Ngày 04-12-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mầm Sống
Lm Vũđình Tường
05:31 04/12/2014
Trước khi mừng lễ Chúa Giáng Sinh chúng ta có ngày thánh Gioan Tiền Hô chuẩn bị con đường đón Chúa Cứu Thế. Gioan bắt đầu sứ điệp rao giảng trong sa mạc đúng như những gì tiên tri Isaiah tiên đoán 750 năm trước đó.

Ta sai sứ giả Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi Mc 1,2-3

Hoang địa là nơi hoang vắng, chốn không có người ở và nếu lạc vào sẽ khó có ngày an bình sống sót trở về. Hoang địa chính là nơi bò cạp và rắn độc cư trú chung với các dã thú và cách sống của chúng là tranh giành, giết nhau kiếm sống. Thú mạnh thắng thú yếu và thú yếu trở thành thực phẩm cho thú mạnh. Chúng giết nhau để tranh giành lãnh thổ và chúng rình rập giết nhau làm mồi ăn.

Gioan Tiền Hô bắt đầu rao giảng trong hoang địa. Hoang địa nhắc đến ở đây chính là hoang địa trong tâm hồn khô khan, nguội lạnh, vắng bóng Thiên Chúa. Hoang địa tâm hồn là nơi có tà tâm, có rình rập, cạnh tranh, cắn xé, chỉ trích, tranh giành, cãi cọ và sẵn sàng sát phạt nhau, không tiếc thương. Một tâm nghèo nàn, thiếu tình thương như thế khác nào sa mạc khô cằn và chắc chắn tâm hồn đó sống trong đau khổ, thiếu an bình.

Gioan kêu gọi thống hối, cải thiện đời sống, sống tinh thần Phúc Âm. Những ai nghe tiếng kêu gọi của Gioan thống hối trở lại đường lối Chúa sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và họ sẽ thấy đời đáng yêu và mọi người đáng mến. Cải thiện sa mạc cuộc đời khô cằn để biến thành cuộc sống hạnh phúc thật và san sẻ hoa trái hạnh phúc đó cho tha nhân là sứ mạng Gioan nhắm đến. Gioan rao giảng không phải bằng sự khôn ngoan của chính mình mà chính là sự khôn ngoan của Đấng đang đến và Gioan làm công việc chuẩn bị tâm hồn con người cho Đấng đó ngự đến. Đấng đó sẽ đến coi sóc dân Ngài với tình thương nhân hậu, với thứ tha và ân sủng. Mọi người đều được đối xử công bằng, chân lí được đề cao và hạnh phúc thật chan hoà cho mọi người. Đời nở hoa. Đời không còn là gánh nặng và cuộc sống thanh bình trong tâm hồn con người. Những ai từ chối đáp lại tiếng kêu gọi thống hối của Gioan sẽ tiếp tục sống trong đau khổ, trong hận thù và lòng họ vẫn khô cằn như xa mạc, hoang địa.

Sinh nhật Đấng Cứu Thế, ấu Chúa đến thăm dân Ngài lần thứ nhất, Ngài sinh nơi hang Bêlem, vua của tình thương và chân lí, Người sẽ mang an bình. hạnh phúc thật và tình thương cho những tâm hồn thiện tâm. Hiện tại Kitô hữu sống trong hy vọng nhưng sẽ có một ngày, ngày Đức Kitô vua vũ trụ xuất hiện lần thứ hai và trong ngày đó những ai đón nhận Ngài sẽ được sống trong phúc lộc tràn đầy. Sẽ không còn đau khổ, tiếc thương, sẽ không còn chết nữa vì Ngài làm chủ sự sống và đập tan thần chết. Gioan chuẩn bị con đường cho Ngài đến trần gian, nhận thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để nhân loại và Thiên Chúa được liên kết qua tình thương Chúa. Ngài đến đong đầy tâm hồn ta với tình thương Ngài, biến con tim khô cằn, sỏi đá thành con tim biết yêu thương, tha thứ và những ai thành tâm đón nhận Ngài sẽ được Ngài ban ơn sức mạnh chống lại các cám dỗ ngăn cản ta đến gần Ngài. Tâm hồn nào có Ngài ngự trị nơi đó có an bình, phúc lộc tràn đầy.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: Hãy có một con tim khiêm tốn để biết Chúa, và hãy quỳ gối để suy tư thần học
Đặng Tự Do
18:15 04/12/2014
Những ai muốn học biết những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa thì cần phải biết quỳ gối, vì Thiên Chúa mạc khải nhiều hơn cho những tâm hồn khiêm nhường. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ sáng Thứ Ba 02 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đôi mắt người nghèo dễ nhìn ra Chúa Kitô nhất và qua Ngài, họ nhìn thấy thiên nhan Chúa. Còn những người khác muốn thấu hiểu mầu nhiệm này bằng tư duy con người thì cần phải “quỳ gối”, trong một thái độ khiêm nhường, nếu không “họ sẽ không hiểu được gì cả.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã dựa trên đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca được đọc trong ngày nói về mối liên hệ của Chúa Kitô với Chúa Cha, cả trong tán tụng và tri ân Ngài.

Chúa Giêsu cho chúng ta biết về Chúa Cha, mạc khải cho chúng ta biết cuộc sống nội tâm của Ngài. Và những ai sẽ được Chúa Cha mạc khải cho? “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con tán tụng Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. Chỉ có những ai có tâm hồn như trẻ thơ mới có khả năng đón nhận được mạc khải này. Đó là những tâm hồn khiêm nhường trong lòng, hiền lành, những người cảm thấy cần phải cầu nguyện, để mở lòng ra với Thiên Chúa, những người muốn trở nên nghèo hèn trước mặt Chúa; chỉ những ai muốn sống các mối phúc thật với một tinh thần nghèo khó”.

Do đó, nghèo chính là ân sủng mở ra cánh cửa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ân sủng này đôi khi vắng bóng nơi những nhà thần học dành trọn cuộc đời để nghiên cứu.

“Nhiều người có khả năng hiểu biết khoa học, thần học rất tốt, con số đó đông lắm. Nhưng nếu họ không thực hành thần học này trên đầu gối của mình, nghĩa là với một thái độ khiêm nhường như trẻ thơ, họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Việc nghiên cứu sẽ cho họ biết nhiều điều, nhưng họ sẽ không hiểu bất cứ điều gì. Chỉ những ai có tinh thần nghèo khó thì mới có khả năng đón nhận mạc khải của Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không như một viên thuyền trưởng, một tư lệnh quân đội, một kẻ cai trị quyền lực. Không! Ngài giống như một chồi lộc. Như chúng ta nghe trong bài đọc thứ Nhất: “Một chồi non sẽ trổ sinh từ gốc Jesse”. Ngài là một chồi non khiêm tốn, nhẹ nhàng, và hiền lành, đến với ai hiền lành và khiêm nhường để mang lại ơn cứu độ cho người bệnh tật, kẻ nghèo hèn, và người bị áp bức.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mầu nhiệm nơi Chúa Giêsu là mầu nhiệm khiêm nhường. Đó là mầu nhiệm mang đến “ơn cứu độ cho những người nghèo, mang lại sự an ủi vui mừng cho người đau yếu, kẻ tội lỗi và những ai hoạn nạn.”

Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy nài xin Chúa đem chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm của Ngài và để làm được điều đó chúng ta hãy sống con đường khiêm tốn, hiền lành, khó nghèo, với cảm thức mình là kẻ tội lỗi để Chúa đến và cứu chúng ta, giải thoát chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.
 
Tổng giáo phận Dublin mở cửa cho những người vô gia cư
Đặng Tự Do
19:07 04/12/2014
Phản ứng nhanh chóng trước cái chết của một người đàn ông vô gia cư đã chết vì lạnh cóng trước thềm một ngôi nhà ở thủ đô Dublin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin đã chỉ thị cho các cơ sở trong tổng giáo phận mở cửa đón những người vô gia cư vào trú ngụ tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài tin rằng các toà nhà của Giáo Hội tại Dublin có thể cung cấp nơi tạm trú cho ít nhất 30 người vào cuối năm nay.

Một phát ngôn viên của toà giám mục nói rằng Đức Tổng Giám Mục "rất quan ngại sâu sắc về một Dublin chia rẽ sâu sắc với một số người tưng bừng mua sắm trong mùa Giáng sinh và một số người khác vô gia cư, đói rét. Số người vô gia cư sống ở Dublin đã tăng gấp ba lần kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới vào năm 2008.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Linh mục dâng lễ Tạ ơn tại Gx Quảng Thuận
Trương Trí
09:41 04/12/2014
PHAN RANG - Sáng thứ Sáu ngày 28/11/2014, tại Nhà thờ Hoà Nghĩa, hạt Cam Lâm, Giáo phận Nha Trang, Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Minh đã truyền chức linh mục cho 14 thầy Phó tế, trong đó có thầy Giêrônimô Nguyễn Hùng Sơn là một người con của Gia đình Cựu Chủng sinh Hoan Thiện 67, hiện đang ở tại Giáo xứ Quảng Thuận, huyện Ninh Sơn, tỉnh Phan Rang.

Hình ảnh

Anh em Cựu Chủng sinh HT67 chúng tôi từ Huế vào, từ Sài Gòn Xuân Lộc ra cùng với thế hệ con cái hân hoan qui tụ về Nhà thờ Quảng Thuận do Linh mục Phêrô Lê Minh Cao làm Quản xứ, Ngài cũng là đồng lieu với chúng tôi dưới mái trường Chủng viện Hoan Thiện. Đến Quảng Thuận vào lúc 1giờ sáng, nhưng Cha Cao vẫn còn thức và ân cần đón chúng tôi, sắp xếp nơi ở thật chu đáo.

Giáo xứ Quảng Thuận hầu hết là bà con giáo dân Quảng Trị di dân vào mùa Hè đỏ lửa 1972, nên nếp sống đạo đức truyền thống của những tín hữu kiên trung, những người con của Mẹ La Vang luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người. Ngôi Nhà thờ Quảng Thuận và cổng chính được xây dựng đã khá lâu, nhưng thật bất ngờ trùng hợp khi nhìn thấy có những nét tương đồng với Cổng chính và Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang đang xây dựng.

Sáng ngày 29/11, Giáo xứ Quảng Thuận và bà con thuộc các Giáo xứ vùng Ninh Sơn ai nấy đều tươi vui hớn hở khi có người con đầu tiên của Giáo xứ được thụ phong linh mục dâng Thánh lễ tạ ơn. Cha Giuse Võ Quý là Đại diện Đức Giám Mục Nha Trang tại Phan Rang cũng là Nghĩa Phụ của Tân Linh mục Giêrônimô chủ trì ngày lễ tạ ơn hôm nay, vì Cha Quản xứ Phêrô Lê Minh Cao dâng thánh lễ Tạ ơn của Nghĩa tử cũng là Tân Linh mục tại Vĩnh Thái. Các linh mục đồng tế hôm nay hầu hết là Cựu Chủng sinh Huế nên bầu khí gặp gỡ càng thêm nồng thắm.

Đoàn rước Tân Linh mục và quí cha đồng tế long trọng tiến vào Nhà thờ, tiếng trống và kèn đồng rộn ràng vang khúc chào mừng.

Trong bài giảng lễ, Cha Nghĩa Phụ chia sẻ: “Thánh chức Linh mục mà người ta cũng thường gọi là Thừa tác vụ linh mục là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban một cách nhưng không cho một số người nhất định nào đó đã được Trời cao kén chọn từ muôn thuở để phụng sự Ngài và phục vụ lợi ích thiêng liêng của anh chị em đồng loại qua việc cử hành sốt sắng các Bí tích thánh của Giáo Hội, nguồn tuôn đổ mọi ân sủng siêu nhiên cho các tâm hồn.

Ngài nêu lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày tiếp kiến chung thứ Tư 16/5/2013: “Giám mục không phải là giám mục cho bản thân Ngài mà là cho dân. Cũng vậy, Linh mục không phải là linh mục cho bản thân Ngài mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài, để bảo vệ họ khỏi chó sói.”

Ngài cũng nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Lễ Dầu thứ Năm Tuần Thánh 28/3/2013 tại Đền thờ Thánh Phêrô: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những Mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.”

Qua đó, Đức Thánh Cha muốn căn dặn các linh mục rằng: cũng như người chăn chiên là phải sống gần gủi, sống lăn lộn với đàn chiên, phải sống chết với đàn chiên để lo lắng chăm sóc, bảo vệ và thăng tiến đàn chiên của mình. Đến nỗi mùi của chiên không chỉ thấm vào quần áo mà còn cả da thịt.

Trước khi chọn đời sống linh mục dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội, linh mục phải ý thức rỏ ràng và đầy đủ mọi vui buồn sướng khổ của con đường mình sẽ đi. Tuyệt đối đó không phải là con đường được trải thảm hoa, cũng không phải là con đường tìm kiếm “vinh thân phì gia” theo kiểu trần thế, nhưng là con đường tận hiến cho Thiên Chúa và làm tôi tớ phục vụ hết mọi người…”

Sau Thánh lễ, ông Chủ tịch HĐGX Quảng Thuận thay mặt cộng đoàn chúc mừng Tân Linh mục và gia đình, các em Thiếu nhi tặng Tân Linh mục và song thân lẵng hoa tươi thắm.

Tân Linh mục Giêrônimô Nguyễn Hùng Sơn nói lời cảm ơn đến Cha Mẹ, Linh mục Nghĩa phụ, Cha Quản xứ đã hết lòng dạy dỗ và dìu dắt trong suốt thời niên thiếu, hướng cho mình con đường tận hiến. Xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với Gia đình Cựu Chủng sinh Hoan Thiện 67 cách riêng và Gia đình Cựu Chủng sinh Huế trong nước cũng như hải ngoại nói chung đã ưu ái giúp đỡ cho gia đình có được ngôi nhà khang trang khi ngôi nhà củ bị cháy cách đây 2 năm. Chính nhờ vào tinh thần đoàn kết yêu thương đó đã vực dậy tinh thần suy sụp khi hay tin nhà mình bị thiêu rụi.

Cuối cùng các em thiếu nhi múa Vũ khúc Tạ ơn nói lên tâm tình tri ân vì hồng ân Chúa đã ban cho Giáo xứ có một người con làm Linh mục.
 
Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội: Lễ Khấn Dòng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
16:37 04/12/2014
PHAN THIẾT - Sáng ngày 4-12-2014, tại Nguyện Đường Bát Phúc – Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội, Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự Thánh Lễ Khấn Dòng cho 4 Nữ Tu Khấn Trọn và 13 Nữ Tu Khấn Tạm.

Hình ảnh

Cùng đồng tế có quý cha Niên Trưởng, cha Viện phụ Đan viện Châu thủy, Quý Cha Hạt Trưởng và 30 cha trong và ngoài giáo phận. Quý nam nữ tu sĩ, đông đảo ân nhân thân nhân của các tân Khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa chung lời tạ ơn.

Lễ khấn dòng hôm nay khởi đầu Năm về Đời Sống Thánh Hiến. Xin dâng lên Chúa các tân khân sinh như những của lễ đầu mùa trong năm đời thánh hiến.

