Ngày 01-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:06 01/11/2008
CHỦ NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 23, 1-12.

“Họ nói mà không làm.”


Bạn thân mến,

Có lẽ bạn cũng như những người nhiệt thành khác không mấy thích những người chỉ nói mà không làm, chỉ ba hoa chích chòe cái miệng mà tay chân không muốn làm bất cứ việc gì khác, bởi vì những người chỉ biết nói mà không biết làm thì luôn là những kẻ thọc gậy bánh xe, là những kỳ đà cản mũi, là những tảng đá chắn đường tiến lên của người khác.

Chúa Giê-su đã cảnh cáo dân chúng và các môn đệ của mình rằng: những gì các kinh sư và các người Pha-ri-siêu khi đứng trên tòa Mô-sê mà giảng dạy thì nên nghe và tuân giữ, nhưng những việc họ làm thì đừng có mà làm theo.

Bạn đã nhiều lần thấy các linh mục đứng trên tòa giảng nhân danh Chúa Giê-su và Giáo Hội để giảng dạy, các ngài giảng sao mà hay ho, nhưng cũng ít nữa là một hai lần bạn thấy các vị ấy sống không đúng với những gì mà họ đã giảng, bạn đừng ngạc nhiên và đừng nản lòng cho là các linh mục của Chúa đều như thế cả, rồi bạn bi quan cho Giáo Hội, cho cộng đoàn.v.v... Những lúc như vậy thì chúng ta nên gia tăng lời cầu nguyện cho các ngài, và thực hành những gì mà các ngài nhân danh Lời Chúa mà giảng dạy, nhưng đừng làm theo các ngài là xong. Chúa Giê-su đã dạy như thế.

Bạn thân mến,

Nói và làm phải đi đôi với nhau, nếu tách hai việc ấy ra thì bạn và tôi sẽ không thể nào trở nên chứng nhân cho Chúa Giê-su được, bởi vì Chúa Giê-su chưa bao giờ nói mà không làm.

Bạn đang chỉ trích linh mục này linh mục nọ chỉ biết giảng mà không biết thực hành lời mình giảng; bạn đang bực mình vì mấy ông trùm nhà thờ chỉ biết cãi nhau khi hội họp, mà không chịu bắt tay vào làm; bạn cũng khó chịu vì thấy có một vài người bạn chỉ biết ba hoa miệng lưỡi, mà không chịu đưa tay ra cộng tác với anh em. Bạn khó chịu cũng đúng thôi, nhưng trước hết bạn và tôi hãy bắt tay vào làm, và cầu nguyện cho họ, bởi vì cũng có một lúc nào đó bạn và tôi cũng đã chỉ biết nói mà không muốn làm.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:19 01/11/2008
VÔ MINH

N2T


- “Ở đâu mới có thể tìm được Thiên Chúa ?”

- “Ngài đang ở trước mặt con đó.”

- “Tại sao con không nhìn thấy Ngài.”

- “Tại sao một tên say rượu không nhìn thấy gia đình của mình ?”
Sư phụ nói tiếp: “Nên tìm cho ra nguyên nhân lơ mơ của con. Muốn nhìn thấy Ngài thì trước hết con phải tỉnh lại cái đã.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng có rất nhiều người không nhìn thấy Ngài; Thiên Chúa đặc biệt ở trong lòng mỗi người, nhưng dễ có mấy ai nhìn thấy Ngài ! Tại sao vậy ? Thưa là vì tâm hồn chúng ta đã bị tiền tài danh vọng xác thịt che lấp mất rồi, nên không thể nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện chung quanh mình và đang ở trong lòng mình.

Sư phụ dạy: muốn nhìn thấy Thiên Chúa thì trước hết bản thân mình phải tỉnh dậy, tức là đừng mê ngủ trong những khoái lạc của thế gian.

Chúa Giê-su dạy: muốn nhìn thấy Thiên Chúa thì phải có tâm hồn trong sạch (Mt 5, 8), tức là phải hoàn toàn trong sáng trong ngôn hành và tư tưởng của mình.

Người Ki-tô hữu là người diễm phúc nhất, vì mỗi ngày họ đều được Chúa Giê-su đến ngự trong tâm hồn của họ qua bí tích Thánh Thể, nếu họ vẫn chưa nhìn thấy Ngài, hoặc người khác không nhìn thấy Ngài trong cách sống của chúng ta, thì ôi thôi thật buồn biết bao !

Chúa Giê-su vẫn hiện diện với chúng ta mỗi ngày trong bí tích Thánh Thể.

Nhớ đấy nhé, không được là người vô minh.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:23 01/11/2008
N2T


33. Sức mạnh của cầu nguyện không hệ tại lời nói, nhưng hệ tại sự thành khẩn của tâm hồn, suốt đời tránh ác hành thiện.

(Thánh Basil tiến sĩ)
 
Cuộc sống đời sau
Nguyễn Quốc Tâm
07:54 01/11/2008
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU

Lễ các thánh ngày hôm nay và sự tưởng nhớ các tín hữu đã ly trần có một số điểm chung, và vì lý do này, mà hai thánh lễ được đặt sát kề nhau. Cả hai thánh lễ đều nhắn nhủ với chúng ta những điều về thế giới bên kia. Nếu chúng ta không tin vào sự sống đời sau, thì việc cử hành lễ các thánh, chưa nói gì đến việc viếng nghĩa trang, sẽ chẳng xứng đáng gì cả. Chúng ta đi viếng thăm ai hoặc vì sao chúng ta lại thắp nến và mang hoa tới cho họ?

Do đó, những sự kiện trong ngày hôm nay mời gọi chúng ta đi vào một sự phản tỉnh khôn ngoan. Thánh vịnh đã viết: “Xin dạy con biết đếm ngày con sống để con biết tìm kiếm sự khôn ngoan trong tâm hồn.” “Cuộc đời chúng ta trôi qua như chiếc lá mùa thu” (G. Ungaretti). Vào mùa xuân năm sau, cây tiếp tục nẩy nụ bung hoa, nhưng lại khoác trên mình những cánh lá mới; thế giới sẽ vẫn diễn tiến sau lưng chúng ta, nhưng với những con người mới. Lá thu không tìm được sự sống mới, nó tan biến tại nơi nó rụng xuống. Điều ấy có xảy ra với chúng ta không? Đó là điểm mà phép loại suy đi đến bước đường cùng. Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tìn ta thì dẫu có phải chết cũng sẽ được sống.” Đây là thách đố lớn lao cho niềm tin, không chỉ cho người Kitô hữu, mà còn cho người Do Thái giào và Người Hồi giáo, cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa.

Những người đã xem phim “Bác sĩ Zhivago” chắc sẽ nhớ bài hát nổi tiếng do cô ca sỹ Lara hát trong phần nhạc nền. Bản dịch từ tiếng Ý có nghĩa: “Tôi không biết đó là gì, nhưng có một nơi tôi sẽ không bao giờ trở lại…” Bài hát nhắm đến ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng do Pasternak viết mà bộ phim đã dựa vào đó để dàn dựng: Đôi tình nhân tìm thấy nhau, tìm kiếm nhau, nhưng định mệnh (ta có thể tìm thấy chính mình trong thời đại rối ren của cuộc cách mạng Bolshevik) đã phân ly họ cách nghiệt ngã, mãi đến khi họ gặp nhau vào cảnh cuối nhưng lại không nhận ra nhau.

Mỗi khi những nốt nhạc này vang lên, đức tin làm cho tôi hầu như muốn thét lên bên trong con người tôi: Vâng, có một nơi ta sẽ chẳng bao giờ trở về và cũng chẳng muốn trở về. Đức Giêsu đã ra đi để chuẩn bị cho chúng ta, Ngài đã mở ra cánh cửa sự sống ngang qua sự phục sinh của Ngài và Ngài đã chỉ cho ta biết đường theo Ngài qua tám mối phúc thật. Nơi thời gian đi tới hồi tận sẽ mở đường dẫn vào cõi vĩnh hằng. Tại nơi ấy, tình yêu sẽ trở nên sung mãn và trọn vẹn, không chỉ là tình yêu Thiên Chúa và cho Thiên Chúa mà còn là tất cả tình yêu chân thành và thánh thiện vốn đã tồn tại trên trái đất.

Đức tin không giải thoát tín hữu khỏi nỗi đau khổ của cái chết, nhưng nó xoa dịu chúng ta qua đức tin. Kinh Tiền Tụng ngày lễ các linh hồn viết: “Nếu việc phải chết làm cho chúng ta buốn rầu, thì niềm hy vọng vào sự bất tử mai sau sẽ an ủi chúng ta.” Trong cảm thức này, có một chứng từ đầy cảm động ở nước Nga. Vào năm 1972, một tạp chí bí mật đã cho đăng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo của một người lính tên Aleksander Zacepa. Anh viết lời cầu nguyện này chỉ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, và anh đã thiệt mạng trong cuộc chiến ấy.

Lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, xin Ngài lắng nghe con! Trong suốt cuộc đời, con chưa từng một lần nói chuyện với Ngài, nhưng hôm nay con có ao ước làm điều đó. Khi con còn nhỏ, người ta bảo con rằng Ngài không hiện hữu. Và như một thằng ngốc, côn đã tin điều ấy.

Con chưa bao giờ suy niệm về công trình của Ngài, nhưng đêm nay nằm trong hố bom và nhìn bầu trời đầy sao, con đã bị choáng ngợp bởi vẻ huy hoàng của chúng. Ngay lập tức, con hiểu rằng sự lừa dối ấy khốn nạn đến mức nào. Ôi lạy Chúa, con không biết là Chúa có giang tay chạm đến con hay không, nhưng con dám nói với Chúa rằng Chúa hiểu con…

Chẳng phải là lạ lùng lắm sao khi giữa cảnh địa ngục rợn rùng, ánh sáng đã chiếu giãi trên con, và con đã khám phá ra Ngài?

Con chẳng có điều gì nữa để thân thưa với Ngài. Con cảm thấy thật hạnh phúc, vì con đã nhận biết Ngài. Vào lúc nửa đêm hôm nay, chúng con sẽ bắt đầu chiến sự, những con chẳng sợ hãi gì vì Ngài trông thấy con.

Họ phát tín hiệu rồi Chúa ạ. Con phải đi đây. Thật tuyệt vời dường bao khi con được ở với Ngài. Con muốn thưa với Chúa, và Chúa cũng biết, là trận đánh sẽ rất ác liệt. Có lẽ đêm nay, con sẽ đến gõ cửa nhà Ngài. Và nếu đến lúc này đây, con chưa phải là bạn của Ngài thì khi con ra đi, Ngài có đón con vào nhà Ngài không?

Nhưng điều gì đang xảy ra với con đây? Con la lên hay sao? Lạy Chúa Trời con, xin hãy nhìn đến những điều xảy ra với con. Chỉ lúc này đây, con mới bắt đầu nhìn thấy Chúa cách rõ ràng. Lạy Chúa, con đi đây, có lẽ chẳng bao giờ trở lại. Thật lạ lùng, lạy Chúa, cái chết chẳng làm con sợ hãi.

(Nguồn: Bài viết của Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Zenit ngày 31 tháng 10, năm 2008)
 
Sự chết tích cực
LM Phêrô Hồng Phúc
07:56 01/11/2008
SỰ CHẾT TÍCH CỰC

Trong những tuần Thường niên cuối tháng Mười, chúng ta được Hội Thánh dọn những bàn tiệc rất phong phú để suy về sự chết. Đó là cứu cánh và đó cũng là chương trình cứu độ đã được dành cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, sự chết là một vấn đề thường trực của nhân loại.

Sự chết có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời đại nào, bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, việc tỉnh thức vẫn luôn luôn là sự khôn ngoan và được coi như là người đầy tớ trung tín giúp cho mỗi người Kitô hữu chúng ta gặp được chủ của mình. Với lối nhìn ấy, cái chết trở nên tích cực, vì người đầy tới mong chủ về, chủ mới biết được lòng trung tín của người đầy tớ; chủ mới hiểu được giá trị của người đầy tớ biết vâng nghe theo mình, biết trung tín chờ đón mình. Như vậy, ngày của chủ trở về không phải là một sự đối phó như thái độ của người đầy tớ bất trung. Bởi lẽ, coi ngày chủ trở về là một giờ chứng tỏ lòng trung tín của mình, chứng tỏ cho sự chu toàn bổn phận của mình, đấy mới là thái độ tích cực và chân thành đích thực.

Thánh Phaolô đã có một cái nhìn tích cực như vậy, khi nói với Timothe rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy. Và không chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.” (2Tm 4,7-8)

Như vậy sự chết không phải là một trạng thái sợ hãi, đối phó. Nhưng sự chết là một sự giải thoát đưa con người về gặp chủ của mình. Do vậy, một cách khôn ngoan và một cách ích lợi nhất là: con người hướng về sự chết không phải là với một thái độ tiêu cực, sợ hãi, đối phó nhưng là cách tích cực chờ đón, như là một cuộc giải thoát, một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa của mình. Do đó, nó có tác động đến đời sống hàng ngày của chúng ta, bởi lẽ, đời sống ấy được quy chiếu vào sự sống đời đời:

- Họ sẽ dùng tiền để mua công phúc Nước Trời;
- Họ sẽ dùng thời gian để biện minh cho lòng tín trung và khôn ngoan tỉnh thức;
- Họ sẽ dùng ánh sáng để chiếu soi mọi ngóc ngách tối tăm của cuộc đời.

Lạy Chúa,
Xin Chúa cho chúng con,
ngày hôm nay, những người được lãnh nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều.
Nhưng điều đó không làm cho chúng con sợ
mà là nhắc nhở trách nhiệm và ân huệ của chúng con.
Để chúng con mãi nguyện theo Chúa
và điều đó có ích lợi cho phần rỗi linh hồn của chúng con.
Để ngày giờ Chúa đến
sẽ là ngày giờ chúng con lĩnh phần thưởng mũ triều thiên vinh sáng dành cho những ai mong đợi Chúa xuất hiện.
Như người đầy tớ khôn ngoan trung tín chờ đợi chủ trở về. Amen.
 
Cầu nguyện cho các Linh hồn đã qua đời
Phan Hoàng Phú Quý
08:01 01/11/2008
Cầu nguyện cho các Linh hồn đã qua đời

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, trong đó có những linh hồn ông bà, cha me, anh chị em, bà con nội ngoại, thân bằng quyến thuộc, những bạn bè,và những người ân nhân của chúng ta.

