Ngày 25-11-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xông pha vùng khói lửa, Đức Giáo Hoàng cố gắng liều mình đi thăm những người con đau khổ ở Trung Phi.
Trần Mạnh Trác
10:02 25/11/2015
Mối tình phụ tử

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm nước Cộng hòa Trung Phi. Đây là một khu vực đang có chiến tranh và không có an ninh. Chuyến viếng thăm chỉ mang một ý nghĩa là vì tình cuả một người cha, Ngài đến để an ủi đàn con đau khổ của mình.

Người dân ở đây hình như cũng hiểu được cái tâm tình ấy, "Trong tâm trí và trái tim của họ thì Ngài là một nhân vật vĩ đại," theo lời linh mục Hervé Hubert Koyassambia-Kozondo, " được nghe tiếng nói cuả Ngài vọng lên ngay trong đất nước của họ "là rất, rất có ý nghĩa."

Cha Kozondo là một linh mục cuả tổng giáo phận Bangui, thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi, và hiện đang theo học tại Roma. Cha Kozondo cho biết đã một tháng rồi, hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô lan tràn ra khắp nơi nhờ những cơ quan truyền hình và báo chí, và người ta nhắc đến Ngài mỗi ngày, giống như thể là Ngài "đã ở tại chỗ vậy."

Được Đức Giáo Hoàng hiện diện trong cộng đồng là một cái gì đó rất phi thường đối với người dân của nước Cộng hòa Trung Phi, và đối với đại đa số thì việc này sẽ là một cơ hội xảy ra "chỉ có một lần trong đời," Cha Kozondo nói.

"Vì vậy, họ chờ đợi Ngài và mong được chào đón Ngài như là một mục tử đích thực của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi muốn nói là một người cha, như một người cha, thật sự. "

Những lời cuà DTC 'sẽ được người Kitô giáo đón tiếp đặc biệt, cách riêng là người Công Giáo. "Những lời cổ vũ cho hòa bình cuả Đức Giáo Hoàng sẽ mang nhiều trọng lượng," Cha Kozondo nói như vậy, và nhấn mạnh rằng nền hòa bình này đang cần phải được 'làm việc' để trở thành hiện thực.

Mà thật vậy, nước Cộng hòa Trung Phi đang là một nước có chiến tranh sôi động, chưa có một chính quyền chính thức, vũ khí thì tràn lan không kiểm soát, người dân phải tự vệ lấy thân, và sự giết chóc là thường xuyên mỗi ngày.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến tông du châu Phi từ ngày 25 tháng 11, bắt đầu đến Kenya và sẽ ở lại cho tới ngày 27, rồi đi thăm Uganda từ 27 cho tới 29. Chặng dừng chân cuối cùng là Cộng hòa Trung Phi, từ 29 cho đến 30 tháng 11.

Trước đây vào năm 1985 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cùng đã thăm Cộng hòa Trung Phi trong một chuyến tông du lớn bao gồm Togo, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Zaire và Kenya.

Hiện trạng Cộng hòa Trung Phi

Nền an ninh cuả Cộng hòa Trung Phi bị xụp đổ vào cuối năm 2012, sau khi một nhóm phiến quân Hồi giáo gọi là liên minh Seleka, từ những khu an toàn ở phía bắc, tiến xuống phía Nam, cướp chính quyền cuả tổng thống François Bozizé.

Kể từ đó, tình hình trở nên bất ổn và sợ hãi bao trùm. Bạo lực đã cướp đi khoảng 6.000 sinh mạng.

Nước Cộng hòa Trung Phi sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 27 tháng 12 tới, sau khi đã bị hoãn lại một lần hồi tháng 10 vì bạo lực và bất ổn. Vị tổng thống lâm thời là bà Catherine Samba-Panza, cựu thị trưởng Bangui, đang vất vả để duy trì một cuộc ngưng bắn, và bà sẽ không ứng cử.

Cha Kozondo nhận xét rằng thách thức lớn nhất cho Giáo Hội là "tình hình tồi tệ của đất nước", và sự thiếu an ninh nghiêm trọng.

"Có rất nhiều người mang vũ trang, và (các lực lượng chính phủ) vẫn chưa thể tước khí giới," Ngài cho biết, và thêm rằng "nhiều người dân có vũ trang và lại có mưu đồ thì làm sao mà ổn định được."

"Việc giải giới là cần thiết, nhưng quốc gia này không có phương tiện để giải giới. Vì vậy, cần phải dựa vào sự giúp đỡ ở bên ngoài. "

Mặc dù quốc gia đã từng có nhiều cuộc đảo chính trong lịch sử, vị linh mục giải thích rằng lần này thì khác vì vũ khí và nhân lực đến từ nước ngoài, và những Kitô hữu là mục tiêu.

Với dân số hơn 1 triệu người, Cộng hòa Trung Phi có 36 phần trăm là Công Giáo, 44 phần trăm là Tin Lành, còn 20 phần trăm kia thì chia đều giữa người Hồi giáo và các tôn giáo địa phương.

Cha Kozondo cho biết quân nổi dậy đã phát động cuộc tấn công một phần là vì chính phủ trước chỉ dùng có một nhóm chủng tộc, đất nước này luôn luôn có nhiều chủng tộc, và các chính trị gia thường chỉ đại diện cho một nhóm nhất định.

Tuy nhiên, sau khi các phiến quân Hồi giáo liên kết với nhau vào năm 2012, thì họ dùng lính đánh thuê từ các nước bên ngoài như từ Chad và Sudan. Nhiều người trong số họ không nói được ngôn ngữ Sango cuả dân địa phương.

Họ tấn công bừa bãi kể cả những nơi không có tính cách chiến lược - tấn công thường dân vô tội, phá huỷ hạ tầng cơ sở và các di tích đại diện cho di sản của quốc gia - làm cho người dân phải tự hỏi ý định của họ là cho "một cái gì đó hơn nữa, chứ không phải chỉ là quyền cai trị mà thôi," vị linh mục nói.

Một đặc điểm thứ hai đã làm cho cuộc xung đột này không bình thường so với quá khứ, đó là cuộc tấn công rõ ràng "nhắm vào các Kitô hữu, phá huỷ những nơi thờ phượng và tiêu diệt các cơ cấu xã hội cuả Kitô giáo." Chính vì những bạo lực có hệ thống đối với người Kitô hữu và nhắm vào tài sản cuả Giáo Hội mà một tinh thần chống Hồi giáo đã phát triển ra như hiện nay, Ngài nói.

Trước khi có cuộc xung đột năm 2012 thì mối quan hệ với Hồi giáo tương đối yên bình, Cha Kozondo giải thích rằng mặc dù người Hồi giáo là thiểu số, nhưng họ hoà hợp khá tốt và trở nên giàu có vì biết cách làm ăn.

Cha Kozondo cho biết một khó khăn khác là việc thiết lập lại quyền cai trị của Nhà Nước, vì Nhà Nước đã mất kiểm soát.

Người dân thấy rằng quân đội không chống nổi với phiến quân, cho nên họ đã tự thành lập các nhóm kháng chiến, gọi là anti-Balaka, vì "không có ai bảo vệ họ."

Tuy nhiên, Ngài muốn làm sáng tỏ một điều mà Ngài gọi là một trò hề truyền thông khi mô tả những "anti-Balaka" là những nhóm kháng chiến Kitô hữu quá khích có mục đích chống Hồi giáo.

Mặc dù các nhóm ấy chỉ có người Kitô hữu, nhưng Cha Kozondo tin rằng hình ảnh 'quá khích' này đã được "tạo ra bởi các phương tiện truyền thông để đầu độc dư luận."

Ngài nói rằng trong khi chắc chắn có nhiều Kitô hữu, Công Giáo và Tin lành, đã cầm súng, nhưng "họ không làm điều đó nhân danh Kitô giáo."

"Họ không làm điều đó với các phương tiện cuả Giáo Hội hay là do Giáo Hội tổ chức. Họ không làm điều đó vì Kitô giáo dạy như vậy, hoặc một cái gì đó nhân danh đức tin Kitô giáo, không, không có điều này. Nó không phải là một nhóm Kitô giáo đi rảo quanh để ruồng bắt người Hồi giáo. "

Cha Kozondo giải thích rằng các giám mục và hội đồng giám mục đã nhiều lần phản bác ý tưởng rằng nhóm "anti-balaka" đang được Kitô hữu ủng hộ.

Trong thực tế, những nhà lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành đã gia sức cùng với nhiều nhóm Hồi giáo ôn hòa để có một đáp ứng cụ thể với tình hình, đặc biệt là những liên quan đến những người tị nạn đông đảo và những người phải di tản khỏi vùng tranh chấp.

"Có rất nhiều căn nhà đã bị phá hủy và nhiều người không cảm thấy an toàn," vị linh mục nói, lưu ý rằng có nhiều người đã phải bỏ chạy sang các nước lân cận hoặc thậm chí đang phải ấn nấp ở "trong rừng."

Cuộc chiến hiện nay bao gồm cả những sự trả thù, tại thủ đô Bangui, có một khu Hồi giáo ngăn cấm người Kitô hữu và hoàn toàn nguy hiểm.

Trong khu, có "một sự hiện diện mạnh mẽ của các phần tử thánh chiến cực đoan", đã từng bắn giết những người không theo Hồi giáo hay những người Hồi giáo ôn hòa, là những người đã tìm cách trợ giúp cho những người ở bên trong, hoặc tìm cách giúp đỡ người ta muốn trốn ra.

"Điều xảy ra là nếu một người không phải Hồi giáo nào đó bị giết ở trong đó, thì sự trả thù lại là giết đi một người Hồi giáo ở một nơi khác. Ngược lại, nếu người bị giết là Hồi giáo, thì lại có sự trả thù theo cách thức cuả họ, " Cha Kozondo cho biết như vậy.

"Cho nên đó là một tình huống không ổn định. Hôm nay có thể mọi thứ là ok. Nhưng ngày mai nếu có ai đó bị giết, thì một cái gì đó có thể nổ lớn ra. Sau cùng thì chỉ có người dân là bị kẹt ở giữa. "

Chương trình tông du tại Cộng hòa Trung Phi

Chương trình cuả Đức Giáo Hoàng ở Cộng hòa Trung Phi là có một cuộc họp với cộng đồng Hồi giáo tại đền Hồi giáo chính ở Koudoukou. Mặc dù có nhiều người đã khuyên Ngài không nên đến nơi đó, nhưng cho đến nay thì đó vẫn là một mục cuả chương trình.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng cũng có kế hoạch đến thăm một trại tị nạn có khoảng 1000-2000 người trong khi Ngài ở Bangui, ngày 29 tháng 11, ngay sau khi gặp gỡ với chính quyền và vị tổng thống lâm thời, Catherine Samba-Panza.

Trong cuộc họp báo ngày 19 tháng 11, phát ngôn viên của Vatican là Cha Federico Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn thăm Cộng hòa Trung Phi chính xác là "để chứng tỏ rằng Ngài gần gũi với những người đau khổ. Vì vậy, đó là lý do tại sao Ngài dừng chân tại trại tị nạn ngay sau khi gặp gỡ các nhà chức trách. "

Sau khi thăm trại tị nạn, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp gỡ các cộng đồng Tin Lành khác tại Trụ sở FATEB (Phân Khoa Thần Học cuả đại học Bangui).

Đó là một cuộc họp nhằm "chống lại bạo lực", do đó sẽ mời các nhà lãnh đạo lớn của các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành, cũng như một lãnh tụ Hồi giáo, để "xây dựng một sự đối thoại và hòa bình."

Những diễn biến bất ngờ

Trong những tuần gần đây đã có nhiều tin đồn đoán là Đức Giáo Hoàng có thể hủy bỏ chuyến viếng thăm Cộng hòa Trung Phi vì tình trạng bạo lực đang diễn ra.

Ngày 16 Tháng 11, trong một cuộc họp báo tại trụ sở Hành Hương (Rome Pilgrim Office,) Quốc Vụ Khanh Hồng Y Pietro Parolin gợi ý rằng trong khi các kế hoạch vẫn giữ y như vậy, nhưng hai ngày viếng thăm Cộng hòa Trung Phi có thể bị cắt bỏ vào phút cuối cùng.

Đức Hồng Y nói "ba điểm dừng chân vẫn còn như vậy, nhưng chúng ta sẽ tùy cơ ứng biến dựa vào tình hình tại chỗ."

Trước đó ngày 11 tháng 11, tờ báo Pháp Le Monde cho biết rằng các quan chức tại Bộ Quốc phòng Pháp nói rằng, 900 lính Pháp ở Cộng hòa Trung Phi sẽ không thể đảm bảo sự an toàn cho Đức Giáo Hoàng, và sẽ chỉ có thể bảo vệ Ngài ở sân bay mà thôi.

Do đó, người đứng đầu lực lượng an ninh của Vatican, ông Domenico Giani, đã đi Cộng hòa Trung Phi để theo dõi tình hình trước khi Đức Giáo Hoàng tới.

Thay vì bay về Roma để tháp tùng DGH trên chiếc máy bay của Đức Giáo Hoàng như thường lệ, ông ta đã ở lại, và sẽ gặp Đức Thánh Cha tại Kenya.

Nhưng Cha Lombardi nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Giani (ở Trung Phi) không có nghĩa là có điều gì mới, và cho đến bây giờ thì "không có gì thay đổi."

"Chúng tôi đang theo dõi", Ngài nói thêm rằng quyết định cuối cùng sẽ được thực hiện "trong chuyến đi."

Cha Lombardi cũng công bố rằng Đức Hồng Y Parolin sẽ không đi với Đức Giáo Hoàng tới Trung Phi, nhưng sau Uganda thì sẽ đi đến Paris cho kịp ngày khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 30 tháng 11.
 
An ninh trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu
Lm. Trần Đức Anh OP
09:38 25/11/2015
NAIROBI. Trong số những tin tức bên lề cuộc viếng thăm của ĐTC tại Phi châu, đặc biệt có vấn đề an ninh, thu hút sự chú ý nhiều của giới báo chí và dư luận.

Thật ra, vấn đề an ninh vẫn được chú ý trong mọi cuộc viếng thăm của ĐTC tại hải ngoại, nhưng lần này, sự chú ý đó gia tăng cường độ trong bối cảnh các cuộc khủng bố hoặc đe dọa khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, nhất là sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13-11-2015.

Hãng tin KNA của Đức ghi nhận rằng khoảng 100 cây số trước khi chiếc Airbus A-330 của hãng Aliatia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế, tiến vào không phận của Ai Cập gần Libia trên đường bay tới Kenya, người ta không còn thấy hình máy bay này trên Radar - Internet nữa. Trả lời câu hỏi của hãng tin KNA, Alitalia nói rằng ”đó là một biện pháp an ninh thông thường, việc bảo vệ các hành khách là ưu tiên số một”.

Vùng biên giới Ai cập gần Libia từ lâu vẫn là nơi diễn ra các hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các biện pháp chống khủng bố.

Trong khi đó một chuyên gia an ninh Phi châu, ông Sebastian Gatimu, nhận xét rằng tình trạng tại Kenya khá căng thẳng trước cuộc viếng thăm của ĐGH. Ông Gatimu là nhà chính trị học thuộc Học viện nghiên cứu an ninh” (ISS) ở Nairobi. Ông nói với phái viên hãng KNA: ”Trong thời gian gần đây không có cuộc khủng bố nào ở Nairobi và cho đến nay cũng không có những lời đe dọa. Chúng tôi hy vọng trong cuộc viếng thăm của ĐGH tình hình cũng tiếp tục như vậy”.

Dầu sao các biện pháp an ninh và kiểm soát vẫn được tăng cường, phần lớn các đường chính ở thủ đô Nairobi trong 3 ngày này có những nút chặn và phong tỏa. Ban tổ chức hy vọng có 1 triệu 400 ngàn người tham dự thánh lễ ĐTC cử hành sáng ngày 26-11-2015 tại Đại học Nairobi, tức là 1 phần 10 dân số Công Giáo của Kenya. Để tạo điều kiện dễ dàng cho sự tham dự của các tín hữu, chính phủ Kenya đã tuyên bố ngày 26-11 này là lễ nghỉ toàn quốc. Tuy nhiên, một nhóm người vô thần ở Kenya đã vội vàng nộp đơn lên tòa án tối cao của Kenya để yêu cầu hủy bỏ quyết định của chính phủ.

Theo nhật báo Daily Nation ở Nairobi, trong những ngày này 10 ngàn cảnh sát được động việc và ít là 10 ngàn vệ binh quốc gia trẻ được động viên vào công tác giữ an ninh trật tự trong cuộc viếng thăm của ĐGH.
 
Đức Phanxicô đã tới Nairobi: Diễn văn với các nhà cầm quyền
Vũ Văn An
15:14 25/11/2015
Theo đài phát thanh Vatican, ngày 25 tháng Mười Một, 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Thủ Đô Kenya là Nairobi nơi ngài được Tổng Thống Uhuru Kenyatta nghinh đón.

Máy bay của ngài hạ cánh xuống Phi Trường Nairobi lúc 4 giờ 40, giờ địa phương, trước giờ đã định. Sau khi ký vào sổ lưu niệm, Đức Giáo Hoàng hội kiến riêng với Tổng Thống tại Phi Trường trước khi được đoàn hộ tống đưa tới Nhà Chính Phủ để được nghinh đón chính thức.

