Ngày 11-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giải quyết xung đột trong đời sống hôn nhân
Phanxicô Xaviê
13:53 11/12/2008
Giải quyết xung đột trong đời sống hôn nhân

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng. Có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tuy nhiên, nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn.

Những trang đầu của Kinh Thánh đã cho ta thấy, mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp. Con người được dựng nên để sống trong hạnh phúc. Hạnh phúc đó trước hết là tình thân nghĩa với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó còn là mối giao hòa giữa con người với vạn vật. Đặc biệt Thiên Chúa cho con người được sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi vợ chồng nguyên thủy rất tâm đầu ý hợp, họ coi nhau như một xương một thịt. Thế nhưng rồi một hôm, người này đã coi người kia như là nguyên nhân của sự tan vỡ. Điều gì đã xảy ra ? (x.. St 3, 1-12)

Con người chỉ có thể hạnh phúc trọn vẹn khi sống đúng chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng con người đã khước từ vâng phục Thiên Chúa, tự định lấy điều lành điều dữ, con người muốn ngang bằng Thiên Chúa. Kết quả là:
- Con người thấy xa lạ với chính họ: dục vọng trở nên thác loạn, không chịu nổi chính mình nên lấy lá che thân.
- Con người xa lạ với nhau: nàng không còn là xương thịt của tôi, nhưng nàng là thủ phạm, chính nàng đã gây ra tất cả...
- Con người xa lạ với Thiên Chúa: vừa nghe tiếng Chúa, con người đã chạy trốn, núp trong bụi cây.
- Con người xa lạ với các tạo vật khác: cây cỏ, đất đá trở nên chướng ngại cho con người.

Mọi tương quan đều sụp đổ, chỉ vì một lý do duy nhất: con người không tin vào tình thương của Thiên Chúa, họ muốn tự xoay sở lấy mọi sự. Họ coi mình là nhất, muốn chiếm đoạt tất cả, muốn ngang hàng với Thiên Chúa.. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của mọi bóng tối trong đời sống hôn nhân.

Ngoài ra, còn do những nguyên nhân khác như sự khác biệt về tâm sinh lý giữa nam và nữ, khác biệt về cách nhận thức, về quan điểm, về sở thích đối với các vấn đề trong cuộc sống. Sự khác biệt do ảnh hưởng của nền giáo dục mà mỗi người đã nhận được. Hoặc do những trục trặc trong đời sống chăn gối. Hay do thiếu tổ chức trong gia đình. Do bất đồng trong việc quản lý và chi tiêu. Bất đồng trong việc giáo dục con cái. Và trong cả cách cư xử với họ hàng đôi bên.

Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:

- Về tâm lý tình cảm: làm mất hạnh phúc gia đình, tình yêu sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.
- Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm giá con người.
- Về gia đình: lơ là trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, dẫn đến ly thân, ly dị.....

Kinh nghiệm cho thấy, không phải tự nhiên mà đi đến xung đột đổ vỡ. Mọi sự đều bắt đầu từ một điều đáng tiếc đầu tiên nào đó, mở đầu cho những điều đáng tiếc thứ hai, thứ ba rồi dần dần càng lúc càng trầm trọng hơn. Vết thương đầu tiên ấy có lẽ chỉ bình thường như: một sự lừa dối nhỏ, một sự tự ái vặt, một câu nói thiếu kềm chế.... Thế nhưng nó lại có tính quyết định và mở đầu cho những vết thương khác.

Chính vì thế trong đời sống hôn nhân sắp tới, anh chị cần tránh, đừng bao giờ để xảy ra điều đáng tiếc đầu tiên nào.

Muốn vậy, trước khi kết hôn, các bạn cần tìm hiểu nhau thật kỹ để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác, hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán, trao dổi. Ngoài ra, các bạn cần học hỏi, trang bị những kiến thức căn bản nhằm nuôi dưỡng tình yêu. Phải bàn hỏi với những người khôn ngoan, có kinh nghiệm để biết cách sống hòa hợp và giải quyết những bất hòa trong gia đình. Cần sửa đổi chính mình để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn. Và cuối cùng, các bạn phải tập thói quen đối thoại.

Việc hiểu nhau chỉ thực sự tốt đẹp, đồng thời mang lại kết quả xây dựng nếu hai người đối thoại cởi mở với nhau.

Đối thoại nghĩa là nói, bày tỏ và lắng nghe, đón nhận ý kiến người khác. Không bao giờ chỉ nói hoặc nghe suông. Đây là phương thế để loại bỏ những nghi ngờ, những hiểu lầm, những vụng về để đem lại hiểu biết, cảm thông. Nó làm cho những băn khoăn, lo lắng, vất vả, nặng nề trong đời sống vợ chồng trở nên nhẹ nhàng vui tươi hơn. Đã là vợ chồng, nên thẳng thắn bày tỏ đời sống của mình, đừng giả vờ che đậy, đừng thu vào vỏ ốc kín đáo. Nên nhớ rằng: mọi chi tiết đời mình đều là của người yêu và ngược lại. Do đó, anh hãy tập nói với chị và nghe cách chăm chú, kiên nhẫn. Chị cũng hãy tập nói với anh và chú ý nghe anh. Nếu không sẽ chẳng ai hiểu ai.

Quả thật, nhiều đôi vợ chồng rất lanh mồm lẹ miệng khi xét đoán, lên án nhau. Nhưng lại rất chậm chạp khi nhìn nhận những khuyết điểm của nình. Và như vậy hiểm nguy đang tới gần !

Khi xảy ra xung đột, mỗi người cần phải có thái độ sau:

- Tự chủ: tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng. Kìm hãm tính nóng nảy và tự ái.
- Có thiện chí muốn giải quyết: vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến hợp nhất, chứ không phải để ăn thua hoặc để hạ nhục nhau đi đến chia rẽ, xa cách. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bảo vệ sai lầm của mình.
Để giải quyết vấn đề, hai người cần phải:
- Đối thoại: biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng niết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến, quan điểm của người kia. Nhắm mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.
- Chấp nhận khuyết điểm của mình: can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm để cố gắng sửa đổi.
- Cố gắng hàn gắn và làm lành: sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng, giận hờn kéo dài, chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
- Nhờ trung gian hòa giải: cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, khách quan, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên bảo chân tình, giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
- Cầu nguyện: nếu vợ chồng biết cầu nguyện chung thường xuyên với nhau, chắc chắn sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hòa với nhau. Đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.

Tóm lại, giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt dũa cái "tôi" nhiều tự ái và vị kỷ, hầu cuộc sống gia đình được hài hòa, êm ấm và hạnh phúc hơn.

Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân

Sự hấp dẫn giữa người nam và người nữ là một cái gì rất tự nhiên, không cần ai dạy bảo. Tình yêu cũng tự nhiên như thế. Tình yêu nằm trong bản chất con người. Nhưng hỏi tình yêu là gì, không ai trả lời được trong vài hàng hay vài trang giấy. Đã có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài thơ, bản nhạc nói tới tình yêu, về đủ mọi khía cạnh của tình yêu, nhưng dường như tất cả vẫn chưa nói được gì. Cuối cùng tình yêu vẫn còn được coi như một huyền nhiệm, một cái gì khó phân tích, diễn giải.

Tình yêu thật khó mà định nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải ngồi mà định nghìa tình yêu, nhưng là phải biết được lúc nào mình yêu, hay mình đã yêu chưa, yêu ở mức độ nào, và yêu như vậy rồi thì sao ?

Người ta yêu khi người ta để ý tới một người, ngẩn ngơ vì không thấy mặt người ấy, hăng hài làm việc khi người ấy đang cùng làm việc với mình. Nếu cũng để ý tới một người, nhưng sự có mặt, niềm vui hay nỗi buồn của người ấy không ảnh hưởng gì lắm tới mình, có lẽ người ta chỉ mới có tình cảm.

Khi mới yêu, có thể chỉ mới cho nhau những gì bên ngoài mình như cho một mòn quà....Rồi sâu xa hơn, người ta cho nụ cười, ánh mắt, lời nói, thời gian....Và cuối cùng, người ta cho chính bản thân mình với tất cả những quyền lợi và cuộc sống. Đã yêu thì không phải chỉ cho một lần, nhưng cho mãi, cho tới khi mình không còn gì nữa và người nhận cũng không thể nhận thêm gì nữa. Chúng ta không thể lấy của người thứ ba cho người thứ hai, nhưng lấy từ những gì của mình. Như Adam nhường cho Eva một phần thân thể của ông.

Đã cho thì không hề đặt điều kiện với người nhận. Nếu không nó sẽ trở thành một sự cầm cố, vay mượn, mua bán hay đổi chác. Cho mà không nhận sẽ nghèo đi và rơi vào tự kiêu. Nhận mà không biết cho cũng làm cho con người nghèo đi, vì rơi vào thái độ ích kỷ, hưởng thụ.

Có thể ta không thấy khó khăn lắm khi nhận một món quà, một nụ cười, một biểu lộ thiện cảm của người khác.. Nhưng nhận sẽ thật khổ khi nhận toàn thể con người của người khác với bao khuyết điểm hay những dự định, ưu tư, lo lắng của họ. Khó nhưng ta vẫn sẵn sàng đón nhận, một khi ta đã yêu, bởi như vậy mới gọi là yêu thật sự.

Sự khám phá ra Eva, Thiên Chúa không chỉ dành cho Adam ngày xưa. Những Adam thời nay cũng có một ngày thức dậy, khám phá thấy Eva của mình. Chính anh chị từng có kinh nghiệm bản thân về điều đó. Khi còn là một em bé, một thiếu niên, bạn đã khám phá ra thế giới chung quanh và say sưa với những gì nhìn thấy. Thế nhưng rồi đến một hôm, tất cả những chuyện đó: thiên nhiên, khoa học, nghệ thuật.... không còn làm các bạn thỏa mãn. Trái tim các bạn bắt đầu đi tìm kiếm. Các bạn vất bỏ các trò chơi của tuổi thơ cùng những giấc mơ của thời niên thiếu, bởi vì các bạn đã khám phá thấy tình yêu. Sự khám phá này lớn lao đến nỗi người ta quên hết tất cả: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.... Người ta bỏ hết mọi sự, lìa bỏ cha mẹ và anh chị em, bởi vì người ta đã khám phá được kho tàng vô giá, khám phá được đối tượng đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho đời mình. Và như thế, điểm hẹn của tình yêu chính là hôn nhân.

(Phanxicô Xaviê tổng hợp)
 
Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết
Anmai, CSsR
14:06 11/12/2008
Chúa nhật 3 Mùa Vọng B

CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG MÀ CÁC ÔNG KHÔNG BIẾT !

Is 61, 1-2a.10-11; 1 Thes 5, 16-24; Ga 1, 6-8.19-28

Con người, khi sinh ra, cần phải học nhiều điều để biết cách hành xử trong cuộc sống hằng ngày. Cần thiết nhất con người cần có không phải là bằng này bằng nọ, cấp này cấp kia nhưng điều quan trọng đó chính là nhân bản. Dù cho làm ông này bà nọ, dù học cao hiểu rộng và dù cho có bao nhiêu bằng tiến sĩ đi chăng nữa nhưng không có nhân bản thì vẫn bị người ta coi thường. Một trong những bài học căn bản, nhân bản của con người đó là lòng biết ơn, đó là lòng tri ân. Khi nhận ơn mà không biết ghi ơn, không biết tri ân phải nói là quá tệ. Trong dòng chảy của con người, với lòng biết ơn, ghi ơn và tri ân Thiên Chúa đó chúng ta nhớ lại thái độ, tâm tình của Đức Maria. Sau khi đón nhận niềm vui lớn trong cuộc đời đó là cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã biết ơn, đã tri ân Thiên Chúa và bằng cách cụ thể nhất là Mẹ đã lên đường đến nhà bà chị họ Elisabeth để mà chia sẻ ân huệ mà Thiên Chúa đã thương ban cho Mẹ và khi gặp bà chị họ, Mẹ Maria đã không ngần ngại vang lên lời tán tụng Thiên Chúa. Lời tán tụng ấy chúng ta quá quen thuộc: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." (Lc 1, 46-55).

Trở lại với những trang Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta cũng gặp đâu đó lời tán dương Thiên Chúa, lời tri ân Thiên Chúa vì biết bao nhiêu ân huệ mà Chúa thương ban cho mình. Hôm nay, qua sách ngôn sứ Isaia chúng ta nghe lời tán dương, lời tri ân ấy: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao ! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân”. (Is 61, 10-11)

Vì sao Isaia thốt lên lời ca ngợi như vậy ? Vì lẽ Isaia đã cảm nhận, đã nói với dân về quyền năng, về vinh quang của Đức Chúa – Thiên Chúa của dân chiếu sáng trên dân: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. (Is 60, 1-3).

Đức Trinh Nữ Maria cũng như Isaia, Mẹ đã cảm nhận cũng như xác tín rằng quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa đã đến và ở lại trên cuộc đời của Mẹ nên Mẹ đã cao rao tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời của Mẹ thôi.

Mẹ không như những người Do Thái đương thời, Mẹ khác họ, Mẹ nhìn, Mẹ đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian một cách khác họ. Những người Do Thái đương thời của Mẹ đón nhận, nhìn nhận Đấng Mêsia - Đấng Cứu Độ trần gian phải đến trong vinh quang hoành tráng, đến một cách uy lực và làm cho cuộc đời của họ vinh quang theo. Khi Đấng Mêsia đến sẽ giải thoát họ khỏi những khổ cực của vật chất, của tiền bạc theo kiểu trần gian. Vì họ quan niệm Đấng Mêsia đến cách thế như thế nên làm sao họ nhận ra được sự hiện diện của Đấng Cứu Độ đến được.

Như trang tin mừng ngắn ngủi mà chúng ta vừa nghe Thánh Gioan công bố đấy. Ông nói rõ rằng ông là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng, để minh chứng về ánh sáng đã đến trong trần gian này. Gioan đã làm chứng về ánh sáng, làm chứng về Đấng Mêsia. Và chúng ta thấy thái độ tranh cãi, nghi ngờ của những người thuộc nhóm Pharisêu. Chúng ta thấy thái độ chất vấn của những người Pharisêu và chúng ta thấy lộ bên dưới lời những chất vấn ấy là lòng cứng tin vào Đấng Cứu Độ trần gian. Không phải khi ấy người ta mới tranh cãi với Gioan nhưng mà ngay từ ngày Chúa Giêsu sinh ra nơi hang đá Belem họ đã ngờ vực, họ đã dò xét rồi.

Hôm nay, Gioan như là sứ giả của Thiên Chúa, dọn đường cho Chúa Giêsu đã công bố sự thật có Người sẽ đến sau ông và Người đến sau ông đấy ông không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài. Đáng tiếc thay từ ngày Chúa Giêsu cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày Chúa Giêsu công khai sứ vụ của mình vẫn bị người Do Thái không tin và tìm đủ mọi cách để mà sát hại, để mà tố cáo.

Chúng ta cũng thế thôi, nhiều lần nhiều lúc chúng ta cũng đi tìm Đấng Mêsia, tìm Đấng cứu độ trần gian của chúng ta là một Đấng đến trong vinh quang, đến trong quyền lực theo kiểu người đời vậy. Tệ hơn thế nữa đó chính là Thiên Chúa là Chúa, là Chủ của cuộc đời chúng ta vậy mà chúng ta nỡ lòng nào đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Chuyện quan trọng, chuyện căn cốt của cuộc đời chúng ta đó là chúng ta không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta như thánh Gioan Tẩy Giả cảnh báo chúng ta: Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết !

Tưởng chừng câu đó là câu mà Gioan nhắc nhở những người Do Thái ngày xưa nhưng nào ngờ Gioan nhắc nhở chính mỗi người chúng ta đây. Chúa ở trong ta, Chúa yêu thương ta, Chúa quan phòng cuộc đời ta mà ta không hay biết đó thôi. Chúng ta không giống Đức Maria, Đức Maria đã nhìn thấy tình thương và sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời của Mẹ nên Mẹ chẳng còn bận tâm chuyện gì khác là lắng nghe và thực thi những gì mà Chúa nói với Mẹ. Hình như giữa cuộc đời phát triển nhiều về tiền bạc, về vật chất để rồi chúng ta cứ loay hoay mãi trong tiền bạc, trong vật chất, trong danh vọng và trong dục vọng. Tất cả những thứ làm cho chúng ta không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa nữa.

Chúng ta nên nhớ Chúa đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta là Chúa vẫn hiện diện nơi những con người nghèo khổ, tất bạt, bất hạnh, bỏ rơi … Chúa vẫn dùng những biến cố mà đôi khi dưới con mắt người đời là khắc nghiệt để tỏ tình yêu thương, sự quan phòng của Chúa. Chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh của một Abraham phải đau lòng để mà sát tế đứa con yêu quý nhất của mình cho Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ hình ảnh của một ông Giob quá đớn đau với những chứng bệnh của thể xác, quá khắc nghiệt của cuộc đời chìm xuống bùn đen của sự chết chóc của con cái cũng như đàn gia súc mà ông đang có. Thế đấy ! Thiên Chúa vẫn thử thách lòng tin của con người để xem con người còn tin Chúa hiện diện trên cuộc đời này hay không ? Và qua cơn thử thách ấy, chúng ta thấy được ân huệ mà Chúa tuôn đổ trên cuộc đời của Abraham, của Giob như thế nào ? Lửa thử vàng, gian nan thử sức ! Đó là câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe và vẫn thường nói với nhau. Ấy vậy mà đôi khi Chúa mới thử chúng ta một chút thôi thì chúng ta lại ngã lòng và chúng ta hình như không còn tin vào Chúa nữa, chúng ta lại đi tìm đến các thần ngoại bang như dân Do Thái ngày xưa vậy.

Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi cho giáo đoàn Thessalônia thật là hay. Ngài bảo giáo đoàn cũng như ngài bảo mỗi người chúng ta là: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. (1 Thes 5, 18.19). Phải nói đây là tâm tình tuyệt vời của Thánh Phaolô: Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Đúng như tâm tình của Đức Maria, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, dù vui dù buồn, dù sướng dù khổ Mẹ luôn luôn vui mừng, Mẹ luôn luôn tạ ơn Chúa và kết hiệp mật thiết với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Đây là tâm tình, đây là mẫu gương mà mỗi người chúng ta cần học và noi gương Mẹ vì thật ra chúng ta thấy đó. Nhìn lên với cuộc đời này thì chúng ta thấy chúng ta không bằng ai nhưng nhìn xuống chúng ta được Thiên Chúa ban cho quá nhiều ơn lành để rồi tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Ngài cũng không quên xin ơn Chúa để mà Chúa thánh hoá con người chúng ta “Nguyện xin chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó. (1 Thes 5, 23.24.).

Ngài dặn dò mỗi người chúng ta là cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và rồi Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta nhờ ơn Chúa xin Chúa giữ gìn chúng ta được vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Chúa đến.

Như Đức Trinh Nữ Maria, như ngôn sứ Isaia cảm nhận được Thiên Chúa Đấng Cứu Độ thương mình thì mình sẽ chỉ biết ca tụng Chúa và tin tưởng Chúa mà thôi.

Hôm nay, như là cơ hội để chúng ta dừng lại, nhìn lại cuộc đời của mình. Nếu không được, chúng ta xin Mẹ ban thêm ơn, giúp sức cho chúng ta để chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa đã quá yêu thương ta. Từ sự khám phá đó ta sẽ ca tụng Chúa và ta sẽ sống sao cho đẹp lòng Chúa.

Như Đức Trinh Nữ Maria, khi có ơn Chúa thì Mẹ đi chia sẻ, chúng ta có ơn rồi chúng ta có biết chia sẻ như Mẹ hay không ?

Như ngôn sứ Isaia nói ở bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA” (Is 61, 1-2a). Chúng ta được Thần Khí của Đức Chúa ngự trên chúng ta, được Ngài tấn phong chúng ta cũng phải lên đường để loan báo tin mừng Tình yêu cho anh chị em đồng loại như Đức Trinh Nữ Maria đi chia sẻ niềm vui cho bà chị họ trong lúc sinh nở khó khăn.

Nguyện xin Chúa Giêsu đến và ở lại với mỗi người chúng ta và ban ơn cho chúng ta để chúng ta nhận ra tình yêu Chúa trên cuộc đời chúng ta như Mẹ nhận ra tình yêu của Chúa vậy. Và cũng xin Chúa ban thêm ơn, ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta công bố tin mừng Tình yêu của Chúa giữa cuộc đời đầy gian lao khốn khó này.
 
Người phu quét lá
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
14:09 11/12/2008
Chúa nhật 3 Mùa Vọng B

NGƯỜI PHU QUÉT LÁ

Trong cuốn sách“ Người phu quét lá” ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm đã ví von đời Linh mục như người phu quét lá. Ngài kể chuyện một học viên trường Cao đẳng Mỹ thuật tặng bức tranh với tựa đề “Người phu quét lá”. Hỏi tại sao lại thế thì được trả lời: vì cha ví von đời linh mục như người phu quét lá. Vâng, có lần tôi mượn bài hát của anh Trịnh Công Sơn mà diễn tả đời Linh mục:

Người phu quét lá bên đường.
quét cả nắng chiều quét cả mùa thu
”.

Thật thơ mộng, một hình tượng nghệ thuật. Nhưng trong thực tế lại chẳng thơ mộng chút nào. Người phu quét lá, hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. (Trích lời dẫn).

Trong tâm tình đó, có thể ví von: Gioan Tiền Hô cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.

Chúa nhật III Mùa vọng, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả, vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng Ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Ơn gọi của Gioan là một huyền nhiệm.

Ngôn sứ Isaia loan báo: “ Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng.Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” ( Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến. Ngôn sứ Malakia tiên báo:“ Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” ( Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27).Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Sứ Thần Gabriel xác nhận: Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “ Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”( Lc 1,17). Thân phụ Dacaria: Dưới tác động của Thánh Thần,Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng”Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1,76- 77). Gioan khẳng định: Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon,gần Salem thuộc miền Giuđê,chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình: “ Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” ( Ga 3,28). Qua ơn gọi kỳ diệu của Gioan,Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Gioan đã sống trong dòng lịch sử của Đạo và Đời: Thời hoàng đế Tibêriô, hai Thượng tế Khanna và Caipha, một Philatô tham lam tàn bạo làm tổng trấn Giuđêa, một Hêrôđê tiểu vương Galilêa kẻ giết Gioan sau này. Gioan đã đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy để làm trọn sứ mạng Tiền Hô.

Gioan đã kêu gọi dân chúng “Hãy sám hối vì Nước trời đã gần đến”.Ong đã mạnh dạn mời gọi mọi hạng người, từ kẻ cao sang quyền thế cho đến người dân thường: hãy sống cách ngay chính theo địa vị của mình để sẵn sàng đón Chúa đến.Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Phải sửa lối cho thẳng để Chúa đi.Dân chúng lũ lượt đến với Ong, họ thú tội và Ong làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Gioan đang “quét dọn” tâm hồn mọi hạng ngưòi cho sạch tội lỗi xứng đáng đón Đấng Cứu Thế.

Danh tiếng của Gioan đang vang dội, nhiều người đến với Ông. Là con người trung thực nên Gioan rất thẳng thắn. Trung thực trong những lời nói về chính mình nên Gioan không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thật bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.Dân Do Thái đang trông mong chờ đợi Đấng Messia, nên khi nghe những lời giảng dạy và phép rửa của Gioan, họ tự đặt câu hỏi: phải chăng ông này là Đấng Messia ? Gioan đã giải tỏa thắc mắc ấy bằng cách đối chiếu sứ mạng của mình với sứ mạng của Đấng Messia. Gioan làm phép rửa bằng nước, còn Đấng Messia làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa. Bản thân Gioan chỉ là đầy tớ của Đấng Messia, không đáng xách dép hay cởi giày cho Ngài. Chính Đấng ấy mới có quyền phán xét mọi người. Như vậy Gioan thẳng thắn xác nhận sứ mạng của mình chỉ là người tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế thôi. Chính Chúa mới là Đấng Messia. Người đang tới và sắp tới.

Gioan còn là con người trung thực trong những phán đoàn về người khác nên đã thẳng thắn khuyên can vua Hêrôđê. Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.Vị vua Hêrôđê,một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân,lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê.Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu.

Trong thời đại hôm nay, biết bao trí thức nhân sĩ Việt nam yêu nước thương dân, yêu công lý, yêu sự thật, yêu hoà bình đã lên tiếng nói như Gioan vậy. Và cũng như Gioan, họ bị bắt bớ, bị tù đày, bị bôi nhọ danh dự, bị khủng bố tinh thần. Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế, phải trả giá đắt có khi bằng cả mạng sống của mình.

Trước mặt người đời,Gioan là kẻ thất bại.Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại,cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng, Đức Giêsu đã nói về ông: “ Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”(Lc 7,28).Như vậy, điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, trung thực ngay thẳng, dám nói sự thật để bảo vệ công lý,cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết. Chính Đức Giêsu,vị ngôn sứ vĩ đại làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ,bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá.Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật,tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” ( Ga 15,18 - 19 ) Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa.Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì công lý. Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo,nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho công lý,cho tình yêu. Theo dõi tin tức trên internette những ngày qua, ai cũng nhận thấy tám giáo dân Thái Hà là những chứng nhân của công lý, họ thật can đảm và thật đáng yêu. Họ cũng là những “người phu quét lá”, góp phần quét đi rác rưởi giả dối bất công đầy dẫy trong xã hội.Với tư cách là Tẩy Giả,chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu công lý để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ,vụ lợi, hưởng thụ sa đoa,ghen ghét hận thù,dối trá lọc lừa.Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan luôn mãi là tấm gương cho chúng ta.Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cụôc sống.Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Ngài phải lớn lên,còn tôi phải lu mờ đi.

Gioan Tiền Hô là một Ngôn sứ bất khuất, bao dung và khiêm tốn, chỉ một tâm nguyện là làm “ Người phu quét lá” dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan trở thành “ Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.
 
Con Đi Sai Đường Vì...
Tuyết Mai
14:12 11/12/2008
Con Đi Sai Đường Vì. ...

"Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng". (Mc 1, 1-8).

Tội nghiệp cho con gái tôi, khi nghĩ lại những gì con gái đã thổ lộ, đã trách cứ ba mẹ không biết khuyên bảo ủi an con, mà vô tình đã làm cho con hiểu lầm, sợ hãi, và xa tránh nhà thờ tức xa tránh cả Chúa. Sự hiểu lầm đáng tiếc này con gái tôi đã giữ trong bụng nó suốt 3 năm dài. Không biết những anh chị em khác ra sao, khi phải đối diện với vấn đề mà mình chẳng được học hỏi và chẳng từng gặp phải bao giờ, để mà dậy con cho đúng với tầm hiểu biết của chúng!? Quả thật khi nhìn lại những gì con tôi trải qua ở lứa tuổi của trung học, tôi phải rùng mình, và cảm tạ Chúa con tôi đã được Chúa kéo ra khỏi con đường sai trái đó! Tôi nói lòng vòng không nói thẳng được vào vấn đề, chắc anh chị em chẳng hiểu vấn nạn đó là gì!? Vấn đề tôi muốn nói đây có làm sôi nổi trong cuộc bầu cử vừa rồi! Mà đối với các Cha trong nhà thờ cũng không biết giảng ra sao cho giới trẻ thời nay! Nhưng thôi những gì được gọi là kinh nghiệm thì con gái tôi cũng đã trải qua và hy vọng con tôi sẽ giải thích tường tận hơn cho con của cháu sau này!

Tôi không biết anh chị em khi gặp những vấn đề nan giải mà không rành để dậy các con mình thì sao!? Còn tôi chỉ biết có hai thái độ, thứ nhất là nhẹ nhàng với chúng, khuyên bảo cho chúng hiểu theo phạm vi hiểu biết của mình, và cũng cố gắng đem một ít vốn liếng giới răn Chúa mà dậy con. Sau cùng là dùng biện pháp cứng rắn và hăm dọa hy vọng làm con sẽ sợ mà chừa bỏ, nhưng tôi đã lầm và đã dùng tâm lý sai khi hăm dọa con như thế! Cách này là cách rất ư là VN như những bậc cha mẹ đã hù dọa con cái ở cái tuổi còn rất non nớt về ma quỷ, nếu chúng hư và bướng bỉnh. Cách này đã làm cho bao nhiêu đứa con nít VN trở thành chết nhát và ảnh hưởng cả một cuộc đời của chúng là sợ bóng tối, ngay cả khi chúng đã lớn khôn, và còn sợ mãi cho đến cái tuổi già, nhất là khi bị bệnh nặng cần phải vào nhà thương nằm trị bệnh.

Hăm dọa con và gọi con bằng những danh từ không xứng hợp, tôi cứ ngỡ rằng cháu nó đã thoát cơn nguy hiểm, và đã bước sang trang mới, nhưng không ngờ là cháu đã ghim những gì tôi nói, vừa sợ mất linh hồn, nghĩ rằng mình bất xứng với Chúa, con tôi đã bỏ không đi nhà thờ mà vì tin tưởng cháu tự đi một mình được mà không cần kiểm soát và để ý đến. Tôi những tưởng các con tôi đã nắm vững niềm tin vào Thiên Chúa và không thể nào nghĩ rằng con tôi lại thế được, là có ý tưởng xa lánh Chúa? Sau này có những lúc được nói chuyện riêng với cháu, nó có vẻ như muốn tìm hiểu đạo khác, làm tôi nghi ngờ, và sau một thời gian ngắn tôi đã xác minh rằng vì tôi mà cháu đã bỏ nhà thờ và tâm hồn cháu đã từ từ xa dần hình bóng Chúa.

Tôi cảm thấy vai trò làm mẹ của mình bắt đầu lung lay, vì tôi bất lực trong vấn đề dậy dỗ con. Chính tôi đã đem con tôi ra khỏi nhan Thiên Chúa và xa dần sự khao khát của tình yêu Thiên Chúa. Chính tôi đã đẩy con tôi xa Chúa một cách rất là vô tình, nhưng lại là cú xốc rất mạnh cho con gái tôi. Tôi rất ân hận và tôi đã cầu nguyện cùng Chúa và Mẹ Maria làm cách nào cho con tôi bỏ được tư tưởng đó! Tôi có xin lỗi con gái tôi, nhưng thời gian cũng khá dài để con gái tôi chịu đựng, tôi hiểu và thông cảm nếu con tôi không tha thứ cho tôi. Nhưng con tôi biết một điều là trong suốt thời gian ấy, tôi liên lỉ cầu nguyện cho con gái tôi. Thế là đủ rồi. ... và đó cũng là điều an ủi tôi rất nhiều. Hy vọng thời gian sẽ xóa mờ đi trong tâm trí của cháu!?

Quả thật tôi rất ân hận và rất buồn vì tôi, chính tôi đã đánh mất niềm tin mà cháu đã dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Tôi luôn cầu nguyện. Tôi luôn nói chuyện cùng Chúa. Tôi luôn tìm đến Chúa để thủ thỉ, để xin lỗi, để Ngài hoán cải cho con gái của tôi. Để Ngài dùng tình cảm của Ngài mà đem cháu trở về con đường yêu mến Thiên Chúa như trước kia. Tôi chuộc lỗi lầm của tôi bằng cách ráng gần con tôi hơn nữa! Đáp ứng mọi nhu cầu của cháu vì tôi biết cháu rất cần đến tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức, dùng tình cảm mà khuyên cháu, nương nương với cháu, và chính tôi cố gắng kiên nhẫn để chở cháu đến tận nhà thờ cho cháu dự Thánh Lễ. Định bụng tôi sẽ kiên nhẫn với cháu cho đến khi nào cháu lấy lại niềm tin và vững vàng thì tôi sẽ để cháu tự tin như trước.

Trước ngày Lễ Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi có nhắc cháu cùng cả nhà là ngày mai là Lễ trọng và là lễ buộc, các con cố gắng thu xếp việc học hành và giờ giấc làm việc làm sao đó, để dự cho được Thánh Lễ. Tôi cố ý nghe xem cháu trả lời ra làm sao! Thì cháu bảo rằng nó sẽ cố gắng vì là mùa thi cho cuối khóa học. Tôi cố nài nỉ với cháu là hãy cố gắng đi Lễ vì mẹ, mẹ biết là con thương mẹ! Rồi cháu im không nói thêm gì nữa cả!

Qua hôm sau, cháu từ trường gọi phôn về cho mẹ bảo rằng cháu vừa đi Lễ xong và đang trên đường về nhà để mẹ khỏi trông. Tôi nghe xong mà mừng chảy cả nước mắt. Vì biết cháu thương tôi là một phần, nhưng nỗi mừng hơn cả là cháu đã được Mẹ Maria ban ơn cho trở lại cùng Chúa cách riêng, vì cháu đi nhà thờ của Đức Bà gần trường cháu học. Khi cháu về đến nhà, gặp tôi và báo cho tôi tin mừng là Mẹ Maria đã đem cháu trở về, và chính cháu hiểu được điều đó và đã mua chè về cho cả nhà để ăn mừng. Tôi biết sớm muộn gì thì Chúa và Mẹ Maria cũng có cách để đem cháu trở về Con Đường Ngay Thẳng thánh thiện, nhưng tôi lại không thể ngờ được là cháu được Mẹ Maria thương ban cho ngay ngày Lễ của Mẹ. Chúng con cảm tạ Mẹ vô cùng, Mẹ Vô Nhiễm của chúng con!

Quả là Mùa Vọng là mùa của trông đợi hồng phúc của Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần. Cảm tạ Mẹ Maria đã đem con gái của con trở về đúng lúc để đón nhận ơn Cứu Độ và Bình An của Ngài cùng toàn thể nhân loại chúng con trên khắp địa cầu.

Ước mong sao mùa Vọng của năm nay được tiếng kêu gọi từ trong sa mạc, đánh động thật nhiều linh hồn đang sa ngã và lầm lạc được trở về cùng Chúa. Để tình yêu của Ngài được trao trọn vẹn, và được chúng con đón nhận thật trọn vẹn trong niềm vui, hy vọng, và hạnh phúc ngập tràn. Vì yêu nhân loại mà Ngài muốn được sinh hạ vào trần gian trong hoàn cảnh thật khó nghèo. ... Để mọi người có hoàn cảnh bất hạnh và khuyết tật được Ngài cảm thông, an ủi, và sẻ chia. ... vì Ngài là Đức Chúa, vì Ngài là Vua trên mọi tạo vật, vì Ngài là TÌNH YÊU muôn thuở muôn đời. Amen.
 
Ông Gioan, người làm chứng
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
14:23 11/12/2008
ÔNG GIOAN, NGƯỜI LÀM CHỨNG
(Gioan 1,6-8.19-28 – CN III MV - B)

1.- Ngữ cảnh

Tin Mừng IV có một Mở đầu trong đó có Lời Tựa là một bài suy niệm cao sâu về mầu nhiệm Ngôi Lời (1,1-18), và Các chứng từ về Đức Giêsu, do Gioan Tẩy Giả, Anrê và Natanaen nêu ra (1,19-51). Bản văn được đọc trong Phụng vụ hôm nay gồm một đoạn nhỏ trích từ Lời Tựa (1,6-8) và đoạn đầu trích từ Các chứng từ (1,19-28).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Gioan là người làm chứng (1,6-8);
2) Gioan làm chứng (1,19-28):
a) Làm chứng cho phái đoàn sứ giả (1,19-23),
b) Làm chứng cho người Pharisêu (1,24-28).

3.- Vài điểm chú giải

- lời chứng (19): Điểm đáng lưu ý nhất, đó là tác giả đã chọn ra từ trong ngôn ngữ thuộc ngành tư pháp từ ngữ “lời chứng/làm chứng” (martyria: 14 lần trong Ga; 4 lần trong TMNL: Mc 14,55.56.59 và Lc 22,71; cả 4 lần này đều thuộc về cuộc xử án Đức Giêsu), và đã dùng từ đó mà mở ra hoạt cảnh này, cùng với động từ tương ứng là “làm chứng” (martyreô: 33 lần trong Ga; 2 lần trong TMNL). Cũng ghi nhận rằng các từ ngữ martyria và martyrein xuất hiện trong đa số các chương của TM IV ngoại trừ các ch. 6, 9, 11, 14, 16, 17 và 20; tuy thế, các chương này cũng nói đến “làm chứng”. Các TMNL ưa dùng các từ như “công bố” (kêryssô) hoặc “loan báo Tin Mừng” (euangelizomai). Rất có thể tác giả TM IV đã dùng ngôn ngữ tư pháp do hoàn cảnh trong đó ngài viết Tin Mừng (giữa hoặc cuối những năm 90 [?], lúc mà quan hệ giữa người Do-thái và các Kitô hữu khá căng thẳng: x. Ga 9,22; 12,42; 15,26–16,2).

- người Do-thái từ Giêrusalem (19): Bởi vì họ có thể cử các tư tế và các thầy Lêvi đi, hẳn “người Do-thái từ Giêrusalem” chính là giới lãnh đạo Do-thái giáo.
- ông tuyên bố thẳng thắn (20): dịch sát là “ông không chối”.
- vị ngôn sứ (21): Đây chính là dung mạo ngôn sứ được hứa trong Đnl 18,18.
- cởi quai dép (27): Đây là công việc của một nô lệ.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Gioan là người làm chứng (6-8)

“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). TM IV đã giới thiệu Gioan bằng một câu như thế ngay giữa Lời Tựa. Đối diện với Ngôi Lời, ngôi vị Thiên Chúa toàn năng luôn luôn “có” từ muôn thuở đến muôn đời muôn kiếp (1,1-5), đây là Gioan, một con người tầm thường xuất hiện, đi từ hư vô ra cuộc sống. Sau khi đã nêu bật sự cao vời vô biên của Đức Kitô, tác giả mau mắn xác định sự cao cả của Gioan: ông được Thiên Chúa sai phái và có sứ mạng làm chứng cho ánh sáng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (1,7).