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm Tin Mừng Ga 15, 4-12

Đây lời tâm huyết của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đây cũng là bản ghi nhớ dành cho người sống đời thánh hiến.Chúa Giêsu cũng trao vào tay chị em món quà đặc biệt là chìa khóa mở vào niềm vui trọn vẹn với ba lời tâm huyết.

1. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

Trong Phúc Âm Gioan, động từ “ở lại” không nhằm diễn tả một chuyển động như là “ngưòi ơi người ở đừng về”, hay là gắn liền với một phuơng huớng như là chỉ định ở chỗ này hay chỗ khác, mà là một hình tượng còn nói nhiều hơn cả chữ nghĩa nữa. “Ở lại” muốn nói đến sự gắn bó, thông phần, chia sẻ, náu nuơng, tuơng quan máu thịt. Ở lại trong tình yêu là buớc đi trên con đuờng Chúa Giêsu đã đi. Chính vì vậy một cách nào đó các chị em buớc vào đời thánh hiến cũng đuợc nhìn trong truyền thống của Giáo Hội như là những ngưòi tiếp bước Chúa Kitô, đặt bước chân mình trong bước chân Đức Kitô.Môn đệ gắn bó với Thầy là chuyện phải lẽ, bởi thầy trò cùng có một lý tưởng, cùng chung một đường đi và đến cùng một đích điểm. Thầy ở đâu, môn đệ cũng ở đó. Và môn đệ gắn bó với Thầy cũng là chuyện phải đạo. Thầy nào trò nấy. “Ở lại trong tình thương của Thầy” là điều kiện trước hết trên hết để niềm vui của người môn đệ được trọn vẹn.

2. “Hãy yêu thương nhau”

Chắc không phải vô tình khi Chúa Giêsu dạy “yêu mến nhau” ngay sau khi Ngài dạy “ở trong tình yêu của Ngài”, nhưng cố ý cho thấy hệ quả và dấu hiệu hữu hình của việc gắn bó với Ngài chính là tình yêu cụ thể dành cho nhau. Đời thánh hiến, trong một hội dòng là đời sống giữa cộng đoàn, trong đó mọi thành viên coi nhau như chị em một nhà, vì thế yêu thuơng nhau là lẽ đuơng nhiên. Nếu trong cộng đoàn 12 người năm xưa còn có nhiều khác biệt thậm chí ghen tị ganh đua, thì cộng đoàn hôm nay đông đảo, cũng có những va chạm hiểu lầm nhau. Dưới ánh nhìn của Đức Kitô và trong ánh sáng Tin mừng, các chị em sẽ tìm đuợc ánh sáng và sức mạnh để đón nhận nhau, chấp nhận khác biệt trong cộng đoàn để làm phong phú cho nhau và thương yêu nhiều hơn nữa.Nếu gà cùng một mẹ chia sẻ cùng một tình thương trong đàn, thì môn đệ cũng sống bởi và bằng tình thương duy nhất của Thầy, nên “yêu thương nhau” vừa như một lẽ sống biết chia sẻ cho đi, vừa như một sức sống luôn nhân tăng mở rộng, và còn như một dấu hiệu sống động minh họa cho đời thánh hiến có khả năng làm chứng cho hạnh phúc niềm vui Nước Trời. Người trong nam quen gọi nữ tu là “dì phước”, nghĩa là người thích làm phước giúp đỡ kẻ khác và cũng là người gặp được hạnh phúc trong đời, nhưng người trong cuộc lại xác tín rằng mình chỉ giữ được hạnh phúc trọn vẹn khi dấn thân trong đời sống cộng đoàn, có chị có em bên nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Chị ngã em nâng, chị dâng em hiến, và cứ thế yêu thương nhau trở nên sức sống niềm vui.

3. “Hãy ra đi và mang lại hoa trái”

Thầy Giêsu là Đấng Cứu Độ và công trình đời Người là đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Khi về trời, Thầy không làm việc trực tiếp nữa, nhưng đã ủy thác cho các môn đệ lệnh truyền “đến với muôn dân”. Từ đó Giáo Hội được khai sinh, trong sức mạnh của Thánh Thần, các môn đệ lên đường truyền giáo muôn ngả và kết sinh hoa trái phong phú dọc dài lịch sử.Các chị em hôm nay, dù tiên khấn hay vĩnh khấn, cũng sẽ được phân bổ về những nơi có nhu cầu mục vụ. Đây là cuộc ra đi của người môn đệ, không lựa chọn nơi đến, không lựa chọn đối tượng phục vụ, nhưng chỉ canh cánh bên lòng ước vọng đem lại hoa trái cho mùa cứu rỗi. Khấn là điểm đến trong quá trình ơn gọi, nhưng khấn cũng là điểm tái khởi hành trong tiếng gọi ra đi để niềm vui được thênh thang.

Tóm lại, thưa cộng đoàn cũng như các chị em, ở lại trong tình yêu Chúa, rồi yêu thuơng nhau, và ra đi để kết sinh hoa trái, đó là bản ghi nhớ nhân dịp khấn dòng hôm nay.

Cuối thánh lễ, Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổng Phụ Trách Tu Đoàn dâng lời cảm tạ.

Sau thánh lễ các linh mục đồng tế, các tu sĩ nam nữ và các thân nhân khấn sinh chia sẻ bữa tiệc chung vui với Tu Đoàn.

Ngày hôm qua 03.12, tại nguyện đường này, Tu Đoàn cũng đã cử hành thánh lễ cho các Nữ Tu khấn lại và cho 11 Nữ tu vào nhà tập và 13 Nữ tu vào lớp tiền tập.

Trong Tông Thư Năm về Đời Sống Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn rằng “nơi nào có các tu sĩ thì nơi đó có niềm vui ”. Cầu chúc các tân khấn sinh tràn đầy niềm vui Tin Mừng để nhiệt thành sống sứ vụ theo linh đạo Tu đoàn “Tin Mừng cho người nghèo”.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cổ phần hóa đảng CSVN để giữ nước
Phạm Trần
17:13 04/12/2014
CỔ PHẦN HÓA ĐẢNG CSVN ĐỂ GIỮ NƯỚC

Trong thương trường, một Công ty làm ăn thua lỗ thì chỉ có 2 cách giải quyết : (1) Đóng cửa và bán máy móc, phương tiện để gỡ vốn được phần nào hay phấn nấy. 2) Nếu vì Ban Giám đốc điều hành kém là nguyên nhân Công ty không phát triển được dù hàng làm ra vẫn thu hút khách hàng thì phải tìm người thay thế có phương án kinh doanh tốt hơn.

Nhưng trong chính trị thì không làm được như thế. Đảng cầm quyền không có quyền bán tài sản của dân để “gỡ vốn” cho mình. Những người cầm quyền điều hành việc nước không có quốc sách an cư lạc nghiệp cho dân và khi bị dân bất tín nhiệm thì phải biết tự trọng để tự giải thể trả lại quyền cai trị cho dân quyết định qua bầu cử tự do giữa các đảng chính trị.

Nhưng nếu chính phủ bị chống đối cứ ngoan cố tìm mọi cách ngồi lại, bất chấp quyền lợi của dân thì sẽ bị nhân dân lật đổ bằng bạo lực hay bất bạo động.

Đó là luật tự nhiên và công bằng trong một nước có dân chủ pháp trị chứ không phải nói có pháp quyền mà luật pháp chỉ áp dụng cho người bị cai trị còn kẻ thi hành luật thì không.

Vì vậy, một Chính phủ được thành lập sau bạo động hay bất bạo động sẽ rất khó tồn tại nếu những người cầm quyền biến thành một tập thể độc tài và bất lực hơn chính phủ bị thay thế.

Rất tiếc tiến trình thay đổi dân chủ này không bao giờ diễn ra ở một nước chỉ có một đảng độc tài cai trị, nhất là “độc tài Cộng sản”. Vì vậy mà người dân đã phải đứng lên làm cách mạng như đã diễn ra ở Ai Cập và Libya, và trước đó ở các nước Xã hội chủ nghĩa Cộng sản Đông Âu và Liên bang Sô Viết từ 1989 đến 1991 khiến Thế giới Cộng sản tan vỡ.

Từ 1992 cho đến bây giờ (2014), trên Thế giới chỉ còn lại 4 Nhà nước độc tài Cộng sản chủ nghĩa gồm Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn.

Cuba và Bắc Hàn không thể nào so sánh như hai nước Trung Hoa và Việt Nam vì bị hạn chế phát triển bởi nhiều lệnh cấm vận của Mỹ (đối với Cuba) và của Liên Hiệp Quốc với Bắc Hàn về kế họach chế tạo bom nguyên tử của Bình Nhưỡng (Pyongyang).

Đối với Trung Quốc, chính sách cải cách tập trung vào nới rộng dân chủ trong nội bộ đảng cầm quyền và mở cửa hợp tác kinh tế với Thế giới theo đường lối mới gọi là “Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”.

Chủ trương này được coi như một cách thực hiện chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông theo lối riêng của Trung Quốc để vươn lên tầm cao mới trong thời đạn điện tóan và quan hệ tòan cầu.

Đó là một nền kinh tế mở để từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo mô hình Liên Xô sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường trong khi vẫn duy trì thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Chế độ này được gọi bằng tên "Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc", là một loại kinh tế hỗn hợp. Các cải cách quyết liệt từ những năm 1978 đã giúp hàng triệu người thoátnghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 53% dân số năm 1981 xuống còn 8% vào năm 2001.”

“Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã chuyển đổi từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán đến từng hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng quyền tự chủ của các quan chức địa phương và các thủ trưởng nhà máy, cho phép sự phát triển đa dạng của doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp nhẹ và mở cửa nền kinh tế để tăng ngoại hối và đầu tư nước ngoài.” (theo Bách Khoa tòan thư mở)

Đường lối này dựa theo sáng kiến tiên phong của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ở thập niên 70, sau đó được kế thừa liện tục bởi các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình (từ 2012) để xây dựng Trung Quốc thành Quốc gia : 1)đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. 2) đại diện nền văn hóa tiên tiến. 3) đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc.

Thuyết “3 Đại diện” của Giang Trạch Dân được Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 16 chấp thuận làm cơ sở đổi mới mạnh mẽ để tiến tới “xây dựng xã hội khá giả toàn diện” thời Hồ Cẩm Đào, và từ ngày 15/11/2012 tiến đến “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình.

Trong “giấc mơ Trung Quốc” , cốt lõi là phải do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo nhằm đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc kinh tế và quân sự ngang hàng với Mỹ, nếu không thể trội hơn để chi phối quyền lực trên Thế giới, đặc biệt ở Á Châu-Thái Bình Dương.

TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM

Vậy đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) có học mót theo Trung Quốc để “đổi mới” thoát chết từ năm 1986 thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ?

Khi đưa ra chiêu bài làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, để “qúa độ lên Xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa chưa từng có nước nào trải qua” , đảng CSVN đã không đánh lừa được ai vì “kinh tế thị trường” không thể nào sống chung được với “xã hội chủ nghĩa”, hay Cộng sản cũng thế.

Cũng giống như Bắc Kinh nói “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” để che dấu Tư bản hóa nền kinh tế thì Hà Nội làm kinh tế theo Tư bản Chủ nghĩa nhưng lại nói theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để Nhà nước tiếp tục nắm quyền đề ra chính sách, thi hành và kiểm soát từ trên xuống dưới.

Cương lĩnh đảng năm 1991 về “Xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa” được bổ sung, phát triền năm 2011 viết: “ Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất…..”

Vì chính sách ấm ớ hội tề, nữa giăng nửa đèn này mà sau 28 năm “đổi mới”, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu ( E.U., the European Union) vẫn chưa nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường tự do, công bằng và trong sáng.

Cũng chính vì Nhà nước cứ kiên định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” và phải “quản lý nền kinh tế, định hướng và điều tiết thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” nên kinh tế tư nhân không sao phát triển được.

HẬU QỦA NÓI KHÔNG LÀM

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 tổ chức ở Ninh Bình từ ngày 26/09/2014, các chuyên gia kinh tê hàng đầu của Việt Nam đã công khai chỉ trích chính sách được gọi là “tái cơ cấu nền kinh tế” thực hiện từ 3 năm qua.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng băn khoăn từ năm 2013 tại sao “vấn đề quan trọng sống còn, cấp bách như tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, được thảo luận khoa học rất nhiều, được dành quyết tâm cao ít thấy mà mãi không triển khai được, vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục” ?

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam thì Ông Thiên đã không ngại “chỉ ra một trong các nguyên nhân là tái cơ cấu chắc chắn sẽ đụng chạm mạnh đến các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, sự “va đụng” này cũng chưa được nghiên cứu sâu để có các chính sách ứng xử, đối phó để vượt qua một cách thích hợp.”

Ông nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu : “ Quá trình tái cơ cấu khu vực này từ 2011 tới nay hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.”

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nói rằng : “ Xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên ba trụ cột (là thị trường, nhà nước và xã hội), coi đây như tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế.”

Tuy nhiên khi nói đến “kinh tế thị trường” là nói đến phải minh bạch, không được thiên vị và bao che cho các Doanh nghiệp Nhà nước được hưởng các quyền lợi ưu tiên và không công bằng mà phải bình đẳng với các Doanh nghiệp tư nhân hay đầu tư từ nước ngòai. Việc làm này liên quan đến việc phải chặt đứt các đầu mối tham nhũng của các nhóm lợi ích trong đảng.

Vì Chính phủ cứ nói “tái cơ cấu” trên giấy và bằng nước bọt nên nhiều Doanh nghiệp Nhà nước, tuy tiếp tục thua lỗ và nợ chồng chất vẫn tồn tại và được ngân sách nhà nước nuôi dưỡng.

Đó là lý do tại sao Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) đã báo cáo : “ Trong 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỉ đô la Mỹ, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.”

Báo cáo cho biết: “ Từ đầu năm nay đến ngày 20-9, cả nước có 1.152 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,63 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có 418 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỉ đô la Mỹ, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.” (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Trong khi đó, theo Báo Đầu Tư Việt Nam ngày 30/09/2014 thì : “

Trong 9 tháng đầu năm, vẫn có khoảng 48.330 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 408.150 tỷ đồng, gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.”

Tổng cục Thống kê cũng đã báo cáo : “ Trong năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Một lượng lớn trong số này là các doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý (40.116 đơn vị), tăng 9% so với năm 2012. Số doanh nghiệp đã giải thể và đăng ký ngừng hoạt động cũng tiếp tục tăng, lần lượt đạt 9.818 và 10.803 đơn vị.”

Lý do nhiều Doanh nghiệp phải đóng cửa vì hàng làm ra không cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường qua các ngõ chính thức hay buôn lậu qua biên giới.

Hậu qủa là số tiền vay Ngân hàng của xí nghiệp đóng cửa biến thành món nợ khổng lồ được gọi là “nợ xấu”. Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 27-09-2014 thì :” Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2014 là 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.