Diễn văn với Tổng Thống và các nhà cầm quyền Kenya

Sau 21 phát súng chào mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với Tổng Thống Kenya và các nhà cầm quyền của nước này tại Nhà Chính Phủ. Ngài nói rằng ngài mong được ở đây, nhất là được gặp gỡ giới trẻ của Kenya, để “khích lệ các hy vọng và khát vọng của họ đối với tương lai”. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài:

Kính thưa Tổng Thống,
Kính thưa các Nhà Lãnh Đạo Chính Phủ và Dân Chính,
Kính thưa các Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,
Kính thưa các Hiền Huynh Giám Mục
Kính thưa qúy Bà và qúy Ông,

Tôi rất biết ơn sự nghinh đón nồng hậu của qúy vị nhân chuyến viếng thăm này, chuyến viếng thăm Phi Châu đầu tiên của tôi. Tôi cám ơn ngài, thưa Tổng Thống, vì những lời lẽ tốt đẹp của ngài nhân danh dân chúng Kenya, và tôi mong được ở cùng qúy vị. Kenya là một quốc gia trẻ và sinh động, một xã hội đa diện phong phú đang đóng một vai trò quan trọng trong vùng. Về nhiều phương diện, kinh nghiệm hình thành nền dân chủ của qúy vị đã được nhiều quốc gia Phi Châu khác chia sẻ. Giống Kenya, họ cũng đang cố gắng xây dựng một xã hội đa sắc tộc hết sức hòa hợp, công bằng và bao gồm mọi người, trên nền móng vững chắc của tôn trọng lẫn nhau, của đối thoại và hợp tác.

Quốc gia của qúy vị cũng là một quốc gia của giới trẻ. Trong những ngày ở đây, tôi mong được gặp nhiều người trong số họ, nói chuyện với họ, và khích lệ các hy vọng và khát vọng của họ đối với tương lai. Giới trẻ luôn là tài nguyên qúy giá nhất của bất cứ quốc gia nào. Bảo vệ họ, đầu tư vào họ và giúp họ một tay là cách hay nhất để ta có thể bảo đảm một tương lai xứng đáng với sự khôn ngoan và các giá trị thiêng liêng rất thân thiết đối với các bậc cha ông của họ, các giá trị vốn nằm trong trái tim và linh hồn của một dân tộc.

Kenya vốn được chúc phúc không những trong vẻ đẹp mênh mông, trong núi, song, hồ, rừng, thảo nguyên và bán sa mạc của nó, mà còn vì sự dư dật của tài nguyên thiên nhiên. Dân chúng Kenya biết đánh giá cao các kho báu Chúa ban này và nổi tiếng có một nền văn hóa bảo tồn vốn làm vinh dự qúy vị. Cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi sinh đang đe dọa thế giới chúng ta đòi phải có sự mẫn cảm mỗi ngày một lớn hơn đối với mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm phải chuyển giao vẻ đẹp của thiên nhiên trong tính nguyên tuyền của nó cho các thế hệ tương lai, và có nghĩa vụ phải thực thi vai trò quản lý một cách công chính đối với các ơn phúc ta đã nhận được. Các giá trị này bén rễ rất sâu trong linh hồn Kenya. Trong một thế giới vẫn đang tiếp tục bóc lột căn nhà chung của chúng ta, thay vì bảo vệ nó, các giá trị này phải linh hứng các cố gắng của các nhà lãnh đạo quốc gia trong việc cổ vũ các mô thức có trách nhiệm đối với việc phát triển kinh tế.

Quả vậy, có một mối liên kết rõ ràng giữa việc bảo vệ thiên nhiên và việc xây dựng một trật tự xã hội công chính và công bằng. Sẽ không thể có việc đổi mới mối liên hệ của ta với thiên nhiên, nếu không có việc đổi mới chính nhân loại (xem Laudato Si’, 118). Bao lâu các xã hội của ta còn trải nghiệm chia rẽ, bất luận là sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế, thì mọi người nam nữ có thiện chí vẫn còn được mời gọi làm việc cho hòa giải và hòa bình, cho tha thứ và hàn gắn. Trong công trình xây dựng một trật tự dân chủ vững vàng, củng cố sự gắn bó và hội nhập, khoan dung và tôn trọng người khác, việc mưu cầu ích chung phải là mục tiêu hàng đầu. Kinh nghiệm vốn cho thấy: bạo lực, tranh chấp và khủng bố chỉ nuôi dưỡng sợ hãi, bất tín và thất vọng do nghèo đói và ngã lòng phát sinh ra. Cuối cùng, cuộc tranh đấu chống những kẻ thù của hoà bình và thịnh vượng này phải được thi hành bởi những người nam nữ không biết sợ sệt trong việc tin tưởng vào và làm chứng trung thực cho các giá trị tâm linh và chính trị vĩ đại, vốn linh hứng cho việc ra đời của một quốc gia.

Thưa qúy Bà và quý Ông, việc thăng tiến và bảo tồn các giá trị vĩ đại nói trên được đặc biệt ủy thác trong tay qúy vị, các nhà lãnh đạo đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế của xứ sở. Đây là một trách nhiệm lớn lao, một ơn gọi thực sự, trong việc phục vụ toàn thể nhân dân Kenya. Tin Mừng dạy chúng ta rằng những người được ban cho nhiều, sẽ bị đòi hỏi nhiều (Lc 12:48). Trong tinh thần này, tôi khuyến khích qúy vị làm việc trong tinh thần liêm khiết và trong sáng vì ích chung, và phát huy tinh thần liên đới trên mọi bình diện của xã hội. Cách riêng, tôi yêu cầu qúy vị chứng tỏ một quan tâm đích thực đối với các nhu cầu của người nghèo, các khát vọng của người trẻ, và việc phân phối công chính các tài nguyện thiên nhiên và nhân bản mà Đấng Tạo Hóa đã chúc phúc cho đất nước qúy vị. Tôi cam đoan với qúy vị các cố gắng liên tục của cộng đồng Công Giáo trong các công trình giáo dục và bác ái, để cung hiến phần đóng góp chuyên biệt của mình trong các lãnh vực này.

Các bạn thân mến, tôi được cho hay tại đây, tại Kenya này, vốn có truyền thống để các học sinh nhỏ tuổi trồng cây cho hậu thế. Cầu mong cho dấu hiệu hùng biện của hy vọng vào tương lai này, và niềm tin tưởng vào tuổi trẻ do Thiên Chúa ban cho này nâng đỡ tất cả qúy vị trong các cố gắng vun sới một xã hội liên đới, công lý và hòa bình trên mảnh đất quê hương và khắp lục địa Phi Châu vĩ đại. Một lần nữa, tôi xin cám ơn qúy vị vì sự nghinh đón nồng hậu của qúy vị, và tôi khẩn xin Thiên Chúa ban phúc lành dư thừa của Người xuống trên qúy vị và gia đình qúy vị, cũng như trên mọi người dân Kenya yêu qúy.

Mungu abariki Kenya!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Kenya!
 
Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/3
Linh Tiến Khải
15:58 25/11/2015
Hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích, thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội, ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, giúp chung xây một đất nước công bằng huynh đệ và phồn thịnh hơn.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ các vị lãnh đạo chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa Kenya như trên trong cuộc gặp gỡ tại Dinh quốc gia trong thủ đô Nairobi chiều 25 tháng 11 vừa qua.

Bắt đầu từ ngày 25-11 ĐTC đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng ĐTC đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ĐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân ĐTC tại phi trường có ĐC Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng vượt đoạn đường dài 5.389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Đông Phi châu quay ra Ấn Độ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32,4% theo Công Giáo, 47,7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công Giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6.542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2.744 linh mục trong đó có 1.830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11.343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12.195 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Đào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn Độ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm đó có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Đức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran’a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là ĐC Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Giáo Hội tại Phi châu”.

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là “Chỗ nghỉ ngơi của Thiên Chúa”. Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Đức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là “ Ki-Nyaa” hay “Kiima-Kiinyaa”, có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xuơng người “Homo habilis” Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1,8 tới 2,5 triệu năm, và “Homo erectus” Người đứng thẳng sống giữa 1,8 triệu tới 350.000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của “Homo sapiens” người khôn ngoan. Đặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1,6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm “Homo erectus”.

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Đông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rẻn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII. Hồi đó người Bồ Đào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến người Kikuyu bắt đầu cuộc chiến dành độc lập, và ngày 12 tháng 12 năm 1963 Kenya thoát ách thống trị của Anh quốc. Các cuộc bầu cử đưa ông Jomo Kenyatta, một trong các lãnh tụ phong trào độc lập, lên làm tổng thống đầu tiên của Kenya. Ông Kenyatta thăng tiến một đường lối chính trị tân tiến và theo Âu châu, bằng cách thực hiện các cuộc cải cách kinh tế chính trị hiện đại và kỹ nghệ hóa đất nước, duy trì các bang giáo tốt với Anh quốc và các nước láng giềng. Kenya 1/3
 
Tại Kenya, ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy chấp nhận và tôn trọng nhau
Giuse Thẩm Nguyễn
17:37 25/11/2015
Tại Kenya, ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy chấp nhận và tôn trọng nhau

NAIROBI, Kenya (CNS) - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Kenya ngày 25 tháng 11 giữa lúc nhiều người quan ngại về an ninh. Ngài kêu gọi hãy chấp nhận và tôn trọng những người khác nhau về tôn giáo và chủng tộc..

Trong chuyến bay dài gần bẩy tiếng , các phóng viên hỏi Ngài rằng Ngài có lo ngại về vấn đề an ninh không? Đức Thánh Cha trả lời: Ngài “sợ muỗi hơn là vấn đề an ninh”. Sau khi chào thăm các phóng viên, Ngài cầm micro và nói “Hãy bảo vệ mình khỏi những con muỗi!”

Nói chuyện với một nhóm nhỏ phóng viên khi Ngài đi lại trên máy bay, Đức Giáo Hoàng cho biết sắp tới Ngài sẽ đến thăm bốn thành phố gồm Ciudad Juarez nằm giữa biên giới Hoa Kỳ- Mễ Tây Cơ khi Ngài thăm Mễ Tây Cơ vào tháng Hai.

Trong cuộc gặp mặt tất cả các phóng viên, Đức Giáo Hoàng đã không nhắc đến những lo ngại về an ninh và những lời khuyến cáo của các chính phủ sau vụ khủng bố ở Paris ngày 13 tháng 11.

Đức Giáo Hoàng đã được đón chào tại sân bay quốc tế Nairobi’s Joma Kynyatta bởi một nhóm vũ công, những phụ nữ hát theo tục lệ bản xứ, Tổng Thống Uhuru Kenyatta, con trai của chủ tịch đầu tiên mà tên của ông được đặt cho phi trường này. Sau nghi thức ngắn gọn, Đức Giáo Hoàng đã đi qua hằng trăm cơ quan, xưởng máy nơi đó các nhân viên và công nhân đã kéo nhau ra hai bên đường để mừng đón Ngài.

Nghi lễ chào mừng chính thức sẽ diễn ra tại Hành Dinh Quốc Gia của Kenya, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ gặp tổng thống, chính phủ, các lãnh đạo dân sự và các thành viên của các đoàn ngoại giao.

Trong bài diễn văn của mình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến các giá trị cần thiết để củng cố nền dân chủ ở Kenya và khắp Châu Phi, bắt đầu từ việc xây dựng lòng tin và sự gắn bó giữa các thành viên của các nhóm khác nhau về chủng tộc và tôn giáo trên lục địa.

Đức Giáo Hoàng nói “ Kinh nghiệm cho thấy rằng bạo lực, xung đột và khủng bố nuôi dưỡng sự sợ hãi, nghi ngờ và thất vọng để rồi sinh ra nghèo đói và thù nghịch bất an. Trong xã hội chúng ta, trải qua đau thương vì phân hóa, thì dù thuộc chủng tộc nào, tôn giáo hay kinh tế nào, tất cả mọi người thiện chí, đàn ông, đàn bà đều được kêu gọi chung sức kiến tạo sự hòa giải và hòa bình, sự tha thứ và chữa lành.”

Người Kenya thưa với Đức Giáo Hoàng rằng chủ nghĩa thực dân đã để lại cho Châu Phi những cộng đồng bị chia rẽ bằng những biên giới nhân tạo, gây ra những căng thẳng, nhưng cũng “bởi tham vọng chính trị ích kỷ của bản sắc dân tộc và tôn giáo” đã đốt cháy chúng con trong chiến tranh và bạo lực trên lục địa này.

Trước hội nghị về khí hậu bắt đầu tại Paris, Đức Giáo Hoàng cũng đã nói về những giá trị truyền thống của Châu Phi về bảo vệ thiên nhiên và nhu cầu tìm “một giải pháp phát triển kinh tế khả thi” mà nó không phá hủy môi trường thiên nhiên hiện nay và trong tương lai.

Đức Giáo Hoàng nói rằng:“Kenya đã được chúc phúc không chỉ bởi vẻ đẹp mênh mông của núi rừng, sông hồ, thảo nguyên và bán sa mạc, nhưng còn bởi một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú,” Ngài nói tiếp, “Kenya là một món quà của Thiên Chúa và đất nước đã có một “ nền văn hóa được bảo tồn” cần được chia sẻ và giúp đỡ người khác,”.

“Cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng đối với nhu cầu thế giới của chúng ta là một sự cảm nhận rõ nét nhất trong sự liên hệ giữa con người và thiên nhiên,” Ngài nói “Chúng ta có trách nhiệm truyền lại vẻ đẹp thiên nhiên này một cách toàn vẹn cho thế hệ tương lai và một trách nhiệm gìn giữ, quản lý những món mà chúng ta đã nhận được.”

Trên một lục địa mà dân số chủ yếu là người trẻ, nhưng lại bị thất nghiệp, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quan chức và các vị đại diện của các quốc gia khác hãy dành sự quan tâm chăm sóc cho giới trẻ, họ cũng là món quà từ Thiên Chúa.

“Bảo vệ họ, đầu tư vào họ và đưa bàn tay giúp họ là cách tốt nhất để bảo đảm tương lai của họ xứng hợp với sự khôn ngoan, giá trị tinh thần trân quý của các bậc lão thành, những giá trị đã ăn sâu vào tâm khảm của cả một dân tộc.” Đức Giáo Hoàng nói.

Trước các khán thính giả là các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của đất nước, Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở họ qua đoạn Tin Mừng nhấn mạnh đến “ ai nhận được nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.”

Đức Giáo Hoàng nói tiếp,“Hãy quan tâm nhiều đến những nhu cầu của người nghèo, nguyện vọng của giới trẻ và sự phân phối đồng đều các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực mà Thiên Chúa đã ban phát cho đất nước của quý vị.”
 
Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ có nguồn gốc Công Giáo.
Trần Mạnh Trác
21:32 25/11/2015


Lễ Tạ Ơn cuả Hoa Kỳ là một lễ Công Giáo ư?

Đó là một ngày lễ chỉ có ở Hoa Kỳ, không được ghi trên niên lịch Phụng Vụ cuả Công Giáo, và ngày lễ được thiết lập do một nghị định cuả chính phủ Hoa Kỳ chứ không do Giáo Hội.

Không có một sách giáo khoa nào ghi rằng ngày lễ có nguồn gốc Công Giáo cả, ngay từ cấp vỡ lòng, các em đã được dạy rằng nguồn gốc cuả ngày lễ là do những người di dân gọi là Pilgrim (hành hương) đến định cư ở vùng Plymouth, Massachusett, trên một con tầu có tên là Mayflower, đã có một bữa tiệc gà tây với dân bản xứ (Da Đỏ ) để cảm tạ Thượng Đế đã cho họ sống sót qua một muà đông, trồng xong một vụ muà ngô bắp, và do đó có lương thực để cầm cự cho muà đông kế tiếp. Người ta gọi đó là ngày lễ tạ ơn đầu tiên.

Nhưng đó chỉ là một câu chuyện không đầy đủ và có pha lẫn huyền thoại, theo nhận xét cuả ông Dale Ahlquist, văn học, chủ tịch hội American Chesterton Society, một hiệp hội nghiên cứu văn học sử cuả Hoa Kỳ, đặc biệt cổ võ cho những tư tưởng cuả cố văn hào Chesterton cuả Anh quốc.

Ông cho biết, ngay cái tên "Pilgrim" cũng đã sai rồi, đó là tên mà người ta đặt cho nhóm người này khoảng 200 năm sau. Lúc đó họ được gọi là người Thanh giáo (Puritan), thuộc một giáo phái "bình dân" cuả Anh, rất cực đoan, chống đối với loại "Giáo Hội quí phái" cuả nước Anh đang được các vua chuá ủng hộ.

Trong thực tế, khoảng 30 năm sau khi người Thanh giáo đến Mỹ, thì những người Thanh giáo còn lại ở bên Anh đã toa rập trong một vụ nổi loạn và chặt đầu vua Charles I.

Một điểm huyền hoặc nữa là, những người 'Pilgrim' không phải là những người đầu tiên. Có ít nhất chín cuộc định cư khác từ nước Anh đã tới trước khi thuộc địa Plymouth được thành lập. Trong chín nhóm đó thì cũng đã có một nhóm ở Plymouth rồi. Tất cả các nhóm di dân trước đều thất bại và bị chết hết, kể cả nhóm đã từng ở Plymouth. Số người 'Pilgrim' (Thanh giáo) nói trên đã đến Plymouth vào năm 1620, cũng bị chết thảm thiết, một nửa qua đời vì mùa đông lạnh. Số còn lại, may mắn thay, đã được tiếp cứu bởi một người Mỹ bản địa tên là Squanto, ông đã dạy cho họ cách săn cá và trồng ngô.

Nhưng đây là một điều thú vị: Squanto là một người Công Giáo La Mã.

Câu chuyện cuả Squanto bắt đầu với năm 1614, lúc đó ông là một cậu bé thổ dân đã bị một thuyền trưởng cuà Anh tên là John Smith bắt (có liên hệ tới câu chuyên Pocahontas nổi tiếng) và đưa đến Tây Ban Nha, bán làm nô lệ. Squanto được các cha dòng Đaminh cứu và dạy cho đức tin Công Giáo. Kỳ vọng của Squanto là có thể trở về Mỹ để giúp dân của mình. Cho nên ông đã được đưa qua nước Anh và được một người tên là John Slaney dạy tiếng Anh và sắp xếp cho trở về vùng Newfoundland. Squanto đã làm nghề thông dịch cho người Anh và đã vượt Đại Tây Dương cả thảy sáu lần. Ông không bao giờ tìm lại được bộ tộc của mình, bởi vì họ đã bị tiêu diệt hết trong một cơn bệnh dịch hạch.

