rằng không thể có nghi thức hay chữ đỏ để chúc lành cho các cặp đồng tính. Thay vào đó, Tuyên ngôn nói rằng nếu những cặp vợ chồng như vậy yêu cầu một phép lành, người ta có thể được ban cho “sự kết hợp lời cầu nguyện chuyển cầu với lời cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa bởi những người khiêm tốn quay về với Ngài”.

“Thiên Chúa không bao giờ từ chối bất cứ ai đến gần Ngài,” bản văn nhấn mạnh, “thực sự, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của những người không cho mình là công chính nhưng khiêm tốn thừa nhận mình là tội nhân, giống như mọi người khác.”

Nhấn mạnh rằng những cặp vợ chồng như vậy có thể nhận được một phép lành, văn bản nói rằng “những phép lành không theo nghi thức này không bao giờ ngừng là những cử chỉ đơn giản mang lại một phương tiện hữu hiệu để tăng cường niềm tin tưởng vào Thiên Chúa” và rằng các mục tử nên “cẩn thận để chúng không trở thành một hành vi phụng vụ hoặc bán phụng vụ, tương tự như một bí tích.”

Chẳng phải mọi người sẽ nghĩ rằng lời chúc phúc cho một cặp đồng tính về cơ bản là sự chứng thực cho mối quan hệ của họ, hay một kiểu hôn nhân đồng tính Công Giáo sao?

Tài liệu khẳng định rằng điều đó không nhất thiết phải như vậy.

“Chính xác là để tránh bất kỳ hình thức nhầm lẫn hoặc tai tiếng nào, khi lời cầu nguyện được một cặp yêu cầu trong một tình huống trái bất quy tắc, ngay cả khi nó được thể hiện ngoài các nghi thức do các sách phụng vụ quy định, thì việc chúc lành này không bao giờ được thực hiện đồng thời với các sách phụng vụ, các nghi lễ của một sự kết hợp dân sự, và thậm chí không liên quan đến chúng.”

Hơn nữa, các lời chúc phúc không thể được “thực hiện bằng bất kỳ trang phục, cử chỉ hoặc lời nói nào phù hợp với một đám cưới”.

Vậy những chúc lành đó sẽ như thế nào?

Văn bản nói rằng chúng có thể được cử hành trong “một chuyến viếng thăm một đền thờ” hoặc trong “một cuộc gặp gỡ với một linh mục, một lời cầu nguyện được đọc trong một nhóm hoặc trong một cuộc hành hương”.

Nó nhấn mạnh rằng “qua những chúc lành được ban không phải qua những hình thức nghi lễ riêng của phụng vụ mà như một sự diễn tả trái tim mẫu tử của Giáo hội – tương tự như những phép lành xuất phát từ cốt lõi của lòng đạo đức bình dân – không có ý định hợp pháp hóa bất cứ điều gì, nhưng đúng hơn là mở rộng cuộc đời mình cho Thiên Chúa, cầu xin Ngài giúp đỡ để sống tốt hơn, và cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để các giá trị của Tin Mừng được sống một cách trung thành hơn.”

Điều gì xảy ra bây giờ?

Điều đó thật khó nói.

Các giám mục ở một số quốc gia Âu Châu trong những tháng gần đây đã cho phép ban phép lành phụng vụ cho các cặp đồng giới. Mặc dù văn bản nói rằng những phép lành phụng vụ như vậy là không được phép, nhưng vẫn còn phải xem liệu Vatican có trấn áp hay không.

Nếu văn bản được tiếp nối bởi sự can thiệp của Vatican về việc ban phép lành phụng vụ cho các cặp đồng giới, thì có thể tài liệu này cuối cùng sẽ bị coi là hạn chế hơn so với thông lệ hiện nay ở một số nơi trong Giáo hội.

Nhưng nếu Vatican không hành động dựa trên các phép lành phụng vụ - trái ngược với văn bản thực tế của nó – Tuyên ngôn Fiducia supplicans có thể sẽ đi vào lịch sử vì đã bình thường hóa rộng rãi các phép lành phụng vụ đồng giới - một mối quan ngại mà nhiều người Công Giáo đã bày tỏ trong vài giờ kể từ khi nó được xuất bản, với một số bày tỏ lo ngại rằng văn bản của Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể gây ra sự ly giáo giữa các giám mục.

Vẫn còn phải xem mọi thứ sẽ đi theo hướng nào.


Source:Pillar
 
FSB báo cáo âm mưu ám sát của Kyiv. Đan Mạch hào hiệp tặng thiết giáp. Bệnh lạ lây nhanh ở Moscow?
VietCatholic Media
14:37 19/12/2023


1. Nga tuyên bố nỗ lực của biệt kích Ukraine nhằm ám sát nhà cung cấp quân sự hàng đầu của Nga đã bị ngăn chặn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Assassination Attempt on Top Russian Military Supplier Thwarted, FSB Claims”, nghĩa là “FSB tuyên bố nỗ lực ám sát nhà cung cấp quân sự hàng đầu của Nga đã bị ngăn chặn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã ngăn chặn một vụ ám sát nhà lãnh đạo một công ty quốc phòng ở Cộng hòa Udmurt của nước này.

Một công dân Nga 33 tuổi đã bị giam giữ tại thành phố Izhevsk, Tass đưa tin hôm thứ Hai, trích dẫn FSB. Anh ta bị phát hiện cùng với các bộ phận để chế tạo bom và chất nổ và đã hành động theo chỉ dẫn của một “tổ chức khủng bố Ukraine”.

Tass không nêu tên giám đốc công ty quốc phòng mà họ nói là mục tiêu của cuộc tấn công đã được lên kế hoạch, cũng như không nêu tên công ty.