Sau Lời Tựa, tác giả bắt đầu bài tường thuật cách trang trọng, và cũng bằng một câu nói về Gioan: “Và đây là lời chứng của ông Gioan” (1,19). Chúng ta sẽ suy ngẫm về tư cách và công việc làm chứng của Gioan.

* Gioan làm chứng (19-28)

² Ga 1,19-23

Vừa nghe câu mở này, chúng ta có cảm tưởng là mình được gợi ý nhìn vào một cảnh trong phòng xử án. Ấn tượng này dường như có cơ sở. Ngay tức khắc, tác giả giới thiệu Gioan như người đang bị thẩm vấn. Bản văn nói, “người Do-thái”, hẳn đây là giới lãnh đạo Do-thái giáo, đã gửi một phái đoàn đến đặt các câu hỏi cho ông Gioan. Phái đoàn đó gồm có các tư tế và mấy thầy Lêvi, tức đây là giới chức trách có nhiệm vụ chăm sóc Đền thờ Giêrusalem. Câu hỏi thứ nhất họ đặt ra có vẻ nhẹ nhàng, không có gì thâm độc: “Ông là ai?”, câu hỏi bật ra như một lời hỏi về lý lịch. Tuy nhiên, câu trả lời của Gioan thì lại có gì đó trầm trọng. Thay vì khai ra lý lịch, ông lại trả lời trang trọng, hầu như là nói lên một lời thề, rằng ông không phải là người nào đó. Ông tuyên xưng rằng ông không phải là Đấng Kitô.

Thế là phái đoàn chính thức thúc ép ông tiếp, để có thể trả lời hết các câu hỏi nhằm điều tra lý lịch của ông. Các câu hỏi tuôn ra thật nhanh. “Ông có phải là ông Êlia không?” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”. Với cả hai câu hỏi này, vị chứng nhân vẫn cứ trả lời không. Đến đây dường như đã cảm thấy bực bội khó chịu, phái đoàn hỏi: “Thế ông là ai?”. Tuy bị thúc bách như thế, nhưng với giọng hẳn là nhẹ nhàng và vẫn trang trọng mà nghe ra thì có vẻ khôi hài nữa, vị chứng nhân đáp bằng những lời lẽ trích từ sách Isaia: “Tôi là tiếng người hô [= tiếng nói của người hô] trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (x. Is 40,3).

Trong các cuộc xử án, việc xác minh lý lịch của người chứng chỉ là một chuyện thủ tục được thực hiện nhanh chóng, nhưng ở đây, lại không phải là như thế với vị chứng nhân tên là Gioan. Ông cứ toàn lo trả lời là ông không phải là ai thôi – như một kiểu xác minh lý lịch tiêu cực – chứ không nói ông là ai. Cuối cùng khi ông xác minh về ông, bản lý lịch tự khai của ông lại cho biết ông là “tiếng người hô” (tiếng nói, phônê).

Hình ảnh vị chứng nhân cứ tránh né nêu lý lịch góp phần làm cho tấn bi kịch được triển khai. Óc tò mò của chúng ta bị kích thích. Các câu hỏi phát sinh: Đấng Kitô là ai mà Gioan nói ông không phải là Người. Và nếu Gioan chỉ là một tiếng nói, thì ông phải nói gì?

Hoạt cảnh cuộc thẩm vấn vừa rồi không có trong các TMNL. Tuy nhiên, những suy diễn về Đấng Mêsia thì đã quá quen thuộc tại Paléttina vào tk I. Lúc đó người ta đang chờ đợi một số gương mặt trở lại. Trong Lc, ta thấy dân chúng rất tín nhiệm Gioan (x. Lc 3,15); rồi có chuyện vua Hêrôđê băn khoăn về cái chết của Gioan (Lc 9,7-9). Những tin đồn và suy đoán như thế là bối cảnh cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ Gioan khi họ đến gặp Đức Giêsu theo ý ông (x. Mt 11,2-6; Lc 7,18-23) cũng như cho các câu trả lời các môn đệ đã nêu ra khi Đức Giêsu hỏi người ta bảo Người là ai (Mt 16,13-16; Mc 8,27-29; Lc 9,18-20). Dù sao, Đấng Kitô sẽ là vị vua lý tưởng như Đavít; Người sẽ khôi phục quyền tự chủ trên đất nước và qui tụ người Do-thái đang tản mác lại. Người cũng có thể là như ngôn sứ Êlia, mà truyền thống tin là sẽ trở lại vào Ngày của Đức Chúa (x. Ml 3,23). Người cũng có thể là chính Môsê trở lại. Gioan đã thề là ông không phải là bất cứ dung mạo trứ danh nào như thế, những dung mạo đang được mong chờ tha thiết. Ông chỉ là “tiếng nói”.

² Ga 1,24-28

Tuy nhiên, cuộc thẩm vấn vẫn tiếp tục. Người ta hỏi thế thì tại sao ông lại làm phép rửa. Tác giả ghi nhận là trong nhóm được cử đi, có những người thuộc phái Pharisêu, tức những người Do-thái giữ thật nghiêm nhặt Luật Môsê. Như thế, Gioan vừa mạnh mẽ từ chối đồng hóa mình với bất cứ dung mạo cánh chung nào đang được dân chúng chờ đợi, vừa làm chứng trước những đại biểu của toàn thể thế giới Do-thái.

Không có một chi tiết nào trong các nguồn văn chương Do-thái nói rằng Đấng Kitô, Êlia hoặc Môsê, hoặc vị ngôn sứ nào sẽ làm phép rửa. Như thế câu hỏi đăt ra cho Gioan là câu hỏi về quyền. Do quyền nào mà ông làm phép rửa? Một lần nữa, dường như Gioan lại né tránh câu hỏi. Ông chỉ trả lời theo cách bí ẩn. “Tiếng nói” chỉ nhìn nhận rằng ông làm phép rửa trong nước. Nhưng rồi ông nói rằng “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,26-27).

Dường như ở đây Gioan quy chiếu về một truyền thống Do-thái nói rằng Đấng Mêsia sẽ cứ ở trong tình trạng tăm tối cho tới khi Người được Êlia giới thiệu cho Israel. Lời ông nói, “Tôi thì tôi không phải là Đấng Kitô” hàm ý là Đấng Kitô đã có mặt đâu đây, nhưng đang còn ẩn mình, và tuy ẩn mình, Người rất vĩ đại.

Tác giả TM IV không nhấn mạnh về vai trò của Gioan là làm phép rửa cho Đức Giêsu như các TMNL (Mt 3,1-17; Mc 1,2-11; Lc 3,1-20); do đó ngài không gọi Gioan là “Tẩy Giả” (Mt 3,1) hay “người làm phép rửa” (Mc 1,4). Nếu ngài có nói đến phép rửa ấy chỉ là để đưa đến cuộc tra hỏi thôi. Tác giả TM IV cũng không giới thiệu Gioan là như một dung mạo ngôn sứ kêu gọi người ta mau mau hoán cải vì Nước Thiên Chúa đã đến gần. Ngài chỉ quan tâm xác định chân tính của Gioan là “tiếng nói” thôi; ông phải nói điều gì đó. Thật ra cả bốn Tin Mừng đều vận dụng bản văn Is 40,3 (Mt 3,3; Mc 1,3; Lc 3,4), nhưng trong TM IV, chính Gioan lại gán cho mình vai trò làm tiếng nói: tác giả muốn nhân vật Gioan của mình “nói cho chính mình”. Trong khi các TMNL trích Is 40,3 như là một lời bình về ông Gioan, câu này lại được Ga 1,23 trích như là lời của chính Gioan.

Truyện về Gioan trong TM IV là truyện của riêng tác giả. Ngài có cách thức riêng cũng như ngôn ngữ và văn phong riêng mà miêu tả ông Gioan, mà chia sẻ cái nhìn của ngài về ông. Ở đây hoạt cảnh đúng là như một cuộc xử án gồm hai giai đoạn thẩm vấn Gioan. Ngôn ngữ của chương 1 (và của cả TM IV) phù hợp với bầu khí của phòng xử án: ngài viết về lời chứng (martyria, c. 19), lời tuyên xưng (homologeô, 2 lần trong c. 20), và việc chối (arneomai, c. 20); ngài cũng viết về việc hỏi (erôtaô, cc. 19.21.25) và trả lời (apokrinomai, cc. 21; apokrisis, c. 22) và về những người đã được cử đi (apostellô, cc. 19.22.24). Câu truyện được đặt trong một tác phẩm trong đó các từ ngữ rõ ràng mang màu sắc pháp lý, như kết án (katêgoreô, 5,45; 8,6), và thuyết phục (elegchô, 3,20; 8,46; 16,8), bảo vệ (paraklêtos, 14,16.26; 15,26; 16,7), án xử (krisis, 3,19; 5,22.24.27.29.30; 7,24; 8,16; 12,31; 16,8.11) và xét xử (krinô, 3,17.18 (2x); 5,22.30; 7,24 (2x).51; 8,15 (2x).16.26.50; 12,47 (2x).48 (2x); 16,11; 18,31).

+ Kết luận

Từ phân đoạn 1,6-8, ta thấy Gioan không phải là đại sứ đặc mệnh toàn quyền; ông được Thiên Chúa sai đến với một mục tiêu rõ rẹt: “làm chứng về ánh sáng” (cc. 7.8). Sứ mạng của ông phải được nhìn trong viễn tượng vũ trụ, siêu lịch sử, nhưng vai trò của ông là chứng nhân và chỉ là chứng nhân mà thôi. Nhiệm vụ của ông tập trung vào việc làm cho Ít-ra-en nhận biết Đức Giêsu. Tuy nhiên, tác giả cũng muốn nói một điều quan trọng hơn khi tinh tế đặt đối lập dung mạo Gioan, người được Thiên Chúa sai đến (1,6), với các tư tế và các thầy Lêvi được người Do-thái gửi đến từ Giêrusalem (1,19). Cuộc thẩm vấn có thật, nhưng đây chỉ là cuộc đụng chạm giữa hai đoàn tiền quân.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu. sứ mạng này quan trọng đến nỗi trong Lời Tựa, ông được nhắc đến hai lần: một lần như là “chứng nhân” (1,6) và lần kia thì nhắc lại lời chứng của ông (1,15). Do đó, cứ theo TM IV, hẳn là ông phải được gọi là “Gioan người làm chứng”. Danh hiệu mà Họi Thánh Đông phương gán cho ông, “Gioan vị Tiền Hô”, mở ra hai sứ mạng của ông, làm phép rửa và làm chứng.

2. Gioan là chứng nhân của ánh sáng (1,6-8). Điều nghịch lý là ánh sáng lại cần đến một chứng nhân. Ánh sáng thật đang rạng soi cho mọi người (x. 1,9), thế mà không phải là loài người đang tự nhiên sống dưới ánh huy hoàng của ánh sáng này. Như một kho báu được chôn giấu, trước tiên ánh sáng này cần được khám phá; chỉ sau đó ánh sáng mới tỏa rạng và mọi người có thể thực sự thấy được. Đặc điểm của Đức Giêsu là thực tại chân thật của Người không chỉ thấy được ở bề mặt, và không phải bất cứ ai cũng có thể tiếp cận Người. Người không tỏ mình ra với cung cách áp đảo, Người không ép buộc bất cứ ai; người ta luôn luôn có thể tránh Người và sống không cần Người. Đức Giêsu là ánh sáng đòi hỏi tự do quyết định của con người. chính vì Người ở trong tình trạng ẩn mình, Đức Giêsu cần có những chứng nhân. Gioan là chứng nhân đầu tiên của Người, giúp cho người ta có thể đến với Người để nhận được ánh sáng. Nhưng cả lời chứng của Gioan cũng không phải là một bằng cớ bó buộc: mọi người phải tin nhờ ông (1,7). Chỉ ai nhờ ông mà tin thì mới đến được với Đức Giêsu là ánh sáng.

3. Gioan nói như chứng nhân và khẳng định tính khả tín của chính ông. Ông nói thẳng ra ông không phải là ai (1,19-21) và ông là ai (1,22-23) và ai sẽ đến sau ông (1,25-27). Ngay trong Lời Tựa, tác giả Ga đã cho biết: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1,8). Trước tiên ông nói ông không là ai, như để tránh che mất Đấng ông phải làm chứng cho, nếu như ông lo khẳng định về bản thân. Rồi khi phải nói ông là ai, thì ông cho biết ông chỉ là tiếng của người hô trong hoang địa: hoạt động của ông có tầm quan trọng đặc biệt vì được chính Kinh Thánh loan báo, được Thiên Chúa quy định, nhưng chỉ là một tiếng nói loan báo rằng Chúa đang đến và khuyến khích người ta dọn lòng đón tiếp Người.

4. Về nhân vật cao trọng mà ông làm chứng cho, Gioan chỉ khẳng định hai điều: Người đang ở giữa họ, nhưng họ không nhận biết Người; Người cao trọng đến mức chính Gioan cũng không xứng đáng phục vụ Người theo cách thức của một nô lệ. Ẩn mình và cao trọng vẫn là hai nét tiêu biểu của Đức Giêsu. Người là ánh sáng tỏa rạng trong tình trạng ẩn tàng đồng thời là ánh sáng chân thật duy nhất.

5. Bất cứ Kitô hữu nào hôm nay cũng cần thấy mình là một chứng nhân như Gioan. Họ biết mình không là gì cả khi sánh với Đấng họ phải làm chứng cho. Tuy nhiên, chính Đấng ấy lại muốn chọn họ để tỏ mình ra cho thế giới. Cao cả mà thật ra thấp hèn, thấp hèn nhưng cũng cao cả, đã là tư cách của Gioan, thì cũng là thân phận của mọi Kitô hữu.
 
Món quà hiện thân của Chúa Giêsu
Tú Nạc
14:28 11/12/2008
MÓN QUÀ HIỆN THÂN CỦA CHÚA GIÊSU

Hội thánh đã cho chúng ta bốn chủ nhật để chuẩn bị ngày hân hoan Chúa đến. Bốn tuần là thời gian đủ để tổ chức những bữa tiệc nơi công sở, để trao nhau quà tặng, những lời chúc tốt lành đến bạn bè thân thích, đoàn tụ gia đình v.v…Nhưng nó khó có thể sẵn sàng để Chúa ngự cùng chúng ta, Chúa nơi đây và lúc này, Chúa trong lịch sử, Chúa trong một thực thể mặc nhiên. Không chiến lược, không có chương trình, không có kế hoạch nào tạo ra một điều dễ dàng như vậy để có thể chấp nhận hoặc thậm chí có thể thông hiểu được. Đức tin là một món quà.

Bản tính của món quà là là ý nghĩa tinh tuyền của Chúa Giêsu và sự hiệp thông sâu sắc với lòng chân thành.

Thánh địa là nơi bất diệt và bảo đảm kiên định mà sự hóa thân không bao giờ có thể là một chính phạm mơ hồ. Nơi gặp gỡ của khe thung lũng và hình cung mầu mỡ. Nơi là quảng trường của người Israel và người Palestin tranh giành cho rằng phần đất của mình., thế giớí chúa Giêsu hằng sống.Ít nhất từ thế kỷ thứ IV, những người Thiên Chúa giáo đã đến Thánh địa này để gặp gỡ chúa.

Khi một người hành hương đi qua Galilee, Nazareth, Bethlehem và Jerusalem (thành phố hòa bình) những lời nguyện cầu trở nên xúc động, lời cầu xin của Thiên Chúa,những ơn đại phúc, bao nhiêu bánh mì và cá Chúa Giêsu cùng những Tông đồ của ngài đã phân phát cho 5,000 người khi đôi bàn chân mệt mỏi, những đầu ngón tay và những con mắt mở ra một thế giới cổ xưa cùng một thực tế mới mẻ.

Những người Thiên Chúa giáo sẽ không bao giờ tự mình làm được điều này. Chúng ta thực hiện nó với tất cả những người Thiên Chúa giáo khác từ khắp nơi trên thế giới – với những người chúng ta thừa nhận và cả những người chúng ta không chấp nhận. Những người hành hương Thiên Chúa giáo cùng một dòng chảy trong số những người Do Thái và những người Hồi giáo sống ở những vùng đất cổ đại của họ, cầu nguyện bằng những lời kinh cầu của mình liên kết tất cả chúng ta với Tổ phụ Abraham.

Chúng ta cầu nguyện bằng ngôn từ, Chúng ta cầu nguyện bằng con tim, và chứng ta cầu nguyện trên những bước chân.

(Nguồn "The Catholic Register")
 
Làm chứng về Ánh sáng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
16:20 11/12/2008
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG

(Chúa Nhật III Mùa Vọng B)

“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” ( Ga 1,6-7 ).

Ánh sáng là gì ? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Ánh sáng ở đâu ? Dường như người ta hơi khó khăn khi muốn trực tiếp chỉ cho kẻ khác thấy ánh sáng, mặc dù ai cũng công nhận là có ánh sáng. Vì trong thực tế người ta chỉ thấy vật này, người kia, cảnh nọ nhờ có ánh sáng. Trái lại, khi hỏi bóng tối ở đâu thì người ta dễ hình dung ngay là khi ta mở mắt mà không thấy gì cả, chỉ thấy một màu đen bao trùm không gian trước mặt.

Không kể các vật phát sáng như mặt trời, bóng đèn điện…, người ta biết có ánh sáng nhờ thấy các sự vật mà đúng hơn nhờ các sự vật phản chiếu ánh sáng. Như thế nhờ có ánh sáng mà các sự vật ( cũng như con người ) xuất hiện như chúng là. Và ngược lại khi các sự vật được thấy như chúng là thì người ta nhận biết có ánh sáng. Chúng ta có thể kết luận rằng ánh sáng là cái làm cho con người, sự vật được nhìn thấy, nghĩa là hiện hữu như chính mình.

Gioan được sai đến để làm chứng về ánh sáng. Chúng ta dễ dàng tin nhận ánh sáng ở đây chính là Đức Kitô. Chúa Kitô là ánh sáng, đến thế gian để soi sáng cho mọi vật mọi loài, nhất là cho con người thấy mình là ai trong các mối tương quan. Chúa Kitô cũng chính là sáng sáng soi dẫn con người bước đi trên chính lộ. Như thế Ánh sáng đến thế gian là để cho con người biết mình là ai và phải sống như thế nào cho đúng với ý Đấng Sáng Tạo đã dựng nên nó từ thuở ban đầu.

Gioan đã làm chứng cho ánh sáng là làm chứng cho Đức Kitô qua việc tự biết mình là ai và đã sống đúng phận vụ của mình. Dù được dân chúng tín nhiệm và tuôn đến đông đảo, dù được nhiều người, thuộc nhiều thành phần xã hội kính trọng và nghe lời khuyên bảo, Gioan đã thẳng thắn tuyên bố rằng ngài không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Êlia hay một ngôn sứ nào đó mà chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Ngài ý thức phận vụ của Ngài là làm phép rửa bằng nước để kêu gọi sự sám hối còn Đấng Thiên Sai mới thanh tẩy dân bằng Thánh Thần, nghĩa là Đấng Thiên Sai mới là Người thông ban ân lành. Đấng Thiên Sai là Đấng được Thánh Thần “xức dầu, sai đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo khó, băng bó những tấm lòng tan nát, cong bố lệnh ân xá cho lẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân…” ( Is 61,1 ).

Phận vụ của người dọn đường là làm cho con đường nên ngay thẳng và sạch đẹp. Khi đã hoàn tất công việc thì người dọn đường phải rút lui để cho Đấng phải đến, bước đi. Gioan nhìn nhận mình chỉ phù rể, hân hoan thấy ngày của tân lang bừng sáng ( x. Ga 3,29 ), thậm chí không đáng cởi giây giày cho tân lang ( x.Ga 1,27 ). Và Đức Kitô cần lớn lên còn Ngài, Gioan thì phải nhỏ lại ( x.Ga 3,30 ). Hiện diện và sống như mình là, đồng thời vuông tròn sứ mệnh đã lãnh nhận là cách thế minh chứng về ánh sáng.

Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng thế gian lại không thích ánh sáng, không đón nhận ánh sáng ( x.Ga 1,11 ). Quả thật, mỗi khi đã vương phải vòng tội luỵ thì con người thích ẩn mình đi ( x. St 3,10 ). Ánh sáng làm con người thật của chúng ta bị phơi bày và chúng ta sẽ bị trách cứ, bị tố cáo, bị xét xử, nếu chúng ta lỗi lầm, phạm tội. Tuy nhiên đây chính là tiền đề của sự hối cải, ăn năn. Làm sao chúng ta có thể ăn năn, hối cải nếu tiên vàn chúng ta không nhận ra con người thật của mình, không nhận ra tội lỗi mà mình đã phạm ?

Đối với những người khiêm nhu, muốn vươn lên, thoát khỏi ách nô lệ thần dữ, nô lệ tội lỗi thì việc ánh sáng đến là một hồng ân vô bờ, là một tin vui khôn xiết. Trái lại với những người cao ngạo, cố chấp, thì ánh sáng đến sẽ trở thành lời tuyên cáo dứt khoát và rõ ràng. Vì họ cố chấp, hay kiêu ngạo chối từ ánh sáng, nên họ mãi vẫn chìm ngập trong bóng tối tội lỗi. ” Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” ( Ga 9,39 ).

Là Kitô hữu, chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Cũng như Gioan Tẩy giả, chúng ta có bổn phận làm chứng về ánh sáng. Việc trang trí đèn hoa, máng cỏ, cây thông, việc tổ chức lễ lạc linh đình…vào dịp kỷ niệm mừng ngày Chúa Giáng Sinh quả là một việc nên làm và đáng làm. Tuy nhiên, để làm chứng về ánh sáng chỉ bằng những việc ấy mà thôi thì chưa đủ và hầu chắc sẽ ít hữu hiệu. Không gì hơn, noi gương vị Tiền Hô, hãy sống thật cái căn tính và ơn gọi của mình. Bà con lương dân, anh em khác đạo và cả anh em vô thần sẽ có cơ may nhận ra ánh sáng khi chúng ta hiện diện, sống như là những người Kitô hữu, nhũng người đang có Chúa Kitô trong mình. Đồng thời chúng ta cần vuông tròn giới lệnh căn bản và cũng là sứ vụ nền tảng mà Chúa Kitô đã trao ban đó là “ yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta” ( x.Ga 15,12 ).

Giáng Sinh sắp lại về, mỗi người chúng ta đã, đang và sẽ làm gì đây để cho người anh chị em xóm giềng, lân cận, nhận ra Chúa Kitô là ánh sáng trần gian, là ánh sáng chân lý, ánh sáng cứu độ ? Không dám ước mơ có nhiều người, chỉ cần có một người, nhờ tôi mà tin Chúa Giêsu Kitô chính là ánh sáng chân lý, nhờ tôi mà đón nhận ánh sáng cứu độ, thì tôi đang sống Mùa Vọng đượm đầy ý nghĩa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phẩm giá con người, hòa bình, phát triển là chủ đề của đối thoại liên tôn.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:40 11/12/2008
Vatican (AsiaNews) - Phẩm giá con người, việc tìm kiếm lợi ích chung, kiến tạo hòa bình, phát triển: đó là những chủ đề mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chỉ ra cho "các tín hữu" nhằm thúc đẩy các sáng kiến đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, với mục đích khuyến khích cộng tác lẫn nhau. Trong một bức thư gửi đến Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn, và Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, nhân Ngày Nghiên cứu với chủ đề “các nền văn hóa và tôn giáo trong đối thoại” diễn ra hôm 04/12, trong bối cảnh của năm đối thoại liên văn hóa do Liên minh Châu Âu đề xướng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng công cuộc đối thoại này như là "một ưu tiên cho Liên minh Châu Âu".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho hay rằng Âu Châu hiện đại "là kết quả của hai thiên niên kỷ của văn minh. Cội rễ của nó được gieo trồng rộng rãi trong các di sản văn hóa cổ xưa của Athen và Rôma, và trên hết là địa thế màu mỡ của Kitô giáo, vốn dĩ cho thấy khả năng của chính nó có thể tạo nên những gia sản văn hóa mới trong khi lĩnh hội sự đóng góp độc đáo của mỗi nền văn minh"

Bức thư viết tiếp: "Bằng cách này, Âu Châu xuất hiện đối với chúng ta ngày nay như là tấm thảm quý giá, được đan dệt với nhau bằng các nguyên tắc và các giá trị được tìm thấy trong Tin Mừng, trong khi các nền văn hóa dân tộc có thể phát họa những viễn tượng to lớn đa dạng để biểu thị các khả năng về tôn giáo, trí tuệ, công nghệ, khoa học, và nghệ thuật của người Âu Châu (Homo Europeus). Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể khẳng định rằng Âu Châu đã có, và vẫn có ảnh hưởng văn hóa trên toàn thể nhân loại và không thể sai lầm để cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt không chỉ riêng cho tương lai của mình, mà còn cho toàn thể nhân loại”.

Đức Thánh Cha viết thêm: "Trong bối cảnh hiện nay, khi mà những người đương thời chúng ta thường đưa ra những vấn đề cơ bản về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị của nó, dường như cần suy tư về những cội rễ cổ xưa có tầm quan trọng hơn bao giờ hết, từ cội rễ đó nhựa sống dồi dào đã tuôn chảy qua dòng thời gian của hằng bao nhiêu thế kỷ. Vì thế đề tài đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo nổi lên như là một ưu tiên cho Liên minh Châu Âu, và những tiếp tuyến liên quan đến các lĩnh vực văn hóa và truyền thông, giáo dục và khoa học, di dân và các sắc tộc thiểu số, thậm chí vươn ra các lĩnh vực giới trẻ và việc làm. Một lần nữa sự đa dạng được chấp nhận như là một thực tại tích cực, mà con người phải được khuyến khích không chỉ để chấp nhận sự tồn tại và văn hóa của người khác, mà còn để khao khát được làm phong phú thêm nhờ nó".

Bức thư kết luận: "Chúng ta sống trong những gì được nhắc đến như là một 'thế giới đa nguyên', với đặc tính truyền thông nhanh chóng, sự biến động của các quốc gia và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, chính trị và văn hóa. Chính tại thời điểm đôi khi lại là kịch tính này, mặc dù không may là nhiều người Âu Châu dường như lờ đi cội rễ Kitô giáo của Âu Châu, vốn vẫn đang tồn tại, chúng cần phải vạch ra đường hướng và nuôi dưỡng hy vọng của hàng triệu công dân, những người chia sẻ những giá trị tương tự. Do đó, các tín hữu cần phải luôn luôn sẵn sàng thúc đẩy các sáng kiến đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, nhằm mục đích khuyến khích hợp tác trong các lĩnh vực cùng nhau quan tâm như phẩm giá con người, việc tìm kiếm lợi ích chung, kiến tạo hòa bình, phát triển".
 
Nhật ký của ĐGH Gioan XXIII tiết lộ những cảm thức cá nhân từ Thế chiến II
Phụng Nghi
18:26 11/12/2008
Vatican (Times Online) - Toàn phần nhật ký của Đức giáo hoàng Gioan XXIII sẽ được phát hành tại Roma vào tuần tới. Trong nhật ký này, ngài khẳng định rằng Benito Mussolini, nhà độc tài Phát xít của nước Ý, là một người tuy đã “phạm phải những sai lầm” nhưng ít nhiều đã mang lại “ích lợi to lớn” cho nước Ý.

Vào thập niên 1930, Gioan XXIII – lúc đó chưa trở thành giáo hoàng và còn mang tên Angelo Roncalli -- làm Khâm sứ Tòa thánh tại Thổ nhĩ kỳ và Hy lạp. Năm 1944, trong Thế chiến II, Đức giáo hoàng Piô XII gửi ngài tới Paris làm sứ thần Tòa thánh. Năm 1953 ngài được bổ nhiệm làm giáo chủ Venice, và 5 năm sau – chính ngài cũng rất mực ngạc nhiên – được bầu lên kế nhiệm Đức giáo hoàng Piô XII.

Cả giai đoạn trước và trong thế chiến, Angelo Roncalli được ca tụng là người đã giúp cứu sống hàng ngàn dân tị nạn Do thái tại châu Âu, đến độ một số người Do thái coi ngài như một “Người Dân Ngoại Công chính”. Tuy vậy, một đoạn trong cuốn nhật ký đồ sộ của ngài sắp được công bố vào thứ Ba tuần tới tại Gonfalone Oratory ở Rome lại ghi chép phản ứng của ngài khi Mussolini bị thất bại bằng giọng hối tiếc; đoạn này viết vào tháng 7 năm 1943.

Ngài viết: “Tin tức quan trọng nhất hôm nay là việc Mussolini rút lui khỏi chính quyền. Cử chỉ này theo tôi nghĩ là một hành động khôn ngoan đáng làm cho ông được vinh dự. Không, tôi sẽ không ném đá vào ông đâu. Cả ông nữa, sic transit gloria mundi (vinh quang của trần gian qua đi như vậy đó). Nhưng những việc tốt lành lớn lao ông làm cho nước Ý vẫn còn tồn tại. Sự rút lui của ông là một việc đền trả cho một số tội lỗi của ông. Dominus parcat illi (Xin Chúa dủ lòng thương xót ông).”

Vị giáo hoàng tương lai cũng ghi lại cảm xúc mãnh liệt của ngài khi Mussolini bị ám sát bởi đám biệt động – “được gọi là những người yêu nước” – vào tháng 4 năm 1945, và việc treo ngược xác ông nơi một quảng trường ở Milan, gọi đó là một “ngày buồn thảm”. Nhật ký cũng tiết lộ rằng năm 1941, Đức giáo hoàng Piô XII có hỏi xem “sự im lặng của ngài trong cách ứng xử với người Do thái” có bị “phê phán một cách tồi tệ” hay không.

Tổng giám mục Loris Capovilla là thư ký riêng của Đức giáo hoàng Gioan XXIII trong một thời gian dài, nói rằng sở dĩ Đức giáo hoàng Piô XII đã hỏi ý kiến của giám mục Angelo Roncalli về cách thức phản ứng lại cuộc bách hại người Do thái của chế độ Quốc xã, bởi vì Đức giáo hoàng “tôn trọng phán đoán của ngài.” Tổng giám mục cho biết rằng Gioan XXIII đã thúc đẩy những cái cách của Công đồng Vatican II nhưng đã không sống được để thấy những cải cách đó thực hiện, và suốt trong thời gian phục vụ, trong vai trò một nhà ngoại giao của Vatican hay cương vị giáo hoàng, đã duy trì những quan điểm cảm thông và nhân đạo.

Tổng giám mục Capovilla nhắc ta nhớ lại rằng Gioan XXIII là vị giáo hoàng đã phong chức hồng y đầu tiên cho một người da đen vào năm 1960, đó là hồng y Laurian Rugambwa của Tanganyika. Ngài nói với báo La Stampa: “Nếu Barack Obama trở thành Tổng thống Hoa kỳ thì một phần cũng vì việc đó.”

Năm 1924, khi những cuộc bầu cử, ghi dấu bằng đe doạ và gian lận phiếu bầu, đưa Mussolini và những người Phát xít lên nắm chính quyền, vị giáo hoàng tương lai viết: “Vì lương tâm của một linh mục và một Kitô hữu, tôi cảm thấy không thể bầu cho những người Phát xít. Có một điều tôi biết chắc: sự cứu vớt nước Ý không thể do Mussolini mà có, mặc dù ông ta có thể là người có tài. Mục đích của ông có lẽ tốt đẹp và đúng, nhưng phương tiện ông dùng để thực hiện các mục tiêu đó xấu xa và trái ngược với Tin Mừng.”

Năm 1936, sau khi nước Ý chiếm Ethiopia, Ronacalli viết về Mussolini: “một năng lực ẩn giấu đang hướng dẫn ông và đang chở che nước Ý.” Tuy nhiên, sau Thế Chiến II, ngài mô tả sự độc tài của Mussolini là “một đại họa” đã mang lại “nỗi buồn lớn lao cho dân tộc Ý.”

Đức giáo hoàng Gioan XXIII được tuyên phong chân phước năm 2000, đồng thời với Đức giáo hoàng Piô IX, và được dân chúng Ý ghi nhớ như là "Il Papa Buono" ("The Good Pope, Vị giáo hoàng nhân lành”) hay “The Smiling Pope, Vị giáo hoàng hay cười” vì sự nhiệt tâm và nhân hậu đầy tình người của ngài. Ngài sinh tại Bergano vùng phía bắc nước Ý, thụ phong linh mục năm 1904, bị động viên vào Quân đội Ý trong Thế Chiến I, phục vụ trong vai trò tuyên úy và khiêng cáng thương binh.

Năm 1921, trước khi bắt đầu sự nghiệp trong ngành ngoại giao, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Truyền bá Đức tin. Chuyện kể rằng ngài có rất ít hy vọng được bầu chọn làm giáo hoàng tại mật viện họp sau cái chết của Đức giáo hoàng Piô XII năm 1958, đến nỗi ngài từ Venice đến họp tại Roma bằng xe lửa, trong túi vẫn còn mang chiếc vé khứ hồi về lại Venice.

Ngài mất vì bệnh ung thư năm 1963, và những dòng chữ cuối cùng ghi trong nhật ký là: “Ơn phước lớn lao tôi có là được sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, giản dị và nghèo, nhưng kính sợ Thiên Chúa. Thời giờ của tôi ở trần gian này đang gần hết. Nhưng Đức Kitô vẫn sống và tiếp tục công trình của Người nơi Giáo hội.”

Sau khi được tuyên phong chân phước, thi hài của ngài được chuyển từ hầm mộ dưới lòng đền thờ Thánh Phêrô lên bên trên cho tín hữu kính viếng. Xác ngài vẫn còn gần như nguyên vẹn, và Tòa thánh Vatican nói đây không phải là một phép lạ, nhưng do được lưu giữ trong quan tài có ba lớp gắn kín.

Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã viết những nhật ký này khi còn là một thanh niên trẻ trung. Một phần nhật ký trước đây đã được công bố dưới nhan đề: ”Hành trình của một Linh hồn.”

Nguồn: Richard Owen / Times Online
 
Top Stories
Wietnam: katolicy z parafii Thai Ha otrzymali wyroki w zawieszeniu (tiếng Ba Lan)
Katolicka Agencja Informacjna
21:33 11/12/2008
Wietnam: katolicy z parafii Thai Ha otrzymali wyroki w zawieszeniu (tiếng Ba Lan)

Siedmiu katolików należących do parafii Thai Ha w stolicy Wietnamu Hanoi zostało skazanych na kary od 12 do 17 miesięcy pozbawienia wolności w zawieszeniu - informuje agencja UCAN.

Oczekujący przed trybunałem parafianie powitali skazanych okrzykami "niewinni" i "sprawiedliwość zwycięża". Odbyli razem procesję ulicami Hanoi do kościoła parafii Thai Ha, gdzie odprawiono dziękczynną Mszę św.

Wyrok 17 lat więzienia w zawieszeniu dostała 46-letnia Nguyen Thi Nhi z prowincji Hoa Binh za "wywoływanie niepokoju społecznego". Szóstkę pozostałych w wieku 31-63 lat skazano na 12-15 lat pozbawienia wolności w zawieszeniu za "niszczenie własności publicznej i wywoływanie niepokoju społecznego". Jedynie ostrzeżenie skierowano do 21-letniego Thai Thanh Hai z parafi Thai Ha.

Skazani byli jednymi z wielu parafian, którzy uczestniczyli w czuwaniu modlitewnym 15 sierpnia br. na bezprawnie zajętej przez władze działce należącej do parafii Thai Ha.

(Source: Katolicka Agencja Informacjna, http://wyborcza.pl/1,91446,6044897,Wietnam__katolicy_z_parafii_Thai_Ha_otrzymali_wyroki.html)
 
Condenados los católicos de Thai Ha. Solidariedad y oraciones de las comunidades de todo el país (tiếng Tây Ban Nha)
Agencia Fides
21:34 11/12/2008
Hanoi (Agencia Fides) – Han sido condenados, aunque se les ha suspendido la pena (por lo tanto no irán a la cárcel), los ocho católicos vietnamitas de la parroquia de Thai Ha acusados de “desordenes y daño a la propiedad del estado” por haber rezado en un terreno que antes le pertenecía a la Iglesia y que fue confiscado por las autoridades vietnamitas (ver Fides 2/12/08).

El 8 de diciembre el Tribunal Popular de Dong Da (en Hanoi) hizo público el veredicto: siete condenados a penas entre 12 y 15 meses de prisión y al octavo se le dio una amonestación.

Su caso ha sido seguido por una masa de cristianos en oración fuera del Tribunal para manifestar su apoyo y solidariedad a sus hermanos en la fe. La comunidad católica del monasterio Redentorista de Thai Ha (religiosos y fieles laicos) siguieron de cerca el acontecimiento organizando manifestaciones públicas no violentas para dar a conocer la inocencia de sus hermanos en la fe, las discriminaciones sufridas por la comunidad católica y la violación de sus derechos.

Muchas comunidades católicas en todo el país han organizado vigilias de oración como signo de solidariedad con los fieles de Thai Ha, rezando por ellos, por la paz y por las autoridades del estado, invocando la justicia y la reconciliación de Dios.

Los Obispos vietnamitas han intervino también sobre el asunto con un comunicado oficial difundido recientemente en el que dan a conocer su punto de vista, afirmando que la disputa de Thai Ha, como muchas otras situaciones, manifiesta la poca claridad en las relaciones entre la Iglesia y el estado sobre propiedades y bienes eclesiásticos que en el pasado fueron confiscados. La Iglesia pide en la actualidad su restitución para poder continuar con su actividad pastoral y social manifestándose dispuesta a trabajar por la construcción armoniosa y pacífica de la sociedad. (PA)

(Source: Agencia Fides, http://www.fides.org/aree/news/newsdet.php?idnews=22255&lan=spa )
 
Vietnamese lay activists, convicted on criminal charges, viewed as heroes by fellow Catholics
Catholic World News
21:35 11/12/2008
Hanoi, Dec. 11, 2008 (CWNews.com) - Eight Vietnamese Catholic activists who were found guilty of criminal charges earlier this week view their conviction as a badge of honor, Church officials in Hanoi report.