Sau khi Squanto đến giúp những người định cư ở Plymouth và dạy họ phương cách phát triển lương thực, thì ông dàn xếp để tổ chức một bữa tiệc ăn mừng muà gặt với bộ lạc Wampanoag ở địa phương. Và đó là những chứng cớ sử liệu cuả Lễ Tạ Ơn.

(Squanto sau này đã bị bộ lạc Wampanoag nghi ngờ, bắt giữ nhưng được người Anh cứu thoát. Sau cùng thì ông cũng chết vào năm 1622 vì bị đầu độc, người ta nghi ngờ là người Da Đỏ đã giết ông.)

Sách giáo khoa cuả Mỹ tiếp tục ca tụng những người Pilgrim là những người đã thiết lập ra nền tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ. Thật ra họ không hề làm điều đó, theo lời ông Chesterton, cố văn hào người Anh, những chính quyền mà người Thanh giáo thành lập sau này thực sự đã đi trái với những gì mà họ mong ước về một thế giới mới không có đàn áp khi còn ở bên Anh. Họ cho rằng dòng vua Stuarts đã không lập ra một Giáo Hội thệ phản 'tinh tuyền' đủ vì vẫn còn có nhiều yếu tố Công Giáo như có chức linh mục (do đó mà họ tự nhận là Puritan, nghiã là thanh luyện cho ra tinh tuyền). Họ chém đầu vua Charles vì vợ ông là người Công Giáo. Và ở bên Mỹ, thành phố Salem mà họ thành lập đã từng dựng nên dàn hoả để thiêu sống tất cả những ai không 'Puritan' đủ, họ buộc tội những người này là phù thủy.

"Họ không tin linh mục, nhưng họ lại tin có phù thủy" ông Chesterton đã giễu như vậy.

Vậy thì ai đã chủ trương tự do tôn giáo? Trong năm 1621, một năm sau khi những người Thanh giáo đến Plymouth, thì một nhóm di cư Công Giáo từ Anh quốc đã đến Ferry, Newfoundland để định cư trong vùng đất cuả Bá Tước Baltimore là George Calvert, những người di dân này sau đó lại đi theo con trai của Calvert là Cecilius khi ông này được cấp thêm một vùng đất mới vào năm 1832. Ông đặt tên nó là Maryland.

Maryland, tên được đặt để vinh danh nữ hoàng Henrietta Maria người Pháp, vợ vua Charles đã bị chặt đầu như đã nói ở trên, là khu định cư Công Giáo đầu tiên cuả thế giới mới, và nguyên tắc sáng lập của nó là. .. tự do tôn giáo.

Đó là lý do tại sao mà văn hào G.K. Chesterton cuả Anh đã từng phiếm luận rằng nước Anh cũng nên mừng Lễ Tạ Ơn mới phải...bởi vì nhờ đó mà những người Puritan cực đoan đã rời khỏi nước Anh!
 
ĐTC ở Kenya: bạo lực, xung đột và khủng bố khơi dậy sự sợ hãi
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
23:42 25/11/2015
ĐTC ở Kenya: bạo lực, xung đột và khủng bố khơi dậy sự sợ hãi

Với 21 tiếng pháo vang rền, ĐTC Phanxicô được đón chào tại dinh thự của Tổng thống Uhuru Kenyatta.

Sau đó, Đức Thánh Cha trồng một cây trong khu phức hợp của tổng thống. Ngài theo tập tục của người Kenya là việc trồng cây con để biểu hiện niềm hy vọng ở tương lai.

Tổng thống Kenya phát biểu trước Đức Giáo Hoàng và thảo luận về những thách thức mà nước ông đang phải đối diện.

Ngài tổng thống nói: “Thưa Đức Thánh Cha, giống như cha, là một quốc gia, chúng con muốn chống lại tệ nạn tham nhũng vốn gây tổn hại đến người dân và môi trường của chúng con; tham những là theo đuổi lợi nhuận bất hợp pháp. Thật vậy, nó làm chệch hướng các nguồn lực, gieo rắc hận thù, và chia rẽ dân của chúng con.”

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao hàng đầu của nước này, bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tập trung vào hệ sinh thái và bất bình đẳng xã hội.

Ngài ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của Kenya và yêu cầu người Kenya phải ý thức và có trách nhiệm trong việc đối diện với cuộc khủng hoảng môi sinh nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.

Đức Giáo Hoàng phát biểu: “Trong một thế giới mà cứ tiếp tục khai thác hơn là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta phải nỗ lực truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo quốc gia để họ thúc đẩy những mô hình phát triển kinh tế một cách trách nhiệm.”

Đối mặt với sự chia rẽ và bất công, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng tất cả mọi người được mời gọi để tìm thấy sự hòa giải, hòa bình và chữa lành.

Đức Giáo Hoàng phát biểu: “Kinh nghiệm cho thấy rằng bạo lực, xung đột và khủng bố khơi dậy sự sợ hãi, hồ nghi, và tuyệt vọng; từ đó sinh ra nghèo đói và thất vọng.”

Với suy nghĩ đó,ĐTC mời gọi các nhà chính trị hãy làm việc không biết mệt mỏi để bảo tồn các giá trị mà duy trì nền dân chủ. Ngài nói với họ rằng họ phải thực sự thực thi ơn gọi phục vụ với hết thảy người dân Kenya, với sự chính trực và minh bạch.

Đức Giáo Hoàng nói:”Cha yêu cầu các con hãy đặc biệt thể hiện mối quan tâm chính đáng cho các nhu cầu của người nghèo, cho nguyện vọng của các bạn trẻ, và phân phối các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực công bằng theo như Đấng Tạo Hóa đã ban phước lành cho quốc gia của chúng con.”

Giáo Giáo Hoàng một lần nữa cám ơn sự đón chào nồng nhiệt của người dân Kenya. Ngài nói rằng bằng tiếng Swahili rằng Thiên Chúa luôn chúc lành cho Kenya, và dân chúng trở nên náo nhiệt.

“Thiên Chúa chúc lành cho Kenya!”

(Romereports, 25-11-2015)

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đôi nét về xứ đạo tôi – giáo xứ Sơn Lộc, giáo phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
23:17 25/11/2015
Đôi nét về xứ đạo tôi – giáo xứ Sơn Lộc, Giáo phận Phú Cường

Bài hát "Thala xóm đạo" đã một thời vang tiếng bởi nét đơn sơ, an bình của người dân nơi đây. Nói đến xóm đạo, ai ai cũng hiểu: "Xóm đạo là xóm có nhiều người Công Giáo cư ngụ". Xóm đạo: có thể hiểu là ít, là nhỏ. Còn xứ đạo: Mọi người có thể hiểu là lớn hơn xóm đạo.

Nhân dịp xứ đạo tôi sắp khánh thành và cung hiến ngôi nhà thờ mới, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc xa gần đôi nét về: Xứ Đạo Tôi. Cùng với mong ước các bạn từng là giáo dân hay đã biết đến xứ đạo tôi, nay đã đi làm ăn xa đọc được lời giới thiệu này, để nhớ về và cầu nguyện, tạ ơn Thiên Chúa cùng với chúng tôi,

Từ ngã tư An Sương (Quận 12), đi lên Tây Ninh trên đại lộ xuyên á đến cây số thứ 14, các bạn nhìn về bên phải sẽ thấy một tháp chuông màu xanh của đá, trên có Thánh giá màu trắng sừng sững giữa bầu trời trong xanh. Tháp chuông rất cao, 45 mét đủ để các bạn nhìn thấy từ xa. Ban đêm các bạn dễ thấy hơn bởi một Thánh giá đỏ giữa màn đêm đen.

Các bạn thân mến. Thánh giá đó, tháp chuông đó là biểu tượng của ngôi nhà thờ mới Sơn Lộc chúng tôi.

60 năm qua, với đức tin vững mạnh, với miệt mài làm ăn chí thú, xứ đạo tôi đã từng bước đổi thay. Đổi thay lớn nhất, đó là chúng tôi đã có ngôi nhà thờ mới. Đã 3 lần chúng tôi xây nhà thờ:

- Lần thứ I: Cuối năm 1954, ngôi nhà thờ lợp lá được làm trong 10 ngày, đó là một kỷ lục, bởi mọi người cùng chung tay với tinh thần mến yêu. Một năm sau, lá được thay bởi tôn.

- Lần thứ II: Năm 1958, nhận thấy cột tre vách đất không thể tồn tại lâu dài, hơn 2.000 giáo dân chúng tôi lại chung tay làm lại ngôi nhà mới. Lần này với cột bằng những thân cây gỗ dầu vuông vức, mái lợp bằng những tấm tôn fibrô ximăng tốt nhất thời bấy giờ, ngôi nhà thờ này đã tồn tại với chúng tôi 25 năm.

Năm 1983 là một trong nhiều năm khó khăn về vật chất, nhưng tinh thần thì đầy lòng quả cảm. Cha xứ Giuse Nguyễn Hữu Huân là người đã gắn bó với giáo xứ chúng tôi nhiều năm, đã quyết định đại tu ngôi nhà thờ bởi vì sự xuống cấp quá nhanh do mối mọt và thời gian.

Sau 6 tháng đại tu, ngôi nhà thờ đã vững chãi hơn với trụ cột bê tông, giàn kèo sắt V5 tốt nhất. 30 năm tồn tại thêm, 30 năm với nhiều kỷ niệm lưu luyến, 30 năm với nhiều thế hệ mới, 30 năm với vật chất dù có vững chắc đến mấy cũng phải mai một. Và một lần nữa chúng tôi bắt tay xây dựng ngôi nhà thờ mới với tất cả niềm tin yêu, cậy trông vào Thiên Chúa.

- Lần thứ III: Sự đời có nhiều biến động lúc thăng lúc trầm, xứ đạo tôi cũng vậy. Thời chiến tranh, xứ đạo tôi chỉ còn khoảng 600 nhân danh, 30 năm sau con số tăng lên 3.000 người. Cha xứ Simon là người đầy nhiệt thành, không ngại gian nan thử thách và cả những lời gièm pha chế diễu, cha đã cùng với Ban Đại diện và đông đảo bà con giáo dân quyết tâm xây dựng ngôi nhà thờ mới hoàn toàn. Bằng những đóng góp công sức và tiền bạc hàng tháng của bà con giáo dân và của nhiều quý ân nhân xa gần, ngôi nhà thờ mới từng bước được hình thành.

Gần 3 năm mong chờ thành quả đã đến. Ngày 05/12/2015, ngày cận kề mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm - bổn mạng của giáo xứ. Xứ đạo tôi rất hân hoan chào mừng bạn đọc xa gần về dự lễ khánh thành và cung hiến ngôi nhà thờ mới, để cùng với chúng tôi ngợi khen Thiên Chúa là Cha chung của hết mọi người.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hãy lấy chuyện gần mà nói sử xa
Phạm Trần
10:46 25/11/2015
HÃY LẤY CHUYỆN GẦN MÀ NÓI SỬ XA

Cuộc tranh cãi để riêng hay trộn Lịch sử vào hai môn “Giáo dục công dân” và “An ninh quốc phòng” cho thành môn mới “Công dân với Tổ quốc" đang diễn ra ở Việt Nam chỉ rối ren thêm nếu không ai dám nói “học sử như bây giờ thì thà đừng học còn hơn.”

Sau đây là những lý do dựa theo chuyện gần để nói tại sao:

Bắt đầu từ chuyện Hòang Sa và Trường Sa. Sử ta từ Thế kỷ 17 đã chứng minh Việt Nam là chủ nhân ông duy nhất trên hai quần đảo này. Khi quân Trung Hoa đánh chiếm tháng 1/1974 từ tay Quân đội của nhà nước Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam thì đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi ấy làm chủ nửa nước ở miền Bắc, không dám phản đối.

Tại sao không phản đối thì câu chuyện kể của ông Dương Danh Dy, một chuyện gia về Trung Hoa, về lý giải của Thứ trưởng Ngọai giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm xẩy ra vụ Hòang Sa đã nói được những gì ?

Báo Tuần Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN, trong số ra ngày 6/1/2014 viết: “Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng.

Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?

Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy - người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.

Phóng viên: Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối?

Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Dương Danh Dy: “Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.

Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:

"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?

Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn."

Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.”

Ông Dy “thông” nhưng lịch sử thì không vì vào năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi Công hàm cho Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trên Hòang Sa và Trường Sa.

Do đó, chuyện Chính phủ miền Bắc, vì ơn nghĩa với sự giúp đỡ của Trung Quốc và vì tham vọng đánh chiếm cho được miền Nam nên người Cộng sản không coi nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quan trọng cho bằng giữ trọn tình nghĩa với Trung Hoa.

Bây giờ, có muốn sáng mắt ra cũng đã qúa muộn vì lỡ há miệng nên phải mắc quai và bị lịch sử nguyền rủa là chuyện tất nhiên.

Về cuộc chiến ở Hòang Sa giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Trung Quốc tháng 1/1974 thì sách “Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1945-1975” của Viện sử học-Viện Khoa học Xã hội chỉ viết: “Ngày 19 tháng Một-1974, Trung Quốc cho hải quân tiến đánh quân ngụy Sài Gòn và chiếm quần đảo Hòang Sa. Ngày 20 tháng Một-1974, Trung Quốc cho máy bay nèm bom xuống ba đảo Hữu Nhật, Quang Anh và Hòang Sa, sau đó quân Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hòang Sa. Đồng thời Bộ Ngọai giao Trung Quốc ra tuyên bố về tình hình quần đảo Hòang Sa để biện hộ hành động của họ.

Đại diện chính quyền Sài Gòn tại Liên Hiệp Quốc gửi Công hàm thông báo hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Hòang Sa cho Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liện hợp quốc. Chính quyền Sài Gòn thông báo tình hình Trường Sa cho các bên Định ước Pari và các nước khác trên thế giới.”

74 người lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại cuộc chiến này, nhưng cuốn sách không nói gì đến họ. Cho đến bây giờ, 41 năm sau, họ vẫn bị đảng và nhà nước CSVN kỳ thị, coi như không phải là những người Việt Nam đã chết vì chống giặc Trung Quốc xâm lược lãnh thổ của Tổ tiên để lại.

Đáng chú ý là cách hành văn và dùng chữ của những cán bộ biên sọan sách“Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1945-1975” đã lộ ra chân tướng không coi Hòang Sa là của cả nước Việt Nam mà của riêng miền Nam. Bây giờ Chính phủ ở miền Nam không còn nữa nên Chính phủ Cộng sản kế thừa nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không có trách nhiệm gì với Hòang Sa hay sao ?

Vì vậy sách sử của nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa không có dấu vết gì về biến cố hệ trọng này. Tại sao ? Giấu đi có được không ? Người Việt Nam, các thế hệ người Việt bị ngăn cấm biết chuyện Hòang Sa để làm lợi cho ai ?

Đến cuộc tấn công chiếm 7 đảo và đá ở quần đảo Trường Sa của quân Trung Quốc diễn ra ngày 14/3/1988, 14 năm sau biến cố Hòang Sa, có 64 người lính Quân đội Nhân dân hy sinh tại đây.

Vậy mà, không có bất cứ một dấu vết gì của cuộc chiến Trường Sa được ghi lại trong Sách “Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1975-2000”. Trang 316 của sách này chỉ ghi lại những sự việc “Từ ngày 11 đến 12 tháng 3, 1988” ghi lại sự kiện “Khai mạc đại hội đại biểu tòan quốc Hội Chữ thập đỏ lần thứ năm” rồi tiếp theo “Từ ngày 15 đến 17 tháng Ba, 1988”, ghi sự việc “Ngành Nội thương tổ chức Hội nghị đánh gía kết qủa bước đầu chuyển hoạt động thương nghiệp sang họach toán kinh dioanh XHCN (Xã hội Chủ nghĩa).

Ai cũng biết hai ngày 13 và 14 tháng 3, 1988 là thời gian quân Tầu hạ sát và thâu tóm lính Việt Nam còn sống sót ở Trường Sa.

Trong khi ấy thì tài liệu của Bách khoa Tòan thư (mở) viết: “Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng bãi đáCô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Nhân dân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Phía Việt Nam mất ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 64 thủy binh Việt Nam đã thiệt mạng. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.

Trong các tài liệu của Hải Quân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).”

Như vậy thì lịch sử đau thương của cả Hòang Sa và Trường Sa đã bị xóa đi không thương tiếc thì môn sử có lý do tồn tại để tiếp tục bị bôi nhọ không ?

Hương hồn của 76 lính VNCH và 64 lính CSVN hy sinh vì chống lại quân xâm lược Tầu ở Hòang Sà và Trường Sa đã bị bỏ quên sẽ nghĩ gì về chế độ và những người còn sống, nhất là các thế hệ con cháu sau này ?

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHIÁ BẮC



Nối tiếp chuyện Hòang Sa-Trường Sa phải kể đến biến cố cuộc chiến biên giới phía Bắc gữa Việt Nam và quân xâm lăng Trung Quốc từ 17/2 đến 18/3/1979, và sau đó tiếp tục lần 2 từ 1984 đến 1987 trong vùng Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.

6 Tỉnh biên giới gồm Lai Châu,Lạng Sơn,Cao Bằng,Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên và Qủang Ninh đã bị 600 ngàn lính Trung Quốc tấn công giết hại trên 40 ngàn quân và dân.

Tư liệu của Việt Nam kể: “ Ngày 12/7/1984, quân đội Việt Nam phản công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm giữ ở Vị Xuyên (Hà Giang), 820 chiến sĩ đã bị thương, sư đoàn 356 có khoảng 600 người hy sinh.

Tháng 2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3.

