Ngày 09-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 09/11/2014
HAI CON NHÁI
N2T

Có hai con nhái vì không cẩn thận nên rơi trong thùng sữa bò, có một con nói rằng không có đường sống chắc chắn là chết, tranh luận không bao lâu thì mất hết hy vọng, chìm xuống đáy thùng.
Con nhái kia không cam tâm bỏ cuộc, tiếp tục đá động hai chân, sữa bò bị nó khuấy động mãi thì dính kết thành bơ, đợi cho bơ cứng một chút thì con nhái búng hai chân lên, nhẹ nhàng nhảy ra khỏi thùng sữa.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Chúng ta có thể ví hai con nhái như có ý chí và nhụt chí, bởi vì người có ý chí thì luôn vượt qua gian khổ; có thể ví như can đảm và nhát đảm, bởi vì người can đảm có thể đương đầu với hoàn cảnh bất lợi; có thể ví như nhẫn nại và bỏ cuộc, bởi vì người nhẫn nại thì luôn giành phần thắng sau cùng; có thể ví như yêu thương và ghen ghét, bởi vì yêu thương làm cho người ta trở thành bạn hữu của nhau; có thể ví như khiêm tốn và kiêu ngạo, bởi vì người kiêu ngạo thì chỉ phá đổ và mưu ích lợi cho cá nhân mình...
Vì kiên nhẫn và quyết tâm phấn đấu mà con nhái thứ hai đã thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng.
Người Ki-tô hữu được Đức Chúa Giê-su “trang bị” cho tất cả những gì để chiến đấu với ma quỷ và những cám dỗ của nó, đó là các bí tích và các ơn của Chúa Thánh Thần, nhưng nếu chúng ta khinh thường không dùng thì không thể trách Ngài khi cơn cám dỗ đến, hoặc nếu chúng ta cứ ngã lòng trông cậy không tin vào ơn Chúa ban cho, thì chúng ta cũng sẽ như con nhái thứ nhất: tranh luận, thất vọng và nhụt chí để rồi đám mình trong tội lỗi...
Chỉ có những ai kiên nhẫn bền đỗ đến cùng mới được cứu thoát (Mt 24, 13) .

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:44 09/11/2014
N2T

1. Nhân đức tiết chế là vì yêu mà hiểu đạo lý, nhân đức dũng cảm là vì yêu Thiên Chúa mà chấp nhận tất cả, nhân đức công chính là vì yêu mà phụng sự Thiên Chúa và chấp hành tất cả, nhân đức trí tuệ là vì yêu mà phân biệt lợi và hại.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Vạn tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:33 09/11/2014
Vạn Tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Kn 3,1-9; Rm 8, 31b-39; Mt 10, 28-33)

Chúa Nhật ngày 19/6/1988, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Dịp khai mạc Năm Thánh 2010, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam có viết : « Việc cử hành Năm Thánh trùng với ngày lễ kính 117 vị thánh Tử đạo hiển vinh của đất nước Đức Cha. Việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài sẽ giúp toàn thể dân Chúa tại Viêt Nam kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày » (Trích Sứ điệp gửi các Giám mục Việt Nam dịp Năm Thánh 2010). Thư của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐGMVN gửi cộng đoàn Dân Chúa nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tôn phong 117 Hiển Thánh Tử đạo Việt Nam có đoạn : « Đây là cơ hội giúp Dân Chúa Củng cố đức Tin qua đức Cậy nhờ đức Ái (số 1) ; Giúp cho Giáo Hội Việt Nam sống chan hòa trong tình hiệp thông và hiệp nhất (số 2) ; Thúc đẩy chúng ta hăng say hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (số 3) ; là dịp để cháu con noi gương các Ngài sống xứng đáng những người con thảo của Cha trên Trời (số 4) ».

Những gợi ý sống trên làm chúng ta nhớ lại bài giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19/6/1988 như sau : « Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, mến thương … ».

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sử liệu ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên đất Việt, tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques v.v. Ba trăm năm loan báo Tin Mừng, một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng đầy đau thương và đẫm nước mắt. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người vì tử đạo đã nằm xuống với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã viết: « Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu ».

Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài, trong hân hoan và hãnh diện. Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và cùng nhau hô vang : Vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo anh hùng.

Làm sao kể lại cho hết tất cả 117 vị Tử Đạo, 1 vị á thánh, trong số đó có 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo Dân, một phụ nữ, Thánh Anê Lê Thị Thành, mẹ sáu người con. Còn có biết bao nhiêu vị cũng đã « tử vì Đạo » mà chưa được tuyên phong, cũng được mừng kính. Các ngài thuộc đủ mọi thành phần, tuổi tác, hoàn cảnh sống : công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ v.v. Trong số đó, bao gồm cả một số những nhà truyền giáo « ngoại quốc » Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… đã đến Việt nam truyền Đạo và chết vì Đạo.

Thánh Vinh Sơn Liêm, Dòng Đaminh là người Việt Nam tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Cha thánh Anrê Trần An Dũng Lạc bị trảm quyết năm 1838. Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như: gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu lên rốn rồi cho bấc vào đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v. Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống. Bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những hình phạt man rợ và hiểm độc nhất. Tổng số 79 vị bị chặt đầu. 18 vị bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan : “Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả quyết như trên có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân xác các ngài đến ghê sợ như : tùng xẻo, lăng trì, chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng: «Đối với mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các nài cũng không chết » ( Kn 3, 2 – 4 ).

Đúng là : « Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật) ; « Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được » (Thánh Phaolô Tịnh)

Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn vĩ đại, « vì Thiên Chúa đã luyện lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu » (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được Thiên Chúa cứu rỗi.

Chúng ta, dòng giống các vị tử Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: « Trong ngày phán xét, người công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau ». (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: « Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến muôn đời » (Kn 3, 17).

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng con biết chân thành chọn lựa đi theo Chúa, trung thành làm chứng cho đức tin và nhiệt thành yêu mến Giáo Hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương, đất nước chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Vinh danh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
22:34 09/11/2014
VINH DANH CÁC THÁNH TỬ ÐẠO

Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam trên 400 năm, thì hết 300 năm, Giáo Hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức.

Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàn nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.

Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.

Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu..., lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.

Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: "Tất cả là hồng ân". Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện.

Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng. Ðó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.

Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa, Người cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các Thánh.

Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là một trang sử hùng tráng cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân... và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng. Chính cái chết của các thánh Tử đạo là một lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin...

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Ðấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Ðức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Ðấng mà mình tôn thờ là Ðức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn, không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ một bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, hay bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Giáo Hội, chà đạp chính Ðấng mà mình tôn thờ.

Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa, nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Ðức Chúa của mình!

Hiểu rất rõ điều đó, cho nên dù chỉ là đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế.

Cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.

Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.

Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các Thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công Giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Hạt giống tử đạo làm phát sinh người Kitô Hữu
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:40 09/11/2014
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mt 10, 17-25

Nói tới các Thánh Tử Đạo, chúng ta không khỏi ngạc nhiên đến lạ lùng bởi vì hàng hàng lớp các vị tử đạo trên khắp thế giới đã đổ máu đào để minh chứng cho Chúa Giêsu. Tertullien đã viết :” Chính dòng máu các Thánh Tử Đạo đã nẩy sinh Kitô hữu “. Và chúng ta cũng không thể tả xiết nỗi vui mừng khi sách Khải Huyền mô tả :” …Xuất hiện một đoàn lũ thật đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô :” Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai và chính Chiên Con đã cứu độ chúng ta “ ( Kh 7, 9-11 ). Họ là ai ? Vị Kỳ mục trả lời :” Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con “ ( Kh 7, 14 ). Họ là những người đã không tiếc gì với Chúa, đã không khước từ tình yêu dù để cứu lấy mạng sống mình. Và họ là những người đã luôn tin vào Chúa, tin vào ơn cứu độ chỉ có nơi Thập Giá của Đức Kitô.

Đọc lại lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hông khỏi bùi ngùi xúc động, bởi vì các Thánh Tử Đạo Việt Nam xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội. Họ là những người thấp bé trong xã hội. Họ là những giáo dân vì theo Chúa, nên họ đã bị bắt, bị kết án và bởi vì không chịu chối đạo, không chịu bước qua Thánh Giá, họ đã bị xử tử hình bằng nhiều cách hung bạo dã man. Họ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng quyết không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi mà chối Chúa. Họ đã trung kiên, tín thác nơi Chúa và như thánh Phaolô họ đã :” Tôi làm được mọi sự trong Đấng củng cố tôi “( Pl 4, 13 ). Họ là cụ già 80 tuổi như thánh Lê Bảo Tịnh; là một bà cụ già 62 tuổi như nữ thánh Anê Đê; như một cậu trai 14 tuổi, thánh Phaolô Bột; là một thiếu nữ 12 tuổi như cô Lucia Liễu; như Phaolô Đạm 10 tuổi; như em bé Phaolô Túc 9 tuổi. Họ là các Giám mục, các Linh mục, các Nữ tu. Họ là chủng sinh, là Ban Hành Giáo, là quan trong triều đình, là quân lính, là công chức, là y sĩ, là thương gia. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, trong Giáo Hội. Tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam dù vô danh tiểu tốt hay có chức có quyền trong Hội Thánh, có địa vị trong xã hội. Tất cả họ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có thể là tổ tiên, cha ông, những người thân thương trong gia đình chúng ta, có thể là những Kitô hữu sống trong địa phận, trong giáo xứ, giáo họ, điểm giáo của chúng ta. Họ đã sống trên quê hương, đất nước của chúng ta, đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người chúng ta. Tuy nhiên, họ đã giữ vững đức tin, thà chết chứ quyết một lòng không chối Chúa, không bỏ đạo. Họ đã nghe tiếng Chúa :” Không có Thầy các con không thể làm được gì “ ( Ga 15, 5 ) hoặc “ Ai yêu mạng sống hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta “. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã dám liều sống đức tin, làm chứng cho đức tin và chết cho đức tin, lấy máu mình làm chứng cho Thiên Chúa. Tử đạo là chọn Chúa, là chết cho Chúa. Tử đạo là sống đạo một cách sống động và làm môn đệ của Chúa. Các thánh tử đạo Việt Nam là men, là muối, là ánh sáng soi dọi đức tin cho những người khác. Nhờ các thánh tử đạo Việt Nam mà Giáo Hội Việt Nam càng ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói :” Giáo Hội Việt Nam đã phát sinh các nhân chứng, đặc biệt là các Vị Tử Đạo.Lời tiền nhân nói rất đúng : Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu. Vì do máu các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, và đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ “.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống hết mình vì đức tin. Các Ngài đã giữ đạo và sống đạo một cách hết sức anh hùng. Các Ngài đã thà chết chẳng thà bỏ Chúa. Nên, Chúa đã củng cố đức tin cho các Ngài và trước những cực hình hết sức dã man, điên dại của những kẻ bách hại, các Ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Các Ngài đã không hận thù, không gây hấn, không bạo lực; các Ngài luôn sống hiền lành và khiêm nhượng như Chúa Giêsu. Các Ngài đã sống yêu thương, trung tín và đơn sơ trước những kẻ bách hại đầy hận thù, gây hấn, dọa nạt. Các Ngài đã hiểu rõ lời Chúa :” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Các Ngài đã sống như lời một tu sĩ nói :” Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai . Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai “. Chúng ta hãy noi gương bắt chước các Ngài để làm chứng cho Chúa bằng đời sống đạo tốt, trung kiên và bền vững, luôn bám chặt và thuộc trọn về Chúa.

Trong cuộc đời có nhiều người chỉ mang danh Kitô nhưng lại sống phản Kitô. Họ sợ hãi, thỏa hiệp để được sống an nhàn. Họ quên mình là Kitô hữu. Chúa đã nói :” Không Thầy chúng con làm được gì “ hoặc như thánh Phaolô viết :” Không phải là chính tôi mà là ơn Chúa ở với tôi “( 1 Co 15, 10 ). Theo Chúa, chúng ta phải can đảm sống chứng nhân giữa đời bằng đức tin sắt đá của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con can đảm, hăng say phục vụ vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời. Xin lảm cho chúng con trở nên những chứng nhân kiên trì, những chứng nhân bất khuất không chịu đầu hàng trước những bách hại, trước những đòn vọt, trước trăm ngàn sự thử thách. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao đạo Chúa lại hay bị bách hại ?
2.Tử đạo có nghĩa gì ?
3.Tại sao lại nói máu các thánh tử đạo làm nẩy sinh các Kitô hữu ?
4.Bế quan tỏa cảng là gì ?
5.Các chiếu chỉ cấm đạo có mang lại sự hòa hợp giữa mọi người không ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhận định của ĐTC Phanxicô và Đức Bênêđíctô thứ 16 về sự sụp đổ của bức tường Berlin
Đặng Tự Do
17:03 09/11/2014
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 11 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến biến cố kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Bức tường này là biểu tượng của sự ngăn đôi thành phố và sự chia rẽ ý thức hệ của Âu Châu và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha nói: Sự sụp đổ đã xảy ra một cách bất thình lình, nhưng nó đã có thể xảy ra nhờ những dấn thân lâu dài và vất vả của biết bao nhiêu người đã đấu tranh, cầu nguyện, đau khổ, và hy sinh mạng sống của nhiều người. Trong số những người đó thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là người đã có một vai trò tác nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện để với sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi người thiện chí, một nền văn hóa gặp gỡ sẽ ngày càng được phổ biến, có khả năng đánh đổ tất cả mọi bức tường còn chia rẽ thế giới, và đừng xảy ra nữa cảnh các người vô tội bị bách hại và bị giết chết vì niềm tin và tôn giáo của họ. Ở đâu có một bức tường, là ở đó có những con tim đóng kín. Chúng ta cần các cây cầu, chứ không cần các bức tường.

Bức tường Bá Linh đã được cộng sản Đông Đức xây dựng từ ngày 16 tháng 8 năm 1961. Trước khi bức tường này được xây dựng 3.5 triệu người Đông Đức đã tìm cách vượt biên giới sang tị nạn tại Tây Đức. Sau khi bức tường dài 155km được xây dựng cho đến ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi dân chúng vùng lên xô đổ bức tường này, khoảng 5000 người đã vượt được bức tường này bất chấp 302 tháp canh, 20 công sự chiến đấu. Gần 200 người đã bị công an biên phòng cộng sản bắn chết.

Nhận định về bức tường này với tổng thống Đức hôm 8 tháng 12 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Đó là bức tường của cái chết chia cắt đất nước chúng ta trong nhiều năm. Nó quyết liệt tách con người, gia đình, hàng xóm và bạn bè. Vì vậy, đối với nhiều người, những gì xảy ra vào ngày 09 tháng 11 năm 1989 đã bất ngờ mở ra một cánh cửa mới đối với tự do. Đặc biệt là sau một đêm dài và đau đớn của bạo lực và áp bức bởi một hệ thống độc tài toàn trị. Cuối cùng, nó gây ra sự bi quan nặng nề làm trống rỗng linh hồn. Dưới chế độ độc tài cộng sản, không có hành động nào dù khốn nạn đến đâu được coi là sai trái hay vô luân. Bất cứ điều gì củng cố các mục tiêu của chế độ đều được coi là tốt, ngay cả khi nó thật là tàn bạo."
 
Trường hợp quỉ ám gia tăng vì trò chơi Cầu Cơ, theo các chuyên gia từ Vatican.
Trần Mạnh Trác
18:05 09/11/2014


Hiệp hội quốc tế của những chuyên gia về quỉ ám (International Association of Exorcists, AIE) báo động rằng các vụ quỉ ám đã đạt đến một mức độ báo động.

"Chúng ta phải dành nhiều nỗ lực hơn vào việc mục vụ khẩn cấp này để giúp đỡ cho những trường hợp bị quỉ ám đang gia tăng một cách phi thường ở khắp mọi nơi," là lời tuyên bố của bác sĩ Valter Cascioli, phát ngôn viên của AIE, sau khi hiệp hội kết thúc phiên họp thuờng niên thứ 12 tại Roma từ ngày 20 đến 25 tháng 10 vừa qua. Phiên họp qui tụ 250 giáo sĩ có năng quyền trừ quỉ và các chuyên gia và bác sĩ tâm bệnh trên khắp thế giới.



Theo ông, thì số các vị Hồng Y và Giám Mục đăng ký tham gia kỳ họp này đã tăng lên nhiều so với các năm trước bởi vì đã có những dấu hiệu cho thấy rằng hoạt động cuả ma quỉ đang gia tăng tại giáo phận nhà.

Hoạt động cuả ma quỷ gia tăng vì một số nguyên do, một là vì đức tin cuả hàng giáo dân bị suy giảm, hai là vì tính hiếu kỳ, nhiều người đã thử tham dự vào những hoạt động huyền bí (occult activity) như cầu cơ hoặc lên đồng (Ouija boards and séances.)



Cầu Cơ, mà giới trẻ ở Việt Nam thường rủ nhau chơi để so tài gan dạ với nhau, là một biến thể cuả một trò chơi huyền bí ở Mỹ goị là Ouija boards, là một sáng kiến có đăng ký do hãng Parker Brothers sản xuất. Ngày nay tập đoàn Hasbro đã mua bản quyền và Ouija là một thương hiệu độc quyền.