Lý giải nguyên nhân nợ xấu gia tăng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vì vậy khi tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên.”

Ngòai “nợ xấu”, người dân Việt Nam phải đai lưng ra làm trả nợ cho các khỏan tiến vay trong nước và vay nước ngòai, được gọi là “nợ công” của Nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở. Khỏan tiền này, đến cuối năm 2014 được ước tính mỗi người dân Việt Nam trong dân số trên 90 triệu người phải mỗi người gánh ngót 1,000 Dollars.

TÒAN BÁNH VẼ

Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế (Quốc hội) Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo sáng ngày 1/10 (2014) về kết quả của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2013: “ Các cân đối lớn của nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng được duy trì, tỷ trọng các ngành nông nghiệp giảm xuống trong khi công nghiệp dịch vụ tăng lên, giá tiêu dùng được giữ ở mức thấp. Cán cân thương mại cũng được cải thiện đáng kể khi xuất siêu năm 2012 đạt 780 triệu USD và lên 1,7 tỷ USD sau tám tháng đầu năm 2014…

Tuy vậy, đoàn giám sát nhìn nhận quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt được theo chỉ tiêu Quốc hội (khoảng 5,8% so với kế hoạch đề ra từ 6,5-7%), bội chi ngân sách vẫn còn ở mức cao, nợ công so với GDP tiếp tục tăng , thị trường vốn chưa phát triển.

Cả 3 khâu trọng yếu của tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng kết quả chưa như mong đợi. Đầu tư công chưa thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài để sinh lời. Nhiều dự án phải đình hoãn cắt giảm do khó khăn trong cân đối. Nhiều bộ ngành, địa phương vẫn ứng vốn vượt kế hoạch, chấp hành các nguyên tắc phân bổ vốn ở nhiều nơi chưa nghiêm túc.”

Trong khi đó Nghị quyết về Kinh tế của Quốc hội ngày 28/11 (2014) còn xác nhận :”Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo nhận định của Quốc hội là chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Việc phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới.

Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm.” (Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Vậy mà ở Việt Nam trong những ngày tháng 11 cuối năm 2014, đội ngũ “trí thức của Đảng” của 2 Tổ chức Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo vẫn tập trung từ cả nước về Trụ sở của Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận hàng đầu của đảng, để gọi là Hội thảo khoa học: Về một số quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Họ vẫn nhởn nhơ ca tụng để mổ xẻ những thành tựu của Cương lĩnh đảng đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Qủa quyết như thế là đã mắc bệnh qúang gà hết trọi. Bằng chứng ai cũng biết ở Việt Nam đến cuối năm 2014, sau gần 40 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) Việt Nam vẫn chưa có “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ.”

Nếu có Giàu chăng là lớp Lãnh đạo có chức có quyền và các nhóm lợi ích trong đảng, trong hệ thống cần quyền.

Nước có Mạnh hay không thì cứ việc ra Biển Đông sẽ thấy người bạn láng giềng gian manh Trung Quốc đã làm gì ở Hòang Sa và Trường Sa để suy gẫm xem lời tuyên bố 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khôi hài và yếu kém đến mấy ngàn cân ?

Còn về Dân chủ ư ? Hãy hỏi đảng hay dân đang làm chủ đất nước mà nhiều người dân muốn nói cũng không được nói ? Hễ mở mồm ra nói điều trái ý đảng là bị bịt miệng, bắt còng vào tù ngay, dựa theo các Điều 79, 88 và 258 Luật hình sự mơ hồ, tùy tiện và độc tài coi dân như cọng cỏ nhánh rơm ?

Nói về Công bằng thì chỉ có “xin cho” mà không được “đòi” theo Luật và Hiến pháp đã quy định. Còn chuyện Văn minh thì ôi thôi, dân Việt Nam bây giờ còn thua cả dân nước láng giềng Cao Miên vì Chính phủ và Hòang gia Cao Miên, từng bị liệt vào hàng chậm tiến, lạc hậu và bần cùng, còn biết tôn trọng quyền con người và có tự do hoạt động chính trị, lập hội, ra báo tư nhân hơn cả “đàn anh” CSVN !

Cuối cùng là chuyện khôi hài “nhân dân làm chủ”, nhưng vẫn phải để cho “Nhà nước qủan lý” giúp như chuyện cười ra nước mắt ghi trong Điều 53, Hiến pháp năm 2013: “ Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Nhưng ai đã cho Đảng cái quyền “quản lý” này ? Đảng đã “tự biên tự diễn” mà vẫn khoe “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” thì chỉ có ở Việt Nam Cộng sản mới nhiêu khê như thế.

Như vậy thì Đảng CSVN có còn được dân tin cậy nữa không ? Câu nói để đời của ông Hồ Chí Minh “không gì qúy hơn độc lập tự do” có giá trị gì nữa ở Thế kỷ 21 hay nên giấu vào khu tăm tối nào đó ở Viện Lịch sử đảng cho nó yên thân ?

Thiết nghĩ, vào thời điểm chuẩn bị cho Đại hội đảng XII năm 2016, các Nhà tư tưởng hàng đầu của đảng, thay vì họp hành bàn thảo huyên thuyên hãy nghiêm chỉnh chắp tay khấn Chúa, vái Phật và các đấng Tổ tiên linh thiêng soi sáng tìm cho câu trả lời về lời tuyên bố để đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng : “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa ?”

Nếu không tìm ra thì cũng nên xét xem liệu đã đến lúc cần “cổ phần hoá đảng Cộng sản” chưa để cứu Việt Nam ra khỏi vũng bùn lý luận cù nhầy “quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là sự quá độ chưa từng có nước nào trải qua” hay cứ “giữ nguyên trạng” như ở Biển Đông với Trung Quốc để được sống mà như cá nằm trên thớt ? -/-

Phạm Trần

(12/014)
 
Văn Hóa
Những câu chuyện mùa Giáng Sinh: câu chuyện hay nhất.
Trần Mạnh Trác
21:46 04/12/2014

Mùa Giáng sinh là muà cuả những câu chuyên hay nhất trên đời. Từ 2000 năm nay, thế giới Kitô Giáo đã sản xuất ra hàng ngàn câu chuyện như thế, thật có, tưởng tượng cũng có, mà phản ảnh đời sống xã hội cũng có.

Câu chuyện hay nhất dĩ nhiên cũng là câu chuyện đầu tiên: chuyện do một vị thầy thuốc có tên là Luca, viết theo lời cuả bà Maria, kể lại rằng (Luke 2: 1-20) một hài nhi đã được sinh ra trong cảnh khốn cùng, không nơi trú ẩn, bị đặt trong máng cỏ với bò lừa ở một làng có tên là Belem ở xứ Palestina cách đây 2000 năm trước. Nhưng chính hài nhi đó lại là đấng cứu tinh cuả nhân loại, mang lại niềm hy vọng cho muôn dân muôn đời.

Để cảm nghiệm cái tinh tuý cuả câu chuyện trên, không cách gì hơn là phải tìm đến hang Belem, trong thể chất hay tinh thần, và sống lại những giây phút linh thiêng cuả lúc mà Trời và Đất được giao hoà cùng nhau.

Còn sau đây là những câu chuyện khác, lấy cảm hứng từ câu chuyện nguyên thủy trên, ghi lại cuộc hành trình sống động cuả người đời ở nhiều nơi, nhiều thế hệ. Một hành trình đi tìm tình yêu và niềm hy vọng đã được hưá ban cho.



Câu chuyện số 1. Món Quà cuả nhà Đạo Sĩ (The Gift of the Magi ) - nguyên tác O. Henry

O. Henry là bút hiệu của William Sydney Porter, một văn sĩ Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ 19 và đầu 20 (11 Tháng 9 năm 1862 - 05 tháng Sáu năm 1910). Những chuyện ngắn cuả ông thường mô tả cuộc sống cuả lớp lao động nghèo, có một lối hành văn dí dỏm và thích chơi chữ, nội dung ấm áp và thường kết thúc một cách bất ngờ và tài tình. Câu chuyện 'Món Quà cuả nhà Đạo Sĩ' là một trong những chuyện ca tụng tình yêu vị tha nổi tiếng nhất. Câu chuyện xoay quanh những món quà Giáng Sinh, quí giá giống như vàng, nhũ hương và mộc dược mà những nhà đạo sĩ ngày xưa đã dâng lên cho Chúa hài đồng.


Chỉ có một đô la và tám mươi bảy xu mà thôi. Sáu mươi xu là tiền 'bạc cắc' lẻ. Đó là số tiền do sự mặc cả mà có được, từng xu một, với những cửa tiệm thực phẩm, nhà hàng rau, nhà hàng thịt; Những cuộc kỳ kèo gay cấn đến nỗi gương mặt cuả những người bán hàng phải nóng bừng lên vì bị ngụ ý là có tính bủn xỉn. Della đếm đi đếm lại tới ba lần. Vẫn chỉ có một đô la và tám mươi bảy xu. Mà hôm sau lại là ngày Giáng sinh.

Rõ ràng chẳng có thể làm gì được với số tiền ít ỏi như thế, ngoài việc gục đầu xuống chiếc giường rách mát tồi tàn mà khóc rống lên. Và đó là việc Della đã làm. Rồi thì cái triết lý về cuộc đời chợt loé lên, mà toàn là nước mắt, nước mũi và một chút nụ cười, nhưng trong đó nước mũi chiếm phần ưu thế.

Trong khi người thiếu phụ trẻ dần dần thay đổi từ giai đoạn khóc lóc cho đến giai đoạn làm triết gia, mắt nàng cũng đảo quanh căn phòng một vòng. Một căn hộ có sẵn giường chiếu mà tiền thuê chỉ có 8 đô một tuần thôi. Chưa chính xác là chỗ ở cuả bọn ăn mày, nhưng chắc chắn cũng là nơi mà các nhân viên xã hội phải để ý nhòm ngó thường xuyên.

Dưới tiền sảnh cuả căn hộ là một hộp thư mà chẳng bao giờ có thư từ nào qua lại, và một cái nút chuông điện mà chẳng bao giờ có một ngón tay nào rờ tới. Bên cạnh, có một tấm thẻ đề tên "Ô. James Dillingham Young."

Gia đình "Dillingham" đã sống qua một thời kỳ 'lên voi xuống chó' đầy mỉa mai, từ lúc thịnh vượng khi gia chủ có một đồng lương cao đến $ 30 một tuần. Bây giờ, số thu giảm bớt, chỉ còn có $ 20 thôi, do đó, họ đã nghiêm túc nghĩ về việc tìm một gian hộ khiêm tốn hơn với một tấm biển chỉ viết tên giản dị bằng một chữ tắt là "D." Nhưng dù sao thì mỗi khi Ông James Dillingham Young trở về căn hộ, ông vẫn được gọi bằng một cái tên âu yếu là "Jim" và được ôm chặt bởi Bà James Dillingham Young, mà các bạn đọc đã được giới thiệu là Della. Mọi chuyện thì chỉ cần có thế là đủ tốt đẹp rồi.

Della ngừng khóc và lấy bông gòn thoa thêm phấn vào đôi má. Nàng ra đứng bên cửa sổ, thẫn thờ nhìn theo một con mèo xám đi trên một bờ rào màu xám trong một cái sân sau màu xám. Ngày mai sẽ là Giáng sinh, nhưng nàng chỉ có 1,87 $ để mua quà tặng cho Jim. Nàng đã dành dụm từng đồng xu một qua nhiều tháng trời, mà kết quả chỉ là thế này. Hai mươi đô la một tuần không là bao nhiêu. Số chi thường cao hơn điều nàng dự tính. Luôn luôn là thế. Chỉ có 1,87 $ để mua một món quà cho Jim. Anh Jim cuả nàng. Nàng đã bỏ ra hằng giờ để dự định làm một cái gì đó thật tốt đẹp. Một cái gì tốt và quý hiếm và lóng lánh như loại bạc sterling - một cái gì đó gần như là xứng đáng với cái vinh dự là được anh Jim sở hữu.

Khoảng cách ở giữa hai cửa sổ của căn phòng có ghép một giàn kíếng. Các bạn có thấy những giàn kiếng trong một căn hộ $ 8 chưa? Một người gầy và nhanh có thể nhận biết một cách khá chính xác về ngoại hình của mình bằng cách quan sát những phản chiếu nhanh chóng qua những mảnh kiếng hẹp ghép dọc bên nhau. Della, với một thân hình mảnh khảnh, đã nắm vững nghệ thuật soi gương ấy.


Đột nhiên, nàng rời khỏi cửa sổ và quay ngoắt lại tấm gương. Đôi mắt nàng sáng lên lóng lánh, nhưng khuôn mặt cũng nhợt nhạt chỉ trong vòng hai mươi giây sau đó. Nàng xả vội mái tóc ra và để buông thòng xuống.

Cho tới bây giờ, có hai vật sở hữu của gia đình James Dillingham Youngs mà họ đều rất lấy làm hãnh diện. Chiếc đồng hồ vàng của Jim đã được truyền từ đời ông nội qua đời cha. Vật sở hữu khác là mái tóc của Della. Nếu nữ hoàng Sheba mà sống trong một căn phòng đối diện, thì một ngày nào đó Della sẽ xoã mái tóc ra ngoài cửa sổ để đánh bại giá trị cuả những đồ trang sức và phẩm vật của Nữ Hoàng. Còn nếu vua Solomon là ông gác gian đang giữ tất cả báu vật trong hầm cuả căn nhà, thì Jim sẽ rút cái đồng hồ ra ngoài mỗi khi anh đi ngang, chỉ để xem ông ta phải bứt rứt đám râu cuả mình vì ghen tị.

Giờ đây mái tóc của Della đã 'gợn sóng lăn tăn' theo đường cong cuả tấm thân và chiếu óng ánh nâu vàng như một giòng suối. Mái tóc bao phủ thân thể giống như một chiếc áo choàng xuống tận đầu gối. Trong một khoảng khắc bồn chồn, nàng nâng mái tóc lên một lần nữa. Rồi tần ngần đứng yên, vài giọt lệ bỗng lăn tăn rơi trên tấm thảm màu đỏ đã cũ mòn.

Choàng lên cái áo khoác cũ; đội vội chiếc mũ cũ. Chiếc váy xoay tròn như một cơn lốc và đôi mắt lấp lánh rạng rỡ, nàng vỗ cánh bay ra khỏi cửa và lao xuống cầu thang đi ra phố.

Nàng ngưng lại trước một cửa tiệm có treo tấm biển: "Mne Sofronie, bán đủ loại tóc đẹp..." Della chạy lên lầu như bay, rồi đứng thở lấy hơi và sửa lại thân hình. Trước một Madame, béo phì, trắng bệu, lạnh lẽo, không có vẻ gì giống như cái tên "Sofronie" cả.

"Bà muốn mua tóc của tôi không?" Della hỏi.

"Tôi mua tóc," bà ta trả lời. "Bỏ mũ ra để xem nó thế nào."

Dòng suối tóc nâu chảy xuống.

"Hai mươi đô" bà ta vừa nói vừa nâng khối tóc với một bàn tay thành thạo.