Dù Trung Quốc rút quân, nhưng trong thư gửi chiến sĩ, đồng bào các tỉnh biên giới quân khu 2, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ nhấn mạnh: "chiến sĩ đồng bào cần nêu cao cảnh giác, vì kẻ địch còn ngoan cố và tiếp tục gây thêm nhiều tội ác mới. Cần tăng cường đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết quân dân, đoàn kết phía trước và phía sau, thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân".

Tài liệu chính thức của Việt Nam kể tiếp : “ Đúng như lời dự đoán, Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy trì lực lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.

Thị xã Hà Giang đầu năm 1984, đường phố hối hả với đủ loại xe vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược… lên trận địa…Từ tháng 4/1984, súng nổ không ngừng ở biên giới Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang). Trung Quốc dùng cả bộ binh và pháo binh, tấn công chiếm một số điểm cao ở vùng núi Hà Tuyên….

Lấn chiếm biên giới tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên là một phần cuộc chiến tranh phá hoại mà Trung Quốc tiến hành từ sau thất bại của cuộc chiến xâm lược quy mô lớn trên các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 2/1979. Đây là một dạng chiến tranh đặc biệt về phương thức tác chiến, vũ khí sử dụng, thời gian và không gian….Trung Quốc vừa dùng máy bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt Nam nắm tình hình, vừa kết hợp bắn cấp tập pháo cối, chế áp các điểm cao, trục đường giao thông và lực lượng bộ binh tấn công lấn chiếm đất ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn với mức độ huỷ diệt vào những khu vực trọng điểm như đồi Đài, Cô Ích, cao điểm 685, Cót Ép, khu 4 hầm. Số lượng đạn, pháo cối địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 quả. Có ngày tới trên 65.000 quả (7/1/1987).”

Trong số tội ác ghê tởm của lính Trung Quốc, tư liệu Việt Nam đã ghi lại vụ thảm sát ngày 9 tháng 3/1979 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, khi quân Trung Quốc đã “dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc còn phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình.”

Nhưng sách “Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1975-2000” chỉ ghi vỏn vẹn ở Trang 109: “ Từ ngày 17 tháng Hai đến 18 thàng Ba-1979 Quân đội và nhân dân Việt Nam gìanh thằng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biện giới phía Bắc.”

“Ngày 17-2-1979, Trung Quốc huy động lực lượng với 32 sư đòan, mở cuộc tiến công dọc biên giới phiá Bắc từ Quảng Ninh Lai Châu.

Để bảo vệ tòan vẹn tòan vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, quân và dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã trực tiếp chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút ra khỏi lảnh thổ nước ta.”

Sách này không có chữ nào nói về cuộc chiến đẫm máu thứ 2 giữa Việt Nam và Trung Hoa từ 1984 đến 1987 xẩy ra ở núi Lão Sơn (cao điểm 1509,tức Núi Đất ), vùng Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.

Như thế thì sách in ra để làm gì, ngòai mục đích để bôi nhọ và nói láo với lịch sử ?

HỌC TẬP CẢI TẠO-THUYỀN NHÂN

Ngoài ra cũng không người Việt Nam nào có thể quên được 2 chuyện đau thương do người Cộng sản gây ra sau khi họ chiếm miền Nam năm 1975.

Đầu tiên là quyết định đem từ miền Bắc vào Chế độ cải tạo lao động rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc đối với binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa hay những người tham gia phục vụ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975.

Tài liệu của Bách khoa Tòan thư (mở) viết : “Chính quyền Cộng hòa Miền Nam và Đảng Lao động Việt Nam đề ra bốn thành phần cần phải tập trung đưa đi cải tạo:

-"Ngụy quân": sĩ quan từ cấp úy đến cấp tướng;

-"Ngụy quyền": cảnh sát, tư pháp, hành chánh;

-“Đảng phái phản động: đảng viên hoạt động từ cấp quận trở lên;

-“Đầu hàng, phản bội: hồi chánh.

Ngoài ra có những người không thuộc bốn diện trên nhưng có hoạt động người cộng sản cho là chống phá như nhà văn, nhà báo, liệt kê và "biệt kích cầm bút" cũng phải đi học tập cải tạo.’

Công việc triệu tập các đối tượng để đưa đi học tập cải tạo bắt đầu từ Tháng Năm, 1975. Đối với hạ sĩ quan (cấp úy trở xuống), sau trình diện thì phải theo học một khóa chính trị ngắn rồi được cấp giấy chứng nhận để cho về. Đối với các cấp chỉ huy thì có lệnh trình diện bắt đầu từ ngày 13 đến 16 Tháng Sáu, 1975. Chiếu theo đó thì sĩ quan sẽ đi học tập 15 ngày trong khi các viên chức dân sự cùng những đảng viên các tổ chức chính trị của miền Nam thì thời gian học tập là một tháng. Người trình diện phải mang theo 21 kilôgam gạo làm lương thực trong đó có mọi ngành từ quận trưởng trở lên hoặc đối với các viên chức hành chánh là trưởng phòng trở lên. Các văn nghệ sĩ cũng phải ra trình diện.”

Đó là cách nói ngon ngọt của những kẻ “chiến thắng” Cộng sản miền Bắc dành cho “người bại trận” miền Nam. Thực tế thì khác.

Tất cả tù nhân phải lao động cực nhọc nhưng thiếu ăn và không được chăm nom sức khỏe. Đã có rất nhiều người bị giam tới 17 năm và có nhiều người nổi tiếng đã chết trong tù như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên và Thi sỹ Vũ Hòang Chương.

Bách khoa Tòan thư mở cũng ghi: “Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.3306 người trong các đảng phái “phản động…Tổng cộng có đến hơn 80 trại cải tạo phân bố trên toàn đất nước, nhất là những vùng biên thùy.”

Sách “Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1975-2000” không có chữ nào về kế họach lao động cảo tạo gỉa hiệu của đảng CSVN.

Chuyện kế tiếp phải kể là tội ác của đảng CSVN và phe chiến thằng đối với số hàng chục ngàn người, kể cả trẻ em, đàn bà và người gìa đã bỏ mình ở Biển Đông và trên đất liền trên đường vượt biên tìm tự do từ sau năm 1975.

Cả thế giới tự do và nhân bản đã chấn động. Nhiều nước ở Á Châu như Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương, Nhật Bản, Thái Lan và bán đảo Hồng Kông đã tham gia chiến dịch cứu vớt và cho người sống sót tạm trú trước khi được định cư ở các nước thứ ba.

Chính quyền Việt Nam không hề mảy may có phản ứng nào của con người, nói chi đến tình nghĩa đồng bào. Đã có thời gian từ 1978 đến 1979 khi xung đột Trung-Việt căng thẳng, nhà nước CSVN đã tổ chức đuổi người Việt gốc Hoa ra khỏi Việt Nam để lấy của và đòi tiền mãi lộ.

Sách sử Việt Nam thời Cộng sản cũng đã làm ngơ để phủi trách nhiệm trước lịch sử.

ĐÁNH TƯ SẢN MẠI BẢN

Cuối cùng cũng đừng quên tội ác kinh tế của nhà nước Cộng sản đối với dân miền Nam và nền kinh tế thời Việt Nam Cộng hoà.

Quyết định số 100/CP ngày 12/04/1977 của Phó Thủ tướng Phạm Hùng đã đưa ra “chính sách cải tạo xã hội chủ

nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam.”

Quyết định viết: “Trên cơ sở xây dựng và phát triển thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, thực hiện xoá bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất, trong đó thương nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.”

“Thương nghiệp quốc doanh phải hoàn toàn nắm vững khâu bán buôn (bán sỉ) và phần lớn khâu bán lẻ, trước hết nhằm vào những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu đối với sản xuất, đời sống và xuất khẩu; trên cơ sở đó mà không ngừng mở rộng giao lưu hàng hoá có tổ chức, bảo đảm cho sản xuất không ngừng phát triển, cải thiện từng bước đời sống của nhân dân.”

Đây là chủ trương phá họai nền kinh tế trù phú và tự do của miền Nam để hạ thấp đời sống của người dân miền Nam xuống hàng bần cùng như đồng bào miền Bắc. Mãi 10 năm sau khi Việt Nam đã sát bên bờ vực thẳm thì người Cộng sản mới mở mắt ra để thi hành chủ trương “Đổi mới hay là chết” năm 1986 thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh.

Sai lầm lịch sử này, cùng với chủ trương ăn cướp tài sản của những thương gia ở bên này chiến tuyến đã để lại vết đen không tẩy uế được cho nhà nước mới sau 1975.

Việc này có chứng minh trong Quyết định của Phạm Hùng:

-“Đối với các cơ sở kinh doanh thương nghiệp của Mỹ nguỵ, của tư sản mại bản, của tư sản có tội đã bỏ trốn ra nước ngoài, của bọn nguỵ quân, nguỵ quyền có nhiều tội ác, của tư sản gian thương lớn, thì tịch thu và tổ chức thành quốc doanh.

-“Đối với các cơ sở kinh doanh thương nghiệp vắng chủ, mà không có người thừa kế hợp pháp, hoặc người đang quản lý không có đủ giấy uỷ quyền hợp pháp, thì Nhà nước trực tiếp quản lý, sau này khi người chủ về, Nhà nước sẽ tuỳ từng trường hợp cụ thể mà giải quyết theo chính sách chung.

- Đối với một số người muốn xin hiến tài sản cho Nhà nước, sẽ xét và chấp nhận cho hiến theo đúng tinh thần quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 434/TTg ngày 30 tháng 10 năm 1976.

- Có thể trưng thu hoặc trưng mua những cơ sở và phương tiện kinh doanh còn tốt của tư sản thương nghiệp. Số tiền trưng mua sẽ được Nhà nước chuyển qua Ngân hàng Nhà nước và trả dần trong một số năm, tuỳ theo nhu cầu hợp lý về vốn để sản xuất và sinh hoạt của từng hộ tư sản.

Thương nghiệp quốc doanh có thể lựa chọn để sử dụng một số nhà tư sản có kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý kinh doanh, trước đây quan hệ tốt với cách mạng và hiện nay có thái độ tuân thủ và chấp hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước.”

Tất nhiên, Cuốn “Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1975-2000” đã không dám ghi lại “những thành tích” này của người Cộng sản.

Ngòai ra cũng nên nhớ cách viết sử của người Cộng sản là quân ta luôn luôn thắng và địch lúc nào cũng thua to, để lại nhiều xác chết và vũ khí từng đống.

Tỷ dụ như họ đã nói phét như thế này : “ Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Chỉ trong một thời gian ngằn, ta đã diệt, lọai khỏi vòng chiến đấu 147.000 tên địch (có 43.000 tên Mỹ), phá hủy 34 kho vật tư dự trữ chiến tranh của Mỹ ở miền Nam, phá tan 4200 trong tổng số 5400 “ấp chiến lược” ở miền Nam, giải phóng thêm 1,4 triệu dân…” (Trích Việt Nam-Những sự kiện Lịch sử 1945-1975).

Tuyệt nhiên không có số chết, bị thương và mất tích (hay bị bắt) của phiá Lực lượng Cộng sản trong suốt mấy tháng trời giao tranh thì chỉ có là “ quân Ma” mới không đánh mà thắng như thế !

Hơn thế nữa, làm sao mà số thiệt hại về người và vật chất của đối phương không có số lẻ mà lại tòan số chẵn tròn chĩnh đến hoa cả mắt ?

Cũng liên quan đến Mậu Thân, sách Sử của Nhà nước cũng lơ luôn chuyện cả chục ngàn người dân và Quân-Cán-Chính VNCH bị lính Cộng sản thảm sát ở cố đô Huế trong thời gian 28 ngày họ chiếm đóng.

Như vậy, môn Lịch sử như cách viết bóp méo hiện nay thì có nên tồn tại không, hay xóa luôn cả chế độ đã bịa ra nhiều chuyện gỉa cho tiện việc sổ sách ?

Bằng chứng như câu chuyện Bộ trưởng Tuyên truyền Cộng sản Trần Huy Liệu đã sáng chế ra nhân vật anh hùng gỉa tạo 18 tuổi tên Lê Văn Tám với hành động yêu nước là tự tẩm xăng vào người để chạy vào đốt kho xăng của Pháp ở Thị Nghè (Gia Định) ngày 1/1/1946.

Chuyện bịa đặt này cũng đã được dựng bảng tên đường và dạy ở trường học trong 69 năm qua thì chỉ có những người viết sử Cộng sản mới thông manh đến mức như thế. -/-

Phạm Trần

(11/015)

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giây Phút Tạ Ơn
Tấn Đạt
21:41 25/11/2015
GIÂY PHÚT TẠ ƠN

Ảnh của Tấn Đạt

Tạ ơn Ngài, sống ở Thiên Đàng

Là Ánh Sáng, tỏa khắp trần gian,

Cho đời con mãi an khang,

Cho con luôn mãi, bình an trong đời…

(Trích thơ của Tiểu Minh Ngọc)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 19/11 – 25/11/2015: Câu chuyện “Mòn Mỏi Ðợi Trông”
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:27 25/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chúa Giêsu khóc thương cho một thế giới đã không hiểu mà còn muốn giết chết hòa bình

“Ngày nay, mọi nơi trên thế giới đều xảy ra chiến tranh mà dường như lại chẳng có lý do chính đáng nào cho những cuộc chiến ấy. Con người có thể tìm thấy con đường dẫn tới hòa bình với Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đang gần kề.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 19 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

“Đức Giêsu khóc thương.” Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng như thế. Và có thể nói, đây là một trong những bài giảng tha thiết nhất của ngài tại nhà nguyện thánh Marta.

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giê-ru-sa-lem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.

Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.

Hồi năm ngoái, chúng ta đã tưởng niệm những nạn nhân trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói, đó là những thảm sát không cần thiết. Ngày hôm nay, mọi nơi đều có chiến tranh, hận thù. Điều ấy khiến chúng ta phải thốt lên mà hỏi rằng: Điều gì còn sót lại sau chiến tranh? Tình trạng sống của chúng ta sẽ như thế nào?

Điều còn sót lại là sự đổ nát, hoang tàn. Hàng ngàn trẻ em không được đến trường. Vô số những người vô tội bị thiệt mạng. Hàng đống tiền rơi vào túi của những kẻ buôn bán vũ khí.

Có lần, Đức Giêsu đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.’ Quả thực, chiến tranh là một chọn lựa béo bở để làm giầu. Kinh doanh vũ khí sẽ thúc đẩy nền kinh thế phát triển, và từ đó người ta cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng Thiên Chúa sẽ nói với những người ấy rằng: Khốn cho các ngươi! Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ nói: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa. Chiến tranh có thể được ‘biện minh’ – biện minh trong ngoặc kép – với rất nhiều lý do. Và trong thế giới ngày hôm nay đã đầy dẫy chiến tranh rồi. Đó là một cuộc chiến có tầm mức thế giới nhưng xảy ra từng phần: ở đây, ở kia, ở đó và khắp mọi nơi mà chẳng có lý do nào cả. Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương.

Trong khi những người buôn bán vũ khí đang thực hiện việc kinh doanh của họ, lại có rất nhiều người kiến tạo hòa bình tuy đơn sơ nghèo khó nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ con người, hết người này đến người khác, đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì họ. Những gì Mẹ Têrêsa Calcutta, một biểu tượng sáng ngời trong thời đại chúng ta, đã sống và đã làm là một minh chứng hùng hồn. Nhưng bằng sự giễu cợt, những người có quyền lực có thể mỉa mai rằng: ‘Bà ấy đã làm gì vậy? Tại sao lại phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giúp đỡ những người sắp chết?’ Họ không hiểu được đường lối của hòa bình, không hiểu được những gì Mẹ Teresa đã làm.

Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương, vì thế giới này không biết đến con đường hòa bình, nhưng chỉ biết sống để gây chiến tranh, hận thù và mỉa mai những ai tận tâm kiến tạo hòa bình. Chúng ta được đòi hỏi phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim. Bên ngưỡng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, niềm vui của chúng ta sẽ là khi thế giới tìm thấy được khả năng biết khóc thương cho tội lỗi của mình, cho những gì mà chiến tranh đã gây ra.”

2. Kitô hữu không thể sống hai mặt

“Chúng ta cần cảnh giác trước tinh thần thế gian vì nó có thể dẫn chúng ta đến một cuộc sống hai mặt.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 17 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Vẫn theo lộ trình mà Giáo Hội mời gọi trong những ngày cuối năm phụng vụ, Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ về việc chúng ta phải hành xử như thế nào trong những cơn bách hại. Quả thực, bài giảng hôm nay tiếp nối bài giảng ngày hôm qua, ở đó ngài đã suy tư về ba khái niệm: tinh thần thế gian, bỏ đạo và sự bách hại.

Đức Thánh Cha chia sẻ những suy tư của ngài dựa theo bài đọc một, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ 2, để một lần nữa khuyến khích các Kitô hữu biết cảnh giác trước những cám dỗ của cuộc sống thế tục: “Vị bô lão E-la-da không hề bị lung lay, suy sụp trước tinh thần thế gian, sẵn sàng chọn lựa cái chết hơn là chối đạo. Quả thực, ông E-la-da đã chín mươi tuổi, không chấp nhận ăn thịt heo cũng như từ chối lời khuyên của nhưng ‘người bạn thế tục’ ăn một món thịt khác rồi giả vờ như thể đang ăn thịt cúng do vua truyền để không bị giết. Nhưng ông đã kiên trì giữ vững phẩm giá cao quý của mình. Ông là người có cuộc sống minh bạch, lập trường rõ ràng, sẵn sàng đón nhận cái chết như hồng ân tử vì đạo để làm chứng cho Chúa. Ông nói: ‘Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng. Tôi muốn làm chứng về đạo cho con cháu và các thế hệ trẻ sau này’.