The Catholic defendants, who were convicted on December 8 on charges of destroying public property, in connection with peaceful protests at a Redemptorist monastery, wore their best clothes to the courtroom. "They dressed so beautifully like that to tell everyone that they were innocent, they had nothing to be ashamed of; and that they were proud and happy to be witnesses of the truth and justice,” explained Father Matthew Vu Khoi Phung, the Redemptorist superior.

Although they saw their prosecution as a show trial-- in which the government was determined to send a strong message to Catholic activists who are pressing for return of Church-owned property seized by the Communist regime-- the eight defendants received only suspended sentences. They attribute the light sentences to the intercession of the Virgin Mary, noting that the trial, which had originally been scheduled for December 5, was actually held on December 8: the feast of the Immaculate Conception.

Although prosecutors had done their best to discourage attendance at the trial, hundreds of Catholics stood outside the courtroom building to express their support for the defendants. Father Father Pierre Nguyen Van Khai, the only priest allowed to attend the 7-hour trial, reported that " judges, lawyers, defendants and all those attending the trial could hear very clearly thousands of Catholics protesting outside the courthouse, who kept yelling ‘Innocent, Innocent!'"

When the trial concluded, the convicted defendants received a warm welcome from their supporters as they emerged from the courtroom. The convicted Catholic activists were lifted on the shoulders of their friends and carried through the streets of Hanoi to their Thai Ha parish church where they continued their celebration of the Marian feast day.

(Source: Catholic World News (CWN), http://www.catholicculture.org/news/features/index.cfm?recnum=60257)
 
Protests outside Vietnamese and Syrian embassies against “prisons behind facades”
Reporters Without Borders
01:48 11/12/2008
Protests outside Vietnamese and Syrian embassies against “prisons behind facades”

Reporters Without Borders marked the 60th anniversary of the Universal Declaration of Human Rights today by organising a roving demonstration that visited the Vietnamese and Syrian embassies in Paris to protest against governments that imprison journalists and cyber-dissidents.

The press freedom organisation’s activists unfurled a gigantic canvas showing the entrance to a prison in front of the gates to each embassy and called for the release of all the people who are in jail in these countries because of what they wrote in newspapers or on the Internet.

“Vietnam and Syria are ruled by governments that practice political imprisonment without hesitation,” Reporters Without Borders said. “The declaration whose 60th anniversary we are commemorating today means nothing to them. The aim of our protest today is to draw attention to a plain fact - that the distinguished facades of embassies often hide ugly prison cells.”

Three journalists and eight cyber-dissidents are currently jailed in Vietnam. They include journalist Nguyen Viet Chien of the daily Thanh Nien, who was sentenced to two years in prison on 15 October for investigating corruption, and blogger and human rights activist Nguyen Hoaong Hai, also known as Dieu Cay, who was sentenced to two and a half years in prison on 4 December.

Nine journalists and cyber-dissidents are currently imprisoned in Syria. They include independent journalist Michel Kilo and cyber-dissident Habib Saleh. There are more journalists in prison in Syria right now than at any time since Bashar el-Assad became president in July 2000.

(Source: http://www.rsf.org/article.php3?id_article=29639)
 
Condannati i cattolici di Thai Ha: solidarietà e preghiera dalle comunità in tutto il paese (tiếng Ý)
Agenzia Fides
01:50 11/12/2008
Condannati i cattolici di Thai Ha: solidarietà e preghiera dalle comunità in tutto il paese (tiếng Ý)

(Những giáo dân bị xử án của Thái Hà: Sự đoàn kết và lời cầu nguyện từ các cộng đoàn giáo xứ trên toàn quốc)

Hanoi (Agenzia Fides) – Sono stati condannati, pur se con pena sospesa (dunque non andranno in carcere), gli otto cattolici vietnamiti della parrocchia di Thai Ha, accusati di “disordini e danni alle proprietà dello stato”, per aver pregato in un terreno in passato appartenente alla Chiesa e poi requisito dalle autorità vietnamite (vedi Fides 2/12/08).

L’8 dicembre il Tribunale Popolare di Dong Da (ad Hanoi) ha reso noto il verdetto: sette di loro sono stati condannati a pene fra i 12 e i 15 mesi di prigione, all’ottavo è stata inflitta un’ammonizione.

Il loro caso è stato seguito da una folla di cristiani assiepati in preghiera fuori dal Tribunale, che hanno manifestato sostegno e solidarietà ai loro fratelli nella fede. La comunità cattolica del monastero Redentorista di Thai Ha (religiosi e fedeli laici) ha seguito da vicino tutta la vicenda, organizzando manifestazioni pubbliche non violente per ribadire l’innocenza dei fratelli, le discriminazioni subite dalla comunità cattolica, le violazioni dei suoi diritti.

Molte comunità cattoliche in tutto il paese hanno organizzato veglie di preghiera in segno di solidarietà con i fedeli di Thai Ha, pregando per loro, pregando per la pace e per le autorità dello stato, invocando da Dio giustizia e riconciliazione.

Sulla vicenda sono intervenuti anche i Vescovi vietnamiti che, in un comunicato ufficiale diffuso di recente, hanno espresso il loro punto di vista, affermando che la disputa di Thai Ha, come tante altre situazioni, manifesta la mancata chiarezza nei rapporti fra Chiesa e stato sulle proprietà e sui beni ecclesiastici in passato sequestrati. La Chiesa oggi ne chiede la restituzione, per proseguire e rafforzare le sue attività pastorali e sociali, dichiarandosi pronta a operare per costruire armonia e pace nella società.

(Source: Agenzia Fides 10/12/2008 http://www.fides.org/aree/news/newsdet.php?idnews=26172&lan=ita )
 
Top Stories Photos for Thai Ha
Chitose Suzuki/ AP
02:13 11/12/2008
Top Stories Photos for Thai Ha



1- Catholics and their supporters pray outside the Dong Da district court in Hanoi, Vietnam, Monday, Dec. 8, 2008, during a trial. Several hundred Catholics gathered outside the courthouse Monday morning to support eight Vietnamese Catholics who went on trial Monday on charges of disturbing public order and damaging property while holding prayer vigils to demand the return of confiscated church land.

2- Catholic and their supporters hold signs, the one, left, reading, 'God bless those brothers and sisters on trial,' outside the Dong Da district court in Hanoi, Vietnam, Monday, Dec. 8, 2008, during a trial.

3- Catholic and their supporters gather outside the Dong Da district court in Hanoi, Vietnam,

4- Eight Vietnamese Catholics, standing, go on trial Monday, Dec. 8, 2008, for allegedly disturbing public order and damaging property during a series of prayer vigils held last year as part of a campaign to get back confiscated church land.

5- Nguyen Thi Nhi, 46, standing, is one of the eight Vietnamese Catholics who went on trial Monday.

6- A woman pray in front of Vietnamese police officers outside the Dong Da district court in Hanoi, Vietnam, Monday, Dec. 8, 2008, during a trial.

7- Vietnamese Catholics hold a vigil outside court in Hanoi on December 8.

8- Hundreds of Catholics cheer as the defendants emerged from the Dong Da district court in Hanoi, Vietnam, Monday, Dec. 8, 2008. A Vietnamese court convicted eight Catholics on Monday on charges of disturbing public order and damaging property during a series of prayer vigils to get back confiscated church land, but gave them light sentences. One defendant received a warning while the others were given suspended sentences ranging from 12 to 15 months. They received up to two years of probation and were sent home.

9- Le Quang Kien, center, one of defendants, celebrates after he and other defendants emerged from the Dong Da district court in Hanoi.

10- Catholic Father Matthew Vu Khoi Phung speaks to the media at the Thai Ha church in Hanoi December 8, 2008. A Vietnamese court on Monday sentenced seven Catholics to suspended jail terms and gave another a warning after their attempt to claim a plot of disputed land in a simmering standoff with the government. The verdict amounted to a slap on the wrist for the Catholics, who say they have been trying for years to get back a large plot next to a church in Hanoi that the government siezed in 1958, and who have staged several protests around the land in recent months.

11- Catholic Father Peter Nguyen Van Khai speaks to believers during a thanksgiving mass at the Thai Ha church in Hanoi December 8, 2008. A Vietnamese court on Monday sentenced seven Catholics to suspended jail terms and gave another a warning after their attempt to claim a plot of disputed land in a simmering standoff with the government.

12- Catholic believers attend a thanksgiving mass at the Thai Ha church in Hanoi December 8, 2008.

13- Catholic priests and believers attend a thanksgiving mass at the Thai Ha church in Hanoi December 8, 2008.

14- Catholic believers hold leaves, the symbol of the Vietnamese Catholics who died of their religious creed, at the Thai Ha church in Hanoi December 8, 2008.

(Source: AP Photo/Chitose Suzuki - http://news.yahoo.com/nphotos/slideshow/photo//081208/481/ad174bd19725421eb204ab6cc77d44e4/)
 
Vietnamese Inquisition: Catholic protesters face a show trial as Hanoi's clampdown on religious and media freedom continues
Simon Roughneen/ ISN Security Watch
02:27 11/12/2008
Vietnamese Inquisition: Catholic protesters face a show trial as Hanoi's clampdown on religious and media freedom continues

An ongoing face-off between the Vietnamese government and the Catholic Church will come to head any day now, the latest round in a continuing state clampdown on freedom of expression in Vietnam, a one-party state ruled by the Communist Party.

Eight parishioners at the Thai Ha Redemptorist Church in Hanoi will face what will effectively be a closed trial, set to commence soon, though an exact start date has not been announced. The group is accused of "damaging state property and disorderly conduct in public."

The accused have participated in an almost year-long vigil at the Thai Ha Church, protesting what Catholics feel is state expropriation of Church land.

Since late 2007, there have been prayer vigils across the city, as Vietnam's 6 million Catholics protest attempts to turn the former apostolic nunciature in Hanoi into a public park. In September, however, the government's reaction turned violent, with riot police, stun guns and tear gas used against the gatherings. Government officials have publicly denounced the archbishop of Hanoi, using smear tactics in state-owned media as an attempt to turn other Catholics against the protesters and bishops involved.

Lawyers representing two of the protesters - Nguyen Thi Nhi, 46, and Ngo Thi Dung, 54 - say they have been denied access to the women, who are awaiting trial inside the Hoa Lo Prison, better known as the Hanoi Hilton, where US presidential candidate John McCain was held as a POW during the Vietnam War.

Speaking to the BBC, attorney Le Tran Trout said that from a legal point of view the charge of damaging state property is flawed because he has "enough evidence to prove that the land belongs to them [the parishioners].

"The wall [they tore down] was built illegally on their land," he added, and "they had every right to destroy it." Hence, the "government cannot charge them for damaging state property."

Widening crackdown on dissent

Carl Thayer is a Vietnam watcher and visiting fellow at the Australian National University. He is currently in Hanoi and told ISN Security Watch that the government faced other challenges besides the Catholic vigils, and had been clamping down on other dissenting voices.

Not only has the state reacted violently to Catholic prayer vigils, it has resumed a campaign of vilification against marginal Buddhist sects and of what it deems non-mainstream Protestant groups.

And the crackdown has widened, now taking in critical voices in the media.

Thayer tells ISN Security Watch: "Vietnam has come down hard on journalists and editors who have reported corruption scandals. Journalists and their police informants have been tried and convicted for 'abuse of power.' Punitive action has been taken against other editors and newspapers."

A prominent journalist was jailed in October for reporting on a corruption scandal involving senior officials using overseas aid to place high-stakes bets on football matches in England. Nguyen Viet Chien, a reporter with the daily newspaper Thanh Nien, was sentenced to two years in jail for exposing the scandal, work which the courts declared to be an "abuse of democratic freedoms."

Since then, two more graft controversies have arisen, one involving the bribing of a Ho Chi Minh City official, the other involving illegal trafficking of rhino horns in South Africa.

Slowing economy

Vietnam's slowing economy is causing consternation among the ruling communist elites. The Politburo regards economic dynamism as a necessary component of its tightly controlled system.

Vietnam's communist rulers have taken a path somewhat akin to China, coupling selective free-market reforms with continued political authoritarianism. Rhetorical window-dressing -such as the 1980s doi moi, or renovation - has not meant a diminution of the one-party state.

However, 2008 has seen a slowing growth rate caused by high inflation and the impact of the global financial crisis. Vietnam's current economic difficulties prompted the Politburo to effectively rein in control of the purse strings and decision-making, and "on several occasions issuing directives to the Cabinet on economic policy," according to Carl Thayer.

Prime Minister Nguyen Tan Dung has been sidelined somewhat, with officials worried that the combination of economic slowdown and political dissent could pose a challenge to their long hegemony.

The Church dispute is likely seen by the Communist Party as an intolerable challenge to state authority at a time of economic weakness.

Taken in by Hanoi

A US government body known as the US Commission on International Religious Freedom (USCIRF) outlined in its most recent country report for Vietnam "that in all of the most recent cases of arrest, imprisonment and other detention, religious leaders and religious freedom advocates had engaged in actions protected by international human rights instruments."

However, this has not always been reflected in US policy, as Commissioner Nina Shea outlined to ISN Security Watch in October.

"A clear example of how trade trumped concern for religious freedom occurred in 2006, on the eve of President [George W] Bush's visit to Vietnam for an economic summit, when the State Department removed Vietnam from its short list of the world's worst religious persecutors," Shea said.

It is not just the US, however, that has been taken in by Hanoi. A Potemkin-village relaxation of restriction on religion gave other countries the excuse needed to back the country's entry into the World Trade Organization, and Vietnam remains a recipient of hundreds of millions of euros in bilateral aid.

Hanoi won a UN Security Council seat in 2008, where it teamed up with China and Russia to veto a UNSC resolution condemning Robert Mugabe's brutal crackdown on the Zimbabwean opposition after elections held in the African country this spring.

Some measure of complicity also could be attributed to guileless tourists, who endow the regime with hundreds of millions more in revenue each year, with around 3 million visitors in 2007, and many of those foreign visitors taking in the country's various shrines and temples.

Pro-democracy leader in Burma, Aung San Suu Kyi, has pleaded with tourists not to visit her country, as it merely endows the Than Shwe junta with legitimacy and revenue. Though conditions in Vietnam are not as oppressive as in Burma, this Hanoi show trial of vigil participants means it might be time to consider a similar move regarding Vietnam.

Long S Le teaches Vietnamese studies at the University of Houston, and outlined the ironic hypocrisy of the communist government's stance for ISN Security Watch: "Vietnam promotes the country's religious traditions to draw foreign travelers to Vietnam's cathedrals, temples and pagodas, while religious groups are still being persecuted."

(By Simon Roughneen in Port Moresby, 5 Dec 2008, Simon Roughneen is an ISN Security Watch senior correspondent, currently in Southeast Asia. He previously reported from the region in 2007. Publisher: International Relations and Security Network, http://www.isn.ethz.ch/isn/Current-Affairs/Security-Watch/Detail/?fecvnodeid=106590&fecvid=33&v21=109293&lng=en&v33=106590&id=94423)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sự gắn bó keo sơn giữa Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo phận Vinh
Truyền thông GP Vinh
13:19 11/12/2008
VINH (11.12.2008) - Trong thời gian gần đây, người ta thấy giữa hai giáo phận Hà Nội và giáo phận Vinh đã thể hiện sự gắn bó yêu thương cao độ qua những việc làm cụ thể và những sự hỗ trợ vừa tinh thần và những nối kết cần thiết cho những mục tiêu chung của Giáo hội. Thê nên ước mong của Chúa Giêsu "xin cho chúng nên một" (x. Ga 17, 23) và mệnh lệnh của Chúa “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). đã được Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội và Đức Cha Cao Đình Thuyên của Giáo phận Vinh thực hiện một cách tuyệt vời.

Cuộc đón tiế[ Đức TGM Hà Nội tại Vinh
Ngoài sự gắn bó và trợ giúp nhau lâu nay, trong những tháng vừa qua, cụ thể nhất là từ lúc hai sự việc tại giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội xảy ra đến những khó khăn hiện tại, mối tương thân tương ái, sự đồng tâm hiệp lực của Đức Tổng Giuse và giáo phận Vinh đã được thể hiện hơn bao giờ hết.

Đầu tiên phải nói tới sự kiện Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, ngay những ngày đầu khi sự vụ tại giáo xứ Thái Hà diễn ra, ngài đã cùng Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa đến thăm viếng, động viên và cầu nguyện cho các tín hữu giáo xứ Thái Hà. Tiếp sau đó, khi sự việc căng thẳng hơn, 11 linh mục và một số tín hữu trong giáo hạt Thuận Nghĩa thuộc giáo phận Vinh đã vượt hơn 300 km ra cử hành Thánh lễ trọng thể tại giáo xứ Thái Hà để cầu nguyện cho công lý và hòa bình nơi đây. Cùng lúc đó, ngay tại nhiều giáo xứ của giáo phận Vinh đã tổ chức những buổi cầu nguyện để sự thật và lẽ phải được thực hiện cho các tín hữu tại vùng đất thủ đô của Việt Nam. Tâm tình này trào dâng một cách mạnh mẽ khi sự kiện tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội xảy ra, và nhất là khi hình ảnh vị mục tử của giáo tỉnh Miền Bắc, Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, bị đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng với những lời lẽ lên án không đúng về ngài. Nơi từng giáo xứ, các linh mục đã giải thích cho các tín hữu hiểu đúng sự thật của vụ việc và kêu mời mọi người, mọi nhà cầu nguyện cho vị mục tử kính yêu của Giáo tỉnh. Hàng ngàn, hàng vạn ánh nến tại các giáo xứ, cộng đoàn dòng tu đã được đốt lên để cầu nguyện cho Đức Tổng Giuse, cho giáo xứ Thái Hà, cho anh chị em đồng đạo tại giáo phận Hà Nội. Không chỉ có tại quê nhà, mà ngay tại thủ đô Hà Nội, lực lượng sinh viên Công giáo người Vinh luôn là những người tích cực trong các buổi cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà.

Những tâm tình và hành động đó đã làm Đức Tổng Giuse rất cảm động. Ngay khi vừa từ Hà Nội vào Tòa giám mục Xã Đoài vào lúc 20h ngày 09/12/2008, trong chuyến đi cứu trợ đồng bào lũ lụt cùng Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó chủ tịch Ủy Ban Bác Ái của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, bất chấp sự mỏi mệt của cuộc hành trình, Đức Tổng Giuse đã nói lên lời tri ân tới Đức cha Phaolô, các linh mục, các nam nữ tu sĩ và một số đông các tín hữu của giáo xứ Chính tòa Xã Đoài đang vây kín cả phòng khách Tòa giám mục Xã Đoài. Đức Tổng cũng nói lên sự cảm kích của mình trước những hành động mà cộng đoàn tín hữu miền Vinh, nhất là trước câu nói mạnh mẽ, đầy tình liên đới huynh đệ của vị giám mục đã 81 tuổi trong thánh lễ tại Thái Hà ngày 10/09/2008: “…việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh, của Thanh Hóa và của cả Giáo hội Việt Nam. Đây là vấn đề chúng tôi rất bức xúc! Nhất cử nhất động ở Thái Hà chúng tôi đều theo dõi, do đó chúng tôi đến đây để cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý và hòa bình. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho anh chị em vì công lý mà chịu nhiều đau khổ và thử thách...”

Tâm tình này được Đức Tổng Ngô Quang Kiệt nhắc lại nhiều lần trong Thánh lễ ra mắt Caritas giáo phận Vinh được tổ chức tại sân vận động Vũ Đăng Khoa thuộc giáo xứ trị sở giáo hạt Thuận Nghĩa, vào lúc 8h ngày 10/12/2008. Sau lời chào mừng của cha Quản hạt Phêrô Trần Phúc Chính, từ câu nói trên đây của Đức giám mục giáo phận Vinh, Đức Tổng giám mục Hà Nội nói: “Việc của giáo phận Vinh cũng là việc của giáo phận Hà Nội, giáo hội Việt Nam và của toàn Giáo Hội. Trong những ngày qua anh chị em tại giáo phận Vinh chịu cơn đau khổ vì lũ lụt thì chúng tôi cũng cảm thấy quặn lòng cùng anh chị em. Và vì vậy, hôm nay tôi đến đây cùng với Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám muc Thanh Hóa, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, phó chủ tịch UBBA của HĐGMVN để thăm hỏi, động viên anh chị em” .

Và cuối Thánh lễ, ngài đã trao cho linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Ban Bác ái giáo phận Vinh số tiền cứu trợ là 550 triệu đồng, để lo cho gia tài của Giáo Hội - là những người nghèo - như chính cha và Đức cha Phó chủ tịch UBBA-XH đã nói trong lời phát biểu của các ngài.



Mặc dù việc Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, Đức giám mục giáo phận Thanh Hóa, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, cùng 4 linh mục đi cùng đoàn về giáo hạt Thuận Nghĩa dâng Thánh lễ chỉ được thông tin trong nội hạt và một số người có liên quan tới buổi lễ. Nhưng như một sự khao khát và mong mỏi được thấy vị mục tử “chứng nhân của công lý và hòa bình” từ mấy tháng nay, nên nhiều người khi được tin đó đã loan truyền cho nhiều người, và rồi từ các vị linh mục đến các tín hữu trong giáo phận nô nức kéo nhau về vùng đất thị trấn Cầu Giát để được chiêm ngưỡng tận mắt, để đón chào và bộc lộ lòng yêu mến đối với Đức Tổng Giuse. Khi chiếc xe chở Đức Tổng đến lối quẹo cách nhà xứ Thuận Nghĩa độ 800m, thì không tài nào có thể chuyển bánh. Hàng ngàn người với cờ xí đủ loại, hai hàng dài trống kèn thẳng tắp, tấu lên những khúc nhạc hùng tráng dậy trời, rào rạt những tràng vỗ tay dài như bất tận đón chào Đức Tổng của đoàn người đúng hai bên đường. Mỗi lần Đức Tổng giơ tay và hướng nhìn về phía nào thì nơi đó tiếng vỗ tay càng rộn ràng hơn, và có nhiều người đã đưa bàn tay gạt vội những giọt lệ trào lăn trên gò má. Càng tiến gần vào nhà xứ, người ta càg thấy cảnh sắc tưng bừng và ý nghĩa hơn. Gần như tất cả các câu trong kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô được các tấm băng rôn giăng mắc khắp các lối dẫn về nhà xứ. Sau khi mặc lễ phục tại nhà xứ xong, các hội đoàn theo sự sắp xếp của ban tổ chức tiến ra sân vận động cách đó khoảng 500m. Có nhiều linh mục cho chúng tôi biết họ đến đây từ 10 giờ tối hôm qua. Quả thực, chỉ có lòng yêu mến những chứng nhân của chân lý và hòa bình mới giải thích được vì sao các linh mục ở các giáo hạt Cẩm Xuyên, Ngàn Sâu nơi mút cùng phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh lặn lội cả đêm về đây để cùng hiệp dâng Thánh lễ với Đức Tổng. Chỉ có lòng yêu mến những vị mục tử dám liều thân vì đoàn chiên, vì quyền lợi và hạnh phúc của con người mới lý giải được khi có đến 40 linh mục và gần 20 người của một giáo phận không trực tiếp quyền quản trị của Đức Tổng đến hiệp dâng Thánh lễ với ngài. Khi Đức Tổng bước vào sân vận động, cả chục ngàn cánh tay giơ lên vẫy chào ngài trong tiếng reo vang: “Hoan hô Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, vị ngôn sứ của thời đại, vị chứng nhân cho công lý và hòa bình! Chúng con yêu mến ngài! Chúng con yêu mến Đức Tổng!”

Trong lời khai lễ, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn tin tưởng vào Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa sẽ giúp cho con người vượt thắng những bất công bạo tàn, những khổ đau khốn khó, chỉ có Chúa mới làm cho những ước mơ được đong đầy, những hoài bão tốt đẹp nên hiện thực.

Tiếp tục mời gọi cộng đoàn tin tưởng vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh nói rằng: “Những người ngoài Công giáo cho rằng: chúng ta tụ họp đông đảo nơi đây là để biểu dương lực lượng. Nhưng như trong bản quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tuyên bố: ‘Giáo Hội không phải là một bộ phận quản lý xã hội, Giáo Hội không phải là một lực lượng chính trị. Giáo Hội là một đại gia đình hiệp thông’. Những ai chưa hiểu biết về Giáo Hội Công giáo, hãy biết rằng hiệp thông mới chính là căn cước của Giáo Hội. Chính trị, tranh chấp không phải là mục tiêu cũng như là căn cước của Giáo Hội. […] Giáo Hội đã trải qua bao cơn thử thách trong lịch sử. Trên hai ngàn năm đã trôi qua, chưa bao giờ Giáo Hội không bị bách hại. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại. Có phải vì Giáo Hội tồn tại vì sức mạnh quân sự hay không? [...] Nếu ở trong lịch sử, đã có những giai đoạn Gíao Hội có quân đội, thì Giáo Hội đã thất bại. Thành công và sự tồn tại của Giáo Hội chính là sự yêu thương. Và chính tình yêu thương đã liên kết chúng ta lại với nhau” .

Và cũng trong bài giảng đó, lặp lại của Đức Tổng, Đức giám mục Thanh Hóa đã ca ngợi sự đoàn kết của giáo phận Vinh, sự yêu thương và chia san trách nhiệm với giáo phận Hà Nội trong những biến cố vừa qua của các vị mục tử và đoàn chiên giáo phận Vinh. Quả thật, cộng đoàn giáo phận Vinh đã diễn tả mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội rất rõ nét!

Sự hiệp thông của Giáo phận Vinh với Đức Tổng không dừng lại ở đó, khi linh mục Antôn Phạm Đình Phùng, thư ký Tòa giám mục Xã Đoài, thay lời cho Đức giám mục giáo phận Vinh nói rằng: “Từ xưa, tiếng nghèo luôn gắn liền với vùng đất Nghệ Tĩnh Bình này… Nhưng chúng con cảm tạ Chúa ban cho chúng con một sự giàu có rất là quý giá: đó là Đức tin Công giáo. Sự hiện diện của chúng con hôm nay nói lên điều đó. Hôm nay gặp lại Đức Tổng và quý Đức cha, chúng con cảm thấy ấm lòng vì chúng con được gặp lại người cha mà chúng con đã liên lỉ cầu nguyện trong suốt mấy tháng qua.[…] Cách đây mấy tháng, cái tên Ngô Quang Kiệt đã được nêu lên với những hàm đồ, những ý nghĩ để rồi cố dìm Đức Tổng. Nhưng chân lý và sự thật vẫn luôn nổi trôi. […] Đức Tổng sẽ về Hà Nội, các Đức cha cũng sẽ rời chúng con. Chúng con xin đi theo Đức Tổng. Đi theo trong sự hiệp nhất chân thành và sâu sắc nhất trong cùng một đức tin và một Cha trên trời” .

Trước khi trao quà cho các bênh nhân tại trại phong Quỳnh Lập và một số người nghèo khổ được mời về đây tham dự Thánh lễ, Đức Tổng đã có lời tỏ bày: Khi gian nan mới biết được ai là người yêu thương, trung thành với mình. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Anh chị em trong giáo phận Vinh đã thể hiện sự đau thương và chia sẻ với tôi, với giáo phận Hà Nội bằng những lời cầu nguyện, bằng những sự hy sinh lớn lao trong thời gian qua. Tôi xin chân thành cảm ơn rất nhiều! Ngày hôm nay anh chị em đã cho tôi sự đón tiếp rất long trọng, tôi quả thực rất cảm động. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để mỗi ngày chúng ta một hiệp nhất và yêu thương nhau hơn nữa đúng như điều Chúa truyền dạy và chờ đợi nơi chúng ta. Chúng ta hãy làm cho đất nước Việt Nam này tràn ngập yêu thương, mỗi ngày một tốt đẹp hơn!

Hẳn là Chúa Giêsu cũng rất vui mừng khi trong Giáo Hội đang có mối giây hiệp nhất và yêu thương như giữa Đức Tổng giám mục Hà Nội với giáo phận Vinh, giữa giáo phận Hà Nội và cộng đoàn tín hữu giáo phận Vinh cũng như giữa các tín hữu Việt Nam với Đức Tổng. Và Chúa sẽ vui thêm khi mối hiệp nhất yêu thương này ngày càng sâu sắc hơn và mở rộng trên khắp mọi nẻo đường quê Việt và trên toàn thế giới.

 
Ngày Thánh Nhạc giáo phận Phan Thiết
Pm. Cao Huy Hoàng
13:44 11/12/2008
NGÀY THÁNH NHẠC GIÁO PHẬN PHAN THIÉT
CÁC CA ĐOÀN HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TÀ PAO


Đức Giám Mục Giáo Phận đã ưu ái cho phép, và được ban Tổ Chức Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao chấp thuận, Ban Thánh Nhạc Giáo Phận đã tổ chức Ngày Thánh Nhạc GP Phan Thiết 2008 vào ngày 7-12-2008, áp ngày Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ Tà-pao, 8-12-2008, (thay cho ngày 22-11 hằng năm) là để kết hợp với việc Hành Hương Năm Thánh Đức Mẹ Tà-pao của các Ca đoàn trong Giáo phận.

Đồng thời, BTN được giao trách nhiệm tổ chức Đêm Diễn Nguyện Mừng Năm Thánh và Ca đoàn Giáo Phận đảm trách việc hát lễ Thánh Lễ Khai mạc Năm Thánh.

Từ sáng sớm 7-12, đoàn xe của các Ca đoàn từ khắp các Giáo Hạt đã về đến Nhà thờ Đồng Kho, và đến 7g30, con số tham dự viên ngày thánh nhạc đã lên đến 800 ca trưởng và ca viên. Sân nhà thờ Đồng Kho bỗng rộn ràng những nụ cười hân hoan, những cái bắt tay thân thiện của các ca trưởng, ca viên, các giáo xứ-những người cùng chung một lý tưởng phục vụ. Thật cảm kích khi nhìn thấy trong số các ca trưởng, ca viên, có không ít người đã quá tuổi lục tuần, và nhiều người qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” cùng với vài chục năm sinh hoạt ca đoàn.

Và thật vui mừng, vì Cha Fr. Nguyễn Ngọc Hảo, chính xứ Đồng Kho, đã giúp đỡ thật nhiều cho Ban Thánh Nhạc: Ngài chuẩn bị cho Ngày Thánh Nhạc thật chu đáo - từ những nhà vòm quanh khuôn viên nhà thờ, âm thanh, ban trật tự, ban ẩm thực, nước uống, nước vệ sinh... đến cả chổ nghỉ ngơi bằng những tấm chiếu giáo dân Giáo xứ Đồng kho góp lại.

8g15 Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, Tổng Đại Diện, Lm. NS Mi Trầm, NS. Bạch Quỳnh và Ban Thánh Nhạc Nha Trang, Ns. Ngọc Linh Gp Sài Gòn cùng đến trong tiếng vỗ tay reo mừng của gần 1000 tham dự viên Ngày Thánh Nhạc.

Giờ khai mạc Ngày Thánh Nhạc mở đầu bằng Kinh Đức Chúa Thánh Thần. Sau đó, Đức Ông Tổng Đại Diện thay mặt Đức Giám Mục gửi lời chào đến tham dự viên. Cả nhà thờ rộn tiếng vỗ tay tri ân cảm tạ tấm lòng ưu ái của Đức Cha, vị Cha chung và của Đức Ông. Đức Ông chia sẻ tâm tình quí mến của GP và chính Đức Ông dành cho “các ca sĩ của Chúa”, cùng với những niềm quan tâm ưu ái cách đặc biệt mà truyền thống Giáo Hội vẫn dành cho những người phục vụ Thiên Chúa qua cung đàn tiếng hát nơi Đền thờ Thiên Chúa. Ngài cầu chúc các ca sĩ của Chúa trung thành với ơn gọi thánh nhạc, yêu thương, khiêm tốn phục vụ, cầu chúc Ngày Thánh Nhạc đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng và tuyên bố khai mạc Ngày Thánh Nhạc.

Tiếp chương trình, Lm. Ns Mi Trầm, Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Những Người Viết Thánh Ca, Ban Thánh Nhạc VN, cũng là Trưởng Ban Thánh Nhạc Nha Trang, đã trình bày đề tài Phụng Vụ Thánh Nhạc thật sôi động, nhờ những huấn thị, những minh họa thực tế trong dòng chảy Thánh Nhạc Việt Nam từ trước đến nay. Những hướng dẫn cụ thể về mục đích Thánh Nhạc là Tôn Vinh Thiên Chúa, đến đời sống các ca trưởng, ca viên được thánh hóa, cũng được Cha ân cần nhắc đến, để lại nơi các tham dự viên những ấn tượng tuyệt đẹp về một Linh Mục Nhạc Sĩ đã gắn liền với Thánh Nhạc từ những năm 1971 qua các bài Thánh ca đơn sơ mà để đời như Bài ca Phục Vụ, Đẹp Thay, Xin Vâng và cả trăm bài thánh ca cộng đồng khác.

Sau giờ giải lao, tham dự viên, có thể nói là lần đầu tiên, được diện kiến Nhạc sĩ Ngọc Linh, Gp Sài Gòn, một Ca Trưởng, một Thầy dạy Ca Trưởng tại Trung Tâm Mục Vụ GP Sài gòn, tác giả một kho những bài Thánh Ca thể loại Hợp xướng, từ vừa đến lớn, mà các ca đoàn đã sử dụng như: Tình Yêu Của Chúa, Lời Ru Đêm Thánh, Đêm Mầu Nhiệm, Mừng Con Chúa Giáng Sinh….trong những dịp hội diễn thánh ca. Ns Ngọc Linh được BTN mời để chia sẻ kinh nghiệm ca trưởng cho các ca trưởng và ca viên Gp. Và quả thật, giọng nói tuy thâm trầm nhẹ nhàng nhưng cuốn hút tham dự viên vì những sẻ chia đời ca trưởng phục vụ trong tinh thần đạo đức khiêm tốn, tinh thần học hỏi cầu tiến và nhất là đi đúng với những hướng dẫn của Giáo Hội. Những minh họa về kinh nghiệm chọn bài hát, kinh nghiệm tập hát, kinh nghiệm tổ chức ca đoàn cũng như kinh nghiệm kỷ thuật ca trưởng khi dùng đôi tay đánh nhịp mà lại điều khiển hợp xướng bằng con tim chân thành yêu mến.

Vừa dứt tiếng vỗ tay cảm ơn Ns. Ngọc Linh, các tham dự viên lại vui mừng chào đón Lm Quản lý Tòa Giám Mục – có người ở Nha trang gọi Cha là “người nội trợ đảm đang của Phan Thiết” đến thăm Ngày Thánh Nhạc. Thay lời muốn nói cùng các tham dự viên, Ngài hát tặng bài “Mẹ Ta pao” thật hay, làm các tham dự viên vỗ tay đến mấy lần với lời mừng “người nội trợ hát tốt”.

Ngày Thánh Nhạc lại tiếp tục ngay với giờ tập hát cho Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh, ngày mai. Sau hai bài thuyết trình giá trị, gần 1000 ca viên đang ý thức rất cao về trách nhiệm hát Tôn Vinh Chúa. Vì thế, khi Ns Mai Tam vào giờ tập hát, các tham dự viên đã sốt sắng lắng nghe, chú ý từng lời dặn dò, và hát với hết tâm tình yêu mến.

Bữa ăn trưa đúng 12g00. 13g30 các tham dự viên trở lại nhà thờ tiếp tục tập hát. Một số các ca viên ưu tú được gọi tập các câu hát riêng trước phòng Cha xứ. Một số ca trưởng được gọi để trao đổi về việc phân nhóm cho giờ giao lưu tiếp theo.

14g30, các tham dự viên được chia thành 7 nhóm để thảo luận về đề tài “Ý hướng ngay lành trong sinh hoạt thánh nhạc” với một số câu hỏi được đặt ra để thảo luận:

Con đường dẫn bạn vào sinh hoạt Thánh nhạc?
Động lực thôi thúc bạn nhiệt thành và tiếp tục?
Đời sống chứng nhân của một ca trưởng, ca viên?
Bạn có những yêu cầu?
Làm thế nào để sinh hoạt thánh nhạc trở nên con đường nên thánh của bạn?
Ngày thánh nhạc đem lại điều gì ích lợi cho bạn?


Các nhóm đã thảo luận sôi nổi và gửi bản đúc kết về cho BTN. Có thể tóm tắt như sau: Sinh hoạt thánh nhạc là một ơn gọi đặc biệt của Thiên Chúa. Đức Tin Cậy Mến là động lực thôi thúc các ca trưởng, ca viên luôn nhiệt thành với ơn gọi và tiếp tục chu toàn cho đến khi không còn khả năng nữa. Vì thế, đời sống các ca trưởng, ca viên sẽ trở nên một chứng nhân đích thực khi hết mình phục vụ cộng đoàn trong việc giúp cộng đoàn hướng đến Thiên Chúa, ca tụng, tôn vinh, cầu xin và tri ân Ngài. Các tham dự viên cũng tha thiết yêu cầu mọi người nhìn nhận sứ vụ đặc biệt của các ca trưởng, ca viên với lòng yêu mến, được các Linh Mục quản xứ quan tâm tạo điều kiện tốt cho việc tập hát và hát lễ như phòng tập, nhạc cụ, lịch tập hát, sách hát, đào tạo tại GX lực lượng ca viên kế thừa. Họ cũng mong mỏi Ban Thánh Nhạc Giáo Phận thành lập các BTN Giáo hạt, tổ chức các khóa huấn luyện Thánh Nhạc, các buổi tĩnh huấn, giao lưu tại các hạt, tại Giáo Phận, để củng cố, bồi dưỡng đời sống tâm linh, để trau dồi các khả năng chuyên môn, để có thêm những ơn gọi ca đoàn mới, thay cho lớp tiền bối đã quá tuổi. Nhưng để sinh hoạt thánh nhạc trở nên con đường nên thánh cho mỗi người, tất cả các nhóm đều đồng tình phải phục vụ hết mình vì Vinh Danh Chúa, phải loại bỏ tính kiêu căng tự phụ, hơn thua, ganh tỵ, phải nhìn nhận các khả năng của mình và của người khác là của Chúa ban và cuối cùng phải yêu thương nhau để cùng nhau làm việc. Ngày Thánh Nhạc năm nay, đã thực sự đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho các tham dự viên, không chỉ được gặp gỡ trao đổi, được học hỏi, được nói lên tiếng nói của mình mà còn đặc biệt hơn cả là được hành hương Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao với Ơn Toàn Xá.