"Đưa tiền cho tôi nhanh đi," Della nói.

Thế rồi, như thể được chắp thêm một đôi cánh hồng trong suốt hai giờ sau đó. Quên bẵng đi cái gương mặt nay đã rối bời. Nàng lùng khắp các cửa hàng để tìm một món quà cho Jim.

Cuối cùng thì nàng cũng tìm thấy nó. Đúng là một món quà chờ sẵn cho Jim chứ không phải cho ai khác. Không có một món nào giống như vậy ở bất kỳ cửa hàng nào, và nàng đã coi kỹ từ trong ra ngoài. Đó là một sợi dây đeo làm bằng bạch kim trông đơn giản và tao nhã, xứng đáng vì có một giá trị do chất lượng chứ không phải do sự trang trí hào nháng - là một thứ giá trị mà người ta dùng để đo lường tất cả những vật quí hiếm. Thậm chí nó còn có thể sánh đôi với 'Chiếc Đồng Hồ'. Ngay khi nhìn thấy nó, nàng biết rằng nó phải thuôc về Jim. Nó giống như anh ấy. Tĩnh lặng và đầy giá trị - là hai chữ có thể áp dụng cho cả hai nhân vật. Người ta đòi hai mươi mốt đô la, và nàng đã vội vã trở về nhà chỉ còn 87 xu trong túi. Với chiếc dây chuyền này đeo vào chiếc đồng hồ, anh Jim bây giờ có thể coi giờ bất kỳ lúc nào khi ở công ty. Vì dù cho chiếc đồng hồ có một giá trị lớn lao mặc lòng, nhưng đôi khi anh ấy vẫn phải kín đáo nhìn nó vì phải đeo nó vào một cái dây bằng da cũ thay vì vào một sợi dây chuyền.

Khi Della về đến nhà, nỗi háo hức nhường chỗ cho thận trọng và lý lẽ. Nàng lấy ra cây cuộn tóc, hơ lên bếp ga cho nóng rồi sửa lại những lượm tóc bị cắt một cách đau thương, là dấu chỉ cuả một tình yêu hào phóng. Sửa tóc luôn luôn là một công việc to lớn, thưa quí bạn - một công việc vĩ đại.

Trong vòng bốn mươi phút, chiếc đầu cuả nàng đã phủ đầy những lọn tóc nhỏ, làm cho nàng trông giống như một cậu học sinh trốn học. Nàng nhìn mình trong gương, cẩn thận và nghiêm khắc sửa lại từng chút một.

"Mong rằng anh Jim không giết tôi," nàng tự nói với mình, "trước khi anh ta xem lại lần thứ hai, chắc chắn anh ấy sẽ nói rằng tôi trông giống như một con bé trong ca đoàn Coney Island. Nhưng tôi có thể làm được gì chứ? Oh tôi có thể làm được gì! với một đồng đô la và tám mươi bảy xu ? "

Lúc 7 giờ tối, ly cà phê đã pha và cái chảo đã đặt ngay bên bếp đợi chiên món sườn nóng.

Jim không bao giờ về muộn. Della cầm sợi dây chuyền trên tay và ngồi ngay ở góc bàn gần cái cửa mà anh luôn đi vào. Sau đó, nàng nghe tiếng chân cuả anh bước lên nấc thang đầu tiên, và chỉ trong một khoảnh khắc mặt nàng chuyển sang mầu trắng nhợt. Nàng có thói quen cầu nguyện trong im lặng về những điều đơn giản hàng ngày, và lúc bấy giờ nàng đã thì thầm: "Lạy Chúa, xin khiến cho anh ấy nghĩ rằng con trông vẫn còn khá"

Cánh cửa mở, Jim bước vào và đóng cửa lại. Anh trông gầy và có một vẻ mặt rất nghiêm trọng. Tội nghiệp chàng, chỉ mới có hai mươi hai tuổi - mà đã phải gánh một gánh nặng gia đình! Anh cần có một cái áo khoác mới và đôi tay lại không có đeo găng.

Jim dừng lại bên cửa, đứng bất động như một con chó săn ngửi thấy mùi chim cút. Đôi mắt anh dán lên người Della, và có một cái nhìn mà nàng không thể hiểu, làm nàng khiếp sợ. Cái nhìn không lộ vẻ tức giận, cũng không ngạc nhiên, hay phật ý, hay kinh dị, cũng không phải cuả bất kỳ những tình cảm mà nàng đã chuẩn bị tinh thần để đối phó. Anh chỉ nhìn nàng chăm chăm với một vẻ lạ lùng.

Della rời bàn và tiến đến bên anh.

"Jim, anh yêu cuả em," nàng kêu lên, "đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc và bán nó vì em không thể sống qua mùa Giáng sinh mà không có quà cho anh. Tóc sẽ mọc lại mà - anh đừng bận tâm, anh nhé? Em phải làm điều đó. Tóc em dài nhanh lắm. Anh nói 'mừng Giáng sinh ' đi anh, chúng ta sẽ sống hạnh phúc. Anh chưa biết món quà mà em đã mua cho anh -- một món quà xinh đẹp lắm anh ơi. "

"Em đã cắt tóc rồi à?" Jim hỏi, vẻ nặng nhọc, như thể anh đã không thể nhận ra điều hiển nhiên ấy dù đã suy nghĩ rất vất vả.

"Cắt và bán nó đi rồi," Della nói. "Anh vẫn yêu em chứ, dù thế nào đi nữa phải không? Em vẫn là em dù không có mái tóc dài, phải thế không anh?"

Jim nhìn quanh căn phòng.

"Em nói rằng mái tóc cuả em mất rồi à ?" chàng trai nói, với một vẻ gần như là ngu xuẩn.

"Anh không tìm lại được nó đâu," Della nói. "Em đã bán nó rồi, như em đã nói ... Đã bán rồi, bây giờ là đêm Giáng sinh, anh phải tốt với em, vì em cho nó đi vì anh. Dù cho tóc trên đầu em không còn nữa," nàng bất ngờ noí tiếp với một giọng ngọt ngào nhưng nghiêm túc, "nhưng không ai có thể đếm được tình yêu cuả em dành cho anh. Em đi nướng sườn nhé, anh Jim?"

Jim dường như chợt bừng tỉnh. Anh ôm chặt lấy Della. Tới đây chúng ta hãy bỏ ra mười giây để coi xét lại giá trị cuả đối tượng là món quà theo một hướng nhìn khác. Tám đô la một tuần, hay một triệu một năm - sự khác biệt là gì? Một nhà toán học vẫn có thể cung cấp một câu trả lời sai đối với cái nhìn cuả một triết gia. Các nhà đạo sĩ (Magi) đã mang theo nhiều món quà giá trị, nhưng đối tượng ở đây không nằm trong số quà vật chất đó. Điều khẳng định này sẽ được bàn lại sau.

Jim lấy từ túi áo choàng ra một gói quà và ném lên bàn.

"Đừng hiểu nhầm anh, Dell à," anh ta nói, "Theo anh. Anh không nghĩ rằng một mái tóc hoặc một khuôn mặt cạo sạch hoặc một cái dầu mới gội có thể làm cho anh yêu em ít đi. Nhưng nếu em mở gói này ra thì em sẽ hiểu tại sao em đã làm cho anh bối rối một thời gian lúc ban đầu. "

Những ngón tay nõn nà nhanh nhẹn tháo gỡ những sợi dây buộc và tấm giấy bọc. Và sau đó là một tiếng thét ngây ngất của vui mừng; và ngay sau đó, than ôi! Những giọt nước mắt cuồng loạn và tiếng kêu ai oán đặc trưng cuả người phụ nữ, làm cho vị gia chủ cuả căn hộ phải lập tức huy động tất cả mọi tài năng cuả nghệ thuật an ủi có thể có được.

Vì trước mặt là một bộ kẹp tóc - một cái kẹp sau đầu và một cái cho tóc bên tai, bộ kẹp mà Della đã từng dán mắt vào cửa kính của một gian hàng ở Broadway. Bộ kẹp tóc tuyệt đẹp, bằng vỏ rùa tinh khiết, với viền nạm ngọc - màu sắc hoàn chỉnh để đi đôi với bộ tóc đẹp đã mất. Bộ kẹp tóc đắt tiền, nàng biết thế, đã làm nàng khao khát và mong mỏi nhưng không hề có chút hy vọng đạt được. Và bây giờ, chúng là cuả nàng, nhưng mái tóc dành cho các vật trang điểm đó đã không còn nữa.

Nhưng nàng vẫn ôm chúng vào lòng mình, và sau một thời gian dài thì nàng mới có thể nhìn lên với đôi mắt còn hoen lệ và một nụ cười : "Tóc em dài nhanh lắm, Jim à!"

Và rồi Della lại nhảy lên như một con mèo bị cháy lông và kêu lên, "Oh, oh!"


Jim vẫn chưa được thấy món quà của nàng. Nàng háo hức mở bàn tay ra cho chàng xem. Cái giây bằng kim loại dường như phản chiếu lấp lánh cái tinh thần tươi sáng và nhiệt thành của nàng.

"Không phải chỉ là một cái giây đeo mà thôi đâu, Jim à? Em phải bôn ba khắp mọi phố mới tìm được nó. Bây giờ anh có thể nhìn giờ hàng trăm lần một ngày. Anh đưa cho em chiếc đồng hồ của anh đi. Em muốn xem chúng hợp với nhau như thế nào. "

Thay vì làm theo lời cuà nàng, Jim ngồi phịch xuống ghế và ôm tay lên đầu rồi cười.

"Dell," anh ta nói, "chúng ta hãy để những món quà qua một bên và hãy giữ chúng một thời gian. Chúng đều quá đẹp để có thể dùng trong lúc này. Anh đã bán chiếc đồng hồ để có tiền mua kẹp cho em. Và bây giờ thì em sẽ nấu cho anh món sườn nhé. "

Các nhà đạo sĩ, như chúng ta đã từng biết, là những nhà thông thái - những người tuyệt vời - đã mang quà tặng cho Chuá hài đồng trong máng cỏ. Họ phát minh ra nghệ thuật tặng quà Giáng sinh. Là những người khôn ngoan, quà của họ cũng không nghi ngờ là những vật khôn ngoan, có thể mang đổi trong những trường hợp bị trùng lập. Nhưng ở đây tôi đã khập khiễng kể cho quí bạn trường hợp nhàm chán của hai nhân vật dại dột sống trong một căn hộ, không mấy thông minh và đã hy sinh cho nhau những báu vật quý giá nhất trong nhà. Nhưng nếu có thể nói một câu nói sau cùng dành cho những đấng khôn ngoan đương thời, thì tôi xin nói rằng trong số những người tặng quà thì hai người đó là khôn ngoan nhất. Tất cả những người cho và nhận giống như họ thì đều thuộc loại khôn ngoan nhất. Ở khắp mọi nơi họ khôn ngoan nhất. Họ là những nhà đạo sĩ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Muôn Sao Nhẩy Mừng
Lê Trị
22:18 04/12/2014
MUÔN SAO NHẨY MỪNG
Ảnh của Lê Trị
Muôn tinh tú kề vai nhau tỏa sáng,
Và cùng nhau chào đón nỗi niềm riêng:
Ave Maria
Amen.
(Jos Tú Nạc, NMS)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/11 – 04/12/2014: Chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:32 04/12/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Giáo Hoàng họp báo trên chuyến bay trở lại Rôma sau chuyến thăm Strasbourg

Chuyến viếng thăm Strasbourg, nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc hai bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, đã diễn ra rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng đã tổ chức một cuộc họp báo trên chuyến bay trở lại Rôma.

Liên quan đến thông điệp được đưa ra trong bài phát biểu của ngài, một ký giả đã hỏi liệu Đức Thánh Cha có nghĩ ngài theo khuynh hướng "dân chủ xã hội" hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: "Tôi không dám xác định bản thân mình thuộc về phe này hay phe khác. Nhưng tôi dám nói rằng điều này xuất phát từ Tin Mừng: đó là sứ điệp của Tin Mừng, là nền tảng của học thuyết Xã hội Công Giáo".

Để trả lời một câu hỏi khác, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài cảm thấy một lòng sùng kính mạnh mẽ với Thánh Giuse, và nói thêm rằng bất cứ khi nào ngài dâng lời nguyện xin thánh nhân, những lời cầu nguyện của ngài đều được nhậm lời.

Các ký giả đã chuyển hướng sang một vấn đề nghiêm trọng hơn khi hỏi Đức Thánh Cha về một cuộc điều tra lạm dụng tính dục đang diễn ra tại Granada, Tây Ban Nha. Nạn nhân đã viết một bức thư gửi cho Đức Giáo Hoàng, chia sẻ rằng anh đã bị các linh mục lạm dụng vào thời niên thiếu và các linh mục này vẫn còn hoạt động trong giáo xứ.

Đức Thánh Cha trả lời: "Tôi đã biết tin này. Bức thư gửi đến cho tôi, tôi đã đọc, tôi đã gọi điện thoại cho người đó và nói ‘Ngày mai anh phải đến gặp Đức Giám Mục’. Tôi đã viết thư cho vị giám mục yêu cầu ngài tiến hành điều tra. Tôi đã tiếp nhận tin tức ra sao? Rất đau đớn, rất buồn rầu. Nhưng sự thật là sự thật, chúng ta không thể che giấu nó".

Sau đó ngài được hỏi giờ đây ngài có cảm giác giống như là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Argentina nơi quê hương ngài không. Đức Giáo Hoàng trả lời giờ đây nó là một phần của quá khứ của ngài và của những kỷ niệm trìu mến của ngài. Khi nói đến Âu Châu, ngài cho hay rằng ngài lo lắng, và nói thêm các chính trị gia từ Cựu lục địa có thể học được rất nhiều từ các thế hệ trẻ hơn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: "Tôi đã nhìn thấy điều này, khi tôi nói chuyện với các chính trị gia trẻ ở Vatican, từ các đảng phái và các nước khác nhau. Họ nói chuyện với một cung giọng khác hướng đến giao điểm. Điều này rất có giá trị! Họ không sợ vượt ra bên ngoài và tham gia vào đối thoại, trong khi vẫn sống đúng với bản thân. Họ can đảm! Tôi nghĩ chúng ta phải bắt chước điều này dựa trên một cuộc đối thoại giữa các thế hệ".

Liên quan đến chuyến tông du của ngài tại Thổ Nhĩ Kỳ, những bách hại tôn giáo và thậm chí có thể nói thẳng ra là chủ nghĩa khủng bố đã được đề cập đến. Đức Giáo Hoàng được hỏi ngài có tin rằng có thể đối thoại với các phần tử cực đoan về tôn giáo được không.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời: "Tôi không bao giờ xem một điều gì đó là vô phương cứu vãn, không bao giờ. Có lẽ đối thoại là không thể, nhưng đừng bao giờ đóng kín cửa. Có thể là khó đấy, người ta có thể nói là gần như không thể được, nhưng cánh cửa phải luôn rộng mở".