“Các anh, bạn hữu của tôi ơi, hãy thương, hãy thương tôi, vì bàn tay của Thiên Chúa đã đánh tôi!” (Sách Yob, đoạn 19, câu 21).

Trên đây chính là lời cầu cứu động lòng nhất mà các linh hồn cô đơn nơi lửa luyện ngục đang khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện cho các linh hồn ấy!

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta hầu như không còn mấy tin vào nơi luyện ngục và có những ý tưởng rất mơ hồ về luyện ngục, để rồi chúng ta làm ngơ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Chúng ta cứ để cho ngày tháng cứ trôi qua mà chúng ta không hề biết xin lể cho các linh hồn! Cũng rất ít khi mà chúng ta cùng đi dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn, cũng như rất ít khi chúng ta cầu nguyện hay nghĩ về họ, những người đã chết!

Một câu chuyện kể rằng; có một anh sinh viên người Trung Hoa sang du học tại Hoa Kỳ, trong thời gian theo học ở đây, anh ta đã yêu một người bản xứ, tình yêu rất chân thành và hai người rất hạnh phúc, nhưng có một vấn đề xãy ra cho đôi trẻ này, đó là sự khác biệt tôn giáo, cha mẹ anh chỉ có một mình anh, muốn anh nối dõi tông đường, không chỉ lo giúp đỡ ông bà cha mẹ lúc sinh thời mà còn phải lo huơng khói khi ông bà cha mẹ qua bên kia thế giới nữa, và gia đình anh sinh viên đã tìm cách ngăn trở cuộc hôn nhân này, vào một ngày đầu tháng 11, người cha đã từ Trung Hoa bay qua Hoa Kỳ thăm con và tìm cách ngăn cản tình cảm của con mình, Người bạn gái thì vừa lo vừa sợ cho số phận tình duyên của mình bị trở ngại về phong tục và tôn giáo. Nhân ngày Lễ Các Linh Hồn, cô mời hai cha con người bạn trai cùng đi dự lễ, đi lễ về người cha đã thay đổi thái độ, bởi vì ông không ngờ rằng, người công giáo cũng có những nghi thức, những thánh lễ đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, vậy thì ông không phải lo sợ bị con ông lãng quên ông nữa.

Thưa quý ông bà và anh chị em, qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy, một người chưa tin vào Chúa, chưa nhận được ơn trở lại, nhưng vẫn tin vào sự sống đời sau, còn chúng ta, những người đã được làm con Chúa, làm con Hội Thánh chẳng lẽ chúng ta lại không tin sao ?

Các linh hồn nơi luyện ngục không còn cơ hội lập công đền tội cho mình được nữa. Bởi vậy nhờ vào luật liên đới “Các Thánh cùng thông công” Thiên Chúa cho phép chúng ta là những người còn sống, lập công thay mà giúp đỡ các linh hồn nơi Luyện ngục, nhất là những linh hồn mồ côi.

Trong tháng này, tháng dành riêng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta cũng cần làm những việc phúc đức, những hy sinh hằng ngày, những ý lễ, những tràng kinh Mân Côi, như là những món quà thăm nuôi, để mong giúp các linh hồn, những người đang phải bị phạt vì tội lộĩ, trong đó có bà con thân thuộc của chúng ta, chúng ta đã mắc nợ những người này,và nay có bổn phận phải trả.

Ngày 1/11 cũng là ngày ghi dấu một khúc quanh của lịch sử Việt Nam,
Trong cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Cộng Hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, họ đã giết đi chết TT Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là cố vấn Ngô Đình Nhu, sau này giết luôn người em nữa là Ngô Đình Cẩn. Cuộc cách mạng tuy thành công trong nhất thời, nhưng hậu quả của nó quá tệ hại, quá thê thãm và cuối cùng là mất luôn Miền Nam.

Ngày 2/11 là ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Việt Nam Cộng Hòa, xin mọi người hãy dành một phút để tưởng nhớ đến những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân, những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến, trong lao tù cọng sản hay trên bước đường đi tìm tự do, những nhà đấu tranh đã và đang tranh đấu cho một Việt Nam Tự do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Từ vực sâu u tối
Con cầu xin Chúa, Chúa ôi
Từ vực sâu thương đau
Con đợi trong Chúa nhậm lời.
 
Hãy nhìn lên
Thanh Thanh
08:03 01/11/2008
HÃY NHÌN LÊN

Chúng ta sinh ra có một khuôn mặt, lúc nào cũng hướng lên trời là quê hương chúng ta. Thật vậy, dù thức hay ngủ, Chúa luôn muốn chúng ta nhìn lên trên chốn trời cao huy hoàng ấy. Mà dù có chết, đã bị chôn vùi trong lòng đất thẳm sâu, lạnh giá, mặt chúng ta cũng còn hướng về trời đó sao.

Nhìn lên trên ấy, để làm gì ? Thưa để nhớ là Cha ta đang trên ấy, Mẹ ta ở trên ấy, gia đình, người thân yêu đang trên ấy đợi ta. Ta hãy nhìn lên chốn cao xa đó, sẽ có hết những điều làm cho ta ưa thích, mến chuộng.

Hãy nhìn lên. Nhưng làm sao lên được chốn ấy.

Thưa, dĩ nhiên không phải là những người ăn uống say sưa, chè chén tả tơi, ăn chơi trác táng, chỉ biết một nhu cầu duy nhất là xác thịt. Không, những người này đã có chỗ khác dành sẵn cho họ rồi. Có lẽ chúng ta không thuộc hạng vừa kể trên.

Hãy nhìn lên. Nhưng làm sao lên được chốn ấy.

Thưa, dĩ nhiên không phải ai cũng lên ấy được. Chỉ có những người theo đúng đường Chúa dạy, mới với, mới trèo tới chốn trời cao vĩnh hằng đó được.

Còn Chúa lại than phiền rằng: Con đường hẹp là đường đưa tới vinh quang, tới nơi hằng sống thì có ít người đi. Ta phải nhìn nhận một sự thực này: là chúng ta có được diễm phúc biết Chúa, theo Chúa.

Hãy nhìn lên. Thiên đàng là điều ai cũng muốn.

Nhìn lên bằng cách đi xuyên qua con đường thập giá, bằng đời sống tạ ơn. Nhất là tạ ơn ngay cả khi gặp thử thách, gặp đau khổ trong đời thường. Đau khổ do hoàn cảnh, khổ đau do người thân, bất hạnh do những người xung quanh đem lại.

Hãy nhìn lên, đừng ca thán. Một vài đau khổ, một vài sầu muộn; một thời gian nhịn nhục, chịu đựng so với sự sống đời đời thì thấm vào đâu. Hãy nhìn lên. Nhìn lên thập giá - thập giá mà Chúa của chúng ta đang trên đó, Chúa của chúng ta đã đi qua. Giờ đây, ta đã có sức mạnh để chiến đấu, dành phần thắng về mình, vũ khí ấy chính là thập giá. Thập giá đời mình gắn chặt với Thập giá của Chúa Kitô. Ta đừng đi tìm một Giêsu không thập giá.

Có thể, ta đang và còn sẽ gặp nhiều đau khổ, sẽ còn nhiều nước mắt lăn trên gò má, nhưng nếu ta cùng chịu khó với Chúa Kitô, thì những giọt nước mắt ấy sẽ là nước mắt của hạnh phúc vì nước mắt làm cho ta giống Chúa hơn. Giống Chúa trong đau khổ thì chúng ta cũng cùng hưởng trong vinh quang nước Cha, và hát bài ca mến yêu bất diệt đời đời: Phúc cho ai ở đời này đã khóc lóc, vì đời sau sẽ được ủi an.

Hãy nhìn lên, qua hình ảnh của kẻ đã khuất là người thân, là tổ tiên ông bà, cha mẹ, để chuẩn bị cho mình một cuộc sống luôn sẵn sàng, như người khôn ngoan luôn cầm đèn cháy sáng là nhân đức trên tay, và, bất cứ lúc nào chàng rể đến, ta cũng đang có mặt.

Hãy nhìn lên. Nhất định ta phải theo Chúa tới cùng, nghĩa là phải tranh đấu để dành lấy, mua cho được chiếc vé vào chốn trường sinh. Ta cố dành và mua cho được không phải bằng tiền bạc hay sức mạnh trần gian nhưng bằng đường nhân đức, đường sự sống, vì, Chúa đã nói: “Ta là Đường, là sự Thật và là sự sống” (Ga 14, 6), “Ai theo Ta sẽ không đi vào con đường tối tăm” (Ga 8, 12).

Hãy nhìn lên Chúa, vì Ngài là Đường.

Chắc chắn không phải là đường được lát bằng đá quý, cũng không phải là đường trải bằng thảm xanh, được rải bằng hoa hồng. Nhưng đường ấy Chúa đã nói rồi. “Ai muốn vào chốn phúc vinh, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 16, 24). Con đường này Chúa Giêsu đã khai mở, khai thông, đã qua, đã kiểm chứng kỹ lưỡng, ta không cần phải tìm kiếm đâu xa, chỉ cần đi trên con đường Ngài đã đi là được, là đủ để có vé vào chốn trời cao ấy. Nếu ai rẽ sang đường mới, thế nào cũng lạc đường, lầm lối.

Nếu muốn có được ngày ấy thì, hãy lập công đi, hãy vác thánh giá đi, không có công nghiệp là chiếc vé cứu độ thì làm sao vào được chốn ấy. Hãy nhìn lên. Phần thưởng thiên đàng đang chờ ta.

Đành rằng Chúa của chúng ta đã lập công đầy đủ và dư thừa cho ta, nhưng Thánh ý Chúa muốn cho ta cũng lập công chịu khó với Chúa, không phải Chúa thích bắt ta chịu khó và lấy thế làm hạnh phúc. Chẳng cha mẹ nào nào lại muốn thấy con cái mình đau khổ. Chúa cũng vậy. Chúa cũng chẳng thể vui khi nhìn thấy ta đau khổ, nhưng vì Chúa muốn chính ta có công phúc cho sự sống đời đời của ta, nên Chúa muốn cho ta chịu khó một chút thôi. Nếu ta được thưởng mà không có chút công gì, thì điều ấy có thể sẽ làm bớt đi sự vui sướng của ta.

Hãy nhìn lên Chúa, vì Ngài là Sự Thật.

“ Luật đã ban qua ông Môsê, còn sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Ánh sáng của Ngài như ngọn hải đăng để mọi người nhìn vào, đến gần. Càng gần ánh sáng, con người càng biết rõ sự thật về Đức Giêsu, về chính mình. Và chắc chắn con người sẽ luôn biết thờ phượng Ngài trong chân lý và sự thật. “Ai sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc làm đã được thực hiện trong Thiên Chúa" (Ga 3,21). “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Còn Thiên Chúa, Ngài sẽ xét xử ta không theo cảm tính, mà theo sự thật. “việc xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng còn có Đấng đã sai tôi” (Ga 8,16). Chính Thánh Thần sẽ dẫn ta tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). “Và sự thật giải thoát chúng ta” (Ga 8,32).

Hãy nhìn lên Chúa, vì Ngài là Sự Sống.

“Chính Đức Giêsu là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Vì vậy, “Ai tin vào Ngài thì có sự sống đời đời" Ga 3,36). Ngài là suối nguồn tình yêu, là dòng suối trong lành: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không khát nữa. Và nơi người ấy trở thành một mạch nước đem lại sự sống đời đời" (Ga 4,14). Ngài còn là lương thực đời đời từ trời ban xuống cho con người: “bánh này đem lại sự sống cho thế gian" (Ga 6,33).

Ngài ban cho ta sự sống thần linh. Chia sẻ cho ta sự sống đời sau. Ai tin vào Ngài thì có sự sống muôn đời, vì “chính Ngài là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

Hãy nhìn lên. Nhìn lên quê hương đích thực của ta là Nước Trời bằng đời sống thánh đức. Hãy lập công đời này, để sau ta sẽ hưởng. Lập công ở đời này, cũng chính là việc giúp ích cho các linh hồn là ông bà cha mẹ ta, nhờ đó được hưởng trước. Ta sẽ không mất gì cả. Nếu ta không lập công phúc bằng đời sống đạo đức, thì ta sẽ mất phần rỗi sau này của ta, và dĩ nhiên người thân là ông bà cha mẹ cũng không trông mong gì công phúc của ta. Có là có tất cả. Được là được tất cả.

Hãy nhìn lên. Cứ gẫm mà xem.
 
Mừng Các Thánh Nam Nữ
Matthêu Vũ
08:34 01/11/2008
Mừng Các Thánh Nam Nữ

Mùng một tháng mười một Lễ Các Thánh.
Những chứng nhân được phần thưởng Nước Trời.
Được chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa đời đời.
Hạnh phúc tuyệt vời không bao giờ hết.

Các Thánh là ai chúng ta cũng biết.
Là những người đã sống cõi trần gian.
Nhưng "ra đi" trong ơn phúc chứa chan.

Linh hồn tinh tuyền không mảy may tội lỗi.
Sống cuộc đời dẫu bồng bềnh trôi nổi
Vẫn kiên trung tin kính Chúa, yêu người.
Trong số này có ông bà cha mẹ tôi.

Anh chị em và thân bằng quyến thuộc.
Nếu đã tinh luyện xong trong luyện ngục.
Được lên trời vui hưởng phúc trường sinh.
Các Thánh là nhũng người quên thân mình.

Phục vụ tha nhân, uỉ an người đau khổ.
Các Thánh là những người thắng cơn cám dỗ.
Diệt dục thấp hèn, chối bỏ vinh hoa.
Các Thánh là những người lìa bỏ mẹ cha.

Làm Tông đồ để mở mang Nước Chúa.
Cáx Thánh là những người sống trọn lời khấn hứa.
Yêu thanh bần, yêu khiết tịnh, yêu vâng lời.
Đem an bình hạnh phúc khắp nơi nơi.

Các Nữ tu thánh thiện trong Dòng Kín.
Các Thánh là người sống đời tận hiến.
Đổ máu đào để làm chứng Đức tin.
CácThánh là người xả kỷ hy sinh.

Đem tha thứ vào những nơi thù oán.
Đem an hòa vào những nơi tranh chấp
Đem chân lý vào những chỗ lỗi lầm.
Dem cậy trông vào những nơi thất vọng.

Các Thánh là người bàn tay mở rộng.
Băng bó hủi cùi, xoa dịu đớn đau.
Mừng Lễ Các Thánh, con cảm tạ Chúa nhiệm mầu.
Xin Các Thánh cầu cho đoàn con nơi dương thế.