Sau giờ thảo luận sôi nổi và đúc kết, 15g45, các tham dự viên sốt sắng tham dự Thánh Lễ CN II mùa vọng, do Đức Giám Mục Giáo phận nhà chủ tế, cùng với Đức Ông Tổng Đại diện, các Lm trong BTN, một số Linh mục thuộc hạt Đức Tánh. Bài giảng của Đức Giám Mục trong thánh lễ dành riêng cho các ca trưởng ca viên trong giáo phận, cũng chính là những lời tâm tình của vị Cha chung nhắc nhở mỗi người luôn biết lắng nghe lời Chúa, lời Giáo Hội mời gọi sám hối, canh tân và phải tha thiết với ơn gọi nên thánh-nên thánh trong ơn gọi ca tụng Chúa, ơn gọi ca đoàn. Tiếng nói của Đức Cha bỗng chậm và trầm lại, khi nói đến lòng ưu ái của Giáo Hội đối với với Thánh Nhạc nói chung và các ca đoàn nói riêng. Thánh Lễ thật sốt sắng. Tâm hồn Đức Cha thật sốt sắng làm cho các tham dự viên ngập tràn niềm vui thánh thiện.

Sau thánh lễ, các tham dự viên dùng cơm tối vội vàng cho kịp di chuyển hơn 1 cây số, từ nhà thờ Đồng Kho đến Lễ đài Khai Mạc Năm Thánh để chuẩn bị cho Đêm Diễn Nguyện. Gần 1000 ca trưởng ca viên di chuyển trên con đường mòn trong hân hoan phấn khởi. Họ đã đến Lễ đài. Lễ đài nằm cao trên lưng đồi, tràn ngập ánh sáng. Gần 19g00 Đức Giám Mục Giáo phận cùng quí Cha quí khách tham dự Diễn Nguyện đã đến trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng vỗ tay mừng đón.

Đúng 19g00, trên lễ đài, Ca Đoàn Giáo Xứ Ma Lâm và Tầm Hưng đã xếp đội hình hợp xướng, Đội trống chào mừng đã vào vị trí, và sau lời giới thiệu dẫn nhập Đêm Diễn Nguyện của hai MC: Lm Giacôbê Nguyễn Minh Luận và Nữ Tu Thiên Phúc, tiếng trống chào mừng vang lên khắp núi rừng. Sau bài trống chào của Hội Dòng Khiết Tâm Nha Trang, Cha Giuse Bùi Ngọc Báu, Trưởng Ban Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao tiến lên tuyên bố lý do. Dứt tiếng vỗ tay, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh hoan, GM Giáo phận ban huấn từ. Giọng nói Ngài âm vang khắp núi rừng Tà pao như lời hiệu triệu đoàn dân Chúa muôn phương về Tà Pao Tôn Vinh Mẹ, về Tà Pao với Mẹ Tà pao, và nhờ Mẹ Tà Pao, về với Thiên Chúa. Ngài khởi tiếng trống khai mạc Đêm Diễn Nguyện.

Tiếng vỗ tay của hơn 10.000 khách hành hương đến sớm hòa theo hồi trống của Ngài như đáp lại lời mời gọi và tấm lòng của Vị Cha Chung Giáo phận. Ca đoàn Giáo Xứ Ma Lâm và Tầm Hưng tiếp niềm vui dân Chúa bằng bài hợp xướng “Về Đây Tôn Vinh Mẹ” của Lm Ns. Kim Long thật du dương, vi vút, qua sự điều khiển của Lm. Ns. Ca Trưởng Phaolô Hoàng Kim Tốt.

Những bài Thánh ca Tôn Vinh Mẹ, những Vũ khúc mừng Mẹ, hoạt cảnh Năm Sự Vui của các ca đoàn và các Hội Dòng MTG Phan Thiết, Nha trang, Khiết Tâm Nha Trang cùng hợp diễn, xen trong phần “Sám hối” của Lm Phaolô Hoàng Kim Tốt, phần Suy Niệm “Mẹ Maria, kiểu mẫu của đức Tin Cậy Mến” của Lm. Aug. Nguyễn Đức Lợi, cùng với những kinh nguyện cộng đoàn, làm thành một Đêm Diễn Nguyện Khai Mạc Năm Thánh Mẹ Tà Pao thật thánh thiện và mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho con cái Mẹ. Đức Ông GB Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly Băng, người đã viết biết bao vần thơ ca tụng Mẹ, chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa niềm vui, niềm tin yêu nơi Mẹ. và để kết thúc đêm diễn nguyện, Đức Cha Phaolô đã ban phép lành cho đoàn hành hương, và cùng đoàn hành hương thắp nến Tôn Vinh Mẹ. Nghìn ngọn nến rực sáng giữa núi rừng Tà Pao cùng với lời ca “Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng….” vang vang lên trong lòng khách hành hương như rộn ràng niềm hân hoan tràn đầy ân phúc qua Mẹ Tà Pao Linh Hiển.

Chương trình Diễn Nguyện khép lại với nhiều cảm nhận thánh thiện. Chương trình “Hát mừng Mẹ Tà pao” lại mở ra ngay sau đó. Các linh mục, các nữ tu, các ca viên ưu tú của các ca đoàn, cùng với một số nghệ sĩ, ca sĩ từ Sài gòn về hành hương kính Mẹ đã làm thành một chương trình “Hát Mừng Mẹ Tà Pao” nhiều ấn tượng thiêng liêng đáng nhớ. Các ca khúc Tôn Vinh Mẹ của các Nhạc sĩ ĐGM Thông Vi Vu, Nhà thơ Xuân Ly Băng, Lm Nguyễn Duy, Lm. Hoàng Kim Tốt, Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, Thầy Jos. Hùng, Ns. Pm Cao Huy Hoàng, Nhà thơ Lê Đình Bảng, Ns. Linh Huyền Dung, Ns. Hạ My, Ns. Trịnh Xuân Khánh, Ns. Nguyễn Hữu Đồng, Ns. Phan Thiết, đã được các ca sĩ: Lm Anre Lương Vĩnh Phú, ca viên Quốc Thái, Thanh Trúc, Thu Hương, Thu Thủy, ca sĩ Lưu Thi, Ngọc Hằng, Triệu Lộc, cẩm Tú, Thanh Tùng, Tam Ca Áo Trắng trình bày với lòng yêu mến Mẹ cùng với nhóm múa phụ họa của các nữ tu thật sinh động. Chương trình có lúc trầm lắng thiết tha với giọng ngâm của Nghệ sĩ Ngâm Thơ ưu tú Kim Lệ, ngâm kính Mẹ bài thơ “Dâng Mẹ Tà Pao” của Đức Ông Xuân Ly Băng, như nói hết nỗi niềm yêu kính Mẹ của tác giả.

22g30 chương trình Hát Mừng Mẹ khép lại. Các ca trưởng và ca viên trở về nhà thờ Đồng Kho để nghỉ đêm

05g00 sáng 8-12-2008, các tham dự viên ngày ca trưởng tập trung vào nhà thờ Viếng Thánh Thể. Lm Phêrô Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Thánh Nhạc Gp hướng dẫn tâm tình với Thánh Thể, và hướng dẫn dọn mình xưng tội. Sau đó, Ngài nói chuyện thân mật với các ca truỏng và ca viên trong tư cách là Truỏng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận. Ngài tỏ lòng biết ơn Đức Giám Mục Giáo phận, Đức Ông Tổng Đại Diện, Cha Quản lý, Cha chính xứ Đồng Kho, Cha Nhạc Sĩ Mi Trầm, Quí Cha, quí Nhạc sĩ, quí nữ tu, và những người đã đóng góp phần mình cho Ngày Thánh Nhạc và Đêm Diễn Nguyện. Ngài kính gửi lời cảm ơn đến các Cha chính xứ đã cho phép và tạo điều kiện cho ca đoàn của mình đến tham dự Ngày Thánh Nhạc và Hành Hương Năm Thánh.

Sau bữa ăn sáng, các tham dự viên quần áo chĩnh tề, đồng phục trắng tiến về Lễ đài đễ hát lễ và tham dự thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao, cùng với đông đảo khách hành hương trong và ngoài Giáo Phận.

Ngày Thánh Nhạc Giáo Phận năm 2008 đã kết thúc sau khi các tham dự viên sốt sắng lãnh nhận Phép Lành Với ơn Toàn Xá từ tay Đức Giám Mục Giáo Phận.

Các ca trưởng, ca viên cùng đoàn hành hương ra về, trong lòng tràn dâng niềm vui khôn tả.
 
Lễ khánh thành-làm phép tượng đài Thánh Giuse
GX Tuy Hòa
16:33 11/12/2008
LỄ KHÁNH THÀNH-LÀM PHÉP TƯỢNG ĐÀI THÁNH GIUSE MỚI

Chiều ngày 10.12.2008, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tuy Hòa hân hoan cử hành lễ Khánh thành và làm phép Tượng đài Giuse mới. Hiện diện trong buổi lễ chiều hôm nay có quý cha chánh xứ Đồng Tre, Đông Mỹ, Hoa Châu, quý cha thuộc cộng đoàn Đồng Công, đã cùng với cha chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền và phó xứ Phêrô Nguyễn Xuân Hòa, sốt sắng tham dự nghi lễ Khánh thành-Làm phép và đồng tế thánh lễ tạ ơn kính Thánh Giuse, Bổn mạng của nhà thờ và giáo xứ Tuy Hòa.

Tượng Thánh Giuse mới được điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng do nhóm nghệ nhân thuộc doanh nghiệp điêu khắc, chế tác đá PHAN CHI LĂNG tại Non Nước Đà Nẵng. Tượng thánh Giuse cao 2m80 với trọng lượng hơn 3.000 kg, với dung mạo và đường nét truyền thống: Thánh Giuse bồng Chúa Giêsu và tay cầm cành hoa huệ. Được biết, doanh nghiệp điêu khắc đá Phan Chi Lăng đã lấy đá từ Nghệ An và đã thi công điêu khắc trong thời gian 2 tháng. Riêng công trình lễ đài và bệ đặt tượng đã được linh mục chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền trùng tu và thiết kế ngay trên công trình cũ đã xuống cấp, mang dáng vẻ thanh thoát và trang nghiêm với hai gam màu xám-trắng, phù hợp với phong cách thánh thiện của Thánh Cả Giuse, Người Công Chính hiền lành, khiêm nhu và thinh lặng. Nghi thức Khánh thành-Làm phép được mở đầu bằng diễn từ khai mạc của ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ Micae Trần Kim Đạt, mà nội dung đã toát lên ý nghĩa sâu sắc của tượng đài Giuse trong mối tương quan sống đạo và trong chiều dài lịch sử thăng trầm của cộng đoàn giáo xứ. Sau phần nghi thức làm phép tượng mới, các gia trưởng và hiền mẫu trong trang phục áo dài Việt nam cùng với những nén hương thấm đẫm tinh thần hiếu thảo kính yêu, đã dâng lên Thánh Cả tất cả vui buồn, đắng cay và hy vọng của cộng đoàn dân Chúa. Rồi với những cành lá vạn tuế biểu tượng của cuộc sống chứng nhân anh hùng, những đóa huệ trắng tiêu biểu của con tim thanh khiết, cộng đoàn giáo xứ Tuy Hòa cương quyết bước đi trên các hướng chỉ của Tin Mừng mà Thánh Cả Giuse luôn như là mẫu gương và chứng ta tuyệt vời của cuộc sống công chính và thực thi thánh ý Chúa Cha. Cuối cùng, kết thúc nghi thức là hàng trăm chiếc bong bóng bay đã được các thiếu nhi hân hoan thả bay lên trời trong ánh mắt tươi vui và nụ cười hạnh phúc của những người con đang tin thác vào sự bảo trợ yêu thương và đầy hiệu quả của Cha thánh Giuse đang ngự trên cõi trời vinh hiển. Sau phần nghi thức Khánh thành-Làm phép là thánh lễ đồng tế trang trọng kính nhớ Thánh Giuse, quan thầy của nhà thờ-giáo xứ Tuy Hòa và cũng là bổn mạng của nhiều anh em trong cộng đồng dân Chúa. Quả thật buổi lễ chiều hôm nay đã để lại trong tâm khảm mọi người một dấu ấn đong đầy niềm vui và hạnh phúc về sự hiện diện thân thương và đầy quyền thế của Thánh Cả Giuse, Người Công Chính thầm lặng đã sống hết mình cho thánh ý Thiên Chúa
 
Phái đoàn HĐGM Việt Nam cứu trợ lũ lụt tại hai giáo phận Vinh-Thanh
Hoài Thanh
17:04 11/12/2008
PHÁI ĐOÀN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN CỨU TRỢ LŨ LỤT TẠI HAI GIÁO PHẬN VINH – THANH

Thật là đẹp và phù hợp biết bao, khi vào ngày “quốc tế về quyền con người” (10.12.2008), phái đoàn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm: Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Phó Chủ Tịch HĐGMVN, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt – Tổng Giám Mục Giáo tỉnh miền Bắc, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Đặc trách UBBAXH/HĐGMVN phía Bắc; cùng với phái đoàn của GP Hà Nội và GP Thanh Hóa đã đến thăm và tặng quà cho các nạn nhân tại giáo xứ Thuận Nghĩa thuộc Giáo phận Vinh; hai giáo xứ Kiến An và Thái Yên thuộc Giáo phận Thanh Hóa.

Sáng ngày 10.11.2008, phái đoàn đã dâng Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Thuận Nghĩa (Gp. Vinh) với sự tham dự trên dưới 10.000 giáo dân. Quí Đức Cha đã phát quà cho những người nghèo gồm: chăn màn, gạo và một số tiền mặt. Khoảng 12g30, phái đoàn đã có mặt tại giáo xứ Kiến An (Thanh Hóa).

Gần 300 giáo dân đã đến khuôn viên nhà thờ giáo xứ để tiếp đón phái đoàn. Từ những người già chống gậy đi từng bước, cho đến các em bé chạy nhảy nô đùa. Cha Hạt Trưởng và các cha trong hạt Ba Làng đã có mặt từ sáng sớm. Rõ ràng nơi làng quê nghèo khổ này đang rộn lên một niềm vui, bên cạnh những tà áo dài nhiều nếp nhăn là những khuôn mặt tươi cười…

Hai họ Kén và An cư thuộc giáo xứ Kiến An là những vùng thường xuyên sống chung với lũ. Hầu như mỗi năm, “thần nước” đến thăm họ 3 kỳ. Nghề chính của họ là trồng cói và lúa, thế nhưng mỗi lần đến vụ mùa thì họ lại thấp thỏm lo âu vì sợ “mất cả chì lẫn chài” do lũ. Trên đường vào giáo xứ, quang cảnh thật tiêu điều với những mái nhà tranh và ruộng lúa còn trơ gốc rạ, ngập nước…

Cha Phaolô Trần Văn Hiền - Quản xứ Thái yên - chia sẻ với chúng tôi hoàn cảnh của những con người đáng thương, quanh năm đặt hết hy vọng vào đất đai, mùa màng. Thế nhưng cơn lũ đã cướp đi niềm vui đơn sơ của họ. Đầu tháng 11 vừa qua, có gần 80% hoa màu của người dân hư hại, với gần 70ha bị ngập úng. Trong tinh thần “lá rách đùm lá rách hơn”, ruộng của những nông dân không ngập nước đã được chia đều hoa màu cho những nhà kém may mắn hơn. Tấm lòng chia sẻ trong lúc “miếng khi đói bằng gói khi no” thật đáng cảm phục.

Sau lời giới thiệu, chào thăm của phái đoàn. Đức Tổng và 2 Đức Cha đã phát quà cho các nạn nhân gồm: gạo, chăn màn, cá khô và nước mắm.

Sự hiện diện của phái đoàn HĐGMVN đã mang đến nơi những “vùng lũ” của hai Giáo phận Vinh – Thanh, tia nắng ấm của tình Mục tử dành cho đoàn chiên nghèo khổ. Dù rằng những điệu ca còn lạc giọng, những đóa hoa đồng nội đơn sơ, những lời nói ấp úng trình bày hoàn cảnh khó khăn….Nhưng tất cả đã diễn tả được nỗi vui lớn và tấm lòng tri ân sâu xa trước sự viếng thăm của phái đoàn HĐGMVN, đây là niềm khích lệ lớn lao để những con người nghèo khổ được tiếp tục nổ lực vươn lên trong những khó khăn, để bằng một sự phi thường của niềm tin, họ “sống dồi dào” ngay giữa kiếp nghèo….

Hoài Thanh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Có một phiên tòa xử ngược đã tuyên án
J.B Nguyễn Hữu Vinh
02:46 11/12/2008
CÓ MỘT PHIÊN TOÀ XỬ NGƯỢC ĐÃ TUYÊN ÁN

Vậy là nạn nhân vụ Thái Hà đã được đoàn tụ gia đình nhưng bản án sơ thẩm, dù nặng hay nhẹ, không được tâm phục, khẩu phục của người bị nạn, của giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung, thì còn nhiều vấn đề phải nói đến. Những diễn biến thực tế cho thấy đã có một phiên toà ngược.

Vụ án bất minh trong chuỗi việc bất minh – nguyên nhân

Theo dõi toàn bộ vụ việc Thái Hà mấy tháng nay, người ta thấy rất rõ, vụ án này là một vụ bất minh trong hàng loạt vụ việc bất minh đối với Giáo xứ Thái Hà.

Bất minh ở chỗ, quá trình đòi lại đất đai, tài sản của mình bị chiếm đoạt là việc hết sức bình thường trong xã hội, nhất là ở Việt Nam, khi mà đất đai là vấn đề gây nhức nhối nhất của quá trình khiếu kiện nở rộ khắp nơi. Ngoài những bất cập về luật pháp, hệ thống các cơ quan công quyền và công chức tham nhũng đã tạo nên nạn này. Những vụ việc đó thường phải được giải quyết ở toà án dân sự.

Ở Thái Hà, Giáo xứ đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt bất hợp pháp (xét theo pháp luật Việt Nam đã ban hành) đã mười hai năm không có sự hồi âm. Đến khi hồi âm lại bằng cách làm coi thường nhân dân, coi thường một tổ chức tôn giáo. Khi giải quyết không dựa trên các cơ sở pháp luật, lại bằng cách áp đặt cho những nạn nhân những điều không thể chấp nhận được bằng những chứng cứ không có giá trị pháp lý.

Ở đây, còn một điều quan trọng là nạn phân biệt tôn giáo, đối xử với tôn giáo bằng một lăng kính kỳ thị theo một thói quen cổ truyền mà những nhà nước độc tài cộng sản thường có.

Vì vậy, người ta không lạ khi với vụ việc ở Thái Hà và Toà Khâm sứ, nhà nước đã dành cho một sự “quan tâm và cách giải quyết đặc biệt”.

Sự “quan tâm đặc biệt” đó đã tạo nên chuỗi việc làm bất minh khi giải quyết vụ việc này. Sự bất minh càng ngày làm cho tình hình càng thêm rối và khó giải quyết hậu quả. Liên tục những chuỗi việc làm của chính quyền các cấp đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, sai lầm sau dẫm lên sai lầm trước và cứ thế thành hệ thống.

Tưởng cũng cần nhắc lại vài điều về nguồn gốc lịch sử những sự việc đó do đâu.

Trong những năm sắt máu nhất của đỉnh cao chủ nghĩa cộng sản trên thế giới thời chiến tranh lạnh, Việt Nam như một khu vực bí hiểm. Bí hiểm bởi cuộc chiến tranh “chống Mỹ, cứu nước” đã bị bức màn sắt trùm lên trên mọi lĩnh vực của đất nước và có nhiều thực tế mà cả thế giới không thể hiểu nổi.

Thời kỳ đó, đất nước được đặt trong một sự kiểm soát gắt gao và khốc liệt. Khi đó nhà nước muốn bắt ai thì bắt, muốn bỏ tù ai thì cứ việc tuỳ thích. Biết bao con người đã đi tù hàng chục năm trời không án, không lệnh… mà đố có ai dám nửa lời kêu van. Họ như những con mồi đặt trước bàn nhậu của các quan chức nhà nước lắm tiền bây giờ, con nào muốn xẻo thịt, con nào muốn cắt tai, con nào chọc tiết… tà tuỳ ý thích cán bộ nhà nước và của đảng trong cơn hứng chí.

Hầu như mỗi người dân là một công an, họ theo dõi nhau, tố cáo nhau và triệt tiêu nhau nhiều khi chỉ vì để thể hiện niềm tin yêu vào “lý tưởng cộng sản”.

Trong bối cảnh đó, những người công giáo là nạn nhân và là đối tượng chắc chỉ sau Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cần cảnh giác và phân biệt.

Việc đối xử với với những tài sản và tính mạng người công giáo, cũng tuỳ thích cán bộ nhà nước có thể lấy bất cứ thứ gì, từ nhà đất, trường học, dòng tu, bệnh viện mà không cần bất cứ một lý do pháp luật nào. Ai dám chống đối nếu không muốn mọt gông trong tù hay biến mất không lý do?

Biết bao nhiêu tác phẩm xuyên tạc về công giáo, về các chức sắc tôn giáo đã được nhà nước dùng ngân sách in ấn, phát hành và thậm chí đưa vào sách giáo khoa để đầu độc những tâm hồn thơ trẻ thói kỳ thị tôn giáo, nhất là công giáo. Việc học hành, công tác, việc cơ cấu cán bộ, đảng viên, vào lực lượng vũ trang… được phân biệt triệt để.

Một lớp “con người mới xã hội chủ nghĩa” đã được hình thành trong bối cảnh đó và đã trưởng thành trong giai đoạn này. Ở họ, mang đầy đủ những nhận thức sai lầm về tôn giáo, mang đầy đủ những định kiến vô lý về công giáo, nhằm chỉ độc tôn món vô thần “Mác-Lênin”.

Với não trạng đó, lớp cán bộ hôm nay đã có quá nhiều điều đi ngược lại quy luật của sự phát triển là đoàn kết, hoà bình và hợp tác. Cụ thể nhất là cách xử sự với hai vụ Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà hôm nay.

Vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, nếu không phải là của những người công giáo mà là của một quan chức nào đó, chắc không phải chờ đợi tới 12 năm khiếu nại mà không có hồi âm. Khi những giáo dân hết kiên nhẫn đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cầu nguyện ôn hoà, vẫn là cách giải quyết cửa quyền: Tao là bố mày, làm hay không, cho hay không là quyền tao. Những đoàn thanh tra, những chứng cứ quyết định… vẫn chỉ là trò con trẻ, họ không nghĩ rằng người dân bây giờ đã khôn lớn, không như đám dân đen đứng lên theo đảng làm cách mạng năm xưa.

Nhưng trước tinh thần kiên vững của những giáo dân hôm nay, khi họ vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu, vì chính nhà nước đã hô hào một nhà nước pháp quyền. Họ quyết thực hiện nhà nước pháp quyền thật sự chứ không như mớ bánh vẽ họ đã được chén bao chục năm nay. Họ đã yêu cầu nhà nước thực hiện đúng khẩu hiệu “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Những hành động của giáo dân đã đi theo đúng đường lối xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền mà nhà nước đã tuyên bố trước bàn dân thiên hạ. Người dân đòi được quyền cất tiếng nói của mình, được sử dụng những quyền mà nhà nước đã thâu tóm vào tay mình để thỉnh thoảng nhỏ giọt lấy ơn huệ theo cơ chế XIN – CHO.

Đến đây, nhà nước lâm vào thế bí.

Lẽ ra, trước những yêu cầu chính đáng của người dân, nhà cầm quyền cần biết phải làm gì, nếu họ nghĩ đến sự tồn vong của nhà nước, của chế độ lâu dài, thì phải nghĩ đến lòng dân. Nhưng ngược lại điều đó, họ đã hành động và càng hành động càng thể hiện những não trạng lạc hậu và ấu trĩ: lòng dân không bằng nòng súng.

Một hệ thống các ban ngành từ cấp địa phương đến trung ương, từ mặt trận, đoàn thể, ban tôn giáo, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo… do nhà nước dựng lên vô cùng tốn kém được nuôi bằng tiền dân. Nhưng tất cả đã không có một tác dụng nào để hiểu “đối tượng” của mình. Họ đã không hề làm cho nhà nước hiểu được thế nào là người công giáo.

Thật ra, họ chỉ là những con rối, đám bù nhìn dưới sự giật dây lãnh đạo “tuyệt đối” của đảng cộng sản trong một nhà nước “đảng trị”.

Họ không hiểu được rằng, những cành thiên tuế người công giáo cầm trên tay khi ra pháp trường với ánh mắt hồ hởi, là những lời nguyện thiết tha cho họ được ơn phúc tử đạo noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam. Những người công giáo đó sẵn sàng xả thân, hi sinh mạng sống cho công lý.

Chính vì vậy mà đã xảy ra những điều hết sức hài hước khi họ hành xử và phát ngôn về công giáo trong thời gian qua dẫn đến kết quả ngày hôm nay.

Một phiên toà xử ngược – những bản cáo trạng không đóng dấu quốc huy

Vụ 8 giáo dân vừa mới kết thúc phiên sơ thẩm, nhưng từ khi khởi tố vụ án này đã có một phiên toà xử ngược trong thực tế.

Trước hết, việc truy tố giáo dân cầu nguyện, đập vỡ mấy cục gạch để vào khu đất được họ coi là tài sản của họ mà không chịu giải quyết thấu đáo tận gốc vấn đề đất đai tài sản này là của ai, đã làm dấy lên trong dư luận xã hội, trong lòng dân câu hỏi: Tại sao không chịu căn cứ vào những chứng cứ nhà nước đã đưa ra để xem xét việc sử dụng đất đai và tài sản đã là của Dòng Chúa Cứu thế - Giáo xứ Thái Hà?

Phải chăng nếu đem re xem xét, thì chính quyền chỉ có nước… thua. Tại sao có những giáo dân can đảm đến thế? khi nhân dân thừa hiểu sự tàn bạo của cái gọi là “chuyên chính vô sản như” thế nào qua mấy chục năm sống chung.

Điều đó đã hình thành nên một bản cáo trạng đối với việc xử sự với tài sản, quyền tư hữu và việc thi hành luật pháp ở Việt Nam. Đó là nạn quan chức nhà nước thích sao xử vậy, không cần luật pháp và bỏ qua nguyện vọng của người dân.

Những vụ bắt bớ khẩn cấp mấy giáo dân không chậm trễ bằng cả hệ thống quân lực hùng hậu, đã nói lên sự nghiêm trọng của vấn đề và thu hút dư luận. Việc ra và sửa chữa cáo trạng, lấy chứng cớ, thu hồi vội vã khu đất… nhất là việc dùng nhóm côn đồ hung hãn đến quấy phá nơi tu hành ban đêm, hô hào đòi giết người như cơn cuồng nộ của quỷ sa tăng đã nói lên tiếng nói tự bản thân họ: Họ đang không tự tin và sợ hãi.

Tiếp theo là việc làm bằng được vườn hoa trên khu đất với cách làm được quan chức Hà Nội giải thích là “đặc cách” càng khẳng định điều đó là sự thật. Câu hỏi: “Tại sao hàng loạt các dự án thiết thực đến quốc kế, dân sinh, cái nào cũng hết sức cần thiết như nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, nạn ngập lụt đã đe doạ và cướp đi hàng chục tính mạng người dân đã không được “đặc cách” để phát huy hiệu quả? Phải chăng chỉ có những việc liên quan đến người công giáo mới nhận được sự ưu ái này?

Đây là bản cáo trạng về sự phân biệt đối xử, sự tù mù về chính sách và cách đối xử bất công với một cộng đồng tôn giáo chiếm 1/10 dân số.

Từ thời Lê Khả Phiêu đảng đã hò hét, hô hào chống tham nhũng để bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước. Vậy là tham nhũng từ “vấn nạn” đã trở thành “quốc nạn”. Các quan chức đứng đầu nhà nước không ngại lớn tiếng kêu gọi, hô hào… bằng những từ ngữ đao to búa lớn.

Nhưng tham nhũng đâu chỉ có hô là xong. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng cam kết rằng nếu không đẩy lùi được tham nhũng, sẽ từ chức… Nhưng đã quá dài thời gian để ông kiểm tra lại kết quả chống tham nhũng của mình. Điển hình là vụ PMU 18, những quan chức bị bắt với vô số dữ liệu về tài sản bất minh, về những hiện tượng ăn chơi truỵ lạc, trác táng… đã được nêu lên, tưởng rằng chuyến này tham nhũng sẽ thi nhau vào khám. Nhưng kết quả xử lý đã ngược lại, các nhà báo, những người quyết liệt chống tham nhũng thì vào tù, những kẻ bị bắt đã thành vô tội? Mới đây nhất, vụ PCI Nhật Bản đã đến mức cắt nguồn viện trợ ODA thì Việt Nam mới khởi tố vụ án? Trong khi ở Nhật, toà đã xét xử rõ ràng?

Khi đưa giáo dân Thái Hà ra toà xét xử gọi là “công khai” nhưng đã thực hiện tại tầng 4 của UBND phường. Phòng xử chỉ có được mấy bị cáo và vài người thân, ngoài ra chỉ là các cán bộ và công an. Các nhà báo và người nước ngoài được ngồi dự toà qua màn hình ở tầng 3. Quần chúng nhân dân hàng mấy ngàn người quan tâm đến tận nơi đã được sự đón tiếp của một lực lượng hùng hậu cảnh sát các loại trang bị tận răng. Quan chức nhà nước và chó nghiệp vụ ẩn đằng sau với xe chống bạo động, vòi rồng… và sự làm việc tận lực của cán bộ từ thành phố đến cấp phường, tổ dân phố với những thông báo, ngăn cấm dân chúng không được tập trung đông người hoặc đến nơi đó. Ngoài toà không một loa phóng thanh, không một màn hình để người dân chứng kiến cảnh “các bị cáo cúi đầu nhận tội” như báo Hà Nội mới và truyền hình đã tuyên bố như thế nào?

Ở đó, người dân chỉ thấy các “bị cáo” hùng dũng hiên ngang tự tin bước vào phiên toà đầu ngẩng cao và dang rộng hai cánh tay chiến thắng lên trời khi bước ra khỏi nơi xét xử. Ở đó, người ta chỉ thấy một hình ảnh trong phiên toà, giữa hàng loạt cảnh sát vây quanh với những gương mặt căng thẳng, bối rối, là những “bị cáo” – nạn nhân với trang phục đẹp, vẻ mặt bình thản, ngời sáng đức tin.

Thậm chí, tại vụ việc Thái Hà và Toà Khâm sứ, chính giáo dân đã có công đầu trong việc đập tan một âm mưu chia chác, biến đất đai tài sản này thành các miếng mồi ngon cho các cá nhân. Đó là công lao của họ trong việc nghe theo lời đảng và nhà nước chống tham nhũng.

Đây là một bản cáo trạng về những mờ ám, uẩn khúc và khoảng cách giữa một lời nói và việc làm của một chính quyền đã hô hào đến nhàm chán câu khẩu hiệu “thực thi pháp luật, công khai, dân chủ và lời nói đi đôi với việc làm” đặc biệt là trong việc chống nạn tham nhũng hiện nay.

Bản cáo trạng này cũng lên án, vạch rõ đích đáng thói lộng ngôn, bịa đặt của báo chí nhà nước về ngay cả những sự thật hiển nhiên ít có cơ hội che giấu nhằm đánh lừa cả cộng đồng dân tộc. Ngay khi vừa kết thúc phiên toà, đoàn người với hàng ngàn cành thiên tuế trên tay vừa bước ra đến đường Hoàng Cầu, những người dân bên kia ngã tư đã nghe loa phường đọc tràng giang đại hải bài viết chi tiết về phiên toà với những nội dung án cụ thể và lại “các bị cáo đã cúi đầu nhận tội” . Thật là lố bịch và vô liêm sỉ một cách trắng trợn. Họ tưởng rằng chính sách ngu dân của họ đã thành công nên mọi người dân cứ nhắm mắt và nghe theo?

Tại phiên toà, toàn bộ bản “cáo trạng” của Viện Kiểm sát thực chất chỉ là lời bào chữa cho những hành động mờ ám, sự bất lương đối với những việc làm chính đáng của người dân như cầu nguyện, đòi quyền lợi của mình bị xâm hại. Bản “cáo trạng” nói trên, cũng đã làm một việc bất nhân và hèn hạ nữa là tranh thủ để công kích và kết tội Đức TGM Ngô Quang Kiệt, một con người đáng kính, dù việc đó chẳng liên quan gì đến việc kết tội 8 nạn nhân này.

Nhưng, bản bào chữa của luật sư thật sự mới là một bản cáo trạng đanh thép và dũng cảm. Trong đó, đã nêu rõ nguồn gốc, đường hướng luật pháp cần giải quyết, các căn cứ, căn nguyên mọi sự việc dẫn đến hành động cố tình kết tội để trả thù các nạn nhân của chính quyền ở đây. Tất cả các vấn đề đã được dùng văn bản có hiệu lực của chính nhà nước để giải thích và kết luận họ vô tội. Những căn cứ về nguồn gốc đất đai, những căn cứ pháp lý liên quan đã như đưa toà chạm vào lửa, và đã bị nhiều lần cắt ngang.

Vì lý do gì vậy? trong khi quyền sở hữu đất đai là cơ sở dẫn đến sự việc ngày hôm nay.

Trước toà, những nạn nhân hùng dũng, hiên ngang bước tới vành móng ngựa, trả lời và vặn hỏi những câu làm cho chánh án và các thẩm phán phải tái mặt và tịnh khẩu.

Họ sẵn sàng nhận việc họ đập bức tường, nhưng không cho rằng đó là có tội. Nói cách khác, họ đã khẳng định quyền sở hữu về đất đai, tài sản đó vẫn là của họ mà toà không có cách nào giải thích. Họ khẳng định việc làm của họ là đúng đắn và cần thiết không chỉ cho họ và giáo dân mà cần thiết cho cả xã hội đang khát khao công lý và sự thật.

Ngoài phiên toà, hàng ngàn người đứng vẫy tay với những tiếng hô vang vọng cả đất trời “Vô tội, vô tội” dưới nắng chiều rực rỡ bên cạnh những câu “chúng tôi muốn đi tù thay cho anh chị em”, “chúng tôi luôn bên cạnh anh chị em” đã làm ngạc nhiên không biết bao nhiêu cán bộ công quyền và cảnh sát có mặt và những người ngoài công giáo tò mò tìm hiểu sự thật.

Đứng trước biển người cầm cành thiên tuế chờ đợi, đọc kinh và hô vang, một cán bộ công an Hà Nội rất ngạc nhiên và nói với tôi: “Sao bà con đứng đây làm gì cho nắng nôi khổ sở, ở nhà thì vẫn biết kết quả cơ mà”? Tôi đành phải giải thích “Thế mới là CON NGƯỜI chú ạ, con người biết vất vả hi sinh và nguy hiểm nhưng vẫn đến vì họ mong muốn sự thật và công lý, vì đạo đức con người đòi buộc họ phải lên tiếng. Họ đói vẫn biết từ chối những miếng ăn ngon vì nó chứa đựng sự nhục nhằn, họ nghèo đói nhưng không làm nô lệ cho đồng tiền. Vì thế con người mới khác với con vật, con vật thì cứ chủ cho ăn ngon thì dù chửi mắng vẫn ăn, ăn rồi bảo cắn càn là cứ cắn thôi”.

Sau phiên toà hàng ngàn con người đã diễu hành trên đường về nhà thờ với khẩu hiệu trên áo và cành thiên tuế trên tay, hình Đức Mẹ công lý trên ngực hô vang “vô tội, vô tội, công lý, sự thật”.

Cuộc diễu hành đã làm dòng người đông nghịt giờ tan tầm phải trầm trồ tìm hiểu. Những người biết giáo dân đi dự toà về đều hết sức ngạc nhiên và thú vị. Cũng ngoài nơi xét xử, rất nhiều người vì tò mò và chưa hiểu được vấn đề đã tìm đến nơi để hiểu được sự thật, tôi đã thấy sự thất vọng trên gương mặt họ khi hiểu được thế nào là truyền thông nhà nước.

Quả là một phiên toà lạ lùng và nhiều kịch tính. Trong lịch sử đất nước từ khi những người cộng sản lên cầm quyền đến nay, có lẽ chưa có cuộc diễu hành nào không được đảng và nhà nước ưa lại oai hùng và đẹp đẽ như vậy.

Đó là bản cáo trạng, bản cáo trạng của lòng dân, niềm tin của nhân dân, của những người thấp cổ bé họng đối với hệ thống pháp lý của nhà nước. Và một thực tế hiện nay là sự sợ hãi vốn có của họ đã không cánh mà bay, dù nó được nuôi dưỡng đã mấy chục năm nay dưới chế độ cộng sản.