Đây thật sự là mẫu gương sáng ngời về một đời sống minh bạch giúp đẩy lui tinh thần thế gian. Tuy nhiên, có nhiều người lại chọn một cuộc sống hai mặt: giả vờ như thế này nhưng lại sống như thế khác. Tinh thần thế gian len lỏi vào tâm hồn con người và dần dần chiếm đoạt nó. Nhưng thật khó để nhận ra tinh thần thế gian ấy ngay từ lúc đầu, vì nó giống như mối mọt từ từ gặm nhấm phá hoại để đến một ngày cây gỗ bị hỏng, không còn sử dụng được nữa. Cũng vậy, một người theo đuổi tinh thần thế gian sẽ đánh mất căn tính Kitô hữu của mình, cuộc sống bị mục rữa không còn minh bạch và hội nhất nữa. Có nhiều người nói rằng: ‘Ồ, con là một tín hữu đạo gốc đấy cha ơi. Con tham dự thánh lễ mọi Chúa Nhật. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày hay trong công việc, người ấy lại không có khả năng sống hội nhất và minh bạch. Thật đáng buồn thay!

Đấy là một cuộc sống mang đậm tinh thần thế gian. Và chính tinh thần thế gian sẽ dẫn đến kiểu sống hai mặt: vẻ bên ngoài hoàn toàn khác biệt những suy nghĩ nội tâm. Và như thế, người ấy sống xa rời Thiên Chúa và đánh mất căn tính Kitô hữu của mình. Như vậy, ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu đã khẩn nài tha thiết với Thiên Chúa Cha: ‘Lạy Cha, con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, vì ác thần hay tinh thần thế gian ấy sẽ phá hỏng căn tính Kitô hữu nơi họ.’

Kinh thánh, đặc biệt là câu chuyện về ông E-la-da là một minh chứng hùng hồn chống lại tinh thần thế gian. Không phải ngẫu nhiên mà ông E-la-da thốt ra những lời này: ‘Nếu thanh niên nghĩ rằng tôi đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại, vì tôi giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa; họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.’ Ông E-la-da đã ý thức được chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ham sống mà đầu hàng. Như vậy, tinh thần Kitô hữu hay căn tính Kitô hữu không bao giờ toan tính vị kỷ nhưng luôn nghĩ tới sự ảnh hưởng đến người khác, tránh tạo ra những gương mù, gương xấu và dùng chính sự minh bạch của một đời sống công chính như một chứng tá tốt lành để chữa lành và củng cố tha nhân.

Tuy nhiên, có người sẽ lý luận rằng: Chuyện này chẳng dễ dàng chút nào, vì con người phải sống trong một thế giới đầy dẫy những cám dỗ và cạm bẫy của một đời sống hai mặt luôn rình rập, gọi mời. Bởi thế, sống được như ông E-la-da quả là khó. Và câu trả lời là đúng vậy. Đối với chúng ta, không những rất khó mà còn là không thể được. Chỉ có Đức Kitô mới có thể làm được. Bởi vậy, những bài đọc ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện như lời Thánh vịnh: ‘Lạy Đức Chúa, xin đỡ nâng con.’

Chính Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta chống lại tinh thần thế gian đang nhăm nhe muốn hủy hoại căn tính Kitô hữu và muốn dẫn dụ chúng ta vào một kiểu sống lập lờ, hai mặt. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường nài xin: ‘Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi chẳng đáng kêu cầu trước mặt Chúa, nhưng xin Chúa dủ lòng thương ra tay bênh đỡ và gìn giữ, để con đừng rơi vào tình trạng giả vờ sống như một Kitô hữu nhưng thực tế lại sống như dân ngoại hay như mọi người khác trong xã hội.’

Nếu anh chị em có thời gian rảnh, hãy lấy Kinh thánh, sách Ma-ca-bê quyển thứ 2, chương 6 và đọc để biết câu chuyện ông E-la-da. Qua đó, anh chị em sẽ sống tốt hơn, có can đảm để làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, đồng thời cũng thêm lòng vững mạnh để gìn giữ căn tính Kitô hữu của mình chứ không thỏa hiệp để sống một cuộc sống hai mặt”

3. Mòn Mỏi Ðợi Trông

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...

Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.

Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.

Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét...

Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: “Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ”.

Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo Hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...

Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...

4. Hãy cảnh giác tinh thần thế gian

“Đừng hủy bỏ căn tính Kitô hữu, cũng đừng mặc lấy tinh thần thế gian, vì những điều ấy tất yếu dẫn đến việc chối đạo và những bách hại.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 16 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta

Khởi đi từ bài đọc một, Đức Thánh Cha giải thích ba từ: tinh thần thế tục, bỏ đạo và sự bách hại: “Bài đọc một trích sách Ma-ca-bê nói về ‘một mầm mống tội lỗi’ đã nảy sinh: Vua Hy lạp An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê đã áp đặt các tập tục của dân ngoại lên con cái It-ra-el, dân được tuyển chọn, nói cách nào đó chính là ‘Giáo Hội thời bấy giờ’. Mầm mống nằm dưới mặt đất nên triệu chứng của nó như thế này: điều không nhìn thấy thì chưa chắc đã không gây ra nguy hiểm, nhưng khi mầm mống đã phát triển sẽ phô bày ra bản chất thật sự của nó. Mầm mồng mà bài đọc một nói đến là một mầm mống về mặt tư tưởng và lý trí đã đẩy nhiều con cái It-ra-el đến chỗ ký kết giao ước với các dân tộc láng giếng để tìm kiếm sự bảo vệ và an toàn: ‘Tại sao lại sống cách biệt với họ? Từ khi sống cách biệt như thế, chúng ta gặp phải nhiều tai họa. Chúng ta hãy đến sống chung với họ để chúng ta giống họ họ và họ cũng giống chúng ta.’ Như vậy, trước hết, tinh thần thế tục chính là làm theo những gì thế gian làm: ‘Hãy vứt bỏ căn tính của mình, chúng ta sẽ giống người khác.’

Có rất nhiều người trong dân It-ra-el đã xây một thao trường ở Giê-ru-sa-lem theo thói các dân ngoại; họ hủy bỏ dấu vết cắt bì, tức là chối bỏ đức tin, chối bỏ Giao Ước Thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ. Nhưng dường như việc chối bỏ căn tính này lại được biện minh rất hợp lý: Chúng ta được giống mọi người; chúng ta bình thường như mọi người. Đây chính là đường lối của tinh thần thế gian, của đau khổ và tội lỗi.

Bài đọc một tiếp tục tường thuật cho chúng ta biết, nhà vua ra chiếu chỉ trong toàn vương quốc, truyền cho mọi người phải nhập thành một dân duy nhất; và ai nấy phải bỏ tục lệ của mình. Mọi dân tộc đều chấp hành lệnh vua; trong dân It-ra-el có nhiều người hưởng ứng việc thờ phượng vua đã truyền: họ dâng lễ tế cho các ngẫu tượng, vi phạm ngày sa-bát. Đây chính là sự bỏ đạo. Như vậy, tinh thần thế gian – muốn làm giống người ta – sẽ dẫn đến một suy nghĩ hay tư tưởng độc đoán và cuối cùng là bỏ đạo. Không cho phép bất cứ sự khác biệt nào, tất cả là như nhau. Và điều này cũng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội, khi các nghi lễ tôn giáo được thay tên đổi họ. Chẳng hạn như ngày lễ Giáng Sinh, người ta lại muốn đặt ra một cái tên khác nhằm xóa bỏ căn tính thiêng liêng của ngày lễ ấy.

Lúc ấy, trong dân tộc It-ra-el, các sách của bộ Luật bị xé và quăng vào lửa. Nếu ai còn tuân giữ lề luật, thì đem ra xử tử theo phán quyết của vua. Như thế, sự bách hại đã được khởi đầu bằng một mầm mống tội lỗi. Tôi luôn được đánh động về hình ảnh của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Với lời cầu nguyện dài, Ngài đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất và nài xin Chúa Cha giải thoát các môn đệ khỏi tinh thần thế gian, vì tinh thần thế gian ấy sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu, sẽ dẫn đến những suy nghĩ và tư tưởng độc đoán.

Lúc bắt đầu, tinh thần thế gian là một mầm mống nhỏ bé, nhưng khi lớn lại trở thành đồ ghê tởm khốc hại, và kết thúc trong sự bắt bớ, chết chóc. Như vậy, đó chính là điều gian dối mà tinh thần thế tục mang lại, và cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu nài xin Chúa Cha tại Bữa Tiệc Ly: ‘Lạy Cha, con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ trong thế gian.’ Chính não trạng hay tinh thần thế tục sẽ hủy hoại căn tính Kitô hữu và dẫn tới một não trạng ‘bày đàn’: Tất cả mọi người đều làm như thế, sao chúng ta lại không? Trong thời đại ngày nay, chúng ta dễ bị hoang mang: Đâu là căn tính của tôi? Kitô hữu hay một người mang tinh thần thế tục? Có thể chúng ta sẽ tự trấn an mình rằng: Tôi là Kitô hữu vì tôi đã được rửa tội khi còn bé và được sinh ra trong một gia đình hay một quốc gia Công Giáo, nơi đó tất cả mọi người đều là Công Giáo. Nhưng tinh thần thế tục tiến đến cách chậm rãi từ từ, và sau đó sẽ phát triển lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và bắt đầu gây nhiễm bệnh. Rất nhiều những thứ xấu xa đã xuất phát từ đó.

Bởi vậy, những bài đọc trong những ngày cuối năm phụng vụ này khuyến cáo chung ta hãy cảnh giác trước những mầm mống độc hại khiến chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Trong tinh thần ấy, chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, xin Thiên Chúa bảo vệ, canh chừng Giáo Hội khỏi tất cả những dạng thức của tinh thần thế tục. Cầu nguyện cho Giáo Hội sẽ luôn giữ vững căn tính đã được trao ban bởi Đức Giêsu Kitô, và cũng cầu nguyện cho bản thân chúng ta bảo toàn căn tính đã được nhận lãnh khi chịu phép rửa. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết gìn giữ và kiên trung trong căn tính Kitô hữu trước tinh thần thế gian luôn không ngừng lớn mạnh, hợp lý hóa chính mình và trở thành một thứ dịch bệnh”

5. Hãy là cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa

Giáo Hội được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi trên đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm khó khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang chờ đợi bước vào dem theo phước lành và tình bạn của Người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18-11. Trong bài huấn dụ về đề tài: “Gia đình cánh cửa của sự tiếp đón”, Đức Thánh Cha nói: với suy tư này chúng ta đã tới ngưỡng cửa của Năm Thánh gần kề. Trước mắt chúng ta là cánh cửa, không phải chỉ là cánh cửa thánh, mà là cánh cửa khác; cánh cửa lớn của Lòng Thương Xót Chúa, và đó là cánh cửa đẹp, tiếp đón sự sám hối của chúng ta bằng cách cống hiến cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài. Cửa được rộng mở một cách quảng đại, nhưng chúng ta phải có một chút can đảm để bước qua ngưỡng cửa. Mỗi một người trong chúng ta có trong chính mình những điều trĩu nặng, có đúng thế không? Tất cả mọi người, đúng không? Tất cả chúng ta là những người tội lỗi! Chúng ta hãy lợi dụng lúc đang đến này, và hãy bước qua ngưỡng cửa của lòng thương xót này của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ, không bao giờ mệt mỏi chờ đợi chúng ta. Ngài nhìn chúng ta, Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúng ta hãy vào qua cửa này!

Từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, mà chúng ta đã cử hành trong tháng 10 vừa qua, tất cả mọi gia đình và toàn thể Giáo Hội đã nhận được một khích lệ gặp gỡ nhau trên ngưỡng cửa của cánh cửa rộng mở ấy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này như sau:

Giáo Hội được khích lệ mở các cánh cửa của mình để cùng Chúa đi gặp gỡ các con cái đang đi trên đường, đôi khi không chắc chắn, đôi khi bị lạc hướng trong các thời điểm khó khăn này. Đặc biệt các gia đình kitô được khuyến khích mở cửa cho Chúa đang chờ đợi bước vào đem theo phước lành và tình bạn của Người. Và nếu cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn mở rộng, thì cả các cánh cửa các nhà thờ của chúng ta, tình yêu thương của các cộng đoàn, các giáo xứ, các cơ cấu, các giáo phận của chúng ta cũng phải rộng mở, để như thế tất cả chúng ta có thể đi ra đem theo lòng thương xót này của Thiên Chúa. Năm Thánh có nghĩa là cánh cửa lớn của lòng thương xót Chúa, nhưng cũng có nghĩa là các cánh cửa nhỏ của các nhà thờ chúng ta rộng mở để cho Chúa vào, hay biết bao lần để cho Chúa đi ra, Chúa người tù của các cơ cấu , của ích kỷ và biết bao nhiêu điều khác nữa của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Chúa không bao giờ xô cửa mà vào: cả Ngài cũng xin phép vào; Chúa xin phép vào, chứ không xô cửa. Sách Khải Huyền nói: “Ta đứng ngoài cửa và gõ - Nhưng chúng ta hãy tưởng tượng coi Chúa gõ cửa trái tim chúng ta - Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Và thị kiến lớn cuối cùng của của sách Khai Huyền nói tiên tri về Thành của Thiên Chúa như sau: “Các cửa thánh sẽ không bao giờ đóng ban ngày”, điều này có nghĩa là luôn mãi, bởi vì “sẽ không còn đêm nữa” (Kh 21,25). Trên thế giới có những nơi, trong đó người ta không đóng cửa bằng khóa, vẫn còn có như vậy. Nhưng có biết bao nơi khác các cửa bọc sắt là điều bình thường. Chúng ta không được đầu hàng trước ý tưởng phải áp dụng hệ thống này, cũng là hệ thống an ninh, cho cuộc sống chúng ta, cho cuộc sống của gia đình, của thành phố và xã hội của chúng ta. Lại càng không thế áp dụng cho cuộc sống của Giáo Hội. Sẽ thật là điều kinh khủng! Một Giáo Hội không tiếp đón, cũng như một gia đình khép kín trong chính mình, làm nhục Tin Mừng và khiến cho thế giới cằn cỗi đi. Không có các cửa đóng kín trong Giáo Hội, Không có gì hết! Tất cả đều rộng mở!

Việc phối hợp biểu tượng của các cánh cửa, các ngưỡng cửa, các lối đi ngang qua, các biên giới trở thành nòng cốt. Cửa phải canh giữ chắc chắn rồi, nhưng không được khước từ. Không được xô cửa mà vào, trái lại phải xin phép, để cho sự hiếu khách toả sáng trong sự tự do tiếp đón, và bị lu mờ trong yêu sách xâm chiếm. Cánh cửa mở ra một cách thường xuyên, để xem bên ngoài có ai đang chờ đợi không, hay có người không có can đảm và cả sức mạnh để gõ cửa. Có biết bao nhiêu người đã mất tin tưởng, không có can đảm gõ cửa trái tim kitô của chúng ta, gõ cửa các nhà thờ của chúng ta… Và họ đứng đó, không có can đảm, chúng ta đã lấy đi lòng can đảm của họ, xin làm ơn đừng bao giờ để cho điều này xảy ra! Cánh cửa nói rất nhiều về gia đình và cả về Giáo Hội nữa. Việc canh cửa đòi hỏi thái độ cương quyết chú ý, đồng thời nó phải gợi hứng cho sự tin tưởng lớn lao. Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những ai giữ cửa: giữ cửa các chung cư của chúng ta, các cơ quan dân sự, và chính các nhà thờ. Thường khi sự quan tâm và tử tế của người canh cửa có khả năng cống hiến một hình ảnh nhân bản và tiếp đón bên trong gia đình, bắt đầu ngay từ cửa vào. Có nhiều điều cần học hỏi nơi các anh chị em canh cổng các nơi gặp gỡ và tiếp đón của thành phố của con người! Xin cám ơn nhiều tất cả anh chị em là những người giữ biết bao nhiêu cửa, dù đó là cửa nhà hay cửa của các các nhà thờ! Nhưng luôn luôn với một nụ cười, luôn luôn cho thấy sự điếp đón của căn nhà đó, của nhà thờ đó, như thế người ta cảm thấy hạnh phúc và được tiếp đón tại nơi ấy.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Thật ra chúng ta biết rõ là chính chúng ta cũng là những người canh giữ và phục vụ Cánh Cửa của Thiên Chúa. Và Cánh Của của Thiên Chúa tên là gì? Ai biết trả lời ? Ai là Cánh Cửa của Thiên Chúa? Chúa Giêsu.

Ai là Cánh của của Thiên Chúa? Hãy nói to lên! Chúa Giêsu! Ngài soi sáng cho chúng ta trên tất cả mọi cánh cửa cuộc sống, bao gồm cả các cánh cửa sinh tử của chúng ta. Chính Ngài đã khẳng định điều đó: “Ta là cửa: ai qua Ta mà vào sẽ được cứu thoát; nó sẽ vào, sẽ ra và tìm được đồng cỏ” (Ga 10,9). Chúa Giêsu là Cửa khiến cho chúng ta vào và ra. Vì chuồng chiên của Thiên Chúa là một chỗ ẩn náu, chứ không phải là một nhà tù! Nhà của Thiên Chúa là một nơi ẩn náu, không phải là một nhà tù, và cánh cửa có tên gọi là gì? Một lân nữa! Có tên gọi là gì? Chúa Giêsu! Và nếu cửa đóng thì chúng ta nói: “Lậy Chúa xin mở cửa”. Chúa Giêsu là cửa và Ngài làm cho chúng ra vào và ra. Các kẻ trộm là những người tránh cửa vào: thật là lạ, các kẻ trộm luôn luôn tìm vào từ phía khác, từ cửa sổ, từ mái nhà, nhưng tránh cửa, bởi vì họ có các ý xấu và họ lẻn vào chuồng chiên để lừa dối chiên và lợi dụng chúng. Chúng ta phải đi qua cửa và lắng nghe tiếng Chúa Giêsu_ nếu chúng ta nghe giọng của tiếng Người, chúng ta được chắc chắn, chúng ta được cứu thoát. Chúng ta có thể vào không sợ hãi và ra không nguy hiểm. Diễn văn rất hay đẹp này của Chúa Giêsu cũng nói tới người giữ chiên có bổn phận mở cửa cho Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,2). Nếu người giữ lắng nghe tiếng của Mục Tử, thì khi đó mở cửa và khiến cho tất cả các con chiên mà Mục Tử đem theo vào trong, tất cả, kể cả các con chiên lạc trong rừng, mà Mục Tử đã đi tìm đem về. Người canh giữ không chọn chiên - ông hay bà thư ký giáo xứ không chọn chiên – không, họ không chọn! Tất cả các con chiên đều được mời, họ được chọn bởi Mục Tử nhân lành. Người canh giữ cũng vâng theo tiếng của Mục Tử. Đó, chúng ta có thể nói rằng chúng ta phải như người canh giữ chiên ấy. Giáo Hội là cổng nhà của Chúa, Giáo Hội là cổng nhà, chứ không phải là bà chủ nhà của Chúa.