Thực ra việc Cầu Cơ đã có từ rất lâu ở bên Trung Hoa, Ấn Độ và thế giới Cổ Hy La. Những sử liệu thời nhà Nguyên còn ghi chép về việc dùng một bảng gỗ có vẽ nhiều dấu hiệu vô nghĩa để dùng vào công việc bói toán. Một 'con đồng' được 'nhập' sẽ chỉ vào nhiều dấu hiệu với nhau tạo nên những 'bút tự' để giải đáp những vấn nạn cuả thân chủ.

Những cách bói toán như thế đã bị nhà Thanh cấm đoán vì lý do mê tín dị đoan và sự lạm dụng cuả những đám buôn thần bán thánh.

Giới khoa học ngày nay cũng bác bỏ mọi sự huyền bí siêu nhiên cuả các trò Cầu Cơ, những cuộc nghiên cứu Tâm Lý Học đã chứng minh rằng sự chuyển động cuả con 'Cơ' (cái phím hình trái tim hay là đồng xu có lỗ ) chỉ là kết quả cuả một tình trạng gọi là hiệu ứng vô thức (ideomotor effect). Càng nhiều người tham gia thì hiệu ứng càng tăng lên. Có lẽ vì vậy mà những chỉ dẫn về Cầu Cơ thường ghi chú rằng phải có 3 người chơi thì mới nên bắt đầu, nếu không có thể sẽ bị "Tà ma ám hại'.

(Những nghiên cứu cho thấy xác xuất cuả việc Cầu Cơ là khoảng 62%. Trong khi 50% là sự may rủi bình thường, vậy thì hiệu ứng vô thức là 12%, tức là một ảnh hưởng cũng rất nhỏ mà thôi).

Tới đây, tưởng cũng xin tạm ngưng để ghi chú rằng Việt Nam là nơi duy nhất đã phát triển hình thức Cầu Cơ thành một tôn giáo: đó là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay còn được gọi là đạo Cao Đài.

Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng Đế đã dùng hình thức Cơ Bút để giáng truyền kinh sách và tổ chức tôn giáo cho họ.

Những bình luận và phê phán sau đây không có ý nhắm vào đạo Cao Đài, vốn đã chứng tỏ là một tôn giáo đáng tôn kính, mà chỉ nhắm vào những hoạt động bình dân coi việc Cầu Cơ là một trò chơi tiêu khiển như đã nói ở trên.

Nhiều thanh niên thiếu nữ đi tìm hoạt động huyền bí như thế, bắt đầu vì sự tò mò có vẻ như vô tội hoặc vì bản tính thích những sự kinh dị. Nhưng dần dà đã có nhiều người bị ám ảnh và bắt đầu đào xâu hơn vào những hoạt động phù thủy, ma quái.

Các nhà cố vấn về giới trẻ thường coi đó như là một giai đọan 'tăng trưởng bình thường.' "Đừng làm to chuyện," là lời khuyên cuả họ cho các bậc cha mẹ. "Cứ bỏ lơ qua chuyện đó thì sớm hay muộn, cháu nó sẽ lớn lên."

Tuy nhiên, bác sĩ Valter Cascioli không đồng ý như vậy. "Bất kỳ sự tham gia nào vào những điều huyền bí, dù là thụ động, vẫn có thể là một thảm họa và nên phải từ chối và tránh xa," ông nói.

"Cho dù sự khởi đầu là vì thiếu hiểu biết, nông cạn, ngu dốt hoặc tích cực tham gia do ước muốn hoặc chỉ là để xem cho biết thì..."

"Hậu quả luôn luôn là một tai họa."

Ảnh hưởng đến người tham gia bao gồm nhiều hệ lụy về vật lý, tâm lý, tinh thần và đạo đức. Kể ra là những sự lo lắng, những cơn hoảng loạn, những cơn ác mộng, những hành vi tự hủy, những suy nghĩ liên tục về cái chết... Trong một vài trường hợp nặng, hoạt động huyền bí dẫn đến việc bị quỉ ám.

"Cho dù chúng ta có biết hay không, có hiểu được hay không, cho dù việc đó là làm cho vui, một trò giải trí hoặc vì lý do nào khác, thì những tác động tàn phá cũng giống như nhau."

"Mọi người đều bị lừa và tin tưởng sai lầm rằng họ đang liên lạc được với một linh hồn của những người thân, nhưng trong thực tế họ đang đối thoại với quỉ và mời nó vào cuộc sống của họ," bác sĩ Cascioli nói tiếp.

"Cái gọi là 'Thực thể tâm linh' dấu giếm và phản bội chúng ta về danh tính thực sự của nó, nó chỉ cho chúng ta biết về những điều mà chỉ có một phần là dựa trên sự thật; do đó nó dụ dỗ chúng ta, lừa phỉnh và cố gắng xâm nhập vào chúng ta, "ông giải thích.

 

Cha Stephen Doktorczyk, một linh mục của Giáo Phận Orange, đã chữa lành và cầu nguyện cho nhiều người đang ở trên bờ vực cuả việc bị quỉ ám.

Ngài đề nghị rằng nhiệm vụ của cha mẹ khi có những đứa con bị lôi kéo vào những hoạt động huyền bí như Cầu Cơ là phải cầu nguyện bằng cách lần hạt Mân Côi và phải ngăn cản không cho chúng tham gia bất kỳ loại hoạt động huyền bí nào nữa.

"Ma quỉ là một tên rất thông minh. Nó biết du giỗ người ta bằng những thứ dường như là vô hại. Vì trong thư cuả thánh Phêrô đã viết (1 Peter 5: 8-9:) 'Kẻ thù là ma quỷ thì luôn luôn rình mò xung quanh chúng ta như sư tử rình mồi để mà ăn tươi nuốt sống. Hãy chống lại nó, và hãy kiên trì trong đức tin. "

"Tôi đã giúp cho quá nhiều những tình huống liên quan đến những người, vì ngây thơ, đã bắt đầu tìm hiểu về những điều huyền bí. Bây giờ thì họ ước ao rằng họ có thể quay trở lại quá khứ mà làm khác đi," Cha Doktorczyk nói thêm.

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, thì mọi người phải xa lánh tất cả các hình thức "bói toán" có liên quan đến việc nhờ ma quỷ, hoặc gọi hồn người chết hoặc tìm việc tiết lộ các sự kiện tương lai.

Sách Giáo Lý Công Giáo dậy về 'Bói toán và ma thuật' rằng:

-Tất cả những hình thức bói toán nhằm biết vận mệnh tương lai, đầu trái nghịch với lòng tôn kính và phó thác cho một mình Thiên Chuá. Những cách thực hành ma thuật hoặc phù thủy nhằm có một quyền hành bí ẩn đối với đồng loại, đều nghịch với đức thờ phượng.

Đoạn 2116 cuả phiên bản tiếng Anh (CCC) còn liệt kê rõ ràng những việc phải tránh là "Xem tử vi, coi chiêm tinh, xem chỉ tay, bói theo điềm hay xin xâm, dùng người ngoại cảm..."

"Một lỗi phổ biến là chúng ta tin tưởng rằng ma quỷ và các lĩnh vực huyền bí là không có thật," bác sĩ Cascioli nói; "nhưng ma quỷ là có thật, và Kinh Thánh đề cập đến nó tới 118 lần dưới những cái tên khác nhau như Satan, Ma quỉ, và hoàng tử của thế gian."
 
Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ và đạp đổ mọi bức tường chia rẽ
Linh Tiến Khải
20:46 09/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hỏa giải với nhau, huynh đệ và liên đới, trong đó không ai bị bách hại và giết chết vì niềm tin và tôn giáo của mình.

Ngài đã gióng lên lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hươmg trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô nhân ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano và kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ.

Nhắc tới ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, được truyền thống định nghĩa là ”mẹ của mọi nhà thờ trong thành Roma và trên toàn thế giới”, Đức Thánh Cha nói:

Với từ ”mẹ” người ta quy không quy chiếu về dinh thự thánh của Vương cung thánh đường cho bằng công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng tự biểu lộ trong đền thánh, bằng cách sinh hoa trái qua chức thừa tác của Giám Mục Roma, trong tất cả các cộng đoàn hiệp nhất với Giáo Hội mà người chủ sự. Vì thế, với lễ này chúng ta tuyên xưng, trong sự hiệp nhất đức tin, rằng mối dây hiệp thông mà tất cả các Giáo Hội địa phương, rải rác trên trái đất có với Giáo Hội Roma và với Giám Mục của nó, là Người kế vị thánh Phêrô.

Việc cử hành sự dâng hiến một thánh đường nhắc nhở cho chúng ta biết một sự thật nòng cốt: đền thờ vật chất làm bằng gạch là dầu chỉ của Giáo Hội sống động trong lịch sử, nghĩa là của ”đền thờ tinh thần”, mà Chúa Kitô là ”viên đá sống động, bị loài người loại bỏ nhưng được lựa chọn và qúy gía trước mặt Thiên Chúa, như tông đồ Phêr nói (x. Pr 2,4-8). Trong Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, khi nói về đền thờ, Chúa Giêsu đã vén mở một sự thật gây đảo lộn: đó là đền thờ của Thiên Chúa không phải là đền đài lám bằng gạch, nhưng là thân mình Người, được làm bằng các viên đá sống động. Nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, mỗi kitô hữu là phần ”đền thờ của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô nhắc nhớ (1 Cr 3,9). Còn hơn thế nữa, họ trở thành Giáo Hội của Thiên Chúa. Đền thờ tinh thần, Giáo Hội, cộng đoàn của những người đươc thánh hiến bởi máu Chúa Kitô và Thần Khí của Chúa phục sinh, xin từng người trong chúng ta trung thực trong cuộc sống đức tin và chứng tá, mà chúng ta phải bước đi và sống mỗi ngày. Đó là một kitô hữu, không phải bằng điều mình nói, nhưng bởi điều mình làm, bởi cung cách hành xử của mình. Sự trung thực trao ban sự sống cho chúng ta là một ơn đến từ Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải xin mỗi ngày. Giáo Hội, trong nguồn gốc sự sống và sứ mệnh của nó trong thế giới, không là gì khác hơn là một cộng đoàn được thành lập để tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ con người, một lòng tin hoạt động bác ái. Cả ngày nay nữa Giáo Hội được mời gọi là cộng đoàn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội, tuyên xưng niềm tin nơi Người với lòng khiêm tốn và can đảm và làm chứng cho niềm tin ấy trong tình bác ái. Các yếu tố cơ cấu và các tổ chức mục vụ cũng phải được hướng tới các mục tiêu chính yếu này.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự hiệp thông của tất cả mọi Giáo Hội, nghĩa là của cộng đoàn kitô dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới của thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hòa giải với nhau, huynh đệ và liên đới. Giáo Hội chính là dấu chỉ diễn tả trước nhân loại mới này, khi sống và phổ biến, với chứng tá của mình, Tin Mưng sứ điệp hy vọng và hòa giải cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử cả Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ giúp chúng ta trở thành ”nhà của Thiên Chúa” như Mẹ, là đền thờ sống động của tình yêu Người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, nhắc đến biến cố kỷ niệm 25 năm sụp đổ của bức tường Berlin, biểu tượng của sư ngăn đôi thành phố và sự chia rẽ ý thức hệ của Âu Châu và toàn thế giới, Đức Thánh Cha nói: Sự sụp đổ đã xảy ra một cách bất thình lình, nhưng nó đã có thể xảy ra nhờ dấn thận lâu dài và vất vả của biết bao nhiêu người đã đấu tranh, cầu nguyện, đau khỗ, và hy sinh mạng sống của nhiều người. Trong số những người đó thánh Gioan Phaolô II đã có một vai trò tác nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện để với sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi người thiện chí, ngày càng được phổ biến một nền văn hóa gặp gỡ, có khả năng đánh đổ tất cả mọi bức tường còn chia rẽ thế giới, và đừng xảy ra nữa cảnh các người vô tội bị bách hại và bị giết chết vì niềm tin và tôn giáo của họ. Ở đâu có một bức tường, là ở đó có con tin đóng kín. Chúng ta cần các cây cầu, chứ không cần các bức tường.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Tạ Ơn cử hành tại Italia với đề tài “Nuôi sống hành tinh. Năng lực cho sự sống”, nhắm tời cuộc triển lãm quốc tế Milano năm 2015. Ngài hiệp ý với các Giám Mục cầu mong mọi người tái dấn thân để đừng ai thiếu thực phẩậm hằng ngày, mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Ngài cũng gần gữi thế giới nông nghiệp và khích lệ các nông dân vun trồng trái đất trong tình liên đới và chừng mực. Tại Roma là Ngày giáo phận giữ gìn thụ tạo nhằm cổ võ các kiểu sống tno trọng môi sinh, tái khẳng định liên minh giữa con người, thụ tạo và Đấng Tạo Hóa. Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tam Nhật mừng kính 4 Thánh Tử Đạo Hải Dương
Giuse Khổng Hữu Nguồn
20:02 09/11/2014
HỐ NAI - Tối Chúa Nhật 09/11/2014, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, đã về chủ sự lễ bế mạc tam nhật Mừng Kính Bốn Thánh Tử Đạo Hải Dương, tại giáo xứ Hải Dương, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc.

Hình ảnh

Cùng dâng lễ với Đức Cha có Cha quản hạt Hố Nai, quý Cha trong giáo Hạt, quý Cha Dòng Thánh Thể.

Tham dự lễ có đông đảo quý tu sĩ, quý cộng đoàn phụng vụ gần xa.

Trước lễ là chương trình diễn nguyện do quý cha Dòng Thánh Thể, quý dì Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, ca sĩ Phan Đình Tùng, ca sĩ Ngọc Mai và các bạn trẻ, các bạn giáo lý viên giáo xứ Hải Dương, Trung Nghĩa, Khiết Tâm. Chương trình diễn nguyện với những điệu múa, những hoạt cảnh, những bài ca đượm thắm tinh thần truyền giáo của các thánh tử đạo năm xưa, một đức tin kiên trung theo Chúa.

Tiếp đến là cuộc rước Thánh Giá, rước sách Phúc Âm cùng đoàn đồng tế tiến bước giữa cộng đoàn, giữa tiếng hát hân hoan của ca đoàn “tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam. Tiếng lòng tha thiết, con dân nước Nam hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng, bao Đấng Anh Hùng, xưa đã thắng gian lao tòa cao chói lói trên trời hiển vinh muôn ngàn đời. Đồng thanh ta hát khen mừng, bao Đấng Anh Hùng, nay chiến thắng khải hoàn trên chốn phúc vinh sáng ngời… ”

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha giáo phận mời gọi cộng đoàn phụng vụ cùng sốt sắng tham dự thánh lễ mừng kính bốn thánh tử đạo Hải Dương hôm nay với tâm tình tạ ơn Chúa trong Năm Thánh Mừng Kim Khánh Thành Lập Giáo Phận.

Trong bài giảng, Đức Cha Giáo Phận chia sẻ với cộng đoàn về tiểu sử Bốn Thánh Tử Đạo Hải Dương: Thánh Hermosilla Vọng (Liêm), Giám mục Giáo phận Đông (nay là Hải phòng) Dòng Đaminh. Thánh Berriochoa Vinh, Giám mục Dòng Đaminh. Thánh Almato (Bình), Linh mục Dòng Đaminh. Ba Đấng chịu tử đạo ngày 01/11/1861 và Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, Kẻ giảng, Dòng Đaminh tử đạo ngày 06/12/1861. Cả 4 Vị Tử Đạo kể trên đã được Ðức Giáo hoàng Piô X tôn lên bậc Chân Phước vào ngày 20/5/1906 và được Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19/06/1988.

Đức Cha mời mọi người hãy sống noi gương các thánh tử đạo trong cuộc sống đời thường hàng ngày, trong gia đình, nơi xóm làng, trường học, công sở. Sống đức Tin bằng việc thực hành đức Cậy và đức Mến và Can đảm sống chứng nhân của Chúa trong thời đại tân tiến hôm nay.

Trước khi kết lễ, cha đại diện Dòng Thánh Thể và cộng đoàn giáo xứ Hải Dương lên dâng lời cảm ơn Đức Cha Giáo Phận, Cha Quản Hạt, Quý Cha, Quý Tu sĩ, quý cộng đoàn, quý vị chuyên viên âm thanh ánh sáng, quý vị thiện chí, quý chính quyền các cấp, các tu hội, anh chị em giáo lý viên đã cộng tác giúp cho việc tổ chức Tam Nhật Mừng Kính Bốn Thánh Tử Đạo Hải Dương được tốt đẹp.

Sau phần huấn từ của Đức Cha Giáo Phận, Cha Đaminh Bùi Văn Án, Quản Hạt Hố Nai, công bố sắc lệnh Ban Ơn Toàn Xá nhân dịp Kim Khánh Thành Lập Giáo Phận.

Nhận phép lành tòa thánh, cộng đoàn tiếp tục bước vào nhà thờ hôn kính xương bốn Thánh Tử Đạo Hải Dương.

Lạy Chúa, các thánh Tử Đạo là ân huệ Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam. Xin cho Giáo Hội Việt Nam được sống trong hòa thuận và hiệp nhất, luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị thánh Phêrô, và hăng say lo việc tông đồ, nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người. Xin cho chúng con được trung thành với Chúa ở trần gian, để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt, cùng các thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời.