Bản cáo trạng nói trên, không đóng dấu quốc huy, nhưng đóng dấu son và in đậm trong lòng dân. Bản cáo trạng nói trên đã trở thành tiếng nói của công lý và sự thật. Các “bị cáo” nạn nhân trong phiên toà đã trở thành những anh hùng làm chứng cho công lý, sự thật và hoà bình.

Những kẻ dựng lên vụ án này đã là những bị cáo bị lên án nặng nề nhất trong một phiên toà xử ngược mà án đã tuyên: phiên toà lương tâm và lòng dân.

Ở phiên toà đó, những kẻ gây nên tội ác đã phải chịu bản án đích đáng và sẽ phải chấp nhận những hình phạt nặng nề, dù vô hình hay thực thể.

Phiên toà Thái Hà là một tấm gương soi, mà trong đó những chỗ sồi sụt, những loang lổ và hầm hố trong chuỗi hệ thống công quyền đã lộ ra.

Có thể sẽ còn những phiên toà khác, còn những bản án khác. Nhưng, với người tín hữu Việt Nam, công lý, sự thật và hoà bình khi còn là ước mơ, thì vẫn là ngọn đèn soi, là mục đích cho họ bước tới bất chấp mọi trở ngại trên bước đường khó khăn này.

Nhân dân cả nước và nhân loại tiến bộ, những người yêu chuộng hoà bình, công lý sẽ nâng đỡ họ. Đúng như lời Chúa đã dạy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).

Xin cầu nguyện cho nạn nhân của cả hai phiên toà được bình an, và những bị cáo trong phiên toà xử ngược sẽ biết ăn năn hối cải, sớm trở về nẻo chính đường ngay.

Lối đi đó thật đơn giản nhưng không dễ dàng, cho những kẻ đã bán rẻ lương tâm cuộc đời cho sự dối trá và lừa lọc.

Hà Nội, ngày 10/12/2008
 
Bản Văn ''Mật'' của CSVN ''Ðịch lợi dụng tôn giáo''
Lê Khả Tín
03:45 11/12/2008
Bản Văn "Mật" của CSVN "Ðịch lợi dụng tôn giáo"

LTS: Chúng tôi xin gửi đến tất cả quý vị đồng hương Việt Nam trên khắp thế giới, Bản Văn "Mật" đã bị lọt ra bên ngoài, của Cộng Sản Việt Nam với đề tài "Ðịch lợi dụng tôn giáo" với mục đích tuyên truyền và giáo dục cán bộ đảng những phương pháp phá hoại tôn giáo. Với giọng điệu tuyên truyền và vu khống cho các hoạt động bảo vệ nhân quyền và bác ái của các tôn giáo, Cộng sản Việt Nam thường xếp giáo hội vào loại "địch lợi dụng tôn giáo". Cùng với chiêu bài cố ý tiêu diệt tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt bỏ tù biết bao nhiêu linh mục tu sĩ và giám mục Việt Nam. Nhiều người đã chịu cảnh thảm thương và đã phải chết trong lao tù cộng sản.

Với những sự thật hiển nhiên xảy ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam bây giờ, ai cũng nhìn thấy rõ, Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước Việt Nam trở thành một nước nghèo nhất trên thế giới. Ðã bắt con dân Việt Nam phải đi làm nô lệ cho các nước láng giềng để làm giàu cho đảng và cán bộ. Và cũng vì những hậu quả nghèo đói do Cộng Sản Việt Nam gây nên đã làm cho biết bao nhiêu cô gái Việt phải tự chấp nhận bán thân làm vợ cho các người nước ngoài, nhiều lúc bị rơi vào những ổ mãi dâm của những bọn du đảng...

Có thể nói được, trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời kỳ nào, Việt Nam bị rơi vào một hoàn cảnh thảm thương như vậy. Tất cả những sự kiện xảy ra, rồi lịch sử sẽ lên án. Cả chúng ta nữa, nếu chúng ta không bắt tay ngay để cứu dân cứu nước, tội thờ ơ này của chúng ta, rồi lịch sử cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta đâu. Biết người biết mình trăm trận trăm thắng, chúng ta đọc tài liệu này để biết rõ nhiều hơn chính sách đàn áp tôn giáo của Cộng Sản Việt Nam, và chúng ta cũng có thể tìm ra được một đường lối lý tưởng hơn để đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi những cảnh bất công và đầy đau thương này:


BAN DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH LAO CAI

MẬT VẤN ÐỀ ÐỊCH LỠI DỤNG TÔN GIÁO


(Tài liệu dùng cho cán bộ làm công tác tôn giáo - Lưu hành nội bộ)


I. VÌ SAO ÐỊCH CHỌN TÔN GIÁO LÀM ÐỐI TƯỠNG LỠI DỤNG.

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội ra đời từ thủa xa xưa trong lịch sử nhân loại và còn tồn tại lâu dài. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, các thế lực thống trị phản động luôn sử dụng tôn giáo nhằm thiết lập, duy trì và thực hiện quyền thống trị của chúng đối với nhân dân lao động.

Lịch sử đấu tranh cách mạng giữa những thời kỳ chống Pháp chống Mỹ và chống ngoại bang của dân tộc Việt Nam cũng cho thấy: kẻ thù luôn luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện ý đồ chống phá Cách mạng của nhân dân ta.

Vì sao địch lại chọn tôn giáo làm đối tượng lợi dụng? Ðiều đó có thể cắt nghĩa bằng những lý do sau đây:

1) Do sự khác nhau về quan điểm triết học (duy vật - duy tâm) giữa những người theo chủ nghĩa Mác và người theo tôn giáo. Ðây là tiền đề của sự khác nhau về thế giới quan, sự khó thống nhất trong cách nhìn nhận đánh giá một sự việc, một vấn đề và do đó dễ phát sinh mâu thuẫn. Về bản chất đây là mâu thuẫn nội bộ. Song khi bị địch kích động đúng lúc đúng chỗ, thì mâu thuẫn này có thể phát triển, chuyển hóa thành mâu thuẫn đối kháng.

2) Trên thế giới số người theo tôn giáo chiếm 80% tổng dân số, ở Việt Nam có khoảng 30% dân số theo các tôn giáo. Rõ ràng đây là một lực lượng quần chúng đáng kể. Tập hợp những người cùng tín ngưỡng tôn giáo lại có tính liên kết khá chặt chẽ; họ bị ràng buộc bởi giáo lý, giáo luật và chịu sự điều khiển của bộ máy tổ chức giáo hội, vì thế nó có thể trở thành một "lực lượng xã hội" không thể xem thường. (Lực lượng này có khả năng hỗ trợ hoặc ngăn cản chính quyền của một giai cấp). Do vậy đế quốc và bọn phản động rất coi trọng việc sử dụng tôn giáo nhằm chống lại các phong trào cách mạng.

3) Do xu hướng muốn gắn "thần quyền" với "thế quyền" của các giáo hội.

Hầu hết các tôn giáo đều có xu hướng thế tục hóa, tham vọng gắn "thần quyền" với "thế quyền", gắn "giáo quyền với chính trị". Xu hướng lợi dụng lẫn nhau giữa các giáo hội và các thế lực chính trị, kinh tế là là xu hướng hiện thực, thời nào cũng có. Nói cách khác, việc các thế lực thù địch thường chọn tôn giáo làm đối tượng lợi dụng còn xuất phát từ "nhu cầu" của một số người đứng đầu trong các tôn giáo.

4) Niềm tin tôn giáo có đặc trưng là "không cần sự kiểm chứng", nên người theo tôn giáo có thể rơi vào trạng thái cuồng tín, cực đoan trong suy nghĩ và hành động, nhất là khi họ đã nằm trong vòng tay điều khiển của các thế lực chính trị phản động.

Những tín đồ cuồng tín sẵn sàng "tử vì đạo", thậm chí có người còn đi đến chỗ phủ nhận cả quốc gia, dân tộc là những phạm trù đang được mọi người tôn trọng, giữ gìn.

5) Ngày nay phần lớn các tôn giáo đều có quan hệ quốc tế. Ðây là một điều kiện thuận lợi cho các thế lực chính trị phản động ở nước ngoài thực hiện ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ở tại, thông qua con đường lợi dụng các giáo hội trong nước.

6) Vấn đề tôn giáo nhìn chung là vấn đề "tế nhị và phức tạp", nó tế nhị và phức tạp ở chỗ: Vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng là vấn đề thuộc lĩnh vực nhân quyền và dân quyền, mặt khác kẻ lợi dụng tôn giáo ngày nay lại có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn trước. Vì thế, kinh nghiệm cho thấy giải quyết vấn đề tôn giáo không đơn giản, rất dễ mắc sai lầm: hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh (mà ở đây "bệnh tả khuynh" cũng nguy hại không kém "bệnh hữu khuynh").

7) Khi vấn đề tôn giáo được gắn với những vấn đề khác (chẳng hạn: với vấn đề dân tộc), thì tính phức tạp của vấn đề được nhân lên gấp bội.

Ngày nay, bên cạnh việc lợi dụng tôn giáo, bọn đế quốc thường gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc và xem đó như "hai gọng kìm" để "bẻ gẫy xương sống" của Cộng sản.

Từ những lý do nêu trên đủ cho ta thấy: Con bài lợi dụng tôn giáo của địch để chống phá cách mạng từ bên trong, là một con bài rất lợi hại.

II/ KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC LỠI DỤNG TÔN GIÁO TRONG LỊCH SỬ.

1) Lịch sử lợi dụng tôn giáo trên thế giới.

a- Những sự kiện đáng chú ý:

Việc lợi dụng tôn giáo của các triều đại phong kiến châu Âu để xâm chiếm lãnh thổ của nhau đã xuất hiện rất sớm, nhưng nó được thự c hiện một cách triệt để nhất vào thời kỳ cận-hiện đại. Từ thế kỷ XV-XVII, để phục vụ cho công cuộc mở mang thuộc địa đến các vùng đất xa xôi, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Pháp đã biết dựa vào thế lực của giáo hội Công giáo (Tòa Thánh Va Ti Căng). Với danh nghĩa của những người đi "mở mang nước Chúa", "cứu chuộc những đứa con tội lỗi ở trần thế", "khai hóa văn minh", giáo hội Công giáo đã đóng vai trò như một lực lượng mở đường cho công cuộc chinh phục thuộc địa của thực dân. Mặt khác, thông qua đó giáo hội cũng đạt được một số mục đích như: đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, mở rộng địa bàn ảnh hưởng, thu nạp thêm nhiều tín đồ, củng cố và nâng cao vị thế của giáo hội Công giáo trên thế giới.

Giữa thế kỷ XIX, trên thế giới xuất hiện hệ tư tưởng mới là chủ nghĩa Cộng Sản, càng ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đe dọa trực tiếp lợi ích của giai cấp tư sản, phong kiến.

Ðể chống lại xu thế lịch sử đó, bọn đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹù liên kết với các thế lực phản động áp dụng nhiều thủ đoạn chống phá cách mạng một cách điên cuồng, trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao... Ðặc biệt, chúng tiếp tục đẩy mạnh việc lợi dụng các tôn giáo (nhất là giáo hội Công giáo) vào mục đích chính trị: Xóa bỏ nhà nước XHCN, xóa bỏ học thuyết Mác-Lênin.

Năm 1891, Giáo Hoàng Lê-On XIII đã công bố thông điệp "tâm sự" với nội dung chống chủ nghĩa Cộng sản... Thông điệp Bách Chu Niên (1991) kêu gọi thay thế học thuyết Mác-Lênin bằng học thuyết xã hội Công Giáo mà nền tảng là "phúc âm hóa" toàn thế giới.

Từ năm 1945, hệ thống các nước XHCN được thiết lập trên khắp các châu lục. Ðể chống lại xu hướng lịch sử đó, đế quốc và các nước phản động khác (đứng đầu là đế quốc Mỹ), tìm mọi cách kéo giáo hội các tôn giáo vào cuộc chiến tranh "diễn biến hòa bình", nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản ở các nước này.

Bằng cách lập ra những trung tâm thông tin, đêm ngày phát sóng tuyên truyền phát triển đạo, nói xấu Ðảng Cộng sản, kích động chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc, kêu gọi tín đồ đấu tranh đòi tự do tôn giáo, đòi tách giáo hội khỏi sự kiểm soát của Nhà nước XGCN, gây mất ổn định chính trị xã hội nhằm tạo thời cơ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đó.

b. Những phương thức chủ yếu của bọn đế quốc trong việc lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng.

1. Chúng tìm mọi cách để đưa giáo hội vào các cuộc chiến chính trị.

Một mặt chúng thúc giục các giáo hội ủng hộ các đảng phái đồi lập hoạt động chống Ðảng Cộng Sản. Mặt khác thông qua hoạt động của các đảng phái đối lập để lôi kéo, tập hợp, kích động các chức sắc, giáo sĩ, tín đồ chống lại nhà nước XHCN.

2. Xúi giục các giáo hội đòi lập khu tôn giáo tự trị.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn đế quốc chú trọng đến việc xây dựng các khu tôn giáo tự trị ngay trên lãnh thổ các nước XHCN. Chẳng hạn ở Trung quốc, đã một thời xuất hiện khu tự trị Phật Giáo Tây Tạng.

Mục đích của việc hình thành các khu tự trị tôn giáo này là:

- Tăng thêm tính độc lập của giáo hội đối với nhà nước.

- Tạo thế và lực cho giáo hội hoạt động chống nhà nước.

- Tạo cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động can thiệp trực tiếp khi giáo hội yêu cầu.

3. Khơi dậy, khoét sâu những mâu thuẫn, những vấn đề tôn giáo và dân tộc; kích động các cuộc chiến tranh mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc, làm suy yếu tiến tới làm sụp đổ Nhà nước XHCN.

Từ 1985 đến nay, thủ đoạn này được chúng sử dụng một cách triệt để. Hệ quả của nó là ở một số nước chính quyền không kiểm soát nổi dân, có nước bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản bị lu mờ (ví dụ Liên bang Nam Tư...).

Với những thủ đoạn nêu trên, có thể nói bọn đế quốc đã thành công trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc, tạo thành một đòn tấn công hiểm hóc vào một số nhà nước XHCN ở Ðông Âu, và Liên Xô, phối gộp với các mũi tiến công khác làm sụp đổ XHCN ở các nước này. Ngoài ra, chúng còn gây ra tình hình phức tạp ở nhiều khu vực khác như Tây Á, châu Phi, và nhiều nước như Ấn Ðộ, Trung quốc, Việt Nam, Mianma...

2) Lịch sử lợi dụng tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo, nên việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện mưu đồ chính trị được đế quốc và bọn phản động đặc biệt quan tâm. Do điều kiện lịch sử, mỗi tôn giáo bị lợi dụng ở mức độ khác nhau, trong đó giáo hội Công giáo (đạo Thiên Chúa) bị các thế lực thực dân cũ và mới lợi dụng nhiều nhất.

Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau, phương thức lợi dụng tôn giáo của kẻ thù cũng có sự khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu chính trị phản động của chúng trong giai đoạn đó.

a. Giai đoạn từ thế kỷ XVI đến trước năm 1945.

Ðạo Thiên Chúa truyền vào nước ta từ thế kỷ thứ XVI trong bối cảnh lịch sử nội chiến Nam-Bắc triều phân tranh Trịnh Nguyễn. Lúc đầu các giáo sĩ Hà Lan và Bồ Ðào Nha đã lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn phong kiến Việt Nam lúc đó để đạt mục đích truyền giáo cụ thể: người Hà Lan thì bán vũ khí cho chúa Nguyễn ở đằng trong, người Bồ thì bán vũ khí cho chúa Trịnh ở đằng ngoài để đánh nhau. Như vậy ngay từ đầu truyền giáo của các giáo sĩ đã gắn với chính trị; can thiệp vào nội tình chính trị của nước ta, phục vụ cho lợi ích thương mại của các quốc gia họ.

Ðộng cơ phục vụ lợi ích "chính quốc" được thể hiện rõ nét hơn thông qua hoạt động của các giáo sĩ người Pháp trong tổ chức truyền giáo gọi là "Hội thừa sai Pa ri", bắt đầu từ năm 1664.

Ngay từ khi mới ra đời, hội thừa sai Pa ri đã được chính phủ Pháp sử dụng vào việc bành trướng thế lực thực dân của mình ở Viễn Ðông, đặc biệt là Việt Nam. Mục đích lợi dụng truyền giáo để phục vụ công cuộc thực dân được nhấn mạnh trong bản điều trần của Hội gửi quốc hội Pháp năm 1790 như sau:

"Hội TSPR là tổ chức duy nhất của các thầy tu người Pháp... có sứ mạng đem ánh sáng của đức tin và ảnh hưởng của nước Pháp tới các nước phương Ðông... Các giáo sĩ của Hội không quên lợi ích của nước mình, họ sẽ và mãi mãi có nhiệm vụ thông báo cho nhà nước mọi phát kiến và những tin tức cần thiết mà họ đã thu được...Họ tạo điều kiện cho việc buôn bán của nước Pháp ở phương Ðông và chính họ đã tổ chức ra Công Ty Ðông ấn... Các giáo sĩ của Hội tin tưởng rằng Nhà nước sẽ có sự che chở đặc biệt cho Hội, được như vậy thì toàn thể hội viên của Hội sẽ có thêm nhiệt tình để phục vụ quốc gia mình với lòng hăng hái hơn bao giờ hết".

Mục đích tôn chỉ đó đã được các giáo sĩ thừa sai quán triệt trong suốt quá trình truyền giáo ở Việt Nam. Tiêu biểu nhất (ở thời kỳ 1664-1802) là các giám mục Parancois - Pan Luy, Lam-be-de-lamốt, P. Poivre, và đặc biệt là giám mục Adran - Bá Ða Lộc.

Pan Luy muốn thông qua hoạt động bạo lực của Pháp để truyền giáo, khuyến khích Công ty Ðông ấn dùng bạo lực, cái mà ông ta gọi là "...một phương án vinh quang để đưa dân mọi rợ trở lại đạo thánh và qua đó mà thánh hóa việc thương mại của mình, vừa để mở mang giáo hội vừa làm giàu cho nước Pháp".

Còn P PoivRe, một thương nhân kiêm giáo sĩ, năm 1740 đã gửi về nước một bản báo cáo tỉ mỉ về hoàn cảnh địa lý, sản xuất, thuế khóa và phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo ở đằng trong.

Tuy nhiên, hoạt động của hai vị giám mục nói trên mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp tin tức tình báo về đất nước chúng ta, hoặc khuyến khích thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sự kiện có tính chất điển hình hơn cả là hoạt động của Bá Ða Lộc (người được giới thực dân đánh giá như "một bậc tiên khởi" của quá trình xâm lược Việt Nam, kẻ trực tiếp làm môi giới cho Nguyễn ánh ký với Pháp Hiệp Ước Véc Xây (1787) với thỏa thuận:

Pháp giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn để giành lại Vương triều, Nguyễn Ánh cắt cho Pháp Côn đảo và Hội an (Quảng nam, Ðà nẵng). Với sự giúp đỡ của Bá Ða Lộc, Nguyễn Ánh đã đánh bại Tây sơn, lên ngôi năm 1802, và từ đó Việt Nam chính thức nằm trong sự ảnh hưởng của Pháp.

Từ những dẫn chứng trên cho phép ta kết luận:

Hoạt động của ba vị giám mục nói riêng, của các giáo sĩ thừa sai Pa-ri nói chung trong giai đoạn (1664-1802), không còn dừng lại ở mức độ phục vụ cho lợi ích kinh tế thương mại của các thế lực thực dân như trước.

Hoạt động của các giáo sĩ đã đạt tới mức độ là tạo ra nền tảng cho công cuộc thực dân của Pháp ở nước ta. Hậu quả mà dân tộc ta phải gánh là: Về mặt pháp lý, một phần lãnh thổ Việt Nam đã thuộc quyền của thực dân Pháp.

Ðánh giá về vai trò của Hội thừa sai Pa-ri đối với quá trình xâm lược Việt Nam, vua Napôlêon I của Pháp đã nhận định:

"Những giáo sĩ của hội truyền giáo ở nước ngoài sẽ rất có ích lợi cho tôi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ, tôi sẽ cử họ đi điều tra tình hình các xứ. Tấm áo của họ sẽ che chở cho họ và dùng để ẩn dấu những mưu đồ chính trị và thương mại. Phí tốn cho họ ít thôi, họ sẽ được những người dã man kính trọng. Họ có vẻ không có gì là "chính thức" cả nên không thể gây điều gì sỉ nhục cho Nhà Nước, tính mẫn cán tôn giáo sẽ làm cho họ thi hành tốt mọi việc việc và coi thường hiểm nguy, vượt hẳn lên trên một viên chức bình thường".

Bước sang thế kỷ XIX, hoạt động cấu kết giữa các giáo sĩ với thực dân Pháp nhằm đạt mục đích truyền giáo và xâm lược cũng đậm nét. Có thể nói hoạt động của các giáo sĩ thế kỷ XIX là một bộ phận hợp thành trong công cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam. Mối quan hệ giữa thực dân và truyền giáo trong thời kỳ này được phản ánh qua một số hoạt động và sự kiện chủ yếu sau đây:

* Các giáo sĩ tích cực thu thập tin tức tình báo phục vụ cho việc can thiệp bằng quân sự của Pháp vào Việt Nam.

Giám mục Pơ Lô Ranh và linh mục Húc cai quản địa phận Huế không những tích cực vận động triều đình Napôlêôn III xúc tiến việc xâm lược bằng quân với nước ta, mà còn trực tiếp dẫn đường cho tàu chiến Pháp trong quá trình do thám và tiến công nước ta.

* Lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc ta, cụ thể là: Mâu thuẫn nhân dân ta với các vua triều Nguyễn (do chính sách bóc lột nặng nề của nhà Nguyễn đưa lại); mâu thuẫn giữa quần chúng giáo dân theo đạo Thiên Chúa với người không theo tôn giáo, hoặc tín đồ của tôn giáo khác.

Ðặc biệt là mâu thuẫn giữa quần chúng giáo dân với nhà Nguyễn, do những sai lầm có tính chất phương pháp trong việc cấm đạo, sát đạo của các triều đại phong kiến thời Nguyễn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, tạo cơ hội cho các giáo sĩ tập hợp giáo dân chống lại triều đình, làm hậu thuẫn cho công cuộc xâm lăng của Pháp.

Ðiển hình trong lĩnh vực này là vụ giáo sĩ MaRchand (tức cố Dụ) tập hợp giáo dân vùng Gia Ðịnh giúp Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mệnh, vụ hai giáo sĩ Lêpêbve và Ducloc kích động dân Công giáo nổi loạn thời vua Thiệu Trị; vụ hai Giám Mục Sampedro, Hermosilla (tức cố Xuyên và cố Liêm) tổ chức giáo dân ở một số địa phận Nam định, Hải dương, Hưng yên, với mục đích rước Lê Duy Minh từ Ma Cao (Trung quốc) về nước để lật đổ triều Nguyễn.

Hoạt động công cuộc phục vụ thực dân của các giáo sĩ trong quá trình truyền giáo vào nước ta - thời kỳ từ năm 1802 đến khi nhà Nguyễn ký hòa ước nhâm tuất năm 1862 còn được phản ánh một cách đầy đủ, trực tiếp và toàn diện thông qua nội dung, tính chất và mức độ nghiêm khắc trong các "đạo dụ" (sắc chỉ) của các triều đại phong kiến đương thời. Cả thảy có 13 đạo dụ, trong đó mức độ "cấm đạo" tăng dần theo tính chất nghiêm trọng của tình hình. Chẳng hạn:

- Thời Minh Mệnh, năm 1836 trước sự gia tăng hoạt động của các giáo sĩ lại trùng hợp thường xuyên xuất hiện của các tàu chiến Pháp trong vùng lãnh hải của ta, đặc biệt là những vụ lộn xộn về chính trị trong triều đình sau vụ biến Lê Văn Khôi, Minh Mệnh lập tức ra đạo dụ qui định "xử tội chém" đối với các giáo sĩ thừa sai có hành vi trinh thám dò la tin tức của ta.

- Thời Thiệu Trị, năm 1847, sau khi phát giác vụ Vũ Văn Ðiền tín đồ Thiên Chúa Giáo tiết lộ bí mật quân cơ cho các tàu chiến Pháp trong sự kiện thủy chiến Ðà Nẵng (1847), Thiệu trị ra đạo dụ cấm các quần thần của nhà vua theo đạo.

- Thời Tự Ðức, ông tuyên bố tiếp tục theo đường lối cũ của cha ông đối với đạo Giatô (Thiên Chúa), song ông đã không qui định hình phạt một cách cụ thể hơn.

Cụ thể là: Các giáo sĩ Tây dương mà phạm luật thì bị quăng xuống biển, các linh mục người Việt phạm luật thì bị xử tử, giáo dân vi phạm thì bị thích chữ vào mặt...

Rồi từ năm 1848, do tình hình trong nước xảy ra nhiều biến cố phức tạp nên Tự Ðức liên tiếp ra các đạo dụ khác để ngăn cản, hạn chế, trừng trị các hoạt động của giáo sĩ và giáo dân có ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.

Như vậy, sự gia tăng về số lượng và mức độ của hình phạt được qui định trong các đạo dụ cấm đạo, sát đạo của nhà Nguyễn hoàn toàn trùng hợp với sự gia tăng những hoạt động lợi dụng truyền giáo phục vụ công cuộc xâm lược của các giáo sĩ. Sự trùng hợp đó cho phép ta kết luận: Chính sách cấm đạo, sát đạo của các vua nhà Nguyễn là hậu quả tất yếu do nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, nảy sinh từ chính sách thực dân - Gia tô của Pháp đối với nước ta thời đó. Ðiều đáng tiếc ở đây là các vua nhà Nguyễn đã phạm sai lầm về phương pháp. Hậu quả của sai lầm đó như chúng ta đã biết: nó tạo ra cái cớ để bọn thực dân dụng danh nghĩa "bảo vệ những người đồng đạo" để tiến hành xâm lược nước ta bằng quân sự.

Sự cộng tác của giáo hội với thực dân Pháp ở Việt Nam trong thế kỷ XIX còn thể hiện ở chỗ: Giáo hội là chỗ dựa cho chính sách ngu dân về văn hóa của bọn thực dân. Về thực chất đây là một bộ phận của chính sách cai trị thuộc địa theo lối đồng hóa nền văn hóa dân tộc. Mục tiêu của sự đồng hóa này là "Thiên Chúa giáo hóa" Việt Nam để đạt mục đích xâm lược và cai trị dân. Bằng cách sử dụng giáo sĩ vào công việc quản lý nhà nước, loại trừ ảnh hưởng của Nho giáo (hệ tư tưởng chính thống trong nền văn hóa Việt Nam dưới thời phong kiến). Nhiều giám mục đã đề nghị thực dân đàn áp đội ngũ sĩ phu "Văn Thân" của Việt nam, vì theo họ: "Bọn Văn Thân rất có ảnh hưởng, họ công tiến lớn và một khi được làm quan là thiên hạ kính trọng họ, vì vậy nhất thiết phải thanh toán bọn họ đi..., bởi vì họ quá yêu nước không thể nào chấp thuận sự cai trị của chúng ta. Hơn nữa, chẳng bao giờ một người Văn Thân chịu theo đạo Ki-Tô!" (theo lời kể của toàn quyền Lan Ít xăng).

Ðối với quần chúng, các giám mục Pháp chủ chương tôn giáo hóa bằng nhiều biện pháp khác nhau: Làm cho họ thấy rõ lợi ích của việc theo đạo; hoặc bằng cách nào đó để họ thấy được vấn đề là nếu đã theo đạo mà bỏ đạo thì không an toàn về cuộc sống; kể cả dụ dỗ và cưỡng bức theo đạo.

Ðối với giáo dân, giáo hội cấm không cho họ tiếp xúc với xã hội người lương, các tài liệu sách báo có tư tưởng yêu nước, cách mạng. Việc làm này phục vụ cho chính sách chia rẽ lương - giáo, biến các làng giáo dân, khu vực giáo dân thành những cứ địa riêng để cha cố dễ bề quản lý hoặc huy động vào các mục đích thực dân khi cần thiết.

Về phía thực dân Pháp, trong quá trình thực hiện chính sách ngu dân của mình ở Việt Nam, chính phủ Pháp đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn cản việc truyền chức linh mục, giám mục cho giáo sĩ người Việt Nam. Họ sợ rằng nếu các giáo sĩ Việt Nam có tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc nắm giữ các chức vụ quan trọng trong giáo hội thì sẽ tác động trực tiếp tới giáo dân và làm cho giáo dân thức tỉnh chống lại kẻ xâm lược. Trong nội bộ giáo hội, các giáo sĩ nước ngoài cũng tìm cách ngăn cản xu hướng tiến bộä của một số giáo sĩ người Việt, ngăn cản luồng tư tưởng đòi trả giáo hội Việt Nam cho người Việt Nam.

Trên thực tế, trong chừng mực nhất định, thực dân Pháp đã thực hiện được âm mưu tách cộng đồng giáo dân của Ðạo Thiên Chúa ra khỏi cộng đồng dân tộc, bằng cách tạo ra trong giáo dân sự mặc cảm, sự ngộ nhận nguy hiểm rằng giữa đức tin và nghĩa vụ công dân có một sự mâu thuẫn không thể dung hòa, mà sự lựa chọn theo đúng ý Chúa là từ bỏ dân tộc để giữ lấy đức tin. Hướng giáo dân vào cuộc đấu tranh chống lại chính dân tộc mình để bảo vệ đức tin - vào cuộc đấu tranh giữa các ý thức hệ và chủ thuyết khác nhau. Vì thế khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì bọn thực dân và những người cầm đầu giáo hội lại tung ra các luận điểm về "mối hiểm họa cộng sản", "mâu thuẫn cộng sản - công giáo" "vô thần - hữu thần" để biện hộ cho hành vi cướp nước và bán nước, chống lại các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ và hòa bình của nhân dân ta.

b- Giai đoạn 1945-1954.

Ngày 02.9.1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hào được thành lập, sự kiện đó đã mở ra giáo hội Việt Nam một cơ hội: Từ bỏ con đường cũ, con đường hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân, phục vụ cho những mục đích xâm lược và cai trị của chúng, để vươn lên tự khẳng định mình, hòa nhập vào trong lòng dân tộc. Ða số giáo dân và giáo sĩ người Việt yêu nước đã hân hoan đón chào độc lập, hăng hài góp phần nhỏ bé của mình của mình vào sự nghiệp chung của đất nước.

Song, phần lớn các giáo sĩ ngoại quốc vẫn giữ thái độ im lặng, chờ thời, hoặc hoạt động chống phá ngầm. Và đúng như bản chất phản cách mạng của chúng, khi Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, bọn phản động trong giáo hội lại tiếp tục phản bội dân tộc Việt Nam. Tính chất chính trị phản động của giáo hội ở thời kỳ này biểu hiện chỗ: Lợi dụng các sắc chỉ chống cộng sản của tòa thánh để chống lại chính phủ ta (Vì chính phủ là cộng sản) sử dụng những khẩu hiệu như: "Nguy cơ đỏ", "Hãy tiêu diệt cộng sản để làm vinh danh Chúa"... Nhằm mục đích chia rẽ đối lập giữa đồng bào Công giáo với Chính phủ với đồng bào không theo tôn giáo.

Tinh thần đó được bộc lộ một cách công khai trong thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam năm 1951: "... Chúng tôi thấy mình có bổn phận nhắc nhở anh chị em đề cao cảnh giác, chống lại nguy cơ hết sức to lớn: Chủ nghĩa Cộng sản vô thần là một mối đe dọa lớn nhất hiện nay. Chẳng những cấm anh chị em vào Ðảng Cộng sản mà anh chị em cũng không được hợp tác với họ, hoặc làm bất cứ việc gì có lợi cho Ðảng... Chúng tôi có bổn phận nhắc nhở anh chị em đề phòng cả đối với những kiểu lượn lẹo và mưu chiếc của người Cộng sản dùng để đánh lừa dân chúng. Những mưu chước ấy chỉ phục vụ cho các mục tiêu của người cộng sản mà thôi..."

Có thể khái quát thủ đoạn lợi dụng giáo hội Công giáo của thực dân Pháp vào mục đích chống lại cuộc kháng chiến của dân tộc ta như sau:

- Tuyên truyền về "hiểm họa cộng sản" để lôi kéo mê hoặc, xô đẩy tín đồ vào cuộc phản chiến chống cộng sản, bất hợp tác với chính phủ vì chính phủ là cộng sản.

- Gán cho Cộng sản tất cả những gi xấu xa nhất.

- Ðưa ra những triết lý biện minh cho chính sách thực dân, như: "Chính sách thực dân dưới con mắt của các nhà luật học và lý luận học vẫn là một việc hợp lý, vừa giúp ích cho nhân loại vừa là hành vi nhân đạo".

- Tuyên truyền về "Cộng sản đàn áp giáo hội", thúc ép giáo dân di cư vào nam (năm 1954).

- Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo hội còn tiến hành thành lập các tổ chức, Ðảng phái hoạt động để "đoàn ngũ hóa" giáo dân, biến giáo dân thành tai mắt và thành lũy để chống lại kháng chiến, như: "Ðạo Binh đức mẹ", Ðạo Binh Xanh". Hiệp hội hiến sỹ đức mẹ bảo vệ nhà thờ...".

- Phạt vạ những giáo sĩ và giáo dân tham gia ủng hộ giúp đỡ kháng chiến.

- Nguy hiểm nhất là chúng tiến hành vũ trang cho dân công giáo. Thực tế cho thấy vào năm 1950, hầu hết các xứ đạo đều được vũ trang (Tề, Ngụy). Lính công giáo được thôi thúc bởi tín điều chống cộng sản nên hành động rất điên cuồng. Sử sách còn ghi lại những cuộc hành quân càn quét và những hành động tàn sát dã man của lính công giáo với người lương, đặc biệt là với "quân của kháng chiến". Với một đội quân khát máu bởi bị mê hoặc vào chiêu bài chống cộng của bọn thực dân, lính công giáo đã thực sự trở thành cái mà đế quốc Pháp và bọn phản động đội lốt tôn giáo cần "để nói chuyện với chính phủ cộng sản" như giám mục Lê hữu Từ đã từng tuyên bố.

- Với những thủ đoạn nói trên, thực dân Pháp và bọn phản động trong giáo hội lại một lần nữa đẩy quần chúng giáo dân vào hoàn cảnh khó xử... muốn giữ đạo thì phải từ bỏ kháng chiến, từ bỏ dân tộc... nên thực tế chúng đã thực hiện được một phần mục đích chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc là một yếu tố đóng vai trò to lớn với sự thành công của cách mạng.

c- Giai đoạn 1954-1975.

Trong những năm 1954-1955 các thế lực phản động đã kêu gọi người Công giáo di cư vào miền nam nhằm thực hiện ý đồ xây dựng một chính quyền mà trong đó người Công giáo chiếm đa số để đối đầu với Cộng sản.

Thời kỳ này đế quốc Mỹ đã thi hành chính sách thực dân kiều mới ở Miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm mà nòng cốt là những người Công giáo: 50% lính trong quân đội Ngụy là người Công giáo, 40% tướng tá Ngụy là Công giáo. Mỹ ngụy đồng loạt dựng lên các tổ chức Công giáo phản động: "Liên đoàn sĩ quan Công giáo khu thủ đô sài gòn", "Thanh niên công giáo tiến hành", ?thanh niên thôn quê Công giáo", "Thanh niên cộng hòa" do chính các linh mục và giám mục chỉ huy hoặc làm cố vấn, các tổ chức trên được sử dụng nhiều trong chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng".

- Mỹ-Ngụy đã sử dụng thủ đoạn kích động tư tưởng kỳ thị tôn giáo giữa đạo Công giáo với đạo Phật: đưa đạo Công giáo lên hàng quốc đạo, thẳng tay đàn áp những giáo tín đồ có tư tưởng tiến bộ.

- Thấy việc lợi dụng đạo Công giáo chống phá cách mạng vẫn chưa đủ, Mỹ-Ngụy ra sức lợi dụng đạo Hòa Hảo và đạo Cao đài, đồng thời Mỹ còn hậu thuẫn cho việc phát triển đạo Tin Lành ở miền Nam, xây dựng và gắn kết lực lượng phản động Fulro ở vùng Tây nguyên với đạo Tin lành.

- Từ năm 1974 trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, nguy cơ sụp đổ của chính quyền Ngụy ngày càng trầm trọng, Mỹ đã chuyển hướng lợi dụng tôn giáo theo một chiều hướng mới để phục vụ cho mục đích chống phá cách mạng thời kỳ hậu chiến tranh cụ thể là:

- Ðối với đạo Công giáo: không trực tiếp chống cộng sản bằng vũ lực mà chống phá mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị tư tưởng. Ngăn chặn các chức sắc tiếp xúc với những luồng tư tưởng tiến bộ, cô lập các chức sắc có tư tưởng tiến bộ, kích động các tín đồ xuống đường biểu tình phản đối các chính sách của chính quyền cách mạng.

- Ðối với đạo Tin Lành: Tiếp tục củng cố các tổ chức ở vùng dân tộc ít người, gắn kết tin lành với phản động FULRO xây dựng thêm nhiều cơ sở phản động trong đao tin lành để đối phó với cách mạng sau khi miền Nam được giải phóng.

- Ðối với đạo Cao đài và Hòa hảo: Ðế quốc Mỹ đã giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng lực lượng vũ trang nhằm mục đích chống phá cách mạng trên cả hai lĩnh vực chính trị và quân sự.