Chuyến tông du quốc tế cuối cùng của Đức Giáo Hoàng trong năm nay sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2015, ngài sẽ bắt đầu năm mới bằng chuyến tông du Sri Lanka và Philippines vào giữa tháng Giêng.

2. Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên Hội nghị mục vụ các thành phố lớn

Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi não trạng, đối thoại với các nền văn hóa, tôn trọng lòng đạo đức bình dân và quan tâm đến người nghèo trong tiến trình mục vụ tại các thành phố lớn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 11, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về mục vụ tại các thành phố lớn. Hội nghị khởi sự giai đoạn hai và là giai đoạn chót từ hôm 24 tháng 11 vừa qua tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, sau giai đoạn thứ I từ ngày 20 đến 22 tháng 5 năm nay. Tham dự Hội nghị có các chuyên gia về xã hội học, mục vụ và thần học. Đặc biệt trong giai đoạn thứ hai này có đông đảo các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục đến từ các thành phố lớn trên thế giới. Hội nghị kết thúc ngày 25 tháng 11 vừa qua tại Vương cung thánh đường Thánh Gia, công trình của kiến trúc sư Antoni Gaudí, cũng ở thành Barcelona, và sáng 27 tháng 11, 25 Hồng Y, Tổng Giám Mục của các thành phố lớn ở 5 châu, tham dự Hội nghị, đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đã kể lại kinh nghiệm mục vụ của ngài khi còn làm Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires, Argentina, họp với 11 giáo phận lân cận thành một khu vực mục vụ với 13 triệu người.

Đức Thánh Cha đã đề nghị với các vị mục tử 4 khía cạnh trong việc mục vụ tại các thành phố lớn:

- Trước tiên là thực hiện một sự thay đổi trong não trạng mục vụ. Tại các thành phố, chúng ta cần có những “bản đồ”, những mô hình khác, giúp chúng ta điều chỉnh tư tưởng và thái độ. Ngày nay tại các thành phố lớn, chúng ta không phải là những người duy nhất sản xuất văn hóa, cũng chẳng phải là những người đứng đầu, hoặc là những người được lắng nghe nhiều nhất. Vì thế chúng ta cần thay đổi não trạng mục vụ, nhưng không rơi vào một thứ mục vụ tương đối hóa xuất phát từ tâm lý hổ thẹn hoặc nhút nhát khi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

- Thứ hai là cần đối thoại đa văn hóa, đối thoại mà không tương đối hóa, không thương lượng về căn tính Kitô của mình, nhưng muốn đi tới tâm hồn người khác, những người khác với chúng ta, để gieo vãi Tin Mừng. Cần có một thái độ chiêm niệm, không từ khước sự đóng góp của các khoa học khác nhau để biết về hiện tượng thành thị..

- Thứ ba là để ý đến lòng đạo đức của dân chúng.

- Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi nhân viên mục vụ của Giáo Hội đừng quên những người nghèo ở các thành thị. Giáo Hội không thể làm ngơ không nghe tiếng kêu của họ, và không thể chiều theo các chế độ bất công, đầy vụ lợi, tìm cách làm cho những người nghèo không được người khác nhận thấy

3. Đức Thánh Cha khuyến khích các dòng tu canh tân

Trong buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 11, dành cho 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ các Dòng tu, Đức Thánh Cha khuyến khích các tu sĩ can đảm canh tân các tập quán và cơ cấu không còn đáp ứng những điều Chúa yêu cầu ngày nay nữa.

Trong số các tham dự viên có 19 Hồng Y, Giám Mục và Bề trên tổng quyền thành viên của Bộ. Khóa họp khoáng đại này tiến hành từ ngày 25 đến 29-11-2014 về chủ đề rút từ Tin Mừng theo thánh Marco: “Rượu mới trong các bầu mới”, nhắm lắng nghe những hành trình của Thánh Linh để phân định và hướng dẫn đời sống thánh hiến trong niềm trung thành sáng tạo.

Đi từ đề tài này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “chúng ta đừng sợ từ bỏ các bầu rượu cũ, nghĩa là cần đổi mới những thói quen và cơ cấu trong đời sống Giáo Hội, cũng như trong đời sống thánh hiến, mà chúng ta nhận thấy không còn tương ứng với những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ngày nay, để mở rộng Nước Chúa trong trần thế: đó là những cơ cấu mang lại cho chúng ta một sự bảo vệ giả tạo và ảnh hưởng tiêu cực tới năng động bác ái; đó là những tập quán làm cho chúng ta xa lìa đoàn chiên mà chúng ta được sai đến và ngăn cản không cho chúng ta tiếng kêu của những người đang chờ đợi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những nhược điểm có thể gặp thấy trong đời thánh hiến ngày nay, như sự kháng cự của một số thành phần chống lại sự thay đổi, sự suy giảm sức thu hút, nhiều người bỏ tu, sự mong manh của một số hành trình đào tạo, những cơ cực vất vả vì thi hành các công tác và thừa tác vụ làm thương tổn đời sống thiêng liêng, sự khó hội nhập vào các môi trường và thế hệ khác, sự thiếu quân bình trong việc thực thi quyền bính và sử dụng của cải. Đức Thánh Cha ghi nhận sự kiện Bộ các dòng tu muốn lắng nghe các dấu hiệu của Thánh Linh đang mở ra những chân trời mới và thúc đẩy tiến vào những con gười mới, luôn khởi hành từ qui luật tối thượng là Tin Mừng và lấy hứng từ sự táo bạo sáng tạo của các vị sáng lập dòng”.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Sáng ngày 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật 30 tháng 11.

Lý do chính trong cuộc viếng thăm của ngài là để dự lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, là Giáo Hội đứng đầu trong số 15 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới.

Theo một truyền thống đã có từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mỗi năm vào ngày 29 tháng 6, Tòa Thượng Phụ Constantinople cử một đoàn đại biểu sang Vatican để mừng lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đáp lại vào ngày 30 tháng 11 là lễ thánh Anrê Tông Đồ, Tòa Thánh cử một đoàn đại biểu sang Constantinople.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Vị đầu tiên là Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6, đến thăm nước này cách đây 47 năm, tức là trong hai ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1967.

Vài nét về Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam, với gần 780 ngàn cây số vuông, và hiện có 76 triệu dân cư, trong đó 98% là tín hữu Hồi giáo gồm 68% là người Sunnit và 30% là người Shiite. Giáo Hội Công Giáo chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ với 53 ngàn người, tương đương với 0,07% thuộc 7 giáo phận với 54 giáo xứ và 13 trung tâm mục vụ khác. Nhân sự mục vụ của Công Giáo tại đây chỉ có 6 Giám Mục phụ trách 3 hạt đại diện tông tòa theo lễ nghi la tinh, với sự cộng tác của 58 linh mục, trong số này chỉ có 6 linh mục giáo phận, phần còn lại 52 vị thuộc các dòng tu. Cả nước chỉ có 7 tu huynh và 54 nữ tu, 4 chủng sinh.

Cách đây 8 năm khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thăm Thổ Nhĩ Kỳ, số linh mục giáo phận tại đây là 13 vị, như vậy, có nghĩa là số linh mục triều tại đây trong thời gian qua bị giảm mất quá một nửa! Một số linh mục và cả Giám Mục tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết và chính phủ không có biện pháp cụ thể nào nhằm chống lại hay trừng phạt những hành động thảm sát các giáo sĩ Kitô Giáo tại nước này.

Tháng Sáu năm 2010, Đức Cha Luigi Padovese, Đại Diện Tông Tòa Anatolia và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ bị chính người tài xế của ngài sát hại. Nhân chứng kể lại: khi giết Đức Cha, người tài xế đã hô lớn: “Allahu Akbar, tôi đã giết tên Satan vĩ đại nhất!”

Theo Hiệp ước hòa bình ký ở Lausanne Thụy Sĩ hồi năm 1923, các tôn giáo thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ được bình đẳng về quyền lợi như các công dân Hồi giáo khác và được hưởng các quyền tự do lương tâm, tín ngưỡng và tư tưởng, như hiến pháp quốc gia qui định. Nhưng trong thực tế, Kitô hữu vẫn còn bị kỳ thị về nhiều mặt, Giáo Hội Công Giáo vẫn không được công nhận về mặt pháp lý, và người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi Kitô giáo là đạo từ nước ngoài. Tuy Hồi Giáo không được chính thức công nhận là quốc giáo, người Thổ Nhĩ Kỳ thường coi Hồi Giáo là bản sắc dân tộc đến mức coi việc truyền giáo như một hành động xâm lược chủ quyền lãnh thổ của họ.

Năm 2001, nhà báo Ergun Poyraz, trong cuốn Sáu Tháng Bên Cạnh Các Nhà Truyền Giáo, viết rằng: “một đạo quân truyền giáo lớn đang xâm lặng đất nước ta” và cảnh cáo rằng “Lãnh thổ này đã là của người Thổ cả hàng nghìn năm nay. Giá của nó đã được trả bằng máu. Những ai mơ mộng muốn lấy lại các lãnh thổ này nên dự trù phải trả cùng một cái giá ấy”.

Sử gia Cengiz Aktar cho rằng: “không một quốc gia nào ở trong vùng, kể cả Iran, lại thuần nhất theo nghĩa Hồi Giáo như Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là một quốc gia một mầu, là mầu Hồi Giáo”.

Sau khi ra đời năm 1923, Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc trao đổi dân số với Hy Lạp để tạo ra một thứ nhất quán nhiều hơn về sắc tộc và tôn giáo. Hơn một triệu người Hy Lạp buộc phải rời Thổ Nhĩ Kỳ trong khi 300,000 người Hồi Giáo từ Hy Lạp hồi hương về Thổ.

Không phải chỉ có người Hy Lạp, người Kitô Hữu gốc Ácmêni cũng cùng chung số phận. Hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc này bị tống xuất năm 1915. Một số rất đông bị đày đến những vùng sa mạc tại Syria nơi họ bị giết hay chết vì đói khát và bệnh tật. Nhà nước Thổ luôn bác bỏ tội “diệt chủng” này nhưng một thực tế không chối cãi được là từ một dân số 2 triệu, hiện nay chỉ còn 50,000 người Ácmêni tại Thổ mà thôi.

Chính phủ Thổ cũng không thừa nhận tước hiệu Thượng Phụ Đại Kết hoặc vai trò của Đức Thượng Phụ Báctôlômêô như là nhà lãnh đạo tôn giáo quốc tế. Ngài chỉ được coi như một giám mục sở tại của một cộng đồng địa phương với số thành viên vài ngàn người. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa trường thần học Halki, là nơi duy nhất đào tạo hàng giáo sĩ của Giáo Hội Chính Thống Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 1971.

Khuynh hướng bài Kitô Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tóm tắt trong lời nhận định của Đức Thượng Phụ Báctôlômêô I với chương trình “60 Minutes” năm 2009: ngài cảm thấy như “bị đóng đinh” bởi một nhà nước muốn thấy Giáo Hội của ngài chết cho xong.

Thật thế, ngày nay phần lớn các tín hữu Kitô phải dấu Thánh Giá bên trong áo mặc. Họ không thể trưng nó ra và tự do bước trên hè phố vì sẽ gặp phản ứng ngay tức khắc. Linh mục Iulian Pista của nhà thờ chính tòa Công Giáo ở thủ đô Istanbul, nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ hôm 29 tháng 11 cho hay ngài thường xuyên phải dọn dẹp nhà thờ vì các thiếu niên Hồi Giáo thường đến phóng uế trong nhà thờ, vừa phóng uế vừa hô to 'Allahu akbar', nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng Cao Cả”. Ngài nói: “Cách họ nói câu ấy đáng sợ quá”.

Với tất cả các biện pháp tận diệt Kitô Giáo như thế, ngày nay, khi Đức Phanxicô tới Thổ Nhĩ Kỳ, ngài chứng kiến một đất nước mà chỉ cách đây 100 năm người Kitô Giáo chiếm 20% dân số, nhưng nay chỉ còn chừng 0.2%.

5. Đức Thánh Cha viếng thăm lăng Ataturk

Ngày đầu tiên trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thổ Nhĩ Kỳ được dành cho các nghi thức ngoại giao: viếng thăm lăng nhà lập quốc Thổ, thăm Tổng thống và chính quyền, gặp Phân bộ tôn giáo vụ.

Đức Thánh Cha đã tới phi trường Ankara lúc 1 giờ trưa sau 3 giờ bay từ Roma. Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được một vị Bộ trưởng đại diện chính quyền cùng với giáo quyền địa phương tiếp đón. Liền đó ngài đến viếng lăng của Mustafa Kemal Ataturk cách đó 45 cây số. Ông là nhà sáng lập và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1923 đến 1938, và thường được gọi là “Người cha già của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ”. Với chế độ Cộng hòa, Thổ Nhĩ Kỳ vĩnh biệt chế độ Vương quốc Ottoman trước kia, Hồi giáo không còn được coi là quốc giáo, Nhà Nước Thổ giữ vị thế “đời”, trung lập đối với tôn giáo, bãi bỏ chế độ Vua Hồi giáo, thay luật Coran bằng dân luật, bỏ mẫu tự Arập và thay bằng mẫu tự la tinh.

Tại lăng Ataturk, Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã được vị Chỉ Huy Trưởng binh đoàn canh giữ đón tiếp và ngài đã đặt vòng hoa màu trắng và đỏ trước mộ bằng cẩm thạch của nhà lập quốc Thổ, trước khi tiến sang sảnh đường ở nhà bên cạnh để ký tên vào sổ vàng.

Ngài viết trong sổ này: “Tôi chân thành cầu chúc cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc cầu thiên nhiên nối liền giữa hai Đại Lục, không những là ngã tư đường, nhưng còn là nơi gặp gỡ, đối thoại và sống chung thanh thản giữa những con người nam nữ thiện chí thuộc mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo”.

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Rời lăng vị lập quốc, Đức Thánh Cha đã tới phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cách đó 8 cây số, nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Dinh tổng thống này mới được khánh thành cách đây 2 năm, quen gọi là Dinh Thự trắng, thay thế phủ tổng thống cũ. Như trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, dinh mới này có 1 ngàn căn phòng, và có một Đền thờ Hồi giáo có thể chứa được tới 5 ngàn tín hữu.

Rất nhiều người, cả người nước ngoài lẫn người Thổ Nhĩ Kỳ, phê bình việc xây phủ Tổng thống nguy nga như vậy, trên một diện tích hơn 300 ngàn mét vuông, hơn cả Tòa Bạch Cung của Mỹ, điệm Kremli của Nga hoặc điện Buckingham của Anh quốc. Chi phí xây tòa nhà này lên tới 350 triệu Euro và số tiền bảo dưỡng tòa nhà này là một con số rất lớn đối với ngân sách của một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ.

Có những người viết thư khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng đừng đến đó, nhưng Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết lời yêu cầu này không thể thực hiện được vì theo nghi thức ngoại giao quốc tế: vị quốc khách phải chấp nhận nơi mình được tiếp đón và không thể lựa chọn mình sẽ được đón tiếp ở đâu trên đất nước của chủ nhà.