Lễ Khai mạc

Chiều thứ Sáu 07/11/2014, giáo xứ Hải Dương, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc đã long trọng tổ chức khai mạc Tam Nhật mừng kính 4 Thánh Tử Đạo Hải Dương. Thánh lễ do Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo Giám mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc chủ sự, cùng dâng lễ với Ngài có Cha quản hạt Hố Nai, quý Cha dòng Đaminh, dòng Thánh Thể, quý cha trong Hạt. Dự lễ có quý Tu sĩ nam nữ, và quý cộng đoàn gần xa.

Thánh lễ được bắt đầu bằng cuộc kiệu rước 4 Thánh Tử đạo Hải Dương, hoà với tiếng kèn đồng hoành tráng, tiếng ca đoàn hát vang lời ca “dù máu của các Ngài đã có nhiều lênh láng nhưng không tanh tưởi, máu đã được phát xuất từ những trái tim chan chứa yêu thương của một tình yêu dâng hiến, dòng máu dường như đã toả hương thơm và đẹp như những cánh hoa mãi không bao giờ lụi tàn, không gây oán thù chia rẽ nhưng vực dậy lòng yêu thương, đó là những dòng máu đã minh chứng cho một tình yêu…”

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn hãy hiệp thông với Ngài dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa vì qua gương sống và qua lời bầu cử của các Ngài mà chúng ta đã lãnh nhận được đức tin, tìm được bến đỗ hạnh phúc trong ân sủng Chúa, nhất là được trở thành con cái Chúa, và để tưởng nhớ các Ngài, Thánh lễ được dâng nhằm cầu nguyện cho tất cả mọi người chúng ta.

Trong bài giảng, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn về sự hăng say và nhiệt thành của các Thánh tử đạo: khi gặp khó khăn, nguy hiểm vẫn không lùi bước; ngược lại, còn liều mạng sống mình, tìm đủ mọi cách để đi thăm viếng những người giáo dân. Trong tình yêu Đức Kitô thúc bách, các Ngài đã ra đi, và cuối cùng đã được ở lại trong tình yêu Chúa. Và để mời gọi, Đức Cha đã trích dẫn cho cộng đoàn nghe một câu chuyện về lương tâm… Qua câu chuyện, Ngài cho rằng “lương tâm là vô giá”, và nó dạy cho con người biết điều lành điều dữ, làm lành và tránh dữ, dạy cho mỗi người phải luôn biết hy sinh vì người khác, biết nghe tiếng Chúa gọi và biết cảm nghiệm trong tình yêu Chúa.

Trước khi kết thúc lễ, Cha Giuse Bề trên Giám tỉnh thay mặt cộng đoàn cám ơn Đức Cha đã dâng Thánh lễ khai mạc Tam Nhật kính 4 Thánh Tử Đạo Hải Dương. Sự hiệp thông mang đầy ý nghĩa màu nhiệm của Giáo Hội và giáo phận, đã hướng lòng toàn thể giáo dân phải luôn noi gương theo đức tin của các Thánh. Cái chết của các Ngài không chỉ can đảm, kiên trung mà còn là “hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”. Sau cùng, Ngài cám ơn tất cả các quý Cha đồng tế, quý Ban hành giáo, các Giới và Đoàn thể trong giáo hạt và các giáo xứ đã hiệp thông trong tình huynh đệ làm cho buổi lễ diễn ra thật tốt đẹp.

Trong phần Huấn từ, Đức Cha Giuse mong những người con của giáo xứ Đền Thánh Hải Dương hãy là “muối”, và làm mặn cuộc sống bằng cách đưa tình yêu vào trong gia đình, cho bạn bè hàng xóm láng giềng, thân tộc và mọi người xung quanh. Đặc biệt, hãy luôn gần gũi với Chúa Giêsu Thánh Thể không những trong các giờ Chầu chung mà còn phải học nơi Chúa bài học về tình yêu dâng hiến trọn vẹn nữa. Điều này là điều chung cho tất cả mọi người trong giáo phận Xuân Lộc khi sống trong năm kim khánh, là năm được dành riêng cho Thánh Thể: “Gia đình và Giáo xứ sống màu nhiệm Thánh Thể”.

Sau thánh lễ là cuộc rước Thánh Thể chung quanh khuôn viên Đền Thánh Hải Dương. Cộng đoàn sốt sắng hát thánh vịnh và cung kính hôn Xương các Thánh Tử Đạo.
 
Ban Chung Sự Hiếu Đạo nhà thờ chính tòa Phủ Cam
Trương Trí
10:11 09/11/2014
Trong niềm hân hoan cảm tạ hồng ân Thiên Chúa thương ban và cầu nguyện cho Cố Linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Quản xứ Chính toà Phủ Cam, đấng sáng lập Ban Chung sự Hiếu đạo Phủ Cam vào năm 1982, các anh em Chung sự viên đã qua đời và các ân nhân trong cũng như ngoài nước đã luôn đồng hành với Ban Chung sự Hiếu đạo trong suốt 32 năm qua.

Hình ảnh

Tiết trời cuối thu năm nay mát mẽ, ngay từ sáng sớm toàn Ban Chung sự trên 500 thành viên gồm anh em Chung sự viên, Mẹ Y tang, các Tiểu ban đều có mặt đông đủ để tham dự Thánh lễ với một tâm tình sốt mến, sau khi đã dọn lòng sạch tội bằng một cuộc tĩnh tâm và lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Trước đó, vào ngày cuối tháng 10, tháng Mừng Kính Đức Mẹ Mân côi, Ban Chung sự đã tham gia một buổi Rước Kiệu và đọc kinh lần chuổi Mân côi thật sốt sắng.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Cha Phó xứ Chủ tế Thánh lễ Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung mà Thân phụ quá cố của Ngài cũng là một trong những thành viên nhiệt huyết của Ban Chung sự Phủ Cam trong những năm tháng gian lao mới thành lập. Ngài nói: “Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính đã hiệu triệu các bậc Cha Anh của chúng ta, đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta…Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta.” Ách của Chúa bao gồm cả việc giúp chia sẻ gánh nặng với người khác bằng tình bác ái Kitô giáo.

Nhìn lại thời điểm năm 1982, khi hoàn cảnh xã hội đang gặp nhiều khó khăn, cuộc sống giáo xứ chúng ta còn nghèo khó, nhất là những gia đình nghèo phải lao đao, vất vả hơn khi trong nhà có người qua đời, phải tốn kém nhiều khoản chi phí như âm công, quan tài, xe tang.v.v…thì Ban Chung sự được hình thành với hơn 20 anh em ban đầu, để phục vụ với phương châm: “Biết khóc với người khóc, chia sẻ gánh nặng cho những gia đình gặp cảnh tang sầu tử biệt”.

Ước gì tinh thần hiếu đạo của các bậc Cha Anh truyền lại, chúng ta hãnh diện, tự hào và đảm nhận trách nhiệm sống đạo, truyền đạo mỗi ngày một tích cực và thiết thực hơn nữa.

Sau Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính toà đã nhắc nhỡ cộng đoàn: Trong ngày Bổn mạng Ban Chung sự hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và tri ân Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính đáng kính, đấng sáng lập Ban Chung sự Hiếu đạo Phủ Cam. Chúng ta cũng tưởng nhớ đến những anh em Chung sự viên đã về với Chúa, đây là những người đã có nhiều công lao khó nhọc trong những năm tháng khó khăn nhất. Ban Chung sự luôn phục vụ với một tinh thần hăng say, biết gánh gánh nặng cho nhau, luôn quí trọng thi hài người quá cố. Bất kể lương giáo, gia đình nào cũng quí mến tinh thần và công việc của anh em Chung sự viên, tin tưởng phó thác công việc khâm liệm và chôn cất cho Ban Chung sự.

Sau Thánh lễ, ông Phaolô Phạm Văn Kết, Trưởng Ban Chung sự Hiếu đạo Phủ Cam đã thay mặt toàn Ban Chung sự cảm ơn Cha Tổng Đại diện Quản xứ Chính toà đã luôn yêu thương và quan tâm đến Ban Chung sự Hiếu đạo, thường xuyên tổ chức tập huấn để hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt. Cảm ơn quí Cha Phó xứ, quí Tu sĩ, Hội đồng Giáo xứ và quí ân nhân, quí cộng đoàn đã hiệp thông với anh em dâng lời tạ ơn và cầu nguyện trong Thánh lễ long trọng hôm nay. Thay mặt Ban Chung sự, ông Phaolô Phạm Văn Kết rất mong mỏi Cha Tổng Đại diện và quí Cha Phó xứ tiếp tục theo sát chỉ đạo và hướng dẫn cho mọi người để công việc ngày càng tốt đẹp.

Trong buổi lễ tổng kêt tại Tiền sảnh Nhà Mục vụ Giáo xứ, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính toà đã một lần nữa nêu cao tinh thần cao quí của anh em Chung sự viên. Đồng thời Ngài cũng nhắc nhỡ mọi người luôn nhớ đến và cầu nguyện cho các ân nhân từ những nơi xa xôi nhưng lòng luôn hướng về Ban Chung sự của chúng ta, đặc biệt trong dịp lễ Bổn mạng hàng năm.

Ông Matthêô Nguyễn Đình Lục, Chủ tịch HĐGX Phủ Cam thay mặt Cộng đoàn Giáo xứ phát biểu chúc mừng ngày Bổn mạng của Ban Chung sự, đồng thời cũng biết ơn sâu xa đến Cha Phaolô Nguyễn Kim Bính đã sáng lập Ban Chung sự, quý Cha tiền nhiệm, Cha Tổng Đại diện Quản xứ và quí Cha, quí ân nhân xa gần, quí đồng hương Phủ Cam trong và ngoài nước, nhưng luôn hướng lòng mình về với Giáo xứ thân thương.

Trong suốt 32 năm qua, anh em Chung sự viên luôn vui vẻ phục vụ, không nài hà khó nhọc mà chỉ mong công việc phục vụ của mình trở thành dấu ấn trong việc Loan báo Tin mừng. Ông Phaolô Phạm Văn Kết thay mặt Ban Chung sự Tổng kết hoạt động của Ban Chung sự trong suốt 1 năm qua.

Bữa cơm trưa thân mật duy nhất của Ban Chung sự trong suốt 1 năm phục vụ được tổ chức lần đầu tiên tại Nhà Mục vụ của Giáo xứ, không còn phải lo ngại mưa dầm như những năm qua. Cha Tổng Đại diện, Quản xứ Chính toà hoà chung niềm vui với mọi người, Ngài đã cùng với anh em cùng cất chung tiếng hát giúp vui trong ngày Bổn mạng long trọng này.
 
Giáo xứ Tân Lộc và Cửa Lò: Thánh lễ tạ ơn bế mạc lớp Hôn Nhân Khóa 9
An Bình
10:19 09/11/2014
Sáng Chúa Nhật ngày 09 tháng 11 năm 2014. Lớp Hôn nhân khóa 9 tổ chức hiệp đâng thánh lễ tạ ơn bế giảng và cấp chứng chỉ cho các học viên.

Hình ảnh

Với 132 trên 146 học viên, đây là lớp Hôn nhân lần thứ 9 được tổ chức từ năm 2006 do Linh mục quá cố Phêrô Nguyễn văn Khang tổ chức và duy trì cho đến nay. Hàng năm cứ vào những tháng 10 đến tháng 12 dương lịch, những tháng này được coi là thong thả vì mùa du lịch đã đi vào giai đoạn cuối của năm, mùa biển cũng đã chuyển sang mùa đông do các đợt gió mùa đông bắc tràn về, các thuyền chài nhỏ phải đậu nhà không ra khơi đánh bắt hải sản được do biển động, vì vậy mà đã quy tụ được số đông các học viên trên toàn giáo xứ thuộc mọi ngành nghề đăng ký học, cứ hàng năm con số các học viên đăng ký trên 100 em.

Từ các cha tiền nhiệm như cha quá cố Phêrô Nguyễn văn Khang, cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng và cha quản xứ hiện nay Giuse Phan Sỹ Phương, các ngài đã và đang duy trì một quy định cho các em ở độ tuổi học giáo lý phổ thông trên toàn giáo xứ: Sau khi các em học xong chương trình giáo lý phổ thông của giáo phận từ Sơ Cấp 1 đến vào Đời (7 tuổi – 15 tuổi), riêng giáo hạt Cửa Lò vì điều kiện thực tế, Ban giáo lý giáo hạt đã quy định các em học hết chương trình giáo lý phổ thông của giáo phận, còn phải học thêm 2 năm theo chương trình giáo hạt quy định và quản lý, 2 lớp này được gọi là Vào Đời 2 và 3. Khi các em tốt nghiệp hết các chương trình trên, sẽ được cấp giấy chứng nhận đã học xong chương trình giáo lý phổ thông do trường giáo lý của từng giáo xứ cấp, và những em này được đăng ký vào học lớp Hôn Nhân và được cấp chứng chỉ sau khi đã tốt nghiệp.

Thánh lễ tạ ơn được cha quản xứ Giuse Phan Sỹ Phương dâng cầu nguyện cho các em, cùng với 2 thầy phó tế áp lễ. Trước thánh lễ nghi thức diễn tiến bế giảng khóa Hôn Nhân, được ban tổ chức giới thiệu các thành phần về tham dự thánh lễ. Đại diện quý giảng viên đánh giá sơ bộ về khóa học,. Sau lời huấn từ của cha quản xứ là phát chứng chỉ cho đại diện các em của 2 giáo xứ Tân Lộc và Cửa Lò. Thánh lễ diễn ra trong một tâm tình tạ ơn Chúa sau một thời gian miệt mài học tập, được Chúa cho bình an và thành công tốt đẹp.

sau thánh lễ thay mặt các học viên đã lên cám ơn quý cha, quý thầy giảng viên, quý ban ngành và quý cha mẹ phụ huynh, đã tạo mọi điều kiện về tinh thần và vật chất cho khóa học đạt được thành quả tốt đẹp.

Khóa học đã khép lại, mỗi người bước vào cuộc sống riêng tư đời thường. nguyện xin cho các học viên trong khóa học này, biết đem những gì đã được học hỏi thực hành trong cuộc sống, để từ đây luôn được tình Chúa hướng dẫn mà sống hạnh phúc, bình an nhất là trong đời sống gia đình mai sau.
 
Giáo xứ Tân Triều, quê hương thánh Phaolô Hạnh
Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp
10:23 09/11/2014
LỜI GIỚI THIỆU: Vào sáng ngày 04.10.2014, trong thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Xuân lộc, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cho công bố 14 địa điểm hành hương trong toàn giáo phận, bắt đầu từ 04.10.2014 đến hết tháng 10.2015, gồm 11 nhà Thờ của các Linh mục quản Hạt, Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo phận, Nhà Nguyện TGM Xuân Lộc và Nhà Thờ Tân Triều (Quê hương của Thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh). Có lẽ chúng ta nghe nói đến Tân Triều qua thương hiệu Bưởi Tân Triều nhiều hơn là qua một bề dày lịch sử mang nhiều nét đặc trưng Nam Bộ, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, của Giáo Hội Việt Nam, cùng với những cuộc bách hại đạo Công Giáo gắt gao đã diễn ra tại đây. Vì vậy mà hôm nay Ban Truyền Thông xin trân trọng giới thiệu bài viết của Linh mục Chánh xứ Giuse Vũ Đức Hiệp giới thiệu đôi nét về Giáo xứ Tân Triều và về người con ưu tú của Giáo xứ: Thánh Phaolô Hạnh, để nhờ biết biết thêm về Tân Triều, chúng ta có thêm tâm tình yêu mến Chúa và Giáo Hội khi hành hương lãnh nhận ơn Toàn xá tại ngôi thánh đường đặc biệt này.

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ TÂN TRIỀU
Giáo hạt Biên Hòa – Giáo phận Xuân Lộc
Địa chỉ: Giáo xứ Tân Triều, Ấp Vĩnh Hiệp
Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai.
Đt: 0613.965328


I/ NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH GIÁO XỨ:

1/ Những ngày đầu thành lập: (Từ năm 1709 – 1850)

Tân Triều nằm trên một hòn đảo nhỏ của sông Đồng Nai, cách Biên Hòa chừng 10km về phía Bắc, là một trong những xứ đạo cổ ở Phương Nam. Từ đầu thế kỷ XVIII, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, từng đoàn lưu dân vào Phương Nam lập nghiệp và các Cha Thừa sai cũng theo để truyền giáo. Năm 1777, chúa Huệ Vương Nguyễn Phúc Thuần và cả gia đình bị sát hại; hậu duệ duy nhất có quyền nối nghiệp ngôi chúa còn sống sót là Nguyễn Anh. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1778, sau khi đã chiếm lại được Gia Định thì Nguyễn Ánh (Gia Long) lập triều đình mới tại Đá Lửa. Trong số những người theo Nguyễn Ánh vào Đá Lửa, có cả những người theo đạo Công Giáo.