Thánh Gia Nagarét biểt rõ một cánh cửa mở hay đóng có nghĩa là gì, đối với ai chờ đợi một người con, đối với ai không có nơi nương thân, đối với ai phải thoát hiểm nguy. Ước chi các gia đình kitô biến ngưỡng cửa nhà mình trở thành một dấu chỉ bé nhỏ to lớn của Cửa Lòng Thương Xót và tiếp đón của Thiên Chúa. Chính như thế mà Giáo Hội sẽ phải được nhận ra, trong mọi góc của thế giới này: như người canh giữ của Thiên Chúa là Đấng gõ cửa, như sự tiếp đón của một Thiên Chúa không đóng sầm cửa lại trước mặt bạn, lấy cớ bạn không phải là người nhà. Với tinh thần này chúng ta tất cả đến gần Năm Thánh, sẽ có cửa thánh, nhưng có cửa lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại! Ước chi cũng có cửa con tim chúng ta để tiếp nhận tất cả, ơn tha thứ của Thiên Chúa, hay trao ban sự tha thứ và tiếp đón tất cả những ai gõ cửa chúng ta.

6. Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: lễ Chúa Kitô Vua

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22-11, Đức Thánh Cha đã nêu bật ý nghĩa Vương quyền của Chúa Kitô và ngài bênh vực các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới.

Dưới bầu trời nắng thu, 40 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha Phanxicô. Giữa quảng trường thánh Phêrô, cây thông cao 32 mét do miền Bavaria bên Đức tặng đã được dựng lên cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết. Con số các nhân viên cảnh sát và an ninh chìm cũng được tăng cường trước những đe dọa khủng bố trong những ngày nay.

Đúng 12 giờ Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Chào Anh Chị em

Trong Chúa Nhật cuối cùng này của Năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong khi ngài tự giới thiệu trước mặt quan Philato như là vua của “một nước không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu là vua của một thế giới khác, nhưng là vua một cách khác. Đây là sự đối nghịch giữa hai thứ lô-gic. Lô gíc trần thế dựa trên tham vọng và cạnh tranh, mà người ta tranh đấu bằng những võ khí sợ hãi, cưỡng bách, lèo lái lương tâm. Còn lôgic của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong sự khiêm tốn và nhưng không, được khẳng định âm thầm nhưng hữu hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc của trần thế này nhiều khi được cai trị bằng cường quyền, cạnh tranh, đàn áp; vương quốc của Chúa Kitô là “nước công lý, tình thương và an bình” (kinh Tiền Tụng).

Chúa Giêsu tỏ ra là vua trong biến cố Thập Giá! Ai nhìn Thập Giá của Chúa Kitô thì không thể không thấy sự nhưng không lạ lùng của tình thương. Đối với Kitô hữu, nói về quyền lực và sức mạnh có nghĩa là tham chiếu quyền lực của Thập Giá và sức mạnh tình thương của Chúa Giêsu: một tình thương vẫn kiên vững và toàn vẹn, kể cả trước sự từ khước, và xuất hiện như sự hoàn tất một cuộc sống xả thân trong sự tận hiến cho nhân loại. Trên Đồi Canvê, những người qua đường và các thủ lãnh nhạo cười Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, và họ thách thức Ngài: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi thập giá đi!” (Mc 15,30). Nhưng điều nghịch lý là chân lý của Chúa Giêsu chính là sự thật mà những kẻ đối thủ của Ngài với giọng chế nhạo nói lên: “Hắn không thể tự cứu mình!” (v.31). Giả sử Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì có nghĩa là ngài chiều theo cám dỗ của thủ lãnh thế gian này; trái lại Ngài không thể tự cứu mình để có thể cứu vờt những người khác, để có thể cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi.

Một trong hai kẻ gian ác bị đóng đinh với Chúa đã hiểu điều ấy, anh ta được gọi là “kẻ trộm lành”, anh cầu xin Người: “Lạy ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi ngài vào nước của ngài” (Lc 23,42). Sức mạnh vương quốc của Chúa Kitô là tình thương: vì thế vương quyền của Chúa Giêsu không đè nén chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta khỏi mọi yếu đuối và lầm than, khích lệ chúng ta tiến bước trên những con đường sự thiện, hòa giải và tha thứ. Chúa Kitô là một vị vua không thống trị chúng ta, không đối xử với chúng ta như những người bị trị, nhưng nâng chúng ta lên bằng phẩm giá của Ngài. Chúa cho chúng ta được hiển trị với Ngài, vì như sách Khải Huyền dạy, 'Ngài làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa là Cha của Ngài” (1,6). Nhưng cai trị như Ngài có nghĩa là phụng sự Thiên Chúa và anh em mình; một sự phục vụ nảy sinh từ tình yêu. Phục vụ vì yêu thương là cai trị: đó chính là vương quyền của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Đứng trước bao nhiêu sâu xé trên thế giới và quá nhiều vết thương trong thân thể loài người, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, là vua của chúng ta, làm cho nước Chúa hiện diện với những cử chỉ dịu hiền, cảm thông và từ bi.

Đức Thánh Cha chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ Italia và các nước khác, các nhóm giáo xứ, và hội đoàn, các tín hữu hành hương đến từ Mễ Tây Cơ, Úc Đại Lợi, Đức, và nhiều miền ở Italia. Đặc biệt là những nhóm ca đoàn mừng lễ thánh Cecilia hôm nay, bổn mạng ngành thánh ca và âm nhạc.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/11 – 25/11/2015: An ninh tại Rôma và trong chuyến tông du Phi Châu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:41 25/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tăng cường các biện pháp an ninh tại Rôma và trong chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha

Cảnh sát Ý đã được tăng cường chung quanh Vatican theo sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, và nhiều biện pháp an ninh đã được bổ sung trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến thăm các nước Kenya, Uganda, và Cộng Hòa Trung Phi từ 25 đến 30 tháng 11. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi nào trong lịch trình của Đức Giáo Hoàng tại Phi Châu, cũng như trong kế hoạch cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lực lượng cảnh sát Ý đã tăng cường các cuộc tuần tra trong và xung quanh quảng trường Thánh Phêrô. Cảnh sát dã chiến đã được điều vào khu vực và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên các túi xách của du khách. Nhân viên an ninh mặc thường phục cũng trà trộn trong đám đông các tín hữu và du khách hành hương trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô.

700 binh sĩ Italia cũng đã được điều đến các khu vực xung quanh Rôma, sau khi có những tin tức tình báo lo ngại về một cuộc tấn công khủng bố ngay tại Rôma. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Rôma cảnh giác các công dân Mỹ rằng Đền Thờ Thánh Phêrô có thể là một trong nhiều mục tiêu khủng bố tại Ý.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican nói rằng Tòa Thánh không có kế hoạch thay đổi lịch trình hiện nay liên quan đến các biến cố công cộng, tại Rôma cũng như tại ba nước châu Phi mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm trong những ngày tới.

Hôm thứ Năm 19 tháng 11, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết ông Domenico Giani, tư lệnh lực lượng hiến binh Vatican, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng trong các cuộc tông du hải ngoại đã đến châu Phi trước Đức Thánh Cha để kiểm tra lần cuối cùng các biện pháp an ninh tại đây. Ông sẽ đặc biệt cảnh giác với các vấn đề tại Cộng hòa Trung Phi, nơi tình trạng bạo động đổ máu vẫn đang diễn ra trầm trọng đến mức gây ra những quan ngại sâu xa cho an ninh của Đức Giáo Hoàng. Chỉ riêng trong tuần qua đã có 22 người bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Pháp có một lực lượng, tên là Sangaris, gồm 900 binh sĩ đang có mặt tại Cộng hòa Trung Phi nhằm hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của Liên Hiệp Quốc. Quan điểm của Bộ quốc phòng Pháp là chỉ có cảnh sát và quân đội của nước sở tại mới có khả năng thu thập được những tin tình báo thiết yếu cho việc bảo vệ các cuộc tụ tập đông người. Tuy nhiên, quân đội và cảnh sát Cộng hòa Trung Phi chưa được hoàn toàn tái lập. Trong tư cách là quân đội ngoại bang đóng trên đất Trung Phi, quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc không có khả năng bảo đảm an ninh cho các yếu nhân và cho sự di chuyển của đám đông dân chúng đông đảo các tín hữu Trung Phi và những người đến từ các nước lân cận như Cameroon, Congo Brazaville.. trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp có thể bảo đảm an ninh tại phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không thể làm hơn được.

Trước những lời cảnh báo này, cha Lombardi nói rằng Đức Giáo Hoàng vẫn duy trì ý định đến thăm Trung Phi. Cha Lombardi nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch đến Cộng hòa Trung Phi.”

Hơn nữa, Cha Lombardi nói Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển trên một chiếc xe không có kính chắn đạn trong chuyến tông du châu Phi theo thói quen của ngài. Một ký giả đưa ra đề nghị Đức Giáo Hoàng nên mặc áo chống đạn trong chuyến tông du lần này. Tuy nhiên, cha Lombardi trả lời rằng “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về điều này”. Theo ngài, thật là vô lý khi mặc áo chống đạn trong khi ngồi trong một chiếc xe được mở toang ra.

Liên Hiệp Quốc đang nghiên cứu việc đưa thêm 300 quân vào Cộng hòa Trung Phi trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Cộng hòa Trung Phi mặc dù ao ước được thấy Đức Thánh Cha viếng thăm cũng đã lên tiếng lo ngại rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, là Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, nhận xét rằng chuyến tông du của Giáo hoàng là nhằm kêu gọi sự chú ý đến tình trạng hỗn loạn tại đây, “để nhắc nhở cả thế giới, những khó khăn mà Cộng hoà Trung Phi đang phải đương đầu và đang cố gắng để thoát ra với tất cả sức mạnh của mình.”

Trở lại với những lo lắng tại Rôma, hai vị chủ tịch và tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Italia đều đã xác nhận rằng các kế hoạch tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ không thay đổi. “Huỷ bỏ Năm Thánh là hoàn toàn sai lầm,” Đức Hồng Y Angelo Bagnasco nói. “Tuyệt đối không nên gây hoảng loạn trong dân chúng, là những người đang hướng về Rôma, về cuộc hành hương đến Cửa Thánh, với một sự thanh thản bình thường”.

Phát ngôn viên Hạ viện Ý là bà Laura Boldrini, cũng nói rằng sẽ là một “sai lầm trầm trọng” để hủy bỏ kế hoạch Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mặc dù lo ngại về khủng bố hiện bây giờ là rất cao, “nhưng không có lý do cụ thể” nào về một cuộc tấn công liên quan đến các sự kiện của Năm Thánh.

2. Vụ tấn công khủng bố sáng thứ Sáu 20/11 tại Malia

Lúc 7h sáng thứ Sáu 20 tháng 11, có tới 10 tên khủng bố trang bị lựu đạn và AK-47 đã xông vào khách sạn hạng sang Radisson Blu của thủ đô Bamako, Mali. Chúng bắn chết hai nhân viên bảo vệ và một người Pháp trong khi hò hét khẩu hiệu “Allahu Akbar”.

Tin tức sơ khởi cho biết chúng đang bắt giữ làm con tin 140 khách trọ và 30 nhân viên khách sạn. Một số người nhanh chân chạy thoát trong đó có 5 nhân viên hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và 12 nhân viên hãng Air France. Bọn khủng bố cũng trả tự do cho những ai đọc được kinh Quran.

Liên Hợp Quốc và Pháp đã gửi quân đến hiện trường để giúp nhà chức trách giải vây. Tổng thống Pháp, François Hollande, cho biết tất cả mọi thứ có thể đã được thực hiện nhằm nhằm giải cứu các con tin. Lính dù và cảnh sát chống khủng bố của Pháp từ Paris đã được không vận khẩn cấp sang Bamako trong cố gắng giải vây cho nhiều người Pháp hiện đang bị bắt.

Trong số những con tin, ngoài người Pháp còn có các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Guinea đang bị bắt giữ. Theo tin giờ chót toàn bộ 20 người Ấn cư trú trong khách sạn đã được trả tự do cùng với một số người Trung quốc.

Bọn khủng bố có lẽ chủ yếu nhắm vào con số đông đảo các đại biểu trú ngụ để tham dự một hội nghị về hòa bình cho quốc gia này.

Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita của Mali đã cắt ngắn chuyến thăm Chad để đối phó với cuộc tấn công khủng bố này.

Quá trưa ngày thứ Sáu 20 tháng 11, quân đội và các lực lượng an ninh Mali được dự yểm trợ của quân Pháp và quân Liên Hiệp Quốc đã làm chủ tình hình trong khách sạn Radisson Blu.

27 người được ghi nhận là đã bị thiệt mạng, trong đó có một người Mỹ. Ít nhất 2 tên khủng bố đã bị giết trong cuộc giao tranh.

Mali với dân số 12 triệu người đã từng là thuộc địa của Pháp và đã giành được độc lập vào năm 1960. 94.8% dân số nước này theo Hồi Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại đây có một tổng giáo phận và 5 giáo phận với dân số là 223,500 tín hữu.

3. Pháp xác nhận tên cầm đầu vụ khủng bố tại Paris đã thiệt mạng trong cuộc hành quân của cảnh sát tại St. Denis

Hôm thứ Năm, nhà chức trách Pháp cho biết Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tình nghi là tên cầm đầu các cuộc tấn công Paris hôm thứ Sáu 13 tháng 11, là một trong số những người thiệt mạng trong một cuộc đột kích của cảnh sát Pháp hôm thứ Tư 18 tháng 11.

Giao tranh giữa cảnh sát và bọn khủng bố đã kéo dài từ 4:30 sáng đến 10:30. Hai tên khủng bố bị thiệt mạng trong khi phiá cảnh sát có 5 người bị thương và một con chó của cảnh sát bị bắn chết.

Một người phụ nữ trong nhóm khủng bố - em họ của Abaaoud - đã chết trong cuộc tấn công sau khi cho nổ bom quấn quanh một áo giáp đeo trên người.

Người ta không rõ Abdelhamid Abaaoud chết vì nổ bom tự sát hay vì bị cảnh sát bắn chết. Trên cơ thể của tên này đầy những viên đạn và mảnh đạn.

Abdelhamid Abaaoud sinh tại Bỉ năm 1987 và được tin là đã qua Syria chiến đấu cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết ông đã nhận được tin tình báo rằng Abaaoud đã trở về từ Syria qua ngã Hy Lạp.

Abdelhamid Abaaoud được cho là đã đạo diễn 2 vụ tấn công bất thành. Vụ thứ nhất diễn ra vào sáng Chúa Nhật 19 tháng Tư. Bọn khủng bố dự định tấn công vào 2 nhà thờ trong khu vực Villejuif. Tên sát thủ trong vụ này đã giết chết một phụ nữ để cướp xe. Hung thủ trong lúc lau súng sau khi giết người đã bị cướp cò làm bị thương một chân và kế hoạch gây án bị thất bại.

Vụ thứ hai diễn ra ngày 21 tháng 8, một tên khủng bố tấn công trên xe lửa Amsterdam đi Paris nhưng bị hành khách khống chế.

Trong những diễn biến khác, Pháp đã trình bày một dự thảo tại Liên Hợp Quốc kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu trong cuộc chiến chống IS. Chín người đã bị bắt giữ tại Bỉ liên quan đến các cuộc tấn công Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh “tăng cường” các cuộc không kích vào các mục tiêu của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng nước Pháp có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công hoá học hoặc sinh học do các nhóm khủng bố gây ra.

Quốc hội Pháp đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trong ba tháng bắt đầu từ 26 tháng 11.

4. Sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh

Trong tháng 12 tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công Giáo toàn thế giới cầu xin cho tất cả mọi người có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không mệt mỏi thứ tha.

Ngày mùng 8 tháng 12 tới đây lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ nghi trọng thể khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vưong cung thánh đường thánh Phêrô. Cửa Thánh các Vưong cung thánh đường Đức Bà Cả và Gioan Laterano cũng sẽ được Đức Thánh Cha mở sau đó. Trong khi lễ nghi mở Cửa Thánh Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô ngoại thành sẽ do Đức Hồng Y James Michael Harvey chủ sự.