Đã có nhiều cuộc tấn công trên đất Nga và các âm mưu ám sát trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin mà ông phát động vào tháng 2 năm 2022. Điện Cẩm Linh đã đổ lỗi phần lớn các vụ việc này cho cái gọi là “những kẻ phá hoại”—những cá nhân được cho là đã thực hiện đơn đặt hàng từ Ukraine

Các thành phần để chế tạo một thiết bị nổ tự chế và các thiết bị dùng để liên lạc với “điều phối viên” Ukraine được cho là đã bị tịch thu từ công dân Nga bị giam giữ, người này cũng chưa được xác định danh tính.

FSB công bố đoạn video ghi lại khoảnh khắc người đàn ông bị bắt giữ. Nó cho thấy một người đàn ông mặc đồ đen đang bị ghim xuống đất.

Đầu tháng này, cơ quan an ninh Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ ám sát Ilya Kiva, 46 tuổi, một cựu nghị sĩ Ukraine đã đào thoát sang Nga sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu và bị buộc tội phản quốc.

Theo một hãng tin độc lập của Nga, các trường hợp phá hoại cũng ngày càng gia tăng trong số các nhân viên FSB muốn rời cơ quan.

Một cựu nhân viên FSB nói với IStories, một cơ quan truyền thông điều tra của Nga, rằng sau khi Putin cấm mọi người từ chức khỏi FSB trong khi sắc lệnh điều động một phần của ông vẫn còn hiệu lực, nhiều nhân viên đã hành động với hy vọng bị sa thải.

Tổng thống Nga tuyên bố huy động một phần dân số vào tháng 9 năm 2022. Điện Cẩm Linh cho biết sẽ không ban hành sắc lệnh chấm dứt việc huy động một phần dân số.

Mikhail Khodorkovsky, một nhà tài phiệt người Nga đang sống lưu vong, nói với Newsweek vào tháng 7 rằng chưa đến một phần ba FSB sẵn sàng ủng hộ Putin nếu một cuộc binh biến xảy ra trong tương lai.

2. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cảnh giác Putin đang đánh lừa NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Apparent Shift on NATO Shouldn't Fool Anyone: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng điều có vẻ như sự thay đổi của Putin về NATO không nên đánh lừa bất cứ ai.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, những bình luận mới nhất của Putin về lập trường của Mạc Tư Khoa đối với NATO là “vô nghĩa”.

Báo cáo của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố hôm Chúa Nhật lập luận rằng Putin vẫn tiếp tục nỗ lực “ép buộc NATO từ bỏ các nguyên tắc cốt lõi của mình” bất chấp sự thay đổi bềngoài trong giọng điệu. ISW chỉ ra rằng việc mở rộng NATO là một trong những mối bất bình chính của Mạc Tư Khoa trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 830 dặm với Nga, đã trở thành thành viên NATO vào tháng Tư. Chính phủ Putin đã nhiều lần cảnh báo nước láng giềng phía Tây Bắc không nên gia nhập tổ chức này. Phần Lan kể từ đó đã cáo buộc Mạc Tư Khoa cố gắng gây bất ổn ở biên giới bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư, trong khi Nga phàn nàn về việc quân NATO đông “quá mức” ở biên giới.

Putin lập luận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga hôm Chúa Nhật rằng Phần Lan đã bị các đồng minh phương Tây “kéo” vào NATO và cảnh báo rằng “các vấn đề” có thể sẽ xảy ra sau đó. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga “quan tâm đến việc phát triển quan hệ” với các thành viên NATO và “không có lý do” cũng như “không có lợi ích địa chính trị” để “chiến đấu với các nước NATO”.

“Tuyên bố của Putin rằng Nga không có lợi ích gì trong việc xâm lược NATO cũng rất giống với tuyên bố dai dẳng của Điện Cẩm Linh vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 - ngay cả thời điểm trước cuộc xâm lược - rằng Nga không có ý định xâm lược Ukraine”, báo cáo nêu rõ. “Cuộc phỏng vấn có thể là một nỗ lực có chủ ý của Putin nhằm củng cố những nỗ lực của Điện Cẩm Linh trong việc xuyên tạc mối đe dọa quân sự của Nga như một phát minh tưởng tượng và nhân tạo của NATO.”

ISW nhấn mạnh rằng: “Mục tiêu kéo dài hàng thập kỷ của Putin là đặt ra các điều kiện trong đó NATO sẽ làm suy yếu sức mạnh toàn cầu của chính mình, tạo ra một NATO bị đánh bại về mặt cấu trúc và ý thức hệ, không thể chống lại các mục tiêu trong tương lai của Nga. Điều này có thể bao gồm các cuộc chinh phục lãnh thổ hoặc thiết lập quyền thống trị của Nga đối với các quốc gia mà Mạc Tư Khoa cho là nằm trong phạm vi kiểm soát thích hợp của mình”.

ISW nói tiếp rằng, bất chấp những luận điệu của Putin, chiến thắng của Nga trước Ukraine và “những luận điệu lặp đi lặp lại của Điện Cẩm Linh về ý định thù địch của họ đối với NATO” sẽ trở thành một mối đe dọa “đáng tin cậy” và “tốn kém” đối với phương Tây, có thể dẫn đến các cuộc xung đột quân sự sâu rộng hơn.

Trong khi cố gắng thuyết phục Quốc Hội ủng hộ kế hoạch gửi 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự bổ sung của Mỹ cho Ukraine vào đầu tháng này, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng Putin “sẽ không dừng lại” nếu ông đánh bại Ukraine, đồng thời cho thấy Putin sẽ tiếp tục tấn công “một đồng minh NATO” và buộc các thành viên phải “bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO”.