Từ ngày Nguyễn Ánh (năm 1778) đóng đô tại đây và tự xưng là chúa, lấy niên hiệu là Gia Long, Đá Lửa được đổi tên thành Tân Triều. Từ đó tên họ đạo này được gọi là họ Tân Triều (theo bản phúc trình của Tòa Giám Mục Sài Gòn năm 1891 của Cha Sở Le Golf).

Trong lúc chiến đấu với nhà Tây Sơn, Gia Long đã được Đức Cha Bá Đa Lộc (Mgr.Pigneaux de Béhaine) bảo trợ trên hòn đảo này. Gia Long vốn đa nghi và e dè với đạo Thiên Chúa, nhưng vì nhiều lý do nên làm ngơ cho việc truyền bá đạo giáo: nội tình chưa yên lắm, guồng máy cai trị chưa nề nếp, bản thân nhà vua đang mệt mỏi vì những năm dài chiến tranh ngang dọc… Đàng khác vua lại đang cần các giáo sĩ Tây Phương hỗ trợ về mặt khoa học kĩ thuật, văn hóa. Nhất là lại được Đức Cha Bá Đa Lộc tận tình giúp đỡ. Thấy được điều đó nên vua để cho người Công Giáo được thoải mái tự do hành đạo.

Khi Nguyễn Ánh đến Tân Triều, người Công Giáo đã theo các Cha thừa sai qui tụ về đây khá đông và lập thành một họ đạo có nề nếp, vững chắc. Vì thế, trước khi Nguyễn Ánh lập triều đình tại đây (1778), Đức Cha Pigneaux đã đến đặt trụ sở (Tòa Giám Mục và Chủng Viện) sát nhà thờ, đồng thời còn cất một nhà nguyện để cử hành việc thờ phượng công khai, vì ở đây yên ổn hơn cả Cao Miên và Hà Tiên (là những nơi mà Đức Cha đã có ý lập trụ sở ). Đức Cha Pigneaux ở Tân Triều gần 4 năm (1778 – 1782) tương đối yên ổn. Từ nơi đây, Đức Cha có thể đi kinh lý khắp nơi ở Nam Bộ. Thời gian ở Tân Triều, Đức Cha đã truyền chức cho một số linh mục Việt Nam.

Trong cuốn sách “La belle histoire des Missions Etrangères de Paris”, “Một trang sử đẹp của Hội Thừa Sai Paris” có kể lại rằng:

Khoảng giữa năm 1778, có một sự kiện mang tính quyết định xảy đến: những tên cướp người Cao Miên tấn công cộng đoàn Hà Tiên, thảm sát 4 chủng sinh của chủng viện, đốt nhà nguyện và nhà ở, tàn sát nhiều người Công Giáo, trong đó có 7 nữ tu người An Nam. Vùng đất Hà Tiên không còn là nơi an toàn cho các nhà truyền giáo. Vì thế Đức Cha Pigneaux cùng với cả chủng viện đã tìm đến một nơi trú ẩn ở Tân Triều, gần Biên Hòa, nằm ở phía Bắc Sài Gòn, nơi mà chúa Nguyễn Ánh đang trú ngụ.

Cũng từ ngày đó, mối quan hệ bạn bè giữa hoàng tử Nguyễn Ánh và Đức Cha Pigneaux trở nên thắm thiết. Khi nào hoàng tử Nguyễn Ánh không đi chinh chiến xa, hoàng tử thường mới Đức Cha đến nhà, cùng với hai hoặc ba quan viên. Hoàng tử cũng có lần đến thăm nhà của Đức Cha, ngồi trò chuyện rất đơn sơ và thân thiện. Thế nhưng Đức Cha không thể thuyết phục chúa Nguyễn Ánh theo đạo Công Giáo.

Sau 4 năm yên ổn tại Tân Triều, thì vào tháng 4/1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đánh bật Nguyễn Ánh ra khỏi đất liền. Đức Cha Pigneaux cùng với chủng sinh lánh qua Cao Miên. Sau đó, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm lại được Nam Bộ, thì lại đem chủng sinh về Mặc Bắc ( thuộc địa phận Vĩnh Long – nơi có hai thánh tử đạo Giuse trùm Lựu và cha Philipphê Minh ).

Tân Triều có dân số khá đông và an bình. Chính vì thế mà Đức Cha Pigneaux mới lập tòa Giám Mục và chủng viện tại đây. Từ lúc Đức Cha Pigneaux ra đi (1782) cho tới ngày quân Pháp chiếm đóng (1861), người ta không biết gì thêm về Tân Triều. Chỉ biết một điều là khi hòa bình trở lại, đời sống đạo rất hưng thịnh, có tự do tôn giáo. Nếu Tân Triều là một họ đạo tốt như vậy, đó là nhờ có các linh mục lui tới thường xuyên, nhất là các linh mục bản xứ.

Hơn nữa, Tân Triều là trung tâm thuận tiện cho các giáo dân từ các nơi như Cù Lao Phố, Bến Gỗ và các nơi khác đến để lãnh nhận các bí tích.

2/ Bị bách hại và phát triển: ( Từ năm 1850 -1920 )

Năm 1850, Cha Martin Hiển đến Tân Triều. Sau khi tình hình tôn giáo yên ổn lại, Cha lo xây cất một nhà thờ thay thế nhà nguyện cũ đã bị phá hủy. Cha còn cho xây một Nữ tu viện. Ngoài ra Cha còn giúp dân canh tác đất đai trồng cau trầu và nuôi tằm.

Nhưng khi Pháp chiếm được Đà Nẵng vào năm 1858, thì lệnh bắt đạo được thi hành dữ dội. Các cơ sở tôn giáo lập tức bị phá hủy, Cha Hiển phải chuyển đi nơi khác, các con chiên cũng phải tìm cách ẩn náu. Nếu ai không may mắn bị bọn lính bắt đi thì bị chúng giải về giam trong nhà ngục ở Biên Hòa, sau đó tuyên án tử hình và đem đi chặt đầu tại Dốc Sỏi (tức sân bay Biên Hòa hay phi trường Biên Hòa ngày nay). Tuy thế, giáo hữu ở đây vẫn kiên trì với đức tin. Trong thời gian này có hai Cha Phêrô Tri (chịu chức khoảng năm 1844) và Cha Gabriel Thành (gốc Tân Triều chịu chức năm 1859) luôn ẩn lánh và có mặt trong họ đạo để lo lắng cho giáo dân.

Lại một lần nữa tai họa ập đến với họ đạo Tân Triều khi quân Pháp chiếm được Mỹ Tho vào năm 1861. Điều đó có nghĩa là trước sau gì Biên Hòa cũng bị đánh chiếm. Chính vì vậy mà người Công Giáo bị coi là kẻ thù trước mắt. Các nhà thờ, các cơ sở Công Giáo đều bị phá hủy. Người Công Giáo bị tập trung, bất luận đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ đều bị giải về Biên Hòa. (Có một số bà mẹ gửi con em mình cho những đồng bào lương dân tốt bụng ở địa phương che chở; sau khi tai nạn qua khỏi các em được trả lại cho gia đình). Những người bất hạnh này bị giam chung trong một ngục và trước ngày 16/12/1861 (tức ngày quân Pháp chiếm được Biên Hòa) một cuộc thiêu sát khổng lồ đã được diễn ra. Ai chạy thoát ra khỏi đám lửa thiêu sát sẽ bị lính bên ngoài bao vây hạ sát. Duy chỉ có một thiếu nữ chạy thoát khỏi đám lửa thiêu sát, liền bị một anh lính cho một đao ngay ở cổ, tưởng cô đã chết nên bọn lính bỏ đi. Nhưng khi bọn lính bỏ đi hết cô ta dần hồi tỉnh và trốn thoát. Đây chính là nhân chứng cho cuộc thảm sát đẫm máu này, sau đó cô qua đời tại Tân Triều.

Sau khi Biên Hòa thất thủ, quân Pháp lập lại trật tự tại đây. Cha Besombes được cử đến coi sóc Tân Triều (ngài ở đây cho đến 1864). Công việc đầu tiên là quy tụ các giáo hữu tản mác khắp nơi trở về và xây cất lại ngôi thánh đường. Việc xây cất gặp rất nhiều khó khăn, phải đi nhặt các vật liệu từ các mái nhà, đình chùa sụp đổ hoặc bị bỏ hoang … Và trong khi thu nhặt đã lượm được một cái chiêng và một quả chuông chùa (chuông nam). Cái chiêng hiện vẫn còn nhưng đã cũ lủng hư, còn quả chuông nam thì đem đổi lấy một quả chuông tây của nhà thờ Sài Gòn (nhà thờ chánh tòa cũ) quả chuông hiện còn đang dùng. Và cũng do Tân Triều là một nơi biệt lập không mấy được bình yên, nên cha Besombes còn kiêm thêm việc tổ chức tự vệ. Nhờ đó mà mới đẩy lui được những cuộc tấn công của những đám người đến đây khủng bố uy hiếp, giữ được sự ổn định cho họ đạo. Nhưng đến năm 1864 thì Bề Trên đổi Cha đi nơi khác, để lại nhiều mến tiếc và ân tình cho họ đạo Tân Triều.

Năm 1865, Cha Bernad đến cùng với Cha Creuse làm phụ tá, nhưng đến tháng 6/1866 Cha phụ tá qua đời tại bệnh viện Biên Hòa. Hai năm sau vào tháng 9/1868 Cha Bernard cũng qua đời. Thi hài hai Cha được an táng tại Biên Hòa.

Sau đó Bề Trên cử Cha Vincent tới, nhưng đến tháng 5/1869 lại đổi Cha Delpech thay thế. Cha Delpech không chịu được phong thổ ở đây, luôn bị những cơn sốt rét hành hạ. Tuy vậy ngài rất thương những tín hữu tại đây. Nhận thấy Tân Triều nằm chơi vơi phải vượt qua một con rạch sình lầy, người dân địa phương phải qua lại bằng một cây cầu tre lỏng chỏng rất nguy hiểm, nên ngài tìm cách bắc cho được một cây cầu. Một hôm ngài đến thăm ông Tỉnh Trưởng Biên Hòa – ông De Lanessan và ngỏ ý mời ông đến thăm Tân Triều. Ông Tỉnh Trưởng vui vẻ nhận lời mời này. Đúng hẹn, các vị khách đã cưỡi ngựa từ Biên Hòa đến thăm Tân Triều. Đến được bờ của con rạch, nhưng vượt qua được con rạch không phải là chuyện dễ dàng. Sau một hồi khó nhọc và vất vả, họ mới qua được tới bờ bên kia. Tuy đến được nhà Cha sở nhưng ai cũng thấy mệt mỏi và chán nản. Sau cuộc viếng thăm này, chính ông Tỉnh Trưởng đã đề nghị làm cho Tân Triều cây cầu chắc chắn. Đây chính là ước muốn của Cha xứ Tân Triều. Đầu năm 1871 một cây cầu bằng gỗ thật đẹp được hoàn thành (cầu được tu sửa nhiều lần và hiện nay được thay thế bằng cây cầu đúc xây 2001).

Tháng 7/1870 Cha Delpech thuyên chuyển đi nơi khác và Cha Duquesnay đến thay thế, ngài lo việc xây cất nhà thờ bằng gạch đá, lợp ngói. Năm 1873 nhà thờ được khánh thành lấy tên Thánh bổn mạng là Gioan Baotixita. Ngôi nhà thờ này có sự cộng tác quan trọng của Cha Errard (Cha sở Biên Hòa). Nhà thờ xây cột và tường bằng gạch tô vữa; kèo đà bằng gỗ lợp ngói. Với thời gian nhà thờ này đã được sửa chữa nhiều lần, nhất là thay đổi mặt tiền. Sau cùng nhà thờ xuống cấp trầm trọng và ngày 24/3/2003 được phá đi để xây lại. Ngôi nhà thờ mới này nằm trên nền nhà thờ cũ.

Một thời gian sau, Cha Duquesnay bị sốt rét nên phải rời khỏi Tân Triều. Sau đó Đức Cha cử Cha Briant và Cha Grezet coi sóc họ đạo được một năm.

Năm 1875 Cha Michel Ducle (cha Dư) đến làm Cha sở Tân Triều. Ngài để hết tâm trí lo cho bổn đạo, chú tâm trong việc dạy giáo ly. Lý do vì trong thời kỳ bắt đạo mọi người đều học giáo lý một cách sơ sài đủ để biết Chúa mà thôi. Ngài mở trường dạy học cho thiếu nhi, lập Hội con Đức Mẹ …. Ngoài ra ngài còn hợp tác với bổn đạo Bến Gỗ lập thêm họ đạo Tân Uyên nằm bên bờ sông Đồng Nai và hai họ đạo ở Lạc An và Chai Sà …. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn họ đạo sinh hoạt rất sống động và đạo đức. Đời sống vật chất cũng ngày càng sung túc nhờ đất đai màu mỡ, trồng cây ăn trái và nhất là cây trầu.

Đến tháng 12/1891 Cha Dư đổi đi và Cha Le Goff đến thay thế, nhưng hai năm sau ngài qua đời.

Tiếp đó, Cha Anrê Huỳnh Công Thể coi sóc họ đạo đến 10 năm. Thế nhưng chính căn bệnh kiết lỵ đã làm tiêu hao sinh lực và Cha qua đời ngày 26/8/1903. Sau khi Cha Thể qua đời, Cha Phêrô Nguyễn Nghi Sao đến. Làm Cha sở được 6 năm thì một cơn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi tính mạng của ngài. Ngài qua đời ngày 4/1/1910 tại Sài Gòn.

Bẵng đi một thời gian, cha Bề Trên bổ nhiệm Cha Tranier một vị Thừa sai trẻ tuổi có nhiều tâm huyết. Ngài tu sửa lại nhà xứ đã hư hại và nuôi hy vọng sẽ làm việc ở Tân Triều được lâu dài. Nhưng chỉ sau 6 tháng Cha bị sốt rét dữ dội và đã qua đời khi đang làm Cha sở Tân Triều. Sau Cha Tranier là Cha Nhơn đến thay thế ngày 12/8/1910.

Lúc đó Tân Triều là nơi phong thổ độc hại nhất từ trước đến nay, nơi thử thách cam go đối với các vị Linh mục, nhất là đối với những người lớn tuổi. Lý do gồm có:

1. Đất đai rậm rạp: ngày xưa, phần lớn các gia đình có đất vườn rộng. Vì không còn sợ bị bắt bớ nữa, họ trồng nhiều cây ăn trái và các loại cây khác nữa. Dân tiết kiệm đất đến nỗi không chừa chỗ để làm đường đi, thậm chí lối đi là những đường mòn chật hẹp xuyên qua vườn sát nhà ở, làm cho bầu khí ngột ngạt, ẩm thấp, sinh nhiều giống muỗi gây bệnh sốt rét giết người.

2. Ô nhiễm: Nguồn lợi lớn nhất của họ là trồng trầu, trầu thì cần rất nhiều phân bón. Do đó, họ sử dụng hàng tấn phân khiến cho không khí bị ô nhiễm, giếng nước bị nhiễm độc.

3. Đường nước sình lầy: Con rạch trước kia rất sâu dần dần bị lấp đầy; thủy triều lên xuống không lưu thông được, sỉnh lầy bốc mùi hôi thối thành chướng khí sinh bệnh.

Đó là những nguyên nhân gây bệnh sốt rét cho những người dân Tân Triều. Chỉ có một thứ thuốc chữa là thuốc Quinine; nhưng họ không muốn dùng vì “nóng quá”. Họ đạo Tân Triều vì thế bị đe dọa sẽ biến mất. Hồi Cha Ducle (Dư – 1875), số giáo hữu là 1.000 người, đến thời Cha Tranier (1910) chỉ còn 300. lẽ ra sau 30 năm (1875 – 1910) họ đạo phải tăng lên đến 2.000 người. Sở dĩ số giáo hữu giảm đi không phải vì họ bỏ đi nơi khác mà là do chết vì bệnh sốt rét, có lúc chết hàng loạt. Các Linh mục sở tại chỉ còn biết phó thác cho Chúa.

May mà năm 1952 trận lụt năm Thìn đã ngập lụt cả vùng rửa sạch đất và trầu cau chết hết, nên sau đó không khí trở lại trong lành, người khỏi bị ô nhiễm. Người dân lập lại vườn bưởi, trồng bắp thay cho vườn trầu cho đến ngày nay.

Tương truyền rằng, trong trận lụt năm 1952, tất cả các loại cây cối đều chết vì úng nước. Riêng có cây bưởi ở nhà thờ Tân Triều do các Cha Thừa sai mang sang là sống sót. Từ đó, người ta chiết nhánh và nhân rộng giống bưởi này. Cũng theo các cụ kể lại thì chỉ có bưởi ở gần khu vực nhà thờ Tân Triều mới ngon, ngọt và đem lại giá trị kinh tế cao.

3/ Tân Triều qua những năm tháng chiến tranh: ( 1920 – 1975 )

1. Từ năm 1920 đến 1945:

Thời gian này, sinh hoạt tôn giáo của Tân Triều gặp nhiều khó khăn do chiến tranh: vẫn có các linh mục quản xứ nhưng các ngài phải kiêm hai hai họ đạo: mỗi tháng họ Tân Triều được hai tuần có thánh lễ Chúa Nhật và các ngày trong tuần, còn hai tuần kia dành cho họ Bến Gỗ.

Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phụ trách dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, tập hát cho ca đoàn.

Các Bí tích do Cha sở ban, còn Đức Giám Mục thỉnh thoảng đến ban Bí tích thêm sức tại họ đạo. Trong thời gian này đời sống giáo dân tuy nghèo nhưng tương đối ổn định.

2. Từ năm 1945 – 1954 –1975:

Thời chiến tranh Việt – Pháp, rồi chiến tranh giữa hai miền đất nước Bắc – Nam Việt Nam.

Tình hình chính trị an ninh bất ổn, dân chúng hoang mang lo sợ. Nên có một số bổn đạo bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi đến các thành thị. Số còn lại thì vất vả và nghèo, sống bằng nghề nông, trồng trầu cau. Sau trận lụt năm Thìn ( 1952 ) người dân bắt đầu trồng bắp và bưởi.

Để giữ vững đời sống đạo cho giáo dân, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, tiếp tục dạy giáo lý và phụ trách ca đoàn. Suốt hơn 40 năm, từ năm 2013 trở về trước, vì số các em rất ít nên để lãnh bí tích thêm sức, các em phải ra nhà thờ Biên Hòa.

4/ Tân Triều sau biến cố 30/4/1975: Đất nước thống nhất.

Đời sống kinh tế và tôn giáo của dân gặp nhiều khó khăn, đó cũng là tình hình chung của cả nước. Nên nhiều gia đình bỏ quê đi lập nghiệp tại các vùng kinh tế mới, theo phong trào nhà nước phát động và một ít người đi “vượt biên” sang Hoa Kỳ. Nhiều năm sau, đời sống vật chất mới từ từ được cải thiện nhờ các điều kiện như sau:

a/. Từ năm 1952: đặc sản của Tân Triều là bắp nếp và bưởi, từ năm 1995 giá bưởi được nâng cao vì được biết rằng: bưởi chữa được bệnh Cholesterol và bưởi Tân Triều (cùng bưởi Năm Roi) thuộc loại ngon bậc nhất Việt Nam.

Thấy thế, dân chúng từ từ ngưng trồng bắp để chuyên trồng bưởi. Nhưng mỗi gia đình chỉ có khoảng từ 1 đến 3 sào đất, trong đó vừa cất nhà vừa làm vườn.

b/. Một số gia đình có thân nhân đã vượt biên ra nước ngoài gởi tiền về để xây cất nhà cửa.

c/. Theo đà phát triển của đất nước vừa mở cửa, các nước ngoài đến đầu tư, mở các nhà máy xí nghiệp ngày càng nhiều. Biên Hòa trở thành khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai.

Nhờ đó, giới trẻ có thể đi làm công nhân tại các công ty xí nghiệp. Số thanh niên khác đi làm thợ hồ ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở Biên Hòa.

Kinh tế phát triển, nhà xây bắt đầu thay thế nhà ván, nhiều gia đình có xe gắn máy (xe 2 bánh) làm phương tiện di chuyển, nếp sống văn minh bắt đầu đi vào làng quê Tân Triều. Còn tình hình tôn giáo, khoảng từ 1990, đời sống đức tin từng bước phát triển, nhờ chính sách tôn giáo của nhà nước có phần nào thông thoáng hơn.

Từ năm 1956 đến 1975, họ đạo Tân Triều chỉ có các Cha quản nhiệm từ Biên Hòa vào. Sau ngày 30/4/1975 Tân Triều vui mừng đón tiếp Cha sở mới, Gioakim Nguyễn Văn Quới. Trong những năm đầu, cuộc sống còn rât nhiều vất vả khó khăn, Cha phải làm ruộng, nuôi dê, trồng tiêu, trồng bưởi trong khuôn viên đất nhà xứ để mưu sinh. Do thiếu thốn các linh mục, ngài còn phải quản nhiệm thêm 2 giáo xứ: Gò Xoài và Đại An cách xa Tân Triều hơn 25 km. Mỗi tuần ngài về Tân Triều dâng thánh lễ Chúa Nhật và các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư. Năm 1994 ngài cho xây tháp chuông nhà thờ Tân Triều, hiện nay vẫn còn đang sử dụng.

Năm 1977, do hoàn cảnh khó khăn, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm rút về nhà Dòng. Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu người đó, có bà chín Isave Đỗ Thị Diệu, kế tiếp là cô Nguyễn Thị Thu Thủy, là giáo dân trong họ đạo đã lãnh trách nhiệm dạy giáo lý và tập hát cho ca đoàn trong 20 năm. Để phát triển phong trào giáo lý, Cha Gioakim Quới và Ban Hành Giáo đã xin các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn đến giúp.

Năm 1998, nhà dòng cử khi thì 2 khi thì 3 người, đi từ nhà dòng Mẹ Sài – Gòn đến dạy giáo lý vào ngày Chúa Nhật trong nhà thờ. Tháng 11/1998, nhà dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh Sơn giúp đỡ xây cho 01 nhà giáo lý (dài 24m x rộng 8m). Từ đó, các nữ tu này còn góp phần đào tạo thêm một số giáo lý viên, để dạy giáo lý theo chương trình của giáo phận.

Năm 1999, Cha Gioankim Nguyễn Văn Quới bị bệnh cao huyết áp, rất nguy hiểm khi phải đi đường xa bằng xe Vespa đến các họ đạo Đại An và Gò Xoài. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho ngài, Đức Giám Mục đã thuyên chuyển ngài làm Cha sở giáo xứ Tân Thành ngày 14 tháng 10 năm 1999, sau 24 năm làm Cha sở Tân Triều.

Thay thế Cha Quới, là Cha Giuse Nguyễn Ý Định làm Cha sở Đại An và Gò Xoài, quản nhiệm họ Tân Triều. Về chưa được một năm thì vào ngày 03/09/2000, Đức Giám Mục giao cho Cha Philipphê Lê Văn Năng, Cha sở Biên Hòa, quản nhiệm Tân Triều.

Đến năm 2007, lần đầu tiên sau nhiều năm không có Cha xứ, nay Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cử cha Gioan.B Nguyễn văn Thành về làm chính xứ Tân Triều. Trong thời gian hơn một năm phụ trách giáo xứ, cha Gioan. B đã mở mang giáo xứ, sửa chữa lại đất thánh, mua 4 sào đất đất tại xã Thạnh Phú để dành làm nhà nguyện sau này. Đặc biệt trong thời gian cha Gioan.B làm cha xứ, có hai sự kiện lớn đến với giáo xứ Tân Triều:

1/ Mừng 300 năm giáo xứ và 150 năm ngày sinh nhật trên trời của Thánh Phaolô Trần văn Hạnh ( 1759 – 2009 ).

2/ Thánh lễ truyền dầu của giáo phận tại giáo xứ Tân Triều.

Từ năm 2009, Cha Tôma Lâm văn Kinh được cử về làm cha xứ Tân Triều, thay cho cha Gioan.B Nguyễn văn Thành, được cử về làm Cha xứ Thái Xuân. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Cha Cố Tôma vẫn không ngừng nỗ lực cống hiến và chăm lo đến đời sống đức tin của giáo xứ. Cha đã xây dựng tượng đài Đức Mẹ thật khang trang và thông thoáng. Hơn nữa còn thành lập ca đoàn Cêcilia (ca đoàn mắt kiếng) để phục vụ trong các thánh lễ nhất là ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Hiện nay ca đoàn đang góp lời ca tiếng hát từng ngày, giúp giáo dân sốt sắng cầu nguyện mỗi khi đến với Chúa.

Đầu tháng 08 / 2013, đến tuổi hưu và do bệnh tật và đau yếu, Cha Cố Tôma đã xin Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh cho ngài được về hưu tại nhà hưu các Cha ở giáo xứ Gia Viên. Hiện nay Ngài đang sống tại nhà hưu quí cha, và vẫn thường xuyên được con dân Tân Triều mến yêu và thăm nom.

Nhận thấy Tân Triều là chiếc nôi đức tin hơn 300 năm, có bề dầy lịch sử cả về tôn giáo lẫn chính trị của đất nước, lại có Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, vị Thánh duy nhất được tuyên phong vào 19/ 06/ 1988, nên Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã cử cha Giuse Vũ Đức Hiệp về làm chính xứ Tân Triều thay cho Cha cố Tôma đã nghỉ hưu. Một năm đã qua, kể từ ngày nhậm chức Chính xứ Tân Triều ( 07.10.2013 – 07.10.2014 ), Cha Giuse tiếp tục công việc của các Cha tiền nhiệm, từng bước củng cố lại nhân sự, phân chia các họ, hướng dẫn các đoàn thể và quan tâm đặc biệt đến vấn đề truyền giáo. Nhờ đó số giáo dân xứ Tân Triều hiện nay đã lên đến 1.562 người với 453 hộ gia đình Công Giáo, sống giữa 50 ngàn lương dân. Địa bàn giáo xứ trải dài trên 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, với chiều dài 10 cây số và chiều ngang là 12 cây số. Đây quả là một vùng đất mới, đang rất cần được quan tâm, đặc biệt trong công cuộc truyền giáo

II. THÁNH PHAOLÔ TRẦN VĂN HẠNH (1827-1859) – NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA TÂN TRIỀU

Phaolô Trần Văn Hạnh sinh năm 1827 tại Tân Triều, Biên Hòa, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Chí Hòa, Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 28/05.

Tiểu sử thánh Tử đạo Phaolô Trần Văn Hạnh:
“Việc Chúa làm cho tôi, ôi vĩ đại!
Tôi thấy mình chan chứa một niềm vui.”
(Tv 126,3)

Vâng, đó là lời ca chúc tụng Chúa trên quê trời của thánh Phaolô Trần Văn Hạnh và của tất cả chúng ta, những người lắng nghe hay đọc tiểu sử của ngài.

Cây lúa trổ bông

Nước Thiên Chúa ví như khi một người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày hạt giống cứ nẩy mầm, lớn lên mà người ấy không biết. Tự dưng cây mọc mạ rồi trổ đòng đòng và thành những hạt lúa chắc nịch, cho đến khi mùa gặt tới” (Mc 4, 26-29).

Đoạn Tin Mừng trên ứng nghiệm cuộc đời thánh Phaolô Hạnh.

Cậu Hạnh chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên cậu cùng hai người anh đến vùng Cầu Muối, Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Nói tới Cầu Muối là nói tới những băng đảng. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn bán, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hạnh đã từng quy tụ một nhóm đàn em choai choai trong vùng, lang thang đây đó, cướp giật khắp vùng. Hạnh sống ung dung, rượu chè trai gái với tiền cướp giật do đàn em cung phụng. Sống trong tội lỗi với cái nghề bất lương, nhưng anh lại luôn cảm thấy lương tâm bất ổn. Nhiều lần anh tìm cách thoát khỏi con đường dìm đời anh vào vũng lầy nhầy nhụa, ghê tởm, nhưng không dễ dàng vì chốn giang hồ có luật giang hồ: Ai lật tẩy đường dây thì phải đền mạng!

Hạt mầm đức tin được gieo thuở ấu thơ vẫn âm thầm nẩy nở trong anh dù chính anh không hay biết. Một lần kia, chứng kiến đàn em bóc lột một thiếu phụ nghèo khổ không thương tiếc, anh bỗng xúc động, ra tay can thiệp. Anh dùng áp lực bắt đàn em phải trả lại cho nạn nhân tất cả của cải chiếm đoạt, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu qủa không may theo luật giang hồ.

Kitô hữu đến chết

Đàn em tức giận quyết tâm trả thù bằng giải pháp hèn hạ “ném đá giấu tay” là đi tố cáo với chính quyền rằng: tên Hạnh là người Kitô hữu và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp.

Khi bị bắt nộp cho quan toà ở Bà Quẹo và bị tra hỏi: “Có phải anh đã liên lạc với người Pháp âm mưu làm loạn không?”, thì Hạnh trả lời: “Tôi không bao giờ liên lạc hay giúp người Âu Châu.” Thế mà khi bị hỏi: “Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?”, thì Hạnh, dù biết mình không giữ đạo tử tế, biết nguy hiểm đến tính mạng, vẫn can đảm nhìn nhận: “Phải, tôi là người theo đạo Gia Tô!”

Suốt thời gian bị giam, các quan tìm đủ cách dụ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào đùi anh tóe máu, dùng những thanh sắt nung đỏ dí vào người anh xông mùi khét nồng nặc. Vậy mà anh vẫn cương quyết tuyên bố: “Tôi là một Kitô hữu, dù có phải chết tôi cũng không bao giờ bỏ đạo.” Phaolô Hạnh đã yếu đuối trong đường tội lỗi, nhưng khi đã trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa thì lại nhận được sức mạnh lạ lùng.

Bông hoa ngát hương.

Không làm anh chối bỏ đức tin, vua Tự Đức đã chuẩn tấu án xử trảm Phaolô Hạnh. Ngày 28/5/1859, anh Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi. Thi thể vị Tử đạo được mai táng ở Chợ Quán. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn Ngài lên bậc Hiển thánh.

Sử gia Rodriguez đã viết thật ý nhị: Cuộc đời của Phaolô Hạnh ví “như một bông hoa tím dại bên đường, cho đến ngày có người đi ngang qua dẫm nát, thì mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Hội Thánh, cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách bại, mới tỏa ra hương thơm ngào ngạt khiến chúng ta phải ngây ngất, lâng lâng…”

Kitô giáo là một tôn giáo của ân sủng, một tôn giáo dạy chúng ta mở lòng ra để cho Thiên Chúa hành động. Ngài có thể tái tạo mỗi người chúng ta thành một kiệt tác của Ngài như một Augustinô, một Phaolô Hạnh, miễn là chúng ta làm như thánh Margaret Mary Alacoque dạy: “Chúa Kitô sẽ làm mọi sự cho tôi miễn là tôi cho phép Ngài hành động. Ngài yêu thương tôi, bù đắp mọi sự mà tôi còn thiếu. Phó thác hoàn toàn bản thân cho Thiên Chúa là hình thức cao nhất của sự tín nhiệm vào Ngài, cậy dựa vào Ngài.”

Ước gì lắng nghe tiểu sử của thánh Phaolô Hạnh hôm nay, lòng mỗi người chúng ta được bừng cháy khao khát sống thánh thiện giữa cuộc đời ô trọc, được thôi thúc thể hiện đức tin giữa thế giới vật chất đang cố át đi tiếng gọi thần linh, được thúc đẩy yêu thương giữa bao tăm tối hận thù, tranh giành, ghen ghét, đố kỵ. Điều quan trọng là: “Chúng ta cần có một ước muốn duy nhất là làm sao để người đời nhìn thấy chúng ta như là những kẻ yêu mến Chúa thật sự, mặc cho những giới hạn của mình; làm sao để người đời nhìn thấy chúng ta say mê Chúa Giêsu, đến độ không còn có khoảng cách nào giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta là”[1]. Chính Chúa sẽ làm cho cuộc đời chúng ta nên ý nghĩa, đẹp đẽ.

Mỗi sáng thức dậy, ước gì chúng ta mang trong lòng một xác quyết: “Cuộc sống là một quà tặng và mỗi ngày sống là một món quà quý giá Thiên Chúa ban cho chúng ta. Với món quà này, chúng ta có thể làm ra biết bao quà tặng để ban thưởng cho chính mình và dâng hiến cho đồng loại. Hãy thưởng thức món quà của sự sống và làm cho ngày sống hôm nay của chúng ta tràn ngập phép lạ tình yêu”[2].

Sống được như vậy, chắc chắn chúng ta dần mang được niềm xác tín của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Được làm một Kitô hữu quả là một ân huệ tuyệt vời!”

III. LỜI KẾT:

“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”

Giáo xứ Tân Triều chúng con xin hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót, luôn quan tâm lo lắng cho đoàn chiên Giáo Hội, cách riêng cho giáo xứ Tân Triều, được vinh dự là cái nôi đức tin cho Giáo Hội đàng trong từ đầu Thế kỷ 18.

Tri ân các vị Thừa sai vì tình yêu thương đã dấn thân và hy sinh cả mạng sống mình để hạt giống đức tin các Ngài gieo vãi hôm nay đang trổ sinh hoa trái.

Cám ơn Quí Đức Cha, Cha Quản hạt, quí Cha, quí Ân nhân xa gần trong giáo phận đã quan tâm và dành cho giáo xứ chúng con nhiều ưu ái. Xin Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, qua lời bầu cử của thánh Phaolô Trần Văn Hạnh, người con ưu tú của Tân Triều, ban cho các Đấng bậc muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng.

Đặc biệt trong năm kỷ niệm Kim Khánh giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Chính Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã xin với Tòa ân giải tối cao của Tòa Thánh mở Năm Thánh, và chỉ định giáo xứ Tân Triều là một trong số 14 điểm hành hương trong toàn giáo phận, bắt đầu từ 04/10/2014 đến hết tháng 10/2015. Đây chính là thời gian ân sủng để mọi người Công Giáo trong cũng như ngoài giáo phận, vui sống hồng ân Kim khánh giáo phận Xuân Lộc 1965 – 2015.

Giáo xứ chúng con tuy còn đang trong giai đoạn củng cố và nâng cấp sau nhiều năm thiếu thốn và khó khăn, cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần, rất ao ước được đón tiếp Quí Đức Cha, Quí Cha, quí Chủng sinh, quí Tu sĩ nam nữ và giáo dân từ khắp nơi đến hành hương và lãnh nhận ơn toàn xá.