- Ðối với đạo Phật: Ðế quốc Mỹ nhận định đối với Phật giáo ở Việt nam trước mắt chưa thể lợi dụng được nhưng sẽ lợi dụng bằng cách dùng các tổ chức Phật giáo ở ngoài nước để tác động vào một số chức sắc ở Việt Nam, (tổ chức mà Mỹ chuyên lợi dụng là "tổ chức thân hữu Phật tử thế giới").

d- Giai đoạn 1975 đến nay:

Ðế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế vẫn chủ trương tiếp tục lợi dụng các tôn giáo vào hoạt động chống phá Việt Nam nhất là đối với đạo Công giáo và đạo Tin Lành.

Căn cứ vào tình hình kinh tế, chính trị xã hội nước ta, thực lực của giáo hội Công giáo Việt nam, Va ti căng chỉ đạo giáo hội: Không nên manh động, đối đầu với nhà nước, mà phải tập trung phát triển thế lực, là, cho giáo hội có đủ lực lượng để có thể làm đối trọng với nhà nước ta; phải đặc biệt chú trọng tới việc củng cố các đại chủng viện để phục vụ cho việc đào tạo một lớp giáo sĩ có khả năng thích ứng nhằm chống lại chế độ ta trong tương lai...; phải tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội để nắm quần chúng tạo vốn chính trị cho giáo hội; phải đổi mới thường vụ hội đồng giám mục Việt Nam theo hướng các thành viên là người có thái độ "cứng rắn" về nguyên tắc nhưng phải "mềm mỏng và hợp thời" trong hoạt động thực tiẽn, có khả năng tranh thủ nhà nước và thu hút được giáo dân; cấm các giáo sĩ tham gia Ủy Ban đoàn kết công giáo; đặc biệt chú ý đến lôi cuốn thanh thiếu niên, trí thức, cán bộ Ðảng viên trong các vũng giáo.. như vậy, ý đồ của Va ti căng là củng cố thế và lực cho giáo hội Công giáo Việt nam đủ mạnh mẽ để sử dụng như một công cụ, phương tiện chống phá ta lâu dài. Dùng giáo hội để làm xói mòn cơ sở quần chúng, cơ sở Ðảng của ta trong các vùng giáo, biến các địa bàn Công giáo thành các lãnh địa riêng.

Hiện nay, Va ti căng đang tìm mọi cách để đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam (Tòa Khâm Sứ) để trực tiếp chỉ đạo giáo hội Thiên Chúa ở nước ta như trước đây.

Những năm gần đây, Va ti căng đặc biệt chú ý lợi dụng số tín đồ Công giáo Việt Nam lưu vong ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Italia) để tác động vào giáo hội Việt nam hoạt động chống phá chế độ. Số này có khoảng 400 linh mục, 200 tu sĩ và hàng trăm ngàn giáo dân, tập hợp trong các tổ chức "Thiên Chúa giáo Việt Nam hải ngoại", "Liên đoàn Công giáo Việt nam", "Cộng đồng giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam" ở Mỹ. Nhiều người trong số đó có hận thù với cộng sản, thuộc các đảng phái phản động trong Ngụy quân ngụy quyền trước đây, một số tín đồ là đảng viên đảng cần lao nhân vị thời Ngô Ðình Diệm. Va ti căng đã cho thành lập "văn phòng trung ương tông đồ mục vụ Việt nam - Hải ngoại" để tập hợp số tín đồ Việt nam lưu vong ở nước ngoài. Văn phòng này là một thành viên tích cực tham gia dàn dựng cho việc phong 117 thánh tử đạo cho Việt Nam (năm 1988).

Việc phong thánh lần này là sự kiện mang tính chất chính trị, vì nó được thực hiện vào đúng ngày thành lập "quân lực Việt nam Cộng hòa", phần lớn các giáo sĩ được tân phong thánh tử đạo lại có quá trình cộng tác với thực dân Pháp chống lại nhà nước Việt nam, vi phạm chủ quyền độc lập dân tộc ta thời các vua nhà Nguyễn.

"Văn phòng trung ương tông đồ mục vụ Việt nam hải ngoại" đã chỉ đạo số tín đồ là Ðảng viên Ðảng cần lao nhân vị khôi phục lại đảng của chúng, và ra thông bào "hiệp thông" đề ra kế hoạch hậu cộng sản, gửi về nước nhằm tác động vào bọn phản động trong nước, số ngụy quân ngụy quyền cũ hoạt động chống phá ta.

Văn phòng này còn tập hợp tín đồ các tôn giáo khác (Cao đài, Hòa hảo, Tin lành, Phật giáo), với ý đồ tạo ra một liên minh tôn giáo chống cộng ở nước ngoài, rồi từ đó tác động vào trong nước, để các tôn giáo ở trong nước hoạt động chống phá sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Ðây là một thủ đoạn mới của kẻ thù.

Ðể tạo ra điều kiện vật chất cho giáo hội Công giáo Việt nam hoạt động theo ý muốn của mình, Va ti căng chỉ đạo nhiều tổ chức tôn giáo nước ngoài viện trợ tiền, tài liệu phản động và trao đổi kinh nghiệm chống CNXH ở Ðông Âu, Liên Xô với giáo hội Việt nam. Va ti căng còn gửi vào Việt nam hằng trăm tài liệu, sách báo có nội dung xấu, bôi nhọ chế độ XHCN, kích thích tinh thần tử vì đạo của quần chúng tín đồ. Từ năm 1981 đến 1986 có 765 tài liệu phản động, riêng năm 1986, có 200 tài liệu có nội dung chống phá cách mạng nước ta.

Va ti căng còn sử dụng quyền tòa thánh để sắp đặt những người có ý thức và kinh nghiệm chống đối nhà nước vào chức tổng giám mục ở các tòa.

Cùng với những hoạt động hà hơi tiếp sức cho các phần tử chống chế độ trong giáo hội, Bộ đế quốc phối hợp với Tòa thánh Va ti căng còn sử dụng các đài phạt thanh của các nước tư bản, các báo, tạp chí của các tổ chức người Việt nam di tản để phát tán vào nước ta, hòng phá hopại tư tưởng quần chúng, chia rẽ dân với Ðảng, chia rẽ dân tộc, lương giáo. Ðài phát thanh "nguồn sống" hàng ngày phát sóng bằng tiếng Việt và tiếng Mông để tuyên truyền phát triển đạo, vu khống ta vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Ngoài ra, Va ti căng còn chú ý lợi dụng các tổ chức tôn giáo phi chính phủ (NGO), giáo hội Công giáo ở các nước tư bản đế quốc, đặc biệt là Pháp, Mỹ, vào Việt Nam với danh nghĩa viện trợ nhân đạo từ thiện, tham quan du lịch để nắm tin tức tình hình mọi mặt của ta.

Va ti căng còn gửi cho giáo hội Công giáo Việt Nam "Thông điệp bách chu niên" của giáo hoàng Gioan Pôn II, một văn kiện phản ánh chiến lược "xã hội Công giáo" của tòa thánh trong bối cảnh thế giới "một siêu cường" (theo quan niệm của họ). Về thực chất, đây là một văn kiện chống CNXH vàCNCS trên cả hai bình diện học thuyết và hiện thực, rất phù hợp với quan điểm phản động chống học thuyết Mác và CNXH hiện thực của bọn đế quốc trong chiến lược diễn biến hòa bình.

Vậy là trong giai đoạn hiện nay, đế quốc Mỹ và Va ti căng vẫn đang thực hiện chiến lược sử dụng các tôn giáo nói chung, giáo hội Công giáo nói riêng vào mục đích chính trị đen tối của chúng, thực hiện diễn biến hòa bình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phương thức lợi dụng tôn giáo đã có phần thay đổi, từ chỗ trước đây thành lập các tổ chức chống phá cách mạng công khai, điên cuồng, chuyển sang phương thức mềm dẻo và "hợp thời" hơn (song bản chất phản động vẫn không thay đổi), vì thế mà cũng nguy hiểm hơn. Nó có thể tạo nên tư tưởng lơ là, mất cảnh giác, hữu khuynh trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Song song với việc lợi dụng Công giáo, Mỹ còn đạo diễn các hệ phái Tin lành nước ngoài tác động trực tiếp vào các tổ chức Tin Lành trong nước, cung cấp tài chánh cho các hệ phái trong nước hoạt động nhằm củng cố tổ chức, phát triển tín đồ, mở rnang địa bàn ảnh hưởng lên vùng núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Ðẩy mạnh công cuộc truyền giáo vào đồng bào các dân tộc ít người, Ðế quốc Mỹ đang muốn diễn lại mô hình "truyền giáo - xâm lăng" của thực dân Pháp thuở xưa, nhưng ở một trình độ cao hơn, bằng những thủ đoạn tinh xảo hơn và phương tiện truyền giáo hiện đại hơn !...

Chính nhờ có sự hậu thuẫn của đế quốc mà những năm qua đạo Tin lành ở nước ta phát triển với tốc độ rất nhanh.

Năm 1945: cả nước có 6,000 tín đồ.

Năm 1954: cả nước có 50,000 tín đồ.

Năm 1995: cả nước có 300,000 tín đồ.

Vậy là chỉ trong vòng một nửa thế kỷ, số tín đồ đã tăng gấp 50 lần. Nhất là trong mười năm trở lại đây, đạo Tin lành phát triển với tốc độ không ngờ ở một số địa bàn. Chẳng hạn:

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Mặc dù đã tiếp cận với đồng bào dân tộc từ năm 1986, nhưng từ năm 1991 đến nay đã phát triển thành phong trào. Số tín đồ tăng từ 0 lên 5 vạn người.

Vùng Tây nguyên: Năm 1975 mới có 5 vạn tín đồ, gần đây phát triển nhanh, chủ yếu ở thị xã, thị trấn, thị tứ và vùng có đồng bào dân tộc ít người. Ðến nay con số này đã lên tới 20 vạn tín đồ.

Bọn đế quốc thừa biết là Nhà nước Việt nam không khuyến khích phát triển tôn giáo, nên chúng càng ra sức hỗ trợ cho các giáo hội phát triển tín đồ, mở rộng địa bàn; chúng hy vọng sẽ xảy ra sự đụng chạm giữa chính quyền cơ sở với tập hợp những người mới theo đạo Tin lành, (nhất là với các đối tượng truyền đạo đang hoạt động bất chấp sự phản ứng của chính quyền). Ðể rồi từ đó, dần dần hình thành "một cách tự nhiên" luồng suy nghĩ mặc cảm, oán ghét chính quyền trong dân chúng. Khi mâu thuẫn đó phát triển đến mức độ nhất định, địch sẽ biến số quần chúng này trở thành lực lượng đối trọng với Nhà nước. Có thể nói đây là một thủ đoạn "ly gián" rất tinh vi, rất xảo quyệt.

III/ MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NHẰM PHÒNG, CHỐNG ÐỊCH LỠI DỤNG TÔN GIÁO TRONG TÌNH HÌNH MỚI.

Âm mưu của địch lơi dụng tôn giáo để chống phá cách mang rất nham hiểm, song việc chúng có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào phía ta. Nhiệm vụ bao trùm hiện nay là: bằng mọi cách, chúng ta phải làm mất cơ sở lợi dụng của địch. Muốn vậy, cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Phải có chủ chương, chính sách đúng, phù hợp với tình hình, làm cho đồng bào có tôn giáo yên tâm tin tưởng vào Ðảng và Nhà nước.

Các cấp phải tổ chức thực hiện đúng cả chủ chương, chính sách đó, làm cho nó đi vào cuộc sống.2. Việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của dân, đảm bảo cho các tín đồ (người thực sự có niềm tin tôn giáo) có nơi để thờ tự, có kinh sách để đọc, có người tốt hướng dẫn việc đạo, đồng thời phải quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng và mọi hoạt động tôn giáo, xã hội của các tổ chức tôn giáo, không được lơ là cảnh giác, buông lỏng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Trong thực tiễn, điều khó nhất là phân biệt hoạt động tôn giáo chính đáng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người có đạo với những hoạt động mê tín dị đoan và những âm mưu, hành động lợi dụng tôn giáo lôi kéo đồng bào có đạo vào các hoạt động phá hoại cách mang. Cùng một hành động có khi mang ý định lành mạnh, có khi chứa đựng dụng ý xấu; hoặc có khi ý đồ xấu của một số phần tử thù địch xâm nhập và ẩn dấu dưới những hoạt động bình thường của đông đảo đồng bào có đạo.

Vì vậy, cần phải cố gắng phân tích, tách yếu tố chính trị phản động ra khỏi yếu tố tôn giáo thuần túy.

3. Giúp đỡ các giáo hội xây dựng tổ chức và duy trì đường hướng hành đạo theo đúng tinh thần của nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền.

"Nhưng đất nước độc lập thì tôn giáo cũng phải được độc lập, các tôn giáo phải hành đạo đúng với tư cách tôn giáo ở một nước độc lập tự chủ. Các tôn giáo, nhất là thiên chúa giáo, không thể lệ thuộc bên ngoài. Phải nâng cao ý thức dân tộc của chức sắc và giáo dân." (trích bài phát biểu hướng dẫn tổng kết nghị quyết 24 của Bộ chính trị - của dồng chí Phạm Thế Duyệt, UVBCT).

4. Ra sức cũng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân trong đó có đông bào theo các tôn giáo.

Muốn đoàn kết được, trước hết phải xóa bỏ định kiến, mặc cảm hiện nay đang tồn tại ở cả hai phía: cán bộ và nhân dân, đồng thời phải đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện kích bác, gây chia rẽ giữa lương và giáo, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa quần chúng có đạo với chính quyền địa phương.

"Quan điểm của Ðảng cũng như tư tưởng của Bác Hồ hoàn toàn xa lạ với thái độ kỳ thị tôn giáo, chỉ thấy những biểu hiện tiêu cực, trái khoa học mà bỏ qua mặt tích cực, coi tôn giáo chỉ có tác dụng xấu.

Trong đời sống thực tế, nổi lên tình hình khá phổ biến là đồng bào có đạo thường tích cực tham gia làm việc nghĩa, ít tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội; các hình thức hoạt động xã hội tự quản của dân cư, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giữ gìn trật tự trị an, giải quyết các tranh chấp nội bộ, chống các tệ nạn xã hội và hành vi phạm pháp cũng xuất hiện sớm và phát triển nhanh ở một số nơi đồng bào có đạo; những cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hòa mới cũng được đông bào có đao nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Những kinh nhiệm và mô hình tốt, thể hiện mặt tích cực của đồng bào có đạo cần được tổng kết và nhân rộng. Ðồng thời đó là căn cứ thực tế giúp cho việc khắc phục thái độ còn hẹp hòi, nặng về đối phó của một số cán bộ, đảng viên và cơ quan chính quyền đối với tôn giáo, dẫn tới việc làm sai chính sách khiến cho chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo ở một số nơi còn giữ mặc cảm, nghi kị đối với chính sách của Ðảng và Nhà nước ta". (trích phát biểu của Phó thủ tướng: Phan Văn Khải, UVBCT, tại hội nghị tổng kết hướng dẫn nghị quyết 24/NQ/TW).

5. Xây dựng và phát triển phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào có dạo.

Song, nội dung phải thiết thực, sát với đặc điểm từng nơi. Phong trào phát triển [13] tốt, chính là tại thế trận "thiên la địa võng" làm cho kẻ địch khó bề hoạt động, đụng vào đâu cũng vấp phải sức phản kháng tại chỗ.

6. Làm tốt công tác nắm các chức sắc, chức việc, giáo sĩ để tranh thủ họ.

Ðối tượng đầu tiên mà địch nhắm tới để lợi dụng là đội ngũ, chức sắc, chức việc, giáo sĩ (nhất là chức sắc cao cấp trong các giáo hội), thủ đoạn của địch là gây chia rẽ trong nội bộ các chức sắc, tạo ra xu hướng ly khai trong một số giáo sĩ để rồi lợi dụng họ vào mục tiêu chống phá cách mạng. Vì vậy, nếu ta tranh thủ được đội ngũ này tức là đã làm mất đi cơ sở lợi dụng quan trọng của địch. Muốn thế ta phải tôn trọng họ, hiểu từng người một, tranh thủ mặt tích cực của họ dù là nhỏ. Khi xuất hiện xu hướng ly khai phải xử lý kịp thời, không để đích tạo dựng ngọn cờ rồi tập hợp lôi kéo quần chúng chống phá ta. Phải chủ động, không để sự việc xảy ra rồi mới tập trung giải quyết.

7. Khi giải quyết các vấn đề tôn giáo phức tạp, cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

- Chủ trương giải quyết thế nào là do ta, nhưng phải lấy giáo hội để giải quyết vần đề của giáo hội (thông qua các chức sắc tiền bộ). cơ quan điều hành của giáo hội có trách nhiệm về mọi vấn đề có liên quan đến tôn giáo, xã hội xảy ra trong phạm vi quản lý của mình, vì vậy họ không thể từ chối trách nhiệm khi ta yêu cầu phối hợp giải quyết.

- Việc giải quyết các vấn đề tôn giáo phức tạp phải êm và gọn, không để lây lan, phát triển thành điểm nóng, nên khoanh lại từng vùng, từng việc một để giải quyết cho ổn. Không để các thành phần chống đối liên kết thành tổ chức. Khi phát hiện có sự liên kết trong và ngoài nước, cần phải có kế hoạch "phá" càng sớm càng tốt. Phải giải quyết cả những vấn đề "bên trong" và "bên ngoài", nhưng "trong" là chính - làm mất cơ sở của địch ở bên trong là chính.

- Khi giải quyết một vấn đề tôn giáo phức tạp (hoặc liên quan đến tôn giáo) vấn đề quan trọng là phải ổn định được tình hình, giữ vững được đoàn kết, không tạo ra kẽ hở để địch có thể kích động lợi dụng quần chúng. Nếu xử lý mà không ổn định được tình hình thì phải coi việc xử lý đó là không đạt yêu cầu và phải xem xét lai.

- Trong quá trình giải quyết, có thể kết hợp một cách khéo léo, hài hòa giữa "luật đạo" và "luật đời", tuy nhiên vẫn phải bảo đảm nguyên tắc chung là "luậït đạo" phục tùng "luật đời" (luật pháp nhà nước).

8. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật, hình thành chủ nghĩa vô thần cho quần chúng có đạo bằng nhiều cách

Thông qua nhiều con đường (như: Giáo dục, nghệ thuật, truyền thông đại chúng, phim ảnh, báo chí, băng dằi,...).

Nói tôn trọng tự do tín ngưỡng không có nghĩa là khuyến khích phát triển tôn giáo. Trong một điều kiện nhất định, khi tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo còn tồn tại như một hiện tượng khách quan, khi nó còn là nhu cầu của một bộ phâÏn nhân dân thì nhà nước của dân có trách nhiệm tạo điều kiện để bộ phận quần chúng đó thức hiện nhu cầu tâm linh của mình. Song, tôn giáo bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tiêu cực của tôn giáo luôn luôn ảnh hưởng ngược chiều đến sự phát triển của cá nhân và sự tiến bộ xã hội. Bây giờ không phải là lúc ngồi tranh cãi suốt ngày xem "vô thần" đúng hay "hữu thần" đúng. Vả lại, làm như vậy không khéo chúng ta lại trúng kế của địch: chúng đang muốn khoét sâu mâu thuẫn giữa "vô thần" và "hữu thần", giữa cộng sản với người theo tôn giáo, muốn chuyển hóa mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn đối kháng để chúng lợi dụng. Cái cấp thiết hiện nay là nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sự hiểu biết về những kiến thức khoa học, kỹ thuật cần thiết nhất, trên cơ sở đó mà hình thành và phát triển chủ nghĩa vô thần trong nhân dân. Chính khoa học - kỹ thuật - công nghệ sẽ là lực lượng chủ công để giải quyết một cách cơ bản sự tồn vong của tín ngưỡng và tôn giáo.

9. Phải hết sức chú trọng vấn đề nhân sự của giáo hội ở tất cả các cấp.

vì đường hướng hoạt động của tổ chức tôn giáo phụ thuộc rất lớn vào lập truờng quan điểm, tư tưởng, phẩm hạnh... của đội ngũ này. Nhân sự là vấn đề nội bộ, nhưng chính quyền các cấp phải "điều khiển" được ở một mức độ cần thiết. Mặt khác phải chủ động trong việc hướng dẫn các tổ chức tôn giáo bồi dưỡng nhân sự cho chính họ.

10. Tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc ít người dang bị ảnh hưởng của đạo "tinh lành".

Nhìn chung hiệu quả tuyên truyền của ta còn thấp, có lẽ do ta chưa thoát khỏi phương pháp tuyên truyền cũ, lời lẽ tuyên truyền nhiều khi còn mang nặng tính chất áp đặt, vội vàng muốn ăn ngay, tuyên truyền theo kiểu trực diện. Phải cải tiến công tác này cả về nội dung, hình thức và phương pháp sao cho: Người được tuyên truyền cảm thấy như là mình không bị tuyên truyền!... Khi đó mới trở thành "nghệ thuật tuyên truyền". Cũng nên tìm hiểu cách tuyên truyền của "phía bên kia" để ta nghĩ cách "phản " lại, đồng thời cũng là để rút kinh nghiệm cho ta trong việc lựa chọn hình thức, phương pháp tuyên truyền như thế nào cho thích hợp nhất.

Ðể chống đích lợi dụng tôn giáo có hiệu quả, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Tuy nhiên nếu làm tốt mười nhiệm vụ nói trên, đồng thời thường xuyên tổng kết đúc rút kinh nghiệm, kết hợp với những vaÏn dụng kinh nghiệm của các tỉnh bạn, thì công tác chống địch lợi dụng tôn giáo ở tỉnh ta nhất định sẽ đạt kết quả tốt hơn.

(Lào cai, ngày 24 tháng 12 năm 1998. Lê Khả Tín, nghiên cứu và bình chú, 2001, xin gửi đến quí vị tài liệu này, nguyên bản 14 tt, khổ A4, font chữ 12, để nghiên cứu và hiểu rõ thực chất nền tảng của chính sách cùng pháp chế tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Nhà nước CSVN).
 
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Cảm nhận của một tân tòng
Maria Goretti Phan Hồng Phương
06:36 11/12/2008
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Cảm nhận của một tân tòng

Tôi là một người mới theo đạo.

Thú thật, khi tới lớp giáo lý dự tòng không phải do tôi tò mò hay ham thích tìm hiểu về đạo Thiên Chúa mà là do bạn trai tôi, người chồng tương lai của tôi đã dẫn dắt tôi đến với lớp.

Đầu tiên trong sự suy nghĩ tôi đến lớp học chỉ để hoàn tất thủ tục hôn nhân Công giáo mà thôi. Trong sự suy nghĩ của tôi lúc đó tôi thực sự không tin có Chúa. Chúa đối với tôi là một sự trừu tượng, một người không có thật và với tôi những người Công giáo thực sự rất khó hiểu và tôi thấy ngạc nhiên khi họ luôn tin vào một "người" mà họ chưa từng được nhìn thấy hay đã từng gặp gỡ, nhưng họ lại luôn xác tín và cầu nguyện với "người" đó.

Nhưng trong suốt quá trình học hỏi tại lớp giáo lý dự tòng, qua những thánh lễ và qua những người Công giáo tôi đã gặp, chia sẻ và tâm sự cùng họ đã làm cho sự suy nghĩ và cách nhìn nhận của tôi với đạo Thiên Chúa, với người công giáo hoàn toàn thay đổi.

Tôi đã hoàn toàn tin rằng có Thiên Chúa thật, mặc dù tôi chưa được gặp và nhìn thấy Ngài. Tôi đã thực sự tin vào nhũng lời cầu nguyện với Thiên Chúa, với Mẹ Maria.

Vì sao ư ? Vì tôi đã được chiêm ngưỡng Mẹ làm dấu lạ tại Linh Địa Đức Bà. Quả thật lúc đó như có một luồng điện rất mạnh chạy xuyên suốt trong người tôi. Chính vì hình ảnh đó, vì những cảm giác đó đã khiến tôi tin vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a và tôi cũng đã bắt đầu đọc kinh cầu nguyện cùng các Ngài.

Dù rằng những lời kinh, lời cầu nguyện của tôi rất đơn sơ mộc mạc vì tôi chỉ cầu nguyện theo những gì tôi cảm nhận được trong tâm hồn tôi và sau những lần cầu nguyện đó càng ngày càng làm tôi tin tưởng hơn vào tình yêu của Đức Mẹ đã dành cho tôi.

Cũng chính trong khóa học này tôi đã học hỏi được rất nhiều điều mà trước kia với bản tính của tôi thì đó là một sự đối nghịch rất lớn. Tôi đã học được tính khiêm nhường, nhẫn nại, vị tha và hy sinh điều này được thể hiện rất rõ ràng qua việc cộng đoàn giáo xứ Thái Hà đi tìm công lý và sự thật ở linh địa Đức Bà. Họ đã rất nhẫn lại, xác tín trong các buổi cầu nguyện, họ đi cầu nguyện không phải vì tư lợi cá nhân mà là vì một đức tin, một niềm xác tín cho công việc họ đang làm, để cho Giáo xứ mà cao hơn là Hội Thánh có thêm phương tiện phục vụ cho việc phụng thờ Chúa.

Dù cho trong các buổi cầu nguyện mà đặc biệt là thời gian gần đây đã có nhiều người vì sốt sắng tham gia cầu nguyện đã bị người ta sỉ vả, bôi nhọ, vu oan, bắt bớ nhưng họ vẫn nhẫn nại không đáp trả lại bằng những hành động tương tự mà họ lại tiếp tục cầu nguyện. Thậm chí họ còn cầu nguyện cho cả những kẻ đang bách hại họ. Điều đó đã làm tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và những người như họ đã làm cho tôi thêm hiểu biết về Thiên Chúa hơn, về những người Công giáo hơn.

Đặc biệt qua những lời kinh đọc hàng ngày hay trong những thánh lễ đã dậy cho tôi những bài học vô cùng quý giá về lẽ sống, để làm sao trở nên nhưng con người công chính. Tôi thực sự rất thích với những lời kinh trong 8 mối phúc thật đặc biệt là mối phúc thứ 8: " Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật vì chưng Nước Trời là của mình vậy". Vì chính những gì tôi đã đươc chứng kiến, đã được trải qua và cảm nghiệm thấy qua các buổi cầu nguyện và qua các con người hiện đang phải khốn đốn chỉ vì đã dám đứng lên tuyên xưng đức tin, đi tìm công lý và sự thật trong hòa bình.

Giờ đây tôi nguyện với bản thân và cầu xin cùng Chúa sẽ theo gương những người Công giáo chân chính đó và luôn sống theo lời Chúa để xứng đáng và tự hào dược gọi là con cái của Ngài. Và nguyện sẽ cố gắng sống ngay lành để làm chứng nhân mời gọi những ai chưa biết Chúa đến để tìm hiểu về Ngài về đạo của Thiên Chúa, Đạo của tình yêu thương.

Một kinh mà tôi thường xuyên nghe và hát hàng ngày sẽ làm câu kết cho bài cảm nghiệm của tôi mà theo tôi chỉ một câu đó thôi đã rất súc tích, đầy đủ những gì tôi muốn nói: " Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết". Amen
 
Thư Cha Giám Tỉnh DCCT Edmond-Toronto, Canada
Mike Brehl, C.Ss.R
06:39 11/12/2008
Thư Cha Giám Tỉnh DCCT Edmond-Toronto, Canada

Ngày 11 tháng 12 năm 2008

Anh em thân mến,

Cảm ơn anh em đã cập nhật tin tức về tình hình ở Hà Nội cho chúng tôi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ và giáo dân Thái Hà đang trong tình trạng khó khăn.

Nguyện xin Chúa giúp anh em vững mạnh trong cuộc đấu tranh cho công lý.

Nên biết rằng cuộc đấu tranh của anh em được sự quan tâm của anh chị em chúng ta trên toàn thế giới.

Tôi hy vọng rồi công lý sẽ thắng.

Trong Chúa Cứu Thế,

Mike Brehl, C.Ss.R
 
Người công chính hãy tiếp tục đi trên đường công chính
Lê Sáng
14:36 11/12/2008
Người công chính hãy tiếp tục đi trên đường công chính

Chủ thuyết cộng sản là thế nào? nhà nước cộng sản, người cộng sản đã làm những gì trong quá khứ, trong hiện tại và tương lai… Đến nay mọi sự đều sáng rõ. Bản thân những người cộng sản cũng nhận biết. Chế độ cộng sản được xây dựng trên nền tảng một học thuyết vô thần vô luân, người cộng sản tiếm quyền bằng các thủ đoạn phản nhân, gây không biết bao nhiêu tội ác cho nhân loại… Cộng sản Việt nam, không chỉ là sản phẩm của chủ thuyết cộng sản, mà bởi xuất phát điểm của nó là những kẻ vô giáo dục, thiếu giáo dục, phản giáo dục cho nên nó còn có biết bao nhiêu mánh lới tàn độc…

Cùng là máu người vô tội, nếu Cộng sản Âu châu chủ yếu giết người bằng súng, bằng dao… Thì ở Việt Nam số người vô tội bị việt gian cộng sản giết bằng súng bằng dao, không đáng là bao so với số người bị họ giết bằng lao tù, bằng tập chung cải tạo, bằng quản thúc, bằng đói rét, bằng cướp bóc, bằng "tai nạn"… Sẽ không bao giờ có thể tìm được con số chính xác bởi người cộng sản tìm mọi cách bưng bít thông tin, xoá dấu vết tội lỗi… Lịch sử đã từng chứng minh: Mọi hình thức "trừ hao" đối với lời nói, việc làm của người cộng sản, cuối cùng đều là "bị hố".

Hôm 8.12.2008, Cộng sản Việt Nam đưa người Công Giáo ra toà, sau khi chính thức tuyên chiến với tôn giáo. Bản chất của hành vi xét xử trong bộ máy nhà nước cộng sản là gì, chính người cộng sản cũng không hề giấu diếm mà còn huênh hoang tuyên bố: xét xử theo đường lối chính sách của Đảng… Những kẻ đại diện cơ quan xét xử là ai? Chẳng phải là đảng viên cộng sản hay sao? Trong thực tế đã có biết bao nhiêu bản án được duyệt bởi cơ quan không chuyên môn nhưng lại siêu thẩm quyền là cấp đảng uỷ cộng sản? Có biết bao nhiêu bản án người ta được biết trước bởi sự loan truyền bằng mồm một cách cố ý hoặc vô ý???…

Cho nên bản án 8 giáo dân công giáo thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, là những bản án "bỏ túi", phiên toà ra những bản án này là một "trích đoạn tuồng"… Người Công Giáo khi dấn thân cho công lý đều biết trước sự bách hại này của cộng sản, họ đã chuẩn bị tinh thần, đã dọn mình dâng lên Chúa của họ hiến lễ bằng sự hy sinh, như xưa cha ông họ đã từng đổ máu lúc âm thầm, lúc dào dạt dưới lưỡi gươm của vua quan phong kiến…

Cũng vì các lẽ trên mà ai đó, đừng kêu gọi Việt gian Cộng sản dừng việc xét xử, tuyên bố vô tội… Những việc này quá với khả năng của người cộng sản. Mọi lời kêu gọi tỉnh ngộ đối với những tên việt gian bán nước bách hại đồng bào chỉ là vô ích mà thôi ! Hãy cứ để quỉ dữ đi theo đường lối của nó. Người công chính sẽ đi trên đường công chính, mọi sự bách hại chưa bao giờ, và không bao giờ có thể khuất phục được. Khi những lời gian dối cất lên, thì cái ác sẽ nhân lên. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Và Chúa cứu nhân loại của Ngài bằng những chứng nhân của đức hy sinh.
 
Ngọn lửa giữa màn đêm
Nắng Sài Gòn
14:39 11/12/2008
NGỌN LỬA GIỮA MÀN ĐÊM

Trong bóng đêm bao năm tù ải,
Khát khao tìm lẽ phải, đường ngay.
Đau thương một kiếp tù đày,
Niềm tin khắc khoải, tháng ngày gian nan.

Trong bóng đêm bạo tàn thao túng,
Tiếng đạn bom, tiếng súng không còn.
Bất công bóp nghẹt nước non,
Dân đen uất hận, xói mòn lương tri.

Đất Thái Hà nêu cao dũng khí,
Quyết đi tìm công lý thực thi.
Can trường nào có sợ chi,
Cường quyền áp bức, xá gì gian nguy.

Chống bạo tàn phi nhân, phi lý,
Dân Thái Hà ý chí hiên ngang.
Công đường, chân lý vọng vang,
Chứng minh Sự Thật, lòng vàng trung trinh.

Ngọn lửa hồng chân tình thắp sáng,
Giữa màn đêm thấp thoáng hồn ma.
Đẩy lui bóng tối gian tà,
Xua tan băng giá bóng ma bạo quyền.

Ngọn lửa mến linh thiêng anh dũng,
Quyết san bằng thung lũng, đồi cao.
Tinh thần tử đạo vươn cao,
Thái Hà chí khí anh hào trung kiên.
 
Vè Thái Hà
HiệnThạch
14:43 11/12/2008
VÈ THÁI HÀ
(Phần 2: Phiên "tà" sơ thẩm)

Qua vòng sơ thẩm Thái Hà:
Án treo, cảnh cáo cũng là.. . chung thân !!!

"Phạm nhân " vụ án Thái Hà
Ra tòa mặc đẹp hơn là vào... lăng !

"Quan tà" xử vụ Thái Hà
Nhân dân lương thiện hát ca vang trời

Nực cười vụ án Thái Hà
"Phạm nhân" hỏi ngược "quan tà": ú ơ !

Thái Hà lòi đống luật... rừng
Luật sư đanh thép bẻ sừng hội đông (đồng)

Hội đồng xét xử Thái Hà
Từ to đến nhỏ đều là... "đảng ta"

Đảng "treo, cảnh cáo" Thái Hà
Treo thì treo bậy; cáo là cáo gian

Quan "tà" ngự tận lầu tư
Dưới đất phong tỏa y như Thái Hà

Cướp đất, kết án Thái Hà
Ấy là tội ác "đảng ta" đã mần !!!

Thái Hà ngậm đắng, nuốt cay
Giáo dân vô tội ăn ngay... "án tù"

Thía Hà nổi tiếng toàn cầu
Cũng nhờ "ơn đảng" bắt đi hầu tòa

Mất đất còn bị ra tòa
Năm châu thông hiệp Thái Hà - Việt Nam

Chúa thương cứu cả thế gian
Đảng "thương" đảng triệt giáo dân Thái Hà

Mẹ thương cứu giúp Thái Hà
Tai qua, nạn khỏi "đảng tà" bủa vây.
 
Đồng hành với dân tộc?
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm
16:39 11/12/2008
ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC ?

Thư chung của HĐGM/VN năm 1980

Sau biến cố 1975, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo đều kêu gọi các tín hữu bình tĩnh, chấp nhận hoàn cảnh mới, chấp nhận chế độ mới, để cùng với đồng bào cả nước xây dựng cuộc sống mới. Hai khuôn mặt nổi bật là đức cha Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Huế, và đức cha Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sàigòn, những vị lãnh đạo theo tinh thần Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Đức tin của các ngài, lòng yêu nước và óc thực tế của các ngài, chính là điểm tựa cho người tín hữu đang đối mặt với bao nỗi khó khăn, bao nhiêu đau khổ trong tình thế mới.

Đến Đại hội các Giám mục năm 1980, các Giám mục đã ra thư chung kêu gọi các tín hữu sống phúc âm giữa lòng dân tộc, hay đồng hành với dân tộc. Văn kiện này được xem như bản Định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Nếu đối với mọi người, dân tộc và chế độ là hai phạm trù khác nhau, thì riêng đối với người cộng sản, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, vì thế nên khi sử dụng cụm từ đồng hành với dân tộc, mỗi bên nghĩ một kiểu.

Đến cuối thập niên 80, nhất là từ khi nảy sinh xung đột giữa Nhà Nước và Giáo Hội nhân vụ phong thánh, và đặc biệt hơn nữa, đến giai đoạn Việt Nam đi vào nền kinh tế thị trường với cái đuôi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kéo theo hậu quả là giai cấp cán bộ có chức có quyền ngày càng giàu sụ một cách bất chính trong một thời gian kỷ lục, giữa lúc đa số người dân ngày càng nghèo đi, thì cụm từ đồng hành với dân tộc đã bị bốc hơi từ lúc nào rồi. Cao điểm là vào lúc dân oan hết lớp này đến lớp khác nằm la liệt trên hè phố để đòi công lý thì Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Ai cũng ngạc nhiên trước thái độ thờ ơ này. Và không thiếu người mạnh mẽ chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Thư ngỏ của HĐGM/VN năm 2002

Sau mỗi Đại Hội Thường Niên, chắc chắn không thiếu những kiến nghị các Giám mục gửi lên Nhà Nước. Vì nội dung các kiến nghị đó không được thông tri cho cộng đồng dân Chúa, nên không ai biết các ý kiến đóng góp đã được tiếp nhận như thế nào, và các vấn đề yêu cầu cứu xét đã được giải quyết đến bao nhiêu phần trăm.

Tới Đại Hội 2002, HĐGM/VN đã gửi đến “Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam” một văn kiện đặc biệt quan trọng (xem nội dung đính kèm sau đây). Không rõ văn kiện đã được hình thành như thế nào, ai (hay những ai) là tác giả đầu tiên của bản văn, chúng ta không biết. Nhưng không sao, vì điều quan trọng là bản văn đã được HĐGM/VN chấp thuận.

Câu hỏi đặt ra là các đối tác, tức là Quốc Hội và các Hội Đồng Nhân Dân đã tiếp nhận văn kiện đó như thế nào. Có thể là đã có một hoặc một số văn thư cám ơn theo phép lịch sự. Nhưng hình như cũng chỉ bấy nhiêu thôi. Các phương tiện thông tin nằm trong tay Nhà Nước thì tuyệt đối không đả động gì đến văn kiện này, và do đó rất ít người được biết. Giá mà văn thư đó được phổ biến rộng rãi, ví dụ được đọc trong các nhà thờ thì người ta không còn lý do để chê trách lãnh đạo Công Giáo thờ ơ trước các vấn đề nhức nhối của xã hội.