Thêm Đức Tin giữa cuộc đời dâu bể.
Thêm Đưc Cậy trong những lúc nguy nan.
Thêm Đức Mến những ngày tháng khô khan.
Quyết vững tâm một lòng đi theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria chính Mẹ đã hứa.
Ai đến với Mẹ chẳng phải về không
Hôm nay đay con vững lòng cậy trông.
Xin Mẹ ban ơn như lòng con mong ước...

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Thu đến lá vàng rơi lả tả.
Mưa đầu mùa rỉ rả đêm thâu.
Nhắc ta sốt sáng nguyện cầu.
Cầu cho các đẳng qua mau luyện hình.

Lễ Các Đẳng chính mình phải nhớ.
Ai cũng qua kiếp đó mà thôi.
Nếu khi từ giã cõi đời.
Linh hồn nhơ nhớp một thời xấu xa.

Ngày tháng hết tội ta gánhchịu.
Rửa cho sạch nơi chốn luyện hình.
Chúa là Đấng rất công minh.
Chờ ngày tinh luyện, Thiên đình phúc vui.

Con cháu sống ở nơi trần thế.
Hãy ra tay cứu tế mẹ cha.
Tổ tiên nội ngoại ông bà.
Anh chi em bè bạn kẻ xa người gần.

Có nhiều cách chung phần hiệu nghiệm.
Giúp các hồn qua biển khóc than.
Xin Lễ,cầu nguyện siêng năng.
Làm phúc,bố thí,viếng thăm ngục tù.

Suốt cả ngày cho dù vất vả.
Nhớ ăn chay giúp kẻ khó nghèo.
Bớt ra một chút tiền tiêu
Giúp người túng thiếu thêm điều an vui.

Kinh Mân côi nhớ lời Mẹ dạy
Cùng với Mẹtrông cậy Chúa trên.
Dâng Lễ phải nhớ ưu tiên
Xin cho các đẳng chóng lên Thi6n đàng.

Cầu nguyện là nâng hồn lên Chúa
Xin dủ thương các đẳng linh hồn.
Mau mau khỏi chốn luyện hình.
Được về quê thật phúc vinh muôn đời.

Giúp các đẳng thoát nơi than khóc
Là giúp mình trong lúc sau này.
Thời giờ mau tựa tên bay.
Hưởng Nhan Thánh Chúa xum vầy thiên thu...
 
Chúa nói với tôi
+ GM JB Bùi Tuần
10:09 01/11/2008
CHÚA NÓI VỚI TÔI

Nếu có ai hỏi tôi: Sau một đời dài theo Chúa, tôi đã cảm nhận được điều gì an ủi nhất? Tôi sẽ thưa: Điều an ủi nhất, mà tôi cảm nhận được là: Chúa nói với tôi.

Chúa nói với tôi:

- qua lời Chúa,
- qua Hội Thánh của Chúa,
- qua những người thiện chí của Chúa,
- qua những biến cố có sự can thiệp của tình xót thương Chúa.

1/ Lời Chúa nói với tôi

Thiên Chúa mà tôi tôn thờ, là một người Cha. Người biết tôi yếu đuối. Nên Người nói với tôi như nói với đứa con dại khờ.

Người gọi tên tôi. Người dạy tôi về cách sống. Tôi hiểu được ý nghĩa và hướng đi đời tôi, nhờ Người bảo ban. Người nói với tôi rõ ràng về từng chi tiết quan trọng của đời sống. Như việc cầu nguyện, việc yêu thương phục vụ, việc bố thí, việc giữ chay, việc tha thứ, việc dấn thân chu toàn bổn phận.

Đức Kitô nói với tôi bằng lời của Người. Hơn nữa, Người còn nói với tôi bằng đời của Người.

Thánh giá của Người luôn ở trước mắt tôi. Thánh giá đó nói về đời yêu thương hy sinh của Người.

Người là tình yêu. Tình yêu ấy sống động, gần gũi. Tất cả tình yêu ấy đều nói với tôi rằng: Thiên Chúa yêu thương tôi. Người đã gọi tôi. Người đã chọn tôi. Người đã sai tôi đi. Không phải vì tôi xứng đáng, nhưng chỉ vì Người thương và muốn như vậy.

Những gì Chúa nói với tôi, cho dù đôi khi dưới hình thức răn đe, cũng vẫn là những lời giải thoát, cứu độ.

Chúa nói nhiều với tôi qua lời Người. Thêm vào đó, Chúa nói với tôi qua Hội Thánh của Người.

2/ Hội Thánh Chúa nói với tôi

Hội Thánh là một quy tụ, tuỳ thuộc phần nào vào dòng lịch sử. Vì thế, qua Hội Thánh, Chúa nói với tôi về dấu chỉ thời đại.

Có lúc nên nhấn mạnh đến sám hối. Có lúc nên đề cao ph?c v? người nghèo. Có lúc nên quan tâm nhiều đến việc đối thoại với xã hội bằng đời sống.

Có nơi nên quy tụ lớn. Có nơi nên quy tụ nhỏ. Có nơi nên tránh những hoành tráng gây gai mắt.

Đức Hồng Y Gantin khuyên tôi: Cai quản là phải thấy trước.

Đức Hồng Y J.P. Cordes gợi ý cho tôi thấy thời nay là thời của các cộng đoàn nhỏ.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận hay nhắc nhở tôi về việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh Việt Nam mới.

Qua kinh nghiệm, tôi thấy Chúa hay nói với tôi về sự phải tỉnh thức lắng nghe những dấu chỉ cấp bách.

Chẳng hạn hiện nay là thời điểm khủng hoảng kinh tế. Hội Thánh địa phuong nên tìm ra những cách thích hợp để phục vụ Tin Mừng. Hiện nay cũng là thời điểm, mà nhiều đồng bào ngoài công giáo tại một số nơi không cảm thấy đạo Công giáo là cần thiết cho việc ổn định xã hội. Hội Thánh phải ý thức điều đó, để tìm cách khôn ngoan giới thiệu đạo Chúa, sao cho đạo Chúa trong thời khó khăn vẫn nói lên được Tin Mừng đích thực, khả dĩ hấp dẫn đối với những người ngoài công giáo.

Hiện nay, nhiều người đang nghe được tiếng Chúa nói về những đổi mới cần thiết cho Hội Thánh.

3/ Chúa cũng đang nói với tôi qua những người thiện chí

Những người thiện chí vẫn hiện diện trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh.

Họ là những người đảm đang, tận tuỵ phục vụ người khác và ích chung.

Họ là những người tìm tòi khảo cứu trong nhiều lãnh vực để đẩy lùi sự ác, tăng lên sự thiện.

Họ là những người phấn đấu không mệt mỏi, để xã hội mỗi ngày mỗi nên nhân đạo hơn.

Trước cửa sổ phòng tôi có một cây mai to. Từ mấy ngày nay, tự nhiên nó trổ nụ, nở bông. Mới tháng 9 âm lịch, ngày nào cũng có mưa. Thế mà hoa mai nở, như một xuất hiện sớm của mùa Xuân.

Nhìn những bông mai vàng đến sớm, tôi có cảm tưởng gặp được những nguồn nâng đỡ Chúa gởi đến tôi đúng lúc tôi cần. Sự nâng đỡ của họ không tuỳ thuộc vào mùa. Họ hiện diện như những trái tim tế nhị. Lặng lẽ mà đẹp. Âm thầm mà như nói rất nhiều về tình thương và sự sống. Bông hoa trái mùa nhắc nhở cho tôi sự thực này: Cho dù đời có nhiều giông gió, Chúa vẫn cho tôi gặp được những người thiện chí chính lúc không ngờ.

4/ Chúa nói với tôi qua nhiều biến cố

Tôi đã trải qua nhiều biến cố. Có những biến cố chung của Đất Nước và của Giáo Hội. Có những biến cố riêng chỉ xảy ra cho một mình tôi.

Nhìn lại, tôi thấy rõ sự can thiệp của tình thương Chúa. Mỗi biến cố là mỗi tiếng gọi của tình yêu Chúa. Mỗi biến cố là mỗi lời sám hối, tôi đáp lại tình xót thương Chúa dành cho tôi.

Mỗi biến cố là mỗi lời Chúa sai tôi đi kể lại những gì tình Chúa đã làm cho tôi.

Mỗi biến cố là mỗi cơ hội Chúa gọi tôi: Hãy trở nên bé nhỏ hơn, để Nước Chúa được lan rộng hơn.

Mỗi biến cố là dịp thôi thúc tôi: Hãy chỉ phát triển Tám mối phúc, còn bản thân mình thì nên được chôn vùi.

Chúa nói với tôi: Đó là điều an ủi rất lớn của đời tôi.

Được nghe Chúa nói, được nói với Chúa, tôi xác tín rằng: Chúa nhận tôi làm con của Chúa.

Chúa mãi thương tôi. Chúa đồng hành với tôi. Chúa ở gần tôi. Chúa ở bên tôi.

Lúc này, tôi đang nghe Chúa nói với tôi: Chính vì con yếu đuối, nên hãy tín thác mọi sự của con nơi lòng thương xót Cha.

Tôi hạnh phúc như giọt nước được trở về đại dương.
 
Tình Yêu Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần…
Phaolô Phạm Xuân Khôi
16:22 01/11/2008
Tình Yêu Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần…

Chú Giải Thư Thánh Phaolô Lễ Các Linh Hồn (Rm 5:5-11)

Tuần này chúng ta mừng Lễ Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn. Đối với những người không có Đức Tin thì chết là một điều đáng sợ. Còn đối với những ai tin vào Đức Kitô thì chết là trở về quê Trời, là được thật sự trở nên Thánh sau khi được thanh luyện hoàn toàn hoặc qua những đau khổ chúng ta chịu vì yêu mến Chúa ở đời này, hoặc ở Luyện Tội. Trong Chương 5 của Thư gửi tín hữu thành Rôma, Thánh Phaolô đã quả quyết:

“Vì chúng ta đã được nên công chính nhờ đức tin, nên chúng ta được bình an với Thiên Chúa, qua Ðức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người mà chúng ta cũng được vào hưởng ân sủng này qua đức tin, như chúng ta đang có, và hân hoan trong niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Và không phải chỉ như thế; nhưng chúng ta còn vui mừng trong gian khổ, vì biết rằng, gian khổ tạo ra kiên nhẫn; và kiên nhẫn đưa đến chịu đựng; và chịu đựng đưa đến hy vọng. Và hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5:1-5a)

Hôm nay Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy mức độ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta ra sao. Ngài yêu chúng ta đến nỗi để cho Con Một Ngài, là Đức Kitô, chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là người tội lỗi, ngõ hầu chúng ta được giao hòa với Ngài. Không những thế Ngài còn đổ đầy tình yêu của Ngài vào tâm trí chúng ta qua Chúa Thánh Thần.

Câu 5 - Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta.

Thiên Chúa đổ đầy tình yêu của Ngài trên chúng ta đồng thời ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta để giúp chúng ta yêu lại Ngài. Tự mình, chúng ta không có khả năng yêu Chúa. Công Đồng Orange giải thích theo Thánh Augustinô rằng: “Yêu mến Thiên Chúa hoàn toàn là một món quà của Ngài. Đấng không được chúng ta yêu, đã yêu chúng ta trước và ban cho chúng ta khả năng để yêu Ngài. Chúng ta được Ngài yêu trong khi chúng ta còn làm phật lòng Ngài, để Ngài có thể ban cho chúng ta điều cần thiết giúp chúng ta có thể yêu mến Ngài. Cho nên chính Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, là Đấng mà chúng ta yêu mến cùng với Chúa Cha và Chúa Con đã đổ đức mến vào lòng chúng ta” (CĐ Orange II, De Gratia, can 25; x. Th. Augustinô, In Ioann. Evang., 102, 5).

Chúa Thánh Thần đổ xuống trên chúng ta như mưa đổ xuống những vùng hạn hán, và như suối chảy trên mảnh đất khô cằn(Is 44:3). Như Thánh Gioan đã nói trong Tin Mừng của ngài về lời Chúa Giêsu: Ai tin vào Tôi, thì như lời Kinh Thánh, ‘Từ lòng Người, những dòng nước hằng sống sẽ chảy ra’” (Ga 7:38) rằngNgười nói về Thần Khí mà những ai tin vào Người sẽ được lãnh nhận, vì họ chưa nhận được Thần Khí, bởi Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7:39). Ở đây Thánh Phaolô cũng cho thấy rằng việc đổ Thánh Thần xuống là một đặc ân dành cho Hội Thánh của Giao Ước Mới. Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn mỗi tín hữu từ giây phút rửa tội làm chúng ta thành con cái thật của Thiên Chúa.

Đây cũng là hình ảnh cánh chung được nhắc đến trong Edêkiel 47:1-12 và trong Khải Huyền 22:1-5. 

Câu 6-8 - Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. 

Trong ba câu này Thánh Phaolô muốn chứng minh rằng Thiên Chúa yêu chúng ta vô điều kiện và nhưng không. Trước hết Chúa Giêsu chết cho chúng ta khi chúng ta còn là người tội lỗi. Theo Thánh Nhân thì tình trạng của một người chưa được công chính hóa là tình trạng không thể làm gì để có thể tự làm cho mình nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể nên công chính và đến được với Chúa Cha nhờ Đức Kitô.

Việc để Chúa Con chịu chết đền tội chúng ta là cách Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Còn Chúa Giêsu cũng bằng lòng chết để chứng minh tình yêu của Người đối với chúng ta (1 Ga 3:16a). Người đã chết để trở nên Đấng Bào Chữa cho chúng ta trước mặt Chúa Cha như Thánh Gioan viết: Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có một Ðấng Bào Chữa trước mặt Chúa Cha, là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Công Chính. Người là của lễ đền tội cho chúng ta, không những chỉ cho tội lỗi chúng ta, mà còn cho tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2:1-2).

Câu 9 - Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ.

Nếu xưa kia chúng ta còn là kẻ thù của Thiên Chúa mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã thương chúng ta đến nỗi dùng chính máu của Người để rửa sạch và làm cho chúng ta nên công chính, thì bây giờ đang làm môn đệ, chắc chắn Người sẽ tiếp tục ban ơn đê chúng ta trung thành với Người và được cứu thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nhắc đến cơn thịnh nộ này ngay ở đầu Thư Do Thái: Vì từ trời cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã được biểu lộ đối với mọi thứ vô đạo và đồi bại của những người đàn áp chân lý bằng sự bất chính của họ” (Rm 1:18 ). Cơn thịnh nộ này dành cho những kẻ chống lại Thiên Chúa trong ngày phán xét riêng và ngày chung phán. Còn những ai tin và giữ Lời Chúa thì thoát khỏi cơn thịnh nộ này.