Ước mong những ngọn gió trong lành, cùng với hương thơm của bông bưởi nơi một vùng quê hẻo lánh, sẽ đem lại cho mọi người đến đây hành hương và kính viếng Thánh Tử đạo Phaolô Hạnh, được ơn hoán cải và bình an tâm hồn. Nhất là còn tìm được ơn vững mạnh trong đức tin, dạt dào trong tình mến, để hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người trên các nẻo đường đất nước Việt Nam thân yêu này.

[1] Marco Cè, Tuần Tĩnh Tâm cho Giáo triều Rôma năm 2006.
[2] Chuyên đề Don Bosco, số 26, tháng 10&11.2013, trang 15.
 
Lá thư TGM Xuân Lộc kêu gọi: An toàn giao thông và Môi trường sống sạch sẽ
+ GM Giuse Đinh Đức Đạo
10:05 09/11/2014
Long Khánh, ngày 07 tháng 11 năm 2014

Kính gửi :
Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ,
Các chủng sinh, anh chị em Giáo dân
Giáo phận Xuân Lộc,

Anh chị em rất thân mến,

Ngày 11 tháng 11 năm 2014 sắp tới là ngày kỷ niệm 10 năm sứ vụ Giám mục của Đức Cha Chính Đaminh. Trong 10 năm sứ vụ Giám mục, Đức Cha đã dâng hiến cuộc đời phụng sự Chúa và với ơn Chúa trợ giúp, ngài đã thực hiện nhiều công trình lớn lao cho Giáo phận. Trong niềm hân hoan và vui mừng, toàn thể Giáo phận chúng ta, cùng hiệp ý với Đức Cha Chính Đaminh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và xin Thiên Chúa tiếp tục tràn đổ muôn ơn lành trên Đức Cha Chính Đaminh để ngài tiếp tục hướng dẫn đoàn Dân Thánh mà Chúa đã trao phó cho ngài.

Như một món quà kính dâng Đức Cha Chính Đaminh kính mến của chúng ta, nhân dịp kỷ niệm Hồng ân 10 năm Giám Mục của ngài, tôi mời gọi gia đình Giáo phận nhiệt tâm đón nhận và thực hiện Chương trình Mục vụ Năm Kim Khánh sẽ được Linh mục đoàn Giáo phận triển khai dịp Thường Huấn sắp tới. Hôm nay, tôi xin mời gọi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận cùng nhau thực hiện hai công tác, vừa đáp lại lòng thao thức của Đức Cha Chính Đaminh, vừa ích lợi cho chúng ta và góp phần làm cho môi trường sống chung quanh chúng ta được an vui và tươi đẹp hơn, nhưng nhất là làm cho chúng ta thực sự trở nên muối - men của Tin Mừng trong xã hội như Chúa mời gọi.

1. An toàn giao thông

Ít lâu nay, an toàn giao thông đã trở thành vấn đề lớn trong xã hội. Biết bao tai nạn giao thông đã gây ra đau thương cho nhiều gia đình. Vấn đề có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính yếu vẫn là tinh thần trách nhiệm của người đi đường. Nếu mọi người biết tuân thủ luật giao thông, nhường nhịn nhau, kính trọng sự sống của mình và của người khác, chắc chắn giao thông sẽ trật tự và các tai nạn giao thông sẽ giảm bớt rất nhiều. Đối với người Công Giáo chúng ta, đây không những là vấn đề của tinh thần trách nhiệm, mà còn là đòi hỏi của Đức Ái đối với tha nhân và lòng tôn kính đối với chính Thiên Chúa, là nguồn gốc của sự sống và là Đấng đã tạo dựng nên muôn loài.

Xin quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quí Phụ huynh và quí Thầy Cô Công Giáo tìm phương cách để thức tỉnh lương tâm của mọi người, đặc biệt giới trẻ, về trách nhiệm an toàn giao thông. Giáo phận chúng ta thường hãnh diện về những công tác từ thiện, bác ái qua việc quyên góp giúp đỡ anh chị em kém may mắn. Với việc tích cực góp phần gìn giữ trật tự, an toàn giao thông, chúng ta sẽ vui mừng và hãnh diện vì Giáo phận Xuân Lộc là môi trường an lành trên các đường phố, ngõ hẻm. Đây cũng là một chứng tá để anh chị em lương dân nhận ra là người Công Giáo tôn trọng sự sống của mình và của tha nhân, vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa tình yêu, là Đấng dựng nên sự sống và bảo vệ sự sống.

2. Môi trường sống sạch sẽ

Nhu cầu thứ hai là gìn giữ cho môi trường sống được sạch sẽ. Đây là nhu cầu tối quan trọng cho sức khỏe và tình nghĩa giữa con người, nhưng trong xã hội hôm nay, nhu cầu này đang bị đe dọa trầm trọng, đặc biệt vì vấn đề rác và nguồn nước. Ở nhiều nơi, người ta phải sống bên cạnh những đống rác, vừa bẩn thỉu, vừa hôi thối; còn cống rãnh thì bị ứ đọng, nước sông ngòi và rạch suối thì đen và dơ bẩn vì nhiều người xả rác và các thứ cặn bã ra những nơi công cộng. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì nhiều khi còn gây bất hòa giữa hàng xóm, láng giềng và có khi ngay cả giữa những người thân. Như vậy, môi trường dơ bẩn không những gây ô nhiễm cho sức khỏe thể lý, mà còn làm ô nhiễm tinh thần, gây chia rẽ, bất hòa và làm tổn thương tình làng nghĩa xóm. Đối với người Công Giáo chúng ta, đây còn là vấn đề bác ái và đức tin. Sau khi đã tạo dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người, Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào công trình tạo dựng, làm cho trái đất đẹp đẽ hơn và sử dụng vạn vật làm của ăn nuôi sống, tạo tình thương yêu với nhau và tôn vinh Thiên Chúa (St 1,1-25).

Một lần nữa, xin quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quí Phụ huynh và quí Thầy Cô Công Giáo hãy làm gương và tìm phương cách thức tỉnh lương tâm của mọi người. Xin Anh chị em giáo hữu mau mắn và quảng đại góp tay trong các sáng kiến gìn giữ môi trường trong sạch. Chỉ khi mọi người cùng chung tay, không những không làm bẩn môi trường, mà còn cộng tác gìn giữ thì môi trường mới trong sạch. Nhà thờ và sân Nhà thờ của chúng ta, dù lớn cũng vẫn sạch sẽ vì mọi giáo hữu, với lòng tôn kính Chúa, không xả rác và còn có những người tình nguyện quét dọn.

Trong khi dấn thân thực hiện hai việc trên đây, chúng ta hiệp ý cầu nguyện để Ngày lễ ký niệm 10 năm sứ vụ Giám mục của Đức Cha Chính Đaminh sẽ là cơ hội thúc đẩy chúng ta dấn thân sống tinh thần năm Kim Khánh Giáo phận, phát huy sâu đậm hơn tình yêu thương và hiệp nhất của Gia đình Giáo phận và khích lệ nhau Nên Thánh. Xin Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội khơi lên trong lòng chúng ta tâm tình của Chúa Giêsu Thánh Thể, để Gia đình Giáo phận chúng ta trở thành Cộng Đoàn yêu thương và thánh thiện.

Thân mến chào anh chị em,

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phụ tá Gp. Xuân Lộc
 
Đồng hương Thạnh An giáo phận Long Xuyên mừng lễ tại Tgp Sài-gòn
Antôn Lê Tân
22:50 09/11/2014
Đồng hương Thạnh An giáo phận Long Xuyên mừng lễ tại Tgp Sài-gòn

Đông đảo anh chị em đồng hương Thạnh An đã tham dự thánh lễ mừng kính thánh quan thầy Martinô Porres tại nhà thờ GX Nữ vương Hòa Bình, hạt Xóm Mới vào 10g00 sáng 9/11/2014. Thánh lễ do 12 cha đồng tế, cha tổng đại diện Long Xuyên LG. Huỳnh Phước Lâm chủ tế.

Xem Hình

Trước lễ, cha linh hướng đồng hương, Phê-rô Dương Đình Tảo đã thông báo, Đức Cha chính GP vì đau bệnh và công việc nên không thể đến dâng lễ được dù trước đó đã nhận lời, ĐC đã cử cha Tổng đại diện và cha Chưởng ấn đến dâng lễ trong ngày hội ngộ đồng hương này.

Mở đầu bài giảng, cha chủ tế LG đả nói về 3 loại tình yêu, trong đó có 2 loại tình yêu có điều kiện là “tình yêu nếu” và “tình yêu vì”; Nếu anh thương tôi, nếu anh có nhiều tiền thì tôi sẽ thương anh hoặc vì anh đẹp trai, vì anh thông minh nên tôi thương anh, vì anh theo đuổi tôi mãi nên tôi cảm động… còn “tình yêu mặc dù” là tình yêu vô điều kiện: dù anh xấu xi, dù anh ngu muội và nghèo túng, tôi vẫn cứ thương anh. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là tình yêu không điều kiện, dù ta tội lỗi, yếu đuối, chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn cứ thương ta. Cùng chiêm ngắm tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng ta cũng học theo gương thánh Martino, để thể hiện tình thương đó ra với những người chung quanh. Thánh Martino lúc 12 tuổi đã luôn ao ước dâng mình cho Chúa, 15 tuổi thành tu sỹ ở tu viện Mân- côi, Li-ma, thánh nhân thích được làm những việc nhỏ mọn như quét nhà, hớt tóc, trông coi tủ thuốc, chăm sóc loài vật….và 24 tuổi đã lên bậc tu sỹ thực thụ. Noi gương thánh Martino, nhiều anh chị em đồng hương Thạnh An không những có những đóng góp cho xã hội mà còn nỗ lực phục vụ nơi các hội đoàn, các giáo xứ. Cuộc sống nơi đô thị kéo theo nhiều khó khăn cho những người nông dân gốc di cư Cái Sắn, nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã giúp họ gắn bó và nâng đỡ nhau…

Cuối lễ, ông trưởng Hội Đồng hương Thạnh An đã chân thành cảm ơn cha Tổng đại diện, cha chính xứ Nữ Vương Hòa Bình, cha giáo Phê-rô linh hướng, quý cha đặc trách di dân Sài-gòn và quý cha đồng hương. Ông cũng chân thành cảm ơn HĐMV GX Nữ vương Hòa Bình, GX Lạc Quang, quý khách mời, quý ân nhân và toàn thể mọi người. Ông cho biết xuất phát từ nỗi nhớ nhà, từ sự cô đơn và được sự cố vấn của quý cha mà những người gốc Thạnh An đã gắn bó với nhau từ 13 năm nay nơi Tgp Sài-gòn thân yêu này…

Đại diện cho quý cha đồng tế, cha Tổng linh hướng đã cầu chúc cho mỗi anh chị em đồng hương luôn biết trông cậy vào Chúa để cố gắng nở thành những bông nhiều sắc hương, những bông hoa “Tấm lòng vàng”…

Trong buổi tiệc thân mật sau đó quý Ban đại diện đồng hương đã trao những suất học bổng cho những HS giỏi, chăm ngoan và những phần quà cho những vị cao niên.

Được biết thị trấn Thạnh An ngày nay trước kia là 1 xã nghèo thuần nông trong vùng di cư Cái Sắn thuộc Giáo phận Long Xuyên. Từ mấy chục năm trước, bà con đã ra đi lập nghiệp ở nhiều vùng khác nhau, đông nhất là Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Vủng Tàu, Mỹ, Úc… Văn hóa châu thổ sông Hồng đã hòa quyện văn hóa Tây nam bộ để hình thành nên tính cách những con người nơi đây. Ngoài đồng hương Thạnh An, giáo dân gốc Long Xuyên còn lập thêm hội Đồng hương Cái Sắn cho những người ở ngoài khu vực Thạnh An. Vùng đất Cái Sắn-Thạnh An này trũng và ngập phèn, trước kia bà con chỉ sống nhờ vào cây lúa nước và tôm cá, tuy vậy HS nơi đây có tinh thần hiếu học và nhiều em đã bước theo tiếng gọi dâng mình cho Chúa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lateranô và những ngôi đền thờ
Lm. Vũ Xuân Hạnh
23:23 09/11/2014
LATÊRANÔ VÀ NHỮNG NGÔI ĐỀN THỜ

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã.

Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9.1.324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Hội Thánh như thế là vì bốn lý do:

- Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

- Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Hội Thánh. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

- Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

- Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh.

Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức Giáo Hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1.000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28.4.1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta.

Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh.

Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa.

Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Thông Báo
Ai tín: Thân Phụ Lm Giuse Nguyễn Hữu An vừa qua đời
Tang Gia
23:50 09/11/2014
AI TÍN

TRONG NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ PHỤC SINH
Gia đình chúng con xin trân trọng kính báo:

Ông Cố PHÊRÔ NGUYỄN HỮU PHÚ
Sinh ngày 10/8/1942, tại Gio Linh - Quảng Trị
Là Thân Phụ Linh Mục Giuse Nguyễn Hữu An - Quản xứ Kim Ngọc - Giáo Phận Phan Thiết.
Đã được Chúa gọi về lúc 4g30 sáng ngày 10 tháng11năm 2014,
tại tư gia thuộc Giáo xứ Tin Mừng.
Hưởng Thọ 72 tuổi.

Nghi thức tẩm liệm: 7g00 Sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng 11 năm 2014.
Thánh lễ an táng sẽ được Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chủ sự vào lúc 15g00, Chiều Thứ Tư, ngày 12 tháng 11 năm 2014.
Tại Nhà thờ Giáo Xứ Tin Mừng - Hạt Hàm Tân - Giáo Phận Phan Thiết.

Kính xin Quý Đức Cha, Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha, Quý Bề Trên, Quý Thầy, Quý Dì cùng Quý Vị thương đến hiệp dâng Thánh Lễ
cầu nguyện cho Ông Cố Phêrô của chúng con sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.
Linh cửu sẽ được an táng tại nghĩa trang Giáo xứ Tin Mừng.

Đồng kính báo
Linh Mục Giuse Nguyễn Hữu An cùng tang quyến.

Hợp thỉnh: Linh Mục Antôn Lê Minh Tuấn
Quản xứ Tin Mừng – Quản Hạt Hàm tân
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Tiết Trực Tâm Hư
Trà Lũ
09:40 09/11/2014
Lá thư Canada: TIẾT TRỰC TÂM HƯ

Canada đã vào cuối thu. Thời gian đi nhanh quá. Quần áo mong manh mùa hè mới mặc mấy lần đang được giặt ủi và xếp lại, và quần áo mùa lạnh đã được lấy ra. Dân Canada có hai thứ áo ấm. Một loại nhẹ cho những ngày mùa thu và một loại nặng cho cả mùa đông. Dân làng An Lạc của tôi không ai bảo ai, gặp nhau thường nói tới cái hạnh phúc lớn mà mình đang hưởng, đó là nhà có sưởi ấm, chăn ấm và áo ấm. Chỉ có người Da Đỏ ở đây là chịu lạnh giỏi. Họ có mặt trên giải đất này dã mấy chục ngàn năm rồi, thế mà vẫn sống nếp cũ và sống rất mạnh. Sử còn ghi số ngươi da trắng đầu tiên trên con tàu Mayflower năm 1620 khi đã tới đất Bắc Mỹ này rồi, thế mà một số đã chết vì không chịu nổi cái lạnh của tuyết của gió ở đây.

Khi tôi viết những dòng này thi Canada mới bước vào mùa lạnh, chưa xôn xao vì băng tuyết đang tới nhưng cả nước đã xôn xao vì mấy biến cố do 2 tên khùng Martin Rouleau và Zehaf Bibeau tạo ra. Tôi gọi chúng là tên khùng tuy có hơi hám Hồi Giáo quá khích một chút nhưng không thuộc nhóm khủng bố nào. Thật còn may cho Canada. Theo rõi truyền thông chắc các cụ đã biết tên điên thứ nhất đã sát thương 2 binh sĩ Canada ở Montreal ngày 20 tháng Mười, và tên thứ hai đã sát thương một vệ binh danh dự đang gác đài Chiến Sĩ ngày 22 ở thủ đô Ottawa. Hai diễn biến chỉ cách nhau hai ngày. Biến cố thứ hai nghiêm trọng hơn vì nó diễn ra ngay tại thủ đô. May mà tên khùng này bị hạ ngay khi vừa tiến vào trong quốc hội, nơi mà thủ tướng Harper đang họp. Và may là hai tên khùng là người da trắng vì no cơm ấm cật nổi điên đã cải đạo chứ không phải là dân Hồi giáo da màu quá khích thứ thiệt. Thủ tướng Harper đã lên tiếng trấn an cả nước là Canada không sợ, nhưng đàng sau lời trấn an này thì ai cũng hiểu là hồi chuông báo động đã được rung lên. Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ đã bay sang Canada vỗ về trấn an Canada, và tái cam kết hai nước sẽ chung sức chống bọn khủng bố chặt chẽ hơn. Một điều làm người dân cảm động là vệ sĩ Nathan Cirillo gác Đài Chiến Sĩ bị tên khùng bắn chết đã được chôn cất theo nghi lễ quốc tang trọng thể. Rất nhiều người đã đem hoa và kỷ vật đến đài nơi anh nằm xuống. Vòng hoa và kỷ vật nhiều đến nỗi không còn đủ chỗ để trưng bày. Ngày đầu tháng Mười Một vừa qua, chính quyền đã xin phép được thu dọn bớt những thứ này đi chỗ khác.Theo báo chí thì số người đem hoa và tặng vật đến lễ đài để tỏ lòng tôn kính chiến sĩ Nathan Cirillo lên tới mấy ngàn người. Các cụ đọc kỹ nha, con số lên tới mấy ngàn người. Thế mới biết người Canada yêu quê hương, yêu các chiến sĩ bảo vệ quê hương tha thiết chừng nào.