Trong thư gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa, đề ngày mùng 1 tháng 9 năm 2015 Đức Thánh Cha đã bầy tỏ ước muốn của ngài cầu mong cho mọi thành phần dân Chúa có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh này. Ngài viết “Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót đến gần cho phép tôi tập trung vào vài điểm quan trọng phải can thiệp, để cho việc cử hành Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi tín hữu. Thật thế, ước mong của tôi đó là Năm Thánh là kinh nghiệm sống động sự gần gũi của Thiên Chúa Cha, hầu như sờ mó được với bàn tay sự dịu hiền của Người, để cho đức tin của mỗi tín hữu được củng cố mạnh mẽ, và như vậy chứng tá của họ luôn trở thành hữu hiệu hơn.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc đến mọi thành phần dân Chúa. Trước hết là các tín hữu tại các giáo phận hay các người hành hương đến Roma. Ngài cầu mong họ được sống kinh nghiệm tinh tuyền lòng thương xót và gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa Cha, Đấng tiếp đón và tha thứ, hoàn toàn quên hết mọi tội lỗi con người đã sa phạm. Để có thể được hưởng ơn toàn xá, tín hữu được mời gọi làm một cuộc hành hương ngắn hướng về Cửa Thánh, mở tại mỗi nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ được Giám Mục giáo phận thiết định, và trong bốn Vương cung thánh đường giáo hoàng ở Roma, như dấu chỉ ước muốn hoán cải thật sự sâu xa. Đây cũng là điều được thiết định cho các trung tâm hành hương nơi Cửa Lòng Thương Xót được mở, và tại các nhà thờ năm thánh có truyền thống được lãnh nhận ơn toàn xá. Trưóc hết đây là thời điểm quan trọng hiệp nhất với Bí Tích Hòa Giải và việc cử hành Thánh Thể với một suy tư về lòng thương xót. Cần kèm theo các cử hành này với việc tuyên xưng đức tin và lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho các ý chỉ của ngài cho thiện ích của Giáo Hội và toàn thế giới.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nghĩ tới tất cả những ai, vì các lý do khác nhau, không thể đến Cửa Thánh được, trước tiên là các bệnh nhân và người già cả và neo đơn, thường không thể ra khỏi nhà. Các anh chị em này có thể sống tình trạng bệnh tật và khổ đau của mình như kinh nghiệm gần gũi Chúa, là Đấng trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, đã chỉ cho chúng ta thấy con đường chính trao ban ý nghĩa cho khổ đau và cô đơn. Đối với họ sống thời điểm này với đức tin và niềm hy vọng tươi vui, băng cách rước lễ hay tham dự Thánh Lễ và việc cầu nguyện cộng đoàn, kể cả qua các phương tiện truyền thông, sẽ là kiểu lãnh nhận ơn toàn xá của Năm Thánh.

Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến các tù nhân phải sống kinh nghiệm sự hạn chế tự do. Năm Thánh đã luôn luôn là cơ may ban ân xá lớn đối với biết bao nhiêu người, dù đáng chịu hình phạt, nhưng đã ý thức được sự bất công họ đã phạm và chân thành ước mong tái hội nhập xã hội để góp phần xây dựng liêm chính. Lòng xót thương của Thiên Chúa Cha cũng đến với những người ấy, Ngài là Đấng muốn gần gũi kẻ cần đến sự tha thứ của Ngài nhất. Các anh chị em này có thể lãnh nhận ơn toàn xã trong nhà nguyện của các nhà tù. Và mỗi lần họ bước qua cánh cửa phòng giam của họ, khi hướng tư tưởng và lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha, thì cử chỉ này đối với họ có thể có ý nghĩa của việc bước qua Cửa Thánh, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có khả năng biến đổi các con tim, và có cả khả năng biến các song sắt nhà tù thành kinh nghiệm của sự tự do.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong Năm Thánh này ngài đã xin Giáo Hội tái khám phá ra sự phong phú chứa đựng trong các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần. Thật vậy, kinh nghiệm của lòng thương xót trở thành hữu hình trong chứng tá của các dấu chỉ cụ thể như chính Chúa Giêsu đã dậy. Mỗi khi chính tín hữu sống một hay nhiều công việc thương xót đó, họ sẽ được ơn toàn xá của Năm Thánh. Vì thế phải dấn thân sống lòng thương xót để được ơn tha thứ hoàn toàn và trọn vẹn nhờ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, là Đấng không loại trừ ai hết. Do đó, đây sẽ là một ơn toàn xá tràn đầy, hoa trái của chính biến cố được cử hành và sống với đức tin, đức cậy và đức mến.

Đức Thánh Cha cũng cho biết có thể lãnh ơn toàn xá cho các anh chị em đã qua đời. Chúng ta được gắn bó với họ bởi chứng tá của lòng tin và lòng mến, mà họ đã để lại cho chúng ta. Như chúng ta nhớ đến họ trong việc cử hành Thánh Thể, trong mầu nhiệm của sự hiệp thông lớn lao, chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho họ, để cho gương mặt thương xót của Thiên Chúa Cha giải thoát họ khỏi mọi cặn bã của tội lỗi và có thể ôm chặt họ trong mối phúc vô tận.

Liên quan tới thảm cảnh phá thai khiến cho tín hữu không thể lãnh nhận các bí tích, Đức Thánh Cha nói đây là một trong các vấn đề nghiêm trọng của thời đại. Có một tâm thức rất phổ thông khiến cho con người mất đi sự nhậy cảm cá nhân và xã hội phải có đối với việc tiếp nhận một sự sống mới. Thảm cảnh phá thai được vài người sống với một ý thức hời hợt, hầu như không nhận thức được sự dữ rất trầm trọng của hành động này. Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ tới tất cả các phụ nữ đã phá thai, và nói rằng ngài biết rõ các điều kiện đã khiến cho họ đi đến quyết định này. Đó là một thảm cảnh hiện sinh và luân lý. Ngài đã gặp biết bao nhiêu phụ nữ mang các vết thẹo trong con tim vì sự lựa chọn đớn đau này. Điều đã xảy ra thật là bất công, nhưng chỉ việc hiểu nó trong sự thật mới có thể cho phép không đánh mất niềm hy vọng. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không bị khước từ đối với bất cứ ai sám hối, nhất là khi với con tim chân thành họ chạy đến với Bí Tích Xưng Tội để được hòa giải với Thiên Chúa Cha. Vì vậy Đức Thánh Cha đã quyết định ban phép cho tất cả mọi linh mục, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, xá giải cho những ai đã phá thai, nhưng sám hối chân thành và xin ơn tha thứ. Các linh mục phải chuẩn bị mình cho nhiệm vụ cao cả này, và biết có các lời nói đơn sơ tiếp đón, với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và đề nghị một lộ trình hoán cải đích thật giúp tiếp nhận sự tha thứ đích thực và quảng đại của Thiên Chúa Cha, là Đấng canh tân mọi sự với sự hiện diện của Ngài.

Sau cùng Đức Thánh Cha cũng nhắc tới các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, lui tới các nhà thờ do các linh mục thuộc Huynh đoàn Pio X trông coi. Năm Thánh Lòng Thương Xót không loại trừ ai. Do đó, vì thiện ích của họ, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, ngài cũng cho phép họ có thể đến xưng tội với các linh mục của Huynh đoàn và nhận ơn tha thứ một cách giá trị và hợp pháp.

Với các chỉ dẫn và ý tưởng trên đây của Đức Thánh Cha, trong tháng 12 này, chúng ta hiệp ý với tín hữu Công Giáo toàn thế giới sốt sắng cầu xin cho tất cả mọi người có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không mệt mỏi thứ tha.

5. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục đừng khó tính

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục hãy luôn nhớ căn cội của mình, có đời sống nhân bản, an bình, vui tươi và có tinh thần phục vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 20-11 dành cho hàng trăm linh mục, chủng sinh và tu sinh tham dự hội nghị do Bộ giáo sĩ tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành hai sắc lệnh của Công đồng chung Vatican 2 về đời sống linh mục (Presbyterorum ordinis) và việc đào tạo linh mục (Optatam totius).

Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà đào tạo và chính các linh mục hãy nhớ đến lịch sử bản thân và của người thụ huấn, nhớ đến con người cụ thể được kêu gọi làm môn đệ và linh mục của Chúa, và luôn ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô là vị Tôn Sư duy nhất cần phải noi theo và trở nên đồng hình dạng với Ngài.

Đức Thánh Cha đề cao vai trò của gia đình, trường học, giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm bạn hữu, trong việc làm nảy sinh vun trồng ơn gọi cho các bạn trẻ.

Ngài cũng nêu bật một số đức tính của linh mục tốt và nhấn mạnh rằng “việc huấn luyện nhân bản là một điều cần thiết đối với các linh mục, để họ học cách không để cho mình bị những giới hạn thống trị, nhưng biết phát huy những tài năng của mình. Một linh mục cũng phải là một người an bình, biết tỏa lan sự thanh thản ra chung quanh mình, cả trong những lúc vất vả, thông truyền vẻ đẹp của quan hệ với Chúa. Một điều không bình thường, đó là một linh mục sầu muộn, khó tính, cáu kỉnh, hoặc có tính tình cứng cỏi; những thái độ như thế chẳng tốt cho linh mục, cũng như cho dân chúng”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các linh mục phải là những người phục vụ anh chị em mình. Những hình ảnh Chúa Kitô mà chúng ta lấy làm điểm tham chiếu cho sứ vụ linh mục thật là rõ ràng: Ngài là Linh Mục thượng phẩm, gần gũi Thiên Chúa, đồng thời gần gũi con người; là Người Tôi Tớ rửa chân và trở nên tha nhân của những người yếu thế nhất; là Mục Tử nhân lành luôn nhắm mục tiêu chăm sóc đoàn chiên”.

Đức Thánh Cha cũng ứng khẩu nhiều đoạn trong bài diễn văn. Đặc biệt ngài nhắc nhở sắc lệnh của Công đồng Trento buộc các giám mục phải ở trong giáo phận của mình vẫn còn hiệu lực. Ngài nói: “Có những giám mục thích đi đây đi đó thay vì chăm sóc giáo phận thuộc quyền. Nếu họ không cảm thấy cần ở lại thì tốt hơn họ nên từ chức”.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Một giám mục - cám ơn Chúa luôn bận rộn, nhưng nếu nhận được cú điện thoại của một linh mục, thì ít ra hãy nhắc ống nghe lên và làm cho linh mục ấy cảm thấy sự gần gũi của mình. Nhưng có những giám mục dường như xa lìa các linh mục”.

6. Đức Thánh Cha phê bình quan niệm duy lợi ích về con người

Đức Thánh Cha kêu gọi vượt thắng thứ văn hóa tiêu cực, chủ trương đón nhận hay loại bỏ con người theo tiêu chuẩn lợi ích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm 19 -11, dành cho 550 tham dự viên Hội nghị quốc tế lần thứ 30 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican với chủ đề “Nền văn hóa sức khỏe và đón tiếp phục vụ con người và trái đất”.

Hội nghị trùng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội đồng này của Tòa Thánh và 20 năm công bố Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” (Evangelium Vitae) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trong thông điệp này, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố cấu thành nền văn hóa sức khỏe, đó là: sự đón tiếp, thương xót, cảm thông và tha thứ. Đó là những thái độ Chúa Giêsu vẫn có đối với nhiều người túng quẫn đến gần Chúa mỗi ngày như các bệnh nhân nói chung, những người tội lỗi công khai, người bị quỷ á, bị gạt ra ngoài lề, người nghèo và ngoại kiều ...

Đức Thánh Cha cũng đề cao thái độ gần gũi tha nhân, vượt thắng mọi hàng rào quốc tịch, giai tầng xã hội, tôn giáo, như người Samaritano nhân lành trong dụ ngôn Phúc Âm dạy chúng ta. “Sự gần gũi đó cũng vượt thắng thứ văn hóa theo nghĩa tiêu cực, tại các nước giàu cũng như nước nghèo, chủ trương rằng con người chỉ được tiếp nhận hay phủ nhận theo các tiêu chuẩn duy lợi ích, đặc biệt là tùy theo họ có lợi ích về mặt xã hội hoặc kinh tế hay không.. Não trạng này giống như cái gọi là “y khoa theo ước muốn”: đây là một phong tục ngày càng phổ biến tại các nước giàu, theo đó người ta tìm cách kiện toàn thể lý bằng mọi giá, với ảo tưởng mãi mãi trẻ trung; đây là một phong tục đưa tới sự loại bỏ hoặc gạt ra ngoài lề những ai không có hiệu năng, những người bị coi là gánh nặng và gây phiền toái cho người khác”

7. Lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa

Các phương tiện truyền thông Italia cho rằng Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được tuyên thánh vào ngày 5 tháng Chín năm 2016, là ngày kỷ niệm Mẹ Têrêsa qua đời, hoặc vào ngày Chúa Nhật một ngày trước đó, tức là ngày 4 tháng Chín.

Tuy nhiên, cha Ciro Benedettini, Phó giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói với Thông tấn xã Công Giáo CNA rằng Bộ Tuyên Thánh chưa hoàn thành kịp các công việc cần thiết cho tiến trình tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa.

Vatican vẫn còn đang nghiên cứu một phép lạ đã được báo cáo theo đó nhờ sự cầu bầu của Mẹ Têrêsa một người đàn ông Brazil đã được chữa khỏi một khối u não ác tính.

Cho đến khi nào phép lạ chưa được chính thức phê duyệt, ngày tuyên thánh không thể được ấn định.

8. Đức Thánh Cha lo ngại về sự sa xút của Giáo Hội tại Đức

Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục Đức tìm phương thế đối phó tới tình trạng đời sống bí tích của Giáo Hội tại đây sa xút trầm trọng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu 20-11 dành cho 64 Giám Mục của 27 giáo phận tại Đức, về Rôma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Trong bài huấn dụ trao cho các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Giáo Hội Công Giáo tại Đức có rất nhiều hoạt động từ thiện, xã hội, giáo dục, nhưng cần làm sao bảo đảm đặc tính Công Giáo của các hoạt động và tổ chức này. Đàng khác người ta nhận thấy đặc biệt tại các vùng theo truyền thống là Công Giáo có sự sa xút rất nhiều trong sự tham dự thánh lễ Chúa Nhật và đời sống bí tích. Tại những nơi đó trong thập niên 1960, hầu như mọi tín hữu đều tham dự thánh lễ Chúa Nhật, nhưng ngày nay số tham dự chưa đến 10%.

Càng ngày các tín hữu càng ít lãnh nhận các bí tích. Bí tích Thống Hối hầu như biến mất. Càng ngày càng ít tín hữu Công Giáo lãnh nhận bí tích thêm sức và kết hôn theo phép đạo. Số ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến sa xút rõ rệt. Đứng trước những sự kiện ấy, người ta có thể nói thực sự có sự hao mòn đức tin Công Giáo tại Đức”.

Trong số các biện pháp cần thực hiện trước tình trạng ấy, trước tiên Đức Thánh Cha kêu gọi cần vượt thắng thái độ cam chịu làm tê liệt. Ngài nhắc đến tấm gương của hai tín hữu Công Giáo thiện nguyện, Priscilla và Aquilia, cộng sự viên trung thành của thánh Phaolô. Như một đôi vợ chồng, họ làm chứng tá bằng những lời đầy sức thuyết phục (Xc Cv 18,26), nhưng nhất là bằng đời sống của họ, minh chứng rằng chân lý dựa trên tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, thực là đáng tin.

Đức Thánh Cha viết: “Tấm gương của những tín hữu “thiện nguyện” ấy có thể làm cho chúng ta suy nghĩ, xét vì xu hướng ngày càng cơ chế hóa. Người ta luôn thiết lập những cơ chế mới mẻ, nhưng rồi thiếu các tín hữu cho các cơ chế ấy. Đó là một thứ chủ thuyết mới cậy dựa vào sức riêng mình (nuovo pelagianesimo) khiến chúng ta tin tưởng nơi các cơ chế hành chánh, các tổ chức hoàn hảo. Một sự tập trung thái quá, thay vì giúp đỡ, thì lại làm cho đời sống Giáo Hội và năng động truyền giáo của Giáo Hội trở nên phức tạp (E.G 32).

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều cấp thiết bây giờ là “hoán cải mục vụ”, nghĩa là làm sao để các “tất cả cơ chế của Giáo Hội có tính chất truyền giáo, .. việc mục vụ ở mọi cấp đều có tính chất cởi mở, đặt các nhân viên mục vụ trong thái độ “đi ra ngoài” và cổ võ sự đáp trả tích cực của những người mà Chúa Giêsu trao tặng tình bạn cho họ” (E.G. 27).

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các Giám Mục và nhân viên mục vụ trong Giáo Hội tại Đức hãy ở giữa dân với lòng nhiệt thành của những người đã đón nhận Tin Mừng trước tiên, tìm lại nguồn mạch tươi mát của Tin Mừng.. Ngài cũng kêu gọi các Giám Mục tháp tùng các phân khoa thần học Công Giáo ở Đức, giúp các giáo sư tái khám phá chiều kích Giáo Hội trong sứ mạng của họ. Lòng trung thành với Giáo Hội và Huấn quyền Hội Thánh không trái ngược với tự do nghiên cứu, nhưng đòi phải có một thái độ khiêm tốn, phục vụ các hồng ân của Thiên Chúa. Đặc biệt những người giáo dục và huấn luyện các thế hệ trẻ phải có cùng cảm thức với Giáo Hội.

9. Cử hành nghi thức kiểm soát chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh

Lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 17-11, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã chủ sự nghi thức kiểm soát để chuẩn bị mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 8-12 tới đây.

Sau lời nguyện, Đức Hồng Y Comastri đã hướng dẫn đoàn kinh sĩ của Đền Thờ Thánh Phêrô đến mặt sau của Cửa Năm Thánh ở bên trong Đền thờ. Sau lời huấn dụ của một vị trưởng nghi, 4 người thợ của Đền thờ đã dùng búa nhọn đục lỗ trong tường và lấy ra một hộp kim loại được gắn vào đó trong lúc đóng Cửa Đại Năm Thánh 2000, bên trong chứa đựng các Văn kiện của Năm Thánh liền trước đây, chìa khóa mở cửa Năm Thánh, các nắm cửa, văn kiện viết trên giấy da về việc đóng cửa Năm Thánh ngày 6-1-2001, các viên gạch và mềđai kỷ niệm.