Trong lá thư ngỏ nói trên, khi phản bác cơ chế xin-cho, các Giám mục không chỉ nói thay cho tập thể Công Giáo vốn chỉ chiếm từ 7 đến 8 phần trăm dân số, nhưng có thể nói là các ngài đã diễn tả được nguyện vọng sâu xa thầm kín của hơn 80 triệu người Việt Nam không phải là đảng viên cộng sản, những người dân muốn nói nhưng không nói được. Và chính vì vậy mà khi phản bác cơ chế xin-cho qua lá thư ngỏ của HĐGM/VN thì tập thể Công Giáo đã thực sự đứng về phía đại đa số người dân đang bị bóc lột, đang bị chèn ép. Có thể nói qua lá thư vô tiền khoáng hậu đó, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã thể hiện ước muốn đồng hành với dân tộc.

Sau thư ngỏ

Khi đưa ra những ý kiến nhằm xoá giảm những khuyết tật của xã hội và phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, các Giám mục đã có thái độ thẳng thắn chưa từng thấy đối với Nhà Nước. Còn việc Nhà Nước độc tài toàn trị không đếm xỉa gì đến các ý kiến xây dựng kia thì chẳng có gì phải làm ta ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là sau văn thư nói trên, trong nhiều năm liên tiếp, ta không thấy một động thái nào khác từ phía HĐGM liên quan đến các vấn đề xã hội, ít là một cách công khai.

Cầu nguyện để đòi đất

Tuy nhiên, làm sao Giáo Hội có thể dửng dưng nhất là trong một xã hội thối nát và bất công như xã hội chúng ta đang sống? Vấn đề là bắt đầu từ chỗ nào. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giu-se Ngô Quang Kiệt là người đã có sáng kiến phát động chiến dịch cầu nguyện để đòi lại thửa đất Toà Khâm Sứ cũ. Cùng lúc, phong trào được phát động mạnh mẽ tại Giáo xứ Thái Hà do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đảm nhiệm. Chỉ cần một que diêm là rừng cây khô bốc lửa. Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam. Sự việc lại xảy ra ngay giữa lòng thủ đô, lôi kéo sự chú ý của dân Hà Nội cũng như của phóng viên nước ngoài. Điều đáng chú ý là lời mời gọi của Đức Tổng Giám Mục được đón nhận hết sức nồng nhiệt, không chỉ tại Hà Nội, mà là khắp nơi trong cả nước, đặc biệt trong khắp Giáo Tỉnh miền Bắc, đồng thời lời mời gọi đó lan toả ra nhiều nơi khác nữa ở Bắc Mỹ, nhiều nước Âu Châu và Úc Châu.

Mặc dù báo đài Nhà Nước coi như không có các sự kiện này, nhưng với công nghệ thông tin của đầu thế kỷ 21, không gì có thể che giấu được. Chính nhờ các bản tin cập nhật từng ngày và có lúc từng giờ của VietCatholic mà mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi những gì đang diễn ra tại Toà Khâm Sứ, tại Giáo xứ Thái Hà, và tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.

Mục tiêu tối hậu

Phát động một phong trào, phải bắt đầu từ một nơi nào đó, từ một việc gì đó. Giả sử vấn đề đơn giản chỉ là đòi lại một hai miếng đất của Giáo Hội Công Giáo thì người ngoài Công Giáo chẳng có lý do gì để phải quan tâm, và giải quyết vấn đề cũng không phải là chuyện khó đối với Nhà Nước. Thế nhưng ngay từ đầu, trong thánh lễ Giáng Sinh 2007 tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội, đức cha Ngô Quang Kiệt đã minh định: muốn có hoà bình bền vững, cần thiết phải thực thi công lý. Còn tại Sàigòn, trong một thánh lễ cầu nguyện cho Hoà Bình và Công Lý với quãng 4000 người tham dự tại nhà thờ Kỳ Đồng đêm 11-01-2008, vị giảng thuyết là linh mục Vũ Khởi Phụng đã nói rõ mục tiêu (và từ đó được nhắc lại nhiều lần trong các buổi cầu nguyện tương tự): mảnh đất tuy quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là mảnh đất tâm linh. Mục tiêu nhắm tới là công lý và hoà bình. Và như thế là các buổi cầu nguyện tại Toà Khâm Sứ cũ và Giáo xứ Thái Hà cũng như tại các nơi khác, đã đưa người Công Giáo đến với người nghèo, đến với dân oan mất ruộng mất vườn đang mỏi mòn đi tìm công lý. Tuy không có những lời tuyên bố công khai, cuộc đấu tranh này đã thật sự đưa cộng đồng Công Giáo đồng hành với dân tộc. Điều này càng rõ ràng hơn nữa khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội tuyên bố trước mặt UBND Hà Nội rằng tự do tín ngưỡng không phải là ân huệ xin-cho, nhưng là quyền. Điều này có nghĩa là việc đòi lại một vài miếng đất chỉ là khởi đầu cho tiến trình đòi nhân quyền, đòi tự do dân chủ. Khi khẳng định như thế, Đức Tổng Kiệt chỉ lặp lại nội dung của Thư Chung HĐGM/VN đã gửi Nhà Nước sau Đại Hội năm 2002 như đã nói trên đây. Điều đáng tiếc là trong văn thư trả lời Chủ tịch HĐND/Tp Hà Nội sau Đại Hội các Giám mục tại Xuân Lộc 2008 vừa qua, điểm trùng hợp quan trọng này đã không được nhắc tới.

Lửa Thái Hà tiếp tục cháy

Nay thì hai mảnh đất tranh chấp đã thành hai công viên. Nhưng ngọn lửa tranh đấu đã không vì thế mà tàn lụi. Ở trong nước cũng như ở nước ngoài, các buổi cầu nguyện cho Hoà Bình và Công Lý tại Việt Nam vẫn tiếp tục. Ở trong nước, sau Hà Nội, không nơi đâu sôi động bằng giáo phận Vinh. Lý do là ngay từ đầu, khi cùng với một nhóm linh mục đến Thái Hà hành hương, đức cha Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh đã dõng dạc tuyên bố: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh, của cả Giáo Hội Việt Nam… Do đó chúng tôi đến đây để cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý và hoà bình…” Rồi kể từ lời tuyên bố đó, khắp nơi trong giáo phận, hết nhà thờ này đến nhà thờ khác, các tín hữu đốt nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình. Theo bản tin của VietCatholic ngày 01-11-2008, tại nhà thờ Kẻ Gai, thuộc giáo hạt Cầu Rầm, trước giờ chầu Thánh Thể, Cha xứ đã trình chiếu lại các hình ảnh của Toà Khâm Sứ với lời phát biểu của Đức Tổng Kiệt (tại trụ sở UBND Tp. Hà Nội ngày 20-09-2008), sau đó là một số hình ảnh nơi này nơi kia trên thế giới lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, cũng như những cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm nước Úc gần đây. Còn ở Thuận Nghĩa, làng tôi (thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Cha xứ đã có sáng kiến photo bài phát biểu của Đức Tổng Kiệt để các em học sinh có thể đưa cho thầy cô hay các bạn khi nghe người ta xuyên tạc lời Đức Tổng.

Kết luận

Sống trong một xã hội đầy dẫy những dối trá, những thối nát bất công, ai lại không muốn thay đổi ! Trong khi dân Mỹ vốn đa số là người da trắng, đã bầu vào chức vụ Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh một người da đen 47 tuổi, con một người Hồi Giáo, kinh nghiệm chiến trường không có, kinh nghiệm chính trường chưa nhiều, chỉ vì người dân Mỹ thấy rằng đã đến lúc phải thay đổi, chỉ vì người dân Mỹ tin vào khả năng, vào bản lĩnh của người mình chọn, và đã bầu với một đa số phiếu áp đảo. Trong khi đó tại Việt Nam ta, vốn “dân chủ gấp triệu lần so với các nước tư bản”, thì nguyên việc để cho dân bầu chức Chủ tịch xã thôi chứ chưa phải huyện hay tỉnh, mà ý tưởng mới manh nha được một hai tuần đã bị Quốc hội đánh bại. Và ai cũng biết là do chỉ đạo của đảng cộng sản. Vậy thì muốn có dân chủ, muốn có tự do (trong đó có tự do tôn giáo), chờ mong đảng cộng sản một ngày đẹp trời nào đó đi ban phát những ân huệ đó cho hơn 80 triệu người Việt Nam không thuộc đảng cộng sản, chỉ là chuyện mơ tưởng hão huyền. Đòi lại tự do, dân chủ, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Và hình như trong tình hình hiện tại, không có tập thể nào có những yếu tố thuận lợi hơn là Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề ở chỗ: chúng ta có thực lòng muốn đồng hành với dân tộc hay không.

Sài-gòn, ngày 12 tháng 12 năm 2008

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm, pascaltinh@gmail.com

_____________________________________

Sau đây là Thư Ngỏ của HĐGMVN năm 2002

THƯ NGỎ

CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM


Kính gửi Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam

Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.


I. XÓA GIẢM NHỮNG KHUYẾT TẬT HIỆN HỮU CỦA XÃ HỘI

1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người.

Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;

- khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;

- khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;

- khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.

2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người.

Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.

II. PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN LÀM CHO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG TRỞ NÊN NGƯỜI HƠN, SỐNG XỨNG VỚI PHẨM GIÁ CỦA MÌNH HƠN

1. Phát huy phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người và gia đình.

4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia.

Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.

Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng kính chào.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
 
Lửa Niềm Tin
Peter Phạm Bắc Hải
17:10 11/12/2008

Lửa Niềm Tin



Quê Tôi đó, Thái Hà bừng dậy sóng,
Hà Nội cùng chia sẻ Lửa Yêu Thương.
Đòi Nhân Quyền, với mảnh Đất Tổ Tiên,
thời để lại bao nhiêu niềm uẩn ức.
Cùng ca hát, hòa lời Kinh khấn nguyện,
tỏ nổi lòng ai oán Kiếp Dân đen,
mang Lẽ Sống Niềm Tin tìm Công Lý,
cho Người Dân sống Hạnh Phúc, Thanh Bình.
Kìa, quân dữ, chờ hoàng hôn xuất hiện,
gậy dùi cui, hơi xịt thấm đòn cay,
dập bầm thân, máu với lệ tuôn tràn,
dùng Bạo Lực lấp đi Niền Tin Sáng.
Rồi Niền Tin cháy lên ngọn Lửa Mến,
Lửa Yêu Thương tràn ngập cả Năm Châu,
tay trong tay, chiếu ánh " Lửa Nhiệm Mầu ",
cho Nhân Loại hoan ca Lời Nối Kết.
Ôi đẹp thay, " Lửa Niềm Tin " dấn bước,
xứ Thái Hà trải rộng cả Quê Hương,
đem An Vui, Công Lý đến mọi miền,
" Lửa Yêu Mến Tự Do trong Sự Thật ".
Xin thắp mãi, ngọn " Lửa Thiêng Công Lý ",
rọi sáng Đường cho Tuổi Trẻ Tương Lai,
đưa Việt Nam đi trọn bước đường dài,
cùng " Mến Chúa Yêu Người " trong cuộc sống.

 
Lúng túng
Hoa Cỏ May
17:17 11/12/2008

Lúng túng



Sau cơn lụt vĩ đại tại Hà nội ông Phạm quang Nghị đã " lúng túng " khi phải giải quyết "Thiên tai "do "nhân tai "mà ra, thay vì tự kiểm điểm xem đàn em của mình đã dùng số tiền " vĩ đại " để tu sửa hệ thống thoát nước như thế nào ! dĩ nhiên là số tiền này từ dân mà rakhông lẽ số tiền này từ trên Trời rơi xuống ! Thi` lại đổ thừa cho dân Hà nội ỉ lại vào nhà nước !

Rồi lại " lúng túng" xin lỗi nhân dân trước truyền thông báo chí vì ăn nói hồ đồ thiếu suy nghĩ thiếu tôn trọng nhân dân của ông !

Sự kiên Thái Hà và Tòa khâm sứ

Chính quyền Hà nội quá " lúng túng " khi gấp rút xây 2 công viên để che lấp cái " SAI " cái " Trái phép " của họ

Nếu là công chính, có văn bản giấy tờ đàng hoàng, chính quyền cứ đường ngay lẽ phải mà đi, sao lại xây sửa vào ban đêm, vì " lúng túng " gấp rút không có công trình cho nên lại " lúng túng " sửa lui sửa tới !

Khánh thành xong lại " lúng túng " đi kiếm vài cò con mang kính đen đóng phim tự khen. ... "SÁNG KIẾN ". ..... 2 buồng phổi này hay quá !

Không biệt lóng rày co`n có "cò con" nào ra thăm 2 buồng phổi này nữa hay không?

8/12/2008

Chính quyền đã phải dùng chiêu

" Cả vú lấp miêng em "

để che đây sự " LÚNG TÚNG "của mình

Quang cảnh xử án. ..cảnh sát, công an mắc đủ sắc phục, đen có, xanh có, đỏ có xếp hàng san sát nhau, dùi cui, bình xịt hơi cay, xe bít bùng, chó săn...

Trong phòng xử ngoài đoàn chủ tọa thì tòan là công an nổi, công an chìm, quan chức bao quanh bảo vệ ủng hộ tinh thần cho quan tòa,

còn các nhà báo nước ngoài ngay hay đại diên nước ngoài cũng bị bó rọ ở phòng khác coi qua truyền hình

Các linh mục thì bị " mắc bẩy" cho nên bị " nhốt " trong 1 phòng " đặc biệt " trừ Cha Khải

Gia đình thân nhân bị can có được bao nhiêu được va`o tham gia?

Đây không phải " LÚNG TÚNG " thì là gì?

Có ai lạ gì chiêu

" Lấy thịt đè người "

Quan Tòa đã được tách rời khỏi quần chúng mà vẫn " run run "

Nói đến cái run này tôi nghĩ chỉ có những học sinh khi đi thi mà không học bài, không thuộc bài, có ý đinh quay cóp, GIAN LẬN. .. mới run run, mới mất bình tĩnh, mới " lúng túng " như vậy

Nhưng

Thí sinh này đã được bảo vệ rất kĩ, đã được tiền hô hậu ủng,

những "cặp mắt giám thị" đã được " CHE KHUẤT " hết

Cả một quá trình SÁNG KIẾN quy mô, vĩ đại, tốn kém TÀI SẢN tiền bạc của quốc gia chỉ để CHE ĐẬY sự LÚNG TÚNG cho quan tòa và chính quyền Hà Nội

Quan tòa " lúng túng " cho nên sợ sệt không dám cho các bị cáo phát biểu đầy đủ, cũng như luật sư biện hộ đây đủ, vì càng biện hộ thì... quan toà cho dù biết chính quyền sai cũng sẽ " Lúng túng " không biết phải giải quyết như thế nào?

Để được ngồi lên ghế quan tòa ít nhất cũng biết chút ít chữ quốc ngữ, biết chút ít luật lệ, lẽ nào khi Luât sư trình ra những chứng cớ " Chủ đất " là ai ! giây tờ có hơp lệ nguyên bản hay không?

Ai là người chiếm đoạt trái phép?

Không lẽ quan tòa không phân biệt được thế nào là gây rối trât tự công cộng? dùng roi điện, dùi cui, đánh đâp nhân dân bị trọng thương đổ máu, xịt hơi cay vào nhân dân, đang đêm đến nhà dân, nơi tu hành chửi bới hăm dọa đòi chém, đòi giết

Đây không gây rối trât tự công cộng thì là gì?

Không lẽ quan tòa không nhìn ra được Cty May Chiến thắng chiếm đoạt đâ't đai của dân trái phép, tiền và tài sản của nhân dân Cty May Chiến thắng dựa vào đâu mà xài một cách vô tư như vậy?

" Lúng túng " rất là " lúng túng "

Quan tòa ơi quan tòa !

-Xử 8 "bị can" có tội, cuộc xử án này sẽ đi vào lịch sử, tên tuổi của quan tòa sẽ được ghi danh muôn thuở, một vụ án bất công, bất chính, bất nhân, bất nghĩa và nhân dân muôn đời sẽ bất mãn với quan tòa và với chế độ

-Xử VÔ TỘi tha bỗng, rõ ràng phải xử ĐÚNG như vây, theo LƯƠNG TÂM là phải xử như vậy theo LUẬT PHÁP là phải xử đúng như vậy !

Gay quá ! Làm sao đây?

Bao nhiêu tiền bạc đổ ra xây 2 công viên đi đoong, lại phải trả CHỦ QUYỀN đât đai cho giáo dân Thái Ha`-Tòa khâm sứ

Làm sao đây !

Trên toàn quốc chính quyền ( những quan sai )đã LỠ chiếm đoạt quá nhiều đất đai tài sản không những của giáo hội Công giáo mà của các Tôn giáo khác như Phât giáo Tin Lành...đó là chưa kể dân thường, chính quyền muốn đuổi là đem công an đến xúc đi......

Nó cũng giống như ra đường trúng giờ cao điểm bị kẹt xe

Xe trước chạy thì xe sau mới chạy tiêp, còn kẹt một vài chiếc thì kẹt cả chùm

Làm sao đây? " lúng túng " ơi là " lúng túng "

Thôi thì cho án treo, treo lủng lơ lủng lẳng, treo là " chàng hãng " nữa nạc nữa mỡ, nói có tội cũng được, mà không tội cũng được

Quan tòa còn hứa hẹn với Luât sư. khi mà Luât sư xin trình bày nguyên nhân để đi đến hậu quả ngày hôm này thì quan toa đã " LÚNG TÚNG" trả lời. .. " Vâ'n đề đó ". ....nên đê'n một phiên Tòa án khác !

LÚNG TÚNG, môt phiên tòa LÚNG TÚNG chưa từng có trên thế giới văn mình của thế kỉ 21 này
 
Nhạc bản: Thái Hà - Hoa ban nở
Nắng Sàigòn-Nắng Vancouver,BC
01:21 11/12/2008


 
Nhạc bản: Hướng Về Thái Hà
Xuân Điềm
01:22 11/12/2008
 
Người Việt tại Vương Quốc Bỉ viểu tình nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền
VietLand
01:55 11/12/2008
BRUXELLES (10.12.2008) - Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Bruxelles tổ chức biểu tình toà nhà Cộng Đồng Âu Châu nhằm tố cáo chế độ cộng sản Việt Nam chà đạp nhân quyền.

Năm nay kỷ niệm Bản Tuyên-Ngôn Quốc-Tế Nhân-Quyền ra đời tròn 60 năm.

Sáu mươi năm qua, quyền làm người khắp nơi trên thế giới đã cải thiện và tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên vẫn còn vài quốc gia ngang nhiên chà đạp lên nhân-quyền một cách trắng trợn mà chính họ đã cam kết. Trong đó phải kể đến VN.

Tại VN tất cả quyền căn bản con người như quyền tự do báo chí, tự do thông tin, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, v.v… không được nhà cầm quyền tôn trọng.
 
Bức hình: Hiệp Thông Với Thái Hà
Hà Phượng
01:56 11/12/2008
 
Nhà nước Việt Nam mời gọi du khách nước ngoài đến thăm viếng các đền thờ chùa chiền, trong khi vẫn đàn áp tôn giáo
Simon Roughneen/ Khánh Đăng
02:29 11/12/2008
LTS: Những người Công giáo biểu tình phải đối diện với một phiên tòa đầy kịch tính trong khi chiến dịch đàn áp tôn giáo và quyền tự do báo chí của chế độ Hà Nội vẫn tiếp tục. Simon Roughneen viết cho ISN Security Watch.

Một sự chạm trán đang xảy ra giữa nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo ở tình thế này sẽ đụng đầu nhau vào bất cứ ngày nào, là loạt mới đây trong một chiến dịch đàn áp liên tục của nhà cầm quyền đối với quyền tự do bày tỏ tư tưởng ở Việt Nam, một quốc gia độc đảng do Ðảng cộng sản cai trị.

Tám giáo dân ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà tại Hà Nội sẽ phải đối diện với cái thực ra là một phiên toà xử kín, dự trù sẽ khởi đầu nay mai, mặc dù ngày bắt đầu chưa được thông báo chính xác. Nhóm người trên đã bị cáo buộc là “phá hoại tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng”

Các bị cáo đã tham dự vào hầu như cả một năm dài cầu nguyện ở nhà thờ Thái Hà, để phản đối điều mà các giáo dân Công giáo cho là nhà nước đã chiếm đoạt đất đai của Giáo hội.

Kể từ cuối năm 2007, đã có nhiều buổi cầu nguyện trên khắp thành phố, khi 6 triệu người Công giáo Việt Nam phản đối âm mưu của nhà nước biến Toà Khâm sứ cũ ở Hà Nội thành một công viên. Nhưng vào Tháng Chín, phản ứng của nhà nước đã quay sang bạo động, với cảnh sát chống bạo động, roi điện và hơi cay được dùng để chống các cuộc tụ họp. Cán bộ nhà nước đã công khai lên án Ðức Tổng Giám mục Hà Nội, dùng chiến thuật bôi nhọ trên báo chí quốc doanh như một âm mưu để lôi kéo những người Công giáo khác chống lại những giáo dân biểu tình và các vị giám mục có liên quan.

Các luật sư đại diện cho hai người biểu tình –bà Nguyễn Thị Nhi, 46 tuổi, và Ngô Thị Dung, 54 tuổi– nói rằng họ đã bị từ chối không được vào gặp gỡ các phụ nữ trên, hiện đang chờ phiên xử ở bên trong nhà tù Hoả Lò, được biết đến nhiều hơn bằng cái tên Hanoi Hilton, nơi ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ John McCain đã từng bị giam giữ như một tù binh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, luật sư Lê Trần Luật nói rằng nhìn từ quan điểm pháp lý thì tội danh phá hoại tài sản nhà nước là sai lầm vì ông có “đầy đủ bằng cớ để chứng minh rằng khu đất đó thuộc về họ [các giáo dân]”.

Ông Luật nói thêm, “Bức tường [mà họ phá bỏ] đã được xây dựng bất hợp pháp trên phần đất của họ”, và “họ có đầy đủ thẩm quyền để phá bỏ nó”. Vì thế, “chính phủ không thể buộc tội họ là phá hoại tài sản nhà nước”

Chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến lan rộng

Ông Carl Thayer là một nhà quan sát các vấn đề Việt Nam đồng thời cũng là một giáo sư thỉnh giảng ở trường Ðại học Quốc gia Úc Ðại Lợi. Ông đang ở Hà Nội và cho ISN Security Watch biết rằng nhà nước Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thử thách khác bên cạnh các buổi cầu nguyện của người Công giáo, và hiện đang trù dập nhiều tiếng nói bất đồng chính kiến khác.

Không những nhà nước chỉ phản ứng kịch liệt đối với các buổi cầu nguyện của người Công giáo, mà họ còn bắt đầu trở lại một chiến dịch phỉ báng bôi nhọ đối với nhiều giáo phái Phât Giáo không đứng chung vào với giáo hội nhà nước, và các nhóm được coi như không thuộc về giáo hội Tin Lành quốc doanh.

Và chiến dịch đàn áp đã lan rộng khắp nơi, bây giờ đang nhắm vào những tiếng nói có ý kiến phê phán trong giới truyền thông báo chí.

Ông Thayer cho ISN Security Watch biết: “Nhà nước Việt Nam đang mạnh tay với các nhà báo và tổng biên tập, là những người đã đưa tin tức về các vụ xì-căng-đan tham nhũng. Các ký giả và công an cung cấp tin tức cho họ đã bị xét xử và kết án vì ‘lạm dụng quyền lực’. Các biện pháp trừng trị đã được thực hiện đối với các tổng biên tập và nhiều tờ báo khác”.

Một nhà báo có nhiều tiếng tăm đã bị bỏ tù hồi Tháng Mười vì đưa tin về một vụ xì-căng-đan tham nhũng có liên hệ đến nhiều cán bộ cao cấp, xử dụng tiền viện trợ nước ngoài để đánh cá có độ ăn thua cao vào các trận bóng đá ở Anh Quốc. Ông Nguyễn Việt Chiến, một ký giả của tờ Thanh Niên, đã bị kết án 2 năm tù vì vạch trần vụ xì-căng-đan trên, một công việc mà tòa án lại tuyên bố là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Từ đó, có thêm hai vụ hối lộ gây nhiều tranh cãi đã xuất hiện, một vụ có liên quan đến một quan chức của Uỷ ban Nhân dân TPHCM, và vụ kia liên quan đến việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi.

Kinh tế chậm chạp

Nền kinh tế chậm chạp của Việt Nam đang gây ra nhiều nỗi kinh hoàng trong giới cai trị cộng sản cao cấp. Bộ chính trị coi động lực kinh tế là một yếu tố cần thiết cho hệ thống kiểm soát chặt chẽ của họ.

Giới cai trị cộng sản Việt Nam đang đi một theo đường lối gọi là thân thuộc với Trung Quốc, ghép đôi cải cách kinh tế thị trường có chọn lọc với tiếp tục độc tài chính trị. Các luận điệu che mắt -chẳng hạn như công cuộc đổi mới hồi thập niên 1980s- không mang một ý nghiã giảm bớt nào cho nhà nước độc đảng.

Nhưng năm 2008 đã cho thấy một tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp gây ra bởi nạn lạm phát cao ngất và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các khó khăn kinh tế hiện thời cuả Việt Nam khiến Bộ chính trị phải đích thân nắm lấy sự kiểm soát hầu bao tài chánh và việc hoạch định chính sách, cũng theo ông Carl Thayer thì, “có nhiều lúc đã đưa ra các chỉ thị về chính sách kinh tế cho chính phủ”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi như là đang bị gạt qua một bên, với các quan chức trong đảng lo ngại rằng sự phối hợp giữa tình trạng kinh tế trì trệ và bất đồng chính trị có thể tạo ra một thử thách cho quyền lãnh đạo lâu dài của họ.

Vấn đề tranh chấp với Giáo hội Công giáo có thể bị Ðảng cộng sản coi như là một thách thức không thể chịu đựng nổi đối với quyền hạn của nhà nước trong lúc nền kinh tế đang yếu kém.

Bị Hà Nội đưa đẩy

Một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ được biết qua danh xưng Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới (USCIRF) đã phác thảo ra những nét đại cương trong bản phúc trình gần đây nhất về Việt Nam rằng, “trong tất cả các trường hợp bắt bớ, bỏ tù và các hình thức tạm giữ khác gần đây nhất, thì các vị lãnh đạo tôn giáo và các nhà vận động cho tự do tôn giáo đã tham gia vào các hành động được bảo vệ bởi các văn kiện nhân quyền quốc tế”

Nhưng điều này không luôn luôn được phản ánh trong chính sách của Hoa Kỳ, như bà Uỷ viên Nina Shea đã nêu rõ trên ISN Security Watch vào Tháng Mười.

“Một thí dụ rõ ràng về vấn đề giao thương đã giành được thắng lợi như thế nào trên sự quan tâm cho tự do tôn giáo, đã xảy ra vào năm 2006, trước thềm chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush đến Việt Nam tham dự một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháo gỡ Việt Nam khỏi danh sách của họ về các nước bách hại tôn giáo tồi tệ nhất trên thế giới”, bà Shea nói.

Nhưng không phải chỉ có Hoa Kỳ mới bị Hà Nội đưa đẩy. Một khung cảnh giả tạo về việc nới lỏng hạn chế tôn giáo đã giúp cho nhìều quốc gia có được một cái cớ cần thiết để ủng hộ cho đơn xin gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), và Việt Nam vẫn là một nước đang nhận hàng trăm triệu Âu kim (Euro) từ các nguồn viện trợ song phương.

Chế độ Hà Nội đã đoạt được một ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2008, nơi mà họ đã phối hợp với Trung Quốc và Nga Sô để phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án chiến dịch đàn áp tàn bạo của nhà độc tài Robert Mugabe đối với thành phần đối lập ở Zimbabwe, sau khi bầu cử đã được tổ chức ở quốc gia Châu Phi này vào mùa xuân năm nay.

Vài mức độ về sự đồng loã cũng có thể quy vào cho những kẻ đi du lịch ngây thơ, đã cúng hiến thêm cho chế độ hàng triệu đô la lợi tức mỗi năm, với khoảng 3 triệu du khách vào năm 2007, và nhiều người trong những du khách ngoại quốc này được đưa đẩy đến thăm viếng nhiều đền thờ chùa chiền khác nhau ở trong nước.

Nhà lãnh đạo dân chủ ở Miến Ðiện, bà Aung San Suu Kyi, đã nài xin khách du lịch đừng đến thăm viếng đất nước của bà, vì nó chỉ đơn thuần cúng hiến cho tập đoàn quân phiệt của tướng Than Shwe thêm sự chính đáng và lợi nhuận. Mặc dù tình trạng áp bức ở Việt Nam không quá khắt khe như ở Miến Ðiện, nhưng phiên tòa đầy kịch tính xử những người tham dự cầu nguyện này có nghĩa rằng, đây có lẽ là lúc để chúng ta xem xét một biện pháp tương tự đối với Việt Nam.

Ông Long S Le đang giảng dạy khoa nghiên cứu học Việt Nam ở Trường Ðại học Houston, đã vạch rõ ra cái thái độ đạo đức giả rất trớ trêu về lập trường của nhà nước cộng sản trên ISN Security Watch: “Nhà nước Việt Nam quảng bá truyền thống tôn giáo của đất nước bằng cách mời gọi du khách nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng các vương cung thánh đường, chùa chiền, đền thờ, trong khi đó các tổ chức tôn giáo vẫn đang bị ngược đãi”.

(Source: Simon Roughneen, ISN Security Watch 05-12-2008, http://www.isn.ethz.ch/isn/Current-Affairs/Security-Watch/Detail/?fecvnodeid=106590&fecvid=33&v21=109293&lng=en&v33=106590&id=94423, Khánh Ðăng lược dịch)
 
Bát Phúc cho Giáo Hội Miền Bắc và cho người Công Giáo Việt Nam
Hà Long
21:28 11/12/2008
Bát Phúc cho Giáo Hội Miền Bắc và cho người Công Giáo Việt Nam

Không biết tình cờ hay hữu ý con số 8 cứ quanh quẩn trong đầu óc của tôi trong mấy ngày qua, ví dụ ngày 8-12-2008, phiên tòa bắt đầu lúc 8 giờ sáng, 8 người công giáo Thái Hà bị băng đảng cướp đất mang danh UBND quận Đống Đa kết án, thời điểm bắt đầu cho bản án được xảy ra vào ngày 15-8-2008, hình ảnh tù tội cũng được biểu tượng cho chiếc còng số 8, có thể chiếc còng đã được xỏ vào cánh tay của một trong 8 người này. Ngoài con số 8 liên quan đến 8 Anh Hùng vô tội đấu tranh cho công lý, cho sự thật thì trong Giáo Hội ngày 8 tháng 12 và ngày 15 tháng 8 đều liên quan đến 2 ngày lễ quan trọng nhất của Mẹ Maria: Mẹ Lên Trời và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nếu suy tư một chút về đạo giáo thì số 8 là một chân lý để sống cho mỗi người mang danh Kitô hữu: Bát Phúc (8 Mối Phúc Thật) được Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng bên bờ hồ Ghênêzarét, một bài học về nhân ái tuyệt vời cho mỗi người Kitô chúng ta. Nơi đây câu số 8 của Bát Phúc đang áp dụng cho 8 Anh Hùng Thái Hà: „Ai chịu khốn khổ vì đạo ngay ấy là phúc thật!“ . 8 Anh Chị Em Thái Hà đang thay mặt chúng ta để chịu khốn khổ vì đạo ngay, vì công lý, vì sự thật từ ngày 15-8 cho đến 8-12-2008. Sự khốn khổ được bắt đầu vào ngày lễ của Đức Mẹ và cũng kết thúc vào ngày lễ của Mẹ.

Hôm 8-12-2008, 8 Anh Chị được đón chào vinh quang bằng nhành thiên tuế giữa lòng thủ đô Hà Nội, cho dù thiếu 2 chị còn bị giam giữ từ tháng 9 chưa kịp hưởng được bầu khí linh thiêng rộn ràng như thế.

Giáo xứ Thái Hà hãy tự hào về những người con của mình. Từ Tòa Khâm Sứ, từ Thái Hà nguồn ơn Bát Phúc đang tuôn đổ ra cho Giáo Hội miền Bắc, cho toàn giáo dân Việt Nam.

Buổi chiều theo dõi tin nóng trong ngày, đài VTV4 tuyên truyền sự dối trá của csVN khi đưa tin nơi cộng đồng Việt Nam hải ngoại rằng 8 Anh Hùng Thái Hà „đã hối lỗi nhận tội“, đã được nhà nước „khoan hồng“ (sic!). Báo chí dối trá, tòa án dối trá đảo lộn tất cả tin tức của các Thông Tấn Xã quốc tế đưa tin hoàn toàn không có mục „đã nhận tội“ của 8 Anh Hùng Thái Hà. Nhục nhã cho nơi cầm cân nảy mực bảo vệ công lý, được gọi là tòa án phải nghiêm minh lại ngả nghiêng vào bọn cướp cầm quyền để hiếp đáp dân lành. Khốn nạn cho kẻ lưu manh khi hỏi nhau ngay trước vành móng ngựa: „Viện kiểm soát thấy hình phạt như vậy đủ nhẹ chưa?“ Đáng lẽ câu hỏi đấy phải dành cho vị luật sư bào chữa và cho các bị can để cho họ suy xét chấp thuận hoặc phản đối. Những quan tòa liên quan trách nhiệm về xử án 8 Anh Hùng Thái Hà là những „vị còn trẻ“ mà có một lối tư duy bệnh hoạn, phản công lý, lấp liếm sự thật thì thử hỏi tổ quốc Việt Nam chẳng còn con đường tương lai tốt đẹp nào khác ngoài việc tụt dốc đội sổ khi có dịp so sánh với năm châu bốn bể.

Sao csVN cứ nhục nhã, cứ trí trá như vậy? Ít nhất phải cố gắng giữ thể diện đối với các nhà ngoại giao Tây phương đang có mặt nơi tòa án, tiếng Việt của họ rất giỏi, họ hiểu những gì các bị can đã đối đáp với quan tòa cũng như nghe sự biện luận sắc bén của luật sư Lê Trần Luật. Trong buổi tòa hình như quan tòa không thể kể tội trực tiếp 8 Anh Hùng mà chỉ thích tố cáo đổ vạ các linh mục Thái Hà, và ông Ngô Quang Kiệt là những người nổi loạn tuyên truyền thúc đẩy giáo dân làm càn (vì lúc ấy các cha và Đức Tổng không được phép đối chất với quan tòa). Lạ nhỉ? Hèn quá! Có gan, có đủ tài năng thì cứ bắt giam ngục họ đi hoặc lôi ra tòa trực tiếp bêu xấu họ cho hả giận khi băng đảng cộng sản không cướp được mảnh đất tại Tòa Khâm Sứ và Thái Hà để bỏ vào túi riêng. Bố nó sống dậy cũng không dám làm điều này, vì cho các linh mục Thái Hà và Đức Tổng Kiệt có cơ hội nói trước bàng dân thiên hạ thì bọn csVN chỉ có cúi đầu nhục nhã ê chề.

Cũng lạ quá! Các tội phạm chính là các linh mục Thái Hà và đặc biệt ông linh mục Nguyễn Văn Khải được cường hào ác bá quận Đống Đa tặng cho danh hiệu „cầm loa“ kích động giáo dân vào đêm 31-8-2008 tại linh địa Đức Bà khi bọn csVN với đám thanh niên mất dậy Hồ Chí Minh đến cướp phá nơi linh địa và ném hơi cay vào giáo dân lúc cầu nguyện. Công an cảnh sát đứng trơ mặt bất lực và chỉ có ông cha Khải cầm loa trấn tỉnh giáo dân cũng như giữ gìn trật tự thì bọn báo đài tráo trở đổ tội cha Khải là phần tử xấu dùng loa kích động. Chúng ta đọc lại bài tường thuật dối trá xảo quyệt của phóng viên „lề bên phải“ VOV (Tiếng Nói Việt Nam) đã bán rẻ lương tâm cho quỷ đỏ cộng sản rằng: „Các linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Thể Hiện không hề mặc lễ phục nhà thờ nhưng vẫn xưng là bề trên và đã chỉ đạo giáo dân kê thêm bàn thờ vào ngay vị trí lực lượng bảo vệ. Sau đó linh mục Nguyễn Văn Khải đã huy động loa, âm ly trong nhà thờ để tuyên truyền, kích động giáo dân tụ tập gây áp lực với lực lượng bảo vệ.“

Giờ đây chúng ta lại được chiêm ngắm hình ảnh ông cha Khải này tiếp tục cầm chiếc loa to tướng ngay giữa thủ đô Hà Nội vào chiều 08-12-2008. Phản động quá đi chứ! Phần tử xấu này lại lợi dụng kích động linh tinh trong quần chúng đấy chứ! Ấy thế một tên công an lại sẵn lòng cầm loa cho ngài gào lên mới lạ! Câu nói của cha Khải hôm 08-12-2008 chẳng khác gì hơn đêm 31-8-2008: „Alô bà con! Bà con giữ trật tự!“ Hóa ra trên 500 tên lính đủ loại đặc chủng được trang bị từ chó đến hơi cay, dùi cui điện đều lụn bại bất lực đến thế sao? Hóa ra một vị linh mục mảnh mai lại oai hùng dám ngang nhiên tả xung hữu đột gìn giữ an ninh trật tự cho thủ đô! Bọn phóng viên „lề bên phải“ VOV đâu rồi? Vẫn tên linh mục Khải kích động đấy!