Đồng minh của Putin và nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, gần đây lập luận rằng sự hợp tác giữa các quốc gia NATO và việc mở rộng liên minh này cho thấy “phương Tây rõ ràng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn với Nga”.

3. Đan Mạch hỗ trợ sáng kiến của Thụy Điển trong việc tặng xe chiến đấu bộ binh CV90 cho Ukraine

Reuters đưa tin Đan Mạch đã dành 1,8 tỷ krona Đan Mạch hay 264 triệu Mỹ Kim để giúp tài trợ cho sáng kiến của Thụy Điển tặng xe chiến đấu bọc thép CV90 cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Thụy Điển đã tặng 50 chiếc CV90 cho nước này trong cuộc chiến với Nga. Bộ cho biết khoản quyên góp của Đan Mạch sẽ giúp tài trợ cho việc sản xuất thêm các phương tiện, phụ tùng, đạn dược và thỏa thuận bảo trì nhiều năm.

4. Nga chỉ trích Latvia vì trục xuất hàng ngàn người Nga khỏi quốc gia này

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích quyết định của Latvia trục xuất hàng ngàn người Nga khỏi quốc gia này.

Bà ta cho rằng Latvia, giáp biên giới Belarus và Nga, đang làm căng thẳng thêm quan hệ giữa 2 nước, vốn đã rất căng thẳng khi Latvia làm thủ tục trục xuất hơn 1.000 người Nga vì không tuân thủ các yêu cầu cần thiết để gia hạn giấy phép cư trú tạm thời.

Vào năm 2022, quốc hội Latvia đã thắt chặt các quy định về cư trú để đối phó với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, có nghĩa là người Nga sống ở Latvia hiện phải nộp đơn xin thường trú và vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ Latvia ở cấp độ cơ bản.

Tưởng cũng nên nhắc lại là căng thẳng giữa hai nước đã bùng lên dữ dội khi Latvia dỡ bỏ các tượng đài thời Liên Xô.

Bất chấp những đe dọa của Nga, Latvia dỡ bỏ tượng đài thời Liên Xô kỷ niệm Hồng quân đánh bại Hitler.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho rằng “Thủ đô Riga của Latvia mang nửa dòng máu Latvia, nửa dòng máu Nga, và tôi nghĩ rằng một phần của nhà nước, một phần của đất nước cũng nên tôn trọng quyền của phần bên kia.” Bà cho rằng quyết định của Latvia giật sập tượng đài này đã giật sập tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước, và sẽ có những hậu quả nhận định.

Phát biểu về quyết định này, phát ngôn nhân của thành phố Riga, Janis Lange cho biết: “Đối với người dân Latvia, tượng đài này tượng trưng cho sự chiếm đóng Latvia của Nga sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa”. Theo Janis Lange, quyết định giật sập tượng đài đã được đưa ra sau khi có nhiều người Nga thường tụ tập tại công viên Uzvara, là nơi có tượng đài này để tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Hàng ngàn người đã chờ đợi thời khắc lịch sử khi đài tưởng niệm cao 79 mét, mà trên cùng được trang trí bằng các ngôi sao bị hạ xuống. Họ tập trung xung quanh Công viên Uzvara nghĩa là Chiến thắng. Đài tưởng niệm được hạ xuống sau khoảng bảy giờ làm việc, khi rơi xuống tượng đài đã gây ra một tiếng va chạm lớn và nước bắn lên cao từ hồ nước gần bên. Người dân đã nhiệt liệt hoan hô chào đón sự sụp đổ của chiếc tháp kỷ niệm quân đội Liên Xô bằng một tràng pháo tay và những tiếng hò reo.

Tất cả các diễn biến căng thẳng này diễn ra trong khi máy bay NATO tuần tra trên bầu trời để tránh các diễn biến bất ngờ.

5. Báo cáo cho thấy Nga mất 300 chiến binh ưu tú trong 4 ngày ở 'Máy xay thịt' Vuhledar

Các chi tiết mới đã xuất hiện về cuộc tấn công thảm khốc năm 2022 của Nga xung quanh thành phố Vuhledar phía đông Ukraine, mà các thủy quân lục chiến Nga có liên quan mô tả là một hành động “không thể hiểu nổi” và các quân nhân bị coi như “thịt”.

BBC News của Nga và hãng tin độc lập của Nga MediaZona đã tiến hành một cuộc điều tra phát sóng hôm thứ Hai về cuộc tấn công thất bại vào tháng 11 năm 2022 nhằm vào Vuhledar, đã bị quân phòng thủ Ukraine đẩy lùi, với thương vong nặng nề cho những kẻ tấn công. Báo cáo mới tập trung vào vận mệnh của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 155 trong cuộc tấn công vào khu định cư Pavlivka ở phía nam Vuhledar.

Các thành viên của Lữ Đoàn 155—được gọi là “Mũ nồi đen”—là đội tiên phong trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, chiến đấu ở Kyiv và bị buộc tội liên quan đến tội ác chiến tranh ở vùng ngoại ô thủ đô khét tiếng Bucha hiện nay. Là một phần của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đơn vị này nằm trong số các đơn vị tinh nhuệ được cử đến để hỗ trợ cho một chiến thắng quân sự dễ dàng của Nga.

Vào thời điểm đó, các thành viên của đơn vị mô tả các trận chiến xung quanh Vuhledar là “tệ hơn cả địa ngục”, chỉ trích sự “tầm thường” của các sĩ quan chỉ huy của họ. “Chúng tôi mất khoảng 300 người thiệt mạng, bị thương và mất tích trong 4 ngày,” một lá thư của Thủy Quân Lục Chiến cho biết, bên cạnh đó Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 cũng mất “50%” trang thiết bị của đơn vị.