Chúng ta được nên công chính không những chỉ do việc Đức Kitô đổ máu cho chúng ta trên Thánh Giá, mà thật ra nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người. Sự công chính hóa này được gọi là sự công chính hóa ban đầu, được áp dụng khi chúng ta tin vào Người và chịu phép Thánh Tẩy. Nhưng muốn được cứu độ, chúng ta cần duy trì tình trạng giao hòa cùng Thiên Chúa cho đến giờ sau hết. Theo Thánh Phaolô và Hội Thánh thì công chính hóa không phải là một biến cố duy nhất trong đời để nhờ đó một người được cứu độ một cách dứt khoát như nhiều giáo phái Tin Lành dạy. Nhưng công chính hóa là một tiến trình, chỉ được hoàn thành khi chúng ta đến trước mặt Thiên Chúa.

Câu 10 - Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô.

Chúng ta là thù nghịch với Thiên Chúa khi chúng ta Hứng tâm về xác thịt …, vì nó không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được” (Rom 8:7), khi chúng ta “theo những dục vọng của lòng mình, theo những điều ô uế, để cùng nhau làm nhục thân thể của mình” (Rm 1:24), khi lòng chúng ta “chứa đầy mọi loại bất chính, xấu xa, tham lam, thâm độc; đầy ghen tị, giết người, kình địch, gian ngoa, oán thù; nói hành nói xấu, bôi nhọ, thù ghét Thiên Chúa, ngược ngạo, kiêu căng, khoe khoang, khéo làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có hiểu biết, không giữ lời hứa, không có tình cảm tự nhiên, bất trung, không có lòng thương xót” (Rm 1:29-31).

Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô là phương tiện duy nhất để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa (Cv 4:12 ), và cũng là điều Thánh Phaolô vừa nhắc nhở ở trên. Kết quả của sự công chính hóa là chúng ta được thông phần vào sự sống lại của Đức Kitô, là đời sống mà Đức Kitô tiếp tục thông ban cho chúng ta qua các bí tích, đặc biệt là bí Tích Thánh Thể, như Chúa Giêsu đã phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6: 54). Nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần ban trong các bí tích, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô và có thể vững tiến trên đường đi đến sự sống đời đời.

Câu 11 - Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Câu này còn có thể được dịch là: “Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” như bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ.

Chữ kauchaomai của Hy Lạp có thể dịch là “vui mừng”, “hãnh diện, “tự hào”…. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô dùng chữ này 5 lần, 2 lần ở Chương 2 (x. 2:17, 23) và 3 lần ở Chương 5 (x. 5:2,3,11). Trong Chương 2 ngài dùng với nghĩa là tự hào vì kiêu ngạo, coi mình là cao quý hơn người. Còn trong Chương 5, thì có nghĩa là họ vui mừng vì được Thiên Chúa thương yêu. Vì được Thiên Chúa yêu mà khi đến toà Thiên Chúa chúng ta không run sợ như những người không có niềm tin, nhưng trái lại còn vui mừng hãnh diện tiến lại gần Thiên Chúa, như con tiến đến với Cha mình. Thánh Gioan viết về điều ấy như sau:

17 Dựa vào điều này mà tình yêu trở nên hoàn hảo với chúng ta,

là chúng ta được vững lòng trong ngày phán xét,

vì Người như thế nào thì chúng ta cũng như thế trong thế gian này.

 18 Không có sợ hãi trong tình yêu;

nhưng tình yêu hoàn hảo xua đuổi sự sợ hãi,

vì sợ hãi liên quan đến hình phạt,

và ai sợ hãi thì chưa được trọn vẹn trong tình yêu.

 19 Chúng ta yêu mến Ngài,

vì Ngài đã thương yêu chúng ta trước.

 (1 Ga 4:11-19)

Kết Luận

Sách Khôn Ngoan viết: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài” (Kn 3:1). Nhưng con người không tự làm cho mình nên công chính được. Chúng ta chỉ được nên công chính trong máu của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong tình yêu của Ngài và trong hy vọng. Tình yêu này được chứng tỏ bằng việc Chúa Con đã tình nguyện chết thay cho chúng ta và Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như là bảo chứng tình yêu. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ tình yêu mà Ngài đổ vào tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng được kết hợp với Chúa Ba Ngôi và với nhau. Nhờ sự kết hợp này, cái chết không còn là điều làm chúng ta lo sợ, nhưng là niềm vui, vì qua nó mà chúng ta được về cùng Đấng đã yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn thù nghịch với Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng Chúa đã chết vì yêu con, để cho con được tham dự vào sự sống của Chúa, để con không bao giờ lo âu hay thất vọng trước những khó khăn, thử thách hay thất bại trên đời, nhưng luôn sống trong tình yêu và niềm hy vọng của Chúa Thánh Thần. Amen.

Câu hỏi để thảo luận và suy nghĩ

  1. Trong đời tôi, có khi nào tôi sống như kẻ thù nghịch của Thiên Chúa không? Có khi nào tôi trách móc Thiên Chúa không? Hãy nhớ đến một trường hợp cụ thể và tôi đang cảm thấy thế nào về trường hợp ấy?
  2. Sự Công Chính Hóa đã thay đổi tư tưởng, lời nói và cách sống của tôi chưa? Thay đổi thế nào?
  3. Tôi thật sự có sợ chết không? Tại sao?
  4. Tôi có cảm thấy ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống trong linh hồn tôi không? Ơn ấy đã biến đổi tôi thế nào?
 
Giải thích Tin Mừng Chúa Nhật: Sự sống sau sự chết
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
19:32 01/11/2008
Bài giải thích Tin Mừng ngày lễ Các Đẵng

ROME (Zenit.org).- Cha Raniero Cantalamessa Dòng Capuchin, là vị giảng Phủ Giáo Hoàng, đã giải thích những bài đọc Thánh Lễ Các Thánh và ngày lễ cầu cho các Tín Hữu Đã Qua Đời có một cái gì chung, và vì lẽ này, được đặc kế tiếp nhau. Cả hai cử hành nói cho chúng ta về cái gì ở bên kia. Nếu chúng ta không tin vào một sự sống sau cái chết, thì không đáng cử hành lễ các thánh, và càng ít hơn, thăm viếng mộ. Chúng ta sẽ đi thăm vếng ai và tại sao chúng ta thắp một cây đèn hay đặt một bó hoa?

Như vậy, tất cả mọi sự trong ngày này kêu mời chúng ta phải có một suy nghĩ khôn ngoan: một Thánh Vịnh nói, “Xin dạy chúng con đếm những ngày chúng con, hầu chúng con có thể đạt được sự khôn ngoan tâm hồn.” “Chúng ta sống như lá cây mùa thu” (G.Ungareth). Cây sẽ đơm hoa trở lại trong mùa xuân, nhưng với những lá khác; thế giới sẽ tiếp tục sau chúng ta, nhưng với cư dân khác. Những lá không có một sự sống thứ hai; chúng sẽ tiêu tan nơi chúng rụng xuống. Một sự như vậy có xảy ra cho chúng ta không? Đó là nơi sự tương tự chấm dứt. Chúa Giêsu đã hứa: “Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống. Kẻ nào tin, dầu có chết, sẽ được sống.” Đó là thách đố lớn của đức tin, không hẳn cho những Kitô hữu, nhưng cũng cho những người Do Thái và Hồi Giáo, cho mọi người tin vào một Thiên Chúa cá thể.

Những ai đã xem phim “Bác Sĩ Zhivago” sẽ nhớ bài ca danh tiếng từ Lara, mộ dấu vết lành mạnh. Bản dịch Italian nói: “Tôi không biết đó là cái gì, nhưng có một chỗ từ đó chúng ta sẽ không bao giờ trở lại…” Bài ca chỉ ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết danh tiếng do Pasternak sáng tác làm nền tảng cuốn phim đó: Hai tình nhân gặp nhau, tìm kiếm nhau, nhưng họ là những người số phận (chúng ta ở trong thời kỳ hỗn loạn thời cách mạng Bolshevic) phân rẽ cách độc ác, cho tới màn cuối cùng khi những con đường của họ đi xéo qua nhau, nhưng họ không nhận ra nhau.

Mỗi khi tôi nghe những nốt bài ca này, đức tin của tôi hầu như hò reo trong tôi: Vâng, có một chỗ từ đó chúng ta sẽ không bao giờ trở lại và từ đó chúng ta sẽ không muốn trở lại. Chúa Giêsu đã đi dọn chỗ đó cho chúng ta, Người đã mở sự sống cho chúng ta với sự phục sinh của Người và Người đã chỉ con đường phải theo Người với đoạn văn các mối phúc. Một chỗ nơi thời gian sẽ ngừng để dọn đàng tới sự đời đời; nơi tình yêu sẽ đầy dẩy và trọn vẹn. Không hẳn tình yêu của Chúa và cho Chúa, nhũng là tình yêu lương thiện và thánh thiện được sống trên mặt đất.

Đức tin không giải thoát những kẻ tin khỏi sự khổ não phải chết, nhưng đức tin sẽ làm êm dịu chúng ta với hy vọng. Một Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ (cho Ngày các Linh Hồn) nói: “Nếu sự chắc chắn phải chết làm chúng ta buồn sầu, thì hy vọng phước trường sinh tương lai an ủi chúng ta.” Theo nghĩa này, có một bằng chứng cảm động cũng đến từ nước Nga. Trong năm 1972, trong một nhật báo lén lút đã phổ biến một kinh người ta gặp được trong túi áo của một người lính. Aleksander Zacepa, được sáng tác trước trận đánh Thế Chiến Thứ Hai, trận chiến mà anh tử nạn.

Kinh đó nói:

“Xin nghe con, lạy Chúa! Trong thời gian sống của con, con đã không nói được với Chúa dầu một lần, nhưng hôm nay con ước ao cử hành. Từ khi con còn bé nhỏ, người ta đã luôn luôn nói với con không có Chúa. Và con, như một tên dại dột, đã tin như vậy.

Con không bao giờ chiêm ngắm những công trình của Chúa, nhưng tối nay con đã thấy từ miệng lửa của một lựu đạn bầu trời đầy ngôi sao, và con say mê vẻ huy hoàng của chúng. Trong lúc đó con đã hiểu sự phỉnh gạt kinh khủng là dường nào. Con không biết, ôi lạy Chúa, Chúa sẽ giơ tay cho con không, nhưng con thưa với Chúa rằng Chúa hiểu con…

Có lạ không nếu giữa hoả ngục ghê gớm, ánh sáng đã xuất hiện cho con, và con đã khám phá ra Chúa?

Con không có gì hơn nữa để nói với Chúa. Con cảm thấy hạnh phúc, bởi vì con đã biết Chúa. Nữa đêm, con phải mở cuộc tấn công, nhưng con không sợ. Chúa thấy chúng con.

Họ đã ra lệnh. Con phải đi. Ở với Chúa thì tốt dường nào! Con muốn nói với Chúa, và Chúa biết, rằng trận chiến sẽ khó: Có lẽ đêm nay, con sẽ đi gõ cửa của Chúa. Và nếu cho tới bây giờ, con không phải là người bạn của Chúa, thì khi con đi, Chúa có cho phép con vào hay không?

Nhưng, điều gì đang xảy ra cho con? Con khóc lên? Lạy Chúa của con, hãy nhìn cái gì đã xảy ra cho con. Chỉ bây giờ, con mới bắt đầu thấy rõ. Lạy Chúa của con, con đi. Khó mà trở về. Lạ làm sao, bây giờ, sự chết không làm con sợ.”

 
Căn Nhà Linh Hồn
Tuyết Mai
23:51 01/11/2008


Sáng nay có dịp lái xe ra ngoài, trên đường tôi nhìn thấy có một căn nhà được bọc thật kín và để một tấm bảng quảng cáo của một công ty chuyên trị mối mọt. Tôi chợt có thật nhiều câu hỏi khi trông thấy căn nhà đang được trị mối mọt đó! Căn nhà để mà cần được chữa trị như thế chắc hẳn nhà ấy cũng được 40 tuổi trở lên, và vì chắc căn nhà ấy đã được chuyên viên đến khám xét quả quyết báo động rằng nếu không được chữa trị gấp thì không thể nào ở được vì tình trạng của căn nhà quá tồi tệ quá nguy hiểm, và có thể xập bất cứ lúc nào!? Thế cho nên chủ nhà mới đành chịu để cho chuyên viên họ đến chữa trị chứ một lần chữa trị như thế không phải là chuyện dễ dàng và rẻ đâu các bạn ạ! Một lần bọc nhà như thế là phải tốn mất 3 ngày và khoảng trên dưới $2000 US đô-la. Chủ nhà và gia đình phải có nơi ăn chốn ở trong 3 ngày đó! Nếu có họ hàng mà cho ở đậu thì bớt tốn kém, còn không ta phải đi thuê hotel thì có phải tốn kém rất là nhiều và gặp nhiều phiền phức trong công việc hằng ngày hay không!?

Ai trong chúng ta mà không phải tất bật đi làm hằng ngày để nuôi sống gia đình. Ai trong chúng ta cuối tuần mà không nghĩ và bỏ thời giờ để chăm sóc cho ngôi nhà của chúng ta? Nào là lau nhà, lau cửa, lau bếp, lau bụi, lau màng nhện, lau. ... đủ thứ để lau. Hút bụi nhà trên nhà dưới. Quý ông thì rửa xe, vườn tược, và những việc nặng trong nhà. Rồi thì giặt dũ, bao nhiêu thứ vặt vẵn mà ta chỉ có thể dành thời giờ mà làm vào cuối tuần được thôi!

Xe cộ có phải quý ông cũng phải để ý dòm chừng khi nào cạn xăng thì phải đi đổ cho đầy? Nhớt cũng phải để ý xem đến thời hạn mà châm vào để không bị cạn bình mà làm cháy máy xe? Rồi cho xe tune up mỗi một năm một lần? Tất cả là vì không muốn cho chiếc xe bị hư nằm dọc đường hay hư hỏng mà phiền toái đến thời giờ và hao tổn tiền bạc của chúng ta, và nhất là muốn được sự thoải mái, an tâm, và an toàn khi lái xe? Thưa có đúng không?