Nơi đây chúng ta thêm một điểm cười nhẹ: người bạn từ Hà Nội giải thích các từ mới cho tôi từ trên mũ cối của các binh lính CSCĐ như sau: Cộng Sản Cướp Đất và Chó Săn Cắn Đít.

Buồn cười hơn nữa, một Ca Đoàn Công Giáo tổng hợp đủ mọi giới ngang nhiên say mê cất tiếng hát cho công chúng nghe giữa đường phố thủ đô. Còn có cha Phượng oai phong làm nhạc trưởng nữa chứ, thế mới hoành tráng biết bao! Tiếng hát có lúc dật dìu có lúc tỉ tê khấn xin ơn trời: „Mẹ Maria, xin thương Giáo phận con đây!“ Các chú mặc áo màu xanh rêu đứng chăm chú, say sưa lắng nghe họ hát mới là lạ. Người dân đi đường đứng ngoài không hiểu vấn đề có thể nói, hình như thành phố Hà Nội trả tiền thuê riêng Ca Đoàn Thái Hà đến đây trình diễn văn nghệ góp vui thì phải? Đấy là chuyện lạ thế kỷ và có thể ghi vào kỷ lục Việt Nam vì cộng sản vô thần, vô tôn giáo có cho ai tuyên truyền giảng đạo khơi khơi ngoài phố phường từ 63 năm nay?

Dịp này lời vàng ngọc của đồng chí quan to Phạm Quang Nghị, ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy Hà Nội lại tiên đoán đúng quá: „Thiên tai (mở đường cho Công Giáo đọc kinh hát thánh ca giữa thủ đô) không thể lường trước được!“ Dùng theo danh từ chuyên môn triết học của đóc tờ Nghị là bác ta nói gở thế mà quán triệt được những điều về hữu thần!

Cuộc xử án 8 Anh Hùng tại phường Ô Chợ Đừa đã làm cho địa danh Thái Hà vang danh trên toàn thế giới. Sau phiên tòa đã có hơn 30 chục bài báo tiếng nước ngoài nói về vụ án này. Người đọc báo có thể òa cười lên về các chi tiết nho nhỏ nhưng rất sống động được truyền thông quốc tế loan đi: “When Monday's trial ended, Catholic supporters and the defendants headed to the Thai Ha church nearby, where they rang the church bell and chanted "One, Two, Three: Innocent!", "One, Two, Three: Hallelujah!" several times before a special mass to give thanks.” Nôm na tiếng Việt như sau: “Sau khi cuộc xử án vào thứ hai kết thúc, những người bị án và đoàn dân trở về đến gần nhà thờ Thái Hà thì hồi chuông đổ lên hoà với tiếng hò reo: “Một, hai, ba: Vô tội!”, “Một, hai, ba: Hal-le-lu-ja!” được lập lại nhiều lần trước khi cử hành thánh lễ tạ ơn đặc biệt. Cha Lê Quang Uy đã ví von bầu khí nhộn nhịp lúc ấy như đang xảy ra tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney vào tháng 7 vừa qua.

Báo chí quốc tế cũng nhận ra một điều tinh tế, đã 63 năm sống trong gọng kềm khát máu của cộng sản người dân Việt Nam ít khi ai dám tỏ bày công khai giữa đường phố: “More than 1,000 Vietnamese Catholics arrived to support the defendants, a rare expression of dissent against the ruling Communist Party.” Nội dung hiểu đại khái: “Hơn 1,000 tín hữu công giáo Việt Nam đã đến ủng hộ các bị cáo, một cách thức biểu lộ hiếm có cho sự không hài lòng nhằm chống lại đảng thống trị cộng sản.”

Cội nguồn của vấn đề ở đây không phải để đòi lại 2 mảnh đất cho chính mình mà là mạnh dạn xóa bỏ cơ chế XIN-CHO, đòi CÔNG LÝ và SỰ THẬT. Đòi lại mảnh đất cao thượng đã mất từ 63 năm nay là Tự Do Tôn Giáo, đó là quyền căn bản của con người.

Nhìn lại, thành công to lớn nhất của 8 Anh Hùng Thái Hà đạt được không ngờ khi một tựa đề báo ngoại quốc bằng tiếng Ý gợi ý nhận định: “Condannati i cattolici di Thai Ha: solidarietà e preghiera dalle comunità in tutto il paese” – “Những giáo dân bị xử án của Thái Hà: Lôi kéo được sự đoàn kết và lời cầu nguyện từ các cộng đoàn giáo xứ trên toàn quốc.” Nếu đúng như thế thì toàn khối hơn 6 triệu người Công Giáo Việt Nam từ Bắc chí Nam đang đồng tâm nhất chí gióng lên tiếng nói của Công Lý của Sự Thật.

8 Anh Hùng Thái Hà đang là biểu tượng của Bát Phúc ngay giữa chúng ta!
 
Tản mản Thái Hà
Khai Phá Hoàng Quang
21:48 11/12/2008
TẢN MẠN THÁI HÀ

Vâng, Thái Hà chỉ là một địa danh rất nhỏ của thủ đô Hà nội
Nhưng, Thái Hà lại dược mệnh danh LINH ĐỊA tại sao,
Ai dựng nên Thái Hà và tín hữu Thái Hà gần thế kỷ qua mãi điêu linh?
Ô, kẻ gây tội ác chính là
Những “bần cố nông” và “tiểu tư sản macxit-HOLENINism”

CHÚNG TÔI khiêm nhường theo Đức KITO là Chúa chúng tôi
CHÚNG TÔI nhẫn nhục theo Mẹ MARIA cùng tà áo Đức Bà
CHÚNG TÔI thăng hoa dẫu bị “dẫn tòa” làm chứng nhân CÔNG LÝ
CHÚNG TÔI chấp nhận thăng trầm cùng thế kỷ HỖN MANG

Rồi LỊCH SỬ phải sang trang
Oh,my God
Chúng con thắp “một bụi nhang” kính VUA HÙNG
Xin soi sáng LŨY TRE LÀNG một thưở

Người VIỆT bên ni ngó bên tê đồng đều trăn trở
Mây bay trăm năm sao không nỡ quay về
LUỒNG GIÓ MỚI phổi tràn trề “hơi thở”
Những rụt rè-e sợ, HÓA KHÔNG

Thái Hà hôm nay hóa CÁNH ĐỒNG
Tám cụm lúa thênh thang MÙA GẶT MỚI
Bọn SÂU RẦY hãy dợi
NGỌN LỬA SAO VÀNG đang “ới” …các ngài !!!


Sài Gòn 8/12/08


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sách của ĐTC Biển Đức XVI ''Thiên Chúa và Trần Thế''
ĐGH Benedictô XVI
14:01 11/12/2008
Sách của ĐTC Biển Đức XVI "Thiên Chúa và Trần Thế"
  • Tin và Sống trong thời đại ngày nay
  • Trao đổi với Peter Seewald
Joseph Ratzinger /ĐTC Biển-đức XVI
(Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ )

CHƯƠNG I
THIÊN CHÚA


Thưa hồng i, tiến bộ khoa học ngày càng lột trần những bí ẩn của tạo dựng. Dù vậy, tạo dựng luôn vẫn là một ẩn số đối với ta. Tại sao Chúa không hiện ra một lần và nói: „Này các con hãy nghe! Hôm nay Ta cho các con biết vũ trụ đã hình thành như thế nào và trái đất tí hon của các con vận hành ra sao“?

Quả thật tạo dựng là một ẩn số; và ta càng biết thêm về nó, khoa vật lí càng đi sâu vào cấu trúc tế vi của vật chất, tạo dựng càng trở nên bí ẩn. Thêm nữa, lịch sử không thể hiểu và không thể lường của loài người cũng là một vũ trụ đầy bí ẩn.

Hẳn nhiên, cuối cùng rồi thì ta vẫn không thể trả lời được câu hỏi: „Tại sao Chúa lại làm như thế?“ Tại sao Ngài lặng lẽ như thế? Tại sao Ngài bất lực như thế trong trần gian? Đó là câu hỏi mà chính người có đức tin luôn phải đặt ra. Hay: Tại sao Ngài không tỏ ra dứt khoát và rõ ràng hơn? Nhưng mặt khác, ta phải biết phận ta là hữu hạn. Nếu bỗng dưng thế giới bị lột trần hoàn toàn ra trước mắt ta, và việc lột trần đó vượt quá trí hiểu của ta, thì rồi các thắc mắc trên cũng vẫn không thể lí giải. Thành ra, ta chỉ có thể cố gắng chấp nhận Chúa như Ngài vẫn là, và rồi qua Ngài ta tìm ra í nghĩa.

Í nghĩa nào?

Tôi tin rằng, khi ta mạo hiểm vào một lịch sử mà rốt cuộc vẫn không thể hiểu nó nổi, nhưng biết rằng lịch sử đó được tình yêu Chúa nâng đỡ và hướng dẫn, thì rồi với thời gian, ta sẽ nhìn ra từng phần. Mạo hiểm đó là một công tác phù hợp Chúa trao cho loài người chúng ta. Vấn đề không phải là để ta có được một sản phẩm tính toán tiền chế ẩn dấu đâu đó, nhưng là ta bước vào một con đường, và trên con đường đó, chính chúng ta có thể đóng góp vào cái bí ẩn và lớn lao của thế giới. Tôi nghĩ, Chúa đã ban cho ta đủ vốn liếng để ta có thể sống. Và giới hạn nhận thức của ta không chỉ là một thách đố, mà cũng là một quà tặng. Nó dẫn ta vào cuộc phiêu lưu của tiếp tục lên đường, của học hỏi, nhờ đó các chiều kích nơi ta lớn lên dần. Nhưng điều kiện đặt ra ở đây, là phải luôn khiêm tốn cúi mình trước Thiên Chúa, đấng mà ta không thể thấu hiểu.

1. CON NGƯỜI

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar* cho rằng, mọi điều có thể được nhìn dưới hai mặt, chúng vừa là dữ kiện vừa là bí ẩn. Ông nói: con người, nếu nhìn như một dữ kiện, thì nó là một sản phẩm ngẫu nhiên bên lề vũ trụ. Nhưng nếu nhìn như một bí ẩn, thì đó là tạo vật được Chúa sinh ra vì chính ơn ích của nó. Lối nhìn đó có phải là nền tảng giúp ta tiếp cận được nhân sinh quan và thế giới quan ki-tô giáo không?

Đúng, tôi muốn nói như thế. Thoạt tiên, chúng ta thấy những dữ kiện, nghĩa là thấy được thực tại như nó có. Lịch sử cũng được nhìn như vậy, trong đó thật ra mọi chuyện cũng có thể xẩy ra một cách khác. Nhưng con người không ai bằng lòng mình chỉ là dữ kiện. Là vì, ngoài việc biết mình tiên vàn là một dữ kiện thuần tuý, mọi người trong chúng ta đồng thời cũng biết mình không phải chỉ có thế, mà còn là gì hơn thế nữa, và sự có mặt của mình không phải là một ngẫu nhiên.

Vì thế, không nhất thiết phải nhìn con người dưới khía cạnh dữ kiện thuần tuý, rồi bảo rằng, con người chỉ là sinh vật bị trò chơi tiến hoá ném vào thế giới. Không, mọi người đều là sản phẩm mong muốn. Mỗi người là một í nghĩ của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự, thoạt tiên xuất hiện như một dữ kiện, đều được tác động bởi một chương trình và một í nghĩ. Và nhờ có í nghĩ này mà cuộc tìm kiếm í nghĩ riêng của tôi, và việc tôi bước đi cùng với toàn thể cũng như với đường đi của lịch sử trở nên có í nghĩa.

Mỗi người là một í nghĩ của Chúa. Nghiã là sao?

Vâng, đó là xác tín nền tảng của Ki-tô giáo. Khi Kinh Thánh dùng hình ảnh để trình bày việc tạo dựng con người: nó được người thợ Thiên Chúa nặn ra và thổi tinh thần vào, thì đó là hình ảnh mẫu được áp dụng cho từng người một. Con người nói về mình trong Thánh Vịnh: Ngài đã tạo ra tôi bằng bùn đất; Ngài đã thổi hơi cho tôi. Điều này nói lên rằng, mỗi người có một giao tiếp trực tiếp với Chúa. Và như vậy, mỗi người đều mang một vai trò đầy í nghĩa trong cấu trúc to lớn của lịch sử thế giới, mỗi người đều được đặt để vào một vị trí riêng, và với vị trí đó, nó có thể đóng góp phần không thể thay thế được của mình vào cái toàn thể của lịch sử.

HƠI THỞ THIÊN CHÚA

Sách Sáng Thế viết: Lúc đầu, địa cầu lạnh lẽo và trống không. Thiên Chúa chưa cho mưa xuống. Giờ đây Ngài dựng nên con người, và để làm chuyện đó, Ngài lấy „bụi đất và thổi hơi sự sống vào mũi, nhờ vậy con người trở thành vật sống động“. Hơi sự sống – có phải là câu trả lời cho ta về phát nguyên của con người?

Tôi tin đó là một hình ảnh hết sức lớn và là một tiên đoán quan trọng về con người. Theo đó, con người bắt nguồn từ đất và từ các khả thể của đất. Đoạn phim này ta cũng có thể đọc nó như một thứ tiến hoá. Nhưng không chỉ có thế mà thôi. Một thứ gì nữa đã được thêm vào; nó chẳng phải là đất mà cũng không thể tự phát triển thêm, nhưng là một cái gì hoàn toàn mới: và đó chính là hơi thở Thiên Chúa.

Cơ bản của bức tranh trên là tính hai mặt của con người. Con người vừa thuộc vào vũ trụ, vừa trực tiếp với Chúa. Đức tin ki-tô giáo cho hay, điều được thông báo cho con người đầu tiên ở đây cũng có giá trị cho từng người một. Nghĩa là mỗi người là một sinh vật, nhưng đồng thời nó còn có cái gì hơn là một sản phẩm gồm những di tử (Gene) và chuỗi DNA, nó là cái gì đến trực tiếp từ Thiên Chúa.

Con người mang hơi thở Thiên Chúa. Nó có thể giống Thiên Chúa, nó có thể vượt lên trên vật chất, vượt lên trên cái được tạo thành. Nó là thứ có một không hai. Nó được Thiên Chúa đoái hoài và được xếp một cách đặc biệt vào cùng loại với Ngài. Qua con người, quả thật một hơi thở mới, hơi thở Thiên Chúa, đã đi vào tạo dựng. Có nhìn con người là tạo vật đặc thù của Chúa như thế, ta mới thấy được nét độc nhất và phẩm giá của nó, và qua đó, mới nhận ra được nền tảng của mọi nhân quyền. Có như thế, con người mới có được sự kính trọng đối với chính mình và với kẻ khác. Nó mang hơi thở của Chúa. Nó biết rằng, nó không chỉ là một kết hợp các vật liệu kiến trúc, mà còn là một í nghĩ riêng tư của Thiên Chúa.

Con người đầu tiên được Chúa thở hơi mang tên Adam,theo tiếng Hi-lạp nghĩa là người, đồng thời cũng là Adama, một lối chơi chữ, có nghĩa là đất. Sách ghi, Thiên Chúa đã lập nên một mảnh vườn trong địa đàng cho con người đó. Có phải hình ảnh biểu trưng đó đã nói lên mục đích sinh thành của con người?

Hẳn nó cho chúng ta biết về chuyện đó. Vườn biểu tượng cho tạo dựng lành lặn và cuộc sống an toàn. Trong đó tạo dựng không bị phá hoại hay bị lợi dụng, nhưng được chăm sóc và che chở - và được tiếp tục hình thành về mặt tinh thần. Hình ảnh đó nói lên tất cả tầm xa, nét tươi vui và sự chở che trong tạo dựng. Nó cho hay, Chúa muốn cho ta sống hài hoà với tạo dựng và được sống an toàn bên Ngài. Như thế, nó cho thấy hai khía cạnh nơi con người: là kẻ canh giữ tạo dựng, đồng thời có quan hệ trực tiếp với Chúa, để có thể nhờ Ngài và cùng với Ngài chia sẻ gánh tạo dựng.

Sách Khởi-nguyên cho thấy tạo dựng là một tiến trình. Mọi chuyện được hình thành từng bước. Và trong tiến trình đó Chúa nhận thấy „con người ở một mình không tốt. Ta muốn giúp nó có đối vật để hỗ trợ nó“. Vì thế Ngài đã dùng đất tạo ra muôn thú trên đồng và muôn chim trên trời và đưa chúng cho con người, để xem con người muốn đặt tên gì cho chúng. Một cơ hội tốt để nói về thú vật, là loài sống gần với ta. Adam đặt cho mỗi loài một tên. Ta có được phép sử dụng thú vật và ăn thịt chúng không?

Đây là một câu hỏi rất nghiêm túc. Rõ ràng loài vật được trao cho ta canh giữ, và ta không được đối xử một cách tuỳ tiện với chúng. Cả loài thú cũng là tạo vật của Chúa, tuy chúng không được tạo ra trực tiếp như con người, nhưng vẫn là những vật do Ngài muốn, và ta phải quý trọng chúng như là những kẻ đồng hành và như những thành tố quan trọng của tạo dựng.

Về câu hỏi có được phép giết và ăn thịt thú không, đã có câu trả lời lạ lùng trong Kinh Thánh. Theo đó, thoạt tiên của ăn của loài người là cây cỏ. Chỉ sau khi xẩy ra nạn hồng thuỷ, nghĩa là sau cuộc đứt đoạn mới giữa con người với Chúa, Ngài mới để cho con người tự quyết định việc ăn thịt thú vật. Điều này có nghĩa là, ăn thịt thuộc vào trật tự hạng hai và nó cũng chỉ được thông báo về sau. Dẫu sao, nếu việc ăn thịt thú có làm buồn lòng một người nào, ta cũng không nên để mình trở nên môn đồ của phái thờ thú vật.

Nghĩa là con người cũng được phép ăn thịt thú. Không ai cấm họ dùng thú làm của ăn, nhưng khi làm điều đó, họ nên giữ lòng quý trọng thú vật. Còn cái lối dùng thú như kĩ nghệ làm, như nhồi nhét cho ngan ăn để có gan lớn, hay khoá gà trong chuồng biến chúng thành những con vật dị hợm, cái lối hạ sinh vật xuống thành hàng hoá đó, tôi cho rằng phản lại sự tương thuộc giữa người và thú, như Kinh Thánh đã chỉ cho ta thấy.

Thế giới thú vật quả là một tạo dựng đầy man rợ. Ai cũng biết, có những loài thú có thể bất cứ lúc nào cũng săn đuổi, cắn xé và giết đồng loại. Con nào thoát, con đó thật sự có được cơ hội lớn để huỷ diệt con khác.

Quả là một ẩn số của tạo dựng, khi xem ra trong tạo dựng có sự hiện diện của quy luật bạo tàn. Nhà văn công giáo Reinhold Schneider, người vốn có khuynh hướng suy nhược thần kinh, đã lột trần mọi cái khủng khiếp trong thiên nhiên và trong thế giới loài thú ra cùng với cái nhìn thật chi li của một con người đau khổ. Và ông đã tuyệt vọng về Chúa và về tạo dựng.

Giáo hội vẫn luôn tin rằng, sự rối loạn của tội tổ tông ảnh hưởng cả lên tạo dựng. Nó khiến cho tạo dựng không còn phản ảnh í định trong suốt của Thiên Chúa nữa. Nó làm cho mọi thứ, một cách nào đó, bị biến dạng. Thành ra chúng ta đứng trước những bí ẩn. Dù sao, thế giới loài vật cũng đã gợi lên cho ta thấy trước những nguy hại có thể có nơi con người.

NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ

Theo sách Khởi-nguyên, kể từ đây thế giới có lẽ mới được trở thành là thế giới loài người. Chúa tiếp tục tạo ra các đối vật cho con người, và Kinh Thánh khoác cho hành vi đó một bức tranh tuyệt mĩ. Kinh Thánh viết: „Nhưng con người không tìm thấy sự hỗ trợ trong đối vật“. Chúa liền để cho con người ngủ say, rút một xương sườn ra và lấy thịt lấp chỗ đó lại. Thiên Chúa dùng xương sườn này làm thành một người nữ và đưa tới cho Adam. Và con người thốt lên: „Đây mới thật xương của xương tôi, thịt từ thịt tôi“. Kinh Thánh tiếp, từ đó người nam bỏ cha mẹ và hợp với vợ mình để thành một xương thịt.

Adam, theo ngữ nghĩa là „người”, gọi vợ mình là Eva. Eva có nghĩa là sự sống, và như thế Eva là mẹ của mọi loài sinh vật. Có lẽ cho tới ngày nay, các ông vẫn còn cảm thấy mất mát về vụ tặng xương đó, hình như trong chuyện này ẩn chứa một bí mật lớn nào đó ?

Đây cũng là một trong những hình ảnh nguyên mẫu mà Kinh Thánh đã tặng cho ta, để nhờ đó ta hiểu được những điều khó hiểu. Trước hết, ở đây nhấn mạnh tới sự bình đẳng giữa nam và nữ. Cả hai là một bản chất và cùng có một phẩm giá. Dù sao, ở đây, sự bình đẳng phẩm giá đã được trình bày một cách thật tài tình. Điểm thứ hai là sự tương thuộc lẫn nhau. Điều này thể hiện qua vết thương hiện hữu trong mỗi chúng ta và nó dẫn ta đi tới với người khác.

Hình ảnh, mà ta gặp trong Kinh Thánh ở đây, đã xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trải dài trong toàn bộ lịch sử tôn giáo. Cả Platon* cũng đã kể về huyền thoại con người cắt đôi và mỗi nửa trở thành người nam và người nữ. Nhìn như thế, thì mỗi người chỉ là một nửa, và nửa này luôn trên đường đi tìm nửa kia của nó. Dịch chữ „xương sườn“ không chắc lắm. Có lẽ ở đây cũng là hình ảnh tương tự như trên, trong đó con người tự phân đôi và nửa này được tạo thành cho nửa kia. Người nam cho người nữ, người nữ cho người nam. Họ tìm kiếm nhau, để gặp lại cái toàn thể của họ.

Và nếu làm khác đi thì không có cái toàn thể đó?

Con người được tạo ra trong nhu cầu cần tới người khác, để nó vượt qua được chính mình. Nó cần sự bổ túc. Nó không được tạo ra để sống đơn độc, điều này không tốt cho nó, mà để sống vì nhau. Nó phải tìm và gặp nó trong người khác.Sau đoạn sách Khởi-nguyên đó, ta cũng thấy tiếp câu tiên tri: vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ để cùng với vợ mình kết thành một thân xác. Họ trở thành một thân xác với nhau, cùng nhau thành một con người. Toàn bộ bi kịch về nhu cầu của phái tính, về sự cần nhau, về tình yêu đều nằm trong đó. Ngoài ra, trong đó cũng nói tới việc hai người trao thân cho nhau, để chính từ việc trao thân này phát sinh một sự sống mới, và cả hai rốt cuộc hiến mình cho sự sống mới đó. Như thế, ở đây, bí ẩn hôn nhân cũng đã được nói tới, và cả chuyện gia đình cũng đã được nhắm tới.

Lắm lúc người ta có thể nghĩ rằng, đàn bà là tạo vật thành công và tốt hơn đàn ông, vì họ được tạo dựng sau. Họ xem ra không những đẹp hơn, mà cả phát triển hơn.

Tôi không muốn mở ra đề tài tranh luận này. Không chối cãi là đàn bà có nhiều khả năng đặc biệt, và trong một khía cạnh nào đó, giỏi chịu đựng và dai sức hơn. Và với khả năng yêu đặc biệt trời cho, họ có thể mang trong mình một con người mới và trao đi chính mình, máu thịt mình cho con người mới đó, tất cả những thứ đó làm cho người đàn bà có được sự tôn vinh và nét cao cả riêng. Còn những thứ khác, chúng ta nam hay nữ nên trao lại cho Chúa, và cả hai nên cố gắng cùng nhau sống sao cho đời mình được tốt đẹp.

Trên thực tế, có lẽ cả nam lẫn nữ không phải là hai bản chất hoàn toàn khác nhau?

Đúng, nhưng chúng ta cứ muốn chống lại điều đó. Cả hai đều là một con người. Và vì thân xác không chỉ là một phụ phẩm bên ngoài thêm vào cho con người, nên sự khác biệt thân xác dĩ nhiên là một khác biệt xuyên suốt toàn thể con người, và có thể nói, nó biểu hiện cho hai cách thế làm người. Tôi nghĩ, ta phải chống lại những thuyết sai trái về quan niệm bình đẳng cũng như về khác biệt.

Sai, nếu ta chủ trương đánh đồng nam nữ, rồi bảo rằng mấy cái khác biệt thể lí lẻ tẻ đó chẳng ăn nhập gì. Đây là khuynh hướng ngày nay đang chiếm thế thượng phong. Cá nhân tôi vẫn chưa hết rùng mình trước cảnh người ta muốn gọi nữ giới nhập ngũ. Đúng ra, họ là người canh giữ hoà bình, và chúng ta muốn thấy họ là lực lượng đối địch lại với tính ham gây gỗ và thích chiến tranh của nam giới. Vậy mà giờ đây họ lại ôm súng lang thang đây đó, cho thấy mình cũng có khả năng đánh nhau không thua gì nam giới. Cũng như cảnh phụ nữ có “quyền” làm phu đổ rác và làm thợ mỏ. Tất cả những gì lẽ ra người ta không nên làm cho họ, vì kính trọng nét cao cả, kính trọng sự khác biệt lớn lao và phẩm giá của họ, thì giờ đây người ta lại làm vì nhân danh bình đẳng. Theo tôi, đó là cái nhìn của chủ nghĩa ma-ni-kê, một chủ nghĩa chống lại thân xác.

Nhưng đó nhất định không phải là một khám phá của thời đại chúng ta.

Platon bảo, người ta nên đẩy cả nam lẫn nữ vào trại lính, cả hai nên làm công việc như nhau, vì cơ thể chẳng có gì quan trọng. Con người chỉ quan trọng nơi trí tuệ, và khi có con cái, nên đưa chúng vào vườn trẻ của nhà nước. Trên căn bản, í hệ bình đẳng này là một chủ trương duy linh, một thứ khinh miệt thân xác, í hệ đó không muốn công nhận chính thân xác cũng là con người. Vì thế, theo tôi, loại bình đẳng đó không nâng cao nữ giới, nhưng lấy đi nét cao cả nơi họ. Nó kéo họ xuống hạng tầm thường, khi muốn họ trở thành nam giới.

Mặt khác, cũng có một í hệ giả tạo về khác biệt. Nó thường nhìn phái nữ như là hạng người thấp kém, chỉ có nấu nướng và quét dọn, trong khi đó các ông có quyền ăn nói, ra trận và tự coi mình ở vào một giai cấp cao hơn. Nó coi phái nữ chỉ là xác thịt, nhục dục, trí tuệ hẹp hòi, kém sáng tạo, và nhiều thứ khác nữa. Như thế, í hệ khác biệt đã vươn lên thành chủ trương giai cấp mang tính tôn giáo. Nhận thức đó che lấp đi tính cách độc đáo của tạo dựng. Tạo dựng của Chúa thật đa dạng, nhưng vẫn mang tính thống nhất và bổ túc cho nhau.

Dù vậy, không ít khi các đôi vợ chồng thường chia tay bằng cuộc cãi cọ nhuốm màu phái tính.

Nam và nữ thuộc vào nhau. Họ có những năng khiếu cần được phát huy, để nhờ đó, đời người mới toả rộng chân trời và mới trưởng thành. Dĩ nhiên, ta biết cái khác biệt trong sự nhất thống đó có thể đưa tới căng thẳng và thử thách. Trong mỗi tình bạn cũng thế. Càng gần nhau, người ta cũng có thể bực bội nhau nhiều hơn.

Tình yêu là một đòi hỏi không cho phép tôi được yên thân nguyên vẹn một mình. Trong tình yêu, tôi không thể đơn giản vẫn là tôi, nhưng tôi luôn phải bỏ mình bằng cách bị gọt dũa, bị thương tích. Và tôi nghĩ, chính điều đó cũng là thành phần của tầm lớn và sức mạnh chữa trị của tình yêu, nó chấn thương tôi, để làm thức dậy những khả thể lớn hơn trong tôi. Vì thế, không được nghĩ rằng tình yêu chỉ có tính lãng mạn mà thôi, nghĩa là bầu trời đã ập xuống trên hai người khi họ hợp í nhau, và từ lúc đó trở đi, chỉ còn toàn là điều tốt mà thôi.

Phải coi tình yêu như đam mê. Chỉ khi ta sẵn sàng chịu đựng nó như đam mê, và luôn chấp nhận nhau một cách mới mẻ, thì cuộc tình duyên suốt đời mới có thể trưởng thành. Nếu không như thế, khi gặp khủng hoảng, ta sẽ tìm cách tránh né và rã nhau. Và như vậy, ta đánh mất cơ hội đích thực nằm sẵn trong sự kết hợp nam nữ, cũng là cơ hội nằm sẵn trong thực tại tình yêu.

(còn tiếp)
 
Giáo xứ Trì Chính 100 năm hồng ân (bài 1)
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
18:09 11/12/2008
Giáo phận Phát Diệm

Giáo xứ Trì Chính

GIÁO XỨ TRÌ CHÍNH

100 NĂM HỒNG ÂN

1908 – 2008



LỜI GIỚI THIỆU

Đã một trăm năm thành lập, giáo xứ Trì Chính là người con và mãi vẫn là người con sinh ra từ lòng mẹ giáo xứ chính toà Phát Diệm. Điều đó được khẳng định không chỉ vì Trì Chính được tách ra từ Phát Diệm mà còn vì những thăng trầm của Trì Chính gắn liền những thăng trầm của lịch sử Phát Diệm. Hơn thế nữa, những cơ sở của giáo phận Phát Diệm đặt trên giáo xứ Trì Chính như Trường Thử, Dòng kín Carmel, nhà in Lê Bảo Tịnh thể hiện mối tương quan « ruột thịt » của giáo xứ mẹ chính toà với Trì Chính.

Ngay mảnh đất Trì Chính cũng gắn liền với « Địa linh nhân kiệt » của Phát Diệm, vì người con ưu tú Gioan M. Phan Đình Phùng của giáo họ Kiến Thái thuộc giáo xứ Trì Chính là giám mục phó giáo phận Phát Diệm, 5 tháng trước khi mất, ngài còn là giám mục chính giáo phận (tháng 12/1943 - tháng5/1944)

Một trăm năm nhìn lại, giáo xứ Trì Chính cân đối về nhân sự, từ 1700 khi thành lập, xuống còn 800 khi xảy ra biến cố di cư 1954, đến nay lại đạt con số 1700, tính đến trước khi tách ba họ Kim Đài, Xuân Đài, Tân Chính cho giáo xứ Phát Vinh mới thành lập năm 2007. Các cơ sở vật chất như nhà xứ, Trường thử Trì Chính được thâu hồi và tái tạo. Cộng đoàn dân Chúa tiếp tục phát triển.

Tất cả đều là hồng ân, giáo xứ Trì Chính ghi sâu đoàn sủng Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn dắt lịch sử và thánh hoá mọi biến cố theo dòng thời gian.

Cùng với Đức Mẹ giáo xứ cũng muốn lớn tiếng hoan ca rằng « Bởi Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Người là thánh » (Lc 1, 49)

Tập "Giáo xứ Trì Chính- 100 năm hồng ân » xin trao tay bạn đọc với ý nghĩa đó, mong được lượng thứ những khiếm khuyết không thể tránh khỏi và mong sao, khi đọc xong kỷ yếu Trì Chính, bạn đọc nói với chúng tôi như dân thành Samaria nói với thiếu phụ kia rằng: « Bây giờ chúng tôi tin, không phải vì lời chị nói, nhưng là vì chúng tôi đã nghe» (Ga 4,42)

Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

Linh mục phụ trách xứ

Tòa Giám mục Phát Diệm

75, Phát Diệm Đông

Kim Sơn, Ninh Bình

Tél. 00 84(0)30 862 058

Fax:00 84 (0)30 86 27 24

Email: tgmpdiem@hn.vnn.vn

Phát Diệm, ngày 20 tháng 2 năm 2008

Kính gửi Đức Hồng Y JAMES STAFFORD

Bộ Trưởng Bộ Xá Giải Tòa Thánh

00120 CITÉ DU VATICAN

Trọng kính Đức Hồng Y,

Con hân hạnh trình lên Đức Hồng Y việc xin Ơn Toàn Xá sau đây theo nguyện vọng của Cha Chính xứ Phêrô Nguyễn Hồng Phúc cũng như của giáo dân giáo xứ Trì Chính, giáo phận Phát Diệm, Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Giáo xứ (1908-2008).

Giáo xứ Trì Chính là một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận chúng con, ngay từ khi thành lập đã là nơi tọa lạc một tu viện thuộc Dòng Kín Carmel, một Trường Thử và một nhà in của giáo phận. Nhưng trong những năm khó khăn vì cấm cách và vì cuộc di dân vào miền Nam, Việt Nam (1954) giáo xứ chịu những sự giảm sút và những biến động lớn. Tuy những cơ sở trên của giáo phận đã không còn nữa, nhưng hiện đây vẫn là một giáo xứ có hơn 1.500 giáo dân.

Để kỷ niệm sự kiện đầy ý nghĩa này của giáo xứ, chúng con muốn tổ chức các buổi cử hành phụng vụ, các buổi chầu Thánh Thể, các việc đạo đức khác, các khóa học Thánh Kinh và giáo lý. Nhất là trong năm thánh Phaolô sắp bắt đầu, chúng con muốn tổ chức các kỳ tĩnh tâm cho giáo dân xứ này cũng như cho những giáo dân đến từ nơi khác. Chúng con kính xin Đức Thánh Cha và Bộ Xá Giải Tòa Thánh vui lòng ban Ơn Toàn Xá trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10 năm 2008, theo những điều kiện quen thuộc và các điều kiện khác do Bộ Xá Giải chuẩn ban. Những ngày được lĩnh Ơn Toàn Xá này là: ngày khai mạc và bế mạc, những buổi cử hành phụng vụ do Đức Giám mục chủ tế, cũng như các ngày khác như lễ Chúa Lên Trời, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, lễ Chúa Ba Ngôi, lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, lễ thánh Alphongsô đệ Liguori, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ơn Toàn Xá ban cho những ai đến viếng Nhà thờ Giáo xứ theo đoàn thể hoặc cá nhân.

Con hy vọng lời thỉnh nguyện của con được Đức Hồng Y thương xét.

Kính xin Đức Hồng Y chấp nhận nơi con lòng tri ân sâu sa và những tâm tình tha thiết của con trong Thiên Chúa.

+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Giám mục Thanh Hóa

Giám quản Giáo phận Phát Diệm

BỘ XÁ GIẢI TÔNG TOÀ

Số 115/08/I

KÍNH THƯA ĐỨC THÁNH CHA

Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hoá và giám quản tông toà giáo phận Phát Diệm, cùng với linh mục Phê-rô Nguyễn Hồng Phúc, quản nhiệm giáo xứ Trì Chính, thuộc giáo phận Phát Diệm, kính dâng lên Đức Thánh Cha những tâm tình con thảo – tôn kính sâu xa, và kính cẩn trình lên việc như sau:

Từ ngày 01 tháng 04 đến ngày 31 tháng 10 năm 2008, sẽ cử hành các lễ nghi tôn giáo để tưởng niệm muôn vàn hồng ân Thiên Chúa nhân lành đã ban cho các tín hữu trong 100 năm qua, kể từ ngày giáo đoàn Trì Chính được nâng lên hàng giáo xứ.

Để nhờ dịp kỷ niệm này, các tín hữu mỗi ngày được thêm khích lệ:

- Giữ vững đức tin và mạnh dạn tuyên xưng công khai,

- Giữ đức cậy siêu nhiên vững vàng không lay chuyển,

- Giữ trong lòng đức mến Chúa yêu người và chứng tỏ bằng việc làm, trong sự hiệp nhất với Hội Thánh Công giáo trên toàn thế giới được quy tụ xung quanh Đức Thánh Cha, con hết lòng tin tưởng khẩn cầu Đức Thánh Cha ban Ơn Toàn Xá.

NGÀY 15 THÁNG 03 NĂM 2008

BỘ XÁ GIẢI TÔNG TOÀ, được Đức Thánh Cha đặc biệt uỷ nhiệm, sẵn lòng ban cho các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá, với những điều kiện như thường lệ (nghĩa là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho những tín hữu thật lòng ăn năn tại nhà thờ giáo xứ Trì Chính, nếu họ sốt sắng tham dự một nghi lễ thánh, hay ít là đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thêm lời khẩn cầu kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a:

Vào những ngày lễ trọng thể khai mạc và bế mạc thời gian kỷ niệm;

a. Vào những ngày lễ trọng thể mà đức giám quản giáo phận Phát Diệm chủ sự hay một đức giám mục khác thay mặt người;

b. Vào những ngày lễ trọng sau đây: lễ Chúa Lên Trời, lễ Hiện Xuống, lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Máu Thánh Chúa, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô, lễ thánh An-phong-sô Ma-ri-a Li-gô-ri, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ Đức Mẹ Mân Côi;

c. Mỗi khi do lòng sốt sắng, từng đoàn hay riêng lẻ hành hương về đó.

Đặc ân này có giá trị trong thời gian năm thánh của giáo xứ Trì Chính. Mọi điều trái nghịch đều vô giá trị.

Ký tên

Hồng y Gia-cô-bê Phan-xi-cô Stafford Tổng trưởng Bộ xá giải

Giám mục Gio-an Phan-xi-cô Girotti Điều hành

Còn tiếp