BBC và MediaZona đã xác định được một thành viên của đơn vị—Ramaz Gorgadze—người được thông báo mất tích vào tháng 12 năm 2022. Để tìm kiếm câu trả lời, mẹ của Gorgadze đã theo dõi con trai mình đến địa điểm tổ chức tấn công của đơn vị ở Volnovakha, ngay phía đông nam Vuhledar.

Các hãng tin đưa tin người lính thủy quân lục chiến đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một ngôi nhà bị tạm chiếm trong khu vực chiến sự, bị thương nặng và chết vài giờ sau đó.

Trong một lá thư gửi Thống đốc Oleg Kozhemyako của Lãnh thổ Primorsky ở vùng viễn đông của Nga, nơi đặt trụ sở của Lữ Đoàn, các quân nhân thủy quân lục chiến đã đổ lỗi cho Tướng Rustam Muradov và Thiếu tướng Sukhrab Akhmedov về vụ tàn sát.

“Những kẻ tầm thường như Muradov và Akhmedov sẽ lên kế hoạch hoạt động quân sự vì mục đích báo cáo của họ và nhận giải thưởng với cái giá là mạng sống của rất nhiều người? Họ không quan tâm đến bất cứ điều gì, khác mà chỉ muốn thể hiện bản thân. Họ gọi người ta là thịt.”

Thất bại xung quanh Vuhledar đã gây ra sự phẫn nộ ở Nga, xảy ra sau vài tháng thất bại trên chiến trường. Aleksandr Sladkov, một nhà báo quân sự Nga làm việc cho Đài Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Toàn Nga, cho biết vào năm 2022: “Tình hình ở Pavlivka đã được thảo luận ở cấp cao nhất trong nhiều ngày và máu vẫn tiếp tục đổ”.

Kể từ khi cuộc tấn công Kyiv sụp đổ vào đầu năm 2022, các hoạt động tấn công của Nga ở Ukraine phần lớn được đặc trưng bởi các đội hình bộ binh đông đảo, di chuyển chậm và được hỗ trợ nhẹ bởi sức mạnh pháo binh có sức tàn phá cực lớn. Đường lối này chỉ đạt được thành công hạn chế trên chiến trường và dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên.

Nhưng chiến thuật đẫm máu của Nga đã ổn định mặt trận theo hướng có lợi cho Mạc Tư Khoa, buộc Ukraine phải triển khai lực lượng đáng kể đến những nơi như các thành phố phía đông Bakhmut và Avdiivka, nơi quân đội Điện Cẩm Linh đã tiến hành các cuộc tấn công khốc liệt. Khi mùa đông đang đến trên chiến tuyến, các đơn vị của Điện Cẩm Linh vẫn đang phải giao tranh ác liệt ở Avdiivka.

Nhà phân tích quân sự Nga Pavel Luzin trước đó nói với Newsweek: “Nga đã tự đưa mình vào thảm họa chiến lược chết người kể từ tháng 2 năm 2022”. Ông nói thêm rằng hậu quả sẽ “làm suy yếu nó trong nhiều thập kỷ”.

6. Nga phủ nhận sự bùng phát virus bí ẩn khi video cho thấy hàng dài xe cứu thương trước bệnh viện

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Denies Mystery Virus Outbreak as Video Shows Row of Ambulances”, nghĩa là “Nga phủ nhận sự bùng phát virus bí ẩn khi video cho thấy hàng dài xe cứu thương trước bệnh viện.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Nga phủ nhận thông tin virus đang bùng phát ở nước này sau khi các video lan truyền trên mạng cho thấy các hàng xe cứu thương xếp hàng bên ngoài các bệnh viện truyền nhiễm ở Mạc Tư Khoa.

Bộ Y tế Mạc Tư Khoa đã phản hồi sau khi kênh Telegram tiếng Nga Baza, có liên kết với các cơ quan an ninh của nước này, công bố đoạn phim và cho biết các xe cứu thương đã được quay bên ngoài hai bệnh viện ở thủ đô vào tối Chúa Nhật.

Baza đưa tin: “Một hàng xe cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm số 1 và số 2 ở Mạc Tư Khoa”. “Hầu hết người bệnh đều bị viêm phổi. Theo Baza, khoảng 30 xe cấp cứu đã tập trung tại bệnh viện thứ nhất và hơn 10 xe cứu thương ở bệnh viện thứ hai”.

Vài ngày trước đó, hãng truyền thông MK.ru của Nga đưa tin rằng “một loại virus khó hiểu đã bắt đầu lây lan khắp nước Nga”.

Sở y tế địa phương cho biết tình trạng xe cấp cứu xếp hàng chờ bên ngoài bệnh viện không phải là điều bất thường và tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cũng như bệnh nhiễm virus đường hô hấp cấp tính, gọi tắt là ARVI, không tăng trong những tuần gần đây.

Trong một tuyên bố, Sở y tế Mạc Tư Khoa cho biết: “Tình trạng một số xe cứu thương đậu trước bệnh viện tại một bệnh viện bệnh truyền nhiễm là bình thường thôi”. “Sự gia tăng tỷ lệ mắc ARVI và COVID ở Mạc Tư Khoa đã chậm lại; số liệu của tuần trước không vượt quá dữ liệu của tuần lễ trước đó. Và tỷ lệ mắc COVID đã giảm trong 2 tuần. Trong 1 tới2 tuần tới, tỷ lệ mắc bệnh được dự đoán sẽ đạt mức ổn định.”

Sở cho biết “không có sự gia tăng đáng kể về số ca vào bệnh viện trong thành phố” và “tình hình bệnh tật là bình thường và phù hợp với mùa dịch”.