Sau khi cầu nguyện trước Bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô, đoàn kinh sĩ đi rước vào phòng hội. Tại đây, hộp kim loại được mở ra bằng đèn xì. Hiện diện trong dịp này có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha. Đức ông đã tiếp nhận các văn kiện và đồ vật liên hệ tới cuộc kiểm soát chuẩn bị Cửa Năm Thánh”

10. Đức Hồng Y Kurt Koch: bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Satan

Phát biểu tại một hội nghị đại kết tại Đức, Đức Hồng Y Kurt Koch gọi bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một “tổ chức khủng bố của Satan”, Katholische Presseagentur cho biết như trên.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo, đã có cuộc gặp gỡ hôm 17 tháng 11 với 650 thành viên tổ chức cổ vũ đại kết Kitô Giáo Schwäbisch Gmünd. Đề cập đến điều ngài gọi là “đại kết bằng máu,” ngài cảnh báo rằng cuộc sống của các Kitô hữu đang bị đe dọa ở 25 quốc gia và thật là một “hiện tượng lạ” khi các phương tiện truyền thông cố tình lờ đi sự thật này.

11. Vatican chính thức truy tố 5 người về tội lấy cắp và phổ biến các tài liệu mật của Tòa Thánh

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Sáu, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Vatican chính thức buộc tội năm người lấy cắp và phổ biến bất hợp pháp các tài liệu và các thông tin nhạy cảm của Tòa Thánh, trong đó có cả hai nhà báo đã viết hai cuốn sách mới xuất bản, cùng với hai viên chức, và một thư ký cho những viên chức này.

Những người bị truy tố gồm hai nhà báo Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi, hai cựu viên chức là Đức Ông Lucio Vallejo Balda và bà Francesca Immacolata Chaouqui, cùng với người thư ký của Đức Ông là cô Nicola Maio.

Vallejo, Chaouqui, và Maio, bị buộc tội “tiết lộ các thông tin, và những tài liệu liên quan đến lợi ích căn bản của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican”, trong khi tất cả năm bị cáo bị buộc tội lấy cắp và lạm dụng các tài liệu Vatican.

Phiên tòa đầu tiên sẽ diễn ra ngày Thứ Ba 24 Tháng 11 vào lúc 10:30 sáng tại tòa án hình sự Vatican.

Hôm 17 tháng 11, Emiliano Fittipaldi, tác giả của một trong hai cuốn sách mới dựa trên các tài liệu bị rò rỉ từ Vatican, đã có cuộc gặp gỡ với các công tố viên Vatican nhưng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tại sao anh ta có được các tài liệu này.

Một nhà báo khác là Gianluigi Nuzzi, trước đó đã từ chối gặp các công tố viên. Gianluigi Nuzzi là tác giả cuốn sách có tựa đề: “Via Crucis” nghĩa là “Đàng Thánh Giá”, khi xuất bản bằng Anh ngữ thì lấy tựa đề giật gân hơn là “Merchants in the Temple” nghĩa là “Những con buôn trong đền thờ”.

Fittipaldi - tác giả cuốn Avarice, nghĩa là Hà Tiện - cho rằng luật pháp của Ý sẽ bảo vệ quyền của anh ta không tiết lộ nguồn cung cấp tin cho mình bí mật. Fittipaldi nói các công tố viên Vatican cho ông ta biết ông ta có thể đối diện với một án tù lên đến tám năm vì tội xuất bản trái phép các tài liệu mật. Tuy nhiên, ông ta cũng bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ Ý sẽ không giao ông ta cho Vatican truy tố.

Nhà báo người Ý này nói rằng nếu xui lắm thì ông ta thà đi tù chứ không chịu tiết lộ nguồn cung cấp tin cho mình. Ông nói rằng ông đã đồng ý gặp các quan chức Vatican chỉ để xem họ sẽ hỏi ông ta những câu hỏi gì mà thôi.

Trong tiến trình cải tổ giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đã cho mở một cuộc khảo sát nhằm cắt giảm các khoản chi tiêu ngõ hầu có thể sử dụng các nguồn tài nguyên của Tòa Thánh vào những mục đích có lợi nhất. Những tài liệu và những băng ghi âm những cuộc họp trong tiến trình khảo sát này bị một số thành viên trong ủy ban khảo sát này trong đó có linh mục Lucio Angel Vallejo Balda, và bà Francesca Chaouqui lấy cắp trao cho hai ký giả Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi.

12. Trước thềm chuyến tông du Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã trở thành vị Giáo Hoàng hiện đại đầu tiên đến Phi Châu vào năm 1969 và tuyên bố châu lục này một “quê hương mới” cho Chúa Giêsu Kitô. Trong triều đại giáo hoàng kéo dài một phần tư thế kỷ của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã đến 42 quốc gia châu Phi và được người dân châu lục này tặng cho biệt danh “Giáo Hoàng Phi Châu.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng từng thăm viếng châu Phi và gọi lục địa này là hy vọng của Giáo Hội. Trong những ngày sắp tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối truyền thống những người tiền nhiệm của ngài khi tông du một khu vực có số lượng ngày càng tăng những người Công Giáo, một khu vực được nhiều người đánh giá là một bức tường thành cho một Giáo Hội đang tìm cách mở rộng sự lôi cuốn của mình trong khi quyết liệt chống trả lại những thách thức từ chủ nghĩa thế tục, đến chủ nghĩa bài Công Giáo và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13/11, và cuộc tấn công sau đó tại Mali một tuần sau đó chắc chắn sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến đi kéo dài từ thứ Tư 25 tháng 11 cho đến 30 tháng 11 của Đức Thánh Cha tại Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Nhưng, đó cũng đồng thời là nguồn gốc gợi lên những âu lo cho an ninh của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đầy nguy hiểm này.

Mỗi một nước trong ba nước này đều có những câu chuyện riêng của họ về những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Ở Kenya, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đưa ra một lời khích lệ cho các Kitô hữu vẫn còn quay cuồng sau một cuộc tấn công hồi tháng Tư vừa qua của nhóm Hồi giáo al-Shabab, là những kẻ đã giết chết gần 150 người tại một trường đại học của Kenya nơi phần lớn sinh viên là Kitô hữu.

Cha Stephen Okello, một linh mục Công Giáo Kenya, nhận xét rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp cận với “những người vẫn còn rất sợ, những người đã từng bị khủng bố, những người ngày qua ngày đã và đang phải chịu rất nhiều phiền hà bởi cơ man những trạm kiểm soát an ninh và tất cả những tệ đoan xuất phát từ đó”. Cha Stephen cũng không quên nhắc lại những vụ bạo động sắc tộc trong cuộc bầu cử hồi năm 2007 gây ra cái chết của hơn 1,000 người tại Kenya.

“Người Kenya thực sự cần hòa giải,” cha Stephen, trong ban tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nói thêm. Trước tình trạng bạo lực lan tràn trong các khu vực khác, cha bày tỏ hy vọng lạc quan rằng “điều này có thể là một thông điệp tốt cho toàn bộ châu Phi”.

Jo-Renee Formicola, một chuyên gia và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Seton Hall ở Hoa Kỳ nhận định rằng thách thức đối với Đức Giáo Hoàng, là người đã mô tả bạo lực bùng lên tại Paris và các nơi khác như một phần của “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảng” là làm sao kêu gọi người dân “vượt lên trên con người của mình” chống lại cám dỗ chiều theo những thái độ cứng rắn, ăn miếng trả miếng.

“Làm thế nào để bạn hòa giải được giữa lòng thương xót và bạo lực tàn nhẫn của chiến tranh?” Formicola hỏi.

Bên cạnh những cuộc xung đột đẫm máu khắp đại lục này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được dự kiến sẽ động chạm đến những chủ đề thân thiết với trái tim mình, và được quan tâm rất lớn tại châu Phi, đó là chuyện nghèo đói và môi trường, cũng như nhu cầu đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo.

Bất chấp những thách thức, châu Phi là một nơi hứa hẹn cho Giáo Hội Công Giáo, trái ngược với châu Âu và châu Mỹ nơi Giáo Hội đang vất vả đương đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục và sự cạnh tranh quyết liệt của Tin Lành.

Tỷ lệ người Công Giáo châu Phi trong dân số Công Giáo thế giới đã tăng từ 7 phần trăm đến 16 phần trăm giữa năm 1980 và 2012, theo một báo cáo hồi đầu năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, một trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Georgetown ở Mỹ. Việc tăng dân số và kéo dài tuổi thọ sẽ làm tăng hơn gấp đôi số người Công Giáo tại Phi Châu với một con số lên đến 460,400,000 vào năm 2040.

Theo thống kê năm 2012, người Công Giáo chiếm 18.6 phần trăm dân số châu Phi. Đặc biệt, trong vùng cận sa mạc Sahara, bối cảnh của nhiều câu chuyện Hồi Giáo châu Phi, con số người Công Giáo đã lên đến 63%, theo một nghiên cứu của Pew Research Center.

Giáo Hội Công Giáo ở châu Phi cũng gặp phải những thách đố, bao gồm truyền thống tôn kính tổ tiên theo những cách thế không tương hợp với giáo lý Công Giáo, sự thịnh hành của chế độ đa thê vẫn đang được áp dụng ở một số vùng của châu Phi, và việc nhiều giáo phái Kitô khác cạnh tranh quyết liệt với Công Giáo qua những buổi cầu nguyện chữa lành. Có cả những trường hợp một số linh mục Công Giáo đã rời bỏ công việc mục vụ và thành lập các giáo đoàn trong đó hàng giáo sĩ không phải tuân giữ lời thề độc thân.

“Giáo Hội có nhiệm vụ củng cố niềm tin rằng gia đình một vợ một chồng là con đường phía trước,” Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigeria đã viết trong lời đề tựa cho cuốn sách “ Christ's New Homeland - Africa”, nghĩa là “Châu Phi – quê hương mới của Chúa Kitô”, một cuốn sách được xuất bản trong năm nay.

Đức Cha Barthelemy Adoukonou viết một chương trong cuốn sách này, trong đó ngài nói rằng Kitô giáo bị thách thức “không chỉ bởi một thứ Hồi giáo vũ trang cực đoan, mà còn bởi một nền văn minh phương Tây tục hoá, duy vật, duy khoái lạc, và duy hưởng thụ.”

13. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Hội đường Do thái ở Roma vào chiều Chúa Nhật 17-1- 2016.

Trong thông cáo công bố hôm 17-11, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo:

“Đáp lời mời của Rabbi Trưởng và Cộng đoàn Do thái ở Roma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến viếng thăm Đền thờ Lớn của Do thái chiều Chúa Nhật 17-1 năm 2016. Đây là cuộc viếng thăm thứ 3 của một vị Giáo Hoàng tại Đền thờ Lớn của Do thái ở Roma, sau cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16.

Cuộc viếng thăm có đặc tính như cuộc gặp gỡ riêng của Đức Giáo Hoàng với các đại diện Do thái giáo và các thành viên của Cộng đoàn. Chương trình chi tiết sẽ được công bố trong thời gian tới đây”

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đương kim diễn ra đúng 6 năm sau cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ngày 17-1-2010. Ngày 17-1 cũng là ngày đối thoại giữa Công Giáo và Do thái giáo.

14. Đức Thánh Cha viếng thăm Giáo Xứ Tin Lành Luther ở Roma

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther hãy xin lỗi nhau vì gương mù chia rẽ và nỗ lực tiến bước trên con đường hòa giải.

Ngài đưa ra kêu gọi trên đây trong cuộc viếng thăm dài một giờ 15 phút tại Nhà thờ giáo xứ Tin Lành Luther ở Roma từ lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật 15-11. Đây là lần thứ 3 một vị giáo hoàng đến thăm Giáo xứ này: Đức Gioan Phaolô 2 thăm hồi năm 1983, rồi Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 hồi năm 2010. Giáo xứ Tin Lành này có 500 tín hữu phần lớn nói tiếng Đức, trên tổng số 7 ngàn tín hữu Tin Lành Luther thuộc 15 cộng đoàn ở Italia.

Đức Thánh Cha đã được mục sư chánh sở Jens-Martin Kruse và mọi người đón tiếp nồng nhiệt khi đến đây. Ngài đã trả lời 3 câu hỏi do một em bé, và hai phụ nữ nêu lên: một bà có chồng là tín hữu Công Giáo và một bà là thủ quĩ một hội bác ái.

Trong buổi cầu nguyện sau đó, Đức Thánh Cha đã giảng sau bài đọc Tin Mừng. Ngài bỏ bài diễn văn đã dọn sẵn và ứng khẩu nói với mọi người, nhấn mạnh đến phép rửa chung sẽ các tín hữu Kitô: Công Giáo và Luther, và nói:

“Chúng ta, các tín hữu Luther và Công Giáo đã có những thời kỳ khó khăn giữa chúng ta.. Tôi nghĩ đến các cuộc bách hại giữa chúng ta là những người có cùng một phép rửa.. Chúng ta cần xin lỗi nhau vì gương xấu chia rẽ như thế.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Tất cả chúng ta, tín hữu Luther và Công Giáo, chúng ta chỉ có chọn lựa này, đó là chọn lựa phục vụ, là tôi tớ của Chúa. Chúng ta cần phải trở nên những người phục vụ tình hiệp nhất, đồng hành và cộng tác với nhau để giúp đỡ người nghèo.. Có nhiều đạo lý khác nhau giữa Luther và Công Giáo, nay giờ của những khác biệt hòa giải đã tới”.

Trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, mọi người đã cầu nguyện cho các nạn nhân những vụ khủng bố ở Paris tối thứ sáu 13-11 vừa qua. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến biến cố khủng bố ấy và nói: “Đó là một sự chọn lựa xấu xa của những người có con tim khép kín, chúng ta thấy thảm trạng đó ngày nay”

15. Cây thông Giáng Sinh tại Vatican sẽ được khai mạc sớm hơn

Cây thông Giáng sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm nay, thay vì chờ đợi cho đến khi gần đến Giáng sinh như mọi năm.

Trong một thông báo được đưa ra hôm 17 tháng 11, Phủ Thống Đốc cho biết cây thông Giáng Sinh từ miền Bavaria được đưa đến Vatican vào ngày thứ Tư 18 tháng 11 thay vì vào đầu tháng 12 như các năm trước.

Ngày 08 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, sẽ là ngày khai mạc Năm Thánh. Nhân dịp này sẽ có đông đảo các tín hữu và khách hành hương có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô nên Phủ Thống Đốc sẽ khai mạc cây Giáng sinh vào ngày hôm đó.

Trong một diễn biến có liên quan, chính phủ Ý đã ra lệnh cấm các loại máy bay không người lái trên bầu trời Rôma trong suốt Năm Thánh, để đề phòng bọn khủng bố tấn công bằng đường hàng không.

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã công bố lệnh cấm trên sau các cuộc tấn công làm thiệt mạng ít nhất 129 người tại Paris. Ông nói rằng chính phủ Italia đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là khi có sự tập trung cao độ của dân chúng tại Rôma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, bắt đầu từ 8 tháng Mười Hai đến 30 tháng 11 năm tới.

Ông nói: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến nguy cơ của một cuộc tấn công từ trên không, sử dụng những chiếc máy bay không người lái”.

16. Đức Thánh Cha tiếp 7,000 tham dự viên Hội nghị Giáo Dục

Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà giáo dục hãy đến các “khu ngoại ô” của cuộc sống và giúp người trẻ tăng trưởng trong tình người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến trưa ngày 21-11-2015 dành cho 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về giáo dục, do Bộ Giáo Dục Công Giáo tổ chức từ ngày 18 đến 21-11-2015 tại Vatican và Castel Gandolfo về chủ đề: “Giáo dục ngày nay và ngày mai. Canh tân niềm hăng say”.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn của Công Đồng chung Vatican 2 về nền Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis), và kỷ niệm 25 năm Tông hiến “Ex Corde Ecclesiae” (Từ con tim Giáo Hội), do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ban hành. Hội nghị nhắm củng cố quyết tâm của Giáo Hội trong việc giáo dục và đáp ứng nhiều thách đố đang được đề ra cho sứ mạng giáo dục.

Trong số các tham dự viên hiện tại tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 có 50 HY và Giám Mục, đông đảo các linh mục, tu huynh và nữ tu, giáo dân hoạt động trong lãnh vực giáo dục Công Giáo.

Đầu buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha và mọi người đã nghe những chứng từ cảm động về các hoạt động giáo dục đa ngành, dấu chỉ sự hiện diện của Giáo Hội trong mọi góc trời, tìm cách thăng tiến phẩm giá con người, đối thoại và văn hóa, qua các tổ chức Giáo Dục Công Giáo.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên.

Ngài nhấn mạnh một điều thiếu sót tại nhiều nơi trong ngành giáo dục ngày nay là sự thiếu chiều kích siêu việt. Đức Thánh Cha nói: “Đối với tôi, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành giáo dục, để lãnh vực này có chiều kích Kitô, đó là sự khép kín đối với siêu việt. Với xu hướng của chủ thuyết tân thực nghiệm, chúng ta khép kín đối với siêu việt. Cần chuẩn bị các tâm hồn để Chúa biểu lộ trọn vẹn, trong chiều kích nhân tính và cả chiều kích siêu việt”.

Nhưng Đức Thánh Cha cảnh giác rằng đừng bao giờ có những hành động “chiêu dụ tín đồ” (prosélytisme) trong giáo dục: “Giáo dục theo tinh thần Kitô không có nghĩa là dạy giáo lý hoặc chiêu dụ người khác theo đạo, nhưng là giúp người trẻ tiến bước trong mọi giá trị nhân bản, và điều này phải bao hàm cả chiều kích siêu việt”.

Đức Thánh Cha chống lại xu hướng “ưu tuyển” trong ngành giáo dục: chỉ có những người có trình độ nào đó mới được quyền hưởng một nền giáo dục. Đó là một thực tại đáng tủi hổ trên thế giới, sự tuyển lựa này làm cho con người xa cách nhau thay vì giúp họ xích lại gần nhau: người giàu và người nghèo, các các nền văn hóa với nhau.. thế giới không thể tiến triển với một nền giáo dục quá tuyển lựa; giáo dục trong khuôn khổ những bức tường của một nền văn hóa tuyển chọn”