Tại Phủ tổng thống lúc quá 2 giờ rưỡi chiều hôm qua, giờ địa phương, đã diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức, với các đoàn quân danh dự và quốc ca, và sự giới thiệu hai phái đoàn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm nay 60 tuổi, đón tiếp Đức Thánh Cha tại cổng vào dinh. Ông nguyên là thị trưởng thành Istanbul rồi làm thủ tướng trong 11 năm trời, trước khi được bầu tổng thống ngày 28-8 năm nay.

Đức Thánh Cha và tổng thống đã giới thiệu hai phái đoàn liên hệ, trước khi hội kiến riêng trong dinh, rồi tiến ra sảnh đường trước sự hiện diện của đông đảo các giới chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và ngoại giao đoàn.

7. Diễn văn của Đức Thánh Cha với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng Thống Erdogan, Đức Thánh Cha nhắc đến vẻ đẹp, lịch sử phong phú, đầy những vết tích văn minh, và là chiếc cầu tự nhiên nối liền hai đại lục Âu Á, cũng như là phần đất quí giá đối với lịch sử Kitô giáo, Đức Thánh Cha đề cao sức sinh động, sự cần cù và quảng đại của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Đức Thánh Cha nói:

“Thật là một lý do vui mừng đối với tôi được cơ hội tiếp tục với quí vị một cuộc đối thoại thân hữu, quí chuộng và tôn trọng, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, chân phước Phaolô 6, thánh Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, cuộc đối thoại đã được chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi nhờ hoạt động của vị Khâm Sứ Tòa Thánh bấy giờ là Đức Giám Mục Angelo Giuseppe Roncalli, nay là thánh Gioan 23, và nhờ Công đồng chung Vatican 2.

Chúng ta cần một cuộc đối thoại đào sâu sự hiểu biết và với sự phân định, đề cao giá trị của bao nhiêu điều chúng ta có chung với nhau, và đồng thời giúp chúng ta cứu xét những khác biệt, với tâm hồn khôn ngoan và thanh thản, để có thể rút ra những bài học từ đó.

Cần kiên nhẫn tiếp tục thi hành quyết tâm kiến tạo một nền hòa bình vững chắc, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản gắn liền với phẩm giá con người. Nhờ con đường này, chúng ta có thể vượt thắng những thành kiến và những sợ hãi sai trái, và thay vào đó dành chỗ cho sự quý chuộng, gặp gỡ, phát triển những nghị lực tốt đẹp nhất để mưu ích cho mọi người.

Để đạt mục tiêu ấy, điều cơ bản là các công dân Hồi giáo, Do thái và Kitô giáo, - trong các qui định của luật pháp cũng như trong thực thực thi các luật ấy - được hưởng cùng những quyền và tôn trọng cùng nghĩa vụ. Như thế, họ sẽ dễ dàng nhận ra mình là anh chị em và là những người đồng hành, ngày càng tránh được những hiểu lầm và tạo điều kiện cho sự cộng tác và cảm thông. Tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, nếu được bảo đảm thực sự cho tất cả mọi người, thì sẽ kích thích sự triển nở tình thân hữu, trở thành một dấu chỉ hùng hồn về hòa bình.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Trung Đông, Âu Châu, thế giới đang chờ đợi sự triển nở ấy. Đặc biệt Trung Đông, từ quá lâu rồi là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, dường như chiến tranh này sinh ra chiến tranh khác, như thể câu trả lời duy nhất cho chiến tranh và bạo lực luôn luôn phải là một cuộc chiến tranh mới và bạo lực mới.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

“Trung Đông còn phải chịu đau khổ đến bao giờ nữa vì thiếu hòa bình? Chúng ta không thể cam chịu sự tiếp tục các cuộc xung đột như thể không thể có một sự cải tiến nào cho tình thế! Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể và luôn luôn phải canh tân lòng can đảm hòa bình! Thái độ này dẫn đến việc chân thành, kiên nhẫn và quyết liệt sử dụng mọi phương thế thương thuyết, và nhờ đó đạt tới những mục tiêu cụ thể hòa bình và phát triển lâu dài.

“Thưa Tổng Thống, để đạt tới mục tiêu cao cả và cấp thiết ấy, một đóng góp quan trọng có thể đến từ đối thoại liên tôn và liên văn hóa, để loại trừ mọi hình thức cực đoan và khủng bố, nó gây thương tổn trầm trọng cho phẩm giá của mỗi người và lạm dụng tôn giáo.

Cần chống lại trào lưu cuồng tín và cực đoan, những sự sợ hãi vô lý kích thích sự hiểu lầm và kỳ thị, bằng cách thực thi tình liên đới của tất cả những người có tín ngưỡng, với những cột trụ là tôn trọng sự sống con người, tự do tôn giáo, là tự do phụng tự và tự do sống theo luân lý đạo đức tôn giáo, cố gắng bảo đảm cho tất cả mọi người những gì cần thiết để sống xứng đáng, và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Các dân tộc và quốc gia ở Trung Đông đang cấp thiết cần điều này để có thể lượt ngược xu thế, và thi hành hữu hiệu một tiến trình bình định, nhờ sự loại bỏ chiến tranh và bạo lực, và theo đuổi đối thoại, công pháp và công lý.

Thực vậy, cho đến nay, rất tiếc là chúng ta còn chứng kiến những cuộc xung đột trầm trọng. Đặc biệt tại Syria và Iraq, bạo lực khủng bố không có dấu hiệu suy giảm. Người ta ghi nhận có sự vi phạm các luật lệ cơ bản nhất về nhân đạo đối với các tù nhân và toàn bộ các nhóm chủng tộc; chúng ta đã và còn thấy những cuộc bách hại nặng nề chống lại các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người Kitô và Yézidi, và không phải chỉ có họ mà thôi: hàng trăm ngàn người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và quê hương của họ để thoát thân và trung thành với tín ngưỡng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, khi quảng đại đón nhận một số lớn người tị nạn, đang trực tiếp chịu hậu quả của tình trạng bi thảm này ở vùng biên giới của mình, và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ luân lý phải trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc săn sóc những người tị nạn. Cùng với sự trợ giúp nhân đạo cần thiết, ta không thể dửng dưng trước những gì gây nên những thảm trạng ấy. Trong khi tái khẳng định sự hợp pháp ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính, tôi cũng muốn nhắc nhớ rằng không thể ủy thác việc giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự mà thôi.

Cần có sự dấn thân chung mạnh mẽ, dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, là cho hòa bình được lâu bền và sau cùng giúp dành những tài nguyên không phải cho việc võ trang, nhưng cho những cuộc chiến thực sự xứng đáng với con người: cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, để phát triển dài hạn và bảo tồn thiên nhiên, cứu giúp bao nhiêu hình thức nghèo đói và bị loại bỏ vẫn còn trong thế giới tân tiến ngày nay.

Do lịch sử của mình và do vị trí địa lý, cũng như vì tầm quan trọng trong miền này, Thổ Nhĩ Kỳ có một trách nhiệm lớn: những chọn lựa và gương của nước này có một giá trị đặc biệt và có thể là trợ lực lớn để tạo điều kiện cho một gặp gỡ giữa các nền văn minh và tìm ra những con đường hòa bình và tiến bộ có thể thực hiện được.

Xin Đấng Tối Cao chúc lành và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ và giúp đất nước này là người xây dựng hòa bình hữu hiệu và đầy xác tín!

8. Đức Thánh Cha gặp chủ tịch tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha còn gặp thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng tại Phủ tổng thống, rồi theo một thủ tục không hề có tại bất cứ quốc gia nào trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở của tôn giáo vụ gọi là Diyanet cách đó 10 cây số để hội kiến với giáo sư Mehmet Gormez chủ tịch của cơ quan này. Đây là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ và do chính phủ bổ nhiệm. Cơ quan tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tài phán trên tất cả các Hội đường Hồi giáo trên toàn quốc và giám sát để việc giải thích kinh Coran được phù hợp với đường hướng của Nhà Nước.

Tại trụ sở Tôn giáo vụ, Đức Thánh Cha đã được giáo sư Gormez cùng với hai đại Mufti của cộng đoàn hồi giáo ở thủ đô Ankara và thành Istanbul đón tiếp và hội kiến cùng với các Hồng Y thuộc đoàn tùy tùng và giới báo chí quốc tế.

Giáo sư Gormez năm nay 55 tuổi (1959), tốt nghiệp Hồi giáo học tại Đại học Ankara và giảng dạy tại đại học Hacettep trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ này cách đây 4 năm. Mehmet Gormez khét tiếng là một người Hồi Giáo cực đoan. Từ khi nắm giữ chức vụ này, mỗi tháng ông cho công bố một thống kê những Kitô hữu là những người ngoại quốc sinh sống trên đất Thổ đã “tìm được niềm tin Hồi Giáo”. Chẳng hạn, như thống kê hồi tháng 5 năm nay đã được thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đăng lại vào ngày 4 tháng Sáu theo đó 779 người nước ngoài đã cải đạo sang Hồi Giáo chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm bao gồm 661 Kitô hữu, đông nhất là 150 người Đức, tiếp đó là 52 người Nga. Vô phương mà biết mức độ chính xác của những con số thống kê này nhưng Gormez tỏ ra rất thích thú với cái trò nhảm nhí được nhiều người cho rằng “tự túm tóc mình để nâng mình lên” này.

Từ khi giữ chức vụ này, ông cũng nhiều lần lên tiếng tố giác trào lưu ghét bỏ Hồi giáo tại các nước tây phương, cả những vụ tấn công các Đền thờ Hồi giáo, như thường xảy ra ở Cộng hòa Liên bang Đức, nơi có hơn 4 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Hồi tháng 9 năm nay, ông đã lên tiếng cho rằng Đức Giáo Hoàng chưa làm đủ để bênh vực Hồi giáo trước làn sóng ghét bỏ và giải thích sai lầm về Hồi giáo.

Sau khi hội kiến, Đức Thánh Cha và ông chủ tịch Gormez đã tiến sang sảnh đường trước sự hiện diện của giới báo chí quốc tế.

9. Diễn văn của Đức Thánh Cha tại trụ sở Tôn giáo vụ

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông Gormez, Đức Thánh Cha nhắc đến những quan hệ tốt đẹp và cuộc đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và ngài gọi đây là một sứ điệp rõ ràng gửi đến các cộng đồng liên hệ, nói lên rằng sự tôn trọng lẫn nhau và tình thân hữu là điều có thể, mặc dù có những khác biệt. Đó là sứ điệp có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng trong thời đại khủng hoảng như ngày nay, tại một số vùng trên thế giới cuộc khủng hoảng ấy trở thành những thảm trạng thực sự cho toàn thể dân chúng. Chiến tranh, những căng thẳng và xung đột giữa các chủng tộc và tôn giáo; đói nghèo đang đè nặng trên hằng triệu người; chúng tạo nên những thiệt hại cho môi trường thiên nhiên, cho không khí, nước, và đất.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng:

Tình trạng tại Trung Đông thực là bi thảm, nhất là tại Irak và Siria. Vì một nhóm cực đoan và duy căn, toàn bộ các cộng đoàn, nhất là các tín hữu Kitô và người Yézidi, và không phải chỉ họ mà thôi, đã phải bỏ mọi sự để thoát thân và khỏi chối bỏ đức tin. Bạo lực cũng giáng xuống trên các nơi thánh, các đền đài, các biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có nghĩa vụ tố giác mọi vi phạm phẩm giá và các quyền con người. Sự sống con người, là hồng ân của Thiên Chúa Tạo Hóa, có tính chất thánh thiêng. Bạo lực dùng tôn giáo để biện minh cho hành động của mình là điều đáng bị lên án quyết liệt, vì Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa của sự sống và hòa bình. Thế giới đang chờ đợi nơi tất cả những người tôn thờ Chúa, mong họ trở thành những người hòa bình, có khả năng sống với nhau như anh chị em, mặc dù có những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa hoặc ý thức hệ.

Cần làm việc chung để tìm ra những giải pháp thích hợp. Điều này đòi có sự cộng tác của tất cả mọi phía: chính quyền, các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các đại diện của xã hội dân sự, và mọi người nam nữ thiện chí. Đặc biệt các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo. Là tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta mang theo những kho tàng tinh thần vô giá, trong đó chúng ta nhận ra những yếu tố chung, tuy được sống theo những truyền thống riêng: đó là sự tôn thờ Thiên Chúa từ bi, sự tham chiếu tổ phụ Abraham, việc cầu nguyện, làm phúc, chay tịnh - đó là những yếu tố nếu được sống chân thành, thì có thể biến đổi cuộc sống và mang lại một nền tảng vững chắc cho phẩm giá và tình huynh đệ của con người.

Sự kiện cùng nhau nhìn nhận tính chất thánh thiêng của nhân vị cũng hỗ trợ sự cảm thông chung, tình liên đới và sự trợ giúp thực sự dành cho những người đau khổ.

Sau cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng quí chuộng đối với những gì dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, dù là người Hồi giáo hay Kitô giáo, đang làm cho hàng trăm ngàn người tị nạn rời bỏ quê hương họ vì chiến tranh. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì những quan hệ tốt đẹp và sự cộng tác giữa Phân bộ Tôn giáo Diyanet và Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, như một dấu chỉ sự đối thoại chân thành để mưu ích cho tất cả mọi người, là dấu chỉ hy vọng cho một thế giới đang rất cần hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

10. Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Đền Xanh

Trong ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi sáng để viếng Đền thờ Hồi giáo, Bảo tàng viện thánh Sophia, và buổi chiều để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo, trước khi tham dự buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng Phụ Chính Thống Báctôlômêô.

Đức Thánh Cha đã đáp máy bay từ thủ đô Ankara bay tới thành phố Istanbul, một thành phố cổ kính với gần 14 triệu dân, cách thủ đô Ankara 450 cây số về hướng tây bắc và là thành phố duy nhất trên thế giới ở hai bên bờ Á châu và Âu châu.

Khi đã đến phi trường Istanbul, ngài được ông thị trưởng cùng với chính quyền và đặc biệt là Đức Thượng Phụ Báctôlômêô tiếp đón. Liền đó ngài được hướng dẫn đi viếng Đền thờ Xanh của Hồi giáo cách đó 30 cây số.

Tên chính thức của giáo đường này là “Đền thờ Sultan Ahmet”. Đây là một trong những Đền thờ quan trọng nhất của Hồi giáo ở Istanbul được vua Ahmet I xây cất cách đây 400 năm (1609-1617) để làm nơi thờ phượng quan trọng nhất trong Đế quốc Ottoman. Thường thường các Đền thờ Hồi giáo chỉ có 4 tháp, nhưng Đền thờ này là nơi duy nhất có 6 tháp, và chỉ thua Đền thờ Ka'ba ở thánh địa La Mecca bên Arập Sauđi có 7 tháp.

Tại cửa Đền thờ, Đức Thánh Cha đã được vị Đại Mufti và một Imam hướng dẫn. Tôn trọng tập tục của Hồi giáo, Đức Thánh Cha cũng cởi giầy trước khi bước vào Đền thờ. Trong cuộc viếng thăm ngài cũng có một lúc thờ lạy Chúa trong thinh lặng.