“Việc có tới 24 xe hơi tại chỗ cùng lúc là thông lệ tiêu chuẩn trong giờ cao điểm và không phải là tình trạng xếp hàng hay tình huống khẩn cấp.

“Bệnh viện thường xuyên theo dõi bệnh nhân đến; Tình hình khi có khoảng 23 xe hơi trên lãnh thổ, đã được giải quyết trong vòng nửa giờ. Ở bệnh viện số 2, tương tự...sự hiện diện của 10 xe hơi trên lãnh thổ là tiêu chuẩn bình thuờng”, Sở Y tế nói thêm.

Các blogger Nga có vẻ không tin vào phản hồi của sở y tế Mạc Tư Khoa. Một blogger nói “Chuyện bình thường thôi mà. Các tài xế đang đậu xe ở đó để chạy đi xếp hàng mua trứng gà.”

Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, ngày 15/12 cho biết các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp đang gia tăng trên khắp khu vực Âu Châu của WHO.

Marc-Alain cho biết: “Ở một mức độ lớn, dự kiến các mầm bệnh đường hô hấp sẽ gia tăng theo mùa, nhưng sự gia tăng trong năm nay cũng có thể là do nhiễm trùng ở những trẻ em được bảo vệ trong đại dịch và do một số mầm bệnh này lưu hành khác nhau vào mỗi mùa đông”. Widdowson, nhà lãnh đạo mầm bệnh có mối đe dọa cao tại Văn phòng khu vực Âu Châu của WHO, cho biết trong một tuyên bố.

7. Hội Đồng Liên Hiệp Âu Châu sẽ nhóm họp vào ngày 1 Tháng Hai về viện trợ cho Ukraine

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 1 tháng 2 để thảo luận về ngân sách nhiều năm của mình, bao gồm cả việc tài trợ cho Ukraine, sau khi gói hỗ trợ 50 tỷ euro dành cho Ukraine bị Thủ tướng Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, phủ quyết hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai vừa qua.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine, nhưng họ không thể đồng ý về gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro cho Kyiv do bị Hung Gia Lợi phản đối.

Cuộc tranh cãi về viện trợ tài chính xảy ra vào thời điểm khó khăn đối với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, khi cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga đã không đạt được lợi ích lớn và tổng thống Mỹ Joe Biden, cho đến nay vẫn chưa thể nhận được gói 60 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv thông qua Quốc hội Mỹ.

8. Điện Cẩm Linh hoan nghênh chiến thắng của Aleksandar Vucic trong cuộc bầu cử Serbia

Điện Cẩm Linh đã hoan nghênh chiến thắng được tuyên bố trong cuộc bầu cử quốc hội của đảng Đảng Tiến bộ Serbia của nhà lãnh đạo Serbia Aleksandar Vučić.

Đảng Tiến bộ Serbia, gọi tắt là SNS, của Aleksandar Vučić, nắm quyền từ năm 2012, đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.

Các đảng đối lập cáo buộc gian lận bầu cử có lợi cho chính phủ và kêu gọi kiểm phiếu lại.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi hoan nghênh thành tích này của Vučić”.

Peskov, người gọi Serbia là một quốc gia “anh em”, cho biết Mạc Tư Khoa hy vọng kết quả này sẽ dẫn đến “tăng cường hơn nữa tình hữu nghị” giữa hai nước.

Serbia và Nga có mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử, vì thế Serbia không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Mạc Tư Khoa vì cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

9. Nga đã làm hư hại hoặc phá hủy hầu hết mọi tòa nhà ở Avdiivka

Theo một báo cáo mới từ Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, người cũng là Bộ Trưởng Bộ Hội Nhập Các Lãnh Thổ Bị Nga Tạm Chiếm, Nga đã làm hư hại hoặc phá hủy hầu hết mọi tòa nhà ở thành phố Avdiivka phía đông Ukraine, như một phần của một cuộc tấn công lớn nhằm cố tình san phẳng cơ sở hạ tầng dân sự.

Cô cho biết tất cả 17 cơ sở giáo dục của thành phố đều bị tấn công. Người Nga đã tấn công vào 9 trong số 11 phòng khám y tế, tất cả 5 nhà thờ ở Avdiivka và 3 siêu thị lớn ở đây. Quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Khimik, nơi tập trung những ngôi nhà thời Liên Xô.

Lực lượng Nga đã tấn công vào 26 tòa nhà chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn quân đội Ukraine sử dụng chúng làm trạm quan sát. Báo cáo cho biết đã xảy ra các cuộc tấn công ở 25 trong số 26 tòa tháp, nơi từng là nơi sinh sống của hàng ngàn người.

Phó Thủ tướng Vereshchuk nhấn mạnh rằng Avdiivka là chiến trường trung tâm trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Các cuộc bắn phá thành phố diễn ra không ngừng nghỉ - hầu như không có tòa nhà nào ở trung tâm thành phố không bị tổn hại, gần như tất cả cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng như trường học, bệnh viện và siêu thị phần lớn bị phá hủy hoặc hư hỏng.

Chiến lược của Nga bao gồm việc pháo kích bừa bãi vào các khu vực đô thị cùng với việc sử dụng vũ khí chính xác hơn để nhắm vào các tòa nhà cụ thể. Chúng tôi đã thấy mô hình tương tự ở các thành phố tiền tuyến khác như Mariupol và Bakhmut, nơi chúng tôi lập bản đồ cuộc bao vây hung hãn của lực lượng Nga đối với các thành phố đó.

Theo thị trưởng quân sự của Avdiivka, Vitaliy Barabash, 154 cư dân đã thiệt mạng. Khoảng 1200 người vẫn còn ở trong thành phố, nơi đã nằm ở tiền tuyến kể từ năm 2014, khi Nga chiếm giữ thủ phủ khu vực Donetsk gần đó.