Rồi thì kế đến là chăm lo đến con người của chúng ta cũng vậy! Mỗi ngày chúng ta cũng phải tắm rửa sau ngày làm việc mệt nhọc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhất là những công việc tay chân nặng nề. Móng tay móng chân, râu ria của quý ông, cũng phải cắt tỉa vì hằng ngày nếu không thì sẽ trông bê bối và dơ dáy. Hằng năm bác sĩ khuyên quý bà và quý ông phải năng tìm đến bác sĩ để khám chẩn bệnh, để phòng ngừa và chữa những bệnh tật mà chúng ta không biết là đang có hay sẽ có. Răng cỏ của chúng ta cũng thế! Hằng năm các nha sĩ cũng thường gởi giấy nhắc nhở cho chúng ta đến khám xét răng để xem răng nào bị sâu mà chữa trị. Muốn có sức khoẻ tốt có phải chúng ta hầu như ai cũng biết phải kiêng cữ những gì nên ăn và những gì không nên ăn? Tập thể dục thường xuyên để tất cả thân thể được khoẻ mạnh và ít bệnh, nhưng có phải hầu hết chúng ta đều tỏ ra lơ là khi phải gìn giữ cho sức khoẻ của chúng ta? Như tôi đây chẳng hạn, không mấy khi mà tôi siêng năng để tìm đến bác sĩ hay nha sĩ. Thứ nhất vì tôi rất làm biếng chờ ở các phòng mạch, bao giờ cũng mất thời giờ ít nhất là 1 giờ chờ đợi, nhưng khám thường thì chỉ độ 5 phút rồi lấy cái toa, qua bên nhà thuốc tây lại phải chờ cho đến khoảng gần 1 tiếng nữa để lấy thuốc. Nên khi nào tôi bị nhiễm trùng khi cảm cúm hay đau răng mới chịu đem cái thân nặng nề mà đến gặp bác sĩ hay nha sĩ của tôi mà thôi! Ngay hiện giờ tôi cũng biết rằng sức khoẻ của tôi không được tốt nhưng hằng ngày nghe ngóng chẳng thấy gì cả, nên thôi tôi cũng mặc kệ đời, tới đâu thì hay tới đó, cứ phú mặc cho Thiên Chúa lo liệu, kẻo không lo lắng quá thì cũng làm cho tôi bị xao động hơn và căng thẳng hơn là căn bệnh của tôi nếu có!?

Còn căn nhà linh hồn của tôi và của anh chị em thì ra làm sao!? Có ai biết cách để mà chăm sóc cho căn nhà linh hồn của mình hay không? Tôi thiết nghĩ là không. Hoặc nếu có thì chắc rất ít ai quan tâm đến. Anh chị em có cảm thấy điều mà tôi thắc mắc cũng làm cho anh chị em thắc mắc lắm hay không? Cái xe cái nhà và những gì vật chất rất là tầm thường trong cuộc sống hằng ngày, thì chúng ta lại rất quan tâm, biết chăm lo và giữ gìn, biết tu sửa và tu trì cho chúng, để chúng được nên tốt và được bền bỉ. Sự quan tâm thứ ai cũng rất quan trọng và cần để chúng ta lo lắng là sức khoẻ của chúng ta, nhưng như tôi và anh chị em, không biết được bao nhiêu người biết lo lắng và quan tâm? Có phải khi nào cơ thể của chúng ta có vi trùng và nặng đến đỗi không thể lê được cái thân xác bệnh hoạn mà đến nơi công sở, thì khi ấy chúng ta mới chịu thôi làm việc mà nghỉ ở nhà tịnh dưỡng? Và có thật là chúng ta ở nhà mà đầu óc không lo nghĩ công việc ở trong sở làm không? Nhất là những người có chức phận trong công xưởng hay là những người làm chủ của những quán ăn, nhà hàng, tiệm nọ tiệm kia, và. .....

Cuộc đời quả là những gì thật mâu thuẫn, làm cho chúng ta cứ phải chạy mòng mòng, quay tròn rồi lại quay vuông, quay tới rồi lại quay lui, quay tối mày tối mặt, chỉ để làm nô lệ cho tất cả những gì chúng ta đòi hỏi và mong muốn cho có. Vâng tiền là trên hết. Có tiền thì mua gì cũng được??? Có tiền thì cuộc sống sung sướng như là ông vua hay bà hoàng??? Nhưng có phải có tiền cũng không mua được sự bình an? Có phải có tiền cũng không mua được một chỗ trên Nước Trời? Có phải có tiền cũng không mua được sức khoẻ? Có phải có tiền cũng không mua được thủy chung? Có phải có tiền đưa ta đến được thẳng Hỏa Ngục? Có phải có tiền mua được sự sống muôn đời dễ dàng được đâu???

Không, không, không. ... hoàn toàn tiền của trên trần gian không là giải đáp cho cuộc sống muôn đời của linh hồn chúng ta được đâu! Nhưng có phải con người của chúng ta hầu hết thật là mù quáng vì đã để cho ma quỷ mua chuộc được linh hồn của chúng ta rồi không? Một linh hồn của chúng ta đối với cuộc sống của đời sau có phải quan trọng và thiết yếu đến là chừng nào! Nếu chúng ta hết thảy đều hiểu được tầm quan trọng cho cuộc sống mãi mãi và muôn đời, khi biết được linh hồn chúng ta đi về đâu, thì có thể anh chị em sẽ phải tất cả mong muốn được bán tất cả hay trả lại tất cả những gì mà quỷ ma đang dụ dỗ tôi và anh chị em, để đứng xếp hàng mà mua được tấm bản đồ quý báu, "cách tìm về Nước Trời hay mua nhà đời đời của chúng ta trên Trời".

Ai cũng mơ mộng mình để dành tiền mà cố gắng mua được một căn nhà theo ý muốn của mình trên trần gian, nhưng có mấy ai muốn được xây căn nhà yêu dấu muôn đời của mình trên Nước Trời ?????? Một nơi mà linh hồn chúng ta sẽ chẳng phải bao giờ mệt tâm mà giữ gìn hay tu sửa. Một nơi mà chúng ta cũng sẽ chẳng cần quan tâm đến từ chuyện ăn gì, mặc gì, ở đâu, sức khoẻ, bảo hiểm, và những thứ ta phải lệ thuộc vào như cuộc sống trên trần gian này. Một nơi ta chẳng phải cần lắng lo, phải phiền sầu, hay than thở. Nơi ấy tất cả sẽ là của chung. Nơi ấy tất cả sẽ là hạnh phúc. Nơi ấy sẽ không có bệnh tật, chết chóc, đau khổ, chia ly, và đói nghèo.

Nơi ấy là nhà của mọi linh hồn thánh thiện mà sự toàn thiện của chúng ta sẽ được Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần luôn nuôi dưỡng và thương yêu.

Vậy, thưa anh chị em, có phải đã đến lúc tôi và anh chị em, hãy suy nghĩ, quan tâm, định liệu, và chăm sóc hơn nữa cho căn nhà Linh Hồn đời đời của chúng ta hay chưa!???? Nơi mà Linh Hồn chúng ta sẽ phải tìm và trông đợi để được đến. Sẽ luôn luôn là bình an, hân hoan, vui mừng, và hạnh phúc, khi Linh Hồn lìa cõi thế. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các linh mục tương lai cần nhiều điều khác nữa ngoài đời sống cầu nguyện
Nguyễn Quốc Tâm
08:19 01/11/2008
VATICAN, ngày 30 tháng 10, năm 2008 (Zenit.org).- Linh mục là người không những cần phải có đời sống thiêng liêng vững vàng mà còn cần phải có sự trưởng thành về tình cảm và tâm lý, các viên chức Vatican đã lặp lại điều ấy vào ngày hôm nay.

Lời khẳng định này nằm trong số những điểm chính tại cuộc họp báo ở Vatican nhằm đưa ra “nguyên tắc chỉ đạo về cách ứng dụng tâm lý trong việc quản trị và đào tạo các ứng sinh linh mục”, từ Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski và Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Bruguès, bộ trưởng kiêm thư ký của thánh bộ, đã trình bản báo cáo cho Cha Carlo Bresciani là cố vấn viên và là nhà tâm lý học.

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski đã xem xét cẩn thận những tư tưởng chính của tập tài liệu như: vai trò của các nhà tâm lý trong việc giúp nhận định ơn gọi; trách nhiệm của Giáo Hội khi nhận định, đánh giá xem các ứng sinh có phù hợp cho sứ vụ linh mục hay không; đức giám mục là người đại diện đầu tiên của Chúa Kitô trong việc đào tạo các linh mục; và vai trò của người đào tạo là nhằm chuẩn bị cách tương xứng cho chức linh mục.

Đức Tổng Giám Mục Bruguès tiếp tục lưu ý rằng trong suốt 30 năn qua, Hội Thánh đã chứng kiến nhu cầu ngày càng lớn lao hơn đối với việc đánh giá thông tin về tâm lý của các ứng sinh linh mục. Ngài giải thích rằng văn kiện được phát hành ngày hôm nay là nhằm một phần đáp ứng cho nhu cầu đó.

Văn kiện đã trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị khác nhau. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã giới thiệu bản thảo đầu tiên vào năm 2002.

Đức TGM nói: “Thiếu sót nhỏ này là nhằm để giúp cho văn kiện ngày càng được hoàn thiện, và làm cho nét riêng biệt của ơn gọi linh mục càng thêm rõ ràng. Ơn gọi linh mục là hồng ân và là mầu nhiệm vốn không thể đem so sánh với các phương pháp tâm lý.”

Nhưng Ngài nói là có hai thái cực sai lầm khi xem xét sự hỗ trợ về tâm lý đối với các ứng sinh linh mục: một là nhà tâm lý, hay đó là việc nhà tâm lý đóng vai trò vị linh hướng; hai là việc người đào tạo nghĩ rằng sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý là không cần thiết đối với sự trưởng thành ơn gọi nơi những người khát khao chức linh mục.

Sự hỗ trợ

Cha Bresciani đã nói về việc đào tạo linh mục. Ngài nhấn mạnh rằng “người giữ vai trò chủ đạo trước tiên trong công tác đào luỵên là chính bản thân ứng sinh.”

Ngài nói tiếp: “Hội Thánh luôn quan tâm đến việc gởi gắm các ứng sinh cho những người đào tạo sứ vụ linh mục. Họ là những người được chuẩn bị để hiểu sâu sắc nhân cách của các ứng sinh.”

Nhà tâm lý – linh mục nói: “Bất luận thế nào, chỉ sau khi chương trình đào tạo linh mục kết thúc, thì ít nhiều sự bất tài về mặt tinh thần xem chừng rất vô lý đã lộ ra, nhưng nếu phát hiện kịp thời sẽ tránh được nhiều oái ăm.”

Tuy nhiên, Ngài khẳng định là chẳng có nhà tâm lý nào có thể giúp được.

Ngài nói: “Đối với nhà tâm lý nhắm mắt làm ngơ trước điều siêu việt, chối bỏ tầm quan trọng của đức khiết tịnh hoặc quay lưng lại đối với một số giá trị nào đó vốn thích hợp với Hội Thánh, thì rõ ràng họ chẳng thể có chỗ đứng trong việc giúp trưởng thành ơn gọi cho người hiến dâng đời mình cho sứ vụ. Nhà tâm lý nên có sự am hiểu lý thuyết và có cách tiếp cận nhằm đem chiều kích siêu việt của người ứng sinh hòa với lòng nhiệt thành và phẩm chất của họ, để tất cả những điều ấy đơm bông kết trái nơi người ứng sinh.”
 
Tòa Thánh: khủng hoảng thật sự nhiều hơn là tiền tệ
Bùi Hữu Thư
19:02 01/11/2008

Tòa Thánh: khủng hoảng thật sự nhiều hơn là tiền tệ



Nói đến việc thiếu lương tâm và quy luật về luân lý

NEW YORK, 31 tháng 10, 2008
(Zenit.org).- Đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tuyến bố, “Nạn khủng hoảng hiện nay về tiền tệ quốc tế vượt xa hơn các sách lược kinh tế sai lầm để sang tới lãnh vực của lương tâm và luật lệ về luân lý.”

Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói như vậy hôm Thứ Năm trước phiên họp khoáng đại của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, rằng “Tòa Thánh đồng ý là lý do của nạn khủng hoảng có thể được gán cho sự thiếu sót một hệ thống điều hành toàn vẹn và hữu hiệu."

Nhưng Đức Tổng cũng nói tình trạng này cũng bị gây nên bởi “nạn coi thường các cấu trúc điều hành và kiểm xoát ngày càng lan tràn, và hiện tượng bất kể đến các luật lệ về trách nhiệm và trong sáng.”

Ngài tiếp, "Nạn khủng hoảng thật sự không hẳn chỉ về tài chánh, kinh tế và kỹ thuật, mà đã lan rộng sang lãnh vực lớn hơn của các quy luật về lương tâm trong sạch và cách xử thế về luân lý.

"Nạn lợi dụng không bị ngăn chặn và sự theo đuổi với đủ mọi mánh khóe để trục lợi với bất cứ giá nào đã khiến cho ngưòi ta quên hết các quy luật về doanh thương trong sạch.”

Đức Tổng Giám Mục Migliore nói, vì thế giải pháp thích nghi nhất cho nạn khủng hoảng “không được giới hạn trong việc than phiền về hậu qủa của khủng hoảng và bầy tỏ những lời an ủi, “ nhưng “phải đạt tới những phương cách và phương tiện để tránh các nạn khủng hoảng tương tự trong tương lai."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Hà Nội bị tràn ngập nước lụt
Hà Nam
08:54 01/11/2008
HÀ NỘI - Từ đêm ngày 31/11 qua đến nay là ngày mùng 1/11 các trận mưa lớn vẫn kéo dài đã làm cho Hà nội ngập chìm trong nước, theo như lời kể của các cụ cao tổi mà Tôi tiếp xúc thì đây là trận mưa lớn nhất trong hơn 35 năm qua.

 
Hội Bạn người cùi Melbourne sinh hoạt họp mặt năm Thứ 18 nhân lễ quan thầy Thánh Martinô
Trần Văn Minh
09:45 01/11/2008
MELBOURNE - Thứ Bảy Ngày 1 Tháng 11. Để đón mừng lễ kính Thánh Martinô quan thầy cuả hội Bạn Người Cùi Việt Nam Úc Châu. Một thánh lễ đã được tổ chức tại Thánh đường Thánh Đa Minh tại Middle Camberwell, Melbourne.