11. Đức Thánh Cha thăm Bảo tàng viện thánh Sophia

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã tới Bảo tàng viện thánh Sophia chỉ cách đó 1 cây số. Bên ngoài có hàng trăm tín hữu và dân chúng đứng chào ngài. Đây là lần đầu tiên trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ có đông dân chúng như vậy. Họ mang những biểu ngữ và hô “hoan hô Đức Giáo Hoàng” khi ngài đến trước cửa Bảo tàng viện.

Nơi đây xưa kia là Vương cung thánh đường dâng kính Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan, được hoàng đế Constantino xây cất năm 360 tại nơi trước đó là đền thờ của dân ngoại. Thánh đường hai lần bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 404 và năm 532, nên hoàng đế Giustiniano đã cho xây lại để biến thành “Vương cung thánh đường nguy nga nhất từ tạo thiên lập địa”. Hoàng đế ra lệnh thu thập trong các dinh của đế quốc những vật liệu quí giá và đá cẩm thạch đẹp nhất để xây thánh đường với 10 ngàn công nhân do 100 cai thợ điều khiển và đã hoàn thành sau gần 6 năm trời. Trong ngày khánh thành, hoàng đế Giustiniano đã thốt lên: “Hỡi vua Salomon, tôi đã qua mặt ngài rồi!”.

Khi thành Constantinople bị Đạo binh thánh giá chiếm hồi năm 1204, Đền thờ thánh Sofia bị cướp mất những đồ trang trí quí giá, và 250 năm sau đó, khi thành này bị rơi vào tay đế quốc Ottoman, vua Mohammed II đã ra lệnh biến nhà thờ này thành Đền thờ Hồi giáo. Từ năm 1935, do lệnh của tổng thống Ataturk, Đền thờ thánh Sophia được biến thành bảo tàng viện.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 đến viếng thăm Bảo tàng viện này, lần chót là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 hồi tháng 11 năm 2006.

Khi đến Bảo tàng viện, Đức Thánh Cha đã được ông tổng giám đốc tiếp đón và hướng dẫn trong cuộc viếng thăm dài nửa tiếng đồng hồ tại cựu thánh đường hùng vĩ và tráng lệ này.

12. Thánh lễ Công Giáo tại Istanbul

Lúc gần 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Nhà Thờ chính tòa Chúa Thánh Linh của Giáo Hội Công Giáo ở địa phương để cử hành thánh lễ Công Giáo đầu tiên và duy nhất cho các tín hữu trong cuộc viếng thăm tại quốc gia này. Hàng trăm tín hữu nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha tại khuôn viên thánh đường.

Nhà thờ chính tòa Chúa Thánh Linh bắt đầu được dùng làm nơi thờ phượng từ gần 170 năm nay (1846). Tại bàn thờ thánh đường này có đặt thánh tích của một số vị thánh như thánh Linô, Giáo Hoàng tử đạo liền sau thánh Phêrô (67-69). Trong dịp lễ kính Gioan Kim Khẩu, bổn mạng của hạt đại diện Tông tòa Constantinople, Đức Giáo Hoàng Lêo 13 đã tặng cho Nhà thờ chính tòa này hài cốt thánh Linô.

Tại khuôn viên Nhà thờ chính tòa có tượng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 do người Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên hồi năm 1919, khi ngài còn sống, để cám ơn nỗ lực của Đức Giáo Hoàng bênh vực các nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ nhất. Ở bệ tượng có ghi hàng chữ: “Kính tặng vị Đại Giáo Hoàng trong thảm trạng thế chiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, ân nhân của các dân tộc, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hoặc tôn giáo, như dấu chỉ biết ơn, Đông Phương”. Nhà Thờ này có thể chứa được 550 người.

Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành mang sắc thái liên nghi lễ, bằng tiếng la tinh, nhưng cũng có những lời cầu nguyện bằng tiếng Arméni, Thổ Nhĩ Kỳ, Aramaico của nghi lễ Canđê, Siriac-Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ý, Pháp, Anh và Tây Ban nha. Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 50 linh mục, trước sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Đặc biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Báctôlômêô I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Đức Thượng Phụ Ignace III Younan của Công Giáo Siria, và một số vị lãnh đạo khác của Kitô giáo như Tin Lành, Arméni Tông Truyền, cũng có mặt tại buổi lễ.

13. Buổi cầu nguyện đại kết tại Istanbul

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Toà Thượng Phụ Phanar cách đó 5 cây số để tham dự buổi cầu nguyện đại kết và hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Báctôlômêô.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết là trung tâm cao nhất của Giáo Hội Chính Thống trên toàn thế giới. Từ bao thế kỷ qua trụ sở Tòa Thượng Phụ nằm cạnh nhà thờ Thánh Sophia. Sau khi thành Costantinopole bị thất thủ vào tay người Hồi năm 1453, tòa Thượng Phụ được dời về khu phố Phanar từ năm 1601 cho tới nay.

Buổi phụng vụ đại kết đã diễn ra lúc sau 6 giờ chiều giờ địa phương. Ca đoàn hát thánh ca dẫn nhập trong khi Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phu tiến vào nhà thờ. Bài đọc trích từ chương 8 sách ngôn sứ Dacaria miêu tả viễn ảnh ơn cứu độ thời Đấng Cứu Thế.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha Đức Thượng Phụ nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha bắc một cây cầu biểu tượng nối liền Đông Tây và diễn tả tình yêu thương của Đấng chủ sự tình bác ái đối với người em, người đầu tiên đựơc Chúa gọi. Nó cũng tiếp nối các chuyến viếng thăm của các vị tiền nhiệm nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Giáo Hội. Nó là một sự kiện lịch sử chứa đựng nhiều cầu mong cho tương lai.

Từ bao thế kỷ nay đây là nơi các Thượng Phụ Đại Kết đã cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và là nơi các vi tiền nhiệm đã sống, trong số đó có thánh Gregorio Thần học gia, thánh Gioan Kim Khẩu cũng như thánh tích của thánh Basilio Cả, thánh nữ Eufemia tử đạo và các vị thánh khác. Năm nay Toà Thượng Phụ Costantinopoli kỷ niệm 10 năm biến cố Giáo Hội Roma trả lại các thánh tích cho Giáo Hội Costantinopoli. Xin các thánh giáo phụ bầu cử cho các Giáo Hội của chúng ta mau được hiệp nhất như Chúa Kitô mong mỏi.

Tiếp lời Đức Thượng Phụ Đức Thánh Cha biết ơn Đức Thượng Phụ cho phép ngài đến đây để cùng cầu nguyện với Đức Thượng Phụ và Giáo Hội Costantinopoli trong khi chờ đợi cử hành lễ kính thánh Anrê Tông Đồ. Qua lời ngôn sứ Dacaria, trong buổi cầu nguyện chiều nay Chúa lai cho chúng ta nền tảng của thái độ hướng tới ngày mai là lời hứa của Ngài, tảng đá vững vàng trên đó chúng ta có thể tiến bước với niềm vui và hy vọng: ”Này đây Ta cứu thoát dân Ta từ Đông và từ Tây ... trong trung tín và công lý” (Dc 8,7-8). Vâng, thưa người anh em Bartolomeo đáng kính và thân mến, trong khi tôi cảm ơn vì sự tiếp đón nồng hậu của người, tôi cảm thấy niềm vui lớn hơn nửa vì suối nguồn ở một nơi khác, nó không phải nơi sự dấn thân và các sức mạnh của chúng ta, nhưng nơi sự tín thác chung nơi sự trung tín của Thiên Chúa, là Đấng đặt nền cho việc tái thiết đền thánh Người là Giáo Hội. Đó là hạt giống của hòa bình hạt giống của niềm vui, mà thế giới không thể trao ban, nhưng Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ mà Đấng Phục Sinh đã ban cho họ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hai thánh Anrê và Phêrô đã lắng nghe lời hứa và nhận được ơn đó. Họ là hai anh em trong máu huyết, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã biến họ thành anh em trong đức tin và đức mến. Trong buổi chiều tươi vui này, trong lời cầu nguyện canh thức này nhất là tôi muốn nói lên điều này: là anh em trong niềm hy vọng. Thật là một ơn có thể là anh em trong niềm hy vọng của Chúa Phục sinh và thật là một trách nhiệm có thể cùng nhau bước đi trong niềm hy vọng ấy và được hai anh em thánh Anrê và Phêrô nâng đỡ!. Và biết rằng niềm hy vọng này không gây thất vọng bởi vì nó được dựa trên lòng trung thánh của Thiên Chúa chứ không phải dựa trên chúng ta và trên các sức nghèo nàn của chúng ta! Với niềm hy vọng tươi vui này tràn đầy lòng biết ơn và chờ đợi, tôi xin gửi tới Đức Thượng Phụ và mọi người hiện diện và Giáo Hội Costantinopoli lời chào thân ái huynh đệ và lời mừng lễ Thánh Bổn Mạng tươi vui.

Tiếp đến cả hai vị cùng đọc Kinh Lậy Cha bằng tiếng Latinh. Đức Thánh Cha ban phép lành bằng tiếng Latinh. Đức Thượng Phụ ban phép lành bằng tiếng Hy lạp.

Trong một cử chỉ đầy khiêm nhường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cúi đầu trước Đức Thượng Phụ và xin ngài ban phép lành cho mình.

14. Hội kiến với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô

Sau buổi phụng vụ đại kết Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đã lên lầu hai Tòa Thượng Phụ để hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến hai bên đã trao đổi quà tặng. Đức Thánh Cha đã tặng Đức Thượng Phụ một bức khảm đá mầu hình Chúa Kitô thuộc thế kỷ thứ IX, lấy từ mộ của thánh Phêrô, dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Lúc sau 7 giờ chiều Đức Thánh Cha đã rời Tòa Thượng Phụ để trở lại tòa đại điện Tòa Thánh ở Istanbul nằm cách đó 5 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

15. Đức Thánh Cha gặp gỡ Đại Rabbi Do Thái Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ

Sáng Chúa Nhật 30 tháng 11, Đức Thánh Cha đã có ba sinh hoạt tại Istanbul: là cuộc gặp gỡ Đại Rabbi Do Thái Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ Isak Hadeva, tham dự Thánh lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, Bổn Mạng Giáo Hội Chính Thống, trong nhà thờ thánh Giorgio của Tòa Thượng Phụ Costantinopole và gặp gỡ các bạn trẻ di cư tại trụ sở đại diện Tòa Thánh.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng tại trụ sở đại diện Tòa Thánh tại Istanbul. Sau đó, lúc 9 giờ Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đại Rabbi Do Thái Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ Isak Hadeva. Đại Rabbi Hadeva đã được bầu làm “Hashambashi” vào tháng 12 năm 2002. Tước hiệu “Hahambashi” nghĩa là “vị thủ lãnh khôn ngoan”.

Hiện nay cộng đoàn Do Thái tại Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 25 ngàn người và là cộng đoàn Do Thái lớn thứ hai trong một nước Hồi Giáo, sau cộng đoàn Do Thái bên Iran. Đa số tín hữu Do Thái sống tại Istanbul, nhưng cũng có một số sống tại Izmir. Đại Rabbi Isak Hadeva đã gặp Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng tại trụ sở này hồi năm 2006.

16. Lễ thánh Anrê Tông Đồ Bổn Mạng Giáo Hội Chính Thống Costantinopole

Lễ thánh Anrê Tông Đồ đã do Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô chủ sự tại nhà thờ thánh Giorgio tọa lạc ngay bên cạnh Tòa Thượng Phụ. Ngôi nhà thờ này đã có từ năm 1720. Phụng vụ kính thánh Anrê Tông Đồ đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng. Phụng vụ giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống Giáo Hội Chính Thống, vì nó diễn tả thần học. Chính nhờ thần học trong phụng vụ mà Giáo Hội Chính Thống sống còn và duy trì được căn tính của mình giữa bao nghịch cảnh của lịch sử, đặc biệt là dưới thời đế quốc Ottoman kéo dài từ năm 1453 cho tới năm 1921.

Toàn bộ Phụng Vụ đã được cử hành bằng tiếng Hy Lạp riêng kinh Lạy Cha thì do Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bằng tiếng La Tinh.

Vào cuối buổi cử hành phụng vụ Đức Thượng Phụ đã đọc diễn văn bằng tiếng Hy Lạp. Ngài nói:

Thưa Người Anh em rất thánh và rất yêu mến trong Chúa Kitô, là Phanxicô, Giám Mục của Roma Cổ Xưa. Chúng tôi vinh danh và chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi đã khiến cho chúng tôi có được niềm vui vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha năm nay trong dịp lễ kính nhớ Thánh Anrê Tông Đồ, Vị Đầu Tiên Được Gọi, Người thành lập Giáo Hội chúng tôi. Với tình yêu sâu xa và vinh dự lớn lao chúng tôi ôm hôn Đức Thánh Cha và trao ban nụ hôn của hòa bình và tình yêu: “Ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng Ngài” (Rm 1,7). “Thật thế, tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 14-15).

Đức Thượng Phụ đã nhắc tới cuộc gặp gỡ của hai người mới đây tại Giêrsuralem, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ của Đức Athenagoras và Đức Gioan Phaolô VI tại Thánh Địa. Chính nhờ cuộc gặp gỡ ấy mà dòng lịch sử đã đổi hướng các con đường song song, và đôi khi đối nghịch nhau, của các Giáo Hội. Chúng ta đã gặp nhau trong ước mơ chung tìm lại sự hiệp nhất đã đánh mất, tình yêu nguội lạnh đã được thắp sáng lên và ý chí làm tất cả những gì có thể để sự hiệp thông trong đức tin và Chén Thánh chung được tái mạnh mẽ. Từ đó mở ra con đường tiến về Emmaus, dài và đôi khi cam go, có Chúa vô hình đồng hành và tự mạc khải cho chúng ta “trong việc bẻ bánh” (Lc 24,25). Tất cả các người kế vị các vị hướng đạo được linh hứng đó đã đi trên con đường này, bằng cách thành lập, chúc lành và nâng đỡ cuộc đối thoại của tình yêu và sự thật giữa các Giáo Hội chúng ta, nhằm cất đi các chướng ngại chồng chất suốt một ngàn năm trong các tương quan giữa chúng ta, cuộc đối thoại giữa các anh em, chứ không phải một thời giữa các đối thủ, với sự chân thành, bằng cách phân phát lời chân lý, nhưng cũng tôn trọng nhau như anh em.