Vào tháng 10, lực lượng vũ trang Nga tấn công từ ba hướng, sử dụng xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh.

Những trận chiến khốc liệt vẫn tiếp tục bất kể thương vong rất cao của quân Nga. Ước tính Nga đã mất 17.000 quân ở đây từ ngày 10 Tháng Mười cho đến nay.

Quân đội Ukraine kiểm soát trung tâm đô thị chính và một nhà máy sản xuất than cốc và hóa chất lớn ở phía tây bắc cũng như một con đường tiếp tế quan trọng.

10. Ukraine đã thu hẹp quy mô hoạt động quân sự do thiếu viện trợ nước ngoài

Một tướng quân đội cao cấp cho biết, binh sĩ tiền tuyến Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và phải giảm bớt một số hoạt động quân sự vì thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài.

Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi phát biểu sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ từ chối phê chuẩn gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ và Hung Gia Lợi chặn 50 tỷ euro tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Kyiv.

Ông nói với Reuters:

Có một vấn đề với đạn dược, đặc biệt là đạn thời hậu Xô Viết – đó là loại 122 ly, 152 ly. Và ngày nay những vấn đề này tồn tại trên toàn bộ tuyến đầu…

Khối lượng mà chúng tôi có ngày hôm nay không đủ cho chúng tôi mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi đang phân phối lại nó. Chúng tôi đang lên kế hoạch lại cho những nhiệm vụ mà chúng tôi đã đặt ra cho bản thân và làm cho chúng nhỏ hơn để phù hợp với những gì chúng tôi có.

Tarnavskyi nói thêm rằng tình trạng thiếu đạn pháo là một vấn đề quan trọng đối với Ukraine, nhưng cũng lưu ý rằng lực lượng Nga cũng đang phải đối mặt với vấn đề về đạn dược tương tự.
 
Tin Vui: Máu Thánh Gennariô vừa hóa lỏng một cách kỳ diệu ở Naples. Tại sao cho phép chúc lành?
VietCatholic Media
17:11 19/12/2023


1. Máu Thánh Gennariô lại hóa lỏng một cách kỳ diệu ở Naples

Máu của Thánh Gennariô, quan thầy của thành phố Naples, tiếng Ý gọi là Napoli, đã hóa lỏng vào ngày Thứ Bẩy, 16 tháng 12. Phép lạ đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố trong Thánh lễ mừng bổn mạng của thành phố.

Trong thánh lễ 10 giờ sáng, phép lạ đã diễn ra vào lúc 10g35.

Trước Thánh lễ, Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Cha sở nhà thờ chính tòa, đã đến Nhà nguyện Kho báu của Thánh Gennariô, cùng với thị trưởng thành phố Luigi De Magistris.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu khô dính vào một bên của lọ máu sẽ hóa lỏng bao phủ toàn bộ tấm kính. Theo truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

10h sáng giờ địa phương, Cha Gregorio đã đưa lọ máu khô lên bàn thờ, lúc đó máu Thánh Gennariô vẫn còn khô cứng trong lọ. Vị chủ tế đã cử hành thánh lễ rồi mới cầm lọ máu lên xem. “Máu đã hóa lỏng,” ngài nói, trước tiếng reo vui của nhiều người.

Theo tài liệu của cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, thậm chí đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế, Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có các thánh lễ vào lúc 10g, và 12g30, 17g và 18g30 trong ngày 16 tháng 12; và các thánh lễ 9g sáng, 12g30, 16g30 và 18g30 vào ngày Chúa Nhật tiếp theo. Việc phép lạ diễn ra vào lúc 10g35 trong thánh lễ đầu tiên được kể là kỳ tích.

Xương và máu của Thánh Gennariô được lưu giữ như những di vật quý giá trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Napoli. Vị Giám mục của thành phố miền nam nước Ý đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới triều Hoàng Đế Điôclêtiô.

Phép lạ nổi tiếng được biết đến và chấp nhận tại địa phương, mặc dù nó vẫn chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Theo truyền thống, sự hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào của hoả diệm sơn Vesuvius gần đó vào năm 1631.

Tuy nhiên, vào ngày 23 tháng 11 vừa qua, phép lạ cũng được cho là đã bất ngờ xảy ra sau khi Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô cầm thánh tích trong chuyến viếng thăm nhà thờ chính tòa Naples. Sự kiện này đã được xác nhận trong một email gửi tới Register, đối tác tin tức chị em của CNA, từ tổng đại diện các giáo phận Chính thống Ý, Cha Vissarion Vakaros.

Cha Vakaros nói: “Chúng tôi có thể bảo đảm với tư cách là nhân chứng tận mắt về phép lạ mà bạn đã đề cập”. “Thật vậy, khi Đức Thượng Phụ của chúng tôi cầm thánh tích máu Thánh Gennariô trong tay, máu đã hóa lỏng ngay lập tức.


Source:National Catholic Register

2. Nhận định về tuyên ngôn cho phép chúc lành cho các cặp đồng giới của Vatican

Thông tấn xã National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Vatican Says Priests Can Bless Same-Sex Couples Without Condoning Their Lifestyles.” nghĩa là “Vatican cho biết các linh mục có thể chúc lành cho các cặp đồng giới mà không cần tán thành lối sống của họ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Phán quyết này là phán quyết mới nhất trong một loạt ào ạt các tài liệu được Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố kể từ khi Hồng Y Victor Manuel Fernández đảm nhận chức vụ tổng trưởng vào tháng 9 - có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi hơn về vấn đề này, với cả những người ủng hộ và những người chỉ trích đều coi đây là cơ hội có thể mở ra cho những thay đổi ào ạt khác trong tương lai gần.