Nhân nói tới đài chiến sĩ, xin trình các cụ phương xa tin này: chính phủ Canada đã có chương trình xây một Đài Kỷ Niệm để kính nhớ các nạn nhân đã bị các chế độ Cộng Sản trên thế giới sát hại. Đài sẽ xây ở bên cạnh Tối Cao Pháp Viện tại thủ đô Ottawa, với ngân phí là 4 triệu đồng, và sẽ hoàn thành vào mùa thu sang năm. Hiện đã có 6 mẫu kiến trúc để chọn lựa. Có phóng viên đã gọi điện thoại phỏng vấn Tòa đại sứ Tàu Cộng và Việt Cộng về việc này nhưng 2 nơi này nín khe. Thật là mất mặt và bẽ bàng to.

Cùng ngày 22 tháng Mười này chúng tôi được tin vui mừng là Blogger Điếu Cày tới Mỹ. Ai cũng vui vì thấy ông này đĩnh đạc, l‎y luận sắc bén, ăn nói đâu ra đó.

Cũng ngày 22 tháng Mười, khôi nguyên Nobel Hòa Bình Malala Yousafzai 17 tuổi từ Pakistan tới Canada để nhận bảng Công Dân Danh Dự từ thủ tướng Harper. Canada yêu cô bé này quá vì cô là một tấm gương sáng cho toàn thế giới. Xưa nay Canada mới chỉ trao bảng Danh Dự này cho 5 người nổi danh mà thôi, đó là nhà Ngoại giao Raoul Wallenberg thời Thế Chiến Thứ Hai, Cựu Tổng Thống Nelson Mandela, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bà Aung San Suu Kyi, và lãnh tụ Aga Khan. Cô Malala là người thứ 6. Được biết chẳng riêng gì Canada nể phục và yêu mến cô bé 17 tuổi này, Viện đại học Edinburgh bên Anh cũng đã trao cho cô bằng Tiến Sĩ Danh Dự.

Tháng Mười năm nay có nhiều chuyện đáng ghi quá, phải không các cụ. Chưa hết đâu, tôi còn tin này cũng hấp dẫn lắm, là ngày 27 cuối tháng vừa qua là ngày bầu cử tại nhiều thành phố thuộc bang Ontario. Sôi nổi nhất là ở Toronto với cuộc bầu thị trưởng. Có 3 ứng viên nặng cân ghi danh cuộc đua. Và kết quả là ông John Tory về nhất, thứ hai là Doug Ford, thứ ba là Olivia Chow. Cách đây mấy tháng, khi John Tory chưa cổ động thì bà Chow này dẫn đầu, nhiều người đã nghĩ phen này Toronto sẽ có một bà thị trưởng gốc Á Châu. Ai ngờ gió xoay chiều. Nhưng bình tâm mà xét thì quả thực John Tory rất xứng đáng. Cách đây 10 năm ông đã từng ra tranh chức thị trưởng này với David Miller và Miller đã thắng. Tory là người có học, là luật sư, là thương gia, là chính trị gia uy tín. Dân Toronto đang mong một luồng gió mới.

Ngoài Toronto ra, còn có mấy tân thị trưởng khác quanh đây. Đó là Bà Bonnie Crombie ở Misissauga thay thế bà già Hazel McCaillion 90 tuổi đã làm thị trưởng 40 năm liền. Đó là bà Linda Jeffrey ở Brampton. Các cụ thấy chưa, kỳ này phái nữ đã lên ngôi nha.

Anh H.O. nghe tôi nói về ông Tory làm tân đô trưởng thì cười hì hì rồi phát biểu. Cái ông Tory giỏi, ông cho rằng Toronto là đất của ông ta. Cứ xem cái bảng quảng cáo của ông ta thì thấy rõ. Thật là hay. Trên các bảng vận động tranh cử, chữ ‘Tory’ được viết rất đặc biệt như thế này: chữ TO thì vừa lớn, vừa mầu xanh, còn chữ Ry thì chữ nhỏ và mầu đen. Một chữ Tory mà viết hai kiểu chữ và in 2 màu đủ thấy cái y của ông ta muốn nói với mọi người rằng trong cái tên của tôi đã ghi sẵn chức đô trưởng TOronto.

Và ngày 31 tháng Mười cũng là một ngày vui cuối tuần cho nhiều người. Đó là tối Ma Trơi Halloween. Bà cụ B.95 trong làng tôi sợ nhất tối này. Cụ cho biết là hai nhà hàng xóm là dân da trắng, năm nào họ cũng bày cảnh ma trơi trong sân trước nhà: nào là những tấm mộ bia như ngoài nghĩa trang, nào là những hình nộm người chết xương sọ xương sườn bày ra, nào là những quả bí ngô to đùng khoét mắt khoét miệng, trong để đèn chớp nháy, nào là âm thanh tiếng gió hú… Chưa hết, cả người lớn cả trẻ con đều mặc quần áo kỳ dị, đi ra đi vô, cười khanh khách, họ tiếp đón nhiều bầy trẻ đến gõ cửa xin kẹo. Cụ B.95 sợ những cảnh này nên cụ đã trốn đến nhà Chị Ba Biên Hòa xin ngủ qua đêm. Đây là một điều hãn hữu, xưa nay cụ B.95 có đi ngủ lang thế này đâu. Vì có khách qúy tới nhà, một điềm hên, Chị Ba Biên Hòa liền bác loa mời cả làng đến chung vui một đêm rất Canada này.

Thế là phe chúng tôi tới ngay lập tực. Chúng tôi không ngờ hai nữ tướng đã có chương trình từ trước, đã chuẩn bị bữa ăn sẵn sàng. Rất dã chiến nhưng ngon không chịu được. Các cụ đã đoán ra món gì chưa ? Thưa ngon lắm. Tôi không dám đố qúy vị mà xin trình ngay kẻo nó nguội mất. Thưa đó là món bánh xèo Chị Ba đứng chủ bếp và món bánh cuốn Thanh Trì do Cụ B.95 ngồi tráng. Có hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân phụ tá hai bên. Bánh chín đến đâu thì làng được nhậu tới đó. Chúa ơi, ngon quên chết. Vừa ngon vì thức ăn, vừa ngon vì không khí ấm cúng và thân ái. Làng tôi thật có phước, phải khôntg các cụ.

Cuối bữa thì mới có diễn văn của chủ nhà. Anh John này thật giỏi và lịch lãm. Anh bảo trong khi mọi người ngửi mùi bánh xèo và bánh cuốn thơm lừng thì ai còn hồn trí nào nghe diễn văn. Xưa nay kinh nghiệm cho biết là đừng đọc diễn văn khi người ta đói. Hình như tiếng Pháp có câu rằng khi bụng đói thì nó không có tai. Câu Pháp văn này đã ăn cắp ‎‎của tiếng VN: Bụng đói tai điếc. Cả làng vỗ tay ào ào về lời mở đầu của anh John. Anh biết trước sau gì thì Cụ B.95 sẽ hỏi anh về nguồn gốc ngày lễ Ma Trơi này. Cụ không nói được tiếng Halloween nên cụ gọi là lễ Ma Trơi. Nghe buồn cười nhưng xét kỹ ra thì bà cụ nói rất đúng ‎y nghĩa.Thật đáng yêu quá bà cụ già Bắc Kỳ này. Anh bảo nguồn gốc lễ này là từ người Celtic xứ Ái Nhĩ Lan bên Anh, khi họ di cư sang Bắc Mỹ này đã đem theo. Lễ này là lễ nhớ các âm hồn, cụ B.95 gọi là lễ Ma Trơi thì không sai chút nào. Các âm hồn từ mồ mả chui lên và đi vào dương gian. Các mụ phù thủy thì cỡi cái chổi rồi bay đi khắp nơi. Sở dĩ nhiều người hóa trang thành hình ma trơi là để bọn ma trơi nghĩ rằng đây là bạn mình nên chúng không bắt nạt. Các gia đình mà không muốn ma trơi bắt nạt thì thường làm cái đèn bằng trái bí đỏ rồi đặt cây đèn bên trong và để trước nhà, chúng đi qua thì làm ngơ. Câu mà các trẻ em đi xin kẹo hay nói ‘ Treat or trick’ mang dấu vết hăm dọa của ma trơi ban đầu. Chúng dọa ‘ hãy khoản đãi bọn tôi không thì bọn tôi phá’ là thế. Rồi anh John xin hết. Anh nói rất âu yếm với cụ B.95: Xin cụ an lòng, không có ai dám phá cụ cả. Đêm nay bọn cháu rất sung sướng được mời cụ ngủ lại đây, sáng mai khi bọn hàng xóm đã dẹp hết những hình ma quỷ thì bọn cháu sẽ đưa cụ về nhà.

Mọi người vỗ tay râm ran khen tấm lòng của Anh John và Chị Ba. Anh John dố mọi người rằng cái gì sẽ làm cho ta hết sợ ? Có mấy lời đáp: Đọc kinh cầu Chúa cầu Phật, nói lảng sang các chuyện khác, đi lên giường ngủ…Anh John đều lắc đầu: Các thứ đó lại càng tăng nỗi sợ. Chỉ có một thứ xóa tan được nỗi sợ là tiếng cười. Các bạn cứ nghiệm mà xem. Rồi anh thưa với cụ B.95: Bây giờ nếu cháu kể chuyện cười mà cụ cười to là hết sợ ma trơi ngay.

Rằng có hai anh con trai kia là bạn thân với nhau từ bé, sang bên Canada này họ mới gặp lại nhau. Một anh hỏi:

- Sao, việc vợ con đến đâu rồi, nàng ‘nai vàng ngơ ngác’ của mày ngày xưa đâu?

- Nó biến rồi

- Sao vậy?

- Tao lấy nó, bây giờ nó hết là con nai vàng ngơ ngác mà biến thành con sư tử !

Và phép lạ đã xảy ra, không phải chỉ có phe liền ông chúng tôi cười mà phe các bà và nhất là bà cụ B.95 cũng cười lớn tiếng.

Ông ODP thấy mọi người òa ra cười như thế thì biết đề tài ‘các bà vợ’ coi bộ ăn khách, ông liền ra câu đố như thế này:

- Muốn đo nhiệt độ thì người ta dùng nhiệt kế

- Muốn đo điện thế thì người ta dùng vôn kế

- Muốn đo cường độ dòng điện thì người ta dùng ampe kế

- Muốn đo lòng dạ người đàn ông thì người ta dùng mỹ nhân kế

- Xin hỏi mọi người: muốn đo sức khỏe của một người chồng thì người ta dùng cái gì?

Thấy không ai đáp được, ông ODP nói ngay: Vợ kế.

Mọi người cười bò ra và khen câu đố hay.

Anh H.O. cũng xin góp vui. Anh nói với anh John: Tôi biết tiếng Việt của anh rất giỏi, văn chương VN anh biết rất nhiều. Bữa nay xin đố anh về tục ngữ ca dao nha. Tôi gặp mấy câu đố này trên báo, thích qúa, hôm nay đem ra đố anh:

- Câu gì tả cảnh một người đàn ông khỏa thân cõng một người đàn ông khỏa thân khác trên lưng?

Câu hỏi qúa mông lung nên anh John xin chịu. Anh H.O. trả lời:

- Đó là câu ‘ Gậy ông đập lưng ông’

Xin dố tiếp: Câu tục ngữ gì tả cảnh cái ông khỏa thân nhảy ùm xuống ao cá ?

Anh John này đã hiểu lời đố nên anh đáp ngon lành:

- Đó là câu ‘ Chim sa cá lặn.

- Câu gì diễn tả cái anh khỏa thân kia leo lên bờ, ngồi bệt xuống một tảng đá?

- Đó là câu ‘ Trứng chọi đá’

Các cụ đã thấy cái anh John này giỏi tiếng Việt chưa! Làng tôi lại dược một phen

lăn ra cười. Mà người cười to tiếng nhất là cụ.B.95. Cụ nói lớn: Bây giờ thì lão hết sợ ma trơi rồi.

Làng tôi vui và tếu thế đấy các cụ ạ.

Anh John chủ nhà thấy không khí buổi họp làng ở nhà mình vui vẻ và đầm ấm qúa thì thích lắm. Anh xin được góp thêm một chuyện của thế giới nói tiếng Anh, chuyện ông tổ của tiếng Anh. Thời đó ngay trên đất nước Anh, tiếng Pháp mới là ngôn ngữ văn minh và chính thức của chính quyền, tiếng Anh bị coi là ngôn ngữ rẻ tiền của giai cấp bình dân, Ông Geoffrey Chaucer ( 1343- 1400 ) được coi là ông tổ đã đem tiếng Anh lên ngôi vị quốc ngữ. Giới văn học sử gọi ông là ‘ First Founder and Embellisher of Our English’/ Cha già tiền phong lập ra và làm đẹp ngôn ngữ Tiếng Anh. Ông tổ này được dân Anh muôn đời ghi nhớ. Ông được chôn giữa lòng Đại giáo đường Westminster Abbey ở thủ đô London. Ông là một nhà văn và nhà ngữ học lớn. Trong các tác phẩm đồ sộ của ông, có một câu nói mà giới đàn ông nước Anh ai cũng thuộc lòng:

- Women desire six things: They want their husbands to be brave, wise, rich, generous, obedient to wife, and lively in bed / Người đàn bà chỉ ao ước chồng mình có được 6 điềm này mà thôi: dũng cảm, thông minh, giàu có, hào phóng, biết vâng lời vợ và sống động trên giường’

Phe các bà vỗ tay râm ran. Cụ B.95 hỏi liền chị Ba Biên Hòa: Có đúng thế không, thưa cô Ba? Chị Ba mặt đỏ lên, rồi vỗ vai Anh John: Về đề tài ‘vợ chồng’, anh nói thế là đủ rồi. Chuyện VN đang vui, đầy tiếng cười, sao anh lại đem chuyện vợ chồng người Anh qúa nghiêm trang vào đây?

Ông ODP lên tiếng bênh anh John ngay: Xin chị để cho anh ấy nói. Chuyện anh ấy kể bổ ích và đúng sự thực lắm chứ. Chuyện bên Anh cơ mà. Phe các nhà quân tử chúng tôi thì cũng chỉ ao ước được 6 điều như vậy, chỉ xin phép cụ Chaucer sửa lại một chút xíu thế này cho công bằng: Đàn ông ai cũng chỉ ao ước vợ mình có 6 điều sau đây: dũng cảm, thông minh, giàu có, hào phóng, biết vâng lời chồng và sống động trên giường. Phe liền ông trong làng đã vỗ tay râm ran, miệng đấng nào cũng nói: đúng, đúng quá!. Mãi rồi phe liền ông mới thôi vỗ tay. Và ông ODP nói tiếp với Chị Ba:

- Theo tôi thì nhiều chuyện bên Anh hay lắm. Chẳng hạn chuyện bà già gân Margaret Thatcher, cái gân dễ nể, như trận Falklands năm xưa. Các bạn còn nhớ cuộc chiến thắng oanh liệt năm 1982 này không ? Falklands là một quần đảo nhỏ thuộc Anh ngày xưa, trên đảo chỉ còn mấy gia đình đánh cá. Nước Argentina gần đó thình lình cho quân đến chiếm đảo này. Bà thủ tướng ‘Iron Lady’ nổi giận bèn quyết chí lấy lại. Từ Anh quốc tới Falklands dài 12.000 cây số, trong khi từ Argentina tới Falklands chỉ có 200 cây số. Argentina vừa gần nhà vừa có Pháp và Nga hỗ trợ, ai cũng thấy Argentina sẽ thắng. Nhưng bà già gân Thatcher cương quyết đánh. Với sự hỗ trợ xăng dầu và sự yểm trợ của hạm đội Hoa Kỳ, hải quân của Anh đã vượt đại dương ngàn trùng, đã lâm trận và đã chiến thắng chiếm lại đảo. Bà già gân Thatcher đáng nể quá chứ.

Cụ B.95 không thích các thứ chuyện này, bà xin anh John nói chuyện thời sự.

Anh John kể ngay vì đây là nghề của chàng mà. Rằng từ đầu bữa ăn cụ đã nghe các chuyện mấy anh khùng Canada vừa cải qua đạo Hồi rồi xách súng đi bắn lung tung. Đó là những chuyện nhức đầu. Bây giờ cháu xin kể mấy chuyện khác không nhức đầu nha.