Xem hình ảnh sinh hoạt

Trời hôm nay đẹp, nắng nhẹ không mây và ấm áp, phong cảnh hữu tình, kể ra thì trời đất đều đẹp nhưng chưa đẹp và ấm áp bằng tình người thể hiện qua tình thương yêu với những người bạn kém may mắn hơn mình nơi quê nhà. Mọi người không kể các cụ ông, cụ bà, các ông, các bà kể cả những người ốm yếu, người ngồi xe lăn và cả các cụ phải dưạ vào những chiếc xe đẩy, hay chống gậy để đi, cùng thanh niên nam nữ và các cháu thiếu nhi, đều cùng đi dự lễ thật đông đảo.

Ngôi nhà thờ Thánh Đa Minh cổ kính, hình như mỗi năm chỉ vào ngày lễ này mới có dịp tiếp nhận số người Việt Nam đông đảo đến dự lễ như hôm nay. Hai linh mục tuyên úy cuả hội là các LM Phêrô Nguyễn Văn Toàn và Giuse Phạm Hữu Trường hằng năm cũng bay từ Queensland về hiệp dâng thánh lễ cùng với mọi thành viên cuả hội. Ca đoàn Cung Chiều Melbourne cũng là ca đoàn luôn gắn bó và phục vụ các thánh lễ cuả hội trong suốt 18 năm qua.

Trong bài chia sẻ, LM Nguyễn Văn Toàn đã nói về những bất hạnh mà những người bạn phong cùi ở quê nhà đang phải gánh chịu, và Lm. cũng kêu gọi chúng ta thể hiện tình yêu thương cho bạn mình bằng cách nào để họ không phải mang mặc cảm tự ti, và thể hiện nhân cách phẩm giá cuả mỗi con người.

Bằng cách đó, mấy năm gần đây, hội đã giúp đỡ xây dựng những cơ sở kinh tế giúp cho nhiều nơi có thể tự túc và còn có thể giúp đỡ được những gia đình kém may mắn hơn. Cụ thể là hai cơ sở như Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre.) Và Dòng Nữ tu Mến Thánh Giá Hướng Phương (Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình.) Và một vài cơ sở trên khắp ba miền đất nước. Mặc dù quỹ cuả hội rất hạn chế và hội luôn trông nhờ vào sự hảo tâm quảng đại cuả tất cả những ân nhân đang hiện diện trong thánh lễ hôm nay.

Sau thánh lễ, hội cũng đã có tổ chức bưã ăn nhẹ cho mọi người vì là giờ trưa, dịp này cũng là để cho các ân nhân khác bán những món ăn đặc sản, cây cảnh để gây quỹ cho hội và cũng là dịp để gửi loong tiết kiệm đến từng gia đình để mọi người trong gia đình cùng đóng góp cho hội để hội giúp lại các cơ sở bên quê nhà.

Buổi lễ kết thúc sau bưã ăn nhẹ, ấm áp tình thương yêu cuả những người con cùng một Cha trên trời.
 
Ma qủy và các Thiên Thần nhỏ tại giáo xứ St Elizabeth, Milpitas.
DzaoKymHải
18:21 01/11/2008
MA QUỶ (Halloween) VÀ CÁC THIÊN THẦN NHỎ (Little Angels).

Milpitas 31/10/08. Ngày lễ các ma quỷ - Halloween – năm nay tại cộng đoàn St. Elizabeth thành phố Milpitas vùng Bắc California đã mang một ý nghiả rất lớn.

Từ nhiều tháng trước cha Victor Trần đình Thảo, cha phó giáo xứ, đồng thời cũng là tuyên uý của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể vả tuyên uý Liên đoàn Hướng Đạo Lạc-Việt, đã cùng với các Huynh Trưởng và Trưởng Hướng Đạo họp bàn lên kế hoạch để tổ chức lễ Halloween cho các em thiếu nhi năm nay mang một ý nghiã thiết thực.

Ngay từ 5 giờ chiều, các em đã được tập họp tại nhà thờ, với những bộ đồ hoá trang nhiều kiểu, nhiều màu sắc khác nhau, không khí vui tươi hồn nhiên phấn khích, nhiều phụ huynh cũng mặc đồ hoá trang để ‘hộ tống’ con mình.

Trước khi xuất phát, mọi người: các em, phụ huynh, các trưởng, cha tuyên uý tập trung trong nhà thờ để được hướng dẫn cầu nguyện ngắn gọn, nghe mục đích buổi xin kẹo, và nhất là xem slide show cảnh những trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật, bất hạnh….. tại quê nhà bên Việt Nam.

Tất cả số kẹo các em xin được trong đêm nay sẽ được gửi về Việt Nam để làm quà cho các trẻ em bất hạnh, nghèo khó…. không được may mắn như các em đang sống tại nước ngoài.

Sau phần cầu nguyện và hướng dẫn mục đích, đoàn Thiên Thần nhỏ “ra quân” với sự “hộ tống” và “yểm trợ hoả lực” hùng hậu của phụ huynh, các Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, các Trưởng Hướng Đạo, các vị chức việc trong Ban Mục Vụ của cộng đoàn Việt Nam, dĩ nhiên có cà cha Tuyên Uý với mặt nạ hóa trang nữa.

Các “cánh quân” tiến thẳng tới “mục tiêu” đã được hoạch định sẵn, râm ran chuyện trò, ca hát…..

Và đây là tin nóng hổi của vị “Tổng tư lệnh”, cha Trần đình Thảo, từ “trận tuyến” gửi hoả tốc về đêm qua:

From: Thao VT"

Hello anh Hải, quý Trưởng (TNTT & HÐ) và quý Phụ Huynh,

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một đêm Halloween đầy vui vẽ, bình an, kẹo rất nhiều và không có mưa (cho đến khi đội cuối cùng trở lại nhà thờ).

Cảm ơn từng Trưởng một cùng quý phụ huynh đã tận tình, tận sức, tận niềm vui, để các em có được 1 đêm phấn khởi vui tươi, ý nghĩa.

Cảm ơn anh Hải, chị Kim và các Trưởng lo cho phần slide show, chụp hình,. .. rất đẹp.

Kẹo. Woa, ôi cha ơi !!! Thật là nhiều !!! (một em ấu nhi mừng rỡ nói với cha Thảo). Không ngờ cả những em Mỹ, Mễ. .. thay vì tới xin kẹo, nhưng sau khi biết được ý nghĩa, thì ngược lại cũng góp thêm kẹo cho chúng ta nữa.

Vì số kẹo sẽ còn nữa sau Thánh Lễ tối hôm nay (11/01/08), và cần phải lựa ra; cho nên, nhờ các Trưởng (TNTT-TÐV) giúp dùm nhé (nhớ đem theo thùng giấy cứng, from 30-50 pds).

Nguyện xin Chúa tiếp tục chúc lành trên chúng ta: quý Trưởng của 2 Ðoàn, quý Phụ Huynh và toàn thể các em.

Nhớ nhau trong lời cầu nguyện,

thảo @ St. Elizabeth

ps: nhờ anh Nhượng forward cho quý Trưởng và quý Phụ Huynh (của HÐ-Liên Ðoàn Lạc Việt) cái link ở dưới để xem hình. Cảm ơn Anh.


Thật cảm động và tạ ơn Chúa

Qủa thực đây là một công việc có ý nghiã rất cao. Ngoài việc chúng ta giúp các em biết thánh hoá ngày lễ Halloween nó còn giúp các em về mặt Nhân Bản, tình Dân Tộc và lòng Đạo Đức.

Đời sống nơi các nước văn minh cao, nhất là ở Mỹ này, đường lối giáo dục hướng về cá nhân rất nhiều, điều đó dễ đẩy con người đến chỗ ích kỷ, chỉ nghĩ đến cái Tôi. Việc hướng dẫn các em biết hướng về người khác, biết chia sẻ với những người khác bằng chính công lao của mình sẽ giúp các em sống Nhân Bản hơn.

Có nhiều em sinh ra và lớn lên tại Mỹ này và có thể chưa một lần về Việt Nam, với sự ngây thơ non nớt, nhiều em sẽ nghĩ rằng mình là American, người Mỹ, vì thế việc giúp đỡ các em bất hạnh khác nơi quê nhà là các nhắc nhở cho các em về Quê Hương, Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam.

Quan trọng hơn hết là giáo dục Đức Bác Ái nơi các em ngay từ nhỏ, tập cho các em biết nghĩ đến tha nhân, giúp đỡ những người bất hạnh cùng khổ…để các em có thể cảm nhận được niềm vui của cho đi và chia sẻ.

Thiết nghĩ đây là một công việc rất hay và ý nghiã:

Sự chiến thắng của các Thiên Thần, của Thiện và Ác, của Bóng Tối và Ánh Sáng.

Viết ra đây để chia sẻ kinh nghiệm và công việc với các anh chị em cũng như quý vị đang phụ trách công tác lãnh đạo và giáo dục các thanh thiếu niên Việt Nam mọi nơi trên thế giới.

Ước mong sáng kiến này sẽ được tiếp tục và nhân rộng ra mọi nơi, không phải chỉ cho Halloween mà còn cho cả những ngày lễ khác nữa như Noel, Tết Ta, Trung Thu…

Lễ các Thánh 2008
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bỏ lọt tội!!!?
Gioan Nguyễn Thạch Hà
09:11 01/11/2008
BỎ LỌT TỘI!!?

Vụ án Thái Hà đang gây nhức đầu cho nhiều người và đang là đề tài gây cười cho những người am hiểu pháp luật.

Nhiều người tặc lưỡi: “Quyền hành trong tay Nhà nước, nó muốn hành ai chẳng được”.

Những người theo dõi sát vụ án Thái Hà thì cảm thấy công lý đang bị chế nhạo. Nhà cầm quyền cố tình dẫm đạp lên pháp luật để dập tắt những tiếng nói bênh vực cho công lý và sự thật.

Về phía Giáo Hội, với đức tin và chân lý, Giáo Hội cứ thế bước đi, cho dẫu biết rằng cuộc lên đường tìm chân lý chẳng dễ dàng chút nào. Sự kiện giáo sĩ, giáo dân Thái Hà đường hoàng ra khỏi sợ hãi và tiến bước trên con đường đi tìm chân lý đã khiến chính quyền hoảng sợ, gây nên sự lúng túng đến ngờ nghệch nơi các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sự lúng túng của các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy những nhà hành pháp tiếp tục vi phạm pháp luật.

Hai quyết định trả hồ sơ vụ án được đưa ra chỉ trong một ngày từ hai cơ quan với hai nhiệm vụ khác nhau khiến người ta nghi ngờ về tính hợp pháp của các bản án và về sự công tâm của nền pháp lý Việt Nam trong vụ việc Thái Hà cũng như trong bất cứ vụ án nhạy cảm nào.

Về chức năng, Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà. Toà án giữ vai trò xét xử dựa trên bản cáo trạng Viện Kiểm sát công bố. Thế mà, cả hai cơ quan này chỉ trong một ngày – ngày 27/10/2008, Toà án Nhân dân Quận Đống Đa, nhận hồ sơ – hôm sau, ngày 28/10/2008, đã nghiên cứu xong cả chồng hồ sơ và thấy Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát bỏ lọt tội. Cũng trong ngày 28/10/2008, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Đống Đa ra quyết định số 04/KSĐT, trả hồ sơ vụ án, dù cho trước đó, ngày 24 tháng 10 năm 2008, Viện Kiểm sát đã ra cáo trạng trong đó nêu rõ không đủ yếu tố cấu thành tội huỷ hoại tài sản.

Điều tức cười là chính Viện kiểm sát những ngày trước đó ngày 15/10/2008, đã ra quyết định huỷ bỏ tội “phá huỷ tài sản”.

Trong quyết định số 10/2008/HSST-QĐ, ngày 28 tháng 10 năm 2008, Bà Trần Thị Phương Hiền - Thẩm phán Toà án Nhân dân quận Đống Đa, đã phán một câu xanh rờn: “Việc đình chỉ điều tra đối với các bị can nêu trên về tội huỷ hoại tài sản là bỏ lọt tội phạm. Không biết bà Thẩm phán này có am hiểu về luật pháp không. Nói như bà Thẩm phán thì có nghĩa là bà đã ngồi trên pháp luật và đã xử xong vụ án rồi, không cần phải điều tra bổ sung nữa. Trong câu văn này, đáng lẽ phải nói: “Việc đình chỉ điều tra đối với các bị can nêu trên về tội huỷ hoại tài sản là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” thì mới đúng, nhưng nó chỉ đúng sau khi Toà đã xử, đằng này, Toà chưa xử mà bà Thẩm phán đã bảo: “lọt tội.”

Sự lúng túng của các nhân viên ngành tư pháp đang khiến dư luận chú ý và đặt ra nhiều câu hỏi và nhiều lời giải thích.

Lời giải thích thoả đáng nhất: trong vụ Thái Hà, giáo dân Thái Hà là những người vô tội, chỉ vì dám nói tiếng nói của công lý và sự thật nên phải trả giá. Nhà nước Cộng sán vốn sợ công lý và sự thật, nên tìm mọi cách để dập tắt tiếng nói của sự thật. Càng cố gắng dập tắt sự thật thì sự thật lại càng bị bóc trần dẫn chính quyền Hà Nội phạm hết sai lầm này tới sai lầm khác.

Hai quyết định trả hồ sơ vụ án của Toà án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân quận Đống Đa cho thấy bản án dành cho các bị oan là giáo dân giáo xứ Thái Hà không còn là chuyện của ngành tư pháp, nhưng là do chỉ đạo của cấp trên.

Sự kiện này cũng cho thấy sự bất chấp các qui định pháp luật của chính quyền Hà Nội, sự cố chấp tới mức độ ti tiện của cơ quan công quyền.

Chắc chắn rằng trong vụ việc Thái Hà, càng điều tra thì người ta sẽ càng thấy sự bất công lên tới cao độ. Ngành tư pháp Việt Nam thực chất chỉ là công cụ và là nô bộc cho một nhóm quyền lợi đang thao túng xã hội. Câu nói: “Luật pháp là tao nè” được chứng minh cách hùng hồn nhất trong vụ án oan Thái Hà. Thứ luật rừng mà chính quyền Hà Nội đã áp dụng từ đầu vụ việc Thái Hà sẽ tiếp tục được chính quyền Hà Nội sử dụng trong những ngày sắp tới. Sự bất chấp nhân tâm, bất chấp pháp luật đang đẩy ngành tư pháp thành “Ngành phi pháp”, đẩy Viện kiểm sát Nhân dân thành “Viện Cố sát Nhân dân”.