Vatican đã ban hành hướng dẫn mới về chủ đề chúc lành cho những người bị thu hút bởi người đồng giới, nói rằng các linh mục Công Giáo có thể chúc lành cho các cặp đồng giới như một biểu hiện của sự gần gũi mục vụ mà không tán thành mối quan hệ tình dục của họ.

Phán quyết này cũng áp dụng cho những người Công Giáo tái hôn dân sự mà không nhận được giấy hủy hôn cũng như cho các cặp vợ chồng trong “các tình huống bất quy tắc” khác, nhấn mạnh rằng những lời chúc phúc như vậy không thể được ban tặng theo cách có thể gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào về bản chất của hôn nhân, mà văn kiện này khẳng định đây là “bối cảnh duy nhất mà các mối quan hệ tính dục tìm được ý nghĩa tự nhiên, thích hợp và đầy đủ nhân bản”.

“Giáo huấn của Giáo hội về điểm này vẫn vững chắc,” Bộ Giáo lý Đức tin cho biết trong tuyên bố ngày 18 tháng 12.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các phép lành chỉ có thể được ban “một cách tự phát” chứ không phải trong bối cảnh của một nghi thức phụng vụ chính thức.

Hướng dẫn này là sự can thiệp mới nhất - và có thẩm quyền nhất - của Vatican về một vấn đề đã gây ra tranh cãi trong Giáo hội hoàn vũ những năm gần đây.

Vào tháng 9 năm 2022, các giám mục của khu vực nói tiếng Flemish của Bỉ đã công bố nghi lễ chúc lành cho các cặp đồng giới trong giáo phận của các ngài. Động thái này hoàn toàn mâu thuẫn với khẳng định của Bộ Giáo Lý Đức Tin vào tháng 2 năm 2021 rằng Giáo hội không có quyền chúc lành lành cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.

Tháng 3 vừa qua, Tiến trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức đã phê chuẩn một nghị quyết thiết lập phép lành phụng vụ chính thức cho các kết hợp đồng giới cũng như những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Vào tháng 8, tổng giám mục Berlin nói rằng ông sẽ không kỷ luật các linh mục ban phép lành như vậy và công bố danh sách các giáo sĩ sẵn sàng chúc lành lành cho họ.

Một nhóm Hồng Y đã viết thư cho Đức Thánh Cha vào tháng 7 yêu cầu làm rõ quan điểm của Giáo hội về chúc lành đồng tính, cùng nhiều vấn đề khác. Hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin hôm 18 Tháng Mười Hai, được xây dựng dựa trên nhiều chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong câu trả lời của ngài với các Hồng Y, được Vatican công bố vào tháng 10.

Trong tuyên bố mới của mình, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng hướng dẫn của họ sẽ ngăn cản những nỗ lực tiếp theo nhằm chính thức hóa những lời chúc phúc như vậy.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết: “Những gì đã được nói trong tuyên bố này liên quan đến việc chúc lành cho các cặp đồng tính là đủ để hướng dẫn sự phân định thận trọng và mang tính chất hiền phụ của các thừa tác viên được phong chức về vấn đề này”. “Vì vậy, ngoài hướng dẫn được cung cấp ở trên, sẽ không có phản hồi nào thêm về những cách khả thi để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tế liên quan đến các chúc lành kiểu này.”

Nhưng phán quyết này, là phán quyết mới nhất trong một loạt tài liệu được Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố kể từ khi Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, cố vấn thần học lâu năm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đảm nhiệm chức vụ tổng trưởng vào tháng 9 – có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi hơn về vấn đề này, với cả những người ủng hộ lẫn những người chỉ trích coi đây là cơ hội có thể mở ra cho những thay đổi bổ sung trong tương lai.

Một 'sự phát triển thực sự'

Với tiêu đề “Fiducia supplicans” “Niềm tin khẩn cầu”, tài liệu 5.000 từ của Bộ Giáo Lý Đức Tin được phân loại là một “Tuyên ngôn” bởi vì, như văn bản nêu rõ, nó “ngụ ý một sự phát triển thực sự từ những gì đã được nói về các phép lành trong huấn quyền và các văn bản chính thức của Giáo hội. “

Cơ sở cho hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc ban phép lành cho các cặp đồng giới được đặt nền tảng trên một sự khác biệt rõ ràng mới lạ giữa sự hiểu biết về phụng vụ và “mục vụ-thần học” về các phép lành.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết rằng các phép lành mục vụ, trái ngược với những phép lành diễn ra theo nghi thức phụng vụ chính thức, có thể “tự phát” hơn và ít bị ràng buộc bởi “các điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức”.

“ Chính trong bối cảnh này mà người ta có thể hiểu được khả năng chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới mà không cần chính thức xác nhận tình trạng của họ hoặc thay đổi giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân theo bất kỳ cách nào”, Đức Hồng Y Fernández viết trong phần giới thiệu của văn bản..

Tuyên bố, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét và ký, đưa ra “những giải thích rõ ràng mới” về hướng dẫn năm 2021 của Bộ Giáo Lý Đức Tin về chủ đề này.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết hướng dẫn mới của họ tiếp tục với văn bản năm 2021 vì hướng dẫn trước đó chỉ áp dụng cho “các phép lành phụng vụ”, đòi hỏi “những gì được chúc lành phải phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như được thể hiện trong những lời dạy của Giáo hội”.

Bởi vì giáo huấn rõ ràng của Giáo hội rằng quan hệ tình dục chỉ “tìm được ý nghĩa tự nhiên, đúng đắn và hoàn toàn nhân bản” trong “sự kết hợp độc quyền, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ”, Bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh rằng “khi nói đến các chúc lành. Giáo hội có quyền và nghĩa vụ tránh bất kỳ nghi thức nào có thể mâu thuẫn với niềm xác tín này hoặc dẫn đến nhầm lẫn.”