Chuyện thứ nhất là Canada đang chuẩn bị mừng 2 đại lễ vào năm 2017. Lễ thứ nhất là lễ quốc khánh Canada tròn 150 tuổi, và thành phố Montreal nói tiếng Pháp mừng lễ 375 tuổi. Quốc khánh Canada thì mừng hàng năm, riêng 2017 thì mừng lớn vì có con số tròn 150. Canada còn trẻ lắm nha, thưa các cụ. Riêng thành phố Montreal xứ nói tiếng Pháp lớn thứ 2 sau Paris thì đặc biệt. Theo sử thì năm 1642 Montreal chỉ là một thương điếm buôn bán và trao đổi long thú của người da trắng, thế mà 375 năm sau Montreal biến thành một thành phố đẹp và lớn thứ hai trên thế giới. Ban tổ chức đã có 2 chương trình vĩ đại cho năm 2017: Nơi đây sẽ tổ chức Đại hội Cảnh Sát trên toàn thế giới và Đại hội Lính Cứu Hỏa trên toàn thế giới. Đặc biệt quá chứ. Ngoài ra người ta cũng dự tính một Đại hội liên lục địa về môn Thể Thao Hockey/ Khúc Côn Cầu. Trên đây tôi nói tới sinh nhật 375 tức là nói từ khi có mặt người Da Trắng, chứ thực ra đất Montreal ngày xưa cách đây mấy chục ngàn năm là đất của người Da Đỏ gốc Algonquins và Huron. Những người Da Đỏ này đã từ Bắc Cực tiến xuống đây dựa theo dòng sông lịch sử St.Laurent. Mời các cụ phương xa chưa biết Canada nên đặt chương trình thăm Canada và thành phố Montreal nha. Bạn sẽ được nghe tiếng Pháp còn chút âm hưởng của thế kỷ 17 khi người Pháp ban đầu tới đây.

Tôi nhớ mãi một từ tiếng Pháp khi tôi mới tới Montreal năm 1975. Vì bơ vơ trắng tay nên cái việc mà tôi xin được là rửa chén cho một nhà hàng. Rửa chén, tiếng Anh gọi là dishwasher, còn tiếng Pháp ở Montreal gọi là ‘plongeur’. Lần đầu tôi nghe tiếng plongeur thì tôi sợ quá vì cái nghĩa ghi rõ trong tự điển plongeur là người bơi lặn ! Vậy tôi là plongeur thiệt ư? Nhưng không sao, đây là chuyện rất nhỏ kể cho vui thôi, các cụ tới Montreal sẽ được thưởng thức cái không khí Paris, cái hương vị thơm ngon của bánh croissant và cà phê Paris. Montreal là thành phố đông người Việt thứ hai sau Toronto. Các cụ muốn ăn phở, bún bò, chả giò, bún ốc thì ở đây rất sẵn rất nhiều và rất ngon.

Chuyện thời sự thứ hai là chuyện hội đồng giáo dục của thành phố Toronto vừa chấm dứt hợp tác với ‘ Các Học Viện Khổng Tử’. Các cụ có nghe về các học viện này không? Trung Cộng rao bán chính sách văn hóa này từ năm 2004 và có mặt ở rất nhiều trường của 40 quốc gia trên thế giới. Giới giáo dục Canada ở Toronto đã nhìn ra bộ mặt gian dối của Cộng Sản nên đã chấm dứt liên hệ.

Nhân nói tới cái gian dối của cộng sản, tôi liền nhớ tới Anh Đặng Chí Hùng. Đây là một thanh niên 32 tuổi gốc Bắc Kỳ đặc, được sinh ra giữa lòng cộng sản, được đào luyện cũng giữa lòng cộng sản, bố mẹ là đảng viên cộng sản. Anh được dạy dỗ rằng Bác Hồ là vị đại thánh và Đảng CSVN là số một. Nhưng anh đã mở mắt. Anh đã thấy mọi sự gian dối của CSVN. Anh đã trốn khỏi Hà Nội vào Saigon, và đã mở mắt thêm nữa. Anh lên tiếng tố cáo sự gian dối của con cháu Bác Hồ và anh bị săn đuổi. Anh trốn sang Cao Mên rồi tới Thái Lan. CSVN xin Thái Lan bắt anh nhưng anh may mắn được LHQ can thiệp kịp thời và cho anh quy chế tỵ nạn. Anh đã viết nhiều bài tố cáo CSVN gian trá và tố cáo âm mưu dâng nước VN cho Tầu Cộng. Các bài anh viết đã dược Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương ở Nam Cali in. Tôi đang đọc cuốn thứ nhất. Hay và đúng qúa sức. Anh còn trẻ mà phương pháp nghiên cứu rất khoa học và tuyệt vời. Sách của anh xác nhận hùng hồn những gì Nguyễn Chí Thiện, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Tô Hải đã viết. Sách có trích dẫn nguồn gốc đáng tin cậy với nhiều hình ảnh chứng minh. Cái việc CSVN dâng nước cho Tàu thật là hiển nhiên rõ ràng. Không cần phải đọc những văn kiện dâng nước, mà chỉ cần nhìn vào lá cờ của Tàu Cộng xưa nay chỉ có 5 ngôi sao, thế mà bây giờ trong sách giáo khoa ở VN có hình cờ Tàu 6 sao, các em học sinh cầm cờ 6 sao đi đón vua Tàu ở Hà Nội. Ngôi sao thứ 6 chỉ VN rõ ràng. Một tấm ảnh lần đầu tiên tôi mới thấy là trong đại hội thể thao các dân tộc thiểu số bên Tàu tổ chức tháng 9/2011 có hình một cô gái VN khăn đống ái dài. Chưa hết. Nhiều hình lãnh tụ Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng mặc áo bốn túi, y như áo Mao Trạch Đông và các lãnh tụ Tầu Cộng vẫn mặc.

Còn chuyện này mới ghê, chuyện đã ngày xưa mà bây giờ tôi mới biết. Thật không thể ngờ được. Đó là năm 1951, trong văn thư của Ủy Ban Kháng Chiến số 284/ LĐ, với tư cách là Tổng thư k‎y Đảng Lao Động VN, Trường Chinh đã hô hào bỏ chữ viết lối ABC mà trở về với chữ Hán và bỏ thuốc tây mà trở về với thuốc ta thuốc Tàu. Xin mời các cụ nghe sơ sơ mấy lời của Trường Chinh:

…Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau cách viết chữ kỳ dị của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế? Không, đồng bào nên loại hẳn cách viết theo lối Âu Tây ấy và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước là thứ chữ Nho của Trung Quốc. Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta, mà có lẽ là thày của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế.

…Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn đế quốc phương tây đem qua xứ ta! Ta hãy bỏ nhà bảo sinh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng. Hãy dùng thuốc dán của cha ông ta để lại, và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp hoàn cầu… ( sách đã dẫn trang 484)

Thì ra cái việc xin được nhập vào Tàu của CSVN đã có từ lâu rồi. Phục ông bạn trẻ Đặng Chí Hùng quá. Cuốn sách tôi đang đọc mang tên ‘ Những Sự Thật Cần Phải Biết’, bìa sách ghi là cuốn 1. Cuốn số 2 sẽ mang tên ‘ Những Sự Thực không thể Chối Bỏ’, chắc cuốn thứ hai này sẽ là trái bom nổ lớn hơn nữa.

Trước đây tôi đã từng bi quan vì nghĩ rằng CSVN đã gian dối và lừa bịp thành công bao nhiêu thế hệ. Thế hệ bi lừa bịp đầu tiên là lớp trẻ hăng say cầm súng tiến vào miền Nam để giải thoát đồng bào đang bị ‘Mỹ Ngụy cùm kẹp’. Lớp trẻ này đánh anh em Miền Nam tàn khốc vì họ tin chắc vào lời Bác và Đảng là chân l‎y. Rồi lớp trẻ kế tiếp cắp sách tới trường được dạy lời dối trá của Bác và Đảng mà đa số tin là sự thực. May mà có một số đã mở mắt nhìn ra chính tà, như anh bạn trẻ Đặng Chí Hùng trên đây. Đặng Chí Hùng là bút danh, tên thật là Phạm Mạnh Hùng, sinh quán ở Hà Sơn Bình.

Hiện nay ở hải ngoại này có rất nhiều người và nhiều tổ chức đang gửi tiền về VN giúp các thân nhân và người nghèo. Đây mới chỉ là giúp vật chất. Còn mặt tinh thần thì sao đây. Chúng ta cũng phải giúp chứ vì mặt này mới quan trọng. Chúng ta phải làm sao cho tất cả con em chúng ta mở mắt, các bạn có đồng y ‎với tôi không?

Cụ Chánh lên tiếng: Bạn nói rất đúng, ta phải chuyển các sự thực về việc Hồ Chí Minh và Đảng CSVN dối trá và lừa gạt. Hiện đa số bọn chúng đã biết cái sai cái trái nhưng vì đang hưởng giàu sang nên chúng ngậm miệng và cố bám lấy Đảng. Bây giờ chúng được binh đoàn Công An bảo vệ. Ngành Công An của VC đã trở thành một lực lượng rất lớn, nghe nói có tới 200 ông tướng. Trên thế giới hiện nay có nước nào mà ngành công an nhiều tướng như vậy không? VC mở miệng thì một điều là đảng, hai điều là đảng, chứ không nói tới quốc gia, hay tổ quốc.

Tôi xin tạm ngưng chuyện này để nói chuyện khác. Xin được nói về buổi lễ giố Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm hôm mồng Hai tháng Mười Một vừa qua. Hôm đó tôi cầm que hương vái Cụ mà khóc trong lòng. Cụ là một nhà ái quốc chân chính đã bị chết một cách oan khiên. Chín năm cầm quyền của Cụ là 9 năm Miền Nam thanh bình và hạnh phúc nhất. Có một danh nhân ngoại quốc nào đó khi nghe tin Cụ bị hạ sát thì đã lên tiếng tiếc thương và phát biểu rằng: Đó là một ông Khổng Tử cuối cùng của Á Châu. Tôi già nên quên tên vị này. Chỉ nguyên câu viết trên hiệu kỳ của Cụ Diệm‘ Tiết Trực Tâm Hư’/ lòng ngay dạ thẳng ‘đủ cho ta thấy cái đức của một nhà quân tử.

Xin Ơn Trên ban mọi phước lành cho quê hương Việt Nam.

TRÀ LŨ
 
Lạy Chúa này con đây.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:46 09/11/2014
Lạy Chúa này con đây.

Ai cũng buồn sầu ngậm ngùi, khi trong gia đình, trong vòng họ hàng bạn bè, có một ai qua đời ra đi về đời sau.

Và hầu như ai cũng mang tâm trạng hoang mang với chút lo âu, không biết sau khi qua đời sẽ như thế nào? Có sự sống sau đó nữa hay không?

Theo như đức tin Công Giáo dạy, người qua đời sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về đời sống mình khi xưa sống trong xã hội trên trần gian. Nhưng dẫu vậy, là con người nào ai có thể nhớ cùng biết hết những việc mình làm khi xưa thế nào, tốt hay xấu, đẹp lòng Chúa hay làm mất lòng Chúa, đúng hay sai…

Hoang mang lo âu như vậy, nên một tâm hồn nói với mình, có lẽ khi ra trước mặt Chúa sẽ xin thưa với Chúa tâm tình của mình như sau:

1. Khởi đầu khi con thành hình hài sự sống trong cung lòng mẹ, con không biết gì hết, và cha mẹ con cũng không thể mường tượng được điều gì về đời con. Nhưng cha mẹ con vui mừng hạnh phúc thần thánh thiên đàng. Vì con là món qùa tặng niềm vui hạnh phúc, mà Thiên Chúa ban cho cha mẹ con.

Như vậy con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây, Chúa là người tạo dựng sự sống đời con.

2. Khi con từ cung lòng mẹ đi vào thế giới mở mắt chào đời, con cũng chỉ bật òa lên khóc kêu la đòi mẹ. Rồi hình hài thân xác cũng như tâm trí tinh thần con dần phát triển lớn lên theo tuổi đời, mà không biết ai đã tác thành làm cho con như vậy. Lớn lên con được dạy bảo cho biết đó là do Chúa đã làm cho đời con như thế.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con là công trình tác phẩm của Chúa.

3. Sau khi con chào đời, cha mẹ con bồng ẵm con tới nhà thờ xin cho con được nhận lãnh làn nước Bí Tích Rửa tội. Trên tay cha mẹ, con cũng chỉ nhắm mắt ngủ li bì. Con nào có biết mình đã được rửa tội không chỉ trong làn nước, nhưng còn trong Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Con cũng nào có biết hay nhìn thấy được cây nến Rửa tội của con được đốt thắp sáng từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu phục sinh.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con đã được rửa tội, được xức dầu Thánh trở nên môn đệ theo Chúa trong Hội Thánh.

4. Theo dòng thời gian năm tháng ở đời, con trải qua những chặng đường đời tuổi thơ ấu, thiếu niên, thanh niên. Con nghe cha mẹ khuyên bảo, và như có tiếng thì thầm trong trái tim tâm hồn bảo hãy chọn con đường nếp sống lối đi cho đời mình.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con đã chọn được người bạn đường cùng chia sẻ, và nâng đỡ đời sống cho nhau nên tốt đẹp. Và chúng con đã dắt tay nhau tới thánh đường xin Chúa thánh hóa chúc phúc cho gia đình tương lai của chúng con.

5. Ngày trước khi cha mẹ con được Chúa ban cho có con. Con là niềm vui hạnh phúc của các ngài. Ngày nay, sau khi lập gia đình, Chúa cũng ban cho chúng có con. Những người con gia đình là cây mầm non tương lai niềm vui của đời chúng con. Chúng con cám ơn Chúa.

Nhưng niềm vui không dừng lại nơi đó. Việc nuôi dậy giáo dục con chúng con trở thành vấn đề cho chúng con. Chúng con mừng rỡ khi thấy người con nghe lời dạy bảo, sống nên người. Chúng con đau khổ khi người con không chịu nghe lời cha mẹ, mà sống theo ý riêng mình. Lẽ dĩ nhiên chúng con tôn trọng sự tự do của người con. Nhưng nguy cơ đưa đến sự xấu sự bất hạnh cho người con như thế nhiều qúa lớn qúa, nhất là về nếp sống đạo giáo đức tin.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con không biết, con đã làm xong, làm đúng việc bổn phận nuôi nấng dạy bảo con của con không. Con chỉ biết nỗ lực cố gắng làm những gì có thể làm được cho con của con.

6. Trên đường đời sống gặp nhiều giai đoạn biến cố vui buồn, thành công thất bại, vấp phải nhiều cảnh ngộ làm cho con phải tư lự, lo âu suy nghĩ đắn đo. Nhưng rồi cũng phải đi đến một chọn lựa chung cuộc. Có những chọn lựa có khi đưa đến thành công tốt đẹp cho con, nhưng lại gây phiền hà xích mích cho người khác. Vì đụng chạm đến quyền lợi, đến lòng tự ái của họ. Vừa lòng con, mà không vừa lòng người khác.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Giờ đây trước mặt Chúa, con không biện hộ cho con, nhưng xin Chúa tha thứ cho con người giới hạn nhiều khiếm khuyết của con.

7. Trong đời sống, con cũng như bao người mong sao khoẻ mạnh, có niềm vui phấn khởi, làm việc xây dựng hữu ích cho nhân quần xã hội. Nhưng nhiều khi lại xảy ra trái ngược không như ý con mong muốn chờ đợi. Khi gặp hoàn cảnh không như ý muốn, con hay kêu la than trách Chúa, sao lại để xảy ra như vậy cho con.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con đến trước mặt Chúa với tất cả lịch sử đời con, hy vọng có và cũng có thất vọng, có tâm tình tạ ơn và cũng có ý tưởng càu nhàu than trách, có lòng sống vị tha quảng đại và cũng lòng ích kỷ nhỏ nhặt tham lam.

8. Đời sống con là một con đường trải dài với nhiều chặng cùng nhiều biến cố xảy ra, hay như một tấm thảm được dệt đan bện từ do hàng ngàn sợi chỉ, sợi len có nhiều mầu sắc ẩn hiện lại với nhau. Và như vậy con có nhiều cơ hội tốt đẹp cho mình. Nhưng con cũng lại bỏ lỡ nhiều cơ hội. Chính vì thế mà đời con vấp phải nhiều vướng trở, nhiều bước thụt lùi. Và con hằng phải kêu xin để được giúp đỡ, cùng luôn phải bắt đầu lại từ đầu.

Con thưa cùng Chúa: Lạy Chúa này con đây. Con ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng. Đời con là đời một người hành khất.

Lạy Chúa này con đây, con còn nhiều điều muốn thưa cùng Chúa. Nhưng con không biết phải nói làm sao hơn được nữa. Thiên Thần bản mệnh đời con sẽ nói thay cùng biện hộ bênh vực cho con.

Tháng tưởng nhớ các linh hồn 11.2014
Lm. Daminh nguyễn ngọc Long




 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bé Lo Âu
Joseph Ngọc Phạm
22:14 09/11/2014
BÉ LO ÂU
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Kẻ nào nói ghét trẻ con
Cả đời chỉ thấy héo hon hoa tàn.
(Trích thơ của Basho, Gs L.V.Vịnh phóng ngữ)