Chắc chắn rằng, đối với người dân và đối với toàn thể Giáo Hội Công giáo, những bị oan là giáo dân Thái Hà, dù có bị Toà án Nhân dân kết tội, thì họ vẫn mãi là người vô tội, họ mãi vẫn là những anh hùng trong cuộc đấu tranh cho công lý và sự thật.

Có những tội ác mà Chính quyền Hà Nội đang gây ra cho dân tộc, cho quê hương đất nước, cho tất cả dân oan Việt Nam, trong đó có giáo dân, dù có thể thoát khỏi lưới trần, nhưng sẽ chẳng thoát khỏi lưới trời; rồi đây, lịch sử sẽ chỉ tên họ và những tội ác mà họ đã làm.

Có những tội ác mà Chính quyền Hà Nội đang gây ra cho dân tộc, lúc này có thể lọt khỏi lưới pháp luật, nhưng không lọt ra khỏi tai mắt người dân.

Quan nhất thời, dân vạn đại. Chính quyền Hà Nội rồi đây sẽ phải trả lời trước dân tộc và trước người dân những việc tàn độc mà họ đã làm. Nhưng, ngay từ bây giờ, họ cần hiểu rằng sẽ không có tội nào Toà án lương tâm không xét xử họ. Chẳng có tội nào lọt khỏi tiếng nói của lương tri.

Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2008
 
Người Việt Nam khao khát hòa bình
Hà Minh Thảo
18:07 01/11/2008

NGƯỜI VIỆT-NAM KHAO KHÁT HÒA BÌNH



Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ban hành Thông Điệp ‘Pacem in Terris’ (Hòa Bình trên Thế giới, ban hành ngày 11.04.1963), trong đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề nghị Hòa Bình phải được xây dựng trên sự thật, công lý, tình yêu và tự do, khi viết ‘Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 01.01.2003’, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại và giải thích: « Điều kiện cần thiết của hòa bình, tức là bốn yêu sách chính xác của trí khôn con người: chân lý, công lý, tình yêu và tự do. Chân Lý làm nền tảng cho hòa bình nếu tất cả mọi người ý thức cách lương thiện rằng, ngoài những quyền lợi của mình, mình cũng có những bổn phận đối với kẻ khác. Công Lý sẽ xây dựng hoà bình nếu mỗi người tôn trọng cách cụ thể những quyền lợi kẻ khác và ra sức thực hiện trọn vẹn những bổn phận mình đối với kẻ khác. Tình Yêu sẽ là chất men hòa bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần. Sau hết, sự Tự Do sẽ nuôi dưỡng hoà bình và làm cho hòa bình sinh hoa quả nếu, trong việc chọn những phương tiện để tới đó, các cá nhân theo lý trí và can đảm gánh lấy trách nhiệm những hành vi của mình. »

Trên Quê hương yêu dấu Việt-Nam, tại Giáo phận Nha Trang, năm 1969, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’ năm 1969, đã viết: « Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái. »

Tại thủ đô Hà nội, từ mười tháng nay, tín hữu Công giáo vẫn cầu nguyện trên phần đất mà Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã mua hầu xây nhà thờ cho bổn đạo Giáo xứ Thái Hà để dâng Thánh Lễ và kinh nguyện. Nhưng, chánh quyền địa phương tìm cách chia đất đai đó cho những công việc riêng tư. Do đó, các cuộc cầu nguyện hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà lan rộng khắp 26 Giáo phận Việt-Nam và trên khắp thế giới, những nơi có người Việt-Nam sinh sống.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Thông điệp Hòa Bình 01.01.1968 đã hô hào: « Chúng ta hãy sẳn sàng võ trang thứ khí giới đặc biệt cho Hòa Bình: đó là Cầu Nguyện.» Ngài tin tưởng nhờ đó mà có những cuộc ‘canh tân thiệng liêng và chánh trị’.

I. CHÂN LÝ hay SỰ THẬT.

“Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8-32).

Theo thư của DCCT Việt-Nam gởi cho các Linh mục Việt-Nam ngày 30.08.2008, chúng ta được biết: « Vào năm 1928, Đức Cha Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội, đứng tên mua giúp Dòng Chúa Cứu Thế một lô đất, khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng với tổng diện tích 61.455m2. Sau đó, DCCT đã đứng tên sở hữu là Les Pères Rédemptoristes (xem bằng khoán điền thổ số 42, ngày 16/8/1944).

Năm 1943, Nhà Dòng chuẩn bị xây dựng Nhà thờ (đã có bản vẽ và giấy phép xây dựng của Thành phố Hà Nội) trên khu đất mà hiện nay Công Ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng. Tuy nhiên, từ năm 1943-1946, xảy ra chiến tranh liên miên, và nhất là nạn đói 1945, việc xây dựng Nhà thờ đã không thể thực hiện được.

Ngày 22.05.1944, Đức Giám mục Francoise Chaize đã làm giấy nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Trên mảnh đất này, Nhà Dòng đã xây dựng Tu viện, Học viện, Nhà đệ tử, Nhà nguyện và các cơ sở khác. »

Theo dỏi sự kiện này trên Xa lộ thông tin, chúng ta thu lượm những dữ kiện khác như sau:

1.- Ngày 20.07.1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt-Nam (Hiệp định Genève) ký giữa thiếu tướng Henri Delteil thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương và ông Tạ Quang Bửu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng VNDCCH để chia đôi Việt-Nam thành hai quốc gia.

Khi đó, đa số các linh mục, tu sĩ DCCT Thái Hà di chuyển vào miền Nam đất Việt. Các Cha Giuse Vũ ngọc Bích, Denis Paquette và Thomas Côté, cùng các Thầy Clement Phạm văn Đạt và Marcel Nguyễn tấn Văn còn lưu lại. Họ sống dưới sự đối xử khắc nghiệt của nhà nước vô thần và chẳng mấy chốc đã phải chịu bách hại dã man. Ngày 07.05.1955, Thầy Văn bị bắt. Bốn năm sau, ngày 09.07.1959, Thầy qua đời trong lao tù cộng sản. Cha Paquette bị trục xuất ngày 23.10.1958. Một năm sau, Cha Thomas Côté cũng bị trục xuất. Thầy Clement Đạt bị bắt hôm 09.10.1963 và qua đời trong một trại giam tại Yên Bái ngày 07.10.1970. Cha Giuse Bích đã phải điều hành Giáo xứ một mình.

Bất chấp những phản đối đến cùng của Cha Bích, nhà cầm quyền Hà nội đã chiếm đoạt từng bước miếng đất này, từ 61.455 m2 giờ đây chỉ còn 2.700 m2. Họ đã sửa đổi Tu viện thành bệnh viện Đống Đa và phân phối, bán chác bất hợp pháp nhiều diện tích khác cho các công ty quốc doanh (xí nghiệp Dệt Thảm Len) và các viên chức chính quyền. Ngày 25.03.1994, xí nghiệp này được sáp nhập vào Công ty May Chiến Thắng. Sau đó, Công ty này biến đất chiếm của Giáo xứ Thái hà thành đất tư nhân. Hiện nay phần đất này đã có nhiều tư nhân cư trú. Đặc biệt từ giữa năm 2006 Công ty này bắt đầu cho đập phá các công trình vốn có trong khu vực mà trong đó có một số là do Giáo xứ Thái Hà xây dựng trước đây.

2. Ngày 18.08.1996, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã gửi đơn khiếu nại tới Chính quyền về việc Xí Nghiệp Dệt Thảm Len bán khu đất đó cho Công Ty Cổ Phần May Chiến Thắng. Nhưng Cha Bích đã không nhận được một trả lời về giải quyết nào từụ phía Chính quyền.

Những năm sau đó, DCCT và Giáo xứ Thái Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền đề nghị chính quyền tôn trọng quyền sở hữu và giao lại khu đất cho Nhà Dòng và Giáo xứ. Nhưng, 12 năm đã trôi qua, chưa bao giờ các cơ quan Nhà nước đã nghiêm túc thực hiện những yêu cầu chính đáng, hợp pháp của DCCT và Giáo xứ Thái Hà.

3. Ngày 05.01.2008, giáo dân nhận thấy Công ty cổ phần May Chiến Thắng vi phạm trên khu đất đang tranh chấp: phá các cơ sở của DCCT, làm đường, tiến hành xây dựng, và phản đối. Công an yêu cầu bà con giải tán và sẽ buộc Công ty May Chiến Thắng dừng thi công. Tin lời công an, giáo dân ra về. Sáng Chúa Nhật 06.01.2008, giáo dân phát hiện các cảnh sát, với roi điện, súng cắm lưỡi lê, đang triển khai đội hình bảo vệ khu đất đã chiếm dụng cho Công ty Chiến Thắng thi công trái phép.

Ý thức đây là tài sản chung của Giáo Hội, tức tốc bà con giáo dân điện báo cho nhau kéo ra khu đất bị chiếm dụng để bảo vệ và phản đối bằng cách dựng lều bạt, treo ảnh tượng và cầu nguyện bên ngoài khu đất này.

Trước sự bức xúc của giáo dân trong Giáo xứ, ngày 07.01.2008, Ủũy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ra công văn số 104/UBND-VX và, ngày 08.01.2008, lại ra tiếp công văn 122 UBND-ĐCNN, trong đó có quyết định lập Đoàn Thanh tra Liên ngành, để ‘kiểm tra, xác minh làm rõ và thông báo kết quả tới nhà thờ’. Tuy nhiên, trong tư cách là một chủ thể có liên quan quyền lợi và trách nhiệm, Giáo xứ Thái Hà đã không được có đại diện trong Đoàn Thanh tra Liên ngành và cũng không được Đoàn Thanh tra gặp gỡ, trao đổi.

Ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra mời một số đại diện Giáo xứ ra Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Các đại diện Giáo xứ đã mạnh mẽ phản bác các kết luận tạm thời này. Đoàn Thanh tra cho rằng: « Ngày 24.10.1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý và việc Giáo Xứ đòi lại/xin lại đất đai mà Công ty Chiến Thắng đang quản lý là không có cơ sở để giải quyết. » Đại diện Giáo Xứ Thái Hà hỏi lại: « Chính quyền nói ngày 24.10.1961 Cha Bích mới giao đất cho nhà nước, tại sao ngày 30.01.1961 chính quyền đã có quyết định giao đất cho Xí nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa, tức là 10 tháng trước khi cho rằng cha Bích đã ký giấy bàn giao? » và khẳng định rằng chính quyền đã chiếm dụng đất của Giáo Xứ mà không hề có giấy tờ, và, giấy bàn giao do Cha Vũ Ngọc Bích ký là giả mạo. Cho đến khi qua đời, Cha Vũ Ngọc Bích không bao giờ ký giấy hiến phần đất nầy cho nhà nước quản lý và nhà nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu đất nầy, nên nó vẫn thuộc quyền sở hữu của DCCT và Giáo Xứ Thái Hà.

Trong khi Giáo xứ Thái Hà chờ nhận bản kết luận chính thức của Đoàn Thanh tra thì, ngày 30.06.2008, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 2476/QD-UBND. Trong quyết định đó UBND TP Hà Nội nói rằng: “Ngày 24.10.1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý nhà, đất) đã ký biên bản “Hội nghị bàn giao nhà thống nhất quản lý vào Nhà nước”.

Ngày 14.08.2008, nhân ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, giáo dân đã cung nghinh tượng Mẹ vào ngự tại khu đất và đặt tượng Mẹ chính tại nơi xưa kia Nhà Dòng và Giáo xứ đã cung hiến cho Mẹ. Cuộc cung nghinh ấy đã không hề bị bất cứ cản trở nào từ phía lực lượng bảo vệ tại Công ty May Chiến Thắng và từ phía các cán bộ an ninh, không có bất cứ biên bản vi phạm nào được lập.

Ngày 15.08.2008, nhận thấy bức tường đối diện với tượng Mẹ có nguy cơ sụp đổ do trận mưa kỷ lục tại các tỉnh Miền Bắc vừa qua, có thể gây những tai nạn đáng tiếc cho người giáo dân tới cầu nguyện, anh chị em giáo dân đã gỡ bỏ, tạo một lối đi thông thoáng thuận tiện cho việc vào cầu nguyện. Chiều cùng ngày, dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo địa phương và các cán bộ an ninh, các giáo dân trong Giáo xứ đã cung nghinh Thánh giá và một tượng Mẹ lớn hơn vào khu đất, đặt trên một bể nước, và cũng không có bất kỳ biên bản vi phạm pháp luật nào được lập.

Sau nhiều lần được cho là ‘tài liệu mật’, ngày 26.08.2008, UBNDTP Hà Nội đã gửi công văn số 680/UBND-NNĐC về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm 4 bản phóng ảnh để chứng minh cơ sở cho việc chiếm đoạt đất đai của mình, dựa theo Nghị quyết 23/2003/QH11.

Ghi chú: Nghị quyết 23/2003/QH11 có hai điểm pháp lý đáng tranh luận:

- bất hợp pháp vì vi phạm nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp vì luật chỉ có hiệu lực trong tương lai mà thôi;

- bất hợp hiến vì trái với Hiến Pháp, là một bộ luật tối cao trên tất cả các bộ luật, các quyết nghị vv… Hiến Pháp và Luật Pháp nước CHXHCN Việt-Nam minh thị về việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu bất động sản của người dân. Nếu Luật đất đai năm 1993 được áp dụng, thì Quốc Hội không cần ra Nghị Quyết số 23/2003/QH11 nêu trên.

Thật đáng tiếc, Việt-Nam không có một cơ quan như Viện Bảo hiến hay Tối cao Pháp viện để phán quyết tính cách bất hợp pháp, bất hợp hiến hay không của nghị quyết này.

4. Quyết định 2476/QD-UBND trên được DCCT và Giáo xứ Thái Hà cho là thiếu cơ sở pháp lý và không tôn trọng sự thật.

a.- Các chứng cứ của UBND TP Hà Nội không có tính cách thuyết phục là Cha Vũ ngọc Bích đã ký giấy hiến phần đất nầy cho nhà nước quản lý:

1. Quyết định cho rằng cha Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao cùng một miếng đất qua 5 văn bản vào những thời điểm khác nhau:

- Ngày 24.10.1961, “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao toàn bộ nhà đất (trừ Nhà thờ) sang Nhà nước quản lý để thực thi Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008). Làm sao “Linh mục Bích” biết sẽ có Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 để ký thực thi Thông tư đó vào ngày 24.10.1961 ?