Phụng vụ và Mục vụ

Nhưng Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng các phép lành không nên bị giản lược xuống chiều kích “chỉ theo quan điểm” phụng vụ.

“Thật vậy, có nguy cơ là một cử chỉ mục vụ được yêu thích và phổ biến rộng rãi sẽ phải chịu quá nhiều điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức, mà, dưới sự đòi hỏi quyền kiểm soát, có thể làm lu mờ sức mạnh vô điều kiện của tình yêu Thiên Chúa, vốn tạo nền tảng cho cử chỉ chúc lành.”

Đối với những phép lành ít chính thức hơn này, Giáo hội “phải tránh việc thực hành mục vụ của mình dựa trên tính chất cố định của một số kế hoạch giáo lý và kỷ luật”, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói.

“Vì vậy, khi người ta xin một phép lành, không nên đặt việc phân tích đạo đức toàn diện làm điều kiện tiên quyết để ban phép lành. Vì những người tìm kiếm chúc lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng mô tả các phép lành “bên ngoài khuôn khổ phụng vụ” là một phần của “lĩnh vực có tính tự phát và tự do cao hơn”, mặc dù không bắt buộc nhưng là một “nguồn tài nguyên mục vụ” có giá trị.

Trong một đoạn phản ánh về việc sử dụng các chúc lành trong Kinh thánh, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng việc thực hành này là “một thông điệp tích cực về sự an ủi, quan tâm và khích lệ. Phép lành thể hiện vòng tay thương xót của Thiên Chúa và tình mẫu tử của Giáo hội, mời gọi các tín hữu có cùng cảm xúc như Thiên Chúa đối với anh chị em mình”.

Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết, một người xin phép lành cho thấy rằng anh ta “cần sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và người xin phép lành từ Giáo hội sẽ nhận ra phép lành này là bí tích cứu rỗi mà Thiên Chúa ban.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố: “Những chúc lành như vậy dành cho tất cả mọi người”. “Không ai bị loại trừ khỏi họ.”

Phép lành mục vụ cho các cặp đồng giới

“ Trong tầm nhìn” của sự hiểu biết mục vụ về các phép lành, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng “có khả năng ban phép lành cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất hợp lệ và cho các cặp đồng tính”.

Sự hiểu biết này về các việc chúc lành “có thể gợi ý rằng thừa tác viên được thụ phong tham gia cầu nguyện với những người, mặc dù trong một sự kết hợp không thể so sánh được với hôn nhân, vẫn mong muốn phó thác mình cho Chúa và lòng thương xót của Ngài, cầu xin sự giúp đỡ của Ngài, và được hướng dẫn để hiểu biết hơn về kế hoạch tình yêu và sự thật của Ngài.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng các cặp vợ chồng đang tìm kiếm chúc lành từ Thiên Chúa trong bối cảnh này “không đòi hỏi sự chính đáng về địa vị của chính họ” mà thay vào đó yêu cầu rằng “tất cả những gì chân thật, tốt đẹp và có giá trị về mặt nhân bản trong cuộc sống và các mối quan hệ của họ đều phải được phong phú, chữa lành, và được nâng cao bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.”

Hướng dẫn nhận chúc lành

Tuyên bố đưa ra một số điều kiện để ban phép lành cho các cặp đồng tính và những người ở trong “những hoàn cảnh bất hợp lệ” nhằm “tránh tạo ra sự nhầm lẫn với phép lành riêng của bí tích hôn nhân”.

Thứ nhất, những phép lành này “không được mang tính nghi thức hóa” và không được thể hiện trong bất kỳ nghi thức chính thức nào bởi các cơ quan có thẩm quyền trong giáo hội.

“Thật vậy, một nghi thức hóa như vậy sẽ tạo thành một sự bần cùng hóa nghiêm trọng bởi vì nó sẽ khiến một cử chỉ có giá trị lớn trong lòng đạo đức đúng đắn bị kiểm soát quá mức, tước đi quyền tự do và tính tự phát của các thừa tác viên trong việc đồng hành mục vụ với đời sống người dân”, Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rõ ràng rằng người ta không nên “cung cấp hay đề xướng một nghi lễ” cho những chúc lành như vậy.

Ngoài ra, để “tránh bất kỳ hình thức nhầm lẫn hoặc tai tiếng nào”, những lời chúc phúc này “không bao giờ được ban cùng lúc với các nghi thức của sự kết hợp dân sự, và thậm chí không liên quan đến chúng,” cũng như với bất kỳ “trang phục, cử chỉ hoặc lời nói nào phù hợp với một đám cưới.”

Thay vào đó, Bộ Giáo Lý Đức Tin hình dung rằng chúc lành của các cặp đồng giới và những người có hoàn cảnh bất hợp pháp sẽ xảy ra “một cách tự phát”, gợi ý rằng chúng có thể diễn ra trong bối cảnh “một chuyến viếng thăm một ngôi đền, một cuộc gặp gỡ với một linh mục, một lời cầu nguyện được đọc trong một nhóm, hoặc trong một cuộc hành hương.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng với những chúc lành như vậy, “không có ý định hợp pháp hóa bất cứ điều gì, nhưng thay vào đó là mở rộng cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, cầu xin Ngài giúp đỡ để sống tốt hơn, và cũng cầu xin Chúa Thánh Thần để các giá trị của Tin Mừng được thể hiện được sống một cách trung thành hơn.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố: “Sự nhạy cảm mục vụ” của các thừa tác viên được thụ phong phải được hình thành để cống hiến những loại chúc lành tự phát này.


Source:National Catholic Register