Sau khi nhắc đến truyền thống tốt đẹp đã có từ nhiều thập niên qua: đó là sự kiện hai Giáo Hội gửi các phái đoàn tham dự lễ Bổn Mạng của nhau tại Costantinopole và Roma, Đức Thượng Phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội của Chúa Kitô được mời gọi có cái nhìn không phải hướng tới hôm qua, nhưng hướng tới hôm nay và ngày mai. Giáo Hội hiện hữu cho thế giới và con người chứ không phải cho chính mình. Nhưng khi nhìn vào hôm nay chúng ta không khỏi âu lo cho tương lai. “Các trận chiến từ bên ngoài, lo sợ ở bên trong” (2 Cr 7,6). Nhận xét của Tông Đồ Phaolô cũng hoàn toàn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Bởi vì trong suốt thời gian chúng ta dấn thân trong các cuộc tranh cãi, thế giới sống nỗi sợ hãi sống còn và âu lo cho ngày mai. Làm sao nhân loại ngày nay bị xâu xé bởi các chia rẽ, xung đột và thù nghịch, đôi khi nhân danh Thiên Chúa, có thể sống còn được? Sự giầu có của trái đất sẽ được phân chia cách đồng đều ra sao để ngày mai nhân loại không sống kiếp nô lệ tồi tệ hơn? Các thế hệ mai sau sẽ tìm thấy hành tinh nào để ở, khi con người thời nay tham lam tàn phá nó không thương tiếc, và không thể sửa chữa được? Nhiều người ngày nay đăt hy vọng nơi khoa học. Những người khác hy vọng nơi chính trị, người khác nữa hy vọng nơi kỹ htuật. Nhưng không có ai có thể bảo đảm cho tương lai, nếu con ngưới không tiếp nhận sứ điệp của sự hòa giải, của tình yêu thương và của công lý, sứ điệp chấp nhận tha nhân, chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cả kẻ thù nữa. Giáo Hội Chúa Kitô là người đầu tiên đã giảng dậy và sống sứ điệp đó có bổn phận áp dụng trước hết cho chính mình “để thế giới tin” (Ga 17,12). Chính vì thế thôi thúc hơn bao giờ hết là con đường tiến về hiệp nhất giữa những người cùng kêu cầu danh của Đấng Vĩ Đại tạo dựng hòa bình. Chính vì thế trách nhiệm của Kitô hữu chúng ta lớn hơn trước mặt Thiên Chúa, trước nhân loại và Lịch sử.

17. Diễn từ của Đức Thánh Cha trong Phụng Vụ lễ thánh Anrê Tông Đồ Bổn Mạng Giáo Hội Chính Thống Costantinopole

Đáp lời Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires ngài đã nhiều lần tham dự lễ nghi phụng vụ của cộng đoàn Chính Thống, nhưng buổi cử hành lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, Người đầu tiên trong những kẻ được kêu gọi và là em của thánh Phêrô, Bổn Mạng Tòa Thượng Phụ Đại Kết trong nhà thờ thánh Giorgio là một ơn đặc biệt Chúa ban.

Gặp gỡ nhau, nhìn vào mặt nhau, trao đổi vòng tay ôm hôn bình an, cầu nguyện cho nhau là các chiều kích nòng cốt của con đường tiến tới chỗ tái lập sự hiệp thông trọn vẹn mà chúng ta đang hướng tới. Tất cả những điều đó đồng hành với cuộc đối thoại thần học.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Một cuộc gặp gỡ đích thật luôn luôn là một cuộc gặp gỡ giữa các bản vị con người với một tên gọi, một gương mặt, một lịch sử, chứ không phải chỉ là một đối chiếu các tư tưởng. Điều này đặc biệt đúng đối với các Kitô hữu, vì đối với chúng ta chân lý là con người của Đức Giêsu Kitô. Gương của thánh Anrê Tông Đồ, cùng với một môn đệ khác tiếp nhận lời Thầy Chí Thánh mời gọi: “Hãy đến và xem” và “ngày hôm đó họ ở lại với Người” (Ga 1,39) cho chúng ta thấy rõ ràng là cuộc sống và việc loan báo Chúa Kitô là một kinh nghiệm bản thân, một cuộc gặp gỡ biến đổi từng người chúng ta với Đấng yêu thương chúng ta và muốn cứu rỗi chúng ta.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh của Công Đồng Chung Vatican II về hiệp nhất “Unitatis redintegratio”, mở ra một con đường mới cho cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu Công Giáo và các anh em của các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô khác.

Với sắc lệnh này Giáo Hội Công Giáo thừa nhận rằng các Giáo Hội Chính Thống “có các bí tích đích thật và nhất là nhờ sức mạnh của việc kế vị các Tông Đồ, Chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể, qua đó vẫn còn hiệp nhất với chúng ta bởi các mối dây chặt chẽ” (UR 15).

Tiếp tục bài phát biểu Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc tôn trọng nguyên tắc này như điều kiện chính yếu và song phương nhằm tái lập sự hiệp thông trọn vẹn. Nó không có nghĩa là người này quy phục người khác, cũng không phải là sự thu hút, nhưng là tiếp nhận mọi ơn mà Thiên Chúa đã ban cho từng người để biểu lộ cho toàn thế giới mầu nhiệm cứu độ lớn lao mà Chúa Kitô đã thực hiện qua Chúa Thánh Thần.

“Tôi muốn bảo đảm với từng người trong anh em rằng, để đạt tới đích ước mong của sự hiệp nhất trọn vẹn, Giáo Hội Công Giáo không có ý áp đặt bất cứ đòi hỏi nào, ngoại trừ đòi hỏi tuyên xưng một đức tin chung, và rằng chúng tôi sẵn sàng, dưới ánh sáng giáo huấn của Thánh Kinh và kinh nghiệm của ngàn năm thứ nhất, cùng nhau tìm kiếm các mô thức, qua đó bảo đảm sự hiệp nhất cần thiết của Giáo Hội trong các hoàn cảnh hiện nay: điều duy nhất mà Giáo Hội Công Giáo ước mong và tôi tìm kiếm như là Giám Mục Roma, đó là một ‘Giáo Hội trong tình bác ái’, đó là sự hiệp thông với các Giáo Hội Chính Thống.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến các vấn đề của thế giới đòi hỏi các Kitô hữu phải có câu trả lời chung. Trước tiên là tiếng kêu của dân nghèo. Thứ hai là tiếng kêu của nạn nhân các vụ xung đột trong biết bao nhiêu phần đất của thế giới này. Tiếng kêu này chúng ta nghe vang lên rất rõ từ đây, vì vài quốc gia lân cận đang phải sống trong một cuộc chiến tàn khốc và vô nhân. Tiếng kêu thứ ba là tiếng kêu của giới trẻ. Rất tiếc ngày nay có biết bao người trẻ sống không hy vọng, thất bại vì không tin tưởng và chịu trận. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa thống trị, chỉ tìm niềm vui trong chiếm hữu của cải vật chất và thỏa mãn các xúc cảm nhất thời. Các thế hệ mới sẽ không bao giờ chiếm hữu được sự khôn ngoan đích thực và duy trì sống động niềm hy vọng, nếu chúng ta không có khả năng đánh giá và thông truyền cho họ một nền giáo dục nhân bản đích thực, linh hứng từ Tin Mừng và kinh nghiệm ngàn đời của Giáo Hội. Chính các người trẻ - và tôi nghĩ tới đông đảo các bạn trẻ Chính Thống, Công Giáo và Tin Lành tham dự các cuộc hội họp quốc tế do cộng đoàn đại kết Taizé tổ chức - họ xin chúng ta tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Và như thế không phải là họ không biết các khác biệt còn chia rẽ chúng ta, nhưng bởi vì họ biết nhìn xa hơn, họ có khả năng tiếp nhận điều nòng cốt đã hiệp nhất chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đã lên bao lơn Tòa Thượng Phụ và ban phép lanh cho tín hữu. Đức Thánh Cha ban phép lành bằng tiếng Latinh, Đửc Thương Phụ ban phép lành bằng tiếng Hy lạp. Rồi hai vị hôn nhau và nắm lấy tay nhau giơ lên chào tín hữu.

Hai vị đã ký vào tuyên ngôn chung khẳng định ước muốn tiếp tục cùng nhau tiến bước để vượt thắng các chướng ngại còn chia rẽ hai Giáo Hội, củng cố các nỗ lực thăng tiến sự hiệp nhất giữa mọi Kitô hữu, nhất là giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống; ủng hộ cuộc đối thoai thần học của ủy ban quốc tế do Đức Dimitrios và Đức Gioan Phaolô II thành lập cách đây 35 năm tại Fanar. Ủy ban đang thảo luận các vấn đề khó khăn nhất chia rẽ hai Giáo Hội cần được chú ý đào sâu.

Hai vị cũng bầy tỏ lo âu đối với tình hình tại Irak, Syria và toàn vùng Trung Đông, ước mong hòa bình và ổn định cũng như muốn thăng tiến giải pháp cho các xung đột qua sự đối thoại và hòa giải. Đức Thánh Cha và vài thành viên đoàn tùy tùng đã cùng với Đức Thượng Phụ dùng bữa trưa trên lầu ba. Sau đó ngài trở về trụ sở đại diện Tòa Thánh nghỉ ngơi chốc lát.

18. Đức Thánh Cha gặp gỡ người trẻ tị nạn tại Istanbul

Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 30 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp 50 học sinh tỵ nạn của trung tâm Salesien trong vườn của trụ sở đại diện Tòa Thánh tại Istanbul. Các em thuộc nhiều nước vùng Trung Đông cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Phi châu, đại diện cho 600 em do các tu sĩ Don Bosco trông coi.

Đức Thánh Cha nói ngài biết các khổ đau và thiếu thốn mà những người tị nạn như các em phải chịu. Các em không chỉ mất mát vật chất, mà cả sự tự do, phải xa cách gia đình, mất đi môi trường cuộc sống và các truyền thống văn hóa và phải sống trong các điều kiện không thể chịu đựng nổi.

Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giải quyết các cuộc xung đột, và nhắc nhở cho các vị lãnh đạo chính trị biết rằng đa số dân của họ ước mong hòa bình, cả khi họ không còn sức và tiếng để nói lên điều đó. Ngài đánh giá cao các tổ chức bác ái nhân đạo, trong đó có các tổ chức Công Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, và chính quyền Thổ đã quảng đại tiếp đón và trợ giúp người ty nạn Syria và Iraq. Giáo Hội Công Giáo, qua các tu sĩ Salesien, cũng tìm cách trợ giúp và lo lắng cho việc giáo dục đào tạo người tỵ nạn khắp nơi trên thế giới.

Lúc 16 giờ 15 giờ Đức Thánh Cha đã rời trụ sở đại diện Tòa Thánh để ra phi trường đáp máy bay về Roma. Tiễn chân Đức Thánh Cha có các giới chức chính quyền đia phương, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và các Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay đã cất cánh lúc 17 giờ và Đức Thánh Cha đã về tới phi trường Caimpino sau 2 giờ 40 phút bay, kết thúc ba ngày viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc họp báo trên máy bay chiều ngày 30-11-2014 ĐTC đã trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí và minh định ý nghĩa một số cử chỉ của ngài tại Thổ nhĩ kỳ.

19. Cuộc họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Roma

Trong chuyến bay dài 2 giờ 40 phút từ Istanbul về Roma, như thường lệ Đức Thánh Cha đã mở cuộc họp báo với sự tham dự của 65 ký giả quốc tế tháp tùng ngài.

Trong phần trả lời, trước tiên Đức Thánh Cha nói về sự não trạng Hồi Giáo. Ngài nói:

“Người ta phải nói thành thực rằng không phải mọi tín hữu đạo Hồi là những kẻ khủng bố, cũng như không thể nói mọi Kitô hữu là những người cực đoan, chỉ vì trong Kitô giáo có một vài người cực đoan. Trong mọi tôn giáo đều có những nhóm nhỏ như vậy! Tôi đã nói với Tổng thống Erdogan: ‘Thật là điều tốt đẹp nếu tất cả các vị lãnh đạo Hồi giáo - dù là lãnh đạo chính trị, tôn giáo hay các học giả - đều nói rõ ràng và lên án những vụ khủng bố với danh nghĩa Hồi giáo, vì việc nói rõ ràng như thế và lên án những hành vi khủng bố sẽ giúp đại đa số dân Hồi giáo.. Tất cả chúng ta đều cần một sự lên án của toàn thế giới, cả những người Hồi giáo nữa, chống lại những hành vi khủng bố”.

Về điều gọi là ghét bỏ Kitô hữu, Cristianofobia, tôi không muốn dùng cái từ có vẻ bọc đường như thế. Các tín hữu Kitô bị trục xuất khỏi Trung Đông. Đôi lần chúng ta đã thấy ở Iraq, ở vùng Mossul, họ phải ra đi, bỏ lại mọi sự, phải trả thuế để được bảo vệ nhưng vô ích.. Và có khi họ bị trục xuất một cách khéo léo hơn, với những găng tay trắng như tại một số nước.

Về ý nghĩa sự kiện ngài giữ thinh lặng cầu nguyện 2 phút đồng hồ khi viếng Đền thờ Xanh của Hồi Giáo sáng thứ Bẩy 29 tháng 11, Đức Thánh Cha đáp: “Tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ như một người hành hương, chứ không phải như một du khách. Tôi đến đó với lý do chính là mừng lễ thánh Anrê Tông đồ và chia sẻ với Đức Thượng Phụ Bartolomeo. Nhưng khi tôi đến Đền thờ Hồi giáo, tôi không thể nào tự nhủ: ‘A, bây giờ tôi là du khách!’. Tôi đã viếng Đền thờ tuyệt vời, và khi vị Mufti giải thích cho tôi nhiều điều, một cách rất dịu dàng, cả kinh Coran, cũng nói về Mẹ Maria và Gioan Tẩy Giả, ông giải thích cho tôi mọi điều, chính lúc ấy tôi cảm thấy cần cầu nguyện. Và tôi nói: ‘Chúng ta hãy cầu nguyện một chút! và ông cũng đồng ý. Tôi đã cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho hòa bình, cho vị Mufti, cho tất cả, và cho cả tôi nữa vì tôi đang cần. Cầu nguyện cho hòa bình, xin Chúa chấm dứt chiến tranh.. Đó thực là một lúc cầu nguyện chân thành!

Trả lời về viễn tượng một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill, Đức Thánh Cha cho biết “Có lần tôi đã tỏ cho Đức Thượng Phụ biết ước muốn muốn gặp ngài và ngài cũng đồng ý. Tôi nói: “Tôi đến nơi nào Đức Thượng Phụ muốn. Đức Thượng Phụ gọi tôi và tôi sẽ đi đến đó”. Cả Đức Thượng Phụ cũng ước muốn như thế. Nhưng trong thời gian gần đây có vấn đề chiến tranh. Tôi nghiệp ngài có bao nhiêu vấn đề tại Ukaine, và việc du hành và gặp gỡ với Giáo Hoàng bị liệt xuống hàng thứ yếu. Nhưng cả hai chúng tôi đều muốn gặp nhau và tiến bước. Đức TGM Hilarion đề nghị một cuộc họp nghiên cứu với ủy ban do Đức Tổng Giám Mục ấy làm chủ tịch và bàn về vấn đề quyền tối thượng của Giáo Hoàng, vì cần tiếp tục yêu cầu mà Đức Gioan Phaolô 2 đã đưa ra: Xin hãy giúp tôi tim ra một hình thức quyền tối thượng mà chún gta có thể chấp nhận được”.