Ghi chú: Thông tư số 73/TTg ngày 07.07.1962 qui định về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị. Như vậy, khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng với tổng diện tích 61.455m2 không chịu sự chi phối của Thông tư nói trên vì đây không là đất cho thuê, vắng chủ hay bỏ hoang.

- Ngày 09.11.1961, “linh mục Bích” lại kê khai toàn bộ nhà đất do mình đang quản lý trên 6 ha? (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008)

- Ngày 10.11.1961, “Linh mục Bích” lại kê khai bàn giao tiếp khu đất trên qua Nhà nước quản lý, kể cả nhà thờ vì toàn bộ chỉ hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008)

- Ngày 24/11/1961 “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao khu đất Thái Hà đất sang Nhà nước quản lý trên diện tích khoảng 60.000m2 (Theo công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS ngày 7/5/2008 của Sở Tài nguyên MT).

- Ngày 27/5/1963 (con số này bị sửa chữa), tức là hai năm sau, “Linh mục Bích” lại tiếp tục có đơn xin bàn giao qua nhà nước thống nhất quản lý với tổng diện tích hơn 60.000m2. (Theo chứng cứ TP cung cấp ngày 26/08/2008).

Do đó, một viên chức Thành phố Hà nội đã nói với nhân viên thuộc quyền giữ lại một tờ, còn xé các tờ khác đi.

b.- và Nhà Nước cũng chưa bao giờ có quyết định trưng thu khu nhà đất của DCCT và Giáo xứ Thái hà. Khu nhà đất này không được cho thuê thì không bị quản lý theo các chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, qui định bởi Nghị định số 19-CP ngày 29.06.1960 của Hội đồng chính phủ về chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân ở các Tỉnh, Thành phố và thị xã.

Ngoài ra, nếu ngày 24.10.1961, “Linh mục Bích” ký biên bản bàn giao toàn bộ nhà đất (trừ Nhà thờ) sang Nhà nước quản lý thì không cơ quan Nhà nước nào đem biên bản bàn giao này trước bạ theo qui định của Sắc lệnh số 85-SL ngày 29.02.1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH và sang tên trong địa bộ và sổ thuế. Vì chưa sang tên trong địa bộ, khu nhà đất vẫn thuộc quyền đứng tên sở hữu là Les Pères Rédemptoristes (xem bằng khoán điền thổ số 42, ngày 16.08.1944).

II. CÔNG LÝ hay CÔNG BẰNG.

1. Linh mục Giuse Vũ ngọc Bích, CSsR, đã bị các viên chức cộng sản Thành phố Hà nội đối xử bất công:

Ngày 18.08.1996, Cha đã gửi đơn khiếu nại tới giới cầm quyền về việc Xí Nghiệp Dệt Thảm Len bán khu đất của Giáo xứ Thái Hà cho Công Ty Cổ Phần May Chiến Thắng. Nhưng Cha Bích đã không nhận được một trả lời về giải quyết nào từ phía Chính quyền cho đến khi Cha được gọi về Nhà Chúa năm 2004. Việc làm này đã trái Hiến pháp năm 1992 nơi Điều 74: “Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh”.

Cha Bích rất biết mình chỉ là người quản lý và quyền sở hữu khu nhà đất thuộc về DCCT, nên làm gì có chuyện Cha đã ký những văn bản giao bất hợp lệ đó. Vì không ký những văn bản giao nhà đất của Giáo xứ Thái Hà đó, nên, Cha đã mạnh dạn gửi đơn khiếu nại vào ngày 18.08.1996.

Nghe cuộc nói chuyện giữa Cha Bích và một cựu đệ tử vào ngày 14.3.2003, chúng ta sẽ thấy Cha Bích không ký một văn kiện nào cả:

Cựu Đệ Tử: Sau khi chỉ còn một mình cha thì năm nào họ lấy nhà dòng, nhà đệ tử?

Cha Bích: Cũng năm 1959, khi Cha Coté đi rồi, nó vào và nói là bây giờ chúng tôi thiếu trường học, ở đây không còn các Cha, nhà rộng, chúng tôi xin mượn, chỉ nói miệng vậy thôi. Tôi thấy lý do cũng chính đáng, một mình thì ở làm gì. Thế là bắt đầu trao cái nhà bên kia.

Cựu Đệ Tử: Nhà dòng? Rồi họ xây cái nhà này cho cha?

Cha Bích: Chưa, bắt đầu nó lấy bên nhà Đệ Tử. Rồi tôi cứ dồn sang bên nhà dòng học sinh học được đúng một năm. Sang năm sau, nó nói: Bây giờ có một nhu cầu cấp bách hơn, là y tế. Chúng tôi xin mượn làm bệnh viện. Chính cha Michaud đã xây cái nhà đệ tử ấy. Tôi chỉ còn giữ hai phòng để ở, gần nhà ngang nối Nhà Dòng với Nhà Đệ Tử.

Cựu Đệ Tử: Như vậy là năm đầu (1959) họ lấy nhà Đệ Tử làm trường học. Sang năm sau đổi thành bệnh viện.

Cha Bích: Đúng vậy. Cái cửa nối giữa hai nhà được đóng kín. Năm 1972, nó lại vào và nói là bây giờ bệnh viện đông lắm xin linh mục cho chúng tôi mượn tất cả, rồi chúng tôi sẽ xây cho linh mục một cái nhà ở bên cạnh nhà thờ. Rõ ràng như thế. Nói vậy mà không có giấy tờ gì cả. Nó lấy để làm bệnh viện thì lấy nốt cái nhà bên này. Năm 1973 xây xong nhà cho tôi. Ngày lễ thánh Phêrô, 2 giờ, tôi dọn sang đây. Lúc đầu chỉ có một cái nhà nhỏ này. Tôi cho xây một nhà ngay hang đá, năm 1992 kỷ niệm kim khánh của tôi. Rồi cứ xây dần dần dãy nhà nối “nhà xứ” của tôi với cái nhà gần hang đá.

Cựu Đệ Tử: Như vậy cái nhà gần hang đá là do cha xây, còn dãy nhà nối liền nhà gần hang đá và nhà xứ cha đang ở là do Cha Thành, do Tỉnh Dòng xây?

Cha Bích: Không phải, tôi cho xây hết. Và tất cả chuyện mượn nhà mượn cửa là chỉ nói miệng vậy thôi.

Cựu Đệ Tử: Thưa cha, còn cái ao ở đằng sau Nhà Dòng, khu nhà nuôi bò, cái hồ tắm của bọn con, sân đá banh…?

Cha Bích: Còn cả đấy, cứ mơ mơ hồ hồ vậy.

Cựu Đệ Tử: Như vậy, bệnh viện chỉ mượn hai nhà đệ tử và nhà dòng, còn từ sân đá banh, hồ tắm mà chú Vinh chết đuối ở đó, nhà bò, nhà Préau. Trong đó có mấy cái phòng dành cho bà Paul, bà An nấu cơm cho chúng con … Tất cả đều trao cho hợp tác xã Thảm Len ? Cha Bích: Nó cứ làm một mình nó có nói gì đâu. Cái nhà bò bây giờ còn bỏ không.

Cựu Đệ Tử: Đó là cái nhà mà hiện nay cha đang đòi lại phải không? Còn cái ao ở đằng trước Nhà Dòng, vẫn thuộc Giáo Xứ chứ ? Cha đã xây tường xung quanh. Đã có lần nọ định xây cái gì đó bên bờ ao mà cha không cho ?

Cha Bích: Đúng rồi! Nó muốn xây một cái nhà… Người ta gọi là cái nhà… tiếng Pháp có từ hay lắm, cái nhà ăn, gọi là cái gì?

Cựu Đệ Tử: Cantine. Như vậy, việc đất đai của Nhà dòng Hà Nội này thì, họ chỉ nói mượn mà không có giấy tờ gì cả.

Cha Bích: Phải.

2. Nhà cầm quyền Hà nội đối xử bất công với những giáo sĩ và giáo dân Thái Hà, những đồng bào Việt-Nam.

a. Nếu cho là việc đập phá vài hàng gạch bức tường siêu vẹo có nguy cơ an toàn cho dân chúng của giáo dân Thái Hà ngày 15.08.2008 là vi phạm hình sự (phá hủy tài sản công dân), thì sao các cấp công an hiện diện tại hiện trường không can thiệp và lập ngay biên bản vi phạm pháp luật ? Nên nhớ, bức tường này đã được xây bất hợp pháp trên phần đất của Giáo xứ Thái Hà.

Ngoài ra, sau đó, Thành phố Hà nội đã cho xe ủi phần còn lại để xây vườn hoa vì mưu toan tư nhân hóa khu đất không thành công.

b. 5 giáo dân bị khởi tố về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Tội này được qui định nơi điều 245 Bộ Luật Hình sự thì bị can phải có hành vi gây rối trật tự nơi công công. Nhưng, ở đây, sự kiện chỉ xảy ra ở trong khu khu đất của Công ty Chiến thắng.

III TỰ DO.

Đấng Tạo Hóa ban cho con người sự Tự Do. Đồng thời, Ngài cũng ban cho con người chúng ta Lý Trí để nhận biết Điều Lành nên làm và Sự Dữ nên tránh theo một Luật Thiên Nhiên. Luật này chúng ta được lãnh nhận qua sự giáo dục nơi gia đình và xã hội để biết cách xử thế tốt đẹp với nhau. Đó là những Đức Tính mà Người Việt tôn trọng để cùng sống trong Hòa Bình.

Mỗi người phải biết sử dụng quyền Tự Do của mình tới giới hạn quyền Tự Do của người, tức mỗi người biết tôn trọng quyền Tự Do của nhau.

Do lạm quyền và ham tiền, người cầm quyền bị mất sự Tự Do và Lý Trí để nhận biết đâu là Điều Lành hay là Sự Dữ khi đối thoại với đồng bào dưới quyền mình.

IV. TÌNH YÊU hay BÁC ÁI.

Tình Yêu hay Bác Aùi là chất men Hòa Bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần.

Những người (Công giáo hay không) cầu nguyện trên khu đất của Giáo xứ Thái Hà không những chỉ vì phần đất đó, nhưng họ còn cầu nguyện cho Sự Thật và Hòa Bình được tôn trọng. Với ý chỉ tốt lành đó, nên các cuộc cầu nguyện hiệp thông đã được đáp ứng ngay không những giữa người Việt-Nam, trong và ngoài nước, với nhau mà còn cả với những người ngoại quốc trên thế giới. Bằng chứng, trong bài ‘Cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ’

(http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadAllArticles.aspx?d=1&dt=30%2f10%2f2008#60517), đăng trên vietcatholic.net ngày 30.10.2008, tác giả, John Minh, kể lại sự ngạc nhiên và cảm động muốn rơi nước mắt vì trong Thánh Lễ bằng tiếng Pháp, ở một đất nước với 90% dân số theo Hồi Giáo này, chỉ có chưa đầy 0,50% theo Kiô giáo, mà người ta lại biết đến và cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thân yêu và cho các Kitô hữu đang bị bách hại hay đau khổ ở trên thế giới.

Dĩ nhiên, người Công giáo cũng cầu nguyện Hòa Bình cho Quê hương Việt-Nam, nơi đó, Nhà Nước biết hành động thế nào để người Việt được sống trong Hạnh phúc, những người bị tù oan được trở về đoàn tụ với gia đình, những người thoát khỏi cảnh nghèo không phải bị rơi lại cảnh nghèo lần nữa.

Hôm nay, ngày 01.11.2008, Giáo Hội Công giáo mừng trọng thể Lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng tôi nghe đọc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu 5,1-12a: “… Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”, chúng tôi không khỏi nhớ đến Đức Cha Giuse Ngô quang Kiệt, các Linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.

Hà Minh Thảo
 
Giáo xứ Kẻ Gai (GP Vinh) thắp nến hiệp thông với anh chị em giáo dân TGP Hà Nội
LM Jos Nguyễn Anh Tuấn
23:27 01/11/2008
VINH - Trong tình hiệp thông và chia sẽ với Giáo Phận Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà về những đau thương và mất mát vừa qua, 3000 giáo dân giáo xứ Kẻ Gai thuộc giáo phận Vinh đã tổ chức giờ chầu Thánh thể và thắp nến cầu nguyện hiệp thông với anh chị em giáo dân TGP Hà Nội.

Những đau thương và mất mát ấy cũng chính là đau thương và mất mát của chúng tôi. Bởi vậy, tuy là những vết thương đến ấy đến nay đã một ít nguôi ngoai, nhưng hậu quả và nỗi thất vọng mà chúng ta phải chịu một ngày một lớn mạnh hơn.

Hôm nay, là ngày lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ trong niềm vui có nỗi buồi. Như người ta thường nói: "niềm vui chia sẽ niềm vui lớn, nỗi buồn chia sẽ nỗi buồn vơi". Chúng tôi là giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, Giáo hạt Cầu Rầm, Giáo phận Vinh. trong ngày vui mừng lễ Các Thánh này, giáo xứ chúng tôi đã tổ chức một giờ Chầu Thánh Thể cầu nguyện thật ý nghĩa, nghiêm trang với chủ đề cầu nguyện cho "Hoà bình và Công Lý".

Từ 20h30 đến 21h30 ngày 1.11.2008, trước giờ Chầu chúng tôi đã trình chiếu lại các hình ảnh của TKS, lời phát biểu của đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt với nhà cầm quyền Hà Nội và một số hình ảnh của thế giới lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, như những cuộc biểu tình phản đối thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần thăm Úc vừa qua, người dân Việt Nam tại Mỹ hướng về TKS...Trong vòng 60 phút tuy không phản ánh đầy đủ những hình ảnh và sự việc về TKS nhưng cũng giúp giáo dân xứ chúng tôi hiểu biết chia sẽ những mất mát với Các bạn và cầu nguyện qua lời bầu cử của các Thánh xin Chúa ban hoà bình và công lý ngự trị trên đất nước Việt Nam.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nơi An Nghỉ
Lm. Tâm Duy
00:09 01/11/2008

NƠI AN NGHỈ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,

thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.

(Trích Thánh vịnh của vua Đa-vít 39-38)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền